#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 74
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm mười ba.
Tam, bàng thông.
Sơ, Quán Kinh.
(Huyền Nghĩa) Tiên minh thông Quán Kinh giả, hữu ngôn thập lục Quán môn, danh vi Định Thiện, chấp trì danh hiệu, danh vi Tán Thiện, kim vị thông chi.
三、旁通
初、觀經
(玄義) 先明通觀經者 , 有言十六觀門 , 名為定善,
執持名號,名為散善,今為通之。
(Ba là luận định ý nghĩa của những kinh có liên quan tới kinh này.
Thứ nhất là Quán Kinh.
Huyền Nghĩa: Trước hết nói rõ kinh này có ý nghĩa thông với Quán Kinh. Có kẻ nói mười sáu môn Quán [trong Quán Kinh] là Định Thiện, còn chấp trì danh hiệu là Tán Thiện, nay bèn đả thông [chấp trước sai lầm ấy]).
Trong phần Bàng Thông có hai đoạn, đoạn thứ nhất nói về Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh, đoạn thứ hai lại nêu ra những kinh điển khác có ý nghĩa thông với bộ kinh này. Trong Tịnh Độ Tam Kinh, trừ kinh này ra, [hai kinh còn lại] là kinh Vô Lượng Thọ và kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, đấy là ba bộ kinh điển chủ yếu của pháp môn Tịnh Độ. Từng có người nói: Mười sáu phép Quán là Định Thiện, còn pháp trì danh niệm Phật được giảng trong kinh này là Tán Thiện. Rốt cuộc ai là Định? Ai là Tán? Ở đây cũng có một cách giải thích: Vì mười sáu phép Quán chủ yếu là tu Định, chẳng khác gì Thiền Tông tu Chỉ Quán, ắt phải do tâm Định thì mới có thể quán thành tựu, tâm tán loạn chắc chắn chẳng thể quán thành tựu. Ví như phép Quán thứ nhất là quán “mặt trời lặn giống như cái trống treo”. Khi mặt trời lặn xuống ở phương Tây, mặt trời đỏ rực, quý vị bèn trông thấy. Bất luận là ban ngày hay ban đêm, bất luận lúc nào, vầng mặt trời đỏ rực luôn ở trước mặt. Mở to mắt, vầng thái dương ở trước mặt; nhắm mắt, vầng thái dương vẫn ở trước mặt thì phép Quán thứ nhất mới tu thành. Phép Quán thứ hai là quán “biển cả đóng băng”, tức là quán thế giới lưu ly. Sau khi quán thành công, quý vị thấy đại địa giống như ngọc Phỉ Thúy, phủ bằng Lưu Ly, quả thật chẳng dễ dàng! Vì thế, chúng ta có thể học lý luận của mười sáu phép Quán, nhưng phương pháp tu hành chắc chắn chẳng thể làm được. Tâm quá thô, không định được; do vậy, chẳng thể quán thành tựu. Nguyên lý trì danh niệm Phật cũng xuất phát từ Thập Lục Quán Kinh, tức là trong phép Quán cuối cùng [có nói]: Nếu đối với những phương pháp trước đó, quý vị đều không có cách nào tu được, hãy trì danh niệm Phật. Chấp trì danh hiệu, có thể nói là người sơ học đều tán tâm xưng danh, tức là dùng cái tâm tán loạn để niệm Phật hiệu. Ý nghĩa Định và Tán được giảng như vậy.
(Huyền Nghĩa) Ư trung hữu nhị, nhất tổng, nhị biệt.
(玄義) 於中有二,一總,二別。
(Huyền Nghĩa: Trong đoạn này có hai ý nghĩa, một là tổng, hai là biệt).
Trong đây có hai ý nghĩa: Một là nói chung, hai là nói riêng.
(Huyền Nghĩa) Tiên minh tổng giả, bỉ kinh diệu quán, tông hồ nhất tâm.
(玄義) 先明總者,彼經妙觀,宗乎一心。
(Huyền Nghĩa: Trước hết nói về ý nghĩa chung thì tông chỉ của những phép Quán mầu nhiệm trong kinh ấy (kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật) là nhất tâm).
Chỉ điểm cho chúng ta thấy tông chỉ của Thập Lục Quán Kinh. Kinh này tu hành từ một ngày cho đến bảy ngày, nhất tâm bất loạn, cũng là theo tông chỉ ấy.
(Huyền Nghĩa) Thử kinh nhất tâm, chánh phù bỉ ý.
(玄義) 此經一心,正符彼意。
(Huyền Nghĩa: Nhất tâm trong kinh này thật phù hợp với ý ấy).
Nói theo phương diện nhất tâm, kinh này và Quán Kinh chẳng khác.
(Huyền Nghĩa) Nhất tâm tác quán, nhất tâm xưng danh, hà đắc đồng quy nhất tâm, dương bỉ ức thử, tường như Tịnh Giác Sớ trung thuyết.
(玄義) 一心作觀 , 一心稱名 ,何得同歸一心 ,揚彼
抑此,詳如淨覺疏中說。
(Huyền Nghĩa: Nhất tâm tác quán, nhất tâm xưng danh, lẽ nào chẳng cùng trở về nhất tâm, đề cao điều kia, hạ thấp điều này được nói tường tận trong bộ Tịnh Giác Sớ).
Liên Trì đại sư giảng rõ: Hai bộ kinh này quả thật giống nhau, có cùng một tông chỉ, nhưng phương pháp tu hành khác nhau. Nếu nói theo mặt Sự, Quán Kinh chuyên môn dạy quán tưởng y báo và chánh báo trang nghiêm của Tây Phương Cực Lạc thế giới. Đối với cách tu này, cũng khó thể diễn tả sự vi diệu! [Hành giả] ắt phải thông đạt nghĩa lý Đại Thừa rất sâu thì phép Quán ấy mới là mầu nhiệm. Nếu không, chỉ là đơn độc quán tưởng những sự tướng, mầu nhiệm ở chỗ nào? Lý rất sâu tức là muốn nói đến nhất tâm. Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Ưng quán pháp giới tánh, nhất thiết duy tâm tạo” (Hãy nên quán tánh pháp giới, hết thảy do tâm tạo). Quý vị quán hết thảy các pháp, chẳng phải chỉ là y báo và chánh báo của thế giới Tây Phương, mà vô lượng vô biên các cõi Phật trong tận hư không, trọn pháp giới đều là vật được biến hiện bởi tự tánh, duy tâm sở hiện, duy thức sở biến, tâm tánh trọn khắp, không pháp gì chẳng tạo. Cho nên nói: “Ngoài tâm không pháp, ngoài pháp không tâm”. Đấy mới là diệu quán, vận dụng nhất tâm. Vận dụng nhất tâm thì phép Quán này sẽ mầu nhiệm.
Chúng ta cũng dùng cái tâm này để niệm Phật, làm sao Phật hiệu chẳng mầu nhiệm? Trong kinh Di Đà, trong các đức hiệu của năm vị Phật ở phương Đông, vị Phật cuối cùng là Diệu Âm Phật. Ngài tượng trưng cho sự diệu quán. Phép niệm Phật của chúng ta là diệu âm, đều diệu! Vì sao diệu? Diệu ở chỗ nào? Diệu ở chỗ nhất tâm xưng niệm. Đó là diệu. Khi niệm Phật tuyệt đối chẳng có vọng tưởng, chẳng có nghi hoặc, chẳng có phân biệt, chẳng có chấp trước thì Phật hiệu trong sự niệm Phật ấy chính là diệu âm. Chúng ta đọc lời chú giải, trước hết, đại sư giải thích chữ “bàng thông”.
(Sớ) Bàng thông giả, bất Biệt, Đốn, Viên, đản thủ chư Đại Thừa kinh nghĩa lý tương thông.
(疏) 旁通者,不別頓圓,但取諸大乘經義理相通。
(Sớ: “Bàng thông” là không phân biệt là Biệt, Đốn hay Viên, chỉ chọn lấy những kinh Đại Thừa có nghĩa lý tương thông [kinh Di Đà]).
Ở đây nói đến “tương thông” (có cùng giáo nghĩa hay có những điểm chung), chứ không luận Biệt Giáo, Viên Giáo, hay Đốn Giáo, tạm thời không bàn đến những thứ ấy, chỉ lấy những kinh Đại Thừa nào có nghĩa lý thông với kinh này.
(Sớ) Dĩ Thập Lục Quán thị Tịnh Độ chuyên kinh, cố tiên cử dã.
(疏) 以十六觀,是淨土專經,故先舉也。
(Sớ: Do kinh Thập Lục Quán là kinh chuyên nói về Tịnh Độ, nên nêu ra trước hết).
Nêu Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh đầu tiên, đạo lý là ở chỗ này.
(Sớ) Định tán giả, Cô Sơn phán thập lục Quán vi Định Thiện, thử kinh trì danh vi Tán Thiện.
(疏) 定散者 , 孤山判十六觀為定善 , 此經持名為散
善。
(Sớ: “Định, tán”: Ngài Cô Sơn phán định mười sáu phép Quán là Định Thiện, còn phép trì danh trong kinh này là Tán Thiện).
Cô Sơn là pháp sư Trí Viên đời Tống, trụ tại Cô Sơn, Tây Hồ, Hàng Châu, người đời sau dùng ngay tên đất để gọi Ngài, nhằm tỏ lòng cung kính. Thuở ấy, Ngài trụ trì đạo tràng này, vừa hoằng pháp lợi sanh, vừa siêng năng viết chú sớ. Ngài viết mười bản chú giải[1], người thuở ấy có kẻ gọi Ngài là Thập Bổn Sớ Chủ. Định Thiện và Tán Thiện là do Ngài nói.
(Sớ) Kim vị nhất tâm bất loạn, hữu Sự, hữu Lý.
(疏) 今謂一心不亂,有事有理。
(Sớ: Nay nói nhất tâm bất loạn có Sự và Lý).
Ở đây, Liên Trì đại sư dựa trên ý nghĩa của kinh này và Thập Lục Quán Kinh để thảo luận thâm nhập một phen.
(Sớ) Tức Sự nhất tâm, dĩ phi toàn tán, hà huống Lý nhất.
(疏) 即事一心,已非全散,何況理一。
(Sớ: Ngay cả Sự nhất tâm còn chưa phải hoàn toàn là Tán Thiện, huống hồ Lý nhất tâm).
“Lý nhất” là Lý nhất tâm. Cách nhìn của Liên Trì đại sư thâm nhập hơn cách nhìn của ngài Trí Viên. Pháp sư Trí Viên không chuyên tu Tịnh Độ, Liên Trì đại sư cả đời dốc sức nơi Tịnh Độ, nên cảnh giới và thể nghiệm khác nhau. Sự nhất tâm bất loạn đã đắc Định; trong sách Yếu Giải, Ngẫu Ích đại sư đã nói rất thấu triệt: Niệm Phật đến mức Sự nhất tâm bất loạn, Kiến Tư phiền não đã đoạn. Nếu đã đoạn Kiến Tư phiền não, nói thông thường theo Giáo Hạ, đó chính là cảnh giới của Đệ Cửu Định. Thiền Định thế gian là Tứ Thiền Bát Định, đạt đến Tứ Không Thiên. Đệ Cửu Định là pháp chứng đắc của A La Hán và Bích Chi Phật, vĩnh viễn đoạn Kiến Tư phiền não, vượt thoát tam giới, chẳng còn luân hồi nữa. Đấy là Định, chẳng phải Tán, huống chi Lý nhất tâm? Kiến Tư, Trần Sa phiền não đã đoạn, bốn mươi mốt phẩm vô minh tối thiểu cũng phá một phẩm; phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân, đó là Lý nhất tâm. Cảnh giới Lý nhất tâm là cảnh giới của Sơ Địa Bồ Tát trong Biệt Giáo hay Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo, cao hơn A La Hán và Bích Chi Phật quá nhiều, làm sao có thể nói là Tán Thiện? Điều này quả thật nói chẳng suông!
Pháp sư Trí Viên nhìn theo công phu mà hàng sơ học chúng ta dùng: Hiện thời chúng ta niệm Phật, quả thật là tán tâm niệm Phật, chứ không phải là nhất tâm niệm Phật. Chúng ta tán tâm niệm Phật cũng được thành công, có thể niệm đến mức công phu thành phiến sẽ đới nghiệp vãng sanh; nhưng đối với mười sáu phép Quán thì không được! Mười sáu phép Quán nhất định phải quán thành! Để quán thành, đích xác là phải nhất tâm tu Quán. Tán tâm tu Quán chắc chắc chẳng thể quán thành công. Nếu nhìn từ điểm này, pháp sư Trí Viên nói chẳng sai; nhưng nếu do chuyện này mà phán định Thập Lục Quán Kinh là Định Thiện, kinh Di Đà là Tán Thiện thì cách nói ấy chẳng viên mãn! Do vậy, cách nói của Liên Trì đại sư là dựa trên lý luận trong kinh điển và phân tích rất cặn kẽ.
(Sớ) Chánh phù bỉ ý giả, bỉ kinh Tam Quán, tức Không, tức Giả, tức Trung, siêu hồ thứ đệ, thị vi nhất tâm. Kim kinh chấp trì danh hiệu, nhất tâm bất loạn, tắc năng trì, sở trì, liễu bất khả đắc, thị danh Không Quán. Chánh đương Không thời, Năng Sở lịch nhiên, thị danh Giả Quán. Phi Giả, phi Không, thường Không, thường Giả, bất khả tư nghị, thị danh Trung Quán.
(疏)正符彼意者,彼經三觀,即空即假即中,超乎次第,是為一心。今經執持名號,一心不亂,則能持所持,了不可得,是名空觀;正當空時,能所歷然,是名假觀;
非假非空,常空常假,不可思議,是名中觀。
(Sớ: “Thật phù hợp ý ấy”: Tam Quán trong kinh kia (Quán Kinh) tức là Không, Giả, Trung vượt khỏi thứ tự, chính là nhất tâm. Nay kinh này chấp trì danh hiệu, nhất tâm bất loạn thì năng trì (người trì danh, tâm trì danh) và sở trì (đối tượng được trì niệm, tức Phật hiệu) trọn chẳng thể được. Đó gọi là Không Quán. Ngay trong lúc Không, Năng và Sở rành rành, đó gọi là Giả Quán. Chẳng phải Giả, chẳng phải Không, mà thường Không, thường Giả, chẳng thể nghĩ bàn, bèn gọi là Trung Quán).
Nói thật ra, lý luận và phương pháp tu học của kinh Di Đà chẳng khác gì Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh, chẳng có cao thấp. “Bỉ kinh Tam Quán” là nói đến Không, Giả, Trung, đây là giáo nghĩa của tông Thiên Thai. Thiên Thai Trí Giả đại sư sáng lập Tam Chỉ Tam Quán, phương pháp tu hành này do Ngài ngộ được. Khi Ngài đọc kinh Pháp Hoa bèn nhập Định, trong Định thấy núi Linh Thứu ở Ấn Độ, Thích Ca Mâu Ni vẫn còn đang giảng kinh Pháp Hoa, Ngài ngồi ở đó nghe hết một buổi, sau khi trở về bảo với người khác: “Hội Pháp Hoa cho tới nay vẫn chưa tan”. Từ đấy trở đi, Ngài khai ngộ, ngộ được phương pháp tu hành Tam Chỉ Tam Quán.
Thuở ấy, có những cao tăng Ấn Độ đến Trung Quốc, Trí Giả đại sư đem tâm đắc của mình thảo luận với các vị ấy. Những vị pháp sư ngoại quốc đó hết sức bội phục Ngài, nói Ngài ngộ được phương pháp tu hành Tam Chỉ Tam Quán hết sức gần gũi với Xa Ma Tha, Tam Ma và Thiền Na như trong kinh Lăng Nghiêm đã dạy. Trí Giả đại sư nghe nói Ấn Độ có kinh Lăng Nghiêm, rất mong mỏi bộ kinh ấy được truyền sang Trung Quốc, nhưng thuở ấy, sang Ấn Độ chẳng dễ dàng, giao thông chẳng thuận tiện như hiện thời. Ngài bèn dựng một cái đài ở núi Thiên Thai, gọi là Bái Kinh Đài, hướng về phương Tây, bởi lẽ, Ấn Độ ở phía Tây của Trung Quốc. Mỗi ngày lễ bái tại đó, mục đích lễ bái là cầu cho bộ kinh ấy được truyền sang Trung Quốc. Ngài lễ suốt mười tám năm, mãi cho đến khi viên tịch, kinh Lăng Nghiêm vẫn chưa truyền sang Trung Quốc; nhưng quý vị hãy nghĩ xem: Tinh thần và nghị lực ấy đáng để người đời sau kính phục. Sau này, đến thời Đường Trung Tông, pháp sư Bát Lạt Mật Đế mới đem kinh Lăng Nghiêm sang Trung Quốc.
Trong Tam Chỉ Tam Quán, lại chia ra Nhất Tâm Tam Quán [và Thứ Đệ Tam Quán]. Nhất tâm cao lắm. Trong nhất tâm, Tam Chỉ Tam Quán đều viên mãn. Ở đây nói là “tức Không, tức Giả, tức Trung, siêu hồ thứ đệ”, có Thứ Đệ Tam Quán và Nhất Tâm Tam Quán. Nhất Tâm Tam Quán: Quán Tam Đế (Không, Giả, Trung) là một cảnh, một nhưng ba, ba mà một, đấy mới là rốt ráo, đấy cũng là “xứng tánh nhi quán” (quán xứng hợp với Lý tánh) như chúng ta thường nói, hoặc là “xứng tánh nhi đàm” (bàn luận đạo lý xứng hợp với Lý tánh) trong Giáo Hạ. Khi tu phép Quán này, một chính là ba, ba chính là một, “Không tựu thị pháp giới” (Không chính là pháp giới). Một thứ Không, hết thảy đều Không, chẳng thể nói cái này là Không, cái kia là Có, chẳng thể có đạo lý ấy. Một thứ Không, hết thảy đều Không. Không được quán từ chỗ nào? Quán từ thể tánh; quán tự tánh của hết thảy các pháp là không tịch, trọn chẳng thể được. Đó cũng là quán từ bản thể.
Quán Giả: Giả cũng là toàn thể pháp giới. Giả là quán từ Tướng, hết thảy các tướng đều là pháp sanh bởi nhân duyên. Pháp sanh bởi duyên toàn là giả, chẳng có một thứ nào không giả. Vì thế, một thứ giả, hết thảy đều giả. Giả cũng là pháp giới, Giả và Không có phải là đối đãi hay chăng? Chẳng phải! Giả và Không là một, chẳng hai. Như vậy thì mới nhập pháp giới. Nếu [thấy] Giả và Không chẳng phải là một, thấy là hai chuyện, quý vị chẳng thể nhập pháp giới. Không là nó, mà Giả cũng là nó. Giả là Có. Trong Tâm Kinh có nói: “Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc, Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc”. Không là nói về bản thể của pháp giới. Giả là nói về hiện tượng trong pháp giới. Hiện tượng là hiện tượng của bản thể, bản thể là bản thể của hiện tượng, là một, không hai. Quý vị phải thấu hiểu ý nghĩa này. Vì thế, Không trong Phật pháp chẳng dễ hiểu, Không chẳng phải là cái gì cũng chẳng có, mà Không là Có. Không và Có là một chuyện, Có là Không, Không là Có, Không và Có là một, Không và Có chẳng hai. Đấy mới gọi là Nhất Tâm Tam Quán.
Lại còn có Trung. Trung là Dụng, tức tác dụng của Quán. Chẳng riêng mình Phật pháp nói Trung Đạo là tác dụng, mà Nho gia cũng nói điều này. Trong Tứ Thư có một thiên sách là Trung Dung[2], Nho gia dạy chúng ta dùng Trung sẽ được tự tại, Phật pháp cũng như vậy. Trung cũng là pháp giới, Trung là khởi tác dụng. Hết thảy các pháp đều là Trung Đạo, chẳng Không, chẳng Giả, không gì chẳng Trung, quán như vậy thành tựu thì sẽ chứng đắc Nhất Tâm Tam Trí, ba thứ trí huệ ấy chính là Nhất Thiết Trí, Đạo Chủng Trí, và Nhất Thiết Chủng Trí. Cách Quán này của tông Thiên Thai cũng có kinh luận để làm căn cứ: Trung Luận[3] nói “nhân duyên sở sanh pháp, tức Không, tức Giả, tức Trung” (pháp sanh bởi nhân duyên là Không, là Giả, là Trung). Ba thứ trí huệ được nói trong Phật pháp đều do nhất tâm mà chứng đắc. Loạn tâm chắc chắn chẳng thể khai trí huệ, chắc chắn chẳng thể khai ngộ, vì tâm quý vị chẳng chuyên nhất.
Phật pháp lấy cầu trí huệ làm mục đích. Bất luận pháp môn nào, không gì chẳng nhằm tu Định, không gì chẳng nhằm tu nhất tâm. Nếu nói pháp môn có cao hay thấp, cách nhìn ấy lệch lạc, hiểu lầm! Trong kinh Đại Thừa, đức Phật dạy chúng ta: “Pháp môn bình đẳng, không có cao, thấp”. Cách nhìn này tuyệt đối chính xác, vì các pháp môn đều nhằm tu nhất tâm. Nhất Tâm Tam Quán là tu nhất tâm, Thứ Đệ Tam Quán vẫn là tu nhất tâm, chỉ là phương pháp khác nhau. Nhất Tâm Tam Quán cao minh, dành cho hàng lợi căn tu. Thứ Đệ Tam Quán [dành cho kẻ] ngu si hơn một chút, kẻ ngốc hơn một chút dùng phương pháp này. Thứ Đệ cũng thế mà Nhất Tâm cũng thế, đến cuối cùng đều có thể đắc Định, đều có thể chứng quả. Thứ Đệ Tam Quán không nhất định phải bắt đầu từ đâu, nói thông thường thì từ Giả nhập Không, cách này so ra thuận tiện hơn, Giả là giả tướng, nhập Không; sau đó, từ Không lại nhập Giả, quay trở lại. Đó gọi là “song giá, song chiếu” (ngăn trở cả hai, thấu suốt cả hai)[4]. Từ Biệt Giáo trở xuống đều dùng phương pháp này. Nếu dùng Nhất Tâm Tam Quán thì là Viên Giáo, là viên dung, chẳng có thứ tự. Kinh này tuy không phải là Thuần Viên, mà là Phần Viên, thuộc về Đốn Giáo, cho nên mới nói “siêu hồ thứ đệ, thị vi nhất tâm” (Vượt khỏi thứ tự, đấy là nhất tâm).
Kinh này cũng như vậy. Phải thật sự thông đạt lý luận của kinh Di Đà. Phương pháp tu hành trong kinh Di Đà là “tín nguyện trì danh”, quý vị nhất định phải niệm Phật. Phương pháp niệm Phật rất nhiều, niệm bằng miệng, hay niệm bằng tâm, đương nhiên lấy tâm làm chủ. Nếu miệng niệm, tâm chẳng niệm, vô dụng! Đấy là “rách toạc cuống họng cũng uổng công”. Tâm niệm, miệng chẳng niệm, hữu ích! Kinh Lăng Nghiêm nói rất hay: “Ức Phật, niệm Phật”, nhớ đến Phật, trong tâm ta tưởng Phật, tuy miệng ta không niệm, trong tâm ta tưởng là được! “Hiện tại, tương lai, nhất định thấy Phật”, những câu kinh văn này hết sức khẳng định, nhất định thấy Phật! Do vậy, ức niệm hết sức khẩn yếu, thời thời khắc khắc đừng quên Phật, phải thường nhìn tượng Phật. Hiện thời rất thuận tiện, trong nhà thờ một bức hình Phật lớn, tượng Phật nhỏ có thể mang theo mình, thường nhìn, giúp cho quý vị ức niệm, niệm niệm chẳng quên A Di Đà Phật, niệm niệm chẳng quên Tây Phương Tam Thánh, phải dưỡng thành thói quen ấy.
“Năng trì, sở trì, liễu bất khả đắc, thị danh Không Quán” (năng trì và sở trì trọn chẳng thể được thì gọi là Không Quán). Vì sao? Tánh của Năng và Sở là Không. Năng Trì là chính chúng ta, Sở Trì là danh hiệu A Di Đà Phật, đây cũng là pháp sanh bởi nhân duyên. Trung Luận nói: “Nhân duyên sở sanh pháp, ngã thuyết tức thị Không, diệc danh vi giả danh, diệc thị Trung Đạo nghĩa” (Pháp do nhân duyên sanh, ta nói chính là Không, cũng gọi là giả danh, cũng là nghĩa Trung Đạo). Những câu này dạy chúng ta điều gì? Phá chấp trước. Tuy chấp trì danh hiệu, nhưng trong ấy có phá chấp trước, thật sự mầu nhiệm chẳng thể diễn tả được! Danh hiệu ấy có cần hay không? Cần! Suốt ngày từ sáng đến tối Phật hiệu không gián đoạn, đó gọi là chấp trì danh hiệu. Tuy chấp trì danh hiệu, nhưng đồng thời tam luân thể không, đó là phương pháp tu hành cao minh nhất.
“Chánh đương Không thời, Năng Sở lịch nhiên, thị danh Giả Quán” (Đang trong lúc Không, Năng và Sở rành rành, đó là Giả Quán). Đồng thời, tuy Năng và Sở trọn chẳng thể được, Phật hiệu của chúng ta chẳng hề gián đoạn, từng chữ phân minh, “Năng Trì, Sở Trì, liễu bất khả đắc” (Năng Trì và Sở Trì, trọn chẳng thể được), chẳng chấp Có. “Năng Sở lịch nhiên” (Năng và Sở rành rành), chẳng chấp Không. Hai bên Không và Có đều chẳng chấp trước, điều này nói rõ Chân Không chẳng trở ngại Duyên Khởi, đó là tướng chân thật của pháp giới.
“Phi Không, phi Giả, thường Không, thường Giả, bất khả tư nghị, thị danh Trung Quán” (Chẳng phải Không, chẳng phải Giả, thường Không, thường Giả, chẳng thể nghĩ bàn, thì gọi là Trung Quán). Phi Giả phi Không, thường gọi là “hỗ đoạt lưỡng vong” (đoạt lẫn nhau, hai bên cùng mất), hai bên đều lìa, đó gọi là “song giá Trung Đạo” (Trung Đạo ngăn dứt hai bên Không và Giả). Hai bên chẳng lập, chẳng chấp Không, mà cũng chẳng chấp Có, thường Không, thường Giả; đấy là “song chiếu Trung Đạo”. Tuy hai bên đều chẳng chấp trước, mà hai bên có thể đồng thời tồn tại, “giá, chiếu” đồng thời, điều này chẳng thể nghĩ bàn, thật sự chẳng thể nghĩ bàn. Trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Phật bảo ngài A Nan: “Ông chẳng thể nghĩ bàn!”, câu này nhằm nói về chính chúng ta. Mỗi người chúng ta đều chẳng thể nghĩ bàn! Vì sao nói “chẳng thể nghĩ bàn?” Hoàn toàn tương ứng với lý luận trong kinh này. Quý vị phải hiểu: Tam Đế Tam Quán ở chỗ nào? Ở ngay trên thân chúng ta. Thân tâm của chúng ta về thể tánh thì trọn chẳng thể được, nhưng cái tướng ấy hiện thời cũng là Năng – Sở rành rành: Pháp tánh có thể sanh, cái được sanh chính là tướng trạng Tứ Đại và Ngũ Ấm này. Trong ấy cũng là “song giá, song chiếu”, quả thật chẳng thể nghĩ bàn.
(Sớ) Lương dĩ đơn đề thánh hiệu, trực hạ nhất tâm, hữu hà thứ đệ, chánh Tam Quán viên tu chi nghĩa dã.
(疏) 良以單提聖號 , 直下一心 ,有何次第 ,正三觀
圓修之義也。
(Sớ: Ấy là vì chỉ giữ một thánh hiệu mà chứng nhập thẳng vào nhất tâm, đâu có thứ tự gì, đấy chính là ý nghĩa chánh yếu của tu trọn vẹn Tam Quán).
Pháp môn Niệm Phật phải như thế nào mới là đắc lực? Đoạn này nhằm thuyết minh về chuyện này. Quý vị phải đặc biệt ghi nhớ câu này: “Đơn đề thánh hiệu, trực hạ nhất tâm”, tám chữ này [phải ghi nhớ]. Trừ một câu Phật hiệu ra, bất cứ vọng niệm gì cũng chẳng có, đó gọi là Đơn Đề! Niệm một tiếng Phật hiệu mà vẫn còn nghĩ đến chuyện gì khác, đấy chẳng phải là Đơn Đề! Nếu có thể thật sự trong mười hai thời chỉ có một câu Phật hiệu, những ý niệm khác đều chẳng có, thưa quý vị, đó là “nhất tâm”. Đây chẳng phải là Thứ Đệ Nhất Tâm mà là “đương hạ nhất tâm” (đạt nhất tâm ngay khi ấy, không cần theo thứ tự tu tập dần dần nào), nhất tâm bất loạn bèn hiện tiền. Vẫn còn hoài nghi cái này, hoài nghi cái nọ, nghĩ cái này, tưởng cái nọ, chính là phá hoại nhất tâm của chính mình! Cách tu này chính là giáo nghĩa viên tu Tam Quán chánh yếu trong tông Thiên Thai, tức là Nhất Tâm Tam Quán của tông Thiên Thai. [Cách tu] Nhất Tâm Tam Quán của họ quả thật rất rắc rối, chúng ta dùng một câu Phật hiệu tu Nhất Tâm Tam Quán dễ dàng hơn rất nhiều.
Ngẫu Ích đại sư nói pháp môn này đơn giản nhất, dễ dàng nhất, ổn thỏa, thích đáng nhất, nhanh chóng nhất. Trong vô lượng pháp môn, không có pháp nào lý tưởng bằng, không có pháp môn nào thù thắng bằng. Quý vị được nghe pháp môn này, phước báo rất lớn; người thiếu phước báo sẽ chẳng được nghe! Quý vị thật sự hiểu rõ pháp môn này, chiếu theo pháp môn này để tu học, sẽ thành Phật trong một đời này. Tu học những pháp môn khác, chẳng dễ gì mong được thành Phật trong một đời! Pháp môn này thành Phật trong một đời. Không chỉ thành Phật, mà còn thành một vị Phật trong Viên Giáo, đúng là chẳng thể nghĩ bàn!
(Sớ) Thị tắc bỉ kinh dĩ tâm quán vi Tông.
(疏) 是則彼經以心觀為宗。
(Sớ: Kinh ấy lấy tâm quán làm tông).
Thập Lục Quán Kinh lấy nhất tâm quán tưởng làm tông chỉ.
(Sớ) Thử kinh dĩ tâm niệm vi Tông.
(疏) 此經以心念為宗。
(Sớ: Kinh này lấy tâm niệm làm tông).
Lấy nhất tâm niệm danh hiệu Phật làm tông chỉ.
(Sớ) Quán tức niệm dã, niệm tức quán dã, lưỡng kinh sở thuyết, ký đồng nhất tâm, hà độc thử kinh ức chi vi tán.
(疏) 觀即念也 ,念即觀也 ,兩經所說 ,既同一心 ,
何獨此經抑之為散。
(Sớ: Quán chính là niệm, niệm chính là quán, hai kinh cùng nói về nhất tâm, cớ sao chỉ dè bỉu một mình kinh này là Tán Thiện).
Ý nghĩa này hết sức rõ ràng. “Quán” là dốc hết tinh thần vào một cảnh giới, lại còn [nhận biết cảnh giới ấy] rõ ràng, rành rẽ, rành mạch, phân minh. “Niệm” là trong tâm nghĩ tới, Quán là tưởng, tâm tưởng đến; niệm và tưởng là một chuyện. Quán Kinh dùng cái tâm pháp giới để quán cảnh pháp giới, kinh này dùng cái tâm pháp giới để niệm pháp giới Phật, cùng là một chuyện! Trên thực tế, chẳng có sai biệt nào cả! Làm sao có thể nói kinh này là Tán Thiện cho được?
(Sớ) Cố thử pháp môn danh Niệm Phật tam-muội.
(疏) 故此法門名念佛三昧。
(Sớ: Vì thế, pháp môn này được gọi là Niệm Phật tam-muội).
Vì sao gọi là Niệm Phật tam-muội? Tam-muội là Chánh Định, dùng phương pháp Niệm Phật để thành tựu tam-muội. Vì thế, gọi là Niệm Phật tam-muội. Niệm Phật tam-muội nói nghiêm ngặt sẽ là Sự nhất tâm bất loạn. Công phu thành phiến là Tương Tự Niệm Phật tam-muội.
(Sớ) Diệc danh Nhất Hạnh tam-muội.
(疏) 亦名一行三昧。
(Sớ: Còn gọi là Nhất Hạnh tam-muội).
Nhất Hạnh là chẳng có hai hạnh, Nhất Hạnh là chuyên niệm danh hiệu. Suốt ngày từ sáng đến tối những điều ta nghĩ tưởng đều là một câu A Di Đà Phật. Trừ một câu A Di Đà Phật ra, chuyện gì cũng không tưởng tới, chuyện gì cũng chẳng nghĩ tới. Đó gọi là Nhất Hạnh tam-muội.
(Sớ) Diệc danh Chư Phật Hiện Tiền tam-muội.
(疏) 亦名諸佛現前三昧。
(Sớ: Còn gọi là Chư Phật Hiện Tiền tam-muội).
“Chư Phật Hiện Tiền tam-muội”: Chư Phật là A Di Đà Phật. Như đã nói “ức Phật, niệm Phật, hiện tiền, đương lai, tất định kiến Phật” (nhớ Phật, niệm Phật, hiện tiền, tương lai, nhất định thấy Phật). Niệm đến khi tâm thanh tịnh, cảm ứng Phật hiện ra trước mặt, quý vị trông thấy. Phật hiện ra trước mặt nhằm chứng minh cho quý vị, quý vị đã thấy A Di Đà Phật. Thế nhưng người niệm Phật chúng ta đọc đến đoạn Sớ Sao này, trong tâm dấy lên vọng tưởng: Ta hằng ngày niệm Phật, cớ sao A Di Đà Phật vẫn chẳng hiện ra cho ta thấy? Quý vị hãy suy nghĩ: A Di Đà Phật có hiện ra hay chăng? Chắc chắn không hiện! Vì sao chẳng hiện? Trong Phật hiệu của quý vị có xen tạp vọng tưởng, chẳng chuyên! Một mặt niệm Phật, một mặt vẫn mong A Di Đà Phật hiện hình tượng cho quý vị thấy; niệm Phật như thế chẳng thể đắc nhất tâm. Đấy chẳng phải là Nhất Hạnh, mà là Nhị Hạnh. Thật sự niệm đến nhất tâm, hình tượng Phật tự nhiên hiện trước mặt. Khi ấy, tuy quý vị thấy, nhưng thấy mà như chẳng thấy, quý vị chẳng hiếu kỳ, cũng chẳng sanh lòng hoan hỷ. Tuy thấy hình tượng Phật, tâm chính mình thanh tịnh, như như bất động, vẫn là một câu Phật hiệu niệm đến cùng; cảnh giới ấy sẽ là cảnh giới tốt đẹp.
Nếu Phật vừa hiện ra trước mặt, chính mình bèn hoan hỷ, hoan hỷ là phiền não, nhất tâm bị phá hoại. Nay vì sao Phật chẳng thể hiện ra trước mặt? Quý vị công phu chưa đến mức, hễ Phật hiện ra, công phu của quý vị liền bị phá hoại. Khi nào quý vị như như bất động, Phật bèn hiện ra. Giống như chúng ta đi học, thấy quý vị đã học khá rồi mới có thể khảo nghiệm. Thứ gì cũng chẳng biết, thầy sẽ chẳng khảo nghiệm được! Vì sao? Quý vị còn chưa đạt đến trình độ. Phật hiện ra trước mắt nhằm khảo nghiệm chúng ta, hiện thời công phu của chúng ta chưa đạt trình độ. Trình độ chưa tới mà Phật cũng hiện ra, quý vị phải nhớ kỹ, đó chẳng phải là Phật, mà chắc chắn là ma đến nhiễu loạn. Vì thế, người niệm Phật tâm phải thanh tịnh, phải chuyên nghĩ đến Phật hiệu, niệm Phật hiệu, những thứ khác đều chẳng nghĩ đến, cũng đừng cầu nhất tâm: “Ta niệm lâu ngày như thế, cớ sao vẫn chưa đắc nhất tâm?” Như vậy là không được, nhất định chẳng đạt được! Vì trong cái tâm niệm Phật của quý vị đã có suy nghĩ lung tung, nghĩ đến nhất tâm cũng sẽ suy nghĩ lung tung. Mong Phật hiện ra trước mặt cũng là suy nghĩ lung tung, đừng nên như vậy!
(Sớ) Diệc danh Bát Nhã tam-muội.
(疏) 亦名般若三昧。
(Sớ: Cũng gọi là Bát Nhã tam-muội).
Nhất tâm bất loạn là đại trí huệ. Nên biết nhất tâm là Thể, trí huệ là Dụng. Nhất tâm khởi dụng là Bát Nhã. Bát Nhã và Thiền Định có thể làm Thể và Dụng lẫn cho nhau, Thiền Định là Thể, Bát Nhã là Dụng; mà Bát Nhã là Thể, Thiền Định cũng có thể là Dụng. Do vậy, Niệm Phật tam-muội cũng gọi là Bát Nhã tam-muội.
(Sớ) Diệc danh Phổ Đẳng tam-muội.
(疏) 亦名普等三昧。
(Sớ: Cũng gọi là Phổ Đẳng tam-muội).
“Phổ” là phổ biến. Quý vị chỉ cần nhất tâm niệm thành công, tám vạn bốn ngàn pháp môn, giáo lý trong Tam Tạng quý vị đều quán thông, giống như quý vị đã đọc hết toàn bộ Đại Tạng Kinh, toàn bộ tất cả pháp môn đều tu viên mãn; cho nên một pháp môn thành tựu thì hết thảy pháp môn đều thành tựu, đó gọi là Phổ Đẳng tam-muội. Nếu quý vị hiểu rõ đạo lý này, chết sạch lòng so đo, khăng khăng niệm danh hiệu Phật này, chẳng còn khởi tâm động niệm học cái này, học cái nọ, hình như môn này hay lắm, môn kia cũng tuyệt, chẳng tu rất đáng tiếc! Đúng vậy, rất đáng tiếc, quý vị tu suốt cả đời vẫn chẳng thành công! Quý vị chẳng hiểu đường lối này. Nếu quý vị hiểu biết đường lối này: Quý vị nắm chắc một điều, thì điều gì cũng sẽ đạt được, chẳng sót một điều nào! Quả thật là như thế. Nếu đọc thông suốt bộ Sớ Sao này, sẽ thông hiểu Đại Tạng Kinh, đối với bất luận kinh điển nào, chắc chắn quý vị có năng lực đọc tụng, có năng lực thông đạt, đó là Phổ Đẳng tam-muội. Chúng ta thấy nhiều danh từ như vậy, mới biết pháp môn Niệm Phật thật sự chẳng thể nghĩ bàn!
(Sớ) Tam-muội chi ngôn Định dã.
(疏) 三昧之言定也。
(Sớ: Tam muội là Định).
Tam-muội (Samādhi) là tiếng Ấn Độ, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Chánh Định.
(Sớ) Ký thông đa chủng tam-muội, hà đắc vi Tán?
(疏) 既通多種三昧,何得為散。
(Sớ: Đã bao gồm nhiều loại tam-muội, lẽ nào là Tán Thiện?)
Pháp môn Niệm Phật đã có tên gọi nhiều ngần ấy, đều gọi là tam-muội; nếu quý vị nói Niệm Phật là Tán Thiện, lời ấy quả thật nói không xuôi được!
(Sớ) Đại yếu, quán tưởng nhược phi nhất tâm, quán diệc thành tán. Trì danh nhược đắc nhất tâm, trì tức thành định, bất tại quán tưởng, trì danh, nhi tại nhất tâm dữ bất nhất tâm dã!
(疏) 大要觀想若非一心 , 觀亦成散 。 持名若得一心
,持即成定,不在觀想持名,而在一心與不一心也。
(Sớ: Nói chung, nếu quán tưởng mà chẳng nhất tâm thì quán cũng trở thành Tán Thiện. Nếu trì danh đắc nhất tâm thì trì danh trở thành Định Thiện. Chẳng do quán tưởng hay trì danh, mà là do nhất tâm hay không).
Cách nói này của Liên Trì đại sư hết sức hợp lý, hết sức viên mãn. Tu Quán cũng thế, mà trì danh cũng thế, vấn đề là quý vị có sử dụng nhất tâm hay không? Tán tâm quán tưởng, quán tưởng cũng trở thành Tán Thiện. Nhất tâm quán tưởng, quán tưởng sẽ thành Định Thiện. Nói cách khác, tán tâm trì danh thì trì danh là Tán Thiện; nhất tâm trì danh, lẽ nào trì danh chẳng là Định Thiện? Cách nói này quả thật hợp tình, hợp lý!
(Sớ) Như Tịnh Giác sớ giả, Sớ vân: “Trí Giả đại sư ư Quán Kinh, dĩ tam chủng Tịnh nghiệp thuộc Tán, thập lục diệu Quán thuộc Định”, vị văn dĩ trì danh vi Tán dã.
(疏) 如淨覺疏者 ,疏云 :智者大師於觀經 , 以三種
淨業屬散,十六妙觀屬定,未聞以持名為散也。
(Sớ: “Như Tịnh Giác sớ” là trong lời Sớ có viết: “Đối với Quán Kinh, Trí Giả đại sư coi ba thứ Tịnh nghiệp là Tán Thiện, mười sáu phép Quán mầu nhiệm là Định Thiện”. Chưa hề nghe nói Ngài phán định trì danh là Tán Thiện!)
Ở đây trích dẫn lời chú giải của cổ đức. Trí Giả đại sư là một vị tổ sư phi phàm của tông Thiên Thai. Ngài đã bỏ rất nhiều công sức nơi Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh, viết chú giải, học trò của Ngài lại soạn chú giải cho bộ chú giải ấy, tức bộ Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Diệu Tông Sao. Bộ chú giải ấy có thể nói là một tác phẩm đầy thẩm quyền về lý luận của Tịnh Độ Tông, Liên Trì đại sư trích dẫn rất nhiều. Muốn hiểu rõ hơn lý luận của Tịnh Độ Tông thì bộ sách ấy rất đáng để nghiên cứu; nhưng nếu luận về phương pháp, nhất định phải tu trì danh niệm Phật!
Trong Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh có nói phu nhân Vy Đề Hy gặp phải đứa con chẳng hiếu thuận, oán ghét mà phải gặp gỡ, oan gia đối đầu đưa đến, cảm thấy đời người vô cùng đau khổ, cầu Thích Ca Mâu Ni Phật dạy bà cách tư duy và chánh thọ: “Con nên nghĩ như thế nào, nhìn như thế nào”. Đức Phật liền đem ba thứ tịnh nghiệp để trả lời. [Đối với câu hỏi] làm thế nào để đắc Chánh Thọ (Chánh Thọ là sự hưởng thụ chính đáng, cũng gọi là tâm thanh tịnh), đức Phật dùng mười sáu phép Quán để trả lời. Trong bản chú giải, [Trí Giả đại sư] lão nhân gia đã nói rất rõ ràng: Ba thứ Tịnh nghiệp tán tâm suy lường thì gọi là “tư duy”, đó là Tán Thiện. Mười sáu phép Quán thuộc về Chánh Thọ, là Định Thiện. Tán Thiện và Định Thiện được giảng như vậy.
Ba thứ Tịnh nghiệp là gì? Chính là ba phước trong Quán Kinh. Đối với người tu hành chúng ta mà nói, ba phước này rất quan trọng. Chúng ta chẳng dùng phương pháp trong mười sáu phép Quán, mà dùng trì danh niệm Phật, nhưng ba thứ Tịnh nghiệp này rất khẩn yếu, ắt phải tu tập. Loại thứ nhất là “hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm chẳng giết, tu Thập Thiện nghiệp”. Nhất định phải hiếu thuận với cha mẹ, phải tôn trọng sư trưởng, phải nuôi dưỡng tâm từ bi, từ tâm chẳng giết. Hiện thời, Phật giáo đồ Trung Quốc đều có thể ăn chay trường, điều này rất tốt, nhưng chẳng có mấy ai tu Thập Thiện nghiệp. Chúng ta phải tu Thập Thiện nghiệp. Thập Thiện nghiệp là: Thân chẳng giết, chẳng trộm, chẳng dâm; miệng chẳng nói dối, chẳng nói đôi chiều, chẳng ác khẩu, chẳng nói thêu dệt; ý chẳng tham, chẳng sân, chẳng si. Tu thành tựu loại Tịnh nghiệp này, sẽ hưởng phước báo nhân thiên, chẳng đọa trong ba ác đạo.
Ba thứ Tịnh nghiệp là ba tầng cấp. Loại thứ hai là “thọ trì Tam Quy, đầy đủ các giới, chẳng phạm oai nghi”. Cao hơn loại trước, đây là pháp Tiểu Thừa, vượt thoát thế gian. Thọ trì Tam Quy, “thọ” (受) là quý vị phải tiếp nhận, “trì” (持) là giữ gìn. Tam Quy là giác chứ không mê, chánh chứ không tà, tịnh chứ không nhiễm. Phải trì giới, đó là cảnh giới của Thanh Văn và Duyên Giác. Loại Tịnh nghiệp thứ ba là Đại Thừa, “phát Bồ Đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả”. Chẳng phát Bồ Đề tâm, sẽ chẳng tương ứng với Tây Phương Tịnh Độ, vì Tây Phương Tịnh Độ là Đại Thừa Phật pháp. Đại Thừa Phật pháp kiến lập trên cơ sở Bồ Đề tâm. Bồ Đề tâm là chân thành; đãi người, tiếp vật phải dùng cái tâm chân thành, đấy là Bồ Đề tâm, quyết định chẳng có hư vọng, chẳng thể có hư ngụy. Phải dùng cái tâm chân thành để đãi người, tiếp vật thì chúng ta mới có thể nhập môn Phật pháp.
Quý vị phải hiểu: Bao nhiêu người học Phật, thậm chí người xuất gia cho đến bảy mươi, tám mươi, chín mươi tuổi vẫn chưa thể tiến nhập Phật pháp, nguyên nhân là ở chỗ nào? Là do không có Bồ Đề tâm. Bồ Đề tâm là chân tâm, thành tâm, đó là bản thể của Bồ Đề tâm. Chân thành khởi tác dụng, đối với chính mình là tâm thanh tịnh, tự thụ dụng, thanh lương, tự tại; đối với người khác là đại từ đại bi. Tâm chí thành khởi lên tác dụng ấy, điều này chẳng cần phải học, đó là Tánh Đức sẵn có trong Chân Như bổn tánh. Chính mình nhất định thanh tịnh, đối với người khác nhất định từ bi. Tâm địa của chính mình chẳng thanh tịnh, sẽ chẳng đối xử từ bi đối với người khác. Chính quý vị phải giác ngộ: Tâm Bồ Đề [của chính mình] chưa nẩy sanh. Tâm Bồ Đề chưa nẩy sanh thì là tâm gì vậy? Tâm phàm phu! Tâm phàm phu thì quý vị chẳng thể ra khỏi lục đạo; tâm Bồ Đề mới có thể vượt thoát lục đạo, mới có thể minh tâm kiến tánh, mới có thể vãng sanh Tây Phương.
Ba thứ tịnh nghiệp trong Quán Kinh này hết sức quan trọng. Phải tin sâu nhân quả, như thường nói “chúng sanh sợ quả, Bồ Tát sợ nhân”, người học Phật chẳng dám tạo nhân ác, tạo nhân ác thì về sau sẽ bị ác báo. Quả báo ác xảy đến đừng sợ, nghịch cảnh xảy đến bèn vâng chịu, đó là Báo, báo hết sẽ xong! Trong khi thọ báo, nhất định đừng tạo nhân ác. Phải đọc tụng Đại Thừa, kinh Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật đều là kinh Đại Thừa. Chúng ta là người tu Tịnh Độ đọc những kinh điển ấy là đủ rồi, chẳng cần phải tự mình chuốc thêm phiền! Tịnh Độ tam kinh nhất luận, hoặc bộ Tịnh Độ Thập Yếu do Ngẫu Ích đại sư biên soạn, bộ Văn Sao của Ấn Quang đại sư đều nhằm giảng rõ ba kinh, nêu tỏ những tông chỉ và giáo nghĩa Tịnh Độ. Chúng ta có thể đọc tụng những tác phẩm ấy. Tuy Văn Sao của Ấn Quang đại sư không phải là kinh điển, nhưng những điều được nói trong ấy hoàn toàn là giáo nghĩa Đại Thừa. “Khuyến tấn hành giả”: Tự mình tu, còn phải khuyên người khác; đem những lý luận, phương pháp, công đức, lợi ích ấy nói cho người khác nghe.
Trí Giả đại sư chẳng hề nói trì danh niệm Phật là Tán Thiện, chỉ nói “ba thứ Tịnh nghiệp là Tán Thiện, mười sáu phép Quán là Định Thiện”, cách nói này rất có lý!
(Sớ) Cô Sơn phán thử kinh vi Tán Thiện, dư bất vĩ bỉ thuyết.
(疏) 孤山判此經為散善,予不韙彼說。
(Sớ: Ngài Cô Sơn phán định kinh này là Tán Thiện, tôi chẳng chấp nhận thuyết ấy).
Pháp sư Trí Viên nói kinh này là Tán Thiện; nói thật ra, chúng ta xem những lời nghị luận của Liên Trì đại sư trong phần trên, nghĩ ra Ngài thật sự có lý, chẳng phải là nói tùy tiện. Vì thế, chúng ta chẳng dám đồng ý với cách nói của ngài Cô Sơn.
(Sớ) Thả Phổ Môn Phẩm Sớ, thích nhất tâm xưng danh, hữu Sự, hữu Lý, tồn niệm Quán Âm, vô hữu gián đoạn, danh Sự nhất tâm. Nhược đạt thử tâm, tứ tánh bất sanh, dữ Không Huệ tương ứng, danh Lý nhất tâm. Phổ Môn vô “bất loạn” nhị tự, Trí Giả thượng tác Không Huệ thích chi, kim vân “nhất tâm bất loạn”, hà đắc biếm vi Tán Thiện?
(疏) 且普門品疏 ,釋一心稱名 ,有事有理 , 存念觀
音,無有間斷,名事一心。若達此心,四性不生,與空慧相應,名理一心。普門無不亂二字,智者尚作空慧釋之,今云一心不亂,何得貶為散善。
(Sớ: Hơn nữa, trong phần sớ giải phẩm Phổ Môn, đã giải thích nhất tâm xưng danh có Sự và Lý. Nghĩ tới Quán Âm chẳng gián đoạn, gọi là Sự nhất tâm. Nếu đạt cái tâm này, bốn tánh chẳng sanh, tương ứng với Không Huệ thì gọi là Lý nhất tâm. Trong phẩm Phổ Môn không có hai chữ “bất loạn” mà ngài Trí Giả còn giải thích là Không Huệ, nay kinh này nói “nhất tâm bất loạn”, sao lại gièm chê là Tán Thiện?)
Ở đây, trích dẫn lời chú giải kinh Pháp Hoa của Trí Giả đại sư. Bộ Pháp Hoa Văn Cú của Trí Giả đại sư mãi cho đến nay vẫn là một bản chú giải có thẩm quyền bậc nhất. Bản chú giải này hết sức sâu, học trò của Ngài lại chú giải bản chú giải ấy, đặt tên là Pháp Hoa Kinh Văn Cú Ký, tức là bút ký, là kinh điển làm căn cứ quan trọng nhất trong tông Thiên Thai, là một trong Thiên Thai Tam Đại Bộ[5]. Bản chú giải ấy tuy hay, nhưng sâu quá, hàng sơ học chúng ta không cách nào đọc được! Lần này, tôi từ Hương Cảng trở về, đem theo một bộ Pháp Hoa Kinh Văn Cú Ký Toản Yếu[6] do thiền sư Đạo Bái đời Thanh biên soạn. Toản Yếu là trích yếu từ sách Văn Cú Ký, rất thuận tiện đối với người mới học Văn Cú Ký. Trong bản chú giải kinh Pháp Hoa, Trí Giả đại sư đã một phen biện luận, phán đoán, bảo niệm Quán Thế Âm Bồ Tát có Sự nhất tâm mà cũng có Lý nhất tâm, nhưng Ngài không nói đến nhất tâm bất loạn. Sự nhất tâm là quý vị niệm danh hiệu [Quán Thế Âm Bồ Tát] chẳng gián đoạn, giống như chúng ta niệm A Di Đà Phật. Trong mười hai thời, danh hiệu ấy chẳng gián đoạn, đó gọi là Sự nhất tâm.
“Nhược đạt thử tâm, tứ tánh bất sanh, dữ Không Huệ tương ứng, danh Lý nhất tâm” (Nếu đạt tâm này, bốn tánh chẳng sanh, tương ứng với Không Huệ, gọi là Lý nhất tâm). “Tứ tánh bất sanh” là gì? Tứ tánh cũng phát xuất từ Trung Quán Luận, “chư pháp bất tự sanh” [nghĩa là] hết thảy các pháp chẳng thể tự sanh ra, “diệc bất tùng tha sanh” [nghĩa là] cũng chẳng do ai khác sanh ra, mà cái khác (tha) cũng chẳng thể tự sanh. “Bất cộng, bất vô nhân” nghĩa là cũng chẳng phải do tự và tha cùng sanh ra, mà cũng chẳng thể nói là không có nguyên nhân mà sanh. “Thị cố thuyết vô sanh” (cho nên nói vô sanh). Đây gọi là tứ tánh: Tự sanh, tha sanh, cộng sanh, vô nhân sanh. Nếu quý vị thông đạt bốn tánh chất này, quý vị sẽ hiểu hết thảy các pháp vốn chẳng sanh. Nếu thấu đạt cái tâm này, tứ tánh chẳng sanh, tương ứng với Không Huệ. Tương ứng với Không Huệ là tương ứng với trí huệ Đại Bát Nhã, đó là Lý nhất tâm. Tương ứng với Đại Bát Nhã thì trên thực tế là tương ứng với Chân Như pháp tánh.
Trong lời chú giải phẩm Phổ Môn, tuy không nói đến hai chữ “bất loạn”, chỉ nói đến nhất tâm. “Trí Giả thượng tác Không Huệ thích chi” (ngài Trí Giả còn giải thích [nhất tâm] là Không Huệ), Trí Giả đại sư giải thích như thế. “Kim vân nhất tâm bất loạn” [nghĩa là] bản kinh này chẳng những nói tới nhất tâm mà phía sau còn có “bất loạn”, nói tới nhất tâm bất loạn. “Hà đắc biếm vi Tán Thiện” (sao lại gièm chê là Tán Thiện): Pháp sư Trí Viên nói kinh này là Tán Thiện, nói thật ra, lời ấy nói chẳng thông! Trong đoạn này, Liên Trì đại sư biện định quả thật hết sức rõ ràng! Vì thế, chúng ta chớ nên hoài nghi.
(Sớ) Ngu án: Trí Giả nhập diệt, xướng Tam Bảo danh.
(疏) 愚按:智者入滅,唱三寶名。
(Sớ: Ngu tôi nhận định: Ngài Trí Giả nhập diệt, xướng danh hiệu Tam Bảo).
“Ngu” là Liên Trì đại sư tự xưng. Trí Giả đại sư viên tịch, khi lâm chung niệm danh hiệu Tam Bảo: A Di Đà Phật, Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Ngài niệm Phật vãng sanh.
(Sớ) Chương An lâm chung, diệc xưng Di Đà cập nhị Đại Sĩ.
(疏) 章安臨終,亦稱彌陀及二大士。
(Sớ: Ngài Chương An lâm chung, cũng xưng niệm danh hiệu Phật Di Đà và hai vị Đại Sĩ).
Ngài Chương An là học trò đắc ý nhất của Trí Giả đại sư. Về sau, quá nửa những trước tác của đại sư do vị này chỉnh lý. Pháp Hoa Văn Cú do Trí Giả đại sư biên soạn, Văn Cú Ký là bút ký của ngài Chương An, nhằm giải thích chú sớ của đại sư[7]. Ngài Chương An lâm chung cũng niệm A Di Đà Phật, Quán Thế Âm Bồ Tát, và Đại Thế Chí Bồ Tát, cũng ra đi như vậy, đều là vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới.
(Sớ) Bỉ sư tư tự hành như tư.
(疏) 彼師資自行如斯。
(Sớ: Thầy trò họ tự hành như thế).
“Sư” là Trí Giả đại sư, tức thầy, “tư” (資) là học sinh, đồ đệ, tức ngài Chương An. Thầy trò họ hai người đều tự mình tu hành như thế, cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới.
(Sớ) Tất bất tán phán xưng danh, ư thị ích tín.
(疏) 必不散判稱名,於是益信。
(Sớ: Cho nên chẳng cần rườm lời biện định về chuyện phán định xưng danh là Tán Thiện).
Chắc chắn Trí Giả đại sư chẳng đến nỗi coi trì danh niệm Phật là Tán Thiện. Chúng ta thấy Trí Giả đại sư và Chương An đại sư suốt đời tu hành, suốt đời giảng kinh, thuyết pháp, chú sớ kinh điển, chúng ta càng tin tưởng trì danh niệm Phật nhất định chẳng phải là Tán Thiện. Những điều này đều khơi gợi tín tâm của chúng ta, khiến cho tín tâm của chúng ta kiên định. Người niệm Phật nhất định phải tự tin: Trong một đời này, ta nhất định vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, phải có tín tâm ấy, quyết định vãng sanh, một tí hoài nghi cũng chẳng có!
Trong phần trước đã nói với quý vị “đọc tụng Đại Thừa”, chúng ta đọc kinh Di Đà, đọc Sớ Sao, Yếu Giải, hoặc là xem kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật là đủ rồi, những thứ khác đều chẳng cần phải đọc tới. Liên Trì đại sư nói rất hay: “Tam Tạng mười hai bộ kinh dành cho kẻ khác ngộ”. Tôi đọc tụng Đại Thừa, chuyên môn đọc tụng Tịnh Độ Tam Kinh. Khi đọc kinh cũng là niệm Phật, vì kinh điển niệm niệm đều nói về Tây Phương Tịnh Độ, đều nói về thế giới Cực Lạc. Niệm Phật cũng là niệm kinh, vì kinh khuyên quý vị niệm A Di Đà Phật, niệm A Di Đà Phật há chẳng phải là niệm kinh? Vì thế, niệm Phật và đọc kinh là một, không hai. Như thế thì mới có thể quyết định vãng sanh, quyết định niệm đến mức thanh lương, tự tại, niệm đến mức pháp hỷ sung mãn, được thụ dụng trong hiện tại. Hôm nay đã hết thời gian rồi!
[1] Pháp sư Trí Viên (976-1022) là một danh tăng thuộc Sơn Ngoại Phái của tông Thiên Thai, tự là Vô Ngoại, hiệu Trung Dung Tử, hoặc Tiềm Phu, quê ở huyện Tiền Đường, họ Từ. Sư xuất gia từ nhỏ, về sau thọ giới tại chùa Long Hưng ở Tiền Đường. Về sau, Sư sang chùa Phụng Tiên học giáo nghĩa Thiên Thai với ngài Nguyên Thanh. Sau đấy, Sư ẩn cư tại Mã Não Pha thuộc Cô Sơn, Tây Hồ, Hàng Châu, giao du thân thiết với ngài Từ Vân Tuân Thức. Do nghe ngài Nguyên Thanh nói tác phẩm Kim Quang Minh Kinh Huyền Nghĩa của Trí Giả đại sư bị người đời sau sửa đổi, nên mới có hai bản gọi là Lược Bổn và Quảng Bổn, Sư bèn viết tác phẩm Pháp Hoa Thập Diệu Bất Nhị Môn Thị Châu Chỉ, chủ trương Chân Tâm Quán. Sau đó, ngài Tứ Minh Tri Lễ viết bộ Thích Nạn Phù Tông Ký đả phá thuyết của ngài Nguyên Thanh và đề cao Quảng Bổn. Nhằm bênh vực thầy và tự biện hộ cho mình, ngài Trí Viên bèn hợp tác với ngài Phạm Thiên Khánh Chiêu soạn bộ Biện Ngoa để công kích ngài Tri Lễ. Lại soạn bộ Kim Quang Minh Kinh Huyền Nghĩa Biểu Trưng Ký nhằm bắt bẻ bộ Quảng Bổn là văn tự thô lậu, nghĩa lý sơ sài, lý lẽ mâu thuẫn và tường thuật sự việc lầm lẫn. Tông Thiên Thai từ sự kiện này mà chia thành hai phái Sơn Gia và Sơn Ngoại. Đôi bên viết sách công kích nhau, kéo dài mười mấy năm, tạo thành trận bút chiến dằng dai giữa hai phái Sơn Ngoại và Sơn Gia trong tông Thiên Thai. Ngoài các bộ sách nhằm tranh luận về vấn đề Quảng Bổn, Sư còn để lại các bộ sớ giải sau đây: Văn Thù Bát Nhã Kinh Sớ, Di Giáo Kinh Sớ, Bát Nhã Tâm Kinh Sớ, Thụy Ứng Kinh Sớ, Tứ Thập Nhị Chương Kinh Chú, Bất Tư Nghị Pháp Môn Kinh Sớ, Vô Lượng Nghĩa Kinh Sớ, Quán Phổ Hiền Hành Pháp Kinh Sớ, A Di Đà Kinh Sớ, Thủ Lăng Nghiêm Kinh Sớ (do có mười bộ sớ nên mới gọi là Thập Bổn Sớ Chủ), Thỉnh Quán Âm Kinh Sớ Xiển Nghĩa Sao, Duy Ma Kinh Lược Sớ Thùy Dụ Ký, Niết Bàn Huyền Nghĩa Phát Nguyên Cơ Yếu, Niết Bàn Kinh Sớ Tam Đức Chỉ Quy, Niết Bàn Kinh Trị Định Sớ Khoa, Kim Cang Phê Hiển Tánh Lục, Bát Nhã Tâm Kinh Di Mưu Sao. Mười bộ Sớ của Sư hiện thời chỉ còn bộ Bát Nhã Tâm Kinh Sớ, chín bộ kia đã bị thất truyền.
[2] Tuy thường nói Luận Ngữ, Mạnh Tử, Đại Học và Trung Dung là Tứ Thư, nhưng Trung Dung và Đại Học chỉ là hai thiên sách trong sách Lễ Ký. Trung Dung là thiên thứ ba mươi mốt, còn Đại Học là thiên thứ hai mươi bốn. Thiên sách Đại Học nhấn mạnh tầm quan trọng của Thành (lòng thành), Trung Dung cũng nhấn mạnh Thành, nhưng điểm độc đáo của Trung Dung là nói đến ý nghĩa “chấp Trung” tức là cầu “trung hòa”. Theo đó, con người phải sống hợp với Trung, dùng lòng chí thành để đạt đến Trung.
[3] Trung Luận (Mūlamadhyamakakārikā) còn gọi là Trung Quán Luận, Trung Luận Tụng, hoặc Trung Quán Căn Bản Luận do Long Thọ Bồ Tát trước tác, do ngài Cưu Ma La Thập dịch sang tiếng Hán. Tác phẩm này được coi là kinh điển căn bản của học thuyết Trung Quán, nhấn mạnh tầm quan trọng của Trung Đạo cũng như các phương pháp thể nhập Trung Đạo. Do tầm quan trọng của bộ luận này, trong Hán Tạng có đến bảy bộ chú giải như sau: Vô Úy Luận (do ngài Long Thọ tự viết để chú thích Trung Luận), Trung Luận Thích (do ngài Thanh Mục viết), Thuận Trung Luận (do Vô Trước Bồ Tát viết), Đại Thừa Trung Quán Thích Luận (do ngài An Huệ viết), Căn Bản Trung Luận Chú (do ngài Phật Hộ soạn), Bát Nhã Đăng Luận (do ngài Thanh Biện viết), và Tịnh Minh Cú Luận (do ngài Nguyệt Xứng viết).
[4] Do quán các pháp là Giả, tức là nhìn từ Tướng để thể nhập Tánh, tức là phá chấp Hữu. Nhập Không là quán chiếu bổn tánh các pháp là Không, nhưng chẳng phải là trống không, rỗng tuếch. Chỉ vì bổn tánh không có vọng niệm, đối đãi, nên gọi là Không. Quán như vậy chính là phá chấp Không. Do vậy, bước thứ nhất này gọi là “song giá” (ngăn dứt cả hai kiến chấp Có và Không). Sau đó nhập Trung, thấy rõ bản chất của Không và Giả, Giả chính là Không, Không chính là Giả, nên gọi là “song chiếu”, tức là từ Tánh lại khởi ra tác dụng. Do vậy, mới nói là từ Không trở lại Giả.
[5] Thiên Thai Tam Đại Bộ là ba bộ sách do chính ngài Thiên Thai Trí Khải (Trí Giả đại sư) biên soạn, gồm Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Huyền Nghĩa, Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Văn Cú và Ma Ha Chỉ Quán. Ba bộ này là căn cứ lý luận cho toàn bộ giáo nghĩa của tông Thiên Thai. Ngoài ra, người học giáo nghĩa tông Thiên Thai còn phải nghiên cứu năm bộ sách nữa gọi là Thiên Thai Ngũ Tiểu Bộ tức Kim Quang Minh Kinh Huyền Nghĩa, Kim Quang Minh Kinh Văn Cú, Quán Âm Huyền Nghĩa, Quán Âm Nghĩa Sớ và Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Sớ. Năm bộ này là bút ký của ngài Quán Đảnh ghi chép lời dạy của tổ Thiên Thai. Riêng Kim Quang Minh Huyền Nghĩa có hai bản Quảng Bổn và Lược Bổn, là đầu mối gây nên tranh cãi khiến tông Thiên Thai tách thành hai phái Sơn Gia (do Tứ Minh Tri Lễ cầm đầu) và phái Sơn Ngoại (do Từ Vân Tuân Thức và Cô Sơn Trí Viên lãnh đạo).
[6] Đúng ra phải đọc là Pháp Hoa Kinh Văn Cú Ký Soán Yếu, nhưng ta quen đọc chữ Soán (篡: cướp lấy, đoạt lấy) thành Toản cho những tác phẩm thuộc thể loại trích yếu này. Soán Yếu có nghĩa là gạn lọc lấy, đoạt lấy những điều trọng yếu.
[7] Thật ra, ngài Chương An chỉ chỉnh lý tác phẩm Pháp Hoa Văn Cú của tổ Trí Giả, phần Văn Cú do ngài Chương An biên tập, còn Văn Cú Ký chính là tác phẩm chú giải Văn Cú của ngài Kinh Khê Trạm Nhiên. Vì thế, trong các bản in Pháp Hoa Văn Cú Ký hiện thời thường ghi như sau: Tùy Thiên Thai Trí Giả đại sư thuyết, Tùy Chương An Quán Đảnh đại sư văn cú, Đường Kinh Khê Trạm Nhiên đại sư thuật ký (Thiên Thai Trí Giả đại sư đời Tùy giảng, Chương An Quán Đảnh đại sư đời Tùy ghi thành văn cú, Kinh Khê Trạm Nhiên đại sư đời Đường viết bút ký).