Tập 259/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 01-003-0289

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 259

          Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang năm trăm mười bảy:

          (Sao) Khởi Tín Luận vân: “Thị tâm tùng bổn dĩ lai, ly tâm duyên tướng, ly ngôn thuyết tướng. Thị cố, cử tâm tức thác, động niệm tức quai, trệ cú giả mê, thừa ngôn giả táng”. Nhiên tắc đương như chi hà? Túng nhiêu giam khẩu vong cơ, y nhiên đọa lạc vô ký, thị chi vị “bất khả tư nghị”.

()起信論云:是心從本以來,離心緣相,離言說相,是故舉心即錯,動念即乖,滯句者迷,承言者喪。然則當如之何,縱饒緘口忘機 ,依然墮落無記 ,是之謂不可

思議。

(Sao: Khởi Tín Luận nói: “Tâm này từ trước đến nay lìa tướng tâm duyên, lìa tướng ngôn thuyết. Do vậy, động tâm bèn trật, dấy niệm liền sai, vướng vào câu văn bèn mê, nương theo lời nói bèn mất”. Vậy thì phải nên làm như thế nào? Dẫu ngậm miệng, dứt bặt suy nghĩ, vẫn nghiễm nhiên đọa vào vô ký. Vì thế mới nói là “chẳng thể nghĩ bàn”).

          Đại sư trích dẫn một đoạn từ trong Đại Thừa Khởi Tín Luận của Mã Minh Bồ Tát. Khởi Tín Luận là một quyển sách để nhập môn học Phật, là Đại Thừa Khởi Tín (khơi gợi lòng tin đối với Đại Thừa), chẳng phải là Tiểu Thừa, đương nhiên càng chẳng phải là nhân thiên thừa. Cảnh giới trong bộ sách ấy là cảnh giới của bậc Bồ Tát vừa mới kiến tánh, phá một phẩm vô minh, thấy một phần chân tánh, tức là Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo. Khởi Tín Luận là cảnh giới như vậy. Nếu xét theo Biệt Giáo, sẽ là cảnh giới của Sơ Địa Bồ Tát. Vì thế, được gọi là Đại Thừa thật sự, danh phù hợp thực, Đại Thừa Khởi Tín mà! Trong luận ấy, Thật Tướng và chân tướng chẳng thể nghĩ bàn của tâm tánh thảy đều được nêu tỏ.

          “Thị tâm” (Tâm này): Cái tâm này là chân tâm, là bản tánh. Chẳng có cách nào diễn tả, mà cũng chẳng có cách nào tưởng tượng chân tâm. “Ly tâm duyên tướng” (Lìa tướng tâm duyên), “tâm duyên” là khởi tâm động niệm, duyên lự, phân biệt. Trong chân tâm trước nay chẳng dấy động ý niệm, chưa hề có phân biệt, nó giống như một tấm gương, hoặc giống như một ao nước lặng. Nước lặng thì tuyệt đối chẳng cuộn sóng, tình hình giống như thế, chưa hề động, bèn soi chiếu cảnh giới bên ngoài rành mạch, rõ ràng. Đấy là chân tâm. Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Tịnh cực quang thông đạt”, [nghĩa là] tịnh đến tột cùng, chân tâm sẽ hiện tiền, vì chân tâm là bất động, cái có thể động là vọng tâm. Chính vì sự thật có tình hình như vậy, cho nên trọng điểm trong sự giáo học của đức Phật là tu Định.

Nói thật ra, tu Định chính là khôi phục bản tánh. Chỉ cần khôi phục bản tánh, vô lượng trí huệ và đức năng trong bản tánh thảy đều hiện tiền. Nói cách khác, chẳng thể diễn tả những điều này được! Chẳng thể thốt thành lời, đức Phật nói suốt bốn mươi chín năm, những điều đức Phật đã nói đều là nói phương tiện, hy vọng chúng ta sẽ từ phương tiện mà lãnh hội chân thật. Chân thật [chỉ] có thể dùng tâm để hiểu, chẳng thể truyền trao bằng lời lẽ, ngôn ngữ bất lực!

“Thị cố, cử tâm tức thác” (Vì thế, động tâm bèn trật): “Cử tâm” (舉心) là vừa mới dấy lên ý niệm suy nghĩ, sai mất rồi! “Động niệm tức quai” (Dấy niệm bèn sai): Ý niệm vừa động liền trái nghịch tự tánh, chẳng phải là tự tánh. Chẳng khởi tâm, không động niệm, chẳng phân biệt, không chấp trước, khi ấy chính là cảnh giới tự tánh hiện tiền. Hễ động niệm bèn trật, bèn mê; bất động là giác. Nếu chúng ta nắm vững nguyên tắc này, vâng theo nguyên tắc này để tu học, sẽ có hy vọng khai ngộ. Tham Thiền chẳng thể khai ngộ, học Giáo chẳng thể viên giải, gốc bệnh phát xuất từ phân biệt, chấp trước, khởi tâm động niệm. Dùng chú sớ của kinh điển để nghiên cứu thì sai bét mất rồi! Hễ nghiên cứu bèn mê. Những thứ ấy chẳng thể nghiên cứu được, đấy là chỗ khác biệt giữa Phật pháp và thế gian pháp. Vì vậy, quyết định chẳng thể dùng phương pháp của thế gian pháp để nghiên cứu Phật pháp, nhất định phải hiểu điều này!

          “Trệ cú giả mê” (Vướng vào câu văn bèn mê), “cú” (句) [ở đây dùng để chỉ các câu văn trong] kinh điển. Thường nói “tử tại cú hạ” (chết ngắc nơi câu văn, ý nói khăng khăng chấp trước văn tự), có ý nghĩa ấy, đương nhiên là chẳng thể khai ngộ. Khai ngộ bèn sống sót nơi câu văn, kẻ đó (kẻ chẳng khai ngộ) chết ngắc nơi câu văn.

“Thừa ngôn giả táng” (Nương theo lời nói bèn bị chôn vùi), nghe giảng mà chấp trước ngôn ngữ thì cũng sai luôn! Mã Minh Bồ Tát dạy chúng ta, thái độ tu học phải là “ly ngôn thuyết tướng”, [nghĩa là] đừng chấp trước ngôn ngữ; “ly danh tự tướng”, [nghĩa là] đừng chấp trước danh tướng, thuật ngữ; “ly tâm duyên tướng”, [nghĩa là] đừng nên phân biệt, tư duy, tưởng tượng. Thái độ này hoàn toàn đúng như Quán Âm Bồ Tát đã dạy trong Tâm Kinh: “Dĩ thâm Bát Nhã Ba La Mật chiếu kiến” (Dùng Bát Nhã Ba La Mật sâu xa để soi thấy), đó là đã “chiếu kiến”. Vì sao? Tâm địa thanh tịnh, chẳng có khởi tâm, chẳng có động niệm, chẳng có phân biệt, chẳng có chấp trước. Xem kinh giáo bèn dùng phương pháp này, nghe giảng kinh cũng là [dùng] phương pháp này. Tu học hết thảy các pháp môn đều chẳng lìa khỏi phương pháp này. Cho đến trong cuộc sống hằng ngày, mặc áo, ăn cơm, xử sự, đãi người tiếp vật cũng dùng phương pháp này. Vậy thì chúc mừng quý vị, mức độ thấp nhất là quý vị đã thành Viên Giáo Bồ Tát, đã thành Pháp Thân đại sĩ, chẳng phải là phàm phu. Ngay cả A La Hán, Bích Chi Phật, Quyền Giáo Bồ Tát cũng chẳng sánh bằng quý vị. Phải là như vậy thì mới có thể nhập môn Đại Thừa Phật pháp! Nếu là như vậy, quý vị vừa xem bộ Sớ Sao do tổ sư

đã viết bèn hiểu ngay.

Nếu rớt vào tư duy, tưởng tượng, hoặc phân biệt, không chỉ là quý vị chẳng hiểu ý nghĩa của các kinh do đức Phật đã nói, mà đối với các chú giải của tổ sư đại đức, quý vị cũng chẳng tìm được cửa để vào! Bài Kệ Khai Kinh có câu: “Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”, nghĩa lý chân thật cách biệt chúng ta quá ư là xa! Mấu chốt là ở chỗ đắc pháp hay không, quý vị có thể nắm vững nguyên tắc ấy hay không? Nhưng tổ sư thật sự vô cùng từ bi, lại sợ quý vị thấy mấy câu ấy trong Khởi Tín Luận sẽ hiểu lầm ý nghĩa, [để rồi] đọc kinh cũng chẳng khởi tâm, không động niệm, chẳng phân biệt, không chấp trước, giống như một gã đầu gỗ đối với kinh bổn, vậy thì có được hay chăng? Như vậy thì lại chẳng được! Như thế chính là rớt vào vô minh. Khởi tâm động niệm là sai, chẳng khởi tâm động niệm cũng trật, làm thế nào đây? Mấu chốt ở ngay chỗ này!

          “Nhiên tắc đương như chi hà?” (Vậy thì hãy nên làm như thế nào?), câu này do Liên Trì đại sư nói. Liên Trì đại sư sợ chúng ta thấy mấy câu ấy sẽ nẩy sanh hiểu lầm, cho nên Ngài nói: “Túng nhiêu giam khẩu vong cơ” (Dẫu cho ngậm miệng, dứt bặt suy nghĩ), “giam khẩu” (緘口: ngậm chặt miệng) là chẳng nói, dứt bặt ngôn ngữ, chẳng nói nữa. [Kẻ nghe nói như vậy cứ hiểu lầm] “ly ngôn thuyết tướng” là chẳng nói gì nữa, [hiểu lầm] “ly tâm duyên tướng” là cũng chẳng suy nghĩ. “Vong cơ” (忘機) là không nghĩ ngợi, không khởi tâm, chẳng động niệm. “Y nhiên đọa lạc vô ký” (Vẫn nghiễm nhiên rớt vào vô ký), rắc rối to! Liên Trì đại sư nói kiểu này; thật ra, kể từ những năm đầu thời Đường, trong khi chú sớ kinh Hoa Nghiêm, Thanh Lương đại sư cũng nói như vậy. Lão nhân gia nói theo phương diện Giải và Hành, có ý nghĩa giống hệt như [những gì tổ Liên Trì đang nói] ở đây: “Có Giải không Hành, tăng trưởng tà kiến. Có Hành không Giải, tăng trưởng vô minh”. Quý vị hãy chú tâm nghe kỹ cách nói của ngài Thanh Lương, rồi sau đó đối chiếu hai vị Mã Minh Bồ Tát và Liên Trì đại sư một phen, cũng có lẽ có thể thấu hiểu ý nghĩa chân thật.

Nói thật ra, đức Phật chưa từng khởi tâm động niệm, chẳng có phân biệt, chấp trước, chẳng có ngôn ngữ để nói với chúng ta lời lẽ nhiều dường ấy, nói suốt bốn mươi chín năm. Đức Phật là “chẳng nói mà nói, nói mà chẳng nói”. Những vị đại Bồ Tát và các vị đại đệ tử của đức Phật cũng hết sức cao minh, dưới tòa của đức Thế Tôn, các Ngài “nghe mà không nghe, không nghe mà nghe”. Đó là pháp hội, tức các khóa giảng của chư Phật Như Lai, chẳng giống như chúng ta. Chúng tôi thật sự “có nói”, mọi người cũng thật sự “có nghe”. Nói cũng nói sai, nghe cũng hiểu lầm! Chúng ta làm chuyện này, cho nên người nói lẫn kẻ nghe đều chẳng khai ngộ. Nói cách khác, chúng ta nói mà cũng chẳng biết nói, nghe mà cũng chẳng biết nghe, mấu chốt ở ngay nơi đây.

Làm thế nào để chẳng rớt vào suy nghĩ tà vạy, mà cũng chẳng rớt vào vô minh? Do vậy, pháp Đại Thừa hiển thị sống động, hoạt bát, chẳng phải là chết lặng! Tịch mà Chiếu thì là hoạt bát, Chiếu mà Tịch bèn thanh tịnh. Tâm là tịch tĩnh, thanh tịnh; Dụng là linh hoạt, đấy là Đại Thừa Phật pháp. Dụng của phàm phu linh hoạt, nhưng tâm không thanh tịnh, chẳng phải là tịch diệt. Tâm của người Tiểu Thừa là tịch tĩnh, nhưng tác dụng chẳng hoạt bát, khô khan, cũng chẳng có lợi ích quá to lớn. Chỉ có Phật và Đại Thừa Bồ Tát thật sự đại tự tại, thật sự đắc đại thọ dụng, mà cũng chẳng rớt vào hai bên tà kiến và vô minh. Chúng ta phải mong tìm được đường ra từ chỗ này. Thật sự là nếu chẳng có cách nào để tìm cầu, hãy thật thà niệm Phật. Nói thật ra, đây là diệu pháp duy nhất. Niệm Phật phải đặc biệt chú ý hai chữ “thật thà”. Thật sự là thật thà, chắc chắn sẽ thành công. Chẳng thật thà, niệm suốt một đời cũng uổng công. Đến tột cùng, như thế nào là pháp thật thà, trong phần sau sẽ nói đến.

          Đoạn kinh văn dưới đây chính là sáu phương Phật tán thán.

          Nhị, tha Phật tán.

          二、他佛讚。

          (Hai, các vị Phật khác tán thán).

           Trong bản dịch của Huyền Trang đại sư là mười phương, bản dịch của La Thập đại sư là sáu phương. Người Hoa chuộng đơn giản, từ xưa tới nay [trong cách hành văn luôn] nhấn mạnh “giản, yếu, tường, minh” (đơn giản, trọng yếu, tường tận, rõ ràng). La Thập đại sư khế nhập sâu xa căn cơ của người Hoa, nên người Hoa đặc biệt thích niệm những bộ kinh do Ngài dịch. Xác thực là Ngài đã đạt tới khế cơ, khế lý. Bốn phương, bốn góc, trên, dưới [hợp thành mười phương], tỉnh lược bốn góc, chỉ có bốn phương và trên, dưới, [hợp thành] sáu phương Phật. Trên thực tế, sáu phương bao hàm mười phương. Xin xem kinh văn:

          (Kinh) Đông phương diệc hữu  A  Súc  Bệ  Phật,  Tu  Di  Tướng

Phật, Đại Tu Di Phật, Tu Di Quang Phật, Diệu Âm Phật, như thị đẳng Hằng hà sa số chư Phật.

()東方亦有阿閦鞞佛。須彌相佛。大須彌佛。須彌光佛。妙音佛。如是等恆河沙數諸佛。

(Kinh: Phương Đông cũng có A Súc Bệ Phật, Tu Di Tướng Phật, Đại Tu Di Phật, Tu Di Quang Phật, Diệu Âm Phật, Hằng hà sa số chư Phật như vậy).

