Tập 126/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 03-003-0289

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 126

          Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang hai trăm bảy mươi bốn:

          (Sao) Kiên cố giả, Tây thuộc Kim thể, hữu kiên cố nghĩa.

          () 堅固者,西屬金體,有堅固義。

          (Sao: “Kiên cố”: Phương Tây thuộc về Kim thể, có ý nghĩa kiên cố).

          Thời cổ, Trung Quốc lẫn Ấn Độ đều nói tới Ngũ Hành, Ngũ Hành là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Phối hợp với phương vị, phương Tây thuộc Kim, Kim có ý nghĩa kiên cố. Phối hợp với bốn mùa thì Kim ứng với mùa Thu, như thường nói “Xuân sanh, Hạ trưởng, Thu thâu, Đông tàng”. Mùa Thu là mùa thâu hoạch nên khí trời khiến cỏ cây tàn rụng[1].

          (Sao) Tức tự tánh chân thường bất dịch.

          () 即自性真常不易。

          (Sao: Tức là tự tánh chân thường, chẳng thay đổi).

          Đây là ý nghĩa kiên cố.

          (Sao) Vạn cổ như như cố. Thanh tịnh giả, phục hữu nhị nghĩa: Tây đương túc khí, hữu trừng thanh nghĩa.

          () 萬古如如故。清淨者,復有二義:西當肅氣,有澄清義。

          (Sao: Muôn đời như như. Thanh tịnh lại có hai nghĩa: Phương Tây có khí phận nghiêm ngặt[2], và có ý nghĩa trong lặng).

          Mùa Thu là lúc thâu hoạch, gặt hái, thảy đều thâu hoạch sạch cả rồi, dùng ý nghĩa ấy để tỷ dụ sự trong lặng.

          (Sao) Tức tự tánh chư vọng bổn không, thể lộ kim phong cố.

          () 即自性諸妄本空,體露金風故。

          (Sao: Tức là tự tánh vốn không có các vọng, bản thể được biểu lộ bằng gió Tây).

          Chữ Túc Sát (肅殺) có ý nghĩa giống như Sát Tặc của A La Hán, tức là đoạn phiền não. Tất cả tập khí phiền não, vô minh đều đoạn sạch rồi, do vậy, mùa Thu có khí Túc Sát. “Thể lộ Kim phong”: Đây là một công án của thiền sư Vân Môn. Có một vị xuất gia thỉnh giáo Tổ, đại khái cũng nhằm tiết Thu, vị ấy nêu câu hỏi: “Trời Thu lá cây đều rụng, khi lá rụng hết sẽ như thế nào?” Tổ sư Vân Môn trả lời: “Thể lộ Kim phong”, cái có thể bị rơi rụng ví như phiền não, tập khí thảy đều hết sạch, khi [tập khí phiền não] hết sạch sẽ thành Phật! Mang ý nghĩa như thế!

          (Sao) Tây đương bạch sắc, hữu khiết tịnh nghĩa.

          () 西當白色,有潔淨義。

          (Sao: Phương Tây màu trắng, mang ý nghĩa khiết tịnh).

          Năm màu là đỏ, vàng, xanh, trắng, đen, phương Tây màu trắng, phương Bắc màu đen, trung ương màu vàng[3]. Màu trắng có ý nghĩa khiết tịnh.

          (Sao) Tức tự tánh chư nhiễm bất sanh, bổn lai nhất sắc cố. Ly chướng tuyệt phi giả, tự tánh bổn vô phiền não, như Thập Khổ, Thập Ác, Thập Triền, Thập Sử đẳng, tịnh siêu việt chi, hữu viễn quá nghĩa.

          () 即自性諸染不生,本來一色故。離障絕非者,自性本無煩惱,如十苦十惡,十纏十使等,並超越之,有遠過義。

          (Sao: Tức là tự tánh chẳng sanh các nhiễm, vì vốn là một sắc. “Ly chướng, tuyệt phi”: Tự tánh vốn chẳng có phiền não, như Thập Khổ, Thập Ác, Thập Triền, Thập Sử v.v… đều vượt thoát, nên có ý nghĩa “xa lìa lầm lỗi”).

          “Quá” là lầm lỗi, “viễn” xa lìa, [“viễn quá”] có ý nghĩa xa lìa hết thảy lỗi lầm. Thập Khổ, Thập Ác, Thập Triền, Thập Sử đều là các danh từ Pháp Tướng, trong Phật Học Từ Điển và sách Giáo Thừa Pháp Số[4] đều có [giải thích cặn kẽ], nên ở đây tôi chỉ nói đơn giản. Mười thứ khổ ấy, ai nấy đều có, chúng ta thường nói tám khổ, ở đây dùng “mười” để biểu thị sự viên mãn, nhằm tượng trưng cho tất cả hết thảy các nỗi khổ, chúng được quy nạp thành mười loại lớn. Trong ấy có sanh, lão, bệnh, tử, bốn nỗi khổ ấy ai nấy đều chẳng tránh được! Trừ bốn thứ ấy ra, còn có sầu, oán, ưu (lo nghĩ), khổ thọ (chịu đựng đau khổ), thống não (đau đớn, áo não), sanh tử lưu chuyển (tức là nỗi khổ luân hồi). Đó là Thập Khổ. Thập Ác là thân giết, trộm, dâm; miệng nói dối, nói đôi chiều, ác khẩu, nói thêu dệt; ý tham, sân, si. Đó là mười ác nghiệp.

          Thập Triền: Triền (纏) là quấn trói, cũng mang ý nghĩa phiền não, tức là nó có thể trói buộc con người, giống như sợi thừng trói chặt quý vị, chẳng được tự tại. Thập Triền là:

          – Sân Khuể, tức lòng sân hận rất nặng.

          – Phú: Ẩn giấu tội lỗi của chính mình.

          – Thùy và Miên, ngủ nghê quá nhiều, thường ngủ gà, ngủ gật.

          – Hý: Đùa bỡn.

          – Trạo Cử (Điệu Cử): Trong tâm bất ổn, chẳng định được. Đây quả thật là chuyện rất khổ sở, chướng ngại tu hành.

          – Xan Lận (keo kiệt): Tuy kẻ ấy chẳng có tâm tham, nhưng đối với những gì mà chính mình có sẽ chẳng nỡ đem cho người khác.

          – Tật Đố (ghen ghét).

          – Vô Tàm (chẳng thẹn thùng).

          – Vô Quý (chẳng xấu hổ).

          Hợp những điều này lại thành Thập Triền.

          Thập Sử là Kiến Tư phiền não, gồm năm Lợi Sử và năm Độn Sử. Năm Lợi Sử là Thân Kiến, Biên Kiến, Kiến Thủ Kiến, Giới Thủ Kiến, và Tà Kiến, năm thứ kiến giải sai lầm ấy. Năm Độn Sử là tham, sân, si, mạn, nghi. Nghi là hoài nghi thánh giáo, như vậy thì đáng tiếc lắm! Quý vị hoài nghi Phật pháp, chắc chắn chẳng chịu tu học. Quý vị hoài nghi pháp môn Niệm Phật vãng sanh này, chắc chắn chẳng chịu niệm Phật, chẳng có phần đối với cơ hội vãng sanh thành Phật trong một đời này, quả thật hết sức đáng tiếc. Những thứ ấy đều là lầm lỗi, có những thứ là lầm lỗi nơi nhân, có những thứ thuộc lầm lẫn nơi quả. Trong tự tánh chẳng có những thứ ấy!

          (Sao) Thị tri kiên tịnh vi Tây, phương tận Tây hĩ.

            () 是知堅淨為西,方盡西矣。

          (Sao: Nên biết “cứng chắc, trong sạch” là Tây thì mới là trọn hết ý nghĩa của chữ Tây vậy).

          Do vậy có thể biết, ở đây nói tới phương Tây mang ý nghĩa biểu thị pháp, chẳng phải là nói tới phương vị. “Tây Phương” bao hàm nhiều ý nghĩa như vậy. Giống như trong kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài đồng tử tham học, mỗi vị thiện tri thức đều chỉ dạy Thiện Tài: “Ngươi hãy đi về phương Nam, tới chỗ X… ở phía Nam để tham phỏng thiện tri thức”. Chẳng lẽ các vị thiện tri thức ấy đều ở phương Nam hết? Trọn chẳng có ai trụ ở phương Đông, phương Tây, phương Bắc ư? Vì thế, chúng ta biết Nam là biểu thị pháp, chẳng phải là phương vị. Phương Tây thuộc Kim, phương Nam thuộc Hỏa, Hỏa tượng trưng quang minh. Vì thế, phương Nam là gì? Phương hướng quang minh! Nơi thiện tri thức trụ là nơi phóng đại quang minh, cho nên chẳng phải là phương Nam thật sự! Hễ thiện tri thức trụ nơi nào, nơi ấy đều gọi là “phương Nam”, có ý nghĩa như vậy. Ở đây, cũng dùng ý nghĩa như thế. “Kiên cố, thanh tịnh” là Tây, phương nào cũng đều là phương Tây, vì phương nào cũng đều có Phật trụ. Chỗ Phật trụ bèn gọi là Tây Phương, sử dụng ý nghĩa “kiên cố, thanh tịnh”.

          (Sao) Khởi tất chuyên tiêu nhật lạc, huýnh tuyệt vi “quá”, vô phất quá hĩ! Thùy năng cánh kế đồ trình, hoành cắng thập phương, thụ cùng tam tế, phi cận, phi viễn, tuyệt trung, tuyệt biên. Tắc tùng thị quá bất khả thuyết bất khả thuyết vi trần Phật độ, vô thế giới bất danh Cực Lạc, hà đản hữu thế giới danh vi Cực Lạc dã.

     () 豈必專標日落,迥絕為過,無弗過矣。誰能更計途程,橫亙十方,豎窮三際,非近非遠,絕中絕邊。則從是過不可說不可說微塵佛土,無世界不名極樂,何但有世界名為極樂也。

          (Sao: Há có phải chỉ riêng nói về chốn xa xôi vời vợi phía mặt trời lặn mới là “vượt qua”. Ai có thể tính toán hành trình? Theo chiều ngang trải khắp mười phương, theo chiều dọc tột cùng ba đời, chẳng gần, chẳng xa, chẳng phải chính giữa, chẳng phải bên cạnh. Vì thế, vượt qua bất khả thuyết bất khả thuyết vi trần cõi Phật, chẳng có thế giới nào không gọi là Cực Lạc, há phải chỉ có một thế giới tên là Cực Lạc mà thôi?)

          Mấy câu này nhằm giải thích “tự tánh hoành cai thụ triệt” (tự tánh theo chiều ngang trọn khắp, theo chiều dọc cùng tột) chính là ý nghĩa của thế giới Cực Lạc, giải thích rất rõ ràng, vì trong ấy nói đến “tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ”. Nếu nói đến tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ, sẽ là “hoành cắng mười phương, thụ cùng tam tế” (theo chiều ngang trải khắp mười phương, theo chiều dọc cùng tột ba đời), có nơi nào chẳng phải là tự tánh Di Đà? Có nơi nào chẳng phải là duy tâm Tịnh Độ? Đích xác là không có nơi nào chẳng phải là như vậy, thảy đều do tự tánh biến hiện. “Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”, toàn là do tự tánh biến, nói lên ý nghĩa như vậy đó.

          Trong kinh, đức Phật nói “mười vạn ức cõi Phật”, đó là nói theo Sự. Về mặt Sự, quả thật có đức Phật ấy tồn tại. Từ vô lượng kiếp trước, chúng ta đọc được lịch sử của thế giới Cực Lạc từ kinh Vô Lượng Thọ, Thế Nhiêu Vương nghe Thế Gian Tự Tại Vương Phật thuyết pháp, cảm động sâu xa, chẳng cần đến ngôi vua nữa, xuất gia tu đạo, đó là tỳ-kheo Pháp Tạng. Khi ấy, tỳ-kheo đối trước Phật phát thệ nguyện rất lớn, lại dùng thời gian năm kiếp để tu hành, kiến lập một cõi Phật chuyên tiếp dẫn hết thảy chúng sanh niệm Phật trong mười phương đến đó tu hành chứng quả. Thế giới ấy gọi là thế giới Cực Lạc, cõi ấy xác thực là có. Nhưng nói theo tự tánh, nói thật ra, chẳng có xa hay gần, nên chẳng có chính giữa hay bên cạnh. Hiểu rõ Lý, chúng ta sẽ chẳng hoài nghi, chúng ta phải tin tưởng Sự.  Hiểu rõ Lý,  đương nhiên sẽ tin tưởng Sự, chúng ta sẽ tin tưởng được.

          Nhị, tiêu chủ hiển chánh.

          (Kinh) Kỳ độ hữu Phật, hiệu A Di Đà, kim hiện tại thuyết pháp.

          二、標主顯正。

          () 其土有佛。號阿彌陀。今現在說法。

          (Hai, nêu Chủ để hiển chánh báo.

          Kinh: Cõi ấy có Phật, hiệu là A Di Đà, nay đang thuyết pháp).

          Ở đây chúng ta phải chú ý, trong kinh văn ở phần trước, đức Phật đã nói: “Tùng thị Tây phương quá thập vạn ức Phật độ, hữu thế giới danh viết Cực Lạc” (từ phương Tây của cõi này qua khỏi mười vạn ức cõi Phật, có thế giới tên là Cực Lạc). Chữ Hữu đó là “có thế giới”. “Kỳ độ hữu Phật”, thật sự có, chẳng phải là giả có. Trước hết, nói ra thế giới, trong thế giới ấy có một vị Phật, vị Phật ấy là hiện tại Phật. “Hữu Phật”, đức hiệu của Ngài là A Di Đà. “Kim hiện tại thuyết pháp”, đức Phật nay đang thuyết pháp trong thế giới Cực Lạc, hiển thị rõ ràng cho chúng ta thấy, vị Phật ấy chẳng phải là quá khứ Phật, chẳng phải là vị lai Phật, mà là hiện tại Phật.

          (Sớ) Kỳ giả, thừa thượng.

          () 其者,承上。

          (Sớ: Chữ “kỳ” nhằm tiếp nối phần trước).

          “Thượng” là một câu kinh văn trong phần trước.

          (Sớ) Độ tất hữu nhân.

          () 土必有人。

          (Sớ: Cõi nước ắt có người).

           Trong phần trước nói “hữu thế giới danh viết Cực Lạc”, đã có cõi nước, đương nhiên phải có người.

          (Sớ) Chỉ năng y chi nhân viết Phật, Phật tất hữu hiệu, xuất bổn Phật chi hiệu viết A Di Đà. Tam thế giai hữu Phật, giản quá vị chi Phật, viết hiện tại Phật.

     () 指能依之人曰佛,佛必有號,出本佛之號曰阿彌陀。三世皆有佛,揀過未之佛曰現在佛。

          (Sớ: Chỉ người năng y là Phật, Phật ắt có hiệu, nêu ra đức hiệu của vị Phật trong cõi ấy là A Di Đà. Ba đời đều có Phật, nhằm phân biệt với các vị Phật quá khứ và vị lai nên nói là “hiện tại Phật”).

          Đây là vì sao đức Phật đã nói “kim” lại còn nói “hiện tại”. “Kim”“hiện tại” chẳng phải là cùng một ý nghĩa hay sao? Nếu là cùng một ý nghĩa, dùng cả hai chữ ấy thì văn chương có chỗ vụng về, có thể sửa đổi bằng cách lược bớt. Vì sao Ngài chẳng nói “kỳ độ hữu Phật hiệu A Di Đà, hiện tại thuyết pháp”? Vì sao đã dùng “kim” lại còn “hiện tại” thuyết pháp? Lời chú giải cho chúng ta biết: “Hiện tại” là nói tới vị Phật trong hiện tại, chẳng phải là quá khứ Phật, mà cũng chẳng phải là vị lai Phật. Hiện tại Phật nay đang thuyết pháp ở nơi ấy, đang giảng kinh, thuyết pháp bên Tây Phương Cực Lạc thế giới. Điều này hết sức thu hút, nếu chúng ta muốn gần gũi Phật, Thích Ca Mâu Ni Phật đã khuất bóng, Di Lặc Phật còn chưa hạ sanh, chúng ta đến đâu tìm Phật để thân cận? Tìm chẳng ra! Thích Ca Mâu Ni Phật giới thiệu cho chúng ta một vị Phật hiện tại đang ngự trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, Ngài hết sức hoan nghênh chúng ta đến thân cận Ngài. Đây là cơ hội hy hữu khó có.

          (Sớ) Phật giai độ sanh, chỉ độ sanh chi quỹ viết thuyết pháp. Hiện tại thuyết pháp, như Đại Bổn cập Đại Vân trung thuyết.

            () 佛皆度生,指度生之軌曰說法。現在說法,如大本及大雲中說。

          (Sao: Mỗi vị Phật đều độ sanh, khuôn phép độ sanh được gọi là “thuyết pháp”, “hiện tại thuyết pháp” là như trong kinh Đại Bổn và Đại Vân đã nói).

          Trước hết, Tổ dẫn kinh Đại Bổn, Đại Bổn là kinh Vô Lượng Thọ; tiếp đó, dẫn những điều được nói trong kinh Đại Vân.

          (Sao) Đại Bổn vân: “Bỉ Phật phi quá khứ, phi hiện tại, phi vị lai, đản dĩ thù kỳ chí nguyện, hiện tại Tây Phương, kỳ thế giới danh viết Cực Lạc, Phật hiệu A Di Đà”.

          () 大本云:彼佛非過去,非現在,非未來,但以酬

其志願,現在西方,其世界名曰極樂,佛號阿彌陀。

          (Sao: Kinh Đại Bổn chép: “Đức Phật ấy chẳng phải là quá khứ, chẳng phải là hiện tại, chẳng phải là vị lai, chỉ vì đền đáp chí nguyện, mà hiện thời ở bên Tây Phương, thế giới ấy tên là Cực Lạc, Phật hiệu là A Di Đà”).

          Đoạn này trích từ kinh Vô Lượng Thọ. Chẳng phải là quá khứ, chẳng phải là hiện tại, chẳng phải là tương lai, nói thật thà với chúng ta, A Di Đà Phật vô thỉ, vô chung (không có khởi đầu, chẳng có kết thúc). Nói là hiện tại hay vị lai thì mới có thỉ, có chung, thọ mạng có hạn lượng! Lão nhân gia là vô lượng thọ, ở đây, chúng ta phải chú tâm thấu hiểu, Phật là vô thỉ, vô chung, Phật thọ vô lượng. Chúng ta vãng sanh đến chỗ Ngài, thọ mạng của chúng ta cũng là vô thỉ, vô chung, cũng là thọ mạng vô lượng. Đích xác là trong các thế giới của mười phương chư Phật chẳng tìm được điều này, chỉ riêng Tây Phương Cực Lạc thế giới mới có. Cho nên Đại Kinh lại tán thán tỳ-kheo Pháp Tạng thù thắng, siêu việt, lạ lùng bậc nhất, luôn dùng những danh từ ấy để tán thán. “Đản dĩ thù kỳ chí nguyện” (chỉ vì đáp tạ chí nguyện), trong đời quá khứ, Ngài đã từng phát nguyện muốn phổ độ hết thảy chúng sanh. Hơn nữa, thệ nguyện ấy của Ngài là vô tận, nên [biến hiện] thế giới ấy ở Tây Phương. Thế giới ấy là thị hiện, cõi nước là thị hiện, thị hiện thành Phật, thị hiện thuyết pháp độ sanh ở bên ấy. Lý – Sự trọn đủ, có Lý, có Sự, trọn chẳng phải là có Lý thiếu Sự, mà quả thật có chuyện ấy!

          (Sao) Đại Vân giả, Đại Phương Đẳng Đại Vân kinh vân.

            () 大雲者,大方等大雲經云。

          (Sao: “Đại Vân”: Kinh Đại Phương Đẳng Đại Vân chép).

           Trong kinh Đại Vân[5] cũng có một đoạn ghi chép.

          (Sao) Nhĩ thời Thế Tôn, hy di vi tiếu, tùng kỳ diện môn[6] xuất vô lượng quang.

            () 爾時世尊,熙怡微笑,從其面門出無量光。

          (Sao: Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn hoan hỷ mỉm cười, từ khuôn mặt tỏa ra vô lượng ánh sáng).

          Trước tiên, đức Phật phóng quang, hiện điềm lành.

          (Sao) Đại Vân Mật Tạng Bồ Tát vấn cố.

          () 大雲密藏菩薩問故。

          (Sao: Đại Vân Mật Tạng Bồ Tát hỏi nguyên do).

           Giống như tôn giả A Nan trong hội Vô Lượng Thọ, thấy Phật ngày hôm đó đặc biệt rạng rỡ, Đại Vân Bồ Tát bèn đứng ra khải thỉnh.

          (Sao) Phật ngôn Tây Phương thế giới, hữu quốc danh An Lạc, Phật hiệu Vô Lượng Thọ, hiện tại thuyết pháp. Cáo nhất Bồ Tát ngôn: “Sa Bà thế giới Thích Ca Mâu Ni Phật, kim thuyết Đại Vân kinh, nhữ khả vãng thính”, kim bỉ Bồ Tát tương lai chí thử. Tắc chánh đương Thích Ca thuyết pháp thời, Di Đà diệc tại bỉ thuyết pháp, cố tri phi quá, phi vị, hiện tại thuyết pháp.

          () 佛言西方世界,有國名安樂,佛號無量壽,現在說法。告一菩薩言:娑婆世界釋迦牟尼佛,今說大雲經,汝可往聽,今彼菩薩將來至此。則正當釋迦說法時,彌陀亦在彼說法,故知非過非未,現在說法。

          (Sao: Đức Phật nói: “Thế giới ở phương Tây có một cõi tên là An Lạc, Phật hiệu là Vô Lượng Thọ nay đang thuyết pháp, bảo một vị Bồ Tát rằng: ‘Trong thế giới Sa Bà, Thích Ca Mâu Ni Phật nay đang nói kinh Đại Vân, ông có thể đến đó nghe’. Nay vị Bồ Tát đó sắp đến nơi đây”. Có nghĩa là trong khi Phật Thích Ca thuyết pháp, Phật Di Đà cũng đang thuyết pháp bên đó, nên biết chẳng phải là thuyết pháp trong quá khứ hay trong tương lai, mà là thuyết pháp trong hiện tại).

          Khoảng cách xa như thế, thuở ấy cũng chẳng có điện báo hay điện thoại. Lúc Thích Ca Mâu Ni Phật đang giảng kinh Đại Vân, bỗng cười, Đại Vân Bồ Tát liền hỏi: “Vì sao lão nhân gia cười?” Đức Phật liền giảng nhân duyên ấy. Khi ấy, Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật đang thuyết pháp, Ngài bảo một vị Bồ Tát nơi ấy: “Trong thế giới Sa Bà, Thích Ca Mâu Ni Phật đang nói kinh Đại Vân, ông hãy nên đến nghe”. Đức Phật nói do vị ấy sắp đến, đức Phật bèn cười. Đó là khi ấy hai vị Phật đang thuyết pháp cùng một lúc. Quý vị thấy khoảng cách mười vạn ức cõi Phật cũng giống như đang ở trước mặt.

          Thích Ca Mâu Ni Phật thấy Tây Phương Cực Lạc thế giới rõ ràng như vậy, A Di Đà Phật đang nói gì, Phật Thích Ca đều nghe rõ ràng, minh bạch. A Di Đà Phật thấy thế giới Sa Bà của chúng ta cũng rõ rệt như vậy. Thích Ca Mâu Ni Phật giảng pháp gì, Phật Di Đà cũng nghe rõ ràng, Ngài còn sai một vị Bồ Tát đến nghe. Điều này chứng tỏ Ngài đang thuyết pháp trong hiện tại.

          (Sớ) Phàm ngôn hiện tại, phục hữu nhị nghĩa, như Thích Ca, Di Đà, quân danh hiện tại, nhi tiểu bất đồng.

            () 凡言現在,復有二義,如釋迦彌陀,均名現在,而小不同。

          (Sớ: Phàm nói là “hiện tại”, lại có hai nghĩa, như Thích Ca và Di Đà đều gọi là “hiện tại”, nhưng có chút khác biệt).

          Hai ý nghĩa, thứ nhất là hiện tại, ý nghĩa thứ hai là “hiện tại của hiện tại”. Ví như nói chúng ta tu hành, niệm Phật là đường tắt để thành Phật, là một con đường gần nhất, nhưng Trì Danh Niệm Phật lại là con đường tắt nhất trong các con đường tắt, có ý nghĩa này. Chúng ta xem tiếp, chỗ khác nhau nhỏ nhặt ấy, rốt cuộc là khác nhau ở chỗ nào?

          (Sao) Tiểu bất đồng giả, Thích Ca Hiền Kiếp tứ Phật, thị danh hiện tại.

          () 小不同者,釋迦賢劫四佛,是名現在。

          (Sao: Chỗ khác nhau nhỏ nhặt: Thích Ca là vị Phật thứ tư trong Hiền Kiếp, nên gọi là hiện tại).

          Trong Hiền Kiếp, Thích Ca Mâu Ni Phật là vị thứ tư thị hiện thành Phật trong thế giới này, Di Lặc là vị thứ năm.  Trong Hiền Kiếp có

tất cả một ngàn vị Phật xuất thế.

          (Sao) Nhi Song Lâm thị diệt, tướng hảo nan thân, đồ ngưỡng gia danh, cẩn tồn tượng giáo.

            () 而雙林示滅,相好難親,徒仰嘉名,僅存像教。

          (Sao: Nhưng Ngài đã thị hiện diệt độ tại Song Lâm, khó thể thân cận tướng hảo, chỉ đành ngưỡng mộ suông danh hiệu cao đẹp, chỉ còn lại Tượng Giáo). 

          Phật Thích Ca thị hiện trong thế gian này, tám mươi tuổi nhập diệt, thọ mạng chẳng khác với người bình phàm trong thế gian, Ngài thị hiện tịch diệt tại rừng Sa La Song Thụ. Do vậy, tuy thời đại hiện tại vẫn là thời đại của Thích Ca Mâu Ni Phật, nhưng nay đã là thời đại Mạt Pháp của Thích Ca Mâu Ni Phật. Trong thời đại Mạt Pháp, chúng ta chẳng gặp Thích Ca Mâu Ni Phật, chỉ có thể thấy hình tượng của Thích Ca Mâu Ni Phật, trông thấy tượng Phật, chứ chẳng thấy Phật. “Cẩn tồn Tượng Giáo”: Giáo pháp tương tự, Phật chẳng đích thân hiện diện.

          (Sao) A Di Đà Phật, tắc kim nhật kim thời, chánh ư bỉ quốc, hiện tại thuyết pháp, thị Thích Ca hiện tại chi quá khứ, Di Đà hiện tại chi hiện tại dã.

          () 阿彌陀佛,則今日今時,正於彼國,現在說法,是釋迦現在之過去,彌陀現在之現在也。

          (Sao: A Di Đà Phật là ngay trong hiện thời ở ngay trong cõi ấy, hiện đang thuyết pháp, [do đó] Thích Ca là quá khứ của hiện tại, còn Di Đà là hiện tại của hiện tại).

          Khác nhau ở chỗ này, điểm khác nhau nhỏ nhặt là A Di Đà Phật chẳng diệt độ.

          (Sao) Cổ nhân vân: “Phật tại thế thời, ngã trầm luân”.

          () 古人云:佛在世時我沉淪。

          (Sao: Cổ nhân nói: “Lúc Phật tại thế, ta trầm luân”).

          Ở trong ác đạo, chẳng gặp Phật.

          (Sao) Kim đắc nhân thân, Phật diệt độ.

          () 今得人身佛滅度。

          (Sao: Nay được thân người, Phật diệt độ).

          Nay chúng ta được làm thân người, Phật chẳng còn trụ thế nữa, đã diệt độ rồi!

          (Sao) Áo não tự thân đa nghiệp chướng, bất kiến Như Lai kim sắc thân.

            () 懊惱自身多業障,不見如來金色身。

          (Sao: Áo não thân mình nhiều nghiệp chướng, chẳng thấy Như Lai kim sắc thân).

           Đúng vậy!

          (Sao) Cảm mộ thương ta, nhất chí ư thử.

          () 感慕傷嗟,一至於此。

          (Sao: Cảm mộ, than thở bi thương đến mức như thế ấy).

          Cổ nhân có chuyện cảm khái, thương cảm như thế đó!

          (Sao) Kim Thích Ca tuy diệt, Di Đà hiện tồn, đản đắc vãng sanh, tiện năng thân chá, nhi bất tín, bất nguyện, đồ vi vô ích chi bi, diệc hoặc hỹ!

          () 今釋迦雖滅,彌陀現存,但得往生,便能親炙。而不信不願,徒為無益之悲,亦惑矣。

          (Sao: Nay tuy Phật Thích Ca diệt độ, Phật Di Đà nay vẫn còn tại thế, chỉ cần được vãng sanh sẽ được thân cận, nhưng chẳng tin, chẳng nguyện, chỉ buồn rầu suông vô ích, cũng là mê hoặc lắm thay!)

           “Hoặc” (惑) là mê hoặc, những kẻ đó mê hoặc. Câu này nhằm khuyên lơn, khích lệ chúng ta. Tuy Phật Thích Ca Phật đã diệt độ, A Di Đà Phật hiện đang tại thế, vì sao quý vị chẳng vãng sanh? Vì sao quý vị chẳng thân cận A Di Đà Phật? Thân cận A Di Đà Phật chẳng phải là chuyện khó khăn, mỗi người đều có thể làm được, vấn đề là quý vị có muốn vãng sanh hay không? Do vậy, [lời khai thị này] đã ban cho chúng ta một sự cổ vũ, khích lệ rất lớn!

          (Sớ) Hựu thử hiện tại, thả cứ Thích Ca đương thời nhi ngôn, thật tắc triệt ư tiền hậu, diệc phục hậu hậu vô tận, giai danh hiện tại.

          () 又此現在,且據釋迦當時而言,實則徹於前後,亦復後後無盡,皆名現在。

          (Sớ: Lại nữa “hiện tại” ở đây là nói theo thời Phật Thích Ca, chứ thật ra, [chữ “hiện tại”] xuyên suốt trước sau, lại còn vô tận đời về sau đều gọi là “hiện tại”).

          Ý nghĩa này càng giảng càng sâu, càng giảng cũng càng huyền!

          (Sao) Tiền hậu giả, Thích Ca vị xuất thế tiền, Di Đà diệc hiện tại thuyết pháp, Thích Ca ký diệt độ hậu, Di Đà diệc hiện tại thuyết pháp, nãi chí kim nhật, do vân “hiện tại”.

            () 前後者,釋迦未出世前,彌陀亦現在說法,釋迦既滅度後,彌陀亦現在說法,乃至今日,猶云現在。

          (Sao: “Trước sau”: Trước khi Phật Thích Ca xuất thế, Phật Di Đà cũng hiện tại thuyết pháp, Phật Thích Ca đã diệt độ, Phật Di Đà cũng hiện tại thuyết pháp. Mãi cho đến ngày nay vẫn nói là “hiện tại”).

          Đây là giải thích từ ngữ “triệt ư tiền hậu” (xuyên suốt trước sau), vì sao? Từ kinh điển, chúng ta đọc thấy A Di Đà Phật đã thành Phật tại Tây Phương Cực Lạc thế giới đến nay đã mười kiếp, trong mười kiếp ấy, Ngài thuyết pháp mỗi ngày. Mỗi ngày trong mười kiếp ấy đều là “hiện tại thuyết pháp”. Khi Thích Ca Mâu Ni Phật chưa xuất thế, A Di Đà Phật đã thuyết pháp bên đó, cho đến sau khi Thích Ca Phật diệt độ, A Di Đà Phật vẫn “hiện tại thuyết pháp”, triệt tiền triệt hậu (thông suốt trước sau) [là như vậy đó]!

          (Sao) Hậu hậu vô tận giả, dĩ Thích Ca thuyết pháp, chỉ ư tứ thập cửu niên, Ca Diếp nhi thượng, Di Lặc nhi hạ, túng niên số đa, diệc hữu hạn lượng.

     () 後後無盡者,以釋迦說法,止於四十九年,迦葉而上,彌勒而下,縱年數多,亦有限量。

          (Sao: “Về sau vô tận”: Do Phật Thích Ca thuyết pháp chỉ trong bốn mươi chín năm, kể từ Phật Ca Diếp trở về trước, kể từ Phật Di Lặc trở về sau, dẫu số năm có nhiều, vẫn là có hạn lượng).

          Đây là nói về một ngàn vị Phật trong Hiền Kiếp, Ca Diếp Phật là vị Phật thứ ba trong Hiền Kiếp, Thích Ca Mâu Ni Phật là vị Phật thứ tư, Di Lặc Phật là vị Phật thứ năm, thời gian các Ngài trụ thế là hữu hạn.

          (Sao) Vị nhược Di Đà thuyết pháp, chí vi cửu viễn, chư Phật mạc cập. Thị cố bất duy kim nhật do danh “hiện tại”, hậu hậu vô tận, giai khả danh vi “hiện tại thuyết pháp” dã.

          () 未若彌陀說法,至為久遠,諸佛莫及,是故不唯今日猶名現在,後後無盡,皆可名為現在說法也。

          (Sao: Chẳng như Phật Di Đà thuyết pháp tột bậc lâu xa, chư Phật chẳng thể sánh kịp. Vì thế, chẳng phải là hiện thời mới gọi là “hiện tại”, mà vô tận về sau này đều có thể gọi là “hiện tại thuyết pháp” vậy).

           Đây là ý nghĩa chân thật của sự thuyết pháp. Kinh nói “hiện tại thuyết pháp”, bất luận lúc nào, bốn chữ này quyết định là chính xác. Phật thọ vô lượng, bất luận trong thời đại nào, hay kiếp nào, A Di Đà Phật đều thuyết pháp nơi đó, “hiện tại thuyết pháp”.

          Ở đây còn có một khải thị rất lớn, đó là muốn thật sự kiến lập Phật pháp trong thế gian này, thật sự tiếp dẫn vãng sanh, cần phải có một đạo tràng, [tức là] cần có một đạo tràng để vĩnh viễn trụ tích[7]. Nếu A Di Đà Phật tận hư không trọn pháp giới, các cõi Phật rất nhiều, hôm nay đến nơi này thuyết pháp, ngày mai sang nơi kia thuyết pháp, Ngài sẽ chẳng thể độ chúng sanh! Đâu có chúng sanh nào nghe một hai lần bèn khai ngộ, bèn thành Phật, làm Tổ? Chẳng có chuyện ấy! Vì vậy, chúng ta thấy các vị tổ sư đại đức từ xưa tới nay luôn trụ một phương, vài chục năm chẳng ra khỏi sơn môn, chẳng xuống núi, nên mới có thành tựu rất vĩ đại.

          Tôi nói như vậy, chắc quý vị cũng hỏi tôi: “Vì sao thầy không trụ tại một nơi nào?” Thưa cùng quý vị, tôi thiếu phước báo, chẳng có một đạo tràng. Nếu có một đạo tràng, tôi sẽ chẳng đi [khắp nơi], một đạo tràng cũng chẳng có! Ở đây chỉ có một giảng đường mà thôi, chẳng thể coi như một đạo tràng. Công việc của tôi hiện thời là đi khắp mọi nơi trên toàn thế giới khuyên lơn người khác hãy thật sự tu tập! Tôi chẳng có phước báo, hy vọng quý vị là người có phước báo hãy nỗ lực, phải phát tâm. Có phước báo là quý vị có tự viện, có đạo tràng, quý vị phải nỗ lực tu tập. Tôi đi khắp nơi, người ta cũng rất thích thân cận, vì sao? Tôi chẳng đến chiếm đoạt đạo tràng của người ta, tôi đi làm công tác tuyên truyền!

          Hy vọng quý vị thật sự là những vị đại đức có đạo tràng, bất luận xuất gia hay tại gia, hàng tại gia có phước báo cũng chẳng ít! Tháng sau, tôi sang Canada giảng kinh, ba đạo tràng ở Ôn Ca Hoa (Vancouver), Canada, đều do cư sĩ chủ trì, các vị cư sĩ có phước báo. Các đạo tràng ấy có quy mô cũng khá. Vì thế, chúng ta phải phát tâm viên mãn, có phước báo to bao nhiêu thì làm chuyện to bấy nhiêu, chớ nên miễn cưỡng. Hễ miễn cưỡng, quý vị sẽ sanh phiền não. Đừng miễn cưỡng, thân tâm tự tại! Do vậy, nói chung, đời này tôi chỉ có cách đi khắp nơi tuyên truyền, chứ mong trụ một nơi sợ rằng chẳng hy vọng gì! Trước nay tôi cũng không muốn, cũng chẳng mong tương lai có một nơi để trụ, trọn chẳng mong muốn. Do vậy, phải hiểu rõ đạo lý này, đó là thật sự thành tựu chúng sanh. Đi khắp nơi giảng kinh, hoằng pháp, nói đến sự thành tựu cho chính mình thì không sao cả, chính mình hằng ngày niệm Phật, hằng ngày niệm kinh, trước nay chưa hề gián đoạn, đối với chính mình chẳng trở ngại tí nào, nhưng đối với đại chúng mà nói thì chẳng có cách nào độ chúng sanh. Muốn độ chúng sanh, ắt phải thường trụ tại một nơi.

          Trong quá khứ, thầy Lý cũng từng bàn với tôi về vấn đề này. Trong quá khứ, trong một buổi học, lớp học có quy mô nhỏ, thầy hỏi các đồng học chí nguyện của mỗi người, hỏi đến tôi, tôi trả lời: “Đi khắp nơi giảng kinh, hoằng pháp”. Thầy cười: “Anh rất tự tại!”, thầy bảo tôi: “Nhưng như vậy thì anh chẳng thể độ chúng sanh”. Tôi hỏi: “Vì sao?” Thầy nói: “Độ chúng sanh phải trụ tại một nơi”. Thầy dạy tôi đạo lý ấy, tôi nghe thấy rất có lý, nhưng tuyệt đối chẳng phải là đơn giản như thế, phải có phước báo. Chẳng có phước báo sẽ chẳng được! Phước báo chẳng thể miễn cưỡng. Bản thân tôi trong quá trình tu hành, cuộc sống hết sức thanh bần, tôi chẳng muốn kiếm một người nào [để cầu cạnh], tôi thà chết đói, chẳng thể cầu cạnh người khác: “Hôm nay tôi không có cơm ăn, quý vị hãy giúp đỡ tôi”. Lời ấy tôi chẳng thốt ra được! Nay bảo tôi tìm tín đồ hóa duyên: “Tôi muốn lập một đạo tràng ở nơi đây để độ chúng sanh”, lời lẽ ấy tôi cũng chẳng thốt ra được! Cho nên vẫn như lời thầy Lý nói, tiêu dao tự tại! Đó là chính mình tự tại, chẳng cần lãnh chúng, chẳng cần bận tâm, đến mọi nơi làm khách, đích xác là rất tự tại.

          Nhưng tôi hy vọng chư vị đồng tu nhất định phải phát đại tâm, hễ có nhân duyên ấy, có phước báo ấy, phải lập đạo tràng phổ độ chúng sanh. Cư sĩ trụ trì đạo tràng rất nhiều, từ xưa tới nay có rất nhiều người đạt thành tựu. Thỉnh người xuất gia đến trụ trì cũng tốt, hoặc chẳng thỉnh người xuất gia, chính mình trụ trì thì cũng như nhau, quyết định phải đi theo con đường chính xác. Chúng ta nương theo Tịnh Độ Tam Kinh hoặc Tịnh Độ Ngũ Kinh để tu học, chẳng có ai không thành tựu. Kinh điển phải giảng mỗi ngày, phải niệm Phật mỗi ngày. Chúng ta ở đây mỗi tuần giảng kinh bốn lần, niệm Phật một lần, chưa đủ! Nói nghiêm ngặt, phải giảng kinh mỗi ngày, phải niệm Phật mỗi ngày, quyết định chẳng thể gián đoạn, đó mới là một đạo tràng.

          Quán trưởng của chúng ta rất phát tâm, bà ta thành lập đạo tràng này, mấy lần trước toan phát tâm muốn mua lại tầng sáu này, tôi nghe vậy kinh hãi. Tôi bàn riêng với bà ta, tôi nói: “Bà phải suy nghĩ kỹ, mua cả tầng sáu phải tốn hơn ba ngàn vạn, món tiền ấy lấy ở đâu ra? Tôi quyết định chẳng hướng về người khác hóa duyên một đồng nào. Nếu bà có cách thì bà làm”. Tôi nói: “Nếu bà sợ phiền não thì chẳng cần phải làm, chúng ta duy trì tình trạng hiện thời là được rồi!” Vì thế, bà ta suy nghĩ sắp xếp lại nơi này, cũng ổn thỏa rồi, cũng được rồi! Vì vậy, người có phước báo nói: “Hiện thời [món tiền] hơn ba ngàn vạn đích xác chẳng phải là chuyện to tát gì”, nhưng đối với chúng ta rất khó khăn, chúng ta tìm ở đâu ra? Đừng nói ba ngàn vạn, ba trăm vạn chúng ta kiếm còn chưa ra, chẳng có khả năng này!

          Nói thật thà, người nghe kinh có thể nói đều là kẻ chẳng có tiền! “Phú quý học đạo nan”, kẻ có tiền chẳng nghe kinh. Người có tiền học Phật bằng cách nào? Bữa nào có đại pháp hội, mời họ đến dâng nén nhang đầu tiên, rất vinh dự, rất nở mày nở mặt, họ học Phật theo kiểu ấy! Đến chùa miếu để hưởng mọi sự cung phụng, đãi đằng, có chút gì trái ý họ, lần sau họ chẳng tới nữa! Đó là phương cách học Phật của kẻ có tiền, có phước báo; chuyện như thế là hiện tượng rất bình thường! Chính đức Phật đã nói, thời Mạt Pháp, ngoại đạo bất luận về hình tướng hay dung mạo đều trang nghiêm hơn Phật pháp. Đệ tử Phật đứng chung với ngoại đạo, thứ gì cũng đều chẳng bằng người ta, cho nên bị người khác khinh rẻ. Ngoại đạo giàu có mà!

          Nhưng thật sự tiếp xúc Phật pháp, chúng ta hiểu những hiện tượng trước mắt ấy, đức Phật đã có nói. Nếu chẳng phải là hiện tượng như vậy, những điều Phật nói đều sai mất rồi. Nay chúng ta thấy tình cảnh như vậy, hiểu đức Phật nói chẳng sai câu nào, sự thật là như thế. Chúng ta nhận biết hoàn cảnh, chính mình nỗ lực tu học hòng đạt đến Tây Phương Tịnh Độ. Cơ sở này của chúng ta chẳng lớn bằng người ta, nhưng ở đây chúng ta có đạo, cơ sở của họ to hơn chúng ta, nhưng chỗ của họ chẳng có đạo, đó cũng là như trong quá khứ, cổ đức thường nói: “Hữu miếu vô đạo, bất năng hưng giáo” (có chùa chẳng có đạo, giáo pháp chẳng thể hưng khởi). Chùa dẫu to cách mấy cũng uổng công, cũng chẳng có tác dụng, trong ấy chẳng có đạo, giáo pháp chẳng thể hưng khởi. Muốn hưng giáo, nhất định phải có đạo. Cơ sở dẫu nhỏ đến đâu đi nữa, hễ có đạo là được, có thể hưng khởi giáo pháp. Vì thế, Di Đà thường trụ thế gian, lúc ấy mới có thể giúp đỡ người vãng sanh ai nấy viên thành Phật đạo! Nếu Ngài chẳng thường trụ, chúng ta đến đó mong thành Phật đạo khá khó khăn. Vì thế, nhất định phải thường trụ. Ở đây, Liên Trì đại sư đặt ra một đoạn vấn đáp:

          (Sao) Vấn: Di Đà chi hậu, thứ bổ Quán Âm, an đắc vô tận?

            () 問:彌陀之後,次補觀音,安得無盡。

          (Sao: Hỏi: Sau Phật Di Đà, Quán Âm sẽ bổ xứ thành Phật, lẽ đâu là vô tận?)

          Câu hỏi này rất hay! Kinh nói rất rõ ràng, trong tương lai A Di Đà Phật diệt độ, Quán Thế Âm Bồ Tát thành Phật. Quán Thế Âm Bồ Tát thành Phật hóa độ chúng sanh, pháp duyên trọn hết, bèn diệt độ, Đại Thế Chí Bồ Tát nối tiếp thành Phật, kinh nói như vậy. Đã có nói lời ấy, ta có thể thấy thọ mạng của A Di Đà Phật vẫn là có hạn lượng, chẳng phải thật sự là vô lượng! Chúng ta hãy xem câu trả lời.

          (Sao) Đáp: Di Đà trụ thế kỷ kiếp, Quán Âm bổ chi, tằng hữu số phủ?

          () 答:彌陀住世幾劫,觀音補之,曾有數否。

          (Sao: Đáp: Di Đà trụ thế mấy kiếp thì Quán Âm sẽ Bổ Xứ, có số lượng hay chăng?)

           A Di Đà Phật ở trong thế giới Tây Phương, rốt cuộc thọ bao lâu? Trụ thế bao lâu thì Quán Âm Bồ Tát sẽ thành Phật, có số lượng ấy hay không?

          (Sao) Bỉ Quán Âm thượng vân, trụ vô ương số kiếp.

          () 彼觀音尚云,住無央數劫。

          (Sao: Đức Quán Âm còn nói sẽ trụ vô ương số kiếp).

          Có số lượng, nhưng con số ấy quá lâu! Trong kinh Vô Lượng Thọ, A Di Đà Phật đã nói: “Nhất tứ thiên hạ chúng sanh”, nói theo cách bây giờ, [một tứ thiên hạ] là một thái dương hệ, [nhất tứ thiên hạ chúng sanh] là tất cả chúng sanh thuộc bốn đại châu trong một thái dương hệ, thảy đều chứng quả Bích Chi Phật, thần thông, trí huệ giống như Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, hợp nhau tính toán thọ mạng của A Di Đà Phật vẫn tính chẳng ra! Làm sao chúng ta tính ra được? Một tứ thiên hạ Bích Chi Phật cùng nhau tính toán còn chẳng ra, quý vị nghĩ xem thọ mạng ấy đúng là quá dài, chẳng có cách nào nói! Vì thế, ở đây nói, ngay cả Quán Thế Âm Bồ Tát cũng nói là sẽ trụ thế vô ương số kiếp, Vô Ương là vô lượng.

          (Sao) Vô ương số kiếp, bất khả phục kế kiếp, bất khả phục kế kiếp, nãi thọ Thế Chí.

          () 無央數劫,不可復計劫,不可復計劫,乃授勢至。

          (Sao: Vô ương số kiếp, bất khả phục kế kiếp, bất khả phục kế kiếp mới truyền lại cho ngài Thế Chí).

          Đây là lời Quán Âm Bồ Tát nói. Sau khi Quán Âm Bồ Tát thành Phật, thời gian Ngài trụ thế lâu dài như thế, huống gì A Di Đà Phật?

          (Sao) Tắc Di Đà khả tri hĩ, khởi phi diệc thị hữu tận chi vô tận da?

          () 則彌陀可知矣,豈非亦是有盡之無盡耶。

          (Sao: Nên [từ những điều đó] có thể suy ra [tuổi thọ] A Di Đà Phật; há chẳng phải cũng là vô tận trong hữu tận ư?)

          Thọ mạng ấy đúng là quá dài! Do vậy, nay chúng ta vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, quyết định sẽ thành Phật trong khi A Di Đà Phật tại thế, chẳng đợi đến khi Quán Âm Bồ Tát [thành Phật]. Dẫu là kẻ chẳng dụng công, dẫu giải đãi, dẫu là kẻ biếng nhác, cũng nhất định thành Phật trong thuở A Di Đà Phật trụ thế. Vì sao? Nói thông thường, thành Phật là ba A-tăng-kỳ kiếp, rất ngắn. Nói theo Tây Phương Cực Lạc thế giới, thời gian ấy chẳng dài. Dẫu nói như kinh Hoa Nghiêm, vô lượng kiếp mới thành Phật, thời gian vô lượng kiếp so trong Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng chẳng bõ bèn gì! Vì thế, đến Tây Phương Cực Lạc thế giới quý vị quyết định thành Phật nhằm lúc A Di Đà Phật trụ thế!

          Vì sao chúng ta biết? Cho đến hiện tại, A Di Đà Phật mới thành Phật bất quá mười kiếp, giống như Ngài vừa mới khai trương cửa tiệm chưa bao lâu, mới mở cửa được mười ngày, chúng ta đã đến đó rồi! Vì thế, trong tương lai đến Tây Phương Cực Lạc thế giới đều là bậc nguyên lão, có tư cách kỳ cựu! Thật vậy, chẳng giả! Ngài thành Phật đã mười kiếp, [chúng ta] đã đến đó rồi, thọ mạng của Phật là vô lượng vô lượng kiếp. Cơ hội này quá khó có, quá tốt đẹp!

          (Sao) Huống Thế Chí chi bổ Quán Âm, vĩnh vô bát Nê Hoàn thời, tuy vân Thế Chí, thật Di Đà thuyết pháp vô dị dã.

     () 況勢至之補觀音,永無般泥洹時,雖云勢至,實彌陀說法無異也。

        (Sao: Huống chi ngài Thế Chí kế ngôi ngài Quán Âm, trọn chẳng có thời gian [Phật nhập] bát Nê Hoàn, [pháp vận trọn chẳng phải trải qua các giai đoạn chánh pháp, tượng pháp, mạt pháp, Phật trước vừa nhập diệt, Phật sau liền thành Chánh Giác], nên tuy nói là Thế Chí [kế tục Quán Âm thành Phật], nhưng thật ra chẳng khác gì đức Di Đà thuyết pháp).

           Những chuyện này đều được chép trong Quán Thế Âm Đắc Đại Thế Chí Thọ Ký Kinh[8], khiến cho chúng ta thật sự liễu giải Tây Phương Cực Lạc thế giới, quyết định chẳng có nghi hoặc. Có thể nói là Di Đà, Quán Âm, và Thế Chí tâm – nguyện – giải – hành hoàn toàn giống nhau, Quán Thế Âm Bồ Tát là truyền nhân của A Di Đà Phật, Đại Thế Chí Bồ Tát cũng là truyền nhân của A Di Đà Phật, các Ngài thuyết pháp trọn chẳng khác gì. “Tuy vân Thế Chí, thật Di Đà thuyết pháp vô dị” (tuy nói là Thế Chí, nhưng thật ra chẳng khác gì đức Di Đà thuyết pháp). Chúng ta biết Quán Âm, Thế Chí và A Di Đà Phật nói cùng một pháp môn, cùng một lý luận, cùng một phương pháp, cảnh giới giống hệt như nhau, hoàn toàn chẳng khác biệt. Thầy truyền cho trò, lời trò giảng và lời thầy giảng giống y khuôn!

                   (Sao) Vị tri hậu hậu vô tận, phu hề bất khả!

          () 未知後後無盡,夫奚不可。

          (Sao: Do vậy biết là vô tận đời về sau [đều gọi là “hiện tại”] có gì là không được?)

          Có gì mà chẳng thể nói là “hậu hậu vô tận”? Đương nhiên là có thể nói. Dẫu cho hiện thời chúng ta thuộc địa vị phàm phu, nhưng nay chúng ta đọc Tịnh Độ Tam Kinh, nương theo lý luận và phương pháp trong ba kinh để tu hành, tự hành, hóa độ người khác, cũng đạt được đôi chút khí phận của Phật Di Đà, được A Di Đà Phật gia trì. Nói cách khác, cũng chẳng khác gì sự thuyết pháp của Di Đà, Quán Âm, Thế Chí cho mấy, đều là khuyên quý vị hãy tin thật sự, nguyện thiết tha, trì danh vãng sanh, đều nhằm khuyên những điều này, chẳng khác nhau. Nếu giảng các kinh luận khác, chúng ta chẳng sánh bằng các vị tổ sư đại đức, chẳng sánh bằng bậc Bồ Tát tái lai; nhưng giảng pháp môn này, đại khái chẳng sai biệt cho lắm! Quý vị hãy khéo suy nghĩ điều này!

          Từ xưa tới nay, mọi người tôn xưng các vị tổ sư của Tịnh Độ Tông là “đại sư”. Hiện thời, danh hiệu này đã bị lạm dụng, chỉ cần là kẻ xuất gia, kẻ ấy bèn tự xưng là đại sư này nọ, nực cười thay! Chẳng thể nào [xưng hô như vậy]! “Đại sư” là từ ngữ tôn xưng Phật, quý vị chưa thành Phật, làm sao có thể gọi là đại sư? Ngay cả Quán Âm Bồ Tát cũng chẳng dám xưng đại sư, mà xưng là đại sĩ. Quý vị có thấy Bồ Tát dùng đức hiệu “đại sư” hay không? Chẳng có! Do vậy, hiện thời, những kẻ xuất gia bình phàm mà xưng là đại sư thì đã vượt trội Phật rồi, chẳng thể nào! Vì thế, tại Trung Quốc vào thời cổ, thầy của hoàng đế gọi là quốc sư, Thiền Tông xưng là thiền sư, Giáo Hạ xưng là pháp sư, hoặc luận sư, vị Tăng học giới luật xưng là luật sư. Tôn xưng thì gọi là Khai Sĩ hoặc Chánh Sĩ, như trong kinh Vô Lượng Thọ có nhắc tới mười sáu vị Chánh Sĩ hoặc Đại Sĩ, có thể xưng hô tôn kính như vậy, nhưng chẳng thể xưng là đại sư! Xưng “đại sư” tức là chửi người ta, ăn nói chẳng hợp lẽ! Quý vị là dân chúng bình phàm, nhưng tôi mỗi ngày gặp quý vị bèn nói “thưa ngài Tổng Thống”, quý vị nói xem có được hay không? Tôi gởi thư cho quý vị đề “[kính gởi] Tổng Thống X….”, tôi cảm thấy tôi rất tôn trọng quý vị, nhưng trên thực tế là châm biếm người ta! Chẳng thể được! Chỉ có tổ sư của Tịnh Độ Tông được mọi người công nhận là đại sư, điều này hợp lý, vì sao? Vì các Ngài dùng phương pháp này để tiếp dẫn chúng sanh, sử dụng [phương pháp] chẳng khác gì hết thảy chư Phật trong mười phương. Phương pháp giống hệt như nhau, chẳng khác gì Phật! Phương pháp bậc nhất để Phật độ chúng sanh là khuyên quý vị niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, nay quý vị cũng dùng phương pháp niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ này để khuyên nhủ người khác, giáo hóa chúng sanh, [vậy là] quý vị giáo hóa chúng sanh chẳng khác gì chư Phật! Do vậy, được xưng là đại sư.

          (Sớ) Hựu thử hiện tại, thả cứ Thích Ca đối bỉ nhi ngôn, thật tắc Di Đà hiện tại, tức Thích Ca hiện tại.

          () 又此現在,且據釋迦對彼而言,實則彌陀現在,即釋迦現在。

          (Sớ: Lại nữa, “hiện tại” ở đây là xét theo Thích Ca đối với [vị Phật ở thế giới] bên kia mà nói, thật ra Di Đà hiện tại chính là Thích Ca hiện tại).

          Câu này có ý nghĩa gì? Chúng ta hãy xem chú giải.

          (Sao) Trí Giác vân: “Tổng trì giáo trung, thuyết tam thập thất Phật, giai Tỳ Lô Giá Na nhất Phật sở hiện. Vị Giá Na nội tâm, chứng Tự Thụ Dụng, thành ư ngũ trí, tự đương trung ương Pháp Giới Thanh Tịnh Trí. Thứ tùng tứ trí, lưu xuất tứ phương tứ Như Lai, kỳ Diệu Quán Sát Trí, lưu xuất Tây Phương Cực Lạc thế giới Vô Lượng Thọ Như Lai, tắc nhất Phật nhi song hiện nhị độ dã. Cố Thanh Lương vân: “Tức Bổn Sư dã”.

          () 智覺云:總持教中,說三十七佛,皆毗盧遮那一佛所現。謂遮那內心,證自受用,成於五智,自當中央法界清淨智。次從四智,流出四方四如來,其妙觀察智,流出西方極樂世界無量壽如來,則一佛而雙現二土也。

涼云:即本師也。

          (Sao: Ngài Trí Giác nói: “Trong giáo pháp Tổng Trì có nói ba mươi bảy vị Phật đều do Tỳ Lô Giá Na Phật hiện ra. Nghĩa là từ trong nội tâm, Tỳ Lô Giá Na Phật chứng Tự Thụ Dụng, thành năm trí, tự đảm nhiệm Pháp Giới Thanh Tịnh Trí ở trung ương. Kế đó, từ bốn trí kia lưu xuất bốn vị Như Lai ở bốn phương. Diệu Quán Sát Trí lưu xuất Tây Phương Cực Lạc thế giới Vô Lượng Thọ Như Lai, tức là một vị Phật mà hiện trong hai cõi”. Vì vậy, ngài Thanh Lương nói: “Chính là Bổn Sư vậy”)

          Đây là lời của Trí Giác đại sư, Trí Giác chính là Vĩnh Minh Diên Thọ đại sư. Chúng ta biết Trí Giác đại sư là Phật Di Đà tái lai, theo lịch sử Trung Quốc ghi chép, vị hóa thân đầu tiên của A Di Đà Phật là Thiện Đạo đại sư. Hòa thượng Phong Can chùa Quốc Thanh núi Thiên Thai cũng là hóa thân [của A Di Đà Phật]. Ba vị này đều được ghi chép trong lịch sử. Trong bộ Di Đà Kinh Yếu Giải Thân Văn Ký, pháp sư Bảo Tĩnh có nói Vĩnh Minh Diên Thọ đại sư là A Di Đà Phật tái lai, nói rõ chuyện này.

          “Tổng trì giáo trung thuyết”, Vĩnh Minh Diên Thọ đại sư có một tác phẩm là Tông Kính Lục, một trăm quyển, tác phẩm này do đại sư soạn. Trong Tông Kính Lục nói gì? Gộp Tam Tạng mười hai bộ kinh lại để nghiên cứu, thảo luận, vì thế, người đời sau gọi [Tông Kính Lục] là Tiểu Tạng Kinh. Đại Tạng Kinh quá nhiều, đọc không xuể. Trong Tông Kính Lục, giáo nghĩa của các tông, các phái đều có, [nên tác phẩm này] cũng có thể gọi là “Phật pháp khái luận”, phân lượng khá to lớn, hết sức hoàn mỹ. Ở đây, trích dẫn lời giảng trong quyển hai mươi bốn của Tông Kính Lục: “Như tổng trì giáo trung, diệc thuyết tam thập thất Phật, giai Tỳ Lô Giá Na nhất Phật sở hiện” (Trong giáo pháp Tổng Trì cũng có nói ba mươi bảy vị Phật đều do một vị Tỳ Lô Giá Na Phật hiện ra). Trong kinh Hoa Nghiêm, Tỳ Lô Giá Na Phật là Pháp Thân Như Lai, Lô Xá Na là Báo Thân Như Lai, Thích Ca Mâu Ni Phật là Ứng Thân Như Lai. Lô Xá Na Phật, Tỳ Lô Giá Na Phật, Thích Ca Mâu Ni Phật là một, một Phật ba thân, Pháp Thân, Báo Thân, Ứng Hóa Thân. Vì vậy, Ngài nói ba mươi bảy vị Phật đều là Ứng Hóa Thân của Tỳ Lô Giá Na Phật.

          Nói tới “Ngũ Phương Như Lai”, đấy chính là cách nói trong kinh Hoa Nghiêm. Từ Đại Viên Kính Trí lưu xuất Đông Phương A Súc Phật, từ Bình Đẳng Tánh Trí lưu xuất Nam Phương Bảo Sanh Phật, từ Diệu Quán Sát Trí lưu xuất Tây Phương Vô Lượng Thọ Phật, từ Thành Sở Tác Trí lưu xuất Bắc Phương Bất Không Thành Tựu Phật. Pháp Giới Thanh Tịnh Trí chính là Tỳ Lô Giá Na Pháp Thân Phật ở trung ương. Nói “ba mươi bảy” chính là mỗi vị Phật trong Ngũ Phương Như Lai trên đây có Tứ Đại Bồ Tát[9], bốn lần năm thành hai mươi. Cộng thêm Ngũ Phương Như Lai thành hai mươi lăm, lại thêm Tứ Nhiếp và Bát Cúng Dường thành ba mươi bảy. Mạn Đà La của Mật Tông sử dụng giáo nghĩa này. Vì sao Bồ Tát, Tứ Nhiếp, Bát Cúng Dường đều gọi là Phật? Vì đều do Tỳ Lô Giá Na Phật biến hiện. Nếu Tỳ Lô Giá Na Phật biến hiện chén trà này, chúng ta có thể gọi chén trà là Phật; biến hiện nến thì chúng ta cũng có thể gọi nến là Phật! Nó do đức Phật biến ra, nên là Hóa Thân của Phật. Hai mươi vị Bồ Tát cùng Tứ Nhiếp, Bát Cúng Dường đều gọi là Phật, cộng lại thành ba mươi bảy. Tứ Nhiếp chẳng phải là Tứ Nhiếp Pháp thông thường, mà Tứ Nhiếp là các món pháp khí dùng trong Mật Tông: Câu (móc), Tỏa (dây xích), Linh (chuông lắc), Sách (dây thừng), bốn thứ pháp khí ấy nhiếp thọ hết thảy chúng sanh. Bát Cúng Dường gồm Thiêu Hương (hương đốt), Tán Hoa (rải hoa) Đăng (đèn), Đồ Hương (hương bôi), Hoa, Man (tràng hoa), Ca, Vũ. Những thứ này Hiển Giáo chỉ sử dụng chút phần, còn Mật Giáo sử dụng trọn hết. Các thứ cúng dường của Mật Tông trọn đủ, [Kim Cang Giới] Mạn Đà La được chiếu theo ý nghĩa của ba mươi bảy vị Phật mà lập ra.

          Do vậy, Thanh Lương đại sư bảo chúng ta: Ba mươi bảy vị Phật chính là Bổn Sư của chúng ta, A Di Đà Phật cũng ở trong đó, đích xác là A Di Đà Phật và Thích Ca Mâu Ni Phật chẳng khác nhau. Từ kinh Phạm Võng chúng ta thấy: “Thiên bách ức hóa thân Thích Ca Mâu Ni Phật” (một ngàn một trăm ức hóa thân Thích Ca Mâu Ni Phật). Nhìn từ góc độ ấy, “hiện tại” dùng chung cho chư Phật. Đối với các thân biến hóa của mỗi vị Phật, thân biến hóa này diệt độ, thân biến hóa kia vẫn tồn tại. Nói thật ra, Di Đà hiện tại là Thích Ca Mâu Ni Phật hiện tại. Nay chúng ta chẳng có cơ hội thân cận Thích Ca Mâu Ni Phật, Thích Ca Phật đã diệt độ rồi. Nếu chúng ta vãng sanh thân cận A Di Đà Phật, sẽ chẳng khác gì thân cận Thích Ca Mâu Ni Phật, vì Thích Ca và Di Đà đều là hóa thân của Tỳ Lô Giá Na Phật. Do vậy, ý nghĩa “hiện tại” được giảng rất sâu.

          Kinh Pháp Hoa nói tới Bổn Tích Nhân Duyên, ở đây là nói đến Bổn, phần trước là nói theo “dấu vết, hình tượng” (Tích). Nói theo bản thể, sẽ biết chư Phật nhiều ngần ấy đều là một thân của Tỳ Lô Giá Na Như Lai, đúng như kinh luận thường nói: “Mười phương ba đời Phật, cùng chung một Pháp Thân”. Nếu biết là cùng chung một Pháp Thân thì có thể biết hết thảy chư Phật thật sự là chẳng hai, chẳng khác. Một vị Phật này hiện tại, thì hết thảy các vị Phật kia đều là hiện tại. Do vậy có thể biết, Phật há có Niết Bàn? Chẳng có! Nhập Bát Niết Bàn là nói với kẻ căn tánh trung hạ, chữ “trung hạ” chỉ Thanh Văn, Duyên Giác, Quyền Giáo Bồ Tát trở xuống, đối với Bồ Tát cấp cao sẽ chẳng nói chuyện này, chẳng có! Bồ Tát cao cấp chẳng có sanh tử, mà cũng chẳng có Niết Bàn. Kinh Đại Thừa nói Vô Trụ Niết Bàn, chẳng trụ sanh tử, chẳng trụ Niết Bàn. Niết Bàn và sanh tử là do tương đối mà thành lập, chẳng có bên kia, há có bên này? Nhị biên chẳng có, “nhị biên chẳng lập, Trung Đạo chẳng còn”, điều này gọi là “nhập Nhất Chân pháp giới”, thật sự là pháp giới thanh tịnh. Còn có đây, kia, còn có tương đối thành lập, nói chung đó là chuyện thuộc trong mười pháp giới, chẳng phải là Nhất Chân pháp giới. Trong Nhất Chân pháp giới, chẳng lập một pháp. Lý và Sự chúng ta đều phải hiểu rõ, đều chẳng còn có nghi hoặc. Hôm nay, chúng tôi giảng tới đây!

[1] Nguyên văn “Thu hữu túc sát chi khí”, Túc Sát (肅殺) là từ ngữ mô tả khí hậu lạnh, se sắt của mùa Thu khi sắp chuyển sang tiết Đông khiến cây cối tàn úa rồi rơi rụng.

[2] Câu “Tây đương túc khí” nhằm diễn tả ý nghĩa “Tây đương túc sát chi khí” như đã nói trong phần trên. Do xét theo Ngũ Hành, mùa Thu ứng với phương Tây, thuộc về hành Kim. Gió Thu lạnh khiến lá cây đổi sắc, tàn rơi, giống như bị tàn sát nên gọi là “túc sát”, mang ý nghĩa diệt trừ, cắt chặt những phiền não.

[3] Đây là các màu sắc của Ngũ Hành, nói phương Tây màu trắng vì phương Tây thuộc Kim, Kim được quy định là có màu trắng trong Ngũ Hành. Nói chi tiết thì phương Nam thuộc Hỏa màu đỏ, phương Đông thuộc Mộc màu xanh, phương Tây thuộc Kim màu trắng, phương Bắc thuộc Thủy màu đen, trung ương thuộc Thổ màu vàng.

[4] Giáo Thừa Pháp Số là một loại tiểu từ điển giải thích các danh từ thuộc về Pháp Tướng trong Phật giáo. Tác phẩm này gồm bốn mươi quyển do ngài Viên Tịnh biên soạn vào đời Minh. Ngài Viên Tịnh pháp tự Tâm Nguyên, thân thế chẳng rõ, chỉ biết thuở đầu Ngài học Giáo Quán với ngài Vũ Ông thuộc tông Thiên Thai. Ngài cũng từng đảm nhiệm chức Tăng Lục Ty Hữu Thiện Thế thời Minh Tuyên Tông (1426-1435). Trong tác phẩm này, Ngài dùng giáo nghĩa tông Thiên Thai để giải thích pháp số.

[5] Kinh này có tên gọi đầy đủ là Đại Phương Đẳng Vô Tưởng Đại Vân Kinh do ngài Đàm Vô Sấm dịch vào thời Bắc Lương, gồm sáu quyển. Kinh còn được gọi bằng các danh xưng như Đại Phương Đẳng Vô Tưởng Kinh, Đại Vân Vô Tưởng Kinh, Đại Vân Kinh, Vân Mật Tạng Kinh, Vô Tưởng Kinh v.v… Do lời khải thỉnh của Đại Vân Mật Tạng Bồ Tát, đức Phật giảng về các pháp như thông đạt đà-la-ni môn, Hải Ấn tam-muội, Như Lai thường trụ, Như Lai bảo tạng v.v… Kinh gồm có ba mươi bảy phẩm.

[6] Chữ “diện môn” có ba cách giải thích: “Một là miệng, hai là khoảng giữa của mặt từ mũi đến miệng, ba là toàn bộ khuôn mặt”. Đây là quan điểm của sách Thám Huyền Ký.

[7] Trụ tích: Tích ở đây là tích trượng. Một vị Tăng thường trụ ở nơi đâu trong một thời gian dài sẽ gọi là “trụ tích” hoặc “quải tích” tại nơi đó.

[8] Kinh Avalokiteśvara-bodhisattva-mahāsthāma-prāpta-bodhisattva-vyākarana-sūtra có nhiều bản dịch:

  1. Quán Thế Âm Bồ Tát Thọ Ký Kinh do ngài Đàm Vô Kiệt dịch vào đời Lưu Tống.
  2. Quán Thế Âm Đắc Đại Thế Chí Bồ Tát Thọ Ký Kinh do ngài Trúc Pháp Hộ dịch.
  3. Quán Thế Âm Thọ Ký Kinh do ngài Nhiếp Đạo Chân dịch.
  4. Như Huyễn Tam Ma Địa Vô Lượng Ấn Pháp Môn Kinh do ngài Thi Hộ dịch.

Đức Phật giảng kinh này tại vườn Lộc Uyển nước Ba La Nại. Đức Phật vì Hoa Đức Tạng Bồ Tát giảng pháp Vô Y Chỉ để đắc Như Huyễn tam-muội, đồng thời cho biết các vị như Văn Thù, Di Lặc, Quán Âm, Thế Chí đã đắc tam-muội này. Tiếp đó, đức Phật giảng về nhân duyên phát tâm tu tập chánh đạo của hai vị Quán Âm và Thế Chí, thọ ký bổ xứ thành Phật v.v…

[9] Theo Kim Cang Đảnh Du Già Tam Thập Thất Tôn Xuất Sanh Nghĩa, mỗi vị trong Ngũ Trí Như Lai xuất sanh Tứ Thân Cận Bồ Tát.

– A Súc Như Lai (Bất Động Như Lai) xuất sanh bốn vị Bồ Tát là Kim Cang Tát Đỏa, Kim Cang Vương, Kim Cang Ái và Kim Cang Thiện Tai (Kim Cang Hỷ).

– Bảo Sanh Như Lai xuất sanh bốn vị Bồ Tát là Kim Cang Bảo, Kim Cang Tràng, Kim Cang Tiếu và Kim Cang Nhật (Kim Cang Quang).

– Vô Lượng Thọ Như Lai xuất sanh bốn vị Bồ Tát là Kim Cang Pháp, Kim Cang Trí (Kim Cang Lợi), Kim Cang Nhân và Kim Cang Mật Ngữ (Kim Cang Ngữ).

– Bất Không Thành Tựu Như Lai xuất sanh bốn vị Bồ Tát là Kim Cang Nghiệp, Kim Cang Hộ, Kim Cang Nha, Kim Cang Quyền.

– Tỳ Lô Giá Na Như Lai xuất sanh Kim Cang Ba La Mật, Bảo Ba La Mật, Pháp Ba La Mật và Nghiệp Ba La Mật.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *