Tập 133/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 03-003-0289

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 133

          Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bổn, trang hai trăm chín mươi.

          (Sao) Cố Thiều Thủy bình Khuê Phong Sớ, vị hân yếm thủ xả, tuy vị mê chân khởi vọng, diệc năng thuận giáo thành công, đản tri toàn tu tức tánh, tắc hân yếm bổn không.

            () 故苕水評圭峰疏,謂忻厭取捨,雖謂迷真起妄,亦能順教成功,但知全修即性,則忻厭本空。

          (Sao: Vì thế, ngài Thiều Thủy bình luận Khuê Phong Sớ, bảo: “Ưa, chán, lấy, bỏ, tuy nói là mê chân dấy vọng, nhưng cũng có thể thuận theo lời dạy mà thành công. Chỉ biết toàn tu chính là tánh thì ưa – chán vốn là Không”).

          Nay trong đoạn văn này, [Liên Trì đại sư] dẫn lời cổ đại đức để chứng minh, chỗ này cũng là một câu tổng kết, nhằm vào ý nghĩa dạy chúng ta phải tùy thuận giáo lý thì mới có thể đạt được thành tựu. “Thuận giáo thành công”, Công (功) là công đức, Thành (成) là thành tựu. Khuê Phong đại sư là tổ sư đời thứ năm của tông Hoa Nghiêm, tức là Tông Mật đại sư, Ngài [Thiều Thủy] nói: “Hân yếm thủ xả, tuy vị mê chân khởi vọng, diệc năng thuận giáo thành công” (Tuy nói “ưa, chán, lấy – bỏ” là mê chân, dấy vọng, nhưng vẫn có thể thuận theo lời dạy mà thành công). Lời này nói hết sức hay, vì sao? Ưa, chán, lấy, bỏ đều là chấp tướng, đương nhiên là “mê chân, khởi vọng”, đích xác là mê chân khởi vọng, chẳng thể đem so với Tánh Tông để luận định được! Nhưng quý vị tùy thuận phương pháp này thì sẽ quyết định có thể thành công; nương theo phương pháp này để tu học, quyết định chẳng phí uổng. “Phá mê, chứng chân”, lời ấy nói nghe rất êm tai, nhưng trên thực tế chẳng làm được. Lão pháp sư Đàm Hư nói: “Tham Thiền có thể đắc Thiền Định, nhưng chẳng có cách nào khai ngộ”. Người khai ngộ đúng là như lông phượng, sừng lân. Chẳng khai ngộ sẽ chẳng thể liễu sanh tử, thoát tam giới. Nói cách khác, tu Thiền thật sự giỏi giang thì bất quá vãng sanh Tứ Thiền Thiên mà thôi.

          Vãng sanh Tứ Thiền Thiên thua kém Tây Phương Cực Lạc thế giới rất xa! Trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, dẫu là hạ hạ phẩm vãng sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư cũng vĩnh viễn bất thoái chuyển, cũng là viên mãn thành tựu Vô Thượng Bồ Đề trong một đời. Sanh vào Tứ Thiền Thiên, khi thọ mạng trong Tứ Thiền Thiên đã hết, vẫn luân hồi trong lục đạo. Do vậy, mọi người chớ nên hâm mộ Tứ Thiền Thiên hoặc Tứ Không Thiên, vì sao? Vì trong đời quá khứ, quý vị đã từng sống ở những nơi đó rất lâu, nay quý vị lại đọa lạc đến nơi đây, có còn muốn đến đó nữa hay chăng? Sau khi đến đó, vẫn phải luân hồi, vẫn phải đọa lạc đến nơi đây. Vì thế, Tứ Thiền Thiên và Tứ Không Thiên đều chẳng cần phải sanh về. Tứ Thiền mà còn chẳng nên sanh vào, huống gì Dục Giới Thiên? Do vậy, nhất định phải hạ quyết tâm trong một đời này nhất định phải vãng sanh Tịnh Độ. Tuy nói “trong hết thảy các pháp môn Đại Thừa, vãng sanh Tịnh Độ là đạo dễ hành”, nhưng người niệm Phật rất đông, rốt cuộc người vãng sanh vẫn là rất hiếm, nguyên nhân ở chỗ nào? Do chúng ta phát tâm niệm Phật không đúng pháp, nên mới tạo thành nông nỗi ấy. Miệng niệm “cầu vãng sanh”, trong tâm vẫn lưu luyến thế giới này, đối với ngũ dục, lục trần, tham, sân, si, mạn vẫn chẳng buông xuống được nên chẳng thể thành tựu. Người nào vãng sanh? Người thật sự bỏ hết ngũ dục, lục trần.

          Ở đây nói “hân, yếm, thủ, xả”, Hân (忻) là vui vẻ, thật sự phát khởi tâm vui thích, mong cầu đối với Tây Phương Cực Lạc thế giới, hy vọng ta thật sự có thể sanh về Tây Phương Tịnh Độ, hy vọng chính mình thật sự có thể gặp A Di Đà Phật, quý vị phải có cái tâm này. Yếm (厭) là chán lìa thế giới Sa Bà, đối với thế giới Sa Bà chớ nên có mảy may lưu luyến nào, như vậy thì mới có thể vãng sanh. Tuyệt đối chẳng phải là nói một mặt vãng sanh, một mặt vẫn nghĩ tưởng, vẫn lưu luyến thế giới này, mong đạt được cả hai, há có chuyện tiện nghi như vậy? Nhất định phải bỏ Sa Bà, lấy Cực Lạc. Cách lấy – bỏ như thế nào? Lấy – bỏ nơi nhân thì quả sẽ tự nhiên đạt được. Nhân của thế giới Sa Bà là gì? Là tham, sân, si tam độc phiền não, nhất định phải bỏ. Đối với Tây Phương Cực Lạc thế giới, đương nhiên [cái nhân] trọng yếu nhất là “phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”, chúng ta phải giữ lấy điều này. Bồ Đề tâm là giác tâm, giác chứ không mê. Khó khăn lớn nhất của chúng ta trong hiện thời là hễ cảnh giới vừa hiện tiền bèn mê, mê chứ chẳng giác, như vậy thì sẽ chẳng thể vãng sanh. Vì thế, đối với bốn mươi tám nguyện trong kinh Vô Lượng Thọ, tôi đã từng bảo quý vị: Mọi người nhất định phải nhớ kỹ, phải niệm kinh nhuần nhuyễn thì trong cảnh giới chúng ta mới khởi tác dụng được, tức là lúc thấy sắc, nghe tiếng, bèn ngay lập tức nghĩ đến những giáo huấn trong kinh.

          Đặc biệt rất đáng cảnh giác là trong bốn mươi tám nguyện có hai đoạn nói rất rõ ràng: Đoạn thứ nhất nói A Di Đà Phật thọ mạng vô lượng. [Điều khiến cho] Tây Phương Cực Lạc thế giới thù thắng nhất, hết thảy các cõi Phật trong mười phương chẳng thể sánh bằng, chính là do thọ mạng vô lượng, đó là nguyên nhân thù thắng căn bản. Dẫu sung sướng đến mấy mà thọ mạng ngắn ngủi, sẽ là chỗ khuyết hãm, chẳng phải là chân lạc! Thọ mạng vô lượng, là vô lượng chân thật, tuyệt đối chẳng phải là vô lượng trong hữu lượng[1]. Kế đó, chẳng ai có thể tính biết rõ ràng số người trong thế giới Cực Lạc! Trong kinh, đức Thế Tôn đã bảo chúng ta: Giả sử hết thảy chúng sanh trong tam thiên đại thiên thế giới, đây là tỷ dụ, thảy đều chứng quả Bích Chi Phật, tuyệt diệu thay! Đã thế, họ đều có thần thông giống như ngài Mục Kiền Liên, ngài Mục Kiền Liên thần thông quảng đại, cùng nhau tính toán số người trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Người đông ngần ấy thảy đều cùng nhau tính toán, tính toán bao lâu? Rất nhiều kiếp, chẳng phải là một hai ngày, lấy kiếp làm đơn vị. Để cho họ tính toán trong thời gian lâu ngần ấy, đức Phật nói số người họ tính ra giống như một giọt nước trong biển cả dính trên một sợi lông, họ có thể biết, có khả năng tính được chừng ấy, còn [số lượng] họ không biết giống như nước trong biển cả! Đức Phật dùng tỷ dụ ấy để dạy chúng ta, quý vị bèn hiểu số người trong Tây Phương Cực Lạc thế giới quá nhiều, chẳng có cách nào tưởng tượng được, đúng là chẳng thể nghĩ bàn!

          Thần thông và đạo lực của những người ấy chẳng khác A Di Đà Phật cho mấy, tức “thiên nhãn đỗng thị” (thiên nhãn thấy thấu suốt). Trong mười phương thế giới, quá khứ, hiện tại, vị lai, hết thảy các động tác của quý vị, dẫu là động tác nhỏ nhặt đến đâu đi nữa, người ta đều thấy rõ ràng, rành rẽ. Quý vị nói năng, nói thật khẽ, họ vẫn nghe rõ rệt, chẳng giấu được một ai! Trong tâm quý vị khởi tâm động niệm, họ biết toàn bộ. Vậy thì chính chúng ta phải khéo phản tỉnh một phen, chúng ta có đủ tư cách ở trong Tây Phương Cực Lạc thế giới hay không? Miệng nói “ta muốn cầu sanh Cực Lạc Tịnh Độ”, nhưng trong tâm chẳng phải là chuyện như vậy! Thậm chí ác niệm trong tâm chúng ta, chúng ta chẳng biết, nhưng Phật, Bồ Tát biết rõ ràng!

          Tu hành là tu ở chỗ nào? Tu nơi tâm. Khi quý vị không tu ở nơi ấy, nói cách khác, quyết định chẳng tránh khỏi tam đồ! Tam đồ là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Quý vị đã tạo tham, sân, si, giết, trộm, dâm, dối, lẽ đâu chẳng đọa tam đồ? Chớ nên nói “ta niệm Phật”, niệm Phật vẫn đọa tam đồ y hệt! Quý vị hãy đọc tác phẩm chú giải Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương của pháp sư Quán Đảnh, sách ấy có nói một trăm thứ quả báo khác nhau của người niệm Phật. Loại thứ nhất là đọa A Tỳ địa ngục. Niệm Phật suốt một đời, niệm đến cuối cùng vào trong A Tỳ địa ngục, rất oan uổng! Niệm Phật là niệm giác, dạy quý vị niệm niệm giác chứ không mê, đó là niệm Phật. Nếu miệng gào “nam-mô A Di Đà Phật”, trong tâm mê hoặc, điên đảo, thuở Hàn Sơn và Thập Đắc tại thế, các Ngài là hóa thân của hai vị đại Bồ Tát Văn Thù và Phổ Hiền, các Ngài đã châm chọc: “Hãm phá hầu lung dã uổng nhiên” (Gào toạc cổ họng cũng uổng công). Mỗi ngày niệm mười vạn tiếng Phật hiệu, gió thổi chẳng lọt, mưa tạt chẳng ướt, vẫn đọa A Tỳ địa ngục, vẫn phải đọa y hệt, chẳng sai! Hét toạc cổ họng cũng  uổng công! Hàn Sơn và Thập Đắc là hai vị đại Bồ Tát Văn Thù và Phổ Hiền [hóa thân]. Trong kinh Hoa Nghiêm, hai vị đại Bồ Tát ấy đều phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ .

           Kinh Vô Lượng Thọ đã dạy rõ ràng, minh bạch, Tây Phương Cực Lạc thế giới là thế giới của Phổ Hiền Bồ Tát, ai nấy “đều cùng tuân tu đức của Phổ Hiền Đại Sĩ”, nên thế giới ấy là thế giới của Phổ Hiền Đại Sĩ. Bốn mươi tám nguyện đã nói rất rõ ràng, Tây Phương Cực Lạc thế giới toàn là Bồ Tát. Trong kinh nói có người, trời, có La Hán, đó là nói tùy thuận người trong các thế giới ở phương khác, chứ người ở bên đó (Cực Lạc) quyết định chẳng có A La Hán thật sự, chẳng có trời hay người thật sự. Vì thế, đối với mười pháp giới, Cực Lạc chỉ có hai pháp giới là Phật pháp giới và Bồ Tát pháp giới, những pháp giới khác thảy đều chẳng có!

          Quý vị hãy suy nghĩ, cõi Phàm Thánh Đồng Cư bên ấy và cõi Phàm Thánh Đồng Cư của chúng ta khác nhau. Cõi Phàm Thánh Đồng Cư của chúng ta thật sự có người, trời, bên Cực Lạc chẳng có! Đã chẳng có, cớ sao gọi là cõi Phàm Thánh Đồng Cư? [Cõi nước cư trụ của] Sơ Tín vị Phổ Hiền Bồ Tát được gọi là cõi Phàm Thánh Đồng Cư, vì sao? Họ chưa đoạn hết Kiến Tư phiền não, giống như trời, người trong thế giới này, nói theo cách ấy! Thật ra, họ chẳng phải là trời, người thật sự, mà đều là Bồ Tát. Ở bên ấy, từ địa vị Sơ Tín cho đến Đẳng Giác Bồ Tát là năm mươi mốt địa vị. Chương Đại Thế Chí Viên Thông trong kinh Lăng Nghiêm nói “năm mươi hai đồng luân”, lời ấy nói chẳng sai, có cùng một ấn chứng với kinh Hoa Nghiêm, chẳng sai chút nào! Đồng luân (同倫) là gì? Đồng loại! Đại Thế Chí Bồ Tát cũng tu hạnh Phổ Hiền, nên nói thật ra, Ngài là Phổ Hiền Bồ Tát. Nói “năm mươi hai” tức là [năm mươi mốt địa vị Bồ Tát] kể cả Đẳng Giác, [tức là] kể cả A Di Đà Phật trong đó! Nơi ấy là pháp giới bình đẳng, nên cõi Phàm Thánh Đồng Cư của Cực Lạc chẳng giống cõi Phàm Thánh Đồng Cư trong hết thảy các cõi Phật ở mười phương. Bốn cõi trong mười phương thế giới có mê, có ngộ. Bốn cõi trong Tây Phương Cực Lạc thế giới đều chẳng mê, thù thắng ở chỗ này. Điều này đáng cho chúng ta cảnh giác.

          Chúng ta khởi tâm động niệm, Phật, Bồ Tát đều biết, chẳng thể giấu một ai! Chính mình phải tin tưởng điều này; quý vị không tin thì chính quý vị bị thua thiệt, chứ Phật, Bồ Tát chẳng bị thiệt thòi. Chúng ta tin tưởng điều này, đương nhiên chúng ta đồng thời cũng tin tưởng, dấy lên chân tâm, phát nguyện thật sự, cầu sanh Tịnh Độ. Phật, Bồ Tát cũng hoàn toàn hay biết, lúc lâm chung nhất định đến tiếp dẫn. Do vậy, chúng ta vỗ ngực nói “tôi nhất định vãng sanh”, vì sao? Tôi tin tưởng! Tôi khởi tâm động niệm, A Di Đà Phật biết, Quán Âm, Thế Chí biết, chư thượng thiện nhân chẳng có vị nào không biết! Tôi cầu sanh Tịnh Độ, lẽ đâu các Ngài chẳng đến tiếp dẫn tôi? Đương nhiên đến nghênh tiếp, chẳng hoài nghi tí nào! Vì thế, tâm, nguyện, và hành trì của chúng ta đều phải tương ứng với kinh điển. Kinh giảng như thế nào, chúng ta bèn làm theo cách ấy, nỗ lực thực hiện sao cho mỗi điều giáo huấn đều làm được. Đấy là tiền vốn vãng sanh của chúng ta, là điều kiện quyết định để vãng sanh. Trừ nguyện vọng ấy ra, chẳng còn có nguyện vọng nào khác. Tới Tây Phương Cực Lạc thế giới, đoạn phiền não, học pháp môn, thành Phật, làm Tổ, lại quay về giúp đỡ hết thảy hữu tình chúng sanh.

          Ở đây nói “mê chân, khởi vọng” thì nói cách khác là “đới nghiệp vãng sanh”, mang theo nghiệp ấy, [nghiệp ấy] là mê Chân! Do vậy, chẳng sao cả! Pháp môn này là đới nghiệp vãng sanh. Đối với chuyện đới nghiệp, phải đặc biệt ghi nhớ, chỉ mang theo cựu nghiệp, chẳng mang theo tân nghiệp. Chớ nên nghe nói “đới nghiệp vãng sanh”, [bèn nghĩ] nay ta tạo nhiều nghiệp đôi chút cũng chẳng sao, vẫn có thể vãng sanh!” Chẳng có lẽ ấy, chỉ mang theo cựu nghiệp! Cổ nhân thường dạy, thường khuyến khích, cổ vũ chúng ta chớ nên tạo nghiệp mới. Bởi lẽ đó, “diệc năng thuận giáo thành công” (cũng có thể thuận theo lời dạy mà thành công). Cảnh giới tất nhiên là mỗi năm một tăng cao hơn. Chỉ cần quý vị nghiêm túc thực hiện, tu tập nửa năm, sẽ có cảm ứng. Cảm ứng chẳng phải là những thứ thần thông bình phàm, mà cảm ứng là phiền não nhẹ nhàng, trí tuệ tăng trưởng, thấy hết thảy sự vật rõ ràng hơn trước nhiều lắm, đó là cảm ứng, là hảo tướng. Nói cách khác, chẳng mê như trước kia, chẳng chấp trước như trước kia, mê chấp dần dần phai nhạt, trí tuệ tăng trưởng, thông đạt Sự, Lý. Đó là thụy tướng (tướng lành), là hảo tướng. Ngàn vạn phần chớ nên cầu các tướng trạng kỳ quái, [chẳng hạn như thân hình lơ lửng trên không] cách mặt đất ba thước, trên thân tỏa ánh sáng, thấy thần, thấy quỷ, [cầu các tướng trạng kỳ dị ấy] sẽ bị phiền toái! Nếu có những hiện tượng ấy xuất hiện, người ấy sẽ bị phiền phức to lớn, sợ rằng trong vòng một năm hay nửa năm sẽ phải vào nhà thương điên, vấn đề nghiêm trọng lắm! Do vậy, chúng ta chẳng cầu những tướng kỳ dị, lạ lùng ấy! Dẫu những tướng ấy hiện hữu, phải coi tướng lạ như chẳng có gì lạ lùng! Kinh Lăng Nghiêm đã dạy chúng ta: Những tướng ấy hiện tiền, chẳng quan tâm tới chúng! Chỉ cần quý vị không để ý tới chúng, những tướng ấy sẽ dần dần ít đi, dần dần chẳng còn nữa.

          “Đản tri toàn tu tức tánh, tắc hân yếm bổn không” (chỉ biết “toàn tu chính là tánh” thì ưa, chán vốn là Không), đó là Lý. Phải làm sao mới có thể toàn tu? “Toàn tu” là tu viên mãn, một tu là hết thảy tu, cảnh giới ấy cao lắm! Đó là Viên Giáo Đại Thừa Bồ Tát, chẳng phải là cảnh giới của bậc Bồ Tát bình phàm, thường nói là Viên Giáo Nhất Thừa. Đương nhiên, nguyên lý ấy có thể bao gồm tất cả các pháp môn Đại Thừa, nhưng nếu quý vị chưa ngộ nhập cảnh giới ấy thì sẽ không được, vẫn thường là “lấy một, sót cả vạn”, đó là hiện tượng rất bình thường! Nhưng trong hết thảy các pháp môn, chẳng có pháp môn nào thù thắng hơn Niệm Phật. Ngẫu Ích đại sư đã nói rất rõ ràng: Cái tâm chúng ta có thể niệm Phật là Thỉ Giác, câu Phật hiệu được niệm là Bổn Giác. Trong lúc chúng ta khởi tâm niệm Phật, Thỉ Giác hợp với Bổn Giác, Thỉ và Bổn chẳng hai, sẽ là “toàn tu tức tánh”, quý vị mới có thể thật sự chứng đắc “hân yếm bổn Không” (ưa – chán vốn là Không). Đó là nói theo Lý; nhưng chúng ta chưa nhập cảnh giới ấy sẽ làm không được. Đến khi nào quý vị mới hiểu cảnh giới ấy đôi chút? Đến khi công phu thành phiến. Lúc công phu thành phiến, [vẫn là] hoàn toàn chưa chứng đắc, giống như chúng ta thấy lửa, chỉ đến gần, cảm nhận một chút hơi ấm. Trong địa vị ấy, trọn chẳng tiếp xúc với lửa, chỉ cảm thấy có chút hơi ấm. Khi nào mới nhập cảnh giới ấy? Niệm đến Lý nhất tâm bất loạn. Lý nhất tâm bất loạn, quý vị bèn chứng đắc cảnh giới ấy, ưa – chán vốn là Không!

          Ưa – chán vốn là Không, chúng ta đọc mấy câu kinh Kim Cang một lượt, chư vị sẽ thể nghiệm sâu hơn một chút. Kinh Kim Cang dạy: “Phàm tất cả những gì có tướng đều là hư vọng”. Ưa – chán là tướng, “vốn Không” là hư vọng. “Hết thảy các pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”, ưa – chán là pháp hữu vi, nên nó là mộng, huyễn, bọt, bóng. Chúng ta ai nấy đều biết niệm kinh Kim Cang, nhưng chẳng nhập cảnh giới ấy! Nhập cảnh giới ấy sẽ đại tự tại, giống như trong Tâm Kinh, “Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời”, tức là khi đã chứng đắc “toàn tu tức tánh, ưa – chán vốn không” chính là lúc “hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa, chiếu kiến Ngũ Uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách”. Hết thảy khổ là đối với những nỗi khổ của lục đạo phàm phu, Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát, người ấy thảy đều chẳng còn nữa, đã thành Phật! Nỗi khổ của chúng sanh trong chín pháp giới, người ấy đều rời khỏi, đều thoát sạch. Tuy Tâm Kinh chỉ có hai trăm sáu mươi chữ, nhưng cảnh giới ấy rất cao, đó là cảnh giới nơi quả địa Như Lai, thật sự chẳng thể nghĩ bàn!

          Nói đến đây, chúng ta hãy nên hiểu sự thù thắng của pháp môn này, thù thắng ở chỗ nào? Là dùng niệm Phật, niệm một câu A Di Đà Phật bèn có thể đạt tới cảnh giới ấy, quá thù thắng! Đại Thế Chí Bồ Tát đã nói: “Bất giả phương tiện, tự đắc tâm khai”, [nghĩa là] chẳng cần nhờ đến sự giúp đỡ của pháp môn nào khác, một câu Phật hiệu cứ niệm đến cùng, thành tâm thành ý niệm, thật thà niệm Phật, hãy chú trọng hai chữ Thật Thà. Thật Thà là dùng tâm chân thành để niệm một câu Phật hiệu; tâm chân thành chính là bổn tánh của quý vị. Tám thức là vọng tâm, thật thà, chân thành là chân tâm. Chân tâm là bổn tánh, là Chân Như, Chân Như bổn tánh. Dùng Chân Như bổn tánh để niệm câu A Di Đà Phật này, há lẽ nào chẳng phải là Thỉ Giác hợp Bổn Giác ư? Sách Yếu Giải đã giảng rõ ràng, thấu triệt như thế!

          (Sao) Huống An Dưỡng nhất môn, chư Phật cộng tán.

          () 況安養一門,諸佛共讚。

          (Sao: Huống chi một môn An Dưỡng được chư Phật cùng khen ngợi).

          “An Dưỡng nhất môn” là pháp môn Tịnh Độ. Người thế gian học Phật rất nhiều, người không học Phật chẳng nói làm chi, họ chẳng biết Tịnh Độ tốt đẹp! [Người học Phật mà] chẳng biết Tịnh Độ tốt đẹp, nói thật ra là do xem nhẹ kinh điển Tịnh Độ, chẳng nghiêm túc nghiên cứu, chẳng đổ công sức nơi đó, nên chẳng biết những điều hay trong các kinh ấy. An Dưỡng là Cực Lạc, là thế giới Cực Lạc. “Chư Phật cộng tán” (chư Phật cùng khen ngợi), mười phương ba đời hết thảy chư Phật chẳng vị Phật nào không tán thán Tây Phương Cực Lạc thế giới, chẳng có vị Phật nào không tán thán A Di Đà Phật. Kinh Vô Lượng Thọ ca ngợi A Di Đà Phật “quang trung cực tôn, Phật trung chi vương” (quang minh tôn quý nhất, vua của chư Phật). Thật sự học Phật thông đạt thì không ai chẳng quay về chuyên tu Tịnh Độ, cầu sanh Tịnh Độ.

