#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 73
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm mười một:
(Sớ) Tứ, Hoa Nghiêm dụ dược vương thụ, nhược hữu kiến giả, nhãn đắc thanh tịnh, nãi chí nhĩ, tỷ, lục căn, vô bất thanh tịnh. Chúng sanh kiến Phật, diệc phục như thị, dĩ kiến Viên Giác Phật, văn Phổ Môn pháp, thần lực nãi nhĩ. Thử tắc A Di Đà Phật đạo tràng, bảo thụ, kiến giả, văn giả, lục căn thanh tịnh cố.
(疏) 四、 華嚴喻藥王樹 ,若有見者 ,眼得清淨 ,乃
至耳鼻六根,無不清淨。眾生見佛,亦復如是,以見圓覺佛,聞普門法,神力乃爾。此則阿彌陀佛道場寶樹,見者聞者,六根清淨故。
(Sớ: Bốn là trong kinh Hoa Nghiêm có tỷ dụ cây dược vương, nếu
có ai thấy mắt sẽ thanh tịnh, cho đến sáu căn tai, mũi v.v… không căn nào chẳng thanh tịnh. Chúng sanh thấy Phật cũng giống như vậy, do thấy Viên Giác Phật, nghe pháp Phổ Môn, do thần lực nên như vậy. Trong kinh này, ai thấy đạo tràng, cây báu của A Di Đà Phật, sáu căn sẽ thanh tịnh).
Đoạn kinh này giảng rõ mối quan hệ giữa kinh này và kinh Hoa Nghiêm. Hoa Nghiêm là Thuần Viên, kinh này cũng có nghĩa thú[1] Viên Giáo. Đại sư nêu đại lược mười điều, đây là điều thứ tư. Kinh Hoa Nghiêm có tỷ dụ như thế này: “Dược vương thụ”, người trông thấy cây ấy, nhãn căn bèn thanh tịnh. Không chỉ nhãn căn thanh tịnh, mà sáu căn đều thanh tịnh. Đây là tỷ dụ “thấy Phật”. Nói thật ra, thấy Phật là phước báo rất lớn, thiếu phước báo sẽ chẳng thể thấy Phật. Dẫu thấy Phật, kẻ ấy cũng chẳng tin. Vì thế, học Phật thật sự chẳng phải là chuyện dễ. Bài kệ Khai Kinh của cổ nhân có câu: “Trăm ngàn vạn kiếp khó gặp gỡ”. Câu ấy là sự thật, quả thật chẳng dễ gì gặp được Phật pháp. Gặp Phật pháp, nhất định phải liễu giải chính xác nghĩa thú của Phật pháp thì mới thật sự đạt lợi ích. Nếu không, gặp Phật pháp mà hiểu lầm, coi Phật, Bồ Tát như những vị thần, thì có thể nói là gặp và chẳng gặp không khác gì nhau cho lắm! Trong xã hội hiện thời, tuyệt đại đa số là hiểu cong vạy, hiểu sai lạc Phật pháp, chúng ta phải chú ý điều này!
Hôm nay, có một đồng tu đến hỏi tôi: “Hộ pháp như thế nào?” Đây thật sự là một vấn đề rất lớn. Nay chúng ta học Phật, toàn tâm toàn lực dâng hiến Phật pháp, thừa sự, cúng dường, có phải là chúng ta đã hộ pháp hay chưa? Chẳng hề! Hộ pháp phải nói theo hai tầng ý nghĩa:
– Thứ nhất là phải hộ trì pháp của chính mình, điều này rất trọng yếu. Tu học theo Phật pháp là tu chính mình, chứ không phải tu vị Phật nào khác! Tổng cương lãnh tu hành là Giác – Chánh – Tịnh, quý vị phải hộ trì điều này, hộ trì cái tâm thanh tịnh, hộ trì giác tánh, hộ trì chánh tri chánh kiến của chính mình. Đấy là hộ pháp chân chánh, sẽ có thể đắc Định, đắc Huệ!
– Điều thứ hai, phải hộ trì pháp của chư Phật Như Lai, đó là đại phước báo. Vì sao? Lợi ích nhân thiên! Do vậy, bất luận khi nào, chúng ta cũng phải phấn chấn tinh thần. Một tín đồ Phật giáo mà suốt ngày từ sáng đến tối gục đầu ủ rũ, là gì? Tuy chính mình Phật tâm rất thanh tịnh, nhưng đã hủy diệt Phật pháp của hết thảy chúng sanh. Dù người ấy thanh tịnh tới đâu đi nữa, chẳng có phước báo! Trong kinh Phật có tỷ dụ “La Hán thác không bát” (La Hán đi khất thực ôm bát trống trơn). Bậc La Hán đã chứng quả, đã chứng Tứ Quả La Hán, đi ra ngoài khất thực, không được ai cúng dường, hằng ngày đói meo vì không tu phước. Phải hộ trì hình tượng của chư Phật, chúng ta phải đặc biệt chú ý điểm này. Hộ trì hình tượng Phật pháp là tu phước, nhiếp thọ hết thảy chúng sanh, tiếp dẫn hết thảy chúng sanh, quảng bá Phật pháp, giới thiệu Phật pháp với hết thảy chúng sanh. Đó là hộ trì pháp của chư Phật, hộ trì pháp của chúng sanh, những điều này đều là chuyện thuộc về phước báo.
Hộ trì chính mình, hộ trì Định, hộ trì Huệ, phải hộ trì Giới – Định – Huệ của chính mình, phải hộ trì Văn – Tư – Tu của chính mình. Nếu nói theo tổng cương lãnh thì phải hộ trì Giác – Chánh – Tịnh của chính mình, điều này vô cùng quan trọng. Chữ “kiến Phật” được nói tới trong kinh văn có ý nghĩa ấy.
Nói theo nghĩa thú rất sâu, “thấy Phật” là gì? Là kiến tánh! Minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật. Quý vị đã kiến tánh, lẽ nào sáu căn chẳng thanh tịnh? Đương nhiên thanh tịnh, nhưng chẳng thể nói là thấy vị Phật bên ngoài. Thấy Phật bên ngoài là duyên phận. Vị Phật bên ngoài nhắc nhở Tự Tánh Giác, Tự Tánh Tịnh của chính mình, chúng ta nhất định phải giác ngộ và hiểu rõ điều này. Nếu quý vị thấy Phật bên ngoài mà vẫn cứ y như cũ, chẳng thể đánh thức chính mình thì thấy mà cũng như chẳng thấy! Nói theo Phật pháp, kẻ ấy nghiệp chướng quá nặng! Thấy hình tượng Phật mà chẳng thể khởi Tự Tánh Giác, thấy tượng Bồ Tát mà chẳng khởi Tự Tánh Tịnh, mở kinh điển ra coi mà chẳng khởi Tự Tánh Chánh. Giác chứ không mê, chánh chứ không tà, tịnh chứ chẳng nhiễm, công đức của Trụ Trì Tam Bảo là ở chỗ này: Thường thường cảnh tỉnh chính mình. Chúng ta thấy rồi, vẫn mê hoặc, điên đảo y như cũ, chẳng thể cảnh tỉnh chính mình, đó là “thấy mà cũng như chẳng thấy”, chẳng đạt được hiệu quả sáu căn thanh tịnh!
Tiếp theo đó, lời Sớ nói rất rõ ràng, “chúng sanh kiến Phật, diệc phục như thị. Dĩ kiến Viên Giác Phật, văn Phổ Môn pháp” (chúng sanh thấy Phật cũng giống như thế, do thấy Viên Giác Phật, nghe pháp Phổ Môn). Tôi vừa mới nói đến ý nghĩa này. Viên Giác là giác ngộ viên mãn. Phổ (普) là phổ biến, Môn (門) là thông đạt. Nói cách khác, sự gì, vật gì cũng đều chẳng mê, thứ gì cũng chẳng tà, niệm nào cũng đều là Giác – Chánh – Tịnh, đó gọi là pháp Phổ Môn. “Thần lực nãi nhĩ” (do thần lực nên như vậy), đó là sức mạnh do Tam Bảo ban cho, sức mạnh thần kỳ chẳng thể nghĩ bàn. Do vậy, ý nghĩa thật sự của việc đệ tử Phật thờ hình tượng Phật, Bồ Tát là ở chỗ này, chứ không phải là coi các Ngài như một vị thần.
Cũng có người hỏi: “Đã là như thế, vì sao chúng ta hằng ngày còn phải thắp hương, cung kính lễ bái?” Đốt hương, thắp đèn, cung kính, lễ bái là tu hành, tu Tánh Đức của chính mình. Từ vô thỉ kiếp đến nay, chúng ta lười biếng, bê trễ, tập khí ngạo nghễ, ngã mạn quá sâu, làm thế nào mới có thể trừ bỏ những tập khí ấy? Phải đối trước hình tượng của Phật, Bồ Tát, sốt sắng tu trì nơi mặt sự tướng, nhằm uốn nắn, sửa đổi căn bệnh tập khí của chính mình. Sáng tối nhất định phải thắp hương, đốt đèn, lễ bái, quý vị làm những chuyện đó, phải hiểu ý nghĩa thật sự. Chúng ta thắp một nén hương, hương thơm sẽ khiến cho tinh thần của chính mình tỉnh táo. Trong Phật môn, hương tượng trưng cho Tín, Tín Hương. Thắp một nén Tín Hương, tín tâm của chính mình chẳng lui sụt, biểu thị ý nghĩa ấy, tín tâm kiên cố, tín tâm thanh tịnh. Đèn tượng trưng quang minh, mức độ thấp nhất là chúng ta đãi người tiếp vật bằng tâm địa quang minh, đó là ý nghĩa của việc thắp đèn. Thắp đèn còn có một ý nghĩa quan trọng là “bỏ mình vì người”, thắp đèn dầu hay thắp nến đều biểu thị thiêu mình để soi sáng người khác, hy sinh chính mình để thành tựu người khác.
Lạy Phật, lễ Phật nhằm tu cái tâm cung kính, tu cung kính đối với hết thảy: Chúng ta đãi người, tiếp vật, phải cung kính giống như cung kính Phật. Dùng lòng thành kính để làm, để đãi người, tiếp vật, đó là lạy Phật! Nếu không, suốt ngày từ sáng đến tối luôn giống như thế này, nhưng rời khỏi Phật đường lại hành xử theo một kiểu khác, sự tu học trong Phật pháp đối với quý vị chẳng có mảy may dính dáng nào, có thể nói là “chẳng thể áp dụng những điều đã học”, chẳng thể vận dụng trong xã hội và cuộc sống. Những điều học được từ Phật đường phải áp dụng vào xã hội và cuộc sống. Có thể ứng dụng trong cuộc sống thì mới là tu hành thật sự, đó gọi là thật sự chứng nhập.
Kinh Hoa Nghiêm có ý nghĩa này, đấy là ý nghĩa Viên Giáo; kinh này cũng có. “Thử tắc A Di Đà Phật đạo tràng, bảo thụ, kiến giả, văn giả, lục căn thanh tịnh” (Trong kinh này thì đạo tràng, cây báu của A Di Đà Phật, người thấy kẻ nghe sáu căn thanh tịnh). Kinh Vô Lượng Thọ có đoạn kinh văn nói như vậy, ý nghĩa này giống với nghĩa thú của kinh Hoa Nghiêm. Vì thế, phán định kinh này có ý nghĩa Viên Giáo.
(Sớ) Ngũ, Hoa Nghiêm bát nạn siêu Thập Địa chi giai, thử tắc địa ngục, quỷ, súc, đản niệm Phật giả, tất vãng sanh cố.
(疏) 五、 華嚴八難超十地之階 , 此則地獄鬼畜 ,但
念佛者,悉往生故。
(Sớ: Năm là kinh Hoa Nghiêm nói từ tám nạn vượt lên địa vị Thập Địa, kinh này nói địa ngục, quỷ đạo, súc sanh chỉ do niệm Phật đều được vãng sanh).
Đoạn kinh văn này quả thật đã tạo cho chúng ta lòng tin không chi lớn bằng! Bát nạn là gì? “Nạn” là quý vị gặp khó khăn. Trong kinh Phật thường nói có tám thứ nạn, nạn gì vậy? Chính là quý vị không có cơ hội tiếp xúc Phật pháp. Không có cơ hội nghe Phật pháp, quý vị sẽ không có cơ hội giải thoát, chẳng có cơ duyên liễu sanh tử, xuất tam giới. Đấy là thật sự gặp nạn.
Nạn thứ nhất trong tám nạn là địa ngục, đọa địa ngục thì trong địa ngục không có Phật pháp. Tuy Địa Tạng Bồ Tát thề “địa ngục chẳng trống, thề chẳng thành Phật”, đó là lời nguyện của Bồ Tát. Quý vị đọa địa ngục, mong Địa Tạng Bồ Tát đến cứu, cơ hội ấy hết sức mong manh. Chẳng phải là Bồ Tát thiếu từ bi! Bồ Tát đến độ quý vị, quý vị vẫn hủy báng, vẫn chẳng tin tưởng, chẳng thể tiếp nhận! Đây là do nghiệp chướng của chính mình quá nặng. Thật ra, Phật, Bồ Tát không nơi nào chẳng phân thân, không chỗ nào chẳng hiện thân, đương nhiên địa ngục cũng chẳng phải là ngoại lệ. Kinh Lăng Nghiêm nói rất hay, Phật, Bồ Tát hiện thân là cảm ứng đạo giao, chúng sanh có cảm, Phật, Bồ Tát liền có ứng. Chúng sanh chẳng có một thiện niệm, chẳng có ý niệm cầu Phật, cầu Tam Bảo, làm sao Phật, Bồ Tát hiện thân? Chẳng thể nào có chuyện ấy được!
Kế đến là ngạ quỷ và súc sanh. Trong ngạ quỷ đạo, đương nhiên cũng có Phật, Bồ Tát đến giáo hóa chúng sanh. Độ chúng sanh trong ngạ quỷ đạo còn khó hơn độ nhân đạo nhiều lắm! Súc sanh đạo ngu si. Vì thế, tam ác đạo là “nạn”! Trong ba ác đạo, mong đắc độ rất khó! Chúng sanh trong ác đạo cũng có kẻ đắc độ, đấy là những người suốt đời siêng năng, nhọc nhằn tu hành, do lâm chung một niệm sai lầm mà mắc đọa; nhưng người ấy thiện căn sâu dầy, Phật, Bồ Tát vào ác đạo giáo hóa, người ấy có thể tiếp nhận. Hãy nghĩ xem thiện căn của chúng ta là như thế nào? Chúng ta có sốt sắng tu học hay chăng? Nếu chúng ta lười nhác, biếng trễ, mê hoặc, điên đảo, chính mình đọa trong tam đồ, Phật có đến trước mặt cũng chẳng thể độ quý vị được!
Hòa thượng Phong Can, Hàn Sơn, Thập Đắc, những vị ấy xuất
hiện tại chùa Quốc Thanh núi Thiên Thai. Hàn Sơn, Thập Đắc là Văn Thù và Phổ Hiền tái lai, hòa thượng Phong Can là A Di Đà Phật, ba người họ ở trong chùa làm việc gì? A Di Đà Phật mỗi ngày giã gạo trong xưởng xay xát gạo, làm những việc nặng nề để cúng dường đại chúng. Hàn Sơn, Thập Đắc làm tạp vụ trong nhà bếp, nhóm lửa cúng dường đại chúng trong chùa. Sau chùa Quốc Thanh có một cái vườn phóng sanh, trong ấy có một bầy ngỗng. Hàn Sơn, Thập Đắc lúc rảnh rỗi thường đến giỡn với lũ ngỗng, gọi tên họ chúng. Những tên họ được gọi toàn là những pháp sư đã viên tịch tại chùa Quốc Thanh, hễ gọi tên nào, con ngỗng ấy sẽ đáp lời chạy đến. Toàn là những người tu hành xuất gia tại chùa Quốc Thanh sau khi mất đều đọa trong đường súc sanh. Quý vị hãy nghĩ xem: Văn Thù, Phổ Hiền, A Di Đà Phật đều chẳng thể độ họ, chẳng dễ dàng!
Do vậy, phải cứu chính mình trong đời này. Chính mình phải cứu chính mình. Tự mình chẳng cứu chính mình, chẳng có cách nào hết! Người khác giúp quý vị, chỉ là Tăng Thượng Duyên mà thôi. Có bốn thứ duyên, [nhưng ngoài Tăng Thượng Duyên ra, ba thứ duyên còn lại là] Thân Nhân Duyên, Sở Duyên Duyên, và Vô Gián Duyên đều phải do chính mình có đủ; chư Phật, Bồ Tát, Thế Tôn, đồng tham đạo hữu, đều là Tăng Thượng Duyên của quý vị. Nếu chính quý vị chẳng trọn đủ ba điều kiện đầu, dù Tăng Thượng Duyên tốt đẹp như thế nào cũng bị uổng phí, vô dụng! Xưa kia, quy củ giáo học trong chùa chiền rất nghiêm ngặt, cách bổng hát[2] nghiêm ngặt có thể đánh thức người ta! Thật sự đánh, thật sự có thể lay tỉnh quý vị. Nay thì ai dám đánh? Nếu quý vị vừa đánh hay chửi, ngay lập tức đâm đơn kiện liền! Do vậy, hiện thời không có ai đánh quý vị, mà cũng không có ai chửi quý vị, có thể thành tựu hay không hoàn toàn cậy vào chính mình. Chính mình đọa lạc, Phật, Bồ Tát ngó thấy cũng chẳng có cách nào, chỉ đành để quý vị đọa lạc. Vì thế, tam ác đạo là ba thứ trong bát nạn.
“Manh, lung, ám, á” (mù, điếc, ngọng, câm) cũng là một thứ nạn. “Manh” (盲) là mù mắt, người ấy chẳng xem kinh sách được, chẳng thấy tượng Phật. “Lung” (聾: điếc) thì thuyết pháp cho người ấy, kẻ ấy chẳng thể nghe. “Á” (啞: câm) thì trong tâm có nghi vấn chẳng hỏi được. Đối với việc học Phật, đều là gặp chướng ngại rất lớn.
Loại thứ năm là Thế Trí Biện Thông, rất có biện tài, có trí huệ thông minh thế gian, chẳng tin tưởng Phật pháp. Nói Phật pháp với kẻ ấy, hắn cứ cãi ngang, nói toàn những lý luận cong quẹo. Loại người này chẳng dễ tiếp nhận, tự cho mình là đúng.
“Phật tiền, Phật hậu”: Sanh nhằm vào thời đại không có Phật pháp, chẳng có cơ hội nghe Phật pháp. Quý vị sanh trong thế gian, đức Phật chưa xuất hiện, trong thế gian không có Phật pháp. Hoặc lúc quý vị sanh ra, pháp vận của Phật đã hết. Pháp vận của Thích Ca Mâu Ni Phật là một vạn hai ngàn năm; sau một vạn hai ngàn năm, thế gian này không còn Phật pháp nữa, Phật pháp hoàn toàn tiêu diệt, ắt phải đợi đến Di Lặc Phật xuất hiện trong thế gian. Ngài Di Lặc hiện đang là Bồ Tát, đến khi nào mới hạ sanh làm Phật trong nhân gian? Trong Di Lặc Hạ Sanh Kinh, Thích Ca Mâu Ni Phật cho biết: Lấy niên đại của chúng ta để tính toán thì năm mươi sáu ức bảy ngàn vạn năm sau, Di Lặc Phật mới từ trời Đâu Suất giáng hạ, thế gian này lại có Phật pháp. Quý vị hãy nghĩ xem: Thời gian không có Phật pháp dài cỡ nào? Phật pháp của Thích Ca Mâu Ni Phật chỉ có một vạn hai ngàn năm; hiện thời, đức Phật đã diệt độ ba ngàn năm, Phật pháp hãy còn chín ngàn năm nữa. Sau chín ngàn năm, sẽ không có Phật pháp; lại phải đợi năm mươi sáu ức bảy ngàn vạn năm sau, Di Lặc Phật xuất hiện trong thế gian mới có Phật pháp. Vì thế, sanh trước hay sanh sau Phật, muốn học Phật mà chẳng có nhân duyên, chẳng có cơ hội. Chúng ta nay được làm thân người, sống trong thời kỳ Mạt Pháp của Thích Ca Mâu Ni Phật, là may mắn lớn nhất trong những sự bất hạnh, lại còn sống trong một ngàn năm đầu tiên của thời kỳ Mạt Pháp. Nói cách khác, vẫn còn một chút duyên dính líu với chánh pháp. Nếu chẳng khéo nắm lấy cơ hội này, hễ mất thân người, lần sau lại được làm thân người, sợ nhằm đúng thời diệt pháp, muốn nghe Phật pháp, chẳng dễ gì có cơ hội! Trong bài kệ Khai Kinh có câu: “Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp, bách thiên vạn kiếp nan tao ngộ”. Những câu này đáng để chúng ta phải răn dè!
Trừ những điều này ra, còn có hai nơi cũng thuộc vào tám nạn. Một là Bắc Câu Lô Châu (Uttakuru)[3], người ở nơi ấy phước báo quá lớn, chẳng tin tưởng Phật pháp. Như câu nói: “Phú quý khó học đạo”, cuộc sống của họ không phải lo âu gì, suốt ngày từ sáng đến tối sung sướng, cho rằng đã quá tốt đẹp rồi, coi thường chuyện học Phật. Trong chùa Phật, Vi Đà Bồ Tát là thần hộ pháp, trên tấm hoành phi [treo phía trên bàn thờ Ngài] ghi “tam châu cảm ứng”. Rõ ràng là có bốn đại bộ châu[4], cớ sao Ngài chỉ cảm ứng ba châu? Ba châu là trừ Bắc Câu Lô Châu ra. Bắc Câu Lô Châu không có Phật pháp, Ngài đến nơi đó vô ích, cho nên chỉ hộ pháp trong ba châu, tam châu cảm ứng! Sanh vào Bắc Câu Lô Châu là nơi không có Phật pháp. Còn có một nơi nữa là Vô Tưởng Thiên (Asamjñasattva), còn gọi là Trường Thọ Thiên, thuộc Đệ Tứ Thiền Thiên trong Sắc Giới. Đức Phật giảng pháp cho họ, họ bèn nhập Định, cũng chẳng thấy, chẳng nghe, cũng chẳng có cách nào hết. Tám loại này gọi là “gặp nạn”, không có cơ duyên nghe pháp!
Những điều này hoàn toàn nói theo sự tướng. Nếu nói theo Lý, ý nghĩa này càng sâu hơn. Kinh Hoa Nghiêm dạy: Tam đồ bát nạn, chỉ cần có thể quay đầu, cũng có thể vượt trọn vẹn lên Thập Địa, chẳng thể nghĩ bàn! Vượt lên địa vị Thập Địa, viên thành Phật đạo. Do vậy, kinh Hoa Nghiêm không chỉ là Viên, mà còn là Đốn. Kinh này và kinh Quán Vô Lượng Thọ nói rất rõ ràng: Ngạ quỷ, địa ngục, súc sanh, “đản niệm Phật giả, tất vãng sanh cố” (chỉ cần niệm Phật, đều được vãng sanh), so ra còn nhanh chóng hơn kinh Hoa Nghiêm. Vì thế, Hoa Nghiêm có gì, kinh này cũng có.
Nay chúng ta tuy chưa đọa địa ngục, nhưng nếu quý vị hết sức lắng lòng suy nghĩ, chẳng phải là hiện thời quý vị đã ghi danh trong địa ngục rồi hay sao? Thật đấy! Chẳng giả đâu! Đọc kỹ kinh văn, đối chiếu với tư tưởng và hành vi của chính mình, sẽ hiểu rõ chính mình đã tạo nghiệp nhân địa ngục. Tạo nghiệp nhân địa ngục là đã ghi danh trong sổ bộ, đến khi ấy phải có mặt. Lúc này, nếu giác ngộ thì vẫn còn kịp! Giống như pháp sư Oánh Kha đời Tống, là người xuất gia, cảm thấy chính mình đã ghi danh trong sổ bộ địa ngục, chẳng có cách nào, cho nên nguội lạnh cõi lòng, một mực niệm Phật, niệm đến mức cảm A Di Đà Phật hiện ra. Sư bèn vãng sanh, vị này phi phàm! Thật sự quay đầu, thật sự giác ngộ. Chúng sanh trong ác đạo, làm các thứ ác nghiệp, chịu quay đầu niệm Phật, vẫn còn có thể cứu! Trong kinh Hoa Nghiêm có giáo nghĩa đới nghiệp vãng sanh, mà kinh Di Đà cũng có.
(Sớ) Lục, Hoa Nghiêm nhất tức nhất thiết, cố Như Lai năng ư nhất thân hiện bất khả thuyết Phật sát vi trần số đầu, nhất nhất đầu xuất nhĩ sở thiệt, nhất nhất thiệt xuất nhĩ sở âm thanh, nãi chí văn tự, cú nghĩa, sung mãn pháp giới.
(疏) 六 、 華嚴一即一切 , 故如來能於一身現不可說
佛剎微塵數頭,一一頭出爾所舌,一一舌出爾所音聲,乃至文字句義,充滿法界。
(Sớ: Sáu là trong kinh Hoa Nghiêm, một chính là hết thảy. Cho nên đức Như Lai có thể trong một thân hiện ra số đầu bằng số các vi trần trong một bất khả thuyết cõi Phật, mỗi mỗi đầu hiện ngần ấy lưỡi, mỗi mỗi lưỡi phát ra ngần ấy âm thanh, cho đến văn tự, cú nghĩa đầy khắp pháp giới).
Đây là cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn, thần thông chẳng thể nghĩ bàn trong kinh Hoa Nghiêm.
(Sớ) Thử tắc như Đại Bổn vân.
(疏) 此則如大本云。
(Sớ: Điều này như Đại Bổn đã nói).
Chữ “thử” chỉ bộ kinh này, Tiểu Bổn Di Đà Kinh không có, nhưng Vô Lượng Thọ Kinh (Đại Bổn Di Đà Kinh) có.
(Sớ) Bỉ quốc vô lượng bảo hoa, nhất nhất hoa trung, xuất tam thập lục bách thiên ức quang minh, nhất nhất quang minh, xuất tam thập lục bách thiên ức Phật, phổ vị thập phương thuyết nhất thiết pháp cố.
(疏) 彼國無量寶華 , 一一華中 , 出三十六百千億光
明,一一光明,出三十六百千億佛,普為十方說一切法故。
(Sớ: Cõi ấy có vô lượng hoa báu, trong mỗi hoa, tỏa ra ba mươi sáu trăm ngàn ức quang minh, trong mỗi quang minh, hiện ra ba mươi sáu trăm ngàn ức Phật, khắp vì mười phương nói hết thảy các pháp).
Giáo nghĩa này cũng giống với kinh Hoa Nghiêm. Đó là thần lực chẳng thể nghĩ bàn. Đến khi nào mới có thần thông rộng lớn như thế? Thưa quý vị, Tạng Giáo Phật còn có, huống chi Viên Giáo! Tỳ Lô Giá Na Phật là Viên Giáo Phật, A Di Đà Phật cũng là Viên Giáo Phật, có năng lực ấy! “Nhất thân” là bản thân, vô lượng vô biên thân là phân thân, là hóa thân. Nói thông thường, A La Hán có năng lực này, nhưng năng lực không to. Theo Cao Tăng Truyện ghi chép, có một vị pháp sư Ấn Độ sang Trung Quốc hoằng pháp, sau một thời gian ở tại đó, Sư muốn trở về nước. Có nhiều tín đồ muốn làm tiệc tiễn hành Sư, Sư đều nhận lời, thời gian cùng một ngày. Đến ngày hôm sau, Sư phải lên đường, khi mọi người cáo biệt Sư tại cái trường đình mười dặm đường[5], có người nói: “Ngày hôm qua pháp sư đến nhà tôi nhận cúng dường”, người khác nói: “Hôm qua pháp sư đến nhà tôi nhận cúng dường”. Hỏi ra, cùng một ngày, Sư phân thân tới năm trăm thân, nhà nào cũng đều đến nhận cúng dường, mới biết vị pháp sư ấy có thần thông, phân thân! Cổ đại đức thị hiện như thế, thị hiện xong bèn ra đi, chẳng còn ở lại nơi ấy nữa. A La Hán có thể chia thành năm trăm thân, cùng một lúc đến năm trăm nhà nhận cúng dường, huống hồ Như Lai?
Đây là nói Như Lai phân thân để thuyết pháp, “nhất thân hiện bất khả thuyết Phật sát cực vi trần số đầu” (một thân hiện số đầu bằng số vi trần trong một bất khả thuyết[6] cõi Phật), có đầu đương nhiên có thân, tức là hiện số thân bằng số vi trần trong bất khả thuyết cõi Phật. “Nhất nhất đầu xuất nhĩ sở thiệt” (mỗi một đầu hiện ngần ấy lưỡi), mỗi đầu có một miệng, có một lưỡi, lưỡi bèn thuyết pháp. “Nhất nhất thiệt xuất nhĩ sở âm thanh” (mỗi một lưỡi phát ra ngần ấy âm thanh), phía sau âm thanh bèn nói tới “văn tự, cú nghĩa”, đấy là nội dung của âm thanh, tức là thuyết pháp. “Sung mãn pháp giới” (tràn ngập pháp giới), chư Phật thuyết pháp quả thật tận hư không, khắp pháp giới, mà nay chúng ta tai điếc, nghe không được! Nếu tai quý vị rất thông sáng, mười phương chư Phật thuyết pháp, chúng ta ở đây đều nghe rất rõ ràng. Âm thanh ấy giống như âm thanh của radio, hiện thời radio bị trục trặc, chỉ có một hai băng tần là nghe rõ, những băng tần khác không nghe được. Nếu hoàn toàn khôi phục, đích xác là mười phương chư Phật thuyết pháp, muốn nghe vị Phật nào sẽ nghe vị Phật ấy, muốn nghe pháp môn gì, liền có thể nghe pháp môn ấy, chẳng cần phải đến chỗ Ngài. Ngồi ở đây mà có thể nghe chư Phật Như Lai giảng kinh, thuyết pháp. Đấy là sức thần thông chẳng thể nghĩ bàn của Tỳ Lô Giá Na Phật được nói trong kinh Hoa Nghiêm.
Kinh này cũng có cảnh giới ấy, trong kinh Vô Lượng Thọ nói “vô lượng bảo hoa” trong thế giới Cực Lạc, đấy là hoa sen trong ao bảy báu, hoa phóng quang minh, mỗi một đóa hoa tỏa ra ba mươi sáu trăm ngàn ức quang minh. Đây là con số Thiên Văn, ta không có cách nào tính toán được! Trong mỗi quang minh có hóa Phật, quang trung hóa Phật! Những vị hóa Phật ấy cũng đến mười phương thế giới vì trọn khắp hết thảy các chúng sanh mà thuyết pháp. Ý nghĩa này giống với kinh Hoa Nghiêm, đều nhằm nói rõ kinh này là Viên Giáo.
(Sớ) Thất, Hoa Nghiêm Xá Na, Thích Ca, song thùy lưỡng tướng.
(疏) 七、華嚴舍那釋迦,雙垂兩相。
(Sớ: Bảy là trong kinh Hoa Nghiêm hiện hai tướng là Lô Xá Na Phật và Thích Ca Mâu Ni Phật).
Tỳ Lô Giá Na là Pháp Thân Phật, Pháp Thân là Lý Thể, không có tướng. “Song thùy lưỡng tướng”: Từ Chân Như bổn tánh hiện tướng, hiện ra hai tướng: Một là Lô Xá Na (Rocana), tức là Báo Thân Phật, Tự Thụ Dụng thân; hai là Thích Ca Mâu Ni Phật, tức là Ứng Thân Phật. Chúng sanh có cảm, Phật bèn có ứng, trên thực tế, [Thích Ca Mâu Ni Phật] là Hóa Thân của Tỳ Lô Giá Na Phật. Tướng Báo Thân Phật to lớn, bài Kệ Tán Phật có câu “bạch hào uyển chuyển ngũ Tu Di, cám mục trừng thanh tứ đại hải” (bạch hào mềm mại cuộn tròn to bằng năm quả núi Tu Di, mắt biếc trong vắt như bốn biển), hình dung tướng của Báo Thân Phật. Báo Thân Phật quá lớn, nếu vị Phật này ở ngay trước mặt thì chúng ta chẳng thấy được, vì sao? Còn lớn hơn quả địa cầu của chúng ta. Giống như loài người chúng ta quá to, loài trùng kiến chẳng thấy được, loài kiến thấy chúng ta như một quả núi, chúng nó chẳng biết có cái thân to như thế. Ứng Thân Phật hiện tướng chẳng khác con người cho mấy, tùy loại ứng thân, [tức là] chúng sanh thân tướng như thế nào, Phật bèn hiện thân tướng như thế ấy. Tướng ấy không nhất định, lớn, nhỏ chẳng nhất định, thọ mạng cũng không nhất định. Thọ mạng cũng chẳng khác với thọ mạng của chúng sanh cho lắm!
Lúc Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện trong thế gian, [kinh sách] nói “trượng lục chi thân” là thân cao một trượng sáu thước. Khi ấy, một thước ngắn hơn hiện thời. Trong bộ Luật Học Tam Thập Tam Chủng, Hoằng Nhất đại sư giảng về thước đời Châu thì một thước dài hơn sáu tấc hiện thời một chút. Một trượng sáu thước so ra cao hơn chúng ta hiện thời một chút. Thọ mạng của đức Phật là tám mươi tuổi; đúng lý, Ngài phải sống đến một trăm tuổi, vì Ngài xuất hiện trong thời thọ mạng của con người là một trăm năm, nhưng Ngài viên tịch trước, vì sao? Rất nhiều nguyên nhân! Nhân tố quan trọng nhất là ma yêu cầu Thích Ca Mâu Ni nhập Niết Bàn sớm, ma nói: “Ngài đã hoằng pháp lợi sanh nhiều năm như thế, độ chúng sanh nhiều ngần ấy, đủ rồi, Ngài nên ra đi”. Đức Phật rất từ bi, liền đáp ứng. Nguyên nhân thứ hai là đệ tử Phật vô ý, chẳng biết thỉnh Phật trụ thế. Nguyên nhân thứ ba là Phật lưu lại phước báo của hai mươi năm cho các đệ tử xuất gia mai sau. Kinh nói rất rõ ràng minh bạch, người xuất gia trong đời sau cơm, áo, ăn ở, tứ sự cúng dường[7], những phước báo ấy do Thích Ca Mâu Ni Phật ban cho chúng ta. Phước thừa của đức Phật ban cho các đệ tử trong đời Mạt, nhưng ngày nay đệ tử Phật chẳng thật thà, nghĩ đủ mọi phương cách kiếm chác tiếng tăm, lợi dưỡng, chẳng biết khéo an tâm tu đạo. Nói thật ra, chỉ cần an tâm tu đạo, nhất định chẳng chết đói. Đức Phật dâng hiến phước thừa hai mươi năm của Ngài cho chúng ta, chẳng thể nào chết đói được! Tuy kinh đã nói như thế, người đời sau đọc đến cũng gật đầu; gật đầu xong, chẳng tin, vẫn cầu có tín đồ đông đảo, vẫn nghĩ hết mọi cách để kiếm tiền, vậy là không có cách nào hết! Vì thế, vào cửa Phật mà chẳng tin Phật, chẳng thể y giáo phụng hành. Kinh này cũng có “song thùy lưỡng tướng”.
(Sớ) Thử tắc như Quán Kinh vân: A Di Đà Phật hiện lục thập vạn ức na-do-tha Hằng hà sa do-tuần chi thân.
(疏)此則如觀經云,阿彌陀佛現六十萬億那由他恆河沙由旬之身。
(Sớ: Ở đây thì như trong Quán Kinh đã nói A Di Đà Phật hiện thân to đến sáu mươi vạn ức na-do-tha Hằng hà sa do-tuần).
Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh có đoạn nói như vậy, đấy là Báo Thân Phật. Báo Thân Phật quả thật quá to, số lượng này quá lớn so với địa cầu.
(Sớ) Nhi hựu kiến trượng lục chi thân, ư trì thủy thượng cố.
(疏) 而又見丈六之身,於池水上故。
(Sớ: Lại còn thấy thân trượng sáu trên mặt nước ao).
Đây là tướng tiếp dẫn. Đức Phật dùng hóa thân đến mười phương thế giới tiếp dẫn hết thảy chúng sanh. Khi những chúng sanh trong mười phương thế giới vãng sanh, A Di Đà Phật đến tiếp dẫn họ, thân tiếp dẫn hoàn toàn là Hóa Thân của A Di Đà Phật. Quý vị thấy thân tướng ấy của Phật gần như bằng chúng ta, hoặc cao hơn chúng ta gấp bội; hiện thân ấy để tiếp dẫn quý vị, nhỏ hơn thân thật sự của Ngài quá nhiều. Vì vậy, [trong kinh này, A Di Đà Phật] cũng có phân thân.
(Sớ) Bát, Hoa Nghiêm dĩ Lô Xá Na Phật vi giáo chủ, thử tắc như Thanh Lương vân: “A Di Đà Phật tức Bổn Sư Lô Xá Na cố”.
(疏) 八 、 華嚴以盧舍那佛為教主 , 此則如清涼云:
阿彌陀佛即本師盧舍那故。
(Sớ: Tám, kinh Hoa Nghiêm lấy Lô Xá Phật làm giáo chủ, kinh này thì như ngài Thanh Lương đã nói: “A Di Đà Phật tức Bổn Sư Lô Xá Na Phật”).
Trong Hoa Nghiêm Kinh Sớ Sao, theo cách nhìn của Thanh Lương đại sư, Lô Xá Na Phật trong hội Hoa Nghiêm chính là A Di Đà Phật, là một người, chẳng phải hai. Trong Tây Phương Cực Lạc thế giới gọi là A Di Đà Phật, trong thế giới Hoa Tạng gọi là Lô Xá Na Phật, ý nghĩa này càng viên mãn. Giống như một người có hai chức vụ, có hai văn phòng, nhưng thật ra là một người. Tây Phương Cực Lạc thế giới thật sự giống như một trường Đại Học, đến nơi ấy để viên thành Phật đạo, thành tựu viên mãn Vô Thượng Bồ Đề. Đến Tây Phương Cực Lạc thế giới để hoàn thành học nghiệp; sau khi hoàn thành, đến mười phương thế giới hóa độ chúng sanh hữu duyên. Kinh luận dạy chúng ta: Lúc bình thường phải rộng kết pháp duyên với hết thảy chúng sanh. Pháp duyên nhiều, độ chúng sanh cũng nhiều; pháp duyên ít, độ chúng sanh cũng ít.
Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện trong thế gian này, thuyết pháp bốn mươi chín năm, giảng kinh hơn ba trăm hội, pháp duyên sâu đậm. Pháp duyên của Di Lặc Bồ Tát chẳng bằng Thích Ca Mâu Ni Phật, trong tương lai Di Lặc Bồ Tát xuất hiện trong thế gian chỉ có ba hội Long Hoa, Thích Ca Mâu Ni Phật có hơn ba trăm hội. Đấy là tuy đều thành Phật, nhưng mỗi vị trong đời quá khứ kết pháp duyên với chúng sanh khác nhau. Di Lặc Bồ Tát tuy chỉ có ba hội, nhưng đệ tử được Ngài độ rất đông, nói về số lượng sẽ chẳng kém Thích Ca Mâu Ni Phật.
(Sớ) Cửu, Hoa Nghiêm danh đại bất tư nghị, Tịnh Danh chư kinh danh tiểu bất tư nghị, thử tắc diệc danh Bất Khả Tư Nghị Công Đức cố.
(疏) 九 、 華嚴名大不思議 , 淨名諸經名小不思議;
此則亦名不可思議功德故。
(Sớ: Chín là kinh Hoa Nghiêm được gọi là đại bất tư nghị, các kinh như kinh Tịnh Danh[8] gọi là tiểu bất tư nghị, kinh này còn có tên là Bất Khả Tư Nghị Công Đức).
Tựa đề của kinh này được La Thập đại sư dịch là Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Kinh, trong tựa đề của kinh có chữ “bất khả tư nghị”. Hoa Nghiêm là đại bất tư nghị, quả thật là chẳng thể nghĩ bàn trong hết thảy các kinh. Phẩm Nhập Pháp Giới của Tứ Thập Hoa Nghiêm có tên gọi đầy đủ là Nhập Bất Tư Nghị Giải Thoát Cảnh Giới Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm. Cảnh giới giải thoát chẳng thể nghĩ bàn là sở nhập, hạnh nguyện Phổ Hiền là năng nhập. Vì thế, kinh Hoa Nghiêm gọi là kinh điển Đại Bất Khả Tư Nghị. Kinh Tịnh Danh là kinh Duy Ma Cật, được gọi là Tiểu Bất Khả Tư Nghị Kinh, những cảnh giới được nói trong kinh ấy quả thật chẳng thể nghĩ bàn.
Chữ “thử” chỉ kinh này (kinh A Di Đà). Tựa đề của một bản kinh chính là cương lãnh của trọn bản kinh. “Xưng tán”, ai xưng tán? Mười phương ba đời hết thảy chư Phật xưng tán, không có vị Phật nào chẳng xưng tán. Người xưng tán chẳng phải là người tầm thường, mà là mười phương ba đời hết thảy chư Phật. Đối tượng được xưng tán là bộ kinh Di Đà này. Đủ thấy bộ kinh này có giá trị cao lắm! Quý vị kiểm trong tất cả kinh điển do đức Phật đã nói, có bộ kinh nào được hết thảy chư Phật xưng tán hay chăng, ngay cả kinh Hoa Nghiêm cũng không có, nhưng kinh Di Đà được hết thảy chư Phật khen ngợi, khen ngợi điều gì? “Bất khả tư nghị công đức”! Bất khả tư nghị là không thể nói được, “nghị” là nghị luận, công đức mầu nhiệm, rộng lớn không có cách nào diễn tả, “tư” là tư duy, không có cách nào suy nghĩ được! “Công” là niệm A Di Đà Phật, “đức” là vãng sanh Tịnh Độ. Hễ vãng sanh liền chứng trọn vẹn ba thứ Bất Thoái. Tín nguyện trì danh là Công, vãng sanh chẳng thoái chuyển là Đức. “Nhất thiết chư Phật chi sở hộ niệm”: Pháp môn Niệm Phật được hết thảy chư Phật hộ trì. Trong tâm của hết thảy chư Phật, niệm niệm chẳng quên pháp môn này; quý vị có thể tu học pháp môn này, nhất định được hết thảy chư Phật hộ niệm; bởi lẽ, chư Phật hộ niệm kinh này, hộ niệm pháp môn này, chúng ta đọc bộ kinh này, chiếu theo pháp môn này để tu học, đương nhiên cũng được hết thảy chư Phật hộ niệm. Quý vị đồng tu phải biết: Trong vô lượng vô biên pháp môn, pháp môn Niệm Phật là bậc nhất. Đây là sự thật ngàn vạn phần xác đáng. Quý vị tin tưởng, sẽ có đại phước báo. Quý vị không tin, tu học các pháp môn khác, thích pháp môn nào bèn tu học pháp môn ấy. Quý vị học các pháp môn khác, đời này chưa chắc thành tựu, học pháp môn này, đời này quyết định thành tựu. Vì thế, pháp môn này thù thắng! Tương ứng với kinh Hoa Nghiêm ở chỗ giáo nghĩa “bất tư nghị” này.
(Sớ) Thập, Hoa Nghiêm vi giáo, tức phàm phu tâm, tiện thành chư Phật bất động trí.
(疏) 十、華嚴為教,即凡夫心,便成諸佛不動智。
(Sớ: Mười, giáo nghĩa của kinh Hoa Nghiêm là từ ngay cái tâm phàm phu mà thành tựu trí bất động của chư Phật).
Đây là giáo nghĩa của Hoa Nghiêm: Thành Phật trong một đời! Hoa Nghiêm nói thành Phật trong một đời, Thiện Tài đồng tử tham học năm mươi ba lần nhằm nêu gương cho chúng ta thấy: Từ hạng phàm phu lè tè sát đất, chẳng cần đợi đến đời thứ hai bèn viên chứng Phật quả ngay trong một đời, những kinh điển khác chẳng có điều này. Đối với thuyết “tức thân thành Phật” (thành Phật ngay trong cái thân này) của Mật Tông, Ấn Quang đại sư đã giảng rất rõ ràng. Kiến giải của các ngài Đế Nhàn và Đàm Hư đối với chuyện này gần như là nhất trí [với quan điểm của tổ Ấn Quang], [“tức thân thành Phật”] chỉ là liễu sanh tử mà thôi! Mật Tông nói “tức thân thành Phật” là liễu sanh tử trong một đời, liễu sanh tử rốt cuộc là địa vị nào? Tiểu Thừa A La Hán đã liễu sanh tử. Bồ Tát thuộc địa vị Thất Tín trong Viên Giáo liễu sanh tử. Nói cách khác, “tức thân thành Phật” như Mật Tông đã nói chính là địa vị này, chẳng thể sánh bằng Hoa Nghiêm! Một đời thành Phật trong Hoa Nghiêm chính là Phật quả rốt ráo viên mãn trong Viên Giáo, từ địa vị phàm phu mà thành Phật. “Tiện thành chư Phật bất động trí” (bèn thành tựu trí bất động của chư Phật). Bất động trí, nói đơn giản là thật sự chứng đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn; trong bài kệ Hồi Hướng chúng ta thường đọc có câu: “Hoa khai kiến Phật ngộ Vô Sanh” (hoa nở thấy Phật ngộ Vô Sanh). Khi ấy, đích thân thấy Thật Tướng của các pháp, thật sự thấy tướng chân thật của hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian. Thấy được tướng ấy là thấy gì? Bất sanh, bất diệt, bình đẳng nhất tướng, đó gọi là Nhất Pháp Giới Đại Tổng Tướng Pháp Môn Thể, cũng là cái mà nay chúng ta gọi là “bản thể của vạn hữu trong vũ trụ”, Thiền gia gọi nó là “diện mạo sẵn có trước khi được cha mẹ sanh ra”. Thấy được diện mạo sẵn có là thành Phật. Đó là giáo nghĩa của kinh Hoa Nghiêm, còn kinh này thì…
(Sớ ) Thử tắc bất việt xưng danh, Phật hiện tiền cố.
(疏) 此則不越稱名,佛現前故。
(Sớ: Kinh này thì chẳng vượt khỏi xưng danh mà Phật hiện tiền).
“Bất việt” là chẳng vượt qua, tu pháp môn này là một câu Phật hiệu. Quý vị phải biết: Rốt cuộc cách niệm Phật trong Niệm Phật Đường là như thế nào? Một Niệm Phật Đường thật sự sẽ chẳng niệm kinh, cũng chẳng niệm chú Vãng Sanh, chẳng dùng đến kệ tán Phật, mà là bốn chữ A Di Đà Phật, tức là một câu Phật hiệu suốt ngày từ sáng đến tối trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ chẳng gián đoạn. Pháp khí trong ấy tối đa là một cái dẫn khánh, một cái mõ nhỏ. Người ta làm sao chịu đựng nổi? Luân lưu niệm! Quý vị niệm mệt bèn nghỉ ngơi, người nghỉ khỏe khoắn rồi lại niệm tiếp. Giống như Niệm Phật Đường của Ấn Quang đại sư xưa kia, niệm suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ chẳng gián đoạn. Buổi tối là bốn người một ban, luân phiên niệm. Bốn người trực ban thì phải gõ dẫn khánh, gõ mõ, hướng dẫn mọi người niệm. Đông người hơn thì tùy hỷ. Cách niệm là như vậy, một năm ba trăm sáu mươi ngày, mỗi ngày đều giống như thế, tuyệt đối chẳng gián đoạn. Đó gọi là Niệm Phật Đường; Niệm Phật Đường ấy được chư Phật hộ niệm.
Do vậy, trong Niệm Phật Đường không có tạp tâm chuyện gẫu, không nói năng, chỉ có âm thanh niệm Phật. Quý vị nhiễu niệm cũng được, ngồi niệm cũng được, đứng niệm cũng được, lễ niệm cũng được, ai nấy chẳng trở ngại nhau. Có một khu vực nhất định, nơi này để lễ Phật, nơi kia để chỉ tịnh, ngồi niệm, phía ngoài để vừa đi kinh hành vừa niệm Phật, phân chia phạm vi. Quý vị thích nhiễu niệm, ra phía ngoài. Thích ngồi niệm, đến chỗ này; thích lễ Phật, ra nơi kia. Đôi bên chẳng trở ngại nhau. Chỉ có một câu Phật hiệu, ngày đêm không gián đoạn, đó gọi là Niệm Phật Đường. Do vậy, muốn thật sự kiến lập Niệm Phật Đường như vậy, tôi cảm thấy tối thiểu phải có hai trăm người đồng tu thì mới có thể luân lưu [trực ban] được. Số người ít sẽ không thể làm được. Có được hai trăm người thì gần như là phải mấy ngày mới đến phiên trực một lần, thân tâm của chính mình không bị áp lực. Chẳng hạn như, mỗi tuần chỉ luân phiên niệm hai tiếng đồng hồ, đó là khi quý vị trực ban. Ngoài lúc ấy ra, quý vị sẽ thoải mái lắm, niệm mệt bèn nghỉ ngơi, nghỉ khỏe rồi, quay trở lại niệm. Tự do tự tại chẳng bị gò bó, thật sự khiến cho thân tâm thanh tịnh, có thể thành tựu người khác!
“Bất việt xưng danh” (chẳng vượt ra ngoài phép xưng danh) là tín nguyện trì danh. Câu Phật hiệu này niệm đến mức chẳng gián đoạn, chẳng xen tạp (khi niệm Phật, quyết chẳng khởi vọng tưởng. Nếu khởi vọng tưởng tức là xen tạp), chẳng hoài nghi, chính mình có tín tâm kiên định, trong một đời này vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, nhất định thành công! “Phật hiện tiền cố” (Phật hiện tiền), nhất định thấy Phật! Trong kinh Lăng Nghiêm, Đại Thế Chí Bồ Tát [đã dạy] “ức Phật, niệm Phật, hiện tiền, tương lai, nhất định thấy Phật”.
(Sớ) Thị tắc tề đẳng Tịnh Danh chư kinh.
(疏) 是則齊等淨名諸經。
(Sớ: Do vậy, giống như các kinh Tịnh Danh v.v…)
Kinh Tịnh Danh là Tiểu Bất Tư Nghị Kinh, kinh Di Đà cũng thuộc loại kinh điển bất tư nghị, cùng thuộc về Viên Giáo như kinh Hoa Nghiêm.
(Sớ) Đồng vi Hoa Nghiêm lưu loại.
(疏) 同為華嚴流類。
(Sớ: Có cùng dòng, loại với kinh Hoa Nghiêm).
Cùng một dòng, một loại với kinh Hoa Nghiêm. Hoa Nghiêm giống như nguồn chánh, là nơi phát nguyên. Kinh này là chi lưu của kinh Hoa Nghiêm, thuộc cùng một loại với Hoa Nghiêm, cùng với kinh Hoa Nghiêm đều thuộc vào Viên Giáo.
(Sớ) Viên Giáo toàn nhiếp thử kinh, thử kinh phần nhiếp Viên Giáo.
(疏) 圓教全攝此經,此經分攝圓教。
(Sớ: Viên Giáo nhiếp trọn vẹn kinh này, kinh này một phần thuộc về Viên Giáo).
Viên Giáo là Hoa Nghiêm, kinh Hoa Nghiêm hoàn toàn bao quát bộ kinh này, nhưng kinh này phần nhiếp Viên Giáo. Trong bộ kinh này có một bộ phận quả thật thuộc về giáo nghĩa Viên Giáo.
(Sớ) Dĩ thiểu phần nghĩa, cố danh Phần Viên dã.
(疏) 以少分義,故名分圓也。
(Sớ: Do có chút phần [thuộc giáo nghĩa Viên Giáo], nên gọi là Phần Viên).
“Phần” là bộ phận, nó có một phần quả thật tương đồng với giáo nghĩa Hoa Nghiêm. Đủ thấy trong toàn bộ giáo nghĩa của Phật giáo, bộ kinh này có phạm vi hết sức rộng lớn, đã rộng lại sâu, quyết chẳng thể coi rẻ được! Hôm nay đã hết thời gian rồi!
[1] Nghĩa thú: Ý nghĩa và chỉ thú (chỗ hướng đến, tông chỉ, mục đích hướng đến).
[2] Bổng (棒) là dùng gậy đánh, hát (喝) là quát to. Đây là phương cách thường được dùng để chỉ điểm người đến tham học của ngài Lâm Tế Nghĩa Huyền. Về sau, mọi phương pháp chỉ dạy, cảnh tỉnh đều gọi chung là “bổng hát”.
[3] Bắc Câu Lô Châu còn dịch là Uất Đan Việt, Uất Đát La, Úc Đa La Cưu Lưu, Ốt Đát La Củ Lô v.v… dịch nghĩa là Cao Thắng, Phước Địa. Theo kinh A Hàm, A Tỳ Đàm Luận, và Du Già Sư Địa Luận, châu Uất Đan Việt ở phương Bắc núi Tu Di. Châu này vuông vức, kích thước mỗi bề là mười ngàn do-tuần, bốn phía bằng phẳng, con người thọ ngàn năm, không có các nỗi khổ, thường hưởng khoái lạc, cần dùng vật gì cứ lấy từ cây Như Ý, chẳng cần phải lo ăn uống, nhà cửa. Con cái đẻ ra không cần nuôi, ai đi qua thấy trẻ đói đưa ngón tay gần miệng đứa bé, liền có sữa chảy ra. Châu này thuộc quyền quản trị của Tỳ Sa Môn thiên vương (Vaiśravana).
[4] Bốn đại châu là ngoại trừ Bắc Câu Lô Châu còn có:
- Nam Diêm Phù Đề (Jambudvīpa): Nằm ở phía Nam núi Tu Di, có hình tam giác cụt, đáy nhỏ hướng xuống dưới, châu vi mười ngàn do tuần. Châu này được đặt tên theo cây Diêm Phù. Địa cầu của chúng ta thuộc về châu này. Tuổi thọ biến thiên từ mười năm đến tám vạn bốn ngàn năm theo chu kỳ tăng giảm của tiểu kiếp.
- Đông Thắng Thần Châu (Pūrvavideha): Nằm ở phía Đông núi Tu Di, có hình bán nguyệt, thọ mạng con người trong châu này là hai trăm năm mươi năm.
- Tây Ngưu Hóa Châu (Aparagodānīya): Nằm ở phía Tây núi Tu Di, châu có hình tròn. Con người trong cõi này thọ năm trăm tuổi, không sống trong nhà mà ngủ trên mặt đất.
[5] Nguyên văn “thập lý trường đình”: Thời Tần – Hán, cứ mỗi mười dặm đường, chánh quyền sở tại lập một cái đình để người đi đường nghỉ chân hoặc dành cho thân hữu tiễn biệt bạn bè. Đình là một cái nhà nhỏ không vách, chỉ có cột, bên trong thường có kê bàn ghế bằng đá. Theo cổ lễ, tiễn nhau phải theo chân mười dặm đường. Về sau, cứ năm dặm lập một cái đình, gọi đó là “đoản đình”, còn đình ở khoảng cách mười dặm gọi là “trường đình”.
[6] Theo phẩm A Tăng Kỳ trong kinh Hoa Nghiêm, một bất khả thuyết là một trong các con số lớn, tính từ một lạc-xoa là một trăm ngàn, câu-chi là một trăm lạc-xoa, câu-chi lần câu-chi là một a-dữu-đa, a-dữu-đa lần a-dữu-đa là một na-do-tha v.v… Một bất khả thuyết là sau số 1 có: 4.652.297.985.247.205.555.163.324.710.981.206. 016 con số 0.
[7] “Tứ sự cúng dường” là cung cấp bốn nhu cầu sinh hoạt thông thường cho Phật và Tăng đoàn, tức là cung cấp y phục, thức ăn, vật dụng để nằm và thuốc men.
[8] Tịnh Danh Kinh là tên gọi thông thường của kinh Duy Ma Cật (vì Duy Ma Cật dịch sang nghĩa tiếng Hán là Tịnh Danh, hoặc Vô Cấu Xưng). Sở dĩ nói “Tịnh Danh chư kinh” vì kinh này có đến bảy bản dịch, nhưng đã thất lạc bốn bản, chỉ còn ba bản:
- Phật Thuyết Duy Ma Cật Kinh do cư sĩ Chi Khiêm dịch vào thời Đông Ngô.
- Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh do ngài Cưu Ma La Thập dịch vào đời Diêu Tần.
- Thuyết Vô Cấu Xưng Kinh do ngài Huyền Trang dịch vào đời Đường.
Bản dịch của Ngài Cưu Ma La Thập có ghi tên kinh Duy Ma Cật là Bất Khả Tư Nghị Giải Thoát Kinh. Tên gọi này do chính đức Phật nói, vì trong phẩm Chúc Lụy, đức Phật đã dạy ngài A Nan: “Này A Nan! Kinh này tên là Duy Ma Cật Sở Thuyết, còn gọi là Bất Khả Tư Nghị Giải Thoát Pháp Môn”. Bản của ngài Chi Khiêm ghi gần giống như vậy, bản của ngài Huyền Trang ghi: “Đức Thế Tôn bảo rằng: – Kinh như thế này có tên là Thuyết Vô Cấu Xưng Bất Khả Tư Nghị Tự Tại Thần Biến Giải Thoát Pháp Môn, hãy trì như thế”.