Tập 161/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 03-003-0289

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 161

                   Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm bốn mươi bốn.

(Sao) Duy Ma kinh vân: “Vị phát Đại Thừa ý, thực thử thực giả, chí phát ý nãi tiêu. Dĩ phát ý giả, đắc Vô Sanh Nhẫn dĩ nãi tiêu. Đắc Nhẫn giả, chí Nhất Sanh Bổ Xứ nãi tiêu”. Hoa Nghiêm Cụ Túc ưu-bà-di vân: “Nhất Sanh Sở Hệ Bồ Tát, thực ngã thực giả, giai ư Bồ Đề thụ hạ thành Đẳng Chánh Giác”, giai tự tánh Chân Như vô tận chi lý nhi vi thực dã.

() 維摩經云:未發大乘意,食此食者,至發意乃消;已發意者,得無生忍已乃消;得忍者,至一生補處乃消。華嚴具足優婆夷云:一生所繫菩薩,食我食者,皆於菩提樹下成等正覺,皆自性真如無盡之理而為食也。

(Sao: Kinh Duy Ma chép: “Kẻ chưa phát ý Đại Thừa, ăn món ăn này, tới khi phát ý sẽ tiêu. Kẻ đã phát ý, khi đắc Vô Sanh Nhẫn liền tiêu. Kẻ đắc Nhẫn, khi đạt tới Nhất Sanh Bổ Xứ liền tiêu”. Trong kinh Hoa Nghiêm, ưu-bà-di Cụ Túc bảo: “Nhất Sanh Sở Hệ Bồ Tát ăn thức ăn của ta, đều thành Đẳng Chánh Giác dưới cội Bồ Đề”, đều là dùng lý vô tận nơi Tự Tánh Chân Như để làm thức ăn vậy).

          Đoạn văn này được nói theo cách hội quy “phạn thực kinh hành” về tự tánh. Ở đây, đại sư trích dẫn một đoạn trong kinh Duy Ma nhằm giảng rõ “vị phát Đại Thừa ý” là gì?

          (Diễn) Vị phát Đại Thừa ý, thị vị nhập Chánh Định Tụ chúng sanh, tu hành tín tâm giả.

          () 未發大乘意,是未入正定聚眾生,修行信心者

(Diễn: “Chưa phát Đại Thừa ý” là chúng sanh chưa nhập Chánh Định Tụ, tu hành, có tín tâm).

Trong đoạn này, mỗi tầng một nhập sâu hơn. Nói đến “đồ ăn” đều là nói đến Chân Như tự tánh, Tiêu (消) ở đây có nghĩa là “tiêu quy tự tánh”. “Chưa phát Đại Thừa ý” được nói ở chỗ này là “chưa nhập Chánh Định Tụ”, [tức là] nói tới các vị Bồ Tát thuộc địa vị Thập Tín, tâm hạnh chẳng định. Nói cách khác, có tiến, có lùi. Trong Tam Tụ, Chánh Định Tụ là nói người ấy quyết định chứng quả, quyết định thành tựu. Tà Định Tụ là kẻ bất luận tinh tấn tu hành như thế nào, vẫn chẳng có kết quả, tu mù, luyện đui mà! Người thuộc loại Bất Định Tụ thì chẳng nhất định, tùy thuộc người ấy gặp duyên nào. Người ấy gặp nhân Chánh Định Tụ liền biến thành Chánh Định Tụ; gặp nhân Tà Định Tụ liền biến thành Tà Định Tụ. Tam Tụ bao gồm toàn bộ hết thảy chúng sanh.

          Nói nghiêm ngặt, trong thời đại Mạt Pháp hiện tiền, chỉ có tu học pháp môn Tịnh Độ đới nghiệp vãng sanh thì có thể gọi là Chánh Định Tụ, [lý do là] chúng ta biết người ấy quyết định thành tựu trong một đời này. Tu học những pháp môn khác, chẳng nhất định có thể thành tựu trong một đời này. Không thể thành tựu bèn có phiền toái rất lớn. Kinh Vô Lượng Thọ nói: “Hà miễn luân hồi” [nghĩa là] người ấy chẳng tránh khỏi luân hồi trong lục đạo. Hễ luân hồi trong lục đạo, chẳng biết sẽ luân hồi đến tận đâu? Muốn lại được làm thân người, nghe Phật pháp, chẳng biết phải đến kiếp nào? Tục ngữ có câu: “Nhất thất nhân thân, vạn kiếp nan phục” (Hễ mất thân người, vạn kiếp khó có lại được). Cũng là nói rõ ý nghĩa “được làm thân người [rất] khó khăn”. Sau khi đã mất thân người, muốn được làm thân người lần thứ hai, dẫu vạn kiếp vẫn chưa thấy được làm người lần nữa. Chúng ta nghe những lời này có lẽ sẽ hoài nghi, có phải là nói quá lố hay chăng? Nếu chúng ta rất lắng lòng suy tưởng cặn kẽ, phản tỉnh một phen, mới biết câu này chẳng nói quá lố! Vì sao chẳng nói quá lố? Chúng ta chẳng cần nhìn vào ai khác, hãy nghĩ về chính mình: Suốt một đời này, từ lúc lọt lòng cho đến hiện tại, thân, ngữ, ý tạo những nghiệp gì? Bèn hiểu rõ ngay! Nếu chúng ta tạo ác nghiệp nhiều, nhất định đọa trong tam ác đạo. Thời gian trong tam ác đạo quá ư là dài, chẳng dễ gì thoát lìa! Dẫu tạo thiện nghiệp thì do thiện nghiệp bèn ở trong ba thiện đạo.

          Đối với khởi tâm động niệm, nếu chúng ta nghiêm túc kiểm điểm một phen, luôn luôn là ác niệm nhiều hơn thiện niệm. Tham, sân, si, mạn là ác niệm! Đã có mấy niệm là nhân nghĩa, đạo đức? Thật sự ít ỏi! Ý niệm dấy lên, luôn luôn là tham cầu ngũ dục, lục trần trong thế gian này, luôn bán tín bán nghi những giáo huấn của thánh hiền thế gian và xuất thế gian. Bán tín bán nghi là tội nghiệp, nghiệp chướng sâu nặng. Vì thế, đánh mất thân người, [mong] được làm thân người lần nữa, tính toán kỹ càng, vẫn đúng là chẳng dễ dàng! Đọa ác đạo đáng sợ, vì sao? Thời gian trụ trong ác đạo lâu dài, nên sẽ kèm theo các tập khí ác, dẫu trong tương lai được làm thân người, tập khí ấy thường dấy lên hiện hành, vẫn là lại không ngừng tạo nghiệp. Tội nghiệp càng tạo càng nặng, quý vị càng nghĩ, càng thấy đáng sợ! Trong đời này, nếu chẳng thể vãng sanh, đúng là một vấn đề to lớn!

          “Thực thử thực giả, chí phát ý nãi tiêu” (Ăn thức ăn ấy, cho tới khi phát ý mới tiêu). Nếu nói theo mặt Sự, người xuất gia thường nói: “Một hạt gạo thí chủ, to như núi Tu Di, kiếp này chẳng liễu đạo, mang lông, đội sừng đền”. Thí chủ cúng dường, chúng ta có năng lực gì để tiêu thụ? Có năng lực gì thì quý vị mới có thể tiêu hóa [vật phẩm cúng dường ấy]? Do vậy, có thể biết, người xuất gia nếu chẳng thể vãng sanh trong một đời này, tương lai đều phải trả nợ những thứ do thí chủ cúng dường cho quý vị trong hiện tại. Vì lẽ đó, người xuất gia quyết định chớ nên tham cầu những thứ cúng dường. Vì sao? Hiện thời, tham cầu càng nhiều, tương lai phải đền trả càng lắm! Nay ta mong muốn ít ỏi, dẫu chẳng thể vãng sanh, sau này gánh nặng trả nợ sẽ nhẹ hơn một chút, điều này cũng được! Đây là nói nhất định phải “phát Đại Thừa ý”.

          “Dĩ phát ý giả, đắc Vô Sanh Nhẫn dĩ nãi tiêu” (Đã phát ý thì đã đắc Vô Sanh Nhẫn [những thức ăn ấy] mới tiêu). “Đã phát ý” là các Bồ Tát thuộc địa vị Tam Hiền. Bồ Tát đến ứng cúng, Ngài có thể tiêu được không? Nếu Ngài chẳng tinh tấn, chẳng nỗ lực, chẳng cầu tiến lên, Ngài cũng chẳng thể tiêu. Cao hơn Tam Hiền là Thập Thánh, địa vị Tam Hiền là Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng Bồ Tát. Nếu Ngài đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn thì Vô Sanh Pháp Nhẫn là Địa Thượng Bồ Tát (từ Sơ Địa trở lên). Ở đây là nói theo Biệt Giáo, chẳng phải là Viên Giáo. Vô Sanh Nhẫn trong Viên Giáo là nói theo nghĩa rộng, [vì] Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo đã đắc [Vô Sanh Nhẫn] chút phần!

          “Đắc Nhẫn giả, chí Nhất Sanh Bổ Xứ nãi tiêu” (Người đã đắc Nhẫn thì đạt đến Nhất Sanh Bổ Xứ mới tiêu). Bậc Bồ Tát đã đạt đến Vô Sanh Pháp Nhẫn Bồ Tát, trong Biệt Giáo là từ Sơ Địa trở lên, ắt phải là sau khi đã chứng đắc địa vị thứ mười một, tức Hậu Bổ Phật (Đẳng Giác), Ngài mới có thể tiêu thụ được. Cao hơn Hậu Bổ Phật là Phật quả viên mãn, tức là địa vị Diệu Giác. Có thể thấy: Mong tiêu thụ thức ăn [do tín chúng cúng dường], quả thật chẳng dễ dàng. Như Lai mới là phước điền thật sự của chín pháp giới. Từ chín giới trở xuống, tức là từ Đẳng Giác trở xuống, đều phải thật sự dụng công tu học, nâng cao phẩm vị của chính mình thì mới có thể tiêu thụ được.

          (Diễn) Thực thử thực giả, giai đoàn Chân Như chi lý dĩ vi thực dã.

() 食此食者,皆摶真如之理以為食也。

(Diễn: “Ăn thức ăn này” đều là dùng lý Chân Như để làm thức ăn vậy).

           Ở đây là nói đến các vị Bồ Tát trong Tây Phương Cực Lạc thế giới “thanh hư chi thân, vô cực chi thể”, chẳng cần các thứ ngũ cốc, lương thực, mà dùng pháp hỷ làm thức ăn, lấy Thiền Duyệt làm thức ăn, vẫn phải dũng mãnh, tinh tấn thì mới có thể tiêu thụ.

          “Hoa Nghiêm Cụ Túc ưu-bà-di vân” (Trong kinh Hoa Nghiêm, ưu-bà-di Cụ Túc nói). Trong năm mươi ba lần tham học, Thiện Tài đồng tử tham phỏng ưu-bà-di Cụ Túc[1]. Đây là một vị nữ cư sĩ tại gia. Vì thế, các đồng tu tại gia cũng đừng xem thường chính mình, vị này là Bồ Tát. Thiện Tài đồng tử đến tham học với bà ta, bà ta là thầy của Thiện Tài; năm mươi ba vị thiện tri thức đều là thầy của Thiện Tài. Năm mươi ba vị thiện tri thức ấy, nam, nữ, già, trẻ, các nghề nghiệp đều có, xuất gia chỉ có sáu vị, tại gia bốn mươi bảy vị. Tại gia nhiều, xuất gia ít! Đây là một vị tại gia nữ cư sĩ ưu-bà-di, bà ta nói: “Nhất Sanh Sở Hệ Bồ Tát, thực ngã thực giả, giai ư Bồ Đề thụ hạ thành Đẳng Chánh Giác” (Nhất Sanh Sở Hệ Bồ Tát ăn thức ăn của ta đều thành Đẳng Chánh Giác dưới cội Bồ Đề), Nhất Sanh Sở Hệ Bồ Tát là ai? Đẳng Giác Bồ Tát. Sau khi Đẳng Giác Bồ Tát nhận thực phẩm do bà ta cúng dường, phải thành Phật thì mới có thể tiêu thụ vật cúng dường của bà ta. Chẳng thành Phật, sẽ không được! Ta cúng dường quý vị, nhằm giúp quý vị thành Phật. “Giai tự tánh Chân Như vô tận chi lý nhi vi thực dã” (Đều dùng lý Chân Như vô tận trong tự tánh làm thức ăn), trọn chẳng phải là những thức ăn giống như các thứ thực phẩm bằng ngũ cốc, lương thực trong nhân gian chúng ta. Đây chính là một trong hai ý nghĩa khất thực của tỳ-kheo: Tỳ-kheo khất thực nhằm bồi đắp thân thể, đó là đi khất thực từng nhà. Ngoài ra là hướng về Phật, khất pháp nhằm vun bồi Pháp Thân huệ mạng. Đó chính là Pháp Thực, dùng Phật pháp làm thức ăn, nhằm nuôi dưỡng Pháp Thân huệ mạng của chúng ta.

          (Diễn) Vấn: Ký viết Chân Như chi lý vi thực, nhi Chân Như nhất vị bình đẳng, vô tăng, vô giảm, vạn cổ bất ma, nhi văn trung thâm thiển giai vị, lũ thực lũ tiêu giả, hà dã?

() 問:既曰真如之理為食,而真如一味平等,無增無減,萬古不磨,而文中深淺階位,屢食屢消者,何也?

(Diễn: Hỏi: Đã nói là “lý Chân Như làm thức ăn”, nhưng Chân Như một vị bình đẳng, chẳng tăng, chẳng giảm, muôn đời chẳng mòn, thế mà trong lời Sao lại nói đến các địa vị cạn hay sâu, nhiều lượt ăn, nhiều lượt tiêu, là vì lẽ nào?)

 Câu hỏi này rất có đạo lý. Chân Như là một, há có tầng cấp? Trong Chân Như, xác thực là chẳng có tầng cấp, nhưng chúng ta thấy kinh Duy Ma nói có tầng cấp.

          (Diễn) Đáp, Chân Như tuy viết nhất vị, vạn cổ bất ma, nhi nãi tùy trí thiển thâm, dĩ hạ vị vị chứng thượng vị lý thời, tắc nhất tâm duyên thử lý cảnh, danh thực thử thực. Dĩ chứng thử lý thời, tắc thử lý hóa vi ô hữu, danh viết nãi tiêu.   

() 答:真如雖曰一味,萬古不磨,而乃隨智淺深,以下位未證上位理時,則一心緣此理境,名食此食;已證此理時,則此理化為烏有,名曰乃消。

(Diễn: Đáp: Chân Như tuy nói là một vị, muôn đời chẳng mòn, nhưng tùy thuộc vào trí cạn hay sâu, do khi địa vị dưới chưa chứng được lý của địa vị trên, bèn nhất tâm duyên theo lý cảnh ấy, nên gọi là “ăn thức ăn ấy”. Khi đã chứng lý ấy, lý ấy hóa thành chẳng còn gì nữa, nên mới nói là “bèn tiêu”).

          Trả lời hết sức khéo! Khi quý vị chưa chứng đắc, dường như có Lý để có thể chứng. Sau khi chứng đắc, Lý ấy chẳng còn nữa. Vì sao chẳng còn? Tâm và cảnh như một, Lý và Trí không hai. Năng chứng (chủ thể để chứng) là Trí, sở chứng (điều được chứng) là Lý. Khi chứng đắc, Lý và Trí vốn là một, chẳng hai. Đã chẳng có Năng Chứng Trí thì cũng chẳng có Sở Chứng Lý, điều này gọi là Tiêu. Khi chưa chứng đắc, bèn có Năng Chứng Trí, mà cũng có Sở Chứng Lý, có Năng và Sở. Địa vị Tam Hiền trong Biệt Giáo đều có Năng và Sở, đã đăng địa (chứng nhập Sơ Địa) thì Năng và Sở đều chẳng có. Do đó, Ngài nói “đắc Vô Sanh Nhẫn; khi ấy, Năng và Sở chẳng còn nữa”. Câu cuối cùng trong Tâm Kinh nói về cảnh giới của bậc Địa Thượng Bồ Tát, “vô trí, diệc vô đắc”, đó là thật sự tiêu mất, Năng Chứng và Sở Chứng đều chẳng thể được.

          Nhưng chư vị phải hiểu: Đấy là Lý, chân lý; nay chúng ta là phàm phu, phàm phu lè tè sát đất, nhất định phải tin tưởng, tin tưởng chính mình là một gã phàm phu sanh tử, tin tưởng chính mình nghiệp chướng sâu nặng. Những lý luận ấy có thể nghe, nhưng tuyệt đối chẳng thể học tập. Nếu quý vị học tập, nhất định đọa địa ngục, đó gọi là Ác Thủ Không (chấp Không sai lầm). [Nghe nói] “vô tu, vô chứng” [bèn tưởng lầm] ta cũng chẳng cần phải tu, cũng chẳng cần phải chứng, vậy thì chắc chắn quý vị đọa địa ngục. [Quý vị phản bác]: “Tôi chẳng làm chuyện xấu, cớ sao bị đọa địa ngục?” Quý vị đã báng Phật, báng Pháp, báng Tăng. Quý vị hiểu sai ý nghĩa câu nói này của đức Phật, đó chính là báng Pháp. Tội nghiệp nặng nhất trong hủy báng Tam Bảo là nghiệp báng Pháp. Không chỉ lầm chính mình, mà còn khiến cho người khác bị lầm. Cổ nhân nói: “Ninh khả chấp Hữu như Tu Di sơn” (Thà chấp Có như núi Tu Di). Đó là chấp trước, chấp trước Hữu to như núi Tu Di, còn cứu được! “Bất khả chấp Không như giới tử” (Chớ nên chấp Không chừng bằng hạt cải), chớ nên mảy may chấp trước Lý Không. Hễ chấp trước bèn là Ác Thủ Không, hỏng bét!

Vì thế, Tịnh Độ Tông chẳng nói Không, mà “chỉ phương, lập tướng”, chỉ ra Tây Phương Cực Lạc thế giới, chỉ ra phương hướng [của cõi Cực Lạc] là phương Tây, kiến lập một phương hướng xác định, xác thực là có Tây Phương Cực Lạc thế giới, xác thực là có A Di Đà Phật, như vậy thì sẽ chẳng đến nỗi rớt vào Không, chẳng chấp Không! Chúng ta chẳng hiểu nghĩa Không, chẳng sao cả! Chúng ta chấp trước Chân Hữu. Chân Hữu thì quý vị thật sự có thể vãng sanh, thật sự có thể đến đó, thật sự có thể thoát luân hồi, thoát tam giới. Trong giai đoạn hiện tiền, chúng ta nhất định phải hiểu rõ điều này, ngàn muôn phần chớ nên hiểu lầm!

          (Diễn) Như nhân vị chí Lư Sơn, tắc hữu Lư Sơn khả duyên. Dĩ chí Lư Sơn, tắc Lư Sơn hóa vi ô hữu. Cố viết: “Bất kiến Lư Sơn chân diện mục, chỉ nhân thân tại thử sơn trung” dã.

() 如人未至廬山,則有廬山可緣,已至廬山,則廬山化為烏有,故曰不見廬山真面目,只因身在此山中也。

(Diễn: Như người chưa đến Lư Sơn, ắt có Lư Sơn để có thể duyên vào. Đã đến Lư Sơn thì Lư Sơn hóa thành chẳng còn nữa. Nên nói: “Chẳng thấy Lư Sơn chân diện mục, chỉ thân mình ở tại Lư Sơn”).

          Đây là hai câu trong bài thơ do Tô Đông Pha đã làm khi đến chơi Lư Sơn. Chưa đến nơi ấy, bèn muốn đi. Do có mục đích, mục tiêu, nên nỗ lực tinh tấn nơi ấy. Đã đạt tới, tâm liền thôi mong tưởng, [mục đích, mục tiêu] ấy chẳng còn nữa, chẳng có tâm phan duyên. Đây là một tỷ dụ. Tới đây đã giảng xong ý nghĩa “phạn thực”. Tiếp theo đây là giải thích ý nghĩa “kinh hành”:

            (Sao) Kinh hành giả, Trì Thế kinh vân: “Như Lai hành xứ, thị vô hành xứ”. Vô hành xứ giả, chân huệ dã. Cố tri niêm chủy, phóng trợ, khẩu khẩu bất ly, cử túc, động thân, bộ bộ đạp trước. Hà đắc mai đầu khiết phạn, không quá nhất sanh, ngoạn thủy quán sơn, đồ lao vạn lý.

          () 經行者,持世經云:如來行處,是無行處。無行處者,真慧也。故知拈匙放箸,口口不離,舉足動身,步步踏著。何得埋頭喫飯,空過一生,翫水觀山,徒勞萬里。

            (Sao: “Kinh hành”: Kinh Trì Thế nói: “Hành xứ của Như Lai là vô hành xứ”. “Vô hành xứ” là chân huệ. Vì thế biết: Cầm thìa, buông đũa, miệng miệng chẳng lìa. Giở chân, động thân, bước bước giẫm đạp. Há nên vùi đầu ăn uống, luống uổng một đời. Dạo chơi sơn thủy, uổng công vạn dặm nhọc nhằn!)

           Trong sách Diễn Nghĩa có chú giải hai câu kinh Trì Thế: “Như Lai hành xứ, thị vô hành xứ”.

          (Diễn) Hành giả, tâm hành hồ cảnh dã. Phàm phu hành Hữu, Nhị Thừa hành Không, Đại Thừa Bồ Tát hành Trung Đạo. Như Lai tắc Hữu xứ toàn Không, phi hành Hữu dã. Không xứ toàn Hữu, bất hành Không dã. Trung Đạo tức nhị biên, bất hành Trung dã.

          (行者,心行乎境也。凡夫行有,二乘行空,大乘

菩薩行中道。如來則有處全空,非行有也;空處全有,不行空也;中道即二邊,不行中也。

          (Din: “Hành” là tâm duyên nơi cảnh. Phàm phu hành Hữu, Nhị Thừa hành Không, Đại Thừa Bồ Tát hành Trung Đạo. Như Lai ắt Hữu xứ toàn là Không, nên chẳng hành Hữu. Không xứ toàn là Hữu, nên cũng chẳng hành Không. Trung Đạo chính là Nhị Biên, nên chẳng hành Trung).

          “Hành” (行) là nói tới khởi tâm động niệm. “Phàm phu hành Hữu”: Phàm phu khởi tâm động niệm đều có cảnh giới, đương nhiên những cảnh giới ấy rất nhiều. Phật pháp quy nạp chúng lại [gọi chung là Hữu], phàm phu chấp Hữu. Quý vị khởi tâm động niệm nói chung là có Hữu, hoặc là nghĩ tới người, hoặc nghĩ tới sự, hoặc nghĩ tới quá khứ, hoặc nghĩ đến vị lai, trong tâm hễ động niệm bèn có tướng. Trong văn tự Trung Quốc, Tưởng (想) là trong tâm (心) có tướng (相); hễ tâm quý vị động niệm bèn có tướng. Trong tâm động niệm gọi là Tưởng, hễ Tưởng bèn có tướng xuất hiện. Người thật sự có công phu, hoặc người có Thiên Nhãn Thông, quý vị nghĩ gì, họ biết ngay. Vì sao biết? Quý vị vừa nghĩ bèn có tướng, họ liền biết quý vị đang làm gì, họ thấy rõ ràng, rành rẽ, họ có thể trông thấy. Ban đêm quý vị ngủ, nằm mộng, họ ở bên cạnh nhìn sẽ thấy quý vị đang làm gì trong mộng, họ đều biết, vì khi quý vị nghĩ tưởng, bèn có tướng.

          Trong Thiền Tông có một công án: Thiền sư Kim Bích Phong công phu Thiền Định rất sâu. Khi hết tuổi thọ, Diêm Vương sai tiểu quỷ đến bắt Sư, Sư nhập Định. Sư vừa nhập định, tâm chẳng sanh một niệm. Chẳng có niệm, bèn chẳng có tướng, [tiểu quỷ] chẳng tìm thấy. Tiểu quỷ bó tay, đến đâu bây giờ? Chẳng tìm thấy người ấy! Có thể thấy là khi quỷ đến, hắn chẳng bắt thân thể, mà là bắt thần thức. Thần thức đang nhập Định, chẳng có tướng, nên quỷ chẳng thấy! Quỷ chẳng thấy thân thể này, cái nó trông thấy là tướng khởi tâm động niệm. Vì thế, tìm chẳng thấy! Sau đó, quỷ nghe nói thiền sư Kim Bích Phong có một cái bát là đồ cổ Sư rất ưa thích, trong tâm chẳng thể buông xả cái bát ấy. Con quỷ ấy nói: “Vậy là có cách rồi”, bèn nhè nhẹ gõ bát một chút. Tâm thiền sư nghe tiếng động của cái bát, trong tâm bèn dấy động một niệm. Một niệm vừa động, tiểu quỷ bắt được Sư. Sư hỏi: “Ngươi bắt ta làm gì?” Quỷ đáp: “Thọ mạng của Sư đã hết rồi, Diêm Vương bắt Sư đi”. Sư hỏi: “Sao vừa rồi ngươi chẳng tìm thấy ta?” Quỷ đáp: “Sư nhập Định, ta chẳng thấy Sư. Vì Sư yêu thích cái bát này, ta vừa gõ, Sư động tâm, ta bèn tìm được Sư”. Thiền sư nghe vậy, lại nhập Định. Quỷ lại gõ bát, nhưng Sư đã chẳng cần nữa, buông xả cái bát ấy, nên tiểu quỷ ấy chẳng tìm thấy Sư.

Vì vậy, hễ trong tâm khởi tâm động niệm, quỷ thần hay biết! Chúng ta dấy thiện niệm, hay dấy ác niệm, quỷ thần biết trọn vẹn, chẳng có cách nào dối gạt người khác! Những hành vi rõ rệt của chúng ta, con người có thể biết, có thể nhận ra, nhưng những hành vi ẩn giấu trong tâm, quỷ thần hay biết. Ngay cả quỷ thần còn biết, kinh nói người trong Tây Phương Cực Lạc thế giới là “Thiên Nhãn đỗng thị, Thiên Nhĩ triệt thính, Tha Tâm biến tri” (Thiên Nhãn thấy thấu suốt, Thiên Nhĩ nghe thấu suốt, Tha Tâm biết trọn khắp), [đương nhiên biết rõ ràng]. Nay chúng ta dấy vọng tưởng, thậm chí chính mình còn chưa để ý, còn chưa biết, nhưng người ta đã thấy rõ ràng, rành rẽ.

          Nói đến hành xứ của phàm phu thì phàm phu chấp Có. “Nhị Thừa hành Không”: Thanh Văn và Duyên Giác chấp trước Không; luôn thiên lệch vào hai bên. “Đại Thừa Bồ Tát hành Trung Đạo”: Nói thật ra, Trung Đạo và Nhị Biên lại là một sự kiến lập, vẫn là một bên. Vì lẽ đó mà phân chia tầng cấp, địa vị. “Như Lai tắc Hữu xứ toàn Không, phi hành Hữu dã; Không xứ toàn Hữu, bất hành Không dã” (Như Lai thì Hữu xứ toàn là Không, nên chẳng hành Hữu; Không xứ toàn là Hữu, nên chẳng hành Không). Trung Đạo chính là hai bên, nên chẳng hành Trung. Vì lẽ đó, Phật là vô hành xứ. Vô hành xứ mới là trí huệ chân chánh.

          (Diễn) Ly tứ cú hành, tuyệt bách phi hành.

          () 離四句行,絕百非行。

          (Diễn: Hành lìa bốn câu, hành dứt bách phi).

           “Tứ cú”“không, có, cũng không cũng có, chẳng phải không chẳng phải có”, đó đều là những phân biệt, chấp trước hư vọng của hết thảy chúng sanh.

          (Diễn) Oai Âm na bạn hành, Pháp Thân hướng thượng hành, bất khả hành xứ hành.

() 威音那畔行,法身向上行,不可行處行。

(Diễn: Hành nơi phía Oai Âm Phật, hành nơi Pháp Thân hướng thượng, hành nơi chẳng thể hành).

          “Oai Âm” là tên một vị cổ Phật, tức là Oai Âm Vương Phật (Bhiśmagarjitasvararājā). Trong Phật pháp, câu nói này được dùng với nghĩa phiếm chỉ rất rộng, nhằm hình dung bao kiếp lâu xa trước, cũng có thể nói là “bất khả thuyết bất khả thuyết vô lượng kiếp trước”, mang ý nghĩa này. Những điều này nhằm hình dung Phật chẳng trụ vào hai bên Có và Không, cũng chẳng trụ vào Bất Trụ. Đó là cảnh giới “vô trí, diệc vô đắc” cuối Tâm Kinh. Thiền Tông nói “hướng thượng nhất trước” (向上一著) là nói đến điều này.

          Từ câu “cố tri” (vì thế biết) trở đi là kết lại lời khuyên, khuyến khích chúng ta. “Niêm chủy, phóng trợ” (Cầm thìa, buông đũa) là nói chúng ta trong khi ăn cơm hằng ngày. Chủy (匙) là cái muỗng chan canh, cái thìa; Trợ (箸) là đũa. “Khẩu khẩu bất ly”, chẳng lìa gì vậy? Đức dụng của Chân Như bổn tánh, cũng là hành xứ của Như Lai, chẳng rời khỏi! Chỉ cần quý vị chẳng chấp trước, quý vị có thể tự tại giống như Phật. Hai bên Hữu và Không đều chẳng chấp trước, mà cũng đừng chấp trước “không chấp trước”. Nói cách khác, Phật và phàm phu có gì khác nhau? Thuở tại thế, đức Phật cũng mặc quần áo, ăn cơm, tình hình sinh hoạt chẳng khác gì chúng ta. Điều khác biệt duy nhất là trong tất cả các cảnh giới, đức Phật chẳng khởi tâm, không động niệm, chẳng phân biệt, không chấp trước. Chúng ta khởi tâm động niệm, chúng ta chấp Hữu, trong hết thảy cảnh giới chúng ta đều ngỡ là thật. Người Tiểu Thừa chấp Không, nên đều chẳng đạt được thụ dụng chân thật. Người chấp Hữu tạo nghiệp, phải chịu quả báo. Tuy quả báo chẳng phải là chân thật, nhưng giống như nằm mơ, mỗi ngày đều gặp ác mộng có dễ chịu hay không? Ngày nào chúng ta chẳng còn nằm ác mộng nữa, ác mộng đã nhiều quá rồi, chẳng còn muốn mộng nữa, luân hồi trong lục đạo là ác mộng! Nếu quý vị chẳng thể thật sự tỉnh giấc, cơn ác mộng ấy vĩnh viễn chẳng dứt, phiền phức to lớn, [phiền phức] nhiều lắm! Người Tiểu Thừa chấp Không, cũng là thiên lệch một bên, chẳng đạt được tự tại thật sự. Tiểu Thừa là “có Thể, chẳng có Dụng”, Thể là Không. Có Thể nhưng không có Dụng, nên chẳng khởi tác dụng. Phàm phu là “có Dụng, chẳng có Thể”; tuy có tác dụng, nhưng quên bẵng Thể!

          Chư Phật, Bồ Tát “Thể Dụng như như”, đấy mới là đắc đại tự tại! Không chỉ là Thiền Tông hiển lộ chẳng sót ý nghĩa này, mặc quần áo, ăn cơm đều là công phu, mặc quần áo, ăn cơm đều là Phật pháp; chẳng có một pháp nào không phải là Phật pháp. Vì thế, “khẩu khẩu bất ly”, “khẩu khẩu” là ăn cơm. Nếu chư vị đã đọc Lăng Nghiêm, sẽ hiểu ý nghĩa này sâu hơn một chút. Giao Quang đại sư chủ trương: Đối với Lăng Nghiêm, cách tu Thủ Lăng Nghiêm Định là “bỏ Thức, dùng Căn”. Tật xấu của chúng ta trong hiện thời là dùng tám thức, năm mươi mốt Tâm Sở, đó là phàm phu. Mắt duyên theo Sắc Trần, tai duyên theo Thanh Trần. Khi ăn cơm, Thiệt Thức duyên theo Vị Trần, luôn khởi phân biệt, chấp trước nơi đó! Sự phân biệt, chấp trước ấy là cội nguồn của phiền não nghiệp chướng. Giao Quang đại sư dạy chúng ta “bỏ Thức, dùng Căn”, chúng ta chẳng dùng tám thức, chẳng dùng năm mươi mốt Tâm Sở, chẳng dùng những thứ ấy. Sau khi đã bỏ sạch những thứ ấy, mắt có thể thấy hay không? Có thể thấy, thấy gì vậy? Thấy bằng tánh Thấy, tuyệt diệu thay! Tánh Thấy thấy điều gì? Thấy Sắc Tánh, chẳng phải là Sắc Trần. Sắc Trần bất bình đẳng, Sắc Tánh bình đẳng. Trong hết thảy Sắc, thấy được tánh, minh tâm kiến tánh, quý vị kiến tánh bèn thành Phật. Tai nghe chẳng phải là Thanh Trần, Nhĩ Thức mới đối ứng với Thanh Trần, nay ta dùng tánh Nghe, nghe gì? Thanh Tánh. Quán Thế Âm Bồ Tát dùng phương pháp này. Quán Thế Âm Bồ Tát dùng Nhĩ Căn, nên “phản văn văn tự tánh, tánh thành vô thượng đạo” (xoay cái nghe để nghe nơi tự tánh, tánh thành vô thượng đạo), Ngài thành Phật.

          Người ta ăn này nọ, “khẩu khẩu bất ly” là dùng Thiệt Tánh, nếm gì? Nếm Vị Tánh, chẳng phải là Vị Trần. Ở đây nói “khẩu khẩu bất ly, bộ bộ đạp trước” theo ý nghĩa này. “Thân” cũng là Căn, là một thứ trong lục căn, tức mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Thân đối ứng Xúc Trần. Nay Thân Căn đối ứng với Xúc Tánh, chẳng phải là Xúc Trần, nên mỗi bước đều giẫm đạp [nơi Thật Tế lý địa]. Đó chính là “Như Lai hành xứ”. Ở đây, dạy chúng ta “kinh hành” thì phải đi nơi hành xứ của Như Lai. Bước từng bước, mỗi bước chúng ta đi, chúng ta tiếp xúc cảnh giới bên ngoài, chẳng phải là Trần Cảnh, mà là Sắc Tánh, Xúc Tánh.

          “Hà đắc mai đầu khiết phạn, không quá nhất sanh” (Sao đành vùi đầu ăn uống, luống uổng một đời): Trong cuộc sống, quý vị chẳng thể thứ gì cũng đều hội quy tự tánh, quý vị đã uổng công ăn cơm mất rồi! Ăn cơm vẫn tạo nghiệp, tạo nghiệp gì vậy? Nếm hương vị này, món này ăn ngon, món kia khó nuốt! Phân biệt, chấp trước. Ngon miệng bèn ăn nhiều một chút. Đối với món nuốt chẳng nổi, bèn sanh tâm sân hận, đó là tạo nghiệp. Do đó, Trần có phân biệt, Tánh vô phân biệt! Trong Trần có chấp trước, có phiền não, trong Tánh chẳng có chấp trước, chẳng có phiền não. Đây là nói đến cuộc sống hằng ngày!

           “Ngoạn thủy quan sơn, đồ lao vạn lý”   (Dạo chơi sơn thủy, uổng

công nhọc nhằn vạn dặm): Hai câu này nói đến chuyện lên núi lễ Phật, tham học. Lên núi lễ Phật, tham học, mà nếu chẳng thể minh tâm kiến tánh, vậy là quý vị uổng công nhọc nhằn bôn ba vạn dặm, chẳng có ý nghĩa gì! Vì thế, trước kia, người ta lên núi, lễ Phật, tham học, nhằm mục đích tham phỏng thiện tri thức chân chánh, hướng về Ngài cầu chỉ dạy, hoặc là chính mình đã khế nhập cảnh giới nào đó, thỉnh Ngài ấn chứng. Nay chúng ta đi vãn cảnh, du lịch, sai mất rồi! Người biết dụng công, đích xác là thời gian một phút, một giây cũng chẳng lãng phí, niệm niệm đều tương ứng với đạo, chẳng có một pháp nào không tương ứng!

          Tứ tổng kết

          四總結。

          (Bốn, tổng kết).

          Liên Trì đại sư có viết khoa phán cho kinh này, đồ biểu A Di Đà Kinh Sớ Sao Biệt Giải Văn Nghĩa được in phía sau sách này. Đoạn kinh văn chúng ta đang đọc ở đây thuộc về phần Y Báo, chính là đoạn thứ hai, tức Biệt Thị Trang Nghiêm (nêu bày y báo từng điều riêng biệt) trong phần Y Báo. Tiếp đó là bốn đoạn: Đoạn thứ nhất là Lan Võng Hàng Thụ, đoạn thứ hai là Trì Quốc Liên Hoa, đoạn thứ ba là Thiên Nhạc Vũ Hoa. Đoạn văn hiện tại là phần tổng kết của đoạn Thiên Nhạc Vũ Hoa.

          (Kinh) Xá Lợi Phất! Cực Lạc quốc độ, thành tựu như thị công đức trang nghiêm.

          () 舍利弗。極樂國土。成就如是功德莊嚴。

          (Kinh: Này Xá Lợi Phất! Cõi nước Cực Lạc thành tựu công đức trang nghiêm như thế).

          Đây là phần cuối cùng tổng kết đoạn thứ ba của Y Báo.

          (Sớ) Kết thượng thiên nhạc, thiên hoa đẳng.

          () 結上天樂天華等。

          (Sớ: Tổng kết những điều như thiên nhạc, thiên hoa v.v… trên đây).

           Tổng kết thiên nhạc, thiên hoa… đã được nói trong phần trước.

          (Sớ) Chủng chủng trang nghiêm, giai bổn Phật nguyện hạnh công đức sở thành tựu dã.

() 種種莊嚴,皆本佛願行功德所成就也。

(Sớ: Các thứ trang nghiêm vốn đều do nguyện hạnh và công đức của Phật Di Đà thành tựu).

          Sự thù thắng của Tây Phương Cực Lạc thế giới rất chẳng thể nghĩ bàn. Thành tựu như thế nào? Được thành tựu bởi đại nguyện và đại hạnh của A Di Đà Phật, mà cũng được thành tựu bởi tịnh nghiệp của các chúng sanh vãng sanh từ mười phương. Có lẽ chư vị sẽ hỏi: Nói do nguyện hạnh của A Di Đà Phật thành tựu thì còn có căn cứ, kinh Vô Lượng Thọ có nói [chuyện này]! Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật cũng giảng rõ ràng! Nói do tịnh nghiệp của hết thảy những người vãng sanh thành tựu, dường như chưa nghe nói! Trong phần trước, tôi đã từng nói với quý vị, một câu A Di Đà Phật của người niệm Phật, chúng ta dùng tâm thanh tịnh, tâm chí thành, tâm cung kính, tâm cầu nguyện vãng sanh để niệm một câu A Di Đà Phật, hoặc là niệm Nam-mô A Di Đà Phật, sáu chữ hoặc bốn chữ đều như nhau, sáu chữ hồng danh ấy không chỉ có âm thanh, mà còn có quang minh. Không chỉ có quang minh, mà còn có mùi thơm, hương quang trang nghiêm mà! Vì sao có quang minh và có mùi thơm? Vì sáu chữ ấy từ trong tự tánh của quý vị niệm ra, vì sao biết là tự tánh? Vì từ trong tâm chân thành của quý vị niệm ra. Tâm chân thành cầu nguyện vãng sanh chính là tự tánh. Cổ đức nói cái tâm năng niệm là Thỉ Giác, Phật hiệu được niệm là Bổn Giác của chính mình. Thỉ Giác và Bổn Giác bất nhị, là Cứu Cánh Giác. Giác là tự tánh.

          Do đó, thánh hiệu Di Đà là đức hiệu trong tự tánh của chúng ta, một niệm tương ứng một niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật. Niệm một câu Phật hiệu vang rền pháp giới, công đức ấy to lắm! Ánh sáng chiếu xen lẫn nhau với đại hạnh đại nguyện của A Di Đà Phật. Chúng ta đọc Đại Kinh thấy nói: “Tự nhiên quang sắc tham hồi” (Tự nhiên quang minh và màu sắc xen chiếu, hòa nhập lẫn nhau). “Tham” (參) là hòa nhập lẫn nhau, “hồi” (迴) là hồi chuyển (xoay chuyển cuộn tròn vào nhau), trong ấy chẳng có giới hạn. Đó là biến đại nguyện và đại hạnh của A Di Đà Phật thành nguyện hạnh của chính chúng ta. Pháp môn này thực tại chẳng thể nghĩ bàn! Nếu cậy vào sự tu hành của bản thân chúng ta, tu đến mức giống như A Di Đà Phật, rất khó khăn! Nay nhờ vào một câu danh hiệu A Di Đà Phật này, khiến cho tâm hạnh của chúng ta nghiễm nhiên giống như A Di Đà Phật, chẳng khác gì! Điều này chẳng thể nghĩ bàn. Quý vị một niệm là một niệm tương ứng, niệm niệm là niệm niệm tương ứng.

          Bởi vậy, chẳng thể không hiểu ý nghĩa trong kinh. Nếu quý vị chẳng hiểu, khi quý vị niệm Phật, sẽ chẳng có cảnh giới ấy. Nếu quý vị chẳng hiểu, cũng muốn đạt đến cảnh giới ấy, nhất định phải niệm đến mức tâm thanh tịnh, phải niệm đến mức nhất tâm bất loạn, cảnh giới ấy mới hiện tiền, mới hòng đạt được! Nếu quý vị thông đạt, hiểu rõ giáo nghĩa; nói cách khác, cảnh giới ấy có thể hiện tiền khá mau, vì sao? Niệm niệm đều như Vãng Sanh Luận đã nói, có quán tưởng. Thiên Thân Bồ Tát nói đến Ngũ Niệm Pháp. Ngũ niệm đều ở trong một câu Phật hiệu A Di Đà Phật; vì thế, một câu Phật hiệu có năm ý nghĩa. Lão cư sĩ Hạ Liên Cư đã biên soạn bộ Tịnh Tu Tiệp Yếu, cách tu trong Tịnh Tu Tiệp Yếu đã dựa trên Ngũ Niệm Pháp của Vãng Sanh Luận để biên soạn. Trong Ngũ Niệm có Lễ Bái, Tịnh Tu Tiệp Yếu có tất cả ba mươi hai lạy. Mỗi đoạn là một lạy, nên nghi thức ấy có lễ bái. Có Quán Sát, Quán Sát là quán tưởng. Quý vị niệm đoạn văn ấy, trong tâm nghĩ đến cảnh giới ấy, đó là Quán Sát. Có Phát Nguyện, nguyện nào cũng đều tưởng cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Có Xưng Danh, mỗi một lạy bèn niệm Nam-mô A Di Đà Phật ba lần. Có Hồi Hướng; vì thế, năm ý nghĩa đều trọn đủ. Quý vị có thể hiểu rõ, thông đạt nghĩa lý của kinh, đừng thấy nghi thức ấy rất ngắn, chỉ có ba mươi hai lạy. Hãy quan sát cặn kẽ ba mươi hai lạy ấy, gần như phải lạy mất bốn mươi hoặc năm mươi phút. Nếu có thời gian, chớ nên lạy quá nhanh, phải thật sự suy tưởng cảnh giới ấy. Cảnh giới ấy hoàn toàn dung hội với A Di Đà Phật thành một Thể, đích xác là một phương pháp tu hành hết sức tốt đẹp.

          Trước kia, chúng ta đọc Vãng Sanh Luận, chẳng biết cách tu của Vãng Sanh Luận là như thế nào! Lão cư sĩ Hạ Liên Cư biên soạn tác phẩm này chính là cách tu Vãng Sanh Luận. Đã thế, nội dung quán tưởng trong tác phẩm ấy hoàn toàn là kinh Vô Lượng Thọ, mà cũng y báo và chánh báo trang nghiêm trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, quá hay! Nay chúng tôi in chung kinh văn của kinh Vô Lượng Thọ và Tịnh Tu Tiệp Yếu, cũng như Bảo Vương Tam Muội Sám [thành một cuốn] để mọi người tu học thuận tiện. Những vị có công phu, đã về hưu, chẳng phải đi làm, ở nhà có thời gian, nếu có thể lạy Bảo Vương Tam Muội Sám thì càng tỉ mỉ. Nếu phải đi làm, bận bịu nhiều việc, dùng Tịnh Tu Tiệp Yếu là được rồi. Ở đây, chúng ta có băng thâu âm Tịnh Tu Tiệp Yếu, hoặc là chính quý vị niệm trước, thâu băng lại, vì sao? Khi quý vị quán tưởng, lễ bái, chẳng cần nhìn vào kinh văn, tâm quý vị càng định. Xem kinh văn thì phải giở sách, là chuyện rất phiền. quý vị chẳng ngại gì mà không mở băng lên, khi nghe bèn dựa vào đó để quán tưởng. Vì thế, nói nguyện hạnh của đức Di Đà cũng như tịnh nghiệp của hết thảy người vãng sanh đã thành tựu sự thù thắng trang nghiêm khôn sánh của Tây Phương Cực Lạc thế giới. Trong lời Sao, Tổ đã trích dẫn kinh văn của kinh Vô Lượng Thọ.

          (Sao) Nguyện giả, như Đại Bổn, Pháp Tạng nguyện vân: “Ngã tác Phật thời, tự địa dĩ thượng, giai vô lượng tạp bảo, bách thiên chủng hương, nhi cộng hợp thành”.

() 願者,如大本法藏願云:我作佛時,自地以上,皆無量雜寶,百千種香,而共合成。

(Sao: Nguyện là như trong kinh Đại Bổn, ngài Pháp Tạng đã nguyện rằng: “Khi tôi thành Phật, từ mặt đất trở lên, đều dùng vô lượng chất báu khác nhau, trăm ngàn loại hương cùng hợp thành”).

          Tây Phương Cực Lạc thế giới hương quang trang nghiêm.

          (Sao) Hựu nguyện vân: “Ngã tác Phật thời, thập phương vô ương số thế giới, chư thiên nhân dân, văn ngã danh hiệu, nhiên đăng, tán hoa”.

            () 又願云:我作佛時,十方無央數世界,諸天人民,聞我名號,然燈散華。

(Sao: Lại nguyện rằng: “Khi tôi thành Phật, chư thiên và nhân dân trong vô ương số thế giới, nghe danh hiệu tôi bèn thắp đèn, rải hoa”).

          Chúng ta không chỉ đọc bổn nguyện của Ngài, mà từ kinh Vô Lượng Thọ, cũng đã xác thực thấy, tuy chúng ta không chính mắt thấy, nhưng tôn giả A Nan, Di Lặc Bồ Tát, cùng với hai vạn thính chúng nghe đức Phật giảng kinh khi ấy đều cùng trông thấy. Đức Phật bảo tôn giả A Nan: “Ông có muốn thấy A Di Đà Phật hay không? Nếu ông muốn thấy A Di Đà Phật, hãy chí thành, cung kính hướng về phương Tây đảnh lễ”. Ngài A Nan nghe xong, vô cùng hoan hỷ, cung kính hướng về phương Tây đảnh lễ, miệng niệm Nam-mô A Di Đà Phật. Vừa ngẩng đầu lên, A Di Đà Phật đã hiện ở trước mặt. Không chỉ thấy A Di Đà Phật, thấy chư đại Bồ Tát, mà còn thấy mười phương chư Phật thảy đều tán thán A Di Đà Phật, cũng thấy nhiều vị trời rải hoa cúng dường. Khi ấy, hai vạn người dự hội, chúng tỳ-kheo là một vạn hai ngàn vị, tỳ-kheo-ni năm trăm vị, tại gia cư sĩ bảy ngàn người, nữ cư sĩ năm trăm người, thảy đều trông thấy.

          (Sao) Hựu nguyện vân: “Ngã tác Phật thời, sát trung Bồ Tát, dĩ hương hoa đẳng chủng chủng cúng cụ, dục vãng tha phương thế giới cúng dường chư Phật, nhất thời chi khoảnh, tức khả biến chí”.

() 又願云:我作佛時,剎中菩薩,以香華等種種供具,欲往他方世界供養諸佛,一時之頃,即可遍至。

(Sao: Lại nguyện rằng: “Khi tôi thành Phật, Bồ Tát trong cõi nước dùng các thứ vật cúng như hương, hoa… muốn sang các thế giới phương khác để cúng dường chư Phật, trong khoảng phút chốc liền có thể đến trọn khắp”).

          Trong khi giảng Đại Kinh, chúng tôi cũng đã trình bày cặn kẽ, pháp này mới là pháp chân thật nhất! Ngoại trừ Tây Phương Cực Lạc thế giới, có thể nói nơi nào cũng đều là vô thường, đôi bên tụ hợp rất ngắn ngủi, tạm bợ. Chỉ có vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, Phật vô lượng thọ, tất cả hết thảy nhân dân ai nấy đều là vô lượng thọ. Thế giới ấy là thế giới bình đẳng kỳ diệu nhất! Trong Sớ Sao, Liên Trì đại sư đã nói, hiện thời có rất nhiều người vẽ hình Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng đúng! Họ vẽ hình tượng A Di Đà Phật đặc biệt to, Quán Âm, Thế Chí hơi nhỏ hơn một chút, người vãng sanh càng nhỏ hơn nữa, còn có nam, có nữ, có xuất gia, và cũng có tại gia, đều là sai lầm. Tướng của Tây Phương Cực Lạc thế giới là “bình đẳng nhất tướng”, [nghĩa là] tướng mạo, thân thể, cao thấp hoàn toàn giống hệt A Di Đà Phật, quyết định chẳng có phân biệt. Có người nói: Đó là hình tượng trước khi vãng sanh thế giới Cực Lạc, chỉ có thể vẽ một ngôi chùa, vẽ mấy tượng Phật ngồi trong đó, chẳng phải là Tây Phương Cực Lạc thế giới. Vì đến Tây Phương Cực Lạc thế giới sẽ là bình đẳng nhất tướng, bức vẽ ấy chẳng phải là Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đồ, mà là Niệm Phật Đường Đồ của chúng ta ở nơi đây, [nói như vậy thì] được! Niệm Phật Đường tạo tượng Phật rất lớn thì được!

          Đến bên kia, năng lực Thần Túc Thông cũng giống như Phật. Vì thế, cổ đức mới nói: “Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới là sanh đến thế giới của hết thảy chư Phật”. Thế giới của hết thảy chư Phật trong mười phương, quý vị muốn đến đâu bèn đến đó, muốn tới lúc nào bèn tới lúc đó, chẳng có tí xíu chướng ngại nào! Thấy A Di Đà Phật giống như thấy hết thảy chư Phật, đó là nguyện này được thành tựu! Chúng ta cũng hết sức khẩn thiết mong đạt được lợi ích này. Hiện thời chúng ta đi xa, vẫn rất phiền phức, tuy giao thông nhanh chóng, thuận tiện, há được tự tại dường ấy như trong Tây Phương Cực Lạc thế giới? Chẳng thể sánh bằng!

          (Sao) Hựu nguyện vân: “Ngã tác Phật thời, ngã sát trung nhân, dục thực chi thời, bảo bát chi trung, bách vị ẩm thực, hóa hiện tại tiền, thực dĩ tự khứ”. Kim lai thành Phật, nhất nhất sở nguyện, giai tất thành tựu.

() 又願云:我作佛時,我剎中人,欲食之時,寶缽之中,百味飲食,化現在前,食已自去。今來成佛,一一所願,皆悉成就。

(Sao: Lại nguyện rằng: “Khi ta thành Phật, người trong cõi ta, lúc muốn ăn, thức ăn trăm vị ở trong bát báu, hóa hiện trước mặt. Ăn xong biến mất”. Nay đã thành Phật, mỗi một điều nguyện thảy đều thành tựu).

          Câu cuối cùng là tổng kết, phần trước đó là lời nguyện. Cuối cùng, nêu lên lời nguyện “áo cơm tự tại”, chẳng cần lo toan, chẳng cần làm lụng. Nhất là việc nhà rất vụn vặt, làm lâu ngày rất chán ngán. Tây Phương Cực Lạc thế giới vĩnh viễn chẳng cần phải làm những chuyện ấy nữa! Nấu cơm, rửa chén, quét sàn, lau bàn… Tây Phương thảy đều chẳng có.

Thế giới ấy chẳng nhiễm mảy trần, “tư y đắc y, tư thực đắc thực” (nghĩ đến áo bèn được áo, nghĩ đến ăn bèn được ăn). Nơi tốt đẹp như thế nếu chẳng đến đó, đáng gọi là “đồ ngốc”, đáng gọi là ngu si! A Di Đà Phật nay đã thành Phật, bốn mươi tám nguyện của Ngài nguyện nào cũng đều viên mãn, nguyện nào cũng đều được thực hiện. Đây là nêu lên mấy nguyện để nói rõ, đối với chuyện phạn thực kinh hành, đều là [trích dẫn] những điều nguyện có liên quan đến ăn cơm và kinh hành. Dưới đây là giảng về chữ Hành.

            (Sao) Như Đại Bổn vân: “Pháp Tạng tỳ-kheo ký phát nguyện dĩ, thiên vũ diệu hoa, nhi tán kỳ thượng”. Hựu vân: “Hoặc vi tỳ-kheo, hoặc vi thiên vương, hoặc vi luân vương, hoặc vi đại thần, hằng vãng Phật sở, thừa sự cúng dường”. Hựu vân: “Thủ trung thường xuất y phục ẩm thực, tràng phan, bảo cái, nhất thiết âm nhạc”. Kim lai thành Phật, như thượng thiên nhạc, thiên hoa đẳng báo, tự hợp thành tựu.

() 如大本云:法藏比丘既發願已,天雨妙華,而散其上。又云:或為比丘,或為天王,或為輪王,或為大臣,恆往佛所,承事供養。又云:手中常出衣服飲食,幢旛寶蓋,一切音樂。今來成佛,如上天樂天華等報,自合成就。

(Sao: Như kinh Đại Bổn chép: “Tỳ-kheo Pháp Tạng đã phát nguyện rồi, trời tuôn hoa mầu nhiệm, rải lên thân Ngài”. Lại nói: “Hoặc làm tỳ-kheo, hoặc làm thiên vương, hoặc làm luân vương, hoặc làm quan lớn, thường đến chỗ Phật, hầu hạ, cúng dường”. Lại nói: “Trong tay thường hiện ra y phục, thức ăn, tràng phan, lọng báu, hết thảy âm nhạc”. Nay đã thành Phật, những quả báo như thiên nhạc, thiên hoa v.v… đều tự thành tựu phù hợp).

           Đây là Phật nhân viên quả mãn, [nghĩa là] nhân địa tu hành viên mãn, nên đạt được quả báo thù thắng ấy!

          Tứ, hóa cầm phong thụ.

          四化禽風樹。

          (Bốn, chim biến hóa, gió thổi qua cây).

          Đây là đoạn thứ tư trong phần Y Báo.

          (Kinh) Phục thứ Xá Lợi Phất! Bỉ quốc thường hữu chủng chủng kỳ diệu tạp sắc chi điểu: Bạch Hạc, Khổng Tước, Anh Vũ, Xá Lợi, Ca Lăng Tần Già, Cộng Mạng chi điểu. Thị chư chúng điểu, trú dạ lục thời, xuất hòa nhã âm. Kỳ âm diễn sướng Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần, Bát Thánh Đạo Phần, như thị đẳng pháp.

() 復次舍利弗。彼國常有種種奇妙雜色之鳥。白鶴。孔雀。鸚鵡。舍利。迦陵頻伽。共命之鳥。是諸眾鳥。晝夜六時。出和雅音。其音演暢五根。五力。七菩提分。八聖道分。如是等法。

(Kinh: Lại nữa, Xá Lợi Phất! Cõi ấy thường có các loài chim kỳ diệu, đủ màu: Chim Bạch Hạc, chim Công, Vẹt, Xá Lợi, Ca Lăng Tần Già, Cộng Mạng. Các loài chim ấy, ngày đêm sáu thời, tiếng hót hòa nhã. Âm thanh ấy diễn nói lưu loát Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần, Bát Thánh Đạo Phần, các pháp như thế).

          Chúng ta đọc lời chú giải của Liên Trì đại sư.

          (Sớ) Thượng ngôn chư thiên hiến thụy.

          () 上言諸天獻瑞。

          (Sớ: Trong phần trước là chư thiên dâng hiến những thứ tốt lành).

           Xác thật có những vị trời [cúng dường như thế], chúng ta đã thấy cảnh giới ấy từ trong kinh Vô Lượng Thọ.

          (Sớ) Thử ngôn cầm thụ thành âm. Hựu thượng ngôn cúng dường chi thắng. Kim ngôn văn pháp chi thắng dã. Chủng chủng ngôn phi nhất, kỳ diệu ngôn dị thường. Tạp sắc ngôn mỹ quan. Bạch Hạc đẳng giả, đa chủng trung cử nhất nhị dã. Bạch Hạc, Khổng Tước, Anh Vũ, thường kiến khả tri. Xá Lợi giải kiến tiền văn. Ca Lăng Tần Già, thử vân Diệu Âm. Cộng Mạng, nhất vân Mạng Mạng. Như thị chủng chủng, tất giai kỳ diệu, phi phàm điểu tỷ.

() 此言禽樹成音,又上言供養之勝,今言聞法之勝也。種種言非一,奇妙言異常,雜色言美觀。白鶴等者,多種中舉一二也。白鶴、孔雀、鸚鵡,常見可知。舍利解見前文。迦陵頻伽,此云妙音。共命,一云命命。如是種種,悉皆奇妙,非凡鳥比。

(Sớ: Ở đây nói chim và cây phát ra âm thanh. Lại nữa, phần trước nói về sự cúng dường thù thắng. Ở đây, nói đến sự nghe pháp thù thắng. “Chủng chủng” ý nói chẳng phải một loại. “Kỳ diệu” ý nói chẳng phải tầm thường. “Tạp sắc” ý nói đẹp mắt. Các thứ chim như Bạch Hạc v.v… là trong nhiều loại, nêu lên một hai loại. Bạch Hạc, Khổng Tước, Anh Vũ, do thường thấy nên có thể tự biết [chẳng cần phải giải thích]. Xem phần giải thích chữ Xá Lợi trong phần trước. Ca Lăng Tần Già cõi này dịch là Diệu Âm. Cộng Mạng còn gọi là Mạng Mạng. Các loài chim như vậy thảy đều kỳ diệu, các loài chim bình phàm chẳng thể sánh bằng).

           Đoạn văn này đã nêu bày đại lược các ý nghĩa. Đoạn văn phía trên nói về sự cúng dường thù thắng, còn trong tiểu mục này, nói về sự nghe pháp thù thắng. Do những loài chim này, trong phần kinh văn ở phía sau đã nói rất rõ ràng: Đều do A Di Đà Phật biến hóa thành, phô bày Tây Phương Cực Lạc thế giới “tình và vô tình, cùng tuyên dương diệu pháp”. Ở trong thế gian này, chúng ta đúng như đức Thế Tôn đã nói: “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”, nhưng đến Tây Phương Cực Lạc thế giới thật sự là sống đời đời, bất sanh, bất diệt. Cơ duyên nghe pháp quá phổ biến, chẳng có thời khắc nào không nghe Phật pháp. Lại còn đều là do A Di Đà Phật tuyên thuyết; nghe những loài chim ấy hoặc tiếng gió lùa qua cây thuyết pháp đều do A Di Đà Phật biến hóa thành. Vì thế, cơ duyên nghe pháp thù thắng, hết thảy các thế giới của chư Phật đều chẳng thể sánh bằng Tây Phương Cực Lạc thế giới.

          Nếu chúng ta chẳng nghe pháp, chắc chắn bị thoái chuyển, chúng ta nhất định phải biết điều này. Nhất là trong thế giới Sa Bà, nay chúng ta thuộc địa vị phàm phu, ba ngày không đọc kinh sẽ giống như cổ nhân đã nói: “Mặt mũi trông đáng ghét”. Ba ngày chẳng niệm kinh, chẳng biết trong tâm đã suy nghĩ loạn xạ những gì? Đọc kinh là tu tâm thanh tịnh. Khi đọc kinh, hy vọng tâm chính mình giống như kinh đã giảng, phải là Phật tri Phật kiến. Kinh do đức Phật nói, nên là Phật tri Phật kiến. Vì thế, muốn biến đổi tri kiến phàm phu của chúng ta thành Phật tri Phật kiến, phương pháp tốt nhất là đọc kinh.

          Đối với chuyện đọc kinh, tôi khuyên các đồng tu hãy đọc một thứ. Phải đọc một thứ ấy không ngừng. Tốt nhất là đừng thay đổi. Tuy thay đổi cũng được, chẳng phải là không được; nói chung, vẫn chẳng tốt bằng đọc một thứ! Trong Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ, lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ đã nêu lên rất nhiều tấm gương. Từ xưa tới nay, rất nhiều vị đại đức xuất gia hay tại gia đọc những kinh luận Đại Thừa thông thường, hồi hướng vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, cũng có không ít người vãng sanh. Cụ đã trích dẫn điều ấy trong đoạn cuối cùng của phần chú giải đoạn văn Tam Bối Vãng Sanh. Cuối cùng, lão nhân gia nói một câu: Cách này thuộc loại tạp tu, nói chung, tạp tu chẳng hay bằng chuyên tu! Lão nhân gia vẫn tán thành chuyên tu, thâm nhập một môn.

          Chuyên tu thì nay chúng ta nói là  [chuyên đọc]  Ngũ  Kinh, ngoài

Ngũ Kinh bèn là Tạp. Ngũ Kinh đều tán dương Tịnh Độ, đều khuyên chúng ta cầu sanh Tây Phương thế giới. Vì thế, năm kinh là chuyên, là chuyên tu. [Xem đọc] những kinh luận trong các tông khác bèn thuộc loại tạp tu. Trong năm kinh, tốt nhất là thọ trì một loại. Một loại ấy phải niệm mỗi ngày, coi như công khóa bắt buộc. Trong năm kinh, bốn loại kia hễ có thời gian rảnh rỗi thì có thể đọc, xem như phụ trợ, như thế là tốt đẹp. Ngoài năm kinh ra, [những kinh luận khác] chúng ta hãy nên buông xuống, tu học như vậy sẽ quyết định thành tựu trong một đời này. Vì thế, quý vị đọc kinh là nghe pháp. Kinh Vô Lượng Thọ do hai vị A Di Đà Phật và Thích Ca Mâu Ni Phật giảng, chẳng giống như kinh này. Kinh này từ đầu tới cuối do một mình Thích Ca Mâu Ni Phật giảng. Trong kinh Vô Lượng Thọ có phần kinh văn do chính A Di Đà Phật tự nói, đức Thế Tôn thuật lại. Thuật lại thì chẳng khác gì A Di Đà Phật đích thân nói, chẳng khác gì, vô cùng thù thắng!

          Đoạn văn chú giải này rất dài, vì phải giảng về Ba Mươi Bảy Đạo Phẩm, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần, Bát Thánh Đạo; trước đó, còn có Tứ Niệm Xứ, Tứ Như Ý Túc, Tứ Chánh Cần. Bảy khoa Đạo Phẩm ấy đều phải nói cặn kẽ, vì rất hữu ích đối với sự tu trì trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Hôm nay chúng tôi giảng tới đây!

[1] Đây là vị thiện tri thức thứ mười ba trong năm mươi ba vị thiện tri thức. Theo kinh Hoa Nghiêm, vị ưu-bà-di này ở thành Hải Trụ. Thiện Tài đến đó, thấy nhà cửa trang nghiêm, tường vây quanh bằng các thứ báu, ưu-bà-di Cụ Túc ngồi trên tòa báu, dung mạo đẹp đẽ, trang nghiêm, khả ái, đoan chánh, oai đức chói ngời. Trong nhà bày mười ức tòa, vượt trỗi tất cả các thứ sở hữu của chư thiên, đều do nghiệp lực của Bồ Tát thành tựu. Trong nhà chẳng có gì khác, ngoại trừ một cái bát nhỏ, lại có một vạn đồng nữ vây quanh, oai nghi sắc tướng như cung nữ cõi trời, trang sức bằng các thứ báu, âm thanh khả ái, khiến người nghe vui sướng, thân cận chiêm ngưỡng, tư duy, quan sát, khom mình, cúi đầu trước ưu-bà-di. Sau khi Thiện Tài đảnh lễ, thưa hỏi Bồ Tát đạo, ưu-bà-di liền nói bà ta đã đắc Vô Tận Phước Đức Tạng Giải Thoát Môn. Từ trong cái bát nhỏ ấy, thuận theo sự ưa thích của mỗi chúng sanh mà sanh ra đủ thứ thức ăn ngon lành, khiến cho họ no đủ. Dẫu cho trăm ngàn vạn ức, cho đến bất khả thuyết chúng sanh, cho đến bất khả thuyết bất khả thuyết Phật sát vi trần số chúng sanh, cho đến mười phương thế giới hết thảy chúng sanh tùy lòng ưa muốn đều được no đủ, nhưng thức ăn chẳng có cùng tận, cũng chẳng giảm bớt. Các thứ mùi vị ngon lành bậc nhất, giường, tòa, y phục, vật dụng để nằm, xe cộ, hoa, hương, trân bảo, chuỗi ngọc, tràng, phan, lọng, hết thảy những vật cần dùng cho cuộc sống đều thuận theo ý muốn mà từ cái bát ấy xuất sanh đầy đủ…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *