[22]. HOẰNG PHÁP VÀ HỘ PHÁP
Cách tu pháp Đại Thừa như thế nào? Nếu không thể tùy thuận theo giáo huấn của kinh điển, tu mù luyện đui, tự cho là đúng, vậy thì sai rồi! Không thể thành tựu. Bất luận là xuất gia hay tại gia, những gì chúng ta tu là pháp bình đẳng; bất luận bạn là người chịu trách nhiệm chấp sự, hay là người phát tâm học kinh giáo, chấp sự và học kinh giáo là pháp bình đẳng. Học kinh giáo, là học Hạnh Phổ Hiền, hạnh Văn Thù; người đảm nhận công việc Thường Trụ, cũng là đang tu hạnh Phổ Hiền, hạnh Văn Thù, không hai không khác, hoằng pháp – hộ pháp là một thể.
Nếu cho rằng lên đài giảng kinh thuyết pháp mới gọi là làm hoằng pháp lợi sanh, vậy thì bạn sai rồi. Giống như cái đồng hồ vậy, lên đài giảng kinh thuyết pháp là bộ phận nào của đồng hồ? Là kim đồng hồ. Vì sao kim đồng hồ có thể quay? Phía sau có rất nhiều bánh răng, bánh răng chính là hộ pháp, thiếu một cái thì kim đồng hồ không thể quay, vậy mới biết mối quan hệ giữa hoằng pháp và hộ pháp mật thiết đến mức nào!
Công đức của hộ pháp còn vượt hơn cả hoằng pháp, trong “Kinh Niết Bàn“, Phật đã thuyết pháp như vậy, khẳng định công đức hộ pháp vượt hơn hoằng pháp. Hộ pháp là Phật Bồ Tát thật sự, học kinh giáo, học giảng kinh thuyết pháp chính là học trò. Giống như trong trường học vậy, những người nào là hộ pháp? Hiệu trưởng, phụ trách giáo vụ, phụ trách công việc chung, phụ trách đào tạo, tất cả nhân viên trong trường học là hộ pháp. Những người nào là hoằng pháp? Giáo viên, học sinh, họ đang cùng ở giảng đường để học tập, dạy học, vừa dạy và học. Các bạn phải nhớ cho thật kỹ, phải tỉ mỉ mà tư duy, quan sát nguyên tắc này.
Bất luận là hoằng pháp hay hộ pháp, đều phải khai trí huệ, đoạn phiền não, chỉ có đoạn phiền não thì mới khai trí huệ. Phiền não không đoạn, trí huệ từ đâu mà sinh ra? Trí huệ là trong tự tánh tâm thanh tịnh vốn có đầy đủ, trí huệ của mỗi một người và chư Phật Như Lai là bình đẳng.
“Phẩm Xuất Hiện – Kinh Hoa Nghiêm” chép rằng: “Tất cả chúng sanh đều có Trí huệ và đức tướng của Như Lai, nhưng vì vọng tưởng chấp trước mà không thể chứng đắc“. Sao chúng ta dám xem thường hết thảy chúng sanh chứ? Côn trùng, kiến gián đều có đức tướng trí huệ của Như Lai, vì sao chúng biến thành hình dạng như vậy? Bởi vì có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Ngày nay chúng ta biến thành hình dạng này, dường như tốt hơn chúng một chút, trên thực tế chúng ta là do vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nhẹ hơn chúng một chút, nên mới biến thành hình dạng này. Nhưng nhẹ rồi sẽ chuyển thành nặng, nặng rồi sẽ chuyển thành nhẹ, nói không chừng côn trùng, kiến gián đời sau được thân người, chúng ta đời sau lại chuyển thành thân của chúng, rất khó nói, đây là lý luận và chân tướng của lục đạo luân hồi.
Có lúc chúng ta mê nhẹ, Có lúc thì lại mê nặng, nhẹ một chút thì đầu thai đến ba đường thiện, nặng một chút thì lại đoạ xuống ba đường ác, rất không ổn định. Vì sao có hiện tượng này? Lấy một câu nói của Thiện Đại Đại Sư, là “gặp duyên không đồng“. Gặp được thiện duyên, nghe được chánh pháp, giác ngộ rồi thì sẽ dần dần nâng cao. Gặp phải ác duyên, tâm hạnh đầy rẫy tham, sân, si, mạn, thì sẽ dần dần rơi xuống. Thật sự là “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng“. Phàm phu tâm tánh bất định, đúng là như trong “Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện” có nói là “tính tình không định“, tùy theo cảnh giới bên ngoài mà chuyển.
Cho nên bất luận là đang làm công việc gì, đều không rời khỏi Phổ Hiền Hạnh Nguyện và Văn Thù Thập Độ. Đầu bếp nấu ăn ở trong bếp cũng không rời khỏi, cũng là tu điều này; nghiên cứu kinh giáo lên đài giảng kinh, cũng là tu điều này; quét nhà, lau bàn, lau cửa sổ, cũng là đang thực hiện Văn Thù Thập Ba La Mật, Phổ Hiền Thập Nguyện Vương. Sau đó bạn mới thật sự hiểu rõ, công phu lên đài giảng kinh và chẻ củi nấu ăn trong nhà bếp là bằng nhau, cũng bằng với công phu của người làm công quả quét dọn vệ sinh, từng ly từng tí không có gì chẳng phải là đang tu Thập Độ Thập Ba La Mật vô cùng viên mãn, đây gọi là Đạo tràng, gọi là Thanh Tịnh Sát Độ, gọi là Hoằng Hộ Nhất Thể (hoằng pháp – hộ pháp là một thể), không hai không khác vậy.
TIỂU SỬ LÃO PHÁP SƯ
Giới thiệu tóm tắt về Đạo Sư
HỌC HỘI
Giới thiệu về Tịnh Tông Học Hội
SƯ THỪA
Những người Thầy của Lão pháp sư
LÝ NIỆM
Những lý niệm, quan điểm hoằng pháp