#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 176
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm bảy mươi mốt:
(Sao) Bổn nguyện giả, Đại Bổn Pháp Tạng nguyện vân: “Ngã tác Phật thời, sát trung vô ngạ quỷ, súc sanh, dĩ chí quyên nhuyễn”. Hựu nguyện vân: “Ngã sát trung nhân, giai bất văn bất thiện chi danh, hà huống hữu thật, bất đắc thị nguyện, chung bất tác Phật”.
(鈔) 本願者,大本法藏願云:我作佛時,剎中無餓鬼畜生,以至蜎蝡。又願云:我剎中人,皆不聞不善之名,何況有實,不得是願,終不作佛。
(Sao: “Bổn nguyện”: Trong kinh Đại Bổn, ngài Pháp Tạng nguyện rằng: “Lúc tôi thành Phật, trong cõi nước chẳng có ngạ quỷ, súc sanh, cho đến các loài ngọ nguậy, bò toài”. Lại nguyện rằng: “Trong cõi của tôi, đều chẳng nghe những danh xưng bất thiện, huống là thật có. Chẳng thỏa nguyện ấy, trọn chẳng làm Phật”).
Đoạn này nhằm giải thích câu “bất phù Pháp Tạng bổn nguyện” (chẳng hợp với bổn nguyện của ngài Pháp Tạng) trong lời Sớ. Trong phần bốn mươi tám nguyện của kinh Vô Lượng Thọ, A Di Đà Phật đã nói: Tây Phương Cực Lạc thế giới quyết định chẳng có ba ác đạo. Trong lời nguyện thứ nhất, Ngài đã phát ra nguyện “quyết định chẳng có ba ác đạo”. Không chỉ chẳng có ba ác đạo, ngay cả cái tên ba ác đạo còn chẳng nghe thấy, huống là thật sự có! Pháp Tạng Bồ Tát đã thành Phật, nay là Tây Phương thế giới A Di Đà Phật. Nếu chẳng có ba ác đạo, ngay cả cái tên ba ác đạo còn chẳng nghe thấy, vì sao còn thấy những loài chim? Nghi vấn sanh khởi từ chỗ này!
(Sao) Vân hà Phật đạo dĩ thành, đốn vi túc nguyện.
(鈔) 云何佛道已成,頓違宿願。
(Sao: Vì sao nói là đã thành Phật đạo, mà lại mâu thuẫn với nguyện xưa!)
Dường như là mâu thuẫn với lời nguyện đã phát trong quá khứ.
(Sao) Cố minh bỉ quốc nguyên vô ác đạo, phi duy mục sở vị đổ,
diệc phục nhĩ sở bất văn. Lương diêu nhĩ chi sở văn, duy thị chư Phật Như Lai vạn đức hồng danh, Bồ Tát, Thanh Văn, cập chư thiên, thiện nhân chủng chủng gia hiệu, tằng vô tam ác danh tự lịch nhĩ căn cố.
(鈔) 故明彼國原無惡道,非唯目所未睹,亦復耳所不聞。良繇耳之所聞,唯是諸佛如來萬德洪名,菩薩聲聞及諸天善人種種嘉號,曾無三惡名字歷耳根故。
(Sao: Vì thế, nói rõ cõi ấy vốn chẳng có ác đạo. Chẳng phải chỉ là mắt không trông thấy, mà còn là tai chưa nghe thấy. Ấy là vì những điều được nghe toàn là vạn đức hồng danh của chư Phật Như Lai và các thứ danh hiệu tốt lành của Bồ Tát, Thanh Văn, chư thiên và các vị thiện nhân, chưa hề nghe tên gọi của ba ác đạo thoảng qua tai).
Trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, những điều quý vị thấy và nghe đều là “chỉ ư chí thiện” (đạt tới chỗ tốt lành tột cùng), những điều được tiếp xúc đều là cảnh giới tối thiện. Những loài chim ấy ở đâu ra? Tiếp theo đây, Ngài nói cho chúng ta biết:
(Sao) Biến hóa sở tác giả.
(鈔) 變化所作者。
(Sao: Biến hóa tạo ra).
Giải thích tỉ mỉ câu “dĩ bỉ Phật dục linh pháp biến nhân nhĩ, thần lực biến hóa, phi chân súc sanh cố” (do đức Phật ấy muốn cho pháp được nghe trọn khắp, nên dùng thần lực biến hóa, chứ chẳng phải là súc sanh thật sự).
(Sao) Phục tự nạn ngôn.
(鈔) 復自難言。
(Sao: Lại tự cật vấn rằng).
“Nạn” (難) là nêu ra nghi vấn.
(Sao) Ký vô súc sanh, kim Bạch Hạc, Khổng Tước đẳng, hà sở tùng lai, nhi tại bỉ quốc?
(鈔) 既無畜生,今白鶴孔雀等,何所從來,而在彼國。
(Sao: Đã chẳng có súc sanh, nay Bạch Hạc, chim Công v.v… do đâu mà tồn tại trong cõi nước ấy?)
Hiện thời, đối với Tây Phương Cực Lạc thế giới, đức Thế Tôn đã giới thiệu cảnh giới ấy, trong hội Vô Lượng Thọ, lại có hơn hai vạn người dự hội đều trông thấy cảnh giới ấy; do đó, có thể chứng minh những lời Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói chẳng giả, xác thực là chân thật. Những loài chim ấy do đâu mà có, nhất định phải nêu ra nguyên nhân.
(Sao) Nãi xuất kỳ diêu, thị Phật hóa tác, phi chân thật hữu.
(鈔) 乃出其繇,是佛化作,非真實有。
(Sao: Bèn nêu ra nguồn cội: Chúng là do đức Phật hóa ra, chẳng phải là thật sự có).
A Di Đà Phật dùng các công cụ ấy, biến hóa tạo ra, dùng chúng thuyết pháp thay cho Ngài, giống như nay chúng ta dùng băng thâu âm hoặc băng thâu hình cũng có thể thay thế [người thật] thuyết pháp, bất quá chẳng biến hóa xảo diệu và tự tại như A Di Đà Phật! Tuy hiện thời chúng ta cũng có thể biến hóa những công cụ khoa học ấy, nhưng vẫn chưa thể hoàn toàn tự tại, còn phải chịu rất nhiều hạn chế.
(Sao) Như Quán Kinh vân, Như Ý Châu Vương, dũng xuất kim sắc vi diệu quang minh, hóa vi bách bảo sắc điểu, thị dã.
(鈔) 如觀經云,如意珠王,涌出金色微妙光明,化為百寶色鳥,是也。
(Sao: Như Quán Kinh có nói: Như Ý Châu Vương tuôn ra các quang minh sắc vàng vi diệu, hóa thành các thứ chim có màu sắc như trăm món báu[1], chính là ý này).
Trong Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh, đức Phật đã nói khá tỉ mỉ A Di Đà Phật biến hóa như thế nào. Ngài có một “cỗ máy biến hóa tổng quát” là Như Ý Châu Vương. Như Ý Châu Vương có thể thỏa mãn ý nguyện của con người, quý vị muốn gì, nó liền biến hiện như thế ấy. Giống như chiếc đèn thần trong chuyện ngụ ngôn thần thoại của phương Tây, quý vị yêu cầu nó biến ra thứ gì, nó liền biến ra thứ ấy. Tây Phương Cực Lạc thế giới có thứ ấy, có Như Ý Châu Vương.
(Sao) Pháp âm tuyên lưu giả.
(鈔) 法音宣流者。
(Sao: Pháp âm tuyên lưu).
A Di Đà Phật biến hóa những loài chim ấy nhằm mục đích này. Vì sao biến hiện những loài chim ấy? Dụng ý của Ngài là sử dụng chúng để tuyên dương Phật pháp, cũng nhằm để giảng kinh, thuyết pháp. Đại chúng thích nghe kinh gì, chim liền nói kinh ấy. Đã do A Di Đà Phật biến hóa ra, những pháp do chim giảng sẽ chẳng hai, chẳng khác những pháp do A Di Đà Phật đích thân tự nói.
(Sao) Tuyên tắc tuyên bố, tự thượng biến hạ, do như vương ngôn.
(鈔) 宣則宣布,自上遍下,猶如王言。
(Sao: Tuyên là tuyên bố, trọn khắp từ cao đến thấp, giống như lời nói của vua).
“Tuyên” (宣) có nghĩa là tuyên bố, hướng về đại chúng tuyên bố.
(Sao) Lưu tắc lưu thông.
(鈔) 流則流通。
(Sao: Lưu là lưu thông).
“Tuyên lưu”: “Lưu” (流) là lưu thông.
(Sao) Tự cận cập viễn, do như thệ thủy.
