Tập 245/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 03-003-0289

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 245

          Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm bảy mươi lăm:

          (Sao) Diệc phân ngũ giáo giả, dĩ liên phân cửu phẩm, tắc tiểu, đại, thiển, thâm, tự hữu sai đẳng. Như Tiểu Giáo dĩ diêu tâm tạo nghiệp, nhi cảm tiền cảnh vi nhất tâm. Thỉ Giáo dĩ A Lại Da Thức sở biến vi nhất tâm. Chung Giáo dĩ thức cảnh như mộng, duy Như Lai Tạng vi nhất tâm. Đốn Giáo dĩ nhiễm tịnh câu mẫn vi nhất tâm. Viên Giáo dĩ tổng cai vạn hữu tức thị nhất tâm.

          ()亦分五教者,以蓮分九品。則小大淺深,自有差等。如小教以繇心造業而感前境為一心。始教以阿賴耶識所變為一心;終教以識境如夢,唯如來藏為一心;頓教以染淨俱泯為一心;圓教以總該萬有即是一心。

(Sao: Cũng chia thành năm giáo, vì chia thành chín phẩm sen. Cho nên phải có sai khác nhỏ, lớn, cạn, sâu. Như Tiểu Giáo coi “do tâm tạo nghiệp mà cảm tiền cảnh” là nhất tâm. Thỉ Giáo coi cái được biến bởi A Lại Da Thức là nhất tâm. Chung Giáo coi “thức cảnh như mộng, chỉ có Như Lai Tạng” là nhất tâm. Đốn Giáo coi “nhiễm và tịnh cùng mất” là nhất tâm. Viên Giáo coi “bao trùm vạn hữu” chính là nhất tâm).

 Trong đoạn này, Liên Trì đại  sư  dùng  cách  phán  giáo  của  tông

Hiền Thủ. Tông Hiền Thủ còn gọi là tông Hoa Nghiêm. Các vị tổ sư đại đức của tông phái này, đối với hết thảy các kinh do Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói trong suốt bốn mươi chín năm bèn xếp đặt thứ tự cạn, sâu, giống như chúng ta sắp xếp các môn học trong nhà trường hiện thời: Môn học nào đáng nên xếp vào bậc Tiểu Học để học sinh Tiểu Học tiếp nhận, môn học nào nên xếp vào bậc Trung Học, môn học nào đáng nên xếp vào bậc Đại Học. Nhưng chư vị ắt cần phải biết: Thuở Thích Ca Mâu Ni Phật tại thế, đích xác là chẳng có những ý nghĩa này, trọn chẳng có cách sắp xếp như vậy, do nguyên nhân nào? Thuở đức Phật tại thế, vì chúng sanh giảng kinh, thuyết pháp, do thời điểm, do nơi chốn, do [căn cơ của] người hỏi [khác nhau] mà [mỗi kinh] có chỗ sai khác. Người hướng về đức Phật thỉnh giáo, hoàn toàn chẳng phải là trình độ rất ngang nhau, có thể là người trước có trình độ rất thấp, người sau có trình độ rất cao. Đức Phật bèn ứng cơ thuyết pháp (thuyết pháp tương ứng với căn cơ), đấy là tình huống trong thuở ấy.

Về sau, kinh điển sau khi đã được chỉnh đốn liên tục, truyền sang Trung Hoa, những vị đại đức tại Trung Hoa nhằm dạy học thuận tiện, bèn làm giống như trong nhà trường hiện thời, căn cứ theo thứ tự [nội dung của từng môn học] là cạn hay sâu mà ấn định một thứ tự. Tông Hiền Thủ chia [toàn bộ giáo pháp của đức Phật] thành năm giáo, tông Thiên Thai chia thành bốn giáo, dựa theo thứ tự cạn hay sâu sai khác; nhưng những kinh ấy đều hoàn toàn là do đức Phật đã nói. Chúng ta thấy đức Phật nói những lời ấy, bèn biết là Ngài nói với những người thuộc một trình độ nào đó!

          Tiểu Giáo là nói với hàng sơ học tiểu căn khí, đó là “do tâm tạo nghiệp”. Tiểu Thừa trình độ nông cạn, đức Phật vì họ thuyết pháp chỉ nói đến thức thứ sáu, tức ý thức, họ có thể lãnh hội điều này. Giống như người hiện thời nói về ý thức và tiềm ý thức (unconscious mind), họ có thể hiểu, [vì đó] là những danh từ trong khoa học hiện tại. Nói với họ về thức thứ tám, hoặc thức thứ bảy, họ mê hoặc, chẳng biết là chuyện gì. [Do đó], chỉ nói đến ý thức, chẳng nhắc đến tám thức. Hoặc là có những kinh luận, trong kinh Tiểu Thừa đôi khi nhắc đến tám thức, nhưng vẫn lấy sáu thức làm chánh yếu, [hai thức kia] chỉ được nhắc kèm thêm mà thôi. Họ chấp trước thân này là thực tại, chấp trước cảnh giới bên ngoài cũng là thực tại. Quả thật là đại đa số mọi người có sự phân biệt, chấp trước ấy, vì họ là “do tâm tạo nghiệp” nên mới cảm khá nhiều cảnh giới trong tam giới lục đạo. [Vì thế], họ coi những thứ ấy là nhất tâm.

          Người thuộc loại căn tánh Đại Thừa Thỉ Giáo thông minh hơn người Tiểu Giáo, cũng có thể nói là họ có tư tưởng phóng khoáng hơn, chẳng bảo thủ, chấp trước như người Tiểu Thừa. Do vậy, đức Phật nói tám thức với họ. Nói tới Duy Thức (Vijñāptimātratā) thì theo cách nói hiện thời, [Duy Thức] là Tâm Lý Học. Nói càng sâu, càng rộng hơn sáu thức, bảo cho chúng ta biết là có tám thức: Ngoài sáu thức, còn có A Lại Da và còn có Mạt Na. Tuy đã biết tám thức, đây là Đại Thừa vừa mới khởi đầu! Trong cái tâm tám thức, cất giữ chủng tử thiện ác từ vô lượng kiếp tới nay. “Chủng tử” (種子, Bīja) là danh từ trong Pháp Tướng Duy Thức, người hiện thời gọi nó là “tiềm ý thức”, gặp duyên sẽ lôi kéo, kích thích [nghiệp tướng] sanh khởi. Do vậy, bèn khởi tác dụng. Hễ khởi tác dụng bèn gọi là “hiện hành” (現行, Adhyācāratā). Đức Phật nói: Trong A Lại Da Thức có đủ chủng tử của mười pháp giới. Chủng tử nào có sức mạnh to lớn, sẽ khởi tác dụng trước, [chủng tử nào] mạnh sẽ lôi [thần thức] đi trước. Đấy là tình hình hứng chịu quả báo trong lục đạo mười pháp giới. Do vậy, Thỉ Giáo coi cái được biến bởi A Lại Da Thức là nhất tâm.

          Chung Giáo là Đại Thừa cao cấp, có trình độ cao; Thỉ Giáo là Đại Thừa sơ học. Đại Thừa thuộc giai đoạn cao, đức Phật nói tới Như Lai Tạng (Tathāgatagarbha) nói rõ A Lại Da Thức là Chân Như (Tathatā) bản tánh, tùy thuộc duyên nhiễm hay tịnh mà biến hiện, nêu ra bản chất của A Lại Da Thức, nói rõ tám thức và năm mươi mốt Tâm Sở đều chẳng phải là chân thật, đều là hư huyễn. Vì thế, nói: “Thức như mộng huyễn, duy nhất Chân Như” (Thức như mộng huyễn, chỉ có Chân Như). Nói thật ra, kinh Lăng Nghiêm đã nêu tỏ đạo lý này, nêu rõ sự thật này. Như Lai Tạng: “Tạng” (藏, Garbha) có nghĩa là chứa đựng, “Như Lai” (Tathāgata) là nói về Chân Như bản tánh. Chân Như bản tánh ở nơi đâu? Chứa ngay trong A Lại Da Thức. Nói thật ra, đối với A Lại Da thức, hễ ngộ, bèn gọi là Chân Như bản tánh, mê bèn gọi là A Lại Da, là một thứ, chẳng phải là hai thứ. Nói thật ra, Chân Như bản tánh chẳng có mê hay ngộ. Mê hay ngộ là do con người, chứ Chân Như, chân tánh, bản tánh đều chẳng có mê hay ngộ. Đấy là coi “Như Lai Tạng là nhất tâm”, tầng cấp mỗi lúc một cao hơn, nhưng mỗi tầng cấp chân thật hơn!

          Chung Giáo vẫn chưa phải là chân thật rốt ráo. Trong Đốn Giáo (tông Thiên Thai gộp Đốn Giáo và Viên Giáo thành một, gọi là Viên Giáo, tông Hiền Thủ tách ra, nói càng cặn kẽ hơn), nhiễm và tịnh đều chẳng có. “Nhiễm” là tám thức, “tịnh” là Như Lai Tạng. A Lại Da có hai phần là tịnh và nhiễm. Trong Đốn Giáo, cả hai phần đều mất, có thể thấy là tâm họ càng thanh tịnh hơn, thật sự đạt đến “một niệm chẳng sanh”. Duy Thức Luận nói: “Ngũ pháp, tam tự tánh giai không; bát thức, nhị vô ngã câu khiển” (Năm pháp, ba tự tánh đều không; tám thức, hai vô ngã đều mất). Hai câu này đã bao quát trọn hết Pháp Tướng Duy Thức, cũng có thể nói là tổng cương lãnh của Pháp Tướng Duy Thức. “Ngũ pháp” là quy nạp vạn pháp trong hết thảy các pháp thành năm loại lớn, tức là Tâm Pháp, Tâm Sở Hữu Pháp, Sắc Pháp, Bất Tương Ứng Hành Pháp, và Vô Vi Pháp. “Tam tự tánh” là Y Tha Khởi Tánh, Biến Kế Sở Chấp Tánh, và Viên Thành Thật Tánh. Bất cứ pháp gì cũng đều có ba tự tánh. Những thứ ấy đều rỗng không, vì sao? Vì chúng toàn là pháp hữu vi. Kinh Kim Cang đã nói rất rõ ràng: “Hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”, đó là Không. Do vậy, Bát Nhã là Đốn Giáo, Duy Thức là Tiệm Giáo, [nghĩa là] Duy Thức học dần dần. Kinh Kim Cang ngay lập tức là Không, thẳng thừng, triệt để ngần ấy! “Nhị vô ngã” là Nhân Vô Ngã và Pháp Vô Ngã. Trong Duy Thức Tông nói đến Nhân Ngã và Pháp Ngã, cuối cùng bảo: “Nhân pháp giai không, câu bất khả đắc” (Nhân và Pháp đều Không, đều chẳng thể được). Khi ấy, một niệm chẳng sanh. Niệm ấy là vọng niệm, chẳng phải là không có chánh niệm. Nếu chánh niệm cũng chẳng có, hỏng rồi, đã biến thành Vô Tưởng Định. Quả báo của Vô Tưởng Định là trong Vô Tưởng Thiên. Chư vị phải biết: Vô Tưởng là bị vô minh che lấp. Chúng ta chẳng sanh vọng niệm, mà cũng chẳng có vô minh; khi ấy, cái được hiển lộ bèn gọi là chánh niệm. Chánh niệm phân minh, đó chính là trí huệ Bát Nhã sâu rộng vô hạn, gọi là “nhất tâm”. Đốn Giáo nói như vậy.

Viên Giáo là như trong kinh Hoa Nghiêm đã nêu tỏ: “Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại”, đây là [giáo pháp] đã đạt tới tột cùng. Vì trong các giáo trước, dẫu nói đến Đốn Giáo, nói thật ra, vẫn có phân biệt, chấp trước. Vì sao thấy được [điều ấy]? Nếu chẳng có phân biệt, chấp trước, đương nhiên hết thảy vạn pháp viên dung. Những giáo trước vẫn chưa thể viên dung, còn có tầng cấp cao thấp. Hễ có tầng cấp cao, thấp, cạn, sâu khác nhau, những điều ấy chẳng do phân biệt, chấp trước mà có, thì chúng sẽ do đâu mà có? Vì thế, chúng vẫn sanh khởi từ phân biệt, chấp trước. Xác thực là Viên Giáo đã lìa hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, gọi là “vạn pháp viên dung, đây kia chẳng trở ngại lẫn nhau”. Kinh Hoa Nghiêm nói tới sự viên dung trọn khắp, Sự Sự vô ngại, một chính là hết thảy, hết thảy chính là một. Cái Một ấy chính là bất cứ một pháp nào, chẳng phải là đặc biệt chỉ một pháp nào. Bất cứ pháp nào cũng đều viên mãn trọn đủ hết thảy các pháp, đấy mới là cảnh giới đại viên mãn của Hoa Nghiêm. Ở đây, những điều này chẳng nói cặn kẽ. Vì sao chẳng nói cặn kẽ? Trong đoạn văn này có nói:

          (Sao) Nhi Phật thuyết thử kinh, bổn vị hạ phàm chúng sanh, đản niệm Phật danh, kính đăng Bất Thoái, trực chí thành Phật, chánh thuộc Đốn Viên.

()而佛說此經,本為下凡眾生,但念佛名,徑登不退,直至成佛,正屬頓圓。

(Sao: Nhưng đức Phật nói kinh này, vốn vì chúng sanh hạ căn phàm phu, chỉ niệm danh hiệu Phật mà nhanh chóng tiến lên địa vị Bất Thoái, thẳng tiến đến thành Phật, vốn thuộc về Đốn Viên).

           Căn cứ lý luận và phương pháp tu học của bộ kinh A Di Đà này rốt cuộc thuộc loại nào trong năm giáo? Nó thuộc loại viên đốn; [nếu xét theo] tứ giáo của tông Thiên Thai, nó thuộc vào Viên Giáo. Nói cách khác, nhất định phải là người căn tánh viên đốn mới học pháp môn này, hết sức thích hợp. Có những vị học giả hết sức có hứng thú đối với Tánh Tông hoặc Tướng Tông, bỏ ra rất nhiều thời gian và tinh lực để nghiền ngẫm, nghiên cứu kinh điển. Đó là căn tánh gì? Đó là căn tánh Đại Thừa Thỉ Giáo hoặc Chung Giáo, hoặc nói theo tông Thiên Thai sẽ là căn tánh Biệt Giáo, hoặc là căn tánh Thông Giáo và Biệt Giáo. Có những người đầu óc đơn giản, sợ phiền phức, sợ suy nghĩ, ngại đọc kinh, nghe nói “thật thà niệm Phật sẽ có thể vãng sanh”, họ bèn khăng khăng một mực niệm câu A Di Đà Phật, hạng người ấy thuộc căn tánh viên đốn. Người căn tánh viên đốn có thành tựu cao hơn, nhanh hơn căn tánh Thông Giáo và Biệt Giáo. Những người đó nghiên cứu vài chục năm sợ là vẫn chẳng có kết luận gì, người viên đốn niệm Phật mấy năm bèn thật sự thành công, đã kết nối đường dây thông tin với A Di Đà Phật, nhanh lắm! Nhanh hơn bất cứ điều gì! Vì thế, có thể thật sự tin nhận, phụng hành pháp môn này, có thể buông xuống vạn duyên, quý vị chính là người có căn tánh viên đốn.

          (Sao) Hựu Nhị Thừa chủng bất sanh.

          ()又二乘種不生。

          (Sao: Lại nữa, chủng tánh Nhị Thừa chẳng sanh [về Cực Lạc]).

          Chẳng phải là nói tới hàng Nhị Thừa, mà là nói người có chủng tánh Nhị Thừa. Chủng tánh Nhị Thừa là gì? Kẻ thích phân biệt, chấp trước bèn thuộc về chủng tánh Nhị Thừa. Người chủng tánh Nhị Thừa chỉ biết tự lợi, chẳng chịu lợi tha. Chủng tánh ấy không thể vãng sanh. Vì sao? Người trong Tây Phương Cực Lạc thế giới đều thuộc loại viên đốn Đại Thừa.

          (Sao) Cố lược tiền tam, bất phục phân ngũ, Thiên Thai tứ giáo lệ thử.

          ()故略前三,不復分五。天台四教例此。

          (Sao: Vì thế, lược đi ba loại đầu, chẳng chia thành năm loại nữa. Đối với tứ giáo của tông Thiên Thai, phỏng theo lệ này).

          Tỉnh lược ba loại [nhất tâm bất loạn xét theo] ba giáo trước (Tiểu, Thỉ, Chung).

          (Sớ) Hựu thử Sự Lý nhị trì, Khởi Tín trung cụ hữu thử ý.

          ()又此事理二持,起信中具有此意。

          (Sớ: Lại nữa, đối với hai loại Sự trì và Lý trì được nói trong kinh này, trong Khởi Tín Luận có ý nghĩa này).

          Khởi Tín chính là Đại Thừa Khởi Tín Luận. Cuốn sách này chẳng dầy, nhưng rất nổi tiếng. Vì những điều được nói trong luận ấy chính là cơ sở của tám tông phái lớn trong Đại Thừa. Do đó, được gọi là Đại Thừa Khởi Tín Luận, tức là sách giáo khoa để nhập môn Đại Thừa. Do vậy có thể biết, đối với việc tu học Đại Thừa, bộ luận ấy khá quan trọng. Bộ luận này do Mã Minh Bồ Tát soạn. Trong Khởi Tín Luận, kinh văn chẳng nói rõ, nhưng có ý nghĩa ấy, có Sự trì và Lý trì. Chúng ta đọc tụng Đại Thừa Phật pháp, quý ở chỗ lãnh hội ý, nắm được ý nghĩa. Đó là điều đáng quý.

          (Sao) Luận vân: Chuyên niệm A Di Đà Phật, tức đắc vãng sanh giả, thử song hàm Sự Lý nhi ngôn dã.

          ()論云專念阿彌陀佛,即得往生者,此雙含事理而言也。

(Sao: Luận nói: “Chuyên niệm A Di Đà Phật bèn được vãng sanh”, đấy chính là nói bao hàm cả Sự và Lý).

          Trong Khởi Tín Luận, Mã Minh Bồ Tát nói “chuyên niệm A Di Đà Phật, tức đắc vãng sanh” (chuyên niệm A Di Đà Phật bèn được vãng sanh). Câu này bảo là Sự trì cũng hợp lẽ, mà bảo là Lý trì cũng hợp lẽ. Hoàn toàn chẳng nói là Sự hay Lý, chỉ cần quý vị thật thà chuyên niệm, nhất định có thể vãng sanh; nhưng trong Luận cũng có nói:

          (Sao) Thứ vân nhược niệm bỉ Phật Chân Như Pháp Thân, hựu vân tuy niệm diệc vô năng niệm khả niệm, giai chỉ Lý nhất tâm dã.

          ()次云若念彼佛真如法身,又云雖念亦無能念可念,皆指理一心也。

(Sao: Kế đó nói: “Nếu niệm Chân Như Pháp Thân của đức Phật ấy”, lại nói: “Tuy niệm mà cũng chẳng có năng niệm (chủ thể niệm) để có thể niệm”, [những câu ấy] đều là nói về Lý nhất tâm).

          Hai câu ấy đều là nói theo kiểu Lý nhất tâm, chẳng phải là Sự nhất tâm. Một câu trong đoạn trước bao gồm Sự nhất tâm [lẫn Lý nhất tâm], hai câu sau [trong đoạn này] đích xác thuộc về Lý nhất tâm. Lý nhất tâm và Sự nhất tâm, xét theo mặt chữ chẳng có, nhưng xét theo ý nghĩa thì có. Đây là dùng Khởi Tín Luận để dẫn chứng: Xác thực là nhất tâm có hai loại!

          (Sớ) Hựu thử Sự Lý nhị trì, tức Hiển Mật nhị ý.

          ()又此事理二持,即顯密二意。

(Sớ: Lại nữa, Sự trì và Lý trì chính là hai ý nghĩa Hiển và Mật).

          Thông thường, cuối kinh Di Đà chẳng kèm thêm chú Vãng Sanh. Cuối bộ Di Đà Kinh Sớ Sao, Liên Trì đại sư kèm thêm chú Vãng Sanh, cuối sách Yếu Giải không có. Dụng ý của Liên Trì đại sư là khiến cho chúng ta liễu giải: Ngài đã đem pháp môn Trì Danh Niệm Phật trong bộ kinh Di Đà này thông Tông, thông Giáo, thông Hiển, thông Mật. Pháp môn này đích xác là viên dung. Vì thế, mỗi đoạn chú sớ đều có phần Xứng Lý. Đoạn Xứng Lý ấy có cùng ý nghĩa với “xứng tánh nhi thuyết” (nói xứng tánh) trong Thiền Tông. Đó là chỗ rất đặc biệt trong bản chú giải của Ngài, mà cũng là điểm đặc sắc của Sớ Sao. Chúng ta đọc những bản chú giải thông thường khác, [sẽ thấy] chẳng có cách nói ấy, [còn trong bản chú giải này], mỗi câu, mỗi đoạn đều hội quy tự tánh. Đây là nói Sự và Lý chính là Hiển và Mật.

          (Sao) Tứ tự danh hiệu, toàn giai Phạn ngữ, đản niệm bất vong, dữ trì chú đồng, thị danh viết Mật.

          ()四字名號,全皆梵語,但念不忘,與持咒同,是名曰密。

(Sao: Bốn chữ danh hiệu toàn là tiếng Phạn, chỉ niệm chẳng quên, sẽ giống như trì chú, nên gọi là Mật).

          Niệm một câu Di Đà đến cùng, bất luận là bốn chữ hay sáu chữ, danh hiệu này xác thực là tiếng Phạn được phiên âm, là chú ngữ. Do vậy, thích học Mật thì một câu A Di Đà Phật là vô thượng chú. “Đại thần chú, đại minh chú, vô thượng chú” được nói trong Tâm Kinh, nói thật ra là một câu “nam-mô A Di Đà Phật”, hoàn toàn giống như mật chú. Công lực của tất cả hết thảy các thần chú trong Mật Tông đều chẳng thể sánh bằng công lực của danh hiệu. Quý vị đọc kỹ lưỡng ba kinh Tịnh Độ sẽ hiểu rõ điều này!

          (Sao) Thả niệm, thả tham, quán tâm, cứu lý, thị danh viết Hiển.

          ()且念且參,觀心究理,是名曰顯。

          (Sao: Vừa niệm, vừa tham, quán tâm, tham cứu Lý, thì gọi là Hiển).

          Đối với chú, quyết định chẳng cầu hiểu nghĩa. Đối với chú ngữ mà nhất định muốn hiểu ý nghĩa là gì sẽ khó lắm! Chẳng gọi là mật chú nữa! Vì thế, chú chỉ có âm, chẳng có ý nghĩa. Chỉ cần phát âm cho chuẩn xác bèn có cảm ứng. Trong chú ngữ có rất nhiều danh hiệu quỷ thần; vì thế, Mật Tông có mối quan hệ qua lại với quỷ thần hết sức mật thiết! Chú ngữ phải được niệm với âm thanh chánh xác thì mới có thể triệu vời quỷ thần. Quý vị niệm chẳng chánh xác, họ nghe cũng chẳng hiểu, sẽ không đến. Chúng ta xem ghi chép trong truyện ký: Vào thời Đường, trong Mật Tông có những vị đại sư từ Ấn Độ đến, họ niệm chú xác thực là hô phong hoán vũ (gọi gió, kêu mưa), sai khiến quỷ thần, có thể sai phái quỷ thần làm việc. Hiện thời trong Đại Tạng kinh, chú hãy còn, nhưng chúng ta niệm chẳng linh. Chẳng có chú nào linh cả! Nguyên nhân là ở chỗ nào? Phát âm chẳng chuẩn xác! Do vậy, chú ngữ nhất định phải là khẩu truyền. Khẩu truyền thì hiện thời có rất nhiều vị Kim Cang Thượng Sư truyền dạy, cớ sao cũng chẳng linh? Khẩu truyền đã truyền qua hai ngàn năm, âm thanh đã bị biến đổi từ lâu. Vì thế, chẳng phải là chú không linh, mà do âm thanh chẳng chuẩn xác, quỷ thần nghe chẳng hiểu! Nhưng trong một tình hình thì có thể giao tiếp cùng quỷ thần, tức là tâm địa thanh tịnh, hễ thành bèn linh nghiệm. Tuy ngôn ngữ nghe không hiểu, nhưng do tâm linh của người ấy có cảm ứng, hễ chân thành bèn linh nghiệm. Đó là một loại chú ngữ.

Còn có một loại chú ngữ nữa là một biện pháp hết sức cao minh của đức Thế Tôn dùng để chữa bệnh. Thân thể quý vị bị bệnh, Ngài dạy quý vị niệm chú, bệnh bèn lành. Chuyện này có thật hay không? Thật đấy, hết sức phù hợp đạo lý khoa học. Khoa học hiện thời vẫn chưa đạt tới cảnh giới này. Nói cách khác, đức Phật liễu giải quá rõ kết cấu thân thể con người, bộ vị nào bị bệnh. Nói thật ra, bệnh tật chính là do các vi huyết quản (capillary) bị tắc nghẽn, chẳng thông suốt, cho nên phát sanh bệnh tật. Vào thời cổ tại Trung Hoa, người ta dùng châm cứu để đả thông chỗ bế tắc ấy, huyết dịch tuần hoàn bình thường, thân thể bèn khỏe mạnh. Phật pháp cao minh hơn, dùng âm thanh để chấn động. Khi niệm chú ngữ rất chánh xác, âm thanh phát ra có thể chấn động bộ vị ấy, đả thông chỗ bế tắc. Chú ngữ chữa bệnh như vậy trong Đại Tạng Kinh rất nhiều, nay chúng ta niệm chú chẳng linh, nguyên nhân ở chỗ nào? Chúng ta phát âm chẳng chánh xác. Phát ra âm thanh nào sẽ chấn động bộ vị nào, điều này hết sức phù hợp khoa học. Điều hết sức đáng tiếc là đã thất truyền. Đúng là có Hiển, có Mật; ở đây là Hiển, trong khi chúng ta niệm Phật bèn có ngộ xứ.

          “Tham” (參) ở đây cũng chẳng phải là nghiên cứu, hễ nghiên cứu thì sai mất rồi! “Thả niệm, thả tham, quán tâm, cứu lý” (Vừa niệm, vừa tham, quán tâm, xét lý), đấy là trong niệm Phật đã kèm thêm phương pháp của Thiền, chúng ta thường nói là Thiền Tịnh song tu. Vĩnh Minh Diên Thọ đại sư dạy người tham Thiền: “Có Thiền, có Tịnh Độ”, tức là dùng phương pháp này. Niệm Phật mà trong mỗi niệm đều tham cứu “người niệm Phật là ai?” Đó là “vừa niệm, vừa tham”, chẳng thuộc về Mật, mà thuộc về Hiển. Thật thà niệm Phật, điều gì cũng không màng, suốt ngày từ sáng đến tối niệm A Di Đà Phật đến cùng. Đó là Mật, công phu ấy giống như Mật. Nếu trong ấy khởi lên nghi tình, phải tham cứu “người niệm Phật là ai”, bèn biến thành Thiền. Đương nhiên, Thiền, Giáo, Mật, Luật, Tịnh, tùy thuộc quý vị dùng phương pháp nào? Trong một câu danh hiệu này, thứ gì cũng đều trọn đủ. Nói cách khác, tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn đều ở trong một câu danh hiệu này; danh hiệu có công đức chẳng thể nghĩ bàn!

          (Sao) Vi môn thiểu dị, quy nguyên tắc đồng.

          ()為門少異,歸元則同。

          (Sao: Về phương diện thực hiện thì sai khác đôi chút, trở về nguồn thì giống nhau).

          “Môn” là nói đến “môn kính” (門徑: đường nẻo). Phương pháp có hơi chút sai khác, nhưng vãng sanh Tịnh Độ như nhau, đều là vãng sanh Tịnh Độ.

          (Sao) Hiển Mật viên thông, Sự Lý vô ngại.

          ()顯密圓通,事理無礙。

          (Sao: Hiển Mật viên thông, Sự Lý vô ngại).

          Khai thị của đại sư có mục đích chủ yếu là không gì chẳng nhằm hiển thị pháp môn Niệm Phật xác thực là chẳng thể nghĩ bàn, khiến cho chúng ta thật sự nhận thức, liễu giải pháp môn này, khăng khăng một mực thọ trì, [ngõ hầu] trong một đời này có thể đạt được lợi ích chân thật, vĩnh viễn thoát khỏi sanh tử, viên thành Phật đạo, thật sự làm được trong một đời này! Ngài nói nhiều như thế, đúng là buốt lòng rát miệng nhằm mục đích khiến cho quý vị tin tưởng, chớ nên hoài nghi, chớ nên xen tạp, thật thà niệm Phật, thế là được rồi, pháp môn này đã được nói trọn hết. Do quý vị không tin, chẳng chịu khăng khăng một mực [hành trì], vẫn cứ nghi thần nghi quỷ, suy Đông, nghĩ Tây, cho nên mới nói lắm lời lẽ dường ấy. [Nếu hành nhân] đã thật sự thật thà, cả một đống lớn lời lẽ này sẽ trở thành lời lẽ thừa thãi, vô ích, quyển sách này cũng gọi là giấy lộn! Vì thế phải hiểu mục tiêu và dụng ý của Ngài là ở nơi đâu!

          (Sớ) Hựu thử Sự Lý nhị trì, tuy thượng tường phân thắng liệt, hữu chuyên Sự giả, hữu chuyên Lý giả, cơ diệc hỗ thông, bất tất nghi trở.

          ()又此事理二持,雖上詳分勝劣,有專事者,有專理者,機亦互通,不必疑阻。

(Sớ: Lại nữa, đối với Sự trì và Lý trì ở đây, tuy trong phần trên đã phân tích tường tận sự hơn kém, có người chuyên Sự trì, có kẻ chuyên Lý trì, nhưng căn cơ dung thông lẫn nhau, chớ nên trở ngại, ngờ vực lẫn nhau).

          Điều này rất quan trọng, thường phát sanh trong cuộc sống hằng ngày, hoặc là chính mình có những chuyện ấy, hoặc là những đồng tham đạo hữu quanh ta nẩy sanh chuyện này nọ. Vì thế, nhất định phải nhận thức rõ ràng: Trong Niệm Phật, phương pháp và lý luận tương đồng, nhưng căn tánh của hết thảy chúng sanh chẳng giống nhau, chúng ta phải quan tâm điều này. Ta dùng phương pháp này chưa chắc đã thích hợp cho người khác, phương pháp do người khác sử dụng chưa chắc đã thích hợp với ta. Nay chúng ta thường nói tới chuyện cộng tu, đặc biệt là Phật Thất, đôi bên phải nhường nhịn lẫn nhau, đôi bên phải nhượng bộ lẫn nhau. Nếu chẳng nhượng bộ, đạo tràng sẽ rối loạn. Công phu thật sự đắc lực là một người niệm, chẳng bị bất cứ ai quấy nhiễu, niệm đến mức hoan hỷ, niệm đến mức tâm thanh tịnh, công phu bèn đắc lực. “Có người chuyên Sự”, “có kẻ chuyên Lý” là nói phân biệt tổng quát hai loại căn tánh bất đồng. Người chuyên Sự niệm chẳng cần phải đòi hỏi người chuyên Lý [niệm Phật] giống hệt như mình; người chuyên Lý niệm cũng chẳng cần phải buộc kẻ chuyên Sự niệm giống như ta. Chớ nên miễn cưỡng kẻ khác, chỉ cốt sao công phu đắc lực. Biểu hiện của đắc lực là tâm thanh tịnh, niệm rất hoan hỷ bèn đắc lực. Niệm chẳng hoan hỷ, niệm rất đau khổ, sẽ chẳng đắc lực, vậy thì ắt cần phải sửa đổi thêm, luôn luôn là phải niệm rất hoan hỷ. Niềm hoan hỷ ấy nhất định phải được hiển lộ trong cuộc sống hằng ngày, cuộc đời quý vị hạnh phúc, sung sướng, khiến cho người khác hâm mộ quý vị. Trong xã hội hiện tại, mọi người đều sống rất khổ sở. Cớ sao quý vị sống sung sướng dường ấy? Vì thế, quý vị niệm Phật tốt đẹp, tự nhiên sẽ ảnh hưởng người khác. Người ta thấy quý vị sung sướng dường ấy, liền hỏi han: “Vì sao quý vị vui sướng ngần ấy?” Quý vị có thể bảo họ: “Tôi niệm A Di Đà Phật”, truyền bá pháp môn này cho người khác, họ sẽ học tập theo. Nếu quý vị học Phật mà học rất đau khổ, nói cách khác, quý vị gây phản tác dụng. Người khác thoạt trông thấy, [sẽ tự nhủ]: “Ngàn muôn phần chớ nên học Phật, ngươi thấy học Phật sẽ lâm vào tình trạng như thế đó!” Như vậy là quý vị đã tạo tội nghiệp to tát, đã đoạn mất nhân duyên học Phật của chúng sanh. Vì thế, đoạn Sớ này cũng rất quan trọng, “cơ diệc hỗ thông, bất tất nghi trở” (căn cơ đều dung thông lẫn nhau, chớ nên trở ngại, ngờ vực lẫn nhau).

          (Sao) Thử khủng cẩn năng Sự niệm giả, tự nghi Lý tánh bất minh, sở vi vô ích, cố ngôn Sự đắc thông Lý, dĩ quyết kỳ nghi.

          ()此恐僅能事念者,自疑理性不明,所為無益,故言事得通理,以決其疑。

(Sao: Đây là sợ kẻ chỉ có thể hành Sự niệm, tự ngờ vực chính mình chẳng thông hiểu Lý tánh, làm chuyện vô ích, cho nên nói “hễ đã đạt được Sự bèn thông hiểu Lý” để giải quyết nỗi nghi ấy).

          Nếu chúng ta chẳng thể hiểu rõ pháp môn này, hoặc tuy hiểu nhưng chẳng thấu triệt, sẽ có nghi vấn, mà Nghi là một chướng ngại rất lớn. Do vậy, chúng tôi thường nói: “Bí quyết niệm Phật là chẳng hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn”. Đó là bí quyết tu học. Có những kẻ thiện căn và phước đức hết sức sâu dầy, chẳng hiểu Lý, tuy không hiểu cũng chẳng cần hiểu, cũng chẳng mong nghiên cứu, cũng chẳng mong hiểu rõ, một mực thật thà niệm mãi câu Phật hiệu, đó là Sự trì. Thường là hạng người như vậy thành tựu hết sức nhanh chóng, những kẻ thông minh tài trí bình phàm chẳng thể sánh bằng! Bọn người thế gian chúng ta ngỡ những người ấy là ngu si, hạ hạ căn, trọn chẳng biết thành tựu của thượng thượng căn và hạ hạ căn là bình đẳng, chẳng khác gì nhau!

Đáng sợ nhất là e rằng chúng ta thường hoài nghi: “Ta niệm Phật mà vẫn chưa thể thấu triệt giáo lý trong ba kinh hoặc năm kinh [Tịnh Độ], vãng sanh có gặp vấn đề gì hay chăng?” [Nghi như vậy] thì vãng sanh sẽ thật sự có vấn đề. Vấn đề ở đâu ra? Do quý vị có hoài nghi, nên trở thành vấn đề. Chẳng hoài nghi, không có vấn đề gì. Hễ hoài nghi, bèn có vấn đề. Nghi thì làm như thế nào? Ắt cần phải đoạn trừ! Vậy thì phải thâm nhập kinh tạng. Kinh tạng có tác dụng giúp chúng ta phá mê, sanh khởi tín tâm. Nếu chẳng hoài nghi tí nào, nói thật thà, chẳng cần nghe kinh, chẳng cần đọc kinh, chẳng cần phải chuốc lấy những nỗi phiền phức ấy. Do vì cái tâm chưa thể buông xuống được, nên hằng ngày mới phải làm chuyện ấy. Do vậy, phải giải quyết mối nghi thì mới có thể sanh lòng tin.

          (Sao) Đại Thế Chí Viên Thông Chương vân: “Bất giả phương tiện, tự đắc tâm khai”.

          ()大勢至圓通章云:不假方便,自得心開。

          (Sao: Đại Thế Chí Viên Thông Chương có nói: “Chẳng cậy vào phương tiện, mà tự được tâm khai”).

          Trích dẫn hai câu khai thị rất trọng yếu trong chương Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông của kinh Lăng Nghiêm. “Giả” (假) là nhờ cậy, [“bất giả phương tiện”] là chẳng cần nhờ vào bất cứ phương pháp [nào khác]. Phương pháp tham cứu của Thiền Tông hay phương pháp thâm nhập nghiên cứu, tìm tòi của Giáo Hạ đều chẳng cần thiết, cứ một câu A Di Đà Phật niệm đến cùng. Bồ Tát nói rất minh bạch: “Ức Phật, niệm Phật, hiện tiền, đương lai, tất định kiến Phật” (Nhớ Phật, niệm Phật, hiện tiền, tương lai, nhất định thấy Phật), “hiện tiền” (現前) là thấy Phật trong hiện tại, “đương lai” (當來) là sẽ thấy Phật sau khi vãng sanh, nhất định trông thấy! Giọng điệu hết sức khẳng định, chẳng có mảy may hoài nghi nào! “Hiện tiền thấy” là thấy trong hiện tại. Thấy Phật trong hiện tại thì có hiện tiền kiến, có trường hợp thấy trong Định, có khi thấy trong mộng, đều thuộc loại “thấy trong hiện tiền” (hiện tiền kiến). Chuyện như vậy xưa nay rất nhiều, chúng ta chẳng thấy, chẳng phải là Phật không ở trước mặt! Chỉ cần chúng ta niệm A Di Đà Phật, A Di Đà Phật ở ngay trước mặt. Ở ngay trước mặt, cớ sao quý vị chẳng thấy? Là vì quý vị có nghiệp chướng. Tiêu trừ nghiệp chướng, quý vị sẽ thấy. Vì thế, người niệm Phật tiêu trừ nghiệp chướng, trong mộng bèn thấy Phật, mộng thấy Phật giảng kinh, thuyết pháp, mộng thấy Phật xoa đỉnh đầu thọ ký. Công phu sâu hơn một chút, nghiệp chướng lại tiêu trừ nhiều hơn một chút; trong khi niệm Phật chúng ta chỉ tĩnh, sẽ thấy Phật trong Định. Nghiệp chướng càng nhẹ, công phu càng đắc lực, mở mắt thấy Phật ở ngay trước mặt, những điều này đều là cảm ứng! Ở đây, ta ắt phải hiểu: Phật, Bồ Tát cảm ứng, thời gian rất ngắn ngủi, mấy giây, đó là thật. Sau đó, chẳng còn thấy nữa! Quý vị đừng hoài nghi: “Đã lâu rồi sao chẳng thấy, có lẽ là ta đã thoái tâm”. [Nghi ngờ như vậy] là sai mất rồi! Nếu quý vị thường trông thấy, thời gian lại rất dài, đó là ma biến hiện, chẳng thật! Từ truyện ký, chúng ta thấy Tịnh Tông Sơ Tổ Huệ Viễn đại sư trong một đời từng ba lượt ở trong Định thấy Tây Phương Cực Lạc thế giới, Ngài thấy tình hình bên ấy hoàn toàn giống hệt như trong kinh đã dạy. Suốt một đời chỉ thấy ba lượt, chẳng phải là một tháng thấy ba lần! Mỗi ngày thấy ba lần, phiền phức to lớn. Sau khi đã thấy, phải biết “thấy mà như chẳng thấy”, đó là cảnh giới tốt đẹp, kinh Lăng Nghiêm dạy như vậy đó, [như vậy sẽ là] cảnh giới tốt đẹp. Sau khi đã thấy, quý vị bèn dấy lên phân biệt, chấp trước, sẽ đọa trong ma cảnh. Chúng ta niệm Phật, vì sao Phật chẳng hiện tiền? Đừng nói là trong Định, ngay cả trong mộng cũng chẳng thấy, công lực của chúng ta chẳng đủ! Vừa thấy Phật, tâm chúng ta rối loạn, như thế nào? Vừa hoan hỷ, vừa cao hứng, Định mất tiêu! Chẳng dễ gì đắc Định đôi chút, Phật vừa hiện đến, quý vị ngay lập tức phá sạch công phu! Đáng tiếc quá! Phật hiểu rất rõ, chẳng hiện đến, chẳng phá hoại, chẳng nhiễu loạn quý vị. Đến khi nào quý vị đã có công phu định lực kha khá, thấy Phật mà chẳng động tâm, Phật bèn hiện thân một lần để chứng minh cho quý vị, nhằm tăng cường tín nguyện cho quý vị, có ý nghĩa như thế đó. Do vậy, phải nên phân biệt ma và Phật, phải biết phân biệt!

          Phải ghi nhớ, phải chú tâm lãnh hội hai câu ấy. Tâm chúng ta đã định, chẳng cần cậy vào bất cứ pháp môn hay phương pháp nào để giúp đỡ, một câu danh hiệu cứ niệm đến cùng. Đó là phương pháp của Đại Thế Chí Bồ Tát, từ sơ phát tâm mãi cho đến khi thành Phật, chỉ là một câu A Di Đà Phật, những điều khác đều chẳng biết, có biết cũng chẳng nói tới! Nếu quý vị hỏi: Vì sao chẳng nói? Nói ra đều là lời lẽ thừa thãi, nói để làm gì? Do vậy, quý vị sẽ thật sự hiểu rõ, mới hiểu những điều do Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói trong bốn mươi chín năm toàn là lời lẽ thừa thãi, cả một bộ Đại Tạng Kinh là rác rưởi, đấy là nói thật với quý vị! [Tất cả kinh điển] thảy đều nhằm dạy quý vị nhận biết A Di Đà Phật. Do quý vị chẳng nhận biết A Di Đà Phật, cho nên mới thuyết pháp suốt bốn mươi chín năm. Đã thật sự hiểu rõ, khẳng định, lời lẽ nào cũng chẳng cần phải nói nữa! Vì sao? Vài hôm sau, quý vị đã thấy A Di Đà Phật, đã thành Phật. Kinh Di Đà nói “hoặc một ngày, hoặc hai ngày” cho đến bảy ngày, quý vị bèn thành công, còn cần phải nói năng chi nữa? Bảy ngày thành công là thật, chẳng giả! Từ Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, chúng ta đã thấy: Niệm Phật ba ngày bèn thành tựu, niệm năm ngày, sáu ngày bèn thành tựu, đều có! Do vậy có thể biết: Ngàn kinh vạn luận, không gì chẳng nhằm khuyên quý vị hãy thật thà niệm Phật.

          (Sao) Không Cốc vân: “Bất tham niệm Phật thị thùy, trực nhĩ thuần nhất niệm khứ, diệc hữu ngộ nhật”, thị dã.

          ()空谷云:不參念佛是誰,直爾純一念去,亦有悟日,是也。

(Sao: Ngài Không Cốc[1] nói: “Chẳng tham cứu người niệm Phật là ai, cứ thẳng thừng thuần nhất niệm miết, cũng sẽ có ngày khai ngộ” là nói về ý này).

          “Ngộ” là khai ngộ, “ngộ nhật” (悟日) là có ngày khai ngộ. Đây là một vị đại đức trong Thiền Tông, sống vào đời Minh, cùng thời đại với Liên Trì đại sư, cũng là bậc cao tăng trong Thiền Tông thuở ấy. Ngài từng khuyên người ta hãy thật thà niệm Phật, chẳng cần tham cứu, chẳng cần “tham cứu người niệm Phật là ai”, cứ một câu A Di Đà Phật, “thuần nhất niệm khứ” (thuần nhất niệm miết), “thuần nhất” là thật thà. Tham Thiền nhằm mục đích cầu khai ngộ. Quý vị cứ thật thà niệm câu Phật hiệu, cũng có ngày khai ngộ. Lời lẽ này do bậc đại đức trong Thiền Tông nói ra, Liên Trì đại sư đã trích dẫn ở đây.

          (Sao) Hựu khủng duy cần Lý niệm giả, tự nghi xưng Phật danh thiểu, hoặc trí lạc không, cố ngôn Lý đắc thông Sự, dĩ quyết kỳ nghi.

          ()又恐唯勤理念者,自疑稱佛名少,或致落空,故言理得通事,以決其疑。

(Sao: Lại chỉ sợ kẻ chỉ siêng năng Lý niệm, tự nghi do ít xưng danh hiệu Phật, chắc có lẽ sẽ xôi hỏng bỏng không, nên nói “hễ đắc Lý sẽ thông hiểu Sự” nhằm giải quyết mối nghi ấy).

           Nghi vấn giống nhau, nhưng căn nguyên của nghi vấn khác nhau. Người trước thì chuyên môn hành nơi Sự, hành Sự niệm mà chẳng hiểu Lý; ở đây là Lý niệm, trong ấy thiếu sót Sự, hai đằng khác nhau. Do thiếu khuyết Sự niệm, có lẽ sẽ hoài nghi chính mình niệm Phật quá ít, chỉ sợ vãng sanh sẽ bị “lạc không” (chẳng đạt được kết quả gì). Nói thật ra, vấn đề là ở chỗ quý vị có niệm hay không, chẳng do Sự trì hay Lý trì. Sự trì là hành nơi sự tướng, một câu A Di Đà Phật từ tâm sanh khởi, từ miệng niệm ra, nghe lọt vào tai, đó là Sự. Lý niệm thì khác. Trong phần trước, chúng ta đã thấy, ở đây lại thấy: Chính là hoàn toàn thông đạt, hiểu rõ cảnh giới Tây Phương, chẳng có mảy may hoài nghi nào, nhưng có niệm Phật hay chăng? Chẳng niệm. Có nguyện vọng cầu sanh hay chăng? Có! Đấy là như Ngẫu Ích đại sư đã nói: “Có thể vãng sanh hay không được quyết định bởi có tín nguyện hay không?” Quý vị có lòng tin thật sự, có nguyện thiết tha, niệm Phật dẫu ít, quyết định được vãng sanh. Sanh về thế giới Tây Phương, “phẩm vị cao hay thấp là do công phu trì danh sâu hay cạn”. Nay ta chẳng trì danh, niệm Phật rất ít, tổ sư chẳng nói niệm Phật nhiều hay ít, mà nói là công phu sâu hay cạn. Nói cách khác, công phu Lý niệm có cạn hay sâu, công phu Sự niệm cũng có cạn hay sâu, phẩm vị cao hay thấp được quyết định bởi công phu sâu hay cạn, chẳng phải do Sự trì nhiều hay ít. Hiểu đạo lý này, chúng ta sẽ an lòng. Tuy niệm Phật ít một chút, hoặc là kẻ bận rộn suốt ngày, pháp sư Từ Vân Quán Đảnh đã dạy pháp Sáng Tối Mười Niệm. Đó là tối thiểu. Trong Yếu Giải, Ngẫu Ích đại sư có nói: Nếu suốt đời chẳng thiếu mười niệm ấy, cũng phù hợp “một mực chuyên niệm” như kinh Vô Lượng Thọ đã nói. Vì cho đến lúc ấy, những gì người ấy nghĩ đều phù hợp với “một mực chuyên niệm”. Có thể thấy là chân tín, nguyện thiết, niệm danh hiệu Phật ít ỏi vẫn có thể vãng sanh; công phu thật sự đắc lực, phẩm vị cũng chẳng thấp. Hai đoạn văn này đều nhằm bài trừ nỗi nghi hoặc và kiên định tín nguyện của chúng ta.

          Tôi dạy mọi người pháp Thập Niệm, hiệu quả còn to hơn cách Sáng Tối Mười Niệm của pháp sư Quán Đảnh, chư vị phải nghiêm túc học, phải vận dụng trong cuộc sống. Nếu quý vị có khóa tụng sáng tối, vẫn có thể tu pháp Thập Niệm này, chẳng mâu thuẫn với khóa tụng của quý vị. Quý vị công việc hết sức bận rộn, về căn bản là chẳng có thời gian để niệm khóa sáng tối, hãy dùng pháp Thập Niệm này, quyết định thành công. Pháp Thập Niệm này là mười câu Phật hiệu, quý vị niệm bốn chữ cũng được, mà niệm sáu chữ cũng được, tùy thuộc thói quen của chính mình. Liên Trì đại sư nói rất hay, nếu quyết tâm mong cầu sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới trong một đời này, chúng ta có thể gạt bỏ lời lẽ khách sáo. Lời lẽ khách sáo là hai chữ Nam-mô. Nam-mô có nghĩa là “quy y”, nghĩa là “cung kính”, hoặc nghĩa là “lễ kính”. Danh hiệu là bốn chữ A Di Đà Phật, kinh dạy chúng ta chấp trì danh hiệu; danh hiệu là bốn chữ. Vì thế, có thể niệm bốn chữ. Bất quá thời gian khóa tụng của chúng ta rất ngắn, chỉ cần thời gian một phút; vì thế, thêm vào chữ Nam-mô cũng hết sức hay, do thời gian ngắn ngủi mà! Nam-mô A Di Đà Phật, nam-mô A Di Đà Phật, niệm mười câu. Mười câu ấy chính là “tịnh niệm nối tiếp” như Đại Thế Chí Bồ Tát đã nói. Vì khi chúng ta niệm mười câu ấy, hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thảy đều buông xuống, tâm địa thật sự thanh tịnh. Dùng cái tâm thanh tịnh niệm mười câu, một thời khóa của chúng ta đã viên mãn. Nếu quý vị hỏi: Có cần phải hồi hướng hay chăng ư? Chẳng cần! Vì sao? Ta niệm câu “nam-mô A Di Đà Phật” nhằm cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ, những câu ấy đều là hồi hướng. Vì thế, pháp môn này được gọi là “pháp môn chẳng hồi hướng”. Ta niệm Phật với mục đích mong thấy A Di Đà Phật, mong được vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ. Pháp Thập Niệm này mỗi ngày phải làm chín lần, mỗi lần chỉ tốn một phút, quyết định chẳng trở ngại công việc của quý vị. Sáng sớm thức dậy niệm một lần, khi ăn điểm tâm làm một lần. Thông thường, khi chúng ta dùng cơm bèn niệm chú Cúng Dường: “Cúng dường Phật, cúng dường Pháp, cúng dường Tăng, cúng dường hết thảy chúng sanh” đều niệm theo kiểu ấy. Niệm kiểu ấy khá lắm! Nhưng nói thật ra, hiệu quả chẳng lớn. Vì sao? Miệng có, tâm không! Cho nên chẳng bằng dùng cái tâm thanh tịnh để niệm A Di Đà Phật, niệm mười câu rồi mới ăn cơm. Đó là thời khóa thứ hai. Buổi sáng đi làm, trước khi làm việc lại niệm một lần, là thời khóa thứ ba. Trước khi nghỉ trưa cũng niệm một lần, đó là thời khóa thứ tư. Khi ăn cơm trưa, niệm một lần, chính là thời khóa thứ năm. Buổi chiều vào làm tiếp, khi tan tầm, ăn cơm tối, trước khi ngủ [mỗi lúc niệm một lượt], đó là chín lượt công khóa trong một ngày. Chẳng thiếu lần nào, hiệu quả cũng rất to, có hiệu lực còn to hơn người thông thường dành hai ba tiếng đồng hồ để tụng niệm công khóa sáng tối, do nguyên nhân nào? Vì thời gian gián cách rất ngắn, cách một khoảng thời gian rất ngắn lại lập tức tu tập một lần.

Vì thời gian công khóa ngắn, số lượt nhiều, mỗi ngày làm chín lần, thời thời khắc khắc dùng cái tâm thanh tịnh để chấp trì danh hiệu, xác thực là đạt tới “tịnh niệm nối tiếp”, ở đây là mười niệm nối tiếp. Mười niệm, niệm nào cũng đều thanh tịnh, xác thực là “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm nối tiếp”. Lũ phàm phu chúng ta nghiệp chướng rất nặng, thời gian niệm dài, sẽ bị xen tạp trong ấy, bèn còn có vọng tưởng, còn có vọng niệm. Trong một phút ấy, có thể giữ cho mười câu Phật hiệu chẳng có vọng tưởng, chẳng có tạp niệm, thì có thể giữ gìn được! Đừng nên thấy mười câu ấy quá ngắn ngủi, chúng là tịnh niệm nối tiếp, cho nên lợi ích hết sức to lớn. Chẳng hoài nghi, chẳng xen tạp, chẳng gián đoạn, mười câu chẳng gián đoạn, mỗi ngày chín lần chẳng gián đoạn, phương pháp tu học này hết sức thích hợp với người hiện thời, ai nấy đều có thể tu.

          (Sao) Niệm niệm Lý nhất, thị niệm niệm Di Đà dã, kỳ vi xưng danh, bất diệc đại hồ?

()念念理一,是念念彌陀也,其為稱名,不亦大乎。

(Sao: Niệm nào cũng đều là Lý nhất tâm, tức là niệm nào cũng là Di Đà, đấy cũng chẳng phải là xưng danh to tát ư?)

          Lý niệm khó hơn! Chúng ta thường nói Lý niệm là “niệm mà vô niệm, vô niệm mà niệm”, đó là Lý niệm. Lý là tự tánh, là Chân Như bản tánh, niệm nào cũng tương ứng với tự tánh, thuộc loại Lý niệm, đó là “niệm niệm Di Đà”. Tôi vừa mới nói pháp Thập Niệm cùng mọi người, thời gian rất ngắn, nhưng muốn khiến cho Sự niệm tương ứng với Lý niệm, khá dễ dàng. Vì sao? Vì trong mười câu ấy, chẳng khởi một vọng niệm nào. Làm thế nào để có thể hợp nhất với Lý? Năng lẫn Sở đều quên mất là Lý. Quên mất Năng lẫn Sở chính là “niệm mà vô niệm”. “Niệm” là mười câu Phật hiệu của ta rành rẽ, từng chữ phân minh, đó là Niệm. Tuy niệm mười câu Phật hiệu, trong thời gian ngắn ngủi ấy, tam luân thể không, chẳng có phân biệt, chấp trước “ta là năng niệm”, mà cũng chẳng có phân biệt, chấp trước “Phật hiệu được niệm”, cho nên tương ứng với Lý, đó chính là “vô niệm”. Vô niệm: “Vô” là không chấp trước. Không chấp trước bèn chẳng có năng niệm, chẳng có sở niệm. Chẳng chấp trước năng niệm mà cũng chẳng chấp trước sở niệm, niệm và vô niệm là một, không hai. Niệm và vô niệm là hai thì sẽ chẳng tương ứng, vẫn là Sự niệm. Niệm và vô niệm hợp thành một, sẽ là Lý. Chúng ta có cần phải học hay chăng? Chẳng cần học! Cố ý học, quý vị đã thuộc vào trong phân biệt, chấp trước, đã có dụng tâm. Khi niệm đến mức công phu thuần thục, tự nhiên nhập cảnh giới này, đó là Lý niệm. Tuy niệm Phật hiệu chẳng nhiều, xác thực là “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm nối tiếp”, công phu ấy rất sâu. Nói cách khác, phẩm vị vãng sanh cũng rất cao! Chúng ta đọc kỹ kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật sẽ hiểu rõ điều này. Phẩm vị vãng sanh cao, thời gian thành Phật rút ngắn. Thượng phẩm hạ sanh, trong ba tiểu kiếp ở thế giới Tây Phương sẽ thành tựu; hạ phẩm hạ sanh là thấp nhất, mười hai đại kiếp cũng thành tựu. Chẳng như trong kinh, đức Phật nói tu hành trong thế giới Sa Bà hoặc trong các thế giới phương khác của chư Phật, cứ hở ra là nói “ba đại A-tăng-kỳ kiếp”, hoặc vô lượng kiếp, thời gian được nêu ra đúng là quá dài. Thời gian lâu nhất trong thế giới Tây Phương là mười hai đại kiếp; ngắn nhất là thượng phẩm thượng sanh, sanh về nơi ấy, hoa nở, thấy Phật, đã thành tựu. Đó là sự thù thắng của thế giới Tây Phương. Chúng ta hãy ghi nhớ, điều khẩn yếu là “công phu sâu hay cạn”, sâu hay cạn là nhìn từ chỗ nào? Nhìn từ tâm địa thanh tịnh. Tâm chúng ta mỗi năm một thanh tịnh hơn, năm nay so với năm trước, xác thực là thanh tịnh hơn năm trước; đó là công phu có tiến bộ. Tháng này so với tháng trước, cảm thấy thanh tịnh hơn tháng trước. So sánh từng tháng, công phu của quý vị tiến bộ hết sức rõ rệt, nhất định là phẩm vị vãng sanh rất cao! Nhìn từ chỗ ấy, tự mình biết, chẳng cần hỏi ai khác! Hỏi người khác, nói thật thà, người hiện thời bợ đỡ nhiều lắm, người nói lời thật với quý vị ít lắm! Vì sao? Nói lời thật, quý vị bực mình; nói ve vuốt quý vị, quý vị khoái chí! [Họ nói lấy lòng]: “Quý vị tốt lắm! Quý vị rất có tiến bộ!” Nghe xong bèn mê hoặc, điên đảo; tưởng chính mình thật sự có tiến bộ, thật sự khá lắm! Điều này chẳng cần phải hỏi ai khác, chính mình hiểu rõ ràng, rành rẽ! Do đó, tổ sư kết luận:

          (Sao) Thị cố nhiếp tâm, thể tâm, lưỡng chủng niệm Phật, Sự Lý hỗ thông, bổn bất nhị cố.

()是故攝心體心,兩種念佛,事理互通,本不二故。

(Sao: Vì thế, nhiếp tâm và thấu hiểu cái tâm, hai loại niệm Phật, Sự Lý dung thông, vốn là chẳng hai).

          Khi Sự niệm mà niệm mức thành thục sẽ biến thành Lý niệm. Trong Lý niệm cũng kiêm Sự niệm, trong Lý có Sự, trong Sự có Lý, chúng có thể dung thông. Vì thế, chẳng cần phải hoài nghi.

          (Sớ) Hựu thử Sự Lý nhị trì, hoặc tiệm tấn, hoặc đốn nhập, diệc tùy cơ bất định.

          ()又此事理二持,或漸進,或頓入,亦隨機不定。

(Sớ: Lại nữa, Sự trì và Lý trì, hoặc là tiến từ từ, hoặc tiến nhập ngay lập tức, cũng tùy thuộc căn cơ, chẳng nhất định).

          Cổ nhân nói “con người quý ở chỗ tự biết”. Một người quý nhất là tự biết mình, biết căn tánh và trình độ của chính mình. Có thể tự biết, chúng ta chọn lựa pháp môn nhất định được lợi ích. Đối với các thứ tông phái trong Phật môn, hễ chúng ta học lan man đôi chút, hãy phản tỉnh cặn kẽ xem có thích hợp với chính mình hay không? Trong Giáo Hạ, tông Thiên Thai [đòi hỏi] phải học thuộc ba bộ kinh sách lớn (Pháp Hoa Huyền Nghĩa, Pháp Hoa Văn Cú và Ma Ha Chỉ Quán); tông Hiền Thủ phải thuộc lòng kinh Hoa Nghiêm, chúng ta có năng lực ấy hay không? Hãy suy ngẫm! Phân lượng [những kinh sách ấy] quá nhiều; nay để đọc sách, thuộc sách thì đã quá tuổi rồi, khó lắm! Những môn ấy khó khăn! Thiền Tông, đừng nói là khai ngộ, chúng ta ngồi xếp bằng, chẳng nhập Định được! Còn có thể khai ngộ hay chăng? Chẳng đắc Định. Ngồi xếp bằng tại đó, vẫn là suy nghĩ loạn xạ, vẫn dấy vọng tưởng. Nói cách khác, hành môn này cũng chẳng hành suông sẻ được! Trong Mật có khá nhiều chú ngữ, dẫu gặp thiện tri thức thật sự, chú ngữ rất nhiều, nghi quỹ rất nhiều, hãy nhìn lại hoàn cảnh sống của chính mình, có năng lực để tu học hay không? Chẳng có năng lực, sẽ chẳng thể thành công. Nhìn lại Tịnh Độ, pháp môn Tịnh Độ thật sự được chư Phật, Bồ Tát, tổ sư đại đức khen ngợi, gọi là “đạo dễ hành”! Một câu Phật hiệu đúng là quá đơn giản, quá dễ dàng. Chúng ta công việc rất bận bịu, tôi vừa mới dạy quý vị pháp Thập Niệm, quyết định chẳng trở ngại công việc. Mỗi lần công khóa chỉ cần một phút, trở ngại công việc quý vị ở chỗ nào? Biết căn tánh của chính mình, bèn biết chọn lựa pháp môn hữu ích nhất cho chính mình. Chúng ta thực hiện thì nhất định phải tiến hành từ nơi sự tướng, chẳng cần phải học đòi người ta mỗi ngày niệm mười vạn câu Phật hiệu. Có rất nhiều người nghe nói cổ đại đức mỗi ngày niệm mười vạn câu Phật hiệu, có vị mỗi ngày niệm mười mấy vạn câu Phật hiệu, trong tâm hâm mộ khôn cùng, một dạ mong học theo, chẳng bắt buộc phải như vậy! Những vị đó có hoàn cảnh khác hẳn, họ suốt ngày từ sáng đến tối chẳng phải làm gì! Họ chẳng phải làm việc, chẳng niệm Phật sẽ suy nghĩ loạn xạ! Bản thân quý vị suốt ngày từ sáng đến tối công việc hết sức bận rộn, đêm không ngủ để niệm Phật, niệm đến hôm sau mệt bở hơi tai, chuyện gì cũng đều chẳng làm được, sai mất rồi! Vì thế, người nhàn rỗi có phương pháp tu hành dành cho người nhàn rỗi, người bận rộn có cách tu hành dành cho người bận rộn, nhất định phải thích hợp hoàn cảnh cuộc sống của chúng ta. Như thế thì sẽ tốt đẹp, chớ nên miễn cưỡng, công phu mới có thể đắc lực.

          Có “tiệm tấn” và có “đốn nhập”, tùy thuộc căn cơ, chẳng nhất định. Tiệm và Đốn có mối quan hệ rất lớn đối với căn tánh. Căn tánh chính là cơ sở tu học trong quá khứ. Tuy đời này được làm thân người, nghe Phật pháp, lại phải học từ đầu, quên sạch sành sanh những thứ trong kiếp trước. Bất quá lợi căn và đốn căn đích xác là rất rạch ròi. Trong đời quá khứ, nếu vun bồi căn cơ chẳng sâu, một đời này sẽ tỏ ra rất chậm lụt. Đời đời kiếp kiếp trong quá khứ vun bồi căn cơ sâu dầy, nay sẽ cảm thấy căn cơ rất nhạy bén, vừa nghe bèn hiểu rõ, thông đạt, thuộc loại lợi căn. Do vậy, nhất định là phải tự mình biết căn tánh của chính mình, chẳng có một ai không thành công. Căn tánh độn chẳng sợ. Thật đấy! Thiền sư Không Cốc nói: “Chỉ cần quý vị niệm một câu Phật hiệu đến cùng, quý vị sẽ có ngày khai ngộ”. Tiêu nghiệp chướng chẳng có gì khác, chính là chuyên tâm, chuyên nhất [mà thôi]! Nghiệp chướng tiêu trừ. Tiêu trừ nghiệp chướng thì sợ nhất là làm quá nhiều, quá tạp, tâm chẳng thanh tịnh, nghiệp chướng sẽ chẳng tiêu được! Hễ “nhất”, tâm bèn thanh tịnh. Vì thế, “nhất” quá trọng yếu.

Trong Ảnh Trần Hồi Ức Lục, [pháp sư Đàm Hư có nhắc tới] vị sư trông coi đèn nến [trong chánh điện] đã đem phơi đèn cầy[2] chính là một người độn căn. Lão hòa thượng của vị ấy rất tinh tế, nhận biết người ấy thật thà, người thật thà thì có thể dạy được! Ngài dạy vị sư ấy chẳng cần làm gì cả, hãy đến chùa Dục Vương lạy xá-lợi. Nơi ấy có thờ xá-lợi của Thích Ca Mâu Ni Phật, mỗi ngày lạy ba ngàn lạy. Vị sư ấy thật thà! Lễ bái chẳng thiếu sót, mỗi ngày lễ ba ngàn lạy. Lạy suốt ba năm, vị ấy khai ngộ, người thật thà có thể khai ngộ. Đối với người đồ đệ làm thợ vá nồi của pháp sư Đế Nhàn, Sư dạy ông ta hãy niệm một câu Nam-mô A Di Đà Phật, hãy thật thà niệm. Lão nhân gia bèn thật thà niệm. Niệm ba năm, đứng vãng sanh, quý vị thấy có lỗi lạc hay chăng? Phiền phức nhất là bọn người chúng ta, người xưa chê [chúng ta] là “hạng người dở dở ương ương”, thượng không ra thượng, hạ chẳng thành hạ, loại người  khó tu hành nhất. Thích Ca Mâu Ni Phật rát miệng buốt lòng thuyết pháp bốn mươi chín năm chính là vì lũ người chúng ta. Còn như người thật thà thì có cần phải đổ công tốn sức [dạy bảo nhọc nhằn] như thế hay chăng? Do mấy câu bèn giải quyết vấn đề, người ấy bèn thành công. Chúng ta là lũ người phiền toái nhất, là bọn người khiến Thích Ca Mâu Ni Phật đau đầu nhất, nhưng Ngài vẫn phải hóa độ. Hôm nay chúng tôi nói tới chỗ này!

[1] Thiền sư Không Cốc Cảnh Long, húy Cảnh Long, tự Tổ Đình, hiệu Không Cốc, họ

ngoài đời là Trần, quê ở Nguyên Sơn, Động Đình, Cô Tô. Từ bé, Sư đã ăn chay, thích ngồi xếp bằng tĩnh tọa. Về sau, Sư y chỉ hòa thượng Bạch Liên Lãn Vân để học Thiền. Tuy chưa xuất gia, Ngài đã thông đạt thâm sâu lẽ Thiền. Sau đó, Ngài xuất gia tại núi Hổ Khâu. Về sau, Sư thọ đại giới tại chùa Chiêu Khánh, Hàng Châu, chuyên tu Thiền. Sau đó, có ngộ, trình lên ngài Lãn Vân, được ấn khả, được phó pháp đời thứ hai mươi bốn của tông Lâm Tế. Sư có trước tác bộ Không Cốc Tập gồm ba mươi quyển.

[2] Vị này quá thật thà đến nỗi ngốc nghếch. Tại miền Bắc Trung Hoa, khi chuyển từ mùa Đông sang mùa Xuân, hoặc từ Xuân sang Hạ, đồ đạc dễ bị ẩm mốc; do đó người ta thường đem mền, đệm, quần áo, màn cửa ra phơi nắng cho khỏi bị mốc. Có người đùa bỡn bảo Sư: “Nến không phơi cũng bị mốc”. Sư tưởng thật, đem nến ra phơi, sáp bị chảy hết, chỉ còn tim đèn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *