Tập 102/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 03-003-0289

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 102

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm chín mươi hai.

          Thập, biệt giải văn nghĩa.

          十、別解文義。

          (Mười, giải thích ý nghĩa của từng đoạn kinh văn riêng biệt).

          Khoa mục lớn này là cả một đoạn lớn; đoạn lớn này là đoạn thứ mười, chín đoạn trước đều là Huyền Đàm, nói theo cách bây giờ là phần Khái Luận, còn ở đây là giảng giải kinh văn. Trong đoạn này, toàn bộ kinh văn được chia thành ba phần, tức là ba đoạn:

          Sơ Tự Phần, nhị Chánh Tông Phần, tam Lưu Thông Phần.

          初序分,二正宗分,三流通分。

          (Thứ nhất, Tự Phần; thứ hai, Chánh Tông Phần; thứ ba, Lưu Thông Phần).

          Ba phần này cũng cần phải giới thiệu đại lược cùng quý vị. Thể tài trong kinh Phật chẳng giống sách vở trong thế gian. Thế gian có những người viết sách, tự mình viết lời tựa, hoặc cậy người khác viết lời tựa. Lời tựa nhằm dụng ý giới thiệu cuốn sách ấy. Kinh Phật rất đặc biệt, bản thân cuốn kinh có lời Tựa, tức Tự Phần, chẳng cần nhờ người khác viết lời tựa! Kinh có Chánh Tông Phần, Chánh Tông là nói thẳng vào vấn đề, phần chủ yếu nhất nằm trong Chánh Tông Phần. Vì thế, kinh văn của phần này đặc biệt dài, những ý nghĩa chủ yếu đều được giảng rõ trong ấy. Cuối cùng, kinh có một phần được gọi là Lưu Thông Phần, trong các sách thông thường cũng không có phần này. Lưu Thông Phần mang ý nghĩa khuyên người ta sau khi đọc xong, phải giới thiệu kinh này cho người khác, đối với hiện tại phải lưu thông mười phương, chúng ta phổ biến, giới thiệu kinh điển cho đại chúng; đối với người mai sau, phải lưu truyền hậu thế. Phương pháp lưu truyền hậu thế trước kia là in kinh, chép kinh. Thời cổ chưa có [kỹ thuật] ấn loát, chỉ có chép tay; vì thế, chép kinh để truyền cho hậu thế. Đấy là chỗ đặc biệt trong kinh Phật.

          Nhưng ba phần này đều rất trọng yếu, cổ nhân nói: “Như nhân thực mật, trung biên giai điềm” (Như người ăn mật, ở chính giữa hay chung quanh đều ngọt ngào). Mang ý nghĩa này, cân nhắc giữa ba phần có thể nói là chúng [quan trọng] như nhau. Tự Phần lại chia làm hai đoạn, đoạn thứ nhất là Chứng Tín Tự, đoạn thứ hai là Phát Khởi Tự. Chứng Tín Tự còn gọi là Thông Tự, trong hết thảy các kinh đều có Thông Tự; phàm là kinh Phật đều có, phần này gọi là Thông Tự, [Thông nghĩa là] chung cho hết thảy các kinh. Biệt Tự của mỗi bộ kinh khác nhau; phần này nhằm nêu rõ nhân duyên khiến đức Phật giảng bộ kinh này, do duyên cớ nào mà giảng bộ kinh này, nên được gọi là Biệt Tự. Chứng Tín Tự gồm sáu thứ chứng tín, còn gọi là Lục Chủng Thành Tựu.

          Sơ Tự Phần, sơ ngũ cú chứng; nhị liệt chúng chứng.

          初序分。初五句證。二列眾證。

          (Thứ nhất, Tự Phần, trước hết là năm câu làm chứng, kế đó, liệt kê các vị thánh giả tham dự pháp hội để làm chứng).

          Tổng cộng có sáu câu chứng tín, chúng ta đọc kinh văn.

          (Kinh) Như thị ngã văn, nhất thời, Phật tại Xá Vệ quốc, Kỳ Thụ Cấp Cô Độc Viên.

            () 如是我聞。一時。佛在舍衛國。祇樹給孤獨園。

          (Kinh: Tôi nghe như thế này, một thời, đức Phật ngự tại nước Xá Vệ, trong vườn của ông Cấp Cô Độc, cây của thái tử Kỳ Đà).

          Trong một dòng kinh văn này, có năm thứ chứng tín. “Như thị” là Tín Thành Tựu; “ngã văn” là Văn Thành Tựu. Chúng tôi giảng đơn giản: [Nói] “như thị” là vì thuở ấy, đức Phật giảng kinh không ghi chép, sau khi đức Phật diệt độ, do tôn giả A Nan lặp lại một lượt những kinh đức Phật đã nói khi Ngài còn tại thế. Ngài A Nan có trí nhớ vô cùng mạnh, nghe một lần sẽ vĩnh viễn chẳng quên mất, nên [đại chúng] thỉnh Ngài nhắc lại, tức là lặp lại lần nữa những kinh do đức Phật đã giảng trước đây. Vừa nói vừa có người ghi chép, chỉnh lý, gọi [những biên bản ghi chép ấy] là kinh điển. Hai chữ “như thị” nhằm nói rõ những lời nhắc lại của ngài A Nan quả thật đã dựa trên những gì Thích Ca Mâu Ni Phật đã giảng thuở ấy, chẳng thêm, chẳng bớt, nên gọi là “như thị”. Lặp lại những lời đức Phật đã nói, giống hệt như lời Phật nói. Chẳng phải do chính ngài A Nan nói, mà hoàn toàn là nhắc lại lời Phật dạy. Đấy là Tín Thành Tựu. Giống như vậy, mỗi chữ, mỗi câu trong bộ kinh này đều do A Nan đích thân nghe đức Phật giảng, chẳng phải là nghe kể lại, nên cũng gọi là “như thị”. “Ngã văn” là nhận trách nhiệm đối với người đời sau, A Nan tôi đích thân nghe đức Phật dạy, nên gọi là Ngã Văn (tôi nghe), chẳng phải lần lượt được nghe kể lại, mà là đích thân tôi tự nghe đức Phật nói. Đấy là Văn Thành Tựu.

          “Nhất thời” là Thời Thành Tựu. Lúc mới học Phật, đối với câu kinh này, tôi hết sức không cho là đúng; ngài A Nan có trí nhớ mạnh như vậy, lẽ nào quên mất ngày tháng? Phải nên là năm nào đó, tháng nào đó, ngày nào đó, nói rất tỉ mỉ. Cớ sao chẳng ghi chép như vậy, mà nói mơ hồ, mờ mịt là “nhất thời”? Điều này khiến người đời sau có đôi chút chẳng phục, có đúng là A Nan có trí nhớ tốt như thế hay không? Sau này mới hiểu được, cách nói ấy do đức Phật dạy Ngài.

          Lúc đức Phật trụ thế, xã hội Ấn Độ và xã hội Trung Quốc không hoàn toàn giống nhau. Thuở ấy, Ấn Độ toàn là các bộ lạc, tiểu quốc, đại quốc sợ còn chưa to bằng Đài Bắc. Ở Trung Quốc, vào đời Châu, đại quốc rộng một trăm dặm. Một trăm dặm (lý) thuở ấy so với chúng ta hiện thời, lớn bằng khu Cảnh Mỹ. Đó là đại quốc. Do đơn vị đo lường đời Châu nhỏ hơn chúng ta hiện thời; thước đời Châu rất nhỏ, đem so với thước Đài Loan, sợ rằng chưa tới sáu tấc. Một dặm thuở ấy sợ chưa bằng nửa dặm hiện thời. Những quốc gia, tiểu bộ lạc thuở trước rất nhỏ, một thôn, một trấn là một nước. Vì quốc gia hoàn toàn chưa thống nhất, từ sách lịch sử, chúng ta thấy nhà Châu có tám trăm chư hầu[1], tức là tám trăm nước. Nhưng ở Trung Quốc, tuy Châu cũng là một nước, rất nhiều nước tôn trọng nhà Châu; vô hình trung nhà Châu là trung tâm lãnh đạo của hết thảy các quốc gia, giống như chánh phủ Liên Hiệp Quốc vậy. [Các chư hầu] hết sức tôn trọng thiên tử nhà Châu. Các tiểu quốc đối với thiên tử nhà Châu rốt cuộc là quan hệ gì? Có thể nói là quan hệ thật sự rất nhỏ nhoi, không đáng kể, chỉ là ba năm tiến cống một lần. “Tiến cống” là tặng một chút lễ vật, chẳng phải là tặng mỗi năm. Vì thuở ấy, giao thông chẳng thuận tiện, những nơi gần mỗi năm tiến cống một lần, những nơi xa xôi ba năm tiến cống một lần, có nghĩa vụ như thế: Biếu tặng một ít thổ sản, tặng một chút lễ vật. Đối với những tiểu quốc ấy, thiên tử nhà Châu có ràng buộc gì không? Không có! Chỉ là ban truyền nhật lịch, các nước đều dùng lịch pháp của nhà Châu, lịch pháp thống nhất, năm tháng ngày giờ đều thống nhất, có mối quan hệ như thế. Ngoài ra, hết thảy đều là độc lập, tự chủ.