(鈔) 自近及遠,猶如逝水。
(Sao: Từ gần đến xa, giống như nước chảy).
Giống như nước chảy ra ngoài, pháp âm lan trọn khắp cả nước, “cả nước” chính là thế giới Cực Lạc. Không chỉ trọn khắp cả nước, mà như kinh Vô Lượng Thọ đã nói, những vị như A Nan thấy Tây Phương Cực Lạc thế giới và cũng nghe A Di Đà Phật thuyết pháp, đồng thời cũng nghe hữu tình lẫn vô tình trong Tây Phương Cực Lạc thế giới thảy đều thuyết pháp. Do điều này có thể biết, pháp âm lan tràn khắp hư không pháp giới. Nói thật ra, do bản thân chúng ta có chướng ngại, nên chẳng thấy được! Nếu trừ khử chướng ngại của chính mình, Tây Phương Cực Lạc thế giới thật sự chẳng xa, ở ngay trước mắt! Đối với những lời này, nếu chúng ta đọc nhuần nhuyễn kinh Vô Lượng Thọ, đích xác là sẽ thấu hiểu khác hẳn trước kia, giống như A Nan và Di Lặc Bồ Tát đã nói: “Như đối mục tiền, tương khứ nhất tầm” (Như đối trước mắt, cách chừng một tầm). Một Tầm (尋) là tám thước[2], tức là đối diện!
(Sao) Phật dục pháp âm phổ châu vô gián.
(鈔) 佛欲法音普周無間。
(Sao: Phật muốn cho pháp âm được phổ biến trọn khắp, chẳng gián đoạn).
“Gián” (間) là gián đoạn, nói rõ đức Phật thuyết pháp chưa hề gián đoạn.
(Sao) Cố bất độc dĩ nhân thuyết pháp.
(鈔) 故不獨以人說法。
(Sao: Nên chẳng phải là chỉ dùng thân người để thuyết pháp).
“Dĩ nhân thuyết pháp”: Ngài thị hiện hóa thân. Trong Quán Kinh, chúng ta cũng đã thấy, nơi bảy hàng cây báu trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, chỗ nào cũng đều là như vậy. Dưới mỗi cội cây đều có Tây Phương Tam Thánh. Tây Phương Tam Thánh rất nhiều. Tây Phương Cực Lạc thế giới to ngần ấy, dân cư đông ngần ấy, bao giờ chúng ta mới có thể gặp mặt A Di Đà Phật? Nào ngờ A Di Đà Phật hóa thân khắp mọi nơi, dưới mỗi cội cây báu, A Di Đà Phật, Quán Âm, Thế Chí đều thuyết pháp tại đó. Những hóa thân ấy trọn khắp cả nước, Tam Thánh cũng do A Di Đà Phật biến hóa tạo tác. Ở đây, nói rõ “cố bất độc dĩ nhân thuyết pháp” (không chỉ dùng thân người để thuyết pháp), hóa thân do Ngài biến hóa là thân người.
(Sao) Sử bỉ điểu âm giai thuyết diệu pháp.
(鈔) 使彼鳥音皆說妙法。
(Sao: Khiến cho những tiếng chim hót đều là nói diệu pháp).
Đây là hữu tình thuyết pháp. Phía sau còn có một đoạn kinh văn nói về vô tình thuyết pháp. Tình và vô tình, không gì chẳng thuyết pháp. Ngẫu Ích đại sư nói: Đó là một trong những nguyên nhân thật sự khiến cho [hành nhân trong] Tây Phương thế giới chẳng bị thoái chuyển. Những cảnh giới được tiếp xúc bởi lục căn toàn là Phật pháp, làm sao quý vị lui sụt cho được? Chẳng có cách nào lui sụt! Trong thế gian này, thời gian chúng ta nghe Phật pháp quá ngắn ngủi, thời gian chẳng nghe Phật pháp quá dài, nên dễ dàng thoái chuyển. Nếu chúng ta nghe kinh hằng ngày, nghe pháp mỗi ngày, chắc chắn sẽ chẳng thoái chuyển. Phật Di Đà biết chân tướng sự thật này, biết vì sao mười phương thế giới chúng sanh tu hành bị thoái chuyển, đó là một nhân tố quan trọng nhất, nên trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, Ngài liền đoạn dứt cái duyên khiến cho mười phương thế giới chúng sanh thoái chuyển. Pháp âm không lúc nào, không chỗ nào chẳng nghe, chư Phật, Bồ Tát không lúc nào, không chỗ nào chẳng thấy, hằng ngày quý vị ở cùng một chỗ với Phật, thời thời khắc khắc ở cùng một chỗ với Phật, quý vị chẳng lìa Phật, chẳng lìa Bồ Tát, quyết định chẳng thoái chuyển.
(Sao) Vô xứ vô thời nhi bất văn thính, thử tắc đại thần thông lực chi sở biến hóa, khởi đồng ngu ám vi nhân, nhi cảm báo súc sanh chi chân điểu da?
(鈔) 無處無時而不聞聽,此則大神通力之所變化,豈同愚暗為因,而感報畜生之真鳥耶。
(Sao: Không chỗ nào, không lúc nào chẳng nghe thấy, đó là sự biến hóa bởi sức đại thần thông, há giống như những con chim thật sự cảm báo súc sanh do cái nhân ngu ám ư?)
Quyết định chẳng giống với những con chim thuộc súc sanh đạo trong lục đạo. Chim chóc trong súc sanh đạo thuộc loại quả báo ngu si. Do ngu si nên đọa làm súc sanh.
(Sao) Nhiên thử biến hóa, tự hữu nhị nghĩa.
(鈔) 然此變化,自有二義。
(Sao: Nhưng sự biến hóa này tự nhiên có hai ý nghĩa).
“Tự” (自) là tự nhiên, tự nhiên trọn đủ hai ý nghĩa. Chữ Tự ở đây giống như tám thứ tự nhiên được nói trong kinh Vô Lượng Thọ. Nói là “tự nhiên” vì nó tự nhiên lưu lộ từ Chân Như bổn tánh, có thể thấy tuy do A Di Đà Phật biến hóa tạo ra, nhưng trọn chẳng có tâm mong biến hóa. Nếu là ta nghĩ sẽ biến ra thứ gì đó, tức là đã rớt vào ý thức, chẳng phải là tự nhiên! Quyết định chẳng rớt trong tâm ý thức, mà do Tánh Đức lưu lộ. Xác thực là chúng sanh có cảm, Phật sẽ có ứng. Nếu nói “Phật có ứng” thì chẳng bằng nói đến sự cảm ứng nơi tự tánh. Vì thế, tự nhiên mà có như vậy. [Ý nghĩa] thứ nhất là:
(Sao) Nhất giả như Phật khiển hóa nhân, thuyết chủng chủng pháp.
(鈔) 一者如佛遣化人,說種種法。
(Sao: Một là như Phật sai hóa nhân nói các thứ pháp).
“Khiển” (遣) là sai phái, sai khiến một đại biểu. Vị đại biểu ấy cũng chẳng thật sự do Phật phái người khác đi, mà do Ngài tự mình biến hóa ra một vị hóa Phật. Vị Phật được biến hóa ấy chẳng hai, chẳng khác với vị Phật thật, hoàn toàn giống hệt như nhau. Đừng nên thấy vị Phật hóa thân ấy mà có phân biệt, chấp trước, chẳng hài lòng! Chẳng phải vậy, Hóa Thân, Báo Thân và Pháp Thân hoàn toàn là một Thể. Ý nghĩa thứ hai là…
(Sao) Nhị giả tánh cụ chư pháp, y tánh khởi tu, quả thượng tự năng sắc tâm hỗ dung, y chánh bất nhị, giai tất thuyết pháp.
(鈔) 二者性具諸法,依性起修,果上自能色心互融,依正不二,皆悉說法。
(Sao: Hai là tánh trọn đủ các pháp, nương theo tánh khởi tu, nơi quả sẽ tự là sắc và tâm dung nhập lẫn nhau, y báo và chánh báo chẳng hai, thảy đều thuyết pháp).
Đoạn này hoàn toàn nói xứng tánh.
(Diễn) “Tánh cụ chư pháp” ngũ cú, Thiên Thai Viên Giáo nghĩa dã. Dĩ Biệt Giáo sở thuyên thanh tịnh Chân Như, không vô nhất pháp, thập giới sắc tâm, tùng nhiễm tịnh chi duyên sở biến khởi, nhân trung tất tu đãng tận chư tướng, nãi quy chân tánh, quả thượng hà năng tức sắc, tức tâm, tức y, tức chánh.
(演) 性具諸法五句,天台圓教義也。以別教所詮清淨真如,空無一法,十界色心,從染淨之緣所變起,因中必須蕩盡諸相,乃歸真性,果上何能即色即心、即依即正。
(Diễn: Năm câu “tánh trọn đủ các pháp…” chính là giáo nghĩa Viên Giáo của tông Thiên Thai. Dùng Biệt Giáo để nói thì Chân Như thanh tịnh trống rỗng, chẳng có một pháp nào, sắc và tâm trong mười pháp giới do từ các duyên nhiễm hay tịnh mà biến hóa khởi lên. Ắt phải gột sạch các tướng nơi nhân thì mới trở về chân tánh, nơi quả làm sao có thể là sắc, là tâm, là y báo, hay là chánh báo?)
Trước hết, nói về Biệt Giáo. Biệt Giáo là Đại Thừa, Viên Giáo là Nhất Thừa, cao hơn Đại Thừa. Xét theo sự tu chứng của hàng Bồ Tát trong Biệt Giáo, các Ngài vẫn là có tu, có chứng. Ngài nói tới Chân Như thì trong Chân Như chẳng lập một pháp, đúng như Lục Tổ đã nói: “Vốn chẳng có một vật, chỗ nào nhuốm bụi bặm”, nó là “không vô nhất pháp” (rỗng không, chẳng có một pháp nào). Rỗng không, chẳng có một pháp nào cũng là như Vĩnh Gia đại sư đã nói trong Chứng Đạo Ca: “Mộng lý minh minh hữu lục thú, giác hậu không không vô đại thiên” (Trong mộng rành rành phô sáu nẻo, giác rồi ba cõi rỗng toang hoang). Cách nói này hoàn toàn tuân theo giáo nghĩa của Biệt Giáo, chẳng phải là Viên Giáo. Lục Tổ và Vĩnh Gia đều là bậc đại đức viên đốn. Lục Tổ lại nói: “Nào ngờ tự tánh vốn sẵn trọn đủ, nào ngờ tự tánh có thể sanh ra vạn pháp”. Đấy là giáo nghĩa Viên Giáo. Nếu chấp trước “rỗng không, chẳng có một pháp nào”, chắc chắn sẽ chẳng thể viên! “Thập pháp giới sắc tâm”: Sắc nói theo người hiện thời là vật chất, Tâm là tinh thần. Nói tới tinh thần và vật chất trong mười pháp giới bèn bao gồm trọn khắp, không có gì ở ngoài hai loại lớn này. Những thứ ấy do đâu mà có? “Tùng nhiễm tịnh chi duyên sở biến khởi” (Từ các duyên nhiễm hay tịnh mà biến hóa, khởi lên). Tứ thánh pháp giới là tịnh duyên khởi, [tức là] Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật do tịnh duyên mà khởi, lục đạo do nhiễm duyên mà khởi, lý này hết sức chánh xác. Đấy gọi là “tâm tịnh, ắt cõi tịnh”, tâm ta tịnh, tâm tịnh là tịnh duyên khởi. Tâm chẳng thanh tịnh bèn là nhiễm duyên khởi, đó là đạo lý nhất định.
Vì thế, người ấy tu hành, “nhân trung tất tu đãng tận chư tướng” (ắt cần phải gột sạch các tướng nơi nhân). “Đãng tận chư tướng” chẳng phải là bỏ sạch những tướng bên ngoài! Bỏ sạch các tướng bên ngoài, nhưng các tướng trong tâm vẫn chẳng bỏ, sẽ vô dụng! Vì thế, phải lìa! Lìa tướng gì? Lìa các ấn tượng trong tâm, bỏ sạch sành sanh các ấn tượng trong tâm. Về căn bản, tướng bên ngoài chẳng ăn nhằm gì, chẳng liên quan! Tâm thanh tịnh vô ngại, chẳng trở ngại! Trong tâm chẳng thanh tịnh, đó là trở ngại trọng đại! Trở ngại điều gì? Ngăn ngại cái tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh là tự tánh. Lục Tổ đại sư là một nhân vật khá kiệt xuất trong Phật môn Trung Hoa, Lục Tổ quả thật đã “đãng tận chư tướng, nãi quy chân tánh” (gột sạch các tướng, trở về chân tánh), Ngài thật sự quay về tự tánh. Thuở ấy, có bao nhiêu kẻ tìm Ngài gây khó dễ, Ngài phải lánh nạn, còn phải đến mai danh ẩn tánh trong phường thợ săn, hầu hạ bọn thợ săn ấy suốt mười lăm năm. Chúng ta hãy khéo suy nghĩ, Ngài lìa hết thảy các tướng, chẳng phải là lìa tướng cảnh giới bên ngoài. Đối với tướng cảnh giới bên ngoài, chẳng lìa một thứ gì. Ngài lìa tướng tâm duyên, lìa điều này! Thật sự làm được ba câu do Mã Minh Bồ Tát đã dạy trong Đại Thừa Khởi Tín Luận: “Lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng danh tự, lìa tướng tâm duyên”. Lục Tổ gột sạch các tướng ấy, trừ khử những tướng ấy. Nếu đã xóa trừ tướng ấy, tướng bên ngoài chắc chẳng thể ảnh hưởng cái tâm thanh tịnh của Ngài. Có bỏ tướng bên ngoài hay không? Xác thực là đã bỏ, tuy tướng vẫn còn, nhưng Ngài đã bỏ gì? Tướng bên ngoài chẳng liên can gì đến ta, quyết định chẳng bị ảnh hưởng. Nếu chúng tôi nói thô thiển hơn một chút, sẽ là quyết định chẳng có được – mất! Chẳng có được – mất! Cố nhiên, hết thảy các tướng tồn tại, sâm la vạn tượng toàn bộ ở trước mặt, nhưng chẳng có ý niệm được, mất, chẳng lấy, chẳng bỏ. Không chỉ pháp thế gian là như thế, mà pháp xuất thế gian cũng là như thế. Trong Phật pháp cũng chẳng có được, mất, mà cũng chẳng có lấy, bỏ. Tâm này thanh tịnh, tự tánh hiển lộ.
Nay chúng ta nói đến công phu tu hành, nhìn từ chỗ nào? Nhìn vào ý niệm của quý vị. Trong hết thảy các pháp, quý vị còn thấy có được mất hay không? Có còn lấy bỏ hay không? Chỉ cần có được, mất, lấy, bỏ, chắc chắn quý vị là phàm phu, công phu chẳng đắc lực, mỗi ngày niệm mười vạn câu Phật hiệu vẫn chẳng đắc lực! So với không niệm thì có niệm Phật sẽ tốt hơn một chút! Nói thật ra là công phu chẳng đắc lực. Nếu đối với pháp thế gian và xuất thế gian, quý vị chẳng có lấy, bỏ, được, mất, thưa cùng quý vị, quý vị niệm Phật, lạy Phật, tụng kinh, quán tưởng, chuyện gì cũng đều đắc lực. Sự đắc lực ấy cũng chính là như Lục Tổ đã nói: “Trong tâm đệ tử thường sanh trí huệ”. Thường sanh trí huệ là tướng công phu đắc lực. Kẻ chẳng đắc lực, trong tâm thường sanh phiền não. Đôi khi chẳng có phiền não, tâm rất tĩnh lặng. Tuy tâm rất tĩnh lặng, chẳng có một vọng niệm nào, nhưng điều gì cũng không biết. Điều gì cũng không biết là đọa trong vô minh, thứ gì cũng đều biết bèn là tà kiến. Phàm phu nếu chẳng phải là tà kiến, bèn rớt trong vô minh. Bồ Tát chẳng phải như vậy. Đã chẳng có tà kiến, mà cũng chẳng đọa vô minh, nên hiểu rõ ràng rành rẽ cảnh giới bên ngoài. Sự hiểu rõ ràng ấy chính là Thập Như Thị như trong kinh Pháp Hoa đã nói: Tánh như thế, Tướng như thế, Thể như thế, nhân duyên quả báo như thế, cho đến gốc ngọn rốt ráo là như thế. Nói cách khác, người hiểu rõ, thông đạt triệt để hết thảy muôn tướng thì gọi là “thường sanh trí huệ”.
Người Biệt Giáo chưa viên, [vì còn] có cách ngăn, chướng ngại. Nói thật ra, trong hết thảy những người học Phật, ít ai là căn tánh viên đốn! Người căn tánh viên đốn thành tựu dễ dàng hơn những người thuộc căn tánh khác, học rất tự tại, rất sung sướng; nhưng căn tánh viên đốn cũng do bồi dưỡng mà thành, chẳng phải là thiên bẩm! Ai nấy đều trọn đủ năm loại căn tánh Tiểu, Thỉ, Chung, Đốn, Viên. Làm như thế nào để khai phát đức năng sẵn có trong tự tánh của chúng ta? Phải cậy vào huân tập. Thường xuyên đọc tụng kinh điển Đại Thừa, nhất là tiếp nhận sự huân tập của kinh điển Viên Giáo trong Đại Thừa, lâu ngày chầy tháng, chính mình sẽ bất tri bất giác biến thành căn tánh viên đốn. Người căn tánh viên đốn chuyện gì cũng đều phóng khoáng, chẳng tính toán, so đo vụn vặt, chẳng đặt nặng tiểu tiết, chẳng nhấn mạnh những quy củ và lễ tiết vặt vãnh. Người chưa đạt đến Biệt Giáo hết sức coi trọng chi tiết. Chẳng hạn như trong khóa tụng, [nếu] người Duy Na hay Duyệt Chúng gõ mõ hay đánh chuông khánh chẳng đúng, người chưa đạt đến Biệt Giáo sẽ thấy [những sai sót ấy] rất nghiêm trọng, ghê gớm lắm! Người Viên Giáo phóng khoáng, đánh trật cũng được, chẳng so đo, chẳng có những nỗi phân biệt, chấp trước ấy!
Kẻ coi trọng chi tiết nhất, so đo nhất, chấp trước là hàng Tiểu Thừa. Luật Tông trong Đại Thừa hết sức coi trọng giới luật, hết sức chấp trước, được không? Được chứ! Có thể khiến cho hết thảy mọi người tuân theo quy củ, xác thực là có thể kiến lập quy chế. Người Viên Giáo sẽ tự nhiên chẳng phạm lỗi, nên quy củ đối với người ấy vô dụng. Khổng lão phu tử lúc bảy mươi tuổi đã đạt đến cảnh giới ấy, lão nhân gia nói: “Thất thập nhi bất du củ” (Bảy mươi tuổi chẳng vượt ra ngoài quy củ), lúc bảy mươi tuổi, Ngài liền tùy tâm sở dục (thuận theo lòng mong muốn mà hành sự không trở ngại), đạt được tự tại. Có lẽ Khổng lão phu tử cũng là khiêm hư, khách sáo, Ngài nói công phu [của chính mình] được kiến lập vào năm ba mươi tuổi, dần dần học đến bảy mươi tuổi, công phu mới viên mãn, trong nhà Phật nói là “căn tánh viên đốn”, Ngài đạt đến trình độ ấy.
Tứ Thư của Nho gia đích xác là pháp Đại Thừa. Sau này, Phật môn [Trung Hoa] chẳng dùng Tiểu Thừa, dùng Nho gia thay thế Tiểu Thừa, thật sự là hết sức hợp lý. Vì Tiểu Thừa quá chấp trước, quá cố chấp, chẳng dễ dàng tiến lên Đại Thừa. Nho gia “trạch thiện cố chấp” (chọn lấy điều thiện để cố chấp), họ cũng cố chấp, nhưng chẳng chấp trước chết cứng như Tiểu Thừa. Vì thế, tuy chấp trước, tư tưởng của họ cũng khá cởi mở, nên tiến nhập Đại Thừa Phật pháp khá dễ dàng. Pháp Tiểu Thừa truyền đến Trung Quốc khá đầy đủ, nhưng sau đời Đường, Tiểu Thừa ở Trung Quốc liền suy diệt, chúng ta phải biết nguyên nhân ấy. Hiện thời, so sánh giữa kinh tạng Tiểu Thừa trong Đại Tạng Kinh [tiếng Hán] và Đại Tạng Kinh bằng tiếng Ba Lợi (Pāḷi)[3] được lưu truyền tại Thái Lan, [sẽ thấy] kinh điển Tiểu Thừa Nam Truyền chỉ nhiều hơn [kinh điển Tiểu Thừa trong] tạng tiếng Hán năm mươi mấy bộ. Trong hai, ba ngàn bộ kinh điển, mà chỉ nhiều hơn bản tiếng Hán năm mươi mấy bộ. Do vậy có thể biết: Kinh Tiểu Thừa truyền đến Trung Quốc khá hoàn chỉnh. Kinh nào trong tiếng Pāḷi có thì trong Tứ A Hàm bằng tiếng Hán cũng có. Tiếp theo đây là nói đến Viên Giáo:
(Diễn) Kim Viên Giáo Lý cụ chư pháp, tùng Lý cụ trung nhi hữu Sự tạo. Tuy vân “Lý cụ, Sự tạo”, thật vô năng cụ, sở cụ, năng tạo, sở tạo, dĩ tức tâm tức pháp, tức pháp tức tâm, năng tạo nhân duyên, cập sở tạo pháp, giai tất đương xứ, duy thị nhất tâm, giai tất đương xứ, duy thị nhất sắc. Duy tâm, duy sắc, đối đãi tư vong, diệu quán quán chi, vô phi Tam Đế.
(演) 今圓教理具諸法,從理具中而有事造。雖云理具事造,實無能具所具,能造所造,以即心即法,即法即心,能造因緣及所造法,皆悉當處唯是一心,皆悉當處唯是一色。唯心唯色,對待斯忘,妙觀觀之,無非三諦。
(Diễn: Nay theo Viên Giáo, Lý trọn đủ các pháp. Do Lý trọn đủ mà có tạo tác về mặt Sự. Tuy nói “Lý trọn đủ, tạo tác về mặt Sự”, thật ra chẳng có chủ thể trọn đủ, và cái được trọn đủ, cái có thể tạo, cái được tạo, bởi lẽ, tâm chính là pháp, pháp chính là tâm, nhân duyên có thể tạo và pháp được tạo đều chỉ là nhất tâm ở ngay nơi đây, đều chỉ là một sắc ở ngay nơi đây. Duy tâm, duy sắc, dứt bặt đối đãi, dùng diệu quán để quán thì không gì chẳng phải là Tam Đế).
Đây là tư tưởng và cách nhìn thuần túy theo Viên Giáo, mà cũng là lìa hết thảy phân biệt, chấp trước, xứng tánh mà! Hết thảy các pháp, bất luận là tâm pháp hay sắc pháp, không gì chẳng trọn đủ trong tánh. Dẫu là tạo tác nơi Sự, nhưng tạo tác nơi Sự là do tánh vốn trọn đủ! Tạo tác nơi mặt Sự chính là pháp sanh bởi nhân duyên. Trong Đại Thừa, đức Phật thường nói “pháp sanh bởi nhân duyên”, nhưng chư vị phải hiểu, đó chẳng phải là liễu nghĩa, mà là đức Phật nói phương tiện, tùy thuận chúng sanh mà nói. Vì nói theo kiểu ấy, mọi người có thể tiếp nhận, suy nghĩ thấy rất có lý: Hết thảy các pháp đều có nhân và đều có duyên thì mới có quả. Giống như quả đào, hạt đào là nhân, trồng xuống đất, do đất màu, nước, phân, ánh sáng, có những duyên ấy bèn sanh trưởng, trong tương lai sẽ sanh ra trái đào, tức là có quả. Chúng ta có thể tiếp nhận điều này, nhưng đó là bất liễu nghĩa.
Nếu đức Phật nói pháp chân thật, chúng ta sẽ hoàn toàn chẳng hiểu. Pháp chân thật sẽ nói như thế nào? Đức Phật nói cây đào bất sanh, bất diệt, chúng ta liền ngơ ngác, thấy rõ ràng là nó có sanh, có diệt, sao đức Phật lại bảo là bất sanh, bất diệt? Bất sanh bất diệt là chân tướng, có sanh có diệt là giả tướng. Kinh Lăng Nghiêm phát huy đạo lý ấy, bảo: Hết thảy muôn tướng thật sự chẳng có sanh diệt, mà là “sanh ra từ nơi đâu, diệt ngay ở nơi đó”. Nói thật ra, sanh và diệt đều trọn chẳng thể được, há có sanh diệt? Chẳng có sanh diệt! Vì sao? Nếu thật sự có sanh diệt, pháp ấy sẽ là thật, chẳng giả, chẳng thể nói: “Phàm những gì có tướng đều là hư vọng”. Chính vì nó chẳng có sanh diệt, nên nó chẳng phải là thật. Hết thảy các pháp đều là như vậy, bất luận là tâm pháp hay sắc pháp, đều chẳng có sanh diệt. Cách nói này đối với chúng ta rất khó hiểu, quá huyền diệu, nói thật ra, đó là chân thật. Nói thật thì chúng ta chẳng hiểu; nói giả, chúng ta sẽ gật đầu. Phàm phu nhận giả, chẳng nhận thật mà!
Do đó, không chỉ lục đạo luân hồi là giả tướng, mà mười pháp giới cũng là giả tướng. Trong chân tướng, không chỉ chẳng có lục đạo, mà mười pháp giới cũng chẳng có, nên bất đắc dĩ nói là Nhất Chân pháp giới. Nếu trong tâm còn có Nhất Chân pháp giới, quý vị lại sai mất rồi! Nhất Chân pháp giới cũng chẳng có. Nhất Chân là do đối ứng với mười pháp giới mà kiến lập, hết thảy các pháp đều do tương đối mà kiến lập. Hễ chẳng có bên này, bên kia cũng chẳng có. Đã chẳng có mười pháp giới, lấy đâu ra Nhất Chân pháp giới? Chư vị phải nhớ điều này, dần dần sẽ thấu hiểu. Chưa thấu hiểu thì chớ nên suy nghĩ, càng nghĩ càng hỏng bét, vì quý vị suy tưởng bèn rơi vào ý thức. Thuộc vào ý thức là hư vọng phân biệt. Quý vị dùng cái tâm hư vọng phân biệt thì làm sao có thể tách riêng Nhất Chân pháp giới? Chẳng tách ra được! Vì thế, chớ nên nghĩ tưởng chuyện này! Dùng phương pháp gì để thấu hiểu? Tâm thanh tịnh. Tâm quý vị càng thanh tịnh, cảnh giới ấy càng rõ ràng, thuận theo mức độ thanh tịnh trong tâm quý vị mà hiểu Nhất Chân cạn hay sâu khác nhau. Những điều này dẫu Phật, Bồ Tát từ bi cũng chẳng thể ban cho chúng ta, nhất định phải do chính mình tu, đó gọi là “ông tu, ông đắc, bà tu, bà đắc”. Chẳng hề nói người nào có thể tặng cho quý vị. Nếu có thể tặng cho chúng ta, Phật, Bồ Tát đều đại từ đại bi, chúng ta cần gì phải khổ sở tu hành? [Các Ngài] ngay lập tức tặng cho chúng ta là được rồi! Những thứ này không [thể làm như vậy được]. Nói miễn cưỡng, có thể tặng phước báo cho quý vị, nhưng trí huệ thì chẳng có cách nào ban cho quý vị! Lại nói thật với quý vị, nếu quý vị chẳng có phước báo, đem tặng cho quý vị, quý vị chẳng thể tiêu hóa nổi, chẳng đảm đương nổi! Kẻ chẳng có phước báo, quý vị tặng họ một chút tiền tài, ngay lập tức họ gặp tai nạn. Người ấy chẳng có [tiền tài] thì chẳng mắc họa! Hễ thứ ấy đưa tới, họa hại ngay lập tức xảy tới! Do vậy có thể biết, chính mình chẳng tu phước mà nếu quý vị thấy phước đưa đến, [điều xảy đến] sẽ chẳng phải là phước!
Lý trọn đủ và tạo tác nơi Sự là một, chẳng hai. “Lý trọn đủ” là nói theo Thể, “tạo tác nơi Sự” là nói theo Tướng, nói theo tác dụng. Thể và Tướng là một, chẳng hai. Trong nhiều kinh điển Đại Thừa, đức Phật đã phát huy đạo lý này. Ba chữ Đại Phương Quảng trong kinh Hoa Nghiêm tượng trưng Thể, Tướng, Dụng. Đại là nói tới bản thể của nhân sinh và vũ trụ. Phương là nói tới hiện tướng (các tướng được biến hiện ra). Quảng là nói tới tác dụng. Trong kinh Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm, [ba chữ] Đại Phật Đảnh cũng nhằm biểu thị Thể, Tướng, Dụng. Phải biết: Nói Thể, Tướng, Dụng là quan sát từ ba góc độ, thật ra là một chuyện. Hễ có Thể, nhất định là có Tướng; hễ có Tướng, nhất định là có tác dụng. Có tác dụng nhất định là có Tướng. Chẳng có Tướng, lấy đâu ra Dụng? Nhất định là có Tướng. Hư không cũng phải có một tướng hư không. Chẳng có tướng ấy, nó cũng chẳng thể khởi tác dụng. Vì thế, một chính là ba, ba chính là một, chẳng thể tách lìa, đó là Viên. Từ Biệt Giáo trở về trước đã tách rời ba điều này thành ba chuyện, nên vĩnh viễn chẳng thể viên, gặp trở ngại nơi Sự và Lý, Sự Sự hữu ngại, chẳng như Viên Giáo Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại, họ xác thực là chẳng có chướng ngại, dung thông tự tại.
Tiếp đó, sách Diễn Nghĩa nêu bày trạng huống chân thật. “Tuy vân Lý cụ, Sự tạo”, [nghĩa là] tuy là “nói như thế đó”, vì chẳng nói như vậy, quý vị sẽ chẳng thể hiểu, sẽ chẳng thể lãnh hội! Ngôn thuyết là một thứ kỹ xảo, kỹ xảo ấy giống như tạo nên sự xúc động, khơi gợi quý vị ngay lập tức tâm khai ý giải, nhằm mục đích ấy! Gợi lên nỗi xúc động với hy vọng chính quý vị sẽ hoảng nhiên đại ngộ, có ý nghĩa này, tuyệt đối chẳng phải là nhằm làm cho quý vị tiếp nhận [thụ động]. Nếu quý vị chấp nhận [thụ động] như vậy, sai mất rồi, Phật bèn than oan uổng! Vì thế, đức Phật nói hết thảy các pháp chẳng nhằm khiến cho quý vị thừa nhận, mà hoàn toàn là khơi gợi, giống như đụng vào, chạm vào máy computer, [máy sẽ hoạt động, xử lý thông tin], khiến cho công năng bên trong bản thân quý vị do phản ứng với sự đụng chạm ấy mà được tỏ lộ ra, nhằm vào mục đích này. [Có như vậy] thì quý vị mới có thể thành Phật, mới có thể khai ngộ! Khi đức Phật giảng cho chúng ta, chúng ta tiếp nhận, y giáo phụng hành. Đó là học sinh ngoan ngoãn, nhưng là học trò Tiểu Học trong Phật Giáo, chẳng phải là sinh viên đại học, chẳng phải là điều đức Phật mong mỏi. Nhưng như vậy thì có được hay không? Cũng được! Vì sao? Quý vị làm một người tốt trên thế gian, đừng nên làm kẻ xấu! Nhưng lợi ích quá bé, giống như cho quý vị một khối vàng, quý vị đem mua mấy hạt đậu phộng để ăn, rất phí! Chẳng thể sử dụng trọn hết! Vì thế, phải biết tác dụng thật sự của việc đức Phật giảng kinh, thuyết pháp: Ngài dùng điều đó để làm duyên khơi gợi quý vị, hy vọng tự tánh của quý vị sẽ khai phát, chẳng tiếp nhận rập khuôn, mà dùng điều đó như một tăng thượng duyên, khiến cho tâm tánh của chúng ta hoàn toàn hiển lộ, dụng ý ở chỗ này! Nếu chẳng phải là người căn tánh Viên Giáo, dẫu khơi gợi đến thế nào đi nữa, cũng chẳng có phản ứng. Dẫu có phản ứng thì cũng hết sức ngu ngơ, cũng rất hạn chế. Còn căn tánh viên đốn thì hễ được khơi gợi bèn như tục ngữ đã nói: “Nghe một ngộ cả ngàn, vừa tiếp xúc bèn thông suốt”. Khổng Tử nói là “nghe một biết mười”. Đức Phật thuyết pháp nhằm dụng ý ở chỗ này, tuyệt đối chẳng phải là bảo chúng ta tiếp nhận Phật pháp [một cách rập khuôn, chấp trước cứng ngắc]!
Nhằm thuận tiện thuyết pháp, đức Phật nói “lý trọn đủ”, nói “tạo tác nơi mặt Sự”, nói đến Thể, Tướng, Dụng, thật ra chúng là một! “Thật vô năng cụ, sở cụ, năng tạo, sở tạo” (Thật ra, chẳng có chủ thể trọn đủ, và cái được trọn đủ, cái có thể tạo, cái được tạo), phần trên vừa nói, phần dưới liền phủ định, quét sạch! Giống như cách nói trong kinh Kim Cang, vừa nói vừa quét sạch ngay lập tức, chẳng để lại vết tích gì! Vì sao? “Dĩ tức tâm tức pháp, tức pháp tức tâm” (Bởi lẽ, tâm chính là pháp, pháp chính là tâm), “tâm” là tâm tánh, là bổn tánh. Trong “pháp” bao gồm tâm pháp và sắc pháp. Cái Tâm trong phần trước [của hai câu trên đây] chính là chân tâm, bổn tánh, còn chữ Pháp trong đoạn sau là sắc pháp và tâm pháp. Do vậy có thể biết, bất luận là tinh thần hay vật chất, không có gì chẳng phải là Chân Như bổn tánh! Chân Như bổn tánh của ai? Chân Như bổn tánh của chính mình. Chân Như bổn tánh là một, chẳng phải là hai. “Mười phương ba đời Phật, cùng chung một Pháp Thân”, chúng ta và chư Phật có phải là cũng cùng chung một Pháp Thân hay không? Mười phương ba đời Phật bao gồm chúng ta. Ba đời: Trong ba đời thì có vị lai Phật, chúng ta đều là vị lai Phật, bao gồm chúng ta, tận hư không khắp pháp giới, không gì chẳng bao gồm! Vì thế, Pháp Thân là một, Chân Như bổn tánh là một. Kinh Lăng Nghiêm sánh ví Chân Như bổn tánh như biển cả, ví tất cả hết thảy chúng sanh như những bọt nước trồi lên trong biển cả. Bản thân chúng ta là một bọt nước. Bọt nước sanh từ biển cả; khi bọt nước trồi lên, nó chẳng lìa khỏi biển cả. Bọt nước vỡ tan, vẫn chẳng lìa biển cả. Nói cách khác, tướng hiện thời của chúng ta, tướng sanh hay tướng diệt thảy đều là Chân Như bổn tánh. Chân Như bổn tánh bất sanh, bất diệt. Chân Như bổn tánh là Chân Ngã. Chân Ngã bất sanh bất diệt. Tướng ấy là Giả Ngã. Tuy Giả Ngã có sanh diệt, nhưng nói thật ra, trọn chẳng thể tìm thấy sanh diệt! Nói cách khác, sanh diệt chính là vô sanh diệt. Sanh diệt và bất sanh bất diệt là một, chẳng hai. Vì vậy, quý vị muốn tìm cái “năng cụ, sở cụ, năng tạo, sở tạo”, sẽ chẳng thể tìm thấy!
Tông Môn và Giáo Hạ nhập cảnh giới này, sẽ là “đầu đầu thị đạo, tả hữu phùng nguyên” (chuyện gì cũng là đạo, đâu đâu cũng gặp nguồn)! Đạo là gì? Chân Như bổn tánh. “Nguyên” (源) là căn nguyên, khởi nguyên. Căn nguyên của vũ trụ vạn hữu vẫn là Chân Như bổn tánh. Vì thế, lục căn tiếp xúc sáu cảnh giới, có gì chẳng phải là Chân Như bổn tánh? Chẳng có một pháp nào không phải là đạo! Chẳng có một pháp nào không phải là tự tánh! Cổ đức đã sánh ví: “Dùng vàng làm đồ vật, món nào cũng đều là vàng”. Quý vị muốn vàng thì có món nào chẳng phải là vàng? Vì tất cả các món đồ toàn do vàng chế thành, nên những gì quý vị tiếp xúc đều là vàng cả! Quý vị sánh ví vàng như bổn tánh, sánh ví “các món vật” như sâm la vạn tượng, hoặc hết thảy vạn pháp. Hết thảy vạn pháp là tướng, Thể của chúng là tự tánh. Do vậy, [tìm kiếm] năng cụ, sở cụ, năng tạo, sở tạo trong ấy đều chẳng thể được; bởi lẽ, tâm chính là pháp, pháp chính là tâm.
“Năng tạo nhân duyên cập sở tạo pháp” (Nhân duyên có thể tạo tác và pháp được tạo tác), nhân duyên là Đệ Nhị Nghĩa, chẳng phải là Đệ Nhất Nghĩa. Trong Trung Quán Luận, Long Thọ Bồ Tát đã nói: “Nhân duyên sở thuyết pháp, ngã thuyết tức thị Không” (Pháp nhân duyên đã nói, ta nói chính là Không), đó là cách nói liễu nghĩa! Nói theo Lý, nhân duyên chẳng thể thành lập; nhưng nói theo Đệ Nhị Nghĩa, tất cả đều là các pháp sanh bởi nhân duyên. Nói theo Lý thì phải là “duy thị nhất tâm” (chỉ là nhất tâm). Nhất Tâm chính là Nhất Chân. Tâm là Chân, kinh Hoa Nghiêm nói là Nhất Chân pháp giới. Nay chúng ta đã hiểu rõ Tịnh Độ chính là Nhất Chân trong Nhất Chân, chân thật bậc nhất, thuần chân vô vọng. Vì vậy, thế giới ấy là cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn. Không chỉ là A Di Đà Phật chẳng thể nghĩ bàn, mà một hạt bụi, một hoa, một cây trong thế giới Tây Phương, thứ nào cũng đều là chẳng thể nghĩ bàn. Do vậy, nói: “Giai tất đương xứ duy thị nhất tâm, giai tất đương xứ duy thị nhất sắc, duy tâm, duy sắc, đối đãi tư vong” (Thảy đều chỉ là nhất tâm ở ngay nơi đây, thảy đều chỉ là một sắc ở ngay nơi đây, duy tâm, duy sắc, dứt bặt đối đãi), “vong” (忘) là gì? Ý niệm phân biệt, chấp trước chẳng có, quý vị nói là Sắc cũng được, mà nói là tâm cũng được luôn! Tâm ấy là Chân Như bổn tánh, kinh Hoa Nghiêm nói “ưng quán pháp giới tánh, nhất thiết duy tâm tạo” (hãy nên quán tánh pháp giới, hết thảy đều chỉ do tâm tạo). Đó gọi là “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”, duy thức sở biến là sắc. Các nhà Duy Thức học chẳng thừa nhận có vật chất, họ nói là duy thức, vì sao? Tất cả hết thảy mọi vật đều là thức, do thức biến ra. Thức là năng biến (cái có thể biến), vật là sở biến (cái được biến ra). Nói cách khác, Thức giống như nguyên liệu, Vật giống như sản phẩm đã được gia công (trải qua chế biến). Sản phẩm là giả, nguyên liệu là thật; vì thế, họ nói Duy Thức. Chẳng biết Duy Thức vẫn chưa phải là Đệ Nhất Nghĩa, Đệ Nhất Nghĩa là Chân Như bổn tánh. Vì thế, trong cách phán giáo của tông Hoa Nghiêm trong Đại Thừa, Duy Thức được phán định là Đại Thừa Thỉ Giáo.
“Đối đãi tư vong” (Dứt bặt đối đãi), “đối đãi” (對待) là năng sở (chủ thể và khách thể), chẳng có ý niệm ấy. Chẳng có ý niệm ấy thì mới là nhất tâm thật sự, đã đắc nhất tâm. Nhất tâm chính là Lý nhất tâm bất loạn, minh tâm kiến tánh. Chúng ta chỉ cần dấy lên một niệm bèn thành đối lập; khởi lên một niệm, thì đối lập của niệm là vô niệm, ngay lập tức có đối lập! Do vậy, một niệm chẳng sanh, ngay cả cái niệm “một niệm chẳng sanh” cũng đừng nên có thì mới là nhất tâm thật sự. Nếu quý vị cảm thấy “nay ta chẳng có niệm gì”, quý vị chưa thật sự đạt đến vô niệm, mà vẫn là có niệm, tức là có một niệm “ta vô niệm”, còn có một niệm ấy. Vô niệm và hữu niệm là tương đối, quý vị vẫn ở trong tương đối luận, chưa thoát ra được, chưa vượt thoát tương đối! Vượt thoát tương đối mới là Nhất Chân, điều này khó lắm! Dùng phương pháp gì mới hòng có thể đạt tới cảnh giới này? Tôi bảo quý vị: Đức Phật có tám vạn bốn ngàn pháp môn, môn nào cũng đều có thể đạt tới cảnh giới này, nên nói “pháp môn bình đẳng, chẳng có cao thấp”. Nhưng trong nhiều pháp môn ngần ấy, thù thắng nhất, dễ dàng nhất, ổn thỏa thích đáng nhất, đáng tin cậy nhất, chính là thật thà niệm Phật. Thật thà niệm Phật, điều gì cũng chẳng nghĩ tới, điều gì cũng chẳng phân biệt, đó mới là thật thà. Chứ vừa niệm Phật lại còn vừa quán tưởng, sẽ chẳng phải là thật thà! Vì sao? Quý vị còn có năng niệm và sở niệm. Niệm một câu Phật hiệu rành mạch rõ ràng, dứt trừ cả Năng lẫn Sở, bèn đắc Lý nhất tâm bất loạn. Quý vị có thể niệm sao cho trừ sạch Kiến Tư phiền não, đó là Sự nhất tâm bất loạn. Niệm sao cho trừ sạch Năng lẫn Sở thì là Lý nhất tâm bất loạn. Đấy chính là “đối đãi tư vong”, “đối đãi” là tương đối, bỏ sạch sự đối đãi ấy, quên hết, khi ấy chân tâm mới hiển lộ. Chỉ cần có đối đãi, chân tâm của quý vị sẽ chẳng thể hiển lộ.
Nói theo Lục Tức Phật của tông Thiên Thai, chân tâm hiển lộ là Phần Chứng Phật. Chân tâm chẳng thể hiển lộ, vẫn còn ở trong đối đãi, vẫn ở trong tương đối, bất quá, sự tương đối ấy đã khá nhạt mỏng, vẫn còn thuộc địa vị Tương Tự, chưa phải là địa vị Phần Chứng. Do vậy, Sự nhất tâm bất loạn là Tương Tự Phật, có đôi chút giống Phật, nhưng chẳng là thật sự. Địa vị Phần Chứng là chân Phật, Viên Giáo Sơ Trụ là chân Phật, vì sao? Tâm của vị ấy và tâm của Viên Mãn Phật chẳng hai, chẳng khác, Ngài sử dụng chân tâm, chẳng dùng vọng tâm, đó là chỗ sai biệt rất lớn. Trong quá khứ luôn dùng vọng tâm, tức là dùng cái tâm tương đối, dùng tâm ấy trong cuộc sống, xử sự, đãi người, tiếp vật. Từ nay trở đi, xóa trừ tâm ấy, dùng chân tâm tuyệt đối duy nhất, nên chẳng hai, chẳng khác với chư Phật Như Lai. Vì vậy nói: “Phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân”, phá một phẩm vô minh cũng là thấy một phần chân tánh, nhà Thiền nói là “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”. Vì lẽ đó, Viên Giáo Sơ Trụ là Phật.
Chúng ta thấy rất nhiều kinh luận Đại Thừa nói Viên Giáo Sơ Trụ Bồ Tát có năng lực tùy loại hóa thân, nên dùng thân Phật để độ bèn hiện thân Phật hòng độ thoát. Ngài có năng lực ấy, rất chẳng thể nghĩ bàn. Hai mươi lăm vị Bồ Tát trong kinh Lăng Nghiêm đều là Sơ Trụ Bồ Tát. Quý vị xem Quán Thế Âm Bồ Tát Nhĩ Căn Viên Thông Chương, đó là Viên Giáo Sơ Trụ Quán Âm Bồ Tát. Đức Phật nói đến Quán Âm Bồ Tát trong rất nhiều kinh, Ngài có địa vị bất đồng. Kinh Lăng Nghiêm nói Ngài là Sơ Trụ, cũng có nghĩa là Quán Âm Bồ Tát vừa mới chứng đắc quả vị Sơ Trụ trong Viên Giáo. Ngài nói Ngài tu hành như thế nào, chứng quả ra sao? Trong kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài đồng tử tham phỏng Quán Âm Bồ Tát, Ngài là Đệ Thất Hồi Hướng Bồ Tát, địa vị cao hơn trong kinh Lăng Nghiêm rất nhiều! Trong kinh Vô Lượng Thọ, ta thấy Quán Âm Bồ Tát là Đẳng Giác Bồ Tát, là trợ thủ của A Di Đà Phật. Ba địa vị đều là Quán Âm Bồ Tát, nhưng công phu sai biệt rất lớn, chẳng thể coi giống nhau được! Viên Giáo Sơ Trụ có thể tùy loại hóa thân, nên dùng thân gì để độ được liền hiện thân ấy, đó là địa vị Phần Chứng.
Bản thân chúng ta là công phu gì? Nếu chúng ta có thể khuất phục phiền não, chưa đoạn, nhưng thật sự có năng lực khuất phục [phiền não]. Tuy có phiền não, nhưng nó chẳng khởi tác dụng, công phu bước đầu đã đắc lực, tông Thiên Thai gọi đó là Quán Hạnh Tức Phật. Nếu công phu của chúng ta ngay cả phiền não vẫn chẳng thể chế ngự, chẳng đè nén được, tham, sân, si, mạn vẫn thường dấy lên hiện hành, bèn gọi là Danh Tự Tức Phật, thuộc địa vị Danh Tự, hữu danh vô thực. Địa vị Danh Tự sẽ chẳng thể vãng sanh. Tuy mỗi ngày niệm Phật hiệu mười vạn tiếng, niệm rất siêng năng, rất dụng công, nhưng chẳng thể khuất phục phiền não, tâm tham, sân, si vẫn còn, sẽ chẳng thể vãng sanh. Vì lẽ này, người niệm Phật đông đảo, người vãng sanh ít ỏi. Vãng sanh thì tối thiểu là công phu thuộc địa vị Quán Hạnh. Địa vị Quán Hạnh là gì? Công phu Phật hiệu có thể khuất phục phiền não, có thể khiến cho phiền não chẳng dấy lên hiện hành, sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Nếu quý vị là Tương Tự Tức Phật, bèn sanh vào cõi Phương Tiện Hữu Dư. Quý vị là Phần Chứng Vị Phật, bèn sanh trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm.
Chúng ta biết chân tướng sự thật này, bèn biết phải nên nghiêm túc nỗ lực. Nói thật ra, nỗ lực thì chẳng có cách nào khác, cổ nhân đã nói, đúng là lời nói xuất phát từ kinh nghiệm. Không chỉ là kinh nghiệm một đời của họ, mà cũng không chỉ là kinh nghiệm trong hơn hai ngàn năm truyền thừa Phật giáo, mà là kinh nghiệm tích lũy từ vô lượng kiếp giáo hóa chúng sanh của mười phương ba đời hết thảy Như Lai. Kinh nghiệm gì vậy? Thâm nhập một môn! Sở dĩ hết thảy chúng sanh chẳng thể thành tựu là do đã phạm một căn bệnh rất lớn: Ham cao, chuộng xa. Trong Văn Sao, Ấn Quang đại sư thường nói [căn bệnh ham cao chuộng xa] là “thích làm bậc đại thông gia”, dường như thứ gì ta cũng đều thông, thứ gì ta cũng biết; hành theo kiểu đó, suốt một đời tối đa là thuộc địa vị Danh Tự. Đạt được tiếng tăm, lợi dưỡng trên thế gian, đạt được danh vị tiến sĩ Phật học, nhưng chẳng thể khuất phục phiền não, chắc chắn là chẳng thể vãng sanh! Nói cách khác, vẫn phải luân hồi trong lục đạo. Nếu thật sự muốn thoát ly lục đạo luân hồi, vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư thì hãy thâm nhập một môn! Chư vị đồng học ngàn muôn phần phải ghi nhớ điều này! Trong một đời này, chúng ta niệm một bộ kinh, niệm một câu A Di Đà Phật, phải niệm cho đến khi công phu đắc lực, đích thực là chẳng có tâm
tham.
Nay ta vẫn chưa buông Lương Hoàng Sám xuống được, bên kia làm pháp hội Thủy Lục lại mong đến tham dự một chút, bên nọ truyền giới, ta mong đến thọ Bồ Tát Giới, [cứ nghĩ] chẳng thọ Bồ Tát Giới sẽ chẳng phải là Bồ Tát. Bên kia giảng kinh Đại Phương Đẳng, ta cũng muốn nghe. Không nghe thì dường như ta “cô lậu quả văn” (học thức kém cỏi, sự thấy nghe hẹp hòi) đó là gì? Toàn là tâm tham, thế là quý vị chẳng có năng lực khuất phục tâm tham! Khuất phục tâm tham, không chỉ là pháp thế gian chẳng cần, mà Phật pháp cũng chẳng cần. Biển cả Phật pháp, ta chỉ lấy một giọt là đủ rồi, đã thỏa mãn, biết đủ thường vui, tâm đã định, như vậy thì gọi là công phu ban đầu đắc lực. Tham, sân, si, mạn đều chẳng có thì mới có thể đảm bảo vãng sanh. Chẳng có chút công phu này, đừng nói là ta mỗi ngày niệm bao nhiêu câu Phật hiệu, mỗi ngày niệm kinh Vô Lượng Thọ mấy lượt, vẫn vô dụng. Cổ đại đức thường nói là “gào toạc cổ họng vẫn uổng công”. Vì sao uổng công? Quý vị chẳng thể khuất phục phiền não, chế phục phiền não thì mới đáng kể!
Đức Phật thường dạy chúng ta tu phước, tu huệ, cầu phước, cầu huệ. Phước có phải là tiếng tăm, lợi dưỡng trong thế gian hay không? Chẳng phải vậy! Nếu quý vị coi tiếng tăm, lợi dưỡng trong thế gian là phước, cầu những thứ ấy, quý vị đã hiểu sai ý nghĩa của Phật mất rồi! Phước là gì? Phước là Định, là tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh mới là phước thật sự, tâm thanh tịnh vui sướng lắm! Kẻ có tiền, có địa vị trong thế gian, tuy giàu có nhưng chẳng vui sướng, họ khổ sở, không thể coi là có phước. Sung sướng là phước, lìa khổ được vui là phước. Vì thế, tôi thấy người làm quan trong hiện thời rất đáng thương, trong hội nghị bị người ta chỉ vào mặt chửi bới, quá khổ sở! Tôi có một bạn học là tiên sinh Phó Lạc Thành, là một vị giáo sư rất nổi tiếng trong giới đại học Đài Loan. Đại học Thành Công mời ông ta làm viện trưởng viện Văn Học, ông làm một học kỳ bèn chẳng làm nữa, quay về bảo tôi: “Tôi dạy học rất thanh nhàn, làm viện trưởng phải đón ý người khác, giao tế, ứng đối, thù tạc phiền phức quá! Tôi chẳng phải là người làm những chuyện đó”. Người như vậy nếu quý vị mời ra làm quan, nhất định ông ta sẽ chẳng làm!
Vì vậy, thanh tịnh là phước, vui sướng là phước, không nhất thiết phải là giàu có! Giàu mà khổ thì chẳng bằng nghèo mà vui, phải hiểu đạo lý này! Nếu muốn đạt được vui sướng thật sự, nếu muốn đời người có giá trị, có ý nghĩa, mà chẳng có tâm thanh tịnh, thì sẽ chẳng thể đạt được những điều ấy. Chỉ có cái tâm thanh tịnh thì mới có thể cảm nhận được giá trị cuộc sống. Đức Phật nói: “Thân người đáng quý, thân người khó được”. Tâm địa thanh tịnh thì mới có thể thấu hiểu ý nghĩa câu nói ấy của Phật. Tâm chẳng thanh tịnh, quý vị đọc câu ấy sẽ chẳng hiểu. Nhất định phải là tâm địa thanh tịnh, Năng lẫn Sở cùng mất, công phu ấy sẽ đạt tới thượng thừa.
“Diệu quán quán chi, vô phi Tam Đế” (Dùng diệu quán để quán thì không gì chẳng phải là Tam Đế). Nói theo tông Thiên Thai, Tam Đế là Chân Đế, Tục Đế, và Không Đế, tức Chân, Giả, Không. Một tức là ba, ba tức là một. Tam Đế Tam Quán là một, chẳng có thứ tự trước sau, nên gọi là Nhất Tâm Tam Quán, Nhất Tâm Tam Đế.
(Diễn) Cố y tánh khởi tu thời, nhất tu nhất thiết tu, nhất chứng nhất thiết chứng.
(演) 故依性起修時,一修一切修,一證一切證。
(Diễn: Vì thế, khi nương vào tánh để khởi tu, tu một là tu hết thảy, chứng một là chứng hết thảy).
Tánh là gì? Chúng tôi nói thô thiển, rõ rệt nhất, sẽ là tâm thanh tịnh. Quý vị dùng cái tâm thanh tịnh để tu, vì tâm thanh tịnh chẳng có giới hạn, tâm thanh tịnh chẳng có phân biệt, nên một là hết thảy. Hễ có phân biệt, hễ có chấp trước thì một chỉ là một, một quyết định chẳng phải là hai! Tâm thanh tịnh chẳng có giới hạn, chẳng có phân biệt, nên tôi nói một chính là hai, một là ba, một là mười, mười là một ngàn, một là một vạn, đúng hay không? Đúng! Chẳng có phân biệt mà! Do chẳng có phân biệt, nên bất luận quý vị nói như thế nào, kết quả đạt được sau đó cũng như một con số không! Chẳng có phân biệt, chấp trước, thì mới gọi là thanh tịnh. Một chẳng phải là hai, hai chẳng phải là một, tâm ấy chẳng thanh tịnh. Phật, Bồ Tát đôi ba lượt dạy chúng ta: “Tâm tịnh, ắt cõi nước tịnh”, quý vị vẫn rớt trong phân biệt, chấp trước, sẽ chẳng thể sanh trong Tịnh Độ! Tuy chưa đoạn phiền não, nhưng công phu của quý vị chẳng thể chế phục phiền não, phiền não vẫn khởi tác dụng, sẽ chẳng đến được cõi Phàm Thánh Đồng Cư! Tuy có phiền não, nhưng phiền não chẳng khởi tác dụng, bèn sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Như vậy thì mới hiểu rõ vì sao người niệm Phật đông ngần ấy, nhưng người vãng sanh ít dường ấy! Chúng ta đã tìm được nguyên nhân. Đã hiểu nguyên nhân, hãy tiêu trừ cái nhân ấy, ta cũng có thể vãng sanh! Nếu quý vị chẳng tiêu trừ nguyên nhân ấy, quý vị niệm suốt cả đời vẫn chẳng thể vãng sanh. Hôm nay tôi thưa cùng quý vị câu nói khẩn yếu nhất ấy! Tu một là tu hết thảy, quý vị biết một là gì, hết thảy là gì. Hết thảy chính là một, một chính là hết thảy. Chứng một là chứng hết thảy.
(Diễn) Cố nhân cùng quả chứng thời, y chánh sắc tâm, pháp pháp tương tức, nhất thuyết nhất thiết thuyết dã.
(演) 故因窮果證時,依正色心,法法相即,一說一切說也。
(Diễn: Vì thế, khi thấu hiểu cùng tột cái nhân, đã chứng cái quả, y báo, chánh báo, sắc, tâm, pháp nào cũng đều chính là lẫn nhau, nói một điều tức là nói hết thảy vậy).
Hôm nay tôi giảng tới đoạn này, nếu quý vị có thể hiểu, lãnh hội được thì sẽ hiểu chỗ mầu nhiệm của Tây Phương Cực Lạc thế giới. Hôm nay chúng tôi giảng tới đây!
[1] Đoạn kinh này nằm trong phép Quán thứ năm tức Quán Ao Báu. Xin trích dẫn lời dịch của Hòa Thượng Thiền Tâm: “Kế lại quán tưởng nước các bảo trì. Ở cõi Cực Lạc, có tám ao nước bát công đức, mỗi ao do bảy báu hợp thành. Những thứ báu công đức, mỗi ao do bảy báu hợp thành. Những thứ báu này tánh chất nhu nhuyễn, từ Như Ý Châu Vương sanh ra. Nước ao phân thành mười bốn chi nhánh, mỗi dòng chiếu lộ sắc mầu bảy báu. Thành ao bằng vàng ròng, đáy ao trải cát kim cương tạp sắc. Mỗi ao nước có sáu mươi ức hoa sen thất bảo, và mỗi hoa sen tròn rộng mười hai do tuần. Nước Ma Ni trong ao chảy lên xuống theo cọng sen và luồn vào các cánh hoa, phát ra tiếng nhiệm mầu. Âm thanh này tuyên diễn những pháp Khổ, Không, Vô Thường, Vô Ngã, các môn Ba La Mật, hoặc khen ngợi tướng tốt của chư Phật. Từ Như Ý Châu Vương lại tuôn ra ánh sáng vàng mầu nhiệm, hóa thành các sắc chim bách bảo. Tiếng chim thanh diệu hòa nhã cùng trỗi giọng khen ngợi niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Đây là môn tưởng ao nước bát công đức, thuộc về phép quán thứ năm”.
[2] Thước ở đây là thước Tàu (một thước chừng 30 cm hiện thời, vào thời Châu thước còn ngắn hơn nữa, chừng hai mươi mấy cm). Tại Trung Hoa vào thời cổ, tám thước là một Tầm, hai Tầm là một Thường. Do đó, Tầm Thường là từ ngữ chỉ những gì ở quanh quẩn ta, đã quen thấy.
[3] Ba Lợi ngữ (Pāḷi) là văn tự được sử dụng để ghi chép kinh điển theo hệ thống Nam Truyền, thường gọi là tiếng Nam Phạn, trong khi kinh điển Bắc Truyền được chép bằng tiếng Sankrit. Pāḷi có nghĩa đen là “sợi dây, hàng, văn chương”, các ý nghĩa này đều nhằm nói lên đây là ngôn ngữ được sử dụng trong các thánh điển. Tiếng Pāḷi thuộc ngữ hệ Prakrit của Ấn Độ và chưa bao giờ được sử dụng như một ngôn ngữ giao tiếp. Tuy vậy, theo truyền thống Theravada, chữ này được coi là phương ngôn của xứ Ma Kiệt Đà (Magadha). Tại Sri Lanka, tiếng Pāḷi được coi là truyền vào nước này trong khoảng thế kỷ thứ tư hay thứ năm.