#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 179
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm bảy mươi bốn.
Nhị, phong thụ diễn pháp.
(Kinh) Xá Lợi Phất, bỉ Phật quốc độ, vi phong xuy động, chư bảo hàng thụ, cập bảo la võng, xuất vi diệu âm. Thí như bách thiên chủng nhạc, đồng thời câu tác. Văn thị âm giả, tự nhiên giai sanh niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng chi tâm.
二風樹演法。
(經) 舍利弗。彼佛國土。微風吹動。諸寶行樹。及寶羅網。出微妙音。譬如百千種樂。同時俱作。聞是音者。自然皆生念佛念法念僧之心。
(Hai, gió và cây diễn pháp.
Kinh: Này Xá Lợi Phất! Cõi nước Phật ấy, gió nhẹ thổi động các hàng cây báu, và mành lưới báu, phát ra âm thanh vi diệu, ví như trăm ngàn thứ nhạc hòa tấu cùng lúc. Nghe âm thanh ấy, tự nhiên đều sanh tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng).
Đoạn kinh văn này có khoa đề (科題: tiểu đề mục) là Phong Thụ Diễn Pháp, nói đến chuyện vô tình thuyết pháp trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Trong phần trước, các loài chim là hữu tình, nay kinh nói về gió và cây. Như vậy là trong thế giới ấy, hữu tình và vô tình cùng tuyên diệu pháp. Đây là một nhân tố quan trọng khiến cho người tu hành trong Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng bị thoái chuyển.
(Sớ) Tiền ngôn hàng thụ, la võng, kim ngôn thử chư thụ võng, nhân phong xuất âm, như thượng điểu minh, hóa đạo chúng sanh, lợi ích vô tận dã.
(疏) 前言行樹羅網,今言此諸樹網,因風出音,如上鳥鳴,化導眾生,利益無盡也。
(Sớ: Trong phần trước, [kinh văn] đã nói lưới mành giăng trên các hàng cây, nay nói đến các lưới trên cây do gió thổi qua mà phát ra âm thanh giống như tiếng chim hót trong phần trên, giáo hóa chúng sanh, lợi ích vô tận).
Trong phần trước, [chánh kinh] đã nói đến các mành lưới giăng nơi hàng cây trong thế giới Tây Phương, đoạn này lại tiếp tục nói những tấm lưới căng trên các hàng cây vì gió thổi qua mà phát ra âm thanh, giống như những cái chuông gió (phong linh, wind chime) trong thế gian, âm thanh rất hay. Phong linh trong cõi chúng ta tối đa là vang tiếng hòa nhã mà thôi, chẳng thể thuyết pháp. Cây trong Tây Phương Cực Lạc thế giới là cây báu, lá cây đều bằng bảy báu, âm thanh ấy hay đẹp chúng ta chẳng có cách nào tưởng tượng được! [Âm thanh của lưới và cây] giống như trong phần trước đã nói chim có thể diễn diệu pháp, hướng dẫn, giáo hóa chúng sanh.
(Sớ) Phong viết vi giả, phong chi mỹ dã. Âm viết vi diệu giả, âm chi mỹ dã. Vi diệu tức hòa nhã ý.
(疏) 風曰微者,風之美也;音曰微妙者,音之美也,微妙即和雅意。
(Sớ: Gió nói là Vi tức là gió dịu, âm thanh mà nói là Vi Diệu, tức là âm thanh rất tuyệt diệu. Vi Diệu có ý nghĩa hòa nhã).
“Hòa” (和) là ôn hòa, “nhã” (雅) là trang nhã, chánh đáng, âm thanh chánh đáng.
(Sớ) Bách thiên chủng nhạc giả, dĩ thiểu huống đa.
(疏) 百千種樂者,以少況多。
(Sớ: “Trăm ngàn loại nhạc”: Dùng số ít để sánh ví cho số nhiều).
Trăm ngàn loại: Giống như nhạc giao hưởng trong hiện thời.
(Sớ) Tán kỳ chí mỹ, cực nhân thiên nhạc, sở bất năng cập.
(疏) 讚其至美,極人天樂,所不能及。
(Sớ: Nhằm tán thán [các âm thanh do cây và lưới báu phát ra] hay đẹp tột cùng, các loại nhạc tuyệt diệu của trời người đều chẳng thể sánh bằng).
Đây là tán thán tới mức độ cùng cực, âm nhạc trong nhân gian hay cõi trời đều chẳng có cách nào sánh bằng!
(Sớ) Kỳ âm diệc tuyên Căn, Lực, Giác, Đạo.
(疏) 其音亦宣根力覺道。
(Sớ: Âm thanh ấy cũng tuyên nói Căn, Lực, Giác, Đạo).
Các âm thanh cũng tuyên nói Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần, Bát Chánh Đạo. Bốn khoa này tượng trưng cho vô lượng Phật pháp, chẳng có pháp nào không được diễn nói.
(Sớ) Chủng chủng Đạo Phẩm, bất ngôn giả, văn tỉnh dã.
(疏) 種種道品,不言者,文省也。
(Sớ: Không nói tới các thứ Đạo Phẩm là do kinh văn nói tỉnh lược).
“Tỉnh” (省) là tỉnh lược.
(Sớ) Hựu Đại Bổn vân “vi phong xúc thân”, kim bất ngôn giả, diệc văn tỉnh dã.
(疏) 又大本云:微風觸身。今不言者,亦文省也。
(Sớ: Kinh Đại Bổn lại nói “gió nhẹ chạm vào thân”, nay [kinh này] chẳng nói thì cũng là do kinh văn tỉnh lược vậy).
Kinh Di Đà văn tự ít, nói đơn giản. Tuy chẳng nói, nhưng ý nghĩa đều được bao gồm trong ấy, vì chúng ta xem kinh Đại Bổn Vô Lượng Thọ sẽ biết.
(Sao) Vi phong vi mỹ giả, thử độ cụ phong xuy động, tắc xuất khuynh tưu đảo hạp, khả chiến cụ thanh.
(鈔) 微風為美者,此土颶風吹動,則出傾湫倒峽,可戰懼聲。
(Sao: “Vi phong là gió dịu”: Trong cõi này, gió bão thổi lên, ắt sẽ nghiêng ao, lật khe núi, phát ra âm thanh đáng kinh sợ).
Trong thế gian này có những loại gió khiến chúng ta chẳng ưa
thích cho lắm. Ví như Đài Loan có Đài Phong (gió lốc)[1], ở Mỹ có Long Quyển Phong (gió trốt, vòi rồng, tornado). “Cụ phong” (颶風) là trận gió lớn. Đài Phong chính là trận bão lớn. “Khuynh tưu đảo hạp” (傾湫倒峽), “tưu” (湫) là ao nước, [“hạp” (峽) là khe núi]. Gió thổi khiến nước trong ao bị văng ra ngoài, có sức mạnh to lớn dường ấy. Hễ gặp phải trận gió như vậy, chúng ta rất kinh hãi.
(Sao) Mãnh phong xuy động, tắc xuất hám ốc bạt mộc, khả yếm ác thanh.
(鈔) 猛風吹動,則出撼屋拔木,可厭惡聲。
(Sao: Gió dữ thổi lên ắt phát ra âm thanh rung nhà, trốc cây đáng ghê sợ).
“Mãnh phong” chính là Đài Phong.
(Sao) Nãi chí Tỳ Lam phong xuy động, tắc xuất tồi sơn toái nhạc, hoại chư thế giới, vô khả tỵ thanh.
(鈔) 乃至毗嵐風吹動,則出摧山碎嶽,壞諸世界,無可避聲。
(Sao: Cho đến gió Tỳ Lam thổi lên, ắt phát ra âm thanh vỡ núi tan non, tan nát các thế giới, chẳng thể tránh né).
Chúng ta chẳng gặp gió Tỳ Lam (Vairambhaka). Nếu gặp phải, thế giới này chẳng còn nữa! Trong kinh, đức Phật đã nói tới Tam Tai (Saṃvartanī), có Đại Tam Tai và Tiểu Tam Tai. Đại Tam Tai là Hỏa Tai, Thủy Tai, và Phong Tai. Phong Tai được gọi là Tỳ Lam Phong.
Lúc một tam thiên đại thiên thế giới sắp hoại, Tam Tai bèn xuất hiện:
1) Hỏa Tai có thể cháy đến Sơ Thiền Thiên. Từ Sơ Thiền Thiên
trở xuống, toàn thể Thái Dương Hệ bị cháy sạch. Qua viễn vọng kính thiên văn, chúng ta quan sát thấy trong vũ trụ, một tinh hệ bị biến mất, hủy mất, đó là Hỏa Tai trong Đại Tam Tai như đức Phật đã nói.
2) Loại thứ hai là Thủy Tai, có thể ngập đến Nhị Thiền Thiên, còn đáng sợ hơn Hỏa Tai. Từ Nhị Thiền Thiên trở xuống đều chẳng còn!
3) Loại thứ ba là Phong Tai. Gió Tỳ Lam thổi tan Tam Thiền Thiên. Từ Tam Thiền trở xuống đều bị hủy diệt, núi Tu Di cũng chẳng còn. Đến Đệ Tứ Thiền mới an toàn.
Tứ Thiền được gọi là Phước Thiên, có thể tránh khỏi Tam Tai. Bất cứ loại nào trong Đại Tam Tai, thế giới này đều chẳng thể hứng chịu!
Tiểu Tam Tai như đức Phật đã nói chính là chiến tranh hạch tử (chiến tranh hạt nhân, chiến tranh bằng vũ khí nguyên tử) trong hiện tại. Tiểu Tam Tai là Binh Đao Kiếp, tức là chiến tranh kéo dài bảy ngày, ôn dịch bảy tháng và đói kém bảy năm bảy tháng. Hai mươi năm trước, tôi đến thăm Trường Kỳ (Nagasaki) và Quảng Đảo (Hiroshima) của Nhật Bản, hoảng nhiên đại ngộ! Tiểu Tam Tai như trong kinh đã nói vốn là tình hình ấy. Sau khi chiến tranh hạt nhân bùng nổ, trên thân nhiễm bụi bức xạ (bụi phóng xạ, radioactive dust), sau bảy tháng chẳng chết thì mới có thể giữ được mạng. [Như vậy thì] bệnh ôn dịch chính là bệnh bức xạ. Trên mặt đất, cỏ cây chẳng mọc, khi tôi đến đó đã là năm thứ tám, mới vừa mọc cỏ. Kinh nói bảy năm bảy tháng cỏ cây chẳng mọc, đương nhiên là đói kém. Chiến tranh hạt nhân có thể tránh được hay chăng? Nhìn vào thế giới hiện thời, dường như chẳng có cách nào tránh né! Cơ Đốc Giáo tiên đoán tận thế vào năm 1999, tiên tri cổ xưa của Trung Hoa cũng nói trong thời kỳ ấy sẽ có đại kiếp nạn, thế giới này sẽ khôi phục trật tự, khôi phục hòa bình, ước chừng là sau năm 2020. Ba mươi năm sau, trên thế giới mới có hòa bình. Hiện thời, dân cư trên thế giới quá đông, dễ nẩy sanh chiến tranh. Nhất là giàu nghèo chẳng quân bình, đại đa số người sống trong thế gian này oán trời hờn người, đó là điều hết sức đáng sợ! Trong thế giới ngày nay, những quốc gia có vũ khí nguyên tử dần dần tăng thêm nhiều, quan niệm luân lý và đạo đức trên cả thế giới bị đọa lạc, đáng sợ quá! Vì thế, hiện thời chẳng ai có thể dự đoán cục diện thế giới biến hóa [như thế nào], đúng là nháy mắt đã biến hóa ngàn phần!
Chúng ta biết trạng huống trước mắt, chớ nên không nghiêm túc tu học Phật pháp! Chúng ta biết trong cộng nghiệp còn có bất cộng nghiệp, có biệt nghiệp. Sau một trận kiếp nạn rất lớn, vẫn có những người may mắn tránh khỏi. Phàm những người may mắn tránh khỏi đại nạn đều là người có phước. Tục ngữ có câu: “Nạn lớn chẳng chết, ắt có phước mai sau”. Người ấy chẳng có phước thì làm sao có thể thoát khỏi tai nạn? Vì thế, chúng ta phải nghiêm túc tu phước. Tu phước thì phước đức thù thắng nhất trong thế gian và xuất thế gian không gì hơn tu học pháp môn Tịnh Tông.
(Sao) Tức linh Minh Thứ, Thanh Minh đẳng phong, tuy diệc xưng mỹ, chỉ thị phi phất sơn lâm, sanh trưởng bách vật nhi dĩ.
(鈔) 即令明庶清明等風,雖亦稱美,止是披拂山林,生長百物而已。
(Sao: Ngay như các loại gió như Minh Thứ, Thanh Minh[2] v.v… tuy cũng được khen là gió tốt đẹp, nhưng chỉ là thổi phơ phất trong chốn núi rừng, sanh trưởng trăm vật mà thôi).
Đây là nói tới các thứ gió ôn hòa, trong mát khiến cho chúng ta cảm thấy hết sức thoải mái, trăm vật nhờ vào đó mà sanh trưởng. Lợi ích của chúng đến tột cùng chỉ là như vậy mà thôi! Nói theo cách hiện thời, [những loại gió ấy có tác dụng] điều tiết khí hậu, bốn mùa rõ rệt, sanh trưởng vạn vật.
(Sao) Bỉ quốc chi phong, tự hữu, tự vô, phi hàn, phi nhiệt, khinh tế thuần hòa, bất khả vân dụ.
(鈔) 彼國之風,似有似無,非寒非熱,輕細醇和,不可云喻。
(Sao: Gió trong cõi kia dường có, dường không, chẳng lạnh, chẳng nóng, nhẹ nhàng, êm dịu, thuần hòa chẳng thể diễn tả, sánh ví được).
Gió trong Tây Phương Cực Lạc thế giới quá tốt lành, đáng yêu, vì sao? Nó có thể thuận theo lòng mong muốn. Chúng ta hai người ở cùng một chỗ, tôi thích gió ấm áp hơn, hoặc tôi thích gió mát hơn, nó có thể thích hợp với nhiệt độ chúng ta mong tưởng. Rất mầu nhiệm! Gió thổi tới thân mỗi người, cảm xúc khác nhau. Trong thế giới Sa Bà, chẳng có chuyện này, trong các thế giới của chư Phật nơi phương khác cũng chẳng có. Vì sao mà biết? Các thế giới của chư Phật nơi phương khác chẳng khác thế giới Sa Bà của Thích Ca Mâu Ni Phật cho mấy! “Tự hữu, tự vô” (Dường có, dường không), quý vị cảm giác là có, nó bèn có. Chẳng cảm thấy nó, nó sẽ không có. “Phi hàn, phi nhiệt” (Chẳng lạnh, chẳng nóng): Gió này vô cùng ôn hòa. “Khinh tế thuần hòa, bất khả vân dụ” (Nhẹ nhàng, êm dịu, thuần hòa, chẳng thể diễn tả hay sánh ví được), tán thán chẳng ngớt, chẳng có cách nào hình dung hay tỷ dụ được! Gió trong thế giới Cực Lạc tốt đẹp dường ấy.
(Sao) Quán Kinh vân: “Bát chủng thanh phong”. Thanh tức vi ý, huống bỉ hàng thụ, cập chư la võng, giai thị thất bảo, bị dĩ vi phong, hỗ tương xao khấu, tự nhiên nhi xuất vi diệu âm thanh, như bách thiên nhạc, đồng thời tịnh tác. Tắc lục luật giao sướng, bát âm khắc hài, hòa chi cực dã, nhã chi chí dã.
(鈔) 觀經云:八種清風。清即微意,況彼行樹,及諸羅網,皆是七寶,被以微風。互相敲叩。自然而出微妙音聲。如百千樂,同時並作。則六律交暢,八音克諧,和之極也,雅之至也 。
(Sao: Quán Kinh nói “tám loại thanh phong”, Thanh có nghĩa là dịu nhẹ. Huống chi các hàng cây và các lưới mành đều bằng bảy báu, do gió nhẹ luồn qua bèn khua chạm lẫn nhau, tự nhiên phát ra âm thanh vi diệu, như trăm ngàn thứ nhạc đồng thời hòa tấu, nên lục luật chen nhau thánh thót, tám âm hòa hợp. Hòa đến tột cùng, trang nhã đến tột bậc).
Gió thổi tới cây, khi lá chạm lá, cành đụng cành, giống như phong linh [reo thánh thót] vậy, tự nhiên phát ra âm thanh dường như trăm ngàn loại nhạc khí đồng thời diễn tấu trong nhạc giao hưởng. “Lục luật[3] giao sướng, bát âm[4] khắc hài, hòa chi cực dã, nhã chi chí dã”: Mấy câu này ca ngợi nhạc giao hưởng, nhạc khí phối hợp vô cùng hòa nhã, nghe hết sức êm tai!
(Sao) Bỉ phong thụ ký phi ty trúc, thùy vi Cung Thương, nhi năng dữ bách thiên chủng nhạc, đồng thử dương dương, thành vi hy hữu, nhân thiên mạc cập giả.
(鈔) 彼風樹既非絲竹,誰為宮商,而能與百千種樂,同此洋洋,誠為希有,人天莫及者。
(Sao: Tiếng gió luồn qua cây ấy đã chẳng phải là tiếng tơ, tiếng trúc, há do ai trỗi khúc Cung, Thương[5], mà có thể hòa hợp trăm ngàn loại nhạc cùng nhau réo rắt, thật là hy hữu, [các thứ âm nhạc trong cõi]
trời người chẳng thể bằng được).
Tại Trung Hoa vào thời cổ, nhạc khí phổ biến nhất là “ty trúc”. Địch (笛: sáo dọc), tiêu (簫: sáo ngang), sênh (笙: khèn)[6] dùng trúc chế thành, đàn cổ cầm, cổ tranh dùng tơ [bện thành] thành dây đàn, nên [âm nhạc thời cổ thường được] gọi là “ty trúc chi thanh” (tiếng tơ trúc). Thân cây và lá cây trong Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng phải là trúc, mà cũng chẳng phải là tơ, nhưng nó có âm thanh tuyệt vời ngần ấy, đúng là hy hữu, trời người chẳng sánh bằng!
(Sao) Như Đại Bổn ngôn: “Thế gian đế vương chi nhạc, bách thiên vạn chủng, bất như Đao Lợi thiên cung nhất âm chi mỹ”.
(鈔) 如大本言:世間帝王之樂,百千萬種,不如忉利天宮一音之美。
(Sao: Như kinh Đại Bổn chép: “Trăm ngàn vạn thứ nhạc của đế vương trong thế gian, chẳng hay bằng một tiếng nhạc trong cung trời Đao Lợi).
Kinh Vô Lượng Thọ nói như vậy, tán thán Tây Phương Cực Lạc thế giới. Đế vương thời cổ là đấng tôn quý nhất trong thế gian, nên chỉ có âm nhạc trong cung đình mới trọn đủ viên mãn, vũ đạo cũng giống như vậy. Thời cổ nói đến giai cấp. Giai cấp thấp hơn một bậc, nhạc khí phải giảm bớt, số người nhảy múa cũng phải giảm bớt. Xưa kia, thiên tử vũ là Bát Dật Vũ (八佾舞), gồm tám người cùng múa. Chư hầu giảm thành Lục Dật, tức là sáu người cùng múa. Các quan đại phu giảm tới bốn người. Hiện thời, những hạn chế ấy chẳng còn. Ca múa cung đình cũng được đưa lên sân khấu cho mọi giới thường dân thưởng thức. Nhạc của đế vương trong nhân gian tuy hay, vẫn kém xa nhạc trong Đao Lợi Thiên, “bất như Đao Lợi thiên cung nhất âm chi mỹ” (chẳng hay đẹp bằng một tiếng nhạc trong cung trời Đao Lợi).
(Sao) Đao Lợi thiên cung bách thiên chủng nhạc, bất như Dạ Ma thiên cung nhất âm chi mỹ.
(鈔) 忉利天宮百千種樂,不如夜摩天宮一音之美。
(Sao: Trăm ngàn loại nhạc trong cung trời Đao Lợi chẳng hay đẹp bằng một tiếng nhạc nơi cung trời Dạ Ma).
Chư thiên càng lên cao càng siêu thắng.
(Sao) Triển chuyển chư thiên, nãi chí bất như Cực Lạc quốc trung, phong xuy thụ lâm, xuất diệu âm thanh chi mỹ, thị siêu xuất nhân thiên dã.
(鈔) 展轉諸天,乃至不如極樂國中,風吹樹林,出妙音聲之美,是超出人天也。
(Sao: Các cõi trời lần lượt lên cao hơn [như vậy] vẫn chẳng hay đẹp bằng âm thanh mầu nhiệm do gió thổi qua rừng cây phát ra trong cõi Cực Lạc, âm thanh ấy vượt trỗi trời, người).
“Chư thiên” [ở đây là lần lượt] tính đến Đệ Lục Thiên, vì sao? Phía trên Đệ Lục Thiên là Sắc Giới, người ta chẳng cần nghe những thứ này, tâm họ thanh tịnh, không cần những thứ này để giải trí, vui thỏa. Họ đã vượt thoát, trụ trong cảnh giới Thiền Định. Âm nhạc trong Đệ Lục Thiên tức Tha Hóa Tự Tại Thiên thua xa âm thanh hay đẹp do gió thổi qua rừng cây trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Tây Phương Cực Lạc thế giới là Nhất Chân pháp giới, thụ dụng viên mãn trọn đủ. Trong thế gian này, sự thụ dụng trong Dục Giới, xét theo sự tướng thì thảy đều trọn đủ, nhưng tâm chẳng thanh tịnh. Đối với sự thụ dụng trong Tứ Thiền Thiên và Tứ Không Thiên, tâm họ vô cùng thanh tịnh, hưởng niềm vui tịch tĩnh, nhưng chẳng có sự, nên cũng là “Sự và Lý, Tánh và Tướng chưa thể viên dung”. Tây Phương Cực Lạc thế giới Lý Sự viên dung, Tánh Tướng bất nhị, nên mới là chân lạc! Lý chẳng ngại Sự, Sự chẳng ngại Sự, kinh Hoa Nghiêm nói là “Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại”, đấy mới là thật sự đạt đến rốt ráo viên mãn, chẳng lệch về bên nào. Phàm phu lệch về sự tướng, chẳng biết Lý, nên họ có đau khổ. Nhị Thiền thiên trọng Lý, thường được gọi là “trụ trong Không Tịch”, chẳng có sự tướng, không được hoàn mỹ! Đều lệch về một bên! Chỉ riêng cảnh giới của các vị đại Bồ Tát là viên dung, Tây Phương Cực Lạc thế giới là đạo tràng Nhất Thừa Phật pháp viên mãn, nên vượt trỗi trời, người.
(Sao) Diệc tuyên Đạo Phẩm giả, dĩ kinh trung đản xưng diệu âm, kỳ thật ý hàm thuyết pháp.
(鈔) 亦宣道品者,以經中但稱妙音,其實意含說法。
(Sao: “Cũng tuyên nói Đạo Phẩm”: Do trong kinh chỉ nói “âm thanh mầu nhiệm”, thật ra cũng bao hàm ý nghĩa thuyết pháp).
Đây là kinh văn tỉnh lược, trong các âm thanh ấy có thuyết pháp.
(Sao) Nhược phi pháp âm, hà năng sử nhân ức niệm Tam Bảo.
(鈔) 若非法音,何能使人憶念三寶。
(Sao: Nếu chẳng phải là pháp âm, làm sao có thể khiến cho người ta nghĩ nhớ Tam Bảo?).
Đây là chứng cớ: Nghe tiếng gió rung cây đều có thể khiến cho người ta phát tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Ở đây nói đến Phật, Pháp, Tăng, nói nông cạn là niệm Giác, niệm Chánh, niệm Thanh Tịnh. Nói cách khác, quý vị nghe tiếng gió thổi qua rừng cây, vừa nghe liền giác ngộ, liền phá mê khai ngộ, chẳng thể nghĩ bàn! Vừa nghe liền là chánh tri chánh kiến, đánh thức chánh tri chánh kiến của chính mình. Sau khi đã nghe, tâm địa ngày càng thanh tịnh. Đó gọi là “niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng”. Chẳng phải là nghe âm thanh ấy, quý vị liền niệm A Di Đà Phật, niệm kinh Vô Lượng Thọ, niệm Quán Âm, Thế Chí, chẳng phải như vậy! Nếu hiểu như vậy tức là đã hiểu kinh ngây ngốc. Sau khi đã nghe, giác tâm, chánh tâm, thanh tịnh tâm không ngừng tăng trưởng, nên họ chẳng bị thoái chuyển.
(Sao) Cố Đại Bổn vân: “Vi phong từ động, xuy chư bảo thụ, hoặc tác âm nhạc, hoặc tác pháp âm”, thị kỳ chứng dã.
(鈔) 故大本云:微風徐動,吹諸寶樹,或作音樂,或作法音,是其證也。
(Sao: Do đó, kinh Đại Bổn chép: “Gió nhẹ thong thả trỗi, thổi qua các cây báu, hoặc phát ra tiếng nhạc, hoặc phát ra pháp âm”, đó là chứng cớ vậy).
Kinh Đại Bổn nói rõ ràng. Kinh văn có câu “hoặc tác pháp âm”, “tác pháp âm” chính là âm thanh thuyết pháp. Âm thanh ấy có thể thuyết pháp.
(Sao) Dĩ tiền lệ hậu, giai văn tỉnh cố.
(鈔) 以前例後,皆文省故。
(Sao: Đối chiếu phần trước để suy ra ý nghĩa trong phần sau, đều là do kinh văn tỉnh lược vậy).
Đối chiếu phần kinh văn phía trước với đoạn sau này, liền biết trong Tiểu Bổn có nhiều chỗ tỉnh lược. Ngôn ngữ tuy giản lược, nhưng ý nghĩa vẫn viên mãn. Đối với kẻ sơ học mà nói, kinh Tiểu Bổn khá khó, vì chẳng nói rõ ràng, chúng ta đọc sẽ khó hiểu trạng huống thực tế, chẳng bằng niệm kinh Đại Bổn Vô Lượng Thọ. Đại Bổn nói rất tỉ mỉ. Sau khi đã niệm nhuần nhuyễn Đại Bổn, lại niệm Tiểu Bổn sẽ rất có ý vị. Vì sao? Bao nhiêu ý nghĩa được bao hàm trong mỗi câu quý vị đều biết. Tiểu Bổn văn tự ít, dễ nhiếp thọ. Vì thế, trước hết phải đổ công từ Đại Bổn, đến lúc thấu triệt thuần thục, khi thọ trì có thể dùng Tiểu Bổn.
(Sao) Ngôn xúc thân giả, Đại Bổn vân: “Bỉ quốc nhất thiết hữu tình, vị phong xuy thân, an hòa thích duyệt, do như tỳ-kheo đắc Diệt Tận Định”, tắc diệc bất thuyết pháp chi thuyết pháp dã.
(鈔) 言觸身者,大本云:彼國一切有情,為風吹身,安和適悅,猶如比丘得滅盡定。則亦不說法之說法也。
(Sao: “Nói chạm đến thân”: Kinh Đại Bổn chép: “Hết thảy hữu tình trong cõi ấy, được gió thổi vào thân, an hòa, thơ thới, vui sướng, giống như tỳ-kheo đắc Diệt Tận Định”, tức là chẳng thuyết pháp mà thuyết pháp vậy).
Kinh Vô Lượng Thọ có một đoạn như vậy, nhưng kinh Di Đà tỉnh lược. Gió nhẹ thổi đến thân chúng ta, thân sẽ có cảm nhận. Hãy đặc biệt chú ý kinh văn nói: “Bỉ quốc nhất thiết hữu tình” (Hết thảy hữu tình trong cõi ấy), vì sao? Đã là “hết thảy” thì chúng ta đến đó, cũng có phần! Ngài chẳng nói riêng một loại người vãng sanh nào! Hết thảy hữu tình tức là từ thượng thượng phẩm vãng sanh cho đến hạ hạ phẩm vãng sanh, thảy đều chẳng phải là ngoại lệ, thậm chí bao gồm Biên Địa. Tôi tin tưởng trong Biên Địa, họ sung sướng giống như trong cung trời Đao Lợi hoặc trong cung trời Dạ Ma, bất quá khi gió thổi đến thân, họ không hiểu ý nghĩa trong lời thuyết pháp, nhưng nhất định là được thoải mái. Sợ rằng đối với chuyện niệm Tam Bảo, họ bị chướng ngại, vì kinh dạy: “Trong năm trăm năm chẳng nghe danh tự Tam Bảo”. Gió thổi đến bên thân bèn cảm nhận “giống như tỳ-kheo đắc Diệt Tận Định”.
(Diễn) Diệt Tận Định giả, Cửu Thứ Đệ Định chi tối hậu Định dã.
(演) 滅盡定者,九次第定之最後定也。
(Diễn: Diệt Tận Định là môn Định cuối cùng trong Cửu Thứ Đệ Định).
Trong hội Lăng Nghiêm, đức Phật đã nói rất rõ ràng: A La Hán và Bích Chi Phật đắc Cửu Thứ Đệ Định. Cửu Định là do đâu mà có? Từ Sơ Thiền tiến lên cao hơn. Tứ Thiền Thiên có bốn loại Định, lại lên cao hơn là Vô Sắc Giới Thiên có bốn tầng, cũng cần phải cậy vào tu Định thì mới có thể sanh về đó. Thiền Định thế gian trong Sắc Giới và Vô Sắc Giới chẳng ra khỏi tam giới, chúng ta gọi chung là Tứ Thiền Bát Định. Chư vị phải biết: Trên thực tế, Tứ Thiền Bát Định là Bát Định, chẳng phải là ngoài Tứ Thiền còn có Bát Định. Bốn loại Định của Tứ Thiền Thiên cộng thêm bốn loại Định của Tứ Không Thiên, hợp lại thành Bát Định. Đó là Thiền Định thế gian.
Nếu quý vị đắc loại Thiền Định Sơ Thiền này, có thể ngồi xếp bằng nhập Định suốt nửa tháng, một tháng, hai tháng, ba tháng, thảy đều làm được. Thật sự đắc Thiền Định, nhập Định ba tháng chín mươi ngày, chẳng cần ăn cơm, uống nước. Người ấy xuất Định, tinh thần sung mãn, chẳng nói: “Đã không ăn nhiều ngày như vậy, đói rã ruột!” Vì sao chẳng bị đói? Vì nhiệt lượng của một bữa ăn đủ để nuôi dưỡng thân thể suốt một trăm ngày, người ấy có năng lực này. Vì sao? Chẳng bị tiêu hao! Nay những thứ chúng ta ăn vào, vào đến bên trong sẽ có tác dụng hóa học biến hóa chúng thành năng lượng, năng lượng ấy bù đắp cho sự tiêu hao của mỗi tế bào trong thân thể. Người ta nhập Định, lượng tiêu hao giảm bớt, giảm bớt đến mức gần như zero, chẳng cần tiêu hao. Chư vị phải biết: Nhập Định chẳng phải là ngồi ở đó ngủ gật, ngồi ở đó ngủ gà ngủ gật thì chẳng được rồi. Nay chúng ta thấy rất nhiều người ngồi xếp bằng ngủ gà ngủ gật, chẳng được! Ngủ thì vẫn tiêu hao năng lượng y như vậy, chỉ tiêu hao ít hơn lúc tỉnh táo một chút! Vì sao? Động tác chậm rãi, máu cũng tuần hoàn chậm rãi, chẳng nhanh như khi hoạt động lúc tỉnh táo, nên lượng tiêu hao cũng ít hơn. Sơ Thiền đã có bản lãnh này, huống gì Tứ Thiền Bát Định?
Người ta hễ nhập Định, một năm hoặc hai năm chẳng xuất Định cũng có! Xưa kia, lúc Huyền Trang đại sư sang Ấn Độ cầu học, trên đường qua Tây Vực, gặp một người đang nhập Định. Người ấy nhập Định đã bao lâu chẳng ai biết, mặt đầy bụi bặm, tóc rất dài, chim làm tổ ngay trên mặt. Quý vị nghĩ xem, người ấy nhập Định trong thời gian bao lâu? Huyền Trang đại sư là bậc tái lai, chẳng phải là phàm nhân. Phàm nhân trông thấy cũng có lẽ tưởng là tượng đắp bằng đất sét, tối đa là vái chào rồi bỏ đi, đâu có quan tâm tới? Huyền Trang đại sư đến gõ dẫn khánh bên tai người ấy, gõ chốc lát người ấy bèn xuất Định, mở mắt nhìn Huyền Trang đại sư: “Thầy gọi tôi xuất Định để làm gì?” Huyền Trang đại sư đáp: “Hai người chúng ta có duyên rất sâu. Nay tôi sang Ấn Độ thỉnh kinh, ông hãy nhanh chóng đầu thai nơi nước Đại Đường. Sau khi tôi quay về, ông sẽ làm đệ tử của tôi”. Cụ già ấy vâng lời, liền nhập diệt, thần thức đầu thai nơi Trung Hoa, tức là Khuy Cơ đại sư. Ngài Huyền Trang từ Ấn Độ trở về, thời gian trước, sau, lưu lại Ấn Độ tổng cộng mười chín năm. Khi Sư quay về, Khuy Cơ đại sư đã mười bảy, mười tám tuổi, là một người trẻ tuổi. Ngài Huyền Trang tìm được Khuy Cơ, bảo Khuy Cơ xuất gia. Khuy Cơ đầu thai cũng chọn một gia đình rất giàu có, làm cháu của Uất Trì Kính Đức (gọi Uất Trì Kính Đức, tức Uất Trì Cung, bằng chú). Uất Trì Kính Đức là đại tướng của Đường Thái Tông, được phong hầu[7]. Nếu Huyền Trang đại sư chẳng phải là bậc tái lai, Ngài làm sao biết được? Thuở đó, Huyền Trang đại sư tuổi tác cũng không cao, khi Ngài qua Tây Vực cầu học cũng chỉ hai mươi mấy tuổi. Những vị này đều là bậc tái lai, sự tích được ghi chép trong truyện ký. Có thể thấy là người nhập Định sanh tử tự tại đều là đại Bồ Tát tái lai, chắc chắn chẳng phải là phàm nhân, các Ngài muốn đi lúc nào thì đi, muốn đầu thai nơi đâu bèn đầu thai nơi đó, tự tại dường ấy. Tổ sư đời thứ nhất của Pháp Tướng Duy Thức Tông Trung Hoa là Khuy Cơ đại sư.
Tứ Thiền Bát Định chẳng thể thoát khỏi tam giới, chẳng có cách nào liễu sanh tử, nhất định phải tiếp tục không ngừng nâng cao công phu, tiến cao hơn một tầng nữa, biến thành Đệ Cửu Định. Trong tam giới chẳng có Đệ Cửu Định, cao nhất trong tam giới là Đệ Bát Định. Vì vậy, Đệ Cửu Định thoát khỏi tam giới, chứng quả A La Hán. A La Hán và Bích Chi Phật đều tu Đệ Cửu Định. Chư vị phải biết: Phật môn gọi sự tu học ấy là “thụ xuất” (thoát khỏi tam giới theo chiều dọc), hết sức khó khăn! Lại thưa cùng chư vị, trừ pháp môn Tịnh Độ ra, các pháp môn khác đều là thụ xuất, đều thoát khỏi tam giới theo cách ấy. Vượt thoát như vậy, quý vị nghĩ xem: Khó lắm! Tịnh Độ Tông thuận tiện vì chẳng phải là thụ xuất, mà là “hoành siêu” (vượt tam giới theo chiều ngang), [tức là] từ nhân đạo thoát ra, chẳng phải là thụ xuất từ nơi đây. Cổ nhân dùng con sâu ở trong cây trúc để tỷ dụ. Cây trúc có từng lóng một, Tứ Thiền Bát Định giống như cây trúc có chín đốt. Con sâu từ bên trong đục ra, đục từng lóng một, nó phải cắn nát mới chui qua được, phải từ từ đục thủng cả chín mắt trúc, mới thoát ra từ phía trên. Dùng chuyện này để tỷ dụ: Phải đạt tới Đệ Cửu Định mới thoát ra. Vì thế, biết là thoát tam giới khó khăn. Tịnh Độ Tông chẳng phải là [thoát ra] ở phía trên, mà cắn thủng ra từ bên cạnh, cắn một lần đã thoát ra. Thông minh hơn, đỡ tốn sức hơn! Dưới đây là mô tả hình trạng của Định.
(Diễn) Thử Định thất thức hằng hành tâm tâm sở, lục thức chi bất hằng hành tâm tâm sở, tất giai diệt tận.
(演) 此定七識恆行心心所,六識之不恆行心心所,悉皆滅盡。
(Diễn: Đối với Định này, các tâm và tâm sở hằng hành tương ứng với thức thứ bảy và tâm, tâm sở bất hằng hành tương ứng với thức thứ sáu, thảy đều diệt hết).
Thức thứ bảy là Mạt Na Thức. Mạt Na Thức được gọi là “hằng hành”. “Hằng” (恆) là thường hằng, chẳng thay đổi. Tác dụng của thức thứ bảy là cố chấp, chấp trước, chấp trước điều gì? Chấp trước Ngã. Ngã Kiến, Ngã Chấp là thức thứ bảy. “Tâm sở” là nói đến các tâm sở tương ứng với thức thứ bảy, vì nó hết sức chấp trước, nên các tâm sở tương ứng với nó cũng không nhiều. Thức thứ sáu là phân biệt, chẳng chấp trước. Do phân biệt, nên nó chẳng thường hằng. Thức thứ bảy luôn suy xét, cân nhắc! Tâm sở của thức thứ sáu vô cùng nhiều, gần như tất cả tâm sở đều tương ứng với thức thứ sáu. Nói theo Bách Pháp, thức thứ sáu tức ý thức tương ứng với năm mươi mốt tâm sở hữu pháp.
Các tâm sở tương ứng với thức thứ sáu và thức thứ bảy đều chẳng khởi tác dụng, “tất giai diệt tận” (thảy đều diệt tận). “Độc hữu bát thức, cố viết diệt tận” (Chỉ có thức thứ tám, nên nói là diệt tận). Thức thứ tám còn tồn tại. Chỗ này là nói rõ cái được gọi là “chuyển tám thức thành bốn trí” trong Đại Thừa Phật pháp, công phu đã đạt tới giới hạn, muốn chuyển nhưng chẳng có cách nào chuyển được. Vì sao người ấy chẳng có cách nào chuyển được? Còn có chấp trước vi tế, chúng ta thường nói là “tập khí Tiểu Thừa”. Người ấy đã thật sự bỏ được tâm sở nơi tâm, nhưng chưa đoạn tập khí, đấy là chỗ khó khăn trong sự tu học của hàng Tiểu Thừa, chẳng được nhanh chóng như Đại Thừa. Trong Đại Thừa, đặc biệt là người căn tánh viên đốn, tâm lượng to tát, đối với hết thảy mọi sự, có thể thấy thấu suốt, buông xuống, chẳng tính toán, so đo chi ly, chẳng ghim mãi trong lòng, người Hoa thường nói là “phóng khoáng”. Người phóng khoáng tu học Đại Thừa dễ dàng, tu Tiểu Thừa sẽ khó khăn. Vì sao? Tiểu Thừa thứ gì cũng chấp trước, giữ chặt từng điều giới luật một, người Đại Thừa cảm thấy rất phiền phức, chẳng dễ dàng tu học. Người tu học Tiểu Thừa, do tập khí Tiểu Thừa, thấy hàng Đại Thừa gai mắt: “Các ngươi tu hành cái quái gì vậy?”
Thời cổ, hai vị Khuy Cơ và Đạo Tuyên luật sư tương phản tột bậc. Đạo Tuyên luật sư cũng là một người rất lỗi lạc. Trong mười tông phái tại Trung Hoa, Ngài là tổ sư khai sơn của Luật Tông, giới luật tinh nghiêm, trời người đều tôn kính. Người trì giới hằng ngày ăn một bữa, cảm động thiên thần đến dâng cơm. Mỗi buổi ngọ trai do thiên thần đến cúng dường. Pháp sư Khuy Cơ là người tu hành phóng khoáng, chẳng câu nệ tiểu tiết. Tuy là Bồ Tát, nhưng đầu thai thì vẫn bị mê khi cách ấm. Huyền Trang đại sư thấy Ngài, khuyên Ngài xuất gia, Ngài vẫn không muốn. Về sau, vâng lời, nhưng đặt điều kiện, vì Ngài từ nhỏ sống trong cung đình, chú được phong hầu, là con cháu nhà vương hầu, từ nhỏ đã quen thói được bao nhiêu cung nữ hầu hạ. Nay phải xuất gia, Ngài nói: “Khi con xuất gia, phải chở theo một xe mỹ nữ hầu hạ con, phải chở theo một xe vàng, phải chở theo một xe sách”. Do vậy, người ta gọi Ngài là “tam xa pháp sư”, thuyết pháp rất giỏi, biện tài vô ngại! Đạo Tuyên luật sư đương nhiên rất bội phục, nhưng cũng có chỗ xem thường. Vì sao? Giới luật chẳng nghiêm! Giáo lý rất thông thạo, thuyết pháp rất giỏi, nhưng trì giới chẳng ra làm sao cả!
Có một hôm, Khuy Cơ đại sư đi qua núi Chung Nam, tiện dịp đến bái phỏng Đạo Tuyên luật sư. Đạo Tuyên luật sư nghĩ, giữa trưa sẽ có thiên thần đến cúng dường, có thể khoe khoang với pháp sư Khuy Cơ một chút: “Ngươi thấy ta giới luật tinh nghiêm, chư thiên đều đến cúng dường”. Nào ngờ, hôm đó, thiên thần chẳng đến cúng dường. Đạo Tuyên luật sư rất thất vọng, ngày hôm đó cũng chẳng dùng cơm. Tới hôm sau, giữa trưa, thiên thần lại đến cúng dường. Ngài liền quở trách vị trời đó: “Sao hôm qua ông chẳng cúng dường cho ta?” Thiên thần liền thưa: “Ngày hôm qua có bậc Đại Thừa Bồ Tát ở trên núi này, khắp núi đều là thần hộ pháp, con không dám tiến vào”. Đạo Tuyên luật sư nghe lời ấy, hết sức hổ thẹn, khắp thân toát mồ hôi, mới biết chính mình chẳng bằng kẻ khác!
Giới Đại Thừa và giới Tiểu Thừa khác nhau. Giới Tiểu Thừa coi trọng sự tướng, chẳng thể vi phạm về mặt sự tướng, trong tâm khởi vọng niệm, họ chẳng quan tâm. Giới Tiểu Thừa kết tội luận theo Sự, chẳng luận tâm. Giới Đại Thừa là luận tâm, chẳng luận sự. Trong hai loại giới ấy, giới Đại Thừa khó trì! Giới Tiểu Thừa chỉ cần chẳng phạm về mặt Sự, đúng quy củ chẳng phạm là được rồi! Giới Đại Thừa xét theo khởi tâm động niệm. Vì thế, tâm địa hàng Đại Thừa thanh tịnh, trong hết thảy cảnh giới, chẳng khởi tâm, không động niệm, chẳng phân biệt, không chấp trước. Tam Học Giới, Định, Huệ niệm niệm trọn đủ, Tiểu Thừa kém xa, chẳng thể sánh bằng!
Hàng Tiểu Thừa chẳng thể chuyển tám thức thành bốn trí, then chốt ở ngay chỗ này. Họ chú trọng sự tướng đã thành thói quen, hễ bảo họ cởi mở, họ hết sức chẳng dám, chẳng có cách nào [cởi mở] được! Do vậy, trong kinh Pháp Hoa, đức Phật đã nói, nói theo cách hiện thời là “tiên đoán”, [cổ nhân nói là] đức Phật “huyền ký”: Thời kỳ Mạt Pháp, để hoằng dương Phật pháp thì hãy nên hoằng dương Đại Thừa. Chúng ta ngẫm lại, hiện thời, lời ấy rất có lý, khế cơ, khế lý! Vì trong xã hội hiện đại, chúng ta gọi là xã hội cởi mở, Đại Thừa là cởi mở, Tiểu Thừa là bảo thủ. Vì thế, Tiểu Thừa hết sức thích hợp với xã hội phong kiến, ai nấy vâng theo nề nếp, tuân theo quy củ. Trong xã hội hiện tại, ngôn luận, tư tưởng tự do, Đại Thừa Phật pháp hết sức thích hợp. Nếu quý vị nói với đại chúng rằng [Phật pháp] chẳng tính toán tiểu tiết chi ly, [họ sẽ nghĩ] được lắm! Rất được hoan nghênh, rất dễ tiếp nhận. Cầm lấy giới luật Tiểu Thừa, trước kia tôi có mấy người bạn đọc kinh Phật, vừa xem đến Sa Di Luật Nghi: “Làm sao mà học được! Cứ hở ra liền phạm giới, thôi đi, tôi không học!” Tức là chẳng thích hợp với thời đại này! Vì thế, khế hợp căn cơ thời đại này nhất là Đại Thừa Phật pháp. Đại Thừa Phật pháp viên dung hơn Tiểu Thừa Phật pháp. Nói thật ra là tu học sống động, nhưng phải thật sự dụng công, phải dụng công ngay nơi tâm địa của chính mình, tu giác, tu chánh, tu tâm thanh tịnh.
(Diễn) Đắc thử Định giả, lục căn hư tĩnh, vô phục trì dật, nội ngoại trạm minh, nhập vô sở nhập, chân an hòa thích duyệt chi cực, cố dĩ dụ vi phong xuy thân.
(演) 得此定者,六根虛靜,無復馳逸,內外湛明,入無所入,真安和適悅之極,故以喻為風吹身 。
(Diễn: Người đắc Định này sáu căn rỗng rang, vắng lặng, chẳng còn rong ruổi, buông lung, trong ngoài tĩnh lặng, sáng suốt, nhập vào chỗ không có gì để nhập, thật sự an hòa, thoải mái, vui sướng cùng cực, nên tỷ dụ như được gió [êm dịu] thổi vào thân).
Phàm phu chúng ta chẳng thể tưởng tượng nổi niềm vui sướng trong Diệt Tận Định. Không chỉ là Diệt Tận Định, mà đắc một chút Thiền Định, kinh thường nói là “pháp hỷ sung mãn”. Cảnh giới cao hơn pháp hỷ là Thiền Duyệt. Thiền Duyệt làm thức ăn: Người đắc Sơ Thiền trở lên chẳng cần ăn uống. Chúng ta phải cậy vào thức ăn để duy trì sanh mạng, từ Sơ Thiền Thiên trở lên bèn không cần, vì sao? Họ có Thiền Duyệt, dùng Thiền Duyệt để bồi đắp, nuôi dưỡng sanh mạng. Vì Tứ Thiền Thiên là Sắc Giới, Sắc Giới có thân thể, chẳng cần ăn uống, ngủ nghê! Năm món dục tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghê họ đều chẳng cần tới. Vẫn chưa thoát khỏi năm thứ ấy thì là Dục Giới. Quan trọng nhất đối với sanh mạng của chúng ta là ăn uống và ngủ nghỉ. Chúng ta chẳng ăn cơm, chẳng ngủ nghỉ, sẽ không xong, người ta do công phu ấy nên có thể chẳng cần phải ngủ. Nhập Định chẳng phải là ngủ nghê, đầu óc tỉnh táo, chẳng phải là hôn trầm, hiểu biết rành rẽ, phân minh. Trong Định có cảnh giới, cảnh giới ấy sung sướng vô cùng. Ngay cả Sơ Thiền mà còn đạt được Thiền Duyệt pháp hỷ, huống hồ Cửu Thứ Đệ Định, công phu cao hơn chín tầng! Trong kinh, đức Phật đã sánh ví cảnh giới ấy với cảm xúc và sự thoải mái do gió thổi tới thân trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. “Tắc diệc bất thuyết pháp chi thuyết pháp dã” (Đấy cũng là cách thuyết pháp bằng việc không thuyết pháp): Tuy chẳng nói là thuyết pháp, nhưng gió thổi tới thân, có thể đạt được sự thoải mái giống như tỳ-kheo đắc Diệt Tận Định. Trong Diệt Tận Định có cảnh giới, gió ấy thổi tới thân cũng giống như cảnh giới nhập Định, đó là “chẳng nói mà nói”.
(Sớ) Hựu thử bảo thụ đẳng, tam chủng bảo trung, kim thị tối thắng, năng tác Phật sự cố.
(疏) 又此寶樹等,三種寶中,今是最勝,能作佛事故。
(Sớ: Lại nữa, các cây báu ấy, so trong ba thứ báu, bèn là thù thắng nhất, vì có thể làm Phật sự).
Đại sư lại vì chúng ta nói cặn kẽ về cây báu.
(Sao) Trí Luận ngôn, bảo hữu tam chủng.
(鈔) 智論言,寶有三種。
(Sao: Đại Trí Độ Luận nói có ba thứ báu).
Giải thích ba thứ báu, đây là điều được nói trong Đại Trí Độ Luận.
(Sao) Nhất nhân bảo giả, Luân Vương chi bảo, năng vũ chư vật.
(鈔) 一人寶者,輪王之寶,能雨諸物。
(Sao: Một là vật báu trong nhân gian, tức vật báu của Luân Vương, có thể tuôn ra các vật).
Chúng ta chưa hề thấy “Luân Vương chi bảo”, cũng chưa từng nghe nói tới, vì trong giai đoạn hiện tại, thế giới này chẳng có Chuyển Luân Thánh Vương. Chuyển Luân Thánh Vương là người có phước báo lớn nhất trong thế gian, nhà vua có vật báu. Vật báu “năng vũ chư vật” (có thể tuôn ra các vật). Nói theo cách hiện thời, “vũ” (雨) là “sanh ra”. Chư vị có lẽ hiểu được ý nghĩa này, vật báu ấy là gì? Cỗ máy! Đối với cỗ máy, bỏ nguyên liệu vào đầu này, đầu kia sẽ ra thành phẩm, đó là ý nghĩa “có thể tuôn ra các thứ báu”. Đương nhiên Luân Vương xuất hiện, nhất định là khoa học kỹ thuật càng phát triển. Tây Phương Cực Lạc thế giới là nơi khoa học kỹ thuật đạt đến tột đỉnh trong tận hư không khắp pháp giới. Một chút khoa học kỹ thuật nhỏ nhoi của chúng ta trong hiện thời còn sanh ra những tác dụng phụ rất lớn, khiến cho môi trường bị ô nhiễm. Người ta ở bên đó sản xuất đủ thứ vật dụng hằng ngày, chắc chắn chẳng bị ô nhiễm. Lại còn là biến hóa thuận theo lòng mong muốn. Nay chúng ta vẫn chẳng thể thuận theo lòng mong muốn, sản phẩm dẫu tốt cách mấy, sau khi sử dụng một khoảng thời gian đều bị trục trặc, bên cõi của người ta chắc chắn chẳng có tình hình này. Vật báu của Luân Vương thuộc tình hình này, là một cỗ máy tinh vi, tất nhiên là có thể tích nhỏ, thao tác dễ dàng, chẳng có tác dụng phụ, có thể chế tạo những vật dụng hằng ngày thật tinh xảo, đẹp đẽ. Có ý nghĩa này! Thứ hai là…
(Sao) Nhị, thiên bảo giả, chư thiên chi bảo, năng tùy sử lệnh.
(鈔) 二天寶者,諸天之寶,能隨使令。
(Sao: Hai là vật báu trong cõi trời, là vật báu của chư thiên, có thể sai khiến tùy ý).
Thiên đạo cũng là một loại chúng sanh, phước báo của chư thiên lớn hơn nhân gian chúng ta. Chẳng biết phước báo của thiên vương cõi trời to hơn phước báo của Chuyển Luân Thánh Vương trong nhân gian bao nhiêu lần! “Thiên bảo, năng tùy sử lệnh” [nghĩa là có thể tùy thuận sự sai khiến], thuận theo ý của con người. Ở đây, quá nửa là nói về Dục Giới Thiên, vì Dục Giới Thiên hoàn toàn chưa lìa khỏi tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghê, bất quá là càng lên cao hơn, ý niệm ấy càng nhạt mỏng. Đối với các thứ thụ dụng vật chất, có thể thỏa ý mọi người. Theo kinh điển, chúng ta thấy Đao Lợi Thiên mới là tầng trời thứ hai, thường được gọi là Địa Cư Thiên [vì cõi trời ấy] còn chưa rời khỏi núi Tu Di. Trong kinh đức Phật đã nói về trạng huống cuộc sống của chư thiên rất rõ ràng. Nếu chư vị ngại tra duyệt kinh điển phiền phức, hãy xem Pháp Uyển Châu Lâm, hoặc Kinh Luật Dị Tướng[8]. Hai loại sách ấy do các vị đại đức đời Đường đã biên tập từ hết thảy các kinh luận, chia thành một trăm loại. Những điều được nói trong kinh luận nếu cùng thuộc một loại đều chép vào cùng một chỗ, quý vị vừa xem liền thấy toàn bộ. Quý vị muốn xem về đời sống của chư thiên Đao Lợi Thiên, hãy mở đến chương ấy, những điều kinh luận nói về Đao Lợi Thiên đều được biên chép cùng một chỗ, quý vị có thể thấy được.
Chư thiên cõi Đao Lợi mặc quần áo tự tại hơn chúng ta. Quần áo của chúng ta phải cắt may, họ chẳng cần cắt may y phục. “Thiên y vô phùng” (Áo trời không cắt may), chẳng cần cắt may, chất liệu lại vô cùng mềm nhẹ, mặc vào thoải mái lắm! “Phiêu phiêu dục tiên” (Bồng bềnh dường như lên tiên) chính là nói đến ý nghĩa này. Nó có thể giữ ấm, màu sắc vô cùng tươi đẹp, chẳng cần giặt, vĩnh viễn chẳng dơ bẩn, chẳng có bụi bặm. Nếu quần áo của họ dính bụi bặm, vị trời ấy sắp hết thọ mạng. Bảy ngày trước khi vị trời ấy hết tuổi thọ, sẽ có hiện tượng ấy. Trước khi chỉ còn sống được bảy ngày, chẳng có hiện tượng ấy. Chư thiên chẳng ngã bệnh. Chư thiên thích cài hoa, bất luận nam hay nữ, trên mão đều cài hoa, toàn là hoa tươi, hết sức tươi đẹp. Bảy ngày trước khi mạng chung, hoa khô héo, quần áo dơ bẩn, khi ấy họ vô cùng hoảng sợ, hết sức đau khổ, biết chính mình chẳng còn sống được bao lâu. Thức ăn của họ cũng là thức ăn trăm vị. Đức Phật nói tình hình cuộc sống tại Biên Địa Nghi Thành của Tây Phương Cực Lạc thế giới giống như Đao Lợi Thiên hoặc Dạ Ma Thiên, tự tại y hệt. Đúng là “nghĩ đến áo bèn có áo, nghĩ tới ăn bèn có ăn”, nhưng Đao Lợi và Dạ Ma có lúc mạng chung, Biên Địa Nghi Thành trong Tây Phương Cực Lạc chẳng có lúc mạng chung. Cho tới năm trăm năm, hoa nở thấy Phật, cảnh giới ngày càng tốt đẹp hơn. Vì vậy, thọ mạng của chư thiên tuy dài, vẫn có ngày chấm dứt. Thứ ba là…
(Sao) Tam Phật Bảo giả, năng ư thập phương nhi tác Phật sự, kim năng thuyết pháp. Thị vi bảo trung tối thắng, xuất quá nhân thiên cố.
(鈔) 三佛寶者,能於十方而作佛事,今能說法,是為寶中最勝,出過人天故。
(Sao: Ba là Phật Bảo, có thể làm Phật sự trong mười phương, nay có thể thuyết pháp. Đây là vật thù thắng nhất trong các món báu, vượt trỗi trời người).
Dù là bảo vật trong nhân gian hay cõi trời, chỉ có thể thỏa mãn nhu cầu vật chất, [giúp cho chúng ta] hưởng thụ vật chất, chúng chẳng thể thuyết pháp, chẳng thể khiến cho chúng ta giác ngộ, chẳng thể khiến cho chúng ta minh tâm kiến tánh. Vì thế, báu vật của trời người đều thua kém Phật Bảo, Phật Bảo mới là “bảo trung tối thắng” (vật thù thắng nhất trong các vật báu). Đây là giải thích [vì sao Phật Bảo] là thù thắng trong ba thứ báu.
(Sớ) Hựu Phật đạo thụ thuyết pháp, kim bất ngôn giả, diệc văn tỉnh cố, lệ tiền trì thủy giai thuyết pháp cố. Hựu Hoa Nghiêm, Bát Nhã đẳng, giai hữu thử nghĩa.
(疏) 又佛道樹說法,今不言者,亦文省故,例前池水皆說法故,又華嚴般若等,皆有此義。
(Sớ: Lại nữa, cây đạo tràng của Phật có thể thuyết pháp, nhưng nay kinh chẳng nói, cũng do kinh văn tỉnh lược. Phỏng theo lệ trên, nước trong các ao đều thuyết pháp. Các kinh như Hoa Nghiêm, Bát Nhã v.v… lại đều có ý nghĩa này).
“Đạo thụ” là cây nơi đạo tràng. Chúng ta đã đọc từ kinh Vô Lượng Thọ thấy đó là những cây mọc quanh giảng đường thuyết pháp của A Di Đà Phật. Những rừng cây ấy, nói thật ra, Tây Phương Cực Lạc thế giới là một thế giới bình đẳng, do những cây ấy ở gần bên A Di Đà Phật, nên kinh đặc biệt nói tới chúng. Nhưng chư vị phải ghi nhớ, ca ngợi A Di Đà Phật, ca ngợi hoàn cảnh cư trụ của A Di Đà Phật, cũng là nhằm bảo chúng ta: Trong tương lai, chúng ta vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, hoàn cảnh cư trụ sẽ tốt đẹp dường ấy. Đấy là chỗ khác nhau giữa tông này và các tông khác. Các tông khác tu học có thứ tự, quả báo có đẳng cấp. Trong tông này, tu cái nhân chẳng có thứ tự. Văn Thù, Phổ Hiền, Di Lặc, Quán Âm cũng do niệm câu A Di Đà Phật mà vãng sanh. Các Ngài đến Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng nhờ tín nguyện trì danh. Nay chúng ta tuy một phẩm phiền não chẳng đoạn, nhưng cũng do niệm câu Nam-mô A Di Đà Phật mà vãng sanh, nên chúng ta tu nhân bình đẳng với các Ngài. Nếu quý vị hỏi: “Vì sao thế giới ấy bình đẳng?” Nhân đã là bình đẳng, đương nhiên quả báo bình đẳng, điều này phù hợp với chân lý được nói trong Phật pháp. Các pháp môn khác đích xác là cái nhân bất bình đẳng, nên quả đương nhiên là bất bình đẳng. Ví như ta phá tám mươi tám phẩm Kiến Hoặc, người khác phá tám mươi mốt phẩm Tư Hoặc, do cái nhân bất bình đẳng, sẽ chứng quả khác nhau. Phá tám mươi tám phẩm Kiến Hoặc, chỉ có thể chứng quả Tu Đà Hoàn. Lại lên cao hơn một bước, sẽ phá tám mươi mốt phẩm Tư Hoặc, chứng quả A La Hán. Quả A La Hán và Tu Đà Hoàn tuyệt đối chẳng bình đẳng, do tu nhân khác nhau.
Nay chúng ta cùng với chư Phật, Bồ Tát, trên từ Đẳng Giác Bồ Tát, dưới cho tới địa ngục chúng sanh, chúng ta tu nhân toàn là bình đẳng, Tín, Nguyện, Trì Danh, ba điều kiện vãng sanh Tịnh Độ ấy hoàn toàn bình đẳng, cho nên đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, thụ dụng y báo và chánh báo cũng hoàn toàn bình đẳng. Tuy hoàn toàn bình đẳng, nhưng trong tâm thì một đằng là tâm thanh tịnh, một đằng là tâm còn có phiền não. Đây là sự thật, chẳng còn phải bàn cãi chi nữa! Đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, sẽ dần dần đoạn; vì thế, nói với quý vị có bốn cõi, ba bậc, chín phẩm. Bốn cõi, ba bậc, chín phẩm là nói theo nội tâm, chẳng phải là nói theo hoàn cảnh; đối với hoàn cảnh, quyết định chẳng có bốn cõi, ba bậc, chín phẩm. Chúng ta vãng sanh là “hoành siêu tam giới”, đến Tây Phương Cực Lạc thế giới bèn “hoành sanh tứ độ”. Đức Phật trụ trong cõi Thường Tịch Quang, Bồ Tát trụ trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Bồ Tát chưa phá vô minh, trụ trong cõi Phương Tiện Hữu Dư. Những kẻ giống như chúng ta, một phẩm Kiến Tư phiền não chưa đoạn, trụ trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư; nhưng người trong bốn cõi ấy, hằng ngày cùng nắm tay nhau. Đó là nói “hoành sanh tứ độ”. Phải hiểu nguyên lý này, quý vị mới biết pháp môn này thật sự chẳng thể nghĩ bàn. Hôm nay chúng tôi giảng tới đây!
[1] Đài Phong (颱風) là một loại bão lốc vùng nhiệt đới ở vùng biển Bắc Thái Bình Dương từ bờ biển Trung Hoa cho đến Nhật Bản, Phi Luật Tân v.v…, thường được biết dưới tên gọi Typhoon (chữ Đài Phong theo giọng đọc Quảng Đông đã được Anh hóa). Tuy thế, có một số người cho rằng Typhoon xuất phát từ Tūfān (bão) của tiếng Ba Tư cổ. Loại bão này thường giáng xuống Đài Loan, Việt Nam, Phi Luật Tân, Nhật Bản, và các tỉnh duyên hải Nam Trung Hoa. Trận bão Haiyan vừa đánh vào Phi Luật Tân vừa qua chính là Typhoon.
[2] Minh Thứ Phong là tên gọi của Đông phong (gió Đông), còn Thanh Minh Phong là gió Đông Nam. Sách Thuyết Văn giảng: “Gió có tám loại. Gió phương Đông gọi là Minh Thứ Phong, gió từ phương Đông Nam gọi là Thanh Minh Phong, gió từ phương Nam gọi là Cảnh Phong, gió từ phương Tây Nam gọi là Lương Phong, gió từ phương Tây gọi là Lư Hạp Phong, gió từ phía Tây Bắc gọi là Bất Châu Phong, gió từ phương Bắc gọi là Quảng Mạc Phong, gió từ phía Đông Bắc gọi là Dung Phong”. Sách Sử Ký, chương Luật Thư giảng: “Minh Thứ Phong ở phương Đông. Minh Thứ có nghĩa là mọi vật đều xuất hiện”.
[3] Lục Luật nói ở đây chính là cách phân chia cao độ các nốt nhạc trong cổ nhạc Trung Hoa. Theo truyền thống, người ta tin mười hai nốt nhạc ấy do cổ nhân dùng mười hai ống sáo (luật quản) có độ dài khác nhau, phát ra mười hai âm thanh tiêu chuẩn có cao độ khác nhau. Kể theo thứ tự, sẽ là Hoàng Chung, Đại Lữ, Thái Thốc, Giáp Chung, Cô Tuyển, Trọng Lữ, Nhuy Tân, Lâm Chung, Di Tắc, Nam Lữ, Vô Tạ, Ứng Chung. Mười hai âm này lại được chia thành sáu âm thuộc Dương và sáu âm thuộc Âm, những âm thuộc Dương gọi là Lục Luật, các âm thuộc Âm thì gọi là Lục Lữ. Trong cách phân chia này, những âm thuộc số lẻ là Dương, số chẵn là Âm (chẳng hạn Hoàng Chung là Dương, Đại Lữ là âm).
[4] Bát Âm là âm thanh do các loại nhạc khí được chế bằng tám chất liệu khác nhau phát ra:
1) Kim (金) là các nhạc khí bằng kim loại (thường là đồng) như chuông, phương hưởng (giàn khánh dẹp, mỗi cái khánh có hình như chữ L), biện chung (dàn chuông), thanh la, trống đồng, não bạt, linh, chiêng…
2) Thạch (石) là các loại nhạc khí bằng đá như khánh đá.
3) Ty (絲) là các loại đàn, do thời cổ, dây đàn bằng tơ bện, nên gọi là Ty, như đàn cầm, đàn tranh, không hầu (gần giống đàn harp), tỳ bà, đàn nguyệt (đờn kìm), độc huyền, nhị huyền (hồ cầm, nhị, đờn cò v.v…), cách hồ (giống như hồ cầm, nhưng có phần cộng hưởng được bịt bằng da)…
4) Trúc (竹) là các loại tiêu, sáo, kèn như tiêu (sáo thổi ngang), địch (sáo thổi dọc), bát xích (sáo Nhật), tất lật, quản tử, tỏa nạp (kèn Tàu), ba ô (sáo Mèo), mang đồng (sáo ống, rất to, dài chừng hai thước)…
5) Bào (匏) là các loại nhạc khí thổi, có bầu cộng hưởng bằng quả bầu hay có hình dáng giống như quả bầu, như sênh, lô sênh, hồ lô tư, hồ lô sênh…
6) Thổ (土) là các loại nhạc khí bằng đất nung như huân (ocarina), phẫu (loại nhạc khí này chỉ dùng trong lễ tế Khổng Tử, có hình thể rất to như cái bàn vuông, có hộc ở bên hông, dùng chùy lớn giộng vào phát ra âm thanh lộc cộc).
7) Cách (革) là các loại nhạc khí có màng rung bằng da, như các loại trống.
8) Mộc là các loại nhạc khí gõ bằng gỗ như mõ, phách v.v…
[5] Cung Thương là hai nốt nhạc trong truyền thống Ngũ Âm của cổ nhạc châu Á, bao gồm Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ (tương đương với các note nhạc Mi, So, La, Do, Re trong nhạc lý phương Tây).
[6] Sênh là một nhạc khí rất cổ mà vẫn được sử dụng cho đến hiện thời, thuộc loại thổi gồm nhiều ống sáo (thông thường có đến 17 ống dài ngắn khác nhau, các loại sênh cải tiến có số ống từ 24 đến 42 ống) cắm vào một bầu cộng hưởng vòi loe ra để thổi. Trong mỗi ống đều có lưỡi gà để rung theo nhịp thổi. Sênh thường được dùng để hòa tấu với kèn tỏa nạp và địch. Thời xưa lại chia thành hai loại, loại to gọi là Vu, loại nhỏ gọi là Hòa. Người Hoa tin Sênh do họ Nữ Oa chế ra. Trong khi đó, khèn (khene, khaen) là một loại nhạc khí tương tự (phổ biến tại Lào, Thái Lan), nhưng âm vực thấp hơn và các note nhạc không phong phú bằng sênh, nhưng đôi khi có người cũng gọi sênh là khèn.
[7] Hiểu theo nghĩa hẹp, phong hầu (封侯) có nghĩa là được phong tước hầu, nhưng ở đây, phải hiểu theo nghĩa rộng là quan tước hiển hách, cao vời, vì Uất Trì Cung được phong quan chức cao nhất là Phu Hạ Nhị Châu Đô Đốc (Đô Đốc của Phu Châu và Hạ Châu), nhưng tước thì được gia phong hai lần. Lần thứ nhất là trong năm Trinh Quán nguyên niên (627), Uất Trì Cung được phong tước Ngô Quốc Công, ăn lộc một ngàn ba trăm hộc, giữ chức Kinh Châu Đạo Hành Quân Tổng Quản. Lần thứ hai vào năm Trinh Quán 11 (637), ông được phong làm Ngạc Quốc Công, thực ấp tại Tuyên Châu gồm một ngàn ba trăm hộ, kiêm Tuyên Châu Thứ Sử, Quang Lộc Đại Phu, kiêm Phu Châu Đô Đốc.
[8] Pháp Uyển Châu Lâm do ngài Đạo Thế biên soạn vào đời Đường, gồm 100 quyển, hoàn thành vào năm Tổng Chương nguyên niên (668). Từ năm Hiển Khánh thứ tư (659), ngài Đạo Thế đã dựa theo Kinh Luật Dị Tướng để biên soạn bộ Chư Kinh Tập Yếu, sau đổi tên thành Pháp Uyển Châu Lâm, trích dẫn hơn bốn trăm loại kinh luận, bao gồm các thể loại kinh Phật, Nho gia, Đạo Giáo, sấm vĩ.., được coi là một loại bách khoa toàn thư Phật Giáo thời cổ, gồm 640 hạng mục bắt đầu từ Kiếp Lượng Thiên và kết thúc bằng Truyện Ký Thiên. Trong tác phẩm này, có trích dẫn những bản nguyên dịch của kinh điển hoặc tác phẩm đã mất từ lâu như Bồ Tát Bổn Hạnh Kinh, Quán Phật Tam Muội Kinh, Tây Vực Chí, Trung Thiên Trúc Hành Ký v.v…
Kinh Luật Dị Tướng gồm năm mươi quyển, do ngài Bảo Xướng soạn, hoàn thành vào năm Thiên Giám 15 (516) đời Lương. Sách này thâu thập những tướng trạng kỳ lạ, thần dị trong các kinh luật. Sách do Lương Vũ Đế sai ngài Bảo Xướng làm chủ biên, các vị Tăng Hào, Pháp Sanh v.v… phụ tá. Sách được chia thành hai mươi mốt bộ môn như trời, đất, Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, quốc vương… cho đến địa ngục, quỷ thần, súc sanh.