          Nhưng tại Ấn Độ, vẫn chưa có một trung tâm [quyền lực] được mọi người cùng tôn kính. Đã là không có, chúng ta có thể suy ra là mỗi quốc gia có lịch pháp riêng của nước ấy, lịch pháp khác nhau. Thuở ấy, đức Phật giảng kinh, thuyết pháp, dấu chân trọn khắp năm xứ Ấn Độ, mỗi quốc gia Ngài đều đến giảng, nhưng mỗi quốc gia có lịch pháp khác nhau. Nếu quý vị ghi chép năm nọ, tháng nọ, ngày nọ, rốt cuộc là [theo lịch pháp] của nước nào? Trên thực tế sẽ gặp khó khăn. Khổng lão phu tử chép kinh Xuân Thu, đấy là bộ lịch sử đầu tiên của Trung Quốc, Ngài ghi chép năm, tháng, ngày [rõ rệt] vì xã hội đời Châu và xã hội Ấn Độ khác nhau, tuy là thời đại bộ lạc, nhưng lịch pháp đã thống nhất, năm, tháng, ngày, giờ thống nhất. Đây là theo hoàn cảnh thực tế [của Ấn Độ thuở ấy] nên gặp khó khăn trong ghi chép năm, tháng, ngày, giờ. Mặt khác, còn có ý nghĩa sâu xa hơn; sau này, trong phần chú giải, chúng ta sẽ thảo luận [cặn kẽ hơn].

          Chữ “nhất thời” vô cùng hay khéo. Nói nông cạn một chút, khi thầy trò hợp đạo, thầy ưa thích giảng, trò ưa thích nghe, hết thảy mọi người đều rất hoan hỷ, khi ấy, chính là lúc nói ra kinh này. Nếu giảng sâu hơn, sẽ là “khi nhất tâm”, kinh này nói đến “nhất tâm bất loạn”, người nói lẫn kẻ nghe tâm đều thanh tịnh, đều là nhất niệm bất sanh. Nói thật ra, đấy mới là ý nghĩa thật sự của “nhất thời”. “Phật thuyết” là từ Chân Như bổn tánh lưu lộ âm thanh, người nghe dùng Chân Như bổn tánh để tiếp nhận. Vì thế, vừa nghe bèn khai ngộ, vừa nghe bèn minh tâm kiến tánh, chứng quả. Do đó, đây là ý nghĩa thật sự của “nhất thời”.

          Khi tâm chúng ta thật sự đạt đến thanh tịnh, chuyên nhất, sẽ mầu nhiệm chẳng thể diễn tả được! Thích Ca Mâu Ni Phật giảng bộ kinh này vẫn chưa tan, quý vị còn có thể tự mình tham gia pháp hội này. Ở Trung Quốc, vào đời Tùy, Trí Giả đại sư đọc kinh Pháp Hoa tới phân nửa, nhập Định. Trong Định, Ngài tới núi Linh Thứu ở Ấn Độ; kinh Pháp Hoa được giảng tại núi Linh Thứu, thành Vương Xá, Thích Ca Mâu Ni Phật còn đang giảng kinh Pháp Hoa tại đó. Ngài nghe xong một buổi, xuất Định bảo mọi người: Pháp hội kinh Pháp Hoa của Thích Ca Mâu Ni Phật vẫn chưa tan. Đấy là đạo lý gì vậy? Đấy là sự thật. Khoa học hiện tại cũng thừa nhận, nhưng chưa làm được, đó gọi là “ngược dòng thời gian”! Trong Định có thể thấy quá khứ, có thể thấy được vị lai. Trong kinh này, Định ấy được gọi là “nhất tâm bất loạn”. Nếu quý vị thật sự đạt đến nhất tâm bất loạn, sẽ thấy rõ ràng quá khứ, vị lai, chẳng có gì không biết! Đấy là cảnh giới Hiện Lượng, khôi phục năng lực vốn sẵn có, biết quá khứ, hiện tại, tương lai. Chúng ta thường nói thông tục là “thần thông”, đấy là bản năng (năng lực vốn sẵn có). Vì thế, quý vị chẳng cần cầu thần thông, đạt đến nhất tâm bất loạn sẽ khôi phục năng lực ấy.

          Do vậy, có thể biết: Dùng chữ “nhất thời” rất xảo diệu. Nếu nói năm, tháng, ngày, giờ [cụ thể] thì [thời điểm ấy] đã là quá khứ, quá khứ sẽ vĩnh viễn chẳng trở lại. Nói “nhất thời”, chúng ta còn có thể tự mình tham dự, chỉ cần khi nào chúng ta đạt đến nhất tâm bất loạn là sẽ có thể tham gia pháp hội này, có thể đích thân nghe Phật giảng kinh; Phật vẫn giảng kinh ở nơi ấy, vẫn tồn tại nơi ấy. Đúng như kinh Pháp Hoa đã nói: “Thị pháp trụ pháp vị” (pháp ấy trụ nơi pháp vị), [nghĩa là] hết thảy các pháp đều trụ đúng vị trí của chúng, “thế gian tướng thường trụ” (tướng thế gian thường trụ), tướng thế gian bất hoại. Nếu tướng thế gian bị hoại, quý vị sẽ vĩnh viễn chẳng tìm được quá khứ. Tất cả những hình tướng quá khứ đều tồn tại, tướng thế gian bất hoại, câu này hết sức khó hiểu; nhưng các khoa học gia hiện thời đã dần dần hiểu điều này. Nếu có thể đảo ngược thời gian, thứ gì trong quá khứ cũng đều có thể thấy được; khoa học cận đại thừa nhận sự thật này, có thể thấy quá khứ vẫn tồn tại. Do vậy, dùng chữ “nhất thời” quá xảo diệu. Cách này cao minh hơn ghi chép năm, tháng, ngày, giờ [cụ thể] rất nhiều!

          “Phật” là Thuyết Pháp Chủ, nay chúng ta gọi Ngài là “vị chủ giảng”, tức là người giảng chánh yếu trong một đại hội giảng diễn, Phật ở đây là Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Tiếp đó là địa điểm thuyết pháp, “tại Xá Vệ quốc”, Xá Vệ Quốc là tên cái thành ấy, “Kỳ Thụ Cấp Cô Độc Viên” là đạo tràng.

          “Như thị” là Tín Thành Tựu, “ngã văn” là Văn Thành tựu, “nhất thời” là Thời Thành Tựu, “Phật” là Chủ Thành Tựu, “Xá Vệ quốc, Kỳ Thụ Cấp Cô Độc Viên” là Xứ Thành Tựu. Trong câu này đã bao gồm năm món thành tựu, giống như mở cuộc họp, cuộc họp sẽ có biên bản ghi rõ thời gian, địa điểm, nhằm chứng tỏ kinh này chẳng phải là ngụy tạo, quả thật do đức Phật đã nói vào lúc ấy. Chúng ta đọc lời Sớ.

          (Sớ) Biệt giải văn nghĩa giả.

          () 別解文義者。

          (Sớ: Giải thích ý nghĩa riêng biệt của kinh văn). 

          Giải thích [ý nghĩa] tựa đề của khoa này.

          (Sớ) Dĩ tri nhất đề tổng ý.

          () 已知一題總意。

          (Sớ: Đã biết ý nghĩa chung của tựa đề kinh này).

          Trong phần trước đã giới thiệu tựa đề kinh và người phiên dịch.

(Sớ) Vị thẩm kinh trung, tự thỉ chí chung, vi hà đẳng văn, xiển hà đẳng nghĩa. Kim nãi chương phân cú giải, tỷ Văn Tự Bát Nhã đạt hồ Thật Tướng, dĩ hữu tận chi ngôn, lược chương vô tận cố.

            ()未審經中,自始至終,為何等文,闡何等義。今乃章分句解,俾文字般若達乎實相,以有盡之言,略彰無盡故。

(Sớ: Chưa biết trong kinh từ đầu tới cuối, văn tự như thế nào, xiển dương những ý nghĩa như thế nào. Nay chia thành từng đoạn, giải thích từng câu, ngõ hầu do Văn Tự Bát Nhã sẽ thấu đạt Thật Tướng. Dùng lời lẽ hữu hạn để nêu bày đại lược sự vô tận vậy).

          Đây là giải thích ý nghĩa của tựa đề khoa mục này. Phần Huyền Nghĩa là đại ý, đã giới thiệu các tựa đề khoa mục rồi, nhưng vẫn chưa biết văn tự trong bộ kinh ra sao, “vi hà đẳng văn” (văn tự như thế nào), vì trong văn chương kinh Phật có mười hai loại thể tài, không biết [văn tự trong kinh này] thuộc loại nào. Trong Phật pháp nói đến văn Trường Hàng, hiện thời gọi là Văn Xuôi; Kệ Tụng nay được gọi là thi ca, câu cú rất chỉnh tề, có gieo vần. Lại còn có Mật Chú; đấy là ba loại văn tự khác nhau, có hình thức văn tự hoàn toàn không giống nhau. Trong Văn Xuôi, lại còn có nhiều thứ thể tài, trong Kệ Tụng lại có Trùng Tụng và Cô Khởi Tụng sai khác. Chưa biết văn tự trong bộ kinh này thuộc loại thể tài nào, nghĩa lý là như thế nào, đều phải dùng Khoa Phán để phân tích, đấy chính là “chương phân cú giải”.

