Tập 275/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 01-003-0289

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 275   

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang năm trăm bảy mươi lăm:

          (Sao) Hựu nan hành năng hành, do vị hy hữu, thậm nan hành giả, nhi năng hành chi, thử thành giá cổ dật kim, siêu hiền việt thánh, thiên thượng, thiên hạ, trác nhiên độc thiện, nhi vô dữ đẳng liệt giả dã, cố vân hy hữu.

()又難行能行,猶未希有,甚難行者而能行之,此誠駕古軼今,超賢越聖,天上天下,卓然獨擅,而無與等埒者也,故云希有。

(Sao: Lại nữa, khó làm mà có thể làm, vẫn chưa phải là hy hữu. Đối với chuyện rất khó làm mà có thể làm, đúng là trỗi xưa vượt nay, vượt hiền, trỗi thánh, trên trời, dưới đất, riêng tốt lành lỗi lạc, chẳng có gì có thể sánh cùng. Vì thế nói là “hy hữu”).

          Đây là giải thích câu “thậm nan hy hữu” trong lời Sớ. Liên Trì đại sư đã vì chúng ta kể ra hai điều khó:

1) Thứ nhất là trong đời ác Ngũ Trược, thành Phật khó khăn.

2) Thứ hai là hoằng dương pháp môn này trong cõi đời trược ác khó lắm. Pháp này được gọi là “pháp khó tin”.

Trong đoạn trước, đã giới thiệu điều này. Trong đoạn sau, bèn nói “điều khó làm mà có thể làm được” vẫn chưa đáng kể là hy hữu. “Hy hữu” là [nói tới] chuyện rất khó thực hiện. Điều rất khó thực hiện mà có thể làm được; đấy mới là thật sự hy hữu! Liên Trì đại sư nói lời này, chúng ta suy nghĩ kỹ càng, [sẽ thấy] Ngài nói xác thực là chẳng quá lố! Hiện thời, khoa học khá tiến bộ, các nhà khảo cổ và sử gia đều hiểu rõ: Trên địa cầu này, từ xưa đến nay, chỉ thấy có một người thành Phật, chẳng thấy vị thứ hai, xác thực là khó khăn! Chúng ta có thể tiếp nhận và tin tưởng điều này, nhưng đối với điều thứ hai, tức là “nói pháp khó tin này cũng khó khăn ngần ấy”, chúng ta nghe xong có lẽ cũng hoài nghi. Vì sao? Cổ Ấn Độ, chúng ta chẳng bàn tới, chỉ nói [kể từ khi] Phật pháp truyền sang Trung Hoa. Theo lịch sử ghi chép, Phật pháp được chánh thức truyền sang Trung Hoa nhằm năm Vĩnh Bình thứ mười, đời Hậu Hán, tức là năm 67 Công Nguyên, đã có lịch sử gần hai ngàn năm. Kể từ thời Đông Tấn, Huệ Viễn đại sư kiến lập Niệm Phật Đường đầu tiên ở Trung Hoa tại Lư Sơn, đề xướng nương theo kinh Vô Lượng Thọ để chuyên tu Tịnh nghiệp. Thuở đó, đối với ba kinh Tịnh Độ, chỉ có kinh Vô Lượng Thọ được dịch sang tiếng Hán, chứ kinh Di Đà và Quán Kinh vẫn chưa được phiên dịch. Thời ấy, Tịnh Độ Tông chỉ có một bộ kinh Vô Lượng Thọ, Lư Sơn Liên Xã căn cứ vào kinh Vô Lượng Thọ mà kiến lập.

Từ sau thời Viễn Công, trong hơn một ngàn năm, có thể nói là Tịnh Tông Trung Hoa khá hưng thịnh, không kém Thiền Tông. Cớ sao bảo là “pháp khó tin”? Nói thật ra, chúng ta có duyên quá thù thắng, những người chúng ta tiếp xúc đều là người niệm Phật. Vì thế, thấy pháp môn Niệm Phật này dường như chẳng khó, người niệm Phật đông lắm mà! Nếu lắng lòng quan sát kỹ, quý vị sẽ cảm thấy chẳng phải vậy! Pháp môn này xác thực là khó tin! Luận định theo dân cư trên cả thế giới, người gặp gỡ Phật pháp có thể chiếm mấy phần? Tỷ lệ quá thấp! Trong những người tiếp xúc Phật pháp, lại có mấy phần được nghe pháp môn Tịnh Độ? Trong những người nghe pháp môn Tịnh Độ, lại có mấy phần thật sự liễu giải Tịnh Tông? Cứ loại trừ từng tầng một như vậy, đúng là còn sót lại chẳng được mấy người. Chúng ta mới biết đức Phật nói “pháp môn này khó tin, khó nói”, xác thực là có đạo lý. Đoạn này nhằm nói rõ chuyện này!

          (Sớ) Sa Bà thử vân Kham Nhẫn, nhất vân Nhẫn giới.

          ()娑婆此云堪忍,一云忍界。

(Sớ: “Sa Bà” cõi này dịch là Kham Nhẫn, một cách dịch khác là “Nhẫn Giới”).

          “Sa Bà” (Sahā-lokadhātu) là tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Kham Nhẫn. “Kham” (堪) nghĩa là có thể chịu đựng, có ý nghĩa là thế giới này bất hảo, [thế mà] người sống trong thế giới này có thể chịu đựng, có thể hứng chịu [sự bất hảo ấy]. Kham Nhẫn có ý nghĩa ấy. Vì thế, cũng gọi là Nhẫn Giới, Giới (界) tức là thế giới này.

          (Sớ) Tức Thích Ca Thế Tôn sở chủ đại thiên thế giới dã.

          ()即釋迦世尊所主大千世界也。

(Sớ: Tức là đại thiên thế giới nơi đức Thích Ca Thế Tôn làm chủ).

Thích Ca Mâu Ni Phật thật sự chẳng thể nghĩ bàn, thật sự hết sức khó có! Ngài đến thị hiện thành Phật trong thế giới này để hoằng pháp độ sanh.

(Sớ) Ngũ Trược giả, dĩ ngũ sự giao nhiễu, hồn trược chân tánh, cố danh ác thế.

()五濁者,以五事交擾,渾濁真性,故名惡世。

(Sớ: “Ngũ Trược” là do có năm chuyện xen tạp quấy nhiễu, khiến cho chân tánh bị nhơ đục, nên gọi là “đời ác”).

          “Trược” (濁) là chẳng thanh tịnh. Nói theo cách hiện thời, sẽ là “ô nhiễm”. Có năm loại ô nhiễm lớn, nhiễm bẩn chân tâm bản tánh của chúng ta. Ở đây, ắt cần phải nói rõ: Chân tâm bản tánh quyết định chẳng bị ô nhiễm. Đức Phật nói những lời này để cho chúng ta dễ hiểu, đấy là đức Phật nói phương tiện, chẳng phải là nói chân thật. Giống như trời âm u, chúng ta nói “mây che khuất mặt trời”, nói kiểu ấy có nghe lọt tai hay không? Nghe lọt tai chứ! Mọi người đều nói như vậy! Nếu nói thật sự, mây làm sao có thể che lấp mặt trời cho được? Mặt trời to hơn địa cầu mấy chục vạn lần, một áng mây bé tí làm sao có thể che lấp mặt trời? Huống chi mây cách mặt trời quá ư là xa! Nhưng trong cái nhìn của chúng ta, giống như mây thật sự che lấp mặt trời. Ngũ Trược ô nhiễm tâm tánh cũng giống như tỷ dụ ấy, hoàn toàn chẳng phải là bản tánh thật sự bị ô nhiễm, mà là chướng ngại, khiến cho chúng ta hiện tiền chẳng thấy chân tánh, xác thực là bị nó chướng ngại. Vì thế, gọi là Trược, là vẩn đục. “Cố danh ác thế” (Nên gọi là đời ác), thế gian này chẳng thanh tịnh. “Chẳng thanh tịnh” là nói theo [phương diện] tâm hạnh của hết thảy chúng sanh, tạo tác hết thảy ác nghiệp. Do ác nghiệp, nhất định cảm vời khổ báo; nhân, duyên, quả báo chẳng sai sẩy mảy may! Đây là nói về thế gian này!

