Tập 213/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 03-003-0289

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 213

          Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm hai mươi hai:

          (Sao) Thiện trung thiện giả. Tự hữu ngũ nghĩa, dĩ cụ Trí Luận ngũ Bồ Đề tâm cố.

()善中善者,自有五義,以具智論五菩提心故。

(Sao: Điều lành nhất trong các điều lành, tự có năm nghĩa, do đầy đủ năm thứ tâm Bồ Đề như Đại Trí Độ Luận đã nói).

          Nói rõ điều lành nhất trong các điều lành có năm ý nghĩa, năm ý nghĩa ấy do đâu mà có? Đó là năm thứ Bồ Đề tâm được nói trong Đại Trí Độ Luận, đó là điều lành nhất trong các điều lành. Bồ Đề (Bodhi) là tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là giác ngộ. Bồ Đề tâm là tâm giác ngộ. Nói cách khác, đối với hết thảy sự lý thuộc về vũ trụ, nhân sinh, hiện tại, vị lai, đều có thể thấy rất rõ ràng, rất minh bạch, chẳng mê hoặc thì gọi là Bồ Đề tâm. Vì sao có năm loại? Đó là nói theo thứ tự sâu hay cạn khác biệt. Có những người có tầm nhìn rất xa, đương nhiên sẽ xử lý sự vụ khá thích đáng, chẳng phạm sai lầm. Dưới đây là [những ý] trích từ Trí Độ Luận giảng về năm loại Bồ Đề tâm.

          (Sao) Nhất, phát tâm Bồ Đề, vị ư vô lượng sanh tử trung, phát đại Bồ Đề tâm dã, nhi trì danh, chánh ư phàm phu sanh tử tâm trung, khởi Đại Giác cố. Nhị, phục tâm Bồ Đề, vị đoạn chư phiền não, hàng phục kỳ tâm dã, nhi trì danh, tắc chánh niệm tài chương, phiền não tự diệt cố.      

          ()一、發心菩提,謂於無量生死中,發大菩提心也。而持名,正於凡夫生死心中,起大覺故。二、伏心菩提。謂斷諸煩惱,降伏其心也。而持名,則正念纔彰,煩惱自滅故。

(Sao: Một là phát tâm Bồ Đề, nghĩa là trong vô lượng sanh tử, phát đại Bồ Đề tâm, mà trì danh chính là từ trong cái tâm sanh tử phàm phu, dấy lên Đại Giác. Hai là phục tâm Bồ Đề, nghĩa là đoạn các phiền não, hàng phục cái tâm này, nhưng trì danh thì chánh niệm mới vừa tỏ lộ, phiền não tự diệt).

          Trong phần trước, đã giới thiệu hai đoạn này. Chúng ta xem đoạn thứ ba.

          (Sao) Tam, minh tâm Bồ Đề, vị liễu đạt chư pháp Thật Tướng dã.

          ()三、明心菩提,謂了達諸法實相也。

          (Sao: Ba là minh tâm Bồ Đề, ý nói “liễu đạt Thật Tướng của các pháp”).

           “Liễu” (了) là hiểu rõ, “đạt” (達) là thông đạt, “chư pháp” là nói hết thảy các pháp thế gian cho đến hết thảy các pháp xuất thế gian. Hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian đều hiểu rõ, đều thông đạt, biết chân tướng của hết thảy các pháp. Nếu nhân vật lãnh đạo của mỗi quốc gia trong thế gian này đều có thể có hiểu rõ tâm Bồ Đề, thế giới này sẽ chẳng loạn như thế. Nay chúng ta thấy chiến tranh tại Y Lạp Khắc (Iraq), hãy lắng lòng quan sát, rất có thể sẽ là mở màn cho cuộc đại chiến thế giới lần thứ ba. Đây đều là do mê hoặc, điên đảo, do có cách nghĩ, cách nhìn chắc chắn là sai lầm đối với chân tướng của hết thảy các pháp, nên mới có thể dẫn khởi đại tai nạn ấy. Đương nhiên là chẳng có ai mong phát động tai nạn này, mà cũng chẳng có ai muốn nhận lãnh tai nạn ấy. Đó là cộng nghiệp của chúng sanh, biết làm sao được!

          (Sao) Nhi trì danh, chánh tức thử nhất tâm, minh liễu nhất thiết chư pháp Thật Tướng cố.

          ()而持名,正即此一心,明了一切諸法實相故。

          (Sao: Nhưng trì danh chính là cái tâm này, do hiểu rõ Thật Tướng của hết thảy các pháp).

          Nay chúng ta chỉ có một con đường để có thể đi theo: Nhất tâm nhất ý thật thà niệm Phật, chắc chắn sẽ có lợi cho bản thân chúng ta.

          (Sao) Tứ, xuất đáo Bồ Đề.

          ()四、出到菩提。

          (Sao: Bốn là xuất đáo Bồ Đề).

          Cảnh giới này càng cao hơn.

          (Sao) Vị đắc Vô Sanh Nhẫn, xuất tam giới, đáo Tát Bà Nhã dã.

          () 謂得無生忍,出三界,到薩婆若也。

          (Sao: Nghĩa là đắc Vô Sanh Nhẫn, thoát khỏi thế giới, đạt đến Tát Bà Nhã).

           “Xuất” (出) là vĩnh viễn vượt khỏi tam giới, lục đạo luân hồi. “Tát Bà Nhã” (Sarvajñaḥ) là tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Nhất Thiết Chủng Trí, là trí huệ nơi quả địa Như Lai. “Đáo Tát Bà Nhã” là chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, đó là “đáo đạt” (到達: đạt đến).

          (Sao) Nhi trì danh, tức đắc nhất, nhị, tam nhẫn.

          ()而持名,即得一二三忍。

          (Sao: Nhưng do trì danh bèn đắc một thứ nhẫn, hai thứ nhẫn, hoặc ba thứ nhẫn).

         Câu “nhất, nhị, tam nhẫn” phát xuất từ kinh Vô Lượng Thọ, đó là chứng đắc của bậc Sơ Địa Bồ Tát trong Viên Giáo trở lên.

          (Sao) Tiệp siêu sanh tử, xu Nhất Thiết Trí cố.

          ()捷超生死,趨一切智故。

          (Sao: Do nhanh chóng vượt thoát sanh tử, hướng đến Nhất Thiết Trí).

          “Tiệp” (捷) là nhanh chóng. Có thể nhanh chóng “siêu sanh tử”, có thể tiến hướng trí huệ nơi quả địa Như Lai. Đó là cảnh giới của hàng Thập Thánh Bồ Tát, [tức là Thập Thánh trong] Tam Hiền Thập Thánh. Trong phần trên, từ phát tâm cho đến minh tâm thuộc về địa vị Tam Hiền, tức là Thập Tín, Thập Trụ, và Thập Hồi Hướng, “xuất đáo” là địa vị Thập Địa. [Bồ Tát tâm loại] thứ năm là các địa vị Đẳng Giác và Diệu Giác.

          (Sao) Ngũ, Vô Thượng Bồ Đề, vị tọa đạo tràng, thành tối Chánh Giác dã.

          ()五、無上菩提,謂坐道場,成最正覺也。

          (Sao: Năm là  Vô  Thượng  Bồ  Đề, nghĩa  là  ngồi  nơi  đạo  tràng,

thành Chánh Giác cao tột).

          Giống như trong phẩm Phổ Môn và kinh Lăng Nghiêm đã nói: Nên dùng thân Phật để đắc độ, bèn hiện thân Phật để thuyết pháp. Đó là hiện thân Phật để “thành tối Chánh Giác”.

          (Sao) Nhi trì danh, tắc đắc bất thoái chuyển địa, trực chí thành Phật cố.

()而持名,則得不退轉地,直至成佛故。

(Sao: Nhưng trì danh bèn đắc địa vị bất thoái chuyển, tiến thẳng đến thành Phật).

          Liên Trì đại sư đã kết quy cả năm loại Bồ Đề tâm trong Đại Trí Độ Luận vào trì danh niệm Phật. Do vậy có thể biết, công đức và lợi ích của trì danh xác thực là chẳng thể nghĩ bàn. Nếu quý vị chẳng biết năm loại Bồ Đề tâm này, chẳng sao cả! Chỉ cần quý vị thật thà niệm câu Phật hiệu này, năm loại Bồ Đề tâm đều ở trong một câu hồng danh sáu chữ. Không hiểu mà niệm đến mức thuần thục, thấu suốt, vẫn có thể chứng đắc, đó là sự hay khéo của Tịnh Tông, các pháp môn khác chẳng thể sánh bằng! Sách Diễn Nghĩa đã giảng cặn kẽ năm điều này:

          (Diễn) Thiện trung thiện hạ.

          ()善中善下。

          (Diễn: Từ “điều lành nhất trong các điều lành” trở đi).

           Giải thích đoạn văn [trong lời Sớ] từ chữ “thiện trung thiện” trở đi.

          (Diễn) Thị thích trì danh, nãi thiện trung thiện.

          ()是釋持名,乃善中善。

          (Diễn: Nhằm giải thích trì danh chính là điều lành nhất trong các điều lành).

Giải thích trì danh niệm Phật chính là điều lành nhất trong các điều lành, là điều lành bậc nhất trong tất cả hết thảy thiện pháp thế gian và xuất thế gian, chẳng có gì tốt lành hơn được! Chúng ta nhất định phải nhận biết rõ ràng điều này. Do đó, người trì danh là người lành nhất trong những người lành. Vì thế, được chư Phật hộ niệm, trời, rồng tôn trọng, vì sao? Quý vị là thiện nhân bậc nhất trong thế gian và xuất thế gian, quý vị tu thiện pháp bậc nhất, mấy ai hay biết? Lời này tuyệt đối chẳng phải do kẻ niệm Phật tự bốc thơm chính mình, chẳng phải vậy! Năm loại Bồ Đề dưới đây đã chứng minh cách nói này quyết định là chánh xác. Chúng ta hãy xem phần giải thích dưới đây:

          (Diễn) Phát tâm Bồ Đề, tức thị Viên Giáo Ngũ Phẩm vị. Thử sở phát chi tâm, tức thị tùy hỷ tâm. Diệu tâm thể cụ như Như Ý Châu. Tâm, Phật, cập chúng sanh, thị tam vô sai biệt. Thử tâm tức Không, tức Giả, tức Trung. Sơ tâm tri thử khánh kỷ, khánh nhân, sở vị “ư sanh tử trung phát Đại Bồ Đề tâm” dã.

          ()發心菩提,即是圓教五品位。此所發之心,即是隨喜心。妙心體具如如意珠,心佛及眾生,是三無差別。此心即空即假即中。初心知此慶己慶人,所謂於生死中發大菩提心也。

(Diễn: Phát tâm Bồ Đề chính là địa vị Ngũ Phẩm trong Viên Giáo. Cái tâm đã phát này chính là tâm tùy hỷ. Thể của diệu tâm trọn đủ giống như Như Ý Châu. Tâm, Phật, chúng sanh là ba thứ chẳng sai biệt. Tâm ấy chính là Không, chính là Giả, chính là Trung. Hàng sơ tâm biết điều này bèn mừng cho mình, mừng cho người, đó gọi là “ở trong sanh tử mà phát đại Bồ Đề tâm”).

          “Viên Giáo Ngũ Phẩm vị” (Địa vị Ngũ Phẩm[1] trong Viên Giáo) thuộc về Viên Giáo, chẳng phải là Tạng Giáo, Thông Giáo, hay Biệt Giáo. Vào đời Tùy, trước khi Trí Giả đại sư vãng sanh, các học trò hỏi Ngài: “Lão nhân gia sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới có phẩm vị như thế nào?” Trí Giả đại sư bảo mọi người: “Do ta lãnh chúng, làm Trụ Trì, phụ trách sự vụ hành chánh trong tự viện, lỡ làng sự tu học của chính mình, chỉ chứng đắc địa vị Ngũ Phẩm”. Đây là đại sư nói khiêm hư, cũng là nhằm hiện thân thuyết pháp để dạy chúng ta. Nói cách khác, nếu Ngài không làm Trụ Trì, chẳng lãnh chúng, sẽ là thượng phẩm thượng sanh, quyết định chẳng thuộc vào địa vị Ngũ Phẩm. Cho thấy những người làm Trụ Trì, làm Đương Gia, làm chấp sự trong tự viện đã xả mình vì người, hy sinh chính mình để thành toàn kẻ khác. Nhưng sự hy sinh ấy cũng có hạn độ; nếu hy sinh đến cuối cùng [chính mình] chẳng thể vãng sanh, thậm chí đọa lạc trong tam đồ, sai lầm mất rồi! Người ta hy sinh, mức độ thấp nhất là còn có thể vãng sanh trong địa vị Ngũ Phẩm, đây là chỗ chúng ta phải học tập. Nếu như chính mình chắc chắn đã nắm vững vãng sanh, phẩm vị thấp đôi chút cũng chẳng sao, đáng giá lắm, giúp đỡ hết thảy mọi người tu tập Tịnh Độ. Địa vị Ngũ Phẩm là hạn mực thấp nhất, sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư.

          “Phát tâm Bồ Đề”, “phát” là khải phát (啟發: khơi gợi, phát khởi), “phát” (發) cũng là phát hiện, cũng là Thỉ Giác, bắt đầu giác ngộ. “Thử sở phát chi tâm, tức thị tùy hỷ tâm” (Cái tâm được phát ấy chính là tâm tùy hỷ). Trong Ngũ Phẩm có [một phẩm công đức là] Tùy Hỷ, chính là “tùy hỷ công đức” trong mười đại nguyện vương, tùy thuận ai? Tùy thuận chư Phật, Bồ Tát. Mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai đều dùng trì danh niệm Phật để phổ độ hết thảy chúng sanh hòng viên mãn Vô Thượng Bồ Đề ngay trong một đời, [trở thành] người thật sự giác ngộ, chúng ta tùy hỷ điều này. Đó là trên tùy thuận chư Phật, dưới là [tùy thuận] hết thảy chúng sanh có cơ duyên thành Phật đã chín muồi. Chín muồi là như thế nào? Người ấy vừa được nghe pháp môn Trì Danh Niệm Phật này liền hoan hỷ, tin tưởng, tiếp nhận, thật thà niệm Phật. Đó là chúng sanh đã có căn cơ chín muồi. Người căn cơ chín muồi đáng cho chúng ta tùy hỷ. Trên là tùy hỷ chư Phật, dưới tùy hỷ chúng sanh có căn cơ chín muồi. Điều này rất khó có, rất khó khăn! Chúng ta hãy ngẫm xem: Có mấy ai thật sự phát tâm làm Phật? Hiện thời, tôi nghe rất nhiều đồng học tới kể lể: Cuộc sống rất khổ sở, làm việc rất vất vả, làm nghề gì cũng trắc trở! Do vậy, tôi khuyên họ: Nghề làm Phật tốt đẹp hơn bất cứ nghề nào khác. Nếu có thể, hãy đổi sang nghề làm Phật! Làm Phật mà nếu thật sự thành Phật trong một đời này, đúng là đừng nói đến nghề nghiệp thế gian, ngay cả nghề nghiệp xuất thế gian cũng chẳng sánh bằng! Quý vị đã luôn luôn chọn lựa đúng đắn, cái tâm ấy đã thật sự phát ra.

          “Diệu tâm” là chân tâm,  là bản tánh.  Cái tâm chúng ta niệm Phật

là diệu tâm. Trong cái tâm niệm Phật, chỉ có một câu Phật hiệu. Trừ câu Phật hiệu ra, chẳng có vọng niệm thứ hai, thì cái tâm ấy là diệu tâm. Lục Tổ đại sư đã giảng về cái Thể của diệu tâm [như sau]: “Nào ngờ tự tánh vốn sẵn trọn đủ”, Chân Như bản tánh của chính mình vốn sẵn trọn đủ, trọn đủ vô lượng trí huệ, vô lượng đức năng, giống như Như Ý Châu, thuận theo lòng mong muốn, biến hóa vô cùng. “Tâm, Phật, cập chúng sanh, thị tam vô sai biệt” (Tâm, Phật và chúng sanh là ba thứ không sai biệt): Tâm là Thể, Phật và chúng sanh đều là tướng được hiện trong bản thể. Đã giác ngộ thì cái tâm ấy bèn hiện ra Phật, [hiện ra] cảnh giới Phật. Mê mất tự tánh thì cái được hiện ra sẽ là chúng sanh, là cảnh giới của chúng sanh. Do vậy, chúng sanh và Phật đều do tự tánh biến hiện, vấn đề là quý vị giác hay mê? Người thế gian mê nhiều, giác ít. Đừng nói người bình phàm mê chứ không giác, ngay cả kẻ niệm Phật hoặc người học Phật, có mấy ai thật sự giác ngộ? Chúng ta cứ suy xét chính mình, [sẽ thấy bản thân] chẳng hề giác ngộ.

          Giác ngộ có tiêu chuẩn hay không? Có tiêu chuẩn. Ở đây, kể ra năm tiêu chuẩn, là tiêu chuẩn thấp nhất. Ở chỗ này, tôi mới thưa cùng các vị đồng tu, người giác ngộ chẳng có vọng niệm. Kẻ có vọng niệm tức là chẳng giác ngộ. Ta còn nghĩ tới chính mình, còn nghĩ tới nhà của ta, còn suy nghĩ trước sau; đó là mê hoặc, điên đảo, chẳng phải là giác ngộ. Tâm địa người giác ngộ vĩnh viễn thanh tịnh, ý niệm gì cũng chẳng có, hiện tại, quá khứ, vị lai, người ấy đều biết rành rẽ, rõ ràng. Vì sao? Tâm thanh tịnh soi chiếu cảnh giới bên ngoài, thấy Thật Tướng của các pháp. Chúng ta khởi tâm động niệm, suy nghĩ loạn xạ, hoàn toàn chẳng thấy chân tướng bên ngoài. Hãy từ tiêu chuẩn này mà cảm nhận, phản tỉnh, sẽ biết rốt cuộc chính mình là giác hay mê! Tôi lại nói minh bạch hơn một chút, người thật sự giác ngộ nhất định sẽ chọn nghề nghiệp làm Phật. Thế nhưng người phát tâm xuất gia hiện thời chưa chắc đã thật sự giác ngộ. Người thật sự giác ngộ nhất định xuất gia, nhưng người xuất gia chưa chắc đã thật sự giác ngộ. Chư vị hãy khéo nghiền ngẫm ý vị của hai câu này nhé!

(Diễn) Thử tâm tức Không, tức Giả, tức Trung.

()此心即空即假即中。

(Diễn: Tâm này chính là Không, chính là Giả, chính là Trung).

          Đại Thừa Phật pháp thường gọi Không, Giả, Trung là Thể, Tướng,

Dụng; tông Thiên Thai thay đổi danh từ, gọi chúng là Không, Giả, Trung.

          “Không” là nói về bản thể. Bản thể xác thực là Không, vì sao? Quý vị quyết định chẳng đạt được, nhưng nó là có! Tuy có, quý vị chẳng đạt được, chư vị đồng tu phải giác ngộ điểm này. Trong thế gian, quý vị có thể đạt được thứ gì? Thứ gì cũng đều chẳng đạt được! Nếu quý vị nói “có thể đạt được” thì là ngu si, là lừa mình, dối người. Không chỉ là vật ngoài thân quý vị chẳng đạt được thứ gì, mà thân thể cũng chẳng đạt được. Chúng ta ngồi ở nơi đây, các tế bào trong thân thể thay cũ đổi mới trong từng sát-na. Vì thế, trong hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian, chẳng có một thứ gì để đạt được! Nếu quý vị thật sự hiểu chân tướng sự thật này, sẽ là giác ngộ, chẳng còn truy cầu nơi sự tướng, chẳng còn nữa! Tất cả hết thảy các pháp trong thế gian, dẫu là trong hiện thời hình như đạt được, nói thật thà, cái mà quý vị tạm thời đạt được là quý vị có quyền lực chi phối nó, chẳng phải là quyền sở hữu. Xác thực là quý vị chẳng có quyền sở hữu! Ví như nay quý vị có được một món tiền thì có thật sự đạt được món tiền ấy hay chăng? Hễ chết đi, thứ gì cũng chẳng mang theo được. Bất quá là để cho quý vị xem chơi chốc lát trong hiện tiền; trong lúc này, quý vị có quyền lực chi phối. Quí vị chi phối thích đáng bằng cách dùng nó để tu phước tích đức cho chính mình, còn chi phối chẳng thích đáng là dùng nó để tạo nghiệp, sẽ còn có ác báo trong tương lai. Do vậy, phải ghi nhớ, chính mình quyết định chẳng có [thứ gì]! Có cơ hội để chi phối như vậy, sao không dùng nó vào chỗ tốt lành? Thiện là gì? Lợi ích hết thảy chúng sanh; nhất là để tuyên dương Chánh Pháp trong thời đại này. Đó chính là quý vị sử dụng thỏa đáng nhất, chẳng bỏ lỡ. Nếu cầu cho chính mình hưởng thụ, nói thật thà, nhất định là sẽ chẳng thể hưởng thụ, gây tạo một thân tội nghiệp, tùy thuộc là giác hay bất giác? Do vậy, hiểu bản thể của hết thảy vạn pháp là Không.

          “Giả” là nói tới tướng trạng. Chúng ta có được cái thân này, thân là nói tới tướng trạng. Hoàn cảnh để chúng ta nương tựa hòng sanh tồn chính là tướng trạng. Trong những tướng của hết thảy các vật, các tướng là giả tướng. Vì sao là giả tướng? Sanh diệt trong từng sát-na, biến hóa trong từng sát-na. Động vật có sanh, lão, bệnh, tử. Thực vật có sanh, trụ, dị, diệt. Khoáng vật có thành, trụ, hoại, không. Do đó, tướng là giả, chẳng thật.

“Trung” là Dụng. Quý vị sử dụng hết sức thích đáng. Đó là Trung. Đã chẳng lệch về Không, mà cũng chẳng nghiêng sang Có. Vì thế, đối với Dụng thì phải dùng Trung. Nhà Phật nói “dùng Trung”, Trung Đạo Đệ Nhất Nghĩa Đế là dùng Trung. Nho gia cũng nói dùng Trung. Sách Trung Dung dạy chúng ta phải dùng Trung. Khi Phật giáo còn chưa truyền đến Trung Hoa, thánh nhân Trung Hoa cũng hiểu đạo lý này, chỉ dạy chúng ta phải dùng Trung. Chúng ta dùng Trung, chính là tác dụng chánh đáng của cái tâm. Biết Thể là Không, tướng là Giả, Dụng thì phải Trung.

          “Sơ tâm tri thử”, [nghĩa là] kẻ sơ phát tâm đã hiểu, đã biết chân tướng này, rất đáng mừng, mừng vui vì lẽ gì? Một đời này, chắc chắn chẳng tạo nghiệp, một đời này sẽ chắc chắn chẳng phạm lỗi lầm, đời này quyết định chẳng mê mất. Nói cách khác, tâm hạnh thuần thiện. Dẫu chẳng thể vãng sanh thế giới Tây Phương, đời sau cũng là đại phước báo trong cõi nhân thiên, lẽ nào người ấy chẳng tự mình vui mừng? Đem những gì chính mình đã nhận biết, đã giác ngộ, truyền trao người khác, thấy người khác cũng hiểu rõ, bèn mừng giùm cho họ. [Đó chính là ý nghĩa của câu] “khánh kỷ, khánh nhân” (mừng cho mình, mừng cho người); nhưng chư vị phải hiểu, đổi hết thảy thiện nghiệp thành phước báo nhân thiên trong đời sau thì vẫn là ngu si cùng cực! Vì sao? Không thoát khỏi luân hồi, sẽ là sự phiền phức to tát! Không thoát khỏi luân hồi, ắt đọa ác đạo. [Dẫu cho] đời sau quý vị chẳng đọa ác đạo, đời sau nữa sẽ đọa ác đạo, chẳng thể bảo đảm quý vị đời đời kiếp kiếp giác chứ không mê. Hễ đầu thai bèn bị mê khi cách ấm, quên sạch sành sanh những điều đã giác ngộ trong đời trước. Bồ Tát còn bị thoái chuyển. Do vậy, chẳng thoát khỏi tam giới thì chẳng phải là thật sự giác ngộ. Thật sự giác ngộ thì nhất định là phải vượt thoát sanh tử luân hồi ngay trong một đời này. Đó mới là thật sự giác ngộ. Vượt thoát sanh tử luân hồi, xác thực là điều mong cầu của những chúng sanh giác ngộ. Mong cầu là một chuyện, có thể làm được hay không lại là một chuyện khác! Vì sao chẳng làm được? Chư vị phải hiểu: Đức Phật giảng vô lượng pháp môn, mỗi pháp môn đều là liễu sanh tử, thoát tam giới, chắc chắn chẳng sai! Nhưng nếu căn tánh của chúng ta chẳng phù hợp các pháp môn ấy, quý vị sẽ tu rất nhọc nhằn, tu rất mệt mỏi, mà chẳng đạt được hiệu quả, quý vị lại lầm lỡ một đời này. Đời này bị lầm lỡ, chưa chắc đời sau ắt sẽ có thể được làm thân người. Dẫu được làm thân người, chưa chắc là đã có thể nghe Phật pháp! Do vậy, phải tới đời nào, kiếp nào sẽ lại có thể gặp gỡ? Đó là một ẩn số, khổ không thể nói nổi! Vì vậy, người thật sự giác ngộ sẽ nắm chắc cơ duyên hiện tiền, quyết định chớ nên dễ duôi, ta đừng chờ đến đời sau, mà phải thành tựu ngay trong một đời này!

          Muốn thật sự thành tựu trong một đời này, nói thật thà, chỉ có một pháp môn là Trì Danh Niệm Phật. Quyết định chẳng còn hoài nghi những điều đã nói trong kinh Vô Lượng Thọ và kinh Di Đà, khăng khăng một mực tu học. Như vậy thì quý vị thật sự đáng mừng lắm, quyết định thành tựu trong một đời này. Thật sự tu học, ắt phải buông xuống vạn duyên. Thứ gì buông xuống chẳng được, thứ đó sẽ là một món chướng ngại. Hễ trong tâm có một điều gì vướng mắc, sẽ giống như trong lục đạo luân hồi có một sợi dây thừng đang trói chặt quý vị. Quý vị chẳng thể cắt đứt nó, trong tương lai, nó sẽ biến thành chướng ngại khi vãng sanh. Ắt cần phải chặt đứt hết sạch những thứ dây leo, dây trói ấy, khiến cho chúng ta thật sự nhận thức rõ ràng thế giới này, xác thực là chẳng có mảy may tham luyến nào. Có như vậy thì trong tương lai, chúng ta mới tự tại ra đi. Đó là “ư sanh tử trung, phát đại Bồ Đề tâm” (trong sanh tử, phát đại Bồ Đề tâm). Nhất là thời đại hiện tại là [thời đại của] thiên tai nhân họa! Trước khi vãng sanh, thầy Lý đã nói: “Kiếp nạn này, chư Phật, Bồ Tát thần tiên đều cứu không được”, do nghiệp lực của chúng sanh cảm vời. Chúng ta và chúng sanh có cộng nghiệp, nhưng trong cộng nghiệp có biệt nghiệp. Biệt nghiệp là sự tu hành khác biệt của mỗi cá nhân. Cá nhân nghiêm túc tu hành; đó là biệt nghiệp, có thể miễn trừ tai nạn. Đấy là thật sự giác ngộ, thật sự phát tâm cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, điều này được gọi là “phát tâm Bồ Đề”.

          (Diễn) Phục tâm Bồ Đề.

          ()伏心菩提。

          (Diễn: Phục tâm Bồ Đề).

         Sau khi đã phát tâm, phải phục tâm. “Phục” (伏) là gì vậy? [Chế phục] phiền não, tập khí. Đã phát tâm mà quý vị chẳng chế phục vọng tưởng, tập khí, sẽ chẳng thể vãng sanh. Phục tâm là tu hành, phát tâm là giác ngộ, tức là hiểu rõ ràng chân tướng sự thật, đã giác ngộ. Đã giác ngộ thì phải bắt đầu tu, “phục tâm” (伏心) là tu. Trước hết là phải chế phục phiền não. Từ vô thỉ kiếp tới nay, chúng ta tham, sân, si, mạn, các phiền não tập khí ấy rất nặng, làm cách nào để có thể chế phục chúng? Hễ quý vị có thể chế phục phiền não, bèn có thể vãng sanh. Chẳng thể chế phục phiền não, mỗi ngày niệm mười vạn câu Phật hiệu cũng chẳng thể vãng sanh, đúng như cổ nhân đã bảo: “Hét toạc cổ họng cũng uổng công”. Vì sao uổng công? Quý vị chẳng chế phục phiền não tập khí, vẫn lại tạo nghiệp. Thân chẳng tạo nghiệp, miệng chẳng tạo nghiệp, ý đang tạo nghiệp, còn làm thế nào được nữa? Ác tập khí nơi ba nghiệp thân ngữ ý ắt đều phải chế phục; dùng phương pháp gì để chế phục? Dùng một câu A Di Đà Phật để chế phục chúng. Có thể thật sự chế phục, Tịnh Tông bèn nói là “công phu thành phiến”, mãi cho đến Sự nhất tâm bất loạn đều là chế phục.

          (Diễn) Tức thị Viên Giáo Sơ Tín chí Thất Tín vị. Dĩ Sơ Tín đoạn Kiến Hoặc, tùng Nhị Tín chí Thất Tín đoạn Tư Hoặc tận, sở vị đoạn chư phiền não, hàng phục kỳ tâm dã.

          ()即是圓教初信至七信位。以初信斷見惑,從二信至七信斷思惑盡,所謂斷諸煩惱降伏其心也。

(Diễn: Chính là địa vị từ Sơ Tín cho tới Thất Tín trong Viên Giáo. Do Sơ Tín đoạn Kiến Hoặc, từ Nhị Tín cho đến Thất Tín đoạn sạch Tư Hoặc, nên nói là “đoạn các phiền não, hàng phục cái tâm”).

Kinh Kim Cang nói: “Vân hà hàng phục kỳ tâm” (Làm thế nào để hàng phục cái tâm), [“cái tâm” trong câu kinh ấy] chỉ phiền não, tập khí. Nhất định phải sửa lỗi, đổi mới, chớ nên làm chuyện náo nhiệt nữa! Suốt một đời lão hòa thượng Hư Vân, chúng ta xem Niên Phổ của Ngài, [thấy Ngài] tạo dựng nhiều đạo tràng ngần ấy, trùng tu khá nhiều đạo tràng từ thời nảo, thời nao, đến nay đã tuyệt tích chẳng còn. Nhọc nhằn cả một đời, lưu lại gì? Một đạo tràng cũng chẳng còn sót lại, nhưng Ngài để lại tinh thần. Tinh thần ấy chính là kiến lập Phật pháp, khiến cho Chánh Pháp tồn tại lâu dài. Chúng ta hãy quan sát thời tiết nhân duyên trong hiện thời để xem có thích hợp xây dựng đại đạo tràng hay không? Chẳng thích hợp! Trong các buổi giảng, chúng tôi thường nhắc nhở chư vị đồng học, hiện thời là thời đại nào? Lập đại đạo tràng là trong xã hội nông nghiệp xưa kia. Xã hội nông nghiệp có thời gian nhàn rỗi nhiều. Sau khi thu hoạch vụ Thu, trước khi canh tác vụ Xuân, tối thiểu là có thời gian hai ba tháng chơi không, nên có thể đến tu hành trong đạo tràng. Người hiện thời suốt ngày từ sáng đến tối bận túi bụi như vậy, mỗi tuần khó có được thời gian nghỉ ngơi một ngày, lấy đâu ra thời gian để đến đạo tràng tu hành? Vì vậy, dựng đại đạo tràng, dựng to cho cố vào, sẽ biến thành chỗ để du lịch, vãn cảnh. Chúng ta bỏ tiền, bỏ sức để dựng đạo tràng nhằm du lịch, vãn cảnh, chẳng có ý nghĩa chi hết! Tuy có danh xưng đẹp đẽ, cũng là tuyên truyền Phật pháp, khiến cho kẻ khác ngắm nhìn hình tượng Phật, Bồ Tát, sẽ gieo một chủng tử vào A Lại Da Thức, có tí xíu ảnh hưởng như vậy, nhưng yếu ớt quá! Trong thời đại hiện tại, đạo tràng thật sự là đài phát thanh vô tuyến và đài truyền hình, chúng ta có thể lợi dụng đạo tràng như vậy để hoằng dương Chánh Pháp, khiến cho mọi người đối với Phật pháp thật sự có thể hiểu rõ, thật sự nhận thức, chẳng đến nỗi nẩy sanh hiểu lầm. Tiến thêm một bước nữa là họ phát tâm tu học. Lợi ích ấy vô lượng vô biên.

          Hiện nay, Đài Loan có nhiều chùa chiền, tài lực hùng hậu; có thể tập hợp tài lực lại, tôi tin là có thể lập ra dăm ba công ty truyền hình, chẳng thành vấn đề! Đó là đạo tràng Phật giáo của chúng ta. Tiếp nữa, trong quá khứ, chúng tôi thường nghĩ tới Di Đà Thôn, [đó là nơi] các đồng tu đã nghỉ hưu có thể ở chung với nhau cộng tu niệm Phật. Đạo tràng ấy có giá trị, tuyệt đối chẳng phải là nơi để vãn cảnh, mà là nơi chuyên dành cho người cao tuổi và người về hưu niệm Phật tấn tu tại đó. Chẳng cần [xây dựng theo] hình thức chùa miếu, lãng phí quá nhiều tiền bạc; cứ dựng theo lối nhà ở thông thường, trong đó, lập một Niệm Phật Đường lớn, tạo thành một trung tâm hoạt động theo quy mô lớn là đủ rồi, thứ gì khác cũng đều chẳng cần! Thật thà niệm Phật, hàng phục cái tâm là khẩn yếu, nhằm vào mục đích đoạn Kiến Tư phiền não.

          Nếu chúng ta niệm Phật cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, chẳng đoạn Kiến Tư phiền não mà có thể thành tựu, chẳng thể có chuyện ấy! Chư vị phải giác ngộ điều này. Thật sự mong cầu vãng sanh thì phải đoạn Kiến Tư phiền não; đoạn không được thì cũng phải chế phục. Chế phục chẳng được thì [niệm Phật] chỉ là gieo thiện căn trong A Lại Da mà thôi, chắc chắn là chẳng thể vãng sanh. Điều kiện tối thiểu để vãng sanh là phải chế phục [phiền não]. Tuyệt đối chẳng thể nói “chẳng chế phục phiền não, vẫn có thể vãng sanh”, chẳng có chuyện ấy! Tra tìm trong kinh, chẳng hề thấy [dạy như vậy]. Từ xưa đến nay, cũng chẳng có trường hợp ấy, chẳng có tiền lệ để viện dẫn được! Nay quý vị hãy suy ngẫm cặn kẽ, quý vị sẽ vãng sanh, hay là vẫn phải luân hồi trong lục đạo? Nếu chẳng thể đoạn tham, sân, si, mạn, thất tình, ngũ dục, [dẫu] hằng ngày niệm A Di Đà Phật, vẫn phải luân hồi trong lục đạo. Thật đấy, chẳng giả đâu! Do đó, quyết định là phải đoạn! [Đoạn hay chế phục Kiến Tư phiền não] nói theo pháp môn Tịnh Tông sẽ là Sự nhất tâm bất loạn. Công phu thành phiến là Sự nhất tâm ở mức nông cạn nhất. Kiến Hoặc đã đoạn thì là trung phẩm Sự nhất tâm. Tư Hoặc cũng đoạn, bèn là thượng phẩm Sự nhất tâm.

          (Diễn) Minh tâm Bồ Đề, tức thị Viên Giáo Thập Tín mãn tâm nhập Sơ Trụ vị. Thử vị chứng nhất tâm tam trí, dĩ song vong chi lực tri tịch diệt tướng, dĩ song chiếu chi lực tri chủng chủng tướng mạo, sở vị “liễu đạt chư pháp Thật Tướng” dã.

()明心菩提,即是圓教十信滿心入初住位。此位證一心三智,以雙亡之力知寂滅相,以雙照之力知種種相貌,所謂了達諸法實相也。

(Diễn: Minh tâm Bồ Đề chính là viên mãn tâm Thập Tín trong Viên Giáo, dự vào địa vị Sơ Trụ. Địa vị này chứng nhất tâm, tam trí, dùng sức song vong để biết tướng tịch diệt, dùng sức song chiếu để biết các thứ tướng mạo. Đó gọi là “liễu đạt Thật Tướng của các pháp”).

          Địa vị này đã cao, chính là Lý nhất tâm bất loạn, từ Sơ Trụ trong Viên Giáo trở lên, vượt trỗi A La Hán rất nhiều. Công phu niệm Phật sâu đậm, niệm đến mức Kiến Tư và Trần Sa phiền não đều đoạn sạch, lại phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân, bèn thuộc về địa vị này. Địa vị này đã đạt được “nhất tâm tam trí”. Tam trí là Nhất Thiết Trí, Đạo Chủng Trí, và Nhất Thiết Chủng Trí. Ba loại chủng trí này, người ấy đều đạt được. Kinh Hoa Nghiêm gọi địa vị này là Pháp Thân đại sĩ, tông Duy Thức gọi họ là Đồng Sanh Tánh. Phát tâm và phục tâm trong phần trước vẫn là Dị Sanh Tánh. Dị Sanh Tánh (異生性) nghĩa là quý vị và Phật chẳng dùng cùng một cái tâm, nên gọi là Dị Sanh, tức là do hai tâm nên gọi là Dị Sanh. Vì sao? Quý vị dùng cái tâm tám thức. Đạt đến minh tâm Bồ Đề, sẽ chẳng dùng tám thức, chuyển tám thức thành bốn trí, người ấy dùng cùng một cái tâm như chư Phật Như Lai, nên gọi là Đồng Sanh Tánh (同生性): Dùng chân tâm, chẳng dùng vọng tâm. Trong phần trước, chỉ dùng vọng tâm, chẳng dùng chân tâm, đến chỗ này bèn dùng chân tâm. Chân tâm quyết định chẳng có phân biệt, chẳng có vọng niệm. Trong tựa đề kinh Vô Lượng Thọ đã nói chân tâm là “thanh tịnh tâm, bình đẳng tâm, giác tâm”. Tâm chúng ta chẳng thanh tịnh, chẳng bình đẳng, đó là vọng tâm. Đến chỗ này, mới dùng chân tâm. Trong chân tâm, trọn đủ ba loại trí:

– Nhất Thiết Trí biết bản thể của các pháp, tức là biết Không.

– Đạo Chủng Trí biết Giả, tất cả hết thảy muôn tướng đều là giả, tức là giả tướng.

– Nhất  Thiết  Chủng  Trí là nói về tác dụng,  dùng Trung, [thường

gọi là] Trung Đế.

Đối với“tức Không, tức Giả, tức Trung” như tông Thiên Thai đã nói, đến chỗ này mới có thể ứng dụng trong cuộc sống.

          “Song vong” (雙亡) là hai bên đều chẳng chấp trước, hai bên đều vứt bỏ, nên biết “tướng tịch diệt”. Tướng tịch diệt được chứng đắc nơi quả địa Như Lai, là chân tướng của hết thảy các pháp. Người ấy còn chưa chứng đắc tướng thanh tịnh tịch diệt, nhưng đã biết. Nay chúng ta nghe nói, vẫn chưa biết, đừng tưởng là chính mình đã biết, đâu hề biết! Chỉ nghe nói danh từ tướng tịch diệt này, chứ tướng tịch diệt là như thế nào, chẳng có cách nào lý giải! Đối với người ấy (người đã đắc minh tâm Bồ Đề), tuy có thể lý giải, nhưng chưa chứng đắc.

“Dĩ song chiếu chi lực” (Dùng sức song chiếu), song chiếu (雙照) là Huệ, song vong (雙亡) là Định. Định là trong tâm chẳng sanh một niệm; Song Chiếu là nhận biết, chẳng có gì không hiểu, thứ gì cũng đều biết. Tuy thứ gì cũng đều biết, tâm người ấy thanh tịnh. Tịch và Chiếu đồng thời, rành rành là như như bất động. Bồ Tát đã đạt đến địa vị này thì đối với các pháp thế gian và xuất thế gian, chẳng có gì không thông đạt. Tuy thông đạt hết thảy, nhưng như như bất động, trong hết thảy các pháp, chẳng khởi tâm, không động niệm, chẳng phân biệt, không chấp trước, đạt đến cảnh giới như vậy.

“Sở vị liễu đạt chư pháp Thật Tướng” (Đó gọi là hiểu rõ, thông đạt Thật Tướng của các pháp), đây là Lý nhất tâm bất loạn, lên cao hơn sẽ đều là Lý nhất tâm bất loạn. Minh tâm Bồ Đề thuộc về địa vị Tam Hiền, tức là Thập Trụ, Thập Tín, và Thập Hồi Hướng, gồm tất cả ba mươi địa vị.

(Diễn) Xuất đáo Bồ Đề, tức thị Viên Giáo Sơ Địa chí Bát Địa vị.

()出到菩提,即是圓教初地至八地位。

(Diễn: Xuất đáo Bồ Đề chính là địa vị từ Sơ Địa cho tới Bát Địa trong Viên Giáo).

          Hàng Địa Thượng Bồ Tát trong Viên Giáo từ Sơ Địa đến Bát Địa có tám địa vị.

          (Diễn) Dĩ Sơ Địa thỉ đắc Pháp Nhẫn quang minh, chí Bát Địa phương danh “chân đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn”, vi thâm hạnh Bồ Tát.

          ()以初地始得法忍光明,至八地方名真得無生法忍,

為深行菩薩。

(Diễn: Do Sơ Địa mới đắc Pháp Nhẫn quang minh, đạt đến Bát Địa mới gọi là “thật sự đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn”, là bậc Bồ Tát hạnh sâu).

Nói theo kinh Nhân Vương, Thất Địa đã chứng đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn, nhưng Thất Địa là hạ phẩm, Bát Địa là trung phẩm, Cửu Địa là thượng phẩm, khác với cách nói ở chỗ này (cách nói trong Sớ Sao và sách Diễn Nghĩa). Ở đây, nói Sơ Địa đã chứng đắc. Nói thật ra, Vô Sanh Pháp Nhẫn do Sơ Địa chứng đắc là Tương Tự Vô Sanh Pháp Nhẫn, chẳng phải là thật sự. Vô Sanh Pháp Nhẫn thật sự thì phải từ Thất Địa Bồ Tát [trở lên] mới chứng đắc. Ở đây nói Bát Địa mới là thật sự đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn. Bát Địa là trung phẩm Vô Sanh Pháp Nhẫn, thật sự chứng đắc; Thất Địa là hạ phẩm. Trước khi đạt đến Thất Địa, đương nhiên càng không cần phải nói nữa!

Vô Sanh Pháp Nhẫn nghĩa là gì? “Pháp” (法) là nói hết thảy vạn pháp, tức hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian. Vô Sanh (無生) là nói hết thảy các pháp bất sanh. Hết thảy các pháp bất sanh, lấy đâu ra diệt? Có sanh thì mới có diệt, bất sanh đương nhiên là bất diệt! Nay chúng ta thấy hết thảy các pháp có sanh, có diệt; hàng Bồ Tát từ Thất Địa trở lên, thấy hết thảy các pháp bất sanh, bất diệt, hoàn toàn khác hẳn chúng ta. Chúng ta ngơ ngác chẳng hiểu điều này, vĩnh viễn chẳng có cách nào lý giải. Chúng ta thấy hết thảy các pháp rành rành là có sanh, có diệt, há có gì là bất sanh, bất diệt! Chỉ có [khi nào] chính mình đã chứng đắc Bát Địa Bồ Tát thì mới biết được chuyện này. Chưa chứng đắc Bát Địa Bồ Tát, nói kiểu nào cũng không hiểu! [Chuyện này] chẳng do tư duy, tưởng tượng mà hòng thấu hiểu được, mà cũng chẳng thể biểu đạt bằng ngôn ngữ! Đấy là công phu chân thật, cảnh giới chân thật.

“Nhẫn” (忍) nghĩa là “nhẫn khả” (忍可), tức là tán thành, đồng ý. Đức Phật nói hết thảy các pháp bất sanh, bất diệt, ta đồng ý, ta thừa nhận. Vì sao đồng ý, thừa nhận? Vì ta cũng chính mắt thấy lời Phật đã nói hoàn toàn chánh xác, chẳng sai lầm tí nào! Vì thế, Nhẫn có nghĩa là đồng ý, tán thành. Kinh Đại Thừa thường nói tới cảnh giới Vô Sanh Pháp Nhẫn, quý vị mới hiểu đấy là hàng Bồ Tát có địa vị rất sâu, có địa vị rất cao!

          (Diễn)  Nan khả tri,  vô sai biệt,  ly nhất  thiết  tướng,  nhất  thiết

tưởng, nhất thiết chấp trước.

          () 難可知,無差別,離一切相一切想一切執著。

          (Diễn: Khó thể biết, chẳng có sai biệt, lìa hết thảy tướng, hết thảy tưởng, hết thảy chấp trước).

          Lời này là thật. Ở đây, đức Phật nói lời chân thật với chúng ta. Hàng Bồ Tát từ Sơ Địa trở lên biết cảnh giới chân thật này, biết tất cả hết thảy chúng sanh trong mười pháp giới chẳng sai biệt, chúng sanh và Phật chẳng có sai biệt, hoàn toàn là bất sanh, bất diệt. Chỉ là Phật và đại Bồ Tát giác chứ không mê; các Ngài biết rõ ràng. Phàm phu chẳng biết chân tướng sự thật; trong cảnh giới bất sanh, bất diệt, ngỡ là có sanh, có diệt, đâu có biết chân tướng là bất sanh, bất diệt. Vì thế, có sanh, có diệt là do bản thân chúng ta mê hoặc, điên đảo, thấy sai lạc hết thảy chân tướng sự thật, chẳng biết hết thảy các pháp là bất sanh, bất diệt. Bồ Tát đạt đến cảnh giới này mới thật sự “ly nhất thiết tướng”. “Ly” là không chấp trước; [“ly nhất thiết tướng”] là quyết định chẳng nhiễm hết thảy các tướng.

“Nhất thiết tưởng”: Hết thảy vọng tưởng chẳng có. Chẳng nghĩ đến chính mình, mà cũng chẳng nghĩ tới người khác. Tất cả hết thảy tưởng đều đoạn sạch, chẳng phải là sẽ biến thành vô tưởng ư? Vô tưởng cũng đoạn luôn! Không chỉ là chẳng có “hữu tưởng”, mà “vô tưởng” cũng chẳng có, mới là thật sự lìa hết thảy tưởng. Nếu chỉ đơn độc lìa hết thảy “hữu tưởng”, hãy còn có “vô tưởng”, thôi rồi! Người ấy liền sanh vào Vô Tưởng Thiên. Vì thế, vô tưởng cũng phải đoạn trừ. Chuyện này rất phiền toái. Đoạn “hữu tưởng” thì người ấy bèn vô tưởng, đoạn trừ vô tưởng thì chẳng phải là hữu tưởng ư? Chuyện này phiền toái quá, chẳng dễ hiểu! Chẳng thể rớt vào hai bên Có và Không, tâm quý vị mới thật sự là thanh tịnh, linh minh giác tri. Nếu đọa trong Vô Tưởng, [cái tâm ấy] sẽ tối tăm, trơ trơ, chẳng linh thông. Con người nếu đọa trong Vô Tưởng thì có khác gì đồ đạc? Người ấy vô tưởng, hòn gạch, tảng đá đều là vô tưởng! Mọi người phải chú tâm lãnh hội chỗ này.

“Nhất thiết chấp trước”: Hết thảy chấp trước đều chẳng có, hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian đều chẳng chấp trước. Đấy là cảnh giới Hoa Nghiêm, Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại, nhập bất tư nghị giải thoát cảnh giới. Phẩm cuối cùng của kinh Hoa Nghiêm là phẩm Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện, tựa đề gốc của phẩm ấy là Bất Tư Nghị Giải Thoát Cảnh Giới Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện Phẩm. Bất Tư Nghị Giải Thoát Cảnh Giới là sở nhập (cái được chứng nhập), Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện là năng nhập (cái có thể chứng nhập). Nhập cảnh giới Bất Tư Nghị Giải Thoát thì Năng và Sở chẳng hai. Vì thế, lìa hết thảy tướng, hết thảy tưởng, hết thảy chấp trước.

          (Diễn) Nhất thiết Thanh Văn, Bích Chi Phật sở bất năng cập.

          ()一切聲聞辟支佛所不能及。

          (Diễn: Hết thảy Thanh Văn và Bích Chi Phật chẳng thể sánh bằng).

          Đương nhiên là chẳng sánh bằng! Thanh Văn là A La Hán. Bích Chi Phật là Duyên Giác, còn gọi là Độc Giác, thông minh và trí huệ cao hơn A La Hán. Các vị ấy chẳng sánh bằng những vị Bồ Tát này.

          (Diễn) Ly chư huyên tránh, tịch diệt hiện tiền, sở vị xuất tam giới đáo Tát Bà Nhã dã.

          ()離諸喧諍,寂滅現前,所謂出三界到薩婆若也。

(Diễn: Lìa các thứ ồn ào, tranh luận, tịch diệt hiện tiền, đó gọi là “thoát khỏi tam giới, đạt đến Nhất Thiết Chủng Trí”).

          “Huyên” (喧) là ồn ào, “tránh” (諍) là tranh luận. Câu này nói về pháp thế gian. Lìa pháp thế gian thì lìa bằng cách nào? Có phải là thật sự lìa khỏi lục đạo luân hồi hay không? Chẳng phải vậy! Thật sự lìa khỏi lục đạo luân hồi là Thanh Văn và Bích Chi Phật, các vị ấy thật sự lìa khỏi, Bồ Tát không lìa khỏi. [Bồ Tát] sống trong thế gian mà chẳng bị thế gian nhuốm bẩn, xuất thế gian từ ngay trong thế gian. Vì thế, Thanh Văn và Bích Chi Phật chẳng sánh bằng! Bồ Tát ở trong nhiễm mà chẳng nhiễm, ở trong chỗ náo nhiệt mà thanh tịnh, điều này hàng Nhị Thừa chẳng thể sánh bằng! Đó là cảnh giới của Phật và đại Bồ Tát.

          “Tịch diệt hiện tiền, sở vị xuất tam giới đáo Tát Bà Nhã dã” (Tịch diệt hiện tiền, đó gọi là “thoát khỏi tam giới, đạt đến Nhất Thiết Chủng Trí”), rốt cuộc là có xuất hay không? Có nhập hay không? Chẳng có! Chuyển biến tam giới thành biển Tát Bà Nhã (Sarvajñaḥ), cao lắm! Có xuất, có nhập thì sẽ chẳng cao. A La Hán có xuất, có nhập. Bích Chi Phật có xuất, có nhập. Quyền Giáo Bồ Tát có xuất, có nhập. Pháp Thân đại sĩ chẳng có xuất nhập. Có xuất có nhập là hai pháp. Có xuất có nhập là hai tâm, hai tâm chẳng phải là chân tâm. Trong chân tâm chẳng sanh một niệm, hễ có xuất nhập thì có niệm. Một niệm chẳng sanh, lấy đâu ra xuất nhập? Lấy đâu ra tam giới hoặc Tát Bà Nhã? Tam giới và Tát Bà Nhã là hai pháp, hai pháp sẽ không phải là Phật pháp. Chư vị hãy từ chỗ này mà thấu hiểu cặn kẽ.

Vì thế, đối với các Ngài, xuất và nhập là cùng một chuyện; các Ngài nói tam giới và Tát Bà Nhã cũng là cùng một chuyện. Đối với các Ngài thì là biển Tát Bà Nhã; đối với chúng ta là tam giới lục đạo luân hồi. Chúng ta ở cùng một chỗ, nhưng đôi bên cảm nhận khác nhau. Chúng ta thấy hết thảy các pháp có sanh, có diệt, các Ngài thấy hết thảy các pháp bất sanh, bất diệt. Các Ngài thấy chân tướng sự thật, những gì chúng ta thấy là vọng tướng (tướng hư vọng) của sự thật, [nguyên nhân là do] dùng cái tâm khác nhau!

          (Diễn) Vô Thượng Bồ Đề, thị Viên Giáo Diệu Giác vị.

          ()無上菩提,是圓教妙覺位。

          (Diễn: Vô Thượng Bồ Đề là địa vị Diệu Giác trong Viên Giáo).

          Diệu Giác là đã thành Phật. Do vậy có thể biết, ở đây nói “xuất đáo” là từ Sơ Địa cho tới Bát Địa, trên thực tế là [từ Sơ Địa] cho đến địa vị Đẳng Giác, vì sau đó là Vô Thượng Bồ Đề. Trong Vô Thượng Bồ Đề chẳng bao gồm Cửu Địa. Nếu Cửu Địa, Thập Địa, Đẳng Giác, Diệu Giác thảy đều là Vô Thượng Bồ Đề thì Xuất Đáo Bồ Đề đạt đến địa vị Bát Địa [là hết]. Vô Thượng Bồ Đề chỉ có một địa vị, do vậy có thể biết, từ Đẳng Giác trở xuống đều thuộc về Xuất Đáo Bồ Đề. Xuất Đáo Bồ Đề có mười một địa vị, tức là Thập Địa cộng thêm Đẳng Giác.

          (Diễn) Vĩnh biệt vô minh phụ mẫu, cứu cánh đăng Niết Bàn sơn đảnh.

()永別無明父母,究竟登涅槃山頂。

(Diễn: Vĩnh biệt cha mẹ vô minh, rốt ráo lên đỉnh núi Niết Bàn).

          “Vô minh” có thể sanh ra vạn pháp, nên được sánh ví như cha mẹ. “Cha mẹ” mang ý nghĩa “có thể sanh ra”. Kinh luận Duy Thức đã nói rất rõ ràng: “Do một niệm bất giác mà có vô minh”. Một niệm bất giác thì gọi là vô minh, vô minh sanh ra ba tế tướng, ba tế tướng bèn sanh ra sáu thô tướng. Luân phiên sanh ra như vậy, sẽ biến thành thế giới, biến thành vũ trụ, hết thảy vạn pháp. Trình tự của Sanh trong Phật pháp rất giống với cách nói trong kinh Dịch: “Thái Cực sanh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sanh Tứ Tượng, Tứ Tượng sanh Bát Quái, Bát Quái sanh vạn vật”, [cách nói ấy] hết sức gần với cách nói của Phật pháp. Nhưng chư vị phải hiểu, sự Sanh ấy chẳng có trình tự trước sau, có thể nói là đồng thời. Nó xác thực là có thứ tự, nhưng quý vị chẳng có cách nào thấy được thứ tự rõ ràng. Từ một niệm bất giác cho đến biến hiện hết thảy vạn tượng là trong một niệm, giống hệt như chúng ta nằm mộng, mọi người đều có kinh nghiệm nằm mộng. Trong khi quý vị nằm mộng, nói theo lý luận, đương nhiên là nhất định phải có quá trình. Khi quý vị nằm mơ, có phát hiện quá trình nào hay không? Trước hết phải biến ra điều gì rồi mới biến ra điều gì kế đó, lại biến ra điều gì nữa? Biến thành mộng cảnh, có phát hiện hay không? Nói theo lý luận, nó nhất định có quá trình; nhưng khi nằm mơ, do quá nhanh, nên vạn hữu trong vũ trụ hễ biến hiện thì “một điều đã biến, hết thảy đều biến”, tuyệt đối chẳng có thứ tự trước hay sau.

Hiện thời, nhà khảo cổ hay nhân loại học nào cũng đều nói loài người do loài khỉ vượn dần dần tiến hóa, trong Phật pháp chẳng thừa nhận chuyện ấy, Phật pháp chẳng nói tới chuyện ấy. [Quan điểm của] Phật pháp là như trong kinh Lăng Nghiêm đã nói: “Đương xứ xuất sanh, tùy xứ diệt tận” (Sanh ra ở nơi đâu, bèn diệt ở nơi đó), “tùy chúng sanh tâm, ứng sở tri lượng” (thuận theo tâm chúng sanh, ứng với khả năng nhận biết của họ), đây là nói vạn hữu trong vũ trụ xuất hiện như thế nào, hiện hữu như thế nào. Hội Lăng Nghiêm đúng là đã chém đinh chặt sắt nói ra chân tướng sự thật chẳng có mảy may hoài nghi này! Tuyệt đối chẳng phải là tiến hóa, [thuyết tiến hóa] là do con người đang dấy vọng tưởng, đoán mò nơi hiện tượng, chẳng phải là chân tướng sự thật!

          Vô minh là cội nguồn chung hết thảy vạn sự muôn tướng, nên được gọi là “cha mẹ”. Địa vị Diệu Giác đoạn sạch một phẩm sanh tướng vô minh cuối cùng, nên “vĩnh biệt vô minh phụ mẫu” (vĩnh biệt cha mẹ vô minh). Sanh tướng vô minh: Tất cả vạn tướng trong vũ trụ từ đâu mà có? Do vô minh biến hiện ra, nên gọi là sanh tướng vô minh. Đoạn hết vô minh, hết thảy các pháp bèn chẳng có. Vĩnh Gia đại sư nói: “Giác hậu không không vô đại thiên” (Giác rồi ba cõi trống toang hoang), mới thật sự triệt để hiểu rõ hết thảy các pháp bất sanh, bất diệt. “Cứu cánh đăng Niết Bàn sơn đảnh” (Rốt ráo lên đỉnh núi Niết Bàn), Niết Bàn là tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là “bất sanh, bất diệt”. “Sơn đảnh”  (山頂) là ngọn cao nhất, cảnh giới bất diệt đã đạt tới tột cùng viên

mãn.

          (Diễn) Dĩ hư không vi tòa, thành thanh tịnh Pháp Thân, cư Thường Tịch Quang độ, vi Viên Giáo Phật tướng.

          ()以虛空為座,成清淨法身,居常寂光土,為圓教佛相。

(Diễn: Lấy hư không làm tòa, thành thanh tịnh Pháp Thân, ngự trong cõi Thường Tịch Quang, đó chính là Phật tướng trong Viên Giáo vậy).

          Rốt cuộc có thứ này hay không? Nói có cũng được, mà nói không vẫn được. Xác thực là nói về Pháp Thân, Pháp Thân có tướng hay không? Chẳng có tướng. “Tòa” (座) là nói chỗ ở yên, chỗ an lập, an tọa. Tướng đã chẳng có, lấy đâu ra tòa? Vì vậy, chỗ nó an lập giống như hư không. “Thanh tịnh Pháp Thân”: Pháp Thân Như Lai, tiếng Phạn là Tỳ Lô Giá Na (Vairocanaḥ), dịch sang nghĩa tiếng Hán là Biến Nhất Thiết Xứ (遍一切處: trọn khắp hết thảy các chỗ), là bản thể của hết thảy các pháp. Tông Thiên Thai nói “tức Không, tức Giả, tức Trung”, Pháp Thân chính là “tức Không”. Tuy nó là Không, nó có thể hiện tướng, có thể biến ra tướng. Tướng được biến là giả tướng, huyễn tướng, kinh Bát Nhã nói là “diệu Hữu”, Chân Không Diệu Hữu. Tâm Kinh nói “Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc, Sắc tức là Không, Không tức là Sắc”, chính là nói đến Giả Sắc, còn Diệu Sắc và Chân Không là một, không hai. Tuy tướng ấy hiện hữu, nhưng nó trọn chẳng thể được, đó gọi là “thanh tịnh Pháp Thân”. Thân là cõi nước, cõi nước là thân, nên chúng ta gọi nó là “Thường Tịch Quang Độ”. Cõi Thường Tịch Quang là thanh tịnh Pháp Thân, thanh tịnh Pháp Thân là cõi Thường Tịch Quang, đấy mới là “diện mạo vốn có của chính mình”. Nếu quý vị nhận biết [chuyện này] thì tận hư không khắp pháp giới vốn là chính mình!

Chúng ta mê quá nhiều, rất đáng thương, ngỡ cái thân này là chính mình, đối với những thứ ngoài thân thảy đều không hiểu, đâu có biết những thứ ngoài thân đều là chính mình. Giống hệt như nằm mộng, mộng do đâu mà có? Mộng do cái tâm của chính mình biến hiện. Trong mộng, tất cả hết thảy cảnh giới, hết thảy nhân vật, núi, sông, đại địa, [ngay cả] hư không trong mộng, có thứ gì chẳng do tự tâm biến hiện? Có thứ nào chẳng phải là chính mình? Có mấy ai sau khi nằm mộng, tỉnh giấc bèn giác ngộ đôi chút: “Những gì ta vừa mơ thấy toàn là chính mình, chính mình đánh lộn với chính mình, chính mình cáu giận chính mình”. Các hiện tượng trước mắt chúng ta, hư không, pháp giới, tận hư không khắp pháp giới là một với chính mình. Trừ chính mình ra, chẳng tìm thấy người thứ hai. “Ngoài tâm chẳng có pháp, ngoài pháp chẳng có tâm”. Tâm là năng biến (cái có thể biến), pháp là sở biến (cái được biến ra). Năng biến và sở biến là một, không hai. Đó gọi là Phật tướng theo Viên Giáo.

          (Diễn) Sở vị tọa đạo tràng, thành tối Chánh Giác dã.

()所謂坐道場成最正覺也。

(Diễn: Đó gọi là ngồi đạo tràng, thành Chánh Giác cao tột).

          Ý nghĩa thật sự ở chỗ này, quyết chẳng phải là nói theo ý nghĩa thị hiện! [Nói theo] ý nghĩa thị hiện là nói quá nông cạn, nói quá thô, quá thông tục. Nói lời thật cùng quý vị, nói theo mức độ sâu hơn, nói đến chỗ rốt ráo thì là ý nghĩa này, đó mới gọi là “tọa đạo tràng”, mới gọi là “thành tối Chánh Giác”.

          Từ phát tâm cho đến thành Phật gồm năm giai đoạn, tâm cảnh có năm tầng lớp biến hóa nên gọi là “ngũ Bồ Đề tâm”. Trong Tịnh Tông, mầu nhiệm nhất là niệm một câu A Di Đà Phật đến cùng, từ sơ phát tâm cho đến Chánh Giác cao tột, [sử dụng] một phương pháp bèn hoàn thành. Đúng là “chẳng cậy vào các phương tiện, tâm được tự khai”. Đấy là chỗ thù thắng và không thể nghĩ bàn của Tịnh Tông. Các tông phái khác, các pháp môn khác chẳng dễ dàng đạt tới, nhất là trong một đời sẽ chẳng thể đạt được. Chỉ riêng Tịnh Tông là có thể hoàn thành trong một đời; nếu chúng ta bỏ qua pháp môn này sẽ quá đáng tiếc! Đúng là cô phụ chính mình, bỏ uổng một đời này. Nếu thật sự nhận biết và triệt để hiểu rõ pháp môn này, ngay lập tức nắm lấy, quý vị bèn thành Phật trong một đời này.

Do vậy, phải nghe kinh, phải nghe cẩn thận, phải thật sự nghe hiểu, lợi ích ở chỗ nào? Phá mê, phát khởi lòng tin. Nay chúng ta chẳng tin pháp môn này! Tôi nói “không tin”, quý vị chẳng thừa nhận. Hiện thời có người nói: “Tối nay, ông có cơ hội để có thể ngay lập tức kiếm được một trăm vạn”, quý vị [nghe nói như vậy] bèn quyết định không đến [nghe kinh nữa], đi tới [chỗ đó kiếm tiền], tức là quý vị chẳng tin tưởng. [Còn như do] tối hôm nay chẳng có chuyện gì làm, chẳng kiếm tiền được, bèn đến nghe kinh, vậy thì niềm tin của quý vị là giả trất, chẳng thật! Tối hôm nay có thể kiếm món tiền trăm ức vạn, ta cũng chẳng cần, ta đến nghe kinh, đó mới là chân tín. Trong tình hình đó, có được mấy người [sẽ làm như vậy]? Tôi giảng kinh ở đây, có thể là chẳng có một ai cả! Vì thế, lòng tin quá ư là khó. Con người mê hoặc, điên đảo, từ vô thỉ kiếp tới nay đã bị bên ngoài dụ dỗ, mê hoặc; hễ bị dụ dỗ, mê hoặc bèn bỏ đi ngay. Đã thật sự hiểu rõ, thật sự thông đạt, mới biết những thứ ấy đều là giả, thứ này mới là thật. Người thế gian nhận giả, chẳng nhận thật; giảng giải, giới thiệu cùng quý vị, không gì chẳng nhằm làm cho từ nay về sau, quý vị nhận thật, chẳng nhận giả, có vậy thì quý vị mới thật sự được cứu, được cứu thoát khỏi lời lẽ [lừa lọc] của bọn ngoại đạo. Hôm nay, chúng tôi giảng đến chỗ này.

[1] Ngũ Phẩm Vị chính là Quán Hạnh Tức Phật trong Lục Tức Phật của tông Thiên Thai. Địa vị này đã biết danh tự, khởi quán hạnh, tâm quán đã thông hiểu, Lý Huệ tương ứng, nên có thể lập thành năm phẩm công đức là Tùy Hỷ Phẩm, Độc Tụng Phẩm, Thuyết Pháp Phẩm, Kiêm Hành Lục Độ Phẩm và Chánh Hành Lục Độ Phẩm. Tông Thiên Thai lại còn lập ra tám hành vị, địa vị Ngũ Phẩm Đệ Tử trong tám hạnh vị ấy chính là Ngũ Phẩm Vị được nói ở đây. Do xét theo sự chứng quả, vẫn thuộc về ngoại phàm, nên gọi là Ngũ Phẩm Đệ Tử Vị. Như vậy là địa vị Ngũ Phẩm rất thấp (vì còn thuộc Quán Hạnh rất thấp, chưa đạt đến Tương Tự Tức Phật).

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *