#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 174
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm sáu mươi chín:
(Sao) Thục Nhĩ Căn giả, tuy thiện thuyết pháp, nhất bộc thập hàn, tâm tắc giải phế, kim duy lục thời tương tục, tập thính ứ văn, thiếp tủy luân cơ, huân đào thành tánh, cố niệm Tam Bảo.
(鈔) 熟耳根者,雖善說法,一暴十寒,心則懈廢,今唯六時相續,習聽飫聞,浹髓淪肌,熏陶成性,故念三寶。
(Sao: “Nhĩ Căn thuần thục”: Tuy khéo thuyết pháp, nhưng bữa đực bữa cái, tâm ắt biếng nhác, bỏ quên. Nay sáu thời liên tục, quen nghe đầy tai, thấm đẫm xương thịt, un đúc thành tánh, nên niệm Tam Bảo).
Ý nghĩa chủ yếu trong đoạn này là tầm trọng yếu của sự huân tập. Tiếp đó, Ngài nêu ra một sự thật: “Tuy thiện thuyết pháp, nhất bộc thập hàn” (Tuy khéo thuyết pháp, nhưng buổi đực, buổi cái). Dẫu là khéo nói, nhưng thiếu khuyết, chẳng được huân tập trong một thời gian, sẽ là y như cũ: Chẳng thu được hiệu quả! Học Phật bị ngã lòng, hoặc học Phật chẳng có thành tựu, nguyên nhân đều do chỗ này. Trong thế giới trước mắt, do khoa học kỹ thuật phát triển, đời sống vật chất sung túc, nhưng tinh thần nghèo nàn thua xa bất cứ thời đại nào! Đó là vì chẳng được huân tập trong một thời gian dài. Một ngày nóng, mười ngày lạnh, tôi nghĩ mỗi vị đồng tu đều có cảm xúc này. Cầu học và tu đạo đều phải là liên tục chẳng ngừng thì mới có thể thành tựu, chứ làm một ngày, ngưng vài ngày, rất khó đạt được hiệu quả.
Trước đây, thầy Lý giảng kinh ở Đài Trung, tôi ở Đài Trung mười năm, thật sự là khá kiên nhẫn. Khi đó, tôi từng giới thiệu hai người bạn đến học. Một vị là pháp sư Kiến Như, thầy ấy ở Đài Trung ba tháng liền bỏ đi, bảo: “Không được rồi! Tôi không có kiên nhẫn”. Mỗi tuần, thầy Lý giảng hai lần, giảng kinh Phật một lần, giảng Quốc Văn một lần. Trên thực tế, mỗi tuần chỉ nghe kinh một tiếng đồng hồ, một ngày nóng, bảy ngày lạnh. Nếu muốn thu được hiệu quả giống như thời cổ quả thật rất khó! Ngoài ra, tôi còn giới thiệu một vị khác là pháp sư Huệ Nhẫn, vị này ở được nửa năm rồi cũng bỏ đi, cũng chịu không nổi. Mỗi vị đều chuộng khóa trình dày đặc. Khi đó, tôi luôn khuyên họ hãy thật sự đổ công kiên nhẫn học tập. Tôi nói: Mỗi tuần hai lần, Quốc Văn là một tiếng rưỡi, học kinh Phật một tiếng. Thật sự tu học thì thời gian này vừa khớp, quý vị có thể tiêu hóa toàn bộ. Nếu thầy Lý tăng gấp đôi thời gian, tôi vẫn còn có thể ứng phó được. Nếu thầy giảng mỗi ngày, tôi chẳng có cách nào tiêu hóa. Mỗi tuần tôi học một giờ, sẽ học rất vững vàng. Học xong một tiếng đồng hồ ấy, tôi có thể lên bục giảng lại được, tuy chẳng thể giống như thầy Lý một trăm phần trăm, nhưng có thể đạt tới chín mươi lăm phần trăm. Nghiêm túc học tập, tôi cảm thấy một tuần học bốn giờ hết sức phù hợp. Nhưng như các đồng tu tại Đồ Thư Quán hiện thời, nếu mỗi tuần giảng cho quý vị một giờ, quý vị liền kêu khổ thấu trời, giảng hai giờ chắc chắn sẽ chịu không nổi! Nếu thật sự học tập thì quý vị học xong một giờ này, chính quý vị lên bục giảng sẽ có thể nhắc lại được, như vậy thì mới coi như là học hiểu.
Giáo học trong Phật môn từ xưa tới nay đều là giảng tiểu tòa, [tức là] sau khi đã tiêu hóa toàn bộ những điều thầy đã giảng, bèn giảng lại, đó gọi là “phức giảng” (複講)[1]. Trước kia, học thứ này thứ nọ trong Phật môn chẳng hề lên lớp dạy học mà là phức giảng. Thầy giảng kinh, học trò nghe kinh, sau khi nghe xong, liền giảng tiểu tòa. “Tiểu tòa” là người ấy và những người chí đồng đạo hợp với chính mình cùng nhau nghiên cứu, phức giảng những gì thầy đã giảng một lần, các bạn học nghe, nghe xong lại cùng nhau nghiên cứu, thảo luận, dùng phương pháp ấy. Đương nhiên là sau khi nghe xong, không có cách nào phức giảng ngay lập tức, thường là phải mất thời gian hai, ba ngày để chuẩn bị. Lúc mới học, nhất định phải viết bài giảng nháp, tức là dùng những điều ta đã ghi chép được từ lời giảng của thầy để soạn thành bài giảng nháp. Bài giảng nháp còn phải chú trọng sử dụng văn nói thông dụng, chẳng phải là viết văn chương. Bài giảng nháp viết theo lối nói thông thường thì giảng một giờ phải viết một vạn chữ. Mỗi tuần viết bài giảng nháp dài một vạn chữ, tối thiểu phải sửa chữa ba lần rồi mới đem ra giảng. Luyện giảng đòi hỏi phải thuần thục, nghe quen tai, nhất định phải là huân tập lâu dài, nhất định phải nghiêm túc nỗ lực học tập.
Đối với việc học tập, nếu thầy đôn đốc, kềm cặp kẻ trẻ tuổi, [học trò] hai mươi tuổi trở xuống thì được, hai mươi tuổi trở lên đã là người trưởng thành, đốc thúc, kềm cặp sẽ chẳng tiện! Thuở ấy, thầy Lý đã bảy mươi mấy tuổi, thầy nói: “Ba mươi mấy tuổi thì tôi còn có thể coi người đó như trẻ nhỏ để dạy dỗ, chứ người đã ngoài bốn mươi tuổi, quyết định chẳng thể nói được”. Kẻ ấy phạm lỗi cũng chẳng thể nói được. Nói cách khác, chẳng thể dạy, người ta có thể diện mà! Tuổi tác tốt nhất là kẻ hai mươi tuổi đổ lại, người ta đối đãi với quý vị như trẻ nhỏ, có thể chỉ trích, giáo huấn quý vị chẳng khách sáo gì! Từ hai mươi tuổi trở lên, bèn đối xử với quý vị như người đã trưởng thành, dẫu có quở trách, cũng chẳng thể rất quá mức, chẳng thể quở trách như trẻ nhỏ được, nên [người học] đạt lợi ích ít ỏi. Vì thế, nay chúng ta muốn học này nọ, hoàn toàn phải cậy vào sự nỗ lực của chính mình. Tôi kính khuyên chư vị đồng tu như vậy. Chúng tôi ở Đài Trung, theo học với thầy Lý, thầy Lý cũng chẳng thường quở trách kẻ khác. Chúng tôi theo học với cụ, trong cuộc sống hằng ngày cụ chẳng quản thúc nghiêm ngặt cho lắm, tùy chúng tôi tự học. Chính quý vị chịu học, sẽ thật sự có thể học được điều này điều nọ. Quý vị chẳng chịu học, thầy cũng chẳng có cách nào ép buộc! Vì thế, nhất định phải dựa vào chính mình.
Hoàn cảnh của chúng ta hiện nay so với hoàn cảnh tu học với thầy Lý tại Đài Trung thuở đó, tuyệt đối chẳng thua kém, vấn đề là tự mình phải chịu học. Chính mình phải có tâm cảnh giác đối với sự un đúc ấy. Lúc tôi ở Đài Trung, chúng tôi nghe thầy giảng kinh. Ngoại trừ mỗi tuần nghe thầy giảng hai buổi ra, rất ít tiếp xúc với thầy, thầy quá bận việc! Chúng tôi muốn sốt sắng học tập thì phải tự kiếm những bạn cùng học. Tôi ở Đài Trung kiếm được bảy người bạn học như các ông Từ Tỉnh Dân, Châu Gia Lân v.v… mỗi tuần tụ hội một lần để phức giảng, mười năm như một ngày, bảy người hợp thành một lớp nhỏ để phức giảng kinh do thầy Lý đã giảng một lượt. Chúng tôi phức giảng thì mỗi người giảng một bộ kinh, luân phiên giảng. Sau khi giảng xong, bèn nghiên cứu, thảo luận. Đó là chúng tôi tự mình tổ chức việc học, chẳng phải do thầy Lý dạy chúng tôi làm theo cách ấy, mà phải là tự mình kiếm bạn học. Tự mình mời mấy người bạn học lập thành một lớp nhỏ để chính mình thực hiện. Học tập như vậy thì mới học thành công. Hết thảy đều phải tự động tự phát thì mới thật sự hưởng lợi ích do được hun đúc. Nếu do người khác đốc thúc, đốc thúc là bị động, bị động thì sức mạnh đốc thúc sẽ chẳng có, sẽ giải tán, tan rã. Vì thế, nhất định phải là tự động tự phát. Bình thường, nghiêm túc nỗ lực nghiên cứu, đến lúc tụ hội, sẽ cùng nhau nghiên cứu, thảo luận, phức giảng. Có như vậy thì mới có thể thật sự thành tựu. Nhất là học giảng kinh, chẳng dùng phương pháp này thì chẳng có con đường thứ hai nào để có thể thành tựu. Mãi cho đến hiện thời, gần như các vị pháp sư đại đức giảng kinh thuyết pháp thuộc thế hệ xưa đều học theo phương pháp này, đều là xuất thân từ tiểu tòa. Nếu không, sẽ giống như trong kinh đã nói: “Tuy khéo thuyết pháp, nhưng là buổi đực, buổi cái”.
Nếu thính chúng chẳng nghe liên tục, rất khó đạt được lợi ích. Mỗi tuần, thỉnh thoảng nghe một lần, sáu ngày kia phiền não huân tập, một ngày huân tập Phật pháp, chẳng đủ! Làm thế nào cũng chẳng chống lại phiền não được! Tây Phương Cực Lạc thế giới, “lục thời tương tục” (sáu thời liên tục), sự thuyết pháp bên ấy là suốt ngày từ sáng đến tối, từ đầu năm cho đến cuối năm chẳng gián đoạn, có thể huân tập lặp đi lặp lại không ngừng. “Tập thính ứ văn” (Nghe đã quen đến nhàm tai), không ngừng huân tập lặp đi lặp lại, như vậy thì mới có thể “huân đào thành tánh” (hun đúc thành tánh). Trong Phật môn thường nói “thành tánh” là “chuyển phàm thành thánh”, nói theo giáo học thế gian sẽ là “biến hóa khí chất”, người ấy thật sự biến hóa.
“Cố niệm Tam Bảo” (Vì thế, niệm Tam Bảo). Tam Bảo là Tự Tánh Tam Bảo. Niệm Tam Bảo là tự tánh tự nhiên lưu lộ, đó gọi là “niệm Tam Bảo”. Nói đơn giản, tự nhiên sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần bèn giác chứ không mê, chánh chứ không tà, tịnh chứ chẳng nhiễm, chẳng có mảy may miễn cưỡng, hoàn toàn là tự nhiên. Điều này nói lên sự thù thắng của Tây Phương Cực Lạc! Chẳng đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, tuyệt đối sẽ không chỉ là buổi đực buổi cái! Dẫu cho trong một đời này, quý vị theo một vị thiện tri thức tốt đẹp, hằng ngày nghe vị ấy giảng kinh, thuyết pháp, nhưng nếu chẳng thể vãng sanh, đời sau lại luân hồi, chẳng biết sẽ luân hồi đến tận đâu! Đời này được nghe Phật pháp, đời đời kiếp kiếp mai sau chẳng được nghe Phật pháp, tuyệt đối không phải chỉ là mười đời chẳng được nghe Phật pháp. Đức Phật thường dạy chúng ta: “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Trong một đời này, người học Phật, tâm thiện, hạnh thiện, nếu chẳng vãng sanh, sẽ đều sanh lên trời. Tuổi thọ trên cõi trời lâu dài, nếu không, bèn sanh trong nhân gian, nhất định sẽ làm người đại phú đại quý. Do đời trước đã tu phước nhiều, đời này trong khi hưởng phú quý, người ta chẳng học Phật, hưởng phước xong, lại đọa trong tam ác đạo. Trong ba ác đạo, lại chẳng nghe nói tới Phật pháp. Quý vị nghĩ xem, đến đời nào mới lại có thể tiếp tục nghe Phật pháp. Ý nghĩa thật sự của chuyện “buổi đực, buổi cái” là ở chỗ này.
Đây cũng là khuyên lơn, khích lệ chúng ta, nếu muốn thật sự được hun đúc bởi Phật pháp, đoạn sạch nghiệp chướng của chính mình, khôi phục viên mãn Bồ Đề trong tự tánh, trừ sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới ra, chẳng có cách nào cả! Bởi lẽ, các thế giới của chư Phật nơi các phương khác chẳng khác thế giới Sa Bà cho mấy: Cơ duyên nghe pháp luôn là đứt đứt nối nối, chẳng liên tục, chỉ riêng thế giới Tây Phương là xuyên suốt, “lục thời tương tục”. Nay chúng ta nói “sáu thời” là ngày đêm. Người Ấn Độ chia một ngày đêm thành sáu thời thần, ngày ba thời, đêm ba thời, một thời của họ bằng bốn tiếng đồng hồ hiện tại.
(Sao) Kích thắng tâm giả.
(鈔) 激勝心者。
(Sao: Kích động, khơi gợi cái tâm thù thắng).
“Kích” là kích phát.
(Sao) Điểu năng thuyết pháp, nhân hồ bất như, tàm sỉ nhất sanh, tinh tấn tự phát, cố niệm Tam Bảo.
(鈔) 鳥能說法,人胡不如,慚恥一生,精進自發,故念三寶。
(Sao: Chim có thể thuyết pháp, há người chẳng bằng? Tâm hổ thẹn vừa nẩy sanh, tinh tấn tự phát khởi, nên niệm Tam Bảo).
A Di Đà Phật biến hóa những loài chim thuyết pháp, khiến cho chúng ta sau khi nghe xong, đều có thể sanh tâm hổ thẹn: Chim đều biết thuyết pháp, thuyết hay như thế. Nếu chúng ta chẳng học, ngay cả chim cũng không bằng! Vì thế, điều ấy có thể kích phát đạo tâm của chính mình. Dẫu chỉ dùng máy móc để tạo tác hay biến hóa ra thì cũng chỉ có ý nghĩa này. Sau khi chúng ta đã thấy, cũng nên phản tỉnh. Nếu không, chúng ta là người sống sờ sờ mà chẳng bằng một người máy! Người máy do chúng ta phát minh, tạo ra trong thời hiện tại. Chế tạo một người máy, bên trong để con chip cho nó niệm Phật, nó niệm suốt ngày từ sáng đến tối hai mươi bốn giờ cũng chẳng gián đoạn, chúng ta ngay cả một người máy mà còn chưa bằng! Những chuyện này xác thực là có thể khiến cho chúng ta sanh tâm hổ thẹn. “Cố niệm Tam Bảo” (Vì thế, niệm Tam Bảo). Đoạn cuối cùng là nói xứng tánh.
(Sớ) Xứng Lý, tắc tự tánh chân tâm nhất thể, thị Phật Pháp Tăng nghĩa.
(疏) 稱理,則自性真心一體,是佛法僧義。
(Sớ: Xứng Lý thì tự tánh chân tâm một Thể là ý nghĩa của Phật, Pháp, Tăng).
Đây là hoàn toàn nói theo tự tánh. Thế nào là “chân tâm nhất thể”? Tiếp theo đây, đại sư giải thích rất hay.
(Sao) Như thượng đồng tướng sở trần.
(鈔) 如上同相所陳。
(Sao: Như đã trình bày trong phần Đồng Tướng [Tam Bảo] trên đây).
Như trong phần Đồng Tướng Tam Bảo trên đây đã nói.
(Sao) Tắc tri duy nhất chân tâm, cánh vô biệt thể.
(鈔) 則知唯一真心,更無別體。
(Sao: Bèn biết chân tâm duy nhất, chẳng có Thể nào khác).
Tam Bảo là một mà ba, ba mà một. Giác, chánh, tịnh là một Thể.
(Sao) Tâm thể bổn tự giác chiếu, tức Phật Bảo.
(鈔) 心體本自覺照,即佛寶。
(Sao: Tâm thể vốn tự giác chiếu, đó chính là Phật Bảo).
Chân tâm bổn tánh tự nhiên trọn đủ tác dụng giác chiếu. Chữ Phật có nghĩa là giác, nên tự tánh giác là tự tánh Phật Bảo. Giác là gì? Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật đã giảng hết sức cặn kẽ, đó là tác dụng của lục căn. Mắt chúng ta có thể thấy, tai có thể nghe, mũi có thể ngửi, lưỡi có thể nếm, thân có thể đụng chạm, ý có thể biết, các tác dụng ấy của lục căn chính là giác, có thể thấy, có thể nghe là giác. Lục căn của hết thảy hữu tình chúng sanh đều khởi tác dụng, nên trong cái nhìn của Phật, Bồ Tát, chúng sanh vốn đã thành Phật, họ vốn đã là Phật! Họ khởi tác dụng thứ nhất là Chánh Giác, nhưng đến tác dụng thứ hai bèn mê, chẳng thể gìn giữ tác dụng thứ nhất. Niệm thứ nhất chỉ thấy, thấy rành mạch, rõ ràng, vẫn chưa khởi phân biệt, vẫn chưa động niệm. Niệm thứ hai, bèn động niệm, khởi phân biệt, chấp trước, liền mê! Phật, Bồ Tát khác chúng ta ở chỗ lục căn tiếp xúc cảnh giới lục trần bèn vĩnh viễn gìn giữ niệm thứ nhất, lục căn của các Ngài tiếp xúc cảnh giới lục trần quyết định chẳng có phân biệt, chấp trước, chẳng có vọng tưởng, nên gọi là Phật, Bồ Tát. Kinh Hoa Nghiêm đã giảng rất rõ ràng, sở dĩ chúng sanh chẳng thể đạt được đại dụng nơi Phật quả là vì vọng tưởng, chấp trước, nên chẳng thể chứng đắc. Vọng tưởng, chấp trước sanh khởi trong niệm thứ hai, chứ niệm thứ nhất chẳng có. Nói cách khác, trong cảnh giới Hoa Nghiêm, trong niệm thứ nhất, không có chướng ngại; trong niệm thứ hai có chướng ngại, chướng ngại do đâu mà có? Chướng ngại do phân biệt, chấp trước mà có. Niệm thứ nhất đích xác là tứ vô ngại pháp giới, [tức là] Sự vô ngại, Lý vô ngại, Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại, nhưng đến niệm thứ hai, chướng ngại bèn nhiều, tầng tầng chướng ngại!
Mọi người hãy chú tâm lãnh hội, làm thế nào để trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta có thể huấn luyện chính mình dùng niệm thứ nhất. Nếu quý vị biết dùng, sẽ đúng như Giao Quang đại sư đã đề xướng “bỏ Thức, dùng Căn” trong bộ Lăng Nghiêm Chánh Mạch. Cận đại, trong bộ Lăng Nghiêm Kinh Giảng Nghĩa, pháp sư Viên Anh đã chọn dùng tới bảy mươi phần trăm lời chú giải của Giao Quang đại sư, phần còn lại là dùng những lời giảng giải của các vị cổ đại đức khác, [những ý kiến] của chính pháp sư Viên Anh rất ít. Khi giảng Lăng Nghiêm ở Đài Trung, thầy Lý đã nói riêng với tôi: Bậc đại đức cận đại như pháp sư Viên Anh, từ lúc hai mươi lăm tuổi đã phát tâm nghiên cứu Lăng Nghiêm, nghiên cứu suốt một đời, đến năm bảy mươi lăm tuổi mới hoàn thành bộ Giảng Nghĩa, tu trì cả đời mà vẫn chẳng vượt khỏi phạm vi của cổ nhân. Từ chỗ này, ta thấy công phu tu học giải hạnh của cổ đại đức đích xác là sâu xa.
Phần Mười Phen Hiển Lộ Cái Thấy trong Lăng Nghiêm hoàn toàn giảng về chuyện này. Trong lục căn, đức Phật đã nêu ra [tánh nơi] một căn là tánh Thấy. Tánh Thấy là chân tâm, là bổn tánh, nên gọi là tánh Thấy, tức Phật Tánh. Danh xưng chung là Phật Tánh, tách ra để gọi thì là tánh Thấy, tánh Nghe, tánh Ngửi, tánh Nếm… đó là tác dụng của lục căn. Các tác dụng ấy đều là tác dụng của niệm thứ nhất. Tác dụng của niệm thứ hai sẽ dấy lên phân biệt, chấp trước, nên gọi là Lục Thức. Từ tánh Thấy biến thành Nhãn Thức, từ tánh Nghe biến thành Nhĩ Thức, biến như thế nào? Do một vọng niệm biến, đó gọi là “một niệm sai biệt, phàm thánh cách biệt”. Phật và chúng sanh cách biệt bao nhiêu? Chừng một niệm! Một niệm là Phật, thêm một niệm nữa bèn biến thành phàm phu. Đúng là một niệm sai khác! Đây là nói rõ về tự tánh giác.
(Sao) Tâm thể bổn tự tánh ly, tức Pháp Bảo.
(鈔) 心體本自性離,即法寶。
(Sao: Tâm Thể vốn có đặc tánh xa lìa, đó chính là Pháp Bảo).
Lìa gì? Sách Diễn Nghĩa giảng: “Tự tánh bổn ly ngôn thuyết tướng, ly danh tự tướng, ly tâm duyên tướng, ly nhất thiết pháp sai biệt chi tướng dã” (Tự tánh vốn lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng danh tự, lìa tướng tâm duyên, lìa tướng sai biệt của hết thảy các pháp). “Ly” là lìa những thứ ấy. Nếu đã lìa, bèn gọi là chánh tri chánh kiến, đó là Pháp Bảo. Trong Đại Thừa Khởi Tín Luận, Mã Minh Bồ Tát cũng nói như vậy. Mã Minh Bồ Tát dạy chúng ta: Nghe kinh, thính pháp, phải dùng thái độ gì để nghe? Tiêu chuẩn của lão nhân gia được nói ở nơi đây: “Ly ngôn thuyết tướng”. Có thể nghe hay không? Đương nhiên là phải nghe. Nếu chẳng nghe, Nhĩ Căn của quý vị chẳng khởi tác dụng, vậy là đã biến thành khối gỗ, cục đá mất rồi! Quý vị có lục căn, đương nhiên sẽ khởi tác dụng; hễ có Thể, nhất định phải có Dụng. Nếu có Thể mà chẳng có Dụng, sai lầm mất rồi! Người Tiểu Thừa chẳng cần Dụng, nên nhập Thiên Chân Niết Bàn, đức Phật gọi họ là “tiêu nha, bại chủng” (mầm cháy, hạt giống lép). Phàm phu lại dùng chẳng thích đáng, đó là sai lầm. Hàng Tiểu Thừa sợ sanh phiền não, chẳng dám dùng, cũng sai bét luôn! Nhất định phải học theo Bồ Tát, lục căn của Bồ Tát tận hết sức phát huy tác dụng trong cảnh giới lục trần, nhưng chẳng có phân biệt, chấp trước.
“Ly ngôn thuyết tướng”: Chớ nên phân biệt ngôn ngữ, âm thanh, nghe kinh bèn nghe nghĩa lý. Chỉ dùng ngôn ngữ, âm thanh để truyền đạt nghĩa lý. Ngôn ngữ và âm thanh là công cụ, chúng ta chẳng quan tâm tới công cụ, cái chúng ta cần là nghĩa lý. Ví như xe chở hàng hóa đến, chúng ta cần hàng hóa, chẳng phải là cần cái xe. Truyền đạt tâm tánh mà! Dùng tâm để ấn tâm, như vậy thì sẽ biến thành “truyền mà chẳng truyền, chẳng truyền mà truyền”. Phật giác, chúng ta mê, Ngài dùng một thứ phương tiện thiện xảo để dạy chúng ta phá mê khai ngộ, đó gọi là “thuyết pháp”. Chúng ta quả nhiên phá mê, giác ngộ, đó là nghe pháp chân chánh, giác ngộ chân chánh. Nếu quý vị chấp trước ngôn ngữ, văn tự, sẽ vĩnh viễn chẳng khai ngộ, vì sao? Quý vị chấp trước công cụ, trật mất rồi!
Thứ hai là “ly danh tự tướng”, “danh tự” chỉ thuật ngữ. Trong Phật Giáo có rất nhiều danh từ thuật ngữ. Chúng ta nói Phật, đó là danh tự, Pháp cũng là danh tự, Tăng cũng là danh tự, “Phật Giáo” cũng là danh tự, “kinh Di Đà” cũng là danh tự, thảy đều là tướng danh tự. Danh tự cũng nhằm biểu thị pháp, truyền đạt nghĩa lý. Người biết nghe, nghe giáo lý, đó là người bậc nhất, vừa nghe liền khai ngộ. Nếu đã nghe hiểu giáo lý, Thiền Tông bảo là “triệt ngộ, đại triệt đại ngộ”, một thông, hết thảy thông, pháp thế gian và xuất thế gian không có gì chẳng thông, vì nó là một Lý. Nếu quý vị nghe thông suốt giáo lý, sẽ là một thông, hết thảy đều thông. Đoạn này nhằm giảng về Lý, [thường gọi là] Xứng Lý, hội quy tự tánh, tự tánh là Lý.
Vì thế, bậc tối thượng là nghe giáo lý. Kém hơn một bậc là hạng người chưa đạt tới trình độ ấy, nghe giáo nghĩa. Giáo nghĩa cũng là Lý, nhưng Lý ấy chưa viên, chỉ là một phần. Ví như trong Tịnh Độ Tông, kẻ ấy biết các đạo lý của Tịnh Độ Tông, nhưng đạo lý của các tông khác, người ấy chẳng biết. Các đạo lý trong pháp thế gian, người ấy cũng chẳng thể hoàn toàn tương thông, nhưng vẫn là khá lắm, có thể thông đạt một bộ phận, vẫn là có thể dạy được! Nếu ngay cả giáo nghĩa cũng chẳng thể thông đạt, hễ nghe, bèn chấp tướng ngôn thuyết, tướng danh tự, nghe rồi ghi bút ký cả một đống lớn. Sau đấy mới có thể giảng, khi giảng cũng dùng bút ký để giảng, lìa khỏi bút ký sẽ chẳng thể giảng được! Học theo kiểu như vậy, tốn khá nhiều công phu, tận hết sức là học một bộ kinh, người ấy có thể giảng một bộ kinh này, đổi sang bộ khác sẽ chẳng thể giảng được! Nếu thật sự có thể thông đạt giáo nghĩa, sẽ có thể giảng một bộ phận trong Đại Tạng Kinh, những phần tương thông với giáo nghĩa, người ấy đều có thể giảng, đều có thể hiểu. Nếu hiểu rõ giáo lý, sẽ đối với hết thảy các kinh hoàn toàn chẳng có chướng ngại.
Chuyện này do thầy Lý dạy cho tôi khi ở Đài Trung trước kia. Vì tôi lúc đầu nghe kinh, có ghi bút ký, thầy gọi tôi vào phòng, giảng về ba bậc. Thầy nói: “Anh muốn học theo bậc nào?” Tôi tự mình suy nghĩ, về Lý bèn là thượng căn, tôi chẳng có cách nào [học được], nhưng giáo nghĩa là bậc trung thì vẫn còn được. Sau đấy, tôi không ghi bút ký nữa, tôi học với thầy mười năm chẳng ghi bút ký. Cùng phức giảng với các bạn học, tôi cũng chẳng dùng bút ký, hoàn toàn nhờ vào chính mình thông hiểu ý nghĩa. Do đó, khi thầy giảng kinh, tôi dốc toàn bộ tinh thần lắng nghe, tôi mong nghe hiểu. Sau khi đã hiểu, tôi thích thế nào, bèn giảng thế ấy, tôi hiểu rõ, tôi đã hiểu ý nghĩa. Thậm chí thời gian tôi giảng còn dài hơn thầy Lý, vì sao? Tôi đã hiểu lý, thầy dùng ba câu để giảng xong, tôi có thể dùng mười câu để giảng xong, giảng còn cặn kẽ hơn. Vì thế, quý vị phải hiểu nghĩa lý, chớ nên chấp tướng ngôn thuyết, tướng danh tự, tướng tâm duyên.
“Tâm duyên tướng” là tự mình cân nhắc, nghiên cứu, đó là tâm quý vị đang phan duyên. Đối với Phật pháp, chẳng thể nghiên cứu! Nghiên cứu là dùng thức thứ sáu, tức ý thức. Phật pháp, không riêng gì Thiền Tông bảo quý vị tham cứu, mà Giáo Hạ cũng chưa bao giờ là ngoại lệ! “Tham” (參) là gì? Tâm chẳng lưu lại ấn tượng, ý chẳng chấp trước, thức chẳng phân biệt. Vì thức thứ sáu, tức ý thức là phân biệt, thức thứ bảy là chấp trước, thức thứ tám là ghi ấn tượng. Chẳng dùng tâm ý thức, nói cách khác, sẽ là chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, chẳng lưu lại ấn tượng, đó mới là Tham! Tham cứu và nghiên cứu hết sức khác biệt!
Tham cứu chính là phương pháp tu hành “nhập lưu vong sở” như Quán Thế Âm Bồ Tát đã giảng trong kinh Lăng Nghiêm. Từ Sơ Phát Tâm cho đến Vô Thượng Bồ Đề đều dùng phương pháp ấy của Quán Thế Âm Bồ Tát. “Nhập lưu vong sở” là lìa tâm ý thức, Năng lẫn Sở cùng mất, thuần túy dùng công phu nội chiếu. Tâm Kinh nói là “chiếu kiến Ngũ Uẩn giai không”. Ngài dùng Quán Chiếu. Sâu hơn công phu Quán Chiếu là Chiếu Trụ. Quán Chiếu là sơ học, Chiếu Trụ thì phải định, tâm địa thanh tịnh. Công phu lại nâng cao hơn thành Chiếu Kiến. Ba tầng công phu ấy, nói theo phía người niệm Phật sẽ là công phu thành phiến, Sự nhất tâm bất loạn và Lý nhất tâm bất loạn hoàn toàn giống với ba cảnh giới ấy. Công phu thành phiến là Quán Chiếu, Sự nhất tâm bất loạn là Chiếu Trụ, đắc niệm Phật tam-muội, Lý nhất tâm bất loạn là Chiếu Kiến, cảnh giới hoàn toàn giống như trong Tâm Kinh đã giảng, là cảnh giới của kinh Kim Cang, là cảnh giới của Đại Thừa Khởi Tín Luận, là cảnh giới của kinh Lăng Nghiêm. Cảnh giới của mấy bộ kinh luận ấy đều như nhau, là cảnh giới của Viên Giáo Sơ Trụ và Biệt Giáo Sơ Địa Bồ Tát.
Tối thiểu chúng ta phải biết, tận hết sức để dần dần xa lìa [các tướng ấy]. Chư vị phải biết: Lìa tướng ngôn thuyết chẳng phải là bảo quý vị từ hôm nay chẳng nói năng, cũng chẳng nghe kẻ khác nói chuyện. [Nếu hiểu như vậy], quý vị đã hiểu sai ý nghĩa mất rồi! Đó là bảo quý vị trong tâm đừng chấp trước, [người khác] truyền đạt ý nghĩa này, ta hiểu ý nghĩa, nhưng chẳng chấp trước ngôn ngữ. Thật sự có thể làm được điều này, khá nhiều cuộc tranh chấp trong Phật môn sẽ chẳng còn nữa! Ví như cổ nhân dịch kinh, kinh Di Đà có hai loại bản dịch, đương nhiên hai người dịch sẽ chẳng giống nhau. Nếu quý vị chấp trước tướng văn tự, sẽ phiền toái to, hai người ấy nhất định tranh chấp. Chẳng chấp tướng danh tự, hễ đúng ý nghĩa là được rồi. Ví như có hai người cùng từ một chỗ ở bên Mỹ đến, nay bảo quý vị giới thiệu tình huống nước Mỹ cùng mọi người, chắc chắn hai người ấy chẳng thể nói mỗi chữ đều giống hệt nhau, nhưng ý nghĩa trong lời họ nói nhất định chẳng sai, vì sao? Đều là cảnh giới do họ đích thân trông thấy. Do vậy có thể biết, đối với tất cả hết thảy các bản dịch, chẳng thể nói bản này dịch đúng, bản kia dịch chẳng đúng. [Nói như vậy], sẽ là chấp tướng. Đương nhiên khi dịch, có người dịch chi tiết hơn, có người dịch đơn giản hơn. Đó là chuyện có thể xảy ra, nhưng ý nghĩa chắc chắn chẳng sai biệt. Đây là dạy chúng ta trong tâm đừng nên chấp tướng. Chắc chắn là phải sử dụng danh từ, thuật ngữ, vì không dùng sẽ phiền phức. Vì sao có lắm danh từ thuật ngữ chuyên dụng dường ấy? Nhằm thuận tiện trong việc liễu giải! Mỗi ngành nghề đều có thuật ngữ chuyên môn, nhằm thuận tiện trong việc diễn đạt, nên cần phải có công cụ ấy, nhưng quý vị chớ nên chấp trước. Tâm duyên, nói thật ra là vọng tưởng. Quý vị nghe ngôn ngữ, thấy danh tự, trong tâm dấy lên vọng tưởng thì sai mất rồi!
“Ly nhất thiết pháp sai biệt chi tướng” (Lìa tướng sai biệt của hết thảy các pháp), đó là nói tổng quát. Xác thực lìa khỏi hết thảy phân biệt, chấp trước, vạn pháp bình đẳng, pháp nào cũng đều Như. Kinh Pháp Hoa nói Thập Như Thị, Thiên Thai đại sư triển khai, diễn dịch chúng thành Bách Giới Thiên Như. Bách Giới Thiên Như là tướng sai biệt của hết thảy các pháp. “Lìa tướng sai biệt của hết thảy các pháp” là trong hết thảy các pháp, đều không có sai biệt. “Không có sai biệt” là tướng bình đẳng, tướng thanh tịnh, một tướng. Kinh Hoa Nghiêm nói “một chính là nhiều, nhiều chính là một”, đó là cảnh giới Sự Sự vô ngại. Đấy là tự tánh Pháp Bảo.
Do vậy, phải biết: Các thứ sai biệt như đức Phật đã nói là vô sai biệt, vì sao? Xét theo Thể, chẳng có sai biệt. Từ vô sai biệt, nói ra khá nhiều sai biệt, vì sao đức Phật nói như vậy? Nhằm dạy chúng ta liễu giải Thể, Tướng, Dụng của tự tánh đều chẳng thể nghĩ bàn. Đó gọi là vô lượng trí huệ, vạn đức, vạn năng, toàn là đức dụng của tự tánh, khiến cho chúng ta hiểu rõ, thấu hiểu chuyện này. Điều đó cũng được gọi là phương tiện thiện xảo trong sự giáo học của Phật pháp. Đối với phương tiện thiện xảo ấy, nhất định cần phải là người thật sự nhập Lý, “nhập” là khế nhập, Lý là tánh lý, thì mới biết dùng, dùng thích đáng giống như Phật, Bồ Tát. Nếu chẳng nhập Lý, hoàn toàn dùng vọng tưởng, chấp trước của chính mình để vận dụng Phật pháp, sẽ biến khéo thành vụng. Hiểu lệch lạc nghĩa lý của kinh, không chỉ chẳng thể tự lợi, lợi tha, mà còn là tự hại, hại người. Trong Phật pháp thường gọi điều đó là “ma thuyết”.
(Sao) Tâm thể bổn tự bất nhị, tức Tăng Bảo.
(鈔) 心體本自不二,即僧寶。
(Sao: Tâm Thể vốn là bất nhị, đó chính là Tăng Bảo).
Tăng có nghĩa là hòa hợp. Bất Nhị là hợp, Nhị sẽ chẳng hợp. Vì sao chúng ta chẳng hòa hợp với hết thảy mọi người, hết thảy vật? Do có hai, [tức là] có tôi, có bạn, có kẻ khác, vạch giới hạn rất rành mạch. Trên thực tế, lấy đâu ra giới hạn? Căn bản là chẳng có giới hạn, giới hạn là một thứ chấp trước sanh từ vọng tưởng của chúng ta. Vọng tưởng, chấp trước ấy cũng chẳng chân thật. Quý vị nghiên cứu Duy Thức thì nhập môn của Duy Thức là Bách Pháp Minh Môn Luận. Pháp sư Chánh Quả có soạn bộ Phật Giáo Cơ Bản Tri Thức, đã giải thích danh tướng và ý nghĩa bao hàm trong mỗi điều của một trăm pháp, giảng rất rõ ràng. So với thời cổ, những vị đại đức thời cận đại [như pháp sư Chánh Quả] giảng Duy Thức dễ hiểu hơn rất nhiều. Từ Hàng Pháp Sư Toàn Tập đa số là giảng Duy Thức, nhưng giảng quá đơn giản, chẳng rõ ràng. Chú giải của cổ nhân, tuy giảng ý nghĩa rất viên mãn, nhưng văn tự quá sâu, chúng ta chẳng dễ gì đọc hiểu! Hòa hợp là ý nghĩa của Tăng. Tăng còn có nghĩa là thanh tịnh. Nhất là thanh tịnh, Nhị là chẳng thanh tịnh. Hễ “nhị” liền tạp loạn.
(Sao) Cố viết tự quy y Phật, tự quy y Pháp, tự quy y Tăng, đản linh quy tự, bất thuyết quy tha.
(鈔) 故曰自歸依佛,自歸依法,自歸依僧,但令歸自,不說歸他。
(Sao: Vì thế, nói là tự quy y Phật, tự quy y Pháp, tự quy y Tăng, chỉ dạy quy y tự, chẳng nói quy y tha).
Tam Quy Y còn gọi là Tam Tự Quy, chư vị phải nhớ kỹ điều này: Nguyên văn Tam Quy Y phát xuất từ phẩm Tịnh Hạnh trong kinh Hoa Nghiêm. Phẩm Tịnh Hạnh và phẩm Phạm Hạnh đều giảng về giới luật. Phẩm Phạm Hạnh là pháp tu của Bồ Tát, phẩm Tịnh Hạnh là sơ cấp. Tổ sư đại đức xưa kia thấy ba đoạn kinh văn Tam Tự Quy trọng yếu, nên xếp vào công khóa sáng tối. Tam Tự Quy, bất luận là Đại Thừa hay Tiểu Thừa, bất luận là tông phái, pháp môn nào, đều là nguyên tắc chỉ đạo tu học cao nhất. Phật pháp tu gì vậy? Chúng ta tu giác, chánh, tịnh, chúng ta học cũng là giác, chánh, tịnh, chúng ta cầu vẫn là giác, chánh, tịnh. Do đó, Phật Giáo không mê tín. Thưa cùng chư vị, đạt được giác, chánh, tịnh thì hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian thứ gì quý vị cũng đều đạt được. “Trong cửa nhà Phật, có cầu ắt ứng”. Chẳng có thứ gì không đạt được, vì sao? Vì hết thảy các pháp đều do tự tánh biến hiện, hết thảy các pháp đều do tự tánh cảm ứng. Nhân quả là đạo lý cảm ứng rất rõ rệt, chúng ta thường nói “thiện nhân có thiện quả, ác nhân có ác quả”. Tự tánh giác, chánh, tịnh thuần thiện, vô ác, có thiện quả nào mà chẳng thể đạt được? Thảy đều có thể hiện tiền! Do đó, mới biết tầm trọng yếu của Tam Quy Y. Nói tới tám vạn bốn ngàn pháp môn hay vô lượng pháp môn thì “pháp” là phương pháp, “môn” là môn kính (門徑: đường nẻo), bất luận phương pháp gì, hay môn kính gì, nay chúng ta nói là phương pháp và cách thức, vô lượng vô biên phương pháp và cách thức, thảy đều nhằm tu giác, chánh, tịnh, đến cuối cùng tất cả gộp về Tam Quy Y, mới biết sự trọng yếu của Tam Quy.
Tam Quy Y là quy y Tự Tánh Tam Bảo, “quy” (歸) là quay về, “y” (依) là nương cậy. Từ trái nghịch tự tánh mà quay lại để hết thảy đều thuận theo tự tánh. Đấy chính là Tam Quy Y chân chánh. Chúng tôi nói rõ rệt, nông cạn hơn một chút, sẽ là từ mê hoặc, điên đảo quay trở lại, nương vào tự tánh giác, đó là quy y Phật. Giác là gì, mê là gì, phải hiểu rành rẽ các định nghĩa ấy. Kinh luận dạy chúng ta: Giác tâm bất động; hễ động bèn gọi là vô minh, “do một niệm bất giác, bèn có vô minh”. Thường gìn giữ cái tâm bất động, trong hết thảy các cảnh giới thấy rất rõ ràng, nghe rất rõ ràng, không khởi tâm, không động niệm, chẳng phân biệt, không chấp trước, đó là tự tánh giác. Trong cảnh giới, khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước, tức là chẳng giác, đã mê! Nói cách khác, ta phải từ khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước quay lại, đó mới là quy y Phật. Phải dụng công, phải luyện tập trong cảnh giới, luyện tập không khởi tâm, không động niệm, chẳng phân biệt, không chấp trước, luyện những thứ ấy. Hễ khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước, bèn ngay lập tức niệm A Di Đà Phật, xóa hết sạch vọng niệm, đó mới là Quy Y, mới là “quay đầu”. Thật sự chẳng dễ dàng!
Quy y Pháp, Pháp là tự tánh chánh, Chánh là chánh tri chánh kiến. Quy y Tăng, Tăng là tự tánh tịnh, thanh tịnh vô nhiễm. Tam Quy Y, giác, chánh, tịnh, là một mà ba, tuy ba mà một, do nhất tâm lưu xuất. Chỉ cần lục căn của quý vị ở trong cảnh giới lục trần, chẳng khởi tâm, không động niệm, chẳng phân biệt, không chấp trước, đó là tự tánh giác, tự tánh chánh, tự tánh tịnh. Giác, chánh, tịnh là một mà ba, tuy ba mà một, một Thể mà có ba loại tác dụng. Tác dụng là quan sát từ ba góc độ, chúng là một Thể. Hiểu đạo lý này, không chỉ là trong Phật môn chẳng có tranh luận gì, mà trong hết thảy các pháp thế gian cũng chẳng có tranh luận. Thậm chí đối với yêu ma quỷ quái có tranh luận hay không? Không có. Vì sao? Hễ có phân biệt, chấp trước thì lại mê mất rồi! Vì yêu ma quỷ quái mê, nên mới làm yêu ma quỷ quái; nếu họ giác ngộ, họ vốn là Phật! Hết thảy chúng sanh vốn đã thành Phật, do mức độ mê có cạn hay sâu. Mê cạn thì là thiện nhân, mê sâu hơn sẽ là yêu ma quỷ quái. Chúng ta thấy rõ ràng, rành rẽ, chẳng phân biệt, không chấp trước, tâm vĩnh viễn
thanh tịnh, vĩnh viễn là giác chứ không mê.
Có người đến hỏi, chúng ta giải thích cho họ, giống như Thích Ca Mâu Ni Phật giảng kinh cho chúng ta. Khi Ngài giảng, có phân biệt hay không? Có phân biệt: Đây là Phật, đó là Bồ Tát, đó là La Hán, đó là yêu ma quỷ quái. Có sự phân biệt ấy là vì quý vị đã phân biệt, nên Phật thuận theo sự phân biệt của quý vị mà phân biệt. Bản thân Phật, Bồ Tát có phân biệt hay không? Bản thân các Ngài chẳng có phân biệt. Nếu bản thân các Ngài có phân biệt, sẽ là phàm phu, giống như chúng ta. Vì thế, nói là “nói mà chẳng nói, chẳng nói mà nói”. “Nói” là thuận theo quý vị mà nói. “Chẳng nói” là trong tâm các Ngài chẳng có phân biệt, không có chấp trước, về căn bản là không có khởi tâm động niệm, Ngài nói ở chỗ nào? Thật sự, các Ngài chẳng có nói. Nói theo chính các Ngài, các Ngài chẳng nói. Nói theo phía chúng ta, các Ngài nói rất nhiều. Phật Thích Ca đã nói trong bốn mươi chín năm. “Thuyết pháp bốn mươi chín năm, giảng kinh hơn ba trăm hội”, nói nhiều ngần ấy. Nếu nói theo chính bản thân Phật Thích Ca, trong bốn mươi chín năm, Ngài một câu cũng chẳng nói. Do đó, kinh Kim Cang đã nói: “Kẻ nào nói Phật thuyết pháp, chính là báng Phật”. Câu này nói với người đã nhập Lý thì đúng, chứ người chưa nhập Lý sẽ chẳng hiểu. Rõ ràng là nói trong bốn mươi chín năm, nói nhiều như thế, sao lại bảo “chẳng nói”? Bởi lẽ, phàm phu chấp tướng. Do chấp tướng, nên sẽ chấp tướng ngôn thuyết, chấp tướng danh tự, chấp tướng tâm duyên. Phật Thích Ca nói một đống lớn như vậy, nói suốt bốn mươi chín năm; nếu quý vị lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng danh tự, lìa tướng tâm duyên thì Phật Thích Ca một câu cũng chẳng nói! Hy vọng mọi người hiểu rõ ý nghĩa này.
Vì lẽ đó, Phật pháp, bất luận là pháp môn nào, thảy đều hội quy Tự Tánh Tam Bảo. Tự Tánh Tam Bảo là tổng phương hướng, tổng quy túc của hết thảy các pháp môn. Đã sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, mà vẫn phải niệm Tam Bảo, đạo lý ở ngay nơi đây. Vì thế, chớ nên nghĩ Tam Bảo có ý nghĩa nông cạn, chớ nên xem thường Tam Bảo. Nói thật thà, hiện thời, do khinh dễ Tam Bảo, nên tuy chúng ta dụng công tu học, mà chẳng tương ứng với Tự Tánh Tam Bảo, công phu kiểu đó chẳng thể đắc lực. Nếu có khí phận tương ứng với Tự Tánh Tam Bảo, công phu sẽ đắc lực, sẽ đi vào nề nếp. Đắc lực nói theo Phật môn là chứng quả, quý vị từ địa vị Sơ Tín, địa vị Nhị Tín, địa vị Tam Tín, dần dần tiến lên khế nhập, tu chứng như vậy. Chẳng tương ứng với Tự Tánh Tam Bảo, dẫu học nhiều, dẫu giảng nhiều, giảng đến nỗi hoa trời rơi lả tả, vô dụng, chẳng nhập môn, đều ở ngoài cửa! Địa vị Sơ Tín trong Viên Giáo cũng chưa đủ tư cách! Có vậy thì mới hiểu tầm quan trọng của việc tương ứng với Tự Tánh Tam Bảo. Do đó, mọi người ngàn vạn phần phải ghi nhớ, Tam Quy Y quyết định chẳng phải là quy y gì khác.
Trụ Trì Tam Bảo có công đức rất lớn, vì không có Trụ Trì Tam Bảo, Phật pháp liền tiêu diệt, chúng ta vĩnh viễn không có cơ hội được giác ngộ. Công đức lớn nhất của Trụ Trì Tam Bảo là khải phát chúng ta: Chúng ta trông thấy tượng Phật, bèn nghĩ đến tự tánh giác. Thấy kinh sách, bèn nghĩ đến tự tánh chánh. Thấy người xuất gia, bèn nghĩ đến tự tánh tịnh. Trụ Trì Tam Bảo có tác dụng ở chỗ này. Công đức ấy rất lớn, thời thời khắc khắc nhắc nhở chúng ta. Nếu không có Trụ Trì Tam Bảo, dẫu đã hiểu rồi cũng bị quên bẵng, do không có ai nhắc nhở! Trụ Trì Tam Bảo có công đức rất lớn, chúng ta hãy nên tôn trọng.
(Sao) Niệm niệm hoàn quy tự tâm, thị danh chân niệm Tam Bảo.
(鈔) 念念還歸自心,是名真念三寶。
(Sao: Niệm niệm quy hoàn tự tâm, bèn gọi là thật sự niệm Tam Bảo).
Câu này là lời tổng kết của Liên Trì đại sư, phải “niệm niệm hoàn quy tự tâm” tức là niệm niệm hoàn quy Tự Tánh Tam Bảo. Tôi nói rõ hơn một chút, tức là niệm niệm lìa hết thảy phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, sẽ hội quy tự tánh. Nếu niệm niệm vẫn còn chấp trước tướng ngôn thuyết, tướng danh tự, tướng tâm duyên, sẽ xa lìa Tam Bảo, chẳng quy y Tam Bảo. Hôm nay chúng tôi giảng tới chỗ này!
[1] Chúng tôi thấy một số vị dịch từ ngữ này thành “trùng tuyên”, trộm nghĩ không phù hợp lắm. Vì “trùng tuyên” là nhắc lại giống hệt như những gì thầy giảng, không sai chút nào. Còn “phức giảng” chỉ là nhắc lại những ý thầy giảng, nhưng không tự tiện thêm vào ý mình, có thể diễn đạt dài hay ngắn tùy theo ý mình, sử dụng ngôn từ riêng của mình, miễn sao không ra ngoài những ý nghĩa thầy đã giảng. Trong những câu tiếp đó và trong phần sau, hòa thượng đã nhấn mạnh: “Đương nhiên là sau khi nghe xong, không có cách nào phức giảng ngay lập tức, thường là phải mất thời gian hai, ba ngày để chuẩn bị. Lúc mới học, nhất định phải viết bài giảng nháp, tức là dùng những điều ta đã ghi chép được từ lời giảng của thầy để soạn thành bài giảng nháp. Bài giảng nháp còn phải chú trọng sử dụng văn nói thông dụng, chẳng phải là viết văn chương… Cùng phức giảng với các bạn học, tôi cũng chẳng dùng bút ký, hoàn toàn nhờ vào chính mình thông hiểu ý nghĩa. Do đó, khi thầy giảng kinh, tôi dốc hết tinh thần lắng nghe, tôi mong nghe hiểu. Sau khi đã hiểu, tôi thích thế nào, bèn giảng thế ấy, tôi hiểu rõ, tôi đã hiểu ý nghĩa. Thậm chí thời gian tôi giảng còn dài hơn thầy Lý, vì sao? Tôi đã hiểu lý, thầy dùng ba câu để giảng xong, tôi có thể dùng mười câu để giảng xong, giảng còn cặn kẽ hơn”. Trong khi đó trùng tuyên như ngài A Nan thường được kinh điển sánh ví “giống như nước từ bình nọ đổ sang bình kia, không suy suyển một giọt”.