          (Sớ) Vô Ngũ Trược giả, danh thiện thế dã.

          ()無五濁者,名善世也。

(Sớ: Chẳng có Ngũ Trược thì gọi là cõi đời tốt lành).

           Thế giới nào chẳng có Ngũ Trược? Thật sự chẳng có Ngũ Trược, rốt ráo chẳng có Ngũ Trược, chính là Tây Phương Cực Lạc thế giới. Đó là cõi nước thanh tịnh mà hết thảy các vị Bồ Tát đều mong cầu.

          (Sao) Kham Nhẫn giả, dĩ thử trung chúng sanh, kham năng nhẫn thọ Tam Độc phiền não, luân hồi sanh tử, bất yếm ly cố.

          ()堪忍者 ,以此中眾生 ,堪能忍受三毒煩惱,輪迴

生死,不厭離故。

(Sao: Kham Nhẫn là chúng sanh trong cõi ấy có thể chịu đựng Tam Độc phiền não, luân hồi, sanh tử, chẳng chán lìa vậy).

          Hiện tượng này xác thực là sự thật, Phật, Bồ Tát trông thấy, luôn cảm thấy hết sức lạ lùng: Chúng sanh luân hồi trong lục đạo khổ sở ngần ấy, vì sao họ chẳng mong vượt thoát? Vì thế, gọi là Kham Nhẫn, có thể “nhẫn thọ Tam Độc” (chịu đựng tham, sân, si). Trong tất cả các thứ độc hại trên thế gian, ba thứ ấy nghiêm trọng nhất. Tam Độc là tham, sân, si, gọi là “Tam Độc phiền não”. Vì có Tam Độc, cho nên thế gian này có ba ác đạo. Hết thảy chúng sanh nếu chẳng thể vượt thoát luân hồi, quyết định là thời gian ở trong ba ác đạo dài lâu, thời gian ở trong ba thiện đạo ngắn ngủi, do nguyên nhân gì? Ý niệm tham, sân, si rất thô, rất nặng, đạo lý là như thế đó. Vì sao thời gian trong ba thiện đạo ngắn ngủi? Ý niệm chẳng tham, chẳng sân, chẳng si trong tâm chúng ta rất ít, sức mạnh của chúng rất mỏng yếu. Do vậy, thời gian ở trong ba thiện đạo ngắn ngủi. Ý niệm tham, sân, si rất mạnh, sức mạnh rất lớn, dẫn đến thời gian chúng ta ở trong ba ác đạo lâu xa. Đạo lý là như thế đó. Những kẻ ấy có thể chịu đựng Tam Độc phiền não, chẳng biết tiêu trừ, luân hồi trong lục đạo, chịu đựng những quả báo ấy mà chẳng biết xuất ly. Đó gọi là Kham Nhẫn.

          (Sao) Nhẫn Giới giả, Như Lai ư trung, độc chứng Tự Thệ tam-muội cố. Hựu kiếp sơ, Phạm Vương danh Nhẫn cố.

          (Diễn) Độc chứng Tự Thệ tam-muội giả, chứng giả, nhẫn dã. Tự Thệ tam-muội, tức Như Lai nhân địa Tứ Hoằng Thệ Nguyện, nguyện thành Phật đạo, nguyện độ chúng sanh, nguyện đoạn phiền não, nguyện tu pháp môn. Kim dĩ thành Phật, đoạn vô minh thành Phật đạo, chuyển pháp luân độ chúng sanh. Cố vi độc chứng. Thử tùng Như Lai đắc danh, y xuất thế chi chủ đắc danh dã. Kiếp sơ, Phạm vương danh Nhẫn giả, không kiếp dĩ tiền, thử giới vị hữu nhân dân. Tự Phạm Vương giáng sanh, thỉ hữu nhân loại. Kiếp sơ, Phạm vương danh Nhẫn, toại danh Nhẫn Giới. Thử tùng Phạm Vương đắc danh, y thế gian chi chủ đắc danh dã.

()忍界者,如來於中獨證自誓三昧故,又劫初梵王名忍故。

()獨證自誓三昧者 。證者忍也 。自誓三昧。即如來

因地四弘誓願。願成佛道。願度眾生。願斷煩惱。願修法門。今已成佛。斷無明成佛道。轉法輪度眾生。故為獨證。此從如來得名。依出世之主得名也。劫初梵王名忍者。空劫以前。此界未有人民。自梵王降生始有人類。劫初梵王名忍。遂名忍界。此從梵王得名。依世間之主得名也。

(Sao: Nhẫn Giới: Chỉ có mình Như Lai ở trong ấy chứng Tự Thệ tam-muội. Lại thuở kiếp sơ, Phạm Vương có tên là Nhẫn.

Diễn: “Một mình riêng chứng Tự Thệ tam-muội”: Chứng là Nhẫn. Tự Thệ tam-muội chính là Tứ Hoằng Thệ Nguyện của Như Lai trong khi tu nhân, nguyện thành Phật đạo, nguyện độ chúng sanh, nguyện đoạn phiền não, nguyện tu pháp môn. Nay đã thành Phật, đoạn vô minh, thành Phật đạo, chuyển pháp luân độ chúng sanh. Vì thế là “riêng chứng một mình”. Đây là từ Như Lai mà [thế giới này] có tên gọi như vậy, tức là nương theo bậc chủ của xuất thế gian để đặt tên. “Thuở kiếp sơ, Phạm Vương có tên là Nhẫn”: Từ bao kiếp lâu xa về trước, cõi này chưa có nhân dân. Từ khi Phạm Vương giáng sanh, mới có nhân loại. Phạm Vương thuở kiếp sơ tên là Nhẫn, bèn gọi [cõi này] là Nhẫn Giới. Đấy là do từ Phạm Vương mà đặt tên, tức là dựa theo bậc chủ của thế gian để đặt tên).

          Thế giới này có tên là thế giới Kham Nhẫn, tên gọi ấy do đâu mà có? Tên ấy có hai xuất xứ:

1) Một là đức Phật “độc chứng Tự Thệ tam-muội” (riêng mình đức Phật tự chứng Tự Thệ tam-muội). “Tự Thệ” là tự mình phát ra thệ nguyện ấy. Từ nhiều kiếp lâu xa về trước, Thích Ca Mâu Ni Phật có thân phận giống như chúng ta trong hiện tại, vừa mới phát tâm học Phật, phát ra Tứ Hoằng Thệ Nguyện, “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, phát nguyện này. Về sau, Ngài thành Phật. Sau khi đã thành Phật, bèn thực hiện nguyện ấy. Do vậy, Ngài trở lại thế giới Sa Bà, thị hiện thành Phật. Đó là “độc chứng Tự Thệ tam-muội cố” (riêng một mình Ngài chứng Tự Thệ tam-muội). Tuy chúng sanh trong thế giới này rất khổ, rất ngu si, đức Phật vẫn phải đến [cứu độ], quyết định chẳng thể vứt bỏ.

2) Thứ hai là nói thế giới này, lúc khởi đầu, loài người chúng ta do đâu mà có? Hiện thời, các nhà khoa học bảo con người do loài vượn tiến hóa thành. Cách nói ấy rất miễn cưỡng! Tuy họ đưa ra nhiều lý do, chẳng thể khiến cho mọi người vui vẻ, thật sự tin phục. Vì sao? Nếu con người do loài khỉ tiến hóa thành, cớ sao hiện thời có những con khỉ chẳng tiến hóa thành người? Há có chuyện một nửa loài khỉ tiến hóa, nửa kia chẳng tiến hóa? Chúng cùng sống một chỗ mà! Nói kiểu nào cũng chẳng suông! Gần đây nhất, cũng có người bảo: Tổ tiên của nhân loại đến từ không gian bên ngoài, hoặc từ tinh cầu khác di dân đến địa cầu. Sau khi đến đây, có thể là do công cụ giao thông của họ bị tổn hoại, họ chẳng thể quay về nữa, bèn bén rễ sanh sôi ở nơi đây. Cách nói ấy rất gần với cách nói trong kinh Phật.

Kinh Phật bảo: Tổ tiên nhân loại từ cõi trời Đại Phạm Thiên (Mahābrahmā) tới. Đại Phạm Thiên tuyệt đối chẳng phải là ở trên tinh cầu này của chúng ta, [mà là] từ tinh cầu khác di dân đến nơi đây. Trong kinh có khi nói là Đại Phạm Thiên, có chỗ nói là Quang Âm Thiên. Quang Âm Thiên (Ābhāsvara) thuộc về Nhị Thiền Thiên. Nói chung, đều chẳng phải là ở trên quả địa cầu này, đều là từ tinh cầu khác di dân đến đây. Tên của Đại Phạm Vương chỉ có một chữ là Nhẫn (Kṣānti). Do ông ta di dân đến chỗ này trước hết, bèn dùng tên của ông ta để làm danh hiệu của cả khu vực này. Điều này cũng rất hợp tình, hợp lý. Địa cầu này được gọi là thế giới Kham Nhẫn, cũng là vì thoạt đầu, có những người từ Đại Phạm Thiên di dân đến nơi đây. Do đó, có hai thứ xuất xứ của danh hiệu như vậy. Đoạn tiếp theo nhằm giải thích từ ngữ Ngũ Trược (Pañca-kaṣāya). Đoạn này rất quan trọng, nhằm muốn cho chúng ta nhận thức chính mình, nhận thức hoàn cảnh sống của chúng ta trong hiện tiền.

          (Sao) Ngũ Trược giao nhiễu giả, tánh bổn uyên trừng, diêu kiếp đẳng ngũ, khởi chư trần chỉ.

()五濁交擾者,性本淵澄,繇劫等五,起諸塵滓。

(Sao: “Ngũ Trược xen tạp quấy nhiễu”: Tánh vốn sâu lắng, do năm thứ như Kiếp Trược v.v… mà dấy lên các thứ cặn trần).

          “Tánh” là Chân Như bản tánh. Chân Như bản tánh vốn thanh tịnh, vốn là bất động. Khi Lục Tổ Huệ Năng đại sư của Thiền Tông khai ngộ, Ngài đã hướng về Ngũ Tổ thưa trình cảnh giới, nói ra năm câu. Câu đầu tiên là “nào ngờ tự tánh, vốn sẵn thanh tịnh”, chính là ý nghĩa này. “Uyên trừng” (淵澄) là hình dung nó hết sức thanh tịnh, quyết định chẳng có ô nhiễm. Ô nhiễm do đâu mà có? “Diêu kiếp đẳng ngũ” [nghĩa là bắt nguồn từ] Kiếp Trược, Kiến Trược, Phiền Não Trược, Chúng Sanh Trược, Mạng Trược, năm loại ô nhiễm lớn ấy. “Khởi chư trần chỉ”, “chỉ” (滓) là cặn bã, nghĩa là những thứ dơ bẩn, chẳng thanh tịnh. Chúng dấy lên như vậy đó.

(Sao) Như Lăng Nghiêm vân: “Thí chi thanh thủy, đầu dĩ sa thổ, thổ thất lưu ngại, thủy vong thanh khiết, mịch nhiên hồn trược cố”.

          (Diễn) Lăng Nghiêm thí chi thanh thủy đẳng giả. Kinh vân: “A Nan, thí như thanh thủy, thanh khiết bổn nhiên, tức bỉ trần, thổ, hôi, sa chi luân, bổn chất lưu ngại. Nhị thể pháp nhĩ, tánh bất tương tuần. Hữu thế gian nhân, thủ bỉ thổ, trần, đầu ư tịnh thủy, thổ thất lưu ngại, thủy vong thanh khiết. Dung mạo mịch nhiên, danh chi vi Trược. Nhữ trược ngũ trùng, diệc phục như thị”.

          ()如楞嚴云:譬之清水,投以沙土,土失留礙,水亡清潔,汨然渾濁故。

()楞嚴譬之清水等者。經云。阿難。譬如清水。清潔本然。即彼塵土灰沙之倫。本質留礙。二體法爾。性不相循。有世間人。取彼土塵。投於淨水。土失留礙。水亡清潔。容貌汨然。名之為濁。汝濁五重。亦復如是。

(Sao: Như kinh Lăng Nghiêm nói: “Ví như nước trong, ném cát, đất vào đó, đất mất tánh chất ngăn ngại, nước mất tánh chất thanh khiết, lợn cợn, đục ngầu”.

Diễn: “Thí dụ về nước trong trẻo trong kinh Lăng Nghiêm”: Kinh chép: “Này A Nan! Ví như nước trong, vốn sẵn thanh khiết, còn những thứ như bụi, đất, tro, cát, bản chất vốn ngăn ngại. Bản thể của hai thứ ấy có tánh chất chẳng hòa hợp với nhau. Có người trong thế gian đem đất, bụi ném vào nước sạch, đất mất tánh ngăn ngại, nước mất tánh thanh khiết, hình trạng tạp loạn, nên gọi là Trược. Năm tầng ô trược của ông cũng giống như thế đó”).

           Đại sư trích dẫn một đoạn kinh văn từ kinh Lăng Nghiêm. Đoạn kinh này do đức Phật nói, Ngài giảng về hiện tượng ô nhiễm. “Thí chi thanh thủy, đầu dĩ sa thổ” (Ví như nước trong, ném đất, cát vào đó). Nước vốn rất trong, chúng ta đem bùn, cát ném vào trong nước. “Thổ thất lưu ngại”: Bùn, cát bỏ vào nước, tan rã. “Thủy vong thanh khiết”: Nước vẩn đục, nước chẳng thanh tịnh nữa! “Mịch nhiên hồn trược cố” (Lợn cợn, đục ngầu): Đấy là đức Phật dùng tỷ dụ để hình dung hiện tượng vẩn đục. Tỷ dụ này hết sức hay, nước có thật sự bị ô nhiễm hay không? Chẳng có! Thời gian đã lâu, đất cát bèn chìm lắng, nước vẫn trong, nước chẳng bị ô nhiễm. Giống như tâm tánh của chúng ta bị năm thứ ấy ô nhiễm là tạm thời, chẳng phải là thật sự ô nhiễm. Nếu thật sự ô nhiễm, chúng ta minh tâm kiến tánh sẽ khó khăn, chẳng thực hiện được!

          (Sao) Thế giả, thiên lưu bất dĩ chi vị.

()世者,遷流不已之謂。

(Sao: “Thế” có nghĩa là dời đổi chẳng ngừng).

Đây là giải thích chữ “thế giới”. “Thế” (世) là quá khứ, hiện tại, vị lai, dời đổi không ngừng.

          (Sao) Tắc thử thế chi tiền, thử thế chi hậu, đương hữu vô Ngũ Trược chi thiện thế.

          (Diễn) Đương hữu vô Ngũ Trược chi thiện thế giả, dĩ nhân thọ nhị vạn tuế tiền, tà kiến bất khởi, phiền não khinh vi, tứ thú không hư, thọ mạng cửu viễn. Thời Phần thanh tịnh chi thiện thế dã.

          ()則此世之前,此世之後,當有無五濁之善世。

          ()當有無五濁之善世者。以人壽二萬歲前。邪見不起。煩惱輕微。四趣空虛。壽命久遠。時分清淨之善世也。

(Sao: Tức là trước và sau đời này, ắt có đời tốt lành chẳng có Ngũ Trược.

Diễn: “Ắt có đời tốt lành chẳng có Ngũ Trược”: Do trước lúc con người tuổi thọ chỉ còn hai vạn năm, tà kiến chẳng khởi, phiền não nhẹ ít, bốn đường (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, A Tu La) trống rỗng, thọ mạng dài lâu, [đó chính là] đời tốt lành thanh tịnh xét theo phương diện thời gian vậy).

          Trước một đời này, nhiều kiếp lâu xa về trước, thế giới này từng thanh tịnh, chẳng có ô nhiễm. Tôi tin là sau này, thế giới này vẫn có lúc thanh tịnh bất nhiễm. Chúng ta có thể tin tưởng cách nói này. Chúng ta nhìn từ lịch sử, hoặc nhìn gần hơn một chút, quan sát từ kinh nghiệm trong một đời chúng ta, những người cùng lứa tuổi với tôi đều có thể cảm nhận. Thuở ban đầu, chúng tôi mới đến Đài Loan, Đài Loan đúng là đảo báu, là một vùng Tịnh Độ, chẳng có mảy may ô nhiễm nào! Hằng ngày nhìn lên trời, trời xanh, mây trắng, hết sức đáng yêu! Nay vùng đất Đài Loan này ô nhiễm nghiêm trọng, chẳng còn nhìn thấy bầu trời xanh biếc đâu nữa. Hằng ngày ngó lên trời, thấy xám xịt như tro đất. Vì vậy, thế gian hiện thời xác thực là ô nhiễm hết sức nghiêm trọng. Trong quá khứ, kinh nói “Ngũ Trược ác thế”, chúng ta đọc và nghe xong đều chẳng lưu ý. Vì sao? Dường như chính mình chẳng có cảm xúc, chẳng cảm nhận được. Hiện thời, vừa nói “Ngũ Trược ác thế”, lập tức cảm nhận rất rõ rệt. Không chỉ Đài Loan bị ô nhiễm, mà đi khắp cả thế giới, ta sẽ thấy chẳng có nơi nào không bị ô nhiễm, chỉ là ô nhiễm nặng hay nhẹ khác nhau mà thôi! Ô nhiễm phổ biến, vấn đề này hết sức nghiêm trọng; đúng là Ngũ Trược ác thế như trong kinh đã nói.

          (Sao) Kim vân ác thế, cứ Thích Ca hiện thế ngôn dã.

          ()今云惡世,據釋迦現世言也。

          (Sao: Nay nói là “đời ác”, tức là căn cứ theo đời hiện tại của Phật Thích Ca để nói vậy).

          “Hiện thế” (現世) là hiện tiền, thời đại hiện tại này. Dưới đây là giải thích Ngũ Trược:

          (Sớ) Kiếp giả, Phạn ngữ, cụ vân Kiếp Ba, thử vân Thời Phần.

          ()劫者,梵語,具云劫波,此云時分。

(Sớ: Kiếp là tiếng Phạn, nói đủ là Kiếp Ba, cõi này dịch là Thời Phần).

          Người Hoa chuộng đơn giản. Khi phiên dịch, thường tỉnh lược âm cuối; Kiếp Ba (Kalpa) chỉ dịch là Kiếp. “Thử vân Thời Phần”, có nghĩa là quan niệm thời gian như chúng ta nói trong hiện thời.

          (Sớ) Kiếp Trược giả, vô biệt thể, dĩ hữu tứ trược đắc danh. Chúng trược giao thấu, tức kỳ tướng dã.

()劫濁者,無別體,以有四濁得名。眾濁交湊,即其相也。

(Sớ: Kiếp Trược (Kalpakaṣāya) không có thể tánh riêng biệt, do có bốn thứ trược kia mà gọi là Kiếp Trược. Các thứ trược xen tạp chính là tướng trạng của nó vậy).

          Thời gian thì làm gì có ô nhiễm? Do có bốn thứ ô nhiễm sau đó, chúng ta bèn nói thời đại này bất hảo, là ác thế, chẳng phải là thiện thế.

          (Sao) Kiếp Trược giả, nhất đại kiếp trung, Thành, Trụ, Hoại, Không, nhị thập tiểu kiếp, lộc lô tăng giảm.

          ()劫濁者,一大劫中,成住壞空二十小劫,轆轤增減。

(Sao: Kiếp Trược: Trong một đại kiếp có Thành, Trụ, Hoại, Không, [mỗi giai đoạn] là hai mươi tiểu kiếp, xoay vần tăng giảm).

 “Lộc lô” (轆轤)[1] là công cụ để kéo nước, là tỷ dụ. Trong kinh, đức Phật đã dạy: Hai mươi tiểu kiếp là một trung kiếp, bốn trung kiếp là một đại kiếp. Một đại kiếp có tất cả tám mươi tiểu kiếp. Ở đây nói tới Thành, Trụ, Hoại, Không, đó là bốn trung kiếp. Trong mỗi một trung kiếp, đều có hai mươi tiểu kiếp. Cách tính toán như vậy đó. Tiểu kiếp được tính như thế nào?

 

          (Sao) Nhân thọ tăng chí bát vạn tuế thời, tăng chi cực dã, nãi bách niên giảm nhất, giảm chí nhị vạn, tức nhập Kiếp Trược. Vô biệt thể giả, diêu hạ tứ trược, đương thử kiếp trung, nhân dĩ đắc danh. Thử chi kiếp phần, chúng trược giao thấu, hôn loạn, bác tạp, cố vân Trược dã.

     ()人壽增至八萬歲時,增之極也。乃百年減一,減至二萬,即入劫濁。無別體者,繇下四濁,當此劫中,因以得名。此之劫分,眾濁交湊,昏亂駮雜,故云濁也。

(Sao: Khi tuổi thọ con người tăng tới tám vạn năm là đã tăng tới mức cực hạn, bèn cứ mỗi trăm năm, giảm một tuổi, giảm đến khi tuổi thọ chỉ còn hai vạn năm bèn bước vào thời Kiếp Trược. “Không có thể tánh riêng biệt” là do trong kiếp số ấy có bốn thứ trược sau đó, vì thế mà đặt tên như vậy. Trong thời kiếp ấy, các thứ trược xen lẫn, tối tăm, rối loạn, hỗn tạp, nên bảo là Trược).

          Trước hết, chúng ta phải có khái niệm về Kiếp. Trong kinh, đức Phật đã nói rất nhiều. Có nhiều cách nói khác nhau, nhưng mỗi cách đều có kinh bổn để làm căn cứ. Thông thường, coi một chu kỳ kiếp tăng giảm là một tiểu kiếp. Kinh dạy: Thọ mạng của loài người dài nhất là có thể sống tới tám vạn bốn ngàn năm. Cứ mỗi một trăm năm, giảm một tuổi, tức là sau một trăm năm lại giảm một tuổi, một mực giảm đến [khi thọ mạng chỉ còn] mười tuổi. Sau đấy, lại từ mười tuổi, qua mỗi một trăm năm bèn tăng thêm một tuổi, lại tăng đến tám vạn bốn ngàn tuổi. Chu kỳ một tăng một giảm như vậy là một tiểu kiếp. Hai mươi tiểu kiếp là một trung kiếp, cứ bốn trung kiếp là một đại kiếp. Nhà Phật nói tới đơn vị thời gian đều dùng đại kiếp, như “A Di Đà Phật từ khi thành Phật cho tới nay là mười kiếp”, [nghĩa là] mười đại kiếp, tính theo cách như vậy.

Trong kiếp giảm, có thể thấy từ lúc con người thọ hai vạn tuổi trở về trước là “thiện thế” (đời tốt lành), lòng người thuần chánh, chẳng có tham, sân, si, mạn. Khi tuổi thọ con người giảm đến hai vạn năm, do có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, lòng người chẳng thanh tịnh, khi ấy bèn bước vào thời Kiếp Trược. Kiếp Trược chẳng có bản thể riêng khác. Nói thật ra, bản thể của nó là do bốn thứ trược ác kia. Trong giai đoạn ấy, chúng sanh có bốn hiện tượng [trược ác] ấy, [cho nên] thời đại ấy được gọi là Kiếp Trược, có ý nghĩa như thế đó.

          (Sao) Phản hiển Cực Lạc quốc trung, A Di Đà Phật hiện tại thuyết pháp, thanh tịnh chi thời, phi Kiếp Trược cố.

          ()反顯極樂國中,阿彌陀佛現在說法,清淨之時,非劫濁故。

(Sao: Nêu rõ rệt sự tương phản: Trong cõi Cực Lạc, A Di Đà Phật nay đang còn tại thế thuyết pháp, [thời đại trong cõi ấy] là thời đại thanh tịnh, chẳng phải là Kiếp Trược).

          Đức Phật nói điều này có dụng ý rất sâu, khiến cho chúng ta so sánh rõ ràng, mạnh mẽ [sự tương phản giữa thế giới Sa Bà và] Tây Phương Cực Lạc. So sánh hai nơi, Tây Phương Cực Lạc thế giới thanh tịnh, chẳng có trược ác. Người trong thế giới Tây Phương chẳng có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, chẳng có tham, sân, si, mạn. Vì vậy, thế giới Tây Phương chẳng có ba ác đạo. Vì sao chẳng có ba ác đạo? Mọi người đều chẳng có tham, sân, si, lấy đâu ra ba ác đạo? Tham, sân, si là nghiệp nhân, ba ác đạo là quả báo. Có nghiệp nhân thì mới có quả báo; chẳng có nhân, lấy đâu ra quả?

          (Sao) Kim nhật ngã đẳng, hà vi an xử Kiếp Trược chi thế, nhi bất cầu sanh bỉ quốc hồ?

()今日我等,何為安處劫濁之世,而不求生彼國乎。

(Sao: Vì lẽ gì ngày nay chúng ta ở yên trong Kiếp Trược, chẳng cầu sanh về cõi ấy?)

          Đây là Liên Trì đại sư buốt lòng rát miệng “khuyến miễn” (勸勉), tức là khuyến cáo, khích lệ chúng ta. Vì sao chúng ta ở yên trong đời ác Ngũ Trược, chẳng mong cầu sanh về Tịnh Độ? Bốn đoạn dưới đây cũng có cùng ý nghĩa này.

          (Sao) Cố Trí Giả vân.

          ()故智者云。

(Sao: Vì thế, ngài Trí Giả nói).

          Trí Giả đại sư nói.

          (Sao) Tha phương Tịnh Độ vô Tam Độc đẳng, tắc danh ngũ thanh, chánh thử ý dã.

          ()他方淨土無三毒等,則名五清,正此意也。

(Sao: “Các cõi Tịnh Độ ở phương khác, hễ chẳng có Tam Độc v.v… bèn gọi là cõi Ngũ Thanh” chính là do ý này).

          Chỉ cần thế gian này có tham, sân, si, sẽ là Ngũ Trược ác thế. Nếu thế gian này chẳng có tham, sân, si, bèn gọi là thế giới Ngũ Thanh, hoặc thế giới thanh tịnh. Kiếp Trược chẳng có tự thể, nhưng bốn thứ sau thì có.

          (Sớ) Kiến Trược giả, ngũ Lợi Sử vi Thể, khai chi, tắc lục thập nhị đẳng. Chư kiến xí thịnh, tức kỳ tướng dã.

          ()見濁者,五利使為體,開之則六十二等,諸見熾盛,即其相也。

          (Sớ:  Kiến Trược (Dṛṣṭikaṣāya):  Năm Lợi Sử làm  Thể, khai  triển

ra thành sáu mươi hai thứ. Các Kiến lừng lẫy chính là tướng trạng của loại Trược này).

          Điều này chính là kiến giải bất đồng. Trong xã hội hiện tiền, chuyện này rõ rệt nhất. Kiến (Dṛṣṭi, 見) là kiến giải. Kiến giải của mỗi người khác nhau, cũng có thể nói là mỗi người có cách nhìn riêng đối với vũ trụ và nhân sinh, đôi bên chẳng nhường nhịn, chẳng dung nạp lẫn nhau. Hằng ngày tranh cãi, hằng ngày đấu đá, đều là vì chuyện này. Vì sao khác nhau? Do “ngũ Lợi Sử”, gồm năm thứ. Lợi Sử là nói tỷ dụ. “Sử” (Saññojana, 使) là nha dịch thời cổ, tương đương với đội cảnh sát hình sự hiện thời, bắt kẻ phạm tội. Kẻ ấy làm chuyện xấu, đội cảnh sát hình sự hằng ngày theo dõi, muốn bắt hắn, tóm giữ tội phạm. “Lợi” (利) là nhanh nhạy. Có năm kẻ, tức năm tên cảnh sát hình sự hằng ngày lẩn quẩn bên cạnh quý vị, cuộc sống của quý vị có dễ chịu hay chăng? Dùng chuyện này để tỷ dụ. “Ngũ Lợi Sử vi Thể” (Năm thứ Lợi Sử làm Thể), năm thứ ấy mở rộng ra sẽ là sáu mươi hai thứ kiến giải sai lầm. “Xí thịnh” (熾盛) là hình dung giống như lửa cháy hừng hực, tức là nói đến các thứ kiến giải bất đồng khởi tác dụng, có thể nhiễu loạn thân tâm của chính mình, chẳng được yên ổn.  

          (Sao) Ngũ Lợi Sử giả, nhất, Thân Kiến, vị chấp ngã, ngã sở, nhi khởi ngã thân chi kiến.

(Diễn) Chấp ngã, ngã sở giả, nội chấp vi ngã, ngoại chấp ngã sở, hoặc Ngũ Ấm trung, chấp nhất Ấm vi ngã, dư Ấm vi ngã sở.

          ()五利使者,一、身見,謂執我我所,而起我身之見。

          ()執我我所者,內執為我,外執我所,或五陰中,執一陰為我,餘陰為我所。

          (Sao: Ngũ Lợi Sử: Một là Thân Kiến (Satkāya-dṛṣṭi), nghĩa là chấp ta và cái của ta, dấy lên kiến chấp về cái thân của ta.

Diễn: “Chấp ta và cái của ta”: Chấp cái bên trong là ta, chấp cái bên ngoài là của ta. Hoặc là trong Ngũ Ấm, chấp một Ấm là Ngã, những Ấm còn lại là Ngã Sở).

          Đây là điều đầu tiên. Quý vị đã thấy sai mất rồi, sai ở chỗ nào? Coi cái thân này là ta, lầm lẫn quá đỗi to tát! Chư vị ngẫm xem, quý vị hãy đi ra ngoài điều tra, thăm dò, có kẻ nào chẳng coi cái thân là ta? Hết thảy chúng sanh trong lục đạo đều coi thân là ta. Chỉ cần thấy thân này chính là ta, người ấy nhất định chẳng thoát khỏi lục đạo luân hồi. Thân này chẳng phải là ta, [cứ ngỡ thân là ta], đấy chính là một thứ vọng tưởng, chấp trước, chẳng biết chân tướng sự thật. Đức Phật dạy chúng ta: Những hiện tượng ấy, kể cả thân thể của chúng ta cũng là hiện tượng, các hiện tượng do đâu mà có? Do duyên sanh, nên chúng được gọi là “nhân duyên sanh pháp” (pháp được sanh bởi nhân duyên).

Hiện thời, chúng ta gọi Duyên là “điều kiện”, chẳng đơn thuần. Do khá nhiều điều kiện, mới sanh ra các hiện tượng ấy. Đối với khá nhiều điều kiện, đức Phật đã quy nạp chúng thành năm loại lớn, gọi là Ngũ Ấm, hoặc gọi là Ngũ Uẩn (Pañca-skandha). Ấm (陰) có nghĩa là che phủ. Che phủ điều gì? Che phủ bản tánh, giống như mây che khuất mặt trời, có ý nghĩa này. Ngũ Uẩn có thể che khuất bản tánh của chúng ta. Ngũ Uẩn là giả; tuy giả, quý vị ngỡ chúng là thật, cho nên quý vị chẳng thấy tánh. Quý vị biết chúng là giả, chúng sẽ chẳng gây trở ngại. Như trong Tâm Kinh, Quán Tự Tại Bồ Tát có bản lãnh, Ngài “chiếu kiến Ngũ Uẩn đều Không”, cho nên chẳng trở ngại, Ngũ Uẩn chẳng thể ô nhiễm bản tánh. Chúng ta chẳng thể thấy thấu suốt, ngỡ Ngũ Uẩn là chân thật, bị thua thiệt to lớn, đã bị cảnh giới xoay chuyển.

Lấy ngay thân thể này của chúng ta làm thí dụ để nói. Thân có vật chất, bộ phận vật chất này dùng Sắc (Rūpa) làm đại diện. Vì thế, Sắc được gọi là Sắc Thân. Chữ Sắc được nói trong kinh Phật có ý nghĩa rất rộng. Những gì mắt chúng ta có thể trông thấy đều gọi là Sắc. Sắc là đối tượng của Nhãn Căn. Trong Ngũ Uẩn, phạm vi của Sắc càng rộng hơn. Phàm cảnh giới sáu trần mà lục căn có thể tiếp xúc, đều dùng chữ này làm đại diện. Trên thực tế, chữ Sắc bao gồm sáu căn và sáu trần, dùng chữ này để biểu thị; đó là vật chất. Ngoài vật chất ra, chúng ta thường gọi phần tinh thần là “tâm pháp” (Citta-dharma). Vật chất và tâm kết hợp lại thì hiện thời chúng ta gọi nó là động vật, trong kinh Phật gọi là “hữu tình” (Sattva). Hữu tình do Ngũ Uẩn biến hiện. Nếu chỉ có Sắc mà chẳng có tâm, nay chúng ta gọi chúng là thực vật và khoáng vật. Chúng có Sắc, chẳng có Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Đó gọi là vô tình chúng sanh. “Chúng sanh” là hiện tượng do các duyên hòa hợp mà sanh khởi. Nhà Phật nói đến “chúng sanh”; không chỉ là nói đến con người và động vật, mà ngay cả thực vật, khoáng vật và hiện tượng tự nhiên thảy đều được bao gồm trong ấy, vì chúng đều do các duyên hòa hợp mà sanh khởi. Trong chúng sanh, hữu tình chúng sanh là do Ngũ Uẩn nhóm họp, sanh khởi mà hiện. Ngũ Uẩn là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Sắc là vật chất, Thọ, Tưởng, Hành, Thức là tâm và tác dụng tâm lý. Vì thế, chúng chẳng phải là thật sự, do các duyên hòa hợp mà sanh ra.

          Đức Phật nói đến Sắc, Sắc cũng chẳng phải là thật sự có. Sắc do Tứ Đại (Catvāri mahā-bhūtāni) hòa hợp. Tứ Đại là đất, nước, lửa, gió. Sắc pháp có bốn hiện tượng ấy, tức là bốn loại tánh chất. “Đất” biểu thị phần vật chất của nó (Sắc pháp). Phần vật chất ấy là vật chất vô cùng nhỏ, khoa học hiện đại gọi nó là “hạt cơ bản” (Elementary particle). Trong phát hiện hiện thời, công nhận hạt cơ bản là nhỏ nhất, nó còn nhỏ hơn nguyên tử và điện tử. Cũng có lẽ sau hai mươi năm, hoặc ba mươi năm nữa, sẽ phát hiện thứ này có thể chia nhỏ hơn, còn có thứ nhỏ hơn nó. Khoa học chưa đạt đến cực hạn, nhưng “vật chất cơ bản” được nói trong Phật pháp xác thực là đã đạt tới cực hạn! Tất cả hết thảy vật chất đều do loại vật chất cơ bản này kết hợp thành. Hiện thời, chúng ta nói là “công thức cấu tạo” của chúng khác nhau. Nó kết hợp thành điện tử, kết hợp thành nguyên tử, kết hợp thành phân tử, lại kết hợp thành hết thảy vạn vật. Quý vị phân tích chúng, [sẽ thấy] hết thảy vạn vật đều do cùng một thứ kết hợp thành. Kinh Kim Cang nói là “nhất hiệp tướng” (一合相), Nhất (一) chính là Sắc Uẩn trong Ngũ Uẩn. Vì thế, trong nhãn quan của Phật, vạn pháp bình đẳng. Vì sao? Đều do cùng một loại vật chất hợp thành. Hễ chia chẻ ra, sẽ hoàn toàn giống hệt nhau, chỉ là cách kết hợp khác nhau, cách sắp xếp khác nhau mà thôi!

Trong mắt đức Phật, một viên kim cương và một cục bùn hoàn toàn giống nhau, cùng do một thứ [vật chất] hợp thành, nhưng cách cấu trúc khác nhau. Do vậy, trong cái nhìn của đức Phật, chúng là bình đẳng. Thân Phật và thân chúng sanh bình đẳng, thân Phật và thân súc sanh cũng bình đẳng. Y báo và chánh báo trang nghiêm trong tận hư không khắp pháp giới đều là bình đẳng; đều là “nhất hiệp tướng” như kinh Kim Cang đã nói. Trong Phật pháp, vật chất cơ bản được gọi là “cực vi chi vi”, còn bé hơn vi trần. Vi trần chia chẻ nhỏ hơn, sẽ được gọi là “sắc tụ cực vi”. Lại chia sắc tụ cực vi nhỏ hơn nữa, bèn gọi là “cực vi chi vi”, còn gọi là Lân Hư Trần (Paramāṇu), đã đạt tới cực hạn. Hễ chia nhỏ nữa, sẽ chẳng còn gì, biến thành hư không. Một hạt bé tí như vậy, đương nhiên là nhục nhãn của chúng ta chẳng thể trông thấy, nhưng Phật nhãn trông thấy. Phật là “ngũ nhãn viên minh”. Hiện thời, các nhà khoa học dùng kính hiển vi có độ phóng đại cực lớn, phóng đại mấy vạn lần thì mới có thể trông thấy chúng. Đức Phật chẳng cần máy móc mà có thể thấy rõ ràng, rành rẽ.

          Vật chất cơ bản có bốn loại đặc tánh: Nó là vật chất, nó tồn tại, bèn gọi là Địa Đại (Prthivī-dhātu). Nó có độ ấm, chính là Hỏa Đại (Tejo-dhātu). Nó có độ ẩm thì là Thủy Đại (Ab-dhātu). Nó là động, chẳng ngưng lặng thì là Phong Đại (Vāyu-dhātu). Vì thế, Địa, Thủy, Hỏa, Phong là nói rõ: Vật chất cơ bản có bốn hiện tượng đặc trưng. Nó [có vật chất], có nhiệt độ, có độ ẩm, nó chuyển động. Các nhà khoa học hiện thời chẳng nói Địa, Thủy, Hỏa, Phong, mà nói nó là một loại vật chất, có tích điện Âm và điện Dương. “Tích điện Âm” chính là Thủy Đại được nói trong kinh Phật. “Tích điện Dương” là Hỏa Đại. Theo quan sát trong hiện thời, chúng nó xác thực là động. Chúng vây quanh điện tử và nguyên tử, chúng chuyển động có quỹ đạo nhất định, hoàn toàn giống như trong kinh Phật đã nói. Từ ba ngàn năm trước, chẳng cần cậy vào bất cứ dụng cụ khoa học nào, đức Phật đã thấy rõ ràng, minh bạch dường ấy.

Vật chất cơ bản do đâu mà có? Kinh luận Đại Thừa đã nói hết sức thấu triệt, đặc biệt là kinh luận của Pháp Tướng Duy Thức. Trong kinh luận Duy Thức có nói: “Một niệm bất giác bèn có vô minh, do vô minh bất giác mà sanh ra ba tế tướng”. Vô minh còn có trước ba tế tướng. Ba tế tướng: Thứ nhất Nghiệp Tướng, nghiệp là động. Thứ hai là Kiến Tướng, thứ ba là Cảnh Giới Tướng. Hễ động, bèn sanh ra năng lực. Các nhà Duy Thức gọi năng lực ấy là Kiến Phần, còn gọi là Kiến Tướng, liền biến thành những thứ về sau được gọi là Thọ, Tưởng, Hành, Thức, biến thành tâm pháp. Từ Kiến Tướng biến hiện Cảnh Giới Tướng, tức là Tướng Phần, biến thành vật chất.

          Vì vậy, tâm và vật có cùng nguồn. Tâm Kinh nói: “Sắc tức là Không, Không tức là Sắc, Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc”. Sắc và tâm có cùng nguồn, đều từ Chân Như bản tánh biến hiện. Vì thế, sắc và tâm có thể dung hội lẫn nhau. Đấy là cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn, kinh Hoa Nghiêm nói “Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại”, nhất là nói đến Sự Sự vô ngại, căn cứ lý luận ở chỗ nào? Sắc và tâm cùng nguồn, sắc và tâm là một Thể. Vì vậy, Lý và Sự chẳng có chướng ngại, giữa Sự với nhau cũng chẳng có chướng ngại. Sau đấy, quý vị mới thật sự hiểu rõ, kinh Tịnh Độ có nói “một niệm của chúng ta trọn khắp hư không pháp giới”, xác thực là như thế, chẳng giả tí nào! Đấy là nói rõ chân tướng của nhân sinh và vũ trụ.

Hiểu rõ chân tướng ấy, bèn gọi là Giác. Chẳng hiểu rõ chân tướng, đó là mê. Đã giác chân tướng, tâm thanh tịnh, người ấy chẳng có vọng tưởng, cũng chẳng có phân biệt, chấp trước. Vì sao? Người ấy biết vạn pháp đều Như, chẳng có pháp nào không Như, tâm người ấy khôi phục thanh tịnh, bình đẳng. Chẳng liễu giải chân tướng sự thật, suốt ngày từ sáng đến tối suy nghĩ loạn xạ. Đó là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước; cho nên mới luân hồi trong lục đạo. Luân hồi trong lục đạo xuất hiện từ chỗ này, nó là cảnh giới biến hiện từ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước.

Kẻ chẳng liễu giải chân tướng sự thật, chấp trước thân này là ta, chấp trước những vật ngoài thân là của ta. “Ngã sở” (我所) là cái ta có. Ta sở hữu người nhà, quyến thuộc, ta sở hữu tài sản, ta sở hữu những thứ thọ dụng bất luận nơi vật chất hay tinh thần. Đó là những thứ của ta. Kẻ ấy chấp trước những thứ đó, cho nên chấp Ngã, chấp Ngã Sở, những thứ chấp trước ấy trở thành kiến chấp về thân ta. Đấy là một kiến giải sai lầm trọng đại! Nếu quý vị có thể phá vỡ kiến giải sai lầm ấy, vậy thì chúc mừng quý vị! Quý vị chẳng còn là phàm phu, mà đã trở thành thánh nhân! Trong pháp Tiểu Thừa, quý vị là Sơ Quả Tu Đà Hoàn, đã chứng đắc Sơ Quả. Trong Đại Thừa Viên Giáo, quý vị là Bồ Tát thuộc địa vị Sơ Tín, đã phá Thân Kiến, chẳng còn chấp trước Ngã và Ngã Sở. Bốn thứ sau đó, nói thật ra, đều xuất sanh từ Ngã và Ngã Sở. Điều này (Thân Kiến) là căn bản, bốn điều kia là cành nhánh!

          (Sao) Nhị, Biên Kiến, vị chấp đoạn, chấp thường, thất hồ Trung Đạo, nhi khởi biên bàng chi kiến.

          ()二、邊見,謂執斷執常,失乎中道,而起邊傍之見。

          (Sao: Hai là Biên Kiến (Anta-grāha-dṛṣṭi), nghĩa là chấp đoạn, hoặc chấp thường, đánh mất Trung Đạo, dấy lên kiến giải lệch lạc).

          Nói theo cách hiện thời, Biên Kiến là “thiên kiến”, lệch về một bên, đương nhiên là không chánh xác, là sai lầm. Trong phần chú giải, cũng có nêu một tỷ dụ, hy vọng là từ tỷ dụ ấy [quý vị] có thể suy tưởng, đã nêu ra một, bèn suy ra ba. Đấy đều là chân tướng sự thật trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

          (Diễn) Chấp đoạn, chấp thường giả, hoặc chấp chư pháp thị vô, nhi khởi đoạn diệt chi kiến, hoặc chấp chư pháp thị hữu, nhi khởi thường trụ chi kiến. Trung Đạo tức đệ bát thức, dĩ nhị thức hằng chuyển như bạo lưu cố. Hằng tắc bất đoạn, chuyển tắc bất thường. Kim chấp đoạn thường, thị thất Trung Đạo.

          ()執斷執常者,或執諸法是無,而起斷滅之見,或執諸法是有,而起常住之見。中道即第八識。以二識恒轉如瀑流故。恒則不斷。轉則不常。今執斷常是失中道。

(Diễn: “Chấp đoạn, chấp thường”: Hoặc chấp “các pháp là không”, bèn khởi kiến giải đoạn diệt. Hoặc chấp “các pháp là có”, bèn khởi kiến giải thường trụ. Trung Đạo là thức thứ tám, do hai thức hằng chuyển như dòng nước lũ. Hằng thì chẳng đoạn, Chuyển thì chẳng thường. Nay chấp đoạn và chấp thường, bèn đánh mất Trung Đạo).

          Chúng ta hiểu rõ hai câu này, sẽ liễu giải đại ý của Biên Kiến. Đây là nêu ra một thí dụ: Hữu và Vô là hai bên. Có những kẻ chấp trước hết thảy các pháp đều là Vô, [cho rằng] với người đã chết, sau khi đã chết, thứ gì cũng đều chẳng có, đó gọi là Đoạn Diệt Kiến. Còn có những kẻ chấp trước: Người đã chết còn có đời sau, chết rồi chẳng sợ. Hai mươi năm sau lại là một trang hảo hán, cho rằng con người chết đi, đời sau vẫn làm người. Chó chết đi đời sau vẫn biến thành chó, vĩnh viễn chẳng thể biến đổi. Đó gọi là Thường Kiến. Hai loại ấy đều là kiến giải sai lầm, đều là thiên kiến, là kiến giải chẳng chánh xác.

Người đang ở trong lục đạo, sau khi đã chết, chẳng phải là thứ gì cũng đều chẳng có! Nếu người đã chết thứ gì cũng đều chẳng có, chuyện ấy sẽ dễ giải quyết! Còn phải chịu khổ, chịu khó niệm Phật tu hành để làm gì nữa? Chẳng cần! Nhưng sau khi đã chết, vẫn còn có đời sau, chuyện sau đó chưa chấm dứt, chuyện này phiền toái lắm! Người đã chết thì đời sau chẳng nhất định sẽ làm người. Luân hồi trong lục đạo, chẳng biết sẽ vào trong đường nào! Kinh Đại Thừa nói đến mười pháp giới, phạm vi của mười pháp giới còn to hơn lục đạo; nay chúng ta đang thuộc trong pháp giới nào? Trong tương lai, chúng ta sẽ đến pháp giới nào? Đấy mới là vấn đề thật sự! Đấy mới là đại sự! Do vậy, kinh Đại Thừa thường nói: “Đức Phật vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện trong cõi đời”. Những chuyện khác đều là chuyện vặt vãnh, chuyện này mới là đại sự. Đối với đại sự sanh tử, sanh do đâu mà có? Sau khi đã chết, sẽ đến nơi đâu? Nhất định phải hiểu rõ ràng, hiểu minh bạch đại sự này, chẳng thể hồ đồ! Nếu mê hoặc, đời sau sẽ là súc sanh đạo. Súc sanh đạo là hồ đồ, mê muội; phải hiểu rõ ràng, phải hiểu minh bạch chuyện này!

          Trong kinh, đức Phật đã dạy chúng ta: Bất cứ pháp thế gian hay xuất thế gian nào, [dẫu] nhỏ như một hạt vi trần, cũng đều do vô lượng nhân duyên sanh khởi, chẳng phải là đơn giản, hết sức phức tạp! Máy computer tiến bộ nhất trên thế giới hiện thời cũng chẳng có cách nào tính toán tình huống phức tạp ấy được! Từ vô lượng kiếp tới nay, bản thân chúng ta khởi tâm động niệm, ngôn ngữ, tạo tác, đó là những chuyện thuộc về tự thân; qua lại cùng lục đạo và mười pháp giới, [những điều ấy] đều thuộc ngoại giới. Nội và ngoại đều phức tạp, nhưng sự phức tạp bên trong và sự phức tạp nơi ngoại giới hoàn toàn là ngang nhau!

          Trong nhiều nhân duyên phức tạp như vậy, nếu đức Phật phải giải thích [cặn kẽ] cho chúng ta sẽ khó lắm. Đức Phật vẫn dùng phương pháp quy nạp, trong nhiều điều kiện phức tạp như thế, điều nào quan trọng nhất, bèn nêu ra điều trọng yếu nhất ấy, vì chúng ta nói ra nhân hạnh của mười pháp giới. Đấy là nói tới những điều trọng yếu nhất trong vô lượng nhân duyên. Trong mười pháp giới, cao nhất là Phật pháp giới. Nhân duyên bậc nhất của Phật pháp giới là tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm từ bi. Nếu tâm chúng ta thật sự thanh tịnh, bình đẳng, từ bi, chúc mừng quý vị, quý vị thành Phật chẳng xa, đúng là quý vị sẽ thành Phật rất nhanh chóng. Vì sao? Tâm quý vị đã biến thành tâm Phật. Tâm Phật là thanh tịnh, bình đẳng, từ bi. Nếu chúng ta thường có tâm Lục Độ, thường nghĩ tưởng trong tâm, thường tu Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn, Thiền Định, Bát Nhã. Đấy là tâm Bồ Tát. Nói cách khác, đấy là một điều kiện trọng yếu nhất trong Bồ Tát pháp giới. Nếu thấp hơn thì Duyên Giác là tâm mười hai nhân duyên, Thanh Văn là tâm Tứ Đế. Đó gọi là tứ thánh pháp giới, ở ngoài lục đạo luân hồi.

Trong lục đạo, nay chúng ta đang ở trong lục đạo, chẳng thoát ra ngoài! Trong lục đạo, cao nhất là thiên đạo. Thiên cũng rất phức tạp. Nói chung, Thiên là tu tâm Thập Thiện, tâm của chư thiên thiện lương. Thập Thiện là thân ba điều, khẩu bốn điều, ý ba điều, tức là: Thân chẳng sát sanh, chẳng trộm cắp, chẳng tà dâm; miệng chẳng nói dối, không nói đôi chiều, chẳng nói lời ác, chẳng nói thêu dệt; ý không tham, không sân, không si. Có thể tu thượng phẩm Thập Thiện, người ấy đời sau nhất định sanh lên trời. Nếu là trời bậc cao, lại còn phải thêm từ, bi, hỷ, xả, lại còn thêm công phu Thiền Định, vậy thì sẽ sanh lên một tầng trời cao hơn. Nhân đạo là tu trung phẩm Thập Thiện, trì Ngũ Giới thanh tịnh, đời sau chẳng đánh mất thân người. A Tu La tu hạ phẩm Thập Thiện. Vì sao điều thiện của họ gọi là hạ phẩm? Vì họ ganh tỵ, tâm sân hận rất nặng. Họ tu thiện, cũng ăn chay, cũng niệm Phật, cũng tu các thứ công đức, chẳng kém người khác, nhưng lòng hiếu thắng rất mạnh, lòng ganh tỵ rất mạnh, quả báo là sanh trong A Tu La đạo. Đối với ba ác đạo kế đó, đức Phật dạy: Tâm tham là nghiệp nhân của ngạ quỷ đạo, tâm sân khuể là nghiệp nhân của địa ngục đạo, tâm ngu si là nghiệp nhân của súc sanh đạo. Ngu si là chân, vọng, tà, chánh, đúng, sai đều chẳng phân biệt rõ ràng, đã hiểu điên đảo!

          Đấy là đức Phật đã quy nạp các loại nhân hạnh rất phức tạp thành mười loại lớn, vì chúng ta nêu ra các nhân hạnh trọng yếu nhất trong mười pháp giới. Chúng ta dùng tiêu chuẩn này để kiểm điểm chính mình, [quan sát] khởi tâm, động niệm, cách xử sự, đãi người, tiếp vật, hết thảy các hành vi [của bản thân], sẽ biết chính mình đang ở trong pháp giới nào! Chuyện ấy chẳng cần hỏi người khác. Hỏi người khác, người ta sẽ lừa bịp quý vị, đâm ra chúng ta bị thua thiệt, mắc lừa! Biết tiêu chuẩn ấy, thường tuân theo tiêu chuẩn ấy để kiểm điểm hành vi nơi thân tâm của chính mình, sẽ biết chính mình nay đang ở trong đường nào; trong tương lai, sẽ đi vào đường nào! Nếu trong tâm chúng ta chỉ có A Di Đà Phật, trừ A Di Đà Phật ra, hết thảy đều buông xuống, trong tương lai, quý vị nhất định được sanh vào Tây Phương Cực Lạc thế giới, là chuyện như thế đó. Sanh vào thế giới Cực Lạc, thưa cùng chư vị, tốt đẹp hơn [thành tựu ngôi vị] Phật trong mười pháp giới nhiều lắm! [Bởi lẽ], Phật trong mười pháp giới chẳng vượt thoát mười pháp giới. Đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, sẽ vượt thoát mười pháp giới. Vượt khỏi mười pháp giới, bèn gọi là Nhất Chân pháp giới, thật sự vượt thoát, chúng ta nhất định phải hiểu rõ chuyện này! Vì thế, người thật sự thông minh, người thật sự giác ngộ, không chỉ là chẳng trụ trong lục đạo, mà mười pháp giới cũng chẳng trụ, nhất định phải sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới. Do vậy, chớ nên có thiên kiến.

          Đối với Giới Thủ Kiến và Kiến Thủ Kiến, người thế gian thường gọi hai loại này là “thành kiến”. Giới Thủ Kiến là thành kiến nơi nhân, Kiến Thủ Kiến là thành kiến nơi quả, đều là kiến giải sai lầm. Kiến giải chánh xác là phải buông thành kiến xuống, nay chúng ta nói là “phải dùng thái độ khách quan”, [người có Giới Thủ Kiến và Kiến Thủ Kiến là kẻ có] quan niệm chủ quan quá mạnh! Quan niệm chủ quan là thành kiến, thành kiến quá sâu. Phải trừ bỏ quan niệm chủ quan, dùng thái độ rất bình lặng, tỉnh táo, khách quan để xem xét, sẽ khác hẳn! Thường là có thể thấy rõ ràng, thấy minh bạch chân  tướng  sự  thật. Đối  với  hai  điều

này, tối mai chúng tôi sẽ nói cặn kẽ. Hôm nay đã hết thời gian rồi.

[1] Lộc Lô chính là cái trục quay thường gắn trên miệng giếng để có thể kéo gàu nước từ giếng sâu lên cho đỡ tốn sức. Về sau, những cái gì có thể xoay vòng đều có thể gọi là Lộc Lô, như cái bàn xoay để nặn đồ sứ của thợ gốm cũng gọi là Lộc Lô.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *