#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 138
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bổn, trang hai trăm chín mươi chín.
(Sao) Hựu Tịnh Danh Phật Đạo Phẩm vân: “Vô lậu pháp lâm thụ, giác ý tịnh diệu hoa, giải thoát trí huệ quả, giai căn bổn ư tâm địa, nhi phát sanh vô tận giả dã”.
(鈔)又淨名佛道品云:無漏法林樹,覺意淨妙華,解脫智慧果,皆根本於心地,而發生無盡者也。
(Sao: Lại nữa, phẩm Phật Đạo trong kinh Tịnh Danh Phật có nói: “Rừng cây pháp vô lậu, hoa giác ý tịnh diệu, quả trí huệ giải thoát, đều có căn bản nơi tâm địa, phát sanh vô tận”).
Đây là đại sư trích dẫn mấy câu kinh văn trong kinh Duy Ma Cật nhằm giải thích thâm ý của đoạn này. Đối với các cây báu, lan can, lưới mành trong thế giới Cực Lạc, từ kinh Vô Lượng Thọ và Quán Kinh, cho đến trong nhiều kinh điển nói về cảnh giới Tây Phương, đức Phật luôn dạy chúng ta: Hết thảy chúng sanh đã sanh về thế giới Tây Phương, hễ trông thấy, hoặc ngửi mùi, hoặc nếm hương vị của quả, hạt, đều có thể khiến cho sáu căn của chúng ta thanh tịnh, đấy cũng chính là minh tâm kiến tánh như nhà Thiền đã nói, đều có thể đạt tới mục tiêu như vậy. Do thế giới Tây Phương là pháp giới xứng tánh, toàn thể đều do Di Đà Tánh Đức lưu lộ, đoạn kinh này của kinh Tịnh Danh cũng chẳng ra ngoài lệ đó.
“Vô lậu pháp lâm thụ”, “vô lậu” là xứng tánh. Chỉ riêng Tánh Đức mới là vô lậu chân thật. “Thụ” (樹) có hai ý nghĩa:
– Một ý nghĩa là bao trùm, đặc biệt lúc tiết Hè mặt trời rất chói chang, ai nấy đều thích ngồi hóng mát dưới bóng cây. Đó là một dụng ý. Trong sự biểu thị pháp, trí huệ đức năng của Như Lai có thể che rợp hết thảy chúng sanh.
– Ý nghĩa thứ hai là thanh lương (mát mẻ), đặc biệt là cây báu.
“Giác ý tịnh diệu hoa”: Trong Phật pháp, “hoa” tượng trưng nhân hạnh, Cây cối luôn đơm hoa trước, kết quả sau. Vì vậy, hoa tượng trưng cho sự tu nhân của Bồ Tát. Sáu trần trong thế giới Tây Phương đều thuyết pháp. Trên thực tế, thế giới này của chúng ta có khi nào chẳng phải là sáu trần thuyết pháp! Bất quá, bọn chúng sanh chúng ta đang thuộc địa vị mê muội, nên sáu trần thuyết pháp, chúng ta chẳng dễ gì cảm nhận, nhưng trong thế giới Tây Phương, cảm nhận đặc biệt dễ dàng. Người bên ấy phiền não nhẹ, trí huệ mạnh mẽ. Trong thế gian này của chúng ta, chúng ta trông thấy các thứ trần thiết, cúng dường trong tự viện, giảng đường, bèn biết chúng nhằm biểu thị pháp. Sau khi rời khỏi giảng đường, chúng ta quên sạch các ý nghĩa biểu thị pháp, đó là sai lầm. Vì vậy, đạo nghiệp của chúng ta rất dễ thoái chuyển. Rời khỏi giảng đường, rời khỏi tự viện bèn chẳng còn Phật pháp nữa, quên sạch sành sanh! Như vậy thì phải làm sao để sau khi rời khỏi tự viện, giảng đường, vẫn có thể gìn giữ, công phu của quý vị sẽ miên mật không ngừng, đó là cảnh giới vô cùng tốt đẹp!
Thí dụ như trong Phật đường cúng dường hoa, hoa biểu thị Lục Độ nơi nhân hạnh. Bất cứ chỗ nào, chúng ta trông thấy hoa phải nghĩ đến ý nghĩa này, công phu sẽ chẳng gián đoạn. Quý vị thấy hoa ngoài đồng, thậm chí các thứ hoa giả được lưu hành trong hiện thời, hoa vải, hoa vẽ, hoa thêu hoặc in trên quần áo, chỉ cần thấy hoa bèn nghĩ tới Lục Độ vạn hạnh, há chẳng phải là thế gian này cũng là sáu trần thuyết pháp giống y hệt ư? Hễ trông thấy trái hạt, bèn thật sự nghĩ tới Bồ Đề Niết Bàn, nghĩ chúng ta trong tương lai vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Vãng sanh là quả báo, sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới là quả báo vô cùng thù thắng. Nhất định phải hiểu ý nghĩa này!
Đối với chữ “giác ý” trong đoạn kinh văn này, cổ đức giải thích là Thất Giác Chi và Tứ Như Ý Túc trong ba mươi bảy đạo phẩm. Tứ Như Ý Túc chẳng dễ giảng, mà có giảng thì cũng chẳng dễ hiểu cho lắm. Trong quá khứ, tôi đã dùng ngôn từ thô thiển, thông tục hơn đôi chút để giải thích, tôi giải thích nó là “tri túc thường lạc” (biết đủ, thường vui) cho mọi người dễ hiểu. Dục Như Ý Túc là đối với dục vọng phải biết vừa đủ, biết vừa đủ thì mới có thể đạt được thường lạc, tâm an, lý đắc. Định là tâm an, nếu tâm đã thật sự thanh tịnh thì tâm bèn an, hết thảy chuyện thế gian và xuất thế gian quý vị đều hiểu rõ thông đạt, đó là Niệm Như Ý Túc.
“Giải thoát trí huệ quả”: Câu này nói đến Giải Thoát Đức và Bát Nhã Đức, nói tới hai thứ ấy. Do vậy ta biết, những thứ tinh hoa được nói trong Phật pháp đều lưu lộ từ tâm địa của chính mình, “giai căn bản ư tâm địa” (đều có căn bản là tâm địa), đều lưu xuất từ tâm thanh tịnh của chính mình, “nhi phát sanh vô tận giả dã” (phát sanh vô tận). Pháp thế gian và xuất thế gian, y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới đều lưu xuất từ nơi đây. Nếu lưu xuất từ chân tâm, từ tâm thanh tịnh, đó chính là cõi nước Cực Lạc, là y báo và chánh báo trang nghiêm của Phật và đại Bồ Tát. Nếu lưu xuất từ nhiễm tâm, sẽ giống như thế giới Sa Bà của chúng ta, là nhiễm tịnh đồng cư. Sự thật này đã được giảng rất rõ ràng, rất tỉ mỉ trong kinh Hoa Nghiêm. Đoạn tiếp theo là phần tổng kết của Liên Trì đại sư, cũng là lời cảm thán thật sâu!
(Sao) Nại chi hà lan thuẫn hủy nhi phủ cân nhập, la võng đồi nhi ấm phú sơ, thượng khô tụy kỳ căn chi, huống phát vinh ư hoa quả?
(鈔) 奈之何欄楯毀而斧斤入,羅網頹而蔭覆疏,尚枯瘁其根枝,況發榮於華果。
(Sao: Hiềm rằng, lan can đã hỏng mà búa rìu còn bủa vào, lưới mành rách nát, lại che phủ thưa thớt, rễ cành còn bị khô héo, mong chi hoa quả tươi nhuận ư?)
“Lan thuẫn” tượng trưng cho ý nghĩa “phòng phi, chỉ quá” (ngừa sai, dứt lỗi). Nó ngăn ngừa sự trái phạm. Nói cách khác, chính là biểu thị ý nghĩa giới luật. Người không tuân thủ giới, không tuân thủ lễ, không tuân thủ pháp, [tức là] chẳng có lan thuẫn, biểu thị ý nghĩa này. Đại sư vô cùng cảm thán, cũng là lời lẽ buốt lòng. Giống như lan can bị kẻ khác dùng những dụng cụ như rìu phá hoại. Chúng ta hành trì chẳng kiểm điểm, chẳng ước thúc, sẽ dẫn đến thế giới đại loạn. Hiện thời [chuyện này được] gọi là “thoát tự” (脫序), tức là trật tự xã hội bị trật khớp, là chuyện rất đáng sợ.
“La võng đồi” (lưới mành rách nát) là nói chân tâm của chúng ta vô cùng rộng lớn, nay chúng ta bị mê mất, ngỡ vọng tâm duyên theo bóng dáng của lục trần là chân tâm. Có thể nói là trong xã hội hiện thời, vô minh và tà kiến đều nghiêm trọng hơn bất cứ thời kỳ nào trong quá khứ. Chuyện này thật giống như chúng ta đã bỏ mất lưới mành. “Ấm phú sơ”, [nghĩa là] chẳng có gì để che đậy, chẳng tìm được chốn thanh lương để dừng chân, tỷ dụ ý nghĩa này. Điều này liên quan đến lan thuẫn trong phần trước, nói cách khác, chẳng có giới thì tâm thanh tịnh cũng chẳng có, Định cũng mất luôn!
“Thượng khô tụy kỳ căn chi” (rễ cành còn bị khô héo), “căn” là gì? Trong Phật môn thường nói: “Từ bi làm gốc, phương tiện làm cửa”. Trong Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện Phẩm, đức Phật cũng nói: “Đại bi làm gốc”. Ngày nay chúng ta chẳng có tâm đại bi, cũng có thể nói là nhân hạnh từ bi phương tiện bị mất đi, tự tư tự lợi bèn thừa thế dấy lên. Vì thế, ngày nay học Phật, chúng ta phải đặc biệt chú trọng nhân quả, phải tin sâu nhân quả, tin tưởng nhân quả báo ứng. “Một hớp uống, một miếng ăn, không gì chẳng định sẵn”. Mọi người nếu muốn thật sự có thành tựu trong Phật pháp, chẳng uổng công học Phật trong đời này thì quý vị học Phật phải có nền tảng. Quý vị chẳng có nền tảng, sẽ chẳng thể thành tựu. Nền tảng là phải đổ công sức. Chẳng dốc công đổ sức, quý vị vĩnh viễn chẳng thể vun bồi căn cội được. Vun bồi căn cội từ chỗ nào? Từ đọc kinh. Đọc kinh phải chọn kinh nào trọng yếu nhất, tức là kinh đối trị phiền não tập khí của chúng ta trong hiện tiền. Ấn Quang đại sư trọn đời ấn tống kinh sách, ba loại Liễu Phàm Tứ Huấn, An Sĩ Toàn Thư, và Cảm Ứng Thiên được Ngài in nhiều nhất, in tổng cộng đến mấy trăm vạn bộ, bất cứ kinh sách nào cũng đều chẳng in nhiều bằng ba loại ấy. Nói thật ra, ba loại sách ấy cũng chẳng phải là kinh điển Phật giáo, nhưng chúng là đại căn bản của sự học Phật.
Chắc chắn chẳng phải là chúng tôi bảo quý vị hãy lấy những sách ấy đọc một hai lượt! Vô dụng! Đọc mười lần, tám lần, một trăm lần, hai trăm lần, thưa quý vị, vẫn chẳng có tác dụng. Vì sao? Phiền não tập khí của chúng ta thâm căn cố đế, đọc một, hai trăm lần, chẳng thể quay đầu! Hãy nên đọc theo cách như thế nào? Nhất định là chính mình phải đọc tới hai ngàn lần, ba ngàn lần, nhất định quý vị sẽ thay đổi. Do vậy, để trừ dẹp phiền não tập khí của chính mình, cần phải dùng tới công phu này. Quý vị chẳng dùng đến công phu này sẽ không được. Phật, Bồ Tát chẳng thể cứu quý vị. Chính quý vị tự cứu! Phật, Bồ Tát có thể dạy quý vị phương pháp. Sau khi đã dạy phương pháp thì chính mình phải tự cứu, vì sao? Đọc tới hai, ba ngàn lần, ấn tượng sâu đậm, hễ khởi tâm động niệm, giáo huấn của thánh nhân bèn lập tức hiện tiền, phát sanh tác dụng, thật sự sanh khởi tác dụng “phòng phi, chỉ quá” (ngăn ngừa sai trái, dứt lỗi). Nói cách khác, lan can bảy báu được kiến lập trong tự tánh của quý vị.
Lần này, chúng tôi biên tập, ấn hành Tịnh Độ Ngũ Kinh, đây là một nhân duyên hy hữu. Thưa chư vị đồng tu! Quý vị phước báo to lớn! Trong lần trước, tôi đã thưa cùng quý vị. Từ xưa tới nay, các bậc tổ sư đại đức trong Tịnh Độ Tông rất ít người có thể đọc toàn bộ các kinh luận [Tịnh Độ] ấy. Chúng tôi đem những kinh luận tu học chủ yếu trong Tịnh Độ Tông in hết vào bộ sách này. Chín phiên bản của kinh Vô Lượng Thọ đều có đầy đủ trong ấy, đích xác là một nhân duyên hy hữu. Nếu quý vị đọc kinh, hãy chọn lấy một bản trong bộ sách, một thứ là đủ rồi! Cũng là phải niệm ba ngàn lần, hoặc năm ngàn lần mới được, quý vị mới có thể thật sự kiến lập căn bản. Chẳng có công phu cỡ ấy, đời này sẽ chẳng thể thành tựu. Chư vị đồng tu nhất định phải ghi nhớ điều này.
Đọc tụng còn phải có thời gian tánh. Chẳng thể nói: “Cứ thong thả mà niệm, ta niệm đến già, thời gian hãy còn dài lắm! Thậm chí đã già chết thì đời sau ta bèn niệm tiếp!” [Nếu nghĩ] như vậy, cả một đời quý vị chẳng thể thành công! Cổ đức định kỳ hạn cho chúng ta là năm năm. Trong năm năm ấy, quý vị nhất định phải làm được. Vì thế, nó có thời gian tánh, ấn định kỳ hạn nhất định để mong chứng nhập. Phương pháp này buộc chúng ta tu Giới – Định – Huệ, có thể nói là “căn bản Giới – Định – Huệ”, quý vị chỉ cần thực hiện từ chỗ này, chẳng sai sót chút nào! Xưa nay, trong ngoài nước, những vị đại đức thật sự thành tựu, có thể nói là đều đi theo đường lối này. Không chỉ là lũ chúng ta sống trên quả địa cầu này trong thế giới Sa Bà đều đi theo con đường ấy. Nếu quý vị coi lại những gì kinh đã dạy, [sẽ thấy] hết thảy chư Phật, Bồ Tát trong mười phương thế giới đạt được thành tựu cũng là do đi theo con đường này, chẳng có ngoại lệ! Vì thế, chẳng khởi sự từ con đường này, chúng ta chẳng có cách nào thành tựu, [do vậy], chúng ta mới hiểu sự khẩn yếu của đọc tụng.
Đến Tây Phương Cực Lạc thế giới là để tu hành, quý vị thấy kinh đã giảng về trạng huống của người trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Khéo sao, chúng ta vừa đọc kinh Vô Lượng Thọ, [thấy kinh nói] họ cũng là ngày đêm đọc tụng và niệm Phật không gián đoạn, chẳng ngưng nghỉ, chẳng có phương pháp kỳ lạ nào, mà là một phương pháp bình thường, thật thà ngần ấy, chỉ cần làm đúng như vậy, có thể nói là từ Sơ Phát Tâm mãi cho đến khi thành Phật chẳng thay đổi, thực hiện phương pháp ấy đến cùng bèn thành công, Giới Học, Định Học, Huệ Học vô lậu đều hoàn thành. Nếu quý vị còn mong muốn pháp môn đặc biệt nào khác, hoặc thứ gì rườm rà bày vẽ đặc biệt thì nói thật thà, quý vị thiếu khuyết thiện căn, phước đức, [những thứ ấy] đều biến thành chướng ngại trên đường Bồ Đề. Do vậy, thật thà đáng quý lắm! Câu này có nghĩa là: Đã khuyết thiếu hoặc có thể nói là chẳng có nhân hạnh từ bi phương tiện, mong chi hoa quả tươi tốt! “Hoa quả” là nói đến thần thông diệu huệ, làm sao thần thông diệu huệ có thể hiện tiền cho được?
(Sao) Nhiên nhi giác lâm như cố, đạo chủng phi dao.
(鈔) 然而覺林如故,道種非遙。
(Sao: Thế nhưng, rừng giác vẫn như cũ, hạt giống đạo chẳng xa xôi).
Hai câu này là lời chuyển cơ. Trong phần trước là lời đại sư hết sức cảm thán, khuyên lơn, khích lệ chúng ta. “Giác lâm như cố, đạo chủng phi dao” có nghĩa là: Chân Như bổn tánh vẫn hiện diện như cũ, trọn chẳng mất đi, chỉ cần chúng ta nghiêm túc nỗ lực tu trì thì vẫn còn kịp. Đó chính là ý nghĩa được bao hàm trong hai câu này.
Phật môn thường nói: “Hồi đầu thị ngạn” (quay đầu là bờ). Quay đầu từ chỗ nào? Từ những thứ tạp tu trước kia, quay về chuyên tu. Từ những phương pháp sai lầm trước kia, quay về phương pháp chính xác. Đó là quay đầu. Ví như tôi dạy quý vị phương pháp này, quý vị thật sự bắt đầu từ hôm nay, mỗi ngày đều lấy Liễu Phàm Tứ Huấn, hoặc Cảm Ứng Thiên, hoặc Văn Xương Đế Quân Âm Chất Văn, [loại nào cũng] đều được, trong ba loại sách này, Liễu Phàm Tứ Huấn dài hơn một chút, Cảm Ứng Thiên và Âm Chất Văn đều chẳng dài, Cảm Ứng Thiên hơn một ngàn chữ, đại khái Âm Chất Văn chỉ có năm sáu trăm chữ, hằng ngày trong khóa tụng sáng tối quý vị có thể niệm nó thêm một biến, chẳng gián đoạn. Coi nó như giới luật, đương nhiên quý vị niệm càng nhiều càng hay. Tôi nghe nói hiện thời có không ít các đồng tu lái taxi, chúng ta chớ nên coi thường họ, những người ấy đều là Bồ Tát. Nếu quý vị thâu âm các bài giảng Cảm Ứng Thiên hoặc Âm Chất Văn vào băng cassette, để họ mở lên trong khi lái taxi, hành khách ngồi trong xe có thể nghe thấy, những câu ấy đều khuyên họ “hồi đầu thị ngạn”, còn hiệu quả hơn nghe kinh! Kinh tuy hay, nhưng chẳng thể dùng để cứu vãn nhanh chóng [tình thế xã hội động loạn hiện thời]. Những sách ấy thích hợp để cứu vãn [tình thế hiện thời], vì thực hiện từ giới luật! Kinh Vô Lượng Thọ hay lắm, trên xe, quý vị nên có các băng thâu âm kinh Vô Lượng Thọ, Cảm Ứng Thiên, Âm Chất Văn và Liễu Phàm Tứ Huấn, còn có Tịnh Tu Tiệp Yếu cũng hết sức hay. Quý vị lái xe kiếm sống bên ngoài chính là hành Bồ Tát đạo, phổ độ chúng sanh trong khi đó, vô cùng trọng yếu! Số lượt [tụng niệm các sách ấy và các kinh Tịnh Độ] phải nhiều, không nhiều sẽ chẳng thể quay đầu. Kinh điển hãy đọc một thứ, kinh bậc nhất, trọng yếu nhất trong Tịnh Độ Tông là kinh Vô Lượng Thọ. Chúng ta dùng bản hội tập của cư sĩ Hạ Liên Cư, có thể trong vòng năm năm niệm bản kinh ấy tối thiểu ba ngàn lần thì Phật pháp của chúng ta sẽ thật sự có nền tảng. Nền tảng Phật pháp được kiến lập ở chỗ này.
Hiện thời, nói thật thà, tại Đài Loan, Phật giáo được hoằng dương
bốn mươi năm, mở ra rất nhiều Phật Học Viện, nhưng chẳng đào tạo được một học sinh nào, nguyên nhân ở chỗ nào? Chẳng vun bồi căn bản, đều là bèo trôi bồng bềnh trên mặt nước, chẳng có rễ! Trước kia, pháp sư Diễn Bồi rất cảm thán bảo tôi: “Thầy coi đó! Những pháp sư giảng kinh ở Đài Loan, vị nào xuất thân từ Phật Học Viện?” Nghĩ lại, chẳng có một ai! Thảy đều xuất thân từ giảng tiểu tòa. Bản thân pháp sư Diễn Bồi cũng xuất thân từ giảng tiểu tòa, tiểu tòa chính là phức giảng (giảng lập lại lời thầy sau khi nghe giảng). Lúc nhỏ, Ngài làm tiểu sa-di theo hầu pháp sư Đế Nhàn. Ngài được pháp sư Đế Nhàn đặt vững nền tảng. Sau khi pháp sư Đế Nhàn giảng kinh xong, đến hôm sau, Sư phải phức giảng, học thành công là nhờ như vậy!
Bản thân tôi học Phật pháp cũng xuất thân từ tiểu giảng tòa. Tôi học kinh với thầy Lý Bỉnh Nam tại Đài Trung, cũng là mỗi tuần giảng một lần, lập lại lời giảng của thầy một lượt. Quý vị theo thầy, đối với những kinh thầy đã giảng, tối thiểu quý vị có thể phức giảng một bộ kinh. Đây là cách dạy học xưa cũ thuở trước, chẳng giống như cách dạy học hiện thời, giảng một môn học trong một tiếng đồng hồ, giờ kế tiếp bèn đổi sang môn học khác, cách ấy vô dụng, chẳng hữu dụng tí nào! Một Phật Học Viện trong ba năm học mấy chục thứ, mỗi thứ đều chỉ lớt phớt bên ngoài, thứ gì cũng chẳng thông, thật là đáng tiếc! Đó là phương pháp dạy học sai lầm. Nếu có thể chuyển biến phương pháp, thí dụ như ba năm là sáu học kỳ, mỗi học kỳ học một bộ kinh, học bộ kinh ấy đến mức có thể giảng được. Trong sáu học kỳ bèn có thể học sáu bộ kinh.
Trong quá khứ, khi tôi theo thầy Lý Bỉnh Nam học giảng kinh, phương pháp của thầy là chuyên tu, tức là quý vị chưa học hiểu bộ kinh này, sẽ chẳng thể học bộ kinh thứ hai, chẳng thể học đồng thời hai thứ! Thầy chỉ cho phép học một thứ. Để đạt tiêu chuẩn thì phải lên giảng tòa đối trước đại chúng giảng một lượt mới coi như đã học xong bộ kinh ấy. Giảng viên mãn thì quý vị mới có tư cách xin thầy cho học thêm một bộ nữa. Quý vị chẳng lên bục giảng bộ kinh này một lượt, vĩnh viễn đừng mong học bộ thứ hai. Thuở ấy, tôi mới ba mươi mốt, ba mươi hai tuổi, tuổi trẻ, trí nhớ cũng mạnh. Thoạt đầu, học với thầy, tôi còn chưa xuất gia, dùng thân phận cư sĩ để theo học giảng kinh với lão nhân gia. Trong vòng một năm ba tháng, tức là mười lăm tháng, tôi học mười ba bộ kinh, gần như là mỗi tháng học một bộ, tốc độ tiến bộ nhanh chóng, pháp hỷ sung mãn, thật sự có thâu hoạch. Vì thế, tôi vừa xuất gia, pháp sư Bạch Thánh kiếm tôi về dạy tại Tam Tạng Học Viện thuộc chùa Thập Phổ, tôi bèn giảng kinh giáo tại Phật Học Viện. Vừa xuống tóc bèn dạy tại Phật Học Viện. Mỗi học kỳ dạy một loại, tôi học mười ba loại, đợi đến khi họ học ba năm tốt nghiệp, tôi mới dạy sáu thứ, vẫn còn bảy thứ chưa dùng đến, quý vị nghĩ xem Phật Học Viện hữu dụng ở chỗ nào?
Thầy Lý dạy học, nói thật ra, vẫn chưa nghiêm ngặt, nhưng thuở ấy, cụ dùng phương pháp như vậy ngõ hầu chúng tôi có thể tiếp nhận. Nếu quá nghiêm ngặt, sợ chúng tôi sẽ bỏ chạy tuốt! Nay chúng tôi mới thật sự giác ngộ, thầy quá khoan dung đối với chúng tôi, vì sao? Yêu cầu quá nhẹ nhàng, lên đài giảng một lần! Đối với tôi, điều ấy đích xác là chẳng khó! Tôi nghe thầy giảng một lần, ngay lập tức lên đài có thể giảng được tám mươi hoặc chín mươi phần trăm, chuyện ấy chẳng khó! Nếu thuở ấy, thầy giống như cổ đại đức đòi hỏi một bộ sách phải đọc ba ngàn lần, thưa cùng quý vị, tôi đã thành Phật từ lâu rồi! Nhưng thuở ấy mê hoặc sâu đậm, ngu si, nếu thầy đề ra như thế, sợ rằng tôi cũng chẳng dễ gì tiếp nhận. Nay mới thật sự hiểu dụng tâm sâu xa của cổ đại đức, mới thật sự bội phục năm vóc gieo sát đất.
Bởi lẽ đó, tuân theo phương pháp này để tu học, ba năm quyết định có thành tựu. Vì sao? Quý vị thật sự đắc Giới – Định – Huệ. Thật sự đạt được, tâm đã định, tâm định bèn khai trí huệ, chẳng phải là thông minh bình phàm, mà là trí huệ. Quý vị có Định, Giới bèn trọn đủ, Định Cộng Giới. Khi quý vị có Huệ, Đạo Cộng Giới, giới luật tự nhiên trọn đủ. Do vậy, hy vọng mọi người thật sự có chí tu học, vẫn phải tuân thủ phương pháp xưa cũ, đi theo con đường này của cổ đại đức thì mới chẳng phạm sai lầm. Đây chính là kinh nghiệm tu học nhọc nhằn suốt ba mươi bảy năm của chúng tôi, thật sự nhận biết sự thiện mỹ trong cách dạy học của cổ nhân, thế hệ hiện thời chắc chắn chẳng thể thấu hiểu được! Tôi học Phật bảy năm bèn xuất gia, vừa xuất gia bèn giảng kinh, đến nay tròn ba mươi năm. Có thể nói là bản thân tôi giảng kinh suốt ba mươi năm chưa hề nghỉ ngơi, mỗi ngày đều giảng. Giảng nhiều nhất ước chừng hai ba năm, mỗi tuần giảng kinh khoảng gần ba mươi giờ, dài nhất là một tuần giảng ba mươi bốn giờ. Buổi sáng, buổi chiều, buổi tối đều giảng, Chủ Nhật cũng chẳng nghỉ.
Vì thế, quay đầu thì phải hiểu quay đầu như thế nào! Chúng ta biết trước kia lầm lỗi, đã lầm lỗi bèn vội vã quay đầu, quay đầu là bờ! Chắc có người bảo: “Nay tôi đã lớn tuổi quá rồi, trí nhớ chẳng tốt, sợ rằng chẳng kịp”. Nếu quý vị nghĩ như vậy, đó là tự mình vứt bỏ, coi thường chính mình, rất đáng tiếc! Sáu mươi tuổi quay đầu vẫn chẳng muộn, tức là nói học giảng kinh, thuyết pháp, dẫu sáu mươi tuổi vẫn chẳng trễ! Thuở ấy, chúng tôi học kinh với thầy Lý Bỉnh Nam, có một vị đồng học là cư sĩ Lâm Khán Trị sáu mươi tuổi, học chung với tôi trong lớp ấy. Lớp học ấy chỉ có hai mươi mấy người, bà ta lớn tuổi nhất, cháu nội đã là giáo viên Tiểu Học. Bà ta trình độ Tiểu Học, theo học với cụ Lý Bỉnh Nam nửa năm, bèn có thể giảng kinh, đã có thể lên đài giảng kinh. Hơn nữa, pháp duyên của bà ta vô cùng hưng thịnh. Bà giảng kinh thính chúng đặc biệt đông. Bà còn có thể viết một cuốn sách mang tựa đề Niệm Phật Cảm Ứng Ký, chẳng dễ dàng!
Thuở ấy, vị lão cư sĩ này đã cổ vũ chúng tôi rất lớn, vì trước đó thầy Lý mong chúng tôi phát tâm giảng kinh, nhưng chúng tôi luôn sợ hãi, nghĩ là khó quá, cho tới khi đó, chưa hề phát tâm ấy! Kết quả là đến lớp học xem thử, thấy bà Lâm Khán Trị tuổi đã cao ngần ấy, lại còn là trình độ Tiểu Học, so ra, chúng tôi có ưu thế hơn bà ta rất nhiều! Bà ta học được, chúng tôi còn có vấn đề chi nữa? Chuyện ấy đã cổ vũ chúng tôi, [bà Lâm] đúng là ảnh hưởng chúng cho lớp ấy, cho nên đám người trẻ tuổi ai nấy đều hăng hái. Đích xác là “thiên hạ vô nan sự, chỉ phạ hữu tâm nhân” (thiên hạ chẳng có chuyện gì khó, chỉ sợ thiếu người có lòng), quý vị phải thật sự phát tâm. Huống chi chuyện này còn có Tam Bảo gia trì, chẳng cần đến bằng cấp thế gian, cứ dùng tâm chân thành để tu học, nhất định có cảm ứng! Tiếp theo đây là lời đại sư khuyến khích, cổ vũ chúng ta:
(Sao) Hà bất mãnh dữ tư bồi?
(鈔) 何不猛與滋培。
(Sao: Sao chẳng mạnh mẽ vun bồi?)
Đây là vận dụng tỷ dụ. “Tư” là “tư nhuận” (滋潤: vun tưới), “bồi” là “bồi dục” (培育: nuôi nấng, vun quén), “mãnh” là dũng mãnh tinh tấn. Biết chính mình tu trì tuy kém cỏi, nhưng “pháp tánh thượng tồn” (pháp tánh vẫn còn), chỉ cần chịu nỗ lực, “bổn chân bất thất” (sự chân thật vốn có chẳng mất), đúng lý, đúng pháp tu học, chẳng có gì không thành công.
(Sao) Trọng gia chỉnh sức.
(鈔) 重加整飾。
(Sao: Càng thêm sửa đổi, tô bồi).
Câu “trọng gia chỉnh sức” chính là phản tà quy chánh, sửa đổi những ý nghĩ và cách làm sai lầm trước kia, bèn thành công. Trước kia, sách gì cũng đều muốn đọc, nay thảy đều chẳng muốn nhìn tới! Chúng tôi in sách rất nhiều, có những người đến đây, sách này cũng cần, sách kia cũng muốn, muốn ôm một đống lớn về, kết quả người ấy đạt được gì? Tôi nói thật thà, chẳng khách sáo, người ấy đạt được tà tri tà kiến! Sách này nói như thế này, sách kia nói như thế nọ, đầu người ấy đặc nghẹt một đống Phật pháp to đùng, đó chẳng phải là Phật pháp mà là tà tri tà kiến đầy ứ trong óc! Chúng ta in kinh sách rất nhiều, giống như tiệm thuốc, toàn bán các dược phẩm rất nổi tiếng và quý báu, người ấy đều muốn mang hết về, uống vào, không chỉ uống thuốc chẳng lành bệnh mà còn ô hô ai tai, xong luôn! Những thứ ấy tăng trưởng tâm tham, tăng trưởng tà kiến, chẳng phải là chuyện tốt đẹp!
Người thông minh làm như thế nào? Đến đây vừa nhìn, kinh sách lắm như thế bèn rút lấy một loại, đem loại ấy về nhà, đọc năm năm, người ấy rất lỗi lạc, là người thông minh hạng nhất. Tôi biết người ấy quyết định thành tựu, là đại Bồ Tát tái lai. Bởi lẽ, có nhiều loại sách như thế nhằm thỏa mãn nhu cầu của con người. Hiện thời, tại Đài Loan, phong khí in kinh sách hết sức thịnh hành. Chúng tôi đề xướng in kinh sách đầu tiên vào năm Dân Quốc 60 (1971), in cuốn đầu tiên là An Sĩ Toàn Thư, bản thứ hai là in kinh Hoa Nghiêm. Qua nhiều năm ngần ấy đã xướng suất in kinh với số lượng lớn ở các nơi. Người in kinh đông đảo cho nên hiện nay chúng tôi chuyên in kinh điển Tịnh Độ, chuyên hoằng dương kinh điển Tịnh Độ, đó là quy nhất, vun bồi căn cội từ chỗ này.
Thật sự đã vun bồi vững vàng căn cội ấy, khi đó, kinh gì quý vị cũng có thể xem, pháp môn gì cũng có thể tiếp xúc. Vì sao? Như A La Hán đã nói: “Sở tác dĩ biện, bất thọ hậu hữu” (việc làm đã xong, chẳng còn nhận lãnh thân sau). Rất tự tại, đã cầm được sổ thông hành vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, muốn đi lúc nào bèn đi, chẳng quan trọng! Chính mình đã thành tựu! Chính mình chưa có thành tựu, trọn chớ nên lãng phí thời gian của chính mình, chớ nên tùy tiện tiêu hao tinh lực của chính mình, phải dùng thời gian và tinh lực để hoàn thành sanh tử đại sự của chính mình, cầu sanh về Tây Phương. Vì vậy, tôi khuyến khích, cổ vũ chư vị đồng tu hãy đọc mấy thứ ấy, trong năm năm nhất định phải niệm từ ba ngàn lần trở lên, quý vị nhất định sẽ đạt được Tây Phương Tịnh Độ, trong năm năm quyết định có thể vãng sanh. Sau năm năm, quý vị ra giảng kinh, thuyết pháp, quyết định chẳng có chướng ngại, vì sao? Giới – Định – Huệ đã thành tựu. Không chỉ là quý vị giảng kinh luận Tịnh Độ chẳng bị chướng ngại, mà [giảng giải] hết thảy kinh điển Đại Thừa đều chẳng có chướng ngại. Đó gọi là “một kinh thông, hết thảy các kinh đều thông”, đạo lý ở chỗ này. Chỉ sợ quý vị chẳng thông thứ gì, chứ hễ thông một thứ, bèn thông suốt hết thảy. “Trọng gia chỉnh sức” có ý nghĩa sâu xa như vậy. Đây là đại sư buốt lòng khuyên chúng ta “hồi đầu thị ngạn”. Tiếp đó, Ngài trích dẫn một công án về hòa thượng Triệu Châu trong Thiền Tông:
(Sao) Tiện kiến đình tiền bách thụ, hạm ngoại dược lan, hàng hàng Bát Nhã Chân Như, diện diện Bồ Đề Phật tánh.
(鈔) 便見庭前柏樹,檻外藥欄,行行般若真如,面面菩提佛性。
(Sao: Liền thấy cây bách trước sân, lan can bao quanh hoa cỏ ngoài rào, mỗi hàng đều là Bát Nhã Chân Như, mỗi mặt đều là Bồ Đề Phật tánh).
“Đình tiền bách thụ”: Có một Thiền khách tham Thiền, một hôm đến tham phỏng hòa thượng Triệu Châu, hỏi hòa thượng Triệu Châu: “Như hà thị tổ sư Tây lai ý?” Chữ “tổ sư” chỉ Đạt Ma tổ sư. [Câu hỏi ấy có nghĩa là] Đạt Ma tổ sư từ Tây phương (Ấn Độ) đến Trung Quốc, Ngài đến nơi đây là có ý nghĩa gì? Hòa thượng Triệu Châu chỉ một cội cây bách ngoài sân, đáp: “Đình tiền bách thụ tử” (cây tùng trước sân). Hỏi và đáp đúng là “đầu trâu chẳng khớp hàm ngựa”. Đó là Thiền cơ, trả lời như thế là “ý tại ngôn ngoại”, buộc quý vị phải tự hiểu. Chính mình đã hiểu, đương nhiên chẳng cần phải nói nữa, chẳng cần phải giải thích. “Hạm ngoại dược lan”: Có một vị xuất gia hỏi thiền sư Vân Môn: “Thanh tịnh Pháp Thân là như thế nào?” Nêu ra một câu hỏi như vậy, thiền sư Vân Môn đáp: “Hoa dược lan” (cái lan can vây quanh các loài hoa cỏ, thược dược…)[1]. Do vậy, hai câu này chính là hai công án Thiền Tông, đều nói về minh tâm kiến tánh. “Hàng hàng Bát Nhã Chân Như”: Hàng cây được nói trong phần trước nói thật ra là “đình tiền bách thụ” của Triệu Châu. “Hoa dược lan” của ngài Vân Môn toàn là giảng về Bát Nhã Chân Như, đều nói rõ “Bồ Đề Phật tánh”. Đoạn này là nói xứng tánh, tuy ý nghĩa sâu xa, nhưng thật ra có thể khiến cho chúng ta đạt được sự thụ dụng chân thật.
Sau đây là khoa thứ hai:
Nhị, trì các liên hoa.
二、池閣蓮華。
(Hai, ao, gác, hoa sen).
Nhằm giới thiệu ao, gác và hoa sen trong thế giới Cực Lạc, kinh văn gồm bốn tiểu đoạn. Đoạn thứ nhất trước hết nói về nước trong ao.
(Kinh) Hựu Xá Lợi Phất. Cực Lạc quốc độ, hữu thất bảo trì, bát công đức thủy, sung mãn kỳ trung. Trì để thuần dĩ kim sa bố địa.
(經) 又舍利弗。極樂國土。有七寶池。八功德水。充滿其中。池底純以金沙布地。
(Kinh: Lại nữa Xá Lợi Phất! Cõi nước Cực Lạc có ao bảy báu, nước tám công đức đầy ắp trong ấy, đáy ao thuần dùng cát vàng trải đất).
Các đồng tu chúng ta đều biết Tịnh Độ giáo là pháp môn bậc nhất để mười phương ba đời hết thảy chư Phật độ sanh thành Phật, không chỉ là pháp môn bậc nhất để Thích Ca Mâu Ni Phật độ chúng sanh, mà còn là pháp môn bậc nhất để hết thảy chư Phật độ chúng sanh, vô cùng hy hữu! Vì sao ít người tin tưởng? Ít người hoằng dương? Nguyên nhân là do các kinh sách này chưa được hoằng dương phổ biến đủ mức. Trong bài tựa cho [bản hội tập] kinh Vô Lượng Thọ, lão cư sĩ Mai Quang Hy đã nói rất tỉ mỉ, rất thấu triệt, nguyên nhân là ở chỗ này! Vì thế, người tu Tịnh Độ thông thường chỉ biết đến kinh A Di Đà. Nói thật ra, kinh A Di Đà chưa đủ. Nếu muốn hiểu đại khái Tây Phương Cực Lạc thế giới, tối thiểu phải hợp ba kinh lại để tham chiếu. Vì tông chỉ của kinh này là “khuyến tín, khuyến nguyện, khuyến hành”, nếu chẳng có bộ Sớ Sao của Liên Trì đại sư, người bình phàm sẽ chẳng thể nhìn thấy những nghĩa lý phong phú bao hàm trong kinh văn ngắn ngủi như vậy được! Vì thế, hợp ba kinh lại để xem là điều hết sức tất yếu, [xem cả] năm kinh đương nhiên càng thù thắng, càng viên mãn hơn. Vì lẽ đó, Ngũ Kinh Độc Bổn của chúng ta trong hiện thời là một bản vô cùng hoàn bị dành cho mọi người chuyên tu, chuyên hoằng.
Đại kinh là kinh Vô Lượng Thọ, giảng Tây Phương Tịnh Độ hết sức thấu triệt, lý sự viên dung, cảnh giới chẳng khác gì kinh Hoa Nghiêm và Pháp Hoa, đúng như Ngẫu Ích đại sư đã nói: “Hoa Nghiêm áo tạng, Pháp Hoa bí tủy” (tạng sâu thẳm của Hoa Nghiêm, cốt lõi kín nhiệm của Pháp Hoa), xác thực ở trong kinh Di Đà, mà cũng ở trong kinh Vô Lượng Thọ. Kinh Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ là đồng bộ, nên Liên Trì đại sư gọi [hai kinh ấy] là Tiểu Bổn và Đại Bổn. Đây là tinh hoa cốt tủy của Nhất Thừa Viên Giáo, có thể gặp gỡ, đó là nhân duyên hy hữu. Do kinh văn của kinh này ngắn ngủi, giới thiệu giản lược, huống chi bản dịch của La Thập đại sư khá giản lược, nên quý vị đọc bản dịch của Huyền Trang đại sư, gộp hai bản lại để xem, sẽ thấy có nhiều chỗ La Thập đại sư chẳng nói đến, nhưng trong bản dịch của Huyền Trang đại sư thì có. Huyền Trang đại sư trực dịch, tức là nương theo bản tiếng Phạn để dịch trực tiếp [từng câu văn, chẳng ngại rườm rà], ý nghĩa trọn vẹn, còn La Thập đại sư là nghĩa dịch (khi dịch chỉ chọn lấy ý nghĩa chính), có khá nhiều chỗ tỉnh lược. Nay trong Ngũ Kinh Độc Bổn, hai bản dịch ấy đều có. Không chỉ có hai bản dịch ấy, mà còn có bản hội tập kinh Di Đà của lão cư sĩ Hạ Liên Cư. Xin hãy đọc lời chú giải:
(Sớ) Hựu giả, thừa thượng. Bất đản lục địa trang nghiêm, hữu như thị lan, võng, hàng thụ, trì thủy trang nghiêm, diệc phục thắng diệu vô tỷ dã.
(疏) 又者,承上,不但陸地莊嚴,有如是欄網行樹,池水莊嚴,亦復勝妙無比也。
(Sớ: Chữ Hựu nhằm tiếp nối đoạn trên. Không chỉ mặt đất trang nghiêm, có lưới mành, hàng cây như thế mà nước trong ao cũng trang nghiêm, thù thắng nhiệm mầu khôn sánh).
Phần trên nói đến sự trang nghiêm trên mặt đất, nay nói đến ao thì sự trang nghiêm trong ao cũng là tuyệt diệu, vi diệu khôn sánh!
(Sớ) Thất bảo trì giả, thất bảo sở thành, trì trung chi thủy, diệc thất bảo cố.
(疏) 七寶池者,七寶所成,池中之水,亦七寶故。
(Sớ: “Ao bảy báu” là do bảy báu hợp thành, nước trong ao cũng
bằng bảy báu).
Điều này rất chẳng thể nghĩ bàn! Nước trong thế giới của chúng ta là vật được kết hợp bởi khinh khí và dưỡng khí (hydrogen và oxygen), nước trong Tây Phương Cực Lạc thế giới mầu nhiệm. Không chỉ chúng ta chưa từng thấy, mà cũng chưa từng nghe nói tới. Nước bên ấy do bảy báu biến hiện, kỳ lạ thay! Nói thật ra, đối với chỗ này, nếu không kết hợp các kinh luận để xem, đúng là chẳng có cách nào thấu hiểu!
(Sao) Thất bảo sở thành giả, giản dị thử phương thổ thạch sở thành.
(鈔) 七寶所成者,揀異此方土石所成。
(Sao: [Nói] “bảy báu hợp thành” nhằm phân biệt với phương này [các ao nước] do đất, đá hợp thành).
“Giản” là “giản biệt” (揀別) tức là phân biệt riêng rẽ, chẳng giống thế giới này. Thế giới này của chúng ta là đất, đá, cát, sỏi, nơi họ là bảy báu. “Bảy” mang ý nghĩa biểu thị pháp, tượng trưng cho sự viên mãn, chẳng khiếm khuyết, như Đại Kinh có nói: “Vô lượng các thứ báu hợp thành”. Bảy báu tượng trưng cho vô lượng các thứ báu. Bảy là nói Đông, Nam, Tây, Bắc, trên, dưới, chính giữa, không phải là con số bảy. Vì thế, bảy và mười đều biểu thị sự viên mãn.
(Sao) Cố Đại Bổn vân.
(鈔) 故大本云。
(Sao: Vì thế, kinh Đại Bổn nói).
Đại Bổn là kinh Vô Lượng Thọ. Tịnh Độ Kinh Độc Bổn được biên tập, ấn hành lần này có thể nói là vô cùng hy hữu. Những vị cao tăng đại đức kể cả các vị tổ sư trong Tịnh Độ Tông từ xưa tới nay trong một đời được đọc cả chín phiên bản của kinh Vô Lượng Thọ rất ít. Chẳng phải là các Ngài không muốn đọc, mà chẳng tìm được kinh bổn, chẳng có bản lưu hành đơn độc. Quý vị muốn xem thì chỉ có cách đọc trong Đại Tạng Kinh. Trước đây, [xem đọc] Đại Tạng Kinh chẳng thuận tiện cho lắm! Gần như cả chùa mới có một bộ Đại Tạng Kinh, nên rất ít có cơ duyên này. Nay chúng tôi thu thập hết vào một chỗ, mỗi người lấy một cuốn [về xem], phước báo của quý vị vô lượng vô biên!
Đọc tụng bèn chọn lựa bản hội tập của cụ Hạ Liên Cư. Trừ bản hội tập ấy ra, còn có năm bản dịch gốc, còn có ba thứ tiết bản và hội bản, hy vọng mọi người phải đọc tối thiểu một lần. Tức là đối với năm thứ bản dịch gốc, bản hội tập của Vương Long Thư, tiết bản của Bành Thiệu Thăng, bản hội tập của Ngụy Nguyên, tối thiểu phải xem một lần, phước báo của quý vị to lớn! Bao nhiêu vị tổ sư đại đức đều chẳng có phước báo ấy. Nay quý vị cầm được mà không xem, rất đáng tiếc! Các vị tổ sư đại đức xưa kia muốn đọc mà chẳng tìm được kinh bổn, nay quý vị có kinh bổn trong tay mà chẳng xem, mắc tội lỗi mất rồi! Do đó, mọi người nhất định phải quý trọng. Tức là đối với bộ sách ấy, ngoại trừ kinh Vô Lượng Thọ đã được chọn lựa để chính mình phải niệm mỗi ngày, hoặc mỗi ngày niệm hai lần trở lên, niệm càng nhiều càng hay, từ đầu đến cuối quyển sách này, quý vị tối thiểu phải nghiêm túc đọc một lần thì đối với giáo nghĩa Tịnh Độ quý vị mới tin sâu, chẳng ngờ, chữ Tín trong Tín – Nguyện – Hạnh mới có thể thật sự kiến lập. Vì thế, Tín là chánh tín, không phải là mê tín, xác thực có lý luận để căn cứ. Ở đây, đại sư trích dẫn kinh Đại Bổn, tức là điều được nói trong kinh Vô Lượng Thọ:
(Sao) Nội ngoại tả hữu, hữu chư dục trì, hoặc thập do-tuần, hoặc nhị thập, tam thập, nãi chí bách thiên do-tuần, do như đại hải, nhất bảo, nhị bảo, nãi chí thất bảo sở cộng hợp thành.
(鈔) 內外左右,有諸浴池,或十由旬,或二十三十,乃至百千由旬,猶如大海,一寶二寶乃至七寶所共合成。
(Sao: Trong, ngoài, trái, phải, có các ao tắm, hoặc [rộng] mười do-tuần, hoặc hai mươi, ba mươi, thậm chí trăm ngàn do-tuần, giống như biển rộng, do một thứ báu, hai thứ báu, cho đến bảy báu cùng hợp thành).
Liên Trì đại sư dẫn kinh văn Đại Bổn, quá nửa dùng bản hội tập của cư sĩ Vương Long Thư, vì thuở ấy, bản hội tập của cư sĩ Long Thư được lưu thông rất rộng. Văn từ của ông ta lưu loát, trôi chảy hơn bản dịch gốc, người ta đọc hiểu dễ dàng, nên bản [hội tập] của ông ta được mọi người hết sức hoan nghênh. Chỗ không được hoàn mỹ là đối với năm bản dịch gốc, cư sĩ Vương Long Thư chỉ xem bốn loại, còn bản Vô Lượng Thọ Hội trong kinh Bảo Tích được dịch vào đời Đường, ông ta chưa đọc. Bản hội tập của lão cư sĩ tuy bị người đời sau phê bình, nhưng ông ta đã hiện thân thuyết pháp, lúc vãng sanh biết trước lúc mất, đứng vãng sanh. Tuy chưa được hoàn mỹ, chắc chắn là có giá trị, [bởi lẽ], nếu ông ta đã biên tập kinh điển sai lầm, làm sao có thể vãng sanh cho được? Cổ đức thường nói: “Thác hạ nhất cá tự chuyển ngữ, đọa ngũ bách thế dã hồ thân” (Nói sai một chữ chuyển ngữ, đọa làm chồn hoang năm trăm đời), ông ta làm sao có thể đứng vãng sanh cho được? Có thể thấy là tuy chẳng hoàn mỹ, nhưng bản hội tập của ông ta nói chung chắc chắn là cũng khá, nương theo bản ấy để tu học, cư sĩ Long Thư có thể đứng vãng sanh, chúng ta có thể tin tưởng điều này. Đúng là ông ta đã thực hiện một màn biểu diễn cuối cùng cho chúng ta xem, khiến cho tín tâm của chúng ta tăng trưởng. Vì thế, bản này quả thật cũng được Ấn Quang đại sư rất tán thán.
Đoạn trên đây nói về hình dạng và kích thước của ao bảy báu, có ao rộng mười do-tuần. Do-tuần (yojana) là đơn vị đo độ dài của người Ấn Độ; một do-tuần bằng tám mươi dặm của Trung Quốc, đó là đại do-tuần. Do-tuần có ba bậc đại, trung, tiểu. Đại thì bằng tám mươi dặm Trung Quốc, trung do-tuần bằng sáu mươi dặm, tiểu do-tuần bằng bốn mươi dặm. “Mười do-tuần”, dẫu lấy tiểu do-tuần để nói, một do-tuần bằng bốn mươi dặm, mười do-tuần là bốn trăm dặm, cái ao ấy chẳng nhỏ! Trong Tây Phương Cực Lạc thế giới là nhỏ, ao lớn còn có hai mươi, ba mươi do-tuần, cho đến trăm ngàn do-tuần. Chúng ta đem quả địa cầu này thả vào trong cái ao to đó, giống như thả một trái bóng rổ vào trong ao, quá ư là lớn! Cõi Tây Phương Cực Lạc thế giới rất lớn, quả thật là chúng ta chẳng thể tưởng tượng được. “Do như đại hải, nhất bảo, nhị bảo, nãi chí thất bảo sở cộng hợp thành” (giống như biển cả, một thứ báu, hai thứ báu, cho đến bảy báu cùng hợp thành), không chỉ đáy ao là cát vàng, mà bốn phía ao đều là bảy báu. Nước trong ao cũng là “bảo thành tựu” tức là cũng do các thứ báu hợp thành.
(Sao) Hựu vân.
(鈔) 又云。
(Sao: Lại nói).
Câu tiếp theo cũng trích từ kinh Đại Bổn.
(Sao) Nhược bỉ Phật trì, kỳ phương bội thử, giai thất bảo thành.
(鈔) 若彼佛池,其方倍此,皆七寶成。
(Sao: Nếu là ao của đức Phật ấy thì trong cõi đó, số nhiều gấp bội,
đều do bảy báu hợp thành).
Đây là nói tới ao bảy báu của A Di Đà Phật. Đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, nhà của mỗi người đều có ao bảy báu. Ở đây, đặc biệt giới thiệu ao bảy báu của A Di Đà Phật, ao của Ngài rất lớn. Ao lớn hay nhỏ tỷ lệ thuận với công phu tu tập của chính mình. Nói về chất liệu của ao, ao của tất cả hết thảy chúng sanh và ao của A Di Đà Phật chẳng khác nhau! Ngoại trừ lớn hay nhỏ, chẳng có thứ gì khác nhau. Thế giới Tây Phương là thế giới bình đẳng.
(Sao) Kim kinh bất ngôn Phật trì, tổng nhiếp trì trung cố.
(鈔) 今經不言佛池,總攝池中故。
(Sao: Kinh này chẳng nói đến ao của Phật do đã gộp chung vào trong các ao).
“Kim kinh” là kinh Di Đà. Kinh Di Đà văn tự ít, nói tỉnh lược, chẳng đặc biệt giới thiệu ao báu của A Di Đà Phật. Vì thế, nói đến nước ao tức là đã gộp hết vào trong ấy.
(Sao) Thủy diệc bảo giả.
(鈔) 水亦寶者。
(Sao: Nước cũng là chất báu).
Điều này rất chẳng thể nghĩ bàn, hoàn toàn khác với thế giới này, đơn giản là chúng ta chẳng có cách nào lý giải được!
(Sao) Quán Kinh vân: “Nhất nhất trì thủy, thất bảo sở thành, kỳ bảo nhu nhuyễn, tùng Như Ý Châu Vương sanh, phân thập tứ chi, tác thất bảo diệu sắc, hoàng kim vi cừ.
(鈔) 觀經云:一一池水,七寶所成,其寶柔軟,從如意珠王生,分十四支,作七寶妙色,黃金為渠。
(Sao: Quán Kinh nói: “Nước trong mỗi ao do bảy báu tạo thành, báu ấy mềm mại, sanh từ Như Ý Châu Vương, chia thành mười bốn dòng chảy có màu bảy báu và vàng ròng).
“Cừ” là thân, còn gọi là “cừ cán” (渠幹: dòng chảy). Dòng chảy ấy gồm mười bốn nhánh, nước chảy ra từ mười bốn nhánh ấy là do chất
báu hợp thành, hoàn toàn khác với thế gian này. Quán Kinh và Đại Bổn đều nói rất tỉ mỉ. Vào đời Đông Tấn, vị tổ sư thứ nhất của Tịnh Độ Tông là Huệ Viễn đại sư mở Niệm Phật Đường tại Lô Sơn, Giang Tây, tức Đông Lâm Niệm Phật Đường, tập hợp những người chí đồng đạo hợp mong cầu sanh Tây Phương gồm một trăm hai mươi ba người niệm Phật tại nơi đó. Viễn công đại sư trong một đời đã ba lần thấy Tây Phương Cực Lạc thế giới, đó là cảm ứng. Ngài thấy cảnh quan Tây Phương Cực Lạc thế giới giống hệt như trong kinh đã giảng, chẳng hạn như từ Như Ý Châu Vương theo mười bốn nhánh chảy ra nước tám công đức, Ngài đều thấy, xác thực là mười bốn nhánh chẳng nhiều, chẳng ít. Khi vãng sanh, lão nhân gia mới kể với mọi người. Như vậy là từ trước đến nay, Ngài chưa hề nói với bất cứ một ai về những gì chính mình đã thấy trong một đời, lúc vãng sanh mới nói với mọi người. Cảnh giới ấy lại hiện tiền, Ngài nói: “Trong quá khứ, ta đã thấy ba lần, hoàn toàn giống như kinh dạy”. Thuở ấy, chư vị phải biết, kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật và kinh A Di Đà còn chưa dịch ra, Huệ Viễn đại sư niệm Phật hoàn toàn căn cứ theo kinh Vô Lượng Thọ. Vì vậy, Ngài thấy cảnh giới bèn lấy kinh Vô Lượng Thọ để chứng minh, Ngài nói “hoàn toàn tương ứng với những điều kinh dạy” tức là nói tới những điều được giảng trong kinh Vô Lượng Thọ.
Kinh Vô Lượng Thọ được phiên dịch rất nhiều trong thuở ấy. Đại khái là nhiều đến bảy tám thứ. Thuở tại thế, đức Thế Tôn thường giảng bộ kinh này, nên chẳng giống những kinh khác chỉ được giảng một lần trong đời Ngài. Kinh Vô Lượng Thọ được giảng rất nhiều lần, có thể thấy kinh này trọng yếu. Các bản được truyền đến Trung Quốc cũng là các phiên bản khác nhau, nên mới được phiên dịch nhiều lần. Từ đời Hậu Hán đến đời Nam Tống có tất cả mười hai lần phiên dịch, nhưng đáng tiếc là bảy bản đã bị mất, hiện thời còn giữ được năm bản. Cổ đức khảo chứng năm bản ấy, [nhận định] tối thiểu là có ba loại [bản gốc] khác nhau, nên kinh Vô Lượng Thọ mới cần phải hội tập. Hội tập lần đầu tiên là cư sĩ Vương Long Thư đời Tống, bản hội tập của ông ta được gọi là Đại A Di Đà Kinh.
(Sao) Hựu vân: Kỳ ma-ni thủy, lưu chú hoa gian, tầm thụ thượng hạ.
(鈔) 又云:其摩尼水,流注華間,尋樹上下。
(Sao: Lại nói: “Nước ma-ni ấy chảy vòng trong hoa, lên xuống theo các cây”).
Nước ấy rất lạ lùng! Nước trong cõi này chỉ chảy xuống, chẳng chảy ngược lên. Nước trong Tây Phương Cực Lạc thế giới có thể chảy ngược lên, chảy xuống dưới lại chảy ngược lên, rồi lại chảy xuống dưới xong bèn chảy ngược lên, nó có thể chảy ngược lên! Vì thế, nước vô cùng đẹp đẽ.
(Sao) Kim chỉ ngôn bảo trì, bất ngôn thủy diệc bảo thành.
(鈔) 今止言寶池,不言水亦寶成。
(Sao: Nay kinh này chỉ nói tới ao báu, chẳng nói nước cũng do chất báu hợp thành).
Trong kinh này chẳng nói nước cũng là do bảy báu thành tựu.
(Sao) Cập lưu chú thượng hạ.
(鈔) 及流注上下。
(Sao: Và chảy lên, chảy xuống).
Trong kinh này chẳng có những chữ ấy.
(Sao) Tổng nhiếp thủy trung cố.
(鈔) 總攝水中故。
(Sao: Vì [những ý nghĩa ấy] đều được thâu nhiếp trong [phần kinh văn nói về] nước).
Đều được bao hàm trong [phần kinh văn nói về] nước có tám công đức.
(Sao) Thủy bổn tựu hạ, tùng hạ thượng lưu, thử phương sở vô cố.
(鈔) 水本就下,從下上流,此方所無故。
(Sao: Nước vốn chảy xuống dưới, từ dưới chảy lên trên, phương này chẳng có).
Trong thế giới này không có [hiện tượng ấy]. Nước trong thế giới này chỉ chảy xuống, chẳng chảy ngược lên. Nước trong Tây Phương Cực Lạc thế giới chảy ngược lên trên.
(Sao) Như Hạ Sanh Kinh vân: Đâu Suất Đà thiên, hữu thủy du
lương đống gian, tức kỳ loại dã.
(鈔) 如下生經云:兜率陀天,有水遊梁棟間,即其類也。
(Sao: Như kinh Hạ Sanh nói: “Cõi trời Đâu Suất Đà có nước chảy luồn trong kèo rường”, tức là thuộc loại này vậy).
Trên quả địa cầu trong thế giới Sa Bà chẳng có, nhưng Đâu Suất Đà Thiên, tức là đạo tràng của Di Lặc Bồ Tát, nước trong cõi trời ấy cũng chảy ngược lên trên, vòng theo kèo cột, vô cùng đẹp đẽ. Nay chúng ta có thể dùng máy móc chạy bằng điện để buộc nước chảy lên trên, nhưng người ta không cần, tự nhiên bèn có cảnh tượng ấy. Trong Quán Kinh và Đại Bổn đã nói tỉ mỉ điều này. Hôm nay, chúng tôi giảng tới đây.
[1] Theo Phật Học Tự Điển của Đinh Phước Bảo, “hoa dược lan” chính là dùng tre hay gỗ làm hàng rào hay lan can để chặn quanh bốn phía nơi trồng các thứ hoa thược dược, mẫu đơn, hoa cỏ nói chung v.v… Công án trên đây là thiên công án thứ ba mươi chín trong Bích Nham Lục.