[7]. BÍ QUYẾT GIẢNG KINH
Năm xưa, khi tôi cầu học ở Đài Trung, đồng học có hơn 20 người, tôi thường hay khuyến khích mọi người chuyên tinh học một bộ kinh. Bởi vì năng lực của người ngày nay không bằng người xưa. Thông tông thông giáo, thật là việc không thể làm được. Tôi có cách nghĩ, cũng là vọng tưởng, nhưng vọng tưởng này có đạo lý của nó. Trong cả đời tôi, dùng thời gian 10 năm chuyên môn học một bộ kinh, 10 năm tôi học 1 bộ; người khác cũng dùng thời gian 10 năm, nhưng học 10 bộ kinh, bình quân mỗi năm học 1 bộ. Tôi trộm nghĩ, cái nào hiệu quả hơn? Công phu 10 năm đều dùng ở một bộ, có thể nói là quyền uy chuyên gia vào một bộ kinh. Mà 10 năm học 10 bộ, mặc dù học rất giỏi, nhưng chẳng chuyên bộ nào, không cách nào tinh thông. Duy chỉ có chuyên tinh, chính mình mới có được thọ dụng, đây chính là thâm nhập.
Những năm đầu Dân Quốc, Lão cư sĩ Giang Vị Nông, cả đời học một bộ “Kinh Kim Cang“, dùng thời gian bao lâu? 40 năm. Cư sĩ Chu Chỉ Am cũng là một môn thâm nhập, chuyên công vào “Tâm Kinh“, 260 chữ, cũng dùng công phu suốt 40 năm. Ngày nay chúng ta muốn nghiên cứu “Kinh Kim Cang“, hoặc “Tâm Kinh“, nhất định phải đọc các tác phẩm (trước tác) của họ, đây là trước tác quyền uy, hạ công phu rất sâu. Cư sĩ Giang Vị Nông viết một bộ “Kinh Kim Cang Giảng Nghĩa“, Cư sĩ Chủ Chỉ Am có “Bát Nhã Tâm Kinh Chuyên Chú“. đều là chuyên tinh, nhất môn thâm nhập, làm ra được một bộ kinh quyền uy, như người thời nay không ai có thể vượt qua. Sau này liệu có người làm ra được không? Rất khó nói, ai chịu hạ công phu lớn như vậy ! Họ đều là tấm gương, mô phạm cho chúng ta.
Hôm nay đồng học ở đây cũng là học một bộ kinh, hàng năm giảng một bộ kinh này, có lẽ các bạn sẽ cảm thấy giảng tòa có 70 ngày, một bộ “Kinh A Di Đà“, tôi giảng 10 ngày là giảng xong rồi, nhưng phía sau còn còn có 60 ngày nữa, vậy phải làm sao? Lại giảng từ đầu. Một bộ kinh từ đầu đến cuối giảng 7 lần, thính chúng nghe rồi không thấy chán sao? Nếu thính chúng nghe thấy chán thì bạn đã thất bại rồi. Phải khiến cho thính chúng nghe được hoan hỉ, từng lượt từng lượt một vị đạo không như nhau.
Do đó, càng không được viết một bộ giáo án, giảng 7 lần đều dùng bộ giáo án này, mà là giảng 7 lượt thì phải dùng 7 bộ giáo án khác nhau. Khi giảng lượt thứ hai thì tuyệt đối không dùng bộ giáo án của lượt thứ nhất, phải viết lại mới. Cứ mỗi lần giảng đều viết mới lại, vậy mới có tiến bộ. Nếu dùng một bộ giáo án cả đời thì không có cách gì tiến bộ, thính chúng nghe rồi sẽ buồn ngủ, thậm chí là bỏ đi. Mỗi một lượt đều khác nhau, nghe được một lượt, lại nghe lượt thứ hai, nghe rồi càng hoan hỉ, vậy mới có tiến bộ.
Một bộ kinh không ngừng giảng đi giảng lại thì tâm sẽ định. Hơn nữa cứ mỗi lần chuẩn bị đều y theo quy củ, như nguyên tắc đưa ra trong cuốn “Nghiên cứu Giảng tòa Nội Điển“, phương pháp “Thực dụng diễn giảng thuật” đã cung cấp, các tư liệu tham khảo như các chú sớ của Tổ sư Đại Đức. Chỉ cần hiểu rõ tình hình xã hội hiện thực, lại đem nghĩa thú trong kinh điển để thực hiện trong xã hội hiện tại, thì kinh mà bạn giảng là tuyệt đối vô cùng hoạt bát.
Khi xưa tôi cầu học dưới hội của Thầy Lý, tôi tự định ra tiêu chuẩn cho bản thân, đó là sau khi học xong một bộ kinh, phải ở trong thời gian ngắn nhất giảng 10 lượt từ đầu đến cuối, giảng thành thục rồi mới học bộ thứ hai. Đây là cách nghĩ khi tôi còn học kinh, tôi đúng thật là đã làm như vậy, tôi biết tìm cơ hội để giảng 10 lượt. Lúc đó, tôi cũng đem tiêu chuẩn này để khuyến khích đồng học của tôi, nhưng hầu như ít người làm được.
Đến chỗ nào giảng? Ai mời bạn đi giảng? Tôi đến nhà cư sĩ để giảng. Cho nên, lúc bình thường kết thiện duyên với đại chúng rất quan trọng, mọi người mới đón tiếp bạn, mời bạn đến nhà họ giảng kinh. Một tuần giảng một lần, tuần thứ nhất giảng ở nhà Trương Tam, tuần thứ hai giảng ở nhà Lý Tứ. Ở Đài Trung, một tuần chúng tôi lên lớp nghe Thầy Lý giảng bài chỉ có 3 buổi, cho nên còn 4 ngày không học, nên chúng tôi tìm cơ hội giảng kinh. Sau khi học tập từ chỗ của Thầy, chúng tôi liền phúc giảng, tuyệt đối không gián đoạn, như vậy mới học được thành công. Mỗi một lần giảng đều không như nhau, tự nhiên mỗi lần đều không tương đồng, mỗi lần đều có tiến bộ, bản thân cũng càng giảng càng thấy hứng thú.
Ở Los Angeles Hoa Kỳ có một vị cư sĩ là Triệu Lập Bổn, cũng gần 70 tuổi rồi, ít tuổi hơn tôi một chút. Khi tôi biết ông thì ông hơn 40 tuổi, giảng dạy ở Đại học California, sau này gặp một số vấp ngã, ông đã từ bỏ công việc, cùng một số người bạn mở một quán cơm Tứ Xuyên, mỗi tuần đến quán coi sóc 2 ngày. Có thời gian thì nghe “Kinh Kim Cang” và “Lục Tổ Đàn Kinh” mà tôi giảng năm xưa, ông nghe hai bộ kinh này. Ông đến hỏi tôi: “Con chuyên học hai bộ kinh này, niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, liệu có được không ạ?”. Tôi nói: “Có thể!“, cư sĩ Giang Vị Nông chính là như vậy, “Giáo Tông Bát Nhã, hành tại Di Đà“, ông đã thành công rồi”. Ông nói “Kinh Kim Cang” dường như một tháng là giảng viên mãn rồi, một lần là 1 tiếng rưỡi, tổng cộng khoảng 45 giờ đồng hồ. Phân lượng của “Lục Tổ Đàn Kinh” cũng không khác nhiều.
Ông chuyên nghe hai bộ kinh này, nghe được 26 lượt. Tôi nói với ông: “Chưa đủ“. Ông nói: “Vậy phải nghe bao nhiêu lượt ạ?”. Tôi nói: “Ít nhất phải nghe 100 lượt“. Ông thật sự làm theo, sau khi nghe xong 100 lượt, ông có thể giảng rồi. Vì sao vậy? Nghe thuộc rồi, thuộc rồi có thể sinh ra khéo léo, số lượt nghe nhiều rồi thì biến thành của chính mình. Nghe nói hiện nay ông đến khắp nơi ở nước Mỹ giảng “Kinh Kim Cang”, giảng “Lục Tổ Đàn Kinh”, rất được đại chúng chào đón. Đây chính là sau khi nghe nhiều rồi, chính mình có chỗ ngộ. Cả đời chuyên dụng công vào một bộ kinh sẽ đắc định, có thể đắc tam muội. Ôm đồm quá nhiều thứ thì trong tâm tạp loạn, không thể thành tựu, tự nhiên học sẽ rất khổ sở.
Đoạn sau cùng trong “Phẩm Tam Bối Vãng Sanh” của “Kinh Vô Lượng Thọ“, Đại sư Từ Chu đã chia đoạn này làm “Nhất Tâm Tam Bối“, chính là tu hành pháp đại thừa khác, không phải là tu Tịnh Độ năm kinh một luận, cũng nhất định được sanh. Pháp môn Tịnh Độ sâu rộng vô biên, đồng thời không nhất định phải tu Tịnh Độ tông mới có thể vãng sanh. Bất luận là tu Tông phái gì, chỉ cần tu đến tâm địa thanh tịnh, tâm tịnh thì ắt cõi Phật tịnh, cũng nhất định được sanh. Tiêu chuẩn vãng sanh Thế Giới Tây Phương Cực Lạc, chính là tâm phải thanh tịnh. Phương pháp này là do người xưa truyền lại, người ngày nay không tin. Thành thật mà nói, người hiện nay bay bổng quá cao xa, cái gì cũng muốn học, học được quá tạp, học được quá loạn. Bình lặng mà suy nghĩ, tâm của chính mình là định hay là loạn? Ngày lâm chung vọng niệm bay tới tấp, làm sao có thể thành tựu? Người học kinh giáo tâm thanh tịnh, tâm là định, thời thời khắc khắc tâm nghĩ đến kinh văn, cho nên có chỗ ngộ. Người học kinh giáo hiện nay, đại đa số trong tâm chẳng có kinh, giáo, có chăng chỉ là nhân ngã thị phi, ngũ dục lục trần, danh văn lợi dưỡng, tham sân si mạn, vậy làm sao có thể thành tựu? Làm sao có tiến bộ?
Người tu hành, đặc biệt là tu học kinh giáo, tương lai phải thay Phật giảng kinh thuyết pháp, nếu không thể tập trung toàn bộ tinh thần vào thì không có cách gì thâm nhập, những gì học được đều là bề ngoài của văn tự mà thôi, một chút xíu cũng không khế nhập. Bất kỳ bộ kinh giáo nào, từng chữ từng câu là vô lượng nghĩa, cho nên giảng vô lượng lần đều không lặp lại, nghe rồi đều có vị đạo.
Năm xưa tôi ở Đài Trung nghe Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam giảng “Kinh Di Đà“, thầy giảng sáu lượt, tôi nghe sáu lượt, mỗi lượt đều không như nhau. Xem lại ghi chép giảng kinh, Thầy không có giáo án, chỉ có chú thích ở bên lề, mỗi lần giảng đều không như nhau. Bởi vì Thầy không cần chuẩn bị trước giáo án, cho nên một bộ kinh giảng mấy lượt, bộ kinh này có mấy loại giáo án. Cho nên, mặc dù giảng lặp lại kinh, nhưng vẫn giữ được thính chúng ở lại. Nếu chỉ dùng một bộ giáo án để giảng, sẽ không tìm ra thính chúng, bởi vì nghe xong một lượt, khi nghe tiếp lượt thứ hai, nội dung giảng giống nhau, có ai thích nghe nữa chứ?
Trong thính chúng, quan trọng nhất là đồng học, đồng học là người trong ngành, sẽ phê bình chỉ giáo. Người học kinh, đồng học chính là thiện hữu, chính là thiện tri thức. Những phê bình chỉ giáo của họ, chúng ta phải dùng tâm khiêm tốn để tiếp nhận, tham khảo sửa đổi, thì mới có tiến bộ. Thính chúng phổ thông thì không phải trong ngành, phải là người trong ngành đến nghe, chúng ta mới có tiến bộ. Cho nên, đồng học vô cùng quan trọng, phải hỗ trợ lẫn nhau.
Mà người tu học phải đem toàn bộ tinh thần tập trung trên kinh giáo mới có thể học được thành công. Nếu muốn làm biếng, không sẵn lòng đầu tư toàn bộ tinh thần thì nhất định không có cách gì học kinh giáo, mà học kinh giáo chính là tu hành. Cho nên, các đồng học phải phát tâm chuyên công vào một bộ kinh.
TIỂU SỬ LÃO PHÁP SƯ
Giới thiệu tóm tắt về Đạo Sư
HỌC HỘI
Giới thiệu về Tịnh Tông Học Hội
SƯ THỪA
Những người Thầy của Lão pháp sư
LÝ NIỆM
Những lý niệm, quan điểm hoằng pháp