#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 134
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bổn, trăng hai trăm chín mươi mốt.
(Sớ) Xứng Lý, tắc tự tánh vô nhiễm, thị vô hữu chúng khổ nghĩa; tự tánh thường tịnh, thị đản thọ chư lạc nghĩa.
(疏) 稱理,則自性無染,是無有眾苦義;自性常淨,是但受諸樂義。
(Sớ: Xứng Lý tự tánh vô nhiễm là ý nghĩa “chẳng có các nỗi khổ”, tự tánh thường tịnh là ý nghĩa “chỉ hưởng các niềm vui”).
Đoạn này giải thích y báo trong thế giới Cực Lạc, “bỉ độ hà cố danh vi Cực Lạc? Kỳ quốc chúng sanh, vô hữu chúng khổ, đản thọ chư lạc, cố danh Cực Lạc” (vì sao cõi ấy tên là Cực Lạc? Chúng sanh trong cõi ấy chẳng có các nỗi khổ, chỉ hưởng các niềm vui nên gọi là Cực Lạc), giải thích đoạn văn ấy. Hôm nay, chúng ta đọc một đoạn nhỏ này là luận định xứng tánh. Lý là tánh thể. “Vô hữu chúng khổ” là “tự tánh vô nhiễm”. “Tự tánh” là nói tới Chân Như bổn tánh của đương nhân chúng ta. Bổn tánh trước nay chẳng bị nhiễm bẩn. Nếu bị nhuốm bẩn, sẽ chẳng phải là thật. Đã là thật, đương nhiên sẽ bất nhiễm.
Phật môn thường nói nhiễm và tịnh, đặc biệt là pháp môn Tịnh Độ gọi thế giới Sa Bà là uế độ, Tây Phương Cực Lạc thế giới là Tịnh Độ, tức là có nhiễm, có tịnh, thật sự có khổ, có lạc. Nếu nói “chẳng có nhiễm – tịnh, chẳng có khổ – lạc”, chúng ta sẽ không hiểu; nhưng nói chân thật thì sẽ là chẳng có nhiễm – tịnh, mà cũng chẳng có khổ – lạc. Khổ – lạc, nhiễm – tịnh do Tình sanh ra, Tình là gì? Là mê, đã mê bèn gọi là Tình. Nếu đã đoạn mê thì là ngộ, đã ngộ bèn gọi là Trí. Có thể thấy, nói thật ra, trong Phật pháp chỉ có mê và ngộ. Đã ngộ thì là tự tánh, đã mê bèn gọi là tám thức. Có thể thấy tám thức và tự tánh là một vật, nhưng có hai tên gọi. Do đó, ngộ là tự tánh, mê vẫn là mê tự tánh. Bản thân tự tánh chẳng có mê hay ngộ, mê hay ngộ do con người! Ý nghĩa này là nghĩa lý căn bản trong Phật pháp. Vì thế, chúng ta phải hiểu, phải thấu hiểu. “Tự tánh thường tịnh”, tự tánh vĩnh viễn bất biến, vĩnh viễn là thanh tịnh viên mãn. Đó là “thọ chư lạc nghĩa” (ý nghĩa hưởng các niềm vui). Lạc và khổ được kiến lập tương đối; do có khổ nên mới có lạc hiển hiện. Chẳng có khổ thì lạc cũng chẳng hiển lộ được! Do vậy, hết thảy các pháp do từ tương đối mà kiến lập.
(Sao) Nhiễm thị khổ nghĩa, tịnh thị lạc nghĩa.
(鈔) 染是苦義,淨是樂義。
(Sao: Nhiễm là ý nghĩa khổ, tịnh là ý nghĩa lạc).
Nhiễm ô là mê hoặc, mê hoặc là chính mình chẳng thể làm chủ, ở chỗ nào cũng bị hoàn cảnh bó buộc. Trong hoàn cảnh, có hoàn cảnh nhân sự và hoàn cảnh vật chất. Nếu quý vị bị hoàn cảnh bức bách, đó là khổ. Do vậy, nói phiền não nhiễm bẩn tâm thanh tịnh, nên mới cảm nhận có khổ. “Tịnh thị lạc nghĩa” (tịnh là ý nghĩa của lạc), Tịnh là thanh tịnh. Nói cách khác, xa lìa hết thảy phàm nhiễm, tự tánh thanh tịnh.
(Sao) Tự tánh vô nhiễm thường tịnh.
(鈔)自性無染常淨。
(Sao: Tự tánh vô nhiễm thường tịnh).
Đây là nêu bày tướng trạng của Chân Như bổn tánh. Chân Như bổn tánh xác thực là thường tịnh, vô nhiễm, chẳng có nhiễm ô.
(Sao) Thị vô khổ thường lạc dã.
(鈔) 是無苦常樂也。
(Sao: Là chẳng khổ, thường vui).
Mấy câu này rất trọng yếu, chúng ta nhất quyết chớ nên sơ sót. Tây Phương Tịnh Độ chẳng giống Tịnh Độ của mười phương thế giới chư Phật. Nếu chúng ta hỏi khác nhau ở chỗ nào ư? Tây Phương Cực Lạc thế giới là cõi Pháp Tánh, các thế giới chư Phật ở phương khác là Ngũ Dục Lục Trần, đây là chỗ khác biệt to lớn. Thế giới Cực Lạc từ trong Pháp Tánh biến hiện, là Tướng Phần của Chân Như bổn tánh. Cõi nước của mười phương chư Phật là Tướng Phần của A Lại Da Thức, là Tướng Phần của Duy Thức, đó là chỗ khác nhau! Tướng Phần do A Lại Da Thức biến hiện thì có khổ, có lạc. Tướng Phần do Chân Như bổn tánh hiển hiện sẽ giống như trong kinh Vô Lượng Thọ đã nói “kiến lập (hiển hiện) thường nhiên” (kiến lập (hiển hiện) thường hằng), đó là chỗ khác nhau. Bản thể của hai thế giới ấy được hiển hiện khác nhau, nên mười phương chư Phật mới thật sự tán thán! Tiếp đó, đại sư trích dẫn giáo nghĩa kinh Hoa Nghiêm để giảng rõ.
(Sao) Hoa Nghiêm Lục Địa quán sát vô minh, dĩ Vô Minh chí Lục Nhập thị Hành Khổ, Xúc Thọ thị Khổ Khổ, dư thị Hoại Khổ. Ngã kim thử tâm, vô vô minh, nãi chí vô lão tử đẳng, thành vô khổ nghĩa. Vô thử thập nhị chi, tức chân giải thoát, thành thọ lạc nghĩa.
(鈔)華嚴六地觀察無明,以無明至六入是行苦,觸受是苦苦,餘是壞苦。我今此心,無無明,乃至無老死等,成無苦義。無此十二支,即真解脫,成受樂義。
(Sao: Bậc Lục Địa Bồ Tát trong Hoa Nghiêm quán sát vô minh, do từ Vô Minh đến Lục Nhập là Hành Khổ, Xúc và Thọ là Khổ Khổ, những điều còn lại là Hoại Khổ. Nay cái tâm này của ta chẳng có vô minh cho đến chẳng có già, chết v.v… tạo thành nghĩa “vô khổ”. Không có mười hai chi ấy chính là chân giải thoát, tạo thành nghĩa “hưởng các niềm vui”).
Thành tựu nghĩa “thọ lạc” (hưởng vui). “Hoa Nghiêm Lục Địa” là nói tới Lục Địa Bồ Tát. “Quán sát vô minh”: Vô Minh là nói tới điều thứ nhất trong mười hai nhân duyên. Vô Minh duyên Hành, Hành duyên Thức, nói tới điều này. Lục Địa Bồ Tát “dĩ thập chủng tướng” (dùng mười loại tướng), quán duyên khởi của hết thảy các pháp. Đó gọi là “tinh la thập môn, nguyệt mãn Tam Quán” (mười môn la liệt như sao, Tam Quán như trăng tròn đầy). Ở đây, trích dẫn một đoạn văn [từ kinh Hoa Nghiêm nói về mười tướng để quán của Lục Địa Bồ Tát] là “đệ thất, tam khổ tụ tập quán”[1], Tam Khổ là Khổ Khổ, Hoại Khổ và Hành Khổ. Vô Minh là gì? Chân tánh vốn là minh, giống như Khởi Tín Luận đã nói “Bổn Giác vốn có”. Bổn Giác là bổn minh, vốn sẵn hiểu rõ, hiểu rõ gì vậy? Quá khứ, hiện tại, vị lai, mười phương, ba đời hết thảy sự lý, hiện tượng, chẳng có thứ gì quý vị không hiểu rõ. Ý nghĩa này giống như những người theo tôn giáo đã tán thán Thượng Đế là “toàn tri, toàn năng”. Nói theo Phật pháp, ai là toàn tri toàn năng? Chính chúng ta. Bản thân chúng ta vốn sẵn toàn tri toàn năng, nhưng hiện thời vô tri, vô năng, phiền toái to lớn. Vì sao từ toàn tri toàn năng biến thành vô tri vô năng? Điều này được gọi là “khởi lên vô minh”, vốn là minh mà nay quý vị chẳng còn minh, nên gọi là vô minh. Nhưng chư vị phải biết: Bổn minh là thật, vô minh là giả. Nếu vô minh là thật, chúng ta còn thể thành Phật được chăng? Còn có thể khôi phục toàn tri toàn năng được sao? Chẳng thể nào! Do vô minh là giả, là hư vọng, bản năng (năng lực sẵn có) là thật, nên Mã Minh Bồ Tát nói: “Bổn Giác vốn có, bất giác vốn không”. Bất giác là vô minh, vô minh vốn không; minh là vốn có! Vốn có thì đương nhiên có thể khôi phục, đương nhiên có thể chứng đắc. Vốn không thì đương nhiên có thể đoạn trừ. Phật pháp thường nói “đoạn vô minh, thấy bổn tánh”, chúng ta có thể nói là từ vô thỉ kiếp đến nay đã dấy lên vô minh, dấy lên vô minh như thế nào? Do nguyên nhân gì mà dấy? Trong Phật giáo, câu hỏi này được gọi là “căn bản đại vấn” (câu hỏi căn bản to lớn).
Một câu hỏi căn bản to lớn là vô minh do đâu mà có? Do lý do gì mà dấy lên? Dấy lên khi nào? Có thể trả lời chỉ bằng một câu, nhưng nói ra sẽ chẳng có ích gì cho mọi người. Sau khi cổ nhân nói ra, ngộ môn của quý vị bị đóng lấp, quý vị vĩnh viễn chẳng thể khai ngộ. Do vậy, chính quý vị phải tự mình thấu hiểu câu trả lời, đó là “hoát nhiên khai ngộ”, chính quý vị sẽ đạt được thụ dụng chân thật. Nói cho quý vị nghe, nghe xong, [quý vị gật gù] hay quá, nhưng vẫn chẳng ngộ, vẫn là mê hoặc. Vì thế, cái khéo trong nhà Thiền là chẳng nói toạc câu trả lời cho quý vị, mà để cho quý vị [tự ngộ], sau khi đã ngộ, bèn ấn chứng rồi lại nói rõ với quý vị. Do vậy, thường là tham Thiền mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm mới hoảng nhiên đại ngộ, ngộ [như vậy] sẽ đạt được thụ dụng chân thật. Chư vị phải hiểu: Câu trả lời ở trong quyển thứ tư của kinh Lăng Nghiêm, tôn giả Phú Lâu Na đã hỏi chuyện này, Thích Ca Mâu Ni Phật đã giải đáp. Quý vị đọc kinh Lăng Nghiêm xem thử có thể khai ngộ hay không? Thật sự là trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật đã giảng thật rõ ràng, đã trả lời câu hỏi căn bản to lớn ấy.
Có Vô Minh sẽ phải tạo nghiệp, đó là Hành. Hành mang ý nghĩa động. Nói thật ra, Vô Minh là động, Minh sẽ không chuyển động, đó gọi là “giác tâm bất động”. Phật pháp bất luận một tông nào, Hiển Giáo, Mật Tông, các tông, các phái đều coi trọng Thiền Định. Tách lìa Thiền Định sẽ chẳng có Phật pháp, đủ thấy Thiền Định vô cùng trọng yếu! Chúng ta niệm Phật, [các mức độ] “công phu thành phiến, Sự nhất tâm bất loạn, Lý nhất tâm bất loạn” như được nói trong niệm Phật đều là Thiền Định. Không chỉ nhất tâm bất loạn là Thiền Định, mà công phu thành phiến cũng là Thiền Định, chỉ là danh từ khác nhau, nói theo thực tế thì công phu và cảnh giới [giữa Thiền và Tịnh Độ] hoàn toàn giống nhau. Do vậy mới hiểu rõ Định là tất yếu, vì sao? Giác tâm bất động! Chỉ cần quý vị định tâm, sẽ tương ứng với giác tánh.
Học Phật thì bắt đầu học từ đâu? Nhất định phải học từ trì giới. “Nhân Giới sanh Định, nhân Định khai Huệ”, đó là lịch trình, đường lối nhất định phải trải qua từ phàm phu cho đến khi thành Phật, cũng như từ phá mê cho đến kiến tánh. Quý vị không trải qua con đường này, chắc chắn chẳng thể khôi phục bổn tánh, khôi phục bổn tánh bèn gọi là “thành Phật”. À! Chúng ta trì giới, năm giới, mười giới, giới Bồ Tát, giới tỳ-kheo, các vị hãy xem thử quý vị có thể đắc Định hay không? Những thứ ấy là Giới, chẳng sai! Nhưng còn có một giới cơ sở nhất, nhưng do quý vị không biết, nên chẳng có cách nào thọ trì giới ấy. Giống như trèo lên thang lầu, nhưng bậc thang thứ nhất ở đâu chẳng biết. Cái thang ấy được nói trong kinh Phật, thấy được phía trên, nhưng chẳng thấy phần dưới. Do vậy, vĩnh viễn chẳng thể bước một bước nào trên cái thang ấy.
Bậc thang đầu tiên ở đâu? Trong tam phước đã nói rất hay, đó là bước đầu tiên, giới luật là bước đầu tiên. “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng”. Gạt bỏ “hiếu thân, tôn sư” để trì giới, quả thật giống như trèo lên thang lầu, người ấy chẳng cần đến bậc thứ nhất mà muốn lên tầng thứ hai, lên lầu bằng tầng thứ hai, làm sao lên được! Chư vị chỉ cần chú tâm xem xét những người tu học trong quá khứ, hãy đọc Cao Tăng Truyện hay xem Cư Sĩ Truyện, sẽ thấy những người đó vì sao thành tựu? Tất cả những người thành tựu đều có sư thừa. Sư thừa là bậc thang giới luật thứ nhất. Thầy dạy dỗ người ấy, đó gọi là Giới, giáo giới (dạy răn). Có thể tuân thủ lời thầy răn dạy, y giáo phụng hành. Do vậy, trong Phật môn, thầy là lớn nhất!
Người hiện thời thấy chính mình lớn nhất, chẳng để ai vào mắt. Đối với người trong quá khứ, thầy là lớn nhất. Đại sư Âu Dương Cánh Vô đã viết tác phẩm Nội Học Viện Huấn. Vào cuối đời Thanh, đầu thời Dân Quốc, ông ta mở một Phật Học Viện tại Nam Kinh gọi là Chi Na Nội Học Viện. Trong bản giáo huấn của Nội Học Viện đã nói rất rõ ràng, Nội Học Viện do cư sĩ Âu Dương Cánh Vô điều hành, trong học viện ấy có không ít người xuất gia tham gia, pháp sư Thái Hư còn là học sinh dự thính ở đó. Tuy học viện ấy chỉ hoạt động hai năm, nhưng có cống hiến vô cùng to lớn đối với Phật giáo cận đại Trung Quốc. Có nhiều vị cao tăng đại đức đều xuất thân từ Phật Học Viện này, Lương Khải Siêu cũng là học trò của Nội Học Viện.
Viện trưởng viện ấy là tại gia cư sĩ. Ông ta nói lời ấy tuyệt đối chẳng phải vì chính mình là tại gia cư sĩ nên đòi hỏi quý vị là người xuất gia phải tôn kính ông ta. Người ta dẫn chứng kinh điển để làm căn cứ, chẳng phải là tùy tiện nói lời ấy. Dùng Phật pháp để dạy bảo chúng sanh, bất luận tại gia hay xuất gia, bất luận nam, nữ, già, trẻ, đều mang thân phận thầy. Quý vị lại xem năm mươi ba lần tham học của Thiện Tài đồng tử trong kinh Hoa Nghiêm, đối với năm mươi ba vị thiện tri thức, người Trung Quốc gọi thiện tri thức là thầy, Ngài đến bái sư. Trong năm mươi ba vị thầy, hàng xuất gia chỉ có sáu vị, ngoài ra đều là người tại gia. Những vị ấy đều đại diện cho các ngành nghề, đại diện cho nam, nữ, già, trẻ, dụng ý rất sâu, nhằm dạy chúng ta hãy thật sự học nguyện thứ nhất, tức “lễ kính chư Phật” trong mười đại nguyện của Phổ Hiền Bồ Tát. Vì thế, bảo chúng ta: Người tu hành thật sự ở trên đường Bồ Đề luôn dùng thân phận học trò, người học Phật chỉ có mình ta [là học trò]. Trừ chính mình ra, ai nấy đều là thầy ta, đều là thiện tri thức của ta.
Chẳng lẽ những người ấy đều là thiện nhân, chẳng có kẻ ác hay sao? Trong năm mươi ba lần tham học có kẻ ác, chẳng hoàn toàn là thiện nhân. Quý vị thấy trong năm mươi ba lần tham học, bà-la-môn Thắng Nhiệt ngu si, Cam Lộ Hỏa Vương sân khuể, hễ bực bội một chút liền lập tức giết người, trong cái nhìn của chúng ta hiện thời [nhà vua] là đại ma vương! Do vậy, ta thấy trong ấy có thiện, có ác, nói cách khác, là xã hội hiện thực của chúng ta. Bồ Tát dạy chúng ta: Trong xã hội này, tham học như thế nào? Thiện hạnh thì chúng ta học tập; thấy người thị hiện ác hạnh, chúng ta hãy phản tỉnh, sửa lỗi. Do vậy, thiện nhân hay ác nhân, nghịch cảnh hay thuận cảnh, đều là thiện tri thức, một lòng bình đẳng cung kính tu lễ kính, đấy mới là “lễ kính chư Phật” trong mười đại nguyện vương, quả thật rất khó tu học! Nhưng nếu chúng ta muốn cầu sanh Tịnh Độ, nếu muốn tăng cao phẩm vị, nhất định phải tu học như vậy! Vì sao? Vì Tây Phương Cực Lạc thế giới là một pháp giới toàn là Phổ Hiền Bồ Tát. Kinh Vô Lượng Thọ đã nói rất rõ ràng, người nơi đó “hàm cộng tuân tu Phổ Hiền đại sĩ chi đức” (đều cùng tuân tu đức của Phổ Hiền đại sĩ), ai nấy đều tu mười đại nguyện vương. Nay chúng ta vẫn chưa vãng sanh, bắt đầu nỗ lực tu học, sẽ nhất định nâng cao phẩm vị vãng sanh. Vì thế, chớ nên không biết điều này, chớ nên không tu học!
Kinh này có nói, đối với hết thảy Sự, Lý, quá khứ, hết thảy nghiệp quả hiện tại, vị lai, chúng ta đều không biết thì gọi là Vô Minh. Hết thảy tạo tác của chúng ta là Hành, bao gồm cả khởi tâm động niệm. Trong mười hai nhân duyên, hai điều này (Vô Minh và Hành) là nói về quá khứ. Vô Minh duyên Hành, Hành duyên Thức, Thức duyên Danh Sắc, Danh Sắc duyên Lục Nhập, Lục Nhập lại duyên Xúc, Xúc duyên Thọ, Thọ duyên Ái, Ái duyên Thủ, Thủ duyên Hữu, Hữu duyên Sanh, Sanh duyên Lão – Tử, đó là mười hai nhân duyên. Mười hai nhân duyên cho thấy nhân quả ba đời. Vô Minh và Hành là đời quá khứ, từ Thức đến Ái, Thủ, Hữu là đời này, Lão – Tử là đời sau. Trong đây đã nói về nhân quả ba đời.
Thức là nói đến đầu thai, chúng ta gọi là “thần thức”, gọi thông
tục là “linh hồn”. Nói thật ra, hồn chắc chắn chẳng linh. Nếu nó thật sự linh, đi đầu thai nhất định sẽ chọn lựa cha mẹ đại phú đại quý, sanh ra bèn hưởng phước thì nó mới linh! Ai bằng lòng đầu thai nơi biên địa, suốt đời sống khốn khổ dường ấy? Có thể thấy hồn chẳng linh! Thậm chí đầu thai trong tam ác đạo. Nếu nó thật sự linh, làm sao nó có thể vào tam ác đạo cho được? Chẳng linh! Vì thế, nói thật thà, hồn là mê hồn, mê hoặc, điên đảo, hồ đồ đi đầu thai! Khổng lão phu tử đã nói hết sức hay, Ngài gọi cái hồn ấy là “du hồn” (cái hồn lang thang). Phần Hệ Từ Truyện trong kinh Dịch có câu: “Du hồn vi biến, tinh khí vi vật” (hồn lang thang biến hóa, hợp với tinh và khí thành vật). Vận dụng khoa học hiện tại để xem xét thì Khổng lão phu tử đích xác rất giỏi. “Vật” là gì? Vật chất! Vật chất do đâu mà có? Tinh khí. Khổng lão phu tử nói là Khí, nhưng nói theo các nhà khoa học hiện thời thì hết thảy vật chất về căn bản chẳng tồn tại, chúng là ánh sáng, là dao động, căn bản là chẳng có vật chất. Khổng lão phu tử gọi điều đó là “tinh khí”, Ngài coi tinh khí là vật.
Cuối bản chú giải kinh Vô Lượng Thọ của cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, trong phần ghi chép phụ lục, cụ đã trích dẫn, vận dụng khoa học hiện đại để giải thích hết thảy các hiện tượng được nhắc tới trong kinh Phật. Hiện thời, rất nhiều nhà đại khoa học phương Tây biết vật chất chẳng thật sự tồn tại, nó là giả. Kinh Kim Cang dạy: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”, họ đã chứng thực. Tâm Kinh nói: “Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc”, họ cũng gần như đã chứng minh được. Đến hiện thời, người phương Tây mới phát hiện, nhưng từ ba ngàn năm trước, đức Phật đã giảng rõ chân tướng này!
Thần thức có tốc độ vô cùng to lớn, nên Khổng lão phu tử gọi nó là “du hồn”. Khoảng cách giữa Tây Phương Cực Lạc thế giới và cõi này đã được kinh dạy rõ ràng, minh bạch “mười vạn ức cõi Phật”, xa xôi như thế đó! Chẳng phải là cái thân nhục thể của ta sanh sang đó, mà là thần thức đến đó. Tốc độ của thần thức hết sức to lớn, như thường nói: “Trong một cái khảy ngón tay đã đến nơi!” Giống như chúng ta đi đường, chưa bước xong một buớc, đã đến Tây Phương Cực Lạc thế giới! Vì thế, nói với quý vị: “Chẳng xa”! Quý vị đừng sợ! Nghĩ: “Xa dường ấy! Làm sao ta có thể đến được” Thực tại chẳng xa! Không chỉ chẳng xa, lại thưa cùng quý vị, tận hư không khắp pháp giới, trong khoảng một niệm có thể đến trọn khắp, “đến trọn khắp” là mỗi cõi Phật đều đạt đến, đó là diệu! Đến bằng cách như vậy!
Chúng ta chỉ có thể đến một nơi, chẳng thể đến nơi thứ hai, vì quý vị đang mê! Nếu quý vị đã ngộ, sẽ đến trọn khắp. Vì sao có thể đến trọn khắp? Vì tận hư không khắp pháp giới do Chân Như bổn tánh biến hiện, há lẽ nào chẳng đến trọn khắp? Phật môn thường nói: “Ngoài tâm chẳng có pháp, ngoài pháp chẳng có tâm”, đó là cảnh giới bất tư nghị giải thoát. Nay chúng ta rất bất hạnh, đã mê rồi, bổn tánh biến thành thần thức, thần thức là do mê mất bổn tánh mà biến hiện. Vì vậy, nhà Thiền nói “minh tâm kiến tánh”, Nho gia nói “minh Minh Đức”. “Minh Minh Đức” có cùng một ý nghĩa với “minh tâm kiến tánh” của nhà Thiền, [chân tánh] vốn sẵn là Minh Đức. Hiện thời, Minh Đức chẳng minh, cho nên nếu khôi phục Minh Đức thì sẽ là “minh Minh Đức”. Nhà Phật nói “phá vô minh, kiến bổn tánh” chính là ý nghĩa này.
Đây là nói rõ vì sao có hết thảy hữu tình chúng sanh? Thần thức đến đầu thai trước tiên. Thần thức đến đầu thai cũng có điều kiện, cũng chẳng phải là vô điều kiện. Trong Phật pháp, [điều kiện ấy] được gọi là Duyên. Bản thân thần thức trong kiếp trước đã tạo thiện hay làm ác, đó là nghiệp nhân. Có nhân mà chẳng có duyên, sẽ không thể kết quả. Do đó, từ nhân đến quả phải có duyên trong ấy. Cha mẹ là duyên, thần thức sẵn có là nhân, mượn cha mẹ làm duyên để đến đầu thai, biến thành một người. Biến thành người chính là quả, đã kết thành quả rồi. Trong đời trước, người ấy và cha mẹ có duyên. Nếu chẳng có duyên, thần thức sẽ chẳng thấy cha mẹ. Giống như loài người chúng ta chẳng thấy thần thức, thật ra, thần thức ở khắp trong không gian, nhưng chúng ta chẳng thấy, giống như con người chẳng thấy quỷ và chẳng thấy thiên thần! Nó (thần thức) cũng chẳng thấy chúng ta, chúng ta cũng chẳng thấy nó, nhưng hễ có duyên bèn thấy. Do lẽ đó, có rất nhiều người nói họ thấy quỷ, thấy những thứ kỳ quái gì đó, có thật đấy! Người ấy có duyên với chúng nên [trông thấy]. Nếu chẳng có duyên, sẽ không thấy! Vì vậy, thần thức có duyên với cha mẹ, nó sẽ trông thấy họ, thấy được cha mẹ.
Duyên ấy có bốn loại:
1) Đức Phật dạy chúng ta, loại thứ nhất là Báo Ân. Kiếp trước quý vị kết thiện duyên với kẻ ấy, nên kẻ ấy đến báo ân. Đứa con ấy nói thông tục là “hiếu tử, hiền tôn” (con hiếu, cháu hiền), do thiện duyên mà đến.
2) Loại thứ hai là Báo Oán, ác duyên! Oan gia đối đầu trong quá khứ, gặp gỡ lần này là đến báo cừu, đến trả đũa. Đứa con này gọi là “bại gia tử”. Đứa nhỏ ấy lớn lên sẽ khiến cho quý vị cửa nát nhà tan.
3) Loại thứ ba là Thảo Trái (đòi nợ), còn gọi Thảo Trái Quỷ. Do
kiếp trước, quý vị mắc nợ nó, nó phải đến đòi nợ. Nếu nợ ít, chẳng bao lâu nó đòi xong, bèn chết đi. Hoặc là một, hai, tuổi, ba bốn tuổi, nó sẽ chết. Nợ quá nhiều, đại khái là mười mấy tuổi, hai mươi mấy tuổi, đã học xong đại học bèn chết. Nợ quá nhiều, quý vị đã trả sạch rồi, nó bèn bỏ đi.
4) Loại thứ tư là Hoàn Trái (trả nợ). Nó mắc nợ quý vị. Khi đứa bé ấy lớn lên, tùy thuộc nó nợ bao nhiêu. Nếu nó nợ quá nhiều, nó sẽ cung phụng quý vị một cuộc sống rất dư giả. Nó mắc nợ quý vị nên phải trả nợ. Nợ ít thì cung phụng vật chất khó khăn, ít ỏi hơn một chút.
Bốn thứ duyên mà! Chẳng có bốn duyên ấy sẽ không gặp được. Do vậy, báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ, quý vị phải nhìn thấu suốt người thế gian là như thế đó, quan hệ giữa người và người cũng là như thế. Không chỉ cha con là bốn thứ duyên, mà vợ chồng cũng là [bốn thứ duyên], thân thích bằng hữu cũng giống như vậy, nhưng nhạt hơn một chút, nhưng tất cả đều là [bốn thứ duyên]. Đức Phật đã giảng rõ chân tướng của cõi người. Nếu chẳng có duyên, đúng là “đối diện, thấy nhau, nhưng vẫn chẳng gặp gỡ”, nên gọi người xa lạ. Có duyên này, người ấy sẽ đầu thai.
Thần thức đến trước hết để đầu thai. Sau khi đầu thai, sẽ gọi là Danh Sắc (名色). Phôi thai ấy vẫn chưa tăng trưởng thành hình người, nên chẳng thể gọi nó là Người. Lúc ấy, kinh Phật gọi nó bằng danh từ Danh Sắc. Sắc là vật chất, Danh là nó có tinh thần. Có thần thức trong ấy, là sống, chẳng phải là chết, nên gọi là Danh Sắc. Ở trong thai mẹ, lại tăng trưởng một chút, trở thành hình dáng con người, sáu căn trọn đủ, tức là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân [và ý] trọn đủ, nên gọi là Lục Nhập (六入), nay chúng ta gọi là “thai nhi”. Cho đến Thọ (受) là lúc ra khỏi thai, vừa lọt lòng mẹ bèn có cảm nhận, tiếp nhận [hoàn cảnh] bên ngoài. Trẻ nít vừa sanh ra bèn tiếp nhận gió lạnh bên ngoài, tiếp nhận sự cảm thụ bên ngoài, chỉ có tiếp nhận, chứ nó vẫn chưa có tâm phân biệt. Đến khi trẻ nhỏ lớn dần lên, chúng ta nói là đứa nhỏ ấy đã hiểu chuyện, hiểu chuyện gì? Nó có phân biệt, có chấp trước, tức là có Ái và Thủ, đã có Ái rồi.
Trong lúc chỉ có Thọ, còn chưa có Ái, Thủ, ta có thể thí nghiệm. Quý vị thấy trẻ nít, cho nó ăn kẹo, nó rất vui vẻ. Nó bốc phân ăn, quý vị để mặc cho nó ăn, nó cũng rất thích thú. Khi ấy, quý vị mới hiểu nó chỉ thuộc vào giai đoạn Thọ, vẫn chưa có Ái (愛). Khi có Ái, nó bèn có phân biệt, có cái nó muốn, có cái nó chẳng muốn. Nó bèn có chọn lựa, phân biệt, chấp trước ngày càng nặng. Nếu lớn hơn chút nữa, sẽ có tâm được – mất, có thói chiếm hữu. Thích thì muốn chiếm hữu, chẳng thích thì bài xích. Đó gọi là Thủ (取). Thọ là quả báo, Ái, Thủ và Hữu là tạo nghiệp, và cũng là tạo tác. Nay chúng ta nói tạo nghiệp là gì? Ái, Thủ, Hữu (有) là tạo nghiệp, lại tiếp tục tạo nghiệp.
Chúng ta là người học Phật, sau khi đã hiểu rõ chân tướng sự thật này, chúng ta sẽ Ái gì? Thủ gì? Hữu gì? Trọng yếu lắm! Đối với người tu Tịnh Độ, trong kinh luận, cổ đại đức đặc biệt dạy chúng ta, chúng ta Ái thì phải Ái Tây Phương Cực Lạc thế giới, chúng ta phải Thủ chín phẩm vãng sanh thì là được. Trừ điều đó ra, hết thảy đều chớ nên Ái, chớ nên Thủ, chớ nên Hữu! Người như vậy quyết định vãng sanh. Đối các pháp thế gian và xuất thế gian, hễ có mảy may tham ái, tức là vãng sanh bị chướng ngại, chẳng thể đi được! Do vậy, quý vị phải thật sự xả, phải xả sạch sành sanh, chỉ giữ lấy Tây Phương Cực Lạc thế giới, trong tông này gọi là “phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm” .
Ở đây, đại sư đã nói rất rõ ràng, mười hai nhân duyên đem phối hợp với ba thứ khổ chính là cảnh giới của Lục Địa Bồ Tát. “Từ Vô Minh cho đến Lục Nhập là Hành Khổ, Xúc và Thọ là Khổ Khổ”. Xúc (觸) là xuất thai, Thọ là cảm thụ, cả một đời đều là Thọ. Cả một đời chúng ta đều cảm nhận, khổ thọ, lạc thọ, đó là Khổ Khổ. Ngoài ra, Ái, Thủ, Hữu là Hoại Khổ. Nhìn từ mười hai nhân duyên, đời người há có vui chi? Chỉ có khổ, chẳng có lạc. Đó là nói rõ không chỉ riêng thế giới Sa Bà, mà mười phương thế giới của hết thảy chư Phật đều chẳng thoát ly mười hai nhân duyên. Vì thế, các thế giới của hết thảy chư Phật chẳng khác thế giới Sa Bà của Thích Ca Mâu Ni Phật cho mấy, đều là Khổ Khổ, Hoại Khổ, và Hành Khổ.
“Ngã kim thử tâm, vô Vô Minh, nãi chí vô Lão Tử đẳng” (nay cái tâm ta đây chẳng có vô minh cho đến chẳng có lão tử v.v…), thành tựu trọn chẳng có khổ, Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có khổ. Có hai cách hiểu ý nghĩa này của cổ đức:
1) Một là nói theo bổn tánh, hai là nói theo sự tu trì. Nói theo bổn tánh bèn dễ hiểu, vì sao? Chân tâm vốn thanh tịnh, vốn chẳng có ý niệm, há có khổ! Như trong phần trước đã nói!
2) Ý nghĩa thứ hai là do tu được, đó là như kinh điển đã nói. Nếu nói “Vô Minh diệt, Hành diệt, cho đến Lão Tử diệt”, đó là phương pháp để Bích Chi Phật đoạn phiền não, chứng quả Bích Chi Phật. Ba thứ khổ ấy đều đoạn, phương pháp này của Ngài cao minh hơn A La Hán tu Tứ Đế.
Nhưng chư vị phải biết: Phương pháp cao minh nhất, rốt ráo nhất, viên mãn nhất, còn thù thắng hơn phương pháp của Bích Chi Phật, đó là niệm một câu A Di Đà Phật, quý vị có biết niệm hay không? Quý vị chẳng biết niệm. Vì sao nói quý vị chẳng biết niệm? Vì trong niệm của quý vị vẫn dấy lên tham, sân, si, mạn, quý vị niệm câu Phật hiệu này chẳng thể diệt Vô Minh, chẳng thể diệt Hành, mà cũng chẳng thể diệt Ái, Thủ, Hữu. Do vậy, quý vị niệm Phật hiệu chẳng hữu dụng! Nếu câu Phật hiệu của quý vị có năng lực tiêu diệt Ái, Thủ, Hữu thì một tiếng Phật hiệu sẽ diệt trọng tội trong tám mươi ức kiếp sanh tử. Cách niệm là như vậy đó!
Chư vị phải hiểu, chúng ta nhất định phải niệm sao cho đoạn sạch hết thảy các tâm sở phiền não của chính mình. Nói cách khác, bất luận trong cảnh giới nào, thuận cảnh cũng thế, mà nghịch cảnh cũng thế, phải giữ vững cái tâm bình thường của chính mình. Bình là bình đẳng, Thường là vĩnh viễn bất biến, phải gìn giữ cái tâm ấy. Tâm ấy là Phật tâm, tâm ấy là chân tâm của chính mình, chân tâm lưu lộ! Tâm ấy là tâm của chư Phật, Bồ Tát, quý vị phải nên gìn giữ. Dùng phương pháp niệm Phật, cũng có thể nói là bất luận dấy lên niệm nào, ngay lập tức đổi nó thành A Di Đà Phật, khôi phục bình thường, quyết định chẳng để cho vọng niệm nối tiếp nhau dấy lên, [nếu để vọng niệm dấy lên] tức là mê rồi, càng mê sâu hơn!
Nói đơn giản, rõ ràng hơn một chút thì nhất định phải niệm sao cho chấp trước, phân biệt của chính mình bị trừ sạch, phải biết tất cả hết thảy tội nghiệp đều do phân biệt và chấp trước dấy lên. Quý vị chẳng chấp trước, sẽ chẳng có chuyện gì. Vì chấp trước kiên cố, nên mới tạo thành vô lượng vô biên tội nghiệp. Phật pháp từ đầu tới cuối là phá chấp trước mà thôi! Phá Ngã Chấp, quý vị sẽ chứng quả A La Hán. Phá Pháp Chấp, quý vị là Bồ Tát. A La Hán khác với chúng ta ở chỗ nào? A La Hán chẳng có Ngã Chấp nên là A La Hán; chúng ta có Ngã Chấp nên là phàm phu. Vì sao vị ấy là Bồ Tát? Ngài chẳng có Pháp Chấp nên là Bồ Tát; chúng ta có Pháp Chấp. Pháp Chấp và Ngã Chấp đều trọn đủ, nên chúng ta chẳng phải là A La Hán hay Bồ Tát. Chư vị phải hiểu rõ những đạo lý sau đây: Như thế nào sẽ là niệm Phật hiệu đạt được công phu? Niệm đắc lực là gì? Niệm Phật hiệu như thế này thì mới là hữu dụng, hiện tiền có thể diệt tội, diệt tội bèn sanh phước, trí tuệ và phước đức hiện tiền, quả báo tương ứng với Tây Phương A Di Đà Phật, trong tương lai, khi xả báo, chắc chắn vãng sanh.
“Vô thử thập nhị chi, tức chân giải thoát, thành thọ lạc nghĩa” (không có mười hai chi ấy, chính là chân giải thoát, trở thành ý nghĩa “hưởng các sự vui”). Mười hai nhân duyên đã đoạn, đã đoạn bèn thật sự giải thoát. Có thể thấy trong sự giải thoát ấy, đã giải gì? Thoát gì? “Giải” đối với mười hai chi, [tức là] cả mười hai chi đều giải trừ sạch. Mười hai chi ấy giống như mười hai sợi dây thừng trói thít chặt chúng ta, chẳng thể cựa quậy! Nay đã cởi trói rồi. Thoát là thoát sanh tử luân hồi, thoát phiền não tập khí, đều thoát cả rồi. Đó mới là “thọ lạc” chân chánh.
(Sao) Kinh vân: Vô Thượng Bồ Đề giác pháp lạc, vô thượng Niết Bàn tịch tĩnh lạc, giai lạc nghĩa dã.
(鈔) 經云:無上菩提覺法樂,無上涅槃寂靜樂,皆樂義也。
(Sao: Kinh dạy: “Vô Thượng Bồ Đề giác pháp lạc, Vô Thượng Niết Bàn tịch tĩnh lạc, đều là ý nghĩa của chữ Lạc”).
Đây là nói về ý nghĩa của Lạc. “Vô Thượng Bồ Đề”, Bồ Đề dịch là Giác, [Vô Thượng Bồ Đề là] Vô Thượng Giác. Người Trung Quốc thường nói là Đại Giác, Đại Giác là Vô Thượng Bồ Đề. Đó là Trí Đức, là trí huệ viên mãn. Kinh Vô Lượng Thọ nói tới năm thứ trí huệ bất khả tư nghị của A Di Đà Phật, khi ấy [người đã chứng Vô Thượng Bồ Đề] thảy đều trọn đủ [năm thứ trí huệ ấy].
“Vô Thượng Niết Bàn”, Niết Bàn là tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Diệt, tức là Diệt trong Khổ Tập Diệt Đạo. Vì thế, nó là Đoạn Đức, đoạn phiền não, đoạn Kiến Tư, đoạn Trần Sa, đoạn Vô Minh. Niết Bàn dịch là Đoạn Đức, Bồ Đề được dịch là Trí Đức, là trí huệ. Vô Thượng Niết Bàn là Đại Niết Bàn rốt ráo viên mãn nơi quả địa Như Lai, cũng chính là Bồ Tát đã đoạn sạch một phẩm sanh tướng vô minh cuối cùng, chẳng còn có gì để có thể đoạn nữa! Đẳng Giác Bồ Tát còn có một phẩm sanh tướng vô minh phải đoạn. Ở đây là ngay cả một phẩm sanh tướng vô minh cuối cùng cũng đoạn sạch, nên gọi là Vô Thượng Đoạn Đức.
“Giác pháp lạc” là đối với hết thảy vạn pháp, quá khứ, hiện tại, vị lai, không gì chẳng biết! Sự biết này chẳng phải là sự hiểu biết bình phàm, hời hợt, mà là hiểu rõ rốt ráo triệt để. Trong Phật pháp nói Thể, Tướng, Dụng, tức là thể tánh, tướng trạng, tác dụng, quá khứ, hiện tại, vị lai, nhân nhân, quả quả, chẳng có gì không minh bạch, chẳng có gì không hiểu rõ, đó là Lạc. Điều này được gọi là “giác pháp lạc”. Có thể biết hết thảy các pháp, chẳng bị hết thảy các pháp mê hoặc, chẳng bị hết thảy các pháp lay động, biết hết thảy các pháp như huyễn, như hóa. Kinh Kim Cang nói: “Hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”, nên trong hết thảy các pháp chẳng có lấy – bỏ. Chúng ta lấy pháp này, ý niệm ấy đã sai rồi. Ta muốn bỏ nó thì cũng trật luôn, chẳng có lấy, há có bỏ? Lấy – bỏ là tương đối. Có lấy thì mới có bỏ, chẳng có lấy, lẽ đâu có bỏ? Do đó, trong hết thảy pháp chẳng có lấy – bỏ, đó là Lạc!
Vì thế, Bồ Tát chẳng có lấy – bỏ, Ngài tự tại! Phàm phu lấy rồi không chịu bỏ, thứ gì cũng đều muốn chiếm hữu. A La Hán muốn bỏ, A La Hán cao hơn chúng ta, nhưng thua xa Bồ Tát. A La Hán muốn bỏ, lục đạo phàm phu muốn phải có, muốn lấy, nên [A La Hán và lục đạo phàm phu] đều vướng vào một bên. Bồ Tát là Trung Đạo, Trung Đạo là như thế nào? Chẳng lấy, chẳng bỏ, nên đối với hết thảy các pháp, Ngài có thể thuận theo tự nhiên. Do đó nói: “Tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên”. Tùy duyên là không lấy, không bỏ, nên trong hết thảy các pháp được thụ dụng tự tại. Lấy là sai lầm, mà bỏ cũng là sai lầm. Vì chúng ta lấy nên chẳng thể phá Ngã Chấp, chẳng thể phá Pháp Chấp. A La Hán và Bích Chi Phật bỏ, bỏ thì sẽ như thế nào? Tuy có thể phá Ngã Chấp, nhưng chẳng thể phá Pháp Chấp. Phải là hai bên lấy – bỏ đều chẳng chấp trước, đều buông xuống, thì mới có thể phá Pháp Chấp. Vì thế, đây là nói tới Bồ Đề giác pháp, Niết Bàn tịch tĩnh. Tịch tĩnh là rời khỏi lấy – bỏ, thật sự tịch tĩnh. Sự tịch tĩnh của hàng Tiểu Thừa là Thiên Chân Niết Bàn, chẳng phải là pháp tịch tĩnh rốt ráo viên mãn.
(Sao) Dĩ thượng thả thuận kinh văn khổ lạc đối đãi, như thật nhi thuyết, nhiễm ký bất lập, tịnh diệc hà tồn?
(鈔) 以上且順經文苦樂對待,如實而說,染既不立,淨亦何存?
(Sao: Trên đây là thuận theo kinh văn [để biện định] sự đối đãi giữa khổ và lạc, nếu nói theo lẽ thật thì nhiễm đã chẳng lập, làm sao tịnh còn tồn tại cho được?)
Những điều nói trên đây đều là nói tương đối, có khổ, có lạc, nay nói chân thật, “như thật nhi thuyết” nghĩa là chúng ta nói thật, nói chân thật thì khổ và lạc chẳng tồn tại. “Nhiễm ký bất lập” (nhiễm đã chẳng lập), chẳng có nhiễm, lấy đâu ra tịnh?
(Sao) Tịnh uế song vong, khổ lạc bình đẳng, như tư chi lạc, nãi sở dĩ vi Cực Lạc dã.
(鈔) 淨穢雙忘,苦樂平等,如斯之樂,乃所以為極樂也。
(Sao: Tịnh lẫn uế cùng mất, khổ và lạc bình đẳng, vui sướng như thế nên gọi là Cực Lạc).
Nêu rõ thể tánh của Cực Lạc. Bồ Tát trong thế giới Cực Lạc, ai nấy đều nhập cảnh giới chân thật, nên thế giới Cực Lạc là Nhất Chân pháp giới trong các Nhất Chân pháp giới. Pháp giới ấy tuyệt đối chẳng phải là phàm phu và Nhị Thừa mà hòng chứng đắc! Chúng ta có thể vãng sanh Tây Phương, chư vị phải hiểu, hoàn toàn là nương theo đại nguyện lực của A Di Đà Phật gia trì, nên chúng ta mới có thể từ địa vị phàm phu mà lập tức siêu nhập, cũng như là từ hạng phàm phu lè tè sát đất mà ngay lập tức siêu sanh đạt đến địa vị Pháp Thân đại sĩ, thật sự hy hữu, thật sự khó có! Trừ một môn này ra, trong bất cứ môn nào cũng đều chẳng có sự thật này, mà cũng chẳng có cách thuyết pháp này. Tịnh Độ thù thắng là thù thắng ở chỗ này!
(Sao) Thánh giải hoàn thành ma cảnh, Phật kiến tảo đọa Thiết Vy.
(鈔) 聖解還成魔境,佛見早墮鐵圍。
(Sao: Đối với thánh giải lại trở thành cảnh ma, do sự thấy biết của Phật mà sớm đọa trong Thiết Vy).
Đối với người tu hành chân chánh, hai câu này hết sức trọng yếu. Nay quý vị cầu hiểu kinh: Kinh này giảng theo cách nào? Có ý nghĩa gì? Nhọc nhằn dùi mài, người sơ học đều theo phương cách ấy, dùi mài! Đó gọi là “cùng niên toản cố chỉ” (quanh năm miệt mài nơi trang giấy cũ), khi nào quý vị mới có thể xuất đầu lộ diện? Nếu thật sự ngộ nhập hai câu trên đây, sẽ xuất đầu lộ diện được! Tôi thường bảo các đồng tu, kinh Phật chẳng có cách giảng [cố định nào], kinh Phật chẳng có ý nghĩa gì. Hai câu này đã chứng minh cho tôi. Nếu kinh Phật có một cách giảng [nhất định], giảng pháp, còn có ý nghĩa, vì sao “thánh giải” biến thành “ma cảnh”? “Thánh giải” chẳng phải là lời giảng của phàm nhân, mà là lời giảng giải của Phật hay Bồ Tát. Nếu quý vị chấp trước, mê mờ nơi hết thảy các pháp do Phật đã nói, Phật cũng biến thành ma, học Phật trở thành vướng vào ma. Mỗi ngày đều nghiên cứu kinh, nghiên cứu đến cuối cùng bị ma dựa. Ma dựa là gì? Quý vị giảng kinh này chỗ nào cũng là đạo, giảng đến nỗi hoa trời rơi lả tả, nghe nói dường như chẳng sai tí nào, nhưng bị ma dựa rồi! Chẳng sai thì cớ sao bị ma dựa? Kẻ ấy chẳng khai ngộ, chưa thấy tánh. Chưa thấy tánh nên gọi là ma dựa. Ma gì dựa kẻ ấy? Ma chấp trước văn tự, ma chấp vào kinh Phật! Kinh Phật giống như một tấm lưới, kẻ ấy miệt mài trong đó, giống như ở trong mê cung, lần mò chẳng ra, đi trong mê muội, mê trong kinh Phật, đã vướng phải ma!
Phương pháp đọc tụng kinh điển của cổ nhân là dạy quý vị chớ nên có tâm phân biệt, mở kinh ra bèn một mực niệm, chẳng có phân biệt, chẳng có chấp trước, chẳng có vọng tưởng. Do vậy, đọc kinh là tu Giới, Định, Huệ, sẽ chẳng bị ma dựa! Đọc kinh là một phương pháp tu Giới, Định, Huệ. Dùng phương pháp này nhằm hoàn thành Tam Học Giới, Định, Huệ một lượt. Quý vị mỗi ngày niệm kinh một giờ, tức là quý vị tu Giới, Định, Huệ một giờ. Quý vị niệm kinh hai giờ là tu Giới, Định, Huệ hai giờ. Quý vị chớ nên nghiên cứu! Hễ nghiên cứu là hỏng rồi, trật rồi! Hễ nghiên cứu bèn rơi vào thức thứ sáu, tức Ý Thức. Thức thứ sáu (Ý Thức) là ma chướng, hành như thế nào? Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Bất tác thánh tâm, danh thiện cảnh giới. Nhược tác thánh giải, tức thọ quần tà” (nếu chẳng nghĩ là tâm đã chứng đắc cảnh giới thánh nhân thì gọi là cảnh giới tốt lành. Nếu nghĩ là đã thông hiểu cảnh giới của thánh nhân bèn rớt vào các thứ tà). Đó là đã vướng vào ma! Bất luận cảnh giới nào hiện tiền, đặc biệt là năm mươi thứ Ấm Ma tức là năm mươi thứ cảnh giới được nói ở phần cuối kinh Lăng Nghiêm.
Hiện thời, trong thế giới này, kẻ bị ma dựa rất nhiều, đều do ham kỳ chuộng lạ, kẻ này thấy quang minh, kẻ kia thấy Phật, thấy Bồ Tát, [pháp sư giảng kinh hoặc hành nhân hiện thân lơ lửng] lìa khỏi mặt đất ba thước, có hiện tượng ấy hay không? Thưa cùng quý vị, có thật! Kẻ ấy nói [những chuyện lạ lùng ấy] tôi đều thừa nhận, quyết định chẳng phải là giả, đúng là có những hiện tượng ấy, nhưng thấy những hiện tượng ấy thì sao? Đức Phật dạy chúng ta đừng quan tâm đến nó thì quý vị sẽ chẳng có chuyện gì. Nếu quý vị bận tâm, hoặc là hoan hỷ, hoặc là sợ hãi, quý vị sẽ bị ma dựa. Hiện thời có nhiều kẻ chuyên môn học những thứ đó, người bị mắc hại rất nhiều! Học Phật như vậy, nếu kẻ ấy thật sự dụng công, thật sự tinh tấn, thật sự nghiêm túc tu học, đại khái chưa đến một hai năm sẽ bị bệnh thần kinh. Người thế gian chúng ta gọi kẻ ấy là “thần kinh phân liệt” (Schizophrenia), trong Phật pháp gọi là “ma dựa”, rất đáng thương, mà cũng rất đáng tiếc! Vì vậy, đối với hết thảy cảnh giới đều chẳng quan tâm tới, giữ gìn tâm cảnh của quý vị bình thường, như vậy là tốt!
“Phật kiến tảo đọa Thiết Vy”: Trong kinh có một công án, Văn Thù Bồ Tát nói tối hôm trước Ngài thấy Phật, thấy Pháp, tức là thấy Phật nghe pháp, Thích Ca Mâu Ni Phật bảo: “Ta đã sớm đánh văng ông ta xuống Thiết Vy rồi”. Há có thấy Phật? Há có thấy Pháp? Chẳng có Phật, mà cũng chẳng có Pháp! Phật là giác, Pháp là chánh tri chánh kiến. Phật là giác chứ không mê, “Giác chứ không mê, chánh chứ không tà, tịnh chứ không nhiễm”, là một mà ba, tuy ba mà một, lấy đâu ra thấy Phật, thấy Pháp? Thưa cùng quý vị, nói theo Tông Môn, hai câu ấy là “hướng thượng nhất trước” (hướng tới cảnh giới tối cao), là cảnh giới cao nhất. Chúng ta không đạt được, vẫn phải đọc kinh, vẫn phải nghiên cứu, nhưng phải hiểu [đọc kinh, nghiên cứu] là thứ bậc trung hạ trong Phật pháp, chẳng phải là Phật pháp tối cao. Trong Phật pháp tối cao thì những việc ấy đều chẳng có, quý vị mới có thể thật sự chứng đắc “vạn pháp như một, chúng sanh và Phật bất nhị”, chúng sanh và Phật là một, chẳng hai. Đó là nói đến cảnh giới cao nhất.
(Sao) Thị cố ngã quán Cực Lạc, thật vô khả lạc. Nhược hữu khả lạc, dữ khổ hà biệt?
(鈔)是故我觀極樂,實無可樂,若有可樂,與苦何別。
(Sao: Vì thế, ta quán cõi Cực Lạc thật sự không có gì để có thể vui. Nếu có thứ gì để có thể vui thì cùng với khổ có khác gì đâu?)
Nói với quý vị lời chân tâm và cảnh giới chân thật. Tây Phương Cực Lạc thế giới có lạc hay không? Nếu quý vị nghĩ nó thật sự có lạc thì lạc và khổ có gì khác nhau? Lạc là khổ, lạc là Hoại Khổ! Do vì đạt đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, cảnh giới ấy chẳng có khổ mà cũng chẳng có lạc, nên gọi là Cực Lạc! Chư vị phải hiểu, khổ và lạc là tương đối, chẳng có bên này sẽ chẳng có bên kia. Có lạc sẽ tất nhiên sẽ còn có khổ tồn tại! Hiện thời, quý vị tu hành đến một giai đoạn kha khá, quý vị sẽ hiểu, trong thế gian này chẳng có khổ mà cũng chẳng có lạc, đó là thoải mái nhất. Có khổ bèn mong lạc, nhưng có lạc, ắt phải có khổ. Do vậy, quý vị đừng nghĩ thế giới Cực Lạc rất vui sướng. Nếu quý vị nghĩ như vậy, tức là đã nghĩ lầm, hoàn toàn hiểu lầm mất rồi! Khổ, lạc, ưu, hỷ, xả thảy đều chẳng có, sẽ là chân lạc, là Cực Lạc! Hôm nay đã hết thời gian tới rồi, chúng tôi giảng tới đây!
[1] Đây là mười đề mục quán tưởng trong Duyên Khởi Quán của bậc Thất Địa Bồ Tát được giảng trong phẩm Thập Địa của kinh Bát Thập Hoa Nghiêm. Mười đề mục quán tưởng ấy là Hữu Chi Tương Tục Môn, Nhất Tâm Sở Nhiếp Môn, Tự Nghiệp Sai Biệt Môn, Bất Tương Xả Ly Môn, Tam Đạo Bất Đoạn Môn, Tam Tế Luân Hồi Môn, Tam Khổ Tụ Tập Môn, Nhân Duyên Sanh Diệt Môn, Sanh Diệt Hệ Phược Môn và Vô Sở Hữu Tận Quán Môn.