          Người đời sau chia sách của cổ nhân thành chương cú (phân đoạn thành từng chương, từng câu). Hiện thời, mọi người đọc Tứ Thư, quá nửa tuân theo cách phán định chương cú của Châu Hy. Nói đơn giản, “chương cú” là chia thành từng đoạn, tức các đoạn lớn, đoạn vừa, đoạn ngắn, nhìn vào sẽ hiểu rõ ràng minh bạch. [Cách phân định] chương cú xuất phát từ khoa phán trong kinh Phật. Vì thế, biết rằng: Kinh Phật có ảnh hưởng rất lớn đối với văn học Trung Quốc. Nho gia dùng phương pháp khoa phán trong kinh Phật để phân tích Tứ Thư, Ngũ Kinh, mười ba kinh.

          Khoa phán trong kinh Phật phân tích vô cùng tinh vi, chặt chẽ, người hiện đại nói cách [phân tích ấy] là khoa học, có thứ lớp, có hệ thống, chẳng rối loạn tí nào. Dẫu là một bộ kinh lớn, quý vị xem Biểu Giải kinh Hoa Nghiêm; đấy chính là khoa phán, từ đầu đến đuôi, một bộ kinh lớn dường ấy mà một câu là một ý nghĩa, hai câu là một ý nghĩa khác, Ngài (Thanh Lương đại sư) đã phán định rõ ràng, rành mạch. Bề ngoài là phân tích kết cấu văn chương, nhưng cũng đồng thời trình bày những nghĩa lý [hàm tàng] trong văn chương; do vậy, khoa phán chính là chú giải kinh. Hiểu khoa phán, nhất định sẽ hiểu rõ kinh. Vì thế, học giảng kinh, trước hết phải học khoa phán. Trước hết, đem bộ kinh này từ đầu đến đuôi chia ra thành ba phần: Tự Phần, Chánh Tông Phần, Lưu Thông Phần. Trong Tự Phần lại có ba phần, tức là trong Tự Phần lại có Tự, có Chánh Tông, có Lưu Thông, dùng phương pháp này để chia ra dần dần. Càng chia ra càng tinh tế, quý vị sẽ thấy kinh văn rõ ràng, rành mạch. Trong kinh Phật, như trong bản in cuốn kinh này, những chỗ phía trước có hình tròn, những chữ ghi sau hình tròn đều là khoa phán[2]; trong kinh Phật, [cách khoa phán như vậy] gọi là Bán Khoa. Bán Khoa là gì? Là [khoa phán] được ghi kèm vào phía trước mỗi đoạn kinh văn. Toàn Khoa là gì? Vẽ cả bản kinh thành biểu giải, đặt đầu cuốn kinh, đó là Toàn Khoa. Có kinh có, có kinh không, như phần Khoa Văn Biểu Giải trong kinh Hoa Nghiêm Kinh do chúng tôi đã in chính là Toàn Khoa.

          Phân tích như vậy để từ Văn Tự Bát Nhã đạt tới Thật Tướng Bát Nhã. Nói đơn giản, Văn Tự Bát Nhã có ba ý nghĩa:

– Thứ nhất, “văn tự từ Bát Nhã lưu xuất”. Bản thân văn tự chẳng phải là Bát Nhã, nó là phù hiệu, nhưng loại phù hiệu ấy được sáng tạo bởi trí huệ Bát Nhã. Đặc biệt là văn tự Trung Quốc được sáng tạo bởi trí huệ. Văn tự Trung Quốc có sáu cách tạo chữ, gọi là Lục Thư[3]. Chữ tượng hình ngoại quốc cũng có; nhưng chữ Hội Ý thì văn tự ngoại quốc[4] không có. Hội Ý là thấy mặt chữ liền thấu hiểu ý nghĩa trong ấy, có trí huệ rất sâu trong đó. Chẳng hạn như chữ Gia (家), quý vị nhìn chữ Gia viết theo kiểu chữ Triện sẽ thấy được ý vị trong đó, sẽ hiểu ý nghĩa rất sâu trong chữ ấy. Chẳng thể nào không cần đến Gia, nhưng chớ nên mê, quý vị phải giác ngộ! Trong cách viết chữ Gia (家), phía trên vẽ “một hình” [tượng trưng] cho cái nhà, nay chúng ta viết [thành bộ Miên (宀)] giống như nét chữ che trên đầu chữ Bảo (寶), nếu nhìn chữ Gia được viết theo lối chữ Triện, quý vị sẽ thấy đó là nhà ở. Ở trong nhà là gì? Vừa nhìn liền biết ngay, [chữ Thỉ (豕) dưới bộ Miên (宀)] là một con lợn nhỏ, lợn là ngu si! Bảo quý vị phải thấy điều này, phải giác ngộ, đừng bị mê hoặc bởi nó! Vì thế, văn tự Trung Quốc quả thật từ trí huệ lưu lộ. Quý vị thấy chữ ấy, sẽ khai trí huệ, phải mở mang trí huệ chân chánh.

          Có một năm nọ, cư sĩ Tiêu Quốc Bảo viết thư cho tôi kể anh ta quen biết một người bạn gái, muốn kết hôn, hỏi tôi có nên hay không? Tôi gởi cho anh ta một tấm bưu thiếp, viết một chữ Hôn (婚), bảo anh ta hãy xem kỹ. Anh ta cũng hiểu được ý nghĩa ấy, gởi thư trả lời: “Con chẳng kết hôn”. Quý vị thấy chữ Hôn ấy, trông thấy người nữ (女), đầu óc liền hôn mê (hôn (昏): hôn mê, mê muội, thiếu sáng suốt). Nếu anh ta chẳng mê muội, sẽ chẳng kết hôn; nếu mê muội bèn kết hôn. Theo cổ lễ Trung Quốc, hôn lễ cử hành sau hoàng hôn, tuyệt đối chẳng cử hành lúc ban ngày ban mặt. Quý vị đọc Lễ Ký sẽ biết nếp sống của người Hoa trong quá khứ vô cùng ý vị, quả thật đã phối hợp cùng thiên nhiên. Do

vậy, cuộc sống của người Trung Quốc [thời cổ] quả thật hết sức tình tứ.

          Anh ta (cư sĩ Tiêu Quốc Bảo) làm theo cách như vậy có đúng hay không? Vẫn chẳng đúng, vẫn sai! Phật pháp nói Trung Đạo, chớ nên rớt vào hai bên! Quý vị mê hoặc, điên đảo, “hôn” là rơi vào bên này. Nếu quý vị chẳng kết hôn, sẽ ngã vào bên kia. Điều này dạy quý vị điều gì? Khi quý vị kết hôn, chớ nên mê muội, đấy mới là đúng, lúc ấy mới là Trung Đạo! Do vậy, anh ta vẫn hiểu lầm ý nghĩa, cho đến hiện tại vẫn chẳng kết hôn. Văn tự Trung Quốc đúng là có trí huệ rất sâu, chẳng hạn như quý vị “thành gia” (lập gia đình), lập gia đình nhưng đừng mê trong cái nhà ấy, mang ý nghĩa đó. Nhắc nhở quý vị, chứ chẳng phải là bảo quý vị đừng lập gia đình, đừng kết hôn, mà là bảo quý vị chớ mê! Chẳng mê ở trong ấy, đấy mới là Trung Đạo Đệ Nhất Nghĩa được nói trong Phật pháp.

          – Thứ hai, “văn tự có thể sanh ra Bát Nhã”, từ văn tự có thể sanh ra trí huệ. Như tôi vừa mới nói, khi quý vị thấy văn tự ấy, có thể sanh khởi trí huệ, văn tự được sáng tạo từ trí huệ. Do vậy, văn tự cũng có thể sanh ra trí huệ. Đức Phật vì chúng ta mà nói các thứ văn tự, kinh điển, chúng ta gọi những thứ ấy là Văn Tự Bát Nhã. Văn tự có thể sanh ra Bát Nhã. Vì vậy, chúng ta nương theo kinh điển nhà Phật, vâng theo lời Phật dạy, có thể khai thị ngộ nhập tri kiến của Phật.

          – Thứ ba, “văn tự chính là Bát Nhã”. Văn tự là phù hiệu, phù hiệu ấy chính là Không, chính là Giả, chính là Trung, bản thân nó chẳng phải là Bát Nhã thì là gì? Nhìn từ hình tướng của văn tự, nó là giả tướng. Nhìn từ bản thể, nó là Không, chẳng có tự tánh, vô tự tánh. Nó do nhân duyên hòa hợp mà hiện ra tướng, bản thân nó chẳng có tự tánh, bản thể của nó chính là Không. Nhưng nó có thể truyền lại trí huệ, lý luận, kinh nghiệm, và phương pháp của những bậc đã giác ngộ. Từ văn tự, người đời sau chúng ta có thể hoàn toàn tiếp nhận [những điều ấy]. Do vậy, có thể nói văn tự là Bát Nhã. Bởi đó, từ Văn Tự Bát Nhã đạt đến Thật Tướng Bát Nhã. Tình hình này tạo thuận tiện rất lớn, thuận tiện gì vậy? Tức là ngôn ngữ, văn tự đơn giản, hữu hạn, mà lại có thể hiển thị, khiến cho chúng ta thấu hiểu, giác ngộ nghĩa lý chẳng có cùng tận. Văn tự hữu hạn, nhưng nghĩa lý trong ấy chẳng có cùng tận.

          (Sớ) Ư trung phân tam.

          () 於中分三。

          (Sớ: Trong ấy, chia ra làm ba).

          Trong đoạn này, bộ kinh [Di Đà] này được chia thành ba phần.

          (Sớ) Kim thuộc Tự Phần.

          () 今屬序分。

          (Sớ: Nay [đoạn đang được thảo luận ở đây] thuộc về Tự Phần).

          Đoạn chúng ta đang đọc này thuộc vào Tự Phần.

          (Sớ) Tự giả tự dã.

            () 序者敘也。

          (Sớ: Tự là trần thuật).

          Là trình bày, tường thuật.

          (Sớ) Hựu tự dã.

          () 又緒也。

          (Sớ: Còn có nghĩa là đầu mối).

          Là đầu mối.

          (Sớ) Vị nhập chánh văn, tiên tự liệt thử kinh chi đoan tự dã.

            () 未入正文,先敘列此經之端緒也。

          (Sớ: Chưa bước vào phần chánh văn, trước hết, nêu bày đầu mối của kinh này).

          Trước hết, trình bày nhân duyên giảng kinh.

          (Sớ) Hữu Chứng Tín, Phát Khởi nhị tự.

       () 有證信發起二序。

          (Sớ: Có hai loại tự phần là Chánh Tín và Phát Khởi).

          Tự Phần có hai đoạn: Đoạn thứ nhất là Chứng Tín Tự, đoạn thứ hai là Phát Khởi Tự. Chứng Tín Tự là Lục Chủng Thành Tựu. Phát Khởi Tự ở sau [Chứng Tín Tự, trình bày] nhân duyên của bộ kinh và pháp hội lần này. Nhân duyên pháp hội [lần này] nhất định chẳng giống những pháp hội khác; vì thế, còn gọi là Biệt Tự.

          (Sớ) Kim duy chứng tín, phàm chứng tín giả, giai dĩ lục chủng thành tựu. Kim thuận văn tiện, quân kỳ phồn giản, thả phân vi nhị, tiên minh ngũ cú, hậu minh liệt chúng, hợp chi thành lục.

          ()今唯證信,凡證信者,皆以六種成就。今順文便,均其繁簡,且分為二,先明五句,後明列眾,合之成六。

          (Sớ: Nay riêng đối với phần Chứng Tín. Phàm là Chứng Tín, đều dùng sáu món thành tựu [để chứng minh tính chân thật của một bộ kinh]. Nay thuận theo lời văn cho tiện, cân nhắc mức độ phức tạp hay đơn giản, bèn chia thành hai phần, trước hết là giảng năm câu [thuộc năm điều Thành Tựu đầu tiên], sau là nêu rõ thính chúng [tham dự pháp hội], hợp thành sáu [thứ Thành Tựu]). 

          Liên Trì đại sư gộp chung năm món thành tựu đầu lại để giảng, hợp thành một đoạn. Phần liệt kê thính chúng, vì có nhiều người, nên Ngài chia thành một đoạn khác. Trước hết, nói về năm câu này, sau đó sẽ giảng về đại chúng.

          (Sớ) Tư phục lệ, tiền thống quát đại ý, thứ nãi ly thích.

          () 茲復例前統括大意,次乃離釋。

          (Sớ: Ở đây, lại theo thông lệ, trước hết nêu tổng quát đại ý rồi kế đó mới tách ra từng điều để giải thích).

          Trước hết là nói chung, sau đấy mới giới thiệu từng điều.

          (Sớ) Ngôn như thị chi pháp.

() 言如是之法。

          (Sớ: Nói “pháp như thế”).

          “Như thị chi pháp” là chỉ bộ kinh này.

          (Sớ) Ngã tùng Phật văn.

          () 我從佛聞。

          (Sớ: [Nhằm biểu thị pháp này] ta nghe từ đức Phật nói).

          “Ta” là tôn giả A Nan tự xưng. Kinh do tôn giả A Nan kết tập, do Ngài giảng lại, nhắc lại.

          (Sớ) Bỉ nhất thời Thích Ca Mâu Ni Phật, tại Xá Vệ quốc chi Kỳ Viên dã, cái thị Phật thị A Nan cố.

          ()彼一時釋迦牟尼佛,在舍衛國之祇園也,蓋是佛示阿難故。

          (Sớ: Vì trong một thời nọ, Thích Ca Mâu Ni Phật ngự tại Kỳ Viên thuộc nước Xá Vệ, dạy cho A Nan [pháp ấy]).

          Phía trước hết thảy kinh có ghi thêm mấy lời dẫn nhập này, chép thêm mấy câu này là vì đức Phật đã bảo ngài A Nan [làm như thế]. Lúc đức Phật sắp diệt độ, A Nan quá đau xót, vì A Nan chỉ chứng Sơ Quả, chưa đoạn Kiến Tư phiền não, Ngài đã đoạn Kiến Hoặc, nhưng chưa đoạn Tư Hoặc (tham, sân, si, mạn, nghi). Vì thế, đức Phật diệt độ, Ngài rất đau khổ, vẫn ứa nước mắt. Lúc ấy, ngài A Nậu Lâu Đà bảo Ngài: “Đức Phật sắp diệt độ, có những vấn đề rất trọng yếu ông cần phải thỉnh giáo, há có nên khóc lóc?” Ngài được cảnh tỉnh, bèn đáp: “Vấn đề gì vậy? Nay tâm tôi đang loạn, tôi nghĩ cũng chẳng ra phải nên hỏi những gì? Những gì chẳng cần hỏi?” Ngài A Nậu Lâu Đà dạy ngài A Nan hỏi bốn câu. Bốn câu hỏi ấy vô cùng trọng yếu, liên quan đến Tăng đoàn.

          Thứ nhất là lúc Phật tại thế, mọi người chúng con ở cùng chỗ với đức Phật, đức Phật lãnh đạo chúng con. Đức Phật chẳng trụ thế, chúng con nương tựa vào ai để làm thầy? Chúng con trụ nơi đâu? Hai câu hỏi ấy. Trong tương lai, chúng con kết tập những kinh điển do đức Phật đã giảng, đầu kinh có cần phải thêm những câu chữ nào hay không? Vì phía trước kinh điển của ngoại đạo Ấn Độ đều có lời dẫn nhập, chúng ta cần thêm hay không? Nên thêm theo cách nào? Câu hỏi thứ tư là đức Phật tại thế, đương nhiên đồ đệ rất nhiều, trong các môn đệ cũng có những kẻ quậy phá, càn quấy, đức Phật có thể chế phục họ. Đức Phật nhập diệt, chúng con đều là bạn học, họ nhiễu loạn Tăng đoàn, nên làm như thế nào? Nêu lên bốn câu hỏi ấy.

          Đức Phật trả lời, câu thứ nhất là “dĩ giới vi sư” (lấy giới làm thầy). Phật chẳng tại thế, nhưng giới luật do đức Phật chế định vẫn còn, nương theo giới luật để tu hành sẽ chẳng khác gì thầy vẫn còn. “Y Tứ Niệm Xứ trụ” (nương vào Tứ Niệm Xứ để trụ), ta trụ vào đâu? Nương vào Tứ Niệm Xứ. Tứ Niệm Xứ là quán thân bất tịnh, quán thọ là khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã. Tâm chúng ta an trụ nơi Tứ Niệm Xứ, chẳng khác gì Phật vẫn trụ thế. Trong tương lai, kết tập kinh điển, trước hết thảy các kinh phải thêm: “Tôi nghe như thế này, một thời Phật ngự tại nơi nào đó, cùng với những người nào đó”, đấy là lời giới thiệu. Vì thế, hết thảy các kinh trong hiện thời đều có câu này. Thứ tư, đối phó những ác tỳ-kheo đầu bò đầu bướu như thế nào? Đức Phật dạy hãy Mặc Tẫn; Mặc Tẫn (Brahma-danda) là không quan tâm tới bọn họ, để mặc họ. “Phật thị A Nan”, [nghĩa là] đức Phật chỉ dạy A Nan như thế.

          (Sớ) Như thị ngã văn hữu tam nghĩa: Nhất, đoạn nghi cố; nhị, tức tránh cố; tam, giản tà cố.

          ()如是我聞有三義:一斷疑故,二息諍故,三揀邪故。

          (Sớ: “Như thị ngã văn” có ba ý nghĩa: Một là để đoạn nghi; hai là nhằm dứt mọi tranh cãi;  ba là để phân biệt kinh này chẳng phải do kẻ tà vạy bịa đặt).

          Thuở ấy, khi tôn giả A Nan kết tập kinh điển, vừa lên tòa, được Tam Bảo gia trì, tướng mạo A Nan biến đổi, trở nên giống như Phật, cho nên thính chúng ở dưới đều hoài nghi. Có kẻ hoài nghi: Có phải là Thích Ca Mâu Ni Phật trở lại hay không? Thích Ca Mâu Ni Phật đã diệt độ, đương nhiên sẽ không trở lại. Có phải là Phật từ phương khác đến hay chăng? Cũng có người hoài nghi A Nan đã thành Phật. Vì vậy, ngài A Nan vừa xướng “như thị ngã văn”, mọi người chẳng còn nghi hoặc. Đó là ý nghĩa thứ nhất, tức là “đoạn nghi cố” (nhằm đoạn nghi).

Thứ hai là “tức tránh luận” (dứt tranh cãi), nếu bảo là do A Nan nói, mọi người chẳng phục. Ngài A Nan nói: “Những lời này chẳng phải do tôi nói, mà đều do đức Phật nói”, mọi người chẳng dị nghị, chẳng tranh cãi.

Thứ ba là “giản tà”, “tà” là ngoại đạo Ấn Độ. Kinh sách của ngoại đạo Ấn Độ đều mở đầu bằng chữ A Ưu. A Ưu là hữu vô, nghĩa là “hoặc hữu, hoặc vô”, phỏng chừng, bất định. Kinh Phật chẳng dùng cách ấy, kinh Phật dùng “như thị ngã văn, nhất thời”, dùng cách mở đầu như vậy. Đây là chỗ nhằm phân biệt sự sai khác [giữa kinh Phật] với hết thảy các kinh sách tôn giáo của Ấn Độ. Vừa mở ra đã thấy hình thức khác hẳn.

          (Sao) Văn Tự Bát Nhã, vị Bát Nhã vô ngôn, lại ngôn nhi hiển. Cố Phật dĩ văn tự thuyết kinh, kim hoàn dĩ văn tự giải thích.

          ()文字般若,謂般若無言,賴言而顯。故佛以文字

說經,今還以文字解釋。

          (Sao: Văn Tự Bát Nhã ý nói: Bát Nhã vô ngôn, nhưng dựa vào ngôn ngữ để hiển lộ. Vì thế, đức Phật dùng văn tự để nói kinh, nay lại dùng văn tự để giải thích).

          Cổ nhân bảo: “Đạo bổn vô ngôn, nhân ngôn hiển đạo” (Đạo vốn chẳng có ngôn ngữ, do ngôn ngữ mà hiển lộ Đạo). Thánh nhân Trung Quốc cũng nói: “Đạo khả đạo, phi thường đạo. Danh khả danh, phi thường danh” (Đạo mà có thể nói ra được thì chẳng phải là đạo thường hằng, cái tên mà có thể gọi ra được thì chẳng phải là cái tên thường hằng). Quan điểm này tương xứng với kiến giải của đức Phật; nói cách khác, đều hiểu rõ Thật Tướng, chân tướng của vạn pháp trong vũ trụ vốn chẳng nói được. Kinh Đại Bát Nhã tuy là bộ kinh Phật lớn nhất, có tới sáu trăm quyển, nhưng cốt lõi của bộ kinh rất đơn giản: “Bất sanh, bất diệt”, “Bát Nhã vô tri”. Bát Nhã vốn vô tri, vô tri là Thể của Bát Nhã, khi ứng dụng sẽ là “không gì chẳng biết”. Thể của Bát Nhã là gì? Nói thật ra là tâm thanh tịnh. Quý vị muốn cầu Bát Nhã, cầu ở nơi đâu? Không phải là niệm kinh Bát Nhã hay niệm kinh Kim Cang sẽ có Bát Nhã, chẳng có đạo lý ấy! Niệm kinh Đại Bát Nhã, quý vị có Bát Nhã hay không? Càng niệm càng mê muội, mơ hồ, càng niệm càng hồ đồ. Bát Nhã nhất định phải cầu từ trong Định, Thiền gia nói “Thiền Định rất sâu”. Người ấy đắc Thiền Định thật sâu, nên trí huệ mở mang. Đấy là “vốn chẳng có một vật” như Lục Tổ đã nói. Nó chính là Bát Nhã, là Thể của Bát Nhã. Trong Tịnh Độ gọi nó là “nhất tâm bất loạn”. Nhất tâm bất loạn có Sự nhất tâm và Lý nhất tâm. Ở đây nói tới Lý nhất tâm, chứ Sự nhất tâm vẫn chưa được! Sự nhất tâm là Định, nó có thể chế phục phiền não, nhưng chẳng thể chuyển phiền não thành Bồ Đề. Quý vị phải hiểu: Phiền não và trí huệ Bát Nhã là cùng một chuyện, là một, chẳng hai. Định có thể chế phục phiền não, nhưng chẳng thể chuyển phiền não, chẳng thể chuyển biến! Tới khi khai trí huệ thì mới được, sẽ chuyển phiền não thành Bồ Đề, chuyển sanh tử thành Niết Bàn, chúng là một, chẳng phải hai!

          Quý vị phải hiểu: Nói “đoạn phiền não” thì “đoạn” ấy chẳng phải là thật sự đoạn. Nếu thật sự đoạn phiền não thì Bát Nhã cũng đoạn luôn, vẫn chưa được! Nói “đoạn” thật ra là “chuyển”, phiền não chẳng còn, phiền não đều biến thành trí huệ. Lúc mê, chuyển Bát Nhã thành phiền não; đó là phàm phu, mê rồi! Bậc giác ngộ chuyển hết phiền não tập khí của quý vị thành đại trí huệ. Kinh thường dạy: “Phiền não tức Bồ Đề, sanh tử tức Niết Bàn”. Vì chúng là một Thể. Do vậy, đức Phật dạy chúng ta phải chuyển biến, quý vị phải biết chuyển biến. Do điều này, biết rằng: Phật pháp quả thật sống động, hoạt bát, chẳng phải là chết cứng. Căn tánh người Tiểu Thừa quả thật kém cỏi, chết cứng nơi chữ nghĩa, chết cứng trong giáo pháp, chẳng chuyển được! Tối đa là họ có thể chế phục, chế phục đến mức cao nhất cũng bất quá chứng A La Hán mà thôi. A La Hán thiếu trí huệ, Tam Đức Bí Tạng là Bát Nhã, Pháp Thân, Giải Thoát; A La Hán chưa chứng đắc Pháp Thân, cũng chẳng có Bát Nhã. A La Hán chỉ có một chút giải thoát nhỏ nhoi, sự giải thoát ấy do Định mà đạt được, chẳng đắc đại giải thoát. Đại giải thoát nhất định phải do trí huệ Bát Nhã chuyển phiền não thành Bồ Đề thì mới được. Do vậy, biết trí huệ ấy vô cùng trọng yếu.

          Trí huệ là mục tiêu truy cầu tối  hậu  trong  Phật  pháp, mà cũng là

mục tiêu chân chánh. Phương pháp cầu trí huệ tuyệt đối là Thiền Định, chẳng có cách nào thay đổi điều này! Chẳng do Định sẽ chẳng đạt được trí huệ; nhưng tuyệt đối chẳng thể nói Thiền Tông mới tu Thiền Định, các tông khác chẳng tu, [nếu hiểu như vậy] thì đã sai bét rồi! Cố nhiên Thiền Tông tu Thiền Định, nhưng tất cả hết thảy các tông phái khác, tám vạn bốn ngàn pháp môn thảy đều tu Thiền Định! Có thể không gọi là Thiền Định, nhưng xét theo ý nghĩa thì là Thiền Định, giống như Tịnh Độ chúng ta đề xướng “nhất tâm bất loạn”, nhất tâm bất loạn là Thiền Định! Giáo Hạ, như tông Thiên Thai tu Chỉ Quán, Chỉ Quán là Thiền Định. Thiền Định (Dhyāna-samādhi) là từ Phạn văn của Ấn Độ dịch ra, Thiền là Tĩnh Lự. Tĩnh (靜) là “tĩnh chỉ” (lặng lẽ, dứt bặt), ngưng dứt tất cả hết thảy vọng tưởng, đó là Chỉ. Quán là trong Định có cảnh giới, quý vị phải hiểu rõ ràng. Tĩnh Lự chính là Chỉ Quán do người Hoa phát minh ra. Vì thế, Chỉ Quán là Thiền. Do điều này, biết: Không có một tông phái, không một pháp môn nào chẳng tu Thiền Định, chẳng qua phương pháp khác nhau, cách thực hiện khác biệt, nhưng thảy đều cùng tu Định. Phương pháp của Tịnh Độ Tông là dùng một câu Phật hiệu A Di Đà Phật để tu Thiền Định, phù hợp ý nghĩa Thiền Định, mà cũng phù hợp với Chỉ Quán. Niệm một câu Phật hiệu này nhằm ngưng dứt hết thảy những vọng niệm khác, đó là Chỉ. Quý vị niệm một câu Phật hiệu này rõ ràng, rành rẽ, đó là Quán.

          Thiền gia tham thoại đầu, tham thoại đầu là Quán, dứt vọng niệm là Chỉ. Họ niệm niệm phải cảnh tỉnh bằng câu thoại đầu ấy. Người niệm Phật chúng ta niệm niệm cảnh tỉnh bằng câu Phật hiệu này; người tham Thiền dùng thoại đầu để cảnh tỉnh, nhưng nếu kẻ ấy chưa đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, sẽ chẳng có cách nào, không thể thụ dụng, con đường ấy rất khó khăn! Còn chúng ta do một câu Phật hiệu này, dẫu chưa thể đắc Thiền Định rất sâu, chỉ cần niệm tới mức tương ứng là có thể vãng sanh, đấy là pháp môn Nhị Lực. Người niệm Phật dễ thành tựu, thành tựu bèn vãng sanh. Thiền chẳng dễ gì thành tựu, vô cùng khó khăn! Giáo Hạ tu Chỉ Quán, cũng chẳng phải là chuyện dễ dàng. Vì vậy, tông Thiên Thai từ sau Trí Giả đại sư trở đi, rất nhiều vị tổ sư tông Thiên Thai chẳng tu Chỉ Quán mà đều niệm Phật. Chỉ Quán do Trí Giả đại sư phát minh. Ma Ha Chỉ Quán và Tiểu Chỉ Quán đều do Ngài phát minh, nhưng chính Ngài chẳng tu, bản thân Ngài niệm Phật, cuối cùng vẫn là niệm Phật vãng sanh. Quý vị mới biết pháp môn Niệm Phật thù thắng, pháp môn Niệm Phật đáng tin cậy, Chỉ Quán chẳng đáng tin cậy bằng Niệm Phật. Nếu muốn khai trí huệ, nhất định phải tu tâm thanh tịnh, mà cũng là nói “phải tu nhất tâm”, quý vị mới biết điều này thật sự trọng yếu! Tâm thanh tịnh khởi tác dụng là trí huệ Bát Nhã, tâm chúng ta không thanh tịnh, cho nên chẳng có cách nào. Dẫu quý vị thông minh cách mấy, có trí huệ cách mấy, đều là Thế Trí Biện Thông, chẳng phải là trí huệ Bát Nhã.

          “Bát Nhã vô ngôn, lại ngôn nhi hiển” (Bát Nhã không có ngôn ngữ, dựa vào ngôn ngữ để hiển lộ). Đức Phật thuyết pháp bốn mươi chín năm, tôn giả A Nan đã kết tập, lưu lại những kinh điển này. Thậm chí, những kinh điển ấy lại được các vị cổ đức Trung Quốc dịch sang tiếng Hán, văn tự Trung Quốc cũng thuộc Bát Nhã, có thể hiển lộ những đạo lý do đức Phật đã nói. “Cố Phật dĩ văn tự thuyết kinh, kim hoàn dĩ văn tự giải thích” (vì thế, đức Phật dùng văn tự để nói kinh; nay vẫn dùng văn tự để giải thích): Những bản chú giải của các tổ sư vẫn dùng văn tự để giải thích kinh điển nhà Phật, giúp chúng ta thâm nhập cảnh giới Phật.

          (Sao) Nhiên văn tự tánh Không, tức thị Thật Tướng. Cố tam chủng Bát Nhã, tương vi dung thông, bất ngại văn tự dã.

       ()然文字性空,即是實相。故三種般若,相為融通,不礙文字也。

          (Sao: Nhưng văn tự tánh Không, chính là Thật Tướng. Vì thế, ba thứ Bát Nhã dung thông lẫn nhau, chẳng trở ngại văn tự).

          Giải thích ý nghĩa câu “Văn Tự Bát Nhã đạt hồ Thật Tướng” trong phần trước. “Văn tự tánh Không là Thật Tướng”, Thật Tướng là chân tướng của nó. Do vậy, biết: Văn tự cũng thuộc loại giải thoát tướng, giải thoát là gì? Nói theo cách bây giờ, [giải thoát] là tự do, tự tại, chẳng bị trói buộc tí nào, chẳng chướng ngại tí nào! Văn tự xác thực là như vậy. Văn tự cũng chẳng ở trong, cũng chẳng ở ngoài, mà cũng chẳng ở chặng giữa, giống như trong kinh Lăng Nghiêm, Thích Ca Mâu Ni Phật gạn hỏi tôn giả A Nan về cái tâm đến bảy chỗ. Trên mặt Sự tuy có, về Lý xác thực chẳng có. Đấy là văn tự tánh Không, tương ứng với Thật Tướng. Hiểu rõ Thật Tướng, chân tướng sự thật, đối với văn tự, cũng có thể nói là đối với kinh điển, chúng ta phải dùng thái độ gì để quan sát? Bất ly, bất tức (chẳng rời lìa, chẳng chấp trước), thái độ ấy là đúng. “Bất ly” là chẳng rời khỏi kinh điển, đọc tụng mỗi ngày. “Bất tức” là ta chẳng chấp trước nó, đó là quý vị thật sự nhận biết nó. Quý vị rời lìa văn tự, nói văn tự tánh Không, ta chẳng cần đến nó, vậy là quý vị chấp Không. Quý vị chấp trước nó, không buông xuống được, bèn là chấp trước Có. Điều đáng quý trong Đại Thừa Phật pháp là hai bên Có và Không đều chẳng chấp trước: Chẳng rời khỏi kinh điển, mỗi ngày đọc kinh điển, chẳng rơi vào Không; nhưng chẳng chấp trước kinh điển, ta chẳng chấp Có. Hai bên đều chẳng chấp trước. Có như vậy, quý vị mới có thể thấu hiểu nghĩa thú trong kinh điển. Nhất quyết đừng chết cứng nơi kinh văn, quý vị đồng tu phải hiểu rõ chuyện này! Phải biết ngôn ngữ, văn tự do đức Phật đã nói nhằm khơi gợi bổn tánh của chúng ta, nếu quý vị chấp trước, sẽ biến thành chướng ngại.

          Phải như thế nào mới khai hiển bổn tánh? Một pháp chẳng lập mới khai hiển, lúc đạt tới “chẳng có một vật nào”, bổn tánh sẽ khai hiển. Nói cách khác, tất cả hết thảy phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, vướng mắc trong tâm quý vị thảy đều buông xuống, bổn tánh của quý vị sẽ khai hiển. Hễ có một chuyện vướng mắc là không được, bổn tánh liền bị nhiễm dơ, bị chướng ngại. Nếu nói tới Phật pháp, thì nói thật ra, nó đơn giản như vậy đó. Hiện thời, chúng ta chẳng thể kiến tánh là do trong lòng vướng mắc quá nhiều chuyện, đã nghe Phật pháp nói ta phải buông bỏ, nhưng có buông xuống được hay chăng? Bỏ không nổi! Bỏ không nổi sẽ chẳng thể kiến tánh! Chân tánh đã bị những thứ ấy trói buộc. Nếu quý vị thật sự có thể hạ quyết tâm, hết thảy đều gạt bỏ, đều bỏ sạch, sẽ kiến tánh, sẽ minh tâm kiến tánh.

          Lại nữa, đối với chuyện “bỏ” thì tôi lại phải nhắc quý vị, chẳng phải là bỏ trên mặt Sự! Bỏ sạch trên mặt Sự, vẫn chẳng thể kiến tánh. Nếu bỏ hết trên mặt Sự sẽ kiến tánh, người đã chết chẳng có gì không bỏ, thứ gì cũng chẳng mang theo, thân thể cũng chẳng mang theo, lẽ ra phải minh tâm kiến tánh! Sau khi kẻ ấy đã chết, cớ sao vẫn phải đầu thai luân hồi? Do vậy, quý vị phải hiểu: Chẳng phải là bỏ trên mặt Sự, mà là bỏ trong tâm. Vì sao đức Phật lại bảo chúng ta bỏ nơi Sự? Bỏ nơi Sự nhằm mong giúp cho quý vị bỏ trong tâm, mang ý nghĩa này! Trong tâm thật sự có thể bỏ sạch sành sanh, dẫu trên mặt Sự là có, chắc chắn chẳng trở ngại Sự. Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại, làm sao có chướng ngại cho được? Vì vậy, thành Phật là tâm thành Phật, chẳng phải là thân thành Phật.

          Phật dạy chúng ta trì giới luật, tức là phải bỏ những thứ bất thiện; bỏ sạch hết thảy các thứ bất thiện. Dạy kẻ sơ học dùng phương pháp ấy. Bởi vậy, chúng ta trì giới cũng chớ nên chấp chết cứng giới điều. Chết cứng trong giới điều, không chỉ chẳng thể khai trí huệ, mà cũng chẳng thể đắc Định. Vốn chẳng có một vật, lấy đâu ra giới? Nếu còn có một điều giới luật, tức là còn có một vật! Còn có “chẳng sát sanh” tức là trong bổn tánh của quý vị còn có “chẳng sát sanh”, còn có một vật, chẳng thể gọi là “chẳng có một vật nào”! Còn có “chẳng trộm cắp”, tức là quý vị có hai vật, chẳng phải là “không có một vật nào”! Vì thế, phải hiểu: Trong tâm thanh tịnh, thứ gì cũng đều không có, hoàn toàn do bổn tánh hiển lộ.

          Nhưng từ vô thỉ kiếp tới nay, chúng ta mê mất bổn tánh, nay đức Phật dạy chúng ta một phương pháp để từ từ khôi phục bổn tánh từng bước một. Khởi đầu bằng trì giới, từ trì giới sẽ đắc định, từ đắc định khai trí huệ, khai trí huệ sẽ hiển lộ Chân Như bổn tánh của chúng ta, dùng phương pháp và cách thức này. Những phương pháp và cách thức ấy là cần thiết trong quá trình tu hành, nhưng tiến lên một bước, nhất định phải bỏ bước dưới. Đắc Định sẽ không cần trì giới, vì sao? Định cộng giới. Một người đắc Định, có thể phạm giới hay chăng? Chẳng thể nào! Vì thế, gọi là Định cộng giới, cho nên chẳng cần phải trì giới từng điều một. Tới khi chứng quả, sẽ là đạo cộng giới, quyết định chẳng phạm giới.

          Do vậy, có thể biết rất nhiều thứ do đức Phật đặt ra nhằm giúp đỡ chúng ta tu tâm, tu tâm là chánh yếu. Tâm đã thanh tịnh, lẽ đâu thân chẳng thanh tịnh? Thân nhất định thanh tịnh. Thân tâm thanh tịnh, cảnh giới bèn thanh tịnh, thế giới sẽ thanh tịnh. Chúng ta muốn biết thế giới ấy là tốt hay xấu, hãy nhìn từ đâu? Nhìn từ lòng người. Tâm con người bất hảo, thế giới ấy nhất định có tai nạn, tâm chẳng thanh tịnh mà! Vì sao thế giới Cực Lạc tốt đẹp? Chẳng cần nhìn vào điều nào khác, tâm người nơi ấy thanh tịnh, mỗi người đến Tây Phương Cực Lạc thế giới đều do tâm thanh tịnh mà vãng sanh, cho nên cảnh giới của họ tốt đẹp! Tâm chẳng thanh tịnh, sẽ không thể vãng sanh, tâm nhất định phải thanh tịnh thì mới có thể vãng sanh; chẳng giống thế giới này, tâm chẳng thanh tịnh, vấn đề này nghiêm trọng lắm.

          “Tam chủng Bát Nhã, tương vi dung thông” (ba thứ Bát Nhã dung thông lẫn nhau). Ba thứ Bát Nhã là Văn Tự, Quán Chiếu, Thật Tướng. Nương theo văn tự, khởi quán chiếu, chứng Thật Tướng. “Y văn tự” là nương theo kinh điển, chúng ta đọc kinh phải dựa vào văn tự. Không có văn tự, chẳng có cách gì tiếp nhận giáo huấn của đức Phật, đức Phật dạy người đời sau hoàn toàn phải nhờ vào văn tự. Chúng ta đọc kinh, điều khẩn yếu là phải “khởi quán chiếu”, đấy là biết đọc, chẳng chết cứng nơi văn tự. Quán chiếu là gì? Nói nghiêm ngặt, Quán là đừng phân biệt, chấp trước; nói theo cách bây giờ, chỉ là nói tương tự, chỉ có thể nói tương tự, vẫn chưa phải là chân thật; [Quán] được gọi là trực giác, trực giác là không thông qua phân biệt, tư duy, tưởng tượng, mắt chúng ta thấy cảnh giới bên ngoài, tai nghe âm thanh thì gọi là Quán. Chiếu nghĩa là hiểu rõ, chiếu kiến có nghĩa là hiểu rõ. Mắt chúng ta vừa thấy [cảnh giới] bên ngoài sẽ hiểu rõ ràng, đấy là Quán Chiếu. Giống như chúng ta mở cuốn kinh ra, thấy chữ rõ ràng, rành rẽ, ý nghĩa cũng hiểu rất rõ rệt; đấy là Quán Chiếu. Nếu chúng ta mở kinh điển ra, đối với mỗi câu bèn suy nghĩ ý nghĩa trong ấy, trật rồi! Vì sao? Quý vị vừa nghĩ, ý thức, tức thức thứ sáu, bèn làm chủ. Nói đơn giản, Quán Chiếu là chẳng dùng tới tâm ý thức. Chúng ta nói đơn giản hơn chút nữa, sẽ là đừng dùng thức thứ sáu, tức ý thức, đừng dùng thức thứ bảy; đấy là Quán Chiếu. Thức thứ sáu là phân biệt, ta chẳng phân biệt; thức thứ bảy là chấp trước, ta cũng đừng chấp trước, ta chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, mà hiểu rõ ràng, rành rẽ, đấy là Quán Chiếu. Vận dụng công phu ấy lâu ngày, Thật Tướng sẽ hiện tiền.

          Vì vậy, đọc kinh, tôi thường nói với các vị đồng tu, người biết đọc kinh, nói thật ra, đọc chú giải cũng giống như vậy, tôi nói [đọc kinh, hay đọc chú giải] là Tam Học Giới – Định – Huệ được hoàn thành một lượt, đấy là nói theo Tam Học. Nếu nói theo Bát Nhã, sẽ là Quán Chiếu Bát Nhã nhập Thật Tướng Bát Nhã. Ngay trong lúc lục căn tiếp xúc lục trần, chúng ta chẳng khởi tâm, không động niệm, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, không lưu lại ấn tượng, sẽ là Thật Tướng, nên nói theo kiểu kinh Kim Cang sẽ là: “Phàm những gì có tướng đều là Thật Tướng”. Chúng ta vừa mới khởi tâm động niệm, [bèn tự nhắc nhở] “phàm những gì có tướng đều là hư vọng”, tướng bên ngoài có còn biến động hay không? Không có.

          Tướng hư vọng và tướng chân thật khác nhau ở chỗ nào? Từ tâm niệm của chúng ta. Chúng ta dùng chân tâm nhìn cảnh giới bên ngoài, cảnh giới bên ngoài là tướng chân thật, là Thật Tướng; chúng ta dùng tâm vọng tưởng để nhìn cảnh giới bên ngoài, cảnh giới bên ngoài là tướng hư vọng; đạo lý như thế đấy. Trong chân tâm không có ý niệm. Đại Thừa Khởi Tín Luận đã nói rất rõ ràng: “Chân tâm ly niệm”, không có niệm! Vì thế, cái tâm chúng ta không có ý niệm sẽ là chân tâm. Cái tâm không có niệm ấy thấy hết thảy vạn vật sẽ là Thật Tướng của các pháp, thưa quý vị, đấy là Nhất Chân pháp giới. Vì sao? Trong tâm quý vị có phân biệt, do không có phân biệt, chẳng có tốt xấu, liền bình đẳng. Không chấp trước sẽ chẳng yêu ghét. Không có tốt xấu sẽ chẳng ưa ghét, chẳng ưa thích, chẳng ghét bỏ, hết thảy các pháp bình đẳng, cảnh giới này là Nhất Chân pháp giới.

          Do Phật và các vị đại Bồ Tát trụ Nhất Chân pháp giới, Nhất Chân pháp giới cũng chẳng phải là rời khỏi thế giới này mà có riêng một Nhất Chân pháp giới, [nếu hiểu như vậy] quý vị đã trật rồi! Chẳng hề có! Nhất Chân pháp giới và mười pháp giới đều do tâm của chính chúng ta biến ra. Khi trong tâm chúng ta chẳng có phân biệt, chấp trước, không có ý niệm, pháp giới ấy là thật, Nhất Chân, đó là thật. Hễ khởi tâm động niệm, tâm chúng ta bèn là tâm vọng tưởng; dấy lên vọng tưởng, quý vị thấy cảnh giới ấy sẽ thiên biến vạn hóa. Vì thế, nói thật thà, cảnh giới ấy là cảnh chuyển theo tâm! Đức Phật nói lời chân thật, chẳng phải là tâm chuyển theo cảnh! Vì vậy, người học Phật nhất định phải học gì? Cảnh chuyển theo tâm, phải tự tại; đấy là người học Phật.

          Kẻ chẳng học Phật, khổ lắm! Tâm chuyển theo cảnh. Trong thế gian này, có những kẻ xem Phong Thủy, Phong Thủy là gì? Cảnh giới! [Quý vị coi Phong Thủy] tức là bị cảnh giới xoay chuyển! Cảnh giới ảnh hưởng đến quý vị. Người ta ca tụng quý vị mấy câu, quý vị vui vẻ lắm, tâm bị động rồi! Bị kẻ khác chuyển, bị cảnh giới bên ngoài xoay chuyển! Người ta chửi quý vị mấy câu, nếu quý vị nổi cáu vài ngày, quý vị đã bị cảnh giới chuyển, bị xoay chuyển bởi mối quan hệ với con người, bị xoay chuyển bởi hoàn cảnh vật chất thì mới nhấn mạnh Phong Thủy. Phong Thủy xét theo Phật pháp sẽ chẳng thông! Phật pháp là gì? Tâm ta chuyển cảnh giới, lấy đâu ra Phong Thủy? Không có! Lúc ấy mới là rốt ráo, lúc ấy mới là triệt để, chính mình xoay chuyển quan hệ con người, chính mình xoay chuyển hoàn cảnh vật chất. Hết thảy do chính mình làm chủ, chẳng do ngoại cảnh làm chủ. Chính mình làm chủ thì lúc đó mới gọi là Phật, là Bồ Tát.

Trong Phật pháp nói tu hành, tu gì vậy? Tu điều này! Chư vị nhất định phải biết: Rời khỏi hết thảy quan hệ giữa con người với nhau, rời khỏi hết thảy hoàn cảnh vật chất, quý vị tới đâu để tu? Chẳng có chỗ nào để tu cả! Ở ngay trong cảnh giới, dấy lên Quán Chiếu Bát Nhã. Thiền gia nói chớ nên bỏ mất quán chiếu, hễ bỏ mất quán chiếu sẽ mê hoặc. Quán chiếu là niệm niệm nhắc nhở chính mình cảnh giác, chẳng bị cảnh giới chuyển. Người khác ca tụng ta, tâm ta sáng suốt, rõ ràng, đó là trí huệ chiếu trụ, chẳng phải là ta hồ đồ! Kẻ khác ca tụng ta, ta chẳng hiểu, tức là đã biến thành chai đá, vô cảm mất rồi! Kẻ khác ca tụng ta, ta biết rõ ràng! Nhưng trong tâm ta như thế nào? Chẳng hào hứng, tâm bình lặng, yên tĩnh. Bề ngoài thì cũng tỏ ra khách sáo, đó là ứng phó bề ngoài đối với người ấy [chứ trong tâm chẳng bận lòng vì lời khen đó]. Đấy chính là trí huệ Bát Nhã khởi tác dụng; cho nên nói: “Không gì chẳng biết”, khởi tác dụng mà! Người ta chửi mình mấy câu, ta cũng hiểu rõ ràng, rành rẽ, trong tâm ta thì sao? Chẳng tức giận, không bị cảnh giới chuyển, tâm thanh tịnh. Từ đầu đến cuối, trong cảnh giới giữ gìn cái tâm thanh tịnh; đấy gọi là học Phật, học Phật là học theo cách này!

          Quý vị mỗi ngày niệm A Di Đà Phật, nếu ở trong cảnh giới vẫn bị cảnh giới xoay chuyển, tức là niệm Phật hiệu chẳng đắc lực! Niệm Phật hiệu thật sự đắc lực, sẽ không bị cảnh giới chuyển. Không bị cảnh giới chuyển, sẽ tương ứng với Bát Nhã. Nói cách khác, quý vị có thể làm chủ trong cảnh giới, trong tương lai vãng sanh thế giới Cực Lạc chắc chắn sẽ tự làm chủ. Chẳng thể làm chủ cảnh giới, thì trong tương lai vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, đó cũng là cảnh giới, quý vị vẫn chẳng thể làm chủ được. Thật sự tu hành, chẳng thể rời khỏi xã hội. Hàng Tiểu Thừa lánh mình trong núi thẳm, nơi không dấu chân người, khoét hang động để trụ trong đó khổ tu; vô dụng! Tu mười năm hay tám năm, bảo người ấy đến thành phố Đài Bắc đi dạo một vòng, ngay lập tức xong đời, hết thảy hỏng bét, có ích gì đâu? Không chịu nổi khảo nghiệm! Vì vậy, thật sự tu hành phải tu nơi đô thị, phải ở trong chốn hồng trần để trải qua sự việc hòng luyện tâm, nắm vững một câu A Di Đà Phật để luyện cái tâm thanh tịnh của chính mình, luyện tâm thanh tịnh trong cảnh giới. Đó là thật sự học Phật! Hôm nay, chúng tôi giảng tới chỗ này!

[1] “Chư hầu” là danh xưng chỉ các chế độ phong kiến cát cứ trước thời Tần Thủy Hoàng. Các vị Cộng Chủ (có danh xưng là Thiên Tử hoặc Hoàng Đế), thật ra là một vị tù trưởng hoặc lãnh tụ bộ tộc mạnh nhất, được các tù trưởng khác tuân phục, coi như thủ lãnh tối cao. Khi lên ngôi, vị Cộng Chủ sẽ phong lãnh địa và tước hiệu cho con, em, người trong gia tộc hoặc công thần, đất phong (phong địa) ấy sẽ được gọi là “hầu quốc” hoặc “chư hầu quốc”. Đôi khi cũng phong cho con cháu của các đời Cộng Chủ trước, chẳng hạn, Châu Vũ Vương phong cho con cháu họ Thần Nông đất Tiêu, con cháu Hoàng Đế ở đất Chúc, con cháu vua Nghiêu ở đất Kế, con cháu vua Thuấn ở đất Trần v.v… Châu Vũ Vương cũng phong cho Khương Tử Nha đất Doanh Khâu (nước Tề), phong cho em là Quản Thúc Tiên đất Quản, phong cho em trai là Cơ Đán (Châu Công) làm vua nước Lỗ, phong cho em họ là Triệu Công Thích làm vua nước Yên, chú là Thúc Chấn Đạc làm vua đất Tào, Sái Thúc Độ làm vua đất Dung (nước Sái)… Châu Công đã thiết lập năm tước vị Công, Hầu, Bá, Tử, Nam và tùy theo tước vị mà địa vị của các nước chư hầu cũng khác nhau; cũng như quy định chặt chẽ như chư hầu không được cúng tế tông miếu của Thiên Tử, không được tiếm dụng lễ nhạc, nghi trượng dành cho thiên tử, con trưởng vĩnh viễn kế tục ngôi cha giữ ngôi chư hầu, các con thứ chỉ làm Khanh, Đại Phu, chư hầu chỉ được xưng cao nhất là Công, chữ Vương dành riêng cho thiên tử. Đồng thời, quy định đất của Thiên Tử rộng mười ngàn dặm, đất của Công rộng một ngàn dặm, đất của Hầu rộng năm trăm dặm v.v… Thoạt đầu, chế độ chư hầu nhằm mục đích cử người nhà, thân thích, trấn giữ những nơi quan trọng, nhưng cuối cùng, các chư hầu hoàn toàn độc lập, không còn nghe theo lệnh nhà Châu nữa, nên Hòa Thượng mới nói “chẳng có ràng buộc gì”. Khi Cộng Chủ mạnh, các nước còn tiến cống đều đặn, nghe theo lệnh Cộng Chủ đóng góp người ngựa, tiền của khi Cộng Chủ phải đối phó với chư hầu làm phản hay Cộng Chủ dẹp nội loạn tại các nước chư hầu khác. Từ sau thời Châu Bình Vương trở đi, nhà Châu mất dần thế lực, dần dần chỉ còn hư vị. Thậm chí, các chư hầu xưng Bá (như Tề Hoàn Công, Tấn Tương Công, Tần Mục Công) còn thao túng, bắt vua Châu phải nghe theo lệnh. Các “Bá” chinh phục, chiếm đóng, tiêu diệt các nước chư hầu khác, mà Thiên Tử nhà Châu chẳng làm được gì!

[2] Trong bản in cuốn A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, những khoa đề (tựa đề của từng khoa trong bản Sớ Sao Diễn Nghĩa) được mở đầu bằng chấm tròn trắng bao lấy một chấm đen, những tựa đề ghi sau đó thuộc phần Khoa Phán. Chẳng hạn như trong phần này, có ba câu được đánh dấu bằng chấm tròn đen là “Thập Biệt Giải Văn Nghĩa”, “Sơ Tự Phần, Sơ ngũ cú chứng, nhị liệt thánh chúng” và “Sơ Ngũ Cú Chứng”.

[3] Lục Thư là sáu cách tạo chữ trong văn tự chữ Hán, gồm Tượng Hình (mô phỏng hình dáng của sự vật), Chỉ Sự (mô phỏng, nêu đặc tính của sự vật, chẳng hạn chữ Xuyên dùng ba vạch để hình dung các dòng nước), Hình Thanh (mô phỏng âm thanh), Hội Ý (ghép hai hay nhiều chữ lại để diễn tả ý nghĩa), Chuyển Chú (dùng một chữ này để giải thích chữ kia), Giả Tá (vận dụng chữ đồng âm để thay thế cho những phức tạp hơn). Khái niệm Lục Thư đã thấy ghi sớm nhất trong sách Châu Lễ (thiên Địa Quan), do vậy, khái niệm Lục Thư đã xuất hiện tối thiểu từ cuối thời Chiến Quốc, nhưng người đã hệ thống hóa, có nhiều cống hiến lớn đối với cách phân định Lục Thư là Hứa Thận (58-147) sống vào đời Hán Hòa Đế nhà Đông Hán qua tác phẩm Thuyết Văn Giải Tự.

[4] Ở đây, hòa thượng nói tới các loại văn tự không dùng chữ Hán, chứ trong chữ Nôm của Việt Nam hai cách tạo chữ bằng Giả Tá và Hội Ý được sử dụng rất rộng rãi; chẳng hạn con số Ba dùng chữ Ba (巴) và Tam (三) ghép lại, chữ Chén (cái chén ăn cơm) có hai cách viết: Dùng ngay chữ Trản (盏) nhưng đọc là Chén (đấy là cách viết Giả Tá), hoặc ghép chữ Thạch (石) và chữ Chiến (戰); có lẽ đây là một cách độc đáo riêng trong cách sáng tạo chữ Nôm. Trong lối viết Kanji, người Nhật cũng sáng tạo nhiều chữ Hán mới bằng cách Hội Ý.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *