#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 208
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm mười sáu.
(Sao) Nhược tri bản thể bất ly đương xứ, tắc phi sanh bỉ quốc, nãi sanh thử quốc nhĩ.
(鈔)若知本體不離當處,則非生彼國,乃生此國耳。
(Sao: Nếu biết bản thể chẳng lìa đương xứ thì chẳng phải là sanh về cõi kia mà là sanh trong cõi này).
Trong đoạn kinh văn này, điều cần chú ý nhất là quyết định đừng nên hiểu lầm ý nghĩa. Hiểu lầm ý nghĩa, sẽ phạm lỗi quá lớn. Hiểu lầm ý nghĩa bèn đả phá Tịnh Độ, vậy là không được rồi! “Bản thể” là nói tự tánh; tận hư không khắp pháp giới là vật do tự tánh biến hiện. Các cõi Phật trong mười phương, kể cả thế giới Cực Lạc, chẳng có gì là ngoại lệ, đều ở trong tự tánh. Vì lẽ đó, ở đây, đại sư nói “nhược tri” (nếu biết), [hàm ý] giả sử quý vị thật sự hiểu rõ: Bản thể là tự tánh, “bất ly đương xứ” (chẳng lìa đương xứ), ở ngay nơi đây trong hiện tiền là do tự tánh biến ra, mà mười phương pháp giới cũng do tự tánh biến ra. Tây Phương Tịnh Độ vẫn do tự tánh biến ra. Đó gọi là “tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ”. Tâm tánh là một, không hai, đều là vật được biến hiện bởi tâm tánh. Nói theo tự tánh, có vãng sanh hay không? Chúng tôi nêu một thí dụ. Chúng ta ví giảng đường này như phạm vi của tự tánh; nay quý vị đi từ cái bàn này sang cái bàn khác, tôi hỏi quý vị nhé: Quý vị có vãng sanh hay không? Chẳng rời khỏi tự tánh! Đấy là ý nghĩa [của đoạn kinh văn] này. Do đó, phải hiểu: Vạn pháp duy tâm, vạn pháp duy thức. Kinh Đại Thừa thường nói: “Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”, đó là dạy chúng ta chân tướng sự thật.
Do vậy, người thật sự kiến tánh, người thật sự giác ngộ, sẽ chẳng có quan niệm tương đối. Tương đối là gì? Đây kia là tương đối. Thế giới Sa Bà là cõi này, cõi kia là thế giới Cực Lạc. Đây kia là hai pháp, hai pháp chẳng phải là Phật pháp. Vì sao chẳng phải là Phật pháp? Phật pháp là pháp triệt để giác ngộ, hiểu rõ; “chẳng phải là Phật pháp” tức là quý vị còn chưa hiểu rõ, còn chưa giác ngộ, vẫn là pháp mê hoặc, điên đảo. Chỉ trong mê hoặc, điên đảo mới có hai, ba. Thật sự giác ngộ, quyết định chẳng rớt vào hai, ba. Pháp giới là Nhất Chân, tâm tánh như một, đó là chân tướng sự thật. Sau khi đã minh tâm kiến tánh, há còn có đây kia? Chẳng có quan niệm đây kia, chẳng phân biệt, chấp trước có thế giới Sa Bà và thế giới Cực Lạc.
Chúng ta hỏi: Những vị minh tâm kiến tánh có còn vãng sanh hay không? Vẫn vãng sanh! Văn Thù và Phổ Hiền đều phát nguyện vãng sanh; vì thế mới nói: “Sanh thì quyết định sanh, đi thì thật sự chẳng đi”. Giống như quý vị ở trong giảng đường này, từ cái bàn này sang cái bàn kia, quý vị đến nơi đó, diệt từ nơi đây, sanh từ nơi đó. Sanh thì quyết định sanh; đi thì thật sự chẳng đi. [Bởi lẽ], quý vị chẳng rời khỏi căn phòng này, vẫn ở nơi đây! Đừng nói là thế giới Cực Lạc và mười vạn ức cõi Phật chẳng rời khỏi tâm tánh, tận hư không khắp pháp giới cũng chẳng rời khỏi tự tánh! Vì lẽ này, Thiền Tông mới nói “nếu ai hiểu cái tâm, đại địa không tấc đất”. “Tấc đất” là gì? Là phân biệt, chấp trước của quý vị. “Không có tấc đất” là chẳng có mảy may phân biệt, chấp trước, nói lên ý nghĩa này, chẳng phải là nói một tấc đất trọn chẳng có!
Chớ nên hiểu lầm chỗ này, chớ nên nhìn bề ngoài của văn tự. “Tắc phi sanh bỉ quốc, nãi sanh thử quốc” (Tức là chẳng sanh về cõi kia, mà là sanh trong cõi này). Tu tập cả buổi, chúng ta vẫn chẳng đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, vẫn ở trong thế giới Sa Bà; [hiểu kiểu] này sẽ sanh ra hiểu lầm rất lớn, khiến cho tín tâm đối với chuyện vãng sanh bị dao động, trở thành lỗi lầm to tát. Câu này được chú giải dưới đây [như sau]:
(Diễn) “Bất ly đương xứ” giả, cổ vân: “Bất ly đương xứ thường trạm nhiên, mịch tức tri quân bất khả kiến”.
(演)不離當處者,古云:不離當處常湛然,覓即知君不可見。
(Diễn: “Chẳng lìa đương xứ”: Cổ nhân nói: ‘Chẳng lìa đương xứ thường tĩnh lặng, tìm tòi liền biết chẳng thể thấy’).
Câu này rất khó hiểu. Vì sao khó hiểu? Điều này thật sự là Phật tri Phật kiến. Kinh Bát Nhã nói “Thật Tướng của các pháp”, tức là chân tướng của hết thảy các pháp. Chân tướng là gì? Những câu kinh hình dung chân tướng rất nhiều. Chẳng hạn như Tâm Kinh nói: “Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc, Sắc chính là Không, Không chính là Sắc”, hình dung chân tướng. Đó chính là “bất ly đương xứ thường trạm nhiên”, cách nói khác nhau, nhưng ý nghĩa y hệt, cảnh giới như nhau. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Đương xứ xuất sanh, tùy xứ diệt tận” (Sanh ra ở chỗ nào, diệt tận ngay chỗ đó) cũng là ý nghĩa này. Lại nói “đương thể tức không” (ngay nơi bản thể chính là Không), vẫn là ý nghĩa này. Kinh Kim Cang nói: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”, “hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”, cũng là ý nghĩa này. Quý vị tham cứu thấu suốt, [sẽ thấy] xác thực là đương xứ thường tĩnh lặng. Phật ở chỗ nào? Ở chính ngay nơi đây. Thế giới Cực Lạc ở chỗ nào? Cũng chính là ngay nơi đây. Thế giới Hoa Tạng ở đâu? Cũng chính là ở ngay nơi đây. Tiếp đó nói: “Mịch tức tri quân bất khả kiến”, [nghĩa là] nếu quý vị muốn tìm kiếm, chắc chắn sẽ tìm chẳng thấy, vì sao? Tìm kiếm tức là quý vị khởi tâm động niệm! Đó gọi là “mở miệng liền trật, động niệm liền sai”. Quý vị khởi tâm động niệm, đến nơi đâu để tìm? Khởi tâm động niệm tức là quý vị đã biến chân tâm thành vọng tâm. Chẳng khởi tâm, không động niệm, đó là chân tâm. Do chân tâm bèn thấy cảnh giới chân thật, vọng tâm bèn thấy vọng cảnh, chẳng phải là cảnh giới chân thật. Vì lẽ đó, nói thật thà, Phật pháp chẳng thể xen tạp mảy may vọng!
Người bình phàm tu hành thật sự dụng công, đến một giai đoạn nào đó, sẽ xuất hiện vấn đề, nẩy sanh phiền phức, vấn đề mắc mứu ở chỗ nào? Nói thật thà, vẫn là do vọng tâm, chấp trước. Trước kia, khi chưa học Phật, chấp trước hết thảy các pháp là thật sự có; nay đã học Phật, vạn pháp đều không, thảy đều buông bỏ, dường như chính mình rất tự tại! Tự tại một hồi, bỗng nhiên cảm thấy lại chẳng tự tại nữa, vấn đề lại xuất hiện! Thật ra, người ấy thật sự chẳng tự tại. Vì sao? Người ấy lại chấp trước Không, lại chấp trước có tự tại, luôn luôn là phân biệt, chấp trước! Đối với tự tại, cũng chớ nên chấp trước. Hễ động một niệm, có một chấp trước, đấy là cái gốc bệnh, trọn chẳng trừ khử gốc bệnh! Chúng ta phải hiểu: Đó là cội nguồn của sai lầm. Vì vậy, học Phật thì phải dùng cái tâm bình thường để học, phải gìn giữ sự bình thường. Nói thật ra, tựa đề kinh Vô Lượng Thọ đã nêu ra rất hay: “Thanh tịnh, bình đẳng”. Trong tâm khởi niệm là cuộn sóng, là chẳng thanh tịnh, là bất bình đẳng. Kẻ ấy có vọng niệm, một niệm là một nhiễm ô, là chẳng thanh tịnh, là bất bình đẳng. Đạt đến “thanh tịnh, bình đẳng” là một niệm chẳng sanh. Nói thật thà, một niệm chẳng sanh cũng là nhiễm ô, cũng là bất bình đẳng, vì sao? Người ấy có “một niệm chẳng sanh”, cũng là phiền phức! Tôi chỉ nói tới đây, quý vị hãy thấu hiểu cặn kẽ: Hễ có “một niệm chẳng sanh” thì cũng không được. [Nếu cảm thấy] “nay ta rất thanh tịnh”, thôi rồi, quý vị chấp trước thanh tịnh, vướng mắc nơi thanh tịnh, sự thanh tịnh ấy chính là chẳng thanh tịnh, cũng không được!
Trong pháp Đại Thừa thường nêu tỏ đạo lý này. Các vị xem Lục Tổ Đàn Kinh, sẽ thấy thiền sư Ngọa Luân rơi vào đó, ngay lập tức Lục Tổ cứu Sư ra. Thiền sư Ngọa Luân nói: “Ngọa Luân hữu kỹ lưỡng, năng đoạn bách tư tưởng” (Ngọa Luân có tài khéo, đoạn được trăm tư tưởng). Có thể đoạn là gì? Sư chấp trước, hãy còn có cái để có thể đoạn, còn có cái bị đoạn. Đấy là đã không thanh tịnh, bất bình đẳng. Huệ Năng đại sư nói ngược lại: “Huệ Năng một kỹ lưỡng, bất đoạn bách tư tưởng” (Huệ Năng không tài khéo, chẳng đoạn trăm tư tưởng). Bài kệ này cứu thiền sư Ngọa Luân. Sư mắc bệnh ấy, Tổ dùng bài kệ này để cứu Sư, [sư Ngọa Luân đã phạm] sai lầm. Nếu chẳng nói tới Ngọa Luân, chỉ nói tới ngài Huệ Năng thì Huệ Năng lại sai mất rồi. Đúng là “mở miệng liền trật, động niệm liền sai”. Đó gọi là “mịch tức tri quân bất khả kiến” (tìm tòi liền biết chẳng thể thấy được). Vì vậy, chớ nên khởi tâm động niệm. Trong hết thảy vạn pháp, chẳng khởi tâm, không động niệm, mắt thấy rành mạch, tai nghe rành mạch. Trong ấy, chẳng có phân biệt, chấp trước; đó là cảnh giới Hiện Lượng. Tánh Thấy bèn thấy sắc tánh, tánh Nghe bèn nghe thanh tánh, đó chính là minh tâm kiến tánh. Vừa động niệm bèn khiến tâm trở thành thức, biến cảnh giới thành sáu trần, sự chuyển biến ấy quá nhanh chóng, chẳng biết mau hơn tốc độ của ánh chớp bao nhiêu lần! Quý vị biến chân cảnh thành vọng cảnh, biến nhất tâm thành vọng thức, đó là tạo nghiệp.
(Diễn) Hựu vân: “Âu sanh âu diệt vô phi thủy, vân lai vân khứ bất ly không”.
(演)又云:漚生漚滅無非水,雲來雲去不離空。
(Diễn: Lại nói: “Bọt nước sanh diệt vẫn là nước, mây trôi qua lại chẳng lìa trời”).
Hai câu này đều là tỷ dụ. Âu (漚) là bọt nước. Trong một ao nước, bọt nước sanh khởi hoặc diệt mất. Bọt nước sanh ra thì nó vẫn là nước. Diệt mất, cũng vẫn là nước, chẳng hề rời khỏi [nước]! Sanh và diệt là một, không hai. “Vân lai, vân khứ” (Mây trôi qua lại), chẳng rời khỏi hư không. Cõi này và Tây Phương chẳng lìa khỏi bản thể, chẳng lìa rời tâm tánh.
(Diễn) Nhược năng liễu thử, tắc sanh bỉ quốc giả, phi sanh bỉ quốc, sanh thử tự tánh An Lạc quốc dã.
(演)若能了此,則生彼國者,非生彼國,生此自性安樂國也。
(Diễn: Nếu có thể hiểu điều này thì sanh về cõi kia chẳng phải là sanh trong cõi nước ấy, mà là sanh trong cõi An Lạc nơi tự tánh).
Câu nói này là lời thật, vì sao? Tây Phương Cực Lạc thế giới do tự tánh biến hiện, chẳng phải là sanh về Tây Phương Tịnh Độ của ai khác, mà là sanh vào Tịnh Độ trong tự tánh. Nghe nói tới Tịnh Độ trong tự tánh, cũng có lẽ lại hoài nghi, rốt cuộc là Tây Phương có Tịnh Độ hay không? Tự tánh Di Đà, vậy thì Tây Phương Cực Lạc thế giới có Phật Di Đà hay không? Chúng ta có còn nên lễ Tây Phương A Di Đà Phật hay không? Có vẫn nên cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới hay không? Xưa kia, lão pháp sư Đàm Hư có một người học trò nghe Đàm lão pháp sư giảng về Tây Phương Cực Lạc thế giới, nói “duy tâm Tịnh Độ, tự tánh Di Đà”. Ông ta nghe xong, ngủ chẳng được, suy nghĩ mấy ngày rồi đến hỏi lão hòa thượng: “Đã đều là tự tánh, chúng ta có cần phải cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ nữa hay không?” Lão hòa thượng trả lời rất tuyệt, hỏi ngược lại ông ta: “Biên giới giữa tự tánh Tịnh Độ và Tây Phương Tịnh Độ là ở chỗ nào?” Ông ta nghe xong, nghĩ ngợi cả buổi, thưa: “Chẳng tìm thấy biên giới”. Tìm chẳng thấy biên giới, không phải là như một ư? Những chỗ giống như vậy dễ nẩy sanh hiểu lầm nhất. Vì thế, đoạn này chẳng dễ nói. Nếu nói ra, sẽ khiến cho quý vị nẩy sanh hiểu lầm, ngay cả Tịnh Độ cũng không tin tưởng.
(Sao) Tuy vân thập vạn ức trình.
(鈔)雖云十萬億程。
(Sao: Tuy nói là đường xa mười vạn ức [cõi nước]).
Nói đến khoảng cách giữa thế giới Sa Bà và thế giới Cực Lạc là mười vạn ức cõi Phật, nên bảo là “thập vạn ức trình”.
(Sao) Hà tằng chỉ xích động bộ, cố vị bất lao đàn chỉ đáo Tây Phương dã.
(鈔)何曾咫尺動步,故謂不勞彈指到西方也。
(Sao: Chưa từng cất bước trong gang tấc, nên nói là “chưa nhọc sức trong một cái khảy ngón tay đã đến Tây Phương”).
Có những kẻ chẳng mong vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, lại còn khuyên kẻ khác chớ nên cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, vì sao? Thế giới Tây Phương rất xa, mười vạn ức cõi Phật, khi nào mới có thể đến được? Họ khuyên quý vị cầu sanh Tịnh Độ của ngài Di Lặc. Tịnh Độ của ngài Di Lặc gần gũi, ở ngay trong tầng trời thứ tư của Dục Giới, lại còn chê bai quý vị “bỏ gần cầu xa, ngu si quá!” Họ nói chẳng sai! Vì sao chẳng sai? Có xa gần, xa gần là hai pháp, họ rớt vào hai pháp. Chúng ta cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ chẳng có xa hay gần. Chẳng có xa hay gần thì là pháp bất nhị, cõi này và phương khác là một, chẳng hai! Vì vậy, “hà tằng chỉ xích động bộ” (chưa từng cất bước trong gang tấc). “Chỉ” (咫)[1] là gần, nói cách khác, quý vị còn chưa giở một bước chân, trong khoảng một cái khảy ngón tay đã đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, vì sao? Chuyển biến cảnh giới, lập tức đến đó. Nếu chẳng phải là tự tánh diệu dụng không ngằn mé, làm sao có thể đến đó trong một niệm cho được?
Không chỉ là trong một niệm có thể đến Tây Phương, mà là một niệm trọn khắp pháp giới! Người biết sự thật này rất ít. Nếu một niệm chẳng thể trọn khắp pháp giới, Phật, Bồ Tát trong khắp pháp giới làm sao có thể biết khởi tâm động niệm của chúng ta? Có thể thấy là một niệm của chúng ta giống như làn sóng điện, ngay lập tức truyền khắp pháp giới. Vì vậy, Phật, Bồ Tát ở bất cứ góc nào trong pháp giới đều tiếp nhận làn sóng điện ấy, đều biết. Tây Phương Cực Lạc thế giới cách chúng ta mười vạn ức cõi Phật. Kinh Vô Lượng Thọ cho biết người trong cõi ấy (cõi Cực Lạc), tất cả mọi người, chẳng có một ai là ngoại lệ, hết thảy chúng sanh trong mười phương thế giới khởi tâm động niệm, họ đều biết. Quý vị hỏi vì sao họ biết ư? Do mỗi tâm niệm của chúng ta đều trọn khắp pháp giới, giống như làn sóng điện trọn khắp pháp giới. Họ khởi tâm động niệm cũng trọn khắp pháp giới, nay chúng ta chẳng biết, là vì bộ máy tiếp nhận của chúng ta bị trục trặc, chẳng nhanh nhạy. Trục trặc là gì? Trục trặc là ô nhiễm, đức Phật gọi [sự ô nhiễm ấy] là vọng tưởng, chấp trước. Do chúng ta có vọng tưởng, chấp trước, nên lục căn mới nẩy sanh trục trặc. Chỗ hơi xa một chút bèn chẳng biết, chẳng thâu nhận được. Chỗ gần cũng chẳng thâu nhận được! Quý vị ngồi ngay trước mặt tôi, trong tâm quý vị nghĩ điều gì, tôi đều không biết, bị trục trặc quá nghiêm trọng! Trừ khử vọng tưởng, chấp trước, sẽ chẳng còn trục trặc nữa, năng lực liền khôi phục, bất cứ chuyện nhỏ nhặt nào trong mười phương thế giới chúng ta đều biết rành mạch, rõ ràng.
(Sao) Như kỳ Chân Như bất thủ tự tánh, ngũ đạo tùy duyên, tắc thị cùng tử lữ bạc tha hương, ưng quy cố lý.
(鈔)如其真如不守自性,五道隨緣,則是窮子旅泊他鄉,應歸故里。
(Sao: Nếu Chân Như chẳng giữ lấy tự tánh, tùy duyên trong năm đường, sẽ là đứa con nghèo túng phiêu bạt quê người, hãy nên quay về quê cũ).
Chẳng thể không có mấy câu này. Nếu chẳng có những câu này, đoạn khai thị này của Liên Trì đại sư sẽ có khuyết điểm. Hai câu trước nói về chân tướng sự thật, là cảnh giới của bậc giác ngộ. Tuy nói với chúng ta, chúng ta chưa ngộ, người chưa ngộ thì như thế nào? Người chưa ngộ thì phải thật thà niệm Phật cầu sanh về thế giới Tây Phương. Nay chúng ta tuy hiểu một tí đạo lý, nhưng phải hiểu bất quá chỉ là một chút tri giải mà thôi, chứ công phu lẫn địa vị đều chưa đạt tới, đúng như thế đó! Vì vậy, quyết định chớ nên có tâm ngạo mạn chút nào! “Chân Như chẳng giữ lấy tự tánh” chính là mê hoặc, điên đảo, cũng là “một niệm bất giác” như Khởi Tín Luận đã nói. Một niệm bất giác là Chân Như chẳng giữ lấy tự tánh.
(Diễn) Như kỳ hạ kết khuyến.
(演)如其下結勸。
(Diễn: Từ chữ “như kỳ” trở đi là phần tổng kết lời khuyên).
Đoạn văn từ câu “như kỳ Chân Như bất thủ tự tánh” trở đi là phần kết khuyến.
(Diễn) Nhược quả năng liễu tri bản thể bất ly đương xứ, tắc cao sơn bình địa tổng Tây Phương, hà tu nguyện sanh bỉ quốc? Như cổ vân: “Chánh niệm A Di Đà Phật thời, bảo trì, thụ ảnh nhật trì trì. Cánh trì tâm niệm sanh Tây độ, hựu thị trùng tài nhãn thượng my”, thị dã.
(演)若果能了知本體不離當處,則高山平地總西方,何須願生彼國。如古云:正念阿彌陀佛時,寶池樹影日遲遲,更馳心念生西土,又是重栽眼上眉,是也。
(Diễn: Nếu thật sự có thể biết bản thể chẳng lìa đương xứ, ắt núi cao hay đất bằng đều là Tây Phương, cần gì phải nguyện sanh về cõi ấy? Như cổ nhân nói: “Ngay trong khi niệm A Di Đà Phật, ao báu, bóng cây ngày ngày cảm nhận. Tâm niệm cứ khăng khăng sanh về cõi trời Tây, chính là trên mắt gắn thêm đôi mày”, chính là ý này vậy).
Những câu này nói về bậc thật sự minh tâm kiến tánh. Người minh tâm kiến tánh mà cũng làm theo cách giống như bọn sơ học chúng ta thì gọi là “trên đầu chồng thêm cái đầu”. Đoạn này có ý nghĩa như vậy. Nhưng người minh tâm kiến tánh, những vị đại Bồ Tát như Văn Thù, Phổ Hiền trong hội Hoa Nghiêm vẫn phải phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, chẳng phải là “trên mắt gắn thêm đôi mày” ư? Có phải là trên đầu chồng thêm một cái đầu nữa, vẽ rắn thêm chân ư? Đó là đa sự! Có phải là đa sự hay không? Chẳng phải! Các Ngài đại từ đại bi, nêu gương cho kẻ chưa giác ngộ. Người thật sự giác ngộ cần gì lại đến thị hiện trong thế gian? Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện thành Phật, có ý nghĩa gì? Huống hồ lại chẳng ngừng thị hiện? Trong kinh Phạm Võng, lão nhân gia nói Ngài thị hiện thành Phật trong thế giới Sa Bà lần này là lần thứ tám ngàn, đến thị hiện trùng lặp như vậy nhằm ý nghĩa gì? Có phải là quá thừa thãi hay chăng? Chẳng phải, [Ngài đến thị hiện] nhằm tiếp dẫn chúng sanh, khơi gợi, phát khởi chúng sanh. Chính Ngài có làm hay không? Bản thân Ngài thật sự chẳng làm! Chúng ta phải hiểu điều này; đấy mới là chân tướng thật sự. Phật, Bồ Tát không làm mà làm, làm mà không làm, các Ngài đến biểu diễn cho chúng ta thấy. Tây Phương thế giới là do Phật, Bồ Tát biểu diễn, lẽ nào thế giới Hoa Tạng lại chẳng phải là biểu diễn? Thảy đều là biểu diễn. Do đó, sau khi đã ngộ, trong tâm chẳng còn có phân biệt, chấp trước nữa. Lìa phân biệt, chấp trước, há còn có cõi này và phương khác ư? Cõi này và phương khác là do phân biệt, chấp trước nên mới có. Ở đây nói “cao sơn bình địa tổng thị Tây Phương” (núi cao hay đất bằng đều là Tây Phương) chính là đạo lý này. Thật sự chẳng có phân biệt, chẳng có chấp trước, chẳng có vọng tưởng, cảnh giới là thanh tịnh, bình đẳng như một, nói lên ý nghĩa này, tức là Tịnh Độ trong tự tánh hiện tiền. Tự tánh Tịnh Độ đã hiện tiền, vẫn phải niệm Phật cầu sanh Tây Phương, đó là đại từ đại bi phổ độ chúng sanh.
(Diễn) Như kỳ Chân Như bất thủ tự tánh, ngũ đạo tùy duyên.
(演)如其真如不守自性,五道隨緣。
(Diễn: Nếu Chân Như chẳng giữ lấy tự tánh, tùy duyên trong năm đường).
Nói đơn giản, “bất thủ tự tánh” là chẳng khai ngộ, chẳng kiến tánh. Thưa cùng chư vị, giải ngộ chẳng sử dụng được! Giải ngộ là ta liễu giải những điều này rất rõ ràng, rành rẽ, và cũng có thể nói đến nỗi hoa trời rơi tán loạn, pháp nào cũng là đạo. Tuy hiểu rõ đạo lý, nhưng phiền não chẳng đoạn, tình chấp chẳng quên, chẳng phải là thật sự đoạn. Đối với tín giải hành chứng, ta chỉ làm được giải, chẳng có hành, hành là gì? Hành là thật sự đoạn phiền não; hành là thật sự tu tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng. Ta chẳng vận dụng công phu này, sẽ chẳng thể đạt đến thanh tịnh, bình đẳng, do thiếu hành! Chẳng có hành, lấy đâu ra chứng? Nói cách khác, dẫu quý vị hiểu nhiều đến mấy, vẫn là lục đạo phàm phu, quyết định chẳng thoát khỏi tam giới, chính mình phải hiểu rõ điều này. Ngàn vạn phần đừng nghĩ chính mình hiểu kinh giáo đôi chút, biết nói này nọ, [bèn vênh váo]: “Ta là Bồ Tát tái lai”, “ta là vị La Hán nào đó tái lai”, đáng kinh sợ quá! Sẽ tạo ra vô lượng vô biên tội nghiệp. Không chỉ là chúng ta chẳng thể tự nói về bản thân [như vậy], mà đối với các vị tổ sư đại đức cũng chớ nên ca tụng quá lố! Ca tụng quá lố, sẽ như pháp sư Ấn Quang đã nói: “Không phải là tô son trát phấn cho người ta, mà là đặt một đống phân lớn lên đầu họ!” Nhất là trong thời đại hiện tại, dẫu là Bồ Tát tái lai, quý vị cũng chẳng cần phải nói các Ngài là Bồ Tát tái lai. Vì sao? Vì kẻ giả mạo Phật, Bồ Tát trong thế gian này đông quá. Bồ Tát thật sự tái lai, quý vị nói ra, [kẻ khác sẽ dè bỉu]: “Gã ấy vẫn là mạo nhận y chang”, chẳng có ai tin tưởng! Sao lại khiến cho kẻ khác tạo nghiệp? Phàm phu là phàm phu, giống như diễn tuồng, ở trên sân khấu [được giao] diễn vai gì bèn diễn vai đó, chẳng cần quan tâm phía sau sân khấu [thân phận thật sự của] họ là như thế nào! Đó là dùng Sự để luận Sự, đấy là đúng. Như vậy thì sẽ giảm thiểu khuyết điểm đến mức thấp nhất.
Mê hoặc, điên đảo, bèn “ngũ đạo tùy duyên”. Ngũ đạo là lục đạo. Nói “ngũ đạo” tức là chẳng nói tới A Tu La, A Tu La ở trong đường nào bèn tính gộp vào đường ấy. Nói thông thường thì là “lục đạo”, tức là cũng coi các vị A Tu La trong cõi trời là một đạo. Nói “ngũ đạo” là đem A Tu La trong cõi trời gộp vào trong chư thiên. Thiên, nhân, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục là ngũ đạo, cũng là lục đạo luân hồi. Lục đạo luân hồi rất đáng thương!
(Diễn) Tắc thị cùng tử xả phụ đào thệ, lưu lạc tha hương.
(演)則是窮子捨父逃逝,流落他鄉。
(Diễn: Tức là đứa con nghèo túng bỏ cha trốn đi, lưu lạc chốn quê người).
Hai câu tỷ dụ này xuất phát từ kinh Pháp Hoa. “Phụ” (cha) là sánh ví Chân Như tự tánh. Nay quý vị mê mất tự tánh, giống như đứa bé mê mất gia đình, chạy ra ngoài. Nếu mong được an ổn, bình an, vẫn là ngay lập tức ngoan ngoãn trở về nhà, phải tìm đường trở về nhà! Do đã mê mất tự tánh, nên lưu chuyển trong lục đạo. Chỉ có một phương pháp thì quý vị mới có thể trở về tự tánh, phương pháp gì vậy? Cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới.
(Diễn) Tắc ưng yếm thử ngũ trược, hân bỉ Tây Phương, phát nguyện vãng sanh bất khả hoãn dã.
(演)則應厭此五濁,欣彼西方,發願往生不可緩也。
(Diễn: Tức là hãy nên chán cõi năm trược này, yêu thích cõi Tây Phương kia, phát nguyện vãng sanh, chớ nên trì hoãn!)
Lại chẳng thể trì hoãn. Trì hoãn lần này, lần sau lại gặp gỡ cơ duyên này, chẳng biết là đời nào, kiếp nào? Chuyện này rất đáng sợ! Lời khuyên cuối cùng của đại sư hay lắm, những câu kết lại lời khuyên đều là nói về trạng huống của chúng ta trong hiện thời, chúng ta hãy nên thấu hiểu thâm ý chỉ dạy của Liên Trì đại sư. “Ưng quy cố lý” (Hãy nên về quê cũ), “quê cũ” là nói tới Tây Phương Cực Lạc thế giới.
Nhị, xuất kỳ sở dĩ.
二出其所以。
(Hai, là nêu nguyên do).
Nêu rõ vì sao chúng ta phải vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Tuy chúng ta mê hoặc, điên đảo, nhưng các thế giới của chư Phật trong mười phương rất nhiều, vì sao không cầu sanh về các Tịnh Độ khác của chư Phật, cứ khăng khăng cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ, do lý do nào? Có thể thấy tầm trọng yếu của đoạn văn này. Đoạn văn này nhằm trả lời nghi vấn ấy!
(Kinh) Sở dĩ giả hà? Đắc dữ như thị chư thượng thiện nhân, câu hội nhất xứ.
(經)所以者何。得與如是諸上善人。俱會一處。
(Kinh: Vì cớ sao vậy? Được cùng với những vị thượng thiện nhân như vậy ở cùng một chỗ).
Đạo lý ở chỗ này. Ngay cả Văn Thù, Phổ Hiền, quý vị hỏi các Ngài vì sao muốn sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, cũng là do lý do này. Các cõi Phật ở phương khác tốt đẹp, nhưng chẳng có bậc thượng thiện nhân đông đảo ngần ấy! “Thượng thiện” là gì? Đẳng Giác Bồ Tát. Trong các cõi Phật ở những thế giới phương khác, Đẳng Giác Bồ Tát quá ít, hiếm hoi! Trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, Đẳng Giác Bồ Tát quá đông, khắp mọi nơi đều có. Ở chung với những vị ấy, chúng ta mới có thể chẳng bị thoái chuyển, mới có thể tiến bộ. Đó là hoàn cảnh tu học tốt nhất, đạo lý là như thế đó.
(Sớ) Thử nhiếp tiền trưng khởi, hà cố giáo nhân phát nguyện sanh bỉ, dĩ bỉ quốc thị chư thượng thiện nhân đồng hội chi xứ, đắc sanh bỉ quốc, tắc nhập như thị thắng hội. Cố đương cầu sanh.
(疏)此躡前徵起,何故教人發願生彼,以彼國是諸上善人同會之處,得生彼國,則入如是勝會,故當求生。
(Sớ: Đoạn này thâu nhiếp ý trong phần trước để gạn hỏi: Vì sao dạy người khác phát nguyện sanh về cõi ấy? Ấy là vì cõi ấy là nơi các vị thượng thiện nhân cùng tụ hội. Được sanh về cõi ấy, sẽ dự vào hội thù thắng như vậy. Vì thế, hãy nên cầu sanh).
Nêu bày trọn hết đạo lý này cho chúng ta. Trong sách Diễn Nghĩa
có chú giải. Trong lời chú giải có một câu quan trọng nhất, tức là chúng ta sẽ dự vào hội của các vị thượng thiện nhân. Chúng ta sẽ gia nhập làm hội viên của hội ấy, cùng tu một chỗ với các Ngài. Vì thế, câu cuối cùng này là câu quan trọng nhất.
(Diễn) Thượng nãi tường trần y chánh chủng chủng trang nghiêm.
(演)上乃詳陳依正種種莊嚴。
(Diễn: Trên đây đã trình bày cặn kẽ các thứ trang nghiêm nơi y báo và chánh báo).
Tiếp nối những ý về sự trang nghiêm nơi y báo và chánh báo trong Tây Phương Cực Lạc thế giới đã nói trong các phần kinh văn trên đây.
(Diễn) Cố khuyến phát nguyện cầu sanh.
(演)故勸發願求生。
(Diễn: Là để khuyên phát nguyện cầu vãng sanh).
Khuyên chúng ta phát nguyện cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới.
(Diễn) Kim xuất kỳ sở dĩ trung.
(演)今出其所以中。
(Diễn: Nay nêu ra lý do).
Trong phần trên khuyên chúng ta hãy vãng sanh; ở đây, nêu rõ nguyên nhân và đạo lý vãng sanh. Nếu quý vị hiểu rõ, [sẽ thấy] không thể chẳng vãng sanh! Tuy y báo và chánh báo trang nghiêm tốt đẹp, ta sống trong một cái chòi tranh nhỏ cũng yên tâm thoải mái, ta chẳng mong vãng sanh! Hạng người như vậy cũng rất nhiều! Quý vị có nhà cao cửa rộng sang trọng, đẹp đẽ, nguy nga, tráng lệ, nhường cho họ ở, họ chẳng muốn ở. “Quý vị cho tôi một căn nhà to, tôi không muốn ở. Vì sao? Quét dọn phiền toái quá, tôi chẳng muốn ở!” Vì thế, họ chẳng thể động tâm. Trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, y báo và chánh báo trang nghiêm, cung điện bảy báu, có rất nhiều người thấy vậy mà chẳng động tâm, vẫn chẳng muốn đến đó. Nay thấy điều này: Các vị thượng thiện nhân cùng tụ hội một chỗ, không thể nào chẳng đi!
(Diễn) Đản vân đắc dữ chư thượng thiện nhân, đồng hội nhất xứ, bất ngôn đắc thọ chủng chủng diệu lạc, duy cử chánh nhi bất cập y giả, dĩ lạc sự phi trân, thiện hữu vi trân.
(演)但云得與諸上善人,同會一處,不言得受種種妙樂,唯舉正而不及依者,以樂事非珍,善友為珍。
(Diễn: Chỉ nói “được ở cùng một chỗ với các vị chư thượng thiện nhân”, chẳng nói “được hưởng các thứ vui sướng nhiệm mầu”, chỉ nêu chánh báo mà chẳng nhắc tới y báo, vì chuyện vui chẳng quý báu, bạn lành mới là quý báu).
Tôi vừa mới nói, tuy sung sướng, nhưng có rất nhiều người vẫn không mong muốn: “Nói tới chuyện hưởng thụ, tôi thấy chẳng có gì là hay ho, hoàn toàn chẳng thích thú!” Trân bảo, chuyện vui thú hoàn toàn chẳng phải là ai cũng đều coi trọng. “Trân” (珍) là coi rất trọng! Có rất nhiều người chẳng để vào mắt, “thiện hữu vi trân” (bạn lành là quý báu), thật vậy! Một người sống trong thế gian, nói thật thà, trong một đời có thể gặp một tri kỷ, tri tâm, chẳng sống uổng phí một đời này! Suốt một đời chẳng có kẻ tri giao, đã sống uổng đời này, đúng như vậy đó! Có thể thấy bạn lành trân quý, chẳng giả tí nào, chỉ có thể gặp, chứ không thể cầu. Tiếp đó, dẫn một câu chuyện từ cổ thư:
(Diễn) Đại Học vân: “Sở quốc vô dĩ vi bảo, thế nhân thượng bất bảo châu ngọc, nhi bảo thiện nhân”. Hà huống xuất thế chi giáo, cố cử chánh nhi bất cập y dã.
(演)大學云:楚國無以為寶,世人尚不寶珠玉,而寶善人,何況出世之教,故舉正而不及依也。
(Diễn: Sách Đại Học chép: “Nước Sở chẳng coi thứ gì là quý báu, người đời chẳng quý trọng châu ngọc, mà quý trọng người lành”. Huống hồ giáo pháp xuất thế gian? Vì thế, chỉ nói tới chánh báo, chẳng nhắc tới y báo).
Người thật sự có đạo đức, có học vấn trong thế gian rất hờ hững đối với những thứ trân bảo trong cõi đời, trọn chẳng có tâm tham luyến, trông thấy mà chẳng động lòng. Quý vị kể với họ Tây Phương Cực Lạc thế giới tốt đẹp dường ấy, [họ sẽ bảo] “tôi chẳng mong hưởng thụ”, chẳng để những thứ ấy vào mắt! Nhưng nói đến thiện nhân, họ liền hoan hỷ, do coi trọng bậc thiện nhân. Pháp thế gian còn như thế, huống hồ pháp xuất thế! Vì lẽ đó, khuyên lơn ở chỗ này, dùng chuyện “thiện nhân đông đảo” để khuyến khích chúng ta, chẳng nói tới những điều khác. Y báo và chánh báo trang nghiêm như đã nói trong phần trước khiến kẻ tham cầu hưởng thụ động lòng: “Tốt đẹp dường ấy, chúng ta đi ngay lập tức!” Người đức hạnh cao, tâm địa thanh tịnh, chẳng tham cầu trân bảo, nói những chuyện trên đây, họ chẳng động tâm. Nói “chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ”, họ động tâm, cũng muốn cầu sanh thế giới Tây Phương. Đấy là mới thích hợp khắp ba căn, lợi căn lẫn độn căn thâu nhiếp hoàn toàn, thảy đều khuyên bảo.
(Sao) Trưng hữu nhị nghĩa.
(鈔)徵有二義。
(Sao: Gạn hỏi là vì có hai ý nghĩa).
“Trưng” (徵) là gạn hỏi. “Sở dĩ giả hà” là câu hỏi, [ý nói] vì sao phải khuyên quý vị vãng sanh. Trong lời nghi vấn ấy có hai ý nghĩa:
(Sao) Nhất giả, Sa Bà diệc thị Phật bang, hà tất viễn ly cố quốc?
(鈔)一者娑婆亦是佛邦,何必遠離故國。
(Sao: Một là Sa Bà cũng là cõi Phật, cớ gì cứ phải xa lìa nước cũ?)
Thế giới Sa Bà là Tịnh Độ của Thích Ca Mâu Ni Phật, nội viện của Di Lặc Bồ Tát cách chúng ta không xa. Vì sao chẳng cầu sanh trong nước mình mà qua thế giới Cực Lạc? Đây là một nghi vấn.
(Sao) Nhị giả, thập phương vô tận Phật sát, nhược vị thiên hướng Tây Phương? Cố trưng kỳ diêu.
(鈔)二者十方無盡佛剎,若為偏向西方?故徵其繇。
(Sao: Hai là mười phương cõi Phật vô tận. Vì sao thiên trọng Tây Phương? Vì thế, gạn hỏi nguyên do).
Các Tịnh Độ khác trong mười phương thế giới vô lượng vô biên, vì sao không cầu sanh trong thế giới của Đông Phương Dược Sư Phật? Vì sao cứ phải nhất định cầu sanh về Tây Phương? Dưới đây, đại sư giải đáp hai nghi vấn ấy.
(Sao) Kim dung nhi đáp chi, phục hữu tam nghĩa.
(鈔)今融而答之,復有三義。
(Sao: Nay dung hội để đáp thì lại có ba nghĩa).
Dung hợp hai vấn đề ấy để giải thích. Trong lời giải thích, có ba ý nghĩa.
(Sao) Nhất giả, hoặc hữu quốc độ, nhân, súc, quỷ, ngục chi sở cộng cư, vị tất giai nhân cố.
(鈔)一者,或有國土,人畜鬼獄之所共居,未必皆人故。
(Sao: Một là hoặc có những cõi nước là nơi người, súc sanh, quỷ, địa ngục cùng ở, chưa chắc đã đều là người).
Giống như thế giới Sa Bà, lục đạo chúng sanh sống xen tạp trong ấy, luân chuyển trong lục đạo khổ khôn kể xiết, quý vị ưa thích thế giới này hay chăng? Đấy là sự thật.
(Sao) Nhị giả, hoặc hữu quốc độ, tuy thuần nhân sở cư, vị tất giai thiện cố.
(鈔)二者,或有國土,雖純人所居,未必皆善故。
(Sao: Hai là cũng có quốc độ, tuy thuần là người cư trụ, nhưng chưa chắc đã đều là thiện nhân).
Xác thực là có những cõi Phật toàn là loài người, chẳng có ba ác đạo, mà cũng chẳng có chư thiên, nhưng những người ấy chưa chắc đều là thiện nhân. Hiện nay, chúng ta sống trong xã hội này, chỗ nào cũng đều cảm thấy chẳng an toàn, nguyên nhân ở chỗ nào? Chưa chắc đều là người lành! Đến đâu cũng đều có cướp bóc, trộm cắp, có nguy cơ đối với sanh mạng và tài sản. Xã hội Trung Hoa có kẻ ác, mà xã hội ngoại quốc cũng có người ác. Hiện thời, đi xa, có đề phòng cũng chẳng đề phòng nổi! Mỗi lần chúng ta mất hành lý, mất giấy tờ, mất tiền bạc tại phi trường, ngày nào chẳng có? Hằng ngày đều có, mỗi ngày chẳng biết đã trông thấy bao nhiêu lần! Chưa chắc đều là tốt lành, đó là một nguyên nhân.
(Sao) Tam giả, hoặc hữu quốc độ, tuy thuần thiện nhân sở cư, vị tất giai thượng thiện cố.
(鈔)三者,或有國土,雖純善人所居,未必皆上善故。
(Sao: Ba là hoặc có quốc độ, tuy thuần là người lành cư trụ, nhưng chưa chắc đã đều là bậc thượng thiện).
“Thượng thiện” là chẳng có ai cao hơn được. Thượng thiện là nói bậc Đẳng Giác Bồ Tát, không phải là nói kẻ tầm thường. Đến nơi nào để tìm thấy một thế giới toàn là bậc Đẳng Giác Bồ Tát nhóm họp? Chẳng tìm thấy! Chỉ riêng có Tây Phương Cực Lạc thế giới là câu lạc bộ của các vị Hậu Bổ Phật trong hết thảy các cõi Phật, các Ngài đều đến bên ấy. Nếu quý vị đến nơi ấy, Đẳng Giác Bồ Tát trong mười phương hết thảy các cõi Phật thảy đều gặp mặt. Di Lặc Bồ Tát trong thế giới này cũng chẳng phải là ngoại lệ, Ngài cũng ở bên đó.
(Sao) Kim viết chư thượng thiện nhân, tắc bất độc vi nhân trung chi thiện, diệc phục thiện trung chi thiện dã.
(鈔)今曰諸上善人,則不獨為人中之善,亦復善中之善也。
(Sao: Nay nói “chư thượng thiện nhân” tức là không chỉ là người lành, mà còn là người lành nhất trong các người lành).
Giảng rõ “thượng thiện” là gì? Thượng thiện là thiện nhất trong các thiện nhân.
(Sao) Như thượng sở liệt Thanh Văn, Bồ Tát, nãi chí Bổ Xứ.
(鈔)如上所列聲聞菩薩,乃至補處。
(Sao: Những vị Thanh Văn, Bồ Tát, cho đến hàng Bổ Xứ như vừa liệt kê trên đây).
Họ đều là bậc tu hành chứng quả, nên gọi là “thượng thiện”.
(Sao) Thử đẳng chư thượng thiện nhân, kim đắc vãng sanh, tức dữ câu hội nhất xứ.
(鈔)此等諸上善人,今得往生,即與俱會一處。
(Sao: Đối với các bậc thượng thiện nhân như vậy, nay đã được vãng sanh bèn liền cùng tụ hội một chỗ với họ).
Nay quý vị cũng là hễ sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới bèn ở chung với họ. Những lời tiếp theo đây là sự thật, chẳng phải là ca ngợi.
(Sao) Sở vị Quán Âm, Thế Chí, bả thủ cộng hành, Văn Thù, Phổ Hiền, thân vi thắng hữu.
(鈔)所謂觀音勢至,把手共行;文殊普賢,親為勝友。
(Sao: Đó gọi là Quán Âm, Thế Chí nắm tay nhau cùng đi, Văn Thù, Phổ Hiền đích thân làm bạn thù thắng).
Tới Tây Phương Cực Lạc thế giới, nay chúng ta thấy tượng đức Quán Âm bèn đảnh lễ Ngài, sang cõi kia, sẽ cùng Quán Âm Bồ Tát nắm tay cùng đi dạo. Quán Âm Bồ Tát là Đẳng Giác Bồ Tát, chúng ta sang bên ấy, hạ hạ phẩm vãng sanh vẫn là người hay trời, người hay trời mà có thể cùng với Bồ Tát tay cầm tay cùng nhau đi dạo. Trong các thế giới khác, chẳng thể nào có được; chỉ riêng thế giới Tây Phương là có. Có muốn sanh về đó hay chăng? Chẳng thể nào không vãng sanh! Những vị Bồ Tát ấy có khá nhiều vị là cổ Phật tái lai, đều đã thành Phật từ lâu. Hằng ngày chúng ta có thể ở chung với các vị Bồ Tát tại một chỗ, hằng ngày cùng với những vị ấy như hình với bóng chẳng rời. Quý vị ngẫm xem: Lẽ nào quý vị có thể thoái chuyển cho được? Lẽ đâu quý vị chẳng thành Phật trong một đời? Dưới đây là nêu một tỷ dụ.
(Sao) Dụ như đăng Long, dự Doanh, thế sở hy cố.
(鈔)喻如登龍與瀛,世所希故。
(Sao: Ví như lên Long Môn, dự vào Doanh Châu, hiếm có trong đời).
Đây là hai câu chuyện.
(Diễn) Đăng Long giả, Đông Hán Lý Ưng.
(演)登龍者,東漢李膺。
(Diễn: “Lên Long Môn” là nói tới Lý Ưng[2] thời Đông Hán).
Người này sống vào thời Đông Hán[3], là một vị ẩn sĩ, là người đọc sách.
(Diễn) Thượng khí tiết cô cao tuấn bạch, thiểu sở giao du.
(演)尚氣節孤高峻白,少所交游。
(Diễn: Khí tiết cao thượng, không xu nịnh, thanh khiết, ít giao du).
Có học vấn, có đạo đức, chẳng dễ dãi tiếp nhận kẻ khác, rất ít kết bạn với kẻ khác. Người có thể kết bạn với ông ta đều được người đời bội phục.
(Diễn) Nhân bị kỳ dung tiếp giả, dĩ vi đăng Long Môn vân.
(演)人被其容接者,以為登龍門云。
(Diễn: Người được ông ta chấp nhận, coi như được lên Long Môn[4]).
Khó khăn ngần ấy, ông ta có thể coi trọng quý vị là chuyện chẳng dễ dàng. Nêu lên một thí dụ như thế đó.
(Diễn) Dự Doanh giả, Đường Thái Tông khai Hoằng Văn Quán.
(演)與瀛者,唐太宗開宏文館。
(Diễn: “Dự vào Doanh Châu”: Đường Thái Tông mở Hoằng Văn Quán).
Đường Thái Tông mở Hoằng Văn Quán; đây là một sự nghiệp thuần túy văn học của Đường Thái Tông, giống như viện nghiên cứu trung ương trong hiện tại, hoặc giống như Hàn Lâm Viện trong đời sau, mời mọc văn nhân trong thiên hạ họp mặt.
(Diễn) Dĩ Đỗ Như Hối đẳng, thập bát nhân vi học sĩ.
(演)以杜如晦等,十八人為學士。
(Diễn: Chọn mười tám người như ông Đỗ Như Hối[5] v.v… làm học sĩ).
Học sĩ của Hoằng Văn Quán.
(Diễn) Nhân tiện kỳ vinh, dĩ vi Doanh Châu chi tuyển.
(演)人羨其榮,以為瀛州之選。
(Diễn: Người ta hâm mộ vinh dự ấy, coi như họ được tuyển vào Doanh Châu[6]).
Đều khá khó khăn. Nay chúng ta vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, giống như thế tục nói là “đăng Long Môn” “Doanh Châu chi tuyển”! Được trúng tuyển, vinh dự ngần ấy, đó là “thế sở hy cố” (hiếm có trong cõi đời). Trong toàn thể hư không khắp pháp giới, vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới là chuyện hiếm có, thật vậy, chẳng giả! Người học Phật tuy nhiều, có mấy ai sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới? Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới rất ít ỏi! Chẳng phải là A Di Đà Phật và các vị thượng thiện nhân cõi Tây Phương nhất định muốn nâng cao thân phận của chính mình, chẳng phải vậy; bởi lẽ, các Ngài chẳng phải là hạng người như Lý Ưng hay Đường Thái Tông. A Di Đà Phật giang rộng hai tay hoan nghênh quý vị đến đó, nhưng chính quý vị chẳng đến thì còn có cách nào nữa đây? Chọn lựa là do chính chúng ta, chẳng do A Di Đà Phật. Quyền tuyển chọn dự vào Long Môn hay Doanh Châu chẳng do chúng ta, mà do người khác [quyết định], còn thế giới Tây Phương do bản thân chúng ta, chẳng do Phật, Bồ Tát, tùy thuộc bản thân chúng ta có muốn đến đó hay không!
(Sao) Thị dĩ đại sĩ cầu đăng liên lục, huống phục phàm phu.
(鈔)是以大士求登蓮錄,況復凡夫。
(Sao: Do vậy, bậc đại sĩ còn xin ghi tên vào sổ sen, huống hồ phàm phu).
Đây cũng là một công án.
(Diễn) Trường Lô Trách thiền sư kiến liên xã.
(演)長蘆賾禪師建蓮社。
(Diễn: Thiền sư Trường Lô Trách lập liên xã).
Trong Thiền Tông có vị sau khi đại triệt đại ngộ, bèn quay về phát tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Trong Thiền Tông có khá nhiều vị đại đức tới cuối cùng trở về Tịnh Độ rất đông. Như ngài Vĩnh Minh Diên Thọ là tổ sư đời thứ sáu trong Tịnh Độ Tông, là bậc sau khi đã đại triệt đại ngộ minh tâm kiến tánh trong Thiền Tông bèn quay về Tịnh Độ. Ở đây, [ngài Trường Lô Trách] lập liên xã, mời mọc những người cùng chí hướng tu pháp môn Niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ.
(Diễn) Nhất tịch mộng nhất nhân ô cân bạch y.
(演)一夕夢一人烏巾白衣。
(Diễn: Một đêm mộng thấy một người mũ đen, áo trắng).
“Cân” (巾) là mũ[7], [‘ô cân”] là đội mũ màu đen, mặc áo trắng. Buổi tối, Ngài mộng thấy như vậy.
(Diễn) Phong mạo thanh mỹ.
(演)風貌清美。
(Diễn: Phong thái, dung mạo thanh tú, đẹp đẽ).
“Phong” (風) là phong độ, dung mạo hết sức thanh tú. [Ngài Trường Lô Trách] mộng thấy một người như vậy.
(Diễn) Ấp nhi viết.
(演)揖而曰。
(Diễn: Vái chào, thưa).
Chắp tay hành lễ, thưa với Sư:
(Diễn) Nguyện nhập liên xã khất thư nhất danh.
(演)願入蓮社乞書一名。
(Diễn: Muốn vào liên xã, xin cho ghi danh một chỗ).
Ông ta muốn ghi danh vào liên xã, mong tham gia liên xã để niệm Phật.
(Diễn) Trách vấn hà danh? Viết Phổ Huệ.
(演)賾問何名?曰普慧。
(Diễn: Ngài Lô Trách hỏi tên là gì? Thưa là Phổ Huệ).
Thiền sư liền hỏi: “Ông tên gì?” Ông ta đáp là Phổ Huệ.
(Diễn) Hựu vân gia huynh Phổ Hiền, diệc khất thư danh.
(演)又云家兄普賢,亦乞書名。
(Diễn: Lại nói: “Gia huynh là Phổ Hiền cũng xin ghi tên”).
Ông ta đã đến, lại còn ghi danh thay cho anh mình. Ông ta nói: Anh tôi tên Phổ Hiền, tôi tên Phổ Huệ.
(Diễn) Giác nhi tư Hoa Nghiêm hữu nhị Bồ Tát danh.
(演)覺而思華嚴有二菩薩名。
(Diễn: Tỉnh giấc, nghĩ tới kinh Hoa Nghiêm có tên hai vị Bồ Tát ấy).
Sư tỉnh giấc, suy nghĩ: Trong kinh Hoa Nghiêm có tên hai vị Bồ Tát ấy. Hai vị Bồ Tát ấy đều đến ghi danh.
(Diễn) Toại dĩ vi liên lục chi thủ.
(演)遂以為蓮錄之首。
(Diễn: Liền ghi tên hai Ngài đứng đầu sổ liên hữu).
Danh sách trong liên xã ấy, mở đầu bằng Phổ Hiền Bồ Tát và Phổ Huệ Bồ Tát. Bồ Tát đến ghi danh, có thể thấy trong tương lai, nhất định là liên hữu trong liên xã ấy vãng sanh đông đảo. Đó là đạo tràng thật sự. Nếu trong đạo tràng kèn cựa, đấu đá, chỉ treo chiêu bài Phật giáo, muốn gây tạo tiếng tăm, lợi dưỡng, ngũ dục, lục trần, kẻ đến ghi danh sẽ là yêu ma quỷ quái, sẽ khiến cho quý vị một mực hồ đồ! Người ta chỉ dùng cái tâm chí thành, thật sự mong cầu sanh về Tịnh Độ. Chúng ta phải đặc biệt chú ý điều này.
(Sao) Bốc cư do trạch lý nhân, thẩn vân học đạo, như tư thắng hội, khả vật nguyện dư?
(鈔)卜居猶擇里仁,矧云學道,如斯勝會,可勿願歟。
(Sao: Chọn chỗ ở còn lựa láng giềng nhân từ, huống hồ học đạo! Hội thù thắng như thế, há có thể chẳng nguyện [sanh về đó] ư?)
“Bốc” (卜) tuyệt đối chẳng phải là xủ quẻ, xem bói, xem Phong Thủy. “Bốc cư” (卜居) là chọn lựa chỗ ở, hãy nên hiểu “bốc cư” là “tuyển trạch” (chọn lựa). Chọn lựa chỗ để ở, phải chọn xem xóm giềng có thiện nhân hay không, chúng ta phải ở với thiện nhân cùng một chỗ. Hễ có thiện nhân cư trụ bèn là chỗ Phong Thủy tốt đẹp; nơi chẳng có thiện nhân tồn tại, còn nói đến Phong Thủy chi nữa? “Bốc cư do trạch lý nhân”, “lý” là “lân lý” (鄰里: xóm giềng, hàng xóm), trong chốn lân lý có bậc quân tử nhân từ hay không? Có người như vậy hay không? Chúng ta phải làm hàng xóm với bậc quân tử nhân từ. Cổ nhân tuyển chọn chỗ ở, lấy điều này làm mục tiêu. Nay thì phải dùng la bàn xem Phong Thủy, lẩn quẩn làm những chuyện ấy, nói thật thà, chưa chắc đã gặp người đạo đức, nhân từ, mà [sẽ gặp] rất nhiều yêu ma quỷ quái. Yêu ma quỷ quái tin tưởng những thứ ấy! Người ta muốn tránh dữ, hướng lành, mong tiêu tai miễn nạn, chẳng cầu từ nơi hành vi đức hạnh trong thường ngày, lại cầu quỷ thần giúp đỡ, há có lẽ ấy! Từ xưa tới nay đã có bói toán nhằm để cho chúng ta tham khảo. Nếu bói được quẻ xấu thì phải làm sao? Chính mình hãy phản tỉnh rất sâu, ta phạm những lầm lỗi nào? Sửa lỗi đổi mới là né dữ, hướng lành. Vì thế, chẳng phải là sửa ở bên ngoài, mà là sửa trong nội tâm. Sách Liễu Phàm Tứ Huấn giảng sự lý này rất rõ ràng. Người hiện thời chẳng hiểu đạo lý này, hoàn toàn sửa đổi nơi hình thức bên ngoài. Đã sửa rồi vẫn không được, vẫn là vô dụng, đáng thất bại vẫn là thất bại, đáng mất mát vẫn bị mất mát. Chúng ta thấy những chuyện như vậy rất nhiều, hãy nên biết phản tỉnh. Lại xem đoạn kế tiếp, đại sư giả lập một đoạn vấn đáp, cũng nhằm đoạn trừ nghi vấn cho chúng ta.
(Sớ) Vấn: Sanh Cực Lạc giả, kỳ loại bất nhất, hà đắc khái xưng thượng thiện?
(疏)問:生極樂者,其類不一,何得概稱上善。
(Sớ: Hỏi: Người sanh về Cực Lạc thuộc nhiều loại khác nhau, há nên nhất loạt gọi là thượng thiện?)
Điều này đích xác cũng là một nghi vấn. Người vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới rất nhiều, thiện ác cũng chẳng nhất định. Có bậc thiện nhân vãng sanh, mà cũng có kẻ ác lâm chung mười niệm vãng sanh. Nếu người vãng sanh thiện lẫn ác đều có, nhất là [pháp môn Tịnh Độ] thích hợp khắp ba căn, gồm thâu lợi căn lẫn độn căn, trên là A La Hán, Bồ Tát vãng sanh, dưới là ngạ quỷ, địa ngục cũng vãng sanh, có thể nào đều gọi họ là thượng thiện được chăng? Nêu ra câu hỏi này, chúng ta nghe thấy cũng rất có lý. Liên Trì đại sư đáp rất khéo.
(Sớ) Đáp: Dĩ giai đắc bất thoái chuyển cố.
(疏)答:以皆得不退轉故。
(Sớ: Đáp: Do đều đắc bất thoái chuyển).
“Bất thoái chuyển” là thiện hạnh của những người ấy chẳng thoái chuyển, đương nhiên có thể gọi họ là bậc thượng thiện.
(Sao) Loại bất nhất giả.
(鈔)類不一者。
(Sao: Chủng loại chẳng phải chỉ có một).
Trước hết, giải thích về chủng loại bất nhất.
(Sao) Vị hữu thánh, hữu phàm, hữu đại, hữu tiểu.
(鈔)謂有聖有凡,有大有小。
(Sao: Có nghĩa là có thánh, có phàm, có đại căn, có tiểu căn).
Có Đại Thừa, có Tiểu Thừa.
(Sao) Thượng trung hạ phẩm, phân vị trật nhiên.
(鈔)上中下品,分位秩然。
(Sao: Thượng phẩm, trung phẩm, hạ phẩm, phân chia địa vị theo trật tự rành rành).
Phân chia địa vị theo một thứ tự rành mạch, rõ ràng. Hãy nên hiểu “nhiên” (然) là rõ ràng hoặc hiểu rõ.
(Sao) Nãi lược kỳ trung hạ, khái viết thượng thiện, cố vị thử nạn.
(鈔)乃略其中下,概曰上善,故為此難。
(Sao: Do bỏ qua trung căn và hạ căn, cứ nhất loạt nói là thượng thiện, nên mới cật vấn chuyện này).
Bắt bẻ “trung hạ căn quý vị đều chẳng nhắc tới, luôn nói là thượng thiện, chẳng lẽ ai nấy đều là thượng thiện ư?”
(Sao) Kim minh chúng sanh sanh giả, giai thị A Bệ Bạt Trí.
(鈔)今明眾生生者,皆是阿鞞跋致。
(Sao: Nay nói rõ chúng sanh vãng sanh đều là A Bệ Bạt Trí).
Không riêng gì kinh Tiểu Bổn Di Đà có câu này, mà kinh Đại Bổn Vô Lượng Thọ cũng có, trong nhiều bản đều có. Chắc chắn chẳng phải là phiên dịch sai lầm, trong nhiều bản dịch khác nhau đều thấy điều này, có thể thấy lời này là thật, tuyệt đối không phải là sai lầm. Đã là A Bệ Bạt Trí thì đương nhiên là bậc thượng thiện. A Bệ Bạt Trí là tiếng Phạn, chúng ta thường dịch là từ Thất Địa trở lên. Vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới xác thực là có bốn cõi, xác thực là có chín phẩm, phẩm vị xác thực là có cao hay thấp, nhưng trí huệ, thần thông, đạo lực bằng bậc Bồ Tát từ Thất Địa trở lên, hy hữu thay! Điều này chẳng thể nghĩ bàn. Rõ ràng phàm phu, cớ sao có năng lực giống như bậc Thất Địa trở lên? Nếu chẳng phải là từ Thất Địa trở lên, há Thiên Nhãn có thể thấy thấu suốt? Há Thiên Nhĩ có thể nghe thông suốt? Túc Mạng Thông của A La Hán chỉ biết tới năm trăm đời. Năm trăm đời là giới hạn; trước năm trăm đời, Ngài sẽ chẳng biết. Năng lực của nhân, thiên trong Tây Phương Cực Lạc thế giới đều chẳng bị hạn chế, vượt trỗi A La Hán quá nhiều. Đó là những cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn, mà cũng là sự thật chẳng thể nghĩ bàn.
(Sao) Tắc cứu cánh giai thành Vô Thượng Chánh Giác, thị Phật cảnh giới, cố vô biệt dã.
(鈔)則究竟皆成無上正覺,是佛境界,故無別也。
(Sao: Cho nên rốt ráo đều thành Vô Thượng Chánh Giác, là cảnh giới của Phật. Vì lẽ đó, chẳng khác biệt gì).
Kết luận này càng hay hơn nữa. Phàm là người sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, chẳng có ai không thành Phật viên mãn trong một đời. Đã là thành Phật viên mãn trong một đời, đương nhiên có thể gọi là “thượng thiện”. Nho gia nói “chỉ ư chí thiện” (an trụ trong sự tốt lành cùng tột). Nói thật ra, đối với “chỉ ư chí thiện” như Nho gia đã nói, chỉ có trong pháp môn Tịnh Độ mới là “chỉ ư chí thiện” danh phù hợp thực. Nếu chẳng cầu sanh Tịnh Độ, “chỉ ư chí thiện” là hữu danh hoàn toàn chẳng có thực chất, chẳng làm được. Đó là lý tưởng của Nho gia, chẳng phải là sự thật; nhưng trong Tịnh Độ Tông, nó đã được biến thành sự thật, xác thực là “chỉ ư chí thiện” chân thật. Trong hết thảy các kinh, kinh nào cũng đều là tối thiện, nhưng kinh Vô Lượng Thọ và kinh Di Đà là “chỉ ư chí thiện”, đã đạt đến rồi an trụ trong đó, chẳng có gì cao hơn được! Trong tất cả các pháp môn, một câu A Di Đà Phật là chỉ ư chí thiện. Trong tất cả hết thảy các thành tựu, vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới là thành tựu điều lành “chỉ ư chí thiện”. Người niệm Phật rất đông, nhưng người hiểu rõ ràng, rành rẽ chuyện này trọn chẳng có mấy ai! Vì lẽ đó, niệm Phật mới bị ngã lòng, mới bị chuyển biến. Thường nói thông tục là đúng, sai, chân, vọng, tà, chánh, tốt, xấu đều chẳng phân biệt rõ rệt, há có cách nào ư? Người đời tầm mắt ngắn ngủi, nông cạn, chỉ nhìn bề ngoài, chẳng biết tới bên trong!
Tối hôm qua, cư sĩ Giản Phong Văn và tôi nói chuyện; hiện thời, ông ta tu hành lại tăng tấn cao hơn, mỗi lần tăng tấn luôn gặp những nỗi khó khăn, nên đến tìm tôi mong được giải đáp. Trong câu chuyện, ông ta nói có nhiều người muốn theo học với tôi, nhưng không dám đến, do hai nguyên nhân: Một là tôi không thường ở trong nước. Hai là có những người chẳng muốn đến Đồ Thư Quán. Tôi bảo ông ta: Những người ấy có muốn đến, tôi cũng chẳng mong gặp họ. Vì sao chẳng cần họ? Tu hành thì phải chịu thử thách để trừ diệt sạch trơn phiền não và tập khí, quý vị sẽ thành công. Quý vị chẳng muốn bị thử thách, còn nói đến chuyện tu hành chi nữa? Quý vị hãy tìm nơi thoải mái, ở đây, tôi chẳng cần quý vị! Tôi cũng chẳng có nhiều thời gian ngần ấy để lãng phí cùng quý vị!
Cổ nhân giáo học, quý vị đọc Thiền Lâm Bảo Huấn sẽ biết. Cổ nhân nếu coi trọng học trò, sẽ nghĩ đủ mọi cách trù dập, đả kích nó, xem nó có thể chịu đựng nổi hay không! Chịu không nổi, bỏ đi, khi trò bỏ đi, vị thầy ấy sẽ tuyệt đối chẳng đau lòng. Vì sao? Chẳng thành pháp khí được! Nhất định là người trăm lần thất bại chẳng ngã lòng thì mới thành tựu! Do đó, người hiện thời ngu si, thiếu tầm nhìn xa, thiếu trí huệ! Họ có thể học được đạo gì? Có thể thành tựu gì? Nghe băng thâu âm [những lời giảng], cứ ngỡ học như vậy bèn thành công. Pháp sư Diễn Bồi gọi [những người như vậy] là thuộc phe phái gì? Phe phái băng thâu âm! Thuộc vào phe phái băng thâu âm thì có thể học hiểu hay chăng? Chẳng thể nào! Chẳng có sư thừa, quyết định là sẽ học chẳng hiểu! Thậm chí còn có rất nhiều kẻ lấy trộm băng thâu âm, biến thành trộm pháp. Không chỉ thuộc về phe phái băng thâu âm mà còn thuộc vào phường trộm băng thâu âm, chẳng thể thành tựu! Giản cư sĩ liễu giải, hiểu biết. Hiện thời, Đồ Thư Quán của chúng ta xác thực là một đạo tràng tốt đẹp, một đạo tràng rất lý tưởng. Nếu có thể chịu nổi sự khảo nghiệm ở nơi đây sẽ rất có thành tựu. Chẳng chịu nổi khảo nghiệm, quyết định chẳng thể thành tựu. Nếu chúng tôi đối với các vị đồng tu, quý vị đến, tôi liền hoan hỷ, quý vị bỏ đi, tôi bực bội, tôi liền đọa lạc, lại biến thành phàm phu. Quý vị đến cũng thế mà đi cũng vậy, tôi quyết chẳng động tâm. Quý vị đến, tôi chiếu cố quý vị, đấy là trách nhiệm của tôi. Quý vị có thể thành tựu hay không, nói thật thà, là do Tam Bảo gia trì!
Hiện thời, sống trong xã hội như vậy, trong một xã hội phức tạp dường ấy, sức dụ dỗ, mê hoặc to mạnh ngần ấy, nếu ai có thể chống nổi sự dụ dỗ, mê hoặc, chịu đựng khảo nghiệm, nói thật thà, sẽ là bậc tái lai, chẳng phải là người thường! Chẳng phải là bậc tái lai, muốn thành tựu trong xã hội này sẽ khó hơn lên trời. Tiếng tăm, lợi dưỡng, ngũ dục, lục trần, có thể động tâm hay chăng? Hơi bị lôi kéo, dẫn dụ liền lay động, thứ gì cũng đều chẳng cần phải nói nữa! Có gì đáng bàn nữa đây? Trong cái nhìn của kẻ bình phàm, phải lập đại đạo tràng, xây chùa to lớn, hôm qua tôi đã cùng Giản cư sĩ phân tích. Tôi nói điều đó không quan trọng, chuyện quan trọng là bồi dưỡng nhân tài hoằng pháp. Có thể bồi dưỡng mấy người? Dăm ba người, tuyệt diệu lắm rồi! Quý vị còn mong ngóng bồi dưỡng rất nhiều, chính là dấy vọng tưởng. Thầy Lý ở Đài Trung bốn mươi năm, bồi dưỡng được ba học trò! Có thể gặp, chẳng thể cầu! Chẳng dễ dàng! Chúng ta hy vọng đạo tràng này có thể thành tựu ba người thì sẽ chẳng khiến cho Phật, Bồ Tát thất vọng, chẳng khiến lịch đại tổ sư thất vọng.
Hoàng lão cư sĩ cứ khuyên tôi mãi. Cụ bảo tôi hãy bớt giảng kinh, phải nghĩ cách dạy học, bồi dưỡng nhân tài kế tục. Mục tiêu là “tông thuyết câu thông”. Người có thể nói thông suốt rất nhiều, kẻ biết nói rất đông, chẳng có người thật sự tu hành! Chẳng có người tu hành chứng quả! Tu hành chứng quả là “Tông thông”. Thử hỏi, nay quý vị có nắm chắc vãng sanh hay chăng? Chẳng nắm chắc, vậy là chẳng được rồi! Nay quý vị biết giảng, đã làm được mấy phần những điều quý vị đã nói? Chẳng làm được, uổng công! Câu giáo huấn nào trong kinh điển cũng đều làm được, đó là “Tông thông”. Nay chúng ta cầu điều này, tuyệt đối chẳng cầu hình thức, tuyệt đối không cầu bề ngoài. Kẻ chẳng chịu nổi dụ dỗ, mê hoặc thì là phàm phu, không có chi là lạ, đó là một hiện tượng rất bình thường. Có thể ở trong dụ dỗ, mê hoặc mà chẳng lay động, ta biết người ấy thật sự đáng quý, trong vạn người khó có được một, hai kẻ, chúng ta phải quý trọng, phải hộ trì. Hôm nay chúng tôi giảng tới đây.
[1] Chỉ (咫) là một thước đời Châu, dài tám tấc, trong khi Xích (尺) cũng là một thước
(gồm mười tấc, chừng bằng 33cm hiện thời); do đó, “chỉ xích” có nghĩa là khoảng cách rất nhỏ, rất gần.
[2] Lý Ưng (không rõ năm sanh, mất năm 169), là người huyện Tương Thành, Dĩnh Xuyên, thuộc dòng dõi khoa bảng, cha từng làm đến chức Tướng Quốc nước Triệu. Sau khi thi đỗ Hiếu Liêm, Lý Ưng từng làm Thái Thú Thanh Châu, Ngư Dương, Thục Quận. Tính tình cương trực, khi làm phủ doãn Hà Nam, do phạt tội một tay có máu mặt ở Uyển Lăng là Dương Nguyên Quần, bị tố ngược, ông Lý bị phạt giáng chức, bị triều đình xử phạt nặng nề. May nhờ Tư Lệ Hiệu Úy Ưng Phụng biết chuyện, dâng sớ tấu trình nên Lý Ưng mới thoát tội. Khi em trai hoạn quan Trương Nhượng là Trương Sóc đang làm huyện lệnh Dã Vương cậy thế, tàn hại dân chúng, Lý Ưng bèn xử phạt thẳng tay, nên bị Trương Nhượng sàm tấu với Hán Hoàn Đế, bị bắt về kinh đô. Trước mặt vua, Lý Ưng biện luận hùng hồn, khiến cho Hán Hoàn Đế không cách nào kết tội được, phải bỏ qua. Năm Diên Thọ thứ chín (166), ông lại bị bè lũ hoạn quan vu cáo “báng bổ triều đình, kết bè đảng làm loạn”, nên bị bắt giam vào ngục, liên lụy đến hơn hai trăm người. Về sau, nhờ Giả Bưu thuyết phục ngoại thích (họ hàng bên vợ của vua) là Đậu Vũ can gián, vua mới tha tội, nhưng Lý Ưng bị cách tuột hết các chức quan. Năm Kiến Ninh thứ hai (169), do Đậu Vũ và Trần Phiên mưu sự trừ diệt bè lũ hoạn quan lộng quyền. Bọn hoạn quan xúi vua Linh Đế bắt Đậu Vũ. Đậu Vũ giao chiến cùng quân hoàng gia, thất bại, tự tử, những người thân tín của Đậu Vũ như Lý Ưng, Đỗ Mật v.v… đều bị bắt giam, phán tội chết, liên lụy hơn sáu trăm người bị giam cầm.
[3] Đông Hán (25-220) là nhà Hán phục hưng sau khi nhà Tây Hán bị Vương Mãng cướp ngôi (lập ra nhà Tân). Do nhà Tây Hán đóng đô ở Trường An, còn Đông Hán đóng đô ở Lạc Dương, nên mới gọi như vậy. Nhà Đông Hán do hậu duệ của Hán Cảnh Đế là Lưu Tú nổi dậy lật đổ nhà Tân, tái lập nhà Hán, Sử gọi Lưu Tú là Hán Quang Vũ Đế. Vua cuối cùng của nhà Đông Hán là Hán Hiến Đế (Lưu Hiệp) được Đổng Trác đưa lên ngôi lúc mới tám tuổi. Trong suốt ba mươi hai năm làm vua, Hán Hiến Đế không có thực quyền, hoàn toàn bị quyền thần khống chế. Cuối cùng, Hán Hiến Đế bị Tào Phi (con trai Tào Tháo) cướp ngôi, lập ra nhà Ngụy.
[4] Vào thời cổ, nơi Hoàng Hà có giống cá chép to, vảy vàng óng ánh, cứ mỗi độ Xuân về, chúng lũ lượt kéo nhau bơi ngược dòng, hợp nhau nhảy vượt qua ghềnh Long Môn, nhưng do nước chảy quá xiết, ít có con nào vượt nổi thác. Vì thế, cổ nhân đồn rằng con cá chép nào nhảy qua khỏi ghềnh Long Môn sẽ biến thành rồng. Tuy Trung Hoa có nhiều nơi mang tên Long Môn, nhưng các nhà khảo cứu cho rằng, Long Môn trong truyền thuyết này chính là Vũ Môn Khẩu, tức là ghềnh đá tương truyền do vua Đại Vũ trị thủy đã đục thủng bỏ lại. Ghềnh đá này nằm giữa huyện Hàn Thành tỉnh Thiểm Tây và huyện Hà Tân của tỉnh Sơn Tây.
[5] Đỗ Như Hối (585-630) là một mưu thần bậc nhất của Đường Thái Tông (Lý Thế Dân), được vua hết sức tin tưởng, trọng dụng. Ông Đỗ và Phòng Huyền Linh lắm mưu hay, kế lạ, nên người đương thời hay nói “Phòng mưu Đỗ đoán” (ông Phòng mưu tính, ông Đỗ tính toán). Khi các anh em Lý Thế Dân tranh chấp quyền hành, Thái Tử Lý Kiến Thành đã nói với Tề Vương Lý Nguyên Cát: “Trong phủ của Tần Vương Lý Thế Dân, đáng sợ nhất là Đỗ Như Hối và Phòng Huyền Linh”. Ông Đỗ làm tham mưu đã vạch ra nhiều kế sách giúp Lý Thế Dân đánh bại các tướng lãnh quân phiệt thời đó như Lưu Vũ Châu, Vương Thế Sung, Đậu Kiến Đức v.v… Do có tài văn chương, ông đưọc chọn đứng đầu trong số mười tám vị học sĩ của Hoằng Văn Quán, tức là Đỗ Như Hối, Phòng Huyền Linh, Vu Chí Ninh, Tô Thế Trường, Diêu Tư Liêm, Tiết Thâu, Chử Lượng, Lục Đức Minh, Khổng Dĩnh Đạt, Lý Huyền Đạo, Lý Thủ Tố, Ngu Thế Nam, Thái Doãn Cung, Nhan Tương Thời, Hứa Kính Tông, Tiết Nguyên Kính, Cái Văn Đạt, Tô Húc Trợ. Mười tám vị này không chỉ giỏi văn chương mà ai cũng là người có tài thao lược, có thể nói là những chiến lược gia và cố vấn đáng tin cậy nhất của Đường Thái Tông.
[6] Theo truyền thuyết, Doanh Châu là một ngọn núi nơi chư tiên ở. Thiên Thang Vấn sách Liệt Tử viết: “Phía Đông Bột Hải, chẳng biết xa mấy vạn dặm, có năm quả núi, một là Đại Dự, hai là Viên Kiểu, ba là Phương Hồ, bốn là Doanh Châu, năm là Bồng Lai, người sống ở đó đều là tiên thánh”. Chương Tần Thủy Hoàng Bổn Kỷ sách Sử Ký cũng ghi: “Người họ Từ của nước Tề dâng sớ nói ở trong biển có ba ngọn núi thần tên là Bồng Lai, Doanh Châu và Phương Trượng là nơi tiên nhân ở. Tần Thủy Hoàng tin lời, sai người ra biển kiếm núi tiên hòng cầu thuốc trường sanh bất tử”. Do những người được dự vào Hoằng Văn Quán đều được vẽ chân dung, được hoàng đế đích thân đề thơ, tán vịnh, nên người có chân trong Hoằng Văn Quán vinh dự chẳng khác nào được lên cõi tiên!
[7] Ô cân (烏巾) còn gọi là ô giác cân (烏角巾), là một loại mũ tròn, vát cạnh, không có tai (mũ cánh chuồn thì có hai tai), thường may bằng vải mỏng màu đen, hai bên có dây buộc, khi đội thường thắt hai sợi dây đó quanh trán cho khỏi tuột. Do thời cổ, Trương Hoằng không thích làm quan, thích đội ô cân, nên về sau, những người có học, có tài, nhưng không ra làm quan, thường đội Ô Cân để biểu lộ chí hướng thanh cao.