Tập 99/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 03-003-0289

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 99

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm tám mươi lăm:

          (Sớ) Xứng lý, tắc tự tánh giác, thị Phật nghĩa; tự tánh giác vô lượng, thị A Di Đà nghĩa; tự tánh Bổn Thỉ nhị giác, thị lưỡng độ quả nhân nghĩa; tự tánh giác thể biến chiếu, thị thuyết kinh nghĩa. Hậu giai lệ thử.

          ()稱理,則自性覺,是佛義;自性覺無量,是阿彌陀義;自性本始二覺,是兩土果人義;自性覺體遍照,是說經義。後皆例此。

          (Sớ: Xứng Lý thì tự tánh giác là ý nghĩa của chữ Phật. Tự tánh giác vô lượng là nghĩa của A Di Đà. Bổn Giác và Thỉ Giác trong tự tánh là ý nghĩa người đã chứng quả trong hai cõi. Thể của tự tánh giác chiếu khắp là ý nghĩa “nói kinh”. Những điều sau đó cứ dựa theo đấy [mà suy ra ý nghĩa]).

           Đoạn văn này khá quan trọng. Cổ nhân thường dạy chúng ta, nghe kinh phải “tiêu quy tự tánh”, tu hành phải “chuyển Thức thành Trí”, dạy chúng ta hai cương lãnh trọng yếu ấy. Chúng ta tu học đến rốt ráo sẽ đạt được gì, mấu chốt ở ngay trong hai câu này. Liên Trì đại sư viết tác phẩm chú giải này, mỗi đoạn văn đều tiêu quy tự tánh; những bản chú giải khác dẫu có, cũng chẳng nêu bày rõ rệt dường ấy. Đây là nêu gương nhằm dạy chúng ta một phương pháp học tập.

          Do vậy, Phật pháp cầu từ nơi đâu? Phải cầu từ tự tánh, đấy mới là Phật pháp chân chánh, Phật pháp chẳng ở bên ngoài. Kinh văn là bên ngoài, là ngôn thuyết, đức Phật đã tỷ dụ, kinh Lăng Nghiêm ghi “do như chỉ nguyệt” (giống như ngón tay chỉ mặt trăng), ngón tay ấy là ngôn giáo của đức Phật, hết thảy kinh điển đều là ngón tay để chỉ điều gì? Chỉ vầng trăng, mục đích nhằm dạy quý vị hãy nhìn vầng trăng, chớ nên nhìn ngón tay. Nhìn ngón tay là trật mất rồi, ngỡ ngón tay là mặt trăng, lầm lẫn quá đỗi! Do ngón tay ấy, quý vị bèn thấy vầng trăng, vầng trăng tượng trưng tự tánh. Vì thế, đoạn xứng tánh này nhằm giảng về tự tánh, nhắc nhở chúng ta học Phật phải học theo cách như thế ấy. Đoạn này nhằm giảng tựa đề kinh, tức là [giảng giải] Phật Thuyết A Di Đà Kinh, làm thế nào để biến Phật Thuyết A Di Đà thành tự tánh của chính mình thì quý vị mới thật sự đạt được. Đạt được điều gì vậy? Minh tâm kiến tánh, tức là những gì do tự tánh lưu lộ và những điều Phật đã giảng chẳng khác nhau.

          “Phật”“tự tánh giác”. Trong Đàn Kinh, Lục Tổ đại sư đã giảng cương lãnh tu hành. Tuy Ngài thuộc Thiền Tông, nhưng nói đến cương lãnh tu hành trên thực tế cũng có tầng lớp, Ngài giảng năm tầng lớp. Đầu tiên Ngài nói đến “Nhất Thể Tam Bảo”, đây là điều những kẻ học Phật chúng ta mong cầu. Đối với cương lãnh tu học, lão nhân gia nêu ra Tam Quy. Tam Quy của Ngài chẳng phải là “quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng”, mà là “quy y Giác, quy y Chánh, quy y Tịnh”, nói rõ ràng; những câu này thuần túy nói về Tự Tánh Tam Bảo. Thật ra, ý nghĩa của “Phật, Pháp, Tăng” viên mãn hơn “Giác, Chánh, Tịnh”, vì Phật – Pháp – Tăng Tam Bảo, có thể giảng là Nhất Thể Tam Bảo, mà cũng có thể giảng là Biệt Tướng Tam Bảo, hoặc có thể giảng là Trụ Trì Tam Bảo, đều có thể nói như thế, ý nghĩa viên mãn đều được bao gồm trong ấy. Tôi nghĩ, Thiền Tông nói “giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm” (truyền riêng ngoài Giáo, chỉ thẳng tâm người), Ngài trực tiếp chỉ rõ “Giác, Chánh, Tịnh” trong tự tánh là Tam Bảo, là chỗ quy y chân thật của chúng ta. Cách giảng này chẳng hàm hồ chút nào, mà rõ rệt, minh bạch. Giáo Hạ cũng không ra ngoài lệ ấy, hết thảy đều lấy Tự Tánh Tam Bảo làm chỗ quy y chân thật cho chúng ta. Ở đây, [Liên Trì đại sư dạy]: “Xứng Lý, tắc tự tánh giác thị Phật nghĩa” (Tương xứng với Lý, tự tánh giác là ý nghĩa của chữ Phật).

           Kinh Kim Cang nói: Nếu quý vị cầu Phật nơi sắc tướng, hoặc cầu Phật nơi âm thanh, sẽ là “thị nhân hành tà đạo” (người ấy hành tà đạo). Sắc tướng là gì? Quý vị nghĩ ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp của đức Phật chính là Phật, sai rồi! Cầu nơi âm thanh: Thuở ấy, đức Phật thuyết pháp, âm thanh bao gồm kinh điển nhà Phật. Cầu từ nơi kinh điển, cầu từ lời thuyết pháp thì có thể cầu Phật được hay không? Chẳng cầu được, vì sao? Cầu pháp ngoài tâm! Sắc tướng và âm thanh đều là lục trần bên ngoài, trong ấy đâu có Tam Bảo? Vì thế, nhất định phải biết quay đầu. Nói tới Phật là nói tới vị Phật trong tự tánh của chúng ta thì bản thân quý vị mới thật sự được thụ dụng. Nếu quý vị nghĩ “ở ngoài tâm ta thật sự có một đức Phật đang thuyết pháp”, chính mình thì sao? Chẳng phải là chính mình biến thành ma ư? Nhất định phải biết: Tự và Tha chẳng hai, Tánh và Tướng như một, đức Phật trong tâm của chính mình thuyết pháp cho chính mình, thuyết pháp nhằm đánh thức tự tánh giác của chúng ta thì mới hòng đạt được mục đích. Do vậy, nhất định phải nhận biết rõ ràng ý nghĩa chữ Phật, quyết định chẳng nói tới ai khác, mà là nói đến tự tánh giác.

          Tự tánh vốn là giác, nay chúng ta đang mê, có đúng là thật sự mê hay không? Chẳng thật sự mê! Nếu tự tánh bị mê, sẽ chẳng thể nói nó là thật, vì sao? Phật pháp nói đến “Chân” thì định nghĩa của Chân là “vĩnh viễn không thay đổi, vĩnh viễn bất diệt, vĩnh viễn chẳng biến đổi”, đấy mới là Chân. Nếu tự tánh có mê hay ngộ, tức là nó bị biến đổi; bị biến đổi sẽ chẳng thể gọi là tự tánh! Bị biến đổi sẽ chẳng thể gọi là Giác. Trong các kinh Hoa Nghiêm và Viên Giác, đức Phật nói: “Hết thảy chúng sanh vốn thành Phật”, chẳng sai! Vốn đã thành Phật! Hiện thời có đúng là Phật hay chăng? Đúng là Phật. Có khác với Thích Ca Mâu Ni Phật và A Di Đà Phật hay không? Chẳng sai biệt! Một tí sai biệt cũng chẳng có! Nhìn từ chỗ nào mà thấy chẳng sai biệt? Nhìn từ tự tánh “Giác, Chánh, Tịnh”, quả thật chẳng sai biệt. Sai biệt ở chỗ nào? Sai biệt là do bản thân chúng ta chẳng nhận biết chính mình, vấn đề ở chỗ này, đó gọi là “mê”.

          Tự tánh của chúng ta có mê hay không? Tự tánh chẳng mê. Chẳng mê mà nói là mê, cái mê ấy là giả lập, chẳng thật! Chư vị phải hiểu, Phật pháp nói theo kiểu như vậy hết sức nhiều! Đó gọi là “phương tiện thuyết”. Vì sao nói tự tánh của chúng ta chẳng mê? Nếu quý vị đọc kỹ kinh Lăng Nghiêm, sẽ hiểu rõ. Thường nói: “Khai huệ Lăng Nghiêm”, [học tập kinh Lăng Nghiêm sẽ] khai trí huệ, “thành Phật Pháp Hoa”, kinh Pháp Hoa nói về sự thành Phật triệt để và viên mãn nhất. Trong phần Thập Phiên Hiển Kiến (mười phen chỉ tánh Thấy) của kinh Lăng Nghiêm, Thích Ca Mâu Ni Phật đã nêu một thí dụ nhằm chỉ ra căn tánh của sáu căn là giác tánh; nói tới, nói lui nhằm giảng rõ tánh Thấy của chúng ta bất sanh, bất diệt, chẳng đến, chẳng đi, giảng rõ [tánh Thấy là] chân tâm thường trụ. Niệm thứ nhất, chúng ta mở banh mắt nhìn cảnh giới bên ngoài, đấy là thấy bằng tánh Thấy trong giác tánh, vì sao? Chúng ta chẳng phân biệt, chấp trước, cũng không ghi giữ ấn tượng. Chẳng khởi phân biệt, chẳng chấp trước, chẳng giữ lại ấn tượng, có thấy hay không? Đương nhiên là có thấy, lại còn thấy thứ gì cũng rõ ràng, minh bạch, đó là thấy bằng tánh Thấy; nhưng qua niệm đầu thứ hai bèn trật, niệm thứ hai có phân biệt, có chấp trước!

          Chẳng hạn như chúng ta vừa thấy một vật rõ ràng, chẳng phân biệt; niệm thứ hai bèn: “Đây là một quyển sách”, mê rồi! Vì sao? Nó chẳng có tên, quý vị đặt tên cho nó, trật mất rồi! Cổ đại đức Trung Quốc đã hiểu: “Danh khả danh, phi thường danh”. Nó chẳng có tên, đấy là quý vị thấy diện mục sẵn có của nó. Thêm vào một cái tên, sẽ chẳng còn là diện mục sẵn có nữa! Nếu lại chấp: “Đây nhất định là sách, chắc chắn chẳng sai!”, thêm chấp trước vào, đã trật lại càng trật hơn! Mê pháp như thế đó; đấy gọi là “mê tình”. Mê là gì? Phân biệt, chấp trước, giữ ấn tượng; đó gọi là “tâm ý thức”. Ghi ấn tượng trong A Lại Da, thức thứ bảy chấp trước, thức thứ sáu phân biệt. Tôi vừa mới nói, tu hành phải chuyển Thức thành Trí. Quý vị chuyển biến thức thứ sáu, thức thứ bảy và thức thứ tám, đó gọi là tự tánh giác. Đối với tự tánh giác, nhằm nói cho tiện, bèn dùng thức thứ tám để nói, chúng ta gọi thức thứ tám [khi đã chuyển thành trí] là Đại Viên Kính Trí (Ādarsha-jñāna); thức thứ bảy được gọi là Bình Đẳng Tánh Trí (Samatā-jñāna); thức thứ sáu gọi là Diệu Quán Sát Trí (Pratyaveksanā-jñāna). Cách chuyển ra sao? Nói thật ra, trong hết thảy cảnh giới, lục căn tiếp xúc lục trần, chỉ cần quý vị chẳng phân biệt, không dùng tới phân biệt, bèn chuyển thức thứ sáu thành Diệu Quán Sát Trí. Vì vậy, chúng ta vừa nhìn, chẳng có tí phân biệt, chấp trước nào, đó là Diệu Quán Sát. Vì sao? Dùng tánh Thấy để thấy!

          Chẳng có tí chấp trước nào tức là tánh bình đẳng. Quý vị phải hiểu: Có chấp trước nên mới có bất bình đẳng; chẳng chấp trước, vạn pháp sẽ bình đẳng. Tập khí phân biệt và chấp trước của chúng ta quá nặng, quý vị thấy trẻ nhỏ vẫn chưa biết phân biệt, chấp trước gì! Người khác cho nó uống nước đường, nó uống ngon lành; nó bốc phân của chính mình, ăn vào cũng thấy rất thơm. Vì sao? Nó chẳng có phân biệt. Nếu nó phân biệt, sẽ chẳng bao giờ ăn phân nữa, vì sao? Bổn Giác mê rồi, do mê nên có phân biệt. Lúc chẳng mê, nó chẳng phân biệt, hết thảy đều là bình đẳng, chẳng có đẹp, xấu, chẳng có ưa, ghét. Sâu hơn một tầng nữa, chẳng giữ lại ấn tượng, tâm địa vĩnh viễn thanh tịnh, đó gọi là “chuyển Thức thành Trí”. Nếu quý vị hỏi chuyển theo cách nào thì cách chuyển như vậy đó. Quý vị phân biệt, chấp trước, giữ ấn tượng rất sâu, sẽ rất phiền phức, đó là chướng ngại rất lớn đối với tu hành. Do vậy, thật sự dụng công là khi lục căn tiếp xúc cảnh giới lục trần, phân biệt, chấp trước, giữ lại ấn tượng càng ngày càng phải giảm thiểu, nhạt bớt. Như vậy mới là tốt, mới có thể khôi phục tự tánh giác.

          “Tự tánh giác vô lượng thị A Di Đà nghĩa” (tự tánh giác vô lượng là ý nghĩa của A Di Đà), tự tánh giác quả thật vô lượng, nó có công năng vô lượng. Hết thảy cảnh giới vô lượng, vô biên, nên đối tượng nhận biết là vô lượng vô biên, chúng được gọi là “y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới”, không gì chẳng giác. Công năng của giác tánh cũng là vô lượng, đó là ý nghĩa của A Di Đà. A Di Đà là tiếng Phạn, A là Vô, Di Đà là Lượng, Phật là Giác. A Di Đà Phật dịch trọn vẹn là Vô Lượng Giác. Tự tánh giác, bất luận năng giác hay sở giác đều là vô lượng vô biên.

          “Tự tánh Bổn Thỉ nhị giác thị lưỡng độ quả nhân nghĩa” (Bổn Giác và Thỉ Giác trong tự tánh là ý nghĩa của người chứng quả trong hai cõi). Bổn Giác là đối với Thỉ Giác mà nói. Thỉ Giác và Bổn Giác tương đồng, vì sao có Thỉ Giác? Vì chúng sanh lúc mê bèn bất giác. Tuy bất giác, Bổn Giác vẫn khởi tác dụng y như cũ. Bất giác là chẳng giác Bổn Giác, chẳng biết chính mình có Bổn Giác, đó gọi là mê, là bất giác. Trong Khởi Tín Luận, Mã Minh Bồ Tát đã nói rất rõ ràng: “Do bất giác, nên mới kiến lập Thỉ Giác”. Nay quý vị bắt đầu giác ngộ. Trong câu “lưỡng độ quả nhân nghĩa”, “quả nhân” (người đã chứng quả) là Phật, coi A Di Đà Phật như Bổn Giác, Bổn Giác của ai? Bổn Giác trong tự tánh của chúng ta. Coi Thích Ca Mâu Ni Phật như Thỉ Giác trong tự tánh của chúng ta, có đúng hay không? Đúng! Nếu Thích Ca Mâu Ni Phật chẳng thuyết pháp, làm sao chúng ta biết chính mình có Bổn Giác, có tự tánh giác? Chúng ta chẳng biết, chưa hề biết. Nhờ Thích Ca Mâu Ni Phật thuyết pháp, chúng ta mới giác ngộ, suy nghĩ, nhận thấy tự tánh của chính mình quả thật là giác. Trong niệm thứ nhất, chúng ta thấy sắc, ngửi hương, chẳng khởi tâm, động niệm, đích xác là giác tánh, tức là tự tánh giác của chúng ta khởi tác dụng; niệm thứ hai vẫn là tự tánh giác khởi tác dụng. Nếu tự tánh giác chẳng khởi tác dụng, quý vị hãy nghĩ xem, tám thức do đâu mà có? Nói cách khác, khởi tâm, động niệm, phân biệt, chấp trước, cũng do tự tánh giác khởi tác dụng.

          Trong tác dụng ấy, chia ra mê và ngộ. Mê gọi là phàm phu, mê là đối với hết thảy tác dụng đều hoàn toàn không biết, đấy là phàm phu. Nếu hiểu rõ ràng hết thảy các tác dụng, sẽ là Bồ Tát. Chẳng hạn như kinh được mở đầu bằng “như thị ngã văn”, chúng ta hỏi: Ngài có phân biệt hay không? Có chấp trước hay không? Nếu Ngài chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, cớ sao Ngài nói “ta”? Nếu Ngài đã nói có ta, đương nhiên là có quý vị, có kẻ khác. Đấy là có phân biệt, có chấp trước; nhưng Ngài vẫn hiểu rõ ràng, chẳng mê, chẳng mê tức là ngộ. Do vậy, Ngài nói “ta”, chẳng trở ngại Sự, vì sao? Ngài chẳng chấp ngã! Chúng ta nói “ta” bèn chấp ngã, ta chẳng phải là ngươi, ngươi chẳng phải là kẻ khác, đúng là như vậy đó! Miệng Ngài nói “ta”, trong tâm Ngài bình đẳng, chẳng có phân biệt, chấp trước. Vì thế, nói chính là không nói, phân biệt là chẳng phân biệt, chẳng phân biệt là phân biệt, đồng thời! Phân biệt là do tùy thuận chúng sanh mà phân biệt, chính mình quả thật chẳng phân biệt, chẳng chấp trước. Do vậy, bản thân Ngài quả thật đã sử dụng tự tánh giác, sử dụng căn tánh của sáu căn, trọn chẳng dùng tám thức, nhưng biểu lộ ra ngoài thành tám thức, phân biệt, chấp trước, chẳng khác gì chúng ta. Đấy gọi là “tùy thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức”. Quý vị phân biệt ra sao, tôi phân biệt theo quý vị [như thế ấy]. Quý vị chấp trước như thế nào, tôi chấp trước theo quý vị [như thế đó]. Hết thảy đều thuận theo chúng sanh, chính mình quả thật chẳng có [phân biệt, chấp trước], Phật, Bồ Tát là như vậy đó! Phàm phu chúng ta [bề ngoài] phân biệt, chấp trước, trong tâm thật sự có phân biệt, thật sự có chấp trước, nên gọi là phàm phu. Vì thế, nhìn bề ngoài, Phật, Bồ Tát và phàm phu chẳng khác nhau, nhưng bên trong hoàn toàn không giống nhau. Ngộ là bên trong chẳng có [phân biệt, chấp trước, vọng tưởng], bên trong thật sự là “giác, chánh, tịnh”. Kẻ mê hoặc, bên ngoài và bên trong giống hệt nhau! Bên ngoài có phân biệt, bên trong thật sự phân biệt; bên ngoài chấp trước, trong tâm cũng thật sự có chấp trước, đó là mê.

          Từ chỗ này, chúng ta hiểu một chuyện, công đức niệm Phật chẳng thể nghĩ bàn, vì sao? Cái tâm năng niệm của chúng ta là Thỉ Giác, đức Phật được niệm, tức là A Di Đà Phật được ta niệm, chính là Bổn Giác. Chúng ta phát tâm niệm một câu A Di Đà Phật, tức là Bổn Giác và Thỉ Giác trong tự tánh. Người biết đến Lý này và sự thật này chẳng nhiều! Vì thế, pháp môn Niệm Phật thành tựu chẳng thể nghĩ bàn. Quý vị nghĩ xem, pháp môn nào thành tựu thù thắng như pháp môn Niệm Phật? Điều này bày ra ngay trước mặt chúng ta. Phật pháp thường nói “tam chuyển pháp luân”:

– Thị Chuyển: Thị (示) là khai thị, giảng cho quý vị nghe. Người căn tánh bậc thượng vừa nghe liền tin tưởng, hiểu rõ.

– Loại người thứ hai cần phải khuyên. Phải vất vả khuyên lơn thì kẻ ấy mới tin tưởng, đó là loại người thứ hai. [Điều này gọi là Khuyến Chuyển].

– Còn có một hạng người, khuyên họ, họ cũng chẳng tin, người ấy phải thật sự trông thấy sự thật thì mới tin tưởng. Do vậy, đối với loại thứ ba phải thực hiện Chứng Chuyển, [tức là] nêu ra bằng chứng cho người ấy thấy, người ấy mới tin tưởng. Nêu ra chứng cứ cho kẻ ấy thấy mà kẻ ấy vẫn chẳng tin thì không có cách nào hết! Phật cũng chẳng có cách nào độ kẻ ấy!

          Pháp  môn  Niệm  Phật có chứng cớ rất nhiều.  [Hành nhân niệm

Phật] biết trước lúc mất, tự tại vãng sanh rất nhiều. Chúng tôi chính mắt trông thấy, tự mình nghe thấy, quyết định chẳng phải là giả, rất ư là nhiều! Đã Chứng Chuyển mà vẫn chẳng tin thì kẻ ấy nghiệp chướng quá nặng! Cứ thong thả, chẳng biết là đời nào, kiếp nào, người ấy mới có thể đắc độ. Cam lão cư sĩ ở Cựu Kim Sơn (San Francisco) có kể cho tôi nghe chuyện một người thân thích của cụ, cũng là một bà cụ, lúc niệm Phật vãng sanh bèn ngồi xếp bằng, biết trước lúc mất. Cụ biết trước lúc mất ra sao? Cụ mất trong đêm, sáng ngày hôm sau, người nhà phát hiện bà cụ ngồi xếp bằng trên giường, đã vãng sanh. Từng bộ tang phục của mỗi người trong nhà đều xếp sẵn trước giường,  cụ đã may sẵn từ lâu rồi.

Cụ biết sẽ đi lúc nào, đó là chuyện thật, chẳng giả!

          Pháp sư Sướng Hoài ở Hương Cảng nói người độ thầy ấy là một vị lão cư sĩ. Sư trông thấy [chuyện ấy] mới niệm Phật, Sư thuộc loại người thứ ba. Sư là học trò của cụ Đàm Hư. Cụ Đàm Hư kể bao nhiêu chuyện, Sư chẳng tin, ắt phải chính mắt trông thấy một trường hợp mới tin tưởng. Năm trước, pháp sư kể với tôi: Vị lão cư sĩ ấy thường đến Đồ Thư Quán của Sư mượn kinh. Sư thấy vị lão cư sĩ ấy vãng sanh, mới tin tưởng niệm Phật, nay Sư niệm A Di Đà Phật chẳng hoài nghi. Kể ra cũng khá lắm, vẫn có thể đắc độ. Vị lão cư sĩ ấy họ Âu Dương, tám mươi mấy tuổi. Trước đây từng làm quan; sau này, chánh phủ [Trung Hoa Dân Quốc] dời sang Đài Loan, cụ sang Hương Cảng ở với con gái. Con gái chẳng hiếu thuận, cụ chẳng mong nhờ cậy được gì, chỉ đành niệm Phật, chỉ đành cầu Phật, phải tự mình lo toan mọi điều trong cuộc sống. Lúc cụ sắp vãng sanh, cụ nói với pháp sư Sướng Hoài, [tức là] lúc cụ mượn Đại Tạng Kinh về xem, có nói cụ sắp ra đi, đem kỳ hạn nói với Sư: Ngày Hai Mươi Hai tháng Chạp sẽ ra đi. Pháp sư Sướng Hoài ghi nhớ rất rõ ràng. Lúc cụ nói lời ấy là ngày mồng Một tháng Chạp, tức là đã nói với Sư ba tuần trước khi vãng sanh, bảo Sư ngày Hai Mươi Hai sai người đến nhà cụ lấy Đại Tạng Kinh về, vì cụ chẳng thể đem trả được, cụ phải ra đi. Pháp sư Sướng Hoài nghe nói vậy, sửng sốt, “đi” là vãng sanh ư? Coi bộ không giống, chẳng tin được, thôi kệ như thế nào đi nữa, cứ ghi ngày giờ lên phiếu ghi nhớ, tới hôm Hai Mươi Hai, sai người đến nhà cụ lấy kinh về là được rồi!

          Tới hôm ấy, Sư sai người đến lấy kinh về. [Người ấy] đến nhà cụ, lão tiên sinh còn đang xem kinh. Thấy nhân viên từ Đồ Thư Quán đến, cụ hỏi anh ta: “Cháu đến làm gì?” Anh ta thưa: “Chẳng phải là lão nhân gia bảo hôm nay đến lấy kinh về đó sao?” Lão nhân gia bảo: “Đúng thế, tôi bảo anh hôm nay đến lấy, chứ đâu có bảo anh đến trong lúc này, tôi vẫn còn đang xem mà!” Người trẻ tuổi đương nhiên cũng chẳng muốn đôi co với cụ già, cũng tôn trọng cụ, quay về. Hai hôm sau, đến nhà cụ, người nhà cho biết: “Lão tiên sinh đã vãng sanh”. Anh ta hỏi: “Khi nào?” “Hai tiếng đồng hồ sau khi anh trở về”. Anh ta hỏi: “Cụ mất như thế nào?” “Ngay trong lúc đang ngồi bó gối xem kinh”. Đi như vậy đó. Tiêu sái, thật sự tự tại! Khi pháp sư Sướng Hoài tới đó thấy vậy, chẳng nói năng gì, trở về nhà niệm Phật.

          Thiên Thai Tinh Xá của pháp sư Sướng Hoài, đại điện thờ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, hai bên là tôn giả Ca Diếp và A Nan, bình thường Sư luôn niệm Nam-mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, chẳng niệm A Di Đà Phật. Tôi đến thăm tinh xá của Sư, Sư dùng một bức hình Tây Phương Tam Thánh do chúng ta in, lấy băng keo trong dán lên lồng kiếng của tượng Phật. Sư nói: “Nay tôi tin tưởng, nhưng nhất thời không tìm được tượng Phật, xảy ra chuyện mới ôm chân Phật, niệm A Di Đà Phật”, chuyện này là thật, chẳng giả. Do vậy, Sư nói vị lão tiên sinh ấy đã độ Sư! Sư bảo: “Vị lão tiên sinh ấy nhất định là Bồ Tát hóa thân đến độ tôi. Nếu chẳng làm cho tôi đích thân trông thấy, tôi vẫn chẳng niệm A Di Đà Phật”. Chuyện này là chuyện thật! Có lần tôi ở Tân Gia Ba, ở Tân Gia Ba cũng có một bà cụ biết trước lúc vãng sanh. Vì thế, trong thời đại hiện tại, chúng ta thấy [các trường hợp] niệm Phật vãng sanh vẫn nhiều dường ấy. Hơn nữa, lại có nhiều trường hợp vãng sanh tướng lành hết sức tốt đẹp, quá nửa là những kẻ chẳng biết chữ! Bà cụ làng Tướng Quân ở Đài Nam chỉ niệm Phật ba năm, bèn biết trước lúc mất, đứng mất.

          Các vị hãy nghĩ xem, pháp môn nào thù thắng như vậy? Người ta không biết bí mật trong một câu Phật hiệu này, bí mật ấy chính là Thỉ Giác hợp với Bổn Giác, tâm năng niệm là Thỉ Giác, Phật hiệu được niệm là Bổn Giác; Thỉ Giác và Bổn Giác chẳng hai, Thỉ Giác và Bổn Giác tương ứng. Do vậy, công đức của niệm Phật không chỉ có thể chế phục Kiến Tư phiền não, mà đồng thời còn có thể phá Trần Sa và Vô Minh. Thông thường, tu hành phá phiền não, đoạn Kiến Tư trước, rồi mới đoạn Trần Sa, rồi lại phá Vô Minh, theo thứ tự; còn niệm Phật là cùng một lúc. Câu danh hiệu này có sức mạnh ấy, có công đức ấy. Vì thế, vãng sanh sẽ viên chứng ba món Bất Thoái. Nếu quý vị không thật sự hiểu thấu triệt, rõ ràng đạo lý này, thật sự chẳng tin, nói theo phương diện giáo lý sẽ chẳng suông! Thật ra, những kẻ nói theo giáo lý chẳng thể thông suốt, thì nói thật ra là do chưa thấu triệt giáo lý; nếu thật sự thấu triệt, lẽ đâu nói chẳng suông? Tây Phương Cực Lạc thế giới đã có Sự này, đương nhiên sẽ có đạo lý. Có Lý nhất định có Sự, có Sự nhất định có Lý, quý vị đều hiểu rõ ràng, sẽ chẳng hoài nghi, mới hiểu niệm Phật thù thắng, niệm Phật chẳng thể nghĩ bàn!

          Do vậy, chúng ta phải học kinh, học kinh gì? Kinh Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, ba kinh là đủ rồi, chớ nên học những kinh khác nữa. Học những thứ khác, nói thật thà là xen tạp, thật sự chẳng cần phải học! Ba bộ kinh ấy có thể nói là tinh hoa của hết thảy các pháp môn do mười phương ba đời hết thảy chư Phật đã nói. Kinh Pháp Hoa, kinh Hoa Nghiêm đến cuối cùng đều quy về pháp môn Tịnh Độ. Trong kinh Hoa Nghiêm, mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc. Cổ đại đức nói Hoa Nghiêm và Pháp Hoa là Tự Phần của kinh Di Đà mà thôi, Chánh Tông Phần là kinh A Di Đà, chúng ta nên nhận biết điều này!

          “Tự tánh giác thể biến chiếu thị thuyết kinh nghĩa” (Thể của tự tánh giác chiếu trọn khắp là ý nghĩa của việc nói kinh). Nói kinh là do chúng sanh mê hoặc, bất giác, mới cảm chư Phật Như Lai dùng quang minh của tự tánh, thường gọi là “Bát Nhã trí quang”, chiếu trọn khắp hết thảy chúng sanh, khiến cho hết thảy chúng sanh phá mê khai ngộ, đấy là ý nghĩa của việc “thuyết kinh”. Bản thân chúng ta đã giác ngộ, giác ngộ chẳng khác chư Phật Như Lai, cùng là một giác, chẳng phải hai giác. Vì sao? Giác tánh là một, không hai. Kinh thường dạy: “Thập phương tam thế Phật, cộng đồng nhất Pháp Thân” (mười phương ba đời Phật, cùng chung một Pháp Thân), chính là đạo lý này. Giác tánh giống nhau, do vậy, vạn pháp bình đẳng, chúng ta phải giác ngộ, tu hành từ chỗ này. Nay chúng ta thấy vạn pháp có tốt, có xấu, có vui thích, có chán ghét, có bất bình đẳng trong ấy. Bất bình là mê, giác ngộ là bình đẳng, vì sao? Điều tốt đẹp, đáng ưa thích do tự tánh giác của quý vị biến hiện, mà điều ác, bất hảo, đáng ghét, vẫn do tự tánh giác của quý vị biến hiện. Cái có thể biến hiện là một, tướng được biến hiện có sai biệt, nhưng giác tánh có thể biến hiện là một, chẳng hai!

          Ví như ban đêm chúng ta ngủ nằm mộng, cũng có giấc mộng rất ngọt ngào, cũng có khi nằm mộng rất kinh khủng, tướng trong mộng đương nhiên có sai biệt, nhưng cái tâm nằm mộng là một tâm, chẳng phải hai tâm. Nhìn từ Thể, chẳng sai biệt; nhưng Tướng có phân biệt. Thật sự nhận biết Thể vô sai biệt, sẽ hoát nhiên giác ngộ: Tướng cũng vốn chẳng sai biệt. Ví như vàng ròng, đấy là Thể, vàng ròng đúc thành một tượng Phật, quý vị rất cung kính tượng ấy. Dùng vàng ròng đúc thành tượng La Sát hay tượng ngạ quỷ, quý vị trông thấy rất sợ hãi. Tượng khác nhau mà! Nhưng thảy đều là vàng ròng, phân lượng bằng nhau, giá trị cũng bằng nhau, chẳng sai biệt. Do vậy, tướng có thể biến đổi, Thể chẳng biến đổi! Tướng do đâu mà biến? Tướng do tâm phân biệt mà biến, hết thảy các pháp đều từ phân biệt biến hiện. Nếu quý vị chẳng có tâm phân biệt, sẽ chẳng có hết thảy các pháp. Chúng ta ban đêm nằm mộng, cũng là do phân biệt, chấp trước nên mới có! Nếu quý vị chẳng phân biệt, chấp trước, sẽ chẳng nằm mộng. Vẫn còn nằm mộng tức là quý vị chưa hoàn toàn đoạn sạch phân biệt, chấp trước. Hoàn toàn đoạn sạch, chắc chắn không nằm mộng. “Tự tánh giác thể biến chiếu” chính là ý nghĩa của “thuyết kinh”.  Thuyết kinh cũng nhằm dụng ý giúp

đỡ chúng ta khôi phục Bổn Giác, khôi phục tự tánh giác.

          “Hậu giai lệ thử”: Sau mỗi đoạn chú giải, Liên Trì đại sư đều có phần Xứng Lý, nhằm giảng đoạn kinh văn ấy theo cách tiêu quy tự tánh, khiến cho chúng ta đạt được rất nhiều lợi ích từ đoạn ấy.

          (Sao) Xứng Lý giả, dĩ tức Sự tức Lý, sở vị tổng cai vạn hữu, tức thị nhất tâm, tắc y báo, chánh báo, hà phi tự tánh?

          ()稱理者,以即事即理,所謂總該萬有,即是一心,則依報正報,何非自性。

          (Sao: “Xứng Lý”: Sự chính là Lý, Lý chính là Sự, có nghĩa là toàn thể vạn hữu chính là nhất tâm, cho nên y báo và chánh báo, có thứ nào chẳng phải là tự tánh?)

           Sao nhằm giải thích Sớ, nhằm nói rõ ràng hơn, ý nghĩa càng phong phú.“Xứng Lý” là gì? Người tu hành thường nói là “xứng tánh khởi tu”, xứng tánh khởi tu là chuyện như thế nào? Chính là Xứng Lý! Quý vị hiểu rõ đoạn này, thật sự biến đoạn này thành quan niệm, kiến giải, tư tưởng, hành vi của chính mình thì gọi là “xứng tánh khởi tu”. Người xứng tánh khởi tu chẳng phải là phàm nhân, mà là Bồ Tát, chúng ta gọi người ấy là vị Bồ Tát thật sự, danh xứng với thực. Kinh Kim Cang dạy: “Nhược Bồ Tát hữu ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, tức phi Bồ Tát” (Nếu Bồ Tát có tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả thì chẳng phải là Bồ Tát), vì sao? Vì vị ấy chẳng xứng tánh. Người xứng tánh khởi tu nhất định là “vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng”, xứng tánh sẽ là Bồ Tát chân thật.

“Tổng cai vạn hữu, tức thị nhất tâm” (toàn thể vạn hữu chính là nhất tâm), hai câu này là cương lãnh. Pháp giới tuy rộng lớn, nhưng y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới, mười phương, ba đời, do đâu mà có? Từ nhất tâm của chính mình, nhất tâm biến hiện các vật. Nhất tâm [nói ở đây] là nhất tâm của chính mình. Vì thế, “y báo, chánh báo, hà phi tự tánh” (y báo và chánh báo, có thứ nào chẳng phải là tự tánh), có gì chẳng phải là tự tánh? Thật sự giác ngộ, tâm lượng sẽ to lớn, “tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”, giác ngộ là như vậy. Khi chưa giác ngộ, tâm lượng rất nhỏ, chẳng thể dung kẻ khác. Người giác ngộ là Phật, Bồ Tát, thật sự biết chân tướng sự thật. Kẻ chưa giác ngộ, chẳng hiểu rõ chân tướng sự thật. Vì vậy, “giác” là hiểu rõ triệt để chân tướng sự thật, chân tướng của nhân sinh và vũ trụ là nhất tâm sở hiện, sở

biến.

Kinh Hoa Nghiêm giảng rất hay: “Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”, tâm có thể hiện tướng, tướng là cái được hiện. Trong kinh thường nói: “Chư pháp Thật Tướng”, [Thật Tướng là các pháp đều do] tâm hiện. Thức biến hóa, nên Thức là mê. Do đã mê nên mới có tâm ý thức, mới có phân biệt, chấp trước. Phân biệt và chấp trước là thức. Vì có phân biệt, chấp trước, nên mới biến hiện mười pháp giới. Nếu chẳng có phân biệt, chấp trước, thưa quý vị, pháp giới vốn là nhất, cái “nhất” ấy mới là thật! Kinh Hoa Nghiêm nói Nhất Chân pháp giới, pháp giới vốn là Nhất Chân, chẳng phải là mười pháp giới. Mười pháp giới ở đâu ra? Do quý vị phân biệt và chấp trước mới có. Nếu quý vị chẳng phân biệt, chấp trước, lấy đâu ra mười pháp giới? Giống như trên quả địa cầu này có nhiều quốc gia; biên giới giữa các nước do đâu mà có? Do con người vạch ra, do con người chấp trước: Chỗ này là của ta, nơi kia là của ngươi, nên mới có [biên giới]. Nếu lìa khỏi hết thảy phân biệt, chấp trước, quý vị tìm khắp địa cầu cũng chẳng thấy biên giới nào hết, tìm không ra, không có! “Không có” là thật; “có” là giả! Vì thế, có phân biệt, chấp trước, có giới hạn là giả, chẳng có giới hạn là thật. Do đó, mười pháp giới là giả, lúc mê mới có, khi giác ngộ chẳng còn nữa. Khi giác ngộ, pháp giới là Nhất Chân.

          Đại Chuyên Giảng Tòa lần này, chúng tôi muốn giảng kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật (còn gọi là Thập Lục Quán Kinh). Mấy hôm nay, tôi đang đọc bộ Quán Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa của pháp sư Đế Nhàn. Trí Giả đại sư tu Quán Kinh vãng sanh, Ngài y theo phương pháp ấy để tu hành, được vãng sanh. Ngài là tổ sư tông Thiên Thai, bản chú giải ấy của Ngài hết sức nổi tiếng. Bộ Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Diệu Tông Sao quá sâu, những người bình phàm hiện thời tuyệt đối chẳng thể đọc được; nhưng tác phẩm ấy vô cùng hay! Trước kia, khi thầy Lý tại thế đã khuyên tôi in nhiều một chút để lưu thông, tôi in bốn ngàn bộ. Bộ Diễn Nghĩa của pháp sư Đế Nhàn giống như phần Tiết Yếu (trích lục những phần trọng yếu) của bộ Diệu Tông Sao; đối với mỗi đoạn, Ngài thêm đôi chút ý kiến của chính mình, những ý kiến này dễ hiểu hơn rất nhiều [so với nguyên văn lời Sao]. Ngài bảo tuy có mười sáu phép Quán, nhưng trên thực tế, chẳng ra ngoài nhất tâm, chẳng khác gì câu nói “tổng cai vạn hữu, tức thị nhất tâm” (toàn thể vạn hữu chính là nhất tâm) ở đây, hoàn toàn tương đồng. Trong bản chú giải của Ngài, mỗi phép Quán trong mười sáu phép Quán đều dùng phương pháp Nhất Tâm Tam Quán để tu Tây Phương Tịnh Độ, chúng ta có thể hợp cả hai kinh lại để xem.

          Nhưng chúng ta tu pháp môn này, chẳng chọn cách quán tưởng, mà dùng trì danh. Mười hai phép Quán đầu trong Quán Kinh là Quán Tưởng Niệm Phật; các phép Quán mười ba, mười bốn, và mười lăm là Quán Tượng Niệm Phật, phép Quán cuối cùng, tức phép Quán thứ mười sáu, là Trì Danh Niệm Phật. Tuy nói cuối cùng, nói về Hạ Phẩm Hạ Sanh, nhưng tôi thưa với chư vị đồng tu: Hạ Phẩm Hạ Sanh giống như màn chót trong một tuồng hát, màn chót là màn hay nhất. Quý vị chớ nên coi rẻ Hạ Phẩm Hạ Sanh, Hạ Phẩm Hạ Sanh và Thượng Phẩm Thượng Sanh chẳng khác nhau, đúng là chẳng thể nghĩ bàn, là pháp khó tin. Cớ sao nói “chẳng khác nhau”? Quý vị hãy nghiên cứu kỹ lưỡng kinh văn, Hạ Phẩm Hạ Sanh là hạng người nào? Ngũ Nghịch, Thập Ác, ngay lập tức đọa vào A Tỳ địa ngục, đức Phật có năng lực khiến cho người ấy trong lúc lâm chung có thể một niệm hoặc mười niệm vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới do Phật có trí huệ viên mãn, đức năng viên mãn, chẳng khiếm khuyết tí nào. Nếu là một kẻ tội nghiệt cực nặng nề, lập tức phải đọa địa ngục, mà đức Phật chẳng thể khiến cho kẻ ấy lập tức thành Phật, tức là năng lực của Phật vẫn còn khiếm khuyết, vẫn chưa thể nói Phật là vạn đức vạn năng. [Nếu như vậy, nói] Phật vạn đức vạn năng là chúng ta ca ngợi Ngài, chẳng phải là sự thật. Nếu là sự thật, kẻ ấy tội nặng như thế, lập tức đọa địa ngục, đức Phật có thể ngay lập tức khiến cho kẻ ấy thành Phật, chúng ta chẳng còn bàn cãi gì nữa! Phật đúng là vạn đức vạn năng. Phật có làm được hay không? Làm được! Thật vậy, chẳng sai tí nào! Nhìn từ chỗ nào? Phép Quán thứ mười sáu trong Quán Kinh! Quý vị mới hiểu pháp môn này chẳng thể nghĩ bàn. Bởi lẽ, hết thảy các pháp môn khác chẳng độ được, pháp môn này có thể lập tức độ kẻ ấy thành Phật, nên pháp môn này mới gọi là pháp môn bậc nhất, pháp môn vô thượng, pháp môn không gì sánh bằng, chúng ta mới thật sự thấy rõ ràng!   Công đức trì danh niệm Phật chẳng

thể nghĩ bàn!

          Tuy là Hạ Phẩm Hạ Sanh, sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng viên chứng ba thứ Bất Thoái. Nói cách khác, hạng người nào viên chứng ba thứ Bất Thoái? Đẳng Giác Bồ Tát viên chứng ba thứ Bất Thoái. Người ấy sanh về bên đó, tuy là Hạ Phẩm Hạ Sanh, là phàm phu, nhưng viên chứng ba thứ Bất Thoái. Trong sách Yếu Giải, Ngẫu Ích đại sư đã nói: Tây Phương Cực Lạc thế giới là thế giới vô cùng lạ lùng, đặc biệt! Quý vị nói người [vãng sanh] ấy là phàm phu, nhưng người ấy đã viên chứng ba thứ Bất Thoái, đó là Bồ Tát. Nếu quý vị bảo người ấy là Bồ Tát, người ấy chưa đoạn một phẩm phiền não nào, nên người ấy là phàm phu. Vì thế, chẳng thể nói người ấy là phàm phu, mà cũng chẳng thể bảo là Bồ Tát. Người ấy loại nào cũng không phải, mà loại nào cũng đều phải, nói người ấy là Bồ Tát cũng được, mà bảo là kẻ phàm phu cũng được luôn! Quý vị nói người ấy Bồ Tát cũng không được, gọi là phàm phu cũng không xong! Thật sự chẳng thể nghĩ bàn! Do nguyên nhân nào vậy? Công đức xưng danh niệm Phật chẳng thể nghĩ bàn! Khi chúng ta thảo luận Quán Kinh sẽ nói cặn kẽ vấn đề này. Bất quá, trong kinh Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ đều có thảo luận rất tỉ mỉ, thảo luận rất sâu xa. Chúng ta biết đấy là sự thật, Phật thật sự có năng lực ấy, mỗi cá nhân chúng ta đều có thể làm được!

          Nhưng quyết định chớ nên hiểu lầm ý nghĩa này. Nếu quý vị nghĩ kẻ Ngũ Nghịch, Thập Ác, lâm chung mười niệm hoặc một niệm đều có thể vãng sanh, lại còn viên chứng ba thứ Bất Thoái, nay ta làm thêm một chút chuyện xấu cũng chẳng sao! Chờ tới lúc lâm chung, ta lại niệm Phật vẫn có thể [vãng sanh], vẫn còn kịp; nếu quý vị nghĩ kiểu đó, hoàn toàn sai bét rồi! Trong tương lai, quý vị đọa A Tỳ địa ngục, chẳng thể trách tôi nói không rõ ràng! Tôi giảng rõ ràng, rành rẽ, quý vị nhất định đừng nên có tâm lý cầu may! Đó là tình hình gì? Những kẻ ác ấy suốt đời chẳng nghe Phật pháp, hoặc nghe pháp môn khác, chẳng nghe pháp môn Niệm Phật, lúc lâm chung tiếp xúc pháp môn này là tiếp xúc lần đầu. Còn quý vị nay đã tiếp xúc pháp môn Tịnh Độ, chẳng còn cơ hội [giống như người Hạ Phẩm Hạ Sanh nữa đâu]. Nay quý vị hãy khéo thật thà niệm Phật, đừng nên giữ tâm lý cầu may! Phải học theo phương pháp do Thiện Đạo đại sư đã dạy, tức là chúng ta thân chuyên lễ A Di Đà Phật, mỗi ngày lạy A Di Đà Phật; miệng chuyên niệm A Di Đà Phật; tâm chuyên tưởng A Di Đà Phật. Nếu thân khẩu ý tam nghiệp đều có thể hệ niệm A Di Đà Phật, Thiện Đạo đại sư nói: “Một trăm người tu, một trăm người vãng sanh, một ngàn người tu,  một ngàn người vãng sanh,  vạn

người tu, vạn người đến, chẳng sót một ai!”, quý vị phải chuyên!

          Nhưng trong thế gian này, có một số người rất chấp trước, đầu óc đông cứng. Trước đây, thầy Lý đã gọi họ là “đầu óc cứng ngắc như khúc gỗ vuông vức”, chẳng xoay chuyển được! Ở Hương Cảng, tôi cũng đem câu nói ấy khuyên các đồng tu. Giảng xong, có mấy người đến hỏi: “Sau này, chúng con thấy Thích Ca Mâu Ni Phật cũng không cần lạy, thấy Quán Âm Bồ Tát cũng không cần lạy, vì tổ sư nói phải chuyên lễ, thân chuyên lễ A Di Đà Phật!” Tôi nói: “Sao mà lại chấp chết cứng như thế?” Tôi nói: – Tổ nói chuyên lễ chẳng sai, nhưng quý vị phải hiểu, ai dạy chúng ta pháp này? Thích Ca Mâu Ni Phật dạy chúng ta. Chẳng thể nào quên Thích Ca Mâu Ni Phật được! Quên Ngài tức là có lỗi đối với Ngài rồi!

          Do vậy, chúng ta lạy Phật, trước hết, lạy ba lạy, lạy Thích Ca Mâu Ni Phật, lạy Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật ba lạy. Sau đấy, lạy A Di Đà Phật. Lạy A Di Đà Phật càng nhiều càng tốt, thông thường chúng ta lạy tối thiểu bốn mươi tám lạy. Lạy một trăm lạy, hai trăm lạy, ba trăm lạy, đều là rất phổ biến. Khi chúng ta niệm Phật, mở đầu nhất định niệm Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật ba lần, rồi mới niệm A Di Đà Phật. Niệm Nam-mô A Di Đà Phật, niệm sáu chữ hoặc bốn chữ đều được, niệm một trăm câu, niệm một ngàn câu, hoặc niệm một vạn câu. Sau khi niệm A Di Đà Phật xong, chúng ta niệm Quán Thế Âm Bồ Tát ba lần, niệm Đại Thế Chí Bồ Tát ba lần, niệm Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát ba lần, sau đó hồi hướng. Từ xưa đến nay, cách này được gọi là nghi thức chuyên niệm.

          Trong tâm thường tưởng cảnh giới Tây Phương Cực Lạc thế giới, thường nghĩ tới A Di Đà Phật. Nghĩ tới cảnh giới Tây Phương, phải niệm kinh Di Đà rất thuần thục, hoặc niệm kinh Vô Lượng Thọ rất thuần thục. Quý vị phải biết: Thuở ấy, Huệ Viễn đại sư kiến lập Tịnh Độ Tông, kiến lập Lô Sơn Liên Xã, một trăm hai mươi ba người ai nấy đều vãng sanh, hội ấy đúng là quá thù thắng. Tổ kiến lập Đông Lâm Niệm Phật Đường, tức Lô Sơn Liên Xã. Khi ấy, kinh Di Đà và kinh Quán Vô Lượng Thọ đều chưa được phiên dịch, chưa truyền tới Trung Quốc, chỉ có kinh Vô Lượng Thọ. Do vậy, đạo tràng niệm Phật ấy tu học hoàn toàn căn cứ trên kinh Vô Lượng Thọ.

           Kinh Vô Lượng Thọ là kinh bậc nhất trong Tịnh Độ Tông, nhưng kinh Vô Lượng Thọ và kinh Di Đà đồng bộ. Kinh kia nói rộng, nói rất tỉ mỉ; kinh này nói đại lược, đơn giản, nhưng nội dung hoàn toàn tương đồng. Vì thế, chúng ta gọi hai kinh ấy là Đại Bổn và Tiểu Bổn. Đại Bổn là kinh Vô Lượng Thọ, Tiểu Bổn là kinh Di Đà, nội dung hoàn toàn tương đồng. Kinh niệm rất thuần thục, lúc ấy mới có thể tưởng, phải thường tưởng ý nghĩa trong kinh, Nếu không thuộc kinh, sẽ chẳng có cách nào quán tưởng, sẽ không thể tưởng được!

          Nhất là kinh Vô Lượng Thọ vô cùng hay, phân lượng rất vừa phải, không nhiều, không ít. Vì thế, thật sự muốn tu pháp môn Tịnh Độ, mong muốn có thể vãng sanh trong một đời này, tốt nhất là học thuộc lòng bộ kinh ấy, nhưng cũng không cần phải cố ý học thuộc! Quý vị niệm nhiều, niệm thuần thục, sẽ tự nhiên thuộc. Chẳng hạn như quý vị mỗi ngày niệm một lần, niệm hằng ngày chẳng gián đoạn, niệm mười năm hoặc tám năm, lẽ nào chẳng thuộc? Nếu có thể thuộc, quán tưởng sẽ vô cùng thuận tiện. Đồng thời, văn chương trong kinh ấy hết sức hay! Nếu có thể thật sự niệm hiểu và niệm thuộc bộ kinh ấy, quý vị cũng học được Cổ Văn. Quý vị đọc hết thảy các kinh, đọc hết thảy văn chương thời cổ như Tứ Khố Toàn Thư hoặc Đại Tạng Kinh, sẽ chẳng bị chướng ngại nơi văn tự! Vì thế, có thể coi kinh Vô Lượng Thọ như Cổ Văn để niệm. Kinh ấy chỉ có tất cả bốn mươi tám chương, giống như bốn mươi tám bài. Xưa kia, thầy Lý dạy Cổ Văn, lão nhân gia thường nói: Tối thiểu phải thuộc năm mươi bài cổ văn thì quý vị mới có cơ sở vững vàng về văn chương Văn Ngôn, đọc loại văn Văn Ngôn sẽ chẳng bị trở ngại. Quý vị có thể thuộc một trăm bài cổ văn, sẽ có thể viết lách bằng Văn Ngôn. Do vậy, Ngài hết sức coi trọng chuyện đọc thuộc lòng. Chúng ta là người học Phật, nếu học thuộc kinh Vô Lượng Thọ sẽ là vừa học kinh mà cũng học Cổ Văn luôn, nhất cử lưỡng tiện!

          (Sao) Hựu “tức Lý” giả, Sự y Lý thành, như Tịnh Danh vân: “Tùy kỳ tâm tịnh, tắc Phật độ tịnh”.

       ()又即理者,事依理成,如淨名云:隨其心淨,則佛土淨。

          (Sao: Lại nữa, “tức Lý”: Sự nương vào Lý mà thành, như kinh Tịnh Danh đã nói: “Hễ tâm tịnh, cõi Phật sẽ tịnh”).

        Trích dẫn một câu từ kinh Duy Ma, kinh Tịnh Danh là kinh Duy Ma[1]. Trong phần trước đã nói Lý và Sự chẳng tách rời, có Sự nhất định có Lý, tức là có đạo lý. Đã có đạo lý ấy, nhất định có sự tướng. Do vậy, Lý và Sự chẳng tách rời! “Sự y Lý thành”: Nay chúng ta thấy những hiện tượng trong thế giới Sa Bà, tất nhiên có đạo lý trong ấy. Chuyện lớn có Lý, mà chuyện nhỏ cũng có Lý. Đó gọi là “lớn như thế giới, nhỏ như vi trần” đều có Lý trong ấy. Tâm tình của chúng ta cũng biến hóa trong từng sát-na, bị biến hóa là Sự, tức hiện tượng. Mừng, giận, buồn, vui là hiện tượng tâm lý, chúng có Lý. Chẳng có Lý, lấy đâu ra Sự? Vật chất biến hóa, chúng ta nói đến vật thì chúng đích xác có Lý. Do vậy, có Lý nơi vật và Lý nơi tâm; nhưng Lý nơi vật và Lý nơi tâm là một; bởi lẽ, chân lý chỉ có một. Xứng Lý thì chủ yếu là chúng ta phải tìm được Lý này!       

Ở đây, [lời Sao] trích dẫn kinh Tịnh Danh: “Tùy kỳ tâm tịnh, tắc Phật độ tịnh”, chúng ta dùng lý này để nhìn. Đạo lý này có nghĩa là: Thật sự giác ngộ duy tâm Tịnh Độ chính là cái Lý để nương vào (sở y chi Lý). Cõi Phật thanh tịnh, cảm vời y báo và chánh báo trang nghiêm, đấy chính là những Sự được thành [bởi Lý]. Đã nương vào Lý để thành tựu Sự, Sự nhất định phải xứng Lý. Căn cứ trên đạo lý này, chúng ta quan sát hoàn cảnh trước mắt, cũng phải nên giác ngộ. Hiện thời, cả thế giới đều động loạn, động loạn đến mức chẳng thể vãn hồi, trong ấy có Lý, Lý gì vậy? Lòng người thiếu chỗ nương về! Ở Trung Quốc, trong quá khứ, trải các đời đều có thể nói là có những khoảng thời gian ổn định, bình trị khá dài. Tuy có động loạn, nhưng thời gian động loạn cũng không dài. Đó gọi là “loạn lạc rồi đến bình trị”. Thời gian cõi đời yên ổn dài hơn đời loạn, do nguyên nhân nào? Tư tưởng và kiến giải của mọi người có cùng một tiêu chuẩn. Dẫu lệch khỏi tiêu chuẩn ấy, cũng chẳng lệch khỏi quá xa! Vì thế, lòng người có chỗ nương về. Chỗ nương về là gì? Một đằng là Nho gia, đạo thống (giềng mối đạo) của học thuyết Khổng Mạnh, một đằng là Đại Thừa Phật pháp. Người Trung Quốc xử sự, đãi người, tiếp vật, tư tưởng, kiến giải đều dựa trên tiêu chuẩn của Nho và Phật, nên mới có thể bình trị lâu dài.

          Hiện thời, lòng người chẳng quay về nương náu [Nho và Phật], không có gì để noi theo. Vì vậy, thế giới đại loạn, dân chúng phải hứng chịu khổ sở. Trong quá khứ, tại phương Tây, tuy phương Tây không có học thuật[2], nhưng phương Tây có tôn giáo, tư tưởng của Cơ Đốc Giáo và Thiên Chúa Giáo ảnh hưởng lòng người Tây Phương, gần như là cả hai ngàn năm. Hiện thời, người Tây Phương chẳng tin Thượng Đế, người Đông Phương chẳng cần đến Khổng Tử và Phật, đấy là căn nguyên khiến thế giới đại loạn. Tướng loạn lạc ấy mọi người đều thấy, mỗi năm một rõ rệt hơn, điều này tuyệt đối chẳng phải là chuyện tốt đẹp. Vì thế, tôi giảng kinh các nơi ở hải ngoại, mọi người rất quan tâm đến sự động loạn trên thế giới. Tôi thật thà bảo họ: Chúng ta có thể tu hành, khéo niệm Phật, niệm kinh, ước chừng trong năm năm chẳng có vấn đề. Lâu hơn chút nữa là thêm hai năm thành bảy năm, chứ sau đấy tôi không dám nói. Đại tai nạn trên thế giới ngày một sát nút, trong vòng từ năm năm đến bảy năm, chúng ta chẳng tự chuẩn bị đường thoát thân cho tốt đẹp thì sau này chẳng thể nào tưởng tượng được! Trong thời gian ngắn ngủi như thế, dùng phương pháp gì để cứu chính mình? Trừ thật thà niệm Phật ra, chẳng có con đường thứ hai nào! Trước lúc ra đi, thầy Lý nói: “Thế giới loạn chẳng thể cứu được, hãy mau chóng sang Tây Phương”. Thầy luôn khuyên học trò hãy mau chóng di dân sang Tây Phương Cực Lạc thế giới, đừng di dân sang ngoại quốc. Ngoại quốc càng rối ren hơn, chẳng tốt đẹp bằng Đài Loan. Tại Đài Loan, thật thà chuẩn bị vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, đấy mới là đường ngay, đấy mới là sự tính toán thông minh!

          Hiện thời, lòng người chẳng thanh tịnh, đương nhiên cõi nước chẳng thanh tịnh. Lòng người thanh tịnh, cõi nước sẽ thanh tịnh. Quý vị hiểu rõ đạo lý này, người một nhà hòa thuận, người một nhà tâm thanh tịnh, nhà người ấy thanh tịnh; trong một đoàn thể mà lòng người thanh tịnh thì đoàn thể ấy sẽ thanh tịnh; một xã hội, một quốc gia mà lòng người thanh tịnh, nơi ấy sẽ thanh tịnh; nhưng quý vị hãy suy nghĩ, dùng phương pháp gì để tịnh hóa lòng người? Hiện thời, người thật sự tin vào đạo lý Phật pháp có mấy ai? Tiếng tăm, lợi dưỡng vừa bày ra trước mặt sẽ lại lập tức thoái lui.

          Lần này, ở Tân Gia Ba, pháp sư Diễn Bồi hết sức cảm khái nói với

tôi: Mắt thấy Phật pháp không có người kế tục, do nguyên nhân gì? Người trẻ tuổi xuất gia chẳng ít, nhưng sức dụ dỗ mê hoặc của tiếng tăm lợi dưỡng bên ngoài quá lớn, kinh sám Phật sự tiêu diệt Phật pháp! Có rất nhiều pháp sư trẻ tuổi chẳng chăm chỉ học kinh, học kinh rất khổ, họ đi niệm kinh [cho người khác kiếm tiền]. Niệm nửa năm hoặc là một năm, chính mình sẽ mua được nhà, tự mình dựng một ngôi chùa. Dựng chùa để làm gì? Lại tiếp tục làm kinh sám Phật sự, làm ông chủ! Trước kia [các pháp sư trẻ tuổi ấy ở trong chùa miếu của các vị hòa thượng hay pháp sư đại đức lớn tuổi hơn] là làm công, làm công một thời gian, có tiền bèn mở tiệm làm chủ, lão hòa thượng có đồ đệ hay không? Có chứ, đồ đệ đâu cả rồi? Đi hết rồi, bên mình chẳng có một ai!

          Hiện thời, đối với tin tức trong thế gian này, biết ít một chút cũng chẳng sao! Tin tức nơi Tây Phương Cực Lạc thế giới phải biết nhiều hơn một tí mới tốt. Trong tâm thường nghĩ đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, đừng nghĩ tới chuyện trong thế giới này. Chúng ta có thể rời khởi thế giới này sớm một chút là có phước nhất. Vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới sớm một chút. Ngày hôm nay đã hết thời gian rồi, tôi giảng tới chỗ này. Lời chú giải trong đoạn này rất dài, vô cùng trọng yếu!

 

 

[1] Kinh Duy Ma (Vimalakīrti Nirdeśa Sūtra), còn gọi là Bất Tư Nghị Giải Thoát Kinh, tường thuật cuộc thảo luận pháp môn Bất Nhị giữa cư sĩ Duy Ma với các vị Thanh Văn và đại Bồ Tát. Cư sĩ Duy Ma gọi đầy đủ là Duy Ma Cật, vốn là Kim Túc Như Lai hóa thân, thị hiện trong nước Tỳ Xá Ly (Vesāli) của thế giới Sa Bà giúp Thích Ca Mâu Ni Phật giáo hóa. Chữ Duy Ma Cật có nghĩa là “danh xưng không bị ô nhiễm”, nên thường được dịch sang tiếng Hán là Tịnh Danh hoặc Vô Cấu Xưng. Kinh này có đến bảy bản dịch, nhưng đã thất truyền bốn bản. Bản được lưu truyền rộng nhất là bản Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh do ngài Cưu Ma La Thập dịch, còn bản Thuyết Vô Cấu Xưng Kinh của ngài Huyền Trang dịch hầu như chỉ dành để tham khảo.

[2] Chữ “học thuật” được dùng ở đây để chỉ những quan điểm luân lý, đạo đức giống như Nho và Phật, chứ không có nghĩa là những trường phái triết học, khoa học như trong hiện thời.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *