Tập 186/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 03-003-0289

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 186

          Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm tám mươi lăm:

          (Sao) Thường quang, phóng quang giả, thường sở hiển quang, vô phóng bất phóng, như viên quang nhất tầm đẳng, thị dã. Phóng quang giả, hoặc ư mi gian, hoặc ư đảnh thượng, hoặc khẩu, hoặc xỉ, hoặc tễ, hoặc túc chi loại, thị dã. Kim ngôn quang giả, chánh ý tại thường, nhi diệc kiêm phóng, cập dữ thân trí. Như Đại Bổn ngôn: “Nhĩ thời, A Di Đà Phật, tùng kỳ diện môn, phóng vô lượng quang”. Hựu vân: “Ngã dĩ trí huệ quang, quảng chiếu vô ương giới cố”.

()常光放光者,常所顯光,無放不放,如圓光一尋等,是也。放光者,或於眉間、或於頂上,或口、或齒、或臍、或足之類,是也。今言光者,正意在常,而亦兼放,及與身智。如大本言:爾時阿彌陀佛,從其面門,放 無量光。又云:我以智慧光,廣照無央界故。

(Sao: “Thường quang, phóng quang”: Thường quang là quang minh hiển lộ, chẳng có tỏa sáng hay không, như [kinh nói] viên quang chiếu xa một Tầm, chính là nói về thường quang. Phóng quang là như từ nơi giữa hai mày, hoặc từ trên đỉnh đầu, hoặc từ miệng, hoặc từ răng, hoặc từ rốn, hoặc từ chân v.v… [tỏa ra ánh sáng] là nói về loại này. Nay nói đến quang thì ý nghĩa chánh yếu là nói đến thường quang, mà cũng kèm thêm phóng quang cùng với thân quang và trí quang. Như kinh Đại Bổn nói: “Khi ấy, A Di Đà Phật từ nơi diện môn[1], tỏa ra vô lượng quang minh”. Lại nói: “Ta dùng trí huệ quang chiếu rộng khắp vô ương cõi”).

 Quang minh biểu thị trí huệ. Phật quang có hai loại:

1) Một là thường quang. Thường quang còn gọi là thân quang, trên thân đức Phật luôn có [loại quang minh này]. Thuở Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện trên thế gian này, [thân thị hiện] là thân Liệt Ứng, tức thân cao một trượng sáu thước. Thường Quang của Ngài chiếu xa một tầm. Một Tầm (尋) là đơn vị đo lường. Trung Hoa gọi tám thước là một Tầm. Thường quang của đức Phật chiếu xa tám thước, toàn thân đều có.

2) Phóng quang là do có nhân duyên đặc biệt, đức Phật sẽ tỏa ánh sáng.

Do vậy có thể biết, thường quang từ tâm thanh tịnh biến hiện. Tâm địa Ngài thanh tịnh, nên tự nhiên quang minh này chẳng gián đoạn. Vì thế, chẳng thể nói là Ngài có phóng quang hay không. Phóng quang là duyên phận, gặp cơ duyên, đức Phật sẽ phóng quang. Phóng quang là cảm ứng đạo giao cùng chúng sanh: Chúng sanh có cảm, Phật bèn có ứng. Ứng hiện nhanh chóng nhất không gì hơn phóng quang. Phóng quang thì không nhất định ở nơi nào, đại khái là mỗi nơi đều có ý nghĩa biểu thị pháp đặc thù. Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật từ trên nhục kế nơi đỉnh đầu phóng quang, biểu thị pháp môn ấy là đảnh pháp. Từ diện môn tỏa ánh sáng, ở đây nói là “hoặc ư mi gian” (hoặc từ giữa hai mày), “mi gian” nghĩa là tướng bạch hào phóng quang. Giữa hai chân mày của đức Phật có hai sợi bạch hào[2], bạch hào cuộn tròn lại cùng một chỗ, giống như một viên châu. Từ chỗ ấy tỏa ánh sáng là phổ biến nhất. Mỗi bộ vị trên thân Ngài đều có thể tỏa ánh sáng, loại tỏa sáng này được gọi là “phóng quang”.

          Nay kinh này nói tới Quang, “chánh ý tại thường” (ý nghĩa chánh yếu là thường quang), thường quang của A Di Đà Phật. Kinh Đại Thừa thường nhắc tới và tán thán A Di Đà Phật, đức Phật có vô lượng tướng và vô lượng [tùy hình] hảo. Mỗi hảo có vô lượng quang minh, trong quang minh lại hóa hiện vô lượng chư Phật, phổ độ mười phương chúng sanh, trang nghiêm dường ấy! Vì thế, ý nghĩa chánh yếu là thường quang, nhưng trong ấy cũng hàm nhiếp phóng quang. Quang là trí quang và thân quang. Liên Trì đại sư trích dẫn một đoạn kinh Vô Lượng Thọ để chứng minh: “Nhĩ thời, A Di Đà Phật tùng kỳ diện môn, phóng vô lượng quang” (Lúc bấy giờ, A Di Đà Phật từ nơi diện môn, tỏa ra vô lượng quang minh), đó là phóng quang. Lại nói: “Ngã dĩ trí huệ quang, quảng chiếu vô ương giới” (Ta dùng ánh sáng trí huệ chiếu rộng khắp vô ương cõi nước). “Vô ương” là một con số lớn, thường nói là vô lượng vô biên, hoặc Vô Ương Số, chẳng có cách nào tính toán, chiếu rộng khắp mười phương thế giới.

          (Sao) Vạn đức sở thành giả, Hoa Nghiêm Hiền Thủ phẩm, khai tứ thập tứ môn quang minh, các xuất kỳ nhân, hoặc quy Tam Bảo, hoặc phát Tứ Hoằng, Tam Học, Lục Độ chi sở thành tựu, nhất nhất kết vân, thị cố đắc thành thử quang minh.

()萬德所成者,華嚴賢首品,開四十四門光明,各出其因,或歸三寶,或發四弘,三學六度之所成就,一一結云,是故得成此光明。

(Sao: “Do muôn đức tạo thành”: Phẩm Hiền Thủ trong kinh Hoa Nghiêm có nói bốn mươi bốn môn quang minh, đối với mỗi loại quang minh đều nêu ra cái nhân, hoặc quy vào Tam Bảo, hoặc do Tứ Hoằng, Tam Học, Lục Độ thành tựu. Mỗi môn quang minh đều được kết thúc bằng câu “do vậy, được thành quang minh này”).

          Trí quang và thân quang do đâu mà có? Nói thật ra, thân của mỗi người, thân mỗi chúng sanh đều có quang minh, chỉ vì tâm chúng ta chẳng thanh tịnh nên không thấy. Nếu tâm địa thanh tịnh, có thể thấy thân quang của mỗi người. Thân quang của Phật là tám thước, phàm phu chỉ có mấy tấc. Đã thế, màu sắc của quang minh cũng khác nhau, kim sắc quang minh là tốt nhất. Người luyện Khí Công, từ màu sắc và độ lớn nhỏ của quang minh, họ có thể thấy được tâm tư, mà cũng có thể thấy trạng huống sức khỏe nơi thân quý vị, biết quý vị bị bệnh ở chỗ nào! Vì sao? Nếu trong quang minh có chướng ngại, bộ phận nào chẳng phóng quang được, [tức là] ở nơi ấy bị bệnh, nên có chướng ngại. Quang minh có mối quan hệ mật thiết với tư tưởng, kiến giải, và hành vi của chúng ta. Tâm Phật thuần tịnh, đại từ, đại bi, nên quang minh của Ngài thù thắng.

          Từ ý nghĩa này trong kinh Hoa Nghiêm, chúng ta biết thân quang và trí quang thù thắng là do tu thành. Tuy bản tánh vốn trọn đủ, nhưng nếu quý vị chẳng tu, Tánh Đức sẽ chẳng thể hiện tiền. “Vạn đức sở thành”: Trong vạn đức, đương nhiên bao hàm Tánh Đức và Tu Đức, nhưng thiên trọng Tu Đức, Tánh Đức vốn trọn đủ. Phẩm Hiền Thủ nói đại lược bốn mươi bốn thứ [quang minh][3], “các xuất kỳ nhân” (đối với mỗi loại quang minh đều nêu ra cái nhân của nó). Bốn mươi bốn thứ quang minh ấy do nhân duyên gì mà có, chúng ta phải chú ý những điều này. “Hoặc quy y Tam Bảo”: Quý vị thật sự quy y Tam Bảo, quỷ thần trông thấy quý vị đều cung kính, vì sao? Quỷ thần có thể thấy quang minh nơi thân quý vị. Thật sự quy y Tam Bảo, trên thân thể sẽ tỏa ra kim sắc quang minh. Kim quang minh thù thắng nhất trong các thứ quang minh, lẽ nào quỷ thần trông thấy chẳng tôn kính? Quang minh của quý vị vượt trỗi họ, họ cung kính quý vị. Nhưng hai chữ Quy Y chẳng dễ dàng! Nay chúng ta nói “quy y” thì đó là quy y trên hình thức, chẳng hữu dụng to tát. Phải thật sự làm được “phiên tà tam quy” (do Tam Quy mà lật ngược sự tà vạy), Quy là thật sự quay đầu, đoạn ác, tu thiện. Từ mê hoặc, điên đảo quay về, nương tựa tự tánh giác, giác chứ không mê, đó là Quy Y Phật. Từ tư tưởng và kiến giải sai lầm quay về, nương theo chánh tri chánh kiến, đó là Quy Y Pháp. Từ hết thảy ô nhiễm, ô nhiễm là gì? Cảm tình. Cảm tình là ô nhiễm, tham, sân, si, mạn, từ nơi đây quay về, nương theo tâm thanh tịnh, tự tánh thanh tịnh, chẳng nhiễm mảy trần, đó là Quy Y Tăng. Thật sự từ mê, tà, nhiễm, quay về nương tựa giác, chánh, tịnh, đó là Quy Y Tam Bảo. Ý niệm của quý vị vừa chuyển, đó gọi là “y báo chuyển theo chánh báo”. Thân quang và trí quang cũng là y báo, quang minh lớn hay nhỏ khác nhau, màu sắc cũng khác nhau. Thông thường, tâm thuật bất chánh, tạo tác ác nghiệp, quang minh màu xám hay đen. Màu đen là bất hảo nhất, gần như tai nạn sẽ xảy đến. Quang minh thù thắng là quang minh màu vàng, hoặc kim sắc quang minh, quang minh ấy khá thù thắng!

          “Hoặc phát Tứ Hoằng”: Phát Tứ Hoằng Thệ Nguyện. Tứ Hoằng Thệ Nguyện là Bồ Đề tâm. Tứ Hoằng lấy độ chúng sanh làm chủ, “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”. “Độ” là tận tâm tận lực giúp đỡ hết thảy chúng sanh, chỉ cần là họ cần đến, chúng ta phải tận tâm tận lực giúp đỡ họ. Giúp đỡ họ thì quan trọng nhất là giúp họ phá mê khai ngộ, giúp họ minh tâm kiến tánh, điều này quan trọng nhất! Vì sau khi khai ngộ, hết thảy phiền não, mê hoặc đều có thể đoạn trừ, trí huệ và đức năng tự nhiên hiển lộ. Đó là sự giúp đỡ thù thắng khôn sánh của Phật, Bồ Tát đối với hết thảy chúng sanh, những thứ khác như “đoạn phiền não, học pháp môn, thành Phật đạo” đều nhằm thỏa nguyện thứ nhất.

          Nếu chúng ta muốn phổ độ chúng sanh, trước hết, phải độ chính mình. Chính mình chưa độ, sẽ chẳng có cách nào độ người khác. Độ chính mình thì trước hết phải đoạn phiền não, có thứ tự hoàn toàn giống như trong Liễu Phàm Tứ Huấn đã nói. Trước hết, phải đoạn ác. “Đoạn phiền não” là đoạn ác, “học pháp môn” là tu thiện, tích thiện, tích đức. Chỉ có viên thành Phật đạo, chúng ta mới giúp đỡ chúng sanh viên mãn. Chẳng thành Phật, trình độ của quý vị vẫn là hữu hạn, quý vị có thể giúp những chúng sanh có trình độ thấp hơn chính mình, nhưng đối với những chúng sanh có trình độ cao hơn, quý vị chẳng có cách nào giúp đỡ họ! Ắt phải thành Phật đạo thì mới có thể giúp Đẳng Giác Bồ Tát. [Những người có mức độ giác ngộ] từ Đẳng Giác trở xuống thì đương nhiên chẳng cần phải nói nữa! Do vậy, [phải thành Phật đạo] thì mới có thể phổ độ chúng sanh. Nếu quý vị phát đại tâm chân thành, rất khó có, hết sức hy hữu! Tuy chúng ta học Phật, hằng ngày niệm bốn câu ấy, chỉ là niệm ngoài cửa miệng, chẳng khởi tác dụng, chẳng thật sự phát tâm ấy. Vì sao biết? Nếu thật sự phát tâm ấy, người đó sẽ nghiêm túc đoạn phiền não, sửa lỗi, tu thiện. Người ấy có phiền não tập khí, vẫn chưa thể sửa, có thể thấy là Bồ Đề tâm và Tứ Hoằng Thệ Nguyện chưa phát, phát bằng miệng thì chẳng có tác dụng gì hết! Phật pháp là pháp môn tâm địa, nhất định phải từ nội tâm sanh khởi thì mới có thể thật sự biến hóa khí chất. Tam Học, Lục Độ: Tam Học là pháp tu tập của Nhị Thừa, tức là Giới Học, Định Học, Huệ Học. Lục Độ là pháp tu của Bồ Tát, gồm Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn, Thiền Định, Bát Nhã.

          Ở đây, nêu đại lược bốn khoa trong bốn mươi bốn môn [quang minh]. Trong mỗi môn, kinh Hoa Nghiêm đều kết luận: “Thị cố đắc thử quang minh” (Do vậy, đắc quang minh này). Từ chỗ này, chúng ta hoàn toàn hiểu rõ. Quang minh của đức Phật là do vô lượng kiếp tu tập, tích lũy mà đạt được. Vì tu tập, tích lũy [công đức], trừ bỏ phiền não, sở tri, nên quang minh vốn sẵn có trong Tánh Đức mới có thể hiển lộ. Mỗi người chúng ta đều có tướng hảo và quang minh giống hệt như Như Lai. Phẩm [Như Lai] Xuất Hiện trong kinh Hoa Nghiêm đã nói rất hay: “Hết thảy chúng sanh đều có trí huệ và đức tướng của Như Lai”, có thể thấy là quang minh cũng giống như vậy. Quang minh là một trong các đức tướng, thảy đều có, “chỉ vì vọng tưởng, chấp trước mà chẳng thể chứng đắc”. Vì sao quang minh chẳng hiển lộ? Quý vị có phiền não, có vọng tưởng, có chấp trước, nên Tánh Đức chẳng thể hiện tiền. Do vậy có thể biết, Tu Đức là tu gì? Trừ khử vọng tưởng và chấp trước mà thôi. Vọng tưởng và chấp trước đã trừ, trí huệ quang minh trong bản tánh tự nhiên hiển lộ. Quý vị đồng tu phải thấu hiểu cặn kẽ ý nghĩa này, phải hiểu rõ chân tướng sự thật, chúng ta mới có thể nghiêm túc nỗ lực tu học.

           (Sao) Hựu Bát Nhã kinh, Phật ngôn: “Ngã ư nhất thiết pháp vô sở chấp, cố đắc thường quang nhất tầm”. Tắc tri kim Phật quang minh, phi nhất đức sở trí dã.

          (Diễn) Ngã ư nhất thiết vô sở chấp, đắc thường quang giả, chư Phật quang minh tùng trí huệ sanh. Phàm phu chấp trọng, trí huệ bất sanh. Trí huệ bất sanh, quang minh hà hữu? Cố đãng tận nhất thiết chấp giả, nãi năng phát quang minh dã. Hựu hữu sở chấp giả thức tình, vô sở chấp giả trí huệ. Ký hữu trí quang, khởi vô thân quang?

()又般若經,佛言:我於一切法無所執,故得常光一尋,則知今佛光明,非一德所致也。

          ()我於一切無所執,得常光者,諸佛光明從智慧生,凡夫執重,智慧不生,智慧不生,光明何有,故蕩盡一切執者,乃能發光明也。又有所執者識情,無所執者智慧。既有智光,豈無身光。

(Sao: Lại nữa, trong kinh Bát Nhã, đức Phật nói: “Đối với hết thảy các pháp, ta chẳng chấp trước, nên đạt được thường quang chiếu xa một Tầm”. Do đó biết quang minh của Phật chẳng phải do một đức tạo nên.

Diễn: “Đối với hết thảy, ta chẳng chấp trước, nên đắc thường quang”: Quang minh của chư Phật sanh từ trí huệ. Phàm phu chấp trước nặng nề, chẳng sanh trí huệ. Trí huệ chẳng sanh, làm sao có quang minh? Vì thế, gột sạch hết thảy chấp trước thì mới có thể phát sanh quang minh. Lại nữa, có điều gì chấp trước thì là thức tình, chẳng có chấp trước bèn là trí huệ. Đã có trí quang, lẽ nào chẳng có thân quang?)

          Lời chú giải hay lắm, đã giải thích rõ ràng Lý và Sự của chuyện này. Ở đây còn có một chuyện đáng cho chúng ta chú ý. Người bình phàm thấy thân quang và trí quang của đức Phật, luôn cảm thấy cao chẳng thể vói tới, xa xôi chẳng thấu đạt được, dường như chẳng có mối quan hệ to tát gì đối với chính mình, thấy rồi kể như xong. Trước mắt, điều có quan hệ chặt chẽ nhất đối với chúng ta là gì? Tôi bảo quý vị, thân thể khỏe mạnh. Nhắc tới điều này, mọi người đều nên chú ý, thân quang và phóng quang có mối quan hệ mật thiết với sức khỏe nơi thân thể. Có thể thấy phần kinh văn này chẳng phải là không liên quan đến chúng ta, chẳng phải là vĩnh viễn không đạt được. Từng chữ, từng câu đều liên quan rất lớn với cuộc sống hiện tiền của chúng ta. Nếu quý vị biết học, thật sự thấu hiểu ý nghĩa này, vận dụng vào cuộc sống hằng ngày, quý vị sẽ khỏe mạnh, sống lâu, thanh xuân, chẳng già, quý vị có muốn hay không? Nếu quý vị muốn, chẳng thể không đổ công dốc sức nơi điều này, xác thực là có hiệu quả. Vì lẽ đó, chẳng phải là một đức mà có thể viên mãn, phải là các đức thì thân quang và trí quang mới viên mãn, nhưng các đức phải tu từ một đức.

          Phật pháp thường dùng Pháp Luân để biểu thị pháp, dùng nó làm tiêu chí (logo). Luân biểu thị Không và Hữu bất nhị. Luân (bánh xe) tròn, nhưng cái tâm của hình tròn là Không, vành tròn thì có, nó biểu thị Không và Hữu bất nhị, động tĩnh như nhau. Vành tròn bên ngoài là động, tâm hình tròn chẳng động. Trong động mà có bất động, trong bất động có động. Động tĩnh bất nhị, biểu thị điều này. Vì thế, tâm chúng ta phải là rỗng không, trong tâm chớ nên có thứ gì, tâm phải tĩnh, tâm chẳng thể động, tâm thanh tịnh. Thân phải động, thân là gì? Thân là vành tròn, bánh xe không xoay, sẽ chẳng khởi tác dụng. Khoa học kỹ thuật hiện thời phát triển như vậy, truy tìm nguyên nhân, toàn là do bánh xe đang chuyển động. Chẳng có bánh xe, khoa học kỹ thuật trên thế giới đều phải ngưng dứt! Do đó, thân là bánh xe, thân phải động, tâm phải thanh tịnh, quý vị mới có thể khỏe mạnh.

          Con người hiện thời sanh bệnh, [là vì] thân muốn thoải mái, chẳng động, trong tâm suốt ngày từ sáng đến tối suy nghĩ lung tung, hoàn toàn điên đảo. Thân chẳng động, thân này liền rỉ sét, phát sanh bệnh tật. Tâm đang động, tâm cũng sanh bệnh. Tâm vốn là thanh tịnh, bất động, nay quý vị khăng khăng buộc nó động, cho nên tâm sanh bệnh. Tâm đã bệnh, thân thể làm sao khỏe mạnh cho được? Chư vị phải biết: Dưỡng tâm thì phải tĩnh, dưỡng thân thì phải động. Lễ bái trong Phật môn là một thứ phương pháp tu hành rất tốt. Năm vóc gieo xuống đất là vận động. Khi lễ Phật, tâm địa cung kính, tâm cung kính là một niệm chẳng sanh. Đó là cung kính. Tâm thanh tịnh, dùng tâm thanh tịnh lạy Phật, đó là cung kính nhất. Vừa lạy Phật, trong tâm còn khấn khứa: “Phật, Bồ Tát ơi! Các Ngài phải phù hộ cho con”, sẽ chẳng linh! Vì sao? Thiếu cung kính, tâm chẳng chân thành. Quý vị dùng cái tâm vọng tưởng lạy Phật, làm sao có thể cảm ứng cho được? Có lẽ sẽ có người hỏi: “Trong tâm tôi có nguyện cầu, tôi không nói ra, làm sao đức Phật biết?” Nếu đức Phật không biết, Ngài sẽ chẳng được gọi là Phật, Phật sẽ biết. Vì thế, chẳng cần phải động niệm, chẳng cần phải khấn khứa. Quý vị càng động niệm, càng khấn khứa, càng chẳng được. Quý vị chẳng động niệm, chẳng cần khấn khứa, quý vị lạy Phật, Phật liền linh ứng. Vì lòng thành mà linh. Thành là gì? “Một niệm chẳng sanh thì gọi là Thành”. Trong tâm động niệm sẽ chẳng thành, chẳng thành sẽ không linh, chẳng có cảm ứng đạo giao. Phải nên ghi nhớ, phải biết những nguyên lý này.

          (Sao) Bổn nguyện sở trí giả.

            ()本願所致者。

(Sao: Do bổn nguyện tạo thành).

          Lời Sớ có nói quang minh có hai loại nguyên nhân: Một là do muôn đức tạo thành, hai là do “bổn nguyện sở trí” (bổn nguyện tạo thành). Phần trước đã nói về Tu Đức, tức là do muôn đức tạo thành. Nay trong phần này, nói về bổn nguyện.

          (Sao) Đại Bổn Pháp Tạng nguyện vân: “Ngã tác Phật thời, đảnh trung quang minh, thắng ư nhật nguyệt bách thiên vạn ức bội”. Hựu nguyện vân: “Nguyện ngã tác Phật thời, quang minh chiếu vô ương số thiên hạ, u minh chi xứ, giai đương đại minh. Chư thiên nhân dân, dĩ cập quyên nhuyễn, kiến ngã quang minh, mạc bất từ tâm, tác thiện, lai sanh ngã quốc”.

()大本法藏願云:我作佛時,頂中光明,勝於日月百千萬億倍。又願云:願我作佛時,光明照無央數天下,幽冥之處,皆當大明,諸天人民,以及蜎蝡,見我光明,莫不慈心作善,來生我國。

(Sao: Trong kinh Đại Bổn, ngài Pháp Tạng nguyện rằng: “Khi tôi thành Phật, quang minh nơi đỉnh đầu vượt trỗi mặt trời, mặt trăng trăm ngàn vạn ức lần”. Lại nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, quang minh chiếu vô ương số thiên hạ, chỗ tối tăm đều sẽ sáng bừng. Chư thiên nhân dân, cùng với các loài ngọ nguậy, bò trườn, thấy quang minh của tôi, không ai chẳng từ tâm, làm lành, sanh về nước tôi”).

           Hai đoạn này là kinh văn trong phần bốn mươi tám nguyện.

          (Sao) Hựu nguyện tiền kệ vân: “Năng sử vô lượng sát, quang minh tất chiếu diệu”. Cố kim thành Phật, đắc như sở nguyện.

()又願前偈云:能使無量剎,光明悉照耀,故今成佛,得如所願。

(Sao: Trong bài kệ trước phần phát nguyện lại nói: “Hay khiến vô lượng cõi, quang minh ắt chói ngời”. Do đó, nay Ngài thành Phật, được như sở nguyện).

          Đoạn này nhằm giải thích câu “bổn nguyện sở trí”. Bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật chẳng phải là phát ra ngay lập tức; do đâu mà có bốn mươi tám nguyện? Thế Gian Tự Tại Vương Phật vì Ngài tuyên nói y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười phương cõi Phật trải qua ngàn ức năm. Thời gian nghe pháp lâu dài như thế, đồng thời lại được Phật gia trì, khiến cho Ngài có thể đích thân thấy hai mươi mốt câu-chi các cõi Phật (hai mươi mốt câu-chi là hai trăm mười ức). Hai trăm mười ức chẳng phải là một con số, mà là biểu thị pháp. Bát Nhã và Mật Tông đều dùng “hai trăm mười ức” để biểu thị sự viên mãn đến tột cùng. Nói cách khác, đối với mười phương ba đời các cõi Phật, A Di Đà Phật đều đã đến thăm, giống như năm mươi ba lần tham học của Thiện Tài đồng tử, đại nguyện là từ những lần tham học và nghe pháp liên tục kết thành. Ngài thấy mười phương thế giới có lục đạo, có ba ác đạo rất khổ sở, cho nên phát nguyện: “Sau khi ta thành Phật, trong thế giới của ta chẳng có ba ác đạo”. Do Ngài thấy hoàn cảnh bên ngoài, nên mới phát đại nguyện như vậy.

          Do vậy có thể biết, bốn mươi tám nguyện chẳng thể nghĩ bàn; sau khi Ngài đã nghe pháp, tu học viên mãn, mới kết thành đại nguyện. Sau khi đã kết thành đại nguyện, lại còn năm kiếp tu hành, dùng hạnh để thực hiện nguyện, nguyện nào cũng đều chẳng hư luống, mỗi nguyện đều thật sự làm được, như vậy thì mới viên thành Phật đạo. Nếu quý vị biết sự thật này thì mới hoảng nhiên đại ngộ: Tây Phương Cực Lạc là thế giới gì? Là tập hợp toàn bộ những điều tốt đẹp trong các cõi Phật, hết thảy những chỗ chẳng tốt đẹp trong các cõi Phật, Ngài chẳng dùng đến, các ưu điểm bèn hoàn toàn chọn lấy, [tạo thành] một thế giới như thế đó. Thế giới ấy vượt trỗi hết thảy các thế giới của chư Phật. Thế giới đã vượt trỗi, đương nhiên A Di Đà Phật cũng vượt trỗi, thế giới là y báo, Phật là chánh báo. Trong chánh báo, quý vị hãy nghĩ xem: Nếu cái tâm chẳng vượt trỗi, thân cũng chẳng thể vượt trỗi. Vì thế biết A Di Đà Phật thù thắng bậc nhất, phát tâm thù thắng. Ngài phát tâm chẳng phải là độ chúng sanh trong một thế giới, một thế giới là nói một tam thiên đại thiên thế giới, chẳng phải vậy! Ngài phát tâm muốn độ hết thảy chúng sanh trong các cõi Phật trọn khắp mười phương tận hư không khắp pháp giới, Ngài phát nguyện ấy. Vì thế, khu vực giáo hóa của A Di Đà Phật chẳng phải là một thế giới, mà vô lượng vô biên các cõi Phật đều là khu vực giáo hóa của Ngài. Vì thế, thường quang của Phật Di Đà cũng chiếu khắp pháp giới, cũng lại chẳng thể nghĩ bàn! Một Tầm, tức tám thước, là quang minh nơi Ứng Thân của Phật, chẳng phải là Báo Thân. Báo Thân của Phật thì quang minh chiếu trọn khắp.

          Trong lời nguyện có nói tới “đảnh quang”, tức quang minh phát xuất từ đỉnh đầu “thắng ư nhật nguyệt bách thiên vạn ức bội” (trỗi vượt mặt trời, mặt trăng trăm ngàn vạn ức lần). Quang minh nơi một chỗ mà còn như thế, huống là thường quang nơi toàn thân. “Hựu nguyện vân” (Lại nguyện rằng), khi Ngài thành Phật, “quang minh chiếu vô ương số thiên hạ”, “thiên hạ” là một thế giới, đó là chiếu trọn khắp. “U minh chi xứ, giai đương đại minh” (Chỗ tối tăm đều sáng bừng). “U minh” là ngạ quỷ đạo, địa ngục đạo, trong lục đạo, đó là chỗ nghiệp chướng nặng nhất, quang minh của A Di Đà Phật đều chiếu thấu. “Chư thiên nhân dân” là nói thiên đạo và nhân đạo, “quyên nhuyễn” (蜎蝡) là súc sanh đạo, lục đạo thảy đều được nhắc tới. Lục đạo chúng sanh thấy quang minh của Phật Di Đà, “mạc bất từ tâm tác thiện, lai sanh ngã quốc” (không ai chẳng từ tâm, làm lành, sanh về nước ta).

          Nếu nay chúng tôi hỏi mọi người: Quý vị có thấy quang minh của A Di Đà Phật hay không? Có mấy người thấy? Nói thật ra, mỗi vị đồng tu đều đã thấy, nhưng chính quý vị chẳng biết. Vì sao biết là đã thấy? Quý vị có thể thấy bộ kinh này, bộ kinh này chính là Phật quang. Quý vị có thể nghe câu danh hiệu A Di Đà Phật, một tiếng Nam-mô A Di Đà Phật là Phật quang. Quý vị nghe, thấy, trong tâm sanh hoan hỷ, cũng chịu niệm Phật, niệm kinh, phát nguyện cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, đấy chính là như trong kinh đã nói “kiến ngã quang minh, mạc bất từ tâm, tác thiện, lai sanh ngã quốc” (thấy quang minh của ta, không ai chẳng từ tâm, làm lành, sanh về nước ta). Do đó, ba câu này nhằm nói tới chính chúng ta, chẳng nói tới ai khác! Đọc bộ kinh này, tâm địa phóng quang, chuyển biến ý niệm, dần dần tương ứng với bổn nguyện của A Di Đà Phật, và cũng tương ứng với sự tu trì của A Di Đà Phật. Đó là tiếp nhận Phật quang.

          “Năng sử vô lượng sát, quang minh tất chiếu diệu” (Hay khiến vô lượng cõi, quang minh ắt chói ngời). Hai câu kệ này là kinh văn trong kinh Vô Lượng Thọ, “cố kim thành Phật, đắc như sở nguyện” (nên nay thành Phật, được như sở nguyện). A Di Đà Phật nay đang thị hiện thành Phật trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, thân quang, trí quang, thường quang, phóng quang của Ngài, thảy đều chiếu khắp pháp giới, đối với điều này, chúng ta chẳng có mảy may nghi hoặc!

          Tiếp theo đây là nói  về  Vô  Lượng, tức  Vô  Lượng  Quang. Phần

trên đây chỉ giới thiệu Quang, có thân quang và thường quang. Quang minh của A Di Đà Phật là vô lượng quang. Hai thứ vô lượng thọ và vô lượng quang là cốt lõi của kinh này.

          (Sớ) Vô lượng giả, ngôn sở chiếu chi quảng dã. Thập phương giả, bất đồng tha kinh chiếu nhất phương cố. Vô chướng ngại giả, bất đồng nhật quang, do hữu ngại cố.

          ()無量者,言所照之廣也。十方者,不同他經照一方故。無障礙者,不同日光,猶有礙故。

          (Sớ: “Vô lượng”: Ý nói chiếu rộng khắp. “Mười phương”: Chẳng giống như các kinh khác chỉ chiếu một phương. “Vô chướng ngại”: Chẳng giống như ánh sáng mặt trời còn bị chướng ngại).

         Vô lượng” có nghĩa là chiếu trọn khắp, không đâu chẳng chiếu tới. “Thập phương” là phạm vi chiếu thấu của Phật quang.

          (Sao) “Bất đồng tha kinh” giả, như Pháp Hoa Đông chiếu, tắc bất thuyết dư phương.

          ()不同他經者,如法華東照,則不說餘方。

          (Sao: “Chẳng giống như kinh khác”: Như kinh Pháp Hoa nói [đức Phật phóng quang chiếu các cõi nước] ở phương Đông, tức là chẳng nói đến những phương khác).

          Chỉ chiếu một phương.

          (Sao) Vạn bát thiên, tắc bất cai dư quốc.

          ()萬八千,則不該餘國。

          (Sao: [Kinh Pháp Hoa chỉ nói quang minh ấy chiếu tới] một vạn tám ngàn cõi, tức là chẳng bao gồm các nước khác).

          “Vạn bát thiên” chẳng phải là một con số quá lớn. Có thể thấy quang minh ấy chẳng trọn khắp, nó có phạm vi.

          (Sao) Nghĩa các hữu thủ cố, kim tắc tứ duy thượng hạ, nhất thiết quốc độ, vô bất chiếu cố.

          () 義各有取故。今則四維上下 ,一切國土,無不照

故。

          (Sao: Xét ra, mỗi kinh có ý nghĩa riêng biệt, nay thì [kinh này nói] bốn phương, trên dưới, hết thảy các cõi nước, không đâu chẳng chiếu).

          Tôi phải nói ý nghĩa này cùng quý vị, vì sao quang minh của Phật Di Đà không đâu chẳng chiếu đến? Từ Đại Bổn và Tiểu Bổn, chúng ta đều thấy, đặc biệt là tựa đề của kinh Tiểu Bổn vô cùng rõ rệt, Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Kinh (kinh khen ngợi công đức chẳng thể nghĩ bàn được hết thảy chư Phật hộ niệm), đó là đề mục nguyên gốc của kinh. Ai khen ngợi? Mười phương ba đời hết thảy chư Phật khen ngợi, đó là quang minh chiếu trọn khắp. Chẳng có một vị Phật nào không giảng kinh Vô Lượng Thọ; chẳng có vị Phật nào không nói kinh A Di Đà. Bộ kinh này tận hư không khắp pháp giới chẳng có cõi nước nào không hoằng dương! Quý vị mới biết bộ kinh này được lưu truyền rộng rãi, các kinh khác chẳng có hiện tượng này.

          Đức Phật ứng cơ thuyết pháp, nếu căn cơ chẳng phù hợp, đức Phật sẽ không nói. Bộ kinh này chẳng có căn cơ nào không phù hợp, trên là đến bậc Đẳng Giác Bồ Tát, dưới là đến chúng sanh trong địa ngục, chẳng có một ai không khế cơ. Trừ phi quý vị chẳng tin, chẳng nguyện, chẳng chịu niệm Phật thì chẳng có cách nào! Chỉ cần quý vị chịu tin, chịu nguyện, chịu niệm một câu A Di Đà Phật, quý vị sẽ là bậc đương cơ trong pháp môn này. Bậc đương cơ ấy rất lỗi lạc, quyết định thành Phật trong một đời này. Vì thế, pháp môn này là pháp môn thành Phật trong một đời, thành tựu trong một đời. Bất luận quý vị là thân phận gì, Bồ Tát cũng thế, Thanh Văn cũng thế, La Hán cũng thế, trời, người, quỷ thần, cho đến địa ngục thảy đều như thế, cũng chẳng quản nam, nữ, già, trẻ, cũng chẳng quản làm lành hay làm ác, đều chẳng quản. Chỉ cần trọn đủ Tín, Nguyện, Hạnh, chẳng có ai không vãng sanh, chẳng có ai không thành Phật. Quý vị nghĩ xem: Tìm đâu ra một pháp môn như thế này? Đó là “chiếu khắp”. Không như các kinh khác, những kinh khác ví như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa còn có rất nhiều chỗ chẳng khai diễn, chẳng nói, nên các kinh ấy chẳng rộng.

          (Sao) Bất đồng nhật quang giả.

          ()不同日光者。

          (Sao: Chẳng giống như ánh sáng mặt trời).

         Nói theo tỷ dụ.

          (Sao) Nhật tuy hữu quang, Tu La yểm chi tắc ngại, Thiết Vi lưỡng gian tắc ngại, phúc bồn chi hạ tắc ngại.

          ()日雖有光,修羅掩之則礙,鐵圍兩間則礙,覆盆之下則礙。

          (Sao: Mặt trời tuy có quang minh, nhưng bị Tu La che bèn bị trở ngại, giữa hai núi Thiết Vi bèn bị trở ngại, dưới đáy chậu úp thì bị trở ngại).

          Ánh sáng mặt trời có chướng ngại, Phật quang chẳng bị chướng ngại, Phật quang có thể soi thấu hết thảy vật chất, chẳng ngăn che được. Đối với ánh nắng mặt trời, kinh nói A Tu La dùng tay che khuất [mặt trời], sẽ chẳng thấy ánh sáng mặt trời. Người Ấn Độ nói như vậy, [họ nói] nhật thực do đâu mà có? Do tay A Tu La che khuất thái dương. Nay chúng ta biết, đó là do mặt trăng che khuất mặt trời, chẳng phải là tay A Tu La. Cổ Ấn Độ nói là do tay A Tu La che khuất thái dương, Thích Ca Mâu Ni Phật có biết chân tướng sự thật này hay không? Biết chứ! Thích Ca Mâu Ni Phật biết tinh cầu vận hành, mặt trăng chuyển đến vị trí ấy sẽ gây ra hiện tượng này. Vì sao thuở ấy Thích Ca Mâu Ni Phật chẳng nói? Chư vị nghĩ xem: Nói ra có tác dụng gì đâu? Mọi người đều nói như thế, được rồi, ta thuận theo cách nói của quý vị. Vì ý của đức Phật là khiến cho tâm quý vị thanh tịnh, khiến cho quý vị khai ngộ, chẳng phải là khiến cho quý vị hiểu những điều thường thức ấy. Tông chỉ giáo học của đức Phật ở chỗ này, chẳng liên can đến thường thức. Tâm thật sự thanh tịnh, khai ngộ, tự nhiên quý vị sẽ hiểu rõ hết thảy chân tướng, cần gì phải nói? Trong lúc khoa học kỹ thuật chưa phát minh, có nói cũng chẳng rõ ràng, không nói thì còn chẳng có chuyện gì, chứ càng nói càng rách việc! Người bình phàm nghĩ là tay A Tu La che khuất, đức Phật cũng nói: Quý vị nói kiểu ấy, ta cũng nói thuận theo quý vị, tùy thuận thế tục mà nói. Đức Thế Tôn thuyết pháp tùy thuận Chân Đế và Tục Đế, xét theo chính đức Phật là Chân Đế; tùy thuận cách nói của mọi người trong thế gian là Tục Đế. Quý vị phải hiểu nguyên tắc thuyết pháp của đức Phật vì hết thảy chúng sanh, chúng ta mới có thể hiểu nghĩa thú trong lời Phật dạy. 

          “Thiết Vi lưỡng gian tắc ngại”: Đây là hai rặng núi cao, khi mặt trời mọc từ phương Đông, mặt Đông của núi ngăn che ánh mặt trời, trong sơn cốc chẳng thấy. Chỉ đến khi mặt trời đã đứng bóng, mới chiếu xuống mặt đất [giữa hai núi Thiết Vi]. Hơi chênh về Tây, mặt Tây của núi lại ngăn che ánh sáng mặt trời, lại chẳng thấy nữa! Nó bị ngăn ngại! “Thiết Vi” là nói đến núi Thiết Vi. Giữa hai rặng Thiết Vi bèn có trở ngại.

Phúc bồn chi hạ tắc ngại” (Dưới đáy chậu úp bèn bị trở ngại). Quý vị dùng cái chậu úp xuống, tuy mặt trời chiếu sáng, chẳng chiếu đến dưới đáy chậu, nên bị trở ngại.

          (Sao) Hựu Diêm Phù minh, tắc Đan Việt ngại; Cù Da minh, tắc Phất Vu ngại.

            ()又閻浮明,則單越礙;瞿耶明,則弗于礙。

          (Sao: Lại nữa, châu Diêm Phù sáng thì châu Đan Việt tối tăm, châu Cù Da sáng thì châu Phất Vu tối tăm).

           Đây là nói tới Đông, Nam, Tây, Bắc bốn đại bộ châu. Diêm Phù là châu Nam Diêm Phù (Jambudvīpa), ở phương Nam. Đan Việt là Uất Đan Việt (Uttarakuru), tức Bắc Câu Lô Câu ở phương Bắc; Cù Da (Aparagodānīya) là phương Tây; Phất Vu (Pūrvavideha) là phương Đông. Phương Nam sáng sủa, phương Bắc liền tối tăm. Phía Tây sáng sủa, phía Đông bèn tối tăm. Giống như địa cầu vận hành, mặt trời chỉ có thể chiếu sáng một nửa, nửa kia chẳng chiếu thấu. Có ý nghĩa này, những điều này đều nhằm nói rõ ánh sáng mặt trời bị chướng ngại.

          (Sao) Kim tắc triệt sơn thấu bích, thông u đạt minh, vô năng giá chướng, sử quang ẩn một, vô năng cách ngại, sử quang đoạn tuyệt cố.

()今則徹山透壁,通幽達冥,無能遮障,使光隱沒,無能隔礙,使光斷絕故。

(Sao: Nay [Phật quang] soi núi, xuyên tường, thông đạt tới chỗ tối tăm, u ám, không gì có thể ngăn che khiến cho quang minh ấy bị ẩn mất; không gì có thể cách ngăn khiến cho quang minh ấy bị đoạn tuyệt).

          Đây là nói về Phật quang. Núi cao, vách tường chẳng thể chướng ngại, Phật quang, nó xuyên thấu. Nay chúng ta có thể hiểu ý nghĩa này, ví như tia X, tia tử ngoại tuyến, mắt thường nhìn chẳng thấy, nó có thể xuyên qua vách tường. Khoa học hiện tại vẫn chưa thể dò thấy Phật quang, vì những thứ như tia X hoặc tia tử ngoại vẫn có chướng ngại, đối với một thứ kim loại nào đó, chúng vẫn chưa thể xuyên thấu. Nhưng Phật quang khác hẳn, chẳng có thứ gì có thể chướng ngại nó. Phật quang tuy chiếu trọn khắp, nhưng mắt thịt của chúng ta chẳng thể trông thấy.

          Lại thưa cùng chư vị, nếu mắt thường của chúng ta có thể thật sự trông thấy những ánh sáng có bước sóng khác nhau, thế giới này ngay lập tức biến đổi. Nay chúng ta có thể thấy các ánh sáng [có bước sóng] rất ngắn, những ánh sáng có bước sóng dài hơn, chúng ta chẳng thấy, mà những ánh sáng có bước sóng ngắn hơn, chúng ta cũng chẳng nhìn thấy. Đối với vô hạn ánh sáng có bước sóng khác nhau, công năng của mắt chúng ta là chỉ có thể nhìn thấy một loại. Hiện thời, cậy vào các dụng cụ khoa học để đo lường, [các ánh sáng có] bước sóng đạt đến một độ dài nào đó thì chúng ta có thể trông thấy; đối với bước sóng ngắn hơn, cũng có thể trông thấy, nhưng chẳng dùng máy móc, sẽ chẳng thể thấy. Máy móc vẫn là hữu hạn, biết là còn có ánh sáng có bước sóng cực dài, nhưng máy móc bó tay. Nếu ánh sáng có bước sóng cực ngắn, máy móc cũng chịu thua. Chư vị phải biết: Phật là ngũ nhãn viên minh, chẳng cần nhờ vào bất cứ máy móc nào, tất cả hết thảy các sóng ánh sáng, chẳng có gì Ngài không thấy rõ ràng, rành rẽ. Vì vậy, thế giới trong mắt Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Bích Chi Phật khác biệt chúng ta, hoàn toàn khác nhau.

Tục ngữ thường nói thế gian này là “nhân quỷ tạp cư” (người và quỷ sống lẫn lộn). Tuy tạp cư, nhưng vì cảm giác về sóng ánh sáng khác nhau, nên đôi bên chẳng trở ngại lẫn nhau. Một mai thật sự hiểu rõ, cũng có lẽ là quỷ ngồi chễm chệ bên cạnh chúng ta, họ không thấy ta, chúng ta chẳng thấy họ. Nhà của chúng ta và nhà của quỷ trùng điệp, nhưng chẳng trở ngại lẫn nhau. Vì sắc pháp của chúng ta vô ngại đối với họ, sắc pháp của họ vô ngại đối với chúng ta, chúng ta xây tường bèn không đi qua được, nhưng họ có thể xuyên qua, vì sao? Trong tâm mục của họ chẳng cảm nhận thấy thứ ấy, nên họ đi xuyên qua được. Quỷ xây tường, họ chẳng vượt qua được. Họ bị chướng ngại, vì cảm giác nơi đó họ đã dựng tường, nên chẳng thể vượt qua được. Chúng ta chẳng cảm thấy nơi đó là tường, nên chẳng bị chướng ngại. Quả nhiên có năng lực ấy, quý vị sẽ thấy thế gian này hoàn toàn biến đổi hình dạng.

Ai biết chân tướng thế gian này? Đức Phật biết. Chúng ta nào có biết, chúng ta chỉ biết một phần cực nhỏ. Quang minh là như thế, âm thanh cũng là như thế, đối với tác dụng của tai, âm thanh có bước sóng dài chúng ta chẳng nghe thấy, âm thanh có bước sóng ngắn chúng ta cũng chẳng nghe thấy. Hiện thời dùng vô tuyến điện, biến đổi sóng âm thành dài hay ngắn, có thể truyền đến nơi xa; lại dùng máy móc để khôi phục trạng thái cũ, chúng ta lại nghe rất rõ ràng. Nếu tai chúng ta thông suốt, sáng tỏ, các thứ sóng âm khác nhau đều nghe, mười phương hết thảy chư Phật thuyết pháp, chúng ta ngồi nơi đây đều nghe trọn hết, chẳng có gì không nghe. Vì thế, phải hiểu, mắt của chúng ta tệ lắm, có chướng ngại; cái máy thu âm (tai) này cũng dở ẹt, cũng chẳng linh hoạt, chỉ nghe được một phần sóng âm cực nhỏ như thế, sóng âm dài hơn hoặc ngắn hơn đều chẳng thể nghe thấy.

          Giáo học Phật pháp nhằm khôi phục năng lực sẵn có của sáu căn, đức Phật dạy: Hai mắt chúng ta không gì chẳng thấy, tận hư không khắp pháp giới chẳng có thứ gì chúng ta không thấy. Tây Phương Cực Lạc thế giới tuy cách xa chúng ta mười vạn ức cõi Phật, nhưng nếu mắt của quý vị khôi phục năng lực vốn có, sẽ thấy Tây Phương Cực Lạc thế giới “như đối trước mắt”, quý vị sẽ thấy rành mạch. Nếu năng lực của tai được khôi phục, A Di Đà Phật thuyết pháp trong thế giới Cực Lạc, chúng ta sẽ nghe rõ ràng, rành mạch. Giáo học Phật pháp chẳng có gì khác, giúp chúng ta khôi phục năng lực sẵn có của sáu căn mà thôi! Vì thế nói là “Phật chẳng độ chúng sanh”, Phật có gì để ban cho chúng ta? Chẳng có, Phật dạy chúng ta khôi phục năng lực sẵn có của chính mình. Vì thế, giáo huấn của đức Phật đáng cho chúng ta tôn kính, đáng cho chúng ta bội phục.

          “Vô năng giá chướng, sử quang ẩn một” (Không gì có thể ngăn che, khiến cho quang minh ấy ẩn mất), Phật quang chẳng có chướng ngại, “ẩn một” (隱沒) là gián đoạn, quang minh của Phật chẳng bị gián đoạn. Ví như chúng ta cảm thấy ánh sáng mặt trời có lúc sáng, có lúc tối, khi tối thì chẳng có ánh sáng, tức là có hiện tượng gián đoạn, Phật quang chẳng bị gián đoạn. “Vô năng cách ngại, sử quang đoạn tuyệt cố” (Chẳng thể ngăn cách khiến cho ánh sáng bị đoạn tuyệt), Phật quang vĩnh viễn chẳng đoạn. Đặc biệt là quang minh của A Di Đà Phật; bất luận thân quang, trí quang, thường quang, hay phóng quang, đều chiếu khắp pháp giới, hết thảy mọi lúc, hết thảy mọi chỗ, chẳng bị chướng ngại, chẳng bị đoạn tuyệt.

          (Sao) Như Đại Bổn vân: Bỉ Phật quang minh, tối vi viễn trước, chư Phật quang minh sở bất năng cập.

          ()如大本云:彼佛光明,最為遠著,諸佛光明所不能及。

(Sao:  Như  kinh  Đại  Bổn  nói: “Quang  minh  của  đức  Phật  ấy,

chiếu xa nhất, quang minh của chư Phật chẳng thể sánh bằng).

          Đây là trích dẫn kinh Vô Lượng Thọ.

          (Diễn) Bỉ Phật quang minh tối vi viễn giả, dĩ dữ chúng sanh duyên thâm, bị cơ phổ biến cố. Hựu kinh kinh tất tự tán, ức dương tùy thời diệc vô ngại. Hoặc nạn: “Phật quang ký viễn, kim hà bất kiến?” Viết: Phật quang bổn biến, chúng sanh tự mê, dĩ phiền não tâm chướng trí huệ nhãn cố. Như nhật quang biến chiếu, manh giả bất kiến, thị manh giả quá, phi nhật nguyệt cữu dã.

()彼佛光明最為遠者,以與眾生緣深,被機普遍故。又經經必自讚,抑揚隨時亦無礙;或難,佛光既遠,今何不見?曰佛光本遍,眾生自迷,以煩惱心障智慧眼故。如日光遍照,盲者不見,是盲者過,非日月咎也。

(Diễn: Quang minh của đức Phật ấy xa nhất, do có duyên sâu đậm với chúng sanh, thích hợp căn cơ phổ biến nhất. Lại đối với kinh nào cũng tự khen ngợi, tùy thời mà hạ thấp hay đề cao cũng vô ngại. Chắc là có kẻ bắt bẻ: “Phật quang đã chiếu xa như vậy, nay sao chẳng thấy?” Thưa: Phật quang vốn khắp mọi nơi, nhưng chúng sanh tự mê, do tâm phiền não chướng ngại mắt trí huệ. Như mặt trời soi khắp nơi, kẻ mù chẳng thấy, là do lỗi của kẻ mù, chẳng phải lỗi của mặt trời, mặt trăng).

          Vì sao quang minh của A Di Đà Phật thù thắng, chiếu khắp mười phương pháp giới như vậy? Đó là do Phật Di Đà có duyên sâu cùng hết thảy chúng sanh. Trong lúc tu nhân, A Di Đà Phật phát nguyện phổ độ hết thảy chúng sanh, duyên ấy sâu xa. Nay chúng ta cũng phát nguyện này, công khóa sớm tối đều niệm “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”. Tuy niệm, nhưng thế nào? Chẳng phát. Vì sao? Chúng sanh kia đáng ghét, ta chẳng độ hắn. Có thể thấy nguyện do quý vị đã phát là giả, chẳng thật! Nếu quý vị thật sự phát nguyện này, thưa cùng chư vị, quý vị chẳng phải là phàm phu, từ địa vị phàm phu ngay lập tức nâng lên thành Bồ Tát, Bồ Tát gì vậy? Đại Thừa Bồ Tát, là hàng Bồ Tát từ Viên Giáo Sơ Trụ trở lên, từ phàm phu ngay lập tức trở thành Viên Giáo Sơ Trụ Bồ Tát. Vì thế, tâm này chẳng dễ gì phát xuất.

          Hễ phát Tứ Hoằng Thệ Nguyện,  nhất định tương ứng với kinh Vô

Lượng Thọ. Kinh Vô Lượng Thọ do Hạ lão cư sĩ hội tập có tựa đề rất hay, ý nghĩa viên mãn trọn đủ, trang nghiêm, thanh tịnh, bình đẳng, giác. Nay chúng ta nói “trang nghiêm” là mỹ, tức chân, thiện, mỹ. Chân, thiện, mỹ đều là trang nghiêm. “Thanh tịnh, bình đẳng, giác”: Tâm chúng ta chẳng thanh tịnh, chẳng bình đẳng, mà cũng chẳng giác, lấy đâu ra Tứ Hoằng Thệ Nguyện? Hằng ngày niệm, hy vọng niệm cho ra tâm này, nhưng niệm suốt cả một đời, cũng chẳng niệm ra cái tâm ấy! Giống như một cục gỗ quăng xuống nước, ngâm giầm mấy ngàn năm, đã ướt đẫm, nay vớt lên, châm một que diêm mà mong đốt cháy! Mỗi ngày châm một lần, châm suốt đời cũng chẳng đốt được! Phiền não tập khí của chúng ta giống như gỗ ngâm trong nước mấy ngàn năm, Tứ Hoằng Thệ Nguyện, niệm niệm có tác dụng gì đâu? Niệm một lần giống như lấy que diêm châm một chút, châm chẳng cháy, vô dụng! Củi đẫm nước cả ngàn năm, ở chỗ nào mới có thể đốt cháy nó? Trong lò luyện gang, bỏ nó vào chỗ đó, chốc lát cháy tan ngay!

          Do đó, ý niệm bé tẹo của chúng ta không được, tâm chẳng phát nổi! Phải thật sự phát, phải phát tâm chân thành. Quý vị phải thật sự phát, phải có đảm thức, tức là quý vị có lòng can đảm và nhận thức, thật sự chịu buông xuống, hễ có mảy may điều gì chẳng thể buông xuống, tâm ấy sẽ chẳng phát được! Phải triệt để buông xuống, giống như Lục Tổ đại sư đã nói: “Vốn chẳng có một vật, nơi nào nhuốm bụi bặm”, như vậy là được rồi! Tâm địa thanh tịnh, hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian đều chẳng sanh, “trong cửa nhà Phật, chẳng lập một pháp”, “lập” là kiến lập, một pháp cũng chẳng kiến lập. Tâm này thanh tịnh lắm, đó là tâm thanh tịnh. “Trong cửa nhà Phật, chẳng bỏ một pháp”, đó là tâm từ bi. Tâm thanh tịnh là Thể, tâm từ bi là Dụng. Khi dùng, bèn là đại từ đại bi phổ độ chúng sanh; khi chẳng dùng, thanh tịnh bất nhiễm, đó là Bồ Tát. Đã thành Phật, từ bi và thanh tịnh là một, không chỉ lúc chẳng dùng là bất nhiễm, mà lúc dùng cũng chẳng nhiễm, Thể và Dụng như nhau, đạt đến thuần tịnh chẳng chướng ngại.

          Phật Di Đà có duyên rất sâu với chúng sanh. Tâm Phật Di Đà thanh tịnh, tâm Phật Di Đà bình đẳng, Phật Di Đà tuyệt đối chẳng yêu thương thiên vị chúng sanh, tâm Ngài bình đẳng. Yêu thích chúng sanh này, không thích chúng sanh kia, không được rồi! Đó là tâm phàm phu, chẳng phải là tâm Phật. Đó là mê tâm, chẳng phải là giác tâm, là nhiễm tâm, chẳng phải là tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh là bình đẳng. Vì thế, quang minh của đức Phật chiếu trọn khắp, thù thắng nhất. “Bị cơ phổ biến cố” (Do thích hợp căn cơ trọn khắp), mười phương vô lượng vô biên hết thảy chúng sanh đều là đối tượng tiếp dẫn và giáo hóa của A Di Đà Phật đại nguyện. Cơ duyên chưa chín muồi, tức là chúng sanh ấy chẳng chịu tiếp nhận, chẳng phải là đức Phật không muốn dạy kẻ ấy! Khi nào quý vị mong tiếp nhận, Phật, Bồ Tát liền hiện diện trước mặt quý vị.

          “Hựu kinh kinh tất tự tán” (Lại nữa, kinh nào cũng đều tự khen ngợi), đây là đạo lý nhất định. Đức Phật giảng hết thảy các kinh, đều nói bộ kinh ấy hay. Nếu Ngài nói bộ kinh ấy chẳng hay, đức Phật cần gì phải giảng? Đức Phật sẽ chẳng cần giảng. Do đó, mỗi khi nói một bộ kinh, đức Phật đều tán thán bộ kinh ấy, nói mỗi pháp môn đều tán thán pháp môn ấy, đây là đạo lý nhất định. Nếu quý vị chẳng hiểu rõ đạo lý này, thấy đức Phật kinh này cũng tán thán, kinh kia cũng tán thán, thứ gì quý vị cũng đều muốn học, hỏng bét rồi! Ắt phải chọn lựa một bộ kinh, một pháp môn khế hợp căn tánh của chính mình, nhất định phải thâm nhập một môn. Chẳng thể cùng lúc học hai bộ kinh, chẳng thể học cùng lúc hai pháp môn, vì sao? Tu học Phật pháp nhằm mục đích “giác, chánh, tịnh”, quý vị học hai bộ kinh, hai pháp môn, trong hai bộ kinh, đức Phật giảng theo phương cách khác nhau, vì sao khác nhau? Vì đức Phật nói với các đối tượng khác nhau, điều đó sẽ khiến cho quý vị mờ mịt!

          Trong kinh này, đức Phật nói Có, trong kinh kia đức Phật nói Không, quý vị thấy vậy, [sẽ băn khoăn]: Rốt cuộc là Không hay Có? Không chỉ là chính mình chẳng hiểu rõ ràng, lại còn hủy báng Thích Ca Mâu Ni Phật: “Thích Ca Mâu Ni Phật đầu óc chẳng tỉnh táo cho lắm, một hồi nói Có, một hồi nói Không”, chẳng tự trách chính mình không biết chân tướng. Phật chẳng có pháp nhất định, chẳng có pháp để có thể nói. Đức Phật nói Có, là do người thỉnh giáo đức Phật chấp trước Không, đức Phật liền nói Có để phá cái Không của người đó, phá chấp trước ấy. Lại có kẻ khác chấp trước Có, đức Phật liền nói Có là sai, Không là đúng, dùng Không để phá cái Có của kẻ ấy. Khi đức Phật nói, Ngài nói Có hay Không đều là có lý, đều nhằm trị lành bệnh cho chúng sanh. Nay chúng ta chẳng mắc chứng bệnh ấy, xem kinh ấy đều bị trúng độc, đều bị bệnh, nên mới nói: “Phật pháp vô nhân thuyết, tuy trí mạc năng giải” (Phật pháp mà không có người nói thì dù là kẻ có trí vẫn chẳng thể hiểu). Đức Phật thuyết pháp có đối tượng nhất định, đặc biệt [cho mỗi bản kinh]. Chẳng có đối tượng nhất định, đặc biệt chính là kinh Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ, [bởi lẽ] các kinh này vì trọn khắp hết thảy đại chúng mà nói.

          Chúng ta chẳng biết căn tánh của chính mình, hãy chọn lựa pháp môn thù thắng bậc nhất này. Pháp môn này là pháp môn phổ độ, mới đáng gọi là pháp môn bậc nhất. Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ thường dùng máy chụp hình làm tỷ dụ. [Theo cụ], những kinh điển khác giống máy chụp ảnh được chế tạo đặc biệt, người bình thường đều chẳng biết dùng, hoặc là điều chỉnh độ mở ống kính chẳng đúng, hoặc là chỉnh tốc độ chụp chẳng đúng, hoặc chọn độ phân giải màu sắc không đúng, chụp hình thường chẳng được vừa ý. Pháp môn Tịnh Độ Di Đà giống như người hiện thời nói là “máy chụp ảnh dành cho kẻ vụng về”, hoàn toàn tự động, bất luận do người nào nhấn nút, tấm ảnh nào cũng đẹp đẽ, chẳng có tấm nào không đẹp. Cụ thường dùng chuyện này để tỷ dụ. Đây là khuyên chúng ta chọn lựa pháp môn này, khăng khăng một mực tu học, chẳng có ai không thành tựu. Kinh nào cũng tự khen ngợi [pháp môn đang được giảng giải bởi kinh ấy], phải hiểu đức Phật giảng kinh cho từng đối tượng đặc biệt, nhất định, do kinh này quyết định có lợi ích cho đối tượng ấy, nên nhất định phải tán thán, họ nghe như vậy thì mới có thể hoan hỷ, mới có thể y giáo phụng hành.

          “Ức dương tùy thời diệc vô ngại” (Tùy thời mà hạ thấp hay đề cao cũng vô ngại), “Ức” (抑) là biếm ức (貶抑: chê trách, hạ thấp) pháp môn kia không hay, chẳng thích hợp. “Dương” (揚) là tán thán. Chê bai, hạ thấp pháp này, ca ngợi pháp kia, cũng chẳng có trở ngại. Vì sao? Vì đối với thính chúng khi ấy, chắc chắn có lợi ích. Thiền gia thường nói: “Niệm Phật một tiếng, súc miệng ba ngày”, lời ấy nói với những người đang ở trong Thiền đường thì có lợi ích, vì sao? Những người đó dùng pháp môn ấy, công phu sắp thành tựu; nếu đổi sang niệm Phật, công phu sẽ bị thoái chuyển, nên dùng câu nói ấy để họ không còn hứng thú với pháp môn Niệm Phật, chuyên tâm tham cứu, ngay lập tức khai ngộ, có ý nghĩa này! Chẳng phải là nói người tham Thiền chẳng thể niệm Phật. Quý vị thấy khóa tụng hằng ngày trong Thiền môn, khóa tối luôn tụng kinh Di Đà, luôn niệm A Di Đà Phật. Do đó, phải hiểu lời tổ sư, cũng tức là xét xem Ngài nói khi nào, có đối tượng đặc biệt nhất định, chớ nên hiểu lầm ý Ngài. Vĩnh Minh Diên Thọ đại sư nói: “Có Thiền, có Tịnh Độ, giống như cọp đội sừng”. Lời ấy có đối tượng đặc biệt, nhất định, chẳng phải là nói với chúng ta. Đối tượng đặc biệt, nhất định là ai? Là những kẻ tham Thiền. Ngài thấy rõ ràng, những kẻ tham Thiền chẳng thể thành tựu, nhưng khuyên họ niệm Phật, họ chẳng cam lòng, xem thường Tịnh Độ. Vì thế, Tổ nói “có Thiền” lại có thêm Tịnh Độ sẽ rất lỗi lạc, đáng gọi là “cọp mang sừng”. Cọp đã rất hung mãnh, mọc thêm hai cái sừng nữa thì ghê gớm quá! Lời này là gì? Cổ vũ, khích lệ bọn họ! Thấy họ chẳng thể thành công bên Thiền, nên bảo họ niệm Phật, khuyên lơn họ. Chúng ta thật thà niệm Phật, nghe hai câu ấy lại đi tham Thiền. Nếu Vĩnh Minh Diên Thọ đại sư biết, chắc sẽ tức chết luôn, khóc ròng, quý vị đã hoàn toàn hiểu sai ý Ngài. Vì thế, phải biết người ta nói chuyện là đối cơ, tức là nói với người [có căn tánh tương ứng] nào đó. Đấy là chư Phật, Bồ Tát, tổ sư đại đức ứng cơ thuyết pháp. “Cơ” là đối tượng. Đối tượng của những lời giảng nơi giảng đài là thính chúng [đang nghe giảng khi ấy]; nếu quý vị bảo tôi viết thành sách để lưu thông, rất nhiều thứ dành riêng cho những đối tượng đặc biệt, nhất định phải loại bỏ, vì sao? Tránh cho người khác thấy những thứ ấy nẩy sanh hiểu lầm. Viết thành sách, đối tượng sẽ là trọn khắp, chẳng phải là một đối tượng đặc biệt, nhất định nào, còn nơi giảng tòa là một đối tượng đặc biệt, nhất định.

          Tiếp đó, có người nêu ra lời cật vấn, hoặc là có người bắt bẻ. Người ấy nói “Phật quang ký viễn”, nghĩa là nếu [Phật quang] đã chiếu xa, “kim hà bất kiến?”, [nghĩa là] vì sao nay chúng ta chẳng trông thấy? “Viết: Phật quang bổn biến, chúng sanh tự mê, dĩ phiền não tâm chướng trí huệ nhãn cố” (Thưa: Phật quang vốn chiếu khắp, do chúng sanh tự mê, do tâm phiền não chướng ngại mắt trí huệ). Tiếp theo đó là tỷ dụ, giống như “nhật quang biến chiếu, manh giả bất kiến” (ánh sáng mặt trời chiếu khắp nơi, nhưng kẻ mù chẳng thấy). Lỗi lầm là do mù lòa, chẳng phải là lỗi lầm của mặt trời. Tỷ dụ này khá dễ hiểu! Hôm nay tôi giảng tới chỗ này.

[1] “Diện môn” có ba cách hiểu: Một là miệng, hai là toàn bộ khuôn mặt, ba là khoảng giữa mũi và miệng. Cách hiểu thứ nhất căn cứ theo kinh Hoa Nghiêm bản dịch đời Đường: “Tức ư diện môn chúng xỉ chi gian, phóng Phật sát vi trần số quang minh” (Từ nơi răng trong miệng, tỏa ra quang minh nhiều như số vi trần trong một cõi Phật). Cách hiểu thứ hai phổ biến nhất.

[2] Bạch hào (Ūrṇā) chính là sợi lông trắng dài cuộn tròn ở giữa hai chân mày đức Phật, thường được biểu thị bằng một viên thủy tinh hoặc ngọc gắn chính giữa trán tượng Phật. Theo kinh Quán Phật Tướng Hải, lúc sơ sanh, bạch hào dài năm thước, cuộn tròn theo chiều phải. Khi thành đạo, bạch hào dài một trượng bốn thước năm tấc. Kéo thẳng ra, sợi lông ấy trong suốt, sáng lóng lánh. Buông ra, lông tự động cuộn tròn lại theo chiều bên phải, trông như bạch ngọc. Khi đức Phật giảng kinh thuộc về giáo pháp viên thật, bèn phóng quang từ bạch hào. Sách Thám Huyền Ký giảng: “Tướng bạch hào giữa hai mày biểu thị pháp Trung Đạo Nhất Thừa, bạch hào biểu thị sự chứng đạo nơi pháp bạch tịnh. Hơn nữa, màu trắng là màu gốc của các sắc, vì thế, [bạch hào] biểu thị pháp Nhất Thừa là nguồn cội của các giáo”.

[3] Do nêu đầy đủ các thứ quang minh ấy sẽ rất rườm rà, xin trích một vài bài kệ trong phẩm ấy như sau: “Hựu thắng tam-muội danh An Lạc, năng phổ cứu độ chư quần sanh, phóng đại quang minh bất tư nghị, linh kỳ kiến giả tất điều phục. Sở phóng quang minh danh Thiện Hiện. Nhược hữu chúng sanh ngộ thử quang, tất linh hoạch ích bất đường quyên, nhân thị tắc thành Vô Thượng Trí. Bỉ quang thị hiện ư chư Phật, thị Pháp, thị Tăng, thị chánh đạo. Diệc thị Phật tháp cập hình tượng. Thị cố đắc thành thử quang minh. Hựu phóng quang minh danh Chiếu Diệu, ánh tế nhất thiết chư thiên quang. Sở hữu ám chướng mỵ bất trừ, phổ vị chúng sanh tác nhiêu ích. Thử quang giác ngộ nhất thiết chúng, linh chấp đăng minh cúng dường Phật. Dĩ đăng cúng dường chư Phật cố, đắc thành thế trung vô thượng đăng. Nhiên chư du đăng cập tô đăng, diệc nhiên chủng chủng chư minh cự, chúng hương, diệu dược, thượng bảo chúc, dĩ thị cúng Phật hoạch thử quang. Hựu phóng quang minh danh Tế Độ, thử quang năng giác nhất thiết chúng, linh kỳ phổ phát đại thệ tâm, độ thoát dục hải chư quần sanh. Nhược năng phổ phát đại thệ tâm, độ thoát dục hải chư quần sanh, tắc năng việt độ tứ bộc lưu, thị đạo vô ưu giải thoát thành. Ư chư hành lộ, đại thủy xứ, tạo lập kiều lương cập thuyền phiệt, hủy ta hữu vi, tán tịch tĩnh, thị cố đắc thành thử quang minh” (Có tam-muội quý tên An Lạc, hay cứu độ khắp các quần sanh, phóng đại quang minh chẳng nghĩ bàn, khiến kẻ trông thấy đều điều phục. Quang minh vừa phóng tên Thiện Hiện. Nếu có chúng sanh gặp quang ấy, đều được lợi ích, chẳng luống uổng. Do vậy, đắc thành Vô Thượng Trí. Quang ấy thị hiện nơi chư Phật, nêu Pháp, nêu Tăng, nêu chánh đạo, phô bày tháp Phật và hình tượng. Vì thế, được thành quang minh này. Lại phóng quang minh tên Chiếu Diệu, chói lấp hết thảy các thiên quang. Tất cả ám chướng thảy đều trừ, khắp vì chúng sanh tạo lợi lạc. Quang ấy giác ngộ hết thảy chúng, khiến họ cầm đèn cúng dường Phật. Do cúng đèn lên chư Phật, thành đèn vô thượng trong cõi đời. Thắp các đèn dầu, đèn đốt bơ, cũng thắp các thứ đuốc chiếu sáng, các hương, thuốc tốt và đuốc báu, do cúng Phật được quang minh này. Lại phóng quang minh tên Tế Độ. Quang ấy giác ngộ hết thảy chúng, khiến họ đều phát tâm đại thệ. Độ thoát quần sanh trong biển dục, nếu hay phát trọn đại thệ tâm, độ thoát quần sanh trong biển dục, ắt vượt bốn dòng thác cuồn cuộn, dẫn đến vô ưu giải thoát thành. Nơi các đường sá, chỗ nước to, tạo lập cầu cống và thuyền mảng, chê bai hữu vi, khen tịch tĩnh. Do vậy được thành quang minh này).

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *