TIỂU SỬ LÃO PHÁP SƯ

Giới thiệu tóm tắt về Đạo Sư

HỌC HỘI

Giới thiệu về Tịnh Tông Học Hội

SƯ THỪA

Những người Thầy của Lão pháp sư

LÝ NIỆM

Những lý niệm, quan điểm hoằng pháp

[2]. LÝ NIỆM HOẰNG PHÁP

20 Chữ: “Chân Thành – Thanh Tịnh – Bình Đẳng – Chánh Giác – Từ Bi. Nhìn Thấu – Buông Xuống – Tự Tại – Tùy Duyên – Niệm Phật” là lý niệm căn bản trong Tu học và giáo hóa của Lão Pháp Sư. Lão Pháp Sư dạy người không mỏi mệt, lấy điều này để khuyến hóa người khác, cả đời mình cũng phụng hành không thay đổi. Từ năm 1959 bắt đầu giảng kinh hoằng pháp ở Đài Loan, đến nay đã trải qua 40 năm. Từ đầu đến cuối, Lão pháp sư không ngại phiền phức đi phổ cập tư tưởng “Phật giáo là giáo dục chí thiện viên mãn của Đức Phật đối với chúng sinh trong chín pháp giới; Thích Ca là một nhà làm công tác xã hội tự nguyện; Phật giáo không phải là tôn giáo, không phải là triết học mà là điều cần có của thế giới ngày nay“, để cho quần chúng xã hội nhận thức Phật giáo trở lại, đồng thời cũng cực lực đề xướng Hiếu đạo, Sư Đạo và Văn Hóa Truyền Thống. Trong quá trình hơn 40 năm hoằng pháp, dấu chân của Pháp sư đã hằn lên khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là pháp duyên ở Châu Mỹ, châu Úc và Đông Nam Á vô cùng đặc biệt. Đến nơi nào Ngài cũng nhận được sự tôn kính và yêu quý của các tổ chức, trường học và tứ chúng đệ tử ở nơi đó. Hệ thống tư tưởng của Lão pháp sư Tịnh Không vô cùng phong phú, bác đại tinh thâm, được trình bày kỹ hơn ở 5 phương diện dưới đây, giúp chúng ta có được một nhận thức cơ bản về tư tưởng của Lão pháp sư:

 

(I). LẤY GIÁO DỤC ĐỂ HOẰNG DƯƠNG PHẬT PHÁP

1. Thành lập Quỹ giáo dục Phật Đà (Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội)

Dưới sự đề xướng của Lão pháp sư Tịnh Không, năm 1962 bắt đầu xây dựng “Hội Pháp Thí Hoa Tạng“, ấn tống kinh Phật và sách khuyến thiện, tặng vô điều kiện cho những người cần. Tháng 1 năm 1985, “Quỹ Giáo Dục Phật Đà” chính thức được thành lập tại Đài Bắc. Quỹ giữ vững tông chỉ “xúc tiến đạo đức, thúc đẩy tinh thần Từ Bi của Phật giáo, xiển dương luân lý” (xúc tiến đạo đức, thôi triển Phật từ, xiển phát luân lý), nhiều năm đến nay đã lấy việc tặng kinh sách, các sản phẩm nghe nhìn Phật giáo, tổ chức các Giảng Tòa Phật Học, trao tặng học bổng, v.v… làm phương thức hoằng pháp chính. Trước sau đã in ấn “Đại Đại Kinh” và các tác phẩm của các Tổ Sư Đại Đức xưa nay trong Phật giáo, “Tứ Thư”, “Ngũ Kinh” của nhà Nho cùng các sách khuyến thiện và tất cả các sách liên quan đến việc nâng cao phẩm chất thiện lương, khôi phục tâm tính, sáng rõ đạo đức, cải thiện phong khí xã hội, khôi phục văn hóa truyền thống xưa. Hiện nay, phạm vi quyên tặng kinh điển và sản phẩm nghe nhìn của Quỹ Giáo Dục Phật Đà bắt đầu từ các khu vực Châu Á, châu Mỹ và đã mở rộng đến các rất nhiều quốc gia ở khu vực ở Châu Úc, châu Phi và châu Âu. Chỉ riêng năm 1998, số lượng đoàn thể tiếp nhận pháp bảo ấn tống của Quỹ Giáo Dục Phật Đà ở các nước trên thế giới đã lên đến hơn 200 đơn vị, tổng số kinh điển đã trao tặng lên đến hơn 28.000 thùng với hơn 1,7 triệu bản. Mấy chục năm nay, số Kinh điển và sách khuyến thiện lũy kế mà “Hội Pháp Thí Hoa Tạng” và Quỹ Giáo Dục Phật Đà trao tặng đã hơn 10 triệu bản,  số lượng tranh tượng Phật Bồ Tát và Tổ Sư Đại Đức lưu thông trên toàn cầu lên đến hàng triệu bức.

2. Phật giáo là Giáo dục

Y theo tư tưởng chỉ đạo của Lão pháp sư Tịnh Không, mỗi khi có Tịnh Tông Học Hội mới thành lập, trước hết các công việc trọng điểm của Hội cần phải tiến hành là in tặng kinh sách, lưu thông các ấn phẩm nghe nhìn, triển khai hoạt động “Chính Danh” của Phật Giáo. Lão pháp sư Tịnh Không thường hay nói: “Phật giáo đã bị biến thành tôn giáo, cũng bị liệt vào tôn giáo cấp thấp (là quan điểm đa thần giáo của phương Tây), là một việc vô cùng đáng buồn, đã mang danh một Phật tử hiện đại, điều đầu tiên phải nên thấu tỏ chính là làm cho rõ ràng mối quan hệ giữa chúng ta với Đức Phật. Chúng ta gọi Phật là “Bổn Sư”, Ngài là vị Thầy căn bản (đầu tiên) của chúng ta, giữa Ngài và chúng ta là mối quan hệ Thầy – trò, là mối quan hệ giữa dạy và học rất rõ ràng, chứ không giống như mối quan hệ “Cha và con” hay mối quan hệ “Chủ và Tớ” của các tôn giáo khác. Dạy học trong Phật giáo là sự dạy học vô cùng có nghệ thuật, mỗi một tôn tượng Phật, mỗi một loại nghi thức, mỗi một đồ thờ cúng (đồ cúng dường) đều là công cụ dạy học vô cùng hay, đều có ý nghĩa biểu pháp vô cùng sâu rộng. Nếu chúng ta bước vào bất kỳ một ngôi chùa nào, điều đầu tiên chúng ta nhìn thấy ở Điện Thiên Vương chính là tôn tượng Di Lặc Bồ Tát ngực trần bụng to, nụ cười rất tươi, đó chính là đại biểu cho việc: nếu muốn học Phật, nếu muốn làm Bồ Tát, bước đầu tiên phải từ “Hoan hỉ rộng lượng” mà bắt đầu tu. Phải học bao dung người khác, tha thứ cho người khác, lúc nào cũng nở nụ cười đón người, không sanh phiền não, đối với bất kỳ ai cũng có thể đối xử bình đẳng, như vậy, chúng ta mới có tư cách bước vào cửa Phật để huân tu. Do đây mà thấy, “phong trào nở nụ cười” vẫn là do Phật giáo đưa ra trước tiên. Ngoài ra, “Tứ Đại Thiên Vương”, “Tứ Đại Bồ Tát”, “Thập Bát La Hán”, v.v… tất cả những tôn tượng này; thắp hương, cúng hoa, cúng quả cùng các loại nghi thức thờ cúng, mỗi một loại trong đó đều có ý nghĩa biểu pháp rất sâu. Nếu hiện nay chúng ta chỉ đem Phật Bồ Tát thành pho tượng để thờ cúng, cho rằng thắp bao nhiêu cây hương, lạy bao nhiêu lạy, thì sẽ có thể được sự phù hộ của Phật Bồ Tát, thì sẽ được thăng quan phát tài, đây là mê tín! Nếu đơn giản như vậy thì là sự xúc phạm đến sự dạy học của Phật Bồ Tát! Bất kỳ việc gì cũng lấy nhân quả mà tồn tại, nếu không thấu tỏ chân tướng sự thật của nhân quả, không y theo phương pháp lý luận mà Phật dạy dỗ chúng ta để học tập, thì chỉ là một kẻ sùng bái một cách mù quáng, đây hoàn toàn trái ngược với tông chỉ giáo hóa của Phật, cũng hoàn toàn rời xa bổn hoài của giáo dục Phật Đà“.

Cho nên, hơn 40 năm nay, Lão pháp sư đã một mực thúc đẩy lý niệm “Phật giáo là Giáo dục“,  và trong bất kỳ dịp nào, hội họp hay trong diễn giảng, Ngài đều trình bày và chứng minh thêm đối với khái niệm này, khiến cho người nghe không ai không gật đầu bảo là đúng. Bởi vậy nên trong tên gọi của “Tịnh Tông Học Hội“, chúng ta có thể xem thấy nỗi khổ tâm của Pháp sư, mặc dù tên gọi này do Lão cư sĩ Hạ Liên Cư đề xuất từ sau Thế Chiến II, nhưng từ đó đến nay, cũng vì để thực hiện được vào trong đời sống tu học thực tế, lý niệm “Giáo dục” mà Pháp sư Tịnh Không thúc đẩy mới thật sự biến lý tưởng của Hạ lão cư sĩ thành hiện thực.

 

3. Lập các quỹ học bổng các nơi ở quê hương

Ở phương diện giáo dục xã hội thông thường, lão pháp sư Tịnh Không cũng làm ra thành tích vô cùng ấn tượng. Năm 1993, Pháp sư ở Đại học Bắc Kinh, Đại học Phục Đán, Đại học Sư phạm Liêu Ninh, Đại học sư phạm Nam Kinh và Trường Trung học Đệ Nhất thành phố Nam Kinh (trường cũ năm xưa Pháp sư học), ở 5 trường học này lần đầu tiên thành lập “Quỹ học bổng Hoa Tạng“. Năm 1998, Lão Pháp sư lại thành lập “Quỹ học bổng Hiếu Liêm” ở 30 trường học khác. Trong 5 năm ngắn ngủi này, Pháp sư đã ở các trường Đại học, Đại học sư phạm, Học viện, trường trung học khắp nơi trong cả nước đã thành lập “Quỹ học bổng Hoa Tạng” và “Quỹ học bổng Hiếu Liêm” ở tổng cộng 88 nơi (trong đó có 30 Đại học (Học viện) Sư phạm, 29 trường Đại học (Học viện), 2 Học viện (Đại học) Dân Tộc và Y Khoa, 24 trường Trung học, 3 trường Tiểu học), riêng số tiền học bổng được trao hàng năm đã lên tới 200.000 đô la Mỹ.

Từ việc phân phối học bổng, chúng ta cũng đã nhìn ra được, Đại học (học viện) Sư phạm là các đơn vị thụ hưởng chính từ quỹ học bổng “Hoa Tạng” và “Hiếu Liêm”. Pháp Sư Tịnh Không hoàn toàn tán đồng, trong “Lễ Ký – Học Ký” có nói đến tư tưởng “Dựng nước quản dân, dạy học làm đầu“, Pháp sư cho rằng giáo dục có thể cứu nước, giáo dục có thể chấn hưng đất nước. Việc phát triển sự nghiệp giáo dục có mối quan hệ vô cùng quan trọng đối với văn minh tiến bộ của đất nước, an định hài hòa của trật tự xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Mà phẩm chất đạo đức và trình độ cao thấp của giáo viên là một trong những nhân tố mấu chốt. Mặc dù vậy, trong xã hội hiện đại, quan niệm đạo đức và văn hóa truyền thống đang hình thành sự trái ngược mạnh mẽ với giá trị quan và nếp sinh hoạt của phương Tây đang được truyền bá, nhưng y theo tư tưởng của Lão pháp sư: chỉ cần chúng ta đang hạ công phu trong quá tình dạy học, để cho thiếu niên nhi đồng từ nhỏ nhìn rõ được nhân sinh quan và giá trị quan chính xác, để cho các em từ nhỏ đã sinh ra được sự đồng cảm và lòng tự hào đối với văn hóa của đất nước mình; đồng thời dần dần giáo dục thanh niên mở rộng tâm lượng, bao dung người khác, tích cực kế thừa và phát huy những điểm ưu tú của văn hóa truyền thống, để những giá trị này có thể “lấy xưa mà dùng được nay“; đối với văn hóa ngoại lai thì phải biết lấy bỏ, có thái độ biết giữ biết bỏ “lấy ngoài mà dùng được trong“, như vậy tương lai đất nước và dân tộc chúng ta nhất định sẽ tràn trề hi vọng. Đương nhiên, mặc dù nói giáo viên là những phần tử trung kiên trong công việc này, nhưng nhất định phải trông chờ vào sự chủ trì của chính phủ và sự phối hợp của các tài năng trong xã hội. Điều khiến cho lão pháp sư Tịnh Không vô cùng hài lòng chính là nước ta đang làm được rất nhiều điều ở trên phương diện này, đồng thời tư tưởng quan niệm “hoằng dương văn hóa truyền thống” trước trước tới nay vẫn luôn được các cấp lãnh đạo xem trọng và đề xướng.

  

(II). LẤY DẠY HỌC BỒI DƯỠNG TÀI NĂNG

1. Nhân tài là nhân tố đảm bảo cho sự phát triển của Phật giáo

Lão cư sĩ Triệu Phác Sơ, Hội trưởng Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc trong buổi tọa đàm về công tác giáo dục của Phật giáo Trung Quốc tại Thượng Hải năm 1991, đã từng nói một câu khiến giới Phật giáo đến nay vẫn không quên, đó chính là: “Bây giờ, trước đây và sau này, việc quan trọng nhất của Phật giáo nước ta, thứ nhất là bồi dưỡng nhân tài, thứ hai là bồi dưỡng nhân tài, thứ bài vẫn là bồi dưỡng nhân tài!” Lời nói đó vô cùng khẩn khoản thiết tha, tâm chân thành đó khiến cho những người ở trong hội nghị, không ai là không cảm động.

Từ sau lời phát biểu của Phác Lão ở Thượng Hải, cả nước đã dấy lên phong trào bồi dưỡng người kế thừa Phật giáo. Phong trào này đến nay vẫn đang lớn mạnh ở Đại Lục, phát huy tác dụng thần kỳ không thể nghĩ bàn. Các Phật Học Viện mọc lên như nấm sau mưa giữa những bức tường đỏ ngói xanh, hàng loạt nhân tài hoằng pháp và quản lý chùa cũng liên tục được luân chuyển đến các ngôi chùa lớn nhỏ từ Bắc chí Nam. Không nghi ngờ gì nữa, hội nghị lần này là nền móng vô cùng vững chắc cho sự phát triển Phật giáo Trung Quốc và các pháp môn. Đặc biệt là những gì đã khiến cho thế giới bên ngoài cảm thấy không thể nghĩ bàn, từ sau “Cách mạng Văn hóa“, Phật giáo Trung Quốc dưới sự quản lý của chính phủ, có thể trong khoảng thời gian ngắn ngủi, với số lượng giáo viên và kinh phí cực kỳ hạn hẹp, trong điều kiện tương đối gian khổ đã bồi dưỡng ra được một lượng nhân tài kế thừa có tố chất. Lão pháp sư Tịnh Không vô cùng đồng tình và thán thán với thành quả này, Ngài cũng thường hay đề cập đến vấn đề này khi giảng kinh hoằng pháp khắp nơi trên thế giới.

Đối với sự nghiệp giáo dục Phật giáo ở quê hương, Lão pháp sư Tịnh Không từ trước tới này vẫn luôn đặt niềm hi vọng và một tấm lòng nhiệt huyết vô hạn, Lão pháp sư luôn hi vọng một ngày nào đó có thể ở nơi đất mẹ để dạy học, thức tỉnh chúng sinh, nhưng bởi rất nhiều nguyên nhân, lý tưởng tốt đẹp này trong nhất thời không thể biến thành hiện thực. Do đó, Lão pháp sư đành phải theo con đường hoằng pháp quốc tế, và năm 1985 đã di cư sang nước Mỹ. Thời gian sống ở Mỹ, bởi sự cống hiến to lớn đối với đoàn kết dân tộc, an định xã hội, nâng cao đạo đức, năm 1995 Ngài được chính quyền bang Texas và chính quyền thành phố Dallas trao tặng danh hiệu “Công dân danh dự của bang” và “công dân danh dự của thành phố“. Nhưng quan niệm “lá rụng về cội” vẫn luôn chiếm trọn trong tư tưởng của Lão pháp sư, điều đáng tiếc là nhân duyên vẫn không chín muồi và không thể toại được sở nguyện của Người.

 

2. Thành lập “Lớp bồi dưỡng nhân tài hoằng pháp”

Năm 1977, Lão pháp sư đáp ứng lời mời đến Hồng Kông hoằng pháp, năm 1987 đáp ứng lời mời đến Singapore hoằng pháp, do đó pháp duyên của hai nơi này rất sâu, mỗi năm hầu như là đi qua đi lại giảng kinh hoằng pháp. Tháng 5 năm 1995, Phật giáo Cư sĩ Lâm và Tịnh Tông Học Hội Singapore thành tâm mời Lão pháp sư lại đến giảng kinh, đồng thời chủ trì công việc dạy học thường ngày ở “lớp bồi dưỡng nhân tài hoằng pháp“. Khi Lão pháp sư biết được tất cả pháp sư được bồi dưỡng ở khóa đầu tiên đều đến từ Đại Lục thì vô vàn hoan hỉ. Có thể vì giới Phật giáo ở quê hương mà bồi dưỡng được một nhóm nhân tài giảng kinh hoằng pháp, có thể đem sở học của mình phụng hiến cho sự nghiệp Phật giáo của quê hương, là tâm nguyện bấy lâu nay của Lão Pháp sư. 9 vị pháp sư của Khóa đầu tiên sau khi tốt nghiệp đã hoan hỉ trở về trong sự kỳ vọng sâu sắc và khích lệ của Lão pháp sư. “Một viên gạch khởi đầu của tòa tháp ngàn tầng“, sự thành tựu của khóa đạo tạo nhân tài hoằng pháp đầu tiên đã tạo ra ảnh hưởng rất lớn ở trong nước, những lá thư xin vào lớp bồi dưỡng mới bay đến tới tấp. Sau khi Lão pháp sư và cư sĩ Lý Mộc Nguyên thảo luận với nhau, đã quyết định tăng thêm địa điểm đào tạo. Như vậy, y theo nguyên tắc thứ tự của thư để nhận vào, có 30 vị pháp sư đến từ các tỉnh thành trong cả nước tham gia vào lớp bồi dưỡng khóa thứ 2 vào năm 1996. Tiếp theo đó là Khóa thứ 3 và Khóa thứ 4 lần lượt được tổ chức thành công vào vào tháng 9 năm 1997 và tháng 3 năm 1998.

Tính đến nay, tổng cộng đã tổ chức được 4 lớp bồi dưỡng nhân tài hoằng pháp, tiếp nhận được hơn 70 vị pháp sư, cư sĩ đến từ Trung Quốc Đại Lục, Mỹ, Thái Lan, Philippines, Malaysia,v.v… (trong đó có 68 vị pháp sư đến từ trong nước). Những pháp sư này hiện nay lần lượt giảng kinh hoằng pháp tại các ngôi chùa hoặc đạo tràng chánh pháp ở các nơi. Việc tiến hành thuận lợi công việc bồi dưỡng nhân tài hoằng pháp, chắc chắn đã truyền vào Phật giáo Trung Quốc một lực lượng mới mạnh mẽ, và đang có sự cải thiện ở mức độ nhất định đối với tình trạng thiếu thốn nhân tài hoằng pháp trong giới Phật giáo.

 

3. Khai giảng “Lớp Hoa Nghiêm”

Trong năm 1998, Tịnh Không Pháp Sư nhận lời mời của Cư Sĩ Lâm khai giảng “Kinh Hoa Nghiêm”, việc khai giảng “Bộ Kinh Đệ Nhất trong Nhà Phật” này đã làm cho tứ chúng đệ tử cảm thấy hoan hỉ khôn sánh. Vì việc này, cư sĩ Lâm đặc biệt mời trường Đại Học Đồng Tế Thượng Hải thiết kế, ở trong nước đúc hai Tháp Đồng chuyển đến trong cư sĩ Lâm để an trí (Hai Tháp này hiện tại là Tháp Đồng lớn nhất thế giới), đồng thời đặt tên là “Hoa Nghiêm Song Tháp” để kỷ niệm việc khai giảng lớp “Kinh Hoa Nghiêm” tại Singapore. Đồng thời, để kế thừa ý nghĩa của kinh Hoa Nghiêm và liễu giải thấu triệt đối với toàn thể kinh tạng Phật Giáo, “Lớp Hoa Nghiêm” chính thức được khởi động với sự ủng hộ các bên.

Tổng cộng có 20 vị pháp sư học tập lớp Hoa Nghiêm, trong đó đại đa số đã từng tham gia lớp bồi dưỡng giảng kinh các khóa trước, đồng thời 90% đến từ Trung Quốc Đại Lục. Trước mắt, các Thầy ngoài việc mỗi ngày nghe kinh, làm giảng ký, làm chú giải, tiến hành thảo luận Phật học ra, còn phải biên tập tạp chí, học tập tiếng Anh và vi tính, đồng thời y theo thứ tự định kỳ lên tòa tập giảng kinh.

 

4. Dự trù thành lập “Học Viện Giáo Dục Phật Đà”

Cuối năm 1998 tại Singapore, kế hoạch thành lập trường Phật giáo đầu tiên mang tên “Học Viện Giáo Dục Phật Đà” chính thức được lão pháp sư Tịnh Không và cư sĩ Lý Mộc Nguyên đưa vào chương trình nghị sự. Trước mắt, công tác chuẩn bị về văn tự, tài liệu đã hoàn thành, đồng thời đã đệ trình lên Bộ Giáo Dục Singapore phê chuẩn. “Học Viện Giáo Dục Phật Đà” lấy “Học vi nhân sư, Hành vi thế phạm” làm tông chỉ dạy học, chuẩn bị mở khóa trình dạy học ba cấp, tức là có lớp dự bị (Năm đầu tiên), lớp chính thức (3 năm) và lớp Nghiên cứu (1 năm). Học viện có chút khác biệt so với các các học viện Phật giáo thông thường về các phương diện như chương trình giảng dạy, phương thức giảng dạy, lý luận dạy học. Kế hoạch dạy học sẽ được tiến hành từng bước ở các đơn nguyên, sau khi kết thúc học tập khóa trình của một đơn nguyên, sinh viên mới có thể tiến hành khóa trình của đơn nguyên tiếp theo. Phương thức học tập trên cơ bản lấy việc đọc một bộ kinh luận làm chính, việc tham khảo và nghiên cứu nhất định phải triển khai xung quanh một kinh điển mà mình đang học, những gì liên quan và tất cả kinh luận khác đều lấy làm phụ trợ, trong quá trình học không được tùy ý chuyển đổi khóa trình đang học, một môn thâm nhập, trường thời huân tu. Lấy loại phương thức dạy học này làm nguyên tắc chỉ đạo, lấy việc biên chép giảng ký, báo cáo tâm đắc và tập giảng ở giảng tòa nhỏ, phức giảng (tập giảng lại) ở giảng tòa lớn để kiểm tra và thực tiễn, tất cả thính chúng đều có thể căn cứ vào quan điểm của chính mình mà đưa ra kiến nghị, tiến hành nhận xét. Sau khi tốt nghiệp khóa học, sẽ đánh giá dựa trên việc nộp luận văn. Lão pháp sư hi vọng thông qua phương pháp dạy học tư thục truyền thống này, có thể vì đất nước mà bồi dưỡng được một nhóm thông đạo tôn giáo, giải hành cùng tiến, có tu có chứng, đồng thời có thể vận dụng thiết bị khoa học kỹ thuật hiện đại để tận dụng những gì tinh hoa nhất nhằm phục vụ việc hoằng dương Phật pháp.

  

(III). LẤY TỪ BI LÀM LỢI ÍCH XÃ HỘI

1. Từ bi là giáo nghĩa cơ bản của Phật giáo.

Không có gì nghi ngờ khi Phật giáo là giáo dục đặc thù, lấy việc thúc đẩy hòa bình và từ bi làm tư tưởng chủ đạo. Lão pháp sư Tịnh Không thường hay dạy đệ tử và học trò rằng, phải mở rộng tâm lượng, bao dung hết thảy, hơn nữa thời thời đề cập đến việc Phật dạy cần phải từ bi không chỉ đối với người nhà, bạn bè, người quen biết hay người không quen biết, mà nó còn bao gồm cả đối thủ, người đối địch với chúng ta, động vật, thực vật và hết thảy những sinh mạng hữu tình mà chúng ta có thể nhìn thấy hoặc không nhìn thấy. Cái nhìn từ bi của Phật giáo chủ yếu là xây dựng ở chỗ “Vạn vật và ta là một thể“, tức là trên cơ sở lý luận “trời đất và ta có cùng gốc rễ, vạn vật và ta là một thể“. Nền tảng của nó kiên định tinh thuần, là động lực thúc đẩy các Phật tử dũng mãnh tinh tấn. Phật giáo hiểu sâu sắc mối quan hệ nhân quả, không những thản nhiên đối diện với hết thảy cảnh ngộ thuận hay nghịch, mà tầm nhìn còn đặt ở tạo tác trong quá khứ và trên quả báo ở tương lai của chúng ta. Trong nhà Phật có một câu nói truyền miệng “bách niên tu đắc đồng thuyền độ” (tu trăm năm mới cùng trên một chuyến đò), nếu chúng ta có thể hiểu rõ chân tướng của việc này, tự nhiên chúng ta khéo đối đãi và trân trọng hết thảy nhân duyên mà mình gặp được, nói lời hòa ái, kết duyên hoan hỉ, không tính toán những việc nhỏ nhặt, cũng không chấp trước vào được mất lấy bỏ của một người, hoàn toàn thoát khỏi vòng tròn “tiểu ngã” mà thành tựu công đức “đại ngã”. Không những như vậy mà còn phải có một cách nghĩ “tất cả chúng sanh đều là cha mẹ quá khứ, là chư Phật vị lai“, tôn kính yêu thương che chở hết thảy chúng sanh, nơi nơi phải suy nghĩ thay cho họ, như vậy sự từ bi mà Phật giáo yêu cầu mới được xem là làm được một bước.

Đương nhiên, cách thức biểu hiện sự từ bi có thể là rất đa dạng. Trong đời sống, lấy tài lực, vật lực, sức lao động để giúp đỡ chúng sinh, khiến cho họ có lòng tin sâu nặng, vượt qua khó khăn, đây là hình thức cơ bản của từ bi; ngoài việc này ra, nếu có thể đem lợi ích của Phật pháp đến cho họ, khiến cho họ hiểu rõ nguyên nhân vì sao ngày nay phải chịu khổ báo hay được thiện báo, cũng có thể nói với họ phương pháp lìa khổ được vui hoặc đạt được hạnh phúc vui vẻ, đây là sự thâm nhập và mở rộng của lòng từ bi.  Ở trên điểm này, Lão pháp sư Tịnh Không đúng thật là đã làm ra một tấm gương vô cùng tốt cho chúng ta.

2. Thuyết pháp 40 năm, từ bi lợi ích cho trời và người

Lão pháp sư Tịnh Không giảng kinh hoằng pháp đến nay, dấu chân đã in lên khắp các nơi ở châu Á, châu Úc, châu Mỹ, hơn 40 năm nay, lão pháp sư lấy việc hoằng pháp lợi sanh làm chánh nghiệp duy nhất của mình, Ngài thuyết pháp khắp nơi không gián đoạn, giáo hóa khuyến đạo được vô số chúng sanh hữu duyên khắp Đông Phương, Tây Phương, khiến cho họ lấy thái độ tích cực chính xác để đối diện với cuộc đời, vượt qua gian khó, lòng đầy tự tin, đời sống tràn trề hi vọng đón chào điều mới mẻ.

40 năm nay, trong sự nghiệp hoằng pháp, Lão pháp sư đã trải qua một hành trình phi thường ít người biết đến. Đó là một hành trình đơn độc và gian khổ, là một hành trình mà trong nhất thời mọi người không thể lý giải và ủng hộ. Đương nhiên, đó cũng là một giai đoạn hành trình luyện thân tâm, nhìn thấu buông xuống, được đại tự tại. Hiện nay chúng ta chỉ xem thấy cho dù đến bất cứ nơi nào, Lão pháp sư cũng luôn có hoa tươi và những tràng pháo tay xung quanh, luôn là có bao nhiêu người ủng hộ và đi theo, luôn ở trong sự khao khát và ánh mắt sùng kính cực độ của mọi người hướng về pháp tòa. Nhưng đâu có ai trong chúng ta từng nghĩ đến tấm lòng sâu nặng phía sau nụ cười nhẹ nhàng đó của Lão pháp sư: đó là sự sâu nặng toàn tâm toàn ý vì chúng sinh mà suy nghĩ, là tấm lòng sâu nặng cúc cung tận tùy thay Phật giáo hóa, khiến cho Chánh pháp trụ lâu dài trên thế gian, đó cũng là tấm lòng sâu nặng niệm niệm không quên chúng sinh khổ, niệm niệm giúp đỡ chúng sinh có duyên thoát khỏi luân hồi. Tấm lòng thương xót trời người của Lão pháp sư và thứ tình cảm mà “trăng thanh gió mát đâu thể sánh bằng sự trong sáng đó” đã tạo nên cho Ngài tư tưởng nơi nơi tùy duyên, nơi nơi báo ân, nơi nơi vì việc công, nơi nơi vì lợi ích chúng sinh, nhất cử nhất động ở trong loại tư tưởng quan niệm này, không gì không phải là thể hiện ra tâm từ bi vô tận và tấm lòng thản nhiên vô tư vô ngã.

Ở đây, điều đặc biệt đáng nói chính là trong hành trình suốt gần 40 năm giảng kinh hoằng pháp của Lão pháp sư, từ đầu chí cuối đều không thay đổi, khắc phục hết thảy chướng ngại khó khăn, được Hàn quán trưởng hộ trì tập giảng không gián đoạn. Khi Lão pháp sư đang cần giúp đỡ nhất thì Hàn quán trưởng phát tâm, đồng thời người cả nhà dốc sức để thành tựu cho sự nghiệp hoằng pháp của Lão pháp sư. Lúc đó rời khỏi Liên xã Pháp Tạng, đi đâu về đâu, trước mắt Lão pháp sư là một mảng mờ mịt. Đúng lúc đó, với lời mời thịnh tình của Quán trưởng, Lão pháp sư bắt đầu tạm trú ở trong nhà của bà, nhưng nào ai nghĩ đến việc Ngài đến ở là ở suốt 17 năm! Điều này trong mắt người bình thường không thể nào tưởng tượng nổi, là việc không thể nghĩ bàn, cũng không có gì lạ khi bị người khác hiểu lầm và chỉ trích, nhưng điều kỳ lạ là Quán trưởng vẫn nhẫn chịu toàn bộ, không những không oán trách, trái lại càng chăm sóc chu đáo hơn cho Lão pháp sư, càng thêm kiền thành hộ trì Phật pháp.

Nếu tư duy đầu óc một chút, chúng ta sẽ không khó phát hiện sự hộ trì của Quán trưởng đối với lão pháp sư, cũng không phải nhằm vào một cá nhân như Lão pháp sư, mà là bà thật sự hiểu rõ tầm quan trọng của chánh pháp cửu trụ. Sự tôn trọng đối với Phật pháp và sự yêu thương che chở đối với nhân tài hoằng pháp, là trách nhiệm đối với huệ mạng của chúng sanh, là sự thể hiện cụ thể của ý thức đầy lo lắng đối với pháp vận hưng suy. Đúng là như vậy, trong sự thôi thúc của sức mạnh “vì hộ pháp mà sinh” và khí khái “xả mình vì người“, thì bà mới có trăm phương ngàn kế, bôn ba tứ xứ, mượn, thuê giảng đường để việc diễn giảng của Lão pháp sư được liền mạch. Sự hộ trì như vậy, người bình thường ai có thể làm được? Khó trách Lão pháp sư cảm khái mà nói: “Cây Bồ Đề này của tôi là được Thầy Phương Đông Mỹ chọn hạt giống, được Chương Gia Đại Sư ươm mầm, được lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam vun bồi, sau đó được bấng vào trồng nơi này (ý nói Đài Bắc) tiếp nhận sự chăm sóc của Hàn quán trưởng suốt 30 năm, tiếp nhận sự tưới tẩm suốt 30 năm. Cây Bồ đề này trưởng thành, công đức của bà đã viên mãn, A Di Đà Phật đã đến tiếp dẫn bà vãng sanh, đây là chính mắt tôi nhìn thấy, từ trong đây chúng ta có thể chân thật thể hội được công đức hộ trì chánh pháp thật không thể nghĩ bàn. Nhân duyên không thể nghĩ bàn, mới có sự thành tựu không thể nghĩ bàn”. Lão Pháp Sư đối với tình cảm Thầy trò sâu nặng thủy chung, niệm niệm không quên, cũng dùng điều này để dạy dỗ học trò, tri ân báo ân, Ngài đã hoàn toàn làm được.

Lão pháp sư Tịnh Không đã bước vào độ tuổi xưa nay hiếm, trong độ tuổi này, người thông thường sẽ tận hưởng thiên luân hoặc ngồi chơi qua ngày đoạn tháng, nhưng Lão pháp sư lại gánh đại nghiệp sanh tử của vô lượng chúng sanh trên vai, nơi nơi lấy mình làm gương, một năm ba trăm sáu mươi lăm ngày giảng kinh thuyết pháp không gián đoạn. Trung tuần tháng 11 năm 1998, Lão pháp sư đã có một số ngày bị cảm nặng, những đệ tử đi theo Ngài và đồng tu hộ pháp nhiều lần khuyên Ngài nghỉ ngơi mấy ngày, nhưng Lão pháp sư chẳng nói một lời, thậm chí trước khi giảng kinh, Ngài còn đắp y, chuẩn bị kinh sách, ngồi ngay ngắn đợi Thị giả đến sớm hơn bình thường. Mấy ngày đó là quãng thời gian mãi khó quên trong lòng tứ chúng đệ tử ở Singapore, khai thị bữa sáng là nửa giờ, giảng tòa buổi tối là 2 giờ đồng hồ, không lần nào Lão pháp sư chậm trễ. Đặc biệt là thời gian giảng tòa 2 giờ buổi tối, những gì thính chúng nhìn thấy là đôi mắt sưng húp của Lão pháp sư và biểu hiện ho nặng và liên tục, nhưng vừa ngừng cơn ho thì Ngài lập tức lấy lại tinh thần và lại cười nói hào sảng vào chủ đề chính. Mấy buổi tối đó, rất nhiều pháp sư đã rơi lệ, rất nhiều cư sĩ rơi lệ, giảng đường hơn 1.000 người lặng im như tờ, đó thực sự là một cảnh tượng rất bi tráng. Từ đó về sau, những Pháp sư trẻ đi theo lão pháp sư tu học cũng không còn mặt mũi nào mà kêu ốm nữa, cũng không có ai dễ dàng xin nghỉ nữa.

3. Quyên tiền tặng đồ cứu trợ thiên tai

Mùa thu năm 1998, ánh mắt của tất cả người dân Trung Quốc và người Hoa toàn thế giới đều hướng về lưu vực sông Trường Giang và lưu vực sông Hoa Giang, sông Nộn Giang ở Đông Bắc. Hàng ngàn hàng vạn chiến sĩ và người dân vùng bị thiên tai nhấn chìm trong trận lũ lụt chưa từng có suốt 100 năm qua, dùng thân thể của mình dựng nên một bức “Trường Thành bằng thép” để bảo vệ nhà cửa, tính mạng và tài sản của nhân dân. Lão pháp sư “thấy chúng sanh khổ như mình khổ“, cả đêm thao thức không ngủ, mặc dù Ngài biết người dân trong cả nước đang đồng tâm hiệp lực, nhất định có thể chiến thắng thủy tai, nhưng thân là người con của quê hương thì liệu có thể khoanh tay ngồi yên?

Trung tuần tháng 8, dưới sự hiệu triệu mạnh mẽ của Lão pháp sư và cư sĩ Lý Mộc Nguyên, Phật Giáo Cư Sĩ Lâm Singapore và Tịnh Tông Học Hội phát khởi tinh thần quyên góp tiền của giúp đỡ quê hương, trong vòng nửa tháng ngắn ngủi đã quyên góp được 150.000 đô la Singapore, giao cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Singapore chuyển cho người dân vùng thiên tai. Mà việc quyên góp cứu trợ thiên tai vẫn diễn ra sôi nổi, sau đó Lão pháp sư và cư sĩ Lý Mộc Nguyên lại gây quỹ cứu trợ thiên tai được hơn 500.000 đô la Singapore, đem giao cho Đại sứ quán Trung Quốc chuyển cho vùng thiên tai. Tiên sinh Bành An Hải, bí thư thứ nhất Đại sứ quán Trung Quốc tại Singapore và các nhân viên đã đến Cư Sĩ Lâm để tiếp nhận khoản quyên góp, đồng thời thăm Tịnh Tông Học Hội, chuyển lời cảm ơn của bà Trần Bảo Lưu, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền và nhân dân ở vùng thiên tai Trung Quốc.

Sau này, khi Lão pháp sư biết khu vực thiên tai ở Đông Bắc gần đến mùa đông lạnh giá, có thể quần áo ấm của nhân dân vùng thiên tai vẫn không thể cung cấp đến kịp thời, Lão pháp sư lại một lần nữa hiệu triệu tứ chúng đệ tử tu đại bố thí, tu đại từ bi, tu đại hỉ xả, tận lực giúp đỡ nhân dân bị nạn ở Đông Bắc vượt qua giai đoạn khó khăn. Dưới sự hiệu triệu cảm động của Lão pháp sư, khoản đóng góp cho 100.000 bộ quần áo ấm và chăn mền được quyên góp nhanh chóng, sau đó, Lão pháp sư ủy thác cho cư sĩ Bổn Khê Thôi Ngọc Tinh phụ trách làm việc này. Cư sĩ Thôi Ngọc Tinh ngoài việc tận lực làm tốt sự việc mà Lão pháp sư giao phó ra, còn chi riêng cho mỗi một người dân ở vùng thiên tai 100 nhân dân tệ và một túi bột mì để kết duyên.

Khi những nhu cầu cấp thiết của người dân vùng thiên tai đã được giải quyết trong một phạm vi nhất định, Lão pháp sư cảm thấy vô cùng hài lòng. Rốt cuộc quê hương đã tâm liền tâm với Ngài rồi vậy! Những hành động này của Lão pháp sư sau trận lũ lụt, không chỉ giúp làm vơi bớt khó khăn vật chất của người dân vùng thiên tai mà còn khích lệ rất lớn tinh thần của họ. Trái tim đã từng tuyệt vọng của người dân vùng thiên tai đã được sưởi ấm, đã thắp lên cho họ ngọn lửa niềm tin vào việc xây dựng lại nhà cửa tốt đẹp hơn.

4. Hi vọng xây dựng trường học vùng thiên tai

Trong trận lũ lụt ở lưu vực Tùng Nộn này, nhiều diện tích đất nông nghiệp và hoa màu bị nhấn chìm, nhà cửa bị phá hủy, rất nhiều trường học không thể mở cửa trở lại, ngay cả mỏ dầu Đại Khánh cũng chịu tai nạn vô vọng. Lão pháp sư Tịnh Không cho rằng việc xây dựng lại các công trình an cư cho người dân vùng lũ, chính phủ Trung Quốc đã làm vô cùng viên mãn, nhưng trên phương diện xây dựng lại trường học, Ngài có thể tận tâm tận lực giúp đỡ. Lão pháp sư cho rằng trường học là nơi gieo lại tia hi vọng, là bệ đỡ cho văn minh hiện đại và tri thức văn hóa, bất kỳ công trình dựng lại nào cũng có thể chậm trễ, nhưng tiến độ xây dựng lại trường học thì một chút cũng không được kéo dài. Do đó, trong đầu Lão pháp sư lại vạch ra kế hoạch viện trợ xây dựng lại trường tiểu học và trung học ở khu vực thiên tai.

Dưới sự giám sát của đích thân Lão pháp sư, kế hoạch quyên góp xây dựng 10 trường Trung học Từ Quang, 20 trường Tiểu học Hi Vọng Hiếu Liêm cho vùng thiên tai Đông Bắc đã lần lượt được tiến hành. Không lâu nữa, chúng ta có thể nhìn thấy những ngôi trường mới được tạo nên từ lòng từ bi vô hạn của Lão Pháp sư được xây dựng ở Hắc Thổ Địa thuộc vùng Đông Bắc rộng lớn.

5. Kết duyên sâu dày với quê hương

Thật ra, quay đầu ngoảnh lại, chúng ta không khó phát hiện ra sự ủng hộ của Lão pháp sư Tịnh Không đối với quê hương, đặc biệt là sự ủng hộ và giúp đỡ đối với giới Phật giáo, giáo dục văn hóa ở những nơi gặp thiên tai, đã sớm bắt đầu từ những năm 1980. Năm 1989 đến năm 1995, Lão pháp sư đã từng tặng hơn 100 bộ “Đại Tạng Kinh” cho các ngôi chùa lớn, các Phật học viện Cư sĩ Lâm ở trong nước. Năm 1991, miền Đông và những nơi khác phải hứng chịu môt trận lụt thảm khốc, Lão pháp sư đã dốc toàn lực cùng với Thư viện Phật giáo Hoa Tạng, giảng đường Hoa Tạng cùng quyên góp tiền của được 250.000 đô la Mỹ để cứu trợ thiên tai. Năm 1992, thành lập Quỹ giáo dục Văn hóa Phật giáo Trung Quốc, Lão pháp sư đã góp 40.000 đô-la Mỹ cho Quỹ. Năm 1993, nơi khắc kinh Kim Lăng ở Nam Kinh và Thư Cục Phật Học Thượng Hải, lão pháp sư đã in tặng 10.000 cuốn “Đại Từ Điển Phật Học“, kết duyên với học viên các Phật học viện trên toàn quốc. Cùng năm đó, Lão pháp sư còn tặng 30 bộ “Tứ Khố Toàn Thư Hội Yếu“, mỗi bộ có 500 đầu sách, tặng cho Thư Viện Thượng Hải và Thư Viện các trường Đại học Cao đẳng ở các Tỉnh, thành. Năm 1994 tại Singapore, Lão pháp sư đã quyên góp được 60.000 đô-la Singapore để ủng hộ công trình “Thư Viện Vạn Thôn” ở quê hương. Năm 1997, Lão pháp sư đã trở về quê nhà sau 50 năm xa cách, tặng 100 phòng máy tính với 586 bộ máy vi tính cho trường Trung học Lô Giang. Năm sau, Ngài lại tặng cho Thư Viện mới xây dựng của trường Trung Học Lô Giang 600.000 nhân dân tệ….

  

(IV). LẤY CHÂN THÀNH MỞ RỘNG GIAO LƯU

1. Đa nguyên thế giới, đa nguyên văn hóa.

Thế giới là đa nguyên, chủng tộc là đa nguyên, văn hóa, tôn giáo cũng là đa nguyên ….”, đây là khái niệm tư tưởng cơ bản mà Lão pháp sư Tịnh Không để xướng và thúc đẩy suốt nhiều năm nay khi chung sống, đối thoại, giao lưu với các đoàn thể, dân tộc, xã hội cho đến các thực thể tôn giáo, văn hóa. “Chỉ có mở rộng tâm lượng, niệm niệm suy nghĩ vì người khác, niệm niệm vì hết thảy chúng sanh khắp pháp giới mà suy nghĩ, niệm niệm không quên thân phận của mình là một người làm công tác giáo dục nghĩa vụ xã hội. Như vậy, tầm nhìn của chúng ta mới có thể mỗi ngày một mở rộng, tấm lòng của chúng ta mới có thể mỗi ngày một rộng lớn, khởi tâm động niệm của chúng ta chân thành, mới là chánh niệm; nếu có một mảy may tư tâm và tâm bất bình đẳng, thì không thể tương ưng với sự giáo hóa của Đức Phật, không thể thực tiễn được lý niệm đa nguyên văn hóa, đa nguyên chủng tộc, đa nguyên tôn giáo“. Lại nói, “Người thật sự giác ngộ thì chúng sanh là chính mình; thiện tri thức, pháp giới tức là nhà. Hư không pháp giới và chính mình thật ra chính là một chỉnh thể hoàn hảo. Cho nên, Đức Phật mới nói ra đồng thể đại bi, vô duyên đại từ, từ bi là lý niệm trung tâm mà Phật dạy dỗ“. Đây là yêu cầu của Lão pháp sư đối với đệ tử xuất gia và các học trò.

2. Chân thành là điểm xuất phát để giao lưu với nhau.

Theo đà phát triển của xã hội, sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, mức sống của con người không ngừng nâng lên, bất kể giữa người với người, giữa đoàn thể với đoàn thể, hay là giữa tôn giáo với tôn giáo, giữa quốc gia với quốc gia, rất khó tránh khỏi việc giao lưu và qua lại với nhau. Đối kháng và nghi ngờ, thậm chí nắm lấy thủ đoạn bạo lực tuyệt đối không phải là phương pháp giải quyết vấn đề, cho nên cần phải dùng tâm thái thế nào, dùng phương thức thế nào để giao lưu với đối phương? Đây là vấn đề mà Lão pháp sư suy nghĩ trong nhiều năm. Việc nảy sinh vấn đề có vẻ khá phức tạp, cũng đáng để mỗi người động não suy nghĩ, nhưng đáp án của của Lão pháp sư lại đơn giản, khiến cho người ta giật mình. Ngài nói, “phương pháp giải quyết vấn đề chỉ có hai chữ “Chân Thành“. “Lấy tâm chân thành bình đẳng để đối xử với tất cả chúng sinh”, “Điều mình không thích, chớ mang cho người“, thì ắt các vấn đề khó sẽ dễ dàng được giải quyết”.

Khi mở một cuộc thảo luận, tưởng chừng sự việc gì cũng đơn giản và dễ hạ thủ, nhưng bắt đầu thực hành lại không đơn giản và thuận ý như mình tưởng tượng. Thế nhưng trong lý niệm “giáo dục” của Lão pháp sư, các vấn đề như tôn giáo, chủng tộc, văn hóa, v.v.. đều có thể tiến hành trong bầu không khí hoàn toàn dung hòa. Từ xưa tới nay, chúng ta có thể chưa từng thấy tín ngưỡng tôn giáo khác nhau cùng cầu nguyện dưới một mái nhà, cùng đọc một bộ kinh, cùng hát một bài Thánh Ca, nhưng chúng ta vẫn nhìn thấy những con người ở các quốc gia và khu vực khác nhau, tôn giáo và chủng tộc khác nhau, đã cùng lên lớp ở trong cùng một phòng học. Mặc dù rất nhiều tôn giáo mang tính quốc tế, nhưng tính quốc tế đó là quốc tế lại ở trong phạm vi tương đối, hầu như là quốc tế mang tính mục tiêu, giới hạn trong hoạch định của họ vẫn rất nhỏ hẹp, vẫn có rất nhiều thành phần thiên lệch (độc đoán). Các tôn giáo đều là lấy tự ngã làm trung tâm để bình luận người khác, nhưng trong lý niệm “giáo dục” lại không tồn tại những vấn đề này. Nếu lấy lý niệm giáo dục làm điểm xuất phát, chúng ta sẽ đứng ở một trình độ tương đối cao, lấy cùng một lập trường để mở lòng tiến hành giao lưu và đối thoại giữa hai bên một cách thẳng thắn, không có thành kiến, không có lo lắng, chân thành đối xử với nhau. Giao lưu như vậy mới có thành quả, đối thoại mới có thu hoạch.

3. Tìm điểm chung trong sự khác biệt, cùng tồn tại, cùng phát triển.

Tại Queensland, Australia, mỗi tháng có một lần tổ chức “Diễn đàn Đa nguyên văn hóa” do cục trưởng Vưu Lý, phụ trách Văn phòng Các vấn đề Dân tộc thiểu số Queensland đứng ra tổ chức. Các dân tộc, tôn giáo khác nhau, các lãnh đạo trong giới học thuật cùng tề tựu về một nơi, cùng nhau giao lưu, tôn trọng lẫn nhau, kính yêu lẫn nhau, hỗ trợ hợp tác, lấy việc cùng nhau xây dựng xã hội hòa ái, phồn vinh, an lạc, hạnh phúc để làm mục đích, mỗi một người đều làm ra cống hiến chân thành. Trong thời gian ở Úc Châu, Lão pháp sư Tịnh Không được mời tham dự và phát biểu ý kiến, kỳ vọng về các vấn đề được đưa ra trong diễn đàn. Trong diễn đàn, mọi người đều xoay quanh chủ đề đặc biệt để triển khai thảo luận, trao đổi ý kiến, sau đó đề xuất cho chính phủ các phương pháp giải quyết xung đột tôn giáo hoặc mâu thuẫn chủng tộc. Y theo quan điểm của Lão pháp sư, mỗi một nền văn hóa, mỗi một tôn giáo, mỗi một dân tộc đều có những cái hay, cái đẹp riêng. Mặc dù bối cảnh sinh ra và sự phát triển của các nền văn hóa và tôn giáo không như nhau, nhưng nếu quan sát tỉ mỉ, chúng ta sẽ phát hiện giữa họ nhất định có những điểm tương đồng hoặc chỗ tượng tự. Lão pháp sư đề nghị chúng ta hoàn toàn có thể đem những chỗ này làm điểm xuất phát, dựa trên cơ sở này đề tìm điểm chung trong sự khác biệt, cùng tồn tại cùng phát triển. Hơn nữa, giữa hai bên nếu như có thể giúp đỡ lẫn nhau, lấy sở trường của nhau, trên cơ sở chân thành và tôn trọng để triển khai giao lưu, vừa không tùy tiện can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, lại không dùng hết thảy thủ đoạn phi lý để giải quyết vấn đề, thì nhất định thế giới của chúng ta sẽ hòa bình không có chiến tranh, xã hội của chúng ta nhất định sẽ an định phồn vinh. Lấy nhân tố này, Lão pháp sư kỳ vọng sâu sắc có thể ở Úc Châu thành lập một “trường Đại học Đa Nguyên Văn Hóa“, hoặc ở những trường Đại học hiện có thành lập “Học viện Đa Nguyên Văn Hóa”, “Khoa Đa Nguyên Văn Hóa“, để bồi dưỡng nhân tài chuyên nghiệp theo đuổi công việc dạy học Đa Nguyên Văn Hóa và thúc đẩy đại sự nhân duyên này.

4. Tôn trọng văn hóa, phản đối thâm nhập.

Thật ra lý niệm giao lưu của Lão pháp sư Tịnh Không khá trùng hợp với tư tưởng ngoại giao của ông Chu Ân Lai, hơi có chút đồng điệu. Tại Hội Nghị Vạn Long năm 1955, thủ tướng Trung Quốc là ông Chu Ân Lai từng để xuất lấy “5 nguyên tắc cùng chung sống hòa bình” để triển khai giao lưu quốc tế. 5 nguyên tắc này là: “tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; không xâm phạm lẫn nhau; không can thiệp công việc nội bộ của nhau; bình đẳng cùng có lợi; chung sống hòa bình“. Những nguyên tắc này vẫn còn phát huy mạnh mẽ trong xã hội ngày nay và được xã hội quốc tế tuân theo, thậm chí đã làm thành điều lệ cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Những biểu hiện của những nguyên tắc này là một dạng công chính bình đẳng, không chống đối lại một chút lập trường và quan niệm yêu chuộng hòa bình. “Nếu chúng ta lấy tâm chân thành để thực tiễn năm nguyên tắc này, hiệu quả nhận được ắt sẽ càng rõ ràng, các loại mâu thuẫn cũng sẽ không gọi là mâu thuẫn nữa“, Lão pháp sư cảm thán mà nói, “loại tư tưởng quan niệm tốt đẹp này, mỗi một dân tộc, đoàn thể văn hóa và tôn giáo của chúng ta đều có nghĩa vụ kế thừa và phát huy mạnh mẽ“.

Lúc giảng kinh, Lão pháp sư thường nói: “Nét đẹp của văn hóa khác nhau, dân tộc và tôn giáo khác nhau, giống như mỗi một bộ phận trên thân thể của chúng ta vậy, mỗi một bộ phận đều có sự đặc sắc của nó, mỗi mỗi đều có sự diệu dụng của nó. Đầu có cái đẹp của đầu, có tác dụng của đầu, tay có nét đẹp của tay, có tác dụng của tay, nhưng cuối cùng không thể đổi vị trí, không thể bởi vì đầu đội mũ được mà bắt tay cũng phải đội mũ, như vậy là trái với thiên tính tự nhiên, cũng trái với pháp tắc của sinh tồn, sẽ làm ra những thứ không ra gì. Các tôn giáo và nền văn hóa khác nhau có những tác phẩm tuyệt vời về chân thiện mỹ của riêng họ, không được lấy điều mà mình cho là hợp ý hoặc lấy thủ đoạn cưỡng chế để đưa văn hóa của mình, phương thức sinh hoạt của mình hoặc nguyên tắc xử sự cho người khác, không đè đầu cưỡi cổ người khác, cho rằng chỉ có thứ của ta mới là tốt nhất, toàn thế giới đều phải học tập ta, loại quan niệm này đã sai lầm ngay từ đầu rồi. Các dân tộc đều có truyền thống ưu tú của riêng họ, những thứ truyền thống mới thật sự thể hiện được sự đặc sắc của dân tộc, cũng có thể thể hiện được chỗ sở trường và chỗ tuyệt vời của họ, đều phải nên giữ gìn và phát triển rộng rãi.

Mở lịch sử cận đại ra, chúng ta xem thấy ở Thế Chiến II, những chính khách quyền lực, với ngọn cờ đấu tranh bảo vệ hòa bình thế giới, đấu tranh vì dân chủ và tự do cho nhân dân, mà đi khắp nơi để quảng bá cho nhân sinh quan, giá trị quan, thậm chí là nhân quyền và hệ thống pháp luật của chính họ, hoàn toàn không dựa vào tình hình đất nước và lịch sử văn hóa của quốc gia khác, hoàn toàn không biết tôn trọng phương thức tư duy và ý nguyện nhân dân của nước khác, chỉ nghĩ đến lấy nhất nguyên văn hóa của chính mình, áp đặt mô hình đơn cực lên nước khác, thống trị thế giới, như vậy làm sao có thể làm thông được chứ? “Người đắc đạo thì hưng thịnh, kẻ thất đạo thì mất mát”, nhất định họ phải trả một cái giá rất lớn cho những gì họ làm. Lão pháp sư còn thường hay nói ví dụ: “Những gì mà con cháu Viêm Hoàng chúng ta tiếp nhận chính là sự dạy dỗ của Thánh Hiền, nước ta có lịch sử dâu dài 5.000 năm, bề dày văn hóa truyền thống đã vượt ra ngoài tầm với của các dân tộc khác. Văn hóa dân tộc ta giống như một cửa tiệm ngàn năm độc đáo, mà có một số đất nước, như nước Mỹ giống như là một gánh hàng rong nhỏ, nguồn gốc lịch sử của họ, mọi người đưa ra một người để đại diện cho đoàn thể này là chính xác. Nhưng nếu là một cửa tiệm danh tiếng lâu đời, tự nó đã có sự truyền thừa pháp tắc quản lý, không thể bị bất kỳ ai cắt bỏ, không dễ gì bỏ mất truyền thống, cũng không thể tùy tiện chạy theo mô hình kinh doanh của người khác mà tự hủy đi văn minh truyền thống tốt đẹp, há chẳng phải là đáng tiếc hay sao. Do đó, văn hóa không như nhau, chúng ta không thể đổ lỗi mà phải nên bình tâm mà xem xét, chúng ta không có ý niệm khống chế người, việc, vật, không có tâm hạnh chiếm hữu người, việc, vật. Trên thế giới, tất cả là hoàn mĩ, văn hóa khác nhau càng đa dạng sắc màu, đẹp không gì bằng“. Trong lúc giảng bài, Lão pháp sư thường nói rõ quan điểm này, đã thể hiện rõ lập trường, cũng duy trì được sự tôn nghiêm của văn hóa truyền thống và toàn bộ dân tộc, hơn nữa cũng xưng dương tán tụng hết thảy những chân thiện mĩ huệ của tất cả văn hóa dân tộc khác nhau, khiến cho những người tham dự tán thán mãi không thôi.

5. Tham quan trung tâm Hồi giáo.

Cuối năm 1998, dưới sự dẫn dắt của Lão Pháp Sư Tịnh Không và Cư sĩ Lý Mộc Nguyên, hơn 60 vị pháp sư và cư sĩ ở Phật giáo Cư Sĩ Lâm Singapore và Tịnh Tông Học Hội, lần đầu tiên tham quan Trung tâm Hồi Giáo Singapore cùng Tổ chức từ thiện và phúc lợi của họ, đồng thời đã tặng bao đỏ, tặng quà để kết duyên với những người sống trong Viện Dưỡng Lão và Cô Nhi Viện của trung tâm, ngoài ra còn xuất ra 50 mẫu đơn xin tài trợ cho học sinh nghèo Malaysia tại Singapore đăng ký. Hành động này ngay lập tức sinh ra phản ứng rất lớn trong các tầng lớp xã hội ở Singapore, các tờ báo địa phương bằng tiếng Hoa như “Báo buổi sáng Liên Hợp “, “Tân Dân Nhật Báo” và các tờ báo tiếng Anh như “The Straits Times” đều đưa tin rất tỉ mỉ, đồng thời 3 tuần sau khi kết thúc chuyến thăm, những bình luận báo chí và nhân sĩ trong xã hội vẫn còn xôn xao bàn luận về việc này. Nhìn thấy chính phủ và nhân dân coi trọng sự hòa hợp tôn giáo và giao lưu chủng tộc như vậy, khi đó Lão pháp sư và cư sĩ Lý Mộc Nguyên đã lên kế hoạch cũng tiến hành viếng thăm hữu hảo đối với Cơ Đốc Giáo, Thiên Chúa Giáo, Ấn Độ Giáo và các đoàn thể tôn giáo khác. Kỳ vọng có thể sử dụng điều này như một nguồn cảm hứng để hướng dẫn các tôn giáo, các dân tộc tăng cường giao lưu, nỗ lực duy trì xã hội an định, chủng tộc hài hòa.

  

(V). LẤY CHUYÊN TU CHUYÊN HOẰNG CẦU SANH TỊNH ĐỘ

1. Tu học Tịnh Độ lấy Hiếu Thân Báo Ân làm nền tảng

Trong “Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật“, Đức Phật đã đưa ra 3 điều kiện cơ bản đối với người tu học Tịnh Độ, tức là “Quán Kinh Tam Phước” mà chúng ta thường hay nói. Ba phước này, thứ nhất là “Hiếu Dưỡng Cha Mẹ, Phụng Sự Sư Trưởng, Từ Tâm Không Giết Hại, Tu Mười Nghiệp Thiện“. Cũng chính là nói, Tu học trong Tịnh Độ Tông là lấy việc tuân theo thực hành Hiếu Đạo và Sư Đạo làm yêu cầu đầu tiên để nhập môn. Lão pháp sư Tịnh Không thường nói: Phật pháp là Sư đạo, nhưng Sư đạo là kiến lập trên nền tảng Hiếu Đạo. Một người ngay cả cha mẹ còn không Hiếu dưỡng thì chúng ta làm sao có thể tin tưởng họ chân thành đối với xã hội đại chúng được chứ; Một người ngay cả Thầy cô còn không Tôn kính, chúng ta làm sao có thể tin tưởng họ thành kính đối với chúng sanh hữu tình. Đương nhiên, những yêu cầu của Hiếu đạo là, không những phải “Dưỡng thân cha mẹ“, mà còn phải “Dưỡng chí của cha mẹ“, suối nguồn của văn hóa truyền thống cũng chính là từ đây mà bắt đầu. Nhưng mà, nếu chúng ta lấy điều này làm nền tảng rồi mới đem nó mở rộng ra, không những Hiếu dưỡng Cha mẹ của chính mình mà còn Hiếu dưỡng đối với cha mẹ người khác, tôn kính hết thảy chúng sanh hữu tình, yêu thương che chở tất cả sự vật vô tình, trân trọng đối với tất cả nhân duyên gặp được; ngoài điều đó ra, còn phải tôn kính cha mẹ quyến thuộc từ vô lượng kiếp trong đời quá khứ cho đến nay, thậm chí trân quý môi trường mà chúng ta đang sinh sống và hít thở, yêu quý từng cành cây ngọn cỏ, như vậy Hiếu đạo mới có thể làm được triệt để, làm được viên mãn.

Do đây mà nhìn ra được, nhà Nho nói Hiếu đạo là đem nó hạn định ở trong giới hạn nhỏ một gia đình hoặc một dân tộc để thực hiện; mà nhà Phật nói Hiếu đạo là đem nó đặt trọng một vòng nhân quả không có cùng tận, đồng thời mở rộng đến tận hư không khắp pháp giới hết thảy chúng sanh, là ở trong phạm vi rộng lớn vô tận này. Cho nên, mỗi một người tu học Phật giáo, khi tụng thời khóa mỗi ngày đều có phát ra Tứ Hoằng Thệ Nguyện, câu đầu tiên chính là “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ“. Đây là một tấm lòng rộng lớn đến cực độ, đây cũng chính là tư tưởng tri ân báo ân mà Phật giáo đang đề xướng, nói thật ra, tư tưởng báo ân cũng chính là mở rộng đến vô hạn của Hiếu đạo trong nhà Nho.

Đương nhiên, lại nhắc lại, tu học Tịnh Độ Tông yêu cầu chúng ta nhất định phải làm được Hiếu Thân Tôn Sư, báo bốn ân nặng, tông phái khác trong Phật giáo lẽ nào không phải như vậy. Phật giáo ban đầu truyền đến Trung Quốc, sở dĩ có thể hoàn toàn được các nước lớn ở phương Đông tiếp nhận, ngoài các nguyên nhân giáo lý giáo nghĩa viên mãn, thái độ nhân sanh đạt đến trí huệ cao độ, v.v… ra , thì việc đề xướng tư tưởng tôn sư trọng đạo, Hiến thân báo ân cũng là một nhân tố vô cùng quan trọng.

2. Một môn thâm nhập là phương pháp giải thoát trực tiếp nhất.

Lão pháp sư Tịnh Không năm xưa đều đã trải qua hầu hết kinh giáo của Thiền tông, Thiên Thai, Hoa Nghiêm, Duy Thức, Tam Luận và hầu hết kinh giáo khác, lúc đó bởi do những vị Thầy mà Ngài thân cận đều có hàm dưỡng thâm hậu lại còn đức cao vọng trọng, cho nên Lão pháp sư khế nhập được vô cùng nhanh chóng, nền tảng Phật học cũng được cắm vô cùng chắc chắn, nghiên cứu vô cùng có tâm đắc. Lão Pháp sư thường hay nói, khi thân cận tiên sinh Phương Đông Mỹ thì “tôi biết học Phật là hưởng thụ cao nhất của nhân sinh“, những ngày tháng đi theo Chương Gia Đại Sư thì “tôi hiểu rõ chân đế của sau chữ [nhìn được thấu, buông được xuống] “. Cho nên, sau này Lão pháp sư thân cận Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, y theo yêu cầu của Lão sư trước khi học là phải buông xuống toàn bộ. Lúc đó Lão pháp sư thể hội được sâu sắc rằng cho dù thiên kinh vạn luận, bộ nào cũng có thể đại khai viên giải; tám vạn pháp môn, môn nào cũng đều đến thẳng Bát Nhã, nhưng người học Phật khi hạ thủ thì nhất định phải tuân theo một môn, bước theo một con đường,  cũng chỉ có như vậy thì tâm mới chuyên, tâm chuyên nhất, tự nhiên định công mỗi ngày một tăng, trí huệ một thêm lớn. Duy trì đều đặn, bất kể trên tri thức Phật học, hay là trong việc tu hành đều sẽ có thành tựu rõ ràng.

Từ sau khi bắt đầu từng bước thực hiện sáng kiến của “Học viện giáo dục Phật Đà”, khóa trình của Học viện sắp xếp hoàn toàn y theo con đường của Lão pháp sư mà tiến hành, đây cũng là nguyên nhân vì sao Học viện thực hiện mô thức chế độ dạy học theo đơn nguyên. Trong xã hội hiện nay chỉ có loại mô thức này là gần hơn với phương pháp dạy học tư thục của truyền thống xưa, cũng chỉ có loại phương thức này mới thích hợp trong việc vận dụng vào giáo dục Phật giáo, đương nhiên, nó cũng phù hợp nguyên tắc “Nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu“. Khi sắp xếp khóa trình cho Học viện Phật giáo thông thường, Lão pháp sư không đồng ý tham chiếu theo lý luận dạy học của Đại học trong xã hội, bởi vì Lão pháp sư thường nói: “Mục đích dạy học giữa Trường học Phật giáo và Trường học xã hội khác nhau quá xa. Ví dụ trong xã hội, Mục đích giáo dục của Trường Y là bồi dưỡng sinh viên tương lai thành bác sĩ, mục đích của Trường Luật là bồi dưỡng sinh viên tương lai làm luật sư, nhưng mục đích của trường Phât giáo là khiến cho mỗi người khi nhận được giáo dục thì tương lai làm Bồ Tát thành Phật. Những vấn đề như phương pháp lý luận của giáo dục xã hội, thiết kế khóa trình cho đến mô thức quản lý, v.v…  tuyệt đối không thể thích ứng với giáo dục Phật giáo, nếu như vậy, chúng ta không những sẽ lãng phí nhân lực tài lực, quan trọng hơn nữa chính là sẽ đoạn đi pháp thân huệ mạng của rất nhiều người. Sự việc này chúng ta ngàn vạn lần không được làm. Cho nên tôi chủ trương Trường Giáo dục Phật Đà lựa chọn chế độ dạy học Đơn nguyên, hơn nữa còn phải chú trọng tầm quan trọng của một môn thâm nhập là có nguyên nhân. Từ xưa đến nay, Tổ sư Đại đức đều y theo loại phương thức này mà khai ngộ thành tựu, ngày nay vì sao chúng ta không thể có thành tựu trong giáo dục Phật giáo, nguyên nhân chủ yếu chính là chính ta đã vứt đi phương pháp tốt mà nhặt lấy những sợi dây của thế gian để trói tay trói chân chúng ta lại, nói một cách ngắn gọn thì khi chúng ta bỏ gốc lấy ngọn thì làm sao có được thu hoạch đây?”

3. Pháp môn Tịnh Độ là thích hợp nhất đối với căn cơ của xã hội hiện đại.

Lão pháp sư Tịnh Không đã quyết định đời này chuyên tu chuyên hoằng Tịnh Độ sau khi thân cận Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam (Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam là truyền nhân của Ấn Quang Đại Sư ở núi Linh Nam). Thời đó, với sự ảnh hưởng của Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, người tu học pháp môn Tịnh Độ ở khu vực Đài Loan có khoảng 200.000 người. Việc dạy học Lão cư sĩ Lý rất linh hoạt, Lão cư sĩ Ngài quán cơ dạy học, tùy duyên giáo hóa, hơn nữa ngôn hành tương ưng, tâm khẩu nhất như, nên nhận được sự tôn sùng của cả trong và ngoài giáo thời bấy giờ. Trong mười năm hun đúc bên cạnh Lão cư sĩ Lý, tư tưởng của Lão pháp sư Tịnh Không xảy ra sự chuyển biến cực kỳ sâu sắc, Ngài cho rằng làm một thông gia “tưởng chừng cái gì cũng biết, nhưng lại chẳng thông thứ gì” hay làm nhà Phật học thì cũng không thể giải quyết được sanh lão bệnh tử và vấn đề căn bản của nhân sinh, cũng không thể giúp chúng sinh hữu tình thoát khỏi lục đạo luân hồi. Y cứ theo giáo huấn của Đức Phật “thời kỳ Chánh pháp, Giới luật thành tựu; thời kỳ Tượng pháp, Thiền định thành tựu; thời kỳ Mạt pháp, Tịnh Độ thành tựu“, đối với chúng ta hiện nay, pháp môn Tịnh Độ là có thể ứng cơ nhất, cũng có thể giúp đỡ chúng sanh trên căn bản nhất, do đó, Lão pháp sư đã hạ quyết tâm hết sức hoằng dương pháp môn Tịnh Độ.

Xã hội hiện nay, ở bất kỳ quốc gia hay khu vực Phương Tây nào, mặc dù mức sống con người không ngừng tăng cao, thọ dụng trong đời sống mỗi ngày một phong phú, nhưng nhịp sống mỗi ngày một vội vã, tâm thái đời sống càng ngày càng chán nản. Giáo dục Phật giáo ở trong thời đại này chắc chắn là một trong những cách giải quyết các vấn đề về tinh thần và tâm lý của con người. Khi người phương Tây đang kêu lên “Thượng Đế chết rồi” trong tuyệt vọng, chỉ có Phật giáo với những sắc thái chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi, trong ánh mắt háo hức của người phương Tây mà bước vào đời sống của họ. Thế nhưng, bởi do sự tập trung của các tông phái khác nhau, phương pháp tu học khác biệt, như Hoa Nghiêm, Thiên Thai, Duy Thức, v.v.. còn chưa gõ cánh cửa phương Tây, thì Thiền và Tịnh Độ đã rất nhanh chóng được rất nhiều người tiếp nhận rồi. Nhưng chúng ta biết, tu học Thiền Tông nhất định phải có sự dẫn dắt của người có “minh nhãn” thì mới có thể có được thành tựu, nhưng chúng ta lại có được bao nhiêu Thiền sư minh tâm kiến tánh và tương đương kiến tánh nơi trùng dương xa xôi? Câu hỏi này mọi người chúng ta ai nấy đều hãy để ở trong lòng. Nhưng tu học Tịnh Độ sẽ không gặp phải vấn đề khó khăn như vậy, cũng sẽ không có sự chướng ngại quá lớn trên ngôn ngữ hay hạn chế của hoàn cảnh.

Tu học Tịnh Độ có thể ở trong động, ở trong tĩnh, trong lúc làm việc, khi nghỉ ngơi, tùy lúc tùy chỗ, không câu nệ hình thức, tùy ý mà thực hiện. Nó chỉ cần người tu học có đủ chân tín, thiết nguyện, sau đó xưng niệm danh hiệu “A Di Đà Phật“, tức có thể đới nghiệp vãng sanh, bất thoái thành Phật. Thời đại đang không ngừng phát triển, xã hội đang không ngừng chuyển biến, nếu có thể trong quần thể có nhiều biến đổi này mà giữ gìn được một một tấm lòng chân thật bất biến, giữ gìn được ý niệm xuất ly lục đạo bất biến, giữ gìn sự tinh tấn trong tu học niệm Phật, nhìn thấu buông xuống bất biến, theo thời gian, chúng ta tuyệt đối sẽ không thể nói không có thu hoạch. Cho nên, Lão pháp sư thường hay nói: Pháp môn Tịnh Độ tuy khó ở chỗ sinh ra lòng tin, nhưng lại dễ ở chỗ tu học, cho nên, chỉ cần mọi người chịu làm, thật làm, không hoài nghi, không gián đoạn, không xen tạp, nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu, đem mỗi tâm niệm đều chuyển thành “A Di Đà Phật“, như vậy chúng ta nhất định sẽ thành tựu.

TIỂU SỬ LÃO PHÁP SƯ

Giới thiệu tóm tắt về Đạo Sư

HỌC HỘI

Giới thiệu về Tịnh Tông Học Hội

SƯ THỪA

Những người Thầy của Lão pháp sư

LÝ NIỆM

Những lý niệm, quan điểm hoằng pháp