[28]. TRÀ THÔ CƠM ĐẠM GIỮ BÌNH AN
Xã hội hiện nay, áp lực tâm lý, tinh thần, đời sống, công việc của mỗi người đều vô cùng nặng nề, áp lực thật sự khiến thở không ra hơi. Áp lực nặng nề như vậy, thân thể làm sao mà khỏe mạnh được? Làm sao mà không bị bệnh? Cho nên, thân thể thường cảm thấy không thoải mái, có đau bệnh, đây là lý đương nhiên. Chỉ có người buông xuống hết thảy thân tâm thế giới, họ được khinh an, nhẹ nhàng, thân thể, tinh thần không có áp lực gì. Đời sống tùy thuận tự nhiên, đương nhiên sẽ khỏe mạnh trường thọ, bí quyết khỏe mạnh trường thọ là ở chỗ này.
Đời người tại thế gian có thể hưởng thụ được gì? Đầy đủ lắm bất quá là ăn cơm ba bữa, tối ngủ sáu thước, nhu cầu thật sự chính là một chút như vậy. Có tiền, cũng không thể nào một ngày ăn ba mươi bữa cơm. Liệu bạn có nghĩ đến đời này vì ai mà khổ sở, vì ai mà bận rộn chưa? Thật là lo lắng oan uổng! Vì sao lại mê hoặc điên đảo như vậy? Vì sao không giác ngộ? Mà Bồ Tát thì hiểu rõ, giác ngộ, cho nên các Ngài không vì chính mình, bởi vì đời sống của chính mình quá đơn giản mà.
Tôi nhớ có một lần tôi giảng kinh ở Đài Bắc, sau khi giảng xong ngồi xe taxi về, tài xế taxi trò chuyện với tôi, ông nói kiếm tiền rất khó, đời sống rất khổ!
Tôi hỏi ông: “Nhà ông có mấy người?”
Ông nói: “Có ba người, hai vợ chồng và một đứa trẻ“
Tôi nói với ông: “Trên phương diện đời sống, chỗ nào ông cũng tranh đua với người khác, thì sống rất khổ sở; nếu ông không tranh đua với người, ông sẽ sống rất vui sướng!”
Ông nói: “Vì sao vậy?”
Tôi nói: “Hiện nay thị trường thay đổi từng ngày, nếu ông truy cầu theo nó, đương nhiên sẽ rất khổ sở. Ví dụ như tủ lạnh trong nhà ông sử dụng bảo dưỡng thật tốt thì đáng ra có thể dùng được mười năm. Bất kể nó có ra loại mới như thế nào, cũng đừng quan tâm đến nó; đến khi tủ lạnh dùng hỏng rồi thì hẵng mua cái khác. Đừng nhìn vào những mẫu mới nữa, kẻo lại muốn đổi cái khác, chẳng phải là ông ngày ngày đang kiếm tiền cho họ hay sao? Một bộ quần áo mặc cho giữ gìn, cũng có thể mặc được mười năm, hai mươi năm, cho nên, 10 năm, 20 năm ông không cần mua quần áo. Nội thất trong nhà thì lựa chọn loại chắc chắn, nhà của người xưa đều yêu cầu sử dụng được 100 năm, xây dựng nhà cửa phải sử dụng được 100 năm. Do đó, tâm của ông sẽ định lại, đừng đi truy cầu, cuộc sống sẽ trải qua tốt đẹp thôi“.
Ông nghe rồi có giác ngộ một chút. Ông nói: “Đúng! Pháp sư, Thầy nói thật có đạo lý!”
Tôi nói: “Ông ngày ngày tranh đua với người ta, ví dụ như quần áo, người ta mặc vào mẫu này, khi ông mặc vào thì không còn hợp mốt, mặc không được, sợ bị người ta cười chê. Nếu ông truy cầu hợp mốt, ông sẽ mệt chết mất, đời sống trải qua rất khổ sở. Nếu ông sống vì chính mình, mình làm chủ chính mình, thanh tâm quả dục, đời sống sẽ trải qua được rất tốt. Ông lái xe taxi, tiền kiếm trong 1 ngày lái xe là đủ dùng cho cả tuần. Một tháng ông làm việc một tuần, 3 tuần ông có thể nghỉ ngơi, tự tại biết mấy!”
Con người nếu biết hưởng phước, hà tất phải liều mạng như vậy? Rốt cục bạn liều mạng là vì ai? Nói thật ra đều là vì vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, có oan uổng không chứ! Cho nên, ai biết hưởng phước, ai hiểu cách hưởng phước? Phật Bồ Tát, người giác ngộ hiểu được, người mê hoặc một ngày từ sáng đến tối đang truy cầu, đó là kẻ đáng thương, có phước mà không biết đường mà hưởng.
Tôi nhớ khi xưa còn dạy qua một số đồng tu, môi trường làm việc của họ, thu nhập cũng không tệ.
Tôi hỏi một đồng tu: “Ông làm việc một năm, có thể ăn trong 3 năm không?”
Ông nói: “Cũng gần như vậy“.
Tôi nói: “Tốt, vậy ông làm việc một năm, nghỉ 3 năm, có thể sống được tốt, ba năm này ông thật thà niệm Phật. Sau ba năm, tiêu hết tiền rồi, ông lại đi làm tiếp“.
Ông nói: “Con sợ không tìm được việc làm“.
Tôi nói: “Ông niệm Phật 3 năm, cảm ứng bất khả tư nghì, Phật Bồ Tát nhất định sẽ sắp xếp công việc tốt cho ông. Ông lại đi làm việc một năm, đại khái có thể 7 năm nữa không phải đi làm. Ông có thể tin không?“
Thật sự lý giải thì tin thôi, vậy mới không trải qua đời sống hạnh phúc mỹ mãn. Trà thô cơm đạm giữ bình an, bình là bình tĩnh, an là an ổn, trong đây có tự tại hạnh phúc thật sự, thật sự là sinh trí huệ không sinh phiền não.
Chúng ta phải đem thời gian, tinh lực dùng vào việc tìm kiếm những thứ chân thật, thứ chân thật là Phật pháp, thứ chân thật là “chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi“, đây là linh tánh! Đây là thật, là vĩnh hằng, sẽ không bị tiêu diệt theo thân thể, thế giới. Cho nên, người thật sự thông minh thì phải không ngừng nâng cao linh tánh của chính mình, nâng cao cảnh giới của chính mình, tuyệt đối không nâng cao sự hưởng thụ vật dục, nâng cao sự hưởng thụ vật dục là đi xuống trụy lạc. Nâng cao linh tánh, trí huệ, cảnh giới mãi không có điểm cuối cùng, cứ vậy mãi đến quả Phật cứu cánh viên mãn. Sau khi thành Phật, rộng độ chúng sanh, chúng sanh vô biên, nguyện của ta vô tận, vậy thì đúng rồi, đây là hoàn toàn khế nhập vào cảnh giới của Phật Bồ Tát.
(Trích từ “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh” – Tập 712, giảng ngày 16/05/2002 tại Tịnh Tông Học Viện Úc Châu – Mã số: 12-17-0712)
TIỂU SỬ LÃO PHÁP SƯ
Giới thiệu tóm tắt về Đạo Sư
HỌC HỘI
Giới thiệu về Tịnh Tông Học Hội
SƯ THỪA
Những người Thầy của Lão pháp sư
LÝ NIỆM
Những lý niệm, quan điểm hoằng pháp