Tập 106/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 03-003-0289

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 106

         Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang hai trăm lẻ bảy:

          (Sao) Tam A Nan giả.

          () 三阿難者。

          (Sao: “Ba vị A Nan”).

          Đây là nói về ba vị A Nan, kinh Đại Thừa thường nói chuyện này, kinh Tiểu Thừa chẳng thừa nhận.

          (Sao) Nhất danh Hoan Hỷ, kết Thanh Văn Tạng.

          () 一名歡喜,結聲聞藏。

          (Sao: Vị thứ nhất tên là Hoan Hỷ, kết tập Thanh Văn Tạng).

          Đây là hoàn toàn nói theo hình tướng, dấu vết. Ngài A Nan là em họ của Thích Ca Mâu Ni Phật; sau khi đức Phật diệt độ, Ngài vâng theo di giáo của đức Phật, kết tập kinh điển Tiểu Thừa.

          (Sao) Nhị danh Hỷ Hiền, kết Duyên Giác Tạng.

          () 二名喜賢,結緣覺藏。

          (Sao: Vị thứ hai là Hỷ Hiền, kết tập Duyên Giác Tạng).

           Thông thường, chúng cũng quy nạp Duyên Giác vào pháp Tiểu Thừa, tức là Thanh Văn và Duyên Giác. Nếu nói tới Tam Thừa, sẽ tách ra thành Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát. Trí huệ và công phu tu hành của Duyên Giác đều cao hơn Thanh Văn. Trong kinh giáo đã nêu ra sự khác biệt lớn nhất ở chỗ: Tuy Thanh Văn đã đoạn Kiến Tư phiền não, nhưng chưa đoạn tập khí; Duyên Giác thì ngay cả tập khí cũng đoạn. Đấy là chỗ khác nhau nơi quả chứng giữa Thanh Văn và Duyên Giác.

(Sao) Tam danh Hỷ Hải, kết Bồ Tát Tạng.

() 三名喜海,結菩薩藏。

          (Sao: Vị thứ ba tên là Hỷ Hải, kết Bồ Tát Tạng).

 Hết thảy kinh Đại Thừa cũng do tôn giả A Nan kết tập. Do đây có thể biết, kinh điển Tam Thừa có quan hệ mật thiết với tôn giả A Nan. Đại Thừa nói rõ tôn giả A Nan cũng đã ngộ nhập Pháp Tánh, cho nên thông đạt hết thảy Đại Thừa Phật pháp vô ngại[1].

          (Sao) Tắc A Nan dĩ đại thần lực, tùy cơ thị giáo, thị tri nhất đại thời giáo, thử A Nan bất văn giả, bỉ A Nan văn chi, hựu hà văn dữ bất văn nhi vi ngại dã.

       ()則阿難以大神力,隨機示教,是知一代時教,此阿難不聞者,彼阿難聞之,又何聞與不聞而為礙也。

          (Sao: A Nan dùng đại thần lực, tùy theo căn cơ mà chỉ bày giáo pháp. Vì thế, biết: Đối với giáo pháp trong cả một đời đức Phật, nếu ngài A Nan này không nghe, thì ngài A Nan khác nghe, há còn trở ngại vì “nghe” hay “chẳng nghe” nữa ư?)

          Đây là ý nghĩa vô ngại. Trong phần trước đã từng nói: “Một vị Phật xuất thế, ngàn vị Phật ủng hộ”, Phật pháp mới có thể thường trụ thế gian, mới có thể thật sự lợi ích hết thảy chúng sanh. Không có chư Phật, chư Bồ Tát hộ trì, phàm phu sẽ chẳng nhận biết, chẳng biết giá trị, càng chẳng có lòng nhẫn nại, chẳng có tâm dài lâu! Do điều này, ta biết chư Phật, Bồ Tát, tổ sư đại đức trụ trì trong thế gian mấy chục năm, phát huy rạng rỡ Phật pháp đều chẳng thể nghĩ bàn. Trong các vị đệ tử và hộ pháp, cũng thường có nhiều vị tái lai. Nếu bảo là không có vị nào tái lai, chỉ có một vị Phật, Bồ Tát, hay La Hán xuất thế, chắc chắn chẳng thể nào hóa độ chúng sanh. Vì thế, cũng biết: Pháp duyên hoàn toàn cậy nhờ Tam Bảo.

          Đương nhiên chuyện này là “khả ngộ, bất khả cầu” (có thể ngộ, chẳng thể cầu). Chúng sanh có phước, Phật, Bồ Tát bèn xuất thế; chúng sanh chẳng có phước, chúng ta làm cách nào cũng chẳng cầu được! Phước do đâu mà có? Phước phải do chính mình tu. Bản thân chúng ta chẳng tu phước, mong mỏi người khác tu phước, đó là sai lầm; nhất định phải là chính mình biết tu phước. Đoạn “ngã văn” đã giảng xong. Tiếp theo đây là giảng về “nhất thời”, tức là điều thứ ba trong sáu thứ thành tựu.

          (Sớ) Nhất thời giả, Thời Thành Tựu dã.

            () 一時者,時成就也。

          (Sớ: “Nhất thời” là Thời Thành Tựu).

          Lúc nào?

          (Sớ) Sư tư tương hợp, đương thời thuyết thính sự tất, tức danh “nhất thời”, dĩ thuyết thính vô định cố. Bất ngôn mỗ niên nguyệt nhật giả, thập phương thời phần bất nhất, lưỡng độ chánh sóc bất đồng cố.

       ()師資相合,當時說聽事畢,即名一時,以說聽無定故。不言某年月日者,十方時分不一,兩土正朔不同故。

          (Sớ: Thầy trò tương hợp, trong lúc ấy, nói và nghe xong xuôi, bèn gọi là “nhất thời”; bởi lẽ, nói và nghe bất định. Chẳng nói năm, tháng, ngày nào, vì cách phân định thời gian trong mười phương khác nhau, [cách chọn lựa] ngày đầu năm giữa hai cõi (Trung Hoa và Ấn Độ) khác nhau).

          Đây là nguyên nhân khiến [kinh điển nhà Phật] chẳng ghi chép năm, tháng, ngày, giờ. Hiện thời, những chuyện này càng rõ rệt hơn nữa. Chúng ta biết trên địa cầu có múi giờ sai khác; thời cổ, chắc chắn chưa có múi giờ sai khác! Vì sao? Cổ nhân cưỡi ngựa, dẫu phi nhanh đến mấy thì một ngày đi được hai ba trăm dặm là cùng. Đi hai ba trăm dặm sẽ chẳng thấy có chuyện múi giờ sai khác! Ngồi thuyền cũng giống như vậy, thuận gió, thuận nước thì một ngày sẽ như cổ nhân nói: “Thiên lý Giang Ninh nhất nhật hoàn” (Giang Ninh ngàn dặm một ngày về). Đó là nói hình dung, chứ trọn chẳng đi được một ngàn dặm, cũng có thể nói đi được một, hai trăm dặm đã nhiều lắm rồi, đã khá nhanh rồi! Lữ hành kiểu ấy, trong thuở Kháng Chiến, tôi cũng thường đi. Nếu đi bộ thì một ngày nhiều nhất không hơn một trăm hai mươi dặm, [tính theo cách đo lường] hiện thời là sáu chục cây số. Đi ít nhất là sáu mươi dặm Tàu (tức ba mươi cây số), đi năm ngày phải nghỉ ngơi hai ngày. Vì thế, chẳng thể nào có múi giờ sai khác! Hiện thời, ngồi máy bay, sự sai biệt thời gian ấy vô cùng rõ rệt. Do liên quan đến chuyện múi giờ sai khác, sẽ không thể ghi chép năm, tháng, ngày, giờ [cụ thể], đạo lý như thế đấy! Còn nữa, trong quá khứ, những quốc gia tại Cổ Ấn Độ chưa thống nhất, mỗi tiểu quốc gia dùng lịch pháp khác nhau. Vì thế, năm, tháng, ngày, giờ cũng khác nhau. Hiện thời, trên thế giới, tối thiểu có ba loại lịch pháp khác nhau: Dương lịch, Âm lịch của Trung Quốc, lịch pháp của Hồi giáo, chúng ta phải tuân theo loại lịch pháp nào để ghi chép? Điều này rất rắc rối, do vậy, chẳng dùng năm, tháng, ngày, giờ, chỉ ghi mơ hồ là “nhất thời”. Ý nghĩa của chữ “nhất thời” hết sức sâu.

           “Sư tư tương hợp”: Cổ đức thường dùng câu này để giải thích chữ “nhất thời”, tức là lúc cơ cảm tương ứng, nghĩa là chúng sanh có cảm, Phật bèn ứng, lúc cảm ứng đạo giao bèn gọi là “nhất thời”. Nói thật ra, chúng sanh dùng gì để có thể cảm? Nhất tâm có thể cảm, tam tâm nhị ý chắc chắn chẳng thể cảm ứng Phật, Bồ Tát. Không chỉ chẳng thể cảm ứng Phật, Bồ Tát, mà đối với quỷ thần cũng là như vậy. Sách Liễu Phàm Tứ Huấn có nói tới chuyện vẽ bùa, niệm chú, muốn vẽ đạo bùa ấy cho linh thì phải vẽ như thế nào mới linh? Nhất tâm bất loạn. Trong khoảng thời gian rất ngắn, kể từ khi chấm một nét bút để vẽ đạo bùa ấy cho đến khi vẽ xong, trong tâm chẳng có một vọng niệm nào, đó là lúc nhất tâm, đạo bùa ấy sẽ linh! Niệm chú cũng giống như vậy, niệm từ đầu tới cuối, trong tâm chẳng có vọng tưởng nào, chú ấy bèn linh. Chư vị hãy suy nghĩ, [sẽ thấy] chú dài chẳng bằng chú ngắn, vì sao? [Niệm] chú dài sẽ khởi vọng tưởng, do thời gian niệm khá lâu! Quý vị không tin thì niệm chú Lăng Nghiêm và chú Đại Bi để so sánh, sẽ thấy khác nhau. Chúng ta thường thấy niệm chú Đại Bi cảm ứng rất nhiều. Quý vị dò hỏi có thấy chú Lăng Nghiêm có cảm ứng hay không? Quá dài, khi niệm, nói chung, chẳng tránh khỏi có một, hai vọng tưởng, xong luôn! Hễ vọng tưởng là [sức chuyên chú] đã bị phá sạch rồi, chẳng thể thành công. Vì thế, chú Đại Bi lại chẳng bằng chú Vãng Sanh, [vì chú Vãng Sanh] ngắn hơn! Chú Vãng Sanh lại chẳng bằng một câu “Nam-mô A Di Đà Phật”, đơn giản nhất. Vì thế, thành tâm thành ý niệm câu Phật hiệu này, thời gian ngắn ngủi, trong ấy chẳng xen tạp vọng tưởng, dễ đắc nhất tâm; hễ nhất tâm bèn khởi cảm ứng, nguyên lý ở chỗ này! Vì thế, ngay cả giao tiếp với quỷ thần cũng đều phải dùng nhất tâm thì mới có cảm ứng.

          (Sớ) Ước đương tông, tắc tức thuyết thính khoảnh, tâm cảnh mẫn, phàm thánh hội, y chánh dung, nhất đa đẳng. Thử chư nhị pháp, giai nhất chi thời, danh nhất thời dã.

          ()約當宗,則即說聽頃,心境泯,凡聖會,依正融,一多等。此諸二法,皆一之時,名一時也。

          (Sớ: Ước theo tông này thì trong khoảng thời gian nói và nghe, tâm lẫn cảnh đều mất, phàm và thánh dung hội, y báo và chánh báo hòa nhập vào nhau, một và nhiều như nhau. Lúc các pháp có đối lập ấy đều là một thì gọi là “nhất thời”).

          “Đương tông” là tông của chúng ta (Tịnh Độ Tông), nói theo giáo nghĩa trong kinh này. Hoàn toàn kiến lập trên “nhất tâm bất loạn” để nói nên vô cùng hữu lý. Tâm chúng ta thật sự đạt đến thuần nhất, sẽ là lúc thấy Phật, mà cũng là lúc vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, thật sự là tu hành khai hoa kết quả. Trong đoạn này, nói thật ra, cũng là nói rõ công phu chân thật của người tu Tịnh Độ. Vì thế, trong rất nhiều kinh điển, chúng ta thấy đức Phật giảng kinh ấy chưa xong, mới nói một nửa, những vị đương cơ đã khai ngộ, chứng quả. Như trong kinh Lăng Nghiêm mà rất nhiều đồng tu quen thuộc, trong hội Lăng Nghiêm, Thích Ca Mâu Ni Phật giảng mới một nửa, cô Ma Đăng Già bèn chứng Tam Quả; chưa nói xong, tôn giả A Nan đã chứng Sơ Quả. Vì sao họ nghe kinh có thể chứng quả? Chính vì đạo lý đang được nói đến ở đây.

          “Thuyết thính khoảnh” là lúc đang nói và nghe. “Tâm cảnh mẫn”: Tuy ở đây nói bốn câu, chỉ cần quý vị hiểu một câu, sẽ hiểu ba câu kia. Cổ đức thường nói nghe kinh phải “tiêu quy tự tánh”. Tiêu quy tự tánh là như thế nào? Chính là ba chữ “tâm cảnh mẫn” được nói ở đây, đó gọi là “tiêu quy tự tánh”. Tâm lẫn cảnh hai bên đều không có, tâm mới đạt đến nhất tâm! Khi ấy, hoàn toàn là cảnh giới hiện lượng Nhất Chân. Nói như vậy, sợ quý vị vẫn chưa dễ gì hiểu được. Tướng cảnh giới là phàm và thánh như nhau, tâm thật sự đạt đến thanh tịnh, bình đẳng, trong hết thảy các pháp đều chẳng khởi phân biệt, chẳng chấp trước, không có vọng tưởng. Trong ấy, chẳng có tâm mà cũng chẳng có cảnh, tâm lẫn cảnh cùng lìa! Đấy là nhất tâm hiện tiền, nói “nhất thời” chính là nói về lúc ấy!

          Chúng ta nghe kinh không nhập cảnh giới đó, cũng là nghe kinh

chẳng khai ngộ! Chư vị phải biết: Nghe kinh khai ngộ chẳng phải là nói ngộ được câu này trong kinh giảng theo cách nào, có ý nghĩa gì, chẳng phải ngộ điều ấy, ngộ như vậy là hỏng bét rồi! Quý vị ngộ kiểu ấy, chỉ hiểu được câu ấy, lại xem đến câu kế tiếp sẽ chẳng ngộ. “Ngộ” là nói “ngộ nhập tự tánh!” Thật sự ngộ nhập tự tánh, không chỉ hiểu trọn vẹn một bộ kinh này, mà hết thảy các kinh do chư Phật Như Lai đã nói cũng hiểu toàn bộ. Các pháp thế gian và xuất thế gian không có pháp nào chẳng thông đạt, lúc đó mới gọi là “khai ngộ”. Một ngộ, hết thảy ngộ, chẳng phải ngộ một câu này. Chẳng có ý nghĩa như thế! Bốn câu này nhằm [diễn tả] tình trạng khai ngộ. Có thể thấy: Thật sự nói và nghe thì chỗ nào chẳng phải là tu hành? [Luôn luôn] đang tu hành, tu Định! Nghe rõ ràng, rành rẽ, đó là tu Huệ. Khi nghe chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, chẳng có vọng tưởng, đấy là tu Định. Thái độ nghe kinh như vậy là “Định Huệ đẳng học” (học cân bằng Định và Huệ), vận dụng công phu thuần thục, sẽ nhập cảnh giới, khai ngộ. Vì thế, nghe kinh rất kỵ khởi phân biệt trong ấy: Ở chỗ này nghĩa là gì, cách giảng như thế nào, kỵ nhất điều đó! Bởi lẽ, quý vị nghe như vậy, hoàn toàn rơi vào ý thức, rơi vào thức thứ sáu, thức thứ sáu là hắc ám, chẳng phải là quang minh, vĩnh viễn chẳng thể khai ngộ. Đây là chỗ người thời nay thua kém cổ nhân!

          Nói cách khác, quý vị còn có tâm là còn có cảnh giới. Tâm và ngoại cảnh đối lập, sẽ còn có phàm, còn có thánh, còn có y báo, còn có chánh báo, còn có một, còn có nhiều, quý vị hoàn toàn sống trong thế giới tương đối. Đấy là chưa nhập, là phàm phu; ắt cần phải vượt thoát tương đối, nên bất đắc dĩ nói Nhất Chân pháp giới. Vì thế “nhất thời” là khi chứng đắc Nhất Chân pháp giới, cũng tức là khi bản thân chúng ta chứng đắc nhất tâm bất loạn. Nhất Chân pháp giới là Sở Chứng; nhất tâm bất loạn là Năng Chứng. Năng và Sở là một, chẳng hai, lúc ấy là thật sự chứng. Nếu Năng Chứng và Sở Chứng là hai chuyện, tâm và cảnh sẽ chẳng mất, tâm và cảnh bèn đối lập, chưa nhập. Tâm và cảnh nhất định là một, không hai, phàm và thánh là một, y báo và chánh báo là một, một và nhiều cũng là một, đấy mới là thật sự khế nhập. Khi ấy, con người thật sự giải thoát, thật sự tự tại. “Thử chư nhị pháp, giai nhất chi thời” (lúc các pháp đối lập ấy đều là một) thì là “nhất thời”.

          (Sao) Thuyết thính vô định giả.

          () 說聽無定者。

          (Sao: Người nói và kẻ nghe bất định).

          Đây là nhằm giải thích câu “dĩ thuyết thính vô định cố” trong phần trước.

          (Sao) Hoặc thuyết giả đắc đà-la-ni, nhất sát-na khoảnh, nhất tự chi trung, thuyết nhất thiết pháp môn.

          ()或說者得陀羅尼,一剎那頃,一字之中,說一切法門。

          (Sao: Hoặc là người nói đắc đà-la-ni, trong một sát-na, trong một chữ, nói hết thảy pháp môn).

          Người thuyết pháp đắc đà-la-ni. Đà-la-ni (Dhāranī) là dịch âm tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Tổng Trì, “tổng nhất thiết pháp, trì nhất thiết nghĩa” (bao gồm hết thảy các pháp, nắm giữ hết thảy các nghĩa), nay chúng ta thường nói là “cương lãnh”, [tổng trì là] nắm vững cương lãnh Phật pháp. Cương lãnh ấy vô cùng đơn giản, tóm tắt; vì thế, kinh giảng về đà-la-ni (tức là pháp môn Tổng Trì) có “nhiều chữ, ít chữ, một chữ, không có chữ nào” sai khác! Thường là nói bốn loại lớn ấy. “Sát-na khoảnh” là thời gian hết sức ngắn ngủi. “Đa tự, như chư kinh mật chú. Nhất tự, như Án tự. Vô tự, như vô tướng diệu tâm” (Nhiều chữ như mật chú trong các kinh. Một chữ như chữ Án (Aum). Không có chữ như vô tướng diệu tâm). Đà-la-ni nhiều chữ như chú Lăng Nghiêm, chú Đại Bi, chú Vãng Sanh. Một chữ là như trong Phật môn thường nói Án (Aum: ॐ); trong bốn mươi tự mẫu (chữ cái) của Hoa Nghiêm, chữ A là nguyên âm thứ nhất, hết thảy âm thanh đều từ nguyên âm này biến hóa, nay chúng ta gọi là “mẫu âm” (vowel), mẫu âm thứ nhất là chữ này. Vô tự là “ngôn ngữ dứt bặt, tâm hành xứ diệt”, là nhất tâm, “vốn chẳng có một vật” như Lục Tổ nói thuộc loại vô tự, tức là chân tâm, bản thể. “Vô tướng diệu tâm” là nói tới vô tự đà-la-ni. Vô tự đà-la-ni là Thể, có tác dụng chẳng thể nghĩ bàn; đó gọi là “Bát Nhã vô tri, không gì chẳng biết”.

          Nay chúng ta muốn đạt được, quan trọng nhất là Vô Tự đà-la-ni, tức là đắc thanh tịnh tâm, điều này rất trọng yếu. Đặc biệt là tu pháp môn Tịnh Độ, nói thật thà thì tu pháp môn Tịnh Độ là tu tâm thanh tịnh mà thôi! Đó gọi là “tâm tịnh, ắt cõi nước tịnh”. Chúng ta suốt ngày từ sáng đến tối niệm câu A Di Đà Phật này, quý vị có nghĩ ta hằng ngày niệm, niệm rồi ta nghĩ có đạt được gì hay không? Ta có được điều gì hay không? Niệm một câu A Di Đà Phật này nhằm đắc tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh có thật sự đạt được hay chưa? Tâm thanh tịnh là nhất niệm bất sanh, đó là tâm thanh tịnh. Trong tâm vẫn còn khởi tâm động niệm, tâm ấy chẳng thanh tịnh. Tâm thanh tịnh có thể sanh ra muôn pháp, đấy là căn bản! Căn bản đà-la-ni. Nếu trong tâm còn có vọng niệm tơi bời, đời này chúng ta niệm Phật sẽ không thể thành tựu, chỉ có thể nói là kết thiện duyên với Tây Phương Cực Lạc thế giới mà thôi! Đời này có thể vãng sanh hay không? Chẳng thể vãng sanh. Quý vị muốn vãng sanh thì tâm nhất định phải thanh tịnh. Tâm không thanh tịnh, làm sao có thể vãng sanh?

          Do vậy, chúng ta phải dùng một câu A Di Đà Phật để niệm cho hết tập khí vọng tưởng từ vô thỉ kiếp đến nay, niệm cho dứt những tập khí vọng tưởng ấy. Nhưng tập khí vọng tưởng luôn dấy lên hiện hành, đây là chuyện phiền phức, nhất định phải đề cao cảnh giác. Hễ lục căn của chúng ta vừa tiếp xúc cảnh giới lục trần, tập khí bèn dấy lên hiện hành, hễ hiện hành sẽ tạo nghiệp, tạo nghiệp lẽ nào chẳng hứng chịu quả báo! Tuy Tịnh Độ nói “đới nghiệp vãng sanh”, nhưng chư vị phải biết: Mang theo nghiệp cũ, chẳng phải là mang theo nghiệp mới, phải hiểu rõ chuyện này! Nghiệp cũ là gì? Nghiệp quá khứ! Chẳng phải là hiện tại chúng ta mỗi ngày tạo nghiệp mà có thể mang theo [những nghiệp ấy] được, chẳng có đạo lý ấy! Nói cách khác, nay chúng ta đã giác ngộ, chúng ta phải dùng một câu A Di Đà Phật này để thay thế tất cả nghiệp chướng tập khí. Đấy là bí quyết tu hành trong pháp môn này!

          Do vậy, vãng sanh, cũng là nói đến chuyện tu Tịnh Độ, có ba bậc công phu: Bậc thượng là Lý nhất tâm bất loạn, đoạn Kiến Tư phiền não, phá một phần vô minh, đấy là công phu thượng thừa. Bậc trung là chưa phá vô minh, nhưng đã đoạn Kiến Tư phiền não; đấy là Sự nhất tâm bất loạn. Kinh Vô Lượng Thọ nói đến ba bậc là thượng bối, trung bối, hạ bối (bậc thượng, bậc trung, bậc hạ). Bậc hạ khuất phục Hoặc, chưa đoạn phiền não, nhưng một câu A Di Đà Phật này có thể áp chế [phiền não]. Nói cách khác, phiền não sẽ chẳng thể dấy lên hiện hành. Trong tâm vừa động, ngay lập tức biến [niệm ấy] thành A Di Đà Phật. Công phu như vậy gọi là “đới nghiệp vãng sanh”. Ý niệm vừa dấy động, ngay lập tức hiện hành, tức là chẳng có cách nào, không được rồi! Ý niệm vừa dấy động, lập tức chuyển nó thành A Di Đà Phật. Tập khí nghiệp chướng có niệm thứ nhất, niệm thứ hai biến thành A Di Đà Phật; đó gọi là “khuất phục phiền não, luyện tập công phu thành phiến”, là ba phẩm Hạ trong ba bậc chín phẩm vãng sanh; mọi người chúng ta đều có thể đạt được những phẩm này!

          Ai nấy đều làm được, nhưng vì sao chúng ta không làm được? Nói thật ra là chẳng chịu làm! Mà cũng chẳng biết chuyển ngay trong niệm thứ hai. Niệm thứ nhất dấy lên, đương nhiên chẳng thể chuyển nơi đó, hãy chuyển trong niệm thứ hai. Ta vừa muốn nói năng thì niệm ấy dấy lên, đó là niệm thứ nhất, niệm thứ hai bèn A Di Đà Phật, biến điều ta vốn nghĩ thành A Di Đà Phật. Đó là niệm Phật, là công phu. Niệm Phật phải niệm theo cách như vậy thì mới được! Trong Tây Phương Xác Chỉ, Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát đã dạy chúng ta, “thiểu thuyết nhất cú thoại, đa niệm nhất cú Phật, đả đắc niệm đầu tử, hứa nhữ Pháp Thân hoạt” (ít nói một câu chuyện, niệm nhiều một câu Phật, để đánh chết ý niệm, cho Pháp Thân được sống). Nói rất minh bạch! Người vãng sanh là vãng sanh như vậy! Chúng ta suốt ngày từ sáng đến tối niệm Phật, nhưng vọng niệm vẫn dấy lên như cũ, vẫn tạo khẩu nghiệp và thân nghiệp y như cũ, không được rồi! Nếu người như vậy mà cũng có thể vãng sanh thì chẳng có đạo lý nào! Nói theo Lý, chẳng thể thông suốt được! Do vậy, quý vị nhất định phải biết: Mang theo nghiệp cũ, chẳng mang theo nghiệp mới.

          Thật sự đạt được tâm thanh tịnh, chưa cần nói đến nhất tâm bất loạn, đấy là công phu thượng thừa (Lý nhất tâm bất loạn) và công phu trung thừa (Sự nhất tâm bất loạn), [chỉ nói đến] công phu bậc hạ thì Phật hiệu của quý vị có thể áp chế phiền não, trí huệ hiện tiền, ít nhiều gì trí huệ trong tự tánh của quý vị đã lộ ra. Nếu quý vị chẳng thể áp chế [phiền não] thì không được rồi, những gì quý vị lưu lộ ra vẫn là tâm ý thức khởi tác dụng y như cũ: Phân biệt, chấp trước khởi tác dụng, chẳng phải là chân tâm khởi tác dụng. Trong chân tâm, không có phân biệt, chấp trước, vọng tưởng. Hết thảy kinh luận vốn dựa trên nguyên lý này, pháp môn Niệm Phật của chúng ta cũng chẳng phải là ngoại lệ, mà cũng căn cứ trên nguyên lý và nguyên tắc này.

          (Sao) Hoặc thính giả đắc tịnh nhĩ căn, ư nhất sát-na, văn nhất tự thời, ư dư nhất thiết tất vô chướng ngại.

          ()或聽者得淨耳根,於一剎那,聞一字時,於餘一切悉無障礙。

          (Sao: Hoặc người nghe đắc nhĩ căn thanh tịnh, trong một sát-na, lúc nghe một chữ bèn đối với hết thảy những điều khác đều chẳng chướng ngại).

          Đoạn trên là nói về người nói, đoạn này nói về người nghe. Người

nghe cũng có thể khai ngộ, nói cách khác, quý vị biết nghe! Nếu người nói biết nói, người nói sẽ khai ngộ, người nghe biết nghe, người nghe sẽ khai ngộ. Nếu người nói chẳng biết nói, nhưng chúng ta là người nghe biết nghe thì nghe xong có thể khai ngộ hay không? Sẽ khai ngộ. Tuy người nói từ tâm ý thức mà nói ra, là lời nói của phàm phu, nhưng người nghe chẳng chấp vào hai bên, chẳng chấp vào Trung Đạo, nên người nghe khai ngộ. Tức là khi nghe, thật sự tập trung tinh thần, khi nghe quên mất ta, tâm thật sự đạt được thanh tịnh. Khi ấy, chẳng chấp trước tướng Ta, mà cũng chấp trước tướng Người của kẻ thuyết pháp, mà cũng chẳng chấp trước tướng Pháp được nói trong khi ấy, nghe rõ ràng, rành rẽ, phân minh, tam luân thể không, người ấy sẽ khai ngộ. Người ấy nghe như vậy sẽ ngộ nhập nhất tâm, [đoạn này] nói đến đạo lý ấy. “Tịnh nhĩ căn” [là như vậy đó].

          “Tịnh nhĩ” là như ngài Quán Thế Âm Bồ Tát đã được nhắc tới trong kinh Lăng Nghiêm. Quán Thế Âm Bồ Tát “nhĩ căn viên thông”, bất luận nhĩ căn nghe như thế nào, Quán Thế Âm Bồ Tát chẳng nghe bên ngoài, Ngài nghe bên trong. Chúng ta phải hiểu rõ ràng “trong” và “ngoài”. [Nghe nói “trong” và “ngoài”, quý vị liền nghĩ]: Bên ngoài là âm thanh, phải tiến nhập vào trong ấy (bên trong âm thanh) để nghe! Quý vị nghĩ như vậy là trật lất rồi! Trong và ngoài là gì? Bên ngoài là Trần, bên trong là Tánh. Do vậy, Quán Thế Âm Bồ Tát nghe âm thanh bên ngoài, tiếng người khác nói chuyện, tiếng xe ngựa, tiếng mưa gió, đều là âm thanh; đó là Thanh Trần. Chúng ta nghe những âm thanh ấy đều phân biệt, chấp trước; vì thế đối với Nhĩ Căn và Nhĩ Thức của chúng ta, những âm thanh ấy là Thanh Trần. Cách nghe của Quán Thế Âm Bồ Tát khác chúng ta, Ngài dùng tánh Nghe, chẳng dùng Nhĩ Thức. Tánh Nghe nghe âm thanh bên ngoài, bèn nghe được tánh của âm thanh, điều này gọi là “minh tâm kiến tánh”. Vì thế nói Ngài “lục căn thanh tịnh”, tịnh Nhĩ Căn, tịnh Nhãn Căn, tịnh Thiệt Căn… sáu căn không căn nào chẳng thanh tịnh. Thanh tịnh như thế nào? Chẳng chạy theo Trần, mà hướng theo Tánh, đi theo Tánh. Tánh ở chỗ nào? Tánh ở ngay trong lục trần, thấy Trần bèn thấy Tánh, người ta cao minh ở chỗ này!

          Cổ nhân tỷ dụ “dĩ kim tác khí, khí khí giai kim” (dùng vàng chế đồ vật, món nào cũng là vàng), sánh ví vàng như bổn tánh, sánh ví đồ vật như lục trần, Ngài thấy các món vật bèn thấy vàng. Quý vị nghĩ xem: Các món vật bất bình đẳng, đủ mọi cách thức, hình dạng, kiểu cọ, lớn nhỏ khác nhau; thấy được vàng thì sao? Bình đẳng, Thể là bình đẳng. Do vậy, trong tâm Ngài chẳng có hết thảy phân biệt, chấp trước, tâm Ngài bình đẳng. Bình đẳng đối với hết thảy các pháp, vì Ngài thấy Pháp Tánh. Tánh và Tướng chẳng tách rời, Tánh là Tướng, Tướng là Tánh. Từ Tướng bèn thấy Tánh, đó là Phật, Bồ Tát. Còn phàm phu chúng ta không như vậy, khởi phân biệt, chấp trước nơi Tướng, quên mất Tánh, đó gọi là “mê mất”, chấp Tướng, mê Tánh. Vì thế, mê và ngộ là chuyện như vậy đó. Người ta ngộ là ngộ gì vậy? Ngộ là ngộ tánh. Trong hết thảy các pháp, họ thấy Pháp Tánh từ Pháp Tướng, chúng ta gọi điều đó là Giác hay Ngộ. Người giác ngộ sáu căn thanh tịnh, chẳng nhiễm mảy trần, cho nên khởi tác dụng chẳng bị chướng ngại.

          “Ư nhất sát-na” (trong một sát-na) là nói thời gian rất ngắn. “Văn nhất tự thời, ư dư nhất thiết tất vô chướng ngại” (lúc nghe một chữ, đối với hết thảy những điều khác đều không chướng ngại), “dư” là quá nhiều, không chỉ là một bộ kinh này. Trong bộ kinh này, quý vị đã khai ngộ từ một chữ, sẽ đối với bộ kinh này chẳng có chướng ngại. Không chỉ đối với bộ kinh này chẳng bị chướng ngại, mà đối với hết thảy các kinh đều không bị chướng ngại. Không chỉ chẳng bị chướng ngại đối với hết thảy các kinh, mà đối với các pháp thế gian hay xuất thế gian thảy đều không bị chướng ngại, một ngộ, hết thảy ngộ! Quý vị phải hiểu điều này, chính mình chưa khai ngộ thì trong tâm quý vị phải biết rõ, chẳng cần phải hỏi ai khác, đối với hết thảy các pháp quý vị có thông đạt vô ngại hay không? Không có! Vậy là chưa khai ngộ.

          Trong Ấn Quang Đại Sư Vĩnh Tư Lục,  đại sư có một đệ tử quy y,

sau khi lão pháp sư viên tịch, ông ta viết một bài kỷ niệm kể lại một đoạn nhân duyên của chính mình với lão pháp sư. Ông ta vốn là một phần tử trí thức cao cấp, học vấn rất khá, đọc sách rất nhiều. Về sau học Phật, tham Thiền, chính mình rất đắc ý, ngỡ bản thân đã khai ngộ. Thiền Tông có một bộ ngữ lục nổi tiếng là Ngũ Đăng Hội Nguyên, bộ sách này có một ngàn bảy trăm công án, tức là những cuộc vấn đáp nhằm tiếp dẫn học trò của các vị tổ sư xưa kia. Ông ta hết sức tự hào, nói gần như đối với một ngàn bảy trăm công án, gần như công án nào cũng tham thấu suốt, chỉ còn sót lại một vài công án chưa thấu triệt mà thôi, còn chừng năm, sáu công án chưa nắm chắc, còn những công án khác thảy đều chẳng có vấn đề. Do vậy, người ấy rất tự phụ, cũng rất ngạo mạn. Vì thế, viết một bức thư gởi lão hòa thượng Ấn Quang kể về tâm đắc của chính mình. Ngài Ấn Quang gởi thư trả lời, nói: “Một ngàn bảy trăm công án, chỉ cần ông tham thấu một điều, sẽ hoàn toàn thông đạt [mọi công án]. Nếu còn có một công án nào chẳng tham thấu, tức là ông hoàn toàn chẳng thấu triệt gì hết”. Ông ta bị lão hòa thượng tạt nước lạnh lên đầu,

kể ra cũng tỉnh ngộ, bỏ Thiền, thật thà niệm A Di Đà Phật.

          Hễ có một điều chẳng thông, tức là quý vị chẳng thông một điều nào. Hễ thông thì hết thảy đều thông! Điều này thật sự là giáng một gậy vào đầu kẻ cuồng vọng. Vì thế, thật sự thông đạt, các pháp thế gian và xuất thế gian chẳng có gì không thông đạt, quý vị xử trí những chuyện thế gian hằng ngày cũng sẽ tùy tâm thi thố, tuyệt đối chẳng sai lầm. Chúng ta hãy tự suy nghĩ, chính mình chưa đạt đến cảnh giới ấy thì cũng phải học giống như vị đại đức kia, quay trở lại thật thà niệm A Di Đà Phật, đừng nên dấy vọng tưởng nữa, phải nên buông hết thảy kinh giáo xuống. Mở những kinh ấy ra xem chỉ giúp quý vị khởi vọng tưởng, tăng trưởng tà tri tà kiến, chẳng có lợi tí nào cho công phu tu hành của quý vị, nhất định phải nhớ kỹ điều này!

          Đây là nêu bày công đức và lợi ích của hai phương diện Nói và Nghe, chỉ cần quý vị biết nghe, biết nói thì nói và nghe đều là tu hành, nói và nghe thảy đều có ngộ xứ. Vì vậy, nghe kinh phải chuyên tâm, phải buông xuống tất cả tạp niệm. Trong khi nghe chẳng có phân biệt, chấp trước, sự nghe kinh ấy sẽ có ngộ xứ, bất luận người nào, chẳng được đại ngộ thì cũng là tiểu ngộ. Trong phần trước đã nói đại triệt đại ngộ, chúng ta chưa làm được điều ấy, nhưng tiểu ngộ thì chúng ta sẽ có. Thường có tiểu ngộ, mấy năm sau sẽ biến thành đại ngộ. Nhiều lần đại ngộ sẽ biến thành đại triệt đại ngộ. Vì thế, biết nghe là dùng tâm thanh tịnh để nghe, “nói” cũng giống như thế!

          Trước khi giảng kinh, phải làm công tác chuẩn bị. Nói thật ra, chuẩn bị [lãnh hội] kinh điển để nói, chẳng bằng đối trước thính chúng có tâm cung kính, chẳng dám lười nhác, chẳng dám ngạo mạn, tu những điều ấy. Trước khi giảng kinh bèn đọc kinh, xem chú giải, khi lên giảng đài, chưa chắc quý vị đã dùng đến những thứ chuẩn bị sẵn, vì sao? Lên giảng đài có nhiều ý nghĩa mới nẩy sanh. Tôi nghĩ đối với tình hình này, từ xưa tới nay mỗi vị pháp sư lên giảng đài đều có kinh nghiệm này. Trong quá khứ, tôi đọc bộ Viên Giác Kinh Thân Văn Ký, do pháp sư Đế Nhàn giảng, mấy vị đệ tử tại gia như Tưởng Duy Kiều v.v… ghi chép. Bản thân Ngài giảng kinh, đã soạn một bản Viên Giác Kinh Giảng Nghĩa, nhưng trên giảng đài Ngài chẳng giảng theo giảng nghĩa, người ngồi dưới mỗi ngày ghi lại những điều lão hòa thượng giảng, sau đấy đưa cho lão hòa thượng xem. Lão hòa thượng đọc xong, cảm thấy rất ngạc nhiên: “Những điều này do tôi đã giảng ư?” “Đúng vậy! Do lão nhân gia giảng”. “Ta làm sao giảng hay như thế được?” Chính mình nghĩ không ra. Trên giảng đài, do tâm thanh tịnh, công phu quán chiếu đắc lực; vì thế, tự nhiên trong tâm trào ra các ý nghĩa và kinh nghĩa, tự nhiên thổ lộ ra, nhưng chính mình cũng chẳng hay biết. Các vị đại đức xưa nay đều có kinh nghiệm này. Nói và nghe nhất định phải hiểu thái độ nói và nghe.

          (Sao) Hoặc thuyết giả thời thiểu, thính giả thời đa, hoặc thuyết giả thời đa, thính giả thời thiểu.

            ()或說者時少,聽者時多;或說者時多,聽者時少。

          (Sao: Hoặc là người nói trong khoảng thời gian ngắn, mà người nghe cảm thấy thời gian rất lâu; có lúc người nói trong thời gian rất lâu mà người nghe cảm thấy thời gian rất ngắn).

          Cảm nhận về thời gian dài hay ngắn khác nhau. Có lúc chúng ta nghe người ta giảng diễn, thực tế là thời gian chẳng dài, nhưng dường như một ngày bằng cả năm, sao mà vẫn giảng chưa xong? Có lúc nghe rất hứng thú, quên mất thời gian, sao mà rất ngắn tựa như trong khoảnh khắc? Những kinh nghiệm này rất nhiều người đã có. Hai câu này có ý nghĩa như vậy.

           (Sao) Thuyết giả thần lực diên xúc tùy nghi, thính giả căn khí lợi độn bất nhất.

          () 說者神力延促隨宜,聽者根器利鈍不一。

          (Sao: Người nói có thần lực nên có thể kéo dài hay rút ngắn [thời gian] tùy nghi, căn khí của người nghe là lợi căn hay độn căn bất nhất).

          Hai câu này nhằm giải thích về chuyện [thời gian] người nói nhiều hay ít, người nghe nhiều hay ít trong phần trên. Trong Phật pháp, chuyện này quả thật có cảnh giới chẳng nghĩ bàn. Chẳng hạn như lấy kinh Hoa Nghiêm để nói, sau khi Thích Ca Mâu Ni Phật thành đạo, đã nói [kinh Hoa Nghiêm] dưới cội Bồ Đề trong hai thất, cũng có chỗ nói là ba thất. Hai thất là mười bốn ngày, ba thất là hai mươi mốt ngày, nói một bộ kinh lớn như thế [trong một khoảng thời gian ngắn ngủi như vậy], ai có thể tin tưởng? Nay chúng ta đem kinh ấy niệm một lượt, niệm suốt hai mươi mốt ngày chưa xong, huống hồ giảng giải? Huống chi theo như Long Thọ Bồ Tát đã thấy, bộ kinh Hoa Nghiêm [được lưu truyền trong Diêm Phù Đề] chỉ là cương yếu. Trong cung rồng, Ngài đã thấy toàn bộ kinh Hoa Nghiêm, toàn bộ có bao nhiêu? Theo phương pháp tính toán [kích thước của] kinh Phật, cứ lấy bốn câu làm một Kệ, hoặc gọi là một bài tụng. Bộ kinh ấy có mười tam thiên đại thiên thế giới vi trần[2] kệ, có một tứ thiên hạ[3] vi trần phẩm. Ngài vừa thấy bèn sững sờ, nói thẳng thừng, đơn giản là chúng sanh trong Diêm Phù Đề sẽ chẳng thể nào lãnh nhận được! Nếu bộ kinh này có hình tướng thì cả địa cầu cũng chẳng thể dung nạp, bộ kinh lớn như vậy đó! Sau đấy, Ngài mới bất đắc dĩ xem trung bộ. Trung bộ vẫn còn quá lớn, vẫn chẳng có cách nào tiếp nhận. Lại xem hạ bổn, hạ bổn là đề yếu (nêu bày những điều quan trọng), giống như Tứ Khố Toàn Thư Mục Lục Đề Yếu, Đề Yếu bao nhiêu? Mười vạn bài tụng, bốn mươi vạn câu, bốn mươi phẩm. Long Thọ Bồ Tát thấy chúng sanh trong Diêm Phù Đề có thể tiếp nhận bản kinh Hoa Nghiêm này, bèn đem bộ kinh này truyền dạy trong thế gian. Nhưng hiện thời bản dịch tiếng Hán vốn chỉ là một nửa nguyên bản, đại kinh đã bị mất, nguyên bản tàn khuyết, bản tàn khuyết chẳng hoàn chỉnh được truyền sang Trung Quốc, [nghĩa là] chúng ta phiên dịch phân nửa nguyên bản, gồm tám mươi quyển. Tám mươi quyển kinh chỉ có bốn vạn năm ngàn bài tụng, [tức là] mười vạn bài tụng vẫn còn thiếu năm vạn năm ngàn bài tụng, còn thiếu một chút mới được phân nửa, vẫn chưa đạt đến [phân nửa nguyên bản].

          Điều này có nghĩa là thời gian nói ngắn ngủi, nhưng người nghe cảm giác lâu dài. [Thính chúng] đều là các vị Bồ Tát nghe giảng, đương cơ [của hội Hoa Nghiêm] đều là bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ, họ cảm thấy đã nghe rất nhiều. Câu này nhằm nói tới đạo lý ấy, “thuyết giả thần lực diên xúc tùy nghi” (người nói có thần lực kéo dài hay rút ngắn tùy nghi). Thời gian chẳng phải là pháp cố định. Chư Phật Như Lai và các vị Bồ Tát có thần thông, có thể biến thời gian ngắn ngủi thành lâu dài, có thể rút thời gian dài thành ngắn ngủi, có thể tự tại. Trong tiểu thuyết truyền kỳ của Trung Quốc có chuyện Hoàng Lương Mộng (giấc mộng kê vàng), quý vị đi học trong nhà trường, học Quốc Văn đều đã đọc cả rồi, chuyện ấy nói rõ thời gian kéo dài hay rút ngắn bất định. Thời gian ngắn ngủi mà chính mình cảm thấy đã vài chục năm trôi qua, tỉnh giấc, bất quá là vừa mới mấy phút mà thôi! Nếu người ấy học thứ gì thì trong mộng chẳng biết đã học bao nhiêu thứ! Đó là trong thời gian ngắn ngủi, mà nghe rất nhiều, dùng ngay thí dụ này để nói. Có khi nói rất nhiều, nhưng người nghe cảm thấy rất ít, đó là vì [người nghe] thật sự nắm được chỗ cương lãnh và trọng yếu.

          “Thính giả căn khí lợi độn bất nhất” (căn khí của người nghe là lợi căn hay độn căn khác nhau), có người lợi căn, có kẻ độn căn. Nói chung, một nguyên tắc là: Nghe kinh cũng thế, đọc kinh cũng thế, tu hành cũng thế, nhất định phải đạt được pháp vị, phải thật sự nếm được mùi vị Phật pháp. Hễ nếm được pháp vị sẽ pháp hỷ sung mãn, thân và tâm sẽ đạt được khoái lạc! Đấy là thật sự có thâu hoạch nơi Phật pháp. Nếu học Phật rất khổ sở, giống như đi học rất nhọc nhằn, không muốn học cũng phải học, học chẳng có hứng thú gì, tức là chúng ta đã đi lạc đường, hoặc là trật phương pháp, ắt cần phải sửa đổi. Nguyên nhân chánh yếu là như thế đó. Phật pháp chẳng phải là pháp cố định, kinh Kim Cang đã nói rất hay: “Phật vô hữu định pháp khả thuyết” (Phật chẳng có pháp nhất định nào để nói), Phật pháp tùy thuận mỗi chúng sanh mà có một cách thuyết pháp.

          Vì vậy, quý vị hãy nói thử xem: Có bao nhiêu pháp môn? Vô lượng vô biên. Vì sao? Chúng sanh vô lượng vô biên, pháp môn do chúng sanh mà thiết lập. Giống như các món thuốc, thuốc có rất nhiều loại, vô lượng vô biên; vì sao có nhiều thứ như vậy? Bệnh có vô lượng vô biên. Nếu bệnh rất đơn thuần, chỉ có một loại bệnh, sẽ chỉ có một loại thuốc! Thuốc ấy có thể trị lành bệnh, cần gì phải có nhiều thứ như thế! Bệnh có rất nhiều loại, nên thuốc cũng rất nhiều, đạo lý là như thế đó.

          Vì vậy, chúng ta phải chú ý phương pháp  tu  hành, tuyệt  đối  chớ

nên khăng khăng giữ chặt quy củ, người khác dùng phương pháp ấy hữu hiệu, ta dùng không thấy hiệu quả! Ta dùng phương pháp này rất hữu hiệu, nhưng người khác dùng chẳng hữu hiệu. Thích hợp với căn tánh và cuộc sống của chính mình, phương pháp tu học đối với chính mình rất có hiệu quả, thân tâm của chính mình tự tại, pháp hỷ sung mãn. Chúng ta phải dùng trí huệ để chọn lựa những điều giống như vậy, hoặc là cải tiến phương pháp tu học của tiền nhân sao cho thích hợp với thời đại này. Ngày nay thường nói tới chuyện “hiện đại hóa” thì phương pháp tu hành trong Phật pháp cũng phải “hiện đại hóa”, nhưng tinh thần nguyên lý và nguyên tắc vĩnh viễn không thay đổi, phương thức có thể thay đổi. Nhất định phải hiện đại hóa mới được.

          (Sao) Cổ vị tam thừa phàm thánh, sở kiến Phật thân báo hóa, niên tuế đoản trường, thành Phật cửu cận, các các bất đồng cố. Kim chỉ thủ Phật cập đệ tử sư tư cơ cảm  tương  ngộ  chi  khoảnh, thuyết

thính sự tất, tiện danh “nhất thời” dã.

          ()古謂三乘凡聖,所見佛身報化,年歲短長,成佛久近,各各不同故。今止取佛及弟子師資機感相遇之頃,說聽事畢,便名一時也。

          (Sao: Cổ nhân nói: – Phàm phu và thánh nhân trong tam thừa thấy báo hóa thân của Phật có tuổi thọ dài hay ngắn khác nhau, thành Phật gần đây hay đã lâu xa, mỗi người thấy mỗi khác. Nay chỉ lấy khoảng thời gian đức Phật và các đệ tử thầy trò cơ cảm gặp gỡ, nói và nghe xong xuôi bèn gọi là “một thời”).

          Từ đoạn văn này trở đi đều là ấn chứng. “Phàm phu” là lục đạo, Nhị Thừa là Thanh Văn, Duyên Giác cùng với ba địa vị Tam Hiền Bồ Tát trong Biệt Giáo. Những người này đều chưa kiến tánh, nói cách khác, xử sự, đãi người, tiếp vật vẫn dùng thức thức sáu, vẫn dùng tâm ý thức, vẫn dùng tâm phân biệt, chưa thể chuyển thức thành trí. Họ thấy Phật, thấy Bồ Tát đều dùng cái tâm phân biệt, chấp trước để thấy, cho nên họ thấy Ứng Thân của Phật. Giống như thuở Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện trên thế giới này, Ngài trụ thế bảy mươi chín năm (tính theo tuổi ta là tám mươi tuổi), đó là nói “kiến Phật thân báo hóa, niên tuế đoản trường” (thấy báo hóa thân của Phật có tuổi thọ dài hay ngắn khác nhau).

          “Thành Phật cửu cận”,  Cửu (久)  là xa xôi,  Cận (近) là chẳng xa.

Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện [thành Phật] mới đây, Ngài cũng thị hiện thọ mạng chẳng dài. Từ kinh Vô Lượng Thọ, chúng ta thấy lúc ban sơ A Di Đà Phật phát tâm, Ngài mang thân phận quốc vương, thuở ấy, thọ mạng dài lâu: Phật trụ thế thọ mạng bốn mươi hai kiếp, đương nhiên là thọ mạng của chúng sanh cũng dài ngần ấy. Đó là dài hay ngắn khác nhau, Phật thị hiện thời gian tu hành và thành đạo đều dài.

          Ở đây, nay “chỉ thủ Phật cập đệ tử sư tư cơ cảm tương ngộ chi khoảnh” (chỉ lấy khoảng thời gian đức Phật và các đệ tử thầy trò cơ cảm, gặp nhau) mà gọi là “nhất thời”, chẳng nói đến chuyện gì khác, chỉ chọn lấy ý nghĩa này. Thích Ca Mâu Ni Phật là người nói, các đệ tử tham dự pháp hội là người nghe pháp hiện diện trong khi ấy, đó là cơ duyên chín muồi, cảm ứng đạo giao. Nhất là do pháp môn này là “vô vấn tự thuyết” (không ai hỏi mà tự nói), cho nên vô cùng đặc biệt.

          (Sao) Thập phương thời phần giả, dĩ thập phương biến ư hoành

thụ, thụ tắc cai hồ thiên thượng.

          () 十方時分者,以十方遍於橫豎,豎則該乎天上。

          (Sao: “Phân định thời gian trong mười phương”: Do mười phương trọn khắp chiều ngang lẫn chiều dọc. Chiều dọc bao gồm cả cõi trời).

          “Hoành thụ”: Nói tới Thụ (chiều dọc) là chỉ nói tới lục đạo. Lục đạo là chư thiên, Tu La, con người, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục, đó là “thụ thuyết” (nói theo chiều dọc), thời gian quả thật khác nhau. Dưới đây, nêu ra một thí dụ để nói:

          (Sao) Tứ Thiên nhất nhật.

          () 四天一日。

          (Sao: Một ngày trên cõi trời Tứ Thiên).

          “Tứ Thiên” là Tứ Thiên Vương Thiên[4]. Một ngày đêm trên Tứ Thiên Vương Thiên.

          (Sao) Nhân thọ ngũ tuần.

          () 人壽五旬。

(Sao: Bằng năm mươi năm trong nhân gian).

          Thọ mạng năm mươi năm trong nhân gian bằng một ngày đêm trong Tứ Thiên Vương Thiên, thọ mạng trên Tứ Thiên Vương Thiên dài lâu. Cao hơn Tứ Thiên Vương Thiên là Đao Lợi Thiên, một ngày đêm trên Đao Lợi Thiên bằng một trăm năm trong nhân gian chúng ta. Vì thế, cõi người chẳng đáng kể gì, đừng nên chấp trước quá, có gì tốt đẹp để so đo? Chư thiên cõi Đao Lợi nhìn chúng ta: “Đáng thương! Sáng sanh, tối chết!”, bọn hắn có thể sống được bao lâu? Bất quá một ngày đêm mà thôi! Lên cao hơn, thọ mạng Dạ Ma Thiên càng dài hơn, một ngày đêm trên Dạ Ma Thiên là hai trăm năm trong nhân gian chúng ta. Một ngày đêm trên Đâu Suất Thiên là bốn trăm năm trong nhân gian chúng ta. Nhìn từ Đâu Suất Thiên, nhân gian chúng ta chỉ sống mấy giờ, đúng là quá đáng thương. Mấy giờ ấy cũng chẳng thật thà! Tranh danh, đoạt lợi, lo được, lo mất! Phải giác ngộ điều này. Đó là nhìn lên trên.

          Nếu nhìn xuống dưới, thọ mạng trong súc sanh đạo chẳng nhất định. Thọ mạng ngắn ngủi, như các loài trùng nhỏ sống trên mặt nước, nó có thể chạy tới, chạy lui trên mặt nước, chúng ta gọi chúng là “phù du” (mayfly). Thọ mạng đích xác của loài phù du chỉ là mấy tiếng đồng hồ. Vì thế, chúng ta thấy thọ mạng của chúng giống như chư thiên trời Đao Lợi thấy [thọ mạng] của chúng ta. Trong loài súc sanh, cũng có loài thọ mạng rất dài, như loài rồng được nói trong kinh, rồng là súc sanh, thọ mạng dài đến mấy kiếp. Ngạ quỷ đạo, địa ngục đạo thọ mạng đều rất dài. Trong kinh điển nhà Phật có nói: Một ngày đêm trong địa ngục A Tỳ là hai ngàn bảy trăm mấy chục năm trong nhân gian. Trung Quốc có danh hiệu là “năm ngàn năm lịch sử”, chưa đầy hai ngày trong địa ngục A Tỳ! Vì thế, chớ nên đến nơi ấy. Thọ mạng của họ là bao lâu? Thọ mạng ít nhất là một vạn năm, một ngày đêm [trong địa ngục] bằng hai ngàn bảy trăm năm trong nhân gian! Chớ nên tạo tội nghiệp địa ngục! Tiến vào rất dễ, thoát ra khó lắm! Vì thế, trong kinh điển đức Phật đã giảng về địa ngục rất tỉ mỉ, nhằm bảo chúng ta hãy lưu tâm đề cao cảnh giác, chớ nên đọa địa ngục. Đây là nói theo chiều dọc, thời gian đích xác là khác nhau, sai biệt rất lớn.

          (Sao) Hoành tắc biến hồ tứ châu, Thiệm Bộ tam canh, Câu Lô nhật ngọ, bất khả định dã.

       ()橫則遍乎四洲,贍部三更,俱盧日午,不可定也。

          (Sao: Theo chiều ngang thì trọn khắp bốn đại châu, Nam Thiệm Bộ Châu là canh ba thì Bắc Câu Lô Châu đã là giữa trưa, nên [thời gian] chẳng thể nhất định).

          Nói theo chiều ngang, nay chúng ta nói là “múi giờ sai khác”. Thí dụ như nay chúng ta ở đây là chín giờ tối thì tại Nữu Ước (New York) của Mỹ là chín giờ sáng. Điều này được gọi là múi giờ sai lệch, chẳng giống nhau. “Bất khả định dã” (chẳng thể nhất định), nên kinh Phật không ghi chép năm, tháng, ngày, giờ là có lý.

          (Sao) Lưỡng độ chánh sóc giả, tuế thủ chi nhật, danh vi Chánh Sóc.

          () 兩土正朔者,歲首之日,名為正朔。

          (Sao: “Ngày Chánh Sóc hai cõi khác nhau”: Ngày đầu năm gọi là Chánh Sóc[5]).

          “Tuế thủ” là cách người Trung Quốc gọi ngày mồng Một tháng Giêng vào thời cổ. Chúng ta ấn định ngày mồng Một tháng Giêng nhằm ngày nào? Người Trung Quốc ấn định ngày mồng Một tháng Giêng chẳng giống người Ấn Độ.

          (Sao) Chấn Đán, Ngũ Thiên, bất tương thống thuộc.

       () 震旦五天,不相統屬。

          (Sao: Trung Hoa và năm xứ Thiên Trúc [ấn định ngày đầu năm] chẳng giống nhau).

          “Chấn Đán” là Trung Quốc, Ngũ Thiên là Ngũ Thiên Trúc, tức Ấn Độ. Lịch pháp Trung Quốc và lịch pháp Ấn Độ khác nhau. Không chỉ Trung Quốc và ngoại quốc khác nhau, mà Trung Quốc cổ đại, Hạ, Thương, Châu khác nhau.

          (Sao) Châu chánh kiến Tý.

       () 周正建子。

          (Sao: Đời Châu, ấn định tháng Tý là tháng Giêng).

          Đời Châu ấn định ngày mồng Một tháng Giêng vào tháng Tý, tức là ngày mồng Một tháng Mười Một [Âm lịch] hiện thời.

          (Sao) Hạ chánh kiến Dần.

          () 夏正建寅。

          (Sao: Nhà Hạ định tháng Giêng nhằm tháng Dần).

          Tháng Dần là tháng ta đang sử dụng trong lịch pháp hiện thời. Âm lịch hiện thời cũng gọi là “Hạ lịch”[6], lấy ngày mồng Một tháng Dần làm ngày đầu năm, tức là mùng Một tháng Giêng. Có thể thấy ba triều đại Hạ, Thương, Châu lịch pháp khác nhau. “Thiên can địa chi”, Địa Chi là dùng mười hai chữ[7] để tượng trưng cho mười hai tháng. Nay chúng ta lấy tháng Dần làm tháng Giêng.

          (Sao) Bỉ thời Chấn Đán thuộc Châu, nhi Phật tại Xá Vệ, Xá Vệ kiến Dần, nãi dụng Hạ chánh.

        ()彼時震旦屬周,而佛在舍衛,舍衛建寅,乃用夏正。

          (Sao: Khi ấy, Chấn Đán thuộc nhà Châu, nhưng đức Phật ở thành Xá Vệ, Xá Vệ lấy tháng Dần làm tháng Giêng, tức là dùng theo Chánh Sóc của nhà Hạ).

           Đây là xét theo khảo cứu, khi đó, tại Ấn Độ, ngày mồng Một tháng Giêng của họ giống như chúng ta đang sử dụng hiện thời, trong khi ấy, Trung Quốc thuộc triều đại nhà Châu. Nhà Châu ăn Tết sớm hơn một tháng [so với hiện thời], không giống lịch pháp hiện thời.

          (Sao) Tắc Ngũ Thiên chánh nguyệt, Chấn Đán tam nguyệt, Ngũ Thiên nhị nguyệt, Chấn Đán tứ nguyệt dã, diệc bất khả định.

            ()則五天正月,震旦三月,五天二月,震旦四月也,亦不可定。

          (Sao: Cho nên Ngũ Thiên Trúc là tháng Giêng thì Trung Hoa đã là tháng Ba, Ấn Độ là tháng Hai thì Trung Hoa đã là tháng Tư, nên cũng không thể nói nhất định được).

          Đây là nói lịch pháp của Trung Quốc và Ấn Độ khác nhau, huống chi thuở ấy Ấn Độ chưa thống nhất, lịch pháp Ấn Độ cũng không thống nhất, không giống như Trung Quốc. Ở Trung Quốc, vào thời nhà Châu, lịch pháp đã thống nhất.

          (Sao) Cố chỉ ngôn nhất thời dã.

          () 故止言一時也。

          (Sao: Cho nên chỉ nói “nhất thời”).

          Đây là nói rõ nguyên nhân theo phương diện thời gian và không gian vì sao chẳng ghi chép năm, tháng, ngày, giờ. Dưới đây là nói tới giáo nghĩa trong kinh này:

          (Sao) Tâm cảnh giả, nhất tâm bất loạn, vô năng niệm, sở niệm cố. Phàm thánh giả, dữ chư thượng thiện nhân đồng hội nhất xứ cố. Y chánh giả, Phật cập thủy điểu thụ lâm, đồng thuyết diệu pháp cố. Nhất đa giả, nhất Phật thuyết kinh, lục phương tề tán cố.

          ()心境者,一心不亂,無能念所念故。凡聖者,與諸上善人,同會一處故。依正者,佛及水鳥樹林,同說妙法故。一多者,一佛說經,六方齊讚故。

          (Sao: “Tâm cảnh”: Nhất tâm bất loạn, do không có năng niệm và sở niệm. “Phàm thánh”: Cùng ở một chỗ với các bậc thượng thiện nhân. “Y chánh”: Phật và nước, chim, rừng cây cùng nói diệu pháp. “Một nhiều”: Một vị Phật nói kinh, sáu phương cùng ca ngợi).

          Những điều này đều nói về pháp môn Bất Nhị, Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại, toàn bộ đều là cảnh giới Hoa Nghiêm.

          (Sao) Như thượng chủng chủng nhị pháp, giai thành nhất vị.

() 如上種種二法,皆成一味。

          (Sao: Các thứ hai pháp [đối lập] như trên đều thành một vị).

           Đây là nhập pháp môn Bất Nhị, nhập Nhất Chân pháp giới.

          (Sao) Tức dĩ thử thời vi nhất thời dã.

          () 即以此時為一時也。

          (Sao: Nên coi lúc ấy là “nhất thời” vậy).

 Đây mới là ý nghĩa thật sự của “nhất thời”. Hôm nay đã hết thời gian rồi, chúng tôi giảng tới chỗ này.

 [1] Quan điểm có đến ba vị A Nan Đà do Trí Giả đại sư đề xướng. Trong Pháp Hoa Kinh Văn Cú có đoạn viết: “Kinh Chánh Pháp Niệm nói có ba vị A Nan. A Nan Đà, cõi này dịch là Hoan Hỷ, trì tạng Tiểu Thừa. A Nan Bạt Đà, cõi này dịch là Hỷ Hiền, thọ trì Tạp Tạng. A Nan Sa Già, cõi này dịch là Hoan Hỷ Hải, trì Phật Tạng”. Sách A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa chỉ chú giải sơ lược như thế này: “Thánh nhân không có tên, tên là do dựa theo sự mà đặt. Thanh Văn đoạn Chánh Sử Kiến Tư, thoát khỏi tam giới, đắc đại hoan hỷ, nên vị kết tập Thanh Văn Tạng có tên là Hoan Hỷ. Duyên Giác đoạn trừ tập khí, mức độ hiền cao hơn Thanh Văn. Vì thế, khi kết Duyên Giác Tạng có tên là Hỷ Hiền. Bồ Tát đoạn trừ vô minh, ngộ nhập pháp hải, nên có tên là Hỷ Hải”. Như vậy, sách Diễn Nghĩa quan niệm chỉ có một vị A Nan, tùy theo nhìn từ sự chứng quả nơi hình tướng mà gọi tên khác nhau, vì ngài A Nan chẳng phải thật sự là Thanh Văn hay Duyên Giác, mà là đại quyền Bồ Tát thị hiện. Hoặc cũng có thể hiểu là Bổn địa chỉ là một vị A Nan, nhưng do thích ứng với tam thừa mà thị hiện thành ba vị A Nan.

[2] Tam thiên đại thiên thế giới vi trần: Số lượng vi trần trong một tam thiên đại thiên thế giới.

[3] Tứ thiên hạ là nói đến bốn đại bộ châu, tức nhân gian. Do bốn đại bộ châu nằm ngay dưới Tứ Thiên Vương Thiên nên gọi là “tứ thiên hạ”.

[4] Tứ Thiên Vương Thiên (Caturmahārājakāyikās) là tầng trời thứ nhất, nằm ngay ngang lưng núi Tu Di. Gọi là Tứ Thiên Vương Thiên vì trong cõi trời này có bốn vị thiên vương cai quản bốn phía là Bắc phương Đa Văn Thiên Vương (Vaiśravana, thống lãnh chúng Dạ Xoa, La Sát, thủ hộ Bắc Câu Lô Châu), Tây phương Quảng Mục Thiên Vương (Virūpākśa, thống lãnh loài rồng, ngạ quỷ v.v… thủ hộ Tây Ngưu Hóa Châu), Nam phương Tăng Trưởng Thiên Vương (Virūdhaka, thống lãnh loài quỷ Cưu Bàn Trà, Bệ Lệ Đa v.v… thủ hộ Nam Thiệm Bộ Châu), và Đông phương Trì Quốc Thiên Vương (Dhritarāśtra, thống lãnh các loài điên cuồng quỷ, hương âm thần v.v…, thủ hộ Đông Thắng Thần Châu). Nói chung, các loại quỷ thần, thiên long bát bộ đều thuộc quyền quản hạt của bốn vị thiên vương này.

[5] Ngày đầu tháng trong Âm Lịch được gọi là Sóc (Sóc có nghĩa là khởi đầu, còn gọi là Nguyệt Cát), tháng Giêng lại gọi là Chánh Nguyệt, nên mồng Một tháng Giêng được gọi là Chánh Sóc. Ngày Rằm gọi là Vọng, ngày cuối tháng gọi là Nguyệt Tận. Tháng đủ (ba mươi ngày) thì ngày cuối tháng gọi là Đại Tận, tháng thiếu sẽ gọi ngày cuối tháng là Tiểu Tận.

[6] Người Trung Hoa vẫn tin Âm Lịch hiện thời do Hiên Viên Hoàng Đế chế ra, đến nhà Hạ chọn tháng Dần làm tháng Giêng vì quan niệm ứng với quẻ Thái trong kinh Dịch, nhưng nhà Thương lại chọn tháng Sửu (tháng Chạp hiện thời) làm tháng Giêng vì nó tương ứng với quẻ Lâm mang ý nghĩa tốt lành hơn, nhà Châu chọn tháng Tý (tháng Mười Một hiện thời) làm tháng Giêng, nhà Tần chọn tháng Hợi (tháng Mười Âm lịch hiện thời) làm tháng Giêng, đến đời Hán Vũ Đế (144 trước Công Nguyên), quyết định quay lại áp dụng lịch nhà Hạ và từ đó đến nay không thay đổi nữa. Do trong nhân gian thường quan niệm vào giờ Tý là bắt đầu cho một ngày mới, khí Dương bắt đầu tăng trưởng, giờ Sửu gà gáy, giờ Dần trời rạng sáng, con người thức dậy ra đồng, nên cổ nhân hay nói “thiên khai ư Tý, địa khai ư Sửu, nhân khai ư Dần”. Câu này được chép lại trong Tây Du Ký hồi một. Một tà phái ở Việt Nam đã dựa vào câu này để đoan quyết vũ trụ được khai sinh vào năm Tý, và tuyên bố điều này do cơ bút của Đức Chí Tôn phán truyền!

[7] Thiên Can gồm Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý (mười chữ). Địa Chi gồm mười hai chữ là Tý, Sửu, Dần, Mẹo v.v… Đôi khi lại gọi theo tên loài hoa chủ yếu trong một số tháng, nên mười hai tháng trong Âm lịch theo thứ tự sẽ là chánh nguyệt, hạnh nguyệt, đào nguyệt, mai nguyệt, lựu nguyệt, hà nguyệt (hoa sen), lan nguyệt, quế nguyệt, cúc nguyệt, lương nguyệt (tháng tốt lành), đông nguyệt (tháng mùa Đông), và lạp nguyệt (tháng chạp).

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *