#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 119
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang hai trăm năm mươi sáu:
Nhị, Chánh Tông phần.
二、正宗分。
(Hai, phần Chánh Tông).
Trong phần trước, chúng tôi đã giới thiệu Tự Phần của kinh này, từ hôm nay trở đi, chúng ta bước vào phần Chánh Tông của kinh này. “Tự” (序) là giới thiệu, dẫn nhập, những ý nghĩa trọng yếu nhất trong một bộ kinh đều thuộc bộ phận Chánh Tông Phần này; vì thế, văn tự cũng đặc biệt nhiều, nghĩa lý được nêu bày hết sức tường tận. Trong phần Chánh Tông chia thành bốn đoạn lớn, tức bốn khoa:
1) “Sơ, tường trần y chánh linh sanh tín nhạo” (trước hết, nêu bày cặn kẽ y báo và chánh báo để [người nghe] sanh lòng tin ưa) là đoạn thứ nhất, tức khoa mục lớn thứ nhất. Bốn đoạn lớn ấy chẳng ngoài ba món tư lương là Tín – Nguyện – Hạnh. Đoạn thứ nhất trần thuật tỉ mỉ y báo và chánh báo trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. “Y báo” là hoàn cảnh sống của chúng ta, “chánh báo” là tự thân, trừ thân thể của chính chúng ta ra đều gọi là y báo; người khác là hoàn cảnh nhân sự (quan hệ giữa con người với nhau) của chúng ta. Trong hoàn cảnh có hoàn cảnh nhân sự và hoàn cảnh vật chất, thảy đều là y báo. Nói “chánh báo” là nói tới tự thân của chúng ta, đừng nghĩ hết thảy hữu tình chúng sanh đều là chánh báo, [nghĩ như thế] là sai lầm. Nếu chúng ta thật sự lý giải, thật sự hiểu rõ y báo và chánh báo của Tây Phương Cực Lạc thế giới, tự nhiên sẽ sanh tâm đại hoan hỷ!
Nói thật ra, khá nhiều đồng tu học Phật chúng ta học Phật đã nhiều năm ngần ấy, dường như ngày nào cũng lần chuỗi niệm A Di Đà Phật, nhưng có hiểu rõ y báo và chánh báo của Tây Phương Cực Lạc thế giới hay không? Chẳng hiểu rõ! Vì sao biết quý vị chưa hiểu rõ ràng? Nếu quý vị thật sự hiểu rõ, một hạt xá-lợi của Thích Ca Mâu Ni Phật khiến cho quý vị động tâm thì Thích Ca Mâu Ni Phật là đại ma vương! Vì sao? Tâm quý vị niệm lâu ngày ngần ấy, vừa mới niệm đến mức được thanh tịnh chút ít, gặp dịp này, tâm thanh tịnh của quý vị liền bị phá hoại, chẳng còn nữa, điều đó gọi là “ma cảnh hiện tiền”. Vì thế, chư Phật, Bồ Tát quyết định chẳng đến thế gian này, [bởi] đến đây chẳng có ích gì cho quý vị, nếu đến sẽ hại chết quý vị, vì sao? Quý vị chấp tướng. Phật muốn chúng ta tu gì? Muốn chúng ta tu tâm thanh tịnh, muốn chúng ta thành tựu Niệm Phật tam-muội. Các Ngài đến sẽ khiến cho chúng ta bị quấy động, [thế là] chúng ta chuyện gì cũng xôi hỏng bỏng không!
Quý vị hãy nghĩ xem, chúng tôi giảng kinh, tu học ở chỗ này nhiều năm, tâm mới an định một chút, bị hai hạt xá-lợi từ Tư Lý Lan Kha (Sri Lanka, Tích Lan) biến thành tình trạng ấy, Phật thấy chúng ta thành ra nông nỗi này sẽ ứa lệ! Đấy là điều chẳng nên! Tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, quý vị sẽ thấy chân thân của Phật, còn thấy xá-lợi gì nữa! Vì thế, người thật sự niệm Phật trong mười hai thời, giữ được sự thanh tịnh, bình đẳng của chính mình trong hết thảy cảnh duyên, đấy mới là có thể đi vào khuôn khổ. Phật lưu lại xá-lợi hoặc lưu lại chân thân, chỉ nhằm khiến cho những kẻ còn chưa tin Phật sẽ sanh khởi lòng tin, dụng ý ở chỗ này. [Đối với người] đã nhập môn, chẳng cần đến thứ ấy nữa! Đối với những kẻ chưa dấy lên lòng tin, đối với xã hội thông tục, xá-lợi rất hiếm lạ, họ đến chiêm ngưỡng, sanh khởi tín tâm. Người đã sanh tín tâm phải tiến cao hơn nữa, chớ nên chấp trước những thứ ấy, chớ nên thoái chuyển, chỉ có tinh tấn, đừng bị lui sụt! Hy vọng chư vị liễu giải ý nghĩa này.
Chánh báo của Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng thể nghĩ bàn,
thường nói là “tất thọ thanh hư chi thân, vô cực chi thể” (đều nhận lấy cái thân trong sạch, rỗng rang, bản thể vô cực), thân thể trong suốt, chẳng có tí ti ô uế nào! Đã thế, thân ấy chẳng phải có, chẳng phải không, thật sự có hình tướng, nhưng chẳng có gì để quý vị nắm bắt, giống như mây mù. Có mây hay không? Có, nhưng quý vị có thể nắm được nó hay không? Nắm chẳng được. Vì thế, nó có thể “tương tức, tương nhập”, sự sự vô ngại. Thân thể hai người có thể hợp thành một, có thể tách rời, vì sao? Chẳng có chướng ngại! Như ánh sáng, như hình bóng, vĩnh viễn bất hoại. Do vậy, đúng là Vô Lượng Thọ, chẳng phải là vô lượng trong hữu lượng, mà thật sự là vô lượng trong vô lượng. Quý vị phải chú tâm lãnh hội điều này!
Đoạn văn này chủ yếu nhằm dạy chúng ta sanh khởi tín tâm và dục vọng ưa thích đối với Tây Phương Cực Lạc thế giới, thế giới của mười phương chư Phật đều chẳng sánh bằng Tây Phương Tịnh Độ. Nơi tốt đẹp ngần ấy, chúng ta không chỉ phải đến, mà còn phải đến cho nhanh, phải sớm có ngày đến đó, người thật sự liễu giải nhất định là như vậy.
2) Đoạn lớn thứ hai, “nhị, chánh thị nguyện hạnh linh tri tu chánh” (hai, là chỉ dạy thẳng vào nguyện hạnh khiến cho [người nghe] biết tu sửa). Quý vị tin, và cũng rất ưa thích, rất hướng về, rất hâm mộ, đến đó bằng cách nào? Trong đoạn thứ hai, chánh thức chỉ dẫn, dạy quý vị phát nguyện tu hành, khiến cho quý vị biết tu như thế nào, chứng ra sao, “chứng” ở đây là vãng sanh. Vì thế, hai đoạn lớn này trọn đủ ba món tư lương Tín – Nguyện – Hạnh.
3) Đoạn lớn thứ ba, “tam, giao dẫn Phật ngôn linh đoạn nghi hoặc” (ba, trích dẫn xen lẫn lời Phật để đoạn nghi hoặc). Đoạn này là sáu phương Phật xưng tán. Liên Trì đại sư vẫn xếp đoạn kinh văn này vào phần Chánh Tông; trong Yếu Giải, Ngẫu Ích đại sư phán định từ chỗ này, [kinh văn] thuộc về phần Lưu Thông. Đó là cách phán định khác nhau của hai vị đại sư đối với kinh này, quan điểm của mỗi vị đều có lý. Trong Yếu Giải của Ngẫu Ích đại sư, phần Chánh Tông nói thật ra chính là hai đoạn trước trong phần Chánh Tông của bản kinh này. Ngẫu Ích đại sư chia hai đoạn ấy thành Tín, Nguyện, Hạnh, chia thành ba khoa ấy, phán định phần “lục phương Phật xưng tán” thuộc về phần Lưu Thông. Cách phán định của Ngài cũng có lý do rất thù thắng. Ngài nói pháp môn này “duy Phật dữ Phật phương năng cứu cánh” (chỉ có Phật và Phật mới có thể thấu hiểu rốt ráo), Đẳng Giác Bồ Tát vẫn chưa thể hiểu rõ ràng, rành rẽ pháp môn này, vì thế giới Tây Phương quá sức chẳng thể nghĩ bàn. Do vậy, người nào mới có đủ tư cách lưu thông bộ kinh này? Nói đến “lưu thông”, nếu nói theo cách bây giờ, chính là giới thiệu, vì mọi người giới thiệu, đề cao kinh này, ai có tư cách? Người đề cao, giới thiệu nhất định phải hiểu rất rõ ràng, minh bạch kinh này. Chẳng hiểu rõ ràng, cứ hồ đồ giới thiệu với người khác sẽ chẳng thể [làm được]! Vì thế, Tổ nói chỉ có Phật và chư Phật mới trọn đủ tư cách lưu thông, ý nghĩa này cũng hết sức viên mãn!
Nhưng tổ Liên Trì vẫn phán định đoạn kinh văn này thuộc về phần Chánh Tông, Ngài cũng có lý riêng. “Giao dẫn Phật ngôn”: Giao (交) là lẫn nhau, sáu phương Phật lần lượt nói, không vị Phật nào chẳng tán thán pháp môn này, không vị Phật nào chẳng hộ niệm bộ kinh này. Sau khi chúng ta đọc xong, quả thật sẽ đoạn nghi hoặc. Tuy đối với phần trước đã nói là có lòng tin ưa, nhưng quý vị chưa chắc đã [có tín nguyện] rất sâu, nay thấy mười phương chư Phật đều tán thán, tín tâm bèn tăng mạnh mẽ hơn, nguyện tâm chẳng thay đổi! Đồng thời, chúng ta cũng có thể hiểu mười phương chư Phật hóa độ chúng sanh đều giảng bộ kinh này. Căn cơ của chúng sanh trong mười phương thế giới khác nhau, hết thảy các pháp môn do chư Phật đã nói chắc chắn cũng chẳng giống nhau, nhưng hết thảy chư Phật không vị nào chẳng giảng kinh Di Đà, đấy là điều tương đồng. Hết thảy chư Phật, không vị Phật nào chẳng khuyên con người niệm Phật vãng sanh Tịnh Độ, đấy là điểm tương đồng.
Do vậy ta biết pháp môn này là pháp môn được mười phương ba đời vô lượng vô biên chư Phật cùng hoằng dương, chẳng phải chỉ riêng Thích Ca Mâu Ni Phật dạy chúng ta! Chúng ta mới hiểu pháp môn này thù thắng, pháp môn này chẳng thể nghĩ bàn. Chính mình cũng cảm thấy rất may mắn, chúng ta hữu duyên, có phước báo gặp gỡ bộ kinh này và pháp môn này trong một đời này. Có thể gặp được pháp môn này, chỉ cần chúng ta khéo y giáo phụng hành, chúng ta nhất định có thể thành tựu trong một đời này! Vì vậy, sáu phương cùng tán thán nhằm làm cho tín niệm của chúng ta kiên cố hơn!
4) Đoạn lớn thứ tư, “tứ, hỗ chương nan sự linh nhất thiết cảm phát” (bốn, lần lượt phơi bày sự khó khăn khiến cho hết thảy đều cảm kích, dấy khởi). “Hỗ chương” (互彰) là các vị Phật lần lượt nêu bày rõ ràng pháp môn này khó tin, pháp khó tin mà! Chư Phật khen ngợi Thích Ca Mâu Ni Phật có thể thị hiện thành Phật trong đời ác ngũ trược, nói pháp khó tin này. Chư Phật tán thán Thích Ca Mâu Ni Phật, Thích Ca Mâu Ni Phật cũng tán thán chư Phật. Chúng ta mới hiểu pháp này thật sự là pháp khó tin, chúng ta được gặp gỡ, có thể tin tưởng, điều này khiến cho chúng ta thật sự phát khởi đạo tâm vô thượng. Từ chỗ này ắt sẽ cảm động, thật sự phát khởi đạo tâm vô thượng. “Vô thượng Bồ Đề tâm” là tâm cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới; trong Yếu Giải, Ngẫu Ích đại sư đã nói rất rõ ràng, rất minh bạch. Nếu từ kinh văn, chúng ta thật sự cảm động mà phát tâm, tâm ấy là chân thật; nhưng chúng ta thấy các sự thật trước mắt cũng chẳng thấy giống như Liên Trì đại sư đã nói, vì sao? Ai mà chẳng mỗi ngày không niệm kinh Di Đà, có mấy ai thật sự cảm động? Vì sao chẳng thể cảm động? Tuy niệm, chẳng biết nghĩa kinh! Vì thế, tâm quý vị vẫn như như bất động, chẳng bị cảm động. Điều này thật đáng tiếc, khó trách Liên Trì đại sư phải tốn nhiều tinh thần ngần ấy để chú giải tỉ mỉ, mong sao bản chú giải này sẽ giúp cho quý vị cảm động, có thể thật sự phát tâm, thật sự phát tâm cầu sanh Tịnh Độ.
Các vị đại đức trong Tịnh Tông xưa nay, trong ngoài nước, đều dị khẩu đồng âm chỉ dạy chúng ta phải chuyên tu. Trong chuyên tu, nhất định phải giữ vững ba tín điều:
– Thứ nhất là quyết định “chẳng hoài nghi”, đoạn nghi, sanh tín. Từ khoa mục thứ ba của Liên Trì đại sư, tức “giao dẫn Phật ngôn linh đoạn nghi hoặc”, có thể thấy đoạn nghi sanh tín vô cùng trọng yếu, chẳng nghi hoặc!
– Thứ hai, “chẳng xen tạp”, điều này vô cùng khó khăn. Trong Tây Phương Xác Chỉ, Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát đã khai thị rõ ràng, Ngài nói người niệm Phật kỵ nhất là xen tạp. Xen tạp là gì? Kẻ ấy tụng kinh, đương nhiên chẳng phải là tụng Tịnh Độ tam kinh. Vì lúc Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát thị hiện, Tịnh Độ chỉ có tam kinh nhất luận, vẫn chưa có tứ kinh hay ngũ kinh, đọc tụng tam kinh nhất luận, chẳng sai, tương ứng với pháp môn này. Nếu quý vị niệm những kinh điển Đại Tiểu Thừa khác bèn gọi là xen tạp, vì sao? Chẳng chuyên! Ta niệm ba kinh này, mỗi ngày nghĩ tới A Di Đà Phật, chẳng khác gì niệm Phật! Tâm ta vẫn đặt nơi A Di Đà Phật, vẫn đặt nơi Tây Phương Cực Lạc thế giới. Ta niệm kinh Kim Cang là không được rồi! Trong kinh Kim Cang chẳng khuyên chúng ta niệm A Di Đà Phật, chẳng khuyên chúng ta cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới; vì thế, không được! Niệm Tâm Kinh cũng không được, trong Tâm Kinh từ đầu đến cuối chẳng có câu nào khuyên quý vị niệm Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Vì vậy, những thứ ấy đều là xen tạp.
Quý vị vừa tụng kinh, vừa trì chú, trì chú là xen tạp! Người niệm Phật chúng ta, niệm chú bèn niệm Vãng Sanh Chú, trong kinh Tịnh Độ có chú ấy. Chúng ta niệm chú Đại Bi, niệm chú Lăng Nghiêm, hoặc niệm Thập Tiểu Chú đều là xen tạp. Do vậy, chuyên chẳng dễ dàng! Vì quý vị có chuyên, tâm mới thanh tịnh. Trừ tụng kinh, niệm chú ra, còn tham gia pháp hội. Hễ tham gia pháp hội, tiếp xúc người khác cũng nhiều, thị phi, nhân ngã, ưu điểm của họ Trương, khuyết điểm của họ Lý, lại là một đống lớn những thứ tạp nhạp, tâm bèn loạn! Thậm chí còn tham Thiền, còn học những pháp môn khác. Lại còn nói tới những chuyện cát, hung, họa, phước chẳng quan trọng, thảy đều là xen tạp. Hễ xen tạp, tâm sẽ không chuyên, tâm chẳng chuyên, tịnh nghiệp chẳng thể thành tựu! Mọi người muốn thành tựu tịnh nghiệp, đích xác là phải giữ vững nguyên tắc này, chẳng xen tạp! Vì thế, chẳng xen tạp vô cùng khẩn yếu!
– Lại còn [điều thứ ba] là “chẳng gián đoạn”. Có thể làm được chẳng hoài nghi, chẳng xen tạp, chẳng gián đoạn, không ai chẳng thành tựu!
Tôi lại thưa cùng chư vị đồng tu, Thích Ca Mâu Ni Phật chẳng nhập Niết Bàn, Bồ Tát đã bất sanh bất diệt, lẽ đâu Phật còn có sanh diệt? Quý vị gặp Thích Ca Mâu Ni Phật, Thích Ca Mâu Ni Phật sẽ bảo quý vị: Xá-lợi của ta là giả, lừa quý vị, bởi Thích Ca Mâu Ni Phật chẳng diệt! Ở đây, tôi nói lời thật với quý vị: “Phàm những gì có hình tướng, đều là hư vọng”. Điều đó được gọi là “hoàng diệp chỉ đề” (đem lá vàng bảo là vàng ròng để dỗ cho trẻ nít khỏi khóc), chẳng phải là quý vị hiếu kỳ ư? Được rồi! Biến hiện một chút mới mẻ thích ý để dỗ dành quý vị, giống như người lớn lừa trẻ nhỏ. Lợi ích chân thật ở trong kinh điển. Vì thế, đối với Tam Bảo, lúc đức Phật chẳng trụ thế, quan trọng nhất là Pháp Bảo, chúng ta phải nên thâm nhập. “Thâm nhập kinh luận, y giáo phụng hành”, như vậy thì mới thật sự có thể cảm phát, cổ vũ phát khởi tâm Vô Thượng Bồ Đề, cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ.
Sơ, tường trần y chánh linh sanh tín nhạo.
初,詳陳依正令生信樂。
(Một, nêu bày cặn kẽ y báo và chánh báo để [người nghe] sanh lòng tin ưa).
Ở đây chia thành hai đoạn vừa.
Sơ, đối cơ. Nhị, thị pháp.
(Kinh) Nhĩ thời, Phật cáo trưởng lão Xá Lợi Phất.
初對機。二示法。
(經) 爾時佛告長老舍利弗。
(Một, là đối ứng với căn cơ. Hai là dạy pháp.
Kinh: Lúc ấy, đức Phật bảo trưởng lão Xá Lợi Phất).
Bộ kinh này rất đặc biệt, vô vấn tự thuyết, tức là không có ai khải thỉnh, đức Phật gọi tên ngài Xá Lợi Phất để nói. Xá Lợi Phất trí huệ bậc nhất trong hàng Thanh Văn. Vì sao đức Phật chẳng nói với người khác? Nói với người khác, người ấy chẳng thể tin tưởng, tín giải! Phải nói với người trí huệ bậc nhất, người ấy nghe xong sẽ có thể tin tưởng. Điều này biểu thị: Người thật sự có thể tin tưởng pháp môn này, có thể phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, nhất định trọn đủ trí huệ chân thật, là bậc thượng thượng căn.
Nay dường như chúng ta tí xíu trí huệ cũng chẳng có, nhưng chúng ta tin tưởng, chẳng hoài nghi, phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ; Phật, Bồ Tát thấy quý vị là thượng thượng căn, thật sự là kẻ có trí huệ, vì sao? Nếu chẳng phải là người thật sự có trí huệ, lẽ nào có thể chọn lựa pháp môn này trong vô lượng pháp môn? Đấy phải là sự quyết trạch bằng trí huệ. Quý vị chọn pháp môn này, tức là quý vị trúng giải đặc biệt. Giải đặc biệt chỉ có một, bị quý vị rút trúng, chắc chắn thành Phật trong một đời này. Quý vị chọn lựa pháp môn khác, chẳng thể thành Phật trong một đời! Chọn lựa pháp môn này, đời này quý vị đã được định sẵn sẽ thành Phật! Chẳng coi đó là trí huệ, thì điều gì mới được coi là có trí huệ? Nếu chẳng coi đó là thượng thượng căn, kẻ nào mới được gọi là thượng thượng căn?
(Sớ) Thử hạ văn thuộc Chánh Tông.
(疏) 此下文屬正宗。
(Sớ: Từ phần kinh văn này trở đi thuộc vào Chánh Tông).
Từ câu kinh văn này trở đi thuộc về phần Chánh Tông.
(Sớ) Dĩ tiền thị tự dẫn.
(疏) 以前是序引。
(Sớ: Những phần trước nhằm giới thiệu dẫn nhập).
Dẫn dắt để bước vào phần Chánh Tông.
(Sớ) Hậu thị Lưu Thông.
(疏) 後是流通。
(Sớ: Sau phần này là Lưu Thông).
Đây là ba phần của kinh. Lưu (流) là trôi chảy, thông suốt, truyền bá mười phương. Thông (通) là thông đạt, chẳng có chướng ngại, thông đạt ba đời. Vì đức Phật thuyết pháp với bổn nguyện muốn lợi ích mười phương ba đời hết thảy chúng sanh; do vậy, kinh điển nhất định phải được lưu thông. Nay chúng ta thấy có nhiều chỗ chẳng đúng pháp, phía sau kinh điển có in trang giữ bản quyền, “sở hữu bản quyền, in lại ắt truy cứu trách nhiệm”, điều đó có nghĩa là chớ nên lưu thông, chỉ riêng ta có thể lưu thông, người khác chẳng được phép lưu thông! Hễ có ý niệm ấy, dẫu kẻ ấy niệm Phật giỏi giang, tâm niệm thanh tịnh cách mấy, trong tương lai sẽ sanh về đâu? Sanh về địa ngục A Tỳ, chẳng thể sanh trong nhân thiên! Kẻ ấy giới luật tinh nghiêm, tâm địa thanh tịnh, vẫn chẳng thể vãng sanh, chẳng thể sanh trong nhân thiên, vì sao? Chướng ngại đại pháp lưu thông, đoạn huệ mạng của hết thảy chúng sanh, tội ấy to lớn! Vì vậy, các đồng tu chúng ta phải đặc biệt chú ý điều này. Nếu nói tác phẩm này tốt đẹp, chỉ riêng chúng ta lưu thông, chẳng cho người khác lưu thông; nói cách khác, quý vị đã tạo nghiệp địa ngục! Quý vị trái nghịch bổn nguyện của hết thảy chư Phật, xung đột với bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật, bốn mươi tám nguyện của người ta, nguyện nào cũng đều độ chúng sanh, còn quý vị nguyện nào cũng chẳng cho phép kẻ khác độ chúng sanh, như vậy thì làm sao được! Vì thế, tội lỗi này đúng là vô lượng vô biên!
Ở đây, tôi đặc biệt nhắc nhở các đồng tu, thậm chí đối với những băng thâu âm của chúng ta cũng giống như vậy, có thể giúp cho kẻ khác tin hiểu thì đều phải phát tâm chân thật giúp kẻ khác. Chớ nên nói những thứ này tôi giữ bản quyền, tôi muốn được hưởng bao nhiêu lợi ích, thôi rồi! Cổ nhân gọi [kẻ làm như vậy] là “buôn bán Như Lai”, coi Phật pháp như thương phẩm để buôn bán, chẳng thể được! Do vậy, nay chúng ta thấy rất nhiều kẻ gây tạo tội nghiệp mà chẳng biết! Cận đại có những kẻ bảo “khai miếu điếm” (mở chùa để buôn bán), chẳng thể bảo người ta nói như vậy là bịa đặt, hủy báng, quả thật là có những kẻ đang làm như thế! Tôi thường nghe người ta nói, hiện thời làm nghề nghiệp ấy, trong các thứ nghề nghiệp, lợi lộc tốt nhất là mở chùa để kinh doanh! Lại chẳng cần phải đóng thuế, kinh doanh rất tốt đẹp, thâu nhập cũng khá lắm, cuộc sống rất thoải mái, giàu có! Nhưng quý vị hưởng thụ bất quá cũng là vài chục năm, sau đấy sợ rằng đọa trong địa ngục A Tỳ trăm ngàn vạn kiếp chẳng thoát khỏi! Cớ sao con người cứ phải làm chuyện xuẩn ngốc ấy? Chúng ta phải đặc biệt đề cao cảnh giác điều này.
(Sớ) Duy thử vi nhất kinh sở tông chi chánh nghĩa dã. “Nhĩ thời” giả, đương bỉ lục chủng thành tựu Thời dã. “Phật cáo” giả, kinh vô phát khởi, Phật tự thuyết cố. Lương diêu thử kinh, cứu thế tối cấp, bất sĩ thỉnh cố.
(疏)唯此為一經所宗之正義也。爾時者,當彼六種成就時也。佛告者,經無發起,佛自說故。良繇此經,救世最急,不俟請故。
(Sớ: Đây chính là phần ý nghĩa chánh yếu được đề cao bởi một kinh. “Nhĩ thời” là Thời [thành tựu] trong sáu thứ thành tựu. “Phật cáo”: Kinh không có ai phát khởi, do đức Phật tự nói. Ấy là vì kinh này cứu thế cấp thiết nhất nên chẳng đợi người khác khải thỉnh).
Đức Phật thấy nhân duyên đã chín muồi, nhân duyên đã chín muồi là gì? Đức Phật có Tha Tâm Thông, biết rằng [nếu Ngài] nói ra pháp môn này sẽ có người tin tưởng, có người có thể hiểu, có người chịu phát nguyện niệm Phật vãng sanh, đó là cơ duyên chín muồi. Chẳng cần phải thỉnh, chẳng cần người ta đến lễ thỉnh, đức Phật tự nói ra, có thể thấy tâm độ sanh cấp thiết, mong mỏi quý vị thành Phật ngay lập tức! Phàm phu thành Phật chỉ có pháp môn này! Không chỉ phàm phu thành Phật, mà Bồ Tát thành Phật cũng chỉ có mình pháp này. Từ kinh Hoa Nghiêm chúng ta thấy “Thập Địa Bồ Tát thỉ chung bất ly niệm Phật” (Thập Địa Bồ Tát từ đầu tới cuối chẳng rời niệm Phật), vì sao? Chỉ có niệm Phật mới thành Phật. Quán Kinh dạy rất hay: “Thị tâm tác Phật, thị tâm thị Phật” (tâm này làm Phật, tâm này là Phật). Tâm chúng ta niệm Phật là tâm đang làm Phật, tâm làm Phật thì mới có thể thành Phật, đạo lý ở chỗ này!
(Sao) Phàm ngôn “nhĩ thời”, tất thượng hữu duyên khởi.
(鈔) 凡言爾時,必上有緣起。
(Sao: Hễ nói “nhĩ thời” thì trước đó ắt có duyên khởi).
Hễ trong kinh dùng chữ này, trong phần trước nhất định có “duyên khởi”. Sáu món thành tựu trong phần trước của pháp hội là duyên khởi.
(Sao) Cố vân đương bỉ thời dã.
(鈔) 故云當彼時也。
(Sao: Nên nói “ngay trong lúc ấy”).
Nhằm khi ấy!
(Sao) Phật tự thuyết giả, chư kinh giai hữu Thông Biệt nhị tự.
(鈔) 佛自說者,諸經皆有通別二序。
(Sao: “Phật tự nói”: Các kinh đều có hai phần Thông Tự và Biệt Tự).
Giống như trong kinh Vô Lượng Thọ có phần Phát Khởi Tự, đầu tiên là đức Phật phóng quang hiện tướng lành, ngài A Nan trông thấy hết sức kinh hỷ (kinh ngạc, hoan hỷ), lúc đó mới thỉnh giáo, phát khởi như thế đó! Kinh này chẳng có, mà do Thích Ca Mâu Ni Phật trực tiếp bảo cho chúng ta biết về Tây Phương Cực Lạc thế giới, khuyên chúng ta hãy niệm Phật vãng sanh.
(Sao) Thông tắc Chứng Tín, Biệt tắc Phát Khởi. Như Pháp Hoa, tắc bạch hào phóng quang, khải Nhất Thừa chi giáo.
(鈔)通則證信,別則發起。如法華,則白毫放光,啟一乘之教。
(Sao: Thông Tự là Chứng Tín Tự, Biệt Tự là Phát Khởi Tự, như kinh Pháp Hoa, bạch hào phóng quang, mở đầu giáo pháp Nhất Thừa).
Trong kinh Pháp Hoa có phần Phát Khởi. Trong hội Pháp Hoa, đức Phật “tiên phóng bạch hào tướng quang, chiếu vạn bát thiên độ” (trước hết phóng quang minh từ tướng lông trắng giữa hai mày, chiếu sáng một vạn tám ngàn cõi nước), [tức là chiếu sáng] một vạn tám ngàn cõi Phật rồi mới bảo ngài Xá Lợi Phất: “Chư Phật trí huệ, thậm thâm vô lượng. Thập phương Phật độ trung, duy hữu Nhất Thừa pháp, vô nhị, diệc vô tam, trừ Phật phương tiện thuyết” (Trí huệ của chư Phật rất sâu vô lượng, trong các cõi Phật khắp mười phương, chỉ có pháp Nhất Thừa, không hai, mà cũng không ba, trừ phi đức Phật nói phương tiện). Có thể thấy nói Tam Thừa hay Ngũ Thừa đều là đức Phật nói phương tiện, chứ chân thật chỉ có một Phật Thừa. Do vậy, Tây Phương Cực Lạc thế giới chỉ có pháp Nhất Thừa, chẳng có Nhị Thừa hay Tam Thừa. Đó là nhân duyên phát khởi của kinh Pháp Hoa.
(Sao) Duy Ma.
(鈔) 維摩。
(Sao: Kinh Duy Ma).
Là kinh Duy Ma Cật.
(Sao) Tắc Tỳ Da thị tật, khai Bất Nhị chi đàm.
(鈔) 則毗耶示疾,開不二之談。
(Sao: Thị hiện bị bệnh nơi thành Tỳ Da Ly để mở ra cuộc bàn luận về pháp môn Bất Nhị).
[Sách Diễn Nghĩa giảng]: “Duy Ma cư sĩ ư Tỳ Da Ly thành, hiện thân hữu tật” (Cư sĩ Duy Ma thị hiện bị bệnh tại thành Tỳ Da Ly). Đại thành Tỳ Da Ly (Vaiśālī )[1] là nơi cư sĩ Duy Ma thuyết pháp thuở ấy. Ngài thuyết pháp, giả bệnh, tiếng đồn lan truyền cư sĩ Duy Ma mắc bệnh, mọi người đều muốn đến thăm bệnh. Thích Ca Mâu Ni Phật biết cư sĩ Duy Ma bị bệnh, liền sai các đệ tử như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ma Ha Ca Diếp và các vị đại Bồ Tát cùng tới thăm cư sĩ Duy Ma. Đến chỗ cư sĩ Duy Ma, nếu quý vị đọc kinh Duy Ma đều biết, những vị đệ tử Phật ấy đều là bậc xuất gia A La Hán, thấy cư sĩ Duy Ma cũng đều đảnh lễ ba lạy, nhiễu quanh cư sĩ Duy Ma ba vòng, chẳng khác gì lễ tiết khi gặp đức Phật!
Hiện thời Phật pháp suy vi, suy đến mức cuối cùng sẽ bị diệt vong. Vì sao bị suy vi, diệt vong? Phật môn chẳng đúng pháp. Vì sao chẳng đúng pháp? Hiện thời, vừa xuất gia, khoác lấy loại y phục này bèn tự tôn, tự đại, ta đã xuất gia, người tại gia đều phải hướng về ta đảnh lễ, đều phải xá chào ta. Chẳng biết so với kẻ tại gia, người xuất gia phải đọa địa ngục nhiều hơn người tại gia tới chín mươi chín phần trăm! Vì vậy, tôi chẳng sốt sắng khuyên kẻ khác xuất gia! Ngay cả các vị đến quy y, tôi đều nói rất rõ ràng: Nếu quy y chẳng đúng pháp, quý vị quy y trong địa ngục A Tỳ! Ngay cả quy y mà còn như vậy, huống gì xuất gia! Vì sao nói quy y sẽ quy y vào địa ngục A Tỳ? “Ta quy y vị pháp sư X…”, “pháp sư X… là thầy của ta”, quý vị bèn đọa địa ngục A Tỳ. Vì quý vị quy y là quy y Tam Bảo, chẳng phải quy y một pháp sư nào đó, vị pháp sư ấy chỉ chứng minh cho quý vị mà thôi! Quý vị cho rằng vị này là sư phụ ta, vị kia chẳng phải là sư phụ ta, sự hòa hợp của Tăng đoàn bị quý vị phân hóa! Quý vị làm sự nghiệp gì vậy? Phá hòa hợp Tăng! Quý vị hãy kiểm xem trong giới luật, “phá hòa hợp Tăng” là tội gì? Phá hòa hợp Tăng là tội Ngũ Nghịch, đọa địa ngục A Tỳ. Vì thế, trong tâm của người thọ quy y [phải nghĩ] ta quy y Tam Bảo, chỉ cần là người xuất gia đều là sư phụ của ta, bình đẳng như nhau, chẳng có phân biệt, Tăng đoàn ấy mới là Tăng đoàn hòa hợp, đấy mới là Tăng đoàn của Như Lai. Ngày nay chúng ta chẳng nhìn thấy [điều ấy]!
Mỗi vị pháp sư [thường nói] “đây là đồ đệ của ta, ta có bao nhiêu đệ tử quy y”, biến thành một đảng, một phái, một phạm vi thế lực, một bè lũ của chính mình, trong tương lai cả thầy lẫn trò đều phải đọa lạc! Người xuất gia kiêu căng, ngã mạn. Chư vị hãy suy nghĩ: Phật pháp là phải phá phiền não, phải đoạn phiền não! Ngã mạn là đại phiền não, sau tham, sân, si là mạn; không chỉ chẳng thể đoạn mạn, mà còn tăng trưởng! Chưa xuất gia, tâm ngã mạn còn nhỏ một chút, sau khi xuất gia bèn rất đáng sợ, tâm ngã mạn tăng trưởng! Chưa xuất gia, phiền não ít, nhẹ, có thể vãng sanh, có thể tu hành tốt đẹp, nên vãng sanh đều có tướng lành rất tốt đẹp. Vừa xuất gia, phiền não tăng trưởng, đâm ra dễ nổi nóng; vì thế, đều vãng sanh vào tam ác đạo! Tôi nói với mọi người câu nào cũng là lời chân thật!
Trong các vị Bồ Tát có một vị là Thường Bất Khinh Bồ Tát, tôi nghĩ các vị xem kinh Pháp Hoa đều thấy phẩm Thường Bất Khinh Bồ Tát. Đại khái, vị Bồ Tát này tâm ngạo mạn quá nặng, nên Ngài dùng phương pháp “lễ kính chư Phật” để đoạn trừ tâm ngạo mạn. Trông thấy bất cứ ai, Ngài đều đến đảnh lễ, xưng tán. Vì sao? Đoạn trừ sự kiêu căng, ngã mạn của chính mình. Thấy hết thảy chúng sanh Ngài đều đảnh lễ, Thường Bất Khinh Bồ Tát cũng là Đẳng Giác Bồ Tát! Chẳng có Bồ Tát kiêu căng, ngã mạn, mà cũng chẳng có Phật kiêu căng, ngã mạn. Chúng ta thấy các vị thiện tri thức thuộc bốn mươi mốt địa vị trong kinh Hoa Nghiêm, không vị nào chẳng tự khiêm, tôn kính người khác. Tự mình khiêm hư, tôn trọng người khác, xưng tán người khác; bởi lẽ, điều thứ nhất trong đức hạnh của Phổ Hiền đại sĩ là “lễ kính chư Phật”. Bản thân chúng ta tu hành nhất định phải hiểu rõ, nhất định phải làm được điều này!
Nếu có mảy may ý niệm khinh mạn người khác, sự vãng sanh của
chúng ta sẽ bị chướng ngại, vì sao? Tây Phương Cực Lạc thế giới không có ai chẳng tu hạnh Phổ Hiền. Từ kinh Vô Lượng Thọ chúng ta thấy “hàm cộng tuân tu Phổ Hiền đại sĩ chi đức” (đều cùng tuân tu đức của Phổ Hiền đại sĩ), đều là tu hạnh Phổ Hiền. Phàm ai có thể vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, thưa chư vị, đều gọi là Phổ Hiền Bồ Tát. Kinh Hoa Nghiêm nói Phổ Hiền Bồ Tát có ba loại:
– Đương vị Phổ Hiền là Đẳng Giác Bồ Tát.
– Đạo hậu Phổ Hiền đã thành Phật, thả chiếc bè Từ, lui xuống (thị hiện) địa vị Bồ Tát.
– Đạo tiền Phổ Hiền, tức là hàng Pháp Vân Địa cho đến chúng ta là kẻ sơ phát tâm trong hiện tại.
Chỉ cần chúng ta tu mười đại nguyện vương, hành theo mười đại nguyện vương, quý vị là Phổ Hiền Bồ Tát. Do vậy, có thể nói Tây Phương Cực Lạc thế giới là thế giới thuần nhất Phổ Hiền Bồ Tát.
Cũng chính vì lẽ đó, trong niên hiệu Hàm Phong đời Thanh, cư sĩ Ngụy Nguyên gộp Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện Phẩm vào Tịnh Độ tam kinh, trở thành Tịnh Độ tứ kinh. Ông ta nói rất có lý, chẳng phải là nói tùy tiện, quả thật có căn cứ, dựa trên [sự kiện] cuối kinh Hoa Nghiêm “mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc” và dựa trên kinh Vô Lượng Thọ “giai tuân Phổ Hiền đại sĩ chi đức” (đều tuân thủ đức của Phổ Hiền đại sĩ). Vì thế, ông ta nhận định Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm đối với Tây Phương Tịnh Độ vô cùng trọng yếu. Thời đầu Dân Quốc, Ấn Quang đại sư đem Đại Thế Chí Viên Thông Chương ghép vào sau bốn bộ ấy, trở thành Tịnh Độ ngũ kinh. Ngũ kinh nhất luận là điển tịch Tịnh Độ hoàn bị nhất, chúng ta chỉ cần đọc tụng những kinh điển ấy là đủ rồi, nhưng chúng ta nhất định phải hư tâm (trống lòng).
Thuở ấy, ngài Duy Ma là cư sĩ, tuy là cư sĩ nhưng Ngài giảng kinh, thuyết pháp mỗi ngày; vì thế, quý vị phải hiểu, trong Phật môn, quý vị đọc tác phẩm Nội Học Viện Huấn của Âu Dương Cánh Vô, quý vị hãy đọc kỹ lưỡng, ông ta chỉ trích thói xấu trong Phật môn thời Mạt Pháp, mọi người chẳng coi trọng pháp, mà coi trọng hình thức, chỉ cần hễ xuất gia, mặc loại y phục ấy, bèn coi trọng hình thức, chẳng coi trọng pháp. Sau khi đức Phật diệt độ, pháp là đệ nhất, đó gọi là “y pháp, bất y nhân”; trong Tứ Y Pháp, đức Phật bảo rõ ràng: Chớ nghe theo người! Trong Phật môn, từ xưa tới nay, thầy lớn nhất. Ai lớn? Thầy lớn! Thầy chẳng nhất định là tại gia hay xuất gia, không nhất định là nam, nữ, già, trẻ, chỉ cần người ấy giảng kinh, thuyết pháp, đó là thầy! Vị thầy ấy lớn nhất. Trong Phật môn, thầy được gọi là “hòa thượng” (Upādhyāya), Hòa Thượng là tiếng Ấn Độ, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Thân Giáo Sư. Phật pháp của ta do vị ấy mà có, vị ấy là Thân Giáo Sư, là hòa thượng của ta.
Do điều này ta biết, thuở đức Phật tại thế, một ngàn hai trăm năm mươi lăm người đã từng nghe kinh từ nơi cư sĩ Duy Ma. Thích Ca Mâu Ni Phật là vị thầy xuất gia, cư sĩ Duy Ma là vị thầy tại gia. Trong mắt của một ngàn hai trăm năm mươi lăm người ấy, hai vị thầy đáng tôn kính như nhau, chẳng có tâm phân biệt, chẳng có tâm chấp trước, có thể thành tựu đạo nghiệp. Lại nhìn về sau này, Trung Quốc có một vị xuất gia lỗi lạc là pháp sư Huyền Trang. Pháp sư Huyền Trang cầu học tại Ấn Độ mười bảy năm, bái hai vị thầy, bản thân Ngài là người xuất gia, một vị thầy là người xuất gia, tức luận sư Giới Hiền, trụ trì chùa Na Lạn Đà, là một vị đại đức lỗi lạc. Vị thầy kia là người tại gia, tức cư sĩ Thắng Quân. Ngài đối xử với cư sĩ Thắng Quân giống hệt như đối với luận sư Giới Hiền, chúng ta phải hiểu rõ điều này thì mới có thể thành tựu.
Nếu quý vị nghĩ ta mặc áo dài tay rộng, ta lớn nhất, tôi khuyên quý vị đừng nên xuất gia, vì sao? Quý vị tại gia có thể thành tựu đạo nghiệp, có thành tựu lỗi lạc. Khi quý vị vừa xuất gia, tự tôn, tự đại, sợ rằng tương lai phải đọa lạc, đạo nghiệp bị chướng ngại, vì sao? Quý vị khinh dễ hàng cư sĩ thật sự có học vấn, có đức hạnh, chẳng chịu học theo họ, thành tựu sự kiêu căng ngạo mạn nơi chính mình! Nếu quý vị là thân cư sĩ, sẽ có thể sanh tâm kính ngưỡng, tâm cung kính đối với mỗi vị cư sĩ, chẳng coi thường họ, sẽ có lợi ích rất lớn đối với quý vị. Phật pháp là giáo dục, là giáo dục của Phật Đà, trong giáo dục là tôn sư trọng đạo, thầy lớn nhất! Chúng ta gọi Thích Ca Mâu Ni Phật là Bổn Sư, tức vị thầy căn bản, chúng ta tự xưng là Tam Bảo đệ tử, phải nhớ điều này!
Hiện thời trong thế gian này, quan niệm sai lầm ấy tối thiểu đã lâu đến năm trăm năm, sai lầm đã lâu trở thành đúng, mọi người đều lầm, ngỡ sai là đúng, quả thật đã hại người xuất gia chúng ta thê thảm! Ngay cả tệ nạn trong chuyện quy y đã bắt đầu từ đời Minh. Chúng ta thấy trong phần sau sách Ngũ Giới Tướng Kinh Tiên Yếu, Ngẫu Ích đại sư đã nói, đúng là cảm khái muôn vàn, vô cùng đau xót, quy y chẳng đúng pháp, tạo thành sự chia rẽ rã rời trong Phật môn, khiến cho Phật pháp suy diệt. Nói thật ra, những loài yêu ma quỷ quái đều xuất gia trong Phật môn, “thí như sư tử trùng, hoàn thực sư tử nhục” (ví như trùng trên thân sư tử lại ăn thịt sư tử). Nói theo thuật ngữ hiện thời là xâm nhập, yêu ma quỷ quái xâm nhập Phật môn, bản thân chúng ta phải phân biệt rõ ràng.
Thuở trước, khi tôi xuất gia cũng có vị pháp sư tiền bối đã bảo tôi:
“Ông xuất gia rồi, cớ sao lại theo học với kẻ tại gia?” Tôi đến Đài Trung theo học với người tại gia. Tôi nói: “Tôi xuất gia để học Phật pháp, chẳng phải vì điều chi khác. Nếu điều gì tôi cũng chẳng học được, người xuất gia chẳng thể học với người tại gia, tôi sẽ hoàn tục”. Tôi bảo: “Thầy nói suông chẳng có bằng chứng, nếu thầy viết cho tôi một bài nói rõ người xuất gia chẳng thể học với người tại gia, tôi lập tức hoàn tục. Vì sao? Tôi có thể đăng [lời đoan quyết ấy] trên Trung Ương Nhật Báo. Tôi có lý do, vì tôi muốn học Phật pháp, thân phận không quan trọng, thầy viết điều ấy cho tôi để tôi họp báo, người ta sẽ nói tôi hoàn toàn chẳng mắc bệnh thần kinh, vì sao tôi hoàn tục? Tôi vì học Phật pháp mà hoàn tục”. Ông ta đâu dám viết! Ông ta không dám viết thì tôi chẳng cần quan tâm đến, vẫn tới Đài Trung học như cũ!
Nói đến cư sĩ Duy Ma, chúng ta thấy trong sự thị hiện nguyên thủy nhất của Phật pháp có vị thầy xuất gia và vị thầy tại gia. Những vị đại tỳ-kheo, đại A La Hán, đại Bồ Tát đến chỗ trưởng giả Duy Ma thỉnh an, thăm hỏi bệnh tình, thừa dịp này, cư sĩ Duy Ma giảng pháp môn Bất Nhị cho mọi người, khai thị pháp môn Bất Nhị. Ngài dùng phương pháp này để phát khởi. Thật ra, ngài Duy Ma giả bệnh, chẳng phải là thật sự mắc bệnh, lẽ đâu Pháp Thân đại sĩ sanh bệnh? Chẳng thể bị bệnh, thị hiện đó thôi! Dùng phương pháp ấy để lôi kéo kẻ khác đến cho Ngài thuyết pháp.
(Sao) Viên Giác, Kim Cang, dĩ cập chư kinh, đa nhân hữu vấn tại tiên, nhiên hậu Phật vị tuyên diễn.
(鈔)圓覺、金剛,以及諸經,多因有問在先,然後佛為宣演。
(Sao: Trong Viên Giác, Kim Cang và các kinh, phần nhiều do có người đã hỏi trước rồi đức Phật mới tuyên diễn cho những người ấy).
Trong kinh Viên Giác, Văn Thù Bồ Tát khải thỉnh pháp môn của Như Lai trong lúc tu nhân, đấy là có người khải thỉnh. Kinh Kim Cang do ngài Tu Bồ Đề khải thỉnh, hướng về Thích Ca Mâu Ni Phật nêu ra hai câu hỏi, xin Phật khai thị: “Vân hà ưng trụ? Vân hà hàng phục kỳ tâm?” (nên trụ như thế nào? Nên hàng phục cái tâm như thế nào?) Do một hỏi, một đáp [mà giáo pháp] hưng khởi. Đây là nêu rõ pháp hội mỗi lần của đức Phật có nhân duyên khác nhau!
(Sao) Kim kinh bất nhiên, cố vô phát khởi. “Cứu thế tối cấp”
giả, mạt thế chúng sanh, căn độn, chướng thâm, giải thoát, Thiền Định, thậm nan khả đắc. Phật dĩ đại bi xuất thử nhất môn, hoành tiệt sanh tử, cấp cứu chúng sanh, duy khủng bất cập, cố bất đãi thỉnh.
(鈔)今經不然,故無發起。救世最急者,末世眾生,根鈍障深,解脫禪定,甚難可得。佛以大悲出此一門,橫截生死,急救眾生,唯恐不及,故不待請。
(Sao: Nay kinh này chẳng giống như vậy, nên chẳng có phát khởi. “Cứu thế cấp thiết nhất”: Chúng sanh đời Mạt căn độn, chướng sâu, giải thoát, Thiền Định rất khó thể đạt được. Do lòng đại bi, đức Phật nêu ra môn này, cắt ngang sanh tử, gấp rút cứu vớt chúng sanh chỉ e chẳng kịp, nên chẳng đợi thỉnh).
Đoạn này nêu rõ nhân duyên phát khởi của kinh này, rất đặc biệt, “vô vấn tự thuyết” (không ai hỏi mà tự nói). Nói thật ra, Liên Trì đại sư rất khó có, Ngài đã nói toạc ra sự buốt lòng rát miệng của đức Như Lai. Vì sao đức Phật chẳng đợi người khác hỏi rồi mới nói? Đó là vì “cứu thế chi cấp” (gấp rút cứu đời), không có gì gấp rút hơn chuyện này! Nhất là đối với chúng sanh trong thời kỳ Mạt Pháp, nay chúng ta đang sống trong thời Mạt Pháp, chúng sanh thời Mạt Pháp căn tánh chậm lụt, nghiệp chướng sâu nặng, những điều ấy đều là sự thật. Ngày nay chúng ta có quá nhiều tư tưởng, quan niệm, hành vi sai lầm, biết rõ mà cố phạm, đó là nghiệp chướng nặng nề! Hiểu lầm chánh pháp, chẳng thể thật sự lý giải, bị tà tri tà kiến ràng buộc, đấy là nghiệp chướng sâu nặng. Vì thế, chẳng đạt được “giải thoát, Thiền Định”. “Giải thoát” là nói tới chứng quả, [quả] là bốn quả vị trong Tiểu Thừa, tức Sơ Quả, Nhị Quả, Tam Quả, Tứ Quả. Thiền Định: Thời kỳ Tượng Pháp là Thiền Định thành tựu, tham Thiền có thể đắc Định, có thể đại triệt đại ngộ. Trong thời kỳ Mạt Pháp, chẳng thể đạt được những điều ấy! Nguyên nhân khiến chẳng đạt được là do trong tâm người thời kỳ Mạt Pháp có quá nhiều vọng tưởng, vì sao? Mỗi ngày quý vị đọc báo chí, xem TV, nghe radio, chuyện trên toàn thế giới quý vị mỗi ngày đều biết, trong tâm có quá nhiều những ý niệm rối beng, muốn ngưng dứt cũng chẳng được! Như xưa kia chẳng có báo chí mà cũng chẳng có TV, tâm người ta dễ thanh tịnh; hiện thời chẳng dễ gì thanh tịnh, đó là hiện tượng nghiệp chướng sâu nặng.
Vì thế, nếu chúng ta chẳng thể thật sự thâm nhập kinh tạng, sẽ thường bị lầm lẫn bởi tập tục, ngỡ tập tục là chính xác, mọi người đều làm như thế! Lúc tôi còn trẻ, phản đối Phật giáo dữ nhất vì chẳng hiểu biết! Ngỡ Phật giáo là mười phần mê tín. Do ở Đại Lục, chỉ nghe nói có niệm kinh, chẳng nghe nói tới giảng kinh. Trái lại, tôi rất khâm phục Cơ Đốc giáo và Y Tư Lan giáo (đạo Hồi), họ thường xuyên giảng đạo, tôi tiếp xúc, thường đến nghe, nghe họ giảng rất có lý! Chẳng có ai giảng Phật giáo cho tôi nghe! Mọi người đều chê Phật giáo là mê tín, đáng nên đả đảo! Tôi cũng ngỡ Phật giáo là mê tín. Lúc tôi học Tiểu Học, trường học của chúng tôi là một ngôi chùa. Tại Đại Lục dấy lên phong trào toan thâu đoạt các tài sản của tự viện để quốc gia làm trường học, cho nên ngôi trường tôi học là một ngôi chùa, đuổi người xuất gia trong chùa đi! Đại Hùng bảo điện dùng làm lễ đường, lấy các gian điện đường bên cạnh làm phòng học. Tất cả tượng Phật, Bồ Tát, tượng thần đều bị giam trong một gian phòng nhỏ, chất đống nơi đó, dán dấu niêm phong. Thầy của chúng tôi vẫn còn chưa đến nỗi nào, chưa đốt trụi tượng Phật, chỉ niêm phong chẳng cho học trò đụng vào! Khi bé, tôi rất nghịch ngợm, vì thuở ấy đâu có món đồ chơi nào, chúng tôi trèo cửa sổ vào, coi tượng Phật như đồ chơi, nghịch đến nỗi tượng hư hết. Nay nghĩ lại, đó là làm thân Phật chảy máu, tạo tội nghiệp rất nặng. Trong trường học [đề xướng] bài trừ mê tín, tôi là một trong những kẻ tiên phong. Đối diện ngôi chùa ấy có một con suối nhỏ, trên suối có bắc cầu, đối diện cầu là một ngôi miếu thờ Sơn Thần, giống như miếu thờ Thổ Địa, chẳng lớn! Tượng Sơn Thần đắp bằng đất sét, cao khoảng ba thước, tôi tìm mấy đồng học giúp sức, hạ tượng Sơn Thần xuống, khiêng ra ngoài cửa, làm như để ông ta bảo vệ, mỗi ngày tôi ngồi ngay nơi chỗ [đặt ngai thờ của] ông ta để học bài.
Những chuyện ấy đều là do người xuất gia chẳng thể hoằng pháp lợi sanh, chẳng thể giảng rõ ràng, minh bạch Phật pháp, nên mới khiến cho xã hội hiểu lầm Phật giáo, chẳng thể chỉ riêng quở trách những người đó (những kẻ bài xích, hủy diệt Phật pháp) về lỗi lầm ấy! Quý vị nói quý vị tốt đẹp thì tốt đẹp ở chỗ nào? Quý vị phải giảng rõ ràng, minh bạch với người ta. Nói cách khác, người xuất gia phải chịu trách nhiệm phần lớn về nguyên nhân khiến Phật giáo suy vi! Phật giáo truyền đến Đài Loan, mọi người cũng nghĩ Phật giáo là mê tín. May mắn là sau này, các sinh viên các trường đại học hoặc chuyên nghiệp đề xướng phong trào học Phật, khiến cho nhiều vị giáo sư và học giả đều nghiên cứu Phật pháp, địa vị của Phật giáo tại Đài Loan mới dần dần được nâng cao, mới có thành quả như hiện thời! Một chút thành quả ấy do đâu mà đắc lực? Những vị pháp sư, cư sĩ hoằng pháp lợi sanh tại Đại Lục đều theo chánh phủ tới Đài Loan, do nơi này nhỏ bé, dễ tuyên dương rộng lớn Phật giáo. Đại Lục rộng lớn dường ấy, mấy người [hoằng pháp] chẳng thấm vào đâu! Chỉ có một số rất ít thành thị [hoằng dương Phật giáo], mấy ai hiểu Phật pháp? Đại đa số đều chẳng biết, đều nghĩ Phật giáo là mê tín. Chúng sanh trong đời này nghiệp chướng vô cùng nặng nề, nếu muốn đạt một chút thành tựu trong các pháp môn khác, đúng là rất khó, chẳng dễ dàng.
(Sao) Phật dĩ đại bi xuất thử nhất môn, hoành tiệt sanh tử, cấp cứu chúng sanh, duy khủng bất cập, cố bất đãi thỉnh.
(鈔)佛以大悲出此一門,橫截生死,急救眾生,唯恐不及,故不待請。
(Sao: Do lòng đại bi, đức Phật nêu ra môn này, cắt ngang sanh tử, gấp rút cứu vớt chúng sanh chỉ e chẳng kịp, nên chẳng đợi thỉnh).
Liên Trì đại sư và Ngẫu Ích đại sư đều nói pháp môn này do đức Như Lai bi tâm triệt để, nói cho chúng ta biết chính đức Phật thành Phật viên mãn như thế nào, hoàn toàn truyền dạy cho chúng ta, chẳng giữ lại mảy may nào! Pháp môn này là pháp môn chân thật, chẳng phải là pháp môn phương tiện như thường nói! Vì sao chúng ta biết nó là pháp môn chân thật? Do lẽ đó, chẳng đọc đại kinh sẽ không được! Cư sĩ Ngụy Nguyên tán thán Sớ Sao chẳng ngớt, nhưng do Liên Trì đại sư chẳng đổ công nơi kinh Vô Lượng Thọ nên ông ta cảm thấy rất đáng tiếc! Trong lời tựa của bản hội tập kinh Vô Lượng Thọ của chính mình, Ngụy Nguyên đã nói rất rõ ràng, đại kinh trọng yếu như thế mà trải các đời không có ai hoằng dương!
Vì trong đại kinh, kinh văn nói đến ba thứ chân thật: Thứ nhất là “Như Lai chân thật huệ”, đó là trí huệ Bát Nhã trong Chân Như bổn tánh; “trụ chân thật tế”, chân thật tế là Pháp Thân lý thể; “huệ dĩ chân thật chi lợi” ban cho lợi ích chân thật, “huệ” (惠) là huệ thí (惠施: rộng rãi ban cho), bố thí chúng sanh lợi ích chân thật. Lợi ích chân thật là gì? Thành Phật mới là lợi ích chân thật. Tôi dạy quý vị cách này, quý vị dùng phương pháp này sẽ có thể thành Phật, lợi ích ấy mới là chân thật. Tôi dạy quý phương pháp này, quý vị có thể làm Bồ Tát, đó chẳng phải là chân thật thuần túy, chân thật thì nhất định phải là Vô Thượng Bồ Đề. Kinh Vô Lượng Thọ và kinh này cùng bộ, Đại Bổn hay Tiểu Bổn mà thôi! Do vậy ta biết phương pháp này chẳng phải là pháp phương tiện, mà là pháp chân thật. Tám vạn bốn ngàn pháp môn đều là pháp phương tiện, chỉ riêng pháp này là pháp chân thật. Thấy chúng sanh cơ duyên đã chín muồi, cho nên mới “xuất thử nhất môn, hoành tiệt sanh tử” (nêu ra môn này, cắt ngang sanh tử), vượt khỏi tam giới theo chiều ngang, quả báo là sanh ngang vào bốn cõi, chẳng thể nghĩ bàn!
“Cấp cứu chúng sanh, duy khủng bất cập” (gấp rút cứu vớt chúng sanh chỉ e chẳng kịp), chúng ta thật sự hiểu ý nghĩa này, mới biết ân Phật khó báo, phải như thế nào mới hòng báo ân Phật? Nhất định phải y giáo tu hành, vãng sanh trong ba phẩm thượng mới có thể xứng với Phật, đấy mới coi là báo ân! Đó là nói về mặt tự lợi đối với chúng ta. Kế đó, chúng ta phải cực lực tuyên dương, giới thiệu pháp môn này với người khác, như vậy thì mới có thể báo ân Phật. Nếu không, chẳng có cách nào báo ân Phật; nói cách khác, quý vị tu học các pháp môn khác, vẫn chưa được hưởng ân Phật sâu đậm nhất. Quý vị tiếp xúc pháp môn này, nương theo pháp môn này để tu học, đó là chịu ân Phật sâu nhất, sâu đến cùng cực. Từ mấy câu này có thể nhìn ra bi tâm triệt để của Như Lai; do vậy, Ngài chẳng cần chờ người khác thỉnh.
(Sao) Thí như hữu nhân, tốt hoạn ác dương, mạng tại hô hấp, bỉ hữu lương phương, y chi tu chế, diên hoãn nhật thời, dược vị cập thành, mạng dĩ tiên vẫn. Hiện hữu thành dược, nhập khẩu tức hoạt, hữu nhân tâm giả, tức ưng tốc dữ, thượng hà sĩ kỳ lễ sính ân cần, nhiên hậu đầu tễ.
(鈔)譬如有人,卒患惡瘍,命在呼吸,比有良方,依之修製,延緩日時,藥未及成,命已先殞。現有成藥,入口即活,有仁心者,即應速與,尚何俟其禮聘殷勤,然後投劑。
(Sao: Ví như có người bỗng bị khối u ngặt nghèo, mạng sống chỉ trong hơi thở. Kẻ khác có bài thuốc hay, dựa theo đó để bào chế, thời gian dây dưa, thuốc chưa kịp chế thành công, mạng đã dứt trước. Nay có thuốc đã chế sẵn, uống vào liền sống, người có lòng nhân ắt nên nhanh chóng trao cho, cần gì phải đợi người ta lễ thỉnh ân cần rồi mới trao thuốc).
Chỉ dùng một tỷ dụ để nói. Ví như có người bị lở loét ngặt nghèo, “dương” (瘍) là ác tật (bệnh ngặt), độc sang (ghẻ độc), khối u ác tánh, mắc chứng bệnh này, mạng sống chỉ còn trong hơi thở, thấy người ấy sẽ chết ngay lập tức. Có cách nào trị hay không? Có phương pháp! Nhưng quý vị còn phải chẩn đoán, còn phải đi hái thuốc, còn phải chế luyện. Ôi chao! Quý vị bào chế thuốc chưa thành công, người ấy đã chết từ lâu rồi, chẳng kịp chạy chữa! Điều này giống như chúng sanh chúng ta trong thời Mạt Pháp hiện nay, nói thật thà, “lương phương” (phương thuốc hay) là nói đến các pháp môn khác, có tốt hay không? Tốt chứ! Tuy tốt, nhưng chữa chẳng kịp! Thọ mạng của chúng ta quá ngắn, đại nạn hiện tiền.
Mấy hôm nay, trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ và Liên Xô[2], mọi người xem ra rất vui vẻ, tôi chẳng nghĩ như vậy, tôi có cách nhìn khác với mọi người, tôi cảm thấy lòng người trên toàn thế giới đã biến đổi, lòng người khác thường, đạo đức trụy lạc, chẳng thể nào có chuyện đại thánh đại hiền xuất hiện trên thế gian. Khi vị chúa cứu thế thật sự xuất hiện trên thế gian, đó là lúc nào? Tâm thái của hết thảy chúng sanh đều có thể sửa lỗi đổi mới, đều có thể sám hối hướng thiện, khi ấy sẽ có bậc đại thánh đại hiền xuất hiện, thật sự làm vị chúa cứu thế. Hiện thời, chúng sanh đều có tâm thái gặp nạn, đại kiếp nạn sắp xảy ra, há có thánh nhân xuất hiện cứu thế? Đấy là chỗ tôi hoài nghi. Do Phật môn điều gì cũng nói đến nhân quả, quý vị phải nhìn từ nhân quả.
Đại chiến nguyên tử có thể hoãn lại vài năm cũng tốt, chúng ta liều mạng nỗ lực niệm Phật! Đến khi đại chiến bùng nổ, chúng ta có thể vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, nên cũng chẳng bận tâm. Vì thế, mọi người nhất định phải giành lấy thời gian, nỗ lực học Phật, phải nỗ lực tu phước trong khoảng thời gian này, vì sao? Tới khi tai nạn xảy đến mới nghĩ tu phước, chẳng kịp đâu! Chẳng có nơi nào để tu cả! Tu phước cũng phải có phước báo, người thiếu phước báo muốn tu phước cũng chẳng tu được. Giành ngay lúc có thể tu phước, chúng ta liều mạng tu phước; chớ nên chờ đến lúc cơ duyên chẳng còn, muốn tu phước chẳng được, lúc đó cũng rất khổ sở!
Người ấy bệnh tình nguy ngập, nhưng nay đã có thuốc chế sẵn, chữ “thành dược” tỷ dụ pháp môn này, tỷ dụ pháp môn tín nguyện niệm Phật, pháp môn này quả thật có thể cứu trọng bệnh của quý vị, “nhập khẩu tức hoạt” (uống vào liền sống). “Hữu nhân tâm giả, tức ưng tốc dữ” (người có lòng nhân ắt liền nhanh chóng trao cho), người có lòng nhân tỷ dụ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, có còn phải đợi kẻ khác thỉnh hay chăng? Chẳng cần. Chờ người ta đến khải thỉnh, lòng nhân của quý vị bị sứt mẻ, thấy chúng sanh khổ sở ngần ấy, biện pháp này có thể cứu, bèn lập tức ban cho! Không cần chờ người khác lễ thỉnh, không cần chờ kẻ khác ân cần cầu pháp, cho quý vị liền! Không cầu mà cho ngay; nhưng người thế gian lạ lắm, họ chẳng cầu mà quý vị ban cho, họ bèn xem thường! [Họ sẽ nghĩ] nói chung, thứ ấy vô giá trị, phải là thứ ân cần khẩn cầu, dẫu cầu mà vẫn chẳng cho, thứ ấy sẽ tuyệt vời lắm, giá trị nhất định rất cao! Mang quan niệm sai lầm.
Đây là người thế gian mê hoặc, điên đảo, chẳng phân biệt đúng – sai, thiện – ác, coi người tốt là kẻ xấu, ngỡ kẻ xấu là người tốt. Kẻ ấy dùng đủ mọi thủ đoạn lừa gạt họ, [vẫn nghĩ] người này thật tốt. [Đối với] người thật sự nghĩ yêu thương, che chở, cứ sợ người ấy có mưu toan, sợ trong tương lai người ấy sẽ chiếm đoạt tiện nghi của ta, ta phải đề phòng, phải cẩn thận. Chẳng tin tưởng chánh pháp, vừa nghe tà pháp bèn lập tức tiếp nhận! Hiện thời, tà pháp hung hăng, ngang ngược, thế lực rất lớn, chánh pháp chẳng có mấy ai nghe, chúng ta có cơ duyên nghe chánh pháp, há nên chẳng quý trọng?
(Sao) Phật cứu chúng sanh, ý diệc như thị.
(鈔) 佛救眾生,意亦如是。
(Sao: Phật cứu chúng sanh, cũng mang ý nghĩa như vậy).
Phật độ chúng sanh giống như người có lòng nhân từ, thấy người ta bệnh tình nguy kịch đến nông nỗi ấy, tự mình biết loại thuốc nào bèn lập tức trao cho, cũng không cần nói đến chuyện báo đáp, cũng chẳng cần nói tới lễ tiết, mau mắn trao cho người ấy, cứu mạng người ấy là chuyện khẩn yếu! Bộ kinh này, pháp môn này là tiên đan cứu mạng của chúng ta, [bất cứ] tai ương hoạn nạn gì hiện tiền, chúng ta có thể miễn trừ hết thảy tai nạn, cầu sanh Tịnh Độ, thành Phật trong một đời. Ngày hôm nay chúng ta giảng tới chỗ này!
[1] Vaiśālī là thủ đô của nước Bạt Kỳ (Vajjian), Bạt Kỳ là quốc gia của bộ tộc Ly Xa (Licchavi). Đây cũng là nơi đức Phật thuyết giảng trước khi nhập Niết Bàn. Theo sử ký, thành được đặt tên theo vua Vishal thuộc thời sử thi Mahabharata. Đây cũng là nơi trưởng lão Da Xá triệu tập bảy trăm vị trưởng lão Phật giáo kết tập kinh điển lần thứ hai, tạo thành sự phân khai giữa Thượng Tọa Bộ và Đại Chúng Bộ.
[2] Đây là cuộc hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Liên Xô tại Geneva (Thụy Sĩ) giữa tổng thống Ronald Reagan và tổng bí thư Mikhail Gorbachev vào ngày 19 và 20 tháng Mười Một năm 1985 nhằm thảo luận vấn đề cắt giảm vũ khí nguyên tử, hỏa tiễn, cam kết đôi bên không chủ động tấn công trước. Cuộc họp thượng đỉnh này mở đầu một loạt những cuộc họp thượng đỉnh giữa Mỹ và Liên Xô trong các năm sau đó cho đến khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991.