          Đối với sáu phương Phật, cổ nhân giới thiệu mỗi vị mỗi khác. Trong Sớ Sao, Liên Trì đại sư giới thiệu khá cặn kẽ. Trước hết, chúng ta xem phần đoản văn trong Sớ Sao, rồi sau đấy mới lại thảo luận các ý nghĩa biểu thị pháp trong danh hiệu Phật. Phương Đông có bao nhiêu vị Phật? Vô lượng vô biên, “Hằng hà sa số” (Nhiều như số cát trong sông Hằng), số lượng chẳng cùng tận. Đối với danh hiệu Phật, chỉ nêu đại lược năm vị, đúng như trong thuở đức Thế Tôn tại thế, đại chúng tham dự pháp hội giảng kinh, thuyết pháp của Ngài rất đông. Các vị đệ tử thường tùy (thường theo hầu) của đức Phật là một ngàn hai trăm năm mươi lăm vị, hội nào ắt cũng đến, chưa bao giờ vắng mặt. Ngoài Thường Tùy Chúng, còn có nhiều đại chúng xuất gia và tại gia, thường đến tham gia. Nhưng kết tập kinh, mỗi bộ kinh cũng chỉ kể tên mấy vị như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên; nêu tên những vị ấy nhiều hay ít khác nhau, danh hiệu mấy vị được nêu ra cũng khác nhau. Giống như trong phần đầu kinh Di Đà, nêu đại lược mười sáu vị trong số Thường Tùy Chúng, trong hàng Bồ Tát nêu đại lược bốn vị. Thật ra, số lượng Bồ Tát dự hội còn đông hơn các vị Thường Tùy Chúng. Vì sao không kể tên những vị khác, cứ khăng khăng nêu tên mười sáu vị này? Nhất định là có dụng ý. Nói cách khác, mấy vị ấy có mối quan hệ đặc biệt với pháp hội và pháp môn này! Từ danh hiệu của mấy vị ấy, chúng ta có thể nhận biết tánh chất của pháp hội này, tức là [nhận ra] tánh chất và công năng của kinh điển. Vì các vị đại đệ tử của đức Phật, mỗi vị đều có sở trường chuyên biệt, như ngài Xá Lợi Phất trí huệ bậc nhất, biểu thị pháp môn này là trí huệ bậc nhất. Mục Kiền Liên thần thông bậc nhất, [biểu thị] pháp môn này cũng là thần thông bậc nhất, biểu thị ý nghĩa ấy. Trong Tự phần, các vị Thanh Văn và Bồ Tát được liệt kê đã có ý nghĩa sâu xa như vậy, đức Thế Tôn vì chúng ta giới thiệu sáu phương Phật, há có lẽ nào những danh hiệu Phật được nêu lên lại có ngoại lệ ư? Trong mười phương, chư Phật nhiều ngần ấy, vì sao nêu tên năm vị này, mà chẳng nêu tên năm vị Phật khác? Xét theo thông lệ, chúng ta phải liễu giải, danh hiệu của mỗi vị bao hàm ý nghĩa hết sức sâu xa, hiển thị pháp môn và kinh điển chẳng thể nghĩ bàn.

          (Sớ) Dẫn chư Phật tán giả, kiến thử Tịnh Độ pháp môn, nãi thiên Phật, vạn Phật, vô lượng chư Phật, dị khẩu đồng âm chi sở tán thán, đương đế tín vật nghi dã.

()引諸佛讚者,見此淨土法門,乃千佛萬佛,無量諸佛,異口同音之所讚歎,當諦信勿疑也。

(Sớ: Dẫn chư Phật tán thán để thấy pháp môn Tịnh Độ này được ngàn vị Phật, vạn vị Phật, vô lượng chư Phật khác miệng cùng lời tán thán, hãy nên tin chắc, đừng nghi ngờ).

          Mười phương bao gồm ba đời. Mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai, chẳng có một vị Phật nào không tán thán kinh này, các Ngài tán thán theo cách nào? Vì hết thảy chúng sanh thường tuyên giảng bộ kinh này chính là tán thán. Thích Ca Mâu Ni Phật giảng Tịnh Độ Tam Kinh, giới thiệu các thứ trang nghiêm trong Tây Phương Cực Lạc thế giới thì chính là Phật Thích Ca tán thán. Mười phương hết thảy chư Phật cũng giống như Phật Thích Ca, ở trong khu vực giáo hóa của chính mình, đối trước học trò của chính mình, cũng tuyên giảng ba kinh, cũng tán thán Tây Phương Tịnh Độ, khuyên mọi người niệm Phật vãng sanh, “vô lượng chư Phật, dị khẩu đồng âm”. Đại sư khuyên lơn, khích lệ chúng ta, “đương đế tín vật nghi” (hãy nên tin chắc chắn, đừng nghi ngờ). Phải thật sự tin tưởng, chớ nên nghi hoặc. Nếu quý vị ngờ vực, chẳng tin tưởng kinh này, cơ hội thành Phật trong một đời này đã bị luống uổng, đáng tiếc lắm!

          (Sớ) Đường dịch cụ hữu thập phương, kim khuyết tứ ngung giả, văn tỉnh dã.

          ()唐譯具有十方,今缺四隅者,文省也

(Sớ: Bản dịch đời Đường chép đủ mười phương. Nay bản này thiếu bốn góc, tức là kinh văn tỉnh lược vậy).

          “Đường dịch” là bản dịch của Huyền Trang đại sư, [trong bản ấy] đoạn kinh văn này là mười phương Phật. “Kim khuyết tứ ngung” (Nay thiếu bốn góc), bản dịch của La Thập đại sư đã tỉnh lược. Bản dịch của Huyền Trang đại sư là “trực dịch”, tức là dịch sát theo nguyên văn, cho nên có mười phương. La Thập đại sư dịch theo ý, chẳng theo sát nguyên văn, tức là phiên dịch những ý nghĩa chánh yếu.

          (Sớ) Tiên Đông phương giả, cử phương thường pháp, diệc dĩ Đông biểu trí cố.

          ()先東方者,舉方常法,亦以東表智故。

(Sớ: Trước hết, nói đến phương Đông là tuân theo cách thức thông thường khi nói về phương hướng, mà cũng là vì phương Đông biểu thị trí huệ).

           Phương vị Đông, Nam, Tây, Bắc cũng đều có ý nghĩa biểu thị pháp.

          (Sao) Thập phương giả, Trang sư dịch hữu tứ ngung, tắc thành thập phương. Kim chỉ lục giả, dĩ chánh nhiếp ngung, cố văn tỉnh dã.

          ()十方者,奘師譯有四隅,則成十方;今止六者,以正攝隅,故文省也。

(Sao: “Mười phương”: Ngài Huyền Trang dịch có bốn góc, nên thành mười phương. Nay [trong bản dịch này] chỉ có sáu phương, tức là trong sáu phương chánh đã bao gồm bốn phương bàng. Vì thế, tỉnh lược kinh văn).

          Giải thích chỗ bất đồng giữa hai bản dịch, một bản kia là mười phương, bản này là sáu phương. Sáu phương cùng mười phương, nội dung như nhau, sáu phương chẳng ít, mười phương cũng chẳng nhiều. Chẳng tăng, chẳng giảm, hiểu là cách thức phiên dịch khác nhau thì là được rồi.

          (Sao) Cử phương thường pháp giả.

          ()舉方常法者。

(Sao: “Cách thức thông thường khi nói về phương hướng”).

          “Thường pháp” là thói quen. Người Hoa quen thói nói Đông, Nam, Tây, Bắc, chẳng nói Nam, Bắc, Tây, Đông, người Ấn Độ cũng nói như thế. Đấy là một thói quen.

          (Sao) Kinh trung phàm cử thập phương, mỗi tiên Đông vi thủ.

          ()經中凡舉十方,每先東為首。

(Sao: Trong kinh, hễ nói đến mười phương, thường nhắc đến phương Đông trước hết).

          Theo thói quen, xếp phương Đông lên đầu.

          (Sao) Đông giả, ư thời vi Xuân, vạn vật sanh trưởng, hữu trí huệ nghĩa. Dĩ trí giả, vạn pháp chi tiên đạo.

          ()東者,於時為春,萬物生長,有智慧義。以智者,萬法之先導。

(Sao: Phương Đông xét theo thời tiết sẽ là mùa Xuân, vạn vật sanh trưởng. Lại có ý nghĩa là trí huệ, vì trí dẫn đường cho vạn pháp).

          “Ư thời” (於時) nghĩa là phối hợp với bốn mùa, phương Đông tương ứng với mùa Xuân. Mùa Xuân vạn vật sanh trưởng, có ý nghĩa trí huệ, biểu thị ý nghĩa này. Phật pháp coi trọng trí huệ, Phật pháp mong cầu trí huệ rốt ráo viên mãn; vì thế, Trí dẫn dắt vạn pháp. Bất luận tông phái hay pháp môn nào, tám vạn bốn ngàn pháp môn, hay vô lượng pháp môn, mục tiêu chỉ có một, hoàn toàn là cầu trí huệ, chỉ là phương pháp và đường lối chẳng giống nhau mà thôi. Khai trí huệ, mục tiêu tu học của quý vị đã đạt được. Nói cách khác, phương pháp của quý vị nhất định là rất chánh xác, đã đạt tới mục tiêu. Nếu chẳng khai trí huệ, chẳng phải là bản thân pháp môn sai lầm, mà là do quý vị dụng công chẳng đúng pháp, hoặc là không khế cơ, cho nên quý vị chẳng thể khai ngộ. Vì thế, trong việc tu học, chọn lựa pháp môn là một khóa đề trọng yếu nhất.

Thuở đức Phật tại thế, quý vị chỉ cần gặp đức Thế Tôn, vấn đề ấy đã giải quyết xong. Đức Thế Tôn biết quan sát căn cơ, Ngài có thể thấy quá khứ của quý vị, quá khứ còn có đời quá khứ, từ vô lượng kiếp trong quá khứ cho đến nay, quý vị đời đời kiếp kiếp đã tu gì? Thấy quý vị căn tánh đã chín muồi, đức Phật bèn giới thiệu một pháp môn cho quý vị, hết sức khế cơ. Rất dễ dàng, mau thì vài ngày, chậm thì mấy tháng bèn thành công. Đó gọi là “ứng cơ thí giáo” (thuận theo căn cơ mà ban bố giáo pháp), khế cơ mà! Giống như đối với kẻ ngã bệnh, do thấy nguyên nhân gây bệnh rất chuẩn xác, khi cho thuốc thì uống thuốc vào, bệnh bèn trừ, mau chóng!

Đức Phật chẳng còn tại thế, hãy còn có các đệ tử Phật. Những vị đệ tử ấy cũng khá cao minh, nhưng xét căn cơ để chọn lựa pháp môn thì kém đức Phật một bậc, nhưng hãy còn có hiệu quả, có thể chậm hơn một chút. Gặp đức Phật thì vài ngày, vài tháng bèn thành tựu. Gặp đệ tử đức Phật, có thể phải vài năm hoặc hai mươi, ba mươi năm mới có thể thành tựu, đó là trong quá khứ. [Phật pháp có ba thời kỳ là] Chánh Pháp, Tượng Pháp, Mạt Pháp, hiện thời là thời Mạt Pháp, lại còn đã qua một ngàn năm, những đệ tử Phật trong hiện thời kém xa thời Tượng Pháp và Chánh Pháp. Xác thực là chư vị phải hiểu sự thật này, mỗi đời một kém hơn, thật đấy! Chúng ta thấy các vị Liên Trì và Ngẫu Ích đại sư cách chúng ta năm trăm năm; nay chúng ta kém xa các Ngài! Ngẫu Ích đại sư viết bộ Yếu Giải trong chín ngày, nay chúng ta tốn thời gian suốt chín mươi ngày vẫn chẳng liễu giải ý nghĩa trong tác phẩm ấy, làm sao có thể so sánh được! Gần hơn một chút, chúng ta mở bộ Văn Sao của lão pháp sư Ấn Quang, so ra, vẫn thua kém Ngài một khoảng lớn.

          Chúng ta phước quá mỏng, chẳng gặp thiện tri thức thật sự. Nếu chúng ta mong tu học thành tựu, đúng là hết sức gian nan. Trong các buổi giảng, tôi thường khuyên lơn, khích lệ đại chúng tìm vị nào làm thầy? Tìm Liên Trì đại sư, tôn Ngài làm thầy, tức là dùng Sớ Sao làm thầy. Hoặc tìm Ngẫu Ích làm thầy, tức là nương theo Yếu Giải để tu học. Chuyên công dốc sức nơi kinh A Di Đà thì hai bản chú giải ấy đủ rồi. Ngẫu Ích đại sư là tư thục đệ tử của ngài Liên Trì; nay chúng ta cũng là tư thục đệ tử của các vị Liên Trì và Ngẫu Ích, học theo các Ngài. Chư vị phải hiểu, đối với pháp thế gian và xuất thế gian, ngoại trừ bậc thiên tài, người thuộc căn tánh trung hạ mà mong thành tựu, nhất định là phải thâm nhập một môn, nhất định là phải theo một vị thầy. Hễ có sư thừa bèn có thể thành tựu. Học quá nhiều, học quá tạp, chẳng thể thành tựu!

          (Sao) Cố thủ cử Đông phương, tức Xá Lợi Văn Thù thủ chúng ý dã.

          ()故首舉東方,即舍利文殊首眾意也。

          (Sao: Vì thế, trước hết nói đến phương Đông là cũng có cùng ý nghĩa như xếp các vị Xá Lợi và Văn Thù đứng đầu đại chúng).

           Giống như vừa mở đầu kinh, nêu tên bậc thượng thủ của đại chúng, trong chúng Thanh Văn xếp ngài Xá Lợi Phất trí huệ bậc nhất, trong hàng Bồ Tát kể tên Văn  Thù  Sư  Lợi trí huệ bậc nhất,  nêu rõ điều

chúng ta mong cầu chính là trí huệ, điều chúng ta tu tập cũng là trí huệ.

          (Sớ) Cử lục phương giả, Thích Ca xử trung cố.

          (Sao) Ký ngôn thượng hạ tứ phương, trung ương hà độc bất cử? Cái Thích Ca xử Sa Bà thế giới, dĩ bổn sở cư vi trung, tiền chi, hậu chi, tả chi, hữu chi, ngưỡng chi, phủ chi, thành lục phương dã.

          ()舉六方者,釋迦處中故。

     ()既言上下四方,中央何獨不舉?蓋釋迦處娑婆世界,以本所居為中,前之後之,左之右之,仰之俯之,成六方也。

          (Sớ: Nêu lên sáu phương, vì Phật Thích Ca ở trung ương.

Sao: Đã nói trên, dưới và bốn phương, cớ sao chỉ riêng chẳng nói tới chính giữa? Ấy là vì Phật Thích Ca ngự trong thế giới Sa Bà, chính Ngài đã ở giữa. Trước, sau, phải, trái, ngửa lên, cúi xuống thành sáu phương).

          “Trung” chẳng có vị trí cố định, lấy chính mình làm chính giữa. Chúng ta ở Đài Bắc là chính giữa, phía Bắc của Đài Bắc là Cơ Long, phía Nam là Tân Trúc. Nếu chúng ta đến Đài Trung, Đài Trung là trung. Chúng ta [ở Đài Bắc] coi Tân Trúc là Nam, nhưng ở Đài Trung thì Tân Trúc được gọi là Bắc. Vì vậy, bốn phương, bốn góc, trên, dưới phải tùy thuộc đang ở đâu mà nói. Đức Phật thuyết pháp trong thế giới Sa Bà, thế giới Sa Bà là trung, chẳng phải là nói tới quả địa cầu này! Thuở đức Phật giảng kinh tại Ấn Độ, Ngài cũng chẳng hề nói Ấn Độ là trung, mà cũng chẳng nói địa cầu là trung. Do đó, Tây Phương Cực Lạc thế giới ở phía Tây của thế giới Sa Bà, chẳng phải là phía Tây của địa cầu. Dưới đây, giới thiệu đức hiệu của năm vị Phật.

          (Sớ) A Súc Bệ giả, thử vân Bất Động. Pháp Thân bất động cố. Nhất vân, bất vị nhị biên chi sở động cố.

          ()阿閦鞞者,此云不動。法身不動故,一云,不為二邊之所動故。

          (Sớ: A Súc Bệ cõi này dịch là Bất Động, vì Pháp Thân bất động, có thuyết nói là vì chẳng bị lay động bởi hai bên).

          A Súc Bệ Phật  (Akṣōbhya):  A dịch là Vô,  cũng dịch là Bất.  Súc

Bệ dịch là Động, [A Súc Bệ] có nghĩa là Vô Động hoặc Bất Động.

          (Sao) Pháp Thân giả, bất sanh, bất diệt, vô khứ, vô lai.

          ()法身者,不生不滅,無去無來。

          (Sao: Pháp Thân chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng đến, chẳng đi).

          “Pháp Thân”: Tỳ Lô Giá Na Phật được nói trong kinh Hoa Nghiêm chính là Pháp Thân Phật. Danh hiệu ấy (Vairōcana) là phiên âm tiếng Phạn, có nghĩa là Biến Nhất Thiết Xứ (trọn khắp hết thảy mọi nơi). Triết học hiện đại gọi điều này là “bản thể”, tức bản thể của vạn hữu trong vũ trụ. Phật pháp gọi nó là Pháp Thân (Dharmakāya), còn danh từ triết học gọi là bản thể. Tất cả hết thảy các pháp trong vũ trụ đều sanh từ Pháp Thân. Pháp Thân có thể sanh ra vạn pháp, bản thân nó chẳng có sanh diệt, bản thân nó là bất sanh, bất diệt. Trọn khắp hết thảy mọi nơi, há có đến, đi? Giống như hư không, hư không trọn khắp hết thảy mọi nơi, có bao giờ [quý vị] thấy hư không có đến hay đi? Hư không chẳng có đến hay đi.

Chư vị phải biết: Nói Pháp Thân cũng thế, mà nói bản thể cũng vậy, nó chính là chân tâm bản tánh của chính chúng ta. Chân tâm bất sanh, bất diệt, chân tâm chẳng có đến đi. Hư không pháp giới, hết thảy vạn vật đều do chân tâm biến hiện. Chân tâm là có thể biến (năng biến), vạn pháp là cái được biến (sở biến). Vô lượng vô biên thế giới của chư Phật, kể cả Tây Phương Cực Lạc thế giới lẫn A Di Đà Phật, đều do tự tánh biến. Vì sao tự tánh có thể biến? Quý vị đêm nằm ngủ có nằm mộng hay không? Giấc mộng ấy chẳng phải là do chính quý vị biến ra ư? Tâm có thể biến thành mộng cảnh, y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới là một giấc mộng lớn, do chân tánh của chúng ta biến ra mộng cảnh. Vì thế, trong kinh Bát Nhã, đức Phật đã dạy: “Hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”. Cảnh giới này “chẳng phải có, chẳng phải không”, chẳng thể nói nó không có, vì mộng cảnh thật sự tồn tại. Quý vị cũng chẳng thể nói nó là thật sự có. Vì sao? Tỉnh giấc bèn chẳng có. Đức Phật dạy: Hễ mê thì có, khi mê “trong mộng rành rành phô sáu nẻo”, có tam thiên đại thiên thế giới, có lục đạo luân hồi. “Giác rồi ba cõi rỗng toang hoang”, sau khi đã giác bèn chẳng có, giống như nằm mộng, tỉnh giấc bèn chẳng có.

Đại thiên thế giới do đâu mà có? Tự tánh mê bèn hiện cảnh giới ấy. Nếu giác ngộ tự tánh, cảnh giới ấy chẳng có. Vì thế, chẳng thể nói cảnh giới này là có, cũng chẳng thể nói là nó không có. Chẳng phải có, chẳng phải không, đấy là nói chân tướng với quý vị, giống như nằm mộng: Chẳng thể nói cảnh giới trong mộng là có, mà cũng chẳng thể nói là nó không có. Quý vị nói “chẳng có”, xác thực là có cảnh giới hiện tiền. Tỉnh giấc vẫn nhớ rất rõ ràng. Quý vị nói “có” thì sau khi tỉnh giấc, rốt cuộc là vẫn tìm chẳng thấy! Hoàn cảnh trên thực tế xác thực là mộng cảnh. Vì thế, đức Phật dạy chúng ta phải quán như thế này: “Hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng, như sương, cũng như chớp, hãy nên quán như thế”.

Quý vị có cách nhìn như vậy thì cũng rất tự tại. Vì sao? Trong hết thảy các pháp, chẳng có được, mất. Tất cả hết thảy phiền não sanh từ đâu? Sanh từ trong được, mất. Quý vị hiểu đó là mộng, rỗng tuếch. Có thì cũng rất tốt, mà Không Có thì cũng rất tốt, sung sướng lắm, hạnh phúc lắm! Vì thế, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, phiền não thảy đều chẳng có. Do vậy có thể biết: Những chấp trước, phân biệt, vọng tưởng, phiền não, nói thật ra, chẳng có mảy may ý nghĩa gì, đều chẳng phải là chân thật. Giống như quý vị nằm mộng, trong mộng sanh ra phiền não, trong mộng có chấp trước, hoàn toàn sai lầm, chẳng có một pháp nào là chân thật. Đây là nói tâm tánh có thể biến, bất sanh, bất diệt, chẳng đến, chẳng đi.

          (Sao) Diệu Giác địa vô sở tăng.

          ()妙覺地無所增。

          (Sao: Nơi địa vị Diệu Giác chẳng tăng).

           Diệu Giác là thành Phật. Đã thành Phật, tâm tánh có phải là rạng rỡ thêm chút nào hay không? Chẳng có! Vẫn là dáng vẻ như cũ, tuyệt đối chẳng tăng thêm tí ti nào!

          (Sao) Vô minh địa vô sở giảm.

          ()無明地無所減。

          (Sao: Nơi địa vị vô minh chẳng giảm).

           “Vô minh địa” là đọa lạc trong địa ngục A Tỳ, trong tâm tánh của quý vị có thiếu khuyết tí xíu nào hay không? Chẳng có. Giống y như chúng ta nằm mộng, gặp một giấc mộng đẹp, mộng thấy đức Phật giảng kinh, tham gia pháp hội của đức Phật. Đức Phật xoa đỉnh đầu chúng ta thọ ký, hay lắm! Tâm tánh của chúng ta có tăng thêm chút nào hay không? Chẳng có! Lại gặp một cơn ác mộng, mộng thấy rớt vào vạc dầu, lên núi đao trong địa ngục. Vào địa ngục chịu các tội khổ. Khi tỉnh giấc, tâm tánh của chúng ta có giảm thiểu tí ti nào chăng? Chẳng có! Chẳng tăng, chẳng giảm, xác thực là như vậy. Thành Phật cũng không tăng thêm một tí nào, vào địa ngục cũng chẳng giảm bớt tí nào. Đó là chân tánh, đấy mới là thật. Nếu có tăng, giảm, có đến, đi, có sanh, diệt, đấy đều chẳng phải là thật. Tâm tánh còn gọi là Chân Như, Chân (真) là chẳng giả, Như (如) là vĩnh viễn bất biến. Vĩnh viễn là tình trạng như vậy; đó là Chân Như. Chân Như chính là bản thể của hết thảy vạn pháp.

          (Sao) Trạm tịch, thường trụ, như như bất động cố.

          ()湛然常住,如如不動故。

          (Sao: Vì lặng trong, thường trụ, như như bất động).

           “Trạm” (湛) là tỷ dụ. Giống như nước rất sạch, chẳng nhiễm mảy trần. Rất tĩnh lặng, chẳng có sóng gió. Nước phẳng lặng, thanh tịnh, nhìn thấu suốt từ mặt nước đến tận đáy, rành rẽ, rõ ràng, nên gọi là “trạm nhiên” (湛然). Tỷ dụ cái tâm vốn thanh tịnh như thế. Chúng ta đã mê, hoặc là nói tâm thủy của chúng ta đã động, đã động thì chẳng thật. Chân tâm trước nay chưa hề động, trước nay chưa hề nhiễm. Hiện thời cũng chẳng nhiễm. Dẫu đọa trong tam đồ hoặc đọa địa ngục, vẫn chẳng nhiễm. Rốt cuộc những điều ấy là chuyện như thế nào? Đức Phật bảo: Đó là chuyện thuộc về vọng tâm, chẳng phải là chuyện thuộc về chân tâm. Do đã mê nên mới có chuyện này, hễ giác thì căn bản là chẳng có những chuyện này. Lời này cũng khiến cho chúng ta hết sức khó hiểu. Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật đã nêu một tỷ dụ rất thú vị. Tỷ dụ ấy khiến cho chúng ta thấu hiểu vọng cảnh vì sao là hư vọng. Đức Phật nêu một thí dụ: Ví như mắt chúng ta bị bệnh, bèn nhìn thấy quanh đèn có một quầng sáng. Quầng sáng ấy là vọng cảnh. Hễ mê bèn có huyễn tướng; đã ngộ bèn chẳng có, nơi đèn quyết định chẳng có quầng sáng. Người mê trông thấy lục đạo luân hồi, tam thiên đại thiên thế giới, chứ người ngộ bèn chẳng có.

Do đó, kinh Hoa Nghiêm nói: Chư Phật, Bồ Tát đặc biệt chiếu cố hàng Bồ Tát từ Bát Địa trở lên. Vì sao? Từ Bát Địa trở lên, tới cuối cùng các Ngài sẽ đoạn sanh tướng vô minh. Hễ đoạn được sanh tướng vô minh bèn siêu việt, đại thiên thế giới chẳng có nữa, các Ngài bèn ra đi, cũng chẳng độ chúng sanh. Đối với những vị đại Bồ Tát ấy, chư Phật Như Lai hằng ngày ở cùng chỗ với họ, thường khuyên dạy, hướng dẫn họ, mong mỏi điều gì? Họ có năng lực phá một phẩm vô minh ấy, nhưng chẳng phá. Đó là đại từ đại bi, “lưu hoặc nhuận sanh” (留惑潤生: giữ lại phiền não hòng lợi lạc chúng sanh). Chẳng phá một phẩm sanh tướng vô minh cuối cùng ấy, vẫn lưu lại trong chốn mê mộng để độ chúng sanh trong mộng. Vì đã phá một phẩm vô minh ấy, giống như tỉnh giấc mơ, mộng cảnh hoàn toàn chẳng có. Nằm mơ mà có lúc biết chính mình đang nằm mơ, nằm mơ mà chẳng cần tỉnh giấc, ở trong mộng để độ chúng sanh trong mộng. Chuyện là như vậy đó, điều này được gọi là “đại từ, đại bi”. Vị ấy vừa tỉnh giấc, bèn chẳng có nữa, hoàn toàn thoát ly những huyễn cảnh trong mộng. Vị ấy có năng lực ra đi hay không? Có năng lực! Có năng lực, nhưng chẳng thoát ly, vào trong mười pháp giới để độ chúng sanh. Đó là “đại từ đại bi, lưu hoặc nhuận sanh”, tức là chừa lại một phẩm sanh tướng vô minh, đoạn sạch tất cả hết thảy phiền não, nhưng một phẩm ấy chẳng đoạn. Phẩm ấy được gọi là Sanh Tướng, hiện tướng y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới.

Các nhà khoa học và triết gia hiện thời đều đang tìm tòi vũ trụ do đâu mà có? Vạn vật do đâu mà có? Đức Phật đã nói rõ ràng từ lâu, do sanh tướng vô minh biến hiện! Hễ có thứ ấy (sanh tướng vô minh), [vạn vật và vũ trụ] bèn biến hiện. Chẳng có thứ ấy, muôn vàn hình tượng trong thế gian này sẽ chẳng có, giác rồi ba cõi trống toang hoang!

(Sao) Nhị biên giả, hữu vô dã. Hữu bất năng sử chi trước tướng, vô bất năng sử chi lạc không. Bất đoạn, bất thường, nhị bất động cố.

()二邊者,有無也,有不能使之著相,無不能使之落空。不斷不常,二不動故。

(Sao: “Hai bên” là Có và Không. Đối với Có, nó không thể khiến cho ta chấp tướng Có. Đối với Không, nó chẳng thể khiến cho ta rớt vào cái Không. Chẳng đoạn, chẳng thường, đối với hai bên đều bất động).

          Các nhà khoa học gọi Nhị Biên là “tương đối”. Có và Không là một cặp [đối lập]. Dựa theo đó để suy rộng ra, động tĩnh là một cặp, lớn nhỏ là một cặp, dài ngắn là một cặp. Nói chung, những gì quý vị có thể tưởng tượng, có thể nói ra được, đều là tương đối. Lìa khỏi tương đối, ngôn ngữ dứt bặt, chẳng thể thốt nên lời! Bất động là vượt ngoài tương đối, vượt thoát hai bên. “Hữu bất năng sử chi trước tướng, vô bất năng sử chi lạc không” (Đối với Có, nó không thể khiến cho ta chấp tướng Có. Đối với Không, nó chẳng thể khiến cho ta rớt vào cái Không). Vượt trỗi hai bên, chẳng phải Không, chẳng phải Có. “Đoạn thường” cũng là tương đối.

          (Diễn) Hữu, vô, đoạn, thường, giai thị vọng tâm kế độ.

()有無斷常,皆是妄心計度。

(Diễn: Có, không, đoạn, thường, đều là vọng tâm so đo).

          “Kế” là kế giảo (計較: so sánh), là phân biệt; “độ” là độ lượng (度量: đo lường), tức là chấp trước. “Kế độ” là phân biệt, chấp trước.

          (Diễn) Nhược ly vọng tâm, tự vô nhất thiết pháp sai biệt chi tướng dã.

          ()若離妄心,自無一切法差別之相也。

(Diễn: Nếu lìa vọng tâm, sẽ chẳng có tướng sai biệt của hết thảy các pháp).

          Có thể thấy toàn bộ đều là do vọng tâm quấy phá. Vọng tâm sanh ra khá nhiều quan niệm sai lầm, cách nghĩ sai lầm, cách nhìn sai lầm. Tư tưởng và kiến giải sai lầm thì ngôn ngữ và tạo tác của chúng ta cũng lầm lạc theo, quả báo về sau là khổ chẳng thể nói nổi! Hoặc Nghiệp Khổ: Mê hoặc, tạo nghiệp, thọ báo, vĩnh viễn chẳng ngơi, đó là tướng luân hồi, là cái nhân của sự luân hồi. Do vậy mà có luân hồi! Chúng ta biết đạo lý này; sau đấy, quý vị mới thấu hiểu luân hồi đáng sợ. Tướng luân hồi là ngày càng đi xuống, chẳng thể tiến lên, giống như nước xoáy, càng ngày càng chìm xuống dưới, mỗi đời một kém hơn đời trước. Vì sao? Quý vị tích lũy nghiệp, nhất định là ác nghiệp nhiều, thiện nghiệp ít, đời đời kiếp kiếp tạo tác ác nghiệp nhiều, quả báo trong đời sau, kiếp sau của quý vị nhất định chẳng bằng hiện thời. Đến đời sau lại tạo ác nghiệp, đời kế tiếp lại kém hơn. Do vậy, mỗi đời một khổ hơn, mỗi đời một trầm luân hơn, đáng sợ quá! Rất khó tiến lên một tầng cao hơn.

Tình hình trên thực tế là ngày càng tệ hơn, bản thân chúng ta mỗi đời một tệ hơn đời trước. Đó là chân tướng, đấy mới là đáng sợ. Có mấy ai có thể giống như Phật pháp đã nói: Thật sự đoạn ác, tu thiện, tích lũy công đức, suốt một đời thật sự thực hiện [những điều ấy], quả báo trong đời sau sẽ tăng cao hơn đời này, đúng là đã ít lại càng ít hơn. Đại đa số, đừng nói là người thế gian, ngay cả người học Phật cũng chẳng được, đều chẳng thể nâng cao cảnh giới của chính mình, huống hồ những kẻ chẳng học Phật, những kẻ mê muội!

          Hiểu rõ trạng huống sự thật này, mới biết tầm trọng yếu của việc cầu sanh Tịnh Độ. Vì chúng ta trong một đời này, trừ pháp môn này ra, có thể nói là bất cứ pháp môn nào, tuy xét theo Lý chẳng có sai biệt, nhưng trên sự thật, nếu chúng ta tu học [những pháp môn ấy] thì có thể nói là đều chẳng thể thành tựu! Nguyên nhân ở chỗ nào? Phải đoạn phiền não. Phải đoạn Kiến Tư phiền não thì mới có thể vượt thoát lục đạo luân hồi. Nếu chẳng thể vượt thoát lục đạo luân hồi, quý vị sanh lên Sắc Giới Thiên, hoặc sanh trong Vô Sắc Giới Thiên đều vô dụng. Chỉ là thọ mạng dài lâu một chút; khi thọ mạng đã hết, vẫn phải đọa lạc, vẫn phải luân hồi! Nói cách khác, thoát tam giới là hạn mực thấp nhất. Quý vị chẳng thể vượt thoát, phiền phức sẽ to lớn. Nhưng nếu muốn vượt thoát, há có phải là dễ dàng ư?

Chẳng cần nói tới vượt thoát luân hồi, vượt thoát Dục Giới đã chẳng dễ dàng! Dục Giới gồm sáu tầng trời. Vượt khỏi Dục Giới bèn đến Sơ Thiền, Tứ Thiền có mười tám tầng trời. Đến tầng trời thứ nhất [của Sắc Giới] là Sơ Thiền, quý vị hãy xem [chính mình] có bản lãnh vượt thoát hay chăng? Trời và người trong Dục Giới có ngũ dục, tức là tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghê, có những dục vọng ấy, có ý niệm ấy, quý vị có năng lực đoạn trừ ngũ dục tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghê hay không? Chẳng có ý niệm ấy! Đừng nói là không có những sự ấy, [nếu] ngay cả ý niệm ấy cũng chẳng có thì được, quý vị có thể đạt đến Sơ Thiền Thiên, có thể vượt thoát Dục Giới. Nếu còn có ý niệm ấy, còn khởi tâm động niệm, quý vị vẫn thuộc vào Dục Giới, chẳng thể nào vượt thoát Dục Giới. Quý vị bèn biết chuyện này khó lắm! Nhất định phải biết là thật sự khó thì mới có thể khăng khăng một mực niệm Phật, mới biết pháp môn này dễ dàng, là đạo dễ hành!

Chỉ có pháp môn này đáng tin cậy. Chỉ có pháp môn này thì mới có thể cứu giúp; ngoài pháp môn này ra, chẳng có cách nào cứu được! Như vậy thì mới hoảng nhiên đại ngộ: Vì sao mười phương hết thảy chư Phật Như Lai rát miệng buốt lòng khuyên dạy chúng ta niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ? Chính vì các pháp môn khác quá khó! Quý vị hãy xem đức Phật giảng bất cứ bộ kinh nào, giảng bất cứ pháp môn nào khác, có mười phương chư Phật đến tán thán hay chăng? Trong hết thảy các kinh, chúng ta thấy: Mười phương chư Phật tán thán, chỉ có hai bộ kinh là kinh A Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ. Đấy là lòng từ bi và nguyện vọng chân thật của đức Phật, mong mỏi bọn chúng sanh khổ nạn chúng ta sẽ mau chóng thành Phật. Dưới đây, đại sư lập ra một đoạn vấn đáp.

          (Sao) Vấn: Đông thuộc Xuân sanh, ư quái vi Chấn. Chấn giả, động dã, vân hà Phật hiệu Bất Động?

          ()問:東屬春生,於卦為震。震者,動也。云何佛號不動?

(Sao: Hỏi: Phương Đông thuộc về mùa Xuân, là sanh trưởng. Xét theo Bát Quái, [phương Đông] thuộc quẻ Chấn. [Theo kinh Dịch], “quẻ Chấn là động”, cớ sao Phật hiệu là Bất Động?)

          Phương Đông, trong bốn mùa ứng với mùa Xuân; trong Bát Quái, tương ứng với quẻ Chấn. Chấn là tướng động.

          (Sao) Đáp: Dĩ thị tức động, tức tĩnh, ứng vạn biến nhi thường tịch, cố vân Bất Động. Hoa Nghiêm dĩ Đông phương vi Bất Động Trí, chánh thử ý dã.

          ()答:以是即動即靜,應萬變而常寂,故云不動。華嚴以東方為不動智,正此意也。

(Sao: Đáp: Bởi lẽ, động chính là tĩnh, tĩnh chính là động, tương ứng với muôn vàn biến hóa mà thường tịch, nên nói là Bất Động. Kinh Hoa Nghiêm coi phương Đông là Bất Động Trí chính là vì ý này).

          Ý nghĩa hết sức sâu xa, hết sức viên mãn, nói rõ chuyện “động tĩnh như một” thường được nói trong Phật pháp. Phàm phu chúng ta có phân biệt, chấp trước, đó là phiền não tập khí từ vô thỉ kiếp đến nay, chẳng hiểu rõ chân tướng. Thích Ca Mâu Ni Phật giảng kinh, thuyết pháp suốt bốn mươi chín năm, rốt cuộc là động hay bất động? Là động. Đức Phật lại còn đi khắp nơi giảng kinh, thuyết pháp. Chúng ta đọc Phật Bổn Hạnh Kinh[1], hoặc xem Thích Ca Phương Chí[2] sẽ biết Thích Ca Mâu Ni Phật dạo khắp toàn cõi Ấn Độ. Từ phía Bắc, nay là Ni Bạc Nhĩ (Nepal), Ngài xuất sanh ở nơi ấy, cho đến Tích Lan (Ceylon), hiện thời là Tư Lý Lan Kha (Sri Lanka)[3], là cực Nam của Ấn Độ, đi khắp lưu vực sông Hằng. Ngài đi khắp nơi, đến khắp nơi để giảng kinh, thuyết pháp, Ngài động! Thân động, miệng động, tâm bất động. Trong tâm chưa hề khởi tâm động niệm, trước nay chưa hề có phân biệt, chấp trước, trong động mà có bất động, trong bất động có động; vì vậy, Ngài vẫn bất động. Vì thế, Phật pháp dùng tiêu chí (logo) ấy, [tức là] dùng Pháp Luân (Ḍharmacakra) để biểu thị pháp. Pháp Luân là tròn, vành tròn là động, biểu thị sự phổ độ chúng sanh, giống như kinh Đại Thừa thường nói: Đáng nên dùng thân gì để độ bèn hiện thân ấy, tùy thuận cái tâm của chúng sanh, ứng với khả năng tiếp nhận của họ. Tâm ấy vĩnh viễn bất động, tâm vòng tròn bất động, vòng tròn là động. Vành tròn là có, tâm vòng tròn là không. Do vậy, vòng tròn biểu thị “Không và Có chẳng hai, động và tĩnh như nhau”.

          Đoạn này nhằm nói lên ý nghĩa ấy. “Tức động, tức tĩnh”, động và tĩnh đồng thời. Chúng ta học Phật phải nắm được nguyên tắc này: Trong cuộc sống hằng ngày, tâm phải thanh tịnh, tâm phải rỗng rang, trong tâm chớ nên có chút gì! Lục Tổ đại sư đã nói rất hay: “Vốn chẳng có một vật”. Tâm chúng ta chẳng rỗng rang, tâm bèn hỏng. Tâm vốn là rỗng rang, trong tâm quý vị nhồi nhét đầy nghẹt, những điều vướng mắc trong dạ quá nhiều, quá tạp, tâm bèn hỏng bét. Tâm đã hỏng, làm sao thân có thể tốt đẹp cho được? Vì thế, thân cũng có rất nhiều bệnh tật, đau đớn. Truy tìm cội nguồn thì chính là vì trong tâm quý vị có thứ này, thứ nọ.

Người tu hành, người đắc đạo, đắc đạo gì vậy? Nói thật ra, thứ gì cũng chẳng đạt được, đó mới là đắc đạo. Người đắc đạo thứ gì cũng đều chẳng đạt được; trong kinh, đức Phật đã nói rất minh bạch. Đức Phật hình dung một người thành Phật, thành Phật là đạt được gì? “Viên mãn Bồ Đề, quy vô sở đắc” (Viên mãn Bồ Đề, trở về chỗ chẳng có gì để đạt được). Chẳng đạt được gì, người ấy bèn viên mãn Bồ Đề. Hễ có gì để đạt được, Bồ Đề chẳng viên mãn. Khi nào ta chẳng có gì để đạt được, quý vị cũng sẽ viên mãn. Tâm phải rỗng rang, quyết định là chớ nên có vướng mắc. Thân phải động, thân là một cỗ máy, hễ bất động bèn rỉ sét, hễ bất động bèn hỏng. Thân phải động, tâm phải tĩnh, đó là đạo để khỏe mạnh, trường thọ. [Đó là điều] người hiện thời thích nghe nhất. Người hiện thời bảo chuyện này là hiện thực. Thật ra, hiện thời có mấy kẻ hiểu điều hiện thực này? Điều hiện thực thật sự là gì? Chính là như kinh đã nói: “Bất sanh, bất diệt, chẳng đến, chẳng đi, không tăng, không giảm”. Đó là hiện thực, mọi người đã sơ sót chuyện này. Đức Phật rát miệng buốt lòng nhắc nhở chúng ta, chúng ta vẫn coi rẻ chuyện ấy, chỉ lo dấy vọng tưởng mong cầu thân thể khỏe mạnh, trường thọ, có thể làm được hay không? Chẳng làm được! Họ đã dụng tâm sai lầm! Dụng tâm đúng, vấn đề bèn được giải quyết. Dụng tâm sai, dấy vọng tưởng, vô dụng!

“Ứng vạn biến nhi thường tịch” (Tương ứng với muôn vàn biến hóa mà thường tịch): Chư Phật, Bồ Tát đã nêu gương rất tốt đẹp cho chúng ta. Nói thật ra, cũng chỉ có thường tịch thì mới có thể ứng vạn biến. Nay chúng ta chẳng có năng lực ấy. Vì sao? Tâm chúng ta thường động, chẳng phải là thường tịch. Thường động là vọng tưởng, vọng niệm. Ý niệm sanh diệt do vọng tâm làm chủ, vọng tâm đang quấy phá. Do đó, chúng ta chẳng thể ứng phó xã hội biến hóa vô cùng trong hiện tiền. Xã hội biến đổi, lòng người biến đổi; hiện thời, làm người thật khổ! Phương pháp duy nhất là cầu sanh Tịnh Độ, có thể làm được hay không? Quyết định là có thể làm được! Tiếp đó, đại sư trích dẫn kinh Hoa Nghiêm, “dĩ Đông phương vi Bất Động Trí” (coi phương Đông là Bất Động Trí), có ý nghĩa biểu thị pháp giống như A Súc Bệ Phật trong kinh Di Đà. Hôm nay, chúng tôi giảng tới chỗ này.

 

 

[1] Bộ kinh này có tên gọi đầy đủ là Phật Bổn Hạnh Kinh, còn gọi là Phật Sở Hạnh Tán do ngài Mã Minh biên soạn, được Đàm Vô Sấm dịch sang tiếng Hán dưới thời Bắc Lương, gồm năm quyển. Tác phẩm này dùng thể loại thi ca nhằm tuyên dương những hạnh tích trong cuộc đời đức Phật nhằm hiển dương giáo nghĩa Đại Thừa.

[2] Thích Ca Phương Chí là một loại sách gần như tiểu sử của Thích Ca Mâu Ni Phật, do ngài Đạo Tuyên luật sư soạn vào đời Đường, ghi rõ những sự kiện trong cuộc đời đức Phật.

[3] Ceylon là tên gọi áp đặt của người phương Tây đối với xứ này. Thời cổ, dân bản xứ gọi đảo quốc này là İlankai, Laṃkā hoặc Lankapura, hoặc Sinhala (theo tên gọi của một vương triều cổ trên đảo này). Người Bồ Đào Nha đã gọi xứ này là Ceilão, khi viết theo âm đọc trong tiếng Anh bèn trở thành Ceylon (một số nhà nghiên cứu cho rằng chữ Ceylon bắt nguồn từ chữ Eelam trong tiếng Tamil. Từ chữ này sinh ra các biến thể như Eezham, Cilam, Chilam, Cheralam, I’la, E’lu, Seeha’la, rồi thành Cerantivu trong cổ ngữ Malayalam). Quốc gia này phải mang tên gọi là Ceylon cho mãi đến năm 1972 mới chính thức đổi tên theo tiếng địa phương là Sri Lanka (Śrī Laṃkāva, đảo cát tường, đảo thánh thiện).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *