#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 101
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm tám mươi chín:
(Sao) Hựu Bồ Tát do nghi cận Phật, như tiền Giáo Khởi trung thuyết, tắc dĩ ngộ tâm giả, diệc chánh ưng niệm Phật cầu sanh, hà túc nghi dã.
(鈔) 又菩薩猶宜近佛,如前教起中說,則已悟心者,
亦正應念佛求生,何足疑也。
(Sao: Lại nữa, Bồ Tát vẫn còn nên thân cận Phật, như trong phần Giáo Khởi ở phía trước đã nói: Người đã ngộ tâm cũng phải nên niệm Phật cầu sanh, há còn ngờ ư?)
Theo Quán Kinh, người tu hành phải biết phép Quán hoàn toàn nương vào tâm tánh, dùng tâm tánh của chúng ta để quán y báo và chánh báo trang nghiêm của Tây Phương Cực Lạc thế giới thì cảnh giới Tây Phương Cực Lạc thế giới sẽ có thể hiển thị rõ ràng, minh bạch. Ngược lại, qua sự hiển thị cảnh giới y báo và chánh báo, cũng có thể thấy được tâm tánh của chính chúng ta hiện tiền, nhà Thiền gọi [điều ấy] là “minh tâm kiến tánh”. Đây là lý luận hết sức trọng yếu trong Quán Kinh. Phương pháp trong kinh Vô Lượng Thọ và kinh Di Đà còn thiện xảo và thuận tiện hơn Quán Kinh, chẳng cần dùng đến y báo và chánh báo trang nghiêm của Tây Phương Cực Lạc thế giới. Cách ấy (cách quán trong Quán Kinh) cũng khá rắc rối, [còn kinh Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ] dùng một câu danh hiệu, do một câu danh hiệu ấy mà hiển lộ chân tánh của chính mình. Do vậy, kinh dạy quý vị phải “hệ tâm bất loạn” để niệm câu danh hiệu ấy. Xét về ý nghĩa chung thì [quán tưởng và trì danh] giống nhau, nhưng khó hay dễ khác biệt rất lớn. Trì danh niệm Phật dễ hơn quán tưởng rất nhiều!
Giảng tới đoạn này, sợ sẽ có người muốn hỏi: “Minh tâm kiến tánh là người khai ngộ. Kẻ chưa khai ngộ đáng nên niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ; người đã khai ngộ dường như không cần thiết, không cần phải cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ?” Vì vậy, đại sư mới viết một đoạn như thế này: Bồ Tát vẫn phải thường thân cận Phật Đà! Từ kinh Hoa Nghiêm, chúng ta thấy Văn Thù, Phổ Hiền và bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ đều là hạng minh tâm kiến tánh, các Ngài vẫn cầu sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới thân cận A Di Đà Phật; có thể thấy ở đây Liên Trì đại sư đã nói chẳng sai. Trong phần Giáo Khởi Nhân Duyên ở phía trước cũng nói rất nhiều. “Tắc dĩ ngộ tâm giả”, tức là người đã minh tâm kiến tánh, đại triệt đại ngộ, “chánh ưng niệm Phật cầu sanh, hà túc nghi dã” (cũng nên niệm Phật cầu vãng sanh, há còn ngờ ư). Kẻ chưa kiến tánh mê hoặc, điên đảo, có lúc cũng chẳng mong vãng sanh Tịnh Độ; hàng kiến tánh Bồ Tát tuyệt đại đa số đều mong vãng sanh Tịnh Độ; từ hội Hoa Nghiêm, chúng ta thấy được điều này. Bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ trong thế giới Hoa Tạng đều vãng sanh; đây là một chứng cứ rất rõ rệt!
(Sao) Hựu Duy Ma kinh vân: “Tuy tri chư Phật quốc, cập dữ chúng sanh không, nhi thường tu Tịnh Độ, giáo hóa ư chúng sanh”.
(鈔)又維摩經云:雖知諸佛國,及與眾生空,而常修淨土,教化於眾生。
(Sao: Hơn nữa, kinh Duy Ma dạy: “Tuy biết các cõi Phật, và chúng sanh đều Không, nhưng thường tu Tịnh Độ, giáo hóa các chúng sanh”).
Đây là dẫn chứng, dẫn bốn câu kinh văn từ kinh Duy Ma để làm chứng. “Tuy tri chư Phật quốc, cập dữ chúng sanh Không”, đấy là như kinh Bát Nhã thường nói: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”, “hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”, đấy là tinh tủy của kinh Bát Nhã. Đó là nói về Lý, Sự có phải là như vậy hay chăng? Sự thật xác thực là như vậy. Thế nhưng, chẳng phải là hàng kiến tánh Bồ Tát không thấy chân tướng sự thật ấy, chân tướng sự thật quả thật đúng như hai câu kinh ấy đã nói; thế mà Bồ Tát vẫn niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, dùng phương pháp ấy để tự hành, dạy người. Từ hai câu ấy, chúng ta hiểu rõ mười phương ba đời hết thảy chư Phật, Bồ Tát dùng phương pháp gì để tự mình thành Phật và giúp đỡ chúng sanh thành Phật? Chính là pháp môn Niệm Phật! Bốn câu kinh văn ấy đã giảng rõ ràng. Do vậy biết Tánh và Tướng chẳng mâu thuẫn nhau, mà viên dung, là một, chẳng hai. Chúng ta thường thấy Không Tông và Hữu Tông dường như xung đột, đó là cái nhìn của phàm phu chúng ta, chứ đối với người thật sự nhập cảnh giới, thông đạt sẽ chẳng như vậy! Một chính là hai, hai chính là một, Tánh và Tướng quả thật là một.
(Sao) Cố hoạn bất ngộ tự tâm nhĩ.
(鈔) 故患不悟自心耳。
(Sao: Cho nên lo chẳng ngộ tự tâm mà thôi!)
Chúng ta lo là lo chẳng khai ngộ. Còn đang mê hoặc, điên đảo, điều này đáng để chúng ta lo âu!
(Sao) Ngộ tâm, tắc vô nhất pháp xuất ư tâm ngoại, tức tâm tức cảnh, tức cảnh tức tâm, vãng sanh Tịnh Độ, nguyện kiến Di Đà, bất ngại duy tâm, hà phương tự tánh?
(鈔) 悟心,則無一法出於心外,即心即境,即境即心
,往生淨土,願見彌陀,不礙唯心,何妨自性。
(Sao: Ngộ tâm thì không có pháp nào ở ngoài tâm, tâm chính là cảnh, cảnh chính là tâm. Vãng sanh Tịnh Độ, nguyện thấy Di Đà, chẳng trở ngại duy tâm, há trở ngại tự tánh?)
Nói thật ra, tới Tây Phương Cực Lạc thế giới, quý vị thấy y báo và chánh báo trang nghiêm trong thế giới Tây Phương là thấy tự tánh. Y báo và chánh báo trang nghiêm trong thế giới ấy chính là Tướng Phần trong tự tánh của chúng ta; chúng chính là hình dạng của Chân Như bổn tánh, điều ấy cũng được kinh gọi là “chư pháp Thật Tướng” (Thật Tướng của các pháp). Thật Tướng: Tướng tức là Tánh, Tánh tức là Tướng. “Tức tâm tức cảnh”, tâm và cảnh như một, tâm và cảnh chẳng hai. Chuyện này thật sự rất khó lãnh hội, vì sao khó lãnh hội? Chúng ta mê nơi Tướng, đối với cả hai bên Tánh và Tướng đều mê, cho nên chẳng dễ gì lãnh hội được! Trong các buổi giảng, chúng tôi thường dùng chuyện nằm mộng để tỷ dụ, vì thời gian nằm mộng ngắn ngủi, sau khi tỉnh giấc, quý vị giác ngộ, nhưng trong khi nằm mơ, quý vị chẳng giác ngộ. Nếu giác ngộ trong mộng sẽ rất thú vị, sẽ giống như người đã khai ngộ. Quý vị nghĩ xem: Tất cả cảnh giới trong mộng có phải do tâm quý vị biến ra hay chăng? Nếu chúng ta coi cảnh giới như mộng cảnh để nói thì cái có thể tạo ra giấc mộng là tâm của chính quý vị, cảnh giới trong mộng là Tướng Phần do tâm biến hiện trong khi đang nằm mộng; toàn bộ mộng cảnh chẳng phải là tâm của quý vị hay sao? Toàn bộ cái tâm chẳng phải là mộng cảnh hay sao? Tâm và mộng cảnh là một, chẳng hai! Lìa mộng chẳng có tâm, lìa tâm không có mộng, tâm và cảnh như nhau. Chúng ta suy nghĩ những điều này thấy cũng có lý một chút, vẫn còn có thể nghĩ thông suốt.
Quý vị thật sự nghĩ thông suốt, lại dùng Lý ấy để quan sát cảnh giới hiện thực; cảnh giới ấy cũng giống như thế. Nếu trong cảnh giới, quý vị thấy tất cả các cảnh đều do tâm ta biến, cảnh chẳng lìa tâm, tâm chẳng lìa cảnh, quý vị sẽ khai ngộ, minh tâm kiến tánh. Nói cách khác, không cần đợi về Tây Phương Cực Lạc thế giới, quý vị đã kiến tánh. Nhưng minh tâm kiến tánh trong thế giới này, chỉ thấy được một phía là uế độ trong tánh của chúng ta. Nói cách khác, [chỉ thấy] được phía hiện tượng ác trong tâm tánh. Tới Tây Phương Cực Lạc thế giới, sẽ thấy trong tâm tánh chúng ta còn có phương diện tốt đẹp. Giống như chúng ta nằm mộng, có lúc giấc mộng rất ngọt ngào, có lúc gặp ác mộng. Chúng ta kiến tánh trong thế giới này, giống như gặp ác mộng, trong ác mộng, hiểu tâm và cảnh như nhau; vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới là giấc mộng ngọt ngào, cũng biết tâm và cảnh như nhau. Khi ấy, quả thật, tận hư không trọn pháp giới là một tâm. Phật pháp nói đến tột cùng là dạy chúng ta nhập cảnh giới ấy. Bất đắc dĩ, đặt tên cho cảnh giới ấy là Nhất Chân pháp giới. Hiện thời, chúng ta không thấy được, do đang mê nơi cảnh giới nên cũng chẳng có cách nào khai ngộ; đó là vì tâm chúng ta không thanh tịnh, trong tâm phân biệt, chấp trước, có vọng tưởng, có phiền não. Vì thế, quý vị chẳng thể thấy chân tướng sự thật.
Ở đây, đại sư bảo: “Vãng sanh Tịnh Độ, nguyện kiến Di Đà, bất ngại duy tâm” (Vãng sanh Tịnh Độ, nguyện thấy Di Đà, chẳng trở ngại duy tâm). Nói thật ra, ở nơi ấy, không chỉ chẳng trở ngại duy tâm, mà còn sẽ chứng “duy tâm Tịnh Độ”, chứng thực “tự tánh Di Đà”, nói thông tục là “thành Phật chứng quả”. Chứng quả là chứng gì vậy? Chứng đắc rõ rệt Nhất Chân, tâm và tánh là một, chẳng hai, chứng điều ấy, thấy điều ấy. Đấy là quý vị đã chứng đắc.
(Sao) Hựu vấn: Tích nhân vị Hoa Nghiêm cực giáo, khả đắc giai ước Quán Hạnh, minh chư pháp môn. Phương Đẳng nhi hạ, hà đắc diệc ước Quán Hạnh?
(鈔)又問:昔人謂華嚴極教,可得皆約觀行,明諸法門,方等而下,何得亦約觀行。
(Sao: Lại hỏi: Người xưa nói Hoa Nghiêm là giáo pháp cùng tột, nên [khi giảng giải kinh ấy] có thể dựa vào Quán Hạnh để giảng rõ các pháp môn, còn đối với các kinh thuộc loại Phương Đẳng trở xuống, cớ sao cũng dùng Quán Hạnh [để giải thích]?)
Hỏi hay lắm! Câu hỏi này là giả thiết, giả sử có một người nêu ra
câu hỏi như vậy! Trong kinh Phật, Hoa Nghiêm là Nhất Thừa Viên Giáo, được gọi là “xứng tánh nhi đàm” (稱性而談: đàm luận xứng tánh), hoàn toàn là ngôn ngữ, văn tự lưu lộ từ Chân Như bổn tánh sau khi đức Phật đã chứng đắc chân tánh, từng câu, từng chữ đều là chân tánh, nên gọi là “xứng tánh chi đàm” (稱性之談: lời luận định xứng tánh). Cũng chính vì lẽ đó, hết thảy các pháp có thể “quán tâm xứng Lý”, trong mỗi đoạn [chú giải kinh văn], Liên Trì đại sư đều có viết một đoạn Xứng Lý, chẳng hạn như đoạn này là Xứng Lý. Xứng Lý nghĩa là nói tương ứng với tánh. Kinh Hoa Nghiêm được nói tương xứng với tánh, mọi người chẳng bàn cãi điều này, họ đều biết, đều tôn trọng kinh Hoa Nghiêm là đại pháp Nhất Thừa Viên Giáo.
“Phương Đẳng nhi hạ” (từ Phương Đẳng trở xuống): Những kinh Đại Thừa thông thường dường như chẳng cao sâu như thế, cớ sao cũng có thể xếp vào loại Quán Hạnh giống như Hoa Nghiêm để nói? Kinh Di Đà thuộc thời Phương Đẳng; nói cách khác, chớ nên dùng cung cách phán định kinh Hoa Nghiêm để giảng bộ kinh này! [Ở đây, cớ sao Liên Trì đại sư] đàm luận xứng tánh, sau mỗi đoạn [chú giải kinh văn] đều có một đoạn Xứng Lý, tức là [giải thích đoạn ấy] tương xứng với Tánh [như thế nào]. Nói thật ra, đối với chuyện này, Liên Trì đại sư đã tốn rất nhiều tâm tư, Ngài sống vào cuối đời Minh, cách chúng ta gần sáu trăm năm. Trong các tự viện tùng lâm tại Trung Quốc thuở ấy, phong khí nhà Thiền rất thịnh hành, nếu trực tiếp phê bình sẽ khiến cho rất nhiều người khó chịu, nhưng những kẻ bình phàm lại coi thường, rẻ rúng Tịnh Độ. Vì thế, Ngài phải một phen khổ tâm, hoàn toàn dùng kinh Hoa Nghiêm để giải thích kinh Di Đà. Do lẽ đó, trong Di Đà Kinh Sớ Sao có rất nhiều chỗ trích dẫn kinh Hoa Nghiêm. Nói cách khác, Ngài đã ngấm ngầm, chẳng công khai, đề cao kinh Di Đà, dùng gì để đề cao? Dùng Hoa Nghiêm để đề cao, đề cao đến mức [kinh Di Đà] còn cao hơn kinh Hoa Nghiêm, khiến cho mọi người hiểu được tầm quan trọng của pháp môn này, hy vọng những kẻ học Thiền sẽ tỉnh ngộ. Thiền chẳng thể thành công, bèn quay về niệm Phật, chắc chắn thành tựu! Đấy là một phen khổ tâm của Ngài.
Vì thế, Ngài viết Sớ Sao quả thật đã hết sức mềm dẻo, nhân nhượng, ngõ hầu đạt được lợi ích toàn cuộc, khác hẳn Ngẫu Ích đại sư. Ngẫu Ích đại sư sống vào thời đại trễ hơn Ngài. Liên Trì đại sư hoằng dương Tịnh Độ đã tạo thành cơ sở tương đối khá, Ngẫu Ích đại sư thừa dịp phát huy rực rỡ, thuận tiện hơn nhiều! Chẳng giống như thời đại của tổ Liên Trì, trong thời đại ấy, áp lực bên ngoài rất lớn; do vậy, lúc soạn Sớ Sao, Tổ phải cực lực dùng Nhất Thừa Viên Giáo Hoa Nghiêm và Pháp Hoa để chỉ bày sự vĩ đại và chẳng thể nghĩ bàn của pháp môn này. [Từ chuyện này], ta cũng có thể thật sự thấy được học vấn và đạo đức của Tổ, nếu Ngài chẳng phải là bậc đại thông gia, quả thật sẽ không thể làm được! Có thể thấy Liên Trì đại sư tin sâu Tịnh Độ, y theo phương pháp này để tu hành, hoằng dương pháp môn này, chẳng phải là mù quáng! Từ hết thảy các kinh luận Đại Thừa, Ngài đã quyết trạch[1] pháp môn này. Chúng ta đọc truyện ký của Ngài cũng có thể thấy được chuyện ấy. Dưới đây là câu trả lời:
(Sao) Cổ đức đáp vân: Chư liễu nghĩa bất liễu nghĩa giáo, giai thị liễu nghĩa, dĩ duy nhất tâm cố. Cứ thử, tắc viên cơ đối giáo, hà giáo bất viên? Lý tâm thiệp Sự, hà Sự bất Lý?
(鈔)古德答云:諸了義不了義教,皆是了義,以唯一心故。據此,則圓機對教,何教不圓,理心涉事,何事不理。
(Sao: Cổ đức đáp: “Các giáo pháp liễu nghĩa và bất liễu nghĩa đều là liễu nghĩa, vì chỉ là nhất tâm”. Dựa trên điều ấy, đối với người căn cơ viên mãn, có giáo pháp nào chẳng viên? Dùng cái tâm xứng Lý để lãnh hội Sự, có Sự nào chẳng phải là Lý?)
Đoạn này đã giảng trọn hết Phật pháp. Nếu hỏi Phật pháp là gì, dùng mấy câu này để đáp, sẽ trả lời rất viên mãn. Nói theo cách này, không chỉ kinh Phương Đẳng, mà chẳng có một pháp nào không phải là Phật pháp. Quý vị nói xem: Có pháp nào chẳng phải là Phật pháp? Phật pháp là gì? Duy tâm sở hiện gọi là Phật pháp. Có pháp nào chẳng do duy tâm sở hiện? Pháp nào cũng đều là! Giống như nằm mộng, tất cả cảnh giới trong mộng hoàn toàn do tâm biến hiện, tuyệt đối chẳng có cảnh giới nào không do tâm quý vị biến hiện. Có cảnh giới nào đến từ bên ngoài cái tâm của quý vị hay chăng? Không có! Toàn là vật do tâm của chính quý vị biến hiện. Nếu trong mộng, quý vị bỗng nhiên giác ngộ, tâm ta là gì? Tâm ở trong thân thể ta, những gì ở ngoài thân thể chẳng phải là tâm, [hiểu như vậy] thì sai mất rồi! Hết thảy mọi người trong giấc mộng do chính quý vị biến ra, tuyệt đối không thể nói họ chẳng dính líu gì đến quý vị! Quý vị nằm mộng thấy hết thảy mọi người, kẻ ta ưa thích lẫn kẻ ta chán ghét đều do chính quý vị biến ra! Trong mộng, quý vị mộng thấy hết thảy mọi vật, chúng cũng do chính quý vị biến ra, chẳng có gì không do chính mình biến! Do vậy, nói: Ngoài pháp chẳng có tâm, ngoài tâm chẳng có pháp.
Tận hư không, trọn pháp giới mười phương ba đời hết thảy vạn pháp toàn là vật được biến hiện bởi tự tâm của chúng ta. Quý vị nói xem: Chân Như bổn tánh ở chỗ nào? Tùy tiện, lấy bất cứ pháp nào cũng đều được, chẳng có một pháp nào không phải! Giống như hỏi chúng ta về kiến tánh, tánh ở nơi đâu? Giống như quý vị nằm mơ, đang trong lúc nằm mơ, hỏi quý vị “tâm của anh ở đâu?” Tùy tiện lấy vật nào cũng được! Bởi lẽ, hết thảy các pháp thảy đều do tâm tánh của quý vị biến ra! Đó gọi là “dĩ kim tác khí, khí khí giai kim” (dùng vàng chế đồ vật, món nào cũng đều là vàng). Chúng ta dùng vàng ròng chế thành mấy ngàn món, có đến mấy vạn hình thức, hình dạng, đủ mọi thứ khác biệt, vàng ở nơi đâu? Tùy tiện lấy bất cứ vật nào cũng đều là vàng, chẳng có gì không phải! Do vậy, có kẻ hỏi: “Chân Như bổn tánh ở đâu?” Không có một pháp nào chẳng do Chân Như bổn tánh biến ra, hết thảy các pháp đều là Tướng Phần, tức là hình trạng của Chân Như bổn tánh. Tướng là Tánh, Tánh là Tướng, cho nên chẳng có pháp nào chẳng phải là Chân Như bổn tánh! Nếu quý vị đã hiểu thì đó là “kiến tánh” được nói trong kinh Phật, sách vở thế gian có giống như vậy hay không? Đương nhiên cũng là như vậy. Phật giáo giảng như vậy, các giáo pháp ngoại đạo có giảng như vậy hay không? Thảy đều là như vậy, chẳng có một pháp nào không phải. Vì thế, đối với cảnh giới, tâm quý vị bình đẳng, tâm bình đẳng liền phóng quang minh, trí huệ liền sanh khởi.
Hiện nay, chúng ta bất bình đẳng trong hết thảy cảnh giới, đấy là mê, bất giác. Giác là gì? Tâm bình đẳng là giác. Chẳng mê là gì? Tâm bình đẳng chẳng mê. Vẫn còn bất bình đẳng thì là mê hoặc, điên đảo. Vì vậy, bản thân chúng ta phải giác ngộ, đãi người, xử sự, tiếp vật, tâm chúng ta có bình đẳng hay không? Bình đẳng thì quý vị là Bồ Tát, là Phật, thật sự hành Bồ Tát đạo. Do vậy, trong tâm chính mình phải thật sự bình đẳng; nhưng đãi người, tiếp vật, xử sự, phải dùng cái tâm bình đẳng để tùy thuận sự bất bình đẳng trong thế gian. Chẳng hạn như người ta hỏi: “Cái gì đây?” [Quý vị trả lời]: “Đấy là một quyển sách”. Nói “một quyển sách” tức là chẳng bình đẳng, nó không có tên mới là bình đẳng! Ta dấy lên một niệm sẽ chẳng bình đẳng; nhưng tâm ta bình đẳng; vì kẻ khác gọi nó là sách, ta thuận theo kẻ khác mà gọi nó là sách, chẳng phải là ta phân biệt, chấp trước. [Nói] “đây là sách” là vì kẻ khác phân biệt, chấp trước thứ này là sách, nên ta cũng thuận theo sự phân biệt và chấp trước của người ấy mà phân biệt, chấp trước, chính mình chẳng phân biệt, chấp trước. Do vậy, tâm địa tỏa quang minh, tâm địa thanh tịnh, thấy chân tướng sự thật. Nếu trong tâm chính mình thật sự có chấp trước, phân biệt, hỏng rồi! Đó là mê, chắc chắn là chưa ngộ, chắc chắn tâm và cảnh, Tánh và Tướng chưa thể dung hợp thành một! Phật pháp phải học từ chỗ này, mà cũng cầu từ chỗ này!
Cổ nhân nói: “Viên nhân thuyết pháp, vô pháp bất viên” (người căn tánh viên mãn thuyết pháp, không pháp nào chẳng viên), hết thảy các kinh hoàn toàn là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh. Trong khi giảng tựa đề kinh Hoa Nghiêm, chúng tôi đã nói điều này: Kinh Hoa Nghiêm là danh xưng chung của hết thảy các kinh, không chỉ gồm trọn những gì đức Phật đã nói, mà hết thảy các pháp thế gian không do đức Phật nói cũng đều được bao gồm toàn bộ trong danh từ này thì ý nghĩa ấy mới được nói rất viên mãn. Ngài (tổ Liên Trì) đã dùng đoạn thứ nhất để trình bày [các ý nghĩa trong tựa đề kinh], ý nghĩa ấy rất sâu. Giảng tựa đề Phật Thuyết A Di Đà Kinh đến đây là hết một đoạn.
Nhị, dịch nhân.
二、譯人。
(Hai, người dịch).
Giảng về người phiên dịch [được ghi trong phần tựa đề].
Diêu Tần Tam Tạng pháp sư Cưu Ma La Thập dịch.
姚秦三藏法師鳩摩羅什譯。
(Pháp sư Cưu Ma La Thập dịch vào thời Diêu Tần).
Phần Nhân Đề (tựa đề nói về người phiên dịch) gồm có bốn đoạn: Đoạn thứ nhất là Diêu Tần, chỉ thời đại, niên đại. Trong lịch sử Trung Quốc, có tất cả bốn triều đại chọn Tần làm quốc hiệu; vì thế, phải lấy họ của hoàng đế đặt trước [chữ Tần] thì mới biết là triều đại Tần nào! Tại Trung Quốc, người đầu tiên lấy chữ Tần làm quốc hiệu chính là Tần Thủy Hoàng. Tần Thủy Hoàng họ Doanh nên [triều đại của ông ta] gọi là Doanh Tần. Người thứ hai là Phù Kiên thành lập một nước Tần tại địa bàn Sơn Tây, Thiểm Tây và Cam Túc, lịch sử gọi triều đại này là Phù Tần. Sau khi thua trận Phì Thủy, Phù Kiên bị thuộc hạ là tướng quân Diêu Trành phát động chánh biến giành ngôi hoàng đế, quốc hiệu vẫn gọi là Tần, nên [sử gọi triều đại này là] Diêu Tần, thuộc thời đại Đông Tấn.
“Tam Tạng pháp sư” là học vị; nay chúng ta nói đến các danh xưng học vị như Tiến Sĩ, Học Sĩ (Cử Nhân) v.v… Vị pháp sư này có khả năng thông đạt Tam Tạng; nói cách khác, Ngài là bậc chuyên gia về Phật học, thông đạt Kinh, Luật, Luận Tam Tạng. Chỉ hiểu giới luật, chúng ta sẽ gọi Ngài là Luật Sư. Chỉ hiểu Luận, chúng ta gọi Ngài là Luận Sư, đều là chưa thể hoàn toàn thông đạt. Vị hoàn toàn thông đạt được gọi là Tam Tạng Pháp Sư, có địa vị cao nhất trong Phật giáo. Tam Tạng Pháp Sư đúng là Tiến Sĩ, học rộng, nghe nhiều, học vị như vậy đó. Phàm những vị dịch kinh đều là Tam Tạng Pháp Sư, thông đạt hết thảy, chẳng đến nỗi dịch sai ý nghĩa. Cưu Ma La Thập là tên của pháp sư, “dịch” là phiên dịch.
(Sớ) Diêu Tần tiêu đại.
(疏) 姚秦標代。
(Sớ: Chữ Diêu Tần chỉ rõ thời đại).
Chỉ ra thời đại.
(Sớ) Tam Tạng hiển đức.
(疏) 三藏顯德。
(Sớ: Chữ “Tam Tạng” nêu rõ đức hạnh của Ngài).
Nêu bày đức năng: Ngài thông đạt Tam Tạng.
(Sớ) La Thập xuất danh.
(疏) 羅什出名。
(Sớ: “La Thập” là nói ra tên của Ngài).
“La Thập” là nêu rõ danh hiệu của Ngài.
(Sớ) Dịch chi nhất tự, kết thành năng phiên nhân dã.
(疏) 譯之一字,結成能翻人也。
(Sớ: Một chữ “dịch” để kết thúc, nhằm chỉ rõ người phiên dịch [kinh này là ai]).
Chữ “dịch” chỉ người phiên dịch.
(Sao) Xuất xứ thỉ mạt bị tiền, tư bất trùng lục.
(鈔) 出處始末備前,茲不重錄。
(Sao: Xuất xứ [của bản dịch này] đã được trình bày cặn kẽ từ đầu đến đuôi trong phần trước, ở đây chẳng lặp lại).
Kinh này được dịch hai lượt: Lần đầu tiên do Cưu Ma La Thập đại
sư dịch, lần thứ hai do Huyền Trang đại sư dịch dưới đời Đường, trong
phần trước đã từng nói rồi, không cần lặp lại.
(Sao) Cổ xưng Thập sư, thất Phật dĩ lai dịch kinh sư dã, do thị lược cử, thả dĩ thất Phật vi ngôn nhĩ.
(鈔)古稱什師,七佛以來譯經師也,猶是略舉,且以七佛為言耳。
(Sao: Cổ nhân xưng tụng La Thập đại sư là vị thầy dịch kinh của bảy đức Phật thì vẫn là nói đại lược, nên mới nói “bảy đức Phật” mà thôi).
Trong phần Huyền Nghĩa thuộc quyển thứ nhất của bộ Sớ Sao đã giới thiệu tỉ mỉ tiểu sử La Thập đại sư, ở đây chẳng nhắc lại; nhưng giảng vào kinh văn, trong phần Nhân Đề, chẳng thể không giới thiệu, cho nên bổ sung thêm vài ý nghĩa. Cổ đức nói Cưu Ma La Thập đại sư trong quá khứ là người phiên dịch [kinh điển] của bảy đức Phật, đời đời kiếp kiếp phát tâm hoằng pháp lợi sanh, làm công tác phiên dịch; cho nên Ngài dịch vô cùng hay! Nói như vậy vẫn là nói đại lược, vì chỉ nêu ra bảy vị Phật gần nhất.
(Sao) Phù Tỳ Bà chí ư Thích Ca, thủ vĩ chỉ kinh nhị kiếp.
(鈔) 夫毗婆至於釋迦,首尾止經二劫。
(Sao: Do từ Tỳ Bà Thi Phật cho đến Thích Ca Mâu Ni Phật, từ đầu đến đuôi chỉ là hai kiếp).
Từ Tỳ Bà Thi Phật (Vipasyin) cho đến Thích Ca Phật, ba vị Phật cuối cùng trong kiếp trước đó (tức Trang Nghiêm Kiếp), khởi đầu kiếp này (Hiền Kiếp) có bốn vị Phật, hợp thành bảy vị Phật, kể từ đầu đến đuôi là hai kiếp. Tỳ Bà Thi Phật: Tỳ Bà Thi dịch sang tiếng Hán là Thắng Quán, nghĩa là “quán chiếu thù thắng”. Vị Phật thứ hai là Thi Khí Phật (Sikhin), Thi Khí dịch sang tiếng Hán là Trì Kế, Kế (髻) là đầu tóc kết thành búi, Trì (持) có nghĩa là gìn giữ. Vị thứ ba là Tỳ Xá Phù Phật (Visvabhu), Tỳ Xá Phù dịch sang tiếng Hán là Biến Nhất Thiết Tự Tại (trọn khắp hết thảy đều tự tại). Vị thứ tư, tức vị Phật thứ nhất trong Hiền Kiếp (Bhadra-kalpa) là Câu Lưu Tôn Phật (Krakucchanda), Câu Lưu Tôn dịch nghĩa tiếng Hán là Sở Ưng Đoạn Dĩ Đoạn (những gì đáng đoạn đã đoạn xong), như Kiến Tư, Trần Sa, Vô Minh phiền não, Ngài đều đoạn hết, [danh hiệu Phật] có ý nghĩa ấy. Vị Phật thứ hai [trong Hiền Kiếp, tức vị Phật thứ năm trong bảy vị Phật] là Câu Na Hàm Mâu Ni Phật (Kanakamuni), dịch nghĩa là Kim Sắc Tiên (vị tiên thân vàng). Vị Phật thứ ba [trong Hiền Kiếp] là Ca Diếp Phật (Kasyapa), dịch nghĩa là Ẩm Quang Phật. Quang minh của Ngài vô cùng chói lọi, khi Phật hiện diện, hết thảy những ánh sáng khác đều chẳng thể thấy, giống như ban ngày dưới ánh mặt trời mà bật đèn điện, chẳng thấy ánh sáng của đèn, chỉ thấy ánh sáng mặt trời. Vì quang minh của Phật quá lớn, gồm thâu những ánh sáng khác, nên gọi là Ẩm Quang (nuốt mất ánh sáng). Vị thứ tư [trong Hiền Kiếp] là Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, dịch nghĩa là Năng Nhân Tịch Mặc. La Thập đại sư là vị phiên dịch [kinh điển] của bảy vị Phật ấy, Ngài đã phát nguyện ấy. Vì sao ở đây đại sư nói là “lược cử” (nêu đại lược)? Quý vị đọc đoạn văn tiếp theo sẽ biết.
(Sao) Nhi Di Đà thành Phật thập kiếp.
(鈔) 而彌陀成佛十劫。
(Sao: Nhưng đức Di Đà đã thành Phật mười kiếp).
A Di Đà Phật đã thành Phật mười kiếp.
(Sao) Tắc Trang Nghiêm kiếp tiền, cánh thượng cửu kiếp, sở lịch dĩ kỷ vạn Phật.
(鈔) 則莊嚴劫前,更上九劫,所歷已幾萬佛。
(Sao: Tức là đã hơn chín kiếp trước kiếp Trang Nghiêm, đã trải qua mấy vạn vị Phật).
Có thể thấy rằng: Nói Ngài là vị sư dịch kinh của bảy đức Phật đích xác là nói đại lược, chỉ giới thiệu mấy vị gần nhất, chẳng nói tới mấy vị trước đó. Nếu kể cả những vị trước đó thì Ngài đời đời kiếp kiếp phát nguyện dịch kinh Phật. Dịch kinh Phật đều là sau khi đức Phật đã diệt độ, lúc đức Phật tại thế chẳng cần phải dịch. “Phật dĩ nhất âm nhi thuyết pháp, chúng sanh tùy loại các đắc giải” (Phật dùng một âm thanh để thuyết pháp, chúng sanh tùy theo mỗi loại đều hiểu). Ngôn ngữ của Phật vô cùng kỳ diệu, Ngài ở nơi ấy thuyết pháp, chúng ta là hạng người nào nghe giảng cũng đều [cảm thấy] giống hệt như [đức Phật đang sử dụng] ngôn ngữ ở quê hương ta. Bất luận người nào thân cận Phật, chẳng có ai nghe mà không hiểu lời đức Phật nói. Sau khi đức Phật diệt độ, hàng Bồ Tát đều không có năng lực ấy, cho nên phải theo đuổi công tác phiên dịch.
(Sao) Ký lục phương chư Phật, mị bất tán thán thử kinh.
(鈔) 既六方諸佛,靡不讚歎此經。
(Sao: Nên sáu phương chư Phật, không vị nào chẳng tán thán kinh này).
Trong kinh này, La Thập đại sư dịch là “lục phương Phật”, [sáu phương là nói rút gọn của mười phương], tức là mười phương hết thảy chư Phật, không có vị Phật nào chẳng tán thán bộ kinh này.
(Sao) Tắc vạn Phật dĩ lai, diệc tất giai thuyết thử kinh, diệc tất giai hữu dịch giả.
(鈔) 則萬佛以來,亦必皆說此經,亦必皆有譯者。
(Sao: Cho nên [kể từ] một vạn vị Phật cho tới nay, vị nào cũng đều nói kinh này, mà ắt cũng đều có người dịch kinh này).
Đây là suy đoán dựa theo Lý, tình hình nhất định phải là như thế. Chúng ta đối chiếu cẩn thận kinh Vô Lượng Thọ với kinh này để nghiên cứu, sẽ hiểu rõ một sự thật: Mười phương thế giới chúng sanh căn tánh khác nhau, đức Phật thuyết pháp là ứng cơ thuyết pháp (thuyết pháp thuận theo căn cơ). Mỗi vị Phật trong mỗi thế giới đối với chúng sanh trong mỗi thế giới ấy sẽ nói các pháp môn khác nhau, chỉ có một bộ kinh Di Đà này là tương đồng! Mười phương ba đời hết thảy chư Phật không vị Phật nào chẳng nói, chẳng hộ trì, chẳng hoằng dương. Bộ kinh này chính là khoa mục mà chư Phật, Bồ Tát trong hết thảy thế giới thuộc mười phương ba đời cùng tu. Không chỉ là cùng tu, thưa quý vị, nó lại còn là khoa mục bắt buộc phải tu của hết thảy chư Phật. Bất luận tông phái nào ở Trung Quốc, khóa tụng kinh tối đều niệm kinh Di Đà, có thể thấy bộ kinh này vô cùng trọng yếu, nó là pháp môn bậc nhất và bộ kinh bậc nhất để chư Phật, Bồ Tát độ chúng sanh, chúng ta nhất định phải biết điều này!
Nhưng hiện thời, người học Phật chuyên môn học kinh Di Đà vẫn chẳng nhiều lắm, do nguyên nhân nào? Kinh đã nói rất rõ ràng: “Chẳng thể do chút ít thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sanh về cõi ấy”, đó là do thiện căn, phước đức, nhân duyên của người ấy ít ỏi! Người ấy tu những thứ khác. Nếu người ấy có nhiều thiện căn, phước đức, nhân duyên thì chuyện gì cũng không làm, chuyên tu bộ kinh này. Do vậy, phải hiểu: Suốt đời chuyên tu bộ kinh này, đó là thiện căn, phước đức, nhân duyên thảy đều trọn đủ, người ấy nhất định vãng sanh trong một đời này, sau khi vãng sanh, nhất định thành Phật. Do vậy, người ấy không nghiên cứu tràn lan những kinh điển khác, mà chọn lấy pháp môn bậc nhất và kinh điển bậc nhất đã được mười phương chư Phật đề xướng, chúng ta nhất định phải nhận biết điều này.
Đại sư nói hết thảy chư Phật đều giảng kinh này. Sau khi đức Phật diệt độ, trong thời kỳ Tượng Pháp hoặc Mạt Pháp, [kinh này] nhất định phải được phiên dịch. Vì thế, có những vị Bồ Tát phát tâm đời đời kiếp kiếp làm công tác dịch thuật này, đại khái La Thập đại sư thuộc loại nhân vật ấy, tuyệt đối chẳng phải là phàm nhân.
(Sao) Nhi kinh xưng mẫu Phật giả viết.
(鈔) 而經稱母佛者曰。
(Sao: Nhưng trong kinh, vị được gọi là mẹ đức Phật đã nói).
“Kinh xưng mẫu Phật” là Ma Da phu nhân, tức là mẹ của Thích Ca Mâu Ni Phật. Ma Da (Māyā) dịch sang tiếng Hán là Huyễn Sanh, vì Ma Da phu nhân đã dùng pháp môn Như Huyễn để huyễn sanh[2] ra đức Phật. Kinh dạy, trước khi Thích Ca Mâu Ni Phật giáng sanh, mười phương chư Phật mỗi ngày ba thời thuyết pháp trong bụng Ma Da phu nhân. Đức Phật và các vị đại Bồ Tát thị hiện giáng sanh trong nhân gian, tuy hoài thai mười tháng giống như chúng ta, các Ngài chẳng hứng chịu nỗi khổ thai ngục. Ở trong thai mẹ, Ngài khai đại pháp hội, mỗi ngày giảng kinh, thuyết pháp trong ấy, chư Phật, Bồ Tát đều đến nghe. Bọn phàm phu chúng ta ở trong thai mẹ mười tháng, giống như ở trong địa ngục, khổ chẳng thể nói nổi! Trong kinh, đức Phật đã hình dung nỗi khổ ấy giống như địa ngục, nên gọi là “thai ngục khổ”. Sau khi đầu thai bèn mê hoặc, điên đảo, giống như bị nhốt trong tù ngục. Mẹ ăn chút gì nóng, con như đang ở trong Bát Nhiệt địa ngục; mẹ uống một chén nước lạnh, con giống như ở trong Bát Hàn địa ngục, khổ gần chết! Đức Phật giáng sanh, khác hẳn, nên gọi là Như Huyễn là do ý nghĩa này.
Chúng ta thấy trong kinh Hoa Nghiêm, Ma Da phu nhân có nói, Ngài cũng là bậc đại quyền thị hiện, phát nguyện đời đời kiếp kiếp muốn làm Phật mẫu. Do vậy, không chỉ Thích Ca Mâu Ni Phật là do Ngài hoài thai sanh ra, mà một ngàn vị Phật xuất thế trong Hiền Kiếp đều do Ngài hoài thai sanh ra, đời đời kiếp kiếp làm Phật mẫu.
(Sao) Thế thế Phật sanh, ngã vi kỳ mẫu.
(鈔) 世世佛生,我為其母。
(Sao: Đời đời chư Phật giáng sanh, ta làm mẹ của các Ngài).
Ma Da phu nhân nói như vậy.
(Sao) Tử Phật giả viết.
(鈔) 子佛者曰。
(Sao: Con của đức Phật nói).
“Tử Phật” là La Hầu La (Rāhula), Ngài là con của Thích Ca Mâu Ni Phật, cũng là bậc đại quyền thị hiện.
(Sao) Thế thế Phật xuất, ngã vi kỳ tử.
(鈔) 世世佛出,我為其子。
(Sao: Đời đời Phật xuất thế, ta làm con các Ngài).
Đại sư nêu hai trường hợp trong kinh ấy (kinh Hoa Nghiêm) để nói.
(Sao) Dĩ thị lệ chi, Thập sư dịch kinh, hà xí thất Phật.
(鈔) 以是例之,什師譯經,何啻七佛。
(Sao: Phỏng theo đó [để suy đoán], há phải La Thập đại sư chỉ dịch kinh của bảy đức Phật).
Tôi nghĩ có thể là Ngài cũng đời đời kiếp kiếp, hễ Phật xuất thế, Ngài bèn dịch kinh, Ngài đều tiến hành phiên dịch. Nêu lên thí dụ này để nói rõ, nhìn từ mặt hình tướng, La Thập đại sư là người dịch kinh của bảy đức Phật, nhưng bổn lai diện mục của Ngài chẳng thể nghĩ bàn, có thể là Ngài cũng phát nguyện đời đời kiếp kiếp theo đuổi công tác dịch kinh.
(Sao) Nhi thử kinh lưu thông cửu viễn, ư thị ích tín.
(鈔) 而此經流通久遠,於是益信。
(Sao: Nhưng kinh này được lưu thông đã lâu; do vậy, càng thêm tin tưởng).
Chúng ta lại càng tin tưởng bộ kinh này được lưu thông trong hết
thảy các cõi Phật khắp mười phương ba đời. Nói tới các kinh khác, chưa chắc mỗi thế giới đều giống nhau, nhưng kinh Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ chắc chắn giống nhau, đến bất cứ thế giới nào đều thấy [hai kinh này].
(Sao) Xứng Lý, tắc tự tánh dung thông ẩn hiển, thị Hoa Phạm phiên dịch nghĩa.
(鈔) 稱理,則自性融通隱顯,是華梵翻譯義。
(Sao: Xứng Lý thì tự tánh dung thông, ẩn tàng, hay hiển lộ, chính là ý nghĩa dịch từ Phạn sang Hán).
“Dung thông” trùng trùng vô ngại. “Ẩn hiển” là hình tướng của sự dung thông, đúng như kinh Pháp Hoa đã nói “bách giới thiên như”. Trí Giả đại sư đọc kinh Pháp Hoa, đã nêu tỏ tinh nghĩa (nghĩa lý tinh vi) của kinh Pháp Hoa qua [khái niệm] bách giới thiên như. Nói cách khác, không có một pháp nào chẳng Như! “Như” là Chân Như, tức là nói về bổn tánh, hết thảy các pháp là Tướng, Tướng như Tánh, Tánh như Tướng. Chúng ta dùng một tỷ dụ để nói thì màn hình TV có thể hiển hiện tướng. Chúng ta sánh ví màn hình với Chân Như, hình tướng [hiển hiện trên màn hình] giống như vạn pháp. Tướng được hiển thị có rời khỏi màn hình hay chăng? Chẳng rời khỏi. Suốt ngày từ sáng đến tối hiển lộ tướng, hiển lộ các tướng hoàn toàn bất đồng, nhưng chẳng hề rời khỏi màn hình. Màn hình là năng hiển (chủ thể có thể hiển lộ), vạn pháp là sở hiển (đối tượng được hiển lộ). Sở hiển là Tướng, năng hiển là Tánh, quý vị nghĩ xem có tướng nào chẳng Như? Trong những tướng được hiển lộ ấy, có tướng nào chẳng phải là màn hình? Bất luận tướng nào cũng đều là như vậy! Nếu quý vị hiểu rõ đạo lý này, nay chúng ta đã thấy sâm la vạn tượng, có tướng nào chẳng phải là Chân Như bổn tánh của chính mình? Thảy đều là [Chân Như bổn tánh], hết thảy đều do Chân Như bổn tánh hiển lộ; vì thế, gọi là “bách giới thiên như”, chẳng có pháp nào không Như.
Trí Giả đại sư đã phát minh đạo lý này từ kinh Pháp Hoa. Nếu chính Ngài chẳng kiến đạo, sẽ không thể nói ra được. Do vậy, ta biết Trí Giả đại sư là một vị Bồ Tát minh tâm kiến tánh, chẳng phải là phàm nhân! Minh tâm kiến tánh nói theo Biệt Giáo là từ Sơ Địa trở lên, trong Viên Giáo là từ Sơ Trụ trở lên. Lão nhân gia cũng niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ mà vãng sanh, trong Vãng Sanh Truyện có chép tên Ngài. “Dung thông” là Tánh Tướng như nhau, Tánh Tướng bất nhị.
(Sao) Tức Phạm khả dĩ thành Hoa.
(鈔) 即梵可以成華。
(Sao: Tức là Phạn văn có thể trở thành Hoa văn).
“Phạm” là Phạn ngữ (Sankrit), tức ngôn ngữ của Ấn Độ cổ đại; “Hoa” là ngôn ngữ của Trung Quốc. Kinh điển được dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán. Tuy câu nào cũng là tiếng Phạn, nhưng câu nào cũng đều là tiếng Hoa.
(Sao) Tắc Hiển phi Mật ngoại.
(鈔) 則顯非密外。
(Sao: Hiển chẳng ở ngoài Mật).
Người Hoa nhìn vào văn tự tiếng Hán, nghe tiếng Hán, vừa nghe liền hiểu. Chúng ta nghe người Ấn Độ nói chuyện, đọc văn tự Ấn Độ chẳng hiểu. Không hiểu [nên nghĩ là] Mật, còn hiểu sẽ là minh hiển (rõ rệt). Hiển và Mật là một, chẳng hai. Dịch ra sẽ hiểu được ý nghĩa, chẳng còn là Mật nữa, chẳng dịch thì là Mật. Người khác nói, chúng ta không hiểu, [những điều người ấy nói] liền biến thành Mật. Người ta nói, chúng ta đã hiểu, sẽ không còn là Mật. Đấy chính là Phạn có thể trở thành Hoa, Hiển chẳng ở ngoài Mật.
(Sao) Phương Hoa vị thường bất Phạm, tắc Mật tại Hiển biên.
(鈔) 方華未嘗不梵,則密在顯邊。
(Sao: Thì mới là Hoa chưa hề chẳng phải là Phạn, Mật ở ngay nơi Hiển).
Hiển và Mật chẳng hai, Hiển Mật viên dung. Có những thứ được truyền từ Ấn Độ vào Trung Quốc, như Đại Thừa Khởi Tín Luận do Mã Minh Bồ Tát soạn, sau khi được truyền sang Trung Quốc, bị thất truyền tại Ấn Độ. Huyền Trang đại sư lại dịch ngược từ tiếng Hán sang Phạn văn. Do vậy, tiếng Hán có thể dịch sang tiếng Phạn, mà tiếng Phạn có thể dịch sang tiếng Hán. Vào thuở ấy, những vị đại sư dịch kinh thường làm chuyện này. Vì thế, Mật ở nơi Hiển, Hiển ở nơi Mật, Hiển và Mật là một, chẳng hai.
(Sao) Đương ám trung hữu minh, đương minh trung hữu ám,
hỗ tương yểm ánh, thiệp nhập trùng trùng, diệu thể dung thông, bất
nhất, bất dị.
(鈔)當暗中有明,當明中有暗,互相掩映,涉入重重,妙體融通,不一不異。
(Sao: Trong tối có sáng, trong sáng có tối, che khuất và rọi sáng lẫn nhau, xen lẫn vào nhau trùng trùng, diệu thể dung thông, chẳng một, chẳng khác).
Thật ra, những câu này đều nói theo Tánh Tông, nhất là trong cảnh giới rất cao của Thiền Tông. Từ những chỗ này, chúng ta có thể thấy rất rõ dụng tâm của Liên Trì đại sư; Ngài luôn ngầm nói niệm Phật chính là Thiền. Những huyền nghĩa tối cao được giảng trong Thiền Tông đều là những ý nghĩa trong kinh Di Đà, đều nhằm khuyên người tham Thiền niệm Phật. Nếu không, Ngài nói những lời này đâu có ý nghĩa gì? Đọc những lời chú giải này, có thể đoán được dụng tâm của đại sư, biết thuở ấy, trong hoàn cảnh đó, Ngài đã khéo léo, uyển chuyển giải thích bộ kinh này nhằm phổ độ chúng sanh. Những ý nghĩa của Thiền, Giáo, Mật, Luật đều được nêu tỏ trong kinh này. Nói thật ra, nếu chẳng phải là một vị Tam Tạng pháp sư, quả thật cũng rất khó làm được. Trước kia, Tam Tạng pháp sư dịch kinh, nay Tổ chẳng dịch, Ngài chú giải, cũng phải thông đạt Tam Tạng mới có thể hoàn thành. Vì thế, Ngẫu Ích đại sư hết sức tán thán bộ Sớ Sao này là “bác đại tinh thâm” (rộng lớn mênh mông, tinh tường, sâu xa). Trước kia, thầy Lý đã nói: “Nếu chẳng thông đạt hơn nửa bộ Đại Tạng Kinh, đọc Sớ Sao sẽ không hiểu”, lời ấy cũng rất có lý!
“Đương ám trung hữu minh, đương minh trung hữu ám” nói rõ: Sáng và tối đối lập lẫn nhau, sáng đến tối lui, tối lui sáng đến. Giống như người Hoa nói về kinh Dịch: “Trong Âm có Dương, trong Dương có Âm”. Quý vị nhìn vào hình vẽ Thái Cực, màu đen tượng trưng cho Âm, màu trắng tượng trưng cho Dương. Trong phần đen có một điểm trắng, [biểu thị] trong Âm có Dương; trong phần trắng có một điểm đen, [biểu thị] trong Dương có Âm, sử dụng ý nghĩa này. Tối và sáng chính là Âm Dương. Nói theo mặt hiện tượng, sau nửa đêm, trời sáng dần, sẽ thấu lộ quang minh; đấy là thấy “ám trung hữu minh”, đó là một hiện tượng rất rõ rệt, nhất là trên mặt biển đặc biệt dễ thấy hiện tượng này. Hiện thời giao thông nhanh chóng, tiện lợi, nếu ngồi máy bay đường dài, rất dễ thấy hiện tượng này, hết sức dễ thấy “ám trung hữu minh, minh trung hữu ám”.
“Hỗ tương yểm ánh” (che lấp và chiếu rọi lẫn nhau), nói tới sự xuyên suốt giữa hai pháp, tối vào sáng, sáng vào tối. “Thiệp nhập trùng trùng” (xen nhập lẫn nhau trùng trùng), có ý nghĩa giống như những tấm gương [phản chiếu lẫn nhau]. Trong quá khứ, vào đời Đường, Hiền Thủ quốc sư (thầy của Thanh Lương đại sư) giảng Nhất Chân pháp giới, giảng về cảnh giới xen nhập lẫn nhau trùng trùng trong Thập Huyền Môn, hoàng đế nghe chẳng hiểu ý nghĩa này. Sư bảo hoàng đế hãy dựng một cái đình bát giác. Sau khi đình đã được cất xong, mỗi mặt đình đặt một tấm gương rất lớn. Sư nói: “Nếu bệ hạ không hiểu xen nhập lẫn nhau trùng trùng là như thế nào, hãy tới đứng giữa đình nhìn xem”. Vua vừa nhìn, thấy giống như nơi nào cũng phản chiếu, giống như một người biến thành vô lượng phân thân, cảnh giới ấy hiện tiền, vua bèn hoảng nhiên đại ngộ! Do vậy, tạo thành một cảnh giới như thế để nhà vua thể nghiệm, đương nhiên [cảnh giới] thể nghiệm vẫn chưa phải là cảnh giới chân thật, chỉ là cảnh giới tương tự, nhưng từ chỗ ấy sẽ có thể ngộ nhập.
Kinh thường dùng cái lưới (la võng) của Thiên Đế làm tỷ dụ. Hiện nay rất ít thấy “la võng”, nhưng trong các đại tự viện của Nhật Bản hãy còn có [la võng]. Quá nửa la võng được kết bằng sợi đồng, căng trên các kèo, xà khắc vẽ trong cung điện, [nhằm mục đích] ngăn ngừa chim làm tổ, phá hư những tác phẩm nghệ thuật ấy. [Mỗi mắt lưới] trong la võng của trời Đế Thích đều buộc một viên dạ minh châu[3], có tên là Ma Ni Bảo Châu. Châu ấy tỏa ánh sáng, giống như các ngọn đèn treo của chúng ta trong hiện tại tỏa ánh sáng. Khi ánh sáng của mỗi ngọn đèn chiếu rọi lẫn nhau, các ánh sáng xen nhập lẫn nhau, chẳng thể tách bạch, giống như trong giảng đường này, tuy đèn không nhiều lắm, có mười mấy cái đèn thôi, nhưng quý vị có biết ánh sáng này do ngọn đèn nào phát ra hay không? Ánh sáng của mỗi ngọn đèn đều gộp trong ấy, đều xen lẫn. Tuy xen lẫn, nhưng chẳng hỗn độn, hay khéo là hay khéo ở chỗ này. Vì sao biết chúng chẳng hỗn độn? Vì quý vị tắt ngọn đèn nhỏ này, ánh sáng của nó sẽ chẳng còn nữa. Nếu xen lộn thì lẽ ra chẳng thể tắt được, nó vẫn còn ở nơi đây. Tuy xen nhập lẫn nhau, nhưng vẫn chẳng hỗn độn, tướng ấy vô cùng vi diệu. Do cổ nhân chẳng có nhiều đèn như thế, nên dùng la võng của Đế Thích Thiên làm tỷ dụ. “Đế võng thiên châu” (ngàn hạt châu nơi cái lưới của Thiên Đế) nghĩa là giống như một ngàn ngọn đèn gộp chung lại, ánh sáng xen lẫn, diệu ảnh trùng trùng, vô tận.
“Diệu thể dung thông, bất nhất, bất dị”: Diệu thể là nói đến Chân Như bổn tánh của chúng ta. Kinh Đại Thừa dạy: “Tâm, Phật, chúng sanh, ba thứ chẳng sai biệt”. Tâm là Thể, là cái Thể có thể biến hiện, Phật là tướng giác ngộ được biến hiện [bởi cái Thể ấy], chúng sanh là tướng mê được biến hiện [cũng bởi cái Thể ấy]. Chúng ta lại lấy chuyện nằm mộng làm tỷ dụ, cái tâm nằm mộng ví như cái Tâm ấy. Chúng ta mơ một giấc mộng đẹp đẽ thì giấc mộng đẹp ví như Phật, chúng ta gặp ác mộng, ác mộng ví như chúng sanh. Mộng đẹp hay ác mộng đều do cái tâm ấy biến hiện. Tâm giác liền hiện tứ thánh pháp giới, tâm mê liền hiện lục phàm pháp giới. Tứ thánh và lục phàm đều do tâm này biến hiện. Nói cách khác, tâm năng hiện và tứ thánh lục phàm được hiện là một, chẳng hai, cả ba thứ không sai biệt, là cùng một chuyện, là một, chẳng hai! Năng hiện (chủ thể biến hiện, tức cái tâm) là một, chỉ vì trong sở hiện (cái được biến hiện, tức tứ thánh lục phàm) có mê hay ngộ sai khác, nhưng mê cũng là Chân Như bổn tánh, mà ngộ vẫn là Chân Như bổn tánh.
Chư vị phải biết: Hết thảy chúng sanh là vật được hiện trong tâm chúng ta, hết thảy các hiện tượng vật chất cũng là vật được hiện trong tâm ta. Nếu quý vị chú tâm sẽ thấu hiểu các hiện tượng ấy, nói thật ra, [điều này] có thể thấu hiểu được! Ví dụ như khi chúng ta ngủ, nhắm mắt lại, tướng ấy có hay không? Chẳng có! Thật sự không có. Đức Phật dạy chúng ta: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”, đúng là chẳng thật! Mở banh con mắt, tùy theo sự phân biệt, chấp trước của quý vị mà hiện những tướng ấy. Nhắm mắt lại, những tướng ấy đều chẳng còn! Tuy mở toang mắt, trong tâm chúng ta dấy lên một niệm, tướng bên ngoài sẽ biến hóa theo ý niệm, tướng chuyển theo tâm. Ưa thích thì càng nhìn càng thích; chán ghét thì càng nhìn càng thấy đáng ghét. Tướng có thật sự đáng ưa hay đáng ghét hay chăng? Không có, mà do tâm của quý vị xoay chuyển. Tâm quý vị xoay chuyển, cảnh giới bên ngoài bị chuyển theo, có thể thấy “tướng chuyển theo tâm”, lời nói ấy rất chính xác, chẳng sai! Vì tướng là vật được biến hiện trong tâm quý vị, cho nên nó cũng chuyển biến theo tâm.
Quý vị hiểu ý nghĩa này, sẽ hiểu vận mạng do chính mình nắm giữ, không thuộc quyền thao túng của kẻ khác. Chính mình có thể chuyển, Phong Thủy cũng do chính mình xoay chuyển, sẽ chẳng bị lừa đảo, gạt gẫm. Sửa đổi Phong Thủy thì sửa từ chỗ nào? Sửa từ trong tâm, tâm có thể chuyển cảnh. Sửa bên ngoài nhất định chẳng thể đổi được, chẳng có ích gì! Quý vị thấy cảnh giới bên ngoài đáng ghét, chẳng vui thích, bèn sửa sao cho rất thuận mắt, nhưng quý vị sửa trên cảnh giới, chẳng phải sửa trong nội tâm, vẫn là mê chưa ngộ, chẳng thể giải quyết vấn đề. Dẫu dễ nhìn, nhìn lâu lại thấy đáng ghét; có thể thấy là sửa đổi ngoại cảnh thì chẳng thể sửa được! Nếu thật sự sửa từ nội tâm, sẽ giống như Phật, Bồ Tát, thật sự đại từ đại bi, chẳng bỏ một ai, vì sao? Kiến lập từ nội tâm, chẳng kiến lập nơi ngoại cảnh. Kiến lập trên ngoại cảnh, chắc chắn chẳng thể lâu dài. Kiến lập trong nội tâm thì mới thật sự trường viễn. [Kiến lập nơi] ngoại cảnh sẽ không thể [lâu dài], vì nó có biến hóa.
Hiểu rõ chân tướng sự thật, hiểu tâm năng biến là thật, tướng sở biến là giả; giống như chúng ta nằm mơ: Cái tâm nằm mộng là thật, giấc mộng là giả. Mỗi đêm nằm mộng khác nhau, đủ thấy mộng là giả tướng; nhưng giả tướng do chân tâm biến hiện, là hình dạng của chân tâm. Tâm chúng ta biến đổi, phân biệt, chấp trước trong từng sát-na, tâm ấy bất định, nên mộng cảnh mỗi đêm khác nhau. Hãy nên biết: Nếu tâm định, sẽ nằm mơ giống hệt như nhau. Tâm quý vị bất định, cho nên tâm có hình dạng khác nhau. Tâm có hình dạng như thế nào? Trong khi nằm mơ sẽ thấy, mộng cảnh là hình dạng của tâm. Tâm quý vị như thế nào, cảnh trong mộng sẽ phơi bày rõ rệt, nhưng cái tâm ấy là vọng tâm, không phải là chân tâm.
Chân tâm có hình dạng ra sao? Hiện tại, hình dạng của y báo và chánh báo trang nghiêm của mười pháp giới chính là hình dạng của chân tâm. Nếu quý vị có thể thấu hiểu hình dạng của chân tâm, trong hết thảy cảnh giới sẽ như như bất động, tự tại vô ngại, thật sự đắc Pháp Thân, Bát Nhã, Giải Thoát. Pháp Thân: Hoàn toàn liễu giải chân tướng sự thật thì gọi là Pháp Thân, tuyệt đối chẳng còn chấp trước thân này là ta. Thân ta là gì? Hết thảy vạn pháp là thân ta. Đúng như trong mộng, bỗng nhiên giác ngộ “ta nay đang nằm mơ”, những gì là ta? Toàn bộ mộng cảnh đều là ta, bản thân ta trong mộng cũng là ta, hết thảy nhân vật trong mộng cũng là ta, núi sông, đại địa cũng là ta, chẳng có một pháp nào không phải là ta, vì sao? Thảy đều do tâm ta biến hiện. Lìa tâm, chẳng có hết thảy các pháp! Người đại triệt đại ngộ Phật pháp sẽ biết hết thảy nhân vật, hết thảy vạn pháp, vũ trụ, trời đất là một mình ta, là cảnh giới được hiển hiện bởi chân tâm của chính ta. Giống như nằm mơ, hoàn toàn hiểu rõ, cho nên trong cảnh giới ấy sẽ như như bất động; đấy là chứng đắc Pháp Thân. Bát Nhã là trí huệ, triệt để liễu giải là trí huệ, đạt được giải thoát nơi ấy, giải thoát là đắc tự tại. Không có mừng, giận, buồn, vui, thứ gì cũng đều chẳng có, tâm địa thanh tịnh chẳng nhiễm mảy trần, đó là đắc đại tự tại. Trong Phật pháp gọi chúng là “tam đức mật tạng”.
“Bất nhất, bất dị”, vì tự tánh tùy duyên, cho nên chẳng phải là nhất. Tuy tùy duyên, nó chẳng thay đổi, cho nên “bất dị”, tức là chẳng khác, là một. Nơi hữu tình gọi là Phật Tánh, nơi vô tình gọi là Pháp Tánh. Thay đổi danh từ, Phật Tánh và Pháp Tánh là một, chẳng hai, nhưng hữu tình và vô tình có sai biệt, một đằng là động vật, một đằng là thực vật và khoáng vật. Diện mạo bên ngoài quả thật có sai biệt. Có sai biệt thì “bất nhất”, nhưng xét theo Tánh thì “bất dị”. Tâm năng biến là một, chẳng hai, hoặc là nói: “Tâm, Phật, chúng sanh, cả ba vô sai biệt”. Chuyện này cũng rất rõ rệt, người giác ngộ và kẻ mê hoặc, điên đảo, tứ thánh và lục phàm chẳng một, nhưng nói theo phương diện bổn tánh, tức là nói theo Phật Tánh, tứ thánh và lục phàm bất dị, tánh của chúng ta và tánh của chư Phật là một tánh, nhất tánh, vô nhị tánh.
Liên Trì đại sư đã dùng đại đạo lý này để chỉ rõ văn tự Ấn Độ và văn tự Trung Quốc “bất nhất, bất dị”. Nhìn từ hình tướng bên ngoài, văn tự chẳng giống nhau. Văn tự Ấn Độ và văn tự Trung Quốc hoàn toàn khác nhau; nhưng xét theo phương diện biểu đạt ý nghĩa, bất dị! Dịch ra sẽ có cùng một ý nghĩa, cho nên bất dị. Từ âm thanh dùng phù hiệu để viết khác nhau, nhưng ý nghĩa giống nhau, bất nhất, bất dị. Dùng điều này để chỉ rõ: Chữ “dịch” trong “phiên dịch” cũng là lời đàm luận xứng tánh. Nếu mở rộng Lý này vào cuộc sống của chúng ta, áp dụng vào xử sự, đãi người, tiếp vật, hết thảy Sự Lý đều có thể dùng xứng tánh để giải thích. Nếu dùng xứng tánh để giải thích, sẽ đều là Nhất Chân pháp giới, đều là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh.
Sau khi chúng ta học xong bộ Di Đà Kinh Sớ Sao này, sẽ có tác dụng rất lớn, nếu quý vị biết dùng, sẽ đại tự tại trong hiện tiền. Tuy chưa thể đích thân chứng đắc Pháp Thân, Bát Nhã, Giải Thoát, vẫn có một chút bóng dáng, chứng tương tự, có một chút ý vị tương tự. Từ Tương Tự tiến đến Phần Chứng; không có Tương Tự, lấy đâu ra Phần Chứng? Tương Tự được bồi dưỡng thành thói quen, sẽ bất tri bất giác đạt đến địa vị Phần Chứng, rất hữu ích đối với việc niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ của chúng ta, giúp chúng ta đạt nhất tâm bất loạn, giúp chúng ta tăng cao phẩm vị. Phần giới thiệu người phiên dịch đã xong. Lần sau, tôi sẽ bắt đầu từ đoạn kinh văn “như thị ngã văn”, hôm nay đã hết thời gian rồi!
[1] Quyết Trạch (Pravicāra): Chọn lựa, quyết định.
[2] Huyễn sanh: Thị hiện dường như có hoài thai, hạ sanh, chứ không phải thật sự đức Phật đầu thai vào bụng mẹ như phàm nhân.
[3] Dạ Minh Châu là một thứ bảo thạch, còn gọi là Dạ Quang Bích, Tùy Châu, Huyền Châu, Thùy Cức, Minh Nguyệt Châu, Hỏa Quang Thạch, Thạch Lân Ngọc v.v… là thổ sản của vùng Đại Lý (Vân Nam). Loại đá này thường tỏa ánh sáng trong bóng tối. Tuy nó có thể tỏa sáng lung linh, nhưng không thể nào dùng để soi sáng các hang động hoặc địa cung như trong các truyện chưởng hay các truyện cổ Trung Hoa thường bịa đặt. Do hiếm lạ nên trong truyền thống Trung Quốc, Dạ Minh Châu đã được thêu dệt rất nhiều huyền thoại. Dạ Minh Châu thật ra chỉ là một loại đá quý, trong suốt, có lẫn nhiều nguyên tố thuộc loại đất hiếm (Rare earth metals, tức những nguyên tố như Lanthanide, Thulium, Ytterbium, Lutenium v.v…). Khi bị tác động bởi hoàn cảnh bên ngoài, các điện tử đất hiếm di chuyển, thay đổi trạng thái, tương tác với lớp cấu trúc trong suốt của Dạ Minh Châu, khiến cả khối đá tỏa sáng; nhưng ánh sáng này chẳng chói lọc rực rỡ đến nỗi đủ sức soi đường! Thật ra, Dạ Minh Châu vẫn có thể tỏa sáng trong nhiều giờ liền, nhưng không thể thấy được dưới ánh sáng ban ngày; có lúc Dạ Minh Châu cũng chẳng tỏa sáng ban đêm do hoàn toàn phụ thuộc vào sự tương tác của các điện tử trong đá! Nói la võng của Thiên Đế buộc Dạ Minh Châu cũng là cách nói tỷ dụ cho dễ hiểu, chứ Ma Ni Bảo Châu chỉ có trong cõi trời, Dạ Minh Châu không thể nào sánh bằng!