#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 95
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm bảy mươi ba.
(Sao) Thánh trung thánh giả, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, nhập thánh vực nhi vị ưu, duy Phật cư cực quả, thị thánh nhi hựu thánh dã.
(鈔)聖中聖者,聲聞緣覺菩薩,入聖域而未優,惟佛居極果,是聖而又聖也。
(Sao: “Thánh trung thánh”: Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát đã dự vào bậc thánh, nhưng chưa đạt tới mức ưu việt, chỉ có Phật thuộc quả vị tột cùng, nên là bậc thánh của chư thánh).
Trong sự giáo học của đức Phật, trước hết, chúng ta phải hiểu rõ Phật giáo là nền giáo dục của đức Phật, có khá nhiều chỗ hết sức tương tự với cách giáo học hiện thời trong nền giáo dục của chúng ta, chỉ là danh xưng khác nhau, trên thực tế chẳng có gì khác biệt. Trong Phật pháp, chia ra Đại Thừa và Tiểu Thừa, giống như trong giáo dục hiện tại chia ra Tiểu Học, Trung Học, và Đại Học. Thanh Văn là Tiểu Học, Duyên Giác như Trung Học, Bồ Tát như Đại Học, chia thành ba giai đoạn, nhưng tốt nghiệp “Tiểu Học” trong Phật pháp có trình độ khá cao!
Cái được Phật pháp truy cầu là trí huệ tối cao, tối viên mãn, trong kinh Phật gọi [trí huệ ấy] là A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề (Anuttara-samyak-sambodhi). Đây là tiếng Phạn dịch âm, có nghĩa là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Trong câu này cũng chia thành ba giai đoạn. Thứ nhất là Chánh Giác. Người đạt Chánh Giác đã tu học xong Tiểu Thừa, được gọi là chứng đắc địa vị A La Hán. A La Hán có một ý nghĩa là Vô Học. Vô Học nghĩa là vị ấy đã học xong hết những thứ cần học, chẳng còn học nữa, đã tốt nghiệp chương trình học, nên vô học. Phật pháp có ba giai đoạn, giai đoạn thứ nhất, chứng đắc Chánh Giác là A La Hán. Phật pháp thừa nhận chúng sanh trong thế gian có giác, chẳng thể nói là không giác ngộ. Trong thế gian hiện thời, những khoa học gia, triết học gia, nhà tôn giáo, đối với vũ trụ và nhân sinh đã có sự giác ngộ kha khá, tuy đã giác, nhưng chẳng thể coi là Chánh, chưa thể coi là Chánh Giác được! Trong tiêu chuẩn Chánh Giác của Phật pháp, điều kiện thứ nhất là phải có sự giác ngộ kha khá đối với vũ trụ và nhân sinh. Điều kiện thứ hai là phải đoạn phiền não, quý vị quả thật có thể đoạn các duyên tham, sân, si, mạn, thật sự phù hợp tiêu chuẩn “giác, chánh, tịnh” mới gọi là Chánh Giác. Do vậy, A La Hán đã đạt tới mục tiêu này.
Đức Phật giảng nhiều hiện tượng trong vũ trụ, chúng ta có thể lý giải, nhưng còn có nhiều hiện tượng mà với năng lực hiện thời, chúng ta vẫn chưa thể đạt được, thậm chí tư tưởng, học thuật, khoa học kỹ thuật của chúng ta đều chẳng đạt được, nhưng chẳng thể nói là chúng không tồn tại. Thí dụ như người Ấn Độ nói lục đạo luân hồi, lục đạo luân hồi chẳng phải là quan niệm riêng của Phật giáo. Tại Ấn Độ vào thời cổ, Bà La Môn giáo, Số Luận (Sānkhyā), Du Già (Yoga)[1], ngoại đạo đều nói tới chuyện việc này. Nói cách khác, trước Thích Ca Mâu Ni Phật, người Ấn Độ đã nói tới lục đạo luân hồi. Hơn nữa, còn có nhiều nhà tôn giáo, năng lực tu hành thật sự có thể đạt tới Sắc Giới Thiên và Vô Sắc Giới Thiên. Những tôn giáo cao cấp Ấn Độ có thể lý giải tình hình trong lục đạo rất rõ ràng, họ biết những sự thật ấy rất rõ ràng, nhưng rốt cuộc vì sao sanh ra chuyện ấy? Con người có thể vượt thoát lục đạo hay chăng? Họ chẳng có cách nào! Đó gọi là “biết chuyện đương nhiên, nhưng chẳng biết nguồn cội”, [chỉ có] Thích Ca Mâu Ni Phật mới giải quyết vấn đề này cho chúng ta!
Nguyên nhân căn bản của lục đạo luân hồi là do mê mất chính mình nên mới có hiện tượng ấy. Mê gì? Mê mất Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác của chính mình. Đức Phật cho chúng ta biết: Hết thảy chúng sanh ai nấy đều có Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác! Nói cách khác, trí huệ viên mãn, đức năng viên mãn, tài nghệ viên mãn, hết thảy chúng sanh đều bình đẳng. Vì sao nay quý vị bị mất? Do quý vị mê mất chính mình. Phật pháp chẳng nói quý vị mê bên ngoài, mà là mê mất tự tánh của chính mình, nên hiện tượng này biến thành hiện tượng lục đạo luân hồi. Nếu quý vị thật sự giác ngộ, tìm luân hồi trọn chẳng thể được, còn có lục đạo ở đâu nữa? Đây là vấn đề mê hay giác. Mê thì giống như chúng ta nằm mộng, cổ nhân cũng nói: “Mộng lý minh minh hữu lục thú, giác hậu không không vô đại thiên” (Trong mộng rành rành phô sáu nẻo, giác rồi ba cõi rỗng toang hoang). Quý vị tỉnh giấc, còn có mộng ở chỗ nào? Tìm cũng tìm chẳng được! Khi chúng ta mê bèn như nằm mộng, có lục đạo luân hồi, có chuyện này, chẳng phải là không có, thật sự có; tuy có, nó chẳng phải là thật, giống như chúng ta nằm mộng, nhưng trong mộng, quý vị chẳng biết là đang nằm mộng, cứ ngỡ mộng cảnh là thật, chẳng biết đó là giả, là hư vọng. Tới khi tỉnh giấc, mới biết [những mộng cảnh ấy] đều là giả. Nếu trong mộng hiểu được chính mình đang nằm mộng, giấc mộng ấy nhất định rất thú vị, nhất định rất tự tại. Do vậy, Phật pháp nói Phật, Bồ Tát du hý thần thông trên thế gian, vì sao? Các Ngài biết chính mình đang nằm mộng. Chúng ta nằm mộng mà chẳng biết mình đang nằm mộng, các Ngài biết chính mình đang nằm mộng; vì thế, tâm tình và cảnh giới của chúng ta hoàn toàn khác hẳn!
Đó là nói về giai đoạn thứ nhất, tức Chánh Giác. Có thể nói A La Hán là một danh xưng học vị của bậc Chánh Giác giống như hiện thời chúng ta nói tới Học Sĩ (Cử Nhân), Thạc Sĩ, Tiến Sĩ. Bồ Tát giống như Thạc Sĩ, Phật giống như Tiến Sĩ, học vị tối cao. Chánh Đẳng Chánh Giác là Bồ Tát, Đẳng là bằng Phật, nhưng vẫn chưa phải là Phật; nói cách khác, rất gần với viên mãn, nhưng vẫn chưa đạt tới viên mãn thật sự. Đạt tới rốt ráo viên mãn sẽ là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, hoàn toàn chẳng mê, đấy là Phật. Ba danh hiệu này giống như ba danh hiệu
học vị (degree).
Vì thế, đức Phật dạy chúng ta: Ai nấy đều có thể thành Phật. Ngài lại còn nói rất minh bạch như trong Hoa Nghiêm và Viên Giác đã nói: “Hết thảy chúng sanh vốn đã thành Phật”, vốn là Phật, vốn đích xác là Phật; chỉ cần quý vị chẳng mê, quý vị là Phật! Quý vị tuy mê, nhưng mê vẫn là Phật. Vì mê là giả, chẳng phải là thật, giác là thật. Nếu là thật, sẽ vĩnh viễn chẳng mất đi; giả thì chắc chắn có thể bỏ đi. Vì thế, trước hết, chúng ta phải kiến lập tín tâm nơi đây: Chính mình chắc chắn có thể thành tựu! Chỗ khác nhau giữa Phật pháp và các tôn giáo khác là Phật pháp nói đến Tín thì thứ nhất là tin vào chính mình, kiến lập lòng tự tin kiên cường, tín tâm theo Lý tánh; đã tự tin rồi thì sẽ tin tưởng Phật, tin tưởng Bồ Tát, tin tưởng thầy có thể giúp đỡ mình. Nếu chúng ta đánh mất lòng tin vào chính mình, dẫu Phật, Bồ Tát thần thông lớn tới đâu, trí huệ cao tới đâu đi nữa, vẫn chẳng thể giúp đỡ! Phật, Bồ Tát có thể giúp đỡ ai? Giúp kẻ có lòng tự tin, người ấy thật sự tin tưởng chính mình có thể thành Phật, tin tưởng chính mình có thể tiêu nghiệp chướng. Do vậy, đầu tiên, nhất định là chính mình phải kiến lập tín tâm.
Chúng ta gọi A La Hán là thánh nhân, Bồ Tát cao hơn A La Hán
một cấp, đương nhiên càng là thánh nhân, Phật là tối cao, được xưng tụng là “thánh trung chi thánh” do ý nghĩa này. Trong phần trên, đã tán thán Ngài là “thiên trung chi thiên” (vị trời của chư thiên); ở đây, tán thán Phật là bậc thánh của các thánh. Tuy chúng ta gọi Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát là thánh nhân, các Ngài chưa hoàn toàn đạt đến địa vị viên mãn rốt ráo, chỉ có Phật mới viên mãn rốt ráo. Vì thế, “thị thánh chi hựu thánh” (lại là bậc thánh của các thánh). Những lời khen ngợi này đều dành cho Thích Ca Mâu Ni Phật, nhằm để xưng hô với Ngài.
(Sao) Tức Thích Ca giả, quá khứ, vị lai, tu tiêu mỗ Phật.
(鈔) 即釋迦者,過去未來,須標某佛。
(Sao: “Tức là Phật Thích Ca”: Nếu là Phật quá khứ và vị lai, cần phải nêu rõ là vị Phật nào).
Trong kinh Phật, nếu nói tới đức Phật khác, nhất định là nói về quá khứ Phật, hoặc vị lai Phật. Chẳng hạn như chúng ta nói tới Di Lặc Bồ Tát, bèn gọi Ngài là Đương Lai Hạ Sanh Phật, Ngài là vị lai Phật, hiện nay vẫn còn là Bồ Tát, vẫn chưa thành Phật. Nếu trong kinh chẳng nói “quá khứ, vị lai” thì [hễ chỉ nói “Phật” thì tức] là nói Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Thích Ca Mâu Ni Phật là vị thầy căn bản của chúng ta, vì nền giáo dục và sự giáo học [Phật pháp] lúc thoạt đầu do Ngài khởi xướng, Ngài là người khởi xướng, sáng lập Phật giáo.
(Sao) Thích Ca kiến tọa đạo tràng, nhất độ chi trung, vô nhị Phật cố. Dụ như tiền triều đế chủ, tu xưng quốc hiệu, đương kim thiên tử, trực viết Chí Tôn, diệc dĩ nhất quốc chi trung vô nhị chủ cố. Thị tri đơn ngôn Phật giả, tức Tất Đạt sở thành Hiền Kiếp đệ tứ Phật dã.
(鈔)釋迦見坐道場,一土之中,無二佛故。喻如前朝帝主,須稱國號,當今天子,直曰至尊,亦以一國之中無二主故。是知單言佛者,即悉達所成賢劫第四佛也。
(Sao: Đức Thích Ca ngồi nơi đạo tràng. Trong một cõi nước, chẳng có hai vị Phật. Giống như [nói tới] vua chúa trong triều đại trước, cần phải gọi rõ quốc hiệu, [còn nói tới] vị thiên tử hiện tại, bèn gọi thẳng là đấng Chí Tôn. Cũng như trong một nước chẳng có hai chủ. Do vậy, chỉ nói “Phật” thì chính là nói tới vị Phật thứ tư trong Hiền Kiếp do Thái Tử Tất Đạt Đa tu thành).
Ý nghĩa này rất rõ ràng, đại sư dùng tỷ dụ để giảng rõ. Nhờ vào
công cụ khoa học, chúng ta biết vũ trụ to lớn phi thường, nhưng vẫn chẳng rộng lớn, viên mãn như trong kinh Phật đã nói. Khoa học đã chứng thực đích xác một phần, tối thiểu là đối với tam thiên đại thiên thế giới như đức Phật đã dạy, các nhà khoa học đã đồng ý. Nói “vô lượng vô biên thế giới” thì các nhà khoa học còn chưa chứng thực được! Địa bàn giáo hóa của một vị Phật là một đại vũ trụ, đấy chẳng phải là quả địa cầu này, địa cầu chỉ là một cứ điểm (foothold, stronghold) trong khu vực giáo hóa của đức Phật mà thôi. Trong Phật pháp, khu vực giáo hóa to lớn ấy được gọi là “đại thiên thế giới”, một đại thiên thế giới có mười ức Ngân Hà Hệ. Một Ngân Hà Hệ là một đơn vị thế giới, một ngàn đơn vị thế giới là một tiểu thiên thế giới, một ngàn tiểu thiên thế giới là một trung thiên thế giới, một ngàn trung thiên thế giới là một đại thiên thế giới. Do đại thiên thế giới có ba thứ “thiên”, tức là tiểu thiên, trung thiên, và đại thiên, nên trong Phật pháp thường nói là “tam thiên đại thiên thế giới”.
Trí huệ và năng lực của Phật vô cùng lớn, chúng ta chẳng thể nào tưởng tượng được. Chúng ta nói “thần thông” thì thần thông là năng lực. “Thông” (通) là thông đạt chẳng chướng ngại, bất luận trí huệ, đức năng, hay tài nghệ đều chẳng bị chướng ngại. Nói cách khác, Phật đa tài, đa nghệ, điều gì cũng biết, điều gì cũng đều có thể. “Thần” (神) là vượt khỏi sự hiểu biết thông thường của chúng ta. Những gì chúng ta không thể tưởng tượng, Ngài đều biết, đều có thể làm được, nên gọi là “thần thông”. Khu vực giáo hóa của Phật là một đại thiên thế giới. Chúng sanh nơi này cơ duyên chín muồi, Ngài bèn đến nơi đây. Chúng ta trong cõi này chẳng chịu tiếp nhận, nghe lời, thầy bèn bỏ đi, sang dạy bên thế giới khác. Thân Phật không chỉ là một thân, Ngài có thể phân thân. Phân thân, nói theo khoa học, cũng là một chuyện có thể được, nhưng hiện thời chúng ta chẳng biết cách làm. Những năng lực này của Phật do đâu mà có? Do định công (công phu định lực) mà có. Trong phẩm Như Lai Xuất Hiện của kinh Hoa Nghiêm, đức Phật đã dạy: “Hết thảy chúng sanh đều có trí huệ và đức tướng của Như Lai”. Nói cách khác, hết thảy chúng sanh vốn đều là Phật, nay vì sao biến thành chúng sanh? Vì sao trí huệ, đức tướng, năng lực của quý vị thảy đều bị mất? “Đản dĩ vọng tưởng, chấp trước, nhi bất năng chứng đắc” (chỉ vì vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nên chẳng thể chứng đắc). Đức Phật chỉ nói tới một nhân tố quan trọng, đó là “vọng tưởng, chấp trước”. Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước là gốc bệnh của chúng sanh. Nếu hoàn toàn không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, tâm của quý vị và toàn thể vũ trụ hợp
thành một, không có giới hạn.
Năng lực trí huệ vốn sẵn có, chẳng do học được từ bên ngoài. Một đời đức Phật dạy học bốn mươi chín năm, giảng Bát Nhã hai mươi hai năm. Bát Nhã là trí huệ. Trong toàn bộ giáo học, Bát Nhã là khoa mục trung tâm trong sự giáo học của Phật pháp, giảng lâu nhất. Trong kinh Bát Nhã có hai câu danh ngôn: “Bát Nhã vô tri, không gì chẳng biết”. Nếu quý vị đạt được tâm thanh tịnh, lìa khỏi hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước; lúc đó, trong cái tâm thanh tịnh ấy, cái gì cũng đều chẳng có. Lục Tổ bảo: “Vốn chẳng có một vật”, đấy là Bát Nhã vô tri. Khi nó khởi tác dụng, không gì chẳng biết. Vì sao nó có thể không gì chẳng biết? Vì trong cảnh giới vô tri ấy, tâm tĩnh lặng, giống như nước lắng trong, chẳng dấy lên sóng mòi, khi nước hết sức tĩnh lặng sẽ soi bóng hết thảy cảnh giới bên ngoài giống như một tấm gương soi, soi rõ ràng, không có gì chẳng biết! Vì thế, “vô tri” là trí huệ thật sự, hễ “có biết” là hỏng rồi! Có biết, quý vị sẽ có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, giống như nước dậy sóng, soi bóng cảnh giới bên ngoài sẽ vỡ thành từng mảnh nhỏ, chẳng thể soi rất hoàn chỉnh. Quý vị nói “có biết”, tức là sẽ có điều chẳng biết, còn vô tri thì không gì chẳng biết. Vì thế, đức Phật mong chúng ta hãy học vô tri, chẳng mong chúng ta học hữu tri. Vô tri chẳng phải là si ngốc, vô tri là trí huệ thật sự, là tâm địa thanh tịnh. Trong tâm chẳng thể có thứ gì, thường giữ gìn cái tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh là giác tâm, tâm thanh tịnh là chánh tâm.
Phật pháp tuy có rất nhiều tông phái, pháp môn, nhưng trên thực tế, cuối cùng là ba môn “giác, chánh, tịnh”. Bất luận quý vị từ môn nào tiến nhập đều được, đều như nhau. Thiền Tông theo Giác môn, nên chẳng lập văn tự, khởi sự bằng Thiền Định, đó gọi là “giáo ngoại biệt truyền” (truyền riêng ngoài Giáo). Giáo Hạ, bao gồm bảy tông phái, theo Chánh môn. Chánh môn là kiến giải chính xác, tư tưởng chính xác, đương nhiên môn này tương đối chậm hơn một chút. Vì Giác môn là toàn bộ thân, tâm, thế giới, hết thảy buông xuống, cho nên ngay cả kinh điển cũng không cần, pháp thế gian lẫn Phật pháp thảy đều buông xuống, khôi phục cái tâm thanh tịnh, đi theo lộ trình ấy. Lộ trình ấy nhanh chóng, là đốn siêu. Giáo Hạ giống như chúng ta đi học, từ Tiểu Học, Trung Học, tới Đại Học tuần tự thong thả tiến từng bước, bồi dưỡng tư tưởng và kiến giải đều chính xác, cuối cùng vẫn đạt tới mục tiêu giống hệt!