          Cổ đức như Mã Minh, Long Thọ Bồ Tát đều là đại thông gia, bậc trí huệ. Ngài Vĩnh Minh, tức Vĩnh Minh Diên Thọ đại sư, là bậc đại triệt đại ngộ trong Thiền Tông quay trở lại nghiên cứu Giáo. Chúng ta nhìn vào Đại Tạng Kinh, cảm thấy [đồ sộ] đáng sợ, lão nhân gia có khả năng cô đọng Đại Tạng Kinh thành một bộ Tông Kính Lục. Tông Kính Lục do Vĩnh Minh Diên Thọ đại sư soạn được gọi là Tiểu Tạng Kinh. Tông Kính Lục là gì? Là cô đọng của toàn thể Đại Tạng Kinh. Bậc thông Tông, thông Giáo quay về chuyên tu Tịnh Độ, chuyên hoằng dương Tịnh Độ, trở thành tổ sư đời thứ sáu của Tịnh Độ Tông. Tổ thứ sáu của Tịnh Độ Tông là Vĩnh Minh Diên Thọ đại sư, là bậc trí huệ trong tông Hoa Nghiêm.

          Cận đại, cư sĩ Hạ Liên Cư, bản kinh Vô Lượng Thọ chúng ta đang nghiên cứu hiện nay là bản hội tập của cư sĩ Hạ Liên Cư. Trong quá khứ, chúng tôi chỉ biết Hạ cư sĩ là một vị rất lỗi lạc. Trong thời Kháng Chiến, trong giới Phật giáo có câu nói: “Nam Mai, Bắc Hạ”, [có nghĩa là] phía Nam [Trung Hoa, người thâm nhập Phật giáo bậc nhất] là Mai Quang Hy, ở phương Bắc là Hạ Liên Cư. Thuở ấy, họ được giới Phật giáo gọi là “nhị đại sĩ”. Đại Sĩ là danh hiệu tôn xưng Bồ Tát, nhị đại sĩ! Đối với cư sĩ Mai Quang Hy, chúng tôi cảm thấy quen thuộc đôi chút, chứ đối với Hạ cư sĩ thì xa cách, nguyên do là chúng tôi ở Đài Loan, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam có công đức rất to đối với Phật giáo Đài Loan, cụ ở Đài Trung giáo hóa suốt bốn mươi năm. Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam là học trò của cụ Mai Quang Hy, nên chúng tôi cảm thấy cụ Mai khá thân thuộc.

          Lần này, tôi từ Mỹ quay về, đọc lá thư đầu tiên của lão cư sĩ Hoàng  Niệm Tổ viết cho các đồng tu tại Mỹ, họ có đưa bản photocopy cho tôi xem. Ở Bắc Kinh, tôi và cụ đã gặp mặt nhưng chưa trò chuyện [về vấn đề này]. Trong thư ấy, [cụ Hoàng] viết như thế nào? Cụ cho biết, lúc tuổi già, thầy Mai còn bái cụ Hạ Liên Cư làm thầy, chúng ta phải đặc biệt chú trọng câu này. Cư sĩ Mai Quang Hy là cậu của cụ Hoàng Niệm Tổ, cậu của cụ Niệm Tổ gởi cụ sang chỗ cụ Hạ Liên Cư để học Phật. Cụ Hoàng theo cư sĩ Hạ Liên Cư hai mươi năm, nên thật sự đạt được chân truyền của Hạ cư sĩ. Không ngờ cậu cụ Hoàng đến lúc tuổi già vẫn bái cụ Hạ Liên Cư làm thầy! Quý vị liền hiểu: Đối với sự thành tựu của cư sĩ Hạ Liên Cư, có thể nói khẳng định chắc chắn là cụ đã có sở đắc.

          Hai vị này đều là đại thông gia, họ đã học Thiền, học Mật, học Giáo, thứ gì cũng đều thông đạt, vào tuổi già chuyên tu Tịnh Độ, chuyên hoằng dương Tịnh Độ. Nhất là cư sĩ Hạ Liên Cư, không chỉ hội tập kinh Vô Lượng Thọ được cả cõi đời tán thán, mà còn đặc biệt san định một phương pháp và nghi thức tu Tịnh Độ, lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ trao cho tôi phương pháp ấy, hy vọng tôi sẽ ấn hành, lưu thông tại Đài Loan. Vì ở Đại Lục chưa từng có, nên cụ đem mấy tác phẩm của thầy Hạ giao cho tôi. Lần này tôi trở về, thấy vậy, bèn [ấn hành] một bản in gộp chung hai nghi thức do cư sĩ Hạ Liên Cư biên soạn: Tịnh Tu Tiệp Yếu là một phương pháp tu hành đơn giản nhất, Bảo Vương Tam Muội Sám phức tạp hơn một chút. Có thời gian thì quý vị dùng Bảo Vương Tam Muội Sám. Nếu công việc hết sức bận rộn, hãy dùng Tịnh Tu Tiệp Yếu.

           Nội dung sách Tịnh Tu Tiệp Yếu tuân theo kết cấu trong bộ Vãng Sanh Luận của Thiên Thân Bồ Tát, luận ấy là một thứ trong Tịnh Độ Tam Kinh Nhất Luận. Do trong Vãng Sanh Luận, Thiên Thân Bồ Tát đã nói tu Tịnh Độ có ngũ niệm pháp, nên cụ Hạ bèn căn cứ trên ngũ niệm pháp. Trong ngũ niệm pháp, có lễ bái, quán tưởng, phát nguyện, xưng danh, hồi hướng, cụ Hạ dựa trên năm loại phương pháp ấy. Năm loại phương pháp ấy đều được bao gồm trong mỗi lạy lễ Phật, [Tịnh Tu Tiệp Yếu] có tổng cộng ba mươi hai lạy, không nhiều lắm, vô cùng hay, sáng tối đều có thể dùng phương pháp này. Ba mươi hai lạy, trong mỗi lạy đều có quán tưởng. Sau khi quán tưởng xong, xưng Phật hiệu ba lượt, tức là niệm ba câu Phật hiệu bèn lễ một lạy. Trong quán tưởng, đương nhiên bao gồm phát nguyện và hồi hướng. Nội dung quán tưởng của cụ dựa trên kinh Vô Lượng Thọ, quán tưởng công đức cùng với y báo và chánh báo trang nghiêm của Tây Phương Cực Lạc thế giới Di Đà, Quán Âm, Thế Chí, cũng có thể nói: Suy ra, toàn bộ ba mươi hai lạy ấy là ôn tập kinh Vô Lượng Thọ từ đầu đến cuối một lần, đúng là tuyệt diệu! Tôi xem xong, rất bội phục, trong một thời gian ngắn ngủi đã ôn tập kinh này một lần. Mỗi sáng, quý vị tụng niệm khóa sáng, buổi tối niệm khóa tối, tức là buổi sáng ôn tập một lần, buổi tối ôn tập một lần, vô cùng hay, thật sự khó có!

           Bảo Vương Tam Muội Sám còn gọi là Trường Thọ Sám vì Tây Phương Cực Lạc thế giới trường thọ! Bản ấy so ra phức tạp hơn một chút, khi lạy sợ phải mất chừng một tiếng rưỡi! Hy vọng các đồng tu có thể luyện tập nghi thức này. Nếu luyện tập rất thuần thục, vào dịp Tết năm nay, những năm trước chúng ta luôn lễ một ngàn vị Phật, năm nay có thể lạy theo nghi thức này, nhưng nghi thức nhất định phải thuộc. Không quen thuộc thì lễ bái rất loạn, chẳng đúng pháp. Đây là một cách tu hành hoàn toàn tương ứng với kinh luận, vô cùng khó có!

          Tôi đọc những trước tác của Hạ cư sĩ, cảm thấy chúng sanh chúng ta trong đời này có phước. Sau khi cụ soạn xong, tại Đại Lục chẳng có cách nào lưu thông, bản gốc của cụ ở Đại Lục, tôi đem về một bản chép tay. Tôi cầm bản chép tay về vì ở Đại Lục chưa hề in, có rất nhiều người phát tâm chép lại, nói chung cũng chép được chẳng ít bản. Tịnh Tu Tiệp Yếu in bằng ronéo, tạo bản gốc bằng giấy sáp (Stencil), chữ viết bằng bút sắt[2] rồi đem in ronéo, ở Đại Lục vẫn chưa có sách. Nay chúng ta đã in thành sách, gởi về Đại Lục cúng dường họ tu hành, chúng ta có phước báo! Tôi nghĩ họ trông thấy [những cuốn sách ấy], nhất định sẽ vô cùng hoan hỷ!

          Chú giải kinh Vô Lượng Thọ, chúng ta in một vạn cuốn, mỗi vị đồng tu đều có thể thỉnh một quyển về nhà. Về nhà đọc bản chú giải ấy, thứ Tư, thứ Bảy tới đây nghe giảng, tôi giảng không giống với lời chú giải cho lắm, có thể để cho quý vị tham khảo. Cụ có báo cáo tâm đắc của cụ, tôi cũng có báo cáo tâm đắc của tôi, có thể tham cứu lẫn nhau. Vì thế, quý vị đọc những kinh luận ấy thông suốt rồi mới hiểu [vì sao] chư Phật tán thán. Vì thế, chúng ta có thể khẳng định một câu, “pháp môn này là pháp môn bậc nhất để mười phương ba đời hết thảy chư Phật độ chúng sanh thành Phật đạo”, thế mà chúng ta có được, chẳng dễ dàng! Tuyệt đối chẳng phải là may mắn, mà là do thiện căn, phước đức, nhân duyên trong đời quá khứ của mọi người đã hiện tiền, được Tam Bảo gia trì, được oai thần của Phật Di Đà gia trì, nên chúng ta mới có thể gặp pháp môn bậc nhất này, gặp gỡ pháp môn thành Phật chân thật này. Đúng như cổ nhân đã nói “vô lượng kiếp dĩ lai hy hữu nan phùng chi nhất nhật” (một ngày hiếm có, khó gặp từ vô lượng kiếp đến nay), chúng ta đã gặp!

          Nhân duyên của Hạ lão cư sĩ chín muồi ở chỗ chúng ta, nên ở mỗi nơi trên cả thế giới, tôi thường nói, chúng tôi đem những bộ sách này tặng họ. Đã tặng rồi, còn phải đích thân tới đó giới thiệu, thuyết minh. Nếu không, họ chẳng biết giá trị! Họ chẳng biết đây là pháp bảo bậc nhất trong hết thảy các pháp, phải đến đó, buốt lòng rát miệng giới thiệu với họ, họ mới hiểu rõ, mới chịu tu tập! Nếu không, quý vị tặng sách cho họ, họ bày ở kệ sách giống như các sách Phật thông thường, thấy một cuốn sách dày cộp như vậy, vừa nhìn đã thấy ngán ngẩm, chẳng dám đọc! Người hiện thời thích gì? Đơn giản, dễ hiểu, tập sách nhỏ mỏng mảnh được hoan nghênh nhất!

          Do vậy, tôi vẫn mong các đồng tu nếu có thời gian, tốt nhất là quý vị viết một bản trích lược những chỗ trọng yếu, gần gũi, dễ hiểu trong chú giải kinh Vô Lượng Thọ, rất thích hợp để thế hệ hiện thời ứng dụng, tuyển chọn lần nữa từ bản chú giải này để biên soạn thành một cuốn sách nhỏ. Thích đơn giản bèn có bản đơn giản. Chẳng sợ rườm rà bèn có bản chi tiết, có bản gốc. Nhưng những phần trích lục giản lược ấy nhất định phải trung thực, đều là những câu trong bản chú giải, đừng nên thêm vào ý kiến của chính mình, chớ nên tự mình tăng thêm chữ, thật sự là một bản tiết lược. Chẳng hạn như một câu kinh văn có một đoạn giải thích rất dài, chúng ta chỉ lấy một hai câu là được rồi để soạn thành bản trích lược, làm như vậy để chính mình đọc sẽ rất hữu dụng. Bản tiết lục như vậy một khi được phổ biến, quý vị sẽ có thể tự giảng kinh này, xác thực là tự lợi, lợi tha. Đối với cái hay của kinh, đích xác phải thật sự thông đạt Đại Thừa Phật pháp thì mới liễu giải!

          (Sao) Vãng lai pháp giới, di hiển duy tâm, thác bỉ thắng duyên, tốc đăng bảo giác.

            () 往來法界,彌顯唯心,託彼勝緣,速登寶覺。

          (Sao: Qua lại pháp giới, duy tâm càng rõ rệt. Nhờ vào duyên thù thắng ấy để mau lên bảo giác).

          “Bảo giác” là thành Phật. “Vãng lai pháp giới”, vãng như thế nào? Lai như thế nào? “Vãng” là nói chúng ta cầu sanh Tịnh Độ, “lai” là từ Tây Phương Cực Lạc thế giới nương theo nguyện trở lại, giúp hết thảy hữu tình chúng sanh phá mê khai ngộ. Đối với “phá mê khai ngộ”, tôi phải nói với quý vị, chẳng phải là “phá mê khai ngộ” như trong Thiền Tông đã nói, cũng chẳng phải là phá mê khai ngộ trong hết thảy [các pháp môn] Đại Thừa, tôi nói tới [phá mê khai ngộ] trong tông này. Tông này phá mê gì? Hoài nghi, chẳng tin tưởng Tịnh Độ cho lắm, đó là mê. Khai ngộ gì? Thật sự nhận thức pháp môn này là pháp môn bậc nhất để chư Phật độ sanh thành Phật, hạ quyết tâm nỗ lực tiềm tu, niệm một câu Phật hiệu này đến cùng, chẳng hoài nghi, không gián đoạn, không xen tạp, đó là đại triệt đại ngộ, là người thật sự giác ngộ. Khăng khăng một mực tu pháp môn này bèn là giác ngộ chân chánh, giác ngộ chân thật. Thưa cùng quý vị, sự giác ngộ này vượt trỗi sự giác ngộ của Thiền Tông.

          Tuy nói sự giác ngộ trong Thiền Tông là minh tâm kiến tánh, “đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh”, nhưng đã kiến tánh thì sẽ như thế nào? Đã kiến tánh vẫn có thể bị thoái chuyển, cho nên chẳng bằng triệt ngộ trong Tịnh Độ! Triệt ngộ trong Tịnh Độ là hễ vãng sanh liền bất thoái chuyển, hạ hạ phẩm vãng sanh cũng viên chứng ba món bất thoái, Thiền làm sao có thể sánh bằng?

          Kinh Vô Lượng Thọ đã nói rất rõ rệt, vương tử A Xà Thế và năm trăm vị đại trưởng giả trong đời quá khứ trụ Bồ Tát đạo, từng cúng dường bốn trăm ức Phật. Có thể thấy thuở ấy, họ là Bồ Tát, nay biến thành vương tử, trưởng giả, đã lui sụt, thoái chuyển rồi, quên hết chuyện quá khứ, bị mê khi cách ấm. [Đã minh tâm kiến tánh] lại bị mê khi cách ấm, lại bị thoái chuyển, làm sao có thể sánh bằng người trong Tây Phương Cực Lạc thế giới? Người từ Tây Phương Cực Lạc thế giới đến ứng hóa trong bất luận thế giới nào đều chẳng bị mê khi cách ấm, chẳng bị thoái chuyển! Người ấy chỉ thị hiện, chẳng phải là thoái chuyển; chẳng thể nào sánh bằng! Cảnh giới đại triệt đại ngộ của Tịnh Độ Tông và đại triệt đại ngộ của Thiền Tông khác nhau, cách nói khác nhau! Do vậy, thật sự hiểu rõ, khăng khăng một mực tu học môn này, quyết tâm vãng sanh Tịnh Độ trong một đời này, đó là triệt để giác ngộ. Người như vậy được chư Phật tán thán, hộ pháp thiện thần ủng hộ, quyết định ủng hộ, nên quý vị chẳng gặp hết thảy tai nạn. Huống chi kinh đã nói rõ ràng, A Di Đà Phật phái hai mươi lăm vị Bồ Tát ngày đêm bảo hộ người như vậy, chúng ta phải tin tưởng điều này! Do vậy, Vãng là vãng sanh, Lai là quay trở về phổ độ chúng sanh, trở vào Sa Bà.

          Sa Bà, Cực Lạc, cho đến vô lượng vô biên cõi nước trong tận hư không khắp pháp giới đều do nhất tâm của chúng ta hiện ra, “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Nói theo tâm tánh, chẳng có đến hay đi. Vì thế, theo Lý thì chẳng có vãng lai, nhưng trên mặt Sự bèn có vãng lai. Trên mặt Sự thì có vãng, có lai, nhưng theo Lý thì chẳng có. Phật pháp thường nói “bất nhất, bất dị” (chẳng một, chẳng khác), “bất nhất” là có vãng lai, “bất dị” là chẳng có hai thứ. Vãng Lai xét về Sự lẫn Lý đều chẳng có, như vậy thì mới có thể thật sự thấu hiểu rõ rệt “duy tâm”. Nếu chẳng có những hiện tượng ấy, dựa vào đâu để hiểu “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”? Nhất định phải có dấu vết, hình tượng để tìm kiếm, từ những dấu vết, hình tượng ấy bèn ngộ nhập, ngay lập tức hiểu rõ. Vì thế, vãng lai mà thật ra chẳng vãng lai. Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận có nói: “Sanh tắc quyết định sanh, khứ tắc thật bất khứ” (sanh thì quyết định sanh, nhưng đi thì thật sự chẳng đi). “Khứ tắc thật bất khứ”: Nói theo Lý là “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”, chẳng có vãng lai. “Sanh tắc quyết định sanh” là nói theo Sự, quyết định là có! Nói theo Lý là nhất như, vạn pháp nhất như; vì thế, nói theo Lý bèn chẳng có sanh diệt, chẳng có vãng lai. Phải biết điều này tuyệt đối chẳng phải là mâu thuẫn.

          Hai câu tiếp đó rất trọng yếu, “thác bỉ thắng duyên, tốc đăng bảo giác” (dựa vào duyên thù thắng ấy, mau chóng lên bảo giác), chữ Duyên đặc biệt chỉ tăng thượng duyên. Duyên phận ấy quá thù thắng, đó là nói “niệm Phật thành Phật”. Người thật sự tu Tịnh Độ, tôi vừa mới thưa cùng chư vị, ở ngoại quốc chúng tôi thành lập bảy Tịnh Tông Học Hội, bản thân chúng tôi đương nhiên muốn thành lập, chẳng thành lập sẽ không an lòng. Tịnh Tông Học Hội do cư sĩ Hạ Liên Cư đề xướng, cụ hy vọng dùng tổ chức ấy để chuyên tu Tịnh Độ, chuyên hoằng dương Tịnh Độ, ý tưởng ấy vô cùng hay. Tịnh Tông Học Hội đề xướng “giải hành tương ứng”, không chỉ cầu giải, mà còn coi trọng chân tu. Giải chủ yếu là nương theo năm kinh một luận, lý luận, phương pháp, và cảnh giới để chúng ta nương theo là năm kinh một luận của Tịnh Độ. Trong hành môn bèn có thứ lớp, trước tiên phải nương theo tam phước. Trong quá khứ, chúng tôi đã giảng kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật. Đức Thế Tôn khai thị cho phu nhân Vy Đề Hy, trước khi giảng phương pháp tu hành, bèn trước hết nói về ba thứ Tịnh nghiệp, tức là tam phước. Trong phần tổng kết, Ngài cho biết ba thứ ấy (ba phước) là “chánh nhân Tịnh nghiệp của tam thế chư Phật”, cái nhân ấy thù thắng. Ba điều ấy gồm mười một câu, chúng ta nhất định phải làm được, đó là tu hành! Đó là đại căn đại bản trong tu Tịnh Độ, là cơ sở của “phát tâm Bồ Đề, một bề chuyên niệm”. “Phát tâm Bồ Đề, một bề chuyên niệm” được kiến lập trên cơ sở ba món Tịnh nghiệp, mỗi câu Phật hiệu của quý vị đều tương ứng, quý vị mới có thể nói “một câu Phật hiệu diệt trừ trọng tội trong tám mươi ức kiếp sanh tử”, mới có thể diệt được! Quý vị niệm câu Nam-mô A Di Đà Phật hằng ngày, nhưng chẳng có ba thứ Tịnh nghiệp ấy thì Phật hiệu chẳng có sức mạnh, chẳng khởi tác dụng.

          Điều thứ nhất trong tam phước gồm bốn câu, “hiếu dưỡng phụ mẫu”, chúng ta có tận tâm tận lực thực hiện hay không? Nếu quý vị chẳng thể tận tâm tận lực hiếu thuận cha mẹ, quý vị niệm A Di Đà Phật uổng công, chẳng thể vãng sanh! “Phụng sự sư trưởng”: Hiếu thân, tôn sư, mở đầu bằng hai câu ấy, vì sao phải hiếu thảo với cha mẹ? Vì sao phải tôn kính thầy? Chư vị phải hiểu: Hiếu thân tôn sư là Tánh Đức, là phẩm đức trong bổn tánh. Chỉ có Tánh Đức mới có thể khai phát quang minh trong tự tánh, mới có thể khai phát vô lượng công đức trong tự tánh, đó là công cụ! Quý vị chẳng dùng công cụ của Tánh Đức, làm sao quý vị có thể khai phát Tánh Đức? Chẳng hiếu thảo với cha mẹ, chẳng tôn kính thầy, sẽ chẳng có tác dụng! Phật đến dạy quý vị, quý vị vẫn chẳng có cách nào thành tựu. Chúng ta hiểu ý nghĩa thật sự của việc “hiếu thân tôn sư”, thật sự có lý, mới bèn khăng khăng một mực thực hiện, chẳng phải là miễn cưỡng nữa!

          Chẳng hiểu rõ đạo lý này, ta tôn kính thầy để làm gì? Mọi người đều chẳng tôn kính thầy, vì sao ta phải kính thầy? Mọi người đều chẳng hiếu thuận cha mẹ, vì sao ta phải hiếu thuận cha mẹ? Mọi người đều đọa tam ác đạo, quý vị có muốn đọa tam ác đạo hay không? Mọi người đều đọa tam ác đạo, đương nhiên ta cũng phải đến đó! [Nếu trả lời] như vậy thì chẳng còn nói gì nữa, chẳng cần phải bàn luận nữa! Mọi người đều đến tam ác đạo, mọi người luân hồi trong lục đạo, quý vị muốn thành Phật, thành Bồ Tát, vậy thì quý vị chẳng thể làm gì khác hơn là hiếu thuận cha mẹ, tôn kính sư trưởng, chẳng còn bàn cãi gì nữa! Chẳng giống như mọi người! Xác thực là khác nhau. Do vậy, nhất định phải hiểu rõ lý luận, mới biết vì sao chúng ta phải làm theo cách như vậy. Cách làm ấy có lý, có công đức chân thật. Sau đấy mới là “từ tâm chẳng giết chóc, tu mười thiện nghiệp”. Vì thế, hai câu đầu tiên là đại căn đại bản.

          Phước thứ hai là “thọ trì Tam Quy, trọn đủ các giới, chẳng phạm oai nghi”, điều này cũng có vấn đề rất lớn. Nay chúng ta nói đến Tam Quy, rất nhiều người nói: “Quy y một vị pháp sư nào đó”, sai mất rồi! Tam Quy là Tam Tự Quy, tức là quy y Tự Tánh Tam Bảo, đó là Tam Quy chân chánh. Quy y Phật là giác chứ không mê, từ mê hoặc, điên đảo, quay lại nương theo giác, tức là nương theo tự tánh giác, đó là quy y Phật. Quy y Pháp, Pháp là chánh tri chánh kiến, cũng là tư tưởng và kiến giải được nói trong kinh điển. Chúng ta niệm mỗi ngày, đối chiếu tư tưởng và kiến giải của chúng ta với các điều ấy; nếu giống nhau thì tư tưởng và kiến giải của chúng ta chính xác. Nếu khác nhau, chúng ta phải sửa đổi tư tưởng và kiến giải của chính mình, chiếu theo kinh luận để tu chỉnh tư tưởng và kiến giải của chính mình, đó là “chánh chứ không tà”. Đối với các pháp thế gian và xuất thế gian, đối với vũ trụ và nhân sinh, qua xử sự, đãi người, tiếp vật trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta phải có cách nghĩ và cách nhìn tương ứng với kinh điển, tri kiến ấy là chánh tri chánh kiến, đó là quy y Pháp. Quy y Tăng, Tăng có nghĩa là thanh tịnh, sáu căn thanh tịnh, chẳng nhiễm mảy trần. Tăng nghĩa là hòa hợp, Lục Hòa Kính. Như thế mới là Tam Quy Y! Chẳng phải là bái một vị pháp sư, “ta đã quy y rồi, ta quy y pháp sư X…”, đó là mê hoặc, điên đảo. Quy y kiểu ấy là quy y để vào tam đồ, đáng sợ quá! Do vậy, chúng ta nhất định phải hiểu rõ ràng, nhất định phải thật sự giác ngộ.

          “Trọn đủ các giới”, hiện thời rất ít người nói tới giới. Có phải là chúng ta phải đọc giới kinh, niệm giới bổn hằng ngày hay không? Chiếu theo nghi thức để làm sẽ là giới Tiểu Thừa. Giới Tiểu Thừa trọng hình thức, Tiểu Thừa luận sự, chẳng luận tâm. Sự là hình thức, họ rất coi trọng hình thức, chẳng coi trọng tâm. Giới Đại Thừa luận tâm, chẳng luận sự, không đặt nặng hình thức, mà chú trọng tâm lý. Do vậy, tinh thần giới luật của Đại Thừa và Tiểu Thừa khác nhau. Lại thưa cùng chư vị, [tông phái] coi trọng nghi thức nhất trong Phật môn là Mật Tông, nghi thức trong bất cứ tông nào cũng chẳng rắc rối bằng. Những nghi thức phức tạp của họ thoạt đầu có dụng ý rất hay, vì sao? Nghi thức, lễ tiết quá nhiều, khiến cho quý vị chẳng thể suy nghĩ loạn xạ, tinh thần đều tập trung hòng thực hiện nghi thức ấy, nhằm vào dụng ý ấy; nhưng pháp ấy thực hiện đã lâu tự nhiên biến thành hình thức, trong tâm chẳng còn nữa, chỉ có bề ngoài. Vì thế, đâm ra chẳng bằng không cần đến những hình thức ấy.

          Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ cũng giống như thầy của cụ, thông Tông, thông Giáo, Hiển Mật viên dung. Cụ là Kim Cang Thượng Sư trong Mật Tông, có viết một tập sách nhỏ nhan đề Tịnh Độ Tư Lương Cốc Hưởng Tập. Sách ấy cũng được in rất nhiều, mỗi vị đồng tu nhất định phải đọc, vì sao? Sau khi quý vị đọc cuốn sách ấy, mới hiểu chân tướng Mật Tông và thói tệ trong Mật Tông hiện thời. Cụ là Thượng Sư trong Mật Tông, nhưng chẳng đề xướng Mật Tông, quá nửa [tác phẩm ấy] nhằm khuyên người học Mật hãy tu Tịnh Độ. Cho dù quý vị học Mật, cụ chỉ định ba bộ sách nhất định phải đọc: Thứ nhất là kinh Vô Lượng Thọ, thứ hai là Di Đà Kinh Yếu Giải của Ngẫu Ích đại sư, bộ thứ ba là Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm. Cụ nói: “Quý vị học Mật nhất định phải đọc ba bộ sách ấy. Chẳng đọc ba bộ sách ấy, rất dễ đi vào Tà Mật”. Nói cách khác, dùng ba bộ kinh ấy để sửa đổi cho đúng quan niệm và tư tưởng của quý vị, chẳng đi vào ngõ rẽ. Đọc thông suốt ba bộ sách ấy, tôi nghĩ người ấy nhất định niệm A Di Đà Phật, cầu sanh Tịnh Độ. Bởi lẽ, một câu Nam-mô A Di Đà Phật là đại thần chú, đại minh chú, vô thượng chú, vô đẳng đẳng chú, đều là gì? Nam-mô A Di Đà Phật, chẳng sai chút nào! Do vậy, trước tác của Hoàng lão cư sĩ đáng để cho chúng ta nghiên cứu.

          Lần này tôi ở Washington DC, có một vị đồng tu từ Bắc Kinh đến Mỹ, Hoàng lão cư sĩ đặc biệt bảo người ấy mang theo một bộ băng thâu âm, gần đây cụ giảng Hoa Nghiêm Niệm Phật Tam Muội Luận, giảng hết sức hay, giảng đặc sắc tột bậc. Hoa Nghiêm Niệm Phật Tam Muội Luận do cư sĩ Bành Tế Thanh biên soạn trong niên hiệu Càn Long nhà Thanh. Cả một bộ Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh đã được ông ta đưa về niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, đúng là đơn giản, ngắn gọn, dựa theo lý luận trong kinh Hoa Nghiêm để niệm Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, mà cũng là phương pháp tu hành trong kinh Hoa Nghiêm, đúng là phương pháp tu hành “thác bỉ thắng duyên, tốc đăng bảo giác” của kinh Hoa Nghiêm.

          Cổ đức cũng nói rõ, “thắng duyên” có hai thứ:

          – Một thứ là bản thân quý vị trọn đủ, kinh Di Đà nói là “thiện căn, phước đức, nhân duyên”: “Chẳng thể do chút thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sanh về cõi ấy”. Chư vị đang hiện diện trong hội này đều là thiện căn, phước đức, nhân duyên trọn đủ, khó có lắm, thù thắng khôn sánh!

          – Nhân duyên thứ hai là chư Phật, Bồ Tát làm tăng thượng duyên cho chúng ta. Không chỉ là Thích Ca Mâu Ni Phật, không chỉ là A Di Đà Phật, mà mười phương chư Phật đều làm tăng thượng duyên cho chúng ta. Quý vị mở Di Đà kinh ra, [sẽ thấy] sáu phương Phật đều khuyên chúng ta niệm Phật, cầu sanh Tây Phương Cực Lạc Tịnh Độ. Trong kinh Vô Lượng Thọ, mười phương Phật khuyên chúng ta tu hành, đấy là chư Phật, Bồ Tát trợ duyên cho chúng ta. Chúng ta chuyên tu, kết duyên này, chúng ta chuyên hoằng, tức là nói giống hệt như chư Phật, Bồ Tát, chí đồng đạo hợp! Vì thế, chúng ta hãy lắng lòng suy nghĩ, cá nhân chúng ta đời đời kiếp kiếp có bao nhiêu thời gian để làm một chút chuyện cho chư Phật, Bồ Tát, điều này thật sự có ý nghĩa! Làm thay cho chư Phật, Bồ Tát như thế nào? Hoằng dương Tịnh Độ là làm thay cho chư Phật, Bồ Tát. Chư Phật, Bồ Tát thuyết pháp độ sanh trong vô lượng vô biên thế giới, pháp bậc nhất phải nói là pháp môn này. Kinh Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ là những kinh phải nói bậc nhất, mong nói đầu tiên. Nói thật ra, pháp môn này đã dạy rõ ràng, mọi người đã có thể tiếp nhận thì hết thảy các kinh khác chẳng cần phải giảng nữa! Do họ chưa thể tiếp nhận pháp môn này, nên lại giảng kinh khác, dẫn dụ từ từ, vẫn là khuyên dụ quý vị trở về kinh này. Đó gọi là “ngàn kinh vạn luận, chỗ nào cũng chỉ về”, đều quy về chỗ này.

          Dẫu cho quý vị tu học pháp môn khác, tu đến cuối cùng, đến thế giới Hoa Tạng, Nhất Chân pháp giới, chứng đắc Địa Thượng Bồ Tát, đã đăng địa, là Đại Bồ Tát, Ma Ha Tát. Đăng địa bèn như thế nào? Đăng địa bèn niệm Phật, thật thà! Trước khi đăng địa, chẳng thật thà, đăng địa chắc chắn là thật thà! Kinh Hoa Nghiêm nói “Thập Địa Bồ Tát từ đầu đến cuối chẳng lìa niệm Phật”, đầu là Sơ Địa, cuối là Pháp Vân, tức Thập Địa. Sau khi đăng địa, đại triệt đại ngộ, hiểu pháp môn này là pháp môn thành Phật; do vậy, đăng địa mới là thật thà niệm Phật. Chưa đăng địa, giống như quý vị trong hiện thời, chưa thật thà, xét ra vẫn có thể khoan dung được, đó là chuyện phải như vậy! Quý vị mà thật thà sẽ là chuyện kỳ quái! Hễ quý vị thật thà, sẽ chẳng kém các vị Địa Thượng Bồ Tát. Địa Thượng Bồ Tát cũng bội phục quý vị, vì họ mới vừa đạt thật thà! Nếu quý vị đạt đến trình độ như các Ngài thì cũng thật thà, tuyệt lắm! Thiện căn chẳng thể nghĩ bàn đã phát hiện! Do vậy, khi đăng địa bèn hiểu rõ triệt để, như Mã Minh, Long Thọ đều là Địa Thượng Bồ Tát. Chúng ta nhất định phải hiểu rõ ràng, minh bạch những điều này, sẽ có thể phát tâm làm việc thay cho Phật, Bồ Tát. Nhân duyên như thế đúng là chỉ có thể gặp, chẳng thể cầu. Được gặp tức là đại phước đức, đại nhân duyên, chớ nên coi rẻ, bỏ lỡ!

          Trong tam phước, nói đến trì giới, nói thật ra, trì giới là vâng giữ pháp tắc, tuân thủ quy củ. Tuân thủ những giáo huấn do đức Phật đã ban bố trong kinh điển, chúng ta đều có thể thực hiện được, đó là trì giới, không tất yếu phải cầu tìm các giới điều, vì sao? Rất nhiều điều trong giới kinh đều là phong tục, tập quán xa xưa của Ấn Độ từ ba ngàn năm trước. Nay quý vị có đọc cũng chẳng hiểu, làm sao thực hiện được? Vì sao? Cách sống của chúng ta trong hiện thời hoàn toàn khác hẳn họ. Do vậy, thật sự trì giới, nói thật thà là chỉ cần trì Sa Di Luật Nghi tốt đẹp là được rồi. [Sa Di Luật Nghi] gồm mười giới điều và hai mươi bốn oai nghi.

          Trong mười giới điều, vẫn có mấy điều ta không làm được. [Chẳng hạn như] “thủ bất trì kim ngân” (tay không cầm vàng bạc), trên thân quý vị không đem theo tiền thì hiện thời quý vị đi đường sẽ bị trở ngại, quý vị chẳng thể không đem theo. Hễ đem theo tức là phá giới mất rồi! Thích Ca Mâu Ni Phật sống vào thời đại đó, nếu sống trong thời đại hiện tại này, có lẽ sẽ hủy bỏ giới điều này, vì sao? Giới điều này chẳng thể thực hiện được, hình thái xã hội đã khác hẳn. Trong xã hội trước kia thì được, chẳng có vấn đề gì, người xuất gia có thể không cầm tiền theo, vì sao? Đi tới đâu, người ta thấy người xuất gia đều cúng dường quý vị. Hiện thời thì chẳng được, xã hội khác hẳn, điều này gọi là “khai giới”. Sa Di Luật Nghi thì chúng ta có thể đều làm được, như vậy sẽ rất tốt đẹp. Ấn Quang đại sư dùng Cảm Ứng Thiên, Liễu Phàm Tứ Huấn, và An Sĩ Toàn Thư thay cho giới luật. Khá nhiều đồng tu đều biết lão pháp sư Ấn Quang là Tây Phương Đại Thế Chí Bồ Tát tái lai. Ngài dạy chúng ta điều này chắc chắn là chẳng sai lầm, chúng ta có thể làm theo phương pháp ấy!

          Trong phước thứ ba, điều đầu tiên là nói “phát Bồ Đề tâm”, điều này chẳng cần phải rườm lời! Điều thứ hai là “tin sâu nhân quả”. Câu này rất đáng nghiên cứu, vì phước thứ ba là phước báo của Bồ Tát, nhằm nói với Bồ Tát. Bảo Bồ Tát “tin sâu nhân quả” thì nhân quả ấy chẳng phải là nhân quả thông thường, vì nhân quả thông thường thì Bồ Tát đã biết rồi. Nhân quả gì vậy? “Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả”, đích xác là rất nhiều Bồ Tát không biết loại nhân quả này. Nếu Bồ Tát đã biết, sẽ chẳng đi theo rất nhiều con đường oan uổng, trong một đời bèn thành Phật, quyết định thành Phật. Vị ấy sẽ chẳng còn tu pháp môn khác. Vẫn muốn tu pháp môn khác, tức là vẫn chưa biết nhân quả này, vẫn chưa tin tưởng, chưa thể tiếp nhận. Do đó, suốt đời này, vị ấy vẫn chưa thành Phật, vẫn chẳng thể đến Tây Phương. Chẳng thể đến Tây Phương, dẫu là Bồ Tát, vẫn bị mê khi cách ấm, còn bị thoái chuyển, điều này rất đáng sợ! Vì thế, nhất định phải giác ngộ, trong một đời này, phải phát nguyện quyết định vãng sanh.

          Quay lại làm người, có rất nhiều người phát tâm muốn đời sau làm pháp sư hòng vẫn hoằng pháp lợi sanh, đều là đang nằm mơ! Đều là mê hoặc, điên đảo. Đời sau lại làm pháp sư phổ độ chúng sanh thì phải nên làm như thế nào? Tới thế giới Cực Lạc trước, sau khi gặp A Di Đà Phật bèn tái lai, có được hay không? Được chứ! Kinh Vô Lượng Thọ đã giảng rất rõ ràng: Chỉ cần quý vị gặp mặt A Di Đà Phật, quý vị lại quay về Sa Bà, có lợi ích gì? Thần lực của A Di Đà Phật gia trì khiến quý vị bất thoái chuyển, chẳng bị mê khi cách ấm, do chiếm được sự tiện nghi ấy, quý vị chẳng vãng sanh sẽ không được! Do đó, bốn hoặc năm nguyện cuối trong bốn mươi tám nguyện đều là vì các vị Bồ Tát trong các phương khác mà phát. Họ chưa vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ, nhưng được thần lực của A Di Đà Phật gia trì. Đó là “thác bỉ thắng duyên” (dựa vào nhân duyên thù thắng ấy), đó là nhân duyên thù thắng nhất, “tốc đăng bảo giác” (mau chóng lên ngôi bảo giác), chẳng có gì nhanh hơn được, thành Phật trong một đời.

          (Sao) Thật sanh vật quy thê chi chánh lộ.

          () 實生物歸棲之正路。

          (Sao: Đúng là chánh lộ để mọi loài chúng sanh quay về nương tựa).

           “Sanh” là chúng sanh, “thật” là thực tại. Xác thực là hết thảy chúng sanh, vì sao không nói người mà nói Vật? Nếu nói người thì chỉ có một đường trong lục đạo, nói Vật sẽ bao quát lục đạo. Chữ này có bao hàm ý nghĩa rộng rãi, không chỉ bao gồm lục đạo, mà còn bao gồm chín pháp giới. Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác, lục đạo chúng sanh, dùng một chữ Vật để đại diện trọn khắp. Do vậy, [câu này] ý nói [pháp môn Tịnh Độ] thật sự là “quy thê chi chánh lộ” của hết thảy chúng sanh trong chín pháp giới. “Quy” (歸) là quy túc (歸宿: quay về an trụ), Thê (棲) là Thê Tức (棲息), [nghĩa là] nghỉ ngơi, [pháp môn Tịnh Độ] thật sự là con đường chánh đáng để quy túc, thật sự nghỉ ngơi! Niệm Phật vãng sanh Tịnh Độ là một con đường chân chánh.

          (Sao) Nãi thánh nhân cấp dẫn chi diệu quyền dã.

          () 乃聖人汲引之妙權也。

          (Sao: Là phương tiện quyền biến khéo léo để dẫn dắt của thánh nhân).

          Hai chữ Diệu Quyền được dùng rất khéo! Quyền (權) là phương tiện, do đối ứng với chân thật mà nói. Diệu Quyền là chân thật, chẳng khác phương tiện, mà phương tiện chẳng khác chân thật. Nguyên lai Quyền và Thật là một, chẳng hai, đấy mới là Diệu! Đúng như trong phần trên đã nói “toàn tu tức tánh, toàn tánh khởi tu”, đó là Diệu Quyền! Vì vậy, thật sự làm được viên mãn hai câu ấy, đích xác là chỉ có một câu A Di Đà Phật, đúng là “toàn tánh khởi tu, toàn tu tức tánh”. Nhưng quý vị chưa thể thông đạt lý luận và cảnh giới Tịnh Độ, quý vị niệm câu Phật hiệu này, tuy niệm nhưng vẫn hàm hồ, chẳng hiểu rõ ràng cho lắm. Năm kinh một luận quý vị đều hiểu rõ ràng rồi, từng tiếng Phật hiệu sẽ rõ ràng, rành rẽ, xác thực là đều có thể cảm ứng đạo giao với mười phương chư Phật và hết thảy chúng sanh. Đó là “một niệm tương ứng một niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật”, trên tương ứng với chư Phật, dưới cũng tương ứng với hết thảy chúng sanh. Hôm nay đã hết thời gian rồi, chúng tôi giảng tới đây.

[1] Vô lượng trong hữu lượng: Vô lượng có hai cách hiểu:

  1. Không thể tính đếm được nên gọi là vô lượng.
  2. Vô lượng là tên một trong mười con số lớn theo toán pháp của cổ Ấn Độ. Dẫu con số ấy lớn đến mấy, vẫn tính được, vẫn có số lượng nhất định nên gọi là “vô lượng của hữu lượng”

[2] Gọi là bút sắt (thiết bút) là các loại bút thông thường, không phải là bút lông (mao bút) truyền thống chuyên dùng để viết chữ Hán.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *