TIỂU SỬ LÃO PHÁP SƯ

Giới thiệu tóm tắt về Đạo Sư

HỌC HỘI

Giới thiệu về Tịnh Tông Học Hội

SƯ THỪA

Những người Thầy của Lão pháp sư

LÝ NIỆM

Những lý niệm, quan điểm hoằng pháp

[6]. ĐI HỌC Ở TỪ ĐƯỜNG

Vì sao xã hội ngày nay loạn như vậy? Vô trật tự như vậy? Bởi vì giáo dục bị lui sụt rồi, đây là việc đáng thương. 70 năm trước, khi tôi 6,7 tuổi, lúc đó chưa có trường học, đi học là học tư thục. Nông thôn có trường tư thục thành lập ở trong Từ Đường của nhà họ Uyển. Lúc đó, Thầy giáo là Tú Tài cuối triều Thanh, dạy hai mươi mấy học sinh, tuổi tác, trình độ không đồng đều, trình độ của 15, 16 tuổi là tương đối khá rồi, mà chúng tôi gần 6, 7 tuổi, vừa mới đi học.

Ngày đầu tiên đi học, cha tôi dẫn tôi đến Từ Đường để đi học, đây là việc lớn rất long trọng, mang theo thúc tu (lễ vật) để cúng dường Thầy giáo. Bước vào trường học, trường học được lập ở Từ Đường, Từ Đường cũng có một cái Điện lớn, đó là nơi dùng để cúng tế Tổ Tiên (Tế Tổ), lúc này bình phong ở phía sau đều được kéo xuống, không nhìn thấy bài vị Tổ tiên ở phía sau, giống như là một hội trường lớn vậy. Hội trường lớn có bàn thờ, bàn thờ rất cao rất lớn, phía trên bàn thờ là cúng bài vị của Đại Thành Chí Thánh Tiên Sư Khổng Lão Phu Tử.

Đương nhiên cha tôi và Thầy giáo đều đã có liên hệ với nhau từ trước rồi, hôm nay muốn gửi tôi đi học. Bước vào trong Từ đường, Thầy giáo đừng ở bên cạnh, trước hết hướng về bài vị của Khổng Lão Phu tử mà hành lễ cung kính nhất là ba quỳ chín khấu đầu (tam quỳ cửu khấu), đó là lễ kính nhất đối với Hoàng Đế trước đây. Cha tôi ở phía trước, tôi ở phía sau lễ theo. Sau khi Lễ bái Khổng Phu Tử, mời Thầy giáo lên ngồi, lại hướng về Thầy giáo mà hành đại lễ ba quỳ chín khấu đầu, cha tôi ở phía trước, tôi ở phía sau, người lớn dẫn theo con cái hành lễ với Thầy giáo. Mặc dù sự việc lúc đó là vào khoảng năm Dân Quốc thứ hai mươi mấy, nhưng ấn tượng của tôi vẫn rất sâu sắc.

Đích thân thấy cha của mình hành lễ ba quỳ chín khấu đầu với Thầy giáo, đây chính là phương pháp dạy Tôn Sư Trọng Đạo. Thử nghĩ xem cha mình cung kính đối với Thầy giáo như vậy, người làm học trò như tôi có dám không cung kính với Thầy giáo không? Hành lễ với Thầy giáo xong, lại tặng lễ vật cho Thầy, trong Phật pháp gọi là “cúng dường”, hệt như Bồ Tát gặp Phật mà trong kinh Phật nói vậy, đều là kính lễ nhất. Mà Bồ Tát gặp Phật là đảnh lễ ba lễ, có nhiễu ba vòng, sau đó tán Phật, cúng dường, lễ phép là như vậy!

Hành xong lễ này, tặng quà xong, phụ huynh dặn dò con em phải nghe lời Thầy giáo, tiếp nhận sự dạy dỗ của Thầy giáo. Dụng ý rất sâu, đấy mới là giáo dục! Thời gian tôi nhận được sự dạy học này rất ngắn, bởi vì hai năm sau, cũng chính là lúc tôi 8,9 tuổi, trường tư thục ngừng tổ chức. Trong nông thôn có trường học ngắn kỳ, lễ tiết này không có nữa, tâm cung kính của học trò đối với Thầy giáo dần dần phai nhạt, cũng không long trọng như xưa.

Cổ Thánh tiên Hiền đối với nghi thức, phương pháp dạy học, tuyệt đối không tùy tiện mà chế định, là lấy trí huệ chân thật, rồi lại thật sự trải qua ngàn vạn lần đắn đo so tính, mới chế ra được phương pháp tốt nhất, viên mãn nhất. Dạy từ ấu thơ, chính là từ nhỏ để cho trong A Lại Da Thức trồng thiện căn, thiện căn này sẽ ảnh hưởng đến cả đời chúng. Nếu có thể cắm gốc nền tảng giáo dục cho tốt, sau này học tập sẽ không khó, học tập đạo Thánh Hiền sẽ không sai lệch, sẽ không biến chất. Tuổi tác này của tôi vẫn còn tiếp nhận qua mấy tháng dạy học tư thục, đích thân xem thấy nghi thức nhập học, người bé hơn tôi 1,2 tuổi đã không xem thấy nữa, nghi thức này đã mất rồi, cái gốc cũng do đây mà bị gãy lìa. Mặc dù mọi người cảm thán xã hội hiện nay không ngừng động loạn, cũng xem thấy động loạn chưa ngừng nghỉ, khi quay đầu thì vẫn không biết nguyên nhân vì sao, đây chính là nguyên nhân của nó.

Những người có học thức muốn đề xướng, khôi phục, như trước đây Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam ở Đài Trung tổ chức ra một “Lớp Nghiên Cứu Nội Điển“, lớp nghiên cứu này có 6 vị Thầy, 8 học trò. Trong 6 vị Thầy, có Thầy Lý, Thầy Từ Khoan Thành, còn có một vị Thầy là Lưu Nhữ Hạo giảng “Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm“, ba vị này đã vãng sanh rồi; hiện nay còn có ba vị, chính là Thầy Từ giảng Nho học, Thầy Chu Gia Lân và tôi.

Ngày nhập học, trước hết lễ Phật, lễ Phật xong, phụ huynh cung kính mời Thầy giáo ngồi lên ghế. Thầy Lý đại diện cho phụ huynh, Thầy Lý ở phía trước, 8 vị học trò theo sau. Khi đó chúng tôi là học trò của Thầy Lý, nhưng cũng là Thầy giáo của 8 học trò này, do đó đều ngồi lên ghế tiếp nhận Thầy Lý dẫn các học trò cung cung kính kính mà đảnh lễ 3 lễ. Bạn thử nghĩ xem, phụ huynh phó thác cho Thầy giáo một cách long trọng như vậy, nếu Thầy giáo không nghiêm túc dạy học trò thì làm sao xứng đáng với phụ huynh chứ! Nếu phụ huynh không có tâm cung kính đối với Thầy giáo, học trò sẽ có tâm khinh mạn, căn bản không tôn trọng Thầy giáo, Thầy giáo đâu cần dạy học trò như vậy!

Ấn Quang Đại Sư Văn Sao” nói rất hay, cầu học cầu đạo có được thành tựu cao hay thấp, phải xem tâm tôn trọng đối với Thầy giáo, với học nghiệp, đạo nghiệp là có bao nhiêu. “Một phần thành kính được một phần lợi ích, mười phần thành kính được mười phần lợi ích“, lời này nói rất hay! Người làm phụ huynh ngày xưa biết được, đời đời truyền cho nhau, chính mình từ nhỏ đi học, cha mình cũng dẫn mình đi như vậy, họ biết! Đến khi mình làm cha, cũng biết dạy con cái đi bái Thầy như thế nào. Trên thực tế, Thầy cô cũng chẳng cần phụ huynh hành đại lễ tiết như vậy, mà là đang cùng phụ huynh diễn kịch, diễn cho ai xem? Diễn cho học trò xem, cho con cái của mình và những bạn học khác xem.

Bởi vì mỗi bạn học trong lớp đều không phải đi nhập học cùng ngày, không giống trường học hiện nay quy định ngày khai giảng, học sinh cùng đến trường. Nhập học trường tư thục không cùng ngày, lúc nào cũng có thể nhập học. Khi nhập học, phụ huynh dẫn con cái đến lễ bái Thầy giáo, các bạn học đều ở bên cạnh quan sát lễ; quan sát lễ chính là tiếp nhận giáo dục. Khi bạn đi học, phụ thân dẫn bạn đi hành nghi thức này;  bạn học sau này xem thấy cha mẹ họ dẫn họ đi học là cùng một nghi thức. Do đó, tôn sư là vì trọng đạo, nếu không xem trọng học đạo thì làm sao có thể thành tựu! Thầy giáo tuyệt đối không có hành vi sai trái, nếu có ý niệm “ta là thầy giáo, các con nhất định phải cung kính với ta” thì người này không đủ tư cách là người thầy biểu pháp cho người. Trong đây có nghĩa sâu, chính là “mật nghĩa” mà trong Phật pháp nói.

Trong “Phẩm Nhập Pháp Giới của Kinh Hoa Nghiêm“, có ghi chép “Thiện Tài Đồng Tử 53 lần tham học“, đó là tham học, là từ chỗ Thầy giáo tốt nghiệp, ra ngoài tham học. Như thế nào mới tốt nghiệp? Khai trí huệ rồi. Nếu trí huệ chưa khai, thì không thể rời lão sư. Trước đây dạy học của nhà Nho và nhà Phật đều có điểm tương đồng lớn, hoặc có người đi theo Thầy giáo 10 năm, 20 năm, đây là việc bình thường, không có gì kỳ lạ. Thậm chí có người theo Thầy giáo cả đời, cho đến khi Thầy giáo vãng sanh rồi mới rời khỏi. Người như vậy có hai dạng, một là trí huệ chưa khai, không thể rời khỏi Thầy giáo; ngoài ra là mặc dù chính mình đã khai trí huệ, nhưng vì để báo ân Thầy, nên vẫn không rời khỏi Thầy giáo, theo bên cạnh để hiệp trợ cho Thầy, làm trở giảng, làm học trưởng. Ví dụ các sư đệ có nghi hoặc mà không hỏi, hoặc là sợ Thầy giáo, không dám đối diện nói chuyện với Thầy, thì đồng học cũ, các học trưởng có thể dạy học, giải đáp vấn đề cho họ. Giúp Thầy dạy học, không rời khỏi Thầy, trong Phật môn có rất nhiều ví dụ. Nhà Nho thời xưa làm Thư Viện (Học Viện), cũng có rất nhiều người đã thành tựu học nghiệp, đức hạnh rồi nhưng không rời khỏi Thư Viện, vẫn là lấy thân phận học trò để giúp đỡ Thầy giáo, cũng có nhiều người vẫn làm trợ giảng.

Hiện nay tôi hồi tưởng lại phương thức dạy học thời xưa, vô cùng khao khát, cũng vô cùng cảm thán! Phương thức này thực hành được trong suốt gần 2.000 năm, nếu không phải phương thức tốt thì làm sao có thể thúc đẩy suốt 2.000 năm chứ! Ước tính khoảng đến năm Dân Quốc thứ 24, 25 mới hoàn toàn biến mất, hiện nay đã không còn tồn tại nữa rồi, cũng không có người giảng. Vô cùng cảm khái!

Cho dù tôi thất học sớm, nhưng vẫn biết Tôn sư trọng đạo, biết lợi dụng thời gian rảnh trong công việc để thân cận Thầy giáo, cầu học với Thầy, một mặt làm việc, một mặt học tập, đây là phương pháp học thành của tôi. Gặp được Phật pháp, thật sự là may mắn lớn! Đúng thật là không dễ, đây là giáo huấn của Đại Thánh Đại Hiền. Mà hiện nay nói về Nho học đã rất ít rồi, chúng tôi rất lo lắng tương lai sẽ thất truyền, cho nên mời Thầy Từ giảng “Nho Học”, mời Thầy Giang Dật Tử giảng “Luận Ngữ”, hoan nghênh các đồng học đến nghe.

TIỂU SỬ LÃO PHÁP SƯ

Giới thiệu tóm tắt về Đạo Sư

HỌC HỘI

Giới thiệu về Tịnh Tông Học Hội

SƯ THỪA

Những người Thầy của Lão pháp sư

LÝ NIỆM

Những lý niệm, quan điểm hoằng pháp