Đi theo Tịnh môn có hai tông phái: Tịnh Độ Tông và Mật Tông; nhưng nói theo hiện thời, Mật chẳng bằng Tịnh Độ, vì sao? Hiện tại yêu ma quỷ quái đều vào trong Mật. Hiện thời, Mật chẳng phải là Phật Mật, mà là Ma Mật, Yêu Mật, Quỷ Mật, Quái Mật, chuyện này phiền lắm! Vì thế, có người học Mật, học chẳng bao lâu, học mấy tháng thường biến thành bệnh thần kinh, bệnh tật gì cũng đều phát sanh. Thật ra, Mật Tông đích xác là rất hay, chỉ vì hiện thời yêu ma quỷ quái xâm nhập, nguyên nhân vì đâu? Mật dễ dàng xâm nhập nhất! Mật qua lại với quỷ thần hết sức mật thiết, nên rất dễ biến chất. Tịnh Độ Tông chuyên niệm A Di Đà Phật, chẳng dễ dàng biến chất, yêu ma quỷ quái vào trong Tịnh Độ Tông cũng niệm A Di Đà Phật; do vậy, biến thành chánh pháp, ma cũng biến thành chánh, nên Tịnh Độ chẳng bị biến thành tà pháp. Sở dĩ Mật rất dễ biến thành tà, chẳng phải vì Mật chẳng tốt đẹp, mà do hiện tại Mật bị yêu ma quỷ quái xâm nhập, chúng ta chẳng có cách nào phân biệt nó là thật hay giả. Như tôi thấy, tại Trung Quốc và ngoại quốc tôi đã thấy rất nhiều, chín mươi phần trăm là giả, chẳng thật! Mật thật sự tôi cũng đã từng gặp rồi. Lúc tôi mới học Phật, Chương Gia đại sư là Mật thật sự, chắc chắn chẳng phải là Tà Mật. Hiện thời, Mật có rất nhiều vấn đề, mà lại còn là những vấn đề vô cùng nghiêm trọng, chúng ta phải nhận biết chuyện này! Chúng ta chọn lựa pháp môn Tịnh Độ, theo ngõ Tịnh, chuyên môn bồi dưỡng cái tâm thanh tịnh; bởi lẽ, trong tất cả các pháp
môn, học pháp môn này đơn giản nhất, dễ dàng nhất.
Chư vị phải nhớ, pháp môn thù thắng nhất là pháp môn đơn giản nhất. Nếu có ai nói: “Pháp này quá đơn giản, đâu có dễ dàng như vậy?” Kẻ ấy chẳng tin tưởng, tức là hắn thiếu phước báo, nghiệp chướng sâu nặng! Nếu pháp môn này phức tạp, chẳng thể coi là một pháp môn thật sự hay. Pháp thật sự hay nhất định phải đơn giản, nhất định phải rất dễ dàng, ai nấy đều có thể tu, ai nấy đều tu thành công, khi ấy mới là pháp môn bậc nhất. Do vậy, pháp môn Tịnh Độ là pháp môn thù thắng nhất trong toàn bộ Phật pháp, trong vô lượng vô biên pháp môn; vì thế, được mười phương chư Phật tán thán.
Nói tới cuối cùng là ba môn “giác, chánh, tịnh” này; trong ba môn ấy, chúng ta chọn một môn để nhập đạo là được, đây là một mà ba, tuy ba mà một. Thí dụ như quý vị từ Tịnh môn mà vào, quý vị chẳng hề không chánh, chẳng hề không giác, Giác lẫn Chánh đều đạt được. Giống như giảng đường này có ba cửa, quý vị theo bất luận cửa nào để tiến vào, đều giống như nhau, toàn bộ đều đạt được. Chẳng thể nói là ta theo Tịnh môn tiến vào, tới khi đó, ta vẫn còn có vấn đề nơi Chánh và Giác, ta còn phải tu học thêm, chẳng có đạo lý này. Giác nhất định là Chánh, nhất định là Tịnh, Chánh nhất định là Giác, nhất định là Tịnh, Tịnh nhất định là Giác, nhất định là Chánh, là một mà ba, tuy ba mà một; nhưng ba môn này khó dễ khác nhau, chúng ta phải khéo chọn lựa!
Trong một khu vực giáo hóa, chỉ có thể có một vị Phật, Phật giống như hiệu trưởng. Một trường học chỉ có thể có một hiệu trưởng, chẳng thể có hai hiệu trưởng. Tuy có người đạo đức, học vấn, trí huệ, thần thông hoàn toàn bình đẳng giống hệt như Phật, nhưng trong khu vực giáo hóa ấy, vẫn phải chọn ra một vị làm hiệu trưởng, chẳng thể nào hết thảy mọi người đều làm hiệu trưởng. Chúng ta gọi những người ấy là Đẳng Giác Bồ Tát, hoàn toàn bình đẳng với Phật. Trong nhà trường ấy, các Ngài làm giáo sư, hoặc đảm nhiệm giáo vụ, nhưng hiệu trưởng luôn luôn chỉ có một người. Trên danh phận tuy là như thế, nhưng địa vị của họ nhất định bình đẳng. Không chỉ hiệu trưởng và giáo viên bình đẳng, mà [ngay cả] địa vị học trò cũng bình đẳng. Do vậy, Phật và chúng sanh cũng là bình đẳng, trong Phật pháp quả thật không có cao thấp. Căn nguyên của thuật ngữ “bình đẳng” là do kinh Phật mà có, thanh tịnh, bình đẳng.
Mỗi cõi Phật là một đại thiên thế giới. Quả địa cầu này là một phần tử của đại thiên thế giới, là một tinh cầu nhỏ bé mà thôi! Giáo khu (khu vực giáo hóa) của Thích Ca Mâu Ni Phật là một đại thiên thế giới. Do vậy, chúng ta nói Phật giáng sanh hay nhập diệt là nhìn theo mặt hình tích, [tức là] nhìn từ hình tướng bên ngoài, trên thực tế là chẳng sanh, chẳng diệt. Không riêng gì đức Phật chẳng sanh, chẳng diệt, mà mỗi cá nhân chúng ta đều là chẳng sanh, chẳng diệt, những gì đức Phật có, chúng ta thảy đều có. Do vậy, kinh điển toàn nói những chuyện thuộc bổn phận của chính chúng ta. Như kinh Hoa Nghiêm toàn là giảng về chính mình, chắc chắn chẳng có một câu nào nói đến chuyện ngoài chính mình ra! Không có! Chúng ta đọc kinh Phật, nhất định phải hiểu được ý nghĩa này!
Đức Phật dạy, trong “đại thời gian” hiện tại, cái “đại thời gian” ấy cũng rất dài, chẳng thể dùng một hai năm để tính toán, chỉ dùng Kiếp để tính toán, [Kiếp ở đây] là đại kiếp. “Kiếp” (Kalpa) là đơn vị thời gian, có tiểu kiếp, trung kiếp, và đại kiếp, ở đây nói tới đại kiếp. Thông thường chúng ta nói tiểu kiếp là “tăng giảm kiếp” (Antah-kalpa). Theo kinh dạy, khi thọ mạng con người dài nhất là tám vạn bốn ngàn năm, đây là tuổi thọ dài cực hạn của con người. Từ tám vạn bốn ngàn năm, cứ mỗi một trăm năm lại giảm một tuổi, giảm như vậy tới mười tuổi, mười tuổi là cực hạn thấp nhất của tuổi thọ con người; sau đấy, cứ mỗi một trăm năm lại tăng thêm một tuổi, tăng thêm cho đến tám vạn bốn ngàn tuổi, chu kỳ một tăng một giảm này được gọi là một “tiểu kiếp”. Phật giáo tính toán đơn vị thời gian theo cách tính như thế. Hai mươi tiểu kiếp là một trung kiếp (Asankya-kalpa), bốn trung kiếp là một đại kiếp (Maha-kalpa).
Trong một đại kiếp này, đức Phật dạy: Trong thế giới này, có một ngàn vị Phật xuất thế, Thích Ca Mâu Ni Phật là vị Phật thứ tư trong đại kiếp này. Kiếp này có tên là Hiền Kiếp (Bhadra-kalpa) vì hiền nhân rất nhiều, [tức là] Phật, Bồ Tát thành tựu con người rất nhiều, do có nhiều người hiền nên gọi là Hiền Kiếp. Thích Ca Mâu Ni Phật là vị Phật thứ tư trong Hiền Kiếp, vị Phật thứ năm là Di Lặc Phật, ngài Di Lặc hiện đang là Bồ Tát. Di Lặc Bồ Tát giáng thế vào năm mươi sáu ức bảy ngàn vạn năm sau. Tới chỗ này, chúng ta đã giới thiệu xong chữ Phật trong tựa đề “Phật Thuyết A Di Đà Kinh”. Tiếp theo đây là giảng chữ “Thuyết” .
(Sớ) Thuyết giả, duyệt dã.
(疏) 說者,悅也。
(Sớ: Thuyết là hoan hỷ).
Vào thời cổ, chữ Duyệt (悅) trong Hỷ Duyệt (hoan hỷ) viết cùng
một mặt chữ với chữ Thuyết (說: nói) trong hiện tại. Nói thì đương nhiên hoan hỷ mới nói, chẳng hoan hỷ sẽ chẳng thể nói. Nhất là nói kinh Di Đà, đức Phật hoan hỷ tới tột bậc, vì sao? Tất cả hết thảy các pháp môn đều phải đi đường vòng rồi mới thành tựu, đều khiến cho chúng sanh phải chịu đựng những nỗi khổ sở, đi theo rất nhiều chặng đường oan uổng rồi mới có thể thành tựu, chỉ riêng pháp môn này là thành tựu trong một đời, trực tiếp thành tựu. Có thể đem pháp môn này giới thiệu với chúng sanh, lẽ nào đức Phật chẳng vui sướng? Đức Phật mang tâm nguyện mong cho mọi người đều thành tựu trí huệ viên mãn, mọi người đều thành Phật. Quý vị phải nhớ: “Thành Phật”, chẳng phải là thành thần! Thành thần hay thành tiên đều chẳng thể giải quyết vấn đề, vì sao? Thần tiên còn có mê hoặc, điên đảo. Phật, Bồ Tát chẳng mê hoặc, chẳng điên đảo. Đức Phật mong chúng ta thành tựu trí huệ, khôi phục năng lực vốn có của chính mình, đức Phật giáo học nhằm mục đích này! Luôn mong chúng ta thành tựu sớm một chút, giống như cha mẹ quan tâm, yêu thương con cái, luôn mong muốn con học hành sớm ngày thành tựu, sự nghiệp sớm có ngày viên mãn. Đức Phật nói bộ kinh này lợi ích chúng sanh chẳng gì có thể sánh bằng, mà mọi người cũng phải chịu tiếp nhận, chịu tin tưởng thì mới có thể nói! Nói ra mà không ai tin tưởng, nói uổng công rồi! Đức Phật quan sát thấy học trò có thể tiếp nhận, cho nên Ngài vô cùng hoan hỷ diễn nói. Bộ kinh này và kinh Vô Lượng Thọ là đồng bộ, kinh Di Đà là giới thiệu đơn giản, kinh Vô Lượng Thọ là thuyết minh tỉ mỉ. Hai bộ kinh này có nội dung hoàn toàn tương đồng.
(Sớ) Duyệt sở hoài cố.
(疏) 悅所懷故。
(Sớ: Do thỏa thích điều ấp ủ trong lòng).
“Hoài” (懷) là “hoài bão” (điều ôm ấp, kỳ vọng trong lòng); nói thật ra là nguyện vọng. Nguyện vọng thật sự có thể đạt được, thật sự hoan hỷ, thật sự hỷ duyệt.
(Sớ) Tứ Biện tuyên diễn cố, thập nhị bộ đẳng, chí Tứ Tất Đàn, giai thị Thuyết nghĩa.
(疏) 四辯宣演故,十二部等,至四悉檀,皆是說義。
(Sớ: Từ dùng Tứ Biện Tài tuyên diễn mười hai bộ v.v… cho tới Tứ Tất Đàn đều là ý nghĩa của chữ Thuyết).
Đối với mỗi câu đều được giảng rõ tỉ mỉ trong lời chú giải tiếp theo đây, nay chúng ta coi lời chú giải, xin hãy xem lời Sao.
(Sao) Duyệt sở hoài giả.
(鈔) 悅所懷者。
(Sao: Do thỏa thích điều ấp ủ trong lòng).
Vì sao đức Phật hoan hỷ dường ấy?
(Sao) Bổn nguyện độ sanh, đắc cơ nhi thuyết, sở hoài sướng duyệt.
(鈔) 本願度生,得機而說,所懷暢悅。
(Sao: Bổn nguyện độ sanh có cơ hội để nói, thỏa thích nỗi niềm hằng ấp ủ).
Nói thật ra, đức Phật chỉ có một nguyện vọng là giúp đỡ chúng sanh, giúp cho chúng sanh khôi phục năng lực sẵn có, khôi phục trí huệ vốn có, khôi phục thì gọi là “thành Phật”; chỉ có một mục đích rất đơn thuần như vậy. Đức Phật quả thật có năng lực giúp đỡ chúng ta, nhưng chúng ta không chịu tiếp nhận, không tin, nên đức Phật chẳng có cách nào cả! Vì thế, chẳng phải là Phật thiếu từ bi, chẳng phải là Ngài không chịu giúp đỡ chúng ta, mà do chúng ta bài xích, cự tuyệt, chẳng tin, Ngài chẳng có cách gì hết! Chúng ta chịu tin tưởng, chịu tiếp nhận, đức Phật liền hoan hỷ; kinh nói người ấy có thiện căn, có phước đức. Thiện căn và phước đức trọn đủ, nhất định đức Phật chẳng bỏ lỡ cơ hội ấy, nhất định tới giúp đỡ người ấy. Nếu người ấy thiện căn và phước đức trọn đủ, chịu tin, chịu phát nguyện, chịu nỗ lực tu tập, mà nếu người ấy cả đời chẳng gặp gỡ Phật pháp, Phật sẽ có lỗi với kẻ ấy. “Phật thị môn trung, bất xả nhất nhân” (trong cửa nhà Phật, chẳng bỏ một ai), Phật có lỗi với người ấy. Nếu kẻ ấy không tin, không chịu phát nguyện, không chịu khéo học, mà nếu Phật tới độ kẻ ấy sẽ là chuyện thừa thãi, vô dụng! Cơ cảm tương ứng, Phật bèn đến. Nhất là nói bộ kinh này, sung sướng quá, thẳng thừng giúp đỡ quý vị thành tựu, thành tựu ấy là thành tựu rốt ráo viên mãn. Việc này hoàn toàn tương ứng với bổn nguyện giúp đỡ chúng sanh, Ngài có thể tìm được những người chịu tin, chịu học, bèn nói với họ pháp môn này.
Tiếp đó, đại sư trích dẫn kinh Đại Bổn, Đại Bổn chính là kinh Vô Lượng Thọ, Ngài trích dẫn kinh văn từ kinh Vô Lượng Thọ.
(Sao) Như Đại Bổn, Thế Tôn dục thuyết thử kinh.
(鈔) 如大本世尊欲說此經。
(Sao: Như trong kinh Đại Bổn, lúc đức Thế Tôn sắp nói kinh ấy).
“Thử kinh” là kinh Vô Lượng Thọ. Hai bộ kinh Di Đà và Vô Lượng Thọ có ý nghĩa hoàn toàn tương đồng, có thể dùng chung cho nhau.
(Sao) Tiên thả chư căn duyệt dự, nhan sắc dị thường.
(鈔) 先且諸根悅豫,顏色異常。
(Sao: Trước hết, các căn lộ vẻ vui sướng, vẻ mặt khác với bình thường).
Trước khi giảng kinh, trông đức Phật dung mạo rạng ngời, hết sức vui sướng, hết sức hoan hỷ; khi ấy, ngài A Nan thấy vậy, tự nhủ trước nay ta chưa hề thấy đức Phật hoan hỷ, rạng rỡ giống như hôm nay. “Nhan sắc dị thường”: Chẳng giống lúc bình thường, hoan hỷ phi thường! Trước khi nói kinh, đức Phật hiện vẻ hỷ duyệt như vậy, chính là vì Ngài sắp giới thiệu pháp môn giúp đỡ chúng sanh bậc nhất trong vô lượng vô biên pháp môn. Trong giảng đường này, chúng tôi giảng kinh đã giảng thật lâu, thấu hiểu sâu đậm pháp môn này là pháp môn bậc nhất trong vô lượng pháp môn.
(Sao) Huống kim trì danh niệm Phật, đắc cơ nhi thuyết, duyệt khả tri hĩ.
(鈔) 況今持名念佛,得機而說,悅可知矣。
(Sao: Huống chi nay pháp trì danh niệm Phật gặp được căn cơ để nói, có thể biết là đức Phật vui sướng [dường nào]).
Phương pháp tu hành trong Tịnh Độ cũng rất nhiều, Trì Danh là bậc nhất, đơn giản nhất, dễ dàng nhất, thẳng chóng nhất, ổn thỏa nhất. Nói thật ra, pháp này tương ứng với Thiền, mà cũng tương ứng với Mật. Niệm một câu A Di Đà Phật là Thiền Tịnh Mật Tam Tu. Quý vị đang tam tu mà chẳng biết! Vừa mở đầu, kinh Vô Lượng Thọ đã biểu thị pháp, ba ý nghĩa này hết sức rõ rệt, cho nên chẳng cần tu pháp nào khác! Quý vị nói: “Cách tu như thế nào?” Một câu A Di Đà Phật niệm đến cùng là được rồi, tới lúc đó, sẽ tự nhiên hiểu rõ, tự nhiên tâm khai ý giải, niệm tới mức cái tâm thanh tịnh, niệm tới nhất tâm bất loạn. Nhất tâm bất loạn là “minh tâm kiến tánh” trong Thiền Tông, là “tam mật tương ứng” trong Mật Tông, nhưng phương pháp [trì danh] này dễ hơn Thiền, mà cũng dễ hơn Mật, thành tựu hoàn toàn giống như Thiền và Mật. Vì thế, nó thật sự là một pháp môn chẳng thể nghĩ bàn.
“Đắc cơ”: Cơ (機) là kẻ có căn khí, ở đây là kẻ có thể tín, có thể nguyện, chịu niệm Phật, gặp được người như vậy, đức Phật bèn hoan hỷ. Gặp được người như vậy, người ấy nhất định đắc độ trong một đời, nhất định thành Phật trong một đời. Lẽ đâu đức Phật chẳng hoan hỷ? Đương nhiên là hoan hỷ phi thường. Đây là nói chữ “duyệt” có ý nghĩa thỏa thích bổn hoài. Cũng chính vì như vậy, nay chúng ta muốn giới thiệu Phật pháp với người khác, kinh điển nhiều lắm, kinh điển Phật giáo nổi tiếng là nhiều, phương pháp, đường lối cũng quá nhiều, chúng ta giới thiệu với người khác điều gì đây? Chúng ta chỉ giới thiệu pháp môn này. Vì vậy, tôi giảng kinh trong ngoài nước, luôn giới thiệu pháp môn này với mọi người, người chịu tin sẽ đắc độ. Do đó, chúng ta chẳng cần làm chuyện náo nhiệt, đừng phô trương ầm ĩ, [khoe khoang] thính chúng của tôi đến mấy trăm người, mấy ngàn người, không nên làm chuyện ấy! Mấy ngàn người hay mấy trăm người sau khi nghe, chẳng có một người nào tin tưởng, chẳng có một ai chịu hành, vẫn chẳng phải là uổng công giảng ư?
Chúng ta tới một nơi nào có một người chịu tin tưởng, một người phát nguyện, thật sự chịu tu hành, người ấy sanh về thế giới Tây Phương, thấy Phật, thành Phật, đấy là có ý nghĩa. Tới một nơi độ được một người, giúp đỡ người ấy thành Phật, nơi ấy là nơi chúng ta phải đến. Nếu chẳng ai tin tưởng, không ai bằng lòng tu thì mười vạn người, trăm vạn người, chúng ta tới đó [giảng kinh, thuyết pháp] cũng chẳng có ý nghĩa gì hết! Vì thế, chúng ta chẳng cần phô trương, đừng nên chuộng sĩ diện hão, mà phải thật sự giúp đỡ người khác. Tôi mỗi khi tới một nơi nào, nói chung có được một hai người, thậm chí chỉ có một người [chịu thật sự tu tập], tôi đều rất hoan hỷ, vì sao? Người ấy thật sự tin tưởng, thật sự phát nguyện niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, nói chung, kể như tôi đã giúp đỡ người khác, chẳng uổng công tới! Thật sự hoan hỷ, giúp đỡ một người thành Phật, đúng là nhân duyên rất hiếm có, hết thảy các chuyện tốt đẹp đều chẳng thể sánh bằng chuyện này. Người ấy thành Phật, trong tương lai độ bao nhiêu chúng sanh! Chúng ta phải chú trọng thực chất.
(Sao) Tứ Biện giả.
(鈔) 四辯者。
(Sao: Tứ Biện là…)
“Biện” là biện tài, trong kinh Phật thường nói có bốn thứ, [gọi chung là] Tứ Vô Ngại Biện Tài, thứ nhất là:
(Sao) Viết Nghĩa.
(鈔) 曰義。
(Sao: Là Nghĩa Biện Tài).
“Nghĩa” là nghĩa lý, là lý luận. [Nghĩa Vô Ngại Biện Tài là] thông đạt lý luận chẳng chướng ngại; nói thông tục là hiểu rành rẽ đạo lý, chẳng bị chướng ngại. Thứ hai là…
(Sao) Viết Pháp.
(鈔)曰法。
(Sao: Pháp Biện Tài).
“Pháp” là phương pháp. Đức Phật giảng tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn, phương pháp vô ngại. Nếu Ngài có chướng ngại, làm sao có thể nói nhiều dường ấy được? Phương pháp này không được, bèn đổi sang phương pháp khác. Phương pháp, đường lối rất nhiều, nói chung nhằm dẫn dụ quý vị bước vào chánh đạo. Đây là biện tài của Phật. Thứ ba là…
(Sao) Viết Từ.
(鈔) 曰詞。
(Sao: Từ Biện Tài).
“Từ” là ngôn ngữ, [Từ Vô Ngại Biện Tài là] ngôn ngữ chẳng bị chướng ngại. Kinh thường nói: “Phật dĩ nhất âm nhi thuyết pháp, chúng sanh tùy loại các đắc giải” (đức Phật dùng một âm thanh để thuyết pháp, chúng sanh tùy theo mỗi loài đều hiểu). Đức Phật thuyết pháp tại nơi đó, bất luận là người nào đến nghe, đều nghe rất rõ ràng, đều nghe rất minh bạch, ngôn ngữ quá xảo diệu. Nếu đức Phật ngự trên giảng đài, người Hoa nghe [sẽ cảm thấy]: “Đức Phật nói bằng tiếng Hoa, Ngài nói bằng tiếng quê hương của chúng ta!” Người Nhật Bản nghe [sẽ thấy] đức Phật giảng bằng tiếng Nhật. Đức Phật cũng chẳng cần phiên dịch. Một âm thanh thốt ra, người ở mỗi nơi nghe thành tiếng địa phương của họ. Điều này tuyệt diệu chẳng thể nói nổi, đức Phật có năng lực ấy. Gần đây, các khoa học gia nghiên cứu, trong tương lai có thể phát minh một loại computer có thể tự động phiên dịch các thứ ngôn ngữ bất đồng, mọi người đều có thể nghe hiểu! Trong quá khứ, chúng ta rất khó tin tưởng [chuyện này], các khoa học gia hiện thời chứng tỏ: Đó là chuyện có thể làm được. Vì thế, chư thiên đến nghe, [sẽ thấy Phật nói] bằng ngôn ngữ của chư thiên. Từ quỷ đạo đến nghe, [sẽ thấy đức Phật nói] bằng ngôn ngữ của quỷ đạo. Súc sanh tới nghe, [sẽ thấy đức Phật nói] bằng ngôn ngữ súc sanh. Quá kỳ diệu! Đấy là Từ Vô Ngại. Thứ tư là:
(Sao) Viết Nhạo Thuyết dã.
(鈔) 曰樂說也。
(Sao: Nhạo Thuyết Vô Ngại).
Có ba thứ Biện Tài trên đây, nhưng chẳng thích giảng, sẽ chẳng có cách nào hết! “Nhạo Thuyết” là người ấy thích giảng, chẳng ngại phiền, không nề hà mệt mỏi. Chỉ cần gặp phải đối tượng, bèn hết sức vui lòng giúp đỡ, dắt dìu người khác, giúp đỡ người khác vô điều kiện. Chúng ta phải học tập điều này.
(Sao) Tứ giai vô ngại, danh chi viết Thuyết.
(鈔) 四皆無礙,名之曰說。
(Sao: Bốn điều ấy đều vô ngại, nên gọi là Thuyết).
Ở đây, Thuyết bao gồm bốn ý nghĩa vô ngại. Trong kinh điển có [nói tới] rất nhiều vị Phật, Bồ Tát, [đối với] trí huệ, thần thông, đức năng của các Ngài, có những điều chúng ta chẳng thể học theo, nhưng cũng có những điều chúng ta có thể học tập. Có thể học tập thì chúng ta phải tận hết khả năng học tập. Như ở nơi đây, bản thân chúng ta hiểu được Phật pháp bao nhiêu, phải giới thiệu với mọi người bấy nhiêu! Có người nói: “Nói sai Phật pháp, phải chịu trách nhiệm nhân quả!” Gánh trách nhiệm nhân quả giống như chỉ sai đường, báo hại người ta phải đi bao nhiêu con đường oan uổng! Đây là chuyện quý vị có lỗi với người ta. Phật pháp là chỉ đường! Chúng ta tuân thủ nguyên tắc do Khổng lão phu tử đã dạy: “Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri” (biết thì nói là biết, không biết bèn nói không biết), sẽ không chỉ sai đường! Phàm kẻ chỉ sai đường đều là phường ham cao xa, hiếu thắng, không biết mà cứ nhận bừa là biết, nên mới phạm lỗi! Tôi hiểu ý nghĩa này bèn giảng cho quý vị nghe, chỗ kia không hiểu, không hiểu thì tôi chẳng giảng, đừng sợ tẽn tò, đừng sợ mất mặt, chắc chắn quý vị sẽ chẳng giảng trật.
Từ xưa tới nay đều là như vậy, người ta chuộng thể diện! Học Phật chớ nên có chuyện này, phải thật thà! Ta hiểu đoạn này ta có thể giảng, đoạn kia ta không hiểu, ta đọc lướt qua, đọc lướt qua chẳng bị khuyết điểm! Chúng tôi đọc rất nhiều bản chú giải của cổ nhân, phát hiện rất nhiều trường hợp kinh văn có rất nhiều ý nghĩa trong ấy, nhưng vì sao lời chú giải chẳng giảng? Viết mấy câu đơn giản, sơ sài cho xong, cớ sao chẳng chú giải cặn kẽ? Về sau, chúng tôi hiểu: Đoạn ấy, Ngài cũng không hiểu, nhưng chẳng mắc khuyết điểm! Nếu Ngài dùng ý tưởng của chính mình để giải, sẽ có thể giảng sai. Vì thế, Ngài dè dặt, cẩn thận, chính mình không biết, chưa lãnh ngộ được, quyết định không dám tùy tiện nói lung tung! Chư vị thuyết pháp cho hết thảy chúng sanh, tuân thủ nguyên tắc này, bất cứ lúc nào, bất luận nơi đâu, đều chẳng có khuyết điểm, chỉ có công đức, không mắc khuyết điểm, phải ghi nhớ điều này!
(Sao) Trung Luận vân.
(鈔) 中論云。
(Sao: Trung Quán Luận nói:)
Trích dẫn một đoạn từ Trung Quán Luận.
(Sao) Chư Phật y Nhị Đế, vị chúng sanh thuyết pháp.
(鈔) 諸佛依二諦,為眾生說法。
(Sao: Chư Phật nương vào Nhị Đế để thuyết pháp cho chúng sanh).
Nhị Đế là Chân Đế và Tục Đế, Chân Tục nhị đế. Chân Đế là chân thật, Lý chân thật, Sự chân thật, nhưng chúng sanh chẳng thấy, Phật, Bồ Tát thấy được, đó là thật. Tục Đế là thế tục, tức kiến giải và hiểu biết thông thường của người thế tục; chúng ta tùy thuận thế tục để nói, mọi người sẽ rất dễ hiểu. Vì sao? Vì thường thức và kiến giải của quý vị có thể đạt đến. Do đó, đức Phật thuyết pháp luôn chẳng rời khỏi hai nguyên tắc sau đây:
– Một là cảnh giới do đích thân Ngài chứng đắc.
– Hai là nói theo hoàn cảnh sống hiện thực của chúng ta.
Chân và Tục có thể viên dung, chúng ta sẽ sống rất hạnh phúc, rất mỹ mãn.
Đức Phật giáo hóa các chúng sanh tuân theo tiêu chuẩn: Nương vào Chân Tục nhị đế. Trình độ [của thính chúng] càng cao thì thành phần thuộc Chân Đế [trong lời giảng] càng nhiều. Càng là kẻ mới học, thành phần Tục Đế [trong lời Phật giảng] càng nhiều, phương diện Chân Đế ít hơn. Dạy hàng đại Bồ Tát thì Chân nhiều, Tục ít. Nói theo Ngũ Thừa Phật pháp thì đức Phật dạy người, dạy trời, Tục Đế chiếm phần hết sức quan trọng, Chân chẳng qua là điểm thêm đôi chút mà thôi! Lên cao hơn là Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Chân sẽ dần dần chiếm đa số, thành phần Tục chiếm ít hơn. Đó là y Chân Tục nhị đế để thuyết pháp.
Nhưng phải hiểu: Chân và Tục chẳng hai. Trong cái nhìn của Phật
mới có thể thấy như vậy. Chân và Tục quả thật là một, chẳng hai. Chẳng hạn như chúng ta nêu thí dụ, kinh thường dạy: “Phiền não tức Bồ Đề”, Bồ Đề là Chân, phiền não là Tục, chúng là một, không hai. Trên thực tế, vì sao trở thành có phiền não và Bồ Đề? Do mê hay ngộ! Mê thì quý vị mê gì? Mê Bồ Đề. Bồ Đề bị mê thì sẽ không gọi là Bồ Đề, thay đổi danh xưng thành phiền não. Quý vị ngộ là ngộ gì? Ngộ phiền não. Nếu giác ngộ phiền não, chẳng còn gọi nó là phiền não nữa, mà sửa tên thành Bồ Đề, chuyện là như vậy đó. Do vậy, mê thì có phiền não, ngộ là Bồ Đề, chỉ đổi danh xưng, chẳng thay đổi Sự, trên mặt Sự là như nhau.
Nếu chúng ta hỏi: Người giác ngộ còn có phiền não hay không? Người giác ngộ thật sự chẳng có phiền não. Thích Ca Mâu Ni Phật còn có tâm hoan hỷ, tâm hỷ duyệt, đấy chẳng phải là phiền não ư? Nơi Phật chẳng gọi là phiền não, mà gọi là Bồ Đề. Mừng, giận, buồn, vui, yêu, ghét, ham muốn đều là Bồ Đề; đối với chúng ta, mừng, giận, buồn, vui, yêu, ghét, ham muốn là phiền não. Vì sao có sự sai biệt ấy? Chúng ta bị mừng, giận, buồn, vui, yêu, ghét, ham muốn ô nhiễm, tâm chúng ta chẳng thanh tịnh. Thích Ca Mâu Ni Phật mừng, giận, buồn, vui, yêu, ghét, ham muốn bày ra trước mặt, tâm địa Ngài chẳng nhiễm, mà thanh tịnh; sai biệt ở chỗ này! Nếu trong cuộc sống hằng ngày, trong đãi người, tiếp vật, mừng, giận, buồn, vui, mà chúng ta có thể giữ được tâm địa thanh tịnh, chẳng nhiễm mảy trần thì mừng, giận, buồn, vui là Bồ Đề.
Có người chẳng hiểu, nghĩ học Phật là chuyện rất đáng kinh sợ. Vì sao? Học Phật không có Ái nữa. Không có Ái thì làm sao được? Đáng sợ vô cùng! Thật ra, học Phật thì Phật là thật sự yêu thương, chẳng giả! Người thế gian tuy cảm thấy Ái rất đáng quý, nhưng đều là giả, hư tình giả ý, chẳng phải là chân ái, mà là giả ái. Khi yêu nhau bèn kết hôn, hai hôm sau nghe nói lại ly hôn, đó chẳng phải là chân ái, vì lòng ái ấy bị biến đổi! Không giống như Phật, Bồ Tát! Lòng ái của Phật, Bồ Tát vĩnh viễn bất biến. Quý vị tôn kính các Ngài, các Ngài yêu thương, che chở quý vị; quý vị hủy báng, hãm hại các Ngài, các Ngài vẫn yêu thương, che chở quý vị, chẳng hề đổi dạ, đấy gọi là Bồ Đề, là thật! Vì thế, lòng Ái thật sự ở trong Phật pháp, trong thế gian không có! Thế gian hư tình giả ý, nhất định phải hiểu rõ ràng, chớ bị lừa. Vì thế, bảo quý vị phải dùng lý trí, chớ nên dễ dãi xử sự theo cảm tình. Cảm tình là mê, lý trí là giác, phải lấy lý trí làm chủ. Tuy có cảm tình, nhưng tình sanh từ lý trí, chẳng sanh từ mê hoặc, điên đảo, chẳng sanh từ mê chấp, mà sanh từ lý trí, Phật pháp nói tới chuyện này. Thông thường, chúng ta chẳng nói Ái, mà thay đổi danh xưng thành “từ bi”, từ bi là Ái. Nói cách khác, lý tánh ái (lòng yêu thương dựa trên lý tánh) là từ bi, còn [lòng yêu thương] sanh từ phân biệt, chấp trước, tình thức thì gọi là Ái. Một đằng là danh xưng khi mê, một đằng là danh xưng lúc giác ngộ, khác nhau ở chỗ này!
Giáo học Phật pháp là một nghệ thuật cao độ, ở đây nói là “y Nhị Đế”. Kiến trúc Phật giáo thể hiện ý nghĩa này. Đại điện của Phật, tức Đại Hùng Bảo Điện, là một kiến trúc chủ yếu nhất trong tự viện, giống như một hội đường (tòa nhà dùng để nhóm họp)[2], hết thảy những cuộc nhóm họp trọng yếu phải được cử hành tại đó. Chúng ta thấy kiến trúc ấy bên ngoài là hai tầng, bên trong là một tầng, vì sao xây cất theo cách ấy? Hai tầng tượng trưng Nhị Đế, một tầng bên trong tượng trưng Nhất Như. Chân Tục nhất như, Nhị Đế bất nhị. Ngay cả kiến trúc cũng đều biểu thị pháp, thể hiện dụng ý này, chẳng phải là xây cất tùy tiện. Đây là nói thêm cho quý vị hiểu!
(Sao) Từ Vô Ngại Trí, dĩ thế trí sai biệt thuyết.
(鈔) 詞無礙智,以世智差別說。
(Sao: Từ Vô Ngại Trí, dựa trên trí thế gian mà nói khác biệt [tùy theo hoàn cảnh, thời điểm]).
Trong “Từ Vô Ngại” có rất nhiều ý nghĩa, chúng ta vừa mới nói một ý nghĩa là “Phật dùng một âm thanh để thuyết pháp, chúng sanh tùy theo từng loài đều hiểu”, đấy là Từ Vô Ngại. Từ Vô Ngại kiểu này chúng ta không thể học được, nhưng Từ Vô Ngại theo nghĩa thứ hai, chúng ta có thể học được. Học gì vậy? Nguyên lý, nguyên tắc, và tinh thần của Phật pháp vĩnh viễn bất biến, nhưng thuyết pháp có thể do tùy lúc, tùy chỗ mà nói khác nhau. Chẳng hạn như người nghe giảng chúng ta đều là đồng tu đang học Tịnh Độ, chúng tôi có cách nói theo kiểu tu Tịnh Độ. Nếu tôi đến Thiền Đường bèn giảng Thiền. Tôi có một người bạn thân là pháp sư Thánh Nhất, Ngài tham Thiền, trong chùa của Ngài có tới bốn mươi người hằng ngày đều ngồi tham Thiền. Tôi tới Hương Cảng, Ngài cũng mời tôi giảng khai thị; nói chung, tôi chẳng thể giảng Tịnh Độ, chỉ đành giảng Thiền, khế hợp căn cơ của bọn họ, giảng Đàn Kinh, giảng kinh Kim Cang, lấy những tài liệu trong ấy để nói với họ. Nếu thính chúng là người kinh doanh, mua bán, tôi giảng kinh nhất định phải dạy họ làm thế nào để phát tài, họ mới hoan hỷ, đó là “vô ngại”. Nếu thính chúng là dân biểu, đại biểu Quốc Hội, và ủy viên Lập Pháp, nội dung ý nghĩa lời tôi nói phải là tham chánh như thế nào, làm thế nào để thực hiện tốt việc chính trị trong đất nước, làm sao khiến cho dân chúng sống cuộc đời giàu có, khỏe mạnh, an ổn, vui sướng, mà chẳng khuyên họ niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, giảng theo cách ấy họ chẳng thể tiếp nhận. Vì thế, trong lúc nào, đối với hạng người nào, quyết định sẽ nói khác nhau!
Cùng là một bộ kinh, cùng một câu kinh, sẽ có nhiều cách giảng khác nhau. Tuy khác nhau, nhưng tông chỉ quyết định chẳng thay đổi, phương hướng, mục tiêu, tinh thần quyết định chẳng thay đổi; do vậy, quyết định chẳng giảng sai lệch Phật pháp. Phật pháp sống động, chẳng chết cứng, khô khan, chẳng phải là chỉ có thể giảng một cách, đấy là chỗ khó khăn trong kinh Phật. Không riêng gì kinh là như vậy, mà chú giải cũng đều là như vậy; do vậy, [giảng kinh, giảng chú giải] chẳng dễ dàng! Chú giải của cổ nhân câu nào cũng đều là sống động, quý vị nói sao cũng hợp lý, chẳng chết cứng, chẳng phải là câu này có ý nghĩa [nhất định] như thế này, phải giảng theo cách này, đó là văn chương chết ngắc! Phật pháp sống động, không chỉ là kinh sống động, mà chú giải cũng đều sống động, hết sức chẳng dễ dàng! Nếu chính mình chẳng thật sự chứng đến cảnh giới ấy, sẽ nói không được, mà viết cũng chẳng thành. Viết văn chương thì ý nghĩa chỉ có một, chẳng có ý nghĩa thứ hai. Viết một bài văn hay thì ai cũng có thể viết được; nhưng nếu viết một bài văn làm sao cho “người nhân thấy là nhân, người trí thấy là trí”, văn chương ấy chẳng dễ viết. Đây là Từ Vô Ngại loại thứ hai, đích xác là chúng ta có thể học được, chúng ta nỗ lực sẽ có thể học được, đấy là “dĩ thế trí sai biệt thuyết”.
(Sao) Nhạo Thuyết Vô Ngại Trí.
(鈔) 樂說無礙智。
(Sao: Nhạo Thuyết Vô Ngại Trí).
Chữ 樂 phải đọc là Yào (âm Hán Việt tương ứng là Nhạo), nghĩa là ưa thích, yêu chuộng. “Nhạo Thuyết”: Nay chúng ta bảo là “thích nói”, không ngại phiền, chẳng sợ mệt nhọc. Thích nói với người khác là Nhạo Thuyết Vô Ngại Trí.
(Sao) Dĩ Đệ Nhất Nghĩa Trí thiện xảo thuyết, bất ngôn Nghĩa Pháp giả, hậu hậu kiêm ư tiền tiền, Từ cập Nhạo Thuyết, nhiếp Nghĩa, Pháp cố.
(鈔)以第一義智善巧說,不言義法者,後後兼於前前,詞及樂說,攝義法故。
(Sao: Dùng Đệ Nhất Nghĩa Trí để khéo léo nói, chẳng nói tới Nghĩa Vô Ngại Biện Tài và Pháp Vô Ngại Biện Tài, vì những điều sau bao gồm điều trước. Từ Vô Ngại Biện Tài và Nhạo Thuyết Vô Ngại Biện Tài bao trùm Nghĩa Vô Ngại Biện Tài và Pháp Vô Ngại Biện Tài).
Thứ tự của bốn chữ “nghĩa, pháp, từ, nhạo” này chẳng thể điên đảo, vì sao? Chữ sau có thể bao gồm chữ trước, nhưng chữ trước chưa chắc đã bao gồm chữ sau. Đến phần Nhạo Thuyết, đương nhiên toàn bộ ý nghĩa của ba loại trước đều được bao gồm trong ấy. Đệ Nhất Nghĩa Trí là trí huệ chân thật, mà cũng chính là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác như chúng ta đã nói trong phần trước. Đấy mới là Đệ Nhất Nghĩa Trí. “Thiện xảo” là ứng dụng vào hành vi, ứng dụng trong xử sự, đãi người, tiếp vật, trong giáo hóa chúng sanh vô cùng xảo diệu! Chẳng dùng từ ngữ “xảo diệu” mà dùng từ ngữ “thiện xảo”, hay quá! “Thiện” là tốt, phương thức xảo diệu vô cùng tốt đẹp, có thể khiến cho người ta tiếp nhận rất dễ dàng, rất dễ hiểu rõ, rất dễ đạt tới hiệu quả giáo học, đấy mới gọi là “thiện xảo”.
(Sao) Thập nhị bộ đẳng, chỉ sở thuyết dã.
(鈔) 十二部等,指所說也。
(Sao: “Mười hai bộ v.v…” chỉ những kinh điển đã được nói).
Nói theo cách bây giờ, “thập nhị bộ” là đức Phật thuyết pháp có mười hai phương thức khác nhau; nói theo văn chương hiện thời là “thể tài” (genre). [Kinh Phật] có mười hai loại thể tài khác nhau. Có thể là dùng thể tài văn xuôi, hoặc dùng thể tài thi ca. Chúng ta mở bản kinh ra, trong kinh văn có Trường Hàng, Trường Hàng là văn xuôi, như trong kinh Di Đà hoàn toàn là văn xuôi. Có những kinh trong đó có kệ tụng, kệ tụng là thi ca. Sau phần văn xuôi có thi ca. Lại còn có những kinh điển phía sau có chú ngữ, đều là vận dụng thể tài khác nhau. Thể tài có tất cả mười hai loại, nhưng cũng không phải là mỗi bộ kinh đều có mười hai loại này. Mười hai loại đều có đủ thì chỉ có một bộ kinh là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh. Bộ kinh này lớn nên có đủ mười hai loại thể tài. Kinh Pháp Hoa cũng là kinh lớn, nhưng chỉ có chín loại thể tài. Kinh Di Đà có hai loại: Một là văn xuôi, loại kia là Vô Vấn Tự Thuyết, kinh này từ đầu đến cuối không có ai khải thỉnh, do Thích Ca Mâu Ni Phật tự nói ra. Trong mười hai loại, loại này khá đặc biệt, Vô Vấn Tự Thuyết là không ai hỏi, tự mình nói.
“Thập nhị bộ” là toàn bộ Phật pháp. “Bộ” là bộ phận, chẳng có nghĩa là kinh Phật chỉ có mười hai bộ! Về sau, cổ nhân sợ người ta thấy danh từ này nẩy sanh hiểu lầm, ngỡ là [kinh Phật chỉ có] mười hai bộ kinh, nên đổi thành “thập nhị phần giáo”. “Thập nhị phần giáo” và “thập nhị bộ kinh” ý nghĩa hoàn toàn tương đồng, đều nhằm nói rõ đức Phật thuyết pháp theo các thể lệ khác nhau. Mười hai loại thể tài này, kinh Đại Tiểu Thừa đều có, nhưng kinh Tiểu Thừa chỉ có chín loại thể tài. Cũng có người nói Tiểu Thừa cũng có mười hai loại thể tài này. Đấy là cổ nhân mỗi vị có cách nói riêng biệt.
(Sao) Tất Đàn giả.
(鈔) 悉檀者。
(Sao: Tất Đàn là…)
Nương theo Tứ Tất Đàn, Tứ Tất Đàn cũng nhằm nói rõ: Có thể
nói thiện xảo. Nói cách khác, đây là một phương thức tiếp dẫn chúng sanh. Tất Đàn (Siddhānta) là tiếng Phạn, dịch nghĩa sang tiếng Hán là Biến Thí (bố thí trọn khắp).
(Sao) Hợp Hoa Phạm vân Biến Thí.
(鈔) 合華梵云遍施。
(Sao: Ghép tiếng Hán và tiếng Phạn lại [thành từ ngữ này], có nghĩa là Thí Trọn Khắp).
“Tất” là chữ Hán, “Đàn” là tiếng Ấn Độ. Danh từ này gồm một chữ Hán và một âm tiếng Phạn gộp lại, Hoa Phạm hợp dịch thành Tất Đàn. “Tất” có nghĩa là phổ biến, “đàn” (Dāna) là bố thí. [Tất Đàn] có nghĩa là bố thí trọn khắp. Gồm có tất cả bốn loại.
(Sao) Dĩ Thế Giới, Vị Nhân, Đối Trị, Đệ Nhất Nghĩa, tứ môn.
(鈔) 以世界、為人、對治、第一義,四門。
(Sao: Dùng bốn môn Thế Giới, Vị Nhân, Đối Trị, Đệ Nhất Nghĩa).
Đây là danh xưng của Tứ Tất Đàn: Thế Giới Tất Đàn, Vị Nhân Tất Đàn, Đối Trị Tất Đàn, Đệ Nhất Nghĩa Tất Đàn.
(Sao) Tác hoan hỷ, sanh thiện, diệt ác, nhập đạo, tứ ích.
(鈔) 作歡喜、生善、滅惡、入道,四益。
(Sao: Để tạo bốn món lợi ích: Hoan hỷ, sanh thiện, diệt ác, nhập đạo).
Đây là nội dung của Tứ Tất Đàn. Thế Giới Tất Đàn nghĩa là gì? Hoan hỷ. Điều cốt yếu trong Phật pháp là khiến cho hết thảy chúng sanh sanh tâm hoan hỷ, đây là điều kiện thứ nhất. Người ta chẳng hoan hỷ thì làm thế nào? Chẳng hoan hỷ, chúng ta hãy nhanh chóng rời khỏi; rời khỏi họ sẽ hoan hỷ. Bất luận thế nào, phải làm cho người ta hoan hỷ. Người ta rất thích chúng ta ở với họ, chúng ta bèn ở cùng một chỗ với họ. Họ chán ghét chúng ta, muốn chúng ta rời khỏi, chúng ta mau mắn rời khỏi. Đây là điều thứ nhất phải tuân thủ; bởi lẽ, Phật pháp luôn khiến cho người khác sanh tâm hoan hỷ. Chúng ta bước vào một ngôi chùa xây đúng quy củ, tức là chùa theo đúng quy củ kiến trúc trong Phật pháp, vừa bước vào sẽ thấy kiến trúc đầu tiên là Thiên Vương Điện. Thiên Vương Điện đối diện đại môn, đầu tiên quý vị thấy Di Lặc Phật, Di Lặc Phật khiến cho quý vị hoan hỷ: Mập mạp, cười hì hì, đấy là ý nghĩa Thế Giới Tất Đàn. Do vậy, người nào mới có tư cách học Phật? Phải hoan hỷ đối với người khác, trong bất luận thuận cảnh hay nghịch cảnh, đều khiến cho người khác sanh tâm hoan hỷ, người như vậy mới có thể học Phật, người như vậy mới có thể nhập Phật môn. Di Lặc Phật bụng rất lớn, biểu thị chuyện gì cũng đều có thể bao dung, chẳng so đo, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, có thể sanh tâm hoan hỷ. Do vậy, Ngài biểu thị pháp; đây cũng là nhằm bảo chúng ta phải học tập.
Thứ hai là Vị Nhân Tất Đàn, mang ý nghĩa “sanh thiện”. Chúng ta đối đãi với người khác, nhất định phải khơi gợi giác tánh của người ta, phải giúp đỡ kẻ ấy sanh khởi thiện tâm, trước hết, thực hiện từ chỗ này. Thật ra, giáo học của cổ nhân Trung Quốc cũng là như vậy, “ẩn ác, dương thiện” (ẩn giấu điều ác, tuyên dương điều lành). Chẳng hạn như trông thấy người ta, tuy kẻ ấy chẳng phải người tốt, lắm phen làm ác, nhưng hắn cũng có điểm tốt, quý vị gặp mặt hắn bèn tán dương chuyện tốt lành của hắn, chớ nên nhắc tới điều ác. Kẻ ấy được cổ vũ, khích lệ sẽ quay đầu, học theo điều tốt. Trong xã hội hiện thời, nói thật ra, dư luận phải chịu trách nhiệm rất lớn, vì sao? Người tốt, chuyện tốt chẳng nói tới, đối với kẻ ác bèn thêm muối, thêm dấm, khiến cho kẻ ác nghĩ: “Ta làm người tốt có ích gì, ai biết? Ta làm ác, người nào cũng biết ta”. Nói cách khác, cổ vũ, khích lệ con người hướng theo điều ác, dư luận nhất định phải chịu trách nhiệm chuyện này. Nếu chúng ta ca ngợi mặt thiện, về căn bản là chẳng nhắc tới mặt ác, dẫu là kẻ làm ác cũng sẽ sanh tâm hổ thẹn: “Ta làm chuyện ác nhiều ngần ấy, người ta trọn chẳng nhắc tới, người ta tha thứ cho ta”. Trong tâm hắn khổ sở: “Làm một tí chuyện tốt lành nhỏ xíu, người khác tán thán ta, cổ vũ khích lệ ta, đối với ta tốt đẹp như thế đấy!” Hắn sẽ quay đầu. Phật môn rất coi trọng giáo học, đầu tiên là phải giúp cho kẻ khác sanh thiện, cổ vũ, khích lệ người khác hướng thiện.
Thứ ba là Đối Trị Tất Đàn, đấy là “diệt ác”. Diệt ác, chủ yếu là đối với chính mình mà nói. Giống như giới luật của nhà Phật, giới luật nhằm răn dè chính mình, chẳng phải để ngăn cấm người khác. Vì thế, giới luật trong Phật pháp thật sự đáng tán thán. Phật khuyên chúng ta hãy tự tuân thủ giới luật, đừng quan tâm đến người khác. Kẻ khác tuân thủ hay không chẳng liên quan đến ta! Chính mình giữ giới là đúng, giới luật nhằm ngăn giữ chính mình! Đối trị là đối trị chính mình, đối trị phân biệt, chấp trước, vọng tưởng của chính mình. Đối trị chính mình, tức là những thứ như ghen ghét, sân khuể, chúng ta đều phải sửa đổi. Sửa đổi là sám hối chân thật. Trong sám trừ nghiệp chướng của Phật pháp, điều được coi trọng là sửa lỗi, đổi mới. Thực hiện những nghi thức [sám hối] chẳng phải là điều trọng yếu; nghi thức là làm cho người khác xem, giống như diễn tuồng, diễn cho kẻ khác xem, nhằm dụng ý nào? Nhằm dụng ý khuyên người khác quay đầu, khuyên người khác hãy sửa lỗi, đổi mới, mang ý nghĩa này. Bản thân quý vị thật sự hối cải, cần gì phải làm những hình thức ấy? Không cần thiết! Chúng ta phải biết điều này. Chúng ta lạy Lương Hoàng Sám, lễ Thủy Sám nhằm khuyên người khác. Do vậy, những chuyện như thế chớ nên không biết! Sau khi đã biết, quý vị mới hiểu giáo học Phật pháp thiện xảo, ứng dụng những phương pháp vô cùng cao minh, dùng rất xảo diệu.
Thứ tư là Đệ Nhất Nghĩa Tất Đàn, đây là nói về Nhập Đạo. Đệ Nhất Nghĩa là trí huệ rốt ráo viên mãn; trong bốn món Tất Đàn, điều này là mục tiêu chủ yếu. Những điều trước đều là “dụ đạo” (誘導: khuyên dụ, hướng dẫn), “dụ đạo” tới cuối cùng thì phải giúp cho người ấy thành Phật, phải cổ vũ, khích lệ người ấy. Thứ nhất, phải khơi gợi lòng tin nơi người ấy, vì sao chúng sanh chẳng thể thành Phật? Do không tin chính mình có thể thành Phật. Thậm chí tôi đã gặp những đồng tu học Phật nhiều năm, tự cảm thấy chính mình nghiệp chướng quá nặng, tội nghiệp quá sâu, đời sau ta chỉ cần có thể lại được làm người là tốt rồi, thế giới Tây Phương ta chẳng dám mong mỏi! Quan niệm ấy sai lầm! Do vậy, chúng ta nhất định phải giúp họ kiến lập lòng tin, tạo tội nghiệp dẫu lớn đến mấy đều có thể vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Quý vị thấy Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh đã dạy: Ngũ Nghịch, Thập Ác gặp nhân duyên tốt đẹp, gặp thiện tri thức chân thật giảng giải lý luận, phương pháp, quý vị thật sự hiểu rõ, giác ngộ, tuân theo phương pháp ấy để tu hành, nhất định có thể vãng sanh. Chúng ta vẫn chưa tạo tội nghiệp nặng nề dường ấy, vì sao chẳng thể [vãng sanh]? Chắc chắn có thể! Tội nghiệp từ vô thỉ kiếp dẫu nặng đến mấy, không có tội nào chẳng thể hối cải, đều là trong một niệm hồi tâm chuyển ý, phá mê khai ngộ, nghiệp chướng bèn có thể tiêu trừ, phước huệ hiện tiền. Đệ Nhất Nghĩa Tất Đàn là môn chánh yếu nhất, thật sự giới thiệu Đại Thừa Phật pháp cho người khác, khuyên lơn, cổ vũ họ tu học, vì thế là Nhập Đạo. Đó là bốn thứ lợi ích.
(Sao) Thập nhị bộ kinh, nhất thiết chư pháp, tùy nghi nhi thuyết, vô lượng phương tiện, yếu quy tác Thế Giới đẳng tứ thuyết, sử nhân đắc hoan hỷ đẳng tứ ích nhi dĩ. Giám cơ thọ pháp, kỳ văn phồn
quảng, lược cử bất tất.
(鈔)十二部經一切諸法,隨宜而說,無量方便,要歸作世界等四說,使人得歡喜等四益而已。鑒機授法,其文繁廣,略舉不悉。
(Sao: Mười hai bộ kinh, hết thảy các pháp, tùy nghi mà nói, vô lượng phương tiện đều phải quy về bốn món Tất Đàn như Thế Giới v.v… nhằm khiến cho người ta đạt được bốn thứ lợi ích như hoan hỷ v.v… mà thôi. Xét căn cơ để trao truyền giáo pháp. Lời văn rườm rà, quá rộng, nên nêu đại lược, chẳng trình bày trọn hết).
Nói cặn kẽ, sẽ quá nhiều, nên ở đây chỉ dùng phương pháp đơn giản nhất hòng giới thiệu. Pháp môn rất nhiều, kinh điển rất nhiều, bất luận nói theo cách nào, đều phải làm cho thính chúng đạt được bốn món lợi ích. Bất luận giảng một bộ kinh nào, bất luận giảng một bộ luận nào, quý vị đều phải khiến cho người khác sanh tâm hoan hỷ, sanh thiện, đoạn ác, nhập đạo. Đức Phật thuyết pháp có nhiều nguyên tắc, nhưng những nguyên tắc này chúng ta đều phải biết thì thuyết pháp mới chẳng luống uổng, thật sự hữu ích cho chúng sanh. Hôm nay chúng tôi giảng tới đây!
[1] Số Luận là một trường phái triết học cổ Ấn Độ, trong kinh thường gọi họ là Ca Tỳ La ngoại đạo, hoặc Vũ Chúng ngoại đạo, hay Vũ Tế ngoại đạo. Khác với Lục Sư ngoại đạo hoàn toàn chống đối Bà La Môn giáo, Số Luận có nhiều điểm tương đồng và thậm chí vay mượn một số luận điểm của Bà La Môn giáo. Theo truyền thuyết, phái này do tiên nhân Ca Tỳ La (Kapila) sáng nhập. Số Luận quan niệm vũ trụ do hai yếu tố lớn tạo thành: Bổ Lô Sa (Purusha: tinh thần tối cao) và nguyên chất (Prakriti: vật chất nguyên sơ). Khác với Nhị Nguyên Luận của Tây Phương, Số Luận quan niệm vật chất và tinh thần hòa lẫn vào nhau. Bổ Lô Sa còn tách ra vô số những đơn vị tinh thần độc lập gọi Jiva. Nguyên chất lại do ba yếu tố cấu thành: Sattva (hỷ), rajas (ưu), và tamas (tối tăm). Thoạt đầu, Số Luận không thừa nhận có một đấng sáng tạo do lập luận: “Một Thượng Đế bất biến sẽ không thể là cội nguồn của một thế giới luôn thay đổi”. Sau này, do pha trộn với Yoga và các phái triết học khác, Số Luận cũng thừa nhận có thần Ishavar là đấng sáng tạo.
Du Già nói ở đây chính là trường phái Yoga sáng lập bởi Phách Thản Già Lợi (Pantajali, sống vào khoảng thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên). Pantajali đã hệ thống hóa, hoàn chỉnh học thuyết lý luận của Yoga; trường phái của Pantajali được gọi là Thắng Vương Du Già (Raja Yoga) nhằm phân biệt với những trường phái chỉ chú trọng tập luyện cơ thể hơn quan tâm đến triết học. Mục tiêu Thiền Định của Yoga là hợp nhất Tiểu Ngã của mỗi cá nhân với Đại Ngã của Phạm Thiên. Các tác phẩm của Pantajali đã được hệ thống hóa thành Du Già Bát Phần Pháp (Ashtanga Yoga) và được coi như là cơ sở lý luận chính yếu của các trường phái Yoga khác như Cáp Đạt Du Già (Hatha Yoga), Trí Huệ Du Già (Jhana Yoga), Chí Thiện Du Già (Bhakti Yoga), Hành Động Du Già (Karma Yoga), Âm Thanh Du Già (Mantra Yoga), Mật Truyền Du Già (Tantra Yoga) v.v…
[2] Ở đây, Hòa Thượng dùng chữ “hội đường” thay vì “hội trường” nhằm nhấn mạnh đến toàn thể kiến trúc được dùng vào việc nhóm họp của tăng chúng (tụng niệm công khóa hằng ngày, tác bạch, yết ma, tấn sơn, nghị sự, truyền giới v.v…) vì trong các đại tùng lâm, chánh điện được xây tách biệt, không xây chung với giảng đường, tổ đường như trong các chùa hiện thời, chứ “hội trường” thì có thể là một phần của công trình, hoặc có thể trưng dụng vào những mục đích khác.