TIỂU SỬ LÃO PHÁP SƯ

Giới thiệu tóm tắt về Đạo Sư

HỌC HỘI

Giới thiệu về Tịnh Tông Học Hội

SƯ THỪA

Những người Thầy của Lão pháp sư

LÝ NIỆM

Những lý niệm, quan điểm hoằng pháp

[5]. THUẬN THẢO VỚI NGƯỜI THÂN, HÒA HỢP VỚI LÁNG GIỀNG

Hoàn cảnh người việc vật trên thế gian, có thể nói là trùng trùng vô tận. Trong xã hội hiện nay, giữa người với người, mối quan hệ liên kết lẫn nhau, cũng là không có cùng tận. Nếu thật sự có thể hiểu rõ sự liên kết giữa các mối quan hệ, thì sẽ hiểu rõ thật ra toàn bộ thế giới này là người một nhà. Mà tự xét lòng mình tự hỏi, chúng ta yêu chính mình, yêu người nhà, nhưng có yêu hàng xóm láng giềng không?

Xã hội hiện nay đang có vấn đề lớn! Năm xưa tôi ở Hồng Kông giảng kinh, đồng tu Hồng Kông nói với tôi, hàng xóm láng giềng mấy chục năm không qua lại, không nói với nhau lời nào, hoàn toàn là người xa lạ. Vậy thì làm sao có thể hoằng pháp lợi sanh?

Xã hội trước đây không phải như vậy, khi tôi còn nhỏ ở thôn quê, trong thôn quê có khoảng mười mấy hộ gia đình, chăm sóc qua lại lẫn nhau, nào nào có việc gì, vừa lên tiếng thì hàng xóm tự nhiên đến giúp đỡ, như là người một nhà vậy.

 Lúc đó nhà ở nông thôn là nhà tranh vách đất, trên mái nhà lợp cỏ tranh, nhà cửa đều là tự mình dựng lên. Hiện nay đã rất ít nhìn thấy. Cho nên, khi đông người, hoặc trẻ nhỏ lớn lên không đủ dùng thì lại xây thêm một căn nữa ở bên cạnh. Thanh niên trai tráng trong làng đều kéo đến giúp gánh đất đắp tường, tường là dùng hai tấm ván ghép lại với nhau rồi đổ đất vào giữa, dùng búa để lèn chặt đất; ở trong bùn đất là trộn rơm rạ để liên kết với nhau. Thông thường tường đất đều rất dày, đại khái dày khoảng một thước, hai thước, cho nên ở trong nhà rất thoải mái, đông ấm hạ mát. Mặc dù tường gạch hiện nay nhìn đẹp hơn, nhưng trên thực tế không được như nhà tranh mái lá. Mái lá đại khái một năm phải đổi một lần, đúng là phiền phức hơn, nhưng nó rất thoải mái.

Chủ nhà cảm ơn hàng xóm đến giúp đỡ như thế nào? Làm việc mệt rồi thì ở lại nhà chiêu đãi một bữa cơm trưa, nhiều nhất là buổi tối chiêu đãi thêm bữa cơm tối, ăn bữa cơm gia đình bình thường. Trẻ nhỏ đi chơi ở ngoài, nếu có bị ngã hoặc bị thương, mỗi người nhìn thấy đều sẽ đến chăm sóc. Cả xóm làng cứ như người một nhà, rất thắm tình người! Đến nay, tôi vẫn cứ hoài niệm về gian nhà tranh, cũng hoài niệm về đời sống xã hội 70 năm trước.

Làng ở gần nhất, cách xa khoảng 1 dặm (khoảng 500 – 600 mét theo cách tính hiện nay); Làng ở xa, cách xa khoảng hơn 1.000 mét. Con người ở các làng gần nhau đều biết lẫn nhau, trong xóm này nếu xảy ra sự việc lớn nào, người ở làng gần đó đều sẽ đến giúp đỡ.

Xã hội nông nghiệp thắm tình người, xã hội công nghiệp không còn nữa. Trong xã hội công nghiệp, ai nấy đều tự tư tự lợi, giữa cha con, anh em, tình cảm thật nhạt nhẽo! Thậm chí trong xã hội hiện nay, rất nhiều anh em còn không qua lại với nhau, cha mẹ tuổi cao không ai chăm sóc, sống trong viện dưỡng lão, mỗi tháng chỉ gửi vào một ít tiền, cho rằng đây là hiếu thuận. Người như vậy sống có ý nghĩa gì chứ? Càng nghĩ càng thấy hơi ấm tình người thế gian nguội lạnh mất rồi. Vì sao xã hội ngày trước, tình người lại nồng hậu như vậy? Nhân tố căn bản trong đó chính là giáo dục.

Khi xưa người già dạy, cha mẹ dạy, người lớn trong xã hội đều biết làm tấm gương tốt cho trẻ nhỏ, chính phủ quốc gia xem trọng giáo dục; hiện nay không còn người dạy nữa rồi, ai nấy đều nói lợi hại. Người xưa còn nói luân lý đạo đức, Hiếu Đễ Trung Tín, Lễ Nghĩa Liêm Sỉ. Xã hội nông nghiệp thời xưa, trong lòng mỗi người ở thế gian vẫn còn có quan niệm Hiếu Đễ Trung Tín, Lễ Nghĩa Liêm Sỉ; người thế gian hiện nay không có loại quan niệm này, đương nhiên xã hội sẽ loạn.

Có rất nhiều đồng học hỏi tôi, vì sao muốn đến Úc Châu sống? Úc Châu vẫn còn thắm tình người. Ở Úc Châu, tôi sống ở thành phố nhỏ, không sống ở thành phố lớn, thành phố lớn chịu ảnh hưởng lớn của công thương nghiệp, thành phố nhỏ chịu ảnh hưởng nhỏ. Thành phố nhỏ nơi tôi sống, dân số chỉ có 80, 90.000 người, nhân dân thông thường vẫn còn thắm tình người, mặc dù không nồng hậu như tình người của chúng ta khi xưa, nhưng vẫn còn có. Người xưa thường nói: “Ái nhân giả nhân hằng hái chi, Kính nhân giả nhân hằng kính chi” (người yêu người thường được người yêu lại, người kính người thường được người kính lại), nhìn vào cách chúng ta đối đãi với người khác, chúng ta đối xử tốt với người, tự nhiên hồi báo sẽ rất nhiều.

Tôi mua một Giáo đường cũ ở đó, phòng ốc tuy dột nát, nhưng có thể tân trang sửa chữa lại. Sau khi sửa xong, chúng tôi tổ chức một bữa cơm thân mật cho hàng xóm láng giềng. Cư dân ở hai con phố gần đó, có hơn 100 nhà, tôi đều phát thiệp mời cho họ, đại đa số đều đến. Chúng tôi mời họ ăn cơm, tham quan Giáo đường của chúng tôi, đồng thời nói với họ, vì sao chúng tôi muốn đến nơi này, chúng tôi ở nơi này làm những gì. Mọi người hiểu rõ rồi, rất hoan hỉ! Rất vui vẻ!  Cư dân ở bên cạnh Giáo đường, đại đa số đều là người già về hưu, tôi vừa nhìn thì nơi này chính là “Thôn Di Đà“. Con cái của họ đều trưởng thành cả rồi, đều đi ra ngoài làm việc, người già tự sống ở trong nhà, có người sống một mình, có khi là hai vợ chồng, họ cũng có mong mỏi giúp đỡ tương trợ lẫn nhau.

Bữa cơm ấm áp tình làng nghĩa xóm được tổ chức rất thành công, vô cùng hoan hỉ.

Có không ít người đề nghị rằng: “Thưa Pháp sư, các Thầy có thể tổ chức mấy lần hội như thế này được không ạ?

Tôi nói: “Được, mọi người đã hoan hỉ như vậy, mỗi tuần chúng ta sẽ tổ chức một lần“.

Cho nên, hiện nay đổi thành tổ chức vào chiều Thứ 7 hàng tuần, hàng xóm láng giềng đều đến tham gia, chúng tôi cung cấp đồ ăn uống miễn phí. Đồ ăn đều là ăn chay, một nửa là đồ tây, một nửa là đồ ta, mọi người ăn cùng nhau vô cùng vui vẻ, chúng tôi gọi là “Bữa tối ấm áp“.  Sau hôm tổ chức bữa tối đó, những người Úc ở địa phương đã tặng cho chúng tôi hai bao gạo. Hiện nay chúng tôi và những người này đã rất quen thuộc, họ thường hay tặng hoa quả, tặng rau, tặng gạo cho chúng tôi, rất ấm áp!

Nếu sống trong một hoàn cảnh mà hàng xóm không tốt thì không được! Hàng xóm chúng tôi đều là tín đồ Cơ Đốc giáo, Thiên chúa giáo, chúng tôi không phân dân tộc, không phân tôn giáo, dùng tâm yêu thương chân thành để chăm sóc cho họ. Khi họ cần giúp đỡ, chúng tôi biết thì lập tức đi, chủ động đi chăm sóc cho họ. Đây là Phật pháp, đây là học Phật, học Phật thì phải học như vậy. Ở Úc Châu, tất cả những cơ sở vật chất của chúng tôi đều nhận được sự hỗ trợ của người dân địa phương, sự hỗ trợ của chính phủ, cho nên làm việc gì cũng vô cùng thuận lợi.

Từ chỗ này mà học tập, hạnh nguyện của chúng ta trước hết phải mở rộng đến chúng sanh xung quanh, nếu sống trong môi trường nhỏ, bất luận là đầu làng hay cuối xóm, làng trên xóm dưới, đều không biết chăm sóc, vậy thì không phải học Phật rồi. Hơn nữa chúng ta tuyệt đối không khuyên họ tin Phật, họ có tôn giáo của họ, chúng ta tôn trọng tôn giáo của họ, tán thán tôn giáo của họ, hoan hỉ với tôn giáo của họ, càng không được phá hoại tôn giáo của họ, chúng ta chỉ là trên tinh thần, đạo nghĩa mà viện trợ cho họ. Nếu đến một nơi mà khuyên người ta chuyển tôn giáo của họ thành tin Phật, đó là tạo ra mâu thuẫn và xung đột, vậy thì sai rồi!

Phổ Hiền Bồ Tát dạy chúng ta phải “hằng thuận chúng sanh, tùy hỉ công đức“, hằng thuận là không có mảy may miễn cưỡng. Họ tin Cơ Đốc Giáo, chúng ta tán thán Cơ Đốc Giáo. Họ đọc “Kinh Thánh”, chúng ta có “Kinh Thánh”. Trên giá sách của chúng tôi còn có “Kinh Kô-Ran”  và kinh điển của các tôn giáo khác, cũng nói với họ, chúng tôi cũng học tập, không bài xích, càng không có ác ý phê bình. Họ tán thán: “Các Thầy là người tốt!“, hơn nữa vô cùng hoan hỉ tiếp xúc với chúng tôi, cảm thấy tiếp xúc với chúng tôi vô cùng an toàn, chúng tôi rất đáng tin ở trong tâm của họ, không lừa gạt người. Chúng tôi tuân thủ “Ngũ Giới Thập Thiện”, “Sa Di Luật Nghi”, cũng ở nơi đó thực hiện, học tập.

Năm 2002, khi tham quan Nhật Bản, tôi gặp Lão Pháp Sư Trung Thôn Khang Long (Nakamura Yasutaka), năm nay Thầy ấy đã 97 tuổi, Thầy khai thị cho tôi: “Người sáng lập ra tất cả tôn giáo của thế giới, cho đến thần thánh của tất cả tôn giáo, đều là hóa thân của Quán Thế Âm Bồ Tát“. Tôi nghe rồi rất kinh ngạc, những gì Lão Hòa Thượng nói hoàn toàn tương đồng với những gì chúng tôi nghĩ, những gì chúng tôi làm, càng ấn chứng được những gì mà chúng tôi đã làm trong những năm này là chính xác.

Mặc dù dân tộc khác nhau, tôn giáo khác nhau, quốc gia khác nhau, nhưng chúng ta đều là người một nhà. Cái nhà nào vậy? Địa cầu là nhà của chúng ta. Chúng ta chưa rời khỏi địa cầu, địa cầu là quê hương trước mắt của chúng ta, chúng ta đều là người địa cầu, chúng ta là người một nhà. Hãy thử nghĩ xem, hàng xóm của hàng xóm láng giềng của chúng ta cũng là hàng xóm láng giềng, hàng xóm láng giềng của hàng xóm láng giềng vẫn là hàng xóm láng giềng của chúng ta, tiếp tục đến xóm làng xa hơn một chút, cứ như vậy đi đến tận đầu của thế giới, đi khắp toàn thế giới đều là hàng xóm láng giềng. Hàng xóm láng giềng của hàng xóm chúng ta, chúng ta yêu hàng xóm láng giềng, những gì hàng xóm láng giềng yêu quý, chúng ta có thể không yêu quý chăng? Tư tưởng này, lý niệm này mấy người có? Chúng ta nhất định phải hiểu rõ lý này, thật sự đi làm, lúc nào cũng tư duy, nhìn người thế gian như người một nhà, bất luận luận là ở nơi nào, bất luận là vào lúc nào, đều là người thân cả.

Bữa tối ấm áp vào Thứ Bảy hàng tuần đã khởi được tác dụng rất lớn, giới hạn giữa dân tộc và dân tộc không còn nữa, mọi người làm bạn bè. Mỗi tuần chúng tôi đều gặp mặt, mỗi tuần đều ăn cơm với nhau, cùng nhau trò chuyện, thật sự là nương tựa lẫn nhau. Thế giới này là hòa bình, là chung sống hòa thuận, đối đãi bình đẳng.

Nếu có thể thật sự hiểu rõ, trí huệ do đây mà sinh ra. Nếu vẫn không hiểu rõ thì bạn cứ xem thử chúng tôi làm, xem nhiều một chút; bạn xem thấy rồi, nghe thấy rồi, tự nhiên dần dần sẽ hiểu. Chúng tôi sống ở thành phố này, phải luôn biến thành phố này thành người một nhà, đây là mục tiêu của chúng tôi.

TIỂU SỬ LÃO PHÁP SƯ

Giới thiệu tóm tắt về Đạo Sư

HỌC HỘI

Giới thiệu về Tịnh Tông Học Hội

SƯ THỪA

Những người Thầy của Lão pháp sư

LÝ NIỆM

Những lý niệm, quan điểm hoằng pháp