#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 01-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA – TẬP 53/289
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang sáu mươi bảy:
(Huyền Nghĩa) Nhị, đặc ư vô lượng pháp môn xuất thắng phương tiện giả, nhập đạo đa môn, bổn vô giản trạch, hiểm di khúc trực, nan dị du phân, tắc vô lượng môn trung, Niệm Phật nhất môn, tối vi phương tiện. Lược trần hữu tứ: Nhất, bất trị Phật thế, đắc thường kiến Phật phương tiện. Nhị, bất đoạn Hoặc nghiệp, đắc xuất luân hồi phương tiện. Tam, bất tu dư hạnh, đắc Ba La Mật phương tiện. Tứ, bất kinh đa kiếp, đắc tật giải thoát phương tiện.
(玄義) 二 、 特於無量法門出勝方便者 , 入道多門,
本無揀擇,險夷曲直,難易攸分,則無量門中,念佛一門,最為方便。略陳有四:一不值佛世,得常見佛方便;二不斷惑業,得出輪迴方便;三不修餘行,得波羅密方便;四不經多劫,得疾解脫方便。
(Huyền Nghĩa: Hai, “đặc biệt trong vô lượng pháp môn nêu ra phương tiện thù thắng”: Có nhiều môn để vào đạo, vốn không chọn lựa, nhưng chia ra thành [các đường lối] hiểm trở, thông suốt, cong, thẳng, khó, dễ rất khác nhau, nên trong vô lượng môn, một môn Niệm Phật là thuận tiện nhất. Nêu đại lược thì có bốn điều như sau: Một, [đây là] phương tiện [khiến cho hành giả] dù không gặp lúc Phật tại thế mà vẫn thường được thấy Phật. Hai, [đây là] phương tiện [khiến cho hành giả] chẳng đoạn Hoặc nghiệp mà vẫn thoát luân hồi. Ba, [đây là] phương tiện [khiến cho hành giả] chẳng tu các hạnh khác mà đắc Ba La Mật. Bốn, [đây là] phương tiện [khiến cho hành giả] chẳng trải nhiều kiếp, mau được giải thoát).
Phần chú giải từ đây trở đi đều nhằm chú giải đoạn văn này. Lời chú giải khá dài; lần trước, tôi đã giảng một đoạn.
(Sớ) Phục vân: “Hữu sơ học thị pháp, kỳ tâm khiếp nhược. Dĩ Sa Bà bất thường trị Phật, cụ vị tín tâm nan tựu. Như Lai hữu thắng phương tiện, nhiếp hộ tín tâm, vị chuyên ý niệm Phật, tức sanh Phật độ, thường kiến ư Phật. Như Tu Đa La thuyết: “Chuyên niệm Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật, tức đắc vãng sanh, chung vô hữu thoái”.
(疏) 復云 : 有初學是法 , 其心怯弱,以娑婆不常值
佛,懼謂信心難就。如來有勝方便,攝護信心,謂專意念佛,即生佛土,常見於佛。如修多羅說:專念西方極樂世界阿彌陀佛,即得往生,終無有退。
(Sớ: Lại nói: “Có kẻ mới học pháp này, tâm kẻ ấy khiếp hãi, yếu ớt, vì trong cõi Sa Bà chẳng thường gặp Phật, hoảng sợ cho rằng tín tâm khó trọn. Như Lai bèn có phương tiện thù thắng để nhiếp thọ, bảo vệ tín tâm là dốc trọn ý niệm Phật, liền được sanh vào cõi Phật, thường thấy Phật. Như kinh có dạy: “Chuyên niệm Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật bèn được vãng sanh, trọn chẳng thoái chuyển”).
Đoạn văn này đặc biệt nói về cảnh giới tu học của chúng ta trong hiện tại: Chẳng gặp Phật, tu hành quả thật rất khó khăn. Khó ở chỗ nào? Đúng như đại sư đã nói ở đây: Tín tâm chẳng dễ kiến lập! Trong kinh Hoa Nghiêm và Đại Trí Độ Luận, đức Phật đã nói: “Tín vi đạo nguyên, công đức mẫu” (Tín là nguồn đạo, mẹ của công đức). Trong Yếu Giải, Ngẫu Ích đại sư đã nhắc tới ba món tư lương. Ngài nói Tín gồm có sáu điều, điều thứ nhất là tin vào chính mình. [Sáu thứ Tín là] tín tự, tín tha, tín nhân, tín quả, tín Sự, tín Lý. Trong sáu điều này, khó nhất là “tín tự” (tin vào chính mình). Nếu chính mình đánh mất lòng tin vào chính mình, năm thứ tín tâm sau đó đều chẳng thể kiến lập! Dẫu có năm thứ tín tâm phía sau, [nhưng do thiếu lòng tin vào chính mình], bản thân chúng ta vẫn chẳng thể thành tựu. Do vậy, cái tâm tự tin hết sức trọng yếu. Ở đây cũng nói “tín tâm nan tựu” (lòng tin khó thành). Trong phần tiểu chú (lời chú giải của sách Diễn Nghĩa) đã phân tích rất hay.
(Diễn) Kỳ tâm khiếp nhược, thị nội tâm ký liệt.
(演) 其心怯弱,是內心既劣。
(Diễn: Tâm khiếp nhược là trong tâm đã kém hèn).
“Nội tâm ký liệt” là thiếu lòng tự tin. Bên trong chẳng có lòng tự tín, bên ngoài lại chẳng gặp Phật, đấy là nội duyên lẫn ngoại duyên đều khuyết. Tu hành như thế nếu chẳng gặp thiện tri thức chân chánh; nhất định sẽ đi theo con đường oan uổng. Nếu đi theo con đường oan uổng lắm phen, rốt cuộc vẫn có thể mò ra được chánh đạo thì coi như vẫn còn may mắn. Nếu lạc trong tà ma ngoại đạo, quả thật oan uổng quá! Do điều này, thiện tri thức đóng vai trò mấu chốt quyết định thành bại trong sự tu học của chúng ta hiện nay.
Thiện tri thức là ai? Rất khó nói! Quá ư là khó! Trước mắt chúng ta, những gì chúng ta có thể thấy và nghe, trong tâm ta luôn có nghi hoặc. Chuyện này phiền phức rất lớn. Trong tâm có nghi hoặc, đó là chướng ngại của chúng ta. Tuy nhiên, có những vị tri thức, chúng ta đến gặp họ, họ dạy chúng ta thật thà niệm Phật là được rồi! Câu nói này rất mơ hồ, thành thật theo kiểu nào? Chẳng lẽ hiện thời chúng ta không thành thật ư? Rốt cuộc như thế nào mới được coi là thật thà? Từng câu hỏi nối tiếp nhau, có nhiều câu hỏi đến ngần ấy. Nói cách khác, tín tâm của chúng ta có vấn đề. Người thật sự có tín tâm sẽ chẳng có nghi vấn. Chỉ cần có nghi vấn thì tức là tín tâm chưa đủ, đấy là chướng ngại rất lớn!
Vì thế, tôi thường khuyên lơn, cổ vũ các đồng tu: Thiện tri thức chân chánh của chúng ta là bộ Sớ Sao Diễn Nghĩa này. Liên Trì đại sư là thầy của chúng ta; tuy Ngài đã khuất, nhưng còn cuốn sách này lưu hành là được rồi. Pháp sư Cổ Đức là học trò của Ngài, cuốn Diễn Nghĩa này là bút ký ghi chép [lời giảng của Liên Trì đại sư]. Thuở ấy, khi lão hòa thượng giảng Sớ Sao, ngài Cổ Đức được nghe rất nhiều lần, nghe xong ghi chép lại, nay trao cho chúng ta làm tài liệu tham khảo. Vì thế, đã có Sớ Sao, lại có Diễn Nghĩa, tức là chẳng khác gì chúng ta đích thân nghe lão hòa thượng thuyết pháp. Chúng ta có thể tôn lão hòa thượng làm thầy, coi Ngài là thiện tri thức, chúng ta đi theo đường này sẽ chẳng lạc lối!
Thật thà niệm Phật là gì? Trong Sớ Sao Diễn Nghĩa đã có câu trả lời sáng sủa, xác đáng. Chúng ta có thể thật sự thấu hiểu và tin tưởng bộ kinh này, chết sạch lòng so đo, khăng khăng thực hiện, tin sâu, nguyện thiết, nhất tâm trì danh, trong một đời này, chúng ta nhất định có thành tựu. Đấy mới là vị thiện tri thức thật sự của chúng ta. Nếu muốn thành công, mấu chốt là “nhất tâm”. Nói “nhất tâm”, ắt phải buông xuống vạn duyên. Không chỉ buông xuống hết thảy cảnh duyên thế gian, mà pháp xuất thế gian (Phật pháp) cũng phải buông xuống. Nếu chúng ta vẫn muốn đọc tràn lan ngàn kinh muôn luận, sẽ đúng như Ấn Quang đại sư đã nói: “Muốn vọng tưởng làm một vị đại thông gia, kinh luận nào cũng đều hiểu, đến cuối cùng chẳng thành tựu một thứ gì!” Thật sự có thể thấy thấu suốt, buông xuống, đó mới gọi là “nhất tâm”, đó mới gọi là “tín tâm thành tựu”, tín tâm của quý vị đã đầy đủ rồi!
Đáng sợ nhất là xen tạp, vừa thấy cảnh giới bên ngoài tâm bèn động: Thấy [người khác hành] Thiền, bèn muốn tham Thiền, nghe người ta nói Mật hay lắm, bèn niệm chú. Chuyện này phiền phức rất lớn! Há chẳng nghe cổ đức thường nói: “Niệm chú chẳng bằng niệm Phật”. Lời này là thật! Ở đây, chúng ta in cuốn Tây Phương Công Cứ, trong ấy có một tác phẩm là Tây Phương Xác Chỉ, phân lượng không nhiều, nhưng quả thật là một cuốn sách hay. Trong ấy có rất nhiều giáo huấn hết sức quý báu. Vì người bình thường chúng ta thường phạm những căn bệnh ấy, nên Ngài (Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát) nhắc nhở quý vị. Nếu có thể tuân thủ, chẳng thể nào không có thành tựu, ngăn ngừa chúng ta lui
sụt.
(Diễn) Tín tâm hữu tứ chủng: Nhất giả, tín căn bản, sở vị, nhạo niệm Chân Như pháp cố.
(演) 信心有四種:一者信根本,所謂樂念真如法故。
(Diễn: Tín tâm có bốn loại: Thứ nhất là tin vào căn bản, nghĩa là: Thích nghĩ đến pháp Chân Như).
Điều này là tin vào chính mình. Chữ “căn bản” chỉ chính mình, “nhạo” (樂) là vui thích, có nghĩa là mến thích. Thích gì vậy? Thích Chân Như. Điều này hết sức khó có. Thông thường, người ta chẳng thể phân biệt chân và giả, ngỡ giả là chân, những thứ họ ưa thích toàn là hư giả, chẳng ưa thích chân thật. Pháp càng chân thật càng đơn giản; pháp càng chân thật càng bình phàm, chất phác; còn những pháp giả trất thì mới có những điều kỳ quái. Người ta thường ưa kỳ chuộng quái. Giả trất nên mới phải giở trò quái lạ, thứ thiệt đâu cần giở trò ma mãnh!
Một câu A Di Đà Phật là thật, là Chân Như. Một câu A Di Đà Phật là chính mình, phải hiểu rõ điều này! Chúng tôi tuy vẫn chưa giảng xong bộ kinh này, nhưng cũng nói không ít. A Di Đà Phật là tự tánh Vô Lượng Giác, quý vị có tự tánh hay chăng? Đương nhiên có tự tánh, đấy là Vô Lượng Giác trong Chân Như của chính mình. Chúng ta mỗi ngày niệm câu Phật hiệu này chính là “nhạo niệm Chân Như pháp cố”. Tuy một câu này chỉ là một danh hiệu mà thôi, nhưng niệm danh hiệu lâu ngày, sẽ đánh thức Chân Như bổn tánh của quý vị trong mê hoặc, điên đảo, thật sự là như thế; đặc biệt nếu quý vị có thể nhất tâm xưng niệm, hiệu quả hết sức to lớn! Vì sao? Chân Như là nhất tâm, là bổn tánh. Nói chung, danh hiệu này trong kinh Phật có tới mấy chục loại, nhưng đều nói về cùng một chuyện. Cái được gọi là “phụ mẫu vị sanh tiền bổn lai diện mục” (diện mạo vốn có trước khi được cha mẹ sanh ra) trong nhà Thiền cũng chính là nó. Đối với pháp môn tu học thì chúng ta tu học gì vậy? Tu học kiến tánh. Niệm Phật đến mức nhất tâm bất loạn thì cái tâm ấy là kiến tánh. Nhà Thiền gọi Lý nhất tâm là “minh tâm kiến tánh”, trong Mật Tông gọi nó là “tam mật thành tựu”. Có thể thấy là cách nói khác nhau, nhưng cảnh giới hoàn toàn giống nhau! Nhưng trong tất cả các pháp môn, thật sự nói đến vấn đề kiến tánh, thật sự nói đến Chân Như thì có thể nói là pháp môn Niệm Phật “thẳng tắt nhất, ổn thỏa, thích đáng nhất, viên đốn nhất”. Ngẫu Ích đại sư bảo như vậy. Xét ra, bốn câu này đúng là chẳng sai một tí nào! Dựa theo bốn câu này để nói thì có thể nói là trong tám vạn bốn ngàn pháp môn, chẳng có một pháp môn nào viên mãn rốt ráo như vậy. Chúng ta phải tin tưởng điều này, đó là “tín căn bản” (căn bản của lòng tin). Chúng ta niệm một câu A Di Đà Phật sẽ có thể chứng Chân Như bổn tánh, có thể chứng Pháp Thân Lý Thể, có thể khôi phục diện mạo vốn có của chính mình.
(Diễn) Nhị giả, tín Phật hữu vô lượng công đức, thường niệm thân cận cúng dường cung kính, phát khởi thiện căn, nguyện cầu Nhất Thiết Trí cố.
(演) 二者信佛有無量功德 , 常念親近供養恭敬 , 發
起善根,願求一切智故。
(Diễn: Hai là tin Phật có vô lượng công đức, thường nghĩ thân cận, cúng dường, cung kính, phát khởi thiện căn, nguyện cầu Nhất Thiết Trí).
Thứ hai là tín tha (tin vào người khác), người khác là ai? Chẳng phải ai khác, “tha” là Phật. “Tha Phật” (vị Phật khác), hiện thời chúng ta có hai vị Tha Phật: Một là tin tưởng Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, hai là tin vào Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật. Tin tưởng Tây Phương Cực Lạc thế giới của A Di Đà Phật là chân thật chẳng dối, tính cách chân thật của thế giới ấy giống hệt như thế giới đang hiện hữu trước mắt chúng ta. Chúng ta còn phải tin vào mười phương thế giới hết thảy chư Phật chẳng nói dối, mỗi vị đều tán thán Tây Phương Cực Lạc thế giới, khuyên chúng ta vãng sanh thế giới Cực Lạc. Đấy là tin tưởng hết thảy chư Phật. Đương nhiên, chúng ta càng phải nên tin Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật chẳng dối gạt chúng ta, lão nhân gia đề cao, giới thiệu Tây Phương Cực Lạc thế giới, nhất định [cõi ấy] là chân thật nhất.
Trong phần trên, chúng tôi có nhắc đến phu nhân Vy Đề Hy. Đức Thế Tôn thị hiện các cõi Phật trong mười phương cho phu nhân Vy Đề Hy thấy, lão nhân gia (phu nhân Vy Đề Hy) xem xong, chọn lựa Tây Phương Cực Lạc thế giới để vãng sanh. Vì vậy, chúng ta phải tin tưởng Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Chuyện này đúng là rất khó tin! Bản thân tôi nếu không thâm nhập kinh Hoa Nghiêm, tôi cũng không tin, người khác nói với tôi cách nào tôi cũng không tin. Đã nhập kinh Hoa Nghiêm rồi mới thật sự nhận thấy, vốn là khi Thích Ca Mâu Ni Phật thuyết pháp lần đầu tiên, trong mười bốn ngày, vì hàng Pháp Thân đại sĩ giảng Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh. Bộ kinh này giảng về phương pháp tu hành, có tới hơn hai ngàn môn, nói nhiều ngần ấy, nhằm nói Niệm Phật là bậc nhất. Rốt ráo là niệm vị Phật nào vậy? Tuy trong phần trước kinh văn không nói, nhưng phần sau có nói: Trong phần sau, mười đại nguyện vương của Phổ Hiền Bồ Tát dẫn về Cực Lạc, chúng ta có thể suy ra, biết phần trước nói niệm vị Phật nào? Niệm A Di Đà Phật. Đối chiếu trước và sau, quý vị sẽ hiểu rõ. Pháp môn Niệm Phật này, đã là “thẳng chóng nhất, ổn thỏa, thích đáng nhất, đơn giản, dễ dàng nhất, viên đốn nhất”, đương nhiên, đức Phật muốn truyền dạy pháp này đầu tiên. Đức Phật giảng cho mọi người hết thảy pháp môn, đầu tiên là muốn giảng pháp môn này. Quả nhiên đúng như vậy, trong kinh Hoa Nghiêm quả thật giảng pháp môn này đầu tiên! Quý vị thấy Thiện Tài đồng tử tham học năm mươi ba lần, tới tham phỏng vị [thiện tri thức] đầu tiên là tỳ-kheo Đức Vân, Ngài bèn dạy Thiện Tài đồng tử pháp môn Niệm Phật. Từ khởi đầu và kết thúc [của năm mươi ba lần tham học], quý vị có thể thấy pháp môn này chẳng thể nghĩ bàn.
Do quá thẳng chóng, quá đơn giản, càng đơn giản, mọi người càng chẳng tin tưởng, cho là thành Phật đâu thể nào dễ dàng dường ấy? Tu hành đâu có đơn giản như vậy! Chẳng biết đại đạo chân chánh sẽ đơn giản ngần ấy, dễ dàng ngần ấy! Nếu quý vị không tin, sẽ tự chuốc phiền phức, chính mình đi đường vòng, thật sự là “được chẳng bù nổi mất”! Do vậy, chúng ta nhất định phải tin Phật. Tin Phật thì phải thường thân cận Phật, hiện thời, Phật chẳng ở trước mặt chúng ta, chúng ta thân cận bằng cách nào? Chúng ta mỗi ngày đọc kinh, đọc kinh là nghe đức Phật giáo huấn, đó là thân cận Phật. Chúng ta mỗi ngày niệm Phật, niệm Phật là thân cận Phật, niệm đâu nghĩ tại đó! Huống chi, kinh đã nói rất rõ ràng: “Ức Phật, niệm Phật, hiện tiền, đương lai, tất định kiến Phật” (Nhớ Phật, niệm Phật, hiện tiền, tương lai nhất định thấy Phật). Do vậy, chúng ta phải coi niệm Phật là đại sự duy nhất của chúng ta trong cuộc đời này.
Hôm qua, chúng ta mở hội Niệm Phật, trong hội Niệm Phật thường yêu cầu tôi nói mấy câu. Tôi đâu có nhiều câu hay ho để nói như thế? Do vậy, lật lại Tây Phương Xác Chỉ. Xem xong, hết sức cảm thán. Trong quá khứ, tôi đọc Tây Phương Xác Chỉ đã nhiều lượt, cớ sao tôi chẳng thấy những lời yếu khẩn ấy? Nói thật ra, trong quá khứ tôi đã có những khuyết điểm mà chính mình chẳng phát hiện được! Tôi thấy có hai chuyện trong sách ấy:
Chuyện thứ nhất là có một vị đồng học muốn tìm một nơi có hoàn
cảnh thanh tịnh để tu hành, [Giác Minh Diệu Hạnh] Bồ Tát bèn khai thị cho ông ta: “Nếu không tìm được hoàn cảnh ấy, suốt đời ông chẳng tu hành hay sao?” Bồ Tát dạy ông ta: “Tâm tịnh, ắt cõi nước tịnh. Chỉ cần tâm thanh tịnh, chẳng cần phải tìm hoàn cảnh”. Lời này đúng quá! Hoàn cảnh tốt hay xấu là do nghiệp báo của chúng ta, đời quá khứ chẳng làm thiện nghiệp, lẽ nào có hoàn cảnh tốt! Do vậy, muốn cầu một hoàn cảnh tốt chính là khởi vọng tưởng. Chẳng bằng thâu thập cái tâm, hoàn cảnh tốt cũng xong, xấu cũng xong, hết thảy mặc kệ nó! Nhất tâm niệm Phật chính là hoàn cảnh tốt, đấy mới là chính xác. Rất nhiều người chúng ta giống như vậy, [cứ than thở] hoàn cảnh hiện thời chẳng thích hợp, lại đi tìm một hoàn cảnh tốt đẹp để tu hành. Tìm mấy chục năm chẳng ra, công phu chẳng tiến triển tí nào! Đó là một chuyện.
Chuyện thứ hai là tự mình muốn làm một ít chuyện tốt đẹp, nhưng không có sức, không có sức thì làm sao? Hóa duyên! Đi ra ngoài mộ hóa (quyên mộ, khuyến hóa). Bồ Tát nói: Tra khắp Đại Tạng Kinh, không có hai chữ “mộ hóa”. Vì thế, Ngài quở trách chuyện này rất gắt gao! Tôi suy nghĩ, thấy rất có lý, Phật pháp nói tùy duyên, chứ không phan duyên. Nếu chúng ta mộ hóa để làm chuyện gì đó, tức là đã phan duyên, tâm chẳng thanh tịnh. Vì thế, chúng ta làm chuyện gì cũng phải nên hữu duyên mới làm. Không có duyên, chúng ta có tâm, chỉ cần có tâm nhưng chưa có cơ duyên, chúng ta vẫn là niệm niệm công đức viên mãn. Đừng nói “tôi không làm sẽ chẳng có công đức”, chẳng phải vậy! Quý vị phát tâm bèn có công đức, công đức viên mãn. Sau khi quý vị phát tâm, quý vị bèn phan duyên sẽ chẳng có công đức! Cơ duyên thành tựu sẽ khiến cho chuyện ấy tự nhiên thành tựu, chớ nên có mảy may miễn cưỡng nào. Điều này rất có lý. Vì thế, nhà Phật từ xưa đến nay không mộ hóa.
Thuở đức Phật tại thế, phương thức sống là đi khất thực, chẳng kiến lập bất cứ thứ gì. Giảng kinh, thuyết pháp tùy duyên, chẳng nói nhất định phải dựng giảng đường, dựng đại điện tại đâu, không hề có! Tùy tiện tại nơi nào đó, người ta tụ tập lại bèn bắt đầu giảng, đứng cũng giảng được, mà ngồi cũng giảng được, ngồi trên mặt đất, núi, rừng, cội cây, không đâu chẳng phải là đạo tràng! Nghĩ đến quá khứ quả thật là như vậy. Vì thế, ý niệm ấy (tức ý niệm hóa duyên) là vọng niệm, chúng ta cũng phải nên dứt trừ [ý niệm ấy] thì tâm chúng ta mới có thể thanh tịnh, niệm Phật mới đắc lực. Hằng ngày suy tưởng còn có chuyện chưa làm thành công, làm sao niệm Phật đắc nhất tâm cho được? Làm sao đắc công phu thành phiến? Cuối cùng vẫn rớt trong sanh tử luân hồi, chẳng đáng tí nào! Do vậy, chúng tôi suy nghĩ những điều Bồ Tát vừa nói ấy, càng nghĩ càng thấy có lý! Huống chi trong các bộ kinh lớn thường răn dạy chúng ta: Bồ Tát phát tâm nghĩ muốn độ hết thảy chúng sanh, điều kiện tiên quyết là phải tự độ mình. Chính mình chưa thể vượt thoát luân hồi trong sáu nẻo, nghĩ độ cho người khác thoát khỏi sanh tử luân hồi, đó là chuyện chẳng thể nào được! Vì thế, trước hết phải tự độ, tự độ rồi mới có năng lực, mới có thể thả chiếc bè Từ độ thoát hết thảy chúng sanh.
Trong Tây Phương Xác Chỉ, Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát đã nói rất rõ ràng: Thoạt tiên Ngài là người sống vào đời Tấn. [Thuở ấy], có tất cả mười người, là bạn bè thân thiết, mọi người cùng nhau tu niệm Phật. Bản thân Ngài vì ngã bệnh, cảm thấy nghiệp chướng của chính mình rất nặng, nên phát tâm trong bảy ngày bảy đêm chẳng ngủ, niệm Phật không ngớt, cầu sanh Tịnh Độ, sám trừ nghiệp chướng. Bảy ngày bảy đêm nhất tâm niệm Phật, Ngài thật sự niệm được A Di Đà Phật hiện đến. Sau đấy, năm bảy mươi mấy tuổi, Ngài mới vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, nhưng những người đồng học với Ngài bị đọa lạc. Vì sao? Ngoài học Phật ra, họ còn học Đạo (tu tiên) kèm thêm. Vào thời đại Ngụy, Tấn, Nam Bắc Triều, Đạo Giáo hết sức thịnh hành, thế lực cũng rất lớn. Có nhiều đạo sĩ luyện đan[1], giảng thuật trường sanh, còn có rất nhiều pháp thuật, giống như hiện thời ta gọi là “thần thông”. Bọn họ ưa thích những thứ ấy, một mặt học Phật, một mặt học Đạo. Kết quả đời đời kiếp kiếp chẳng có thành tựu. Trong một đời này, bọn họ vẫn mang tập khí Lão – Đạo, cầu cơ phò loan. Vì thế, Bồ Tát xuất hiện trong đàn cầu cơ, bảo cho họ biết nhân duyên: Tám trăm năm trước, chúng ta là bạn bè xưa, thấy cho đến hiện thời các ông vẫn đọa lạc trong tình cảnh ấy, nhưng cũng rất khó có là mấy người các ông vẫn tụ tập một chỗ. Do vậy, lần này ta nhờ vào đàn cầu cơ để xuất hiện hòng độ mấy người các ông!
Từ đoạn khai thị này, chúng ta hiểu: Nhất tâm xưng niệm bảy ngày bảy đêm nhất định hữu hiệu, cho nên Phật Thất mới làm theo cách này. Trong quá khứ, thầy Lý cũng thường bảo chúng tôi: “Thật sự đả Phật Thất, quyết định không thể nhiều hơn mười người!” Hơn mười người, vị Chủ Thất Sư không có cách nào có đủ tinh thần để chiếu cố [từng người]. Thật sự đả Phật Thất là bảy ngày bảy đêm không ngủ, không nghỉ, một câu Phật hiệu niệm đến cùng, chẳng cho một vọng niệm dấy lên, tâm cầu gì cũng chẳng có. Bởi lẽ, quý vị có tâm mong cầu thì cái tâm chẳng thanh tịnh, đó là nhị niệm, là vọng niệm. Bảo quý vị thật sự niệm Phật, thật sự dụng công. Ngay cả cơ duyên niệm Phật bảy ngày bảy đêm chúng ta cũng chẳng có! Quý vị có thể làm được hay chăng? Quý vị ở nhà đóng cửa niệm bảy ngày bảy đêm, người nhà nhất định nghĩ quý vị bị bệnh thần kinh, lẽ đâu có cách niệm Phật như vậy? Quý vị chuốc lấy phiền phức, chướng ngại quá nhiều! Không chỉ là trong nhà có chướng ngại, mà đến tự viện đả Phật Thất vẫn có chướng ngại. Ai cũng chẳng bằng lòng thấy quý vị niệm Phật suốt bảy ngày bảy đêm, khổ sở như vậy, người ta có lòng tốt sợ quý vị niệm đến ngã bệnh, hảo tâm biến thành chướng ngại! Do vậy, [người có thể niệm Phật suốt bảy ngày bảy đêm không gián đoạn] có phước báo rất lớn! Bảy ngày bảy đêm, bên cạnh có người hộ thất chăm sóc quý vị, đến giờ sẽ chuẩn bị trà, cơm chu đáo cho quý vị. Khi ăn cơm, Phật hiệu cũng không gián đoạn, chắc chắn chẳng có một câu tán tâm tạp thoại (tâm tán loạn, nói chuyện xen tạp), đó gọi là tu hành chân chánh, rất khó có! Đó chính là “thường niệm thanh tịnh cúng dường, cung kính”, thứ gì cũng đều có; chỉ cần phát tâm niệm Phật như vậy thì toàn bộ đều có. Dùng gì để cúng dường? Dùng cung kính xưng niệm để cúng dường, nhất tâm là cúng dường, nhất tâm là cung kính, nhất tâm là thiện căn; chỉ cần đạt đến nhất tâm bất loạn, Nhất Thiết Chủng Trí sẽ tự nhiên hiện tiền. Chúng ta phải tin Phật.
(Diễn) Tam giả tín pháp hữu đại lợi ích, thường niệm tu hành chư Ba La Mật cố.
(演) 三者信法有大利益,常念修行諸波羅蜜故。
(Diễn: Ba là tin pháp có lợi ích to lớn, thường nghĩ tu hành các Ba La Mật).
Ở đây có bốn thứ “pháp”: Có giáo pháp, giáo pháp là kinh điển, tức là sách giáo khoa do Thích Ca Mâu Ni để lại cho chúng ta. Trong sách giáo khoa có lý luận, gọi là Lý pháp; lại còn dạy cho chúng ta phương pháp tu hành, đó là Hành pháp, cũng dạy cho chúng ta rất nhiều cảnh giới, đó là Quả pháp. Bởi vậy, “Giáo, Lý, Hành, Quả” đều là pháp; nhưng quý vị phải hiểu: Lý, Hành, Quả đều nằm trong kinh, cho nên văn tự là chủ thể diễn nói pháp, còn Lý, Hành, Quả là pháp được diễn nói [bởi văn tự]; hoặc cũng có thể gộp Giáo vào đó, Giáo – Lý – Hành – Quả là pháp được diễn nói, còn văn tự là chủ thể diễn nói.
Do vậy, nếu chúng ta hiểu rõ kinh điển sẽ có lợi ích to lớn. Vì thế, phải thường xuyên đọc tụng kinh điển. Điều cuối cùng trong Tam Phước của Quán Kinh là “tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại Thừa”, kinh điển Đại Thừa cũng rất nhiều; có phải là kinh điển nhiều ngần ấy chúng ta đều phải đọc hết hay chăng? Thưa quý vị, không nhất định! Chúng ta vẫn là chọn lấy một bộ trong hết thảy các kinh, vì sao? Tâm dễ chuyên, dễ nhất. Nếu đọc quá nhiều, kinh này và kinh kia nói quá khác nhau, chúng ta sẽ hoài nghi, sẽ có phân biệt. Đấy chính là như Thanh Lương đại sư đã nói: Quý vị càng đọc nhiều, càng tăng trưởng tà kiến. Chỉ cần quý vị có phân biệt bèn là tà kiến. Do vậy, kinh vẫn phải là học một thứ mới nên. Vì mỗi pháp môn đều có thể thành vô thượng đạo, cho nên mới nói: “Pháp môn bình đẳng, không có cao – thấp”, quyết chẳng phải là pháp môn này dành cho ta khi mới học, trong tương lai, sau khi đã học một khoảng thời gian, chúng ta lại đổi sang một pháp môn khác; nếu [nghĩ] như vậy, quý vị đã có ý nghĩ “pháp môn cao – thấp” mất rồi! Thật ra, chẳng cần phải chuốc lấy nỗi phiền phức ấy!
Từ kinh Hoa Nghiêm, chúng ta thấy [pháp môn] Thiện Tài đồng tử [tu là niệm] là một câu A Di Đà Phật. Thiện Tài đồng tử tu hành bèn chuyên tu pháp môn Niệm Phật, tức là niệm A Di Đà Phật. Thầy của Ngài niệm A Di Đà Phật cầu sanh Tịnh Độ, thầy của Ngài là Văn Thù Bồ Tát. Thiện Tài đồng tử thành Phật ngay nơi nhục thân. Trong quá trình tham học, từ Sơ Trụ mãi cho đến Đẳng Giác, cho đến khi viên mãn Bồ Đề là một câu A Di Đà Phật, hoàn toàn chẳng đổi sang pháp môn nào khác. Tuy Ngài đi tham phỏng khắp nơi, tham phỏng năm mươi ba vị thiện tri thức, nhưng Ngài chẳng học theo những pháp môn của các vị ấy, quyết định chẳng “thấy lạ, nghĩ khác”, vì sao? Cuối cùng là “luyến đức, lễ từ” (luyến mộ đức hạnh, lễ bái, từ tạ), “luyến đức” là rất cảm tạ Ngài, “lễ từ”: “Lễ” là cung kính, “từ” là gì? Tôi vẫn học theo cách của tôi, tôi chẳng học theo đường lối của Ngài. Tôi hiểu đường lối của Ngài, tuy hiểu nhưng không học, vẫn thật thà niệm một câu A Di Đà Phật này. Đó gọi là “luyến đức lễ từ”. Nói thật ra, sẽ là như kinh Kim Cang đã dạy: “Ngoại bất trước tướng, nội bất động tâm” (Ngoài chẳng chấp tướng, trong chẳng động tâm). Có bản lãnh ấy thì mới có thể tham học. Đích xác là tham học, một mặt giúp quý vị mở mang trí huệ, quý vị vừa nhìn liền hiểu rõ, đó là trí huệ; mặt kia là giúp cho quý vị đắc Thiền Định rất sâu, tức là nhất tâm bất loạn. Vì sao? Tất cả cảnh giới trước mặt đều nhằm khảo nghiệm quý vị, nếu quý vị như như bất động, chứng tỏ quý vị thật sự đắc nhất tâm. Từ kinh Hoa Nghiêm, chúng ta thấy được điều này.
Do vậy, quý vị đồng tu nhất định phải biết: Quý vị muốn tu hành các Ba La Mật thì một môn là đủ rồi! Nay chúng ta dùng một câu A Di Đà Phật, Lục Độ viên mãn. Kinh Hoa Nghiêm nói mười món Ba La Mật đều viên mãn, chẳng cần phải tìm bên ngoài. Tiếp đó, lời Sớ có nêu lên một thí dụ: “Nhi kim nhất tâm niệm Phật, vạn duyên tự xả, tức Bố Thí Ba La Mật. Nhất tâm niệm Phật, chư ác tự chỉ, tức Trì Giới Ba La Mật. Nhất tâm niệm Phật, tâm tự nhu nhuyễn, tức Nhẫn Nhục Ba La Mật. Nhất tâm niệm Phật, vĩnh bất thoái đọa, tức Tinh Tấn Ba La Mật. Nhất tâm niệm Phật, dư tưởng bất sanh, tức Thiền Định Ba La Mật. Nhất tâm niệm Phật, chánh niệm phân minh, tức Bát Nhã Ba La Mật” (Nay nhất tâm niệm Phật, tự bỏ vạn duyên, tức Bố Thí Ba La Mật. Nhất tâm niệm Phật, các điều ác tự ngưng, tức Trì Giới Ba La Mật. Nhất tâm niệm Phật, tâm tự mềm mỏng, tức Nhẫn Nhục Ba La Mật. Nhất tâm niệm Phật, vĩnh viễn chẳng lui sụt, đọa lạc, tức Tinh Tấn Ba La Mật. Nhất tâm niệm Phật, các tưởng khác chẳng sanh, tức Thiền Định Ba La Mật. Nhất tâm niệm Phật, chánh niệm phân minh, tức Bát Nhã Ba La Mật). Chúng ta đối chiếu [lời giải thích ấy] với câu “thường niệm tu hành chư Ba La Mật” (thường nghĩ tu hành các Ba La Mật) ở đây thì một câu A Di Đà Phật có trọn đủ, chẳng cần phải tìm kiếm những thứ phiền toái khác, điều này chẳng giả đâu! Bởi lẽ, một câu A Di Đà Phật đầy đủ Lục Độ vạn hạnh nên nó thật sự thuận tiện, thật sự đơn giản. Một câu Phật hiệu phước huệ song tu, lại còn là phước huệ viên mãn, phước huệ rốt ráo. Quý vị hãy suy nghĩ: Quý vị đến nơi đâu để tìm được một pháp môn như thế này!
(Diễn) Tứ giả, tín Tăng năng chánh tu hành, tự lợi, lợi tha, thường nhạo thân cận chư Bồ Tát chúng, cầu học như thật hạnh cố.
(演) 四者信僧能正修行 , 自利利他 , 常樂親近諸菩
薩眾,求學如實行故。
(Diễn: Bốn là tin Tăng có thể tu hành chân chánh, tự lợi, lợi người, thường thích thân cận các vị Bồ Tát để cầu học hạnh như thật).
Ở đây là nói đến Tăng. Nói thật ra, ở đây có bốn niềm tin. Đối với ba điều trước đều không thành vấn đề, vấn đề ở nơi điều này. Điều này quả thật có vấn đề lớn! Nhưng đến cuối cùng đại sư bảo: “Thường nhạo thân cận chư Bồ Tát chúng” (thường thích thân cận các vị Bồ Tát). Tăng là ai? Thưa quý vị, Quán Âm, Thế Chí! A Di Đà Phật là Phật, còn Quán Âm và Thế Chí là Tăng, các Ngài chẳng phải là Phật. Bồ Tát Tăng, Thanh Văn Tăng, phàm phu Tăng. Phàm phu Tăng chẳng đáng tin cậy lắm, Bồ Tát Tăng thật sự đáng tin cậy. Bồ Tát Tăng là ai? Chúng ta rất khó biết, bất quá, nếu chúng ta rất lắng lòng quan sát thì cũng chẳng khó biết, như trong Tây Phương Xác Chỉ, Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát cũng là phàm phu. Ngài vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, thưa quý vị, vãng sanh liền thành Bồ Tát Tăng. Hễ vãng sanh, sẽ chứng trọn vẹn ba thứ Bất Thoái. Người trước tác bộ Sớ Sao này là Liên Trì đại sư, cũng như pháp sư Cổ Đức đều là những người đã vãng sanh. Đối với những người được ghi trong Vãng Sanh Truyện và Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, ta nay đều có thể gọi họ là Bồ Tát Tăng. Đại sư là tổ sư của Tịnh Độ Tông, chúng ta thân cận lão nhân gia quyết định không sai lầm. Cận đại, lão pháp sư Ấn Quang là vị tổ sư gần đây nhất của Tịnh Độ Tông, Ngài là hóa thân của Đại Thế Chí Bồ Tát; tuy lão nhân gia hiện thời đã khuất bóng, nhưng bộ Văn Sao còn lưu truyền trên thế gian, chúng ta thường đọc Văn Sao cũng là thân cận Bồ Tát Tăng.
Nay chúng ta tìm một người nào đó để học, dẫu người có danh vọng to lớn, thanh danh về đức hạnh cao đến đâu đi nữa, chưa chắc đã đáng nương cậy, vì trong thời gian này “tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng”, chúng ta là phàm phu mắt thịt không cách nào phân biệt được! Vạn nhất lầm lỡ, sẽ không biết làm thế nào, đúng là “sai chỉ hào ly, lạc lối ngàn dặm”. Chúng ta thọ mạng hữu hạn, nói cách khác, thời gian tu hành chẳng nhiều, chẳng thể sai lầm chút nào. Muốn chẳng sai lầm chút nào, quý vị phải thân cận Bồ Tát Tăng hay Thánh Hiền Tăng. Vì thế, chúng ta đọc Liên Trì Đại Sư Toàn Tập, nếu quý vị nói đọc một cuốn sách này nhiều lượt cảm thấy khô khan thì thật sự là quý vị chưa có tâm đắc. Nếu có tâm đắc, ý vị của mỗi lần đọc sau sẽ nồng đậm hơn lần trước. Học rồi tu tập, cũng chẳng sướng lắm ư? Sung sướng là sự hỷ duyệt từ trong nội tâm phát ra, pháp hỷ sung mãn! Đọc đến mức khô khan, chẳng có ý vị gì tức là về căn bản, quý vị chẳng hiểu gì, không có tâm đắc, chưa thụ dụng được!
Nếu đọc Liên Trì Đại Sư Toàn Tập thì phạm vi rộng hơn một chút, hoặc là đọc Ngẫu Ích Đại Sư Toàn Tập là đủ rồi, những thứ khác chẳng thể quá nhiều! Quá nhiều, quá tạp, chắc chắn sẽ không hay! Ngài Ngẫu Ích là học trò của Liên Trì đại sư, họ có mối quan hệ sư thừa, nói chung là theo cùng một phương hướng, đi cùng một đường. Đọc thêm nữa là Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao, tôi nghĩ là đủ lắm rồi, chớ nên tham nhiều hơn! Nếu chúng ta muốn một đời hoằng dương [pháp môn Tịnh Độ] thì trong phạm vi những sách ấy, hoằng dương suốt một đời này vẫn chẳng hết. Huống chi nếu thật sự phát tâm hoằng dương pháp môn này, suốt đời chuyên giảng một bộ kinh này là đủ rồi, hãy chuyên môn hoằng dương bộ kinh này. Cũng có các vị hỏi: Bộ Sớ Sao lớn ngần ấy, chúng tôi giảng ở đây một lượt, mỗi ngày đều giảng mà phải mất cả một năm, người ta thỉnh tôi đến giảng kinh, thỉnh tôi giảng trong vòng một tuần thì giảng bằng cách nào? Quý vị có thể trích lục đại cương để giảng. Quý vị phải hiểu: Bộ Sớ Sao có thể kéo dài hay rút gọn, có thể giảng sâu hay cạn, vận dụng khéo léo ở chỗ nhất tâm, lẽ nào chẳng giảng được? Có nhiều nơi bên Mỹ mời tôi đến giảng kinh, thời gian chỉ hạn định là tám buổi, giảng bằng cách nào? Giảng kinh Di Đà, tôi soạn đại cương để giảng trong bảy lần, bảy lần giảng viên mãn, buổi cuối cùng dành để trả lời câu hỏi, mở cuộc họp nghiên cứu thảo luận. Nghe giảng suốt bảy ngày, những tâm đắc cảm tưởng, nghi vấn của quý vị đều nêu ra, tôi sẽ giải đáp. Do vậy viên mãn. Năm ngoái tôi soạn cuốn Giảng Nghĩa là dựa theo sách Yếu Giải để biên soạn; nếu dựa theo Sớ Sao thì tài liệu càng phong phú hơn. Vì thế, trong một đời, bất luận tại đạo tràng nào hoằng dương bộ kinh này, chắc chắn chẳng khó khăn gì!
Mục đích tin Tăng là muốn “cầu học như thật hạnh cố” (vì cầu học hạnh như thật). Mấy vị đại sư này cả đời chuyên môn niệm Phật, vị nào cũng thật sự có thành tựu, đây là điều chúng ta phải học tập theo. Tín tâm có bốn loại, bốn loại tín tâm này chúng ta đều phải có đủ, chẳng thể khuyết một điều nào!
Ta quay lại đọc tiếp Sớ Sao, “Như Lai hữu thắng phương tiện” (đức Như Lai có phương tiện thù thắng), tức là Phật có pháp phương tiện thù thắng nhất, “nhiếp hộ tín tâm” (nhiếp thọ, bảo vệ tín tâm), “nhiếp” (攝) là nhiếp thọ, “hộ” (護) là hộ trì, hộ trì tín tâm của chúng ta, đức Phật dùng phương pháp nào? Chính là dạy chúng ta “chuyên ý niệm Phật, tức sanh Phật độ” (chuyên dốc lòng niệm Phật, liền sanh vào cõi Phật), “chuyên ý” là chuyên tâm. Hiện thời, chúng ta vẫn chưa thể dùng chân tâm, chúng ta dùng cái tâm ý thức thứ sáu. Về mặt hành, dùng cái tâm ý thức thứ sáu cũng được, [muốn sanh vào] cõi Phàm Thánh Đồng Cư hay cõi Phương Tiện Hữu Dư đều có thể dùng cái thức thứ sáu, tức Ý Thức, để niệm. Nếu lìa thức thứ sáu tức là lìa Ý Thức, lìa tâm ý thức, phẩm vị sẽ cao, sanh vào cõi Thật Báo Trang Nghiêm, sanh vào cõi Thường Tịch Quang, những người bình thường chưa thể làm được. Dùng cái tâm ý thức thứ sáu để niệm thì chúng ta ai nấy đều có phần. Công phu tốt đẹp, có thể niệm đến Sự nhất tâm bất loạn, kém hơn một chút thì cũng có thể do niệm đến mức công phu thành phiến, đới nghiệp vãng sanh. Nói cách khác, sanh về Tây Phương Tịnh Độ ai cũng có phần, quý vị phải chuyên niệm.
Đến thế giới Tây Phương sẽ thường gặp Phật, hằng ngày gặp Phật, thời thời khắc khắc chẳng lìa A Di Đà Phật. Chẳng những không lìa A Di Đà Phật, mà quý vị cũng có thể thời thời khắc khắc thuận theo lòng muốn mà thân cận mười phương chư Phật Như Lai, những chướng nạn hoàn toàn tiêu trừ. “Như Tu Đa La thuyết” (như kinh đã nói), Tu Đa La là kinh điển, trong kinh có nói “chuyên niệm Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật, tức đắc vãng sanh, chung vô hữu thoái” (chuyên niệm Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật liền được vãng sanh, trọn chẳng thoái chuyển), quyết định chẳng thoái chuyển.
Trong phần trước, [sách Sớ Sao] có câu “tín tâm nan tựu”, “tựu” (就) là thành tựu. [“Tín tâm nan tựu”] là tín tâm khó thành tựu. Trong phần trước, chúng ta chỉ nói về tín tâm, phần tiếp theo sẽ giảng về “nan tựu”.
(Diễn) Tựu giả, thành tựu, tức tín thành tựu phát tâm dã. Luận vân: “Tín thành tựu phát tâm giả, phát hà đẳng tâm? Lược thuyết tam chủng: Nhất giả, trực tâm, chánh niệm Chân Như pháp cố; nhị giả, thâm tâm, nhạo tập nhất thiết chư thiện hạnh cố; tam giả, đại bi tâm, dục bạt nhất thiết chúng sanh khổ cố.
(演) 就者 , 成就 , 即信成就發心也。論云:信成就
發心者,發何等心。略說三種:一者直心,正念真如法故
;二者深心,樂習一切諸善行故;三者大悲心,欲拔一切眾生苦故。
(Diễn: Tựu là thành tựu, tức lòng tin thành tựu bèn phát tâm. Luận chép: “Lòng tin thành tựu bèn phát tâm, phát những tâm nào? Nói đại lược thì có ba thứ: Một là trực tâm, vì chánh niệm pháp Chân Như; hai là thâm tâm, vì thích tu tập hết thảy các thiện hạnh; ba là đại bi tâm, vì muốn dẹp trừ nỗi khổ của hết thảy chúng sanh”).
Bồ Tát phát tâm thành tựu, phát Bồ Đề tâm. Đại Thừa Khởi Tín Luận giảng ba thứ Bồ Đề tâm.
(Diễn) Nan giả, vị tu hành tín tâm, kinh nhất vạn kiếp, phương đắc thành tựu cố.
(演) 難者,謂修行信心,經一萬劫,方得成就故。
(Diễn: “Khó khăn” ý nói: Tu hành [hòng thành tựu] lòng tin, phải mất một vạn kiếp mới thành tựu).
Khó thật sự, chẳng phải là khó khăn giả tạm. Nếu quý vị ngày nay thật sự thành tựu tín tâm, có thể buông hết các pháp thế gian và xuất thế gian xuống, nhất tâm nương theo bộ kinh này, nhất tâm xưng danh cầu nguyện vãng sanh, chính quý vị sẽ biết rõ: Trong đời quá khứ, tối thiểu đã trải qua một vạn kiếp [để tu thành tựu lòng tin ấy]. Nếu không, nhất định sẽ thấy lạ, nghĩ khác, tâm bất định! Nếu thật sự chết sạch lòng so đo, khăng khăng [tu trì], chứng tỏ trong quá khứ quý vị đã tu một vạn kiếp. Vì thế, thành tựu tín tâm quả thật chẳng dễ dàng. Tiếp theo đó, sách giảng: Vãng sanh thế giới Tây Phương bèn đắc bất thoái chuyển.
(Diễn) Chung vô hữu thoái, ước hữu tam chủng.
(演) 終無有退,約有三種。
(Diễn: Trọn chẳng thoái chuyển, nói đại lược gồm có ba thứ).
Nói đại lược thì có ba thứ.
(Diễn) Nhất như liên hoa vị khai thời, tín hạnh vị mãn, vị danh Bất Thoái, đản dĩ xử vô thoái duyên, cố xưng Bất Thoái.
(演) 一如蓮花未開時 , 信行未滿 , 未名不退,但以
處無退緣,故稱不退。
(Diễn: Một, như lúc hoa sen chưa nở, tín hạnh chưa trọn vẹn, chưa thể gọi là Bất Thoái, chỉ vì đã ở trong hoàn cảnh không có duyên gây thoái chuyển, nên gọi là Bất Thoái).
Chiếu theo Lý mà nói, đới nghiệp vãng sanh, sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư và Phương Tiện Hữu Dư của Tây Phương Cực Lạc thế giới nhất định vẫn có thể thoái chuyển. Thật sự chẳng thoái chuyển thì phải sanh vào cõi Thật Báo Trang Nghiêm, vì [người trong] cõi Thật Báo Trang Nghiêm đã kiến tánh, sử dụng chân tâm, dùng Chân Như bổn tánh, người dùng chân tâm sẽ chẳng bị thoái chuyển. Từ cõi Phương Tiện Hữu Dư trở xuống, vẫn là dùng cái tâm ý thức. Tâm ý thức là vọng tâm, dùng vọng tâm nhất định bị thoái chuyển. Vì sao [chúng sanh trong] Tây Phương Cực Lạc thế giới không bị thoái chuyển? Do không có duyên gây thoái chuyển! Điều này tốt lắm! Bất luận là hoàn cảnh vật chất, hay hoàn cảnh quan hệ giữa con người với nhau, đều giúp cho quý vị tiến lên, không có gì nhiễu loạn khiến đạo tâm của quý vị bị lui sụt. Vì thế, quý vị có muốn lui sụt cũng chẳng thể lui sụt được! Do vì lẽ này, quý vị mới chẳng thoái chuyển.
Từ cõi Phương Tiện Hữu Dư trở xuống, liên hoa hóa sanh, hoa sen chưa nở, luôn ở trong hoa sen. Hoa nở thấy Phật, ngộ Vô Sanh, đấy chính là cõi Thật Báo Trang Nghiêm. “Hoa nở thấy Phật” là thấy Báo Thân Phật, tức là vị Phật như trong bài kệ tán Phật đã nói: “Bạch hào uyển chuyển ngũ Tu Di, cám mục trừng thanh tứ đại hải”, vị Phật như vậy đó, đại Phật. Còn vị Phật mà ta được thấy trong hoa sen chính là Hóa Thân Phật. Quý vị ở trong hoa sen thì A Di Đà Phật, Quán Âm, Thế Chí, chư Phật, Bồ Tát mà quý vị trông thấy đều là hóa thân trong hoa sen để thuyết pháp. Hơn nữa, ở trong hoa sen, tuy mỗi người đều có hoa sen riêng dành cho mỗi cá nhân, nhưng rất kỳ lạ là trong hoa sen của ta cũng dường như thấy có đông người ngần ấy, mà người khác từ trong hoa sen của họ cũng thấy ta, nhưng thật ra mỗi người ở trong một hoa sen riêng. Cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn! Vì thế, quý vị ngàn vạn phần đừng khởi vọng tưởng: Hai người chúng ta vãng sanh, sanh về bên đó, tôi cũng chẳng gặp bạn, mà bạn cũng chẳng thấy tôi, giống như chúng ta sống trong hai căn nhà, bạn ở bên đó, tôi ở bên này, hai người chúng ta vẫn chưa thấy mặt nhau. Không phải vậy! Tuy là hai hoa sen, nhưng chính quý vị cảm thấy giống như ở cùng một chỗ; cảnh giới ấy chẳng thể nghĩ bàn!
Do vậy, quý vị hằng ngày thấy Phật, chẳng qua là thấy Hóa Thân Phật mà thôi! Hóa thân Phật bao lớn? Tùy thuộc phước báo của quý vị: Phước báo nhỏ thì thấy Phật nhỏ, phước báo lớn thấy Phật lớn. Bởi lẽ, Phật tùy loại hiện thân; hoa sen của quý vị to, đương nhiên thân quý vị cũng to, Phật cũng to. Hoa sen của quý vị nhỏ, đương nhiên quý vị thấy Phật cũng nhỏ, cùng một đạo lý! Hoa sen lớn hay nhỏ là do công phu niệm Phật của chúng ta sâu hay cạn mà biến hiện ra. Chỉ cần chúng ta phát tâm ở đây, niệm Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, trong ao sen bảy báu nơi thế giới Cực Lạc sẽ sanh một đóa hoa sen. Kinh còn nói rất rõ ràng: Trên hoa sen có ghi tên họ, trong tương lai [khi hành nhân] vãng sanh, A Di Đà Phật cầm hoa sen ấy đến tiếp dẫn quý vị. Quý vị niệm Phật công phu càng siêng năng, hoa sen ngày càng to hơn, ánh sáng và màu sắc ngày càng tốt đẹp hơn. Quý vị niệm Phật biếng nhác, bê trễ, hoặc chẳng muốn niệm, học những pháp môn khác, hoa sen ấy dần dần chết khô, không còn nữa. Nay chúng ta dốc hết tánh mạng niệm Phật tại nơi đây nhằm vun quén đóa sen to trong ao bảy báu. Nếu chúng ta thích tranh đua, hãy nên tranh đua về độ lớn nhỏ, ánh sáng, màu sắc của hoa sen. Quý vị ở trong nhân gian ganh đua của cải, địa vị, những thứ ấy đều là giả, vì sao? Quý vị chết rồi sẽ chẳng mang thứ gì theo được, hoàn toàn là giả. Do vậy, niệm Phật nhiều để vun quén cho hoa sen của mình to lớn, đó là thật, quyết định chẳng giả!
Thật sự gặp gỡ pháp môn này, gặp được bộ kinh này, quý vị thật sự có phước báo. Do vậy, từ nay trở đi, giảng đường chúng ta hễ in kinh bèn in A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, chỉ hoằng dương một thứ này, hy vọng ấn hành số lượng càng nhiều càng tốt. Ngoài ra là đề xướng Tây Phương Công Cứ nhằm tiếp dẫn kẻ sơ cơ hoặc người vừa mới niệm Phật.
(Diễn) Nhị, tín vị mãn túc dĩ khứ, hoa khai kiến Phật, nhập Thập Trụ vị.
(演) 二信位滿足以去,華開見佛,入十住位。
(Diễn: Hai là sau khi đã viên mãn địa vị Thập Tín, hoa nở thấy Phật, bước vào địa vị Thập Trụ).
“Thập Trụ” là địa vị Thập Trụ trong Viên Giáo, [“nhập Thập Trụ vị”] là chứng địa vị Sơ Trụ.
(Diễn) Đắc thiểu phần kiến Pháp Thân, trụ Chánh Định vị dã.
(演) 得少分見法身,住正定位也。
(Diễn: Được thấy Pháp Thân ít phần, trụ trong địa vị Chánh Định).
Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân, đấy là Bất Thoái. Chỗ thù thắng nhất trong Tây Phương Cực Lạc thế giới là ở ý nghĩa Bất Thoái thứ nhất (tức là “không có duyên thoái chuyển trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư và Phương Tiện Hữu Dư”), vì chúng ta chẳng hề thấy loại Bất Thoái thứ nhất trong bất cứ một cõi Phật nào. Nói cách khác, [trong các cõi Phật khác] chắc chắn là thoái chuyển, tiến tiến, lùi lùi. Chúng ta đọc kinh Hoa Nghiêm sẽ hiểu, trong kinh Hoa Nghiêm, Thập Tín Bồ Tát không có địa vị, đến Thập Trụ mới kể là [thuộc vào] bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ, chứ địa vị Thập Tín trước đó thì không tính, bắt đầu từ Thập Trụ mới nói [là Pháp Thân đại sĩ]. Vậy thì Thập Tín có [phần trong hội Hoa Nghiêm] hay không? Có, nhưng không được coi là có địa vị [trong thế giới Hoa Tạng] vì sao? Tiến tiến, lùi lùi. Nói cách khác, Bồ Tát thuộc địa vị Thập Tín trong thế giới Hoa Tạng vẫn là tiến tiến, lùi lùi, còn Bồ Tát thuộc địa vị Thập Tín trong thế giới Cực Lạc chẳng thoái chuyển. Điều này rất lạ lùng, thật sự chẳng thể nghĩ bàn! Chúng ta hiểu rõ sự lý này, nhất định phải quý tiếc pháp môn này. Thế giới Hoa Tạng chẳng thể sánh bằng Tây Phương Cực Lạc thế giới về mặt thù thắng.
Lại nghĩ đến bản thân chúng ta dụng công tu hành, quý vị có thể chứng đến địa vị Thập Tín là khá lắm, nhưng nếu quý vị không thể vãng sanh thì vẫn bị thoái chuyển. Địa vị Thất Tín trong Thập Tín đã đoạn sạch Kiến Tư phiền não, bằng với bậc A La Hán trong Tiểu Thừa, nhưng vẫn bị thoái chuyển. Bởi lẽ, bậc A La Hán còn mê khi cách ấm. Nếu A La Hán đầu thai vào nhân gian, sẽ quên sạch sành sanh những chuyện trước lúc được sanh ra, Ngài vẫn còn mê hoặc, điên đảo. Do đây biết rằng: Chỗ hết sức thù thắng trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, hết sức khó có [chính là không có duyên thoái chuyển]. Đã thế, ai cũng có thể sanh về nơi ấy! Có những người rất quật cường, đức Phật khuyên họ sanh về Tây Phương, họ khăng khăng không chịu tin tưởng: “Tôi muốn sanh về Đông Phương. Đông Phương có Dược Sư Lưu Ly Phật, tôi đến đó chẳng tốt hay sao? Vì lẽ gì tôi phải nhất định về Tây Phương?” Đến Đông Phương Lưu Ly thế giới, quý vị thật sự có thể sanh về đó được, nhưng nếu quý vị thuộc vào địa vị Thập Tín thì vẫn còn thoái chuyển, quý vị phải cẩn thận chuyện này! Địa vị Thập Tín trong Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng thoái chuyển, điều nào thù thắng hơn? Chính quý vị có thể hiểu rõ!
(Diễn) Tam giả, Tam Hiền vị mãn, nhập Sơ Địa dĩ khứ, chứng biến mãn Pháp Thân, sanh vô biên Phật độ, như Phật ký Long Thọ đẳng, trụ Sơ Địa, sanh Tịnh Độ dã.
(演) 三者三賢位滿 , 入初地以去 , 證遍滿法身,生
無邊佛土,如佛記龍樹等,住初地,生淨土也。
(Diễn: Ba là đã viên mãn địa vị Tam Hiền, đã chứng từ Sơ Địa trở lên, chứng Pháp Thân trọn khắp, sanh trong vô biên cõi Phật, như Phật thọ ký cho ngài Long Thọ v.v… trụ Sơ Địa, sanh trong Tịnh Độ).
Đây là nói tới Địa Thượng Bồ Tát trong Viên Giáo, tức bậc Đăng Địa (chứng nhập từ Sơ Địa trở lên). Tu viên mãn địa vị Tam Hiền, nhập Sơ Địa. Lão nhân gia nêu lên thí dụ: Long Thọ Bồ Tát là Sơ Địa Bồ Tát trong Viên Giáo, Ngài cũng niệm Phật cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ. Ngài Long Thọ rất phi phàm! Tám tông phái Đại Thừa của Trung Quốc đều công nhận Ngài là tổ sư đời thứ nhất, Ngài là tổ chung của tám tông. Vì sao? Tám đại tông phái lưu xuất từ Ngài, Ngài đúng là bậc học rộng nghe nhiều. Ngài đã lấy kinh Hoa Nghiêm từ cung rồng. Sau khi đức Phật nói kinh này xong, trong thế gian không ai có thể thọ trì, Đại Long Bồ Tát đem kinh này cất giữ trong long cung. Long Thọ Bồ Tát đến thăm long cung, thấy kinh này bèn đem về, khi ấy, thế gian mới có Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh. Vì vậy, tông Hoa Nghiêm cũng tôn Ngài làm tổ sư đời thứ nhất. Bản thân Ngài là người niệm Phật cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ, sách Tịnh Độ Thánh Hiền Lục có ghi truyện ký về Ngài. Sơ Địa Bồ Tát sanh về Tịnh Độ, đương nhiên sanh vào cõi Thật Báo Trang Nghiêm.
(Sớ) Thử kinh tắc thất nhật nhất tâm, Phật hiện tại tiền, thị dã.
(疏) 此經則七日一心,佛現在前,是也。
(Sớ: Kinh này nói bảy ngày nhất tâm, Phật bèn hiện trước mặt, chính là nói về chuyện này).
Nói tới mau chóng thì chẳng có gì mau chóng hơn. Có người học đạo nào chẳng hy vọng mau chóng thành tựu? Càng nhanh càng tốt, thật đấy! Nhanh nhất thì không chi hơn được pháp môn này!
(Diễn) Thử kinh tắc thất nhật nhị cú, thị dẫn bổn kinh vi chứng, nhi tứ đoạn văn trung giai dẫn bổn kinh vi chứng giả, minh phân thử tứ chủng, phi ức kiến dã.
(演) 此經則七日二句 , 是引本經為證 , 而四段文中
皆引本經為證者,明分此四種,非臆見也。
(Diễn: Hai câu “kinh này nói bảy ngày…” chính là dẫn kinh này để làm chứng, trong bốn đoạn văn đều dẫn kinh này làm chứng, nhằm chỉ rõ: [Lời Sớ] chia [tín tâm] thành bốn loại như thế, chẳng phải là đoán mò).
Nói rõ câu nào cũng đều phát xuất từ kinh điển, căn cứ trên kinh điển, chứ không do chính mình suy đoán. Đức Phật dạy răn kẻ hậu học “y pháp, bất y nhân”.
Ưu điểm của Liên Trì đại sư và pháp sư Cổ Đức là mỗi câu đều có kinh điển làm chứng cứ, quyết chẳng phải là quan niệm hay suy luận của chính các Ngài. Bản thân các Ngài đã “y pháp, bất y nhân”, nghiêm ngặt tuân thủ pháp Tứ Y, chính các Ngài đã thành tựu như vậy, mà còn giúp cho mọi người chúng ta đều được thành tựu.
(Sớ) Cố tri Linh Sơn dĩ quá.
(疏) 故知靈山已過。
(Sớ: Nên biết: “Hội Linh Sơn đã qua”).
Thích Ca Mâu Ni Phật đã diệt độ.
(Sớ) Long Hoa vị lai.
(疏) 龍華未來。
(Sớ: Hội Long Hoa chưa đến).
Di Lặc Bồ Tát vẫn chưa thị hiện thành Phật.
(Sớ) Vô Phật thế trung, nhi đắc kiến Phật, thị danh tối thắng đệ nhất phương tiện.
(疏) 無佛世中,而得見佛,是名最勝第一方便。
(Sớ: Trong đời không có Phật mà được thấy Phật, đó gọi là phương tiện tối thắng thứ nhất).
Hiện thời không có Phật trụ thế, chúng ta dựa vào pháp môn này có thể thấy Phật, hiện tiền, tương lai, nhất định thấy Phật. Đấy là “phương tiện tối thắng bậc nhất”. Trong phần trên có nói bốn thứ phương tiện, đến đây đã giảng xong phương tiện thứ nhất. Hôm nay chúng tôi giảng đến chỗ này!
[1] Đạo giáo đề xướng hai cách luyện đan:
- Nội đan: Tập trung tư tưởng điều khiển các luồng “chân khí” trong người để xung phá, khai phóng các huyệt đạo trọng yếu trong người, kết hợp với hít thở và các động tác võ thuật để đả thông kinh lạc, luyện tấm thân không già, không bệnh, trường sanh bất lão. Họ chủ trương thân thể giống như cái lò nung thuốc (linh đan lô) nên gọi là “nội đan”, quan niệm thân này là một tiểu vũ trụ. Dùng phương pháp nội đan để hợp nhất Âm Dương, hòa nhập làm một với vũ trụ. Từ quan điểm này, phát sanh ra thuật Khí Công, Nội Gia Quyền, Thái Cực Quyền v.v… Những nhân vật cự phách của trường phái này là Hứa Tốn, Ngụy Hoa Tôn, La Phù Sơn, Thôi Hy Phạm, Tư Mã Thừa Trinh, Chung Ly Quyền, Lã Động Tân, Trương Bá Đoan, Vương Trùng Dương (tổ sư Toàn Chân Giáo), Trương Tam Phong…
- Ngoại đan: Trường phái này do Ngụy Bá Dương, Đào Hoằng Cảnh, Cát Hồng đề xướng, dùng các phương thức bí truyền để nấu, sắc, nung luyện các loại thuốc và kim loại nhằm uống vào sẽ thành tiên, trường sanh bất tử. Từ đây phát sanh ra những ngành luyện kim, giả kim thuật, bùa chú, lôi pháp v.v… Đa số những thứ kim đan theo các sách cổ hết sức đề cao các chất kim loại độc, coi những thứ như chì, thủy ngân là mẹ của các kim loại, nên rất nhiều người uống vào đã bị trúng độc, hộc máu chết tươi. Đường Vũ Tông tin lời mê hoặc của đạo sĩ, uống kim đan, nửa điên, nửa tỉnh, bệnh ngặt nghèo, suốt mười ngày không nói được câu nào. Đường Tuyên Tông uống kim đan “trường niên dược” do thái y Lý Nguyên Bá chế, thổ tả không ngừng, lưng lở loét nát bấy, qua đời.