#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 167
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm năm mươi chín:
(Sao) Nhược Hoa Nghiêm Ly Thế Gian phẩm, tắc Bát Chánh câu Bồ Tát đạo. Chánh Kiến giả, viễn ly nhất thiết chư tà kiến cố. Chánh Tư Duy giả, xả vọng phân biệt tâm, tùy thuận Nhất Thiết Trí cố, nãi chí Chánh Định giả, thiện nhập Bồ Tát bất tư nghị giải thoát môn, ư nhất tam-muội trung, xuất nhập chư tam-muội cố. Thích vân: “Cứ thử văn chứng, khởi bất thâm huyền?” Dĩ lệ suy chi, Thất Giác, Căn, Lực, tam thập thất phẩm, giai tùy chúng sanh nhân địa sở tu, cơ kiến bất đồng, chứng đại, chứng tiểu, các hữu sở đắc.
(鈔) 若華嚴離世間品,則八正俱菩薩道。正見者,遠離一切諸邪見故。正思惟者,捨妄分別心,隨順一切智故。乃至正定者,善入菩薩不思議解脫門,於一三昧中,出入諸三昧故。釋云,據此文證,豈不深玄。以例推之,七覺根力三十七品,皆隨眾生因地所修,機見不同,證大證小,各有所得。
(Sao: Nếu xét theo phẩm Ly Thế Gian trong kinh Hoa Nghiêm thì Bát Chánh Đạo đều là Bồ Tát đạo. Chánh Kiến là xa lìa hết thảy các tà kiến. Chánh Tư Duy là bỏ cái tâm phân biệt hư vọng, tùy thuận Nhất Thiết Trí. Cho đến Chánh Định là khéo nhập môn giải thoát chẳng thể nghĩ bàn của Bồ Tát, từ trong một tam-muội mà xuất nhập các tam-muội. Giải rằng: “Lấy đoạn văn ấy làm chứng, há [Bát Chánh Đạo] chẳng sâu mầu ư?” Dựa theo đó để suy ra, Thất Giác, Ngũ Căn, Ngũ Lực, ba mươi bảy phẩm đều là thuận theo căn cơ, kiến giải của chúng sanh khi tu nhân mỗi người mỗi khác mà chứng đại quả hay tiểu quả, nhưng ai nấy đều có sở đắc).
Trong đoạn văn này, Liên Trì đại sư trích dẫn kinh văn của kinh Hoa Nghiêm nhằm chứng tỏ Ba Mươi Bảy Đạo Phẩm thật sự thông với Đại Thừa. Trong Đại Thừa, kinh Hoa Nghiêm được tổ sư các tông phái suy tôn là Viên Giáo Nhất Thừa, có thể nói là Đại Thừa của Đại Thừa. Bộ kinh ấy đã thông với Ba Mươi Bảy Phẩm, những kinh khác chẳng cần phải nói nữa! Có thể thấy trong phần trước [đại sư nhận định] Ba Mươi Bảy Phẩm thông với Đại Thừa và Tiểu Thừa xác thực là có căn cứ. Kinh Hoa Nghiêm viên đốn đã giải thích Bát Chánh Đạo như thế nào? “Chánh Kiến giả, viễn ly nhất thiết chư tà kiến cố” (Chánh Kiến là xa lìa hết thảy các tà kiến). Nhìn theo giáo nghĩa của kinh Hoa Nghiêm, đó là pháp luân viên mãn. Nội dung của kinh [Hoa Nghiêm] giảng về Thập Huyền, Tứ Vô Ngại, [tức là] mười huyền môn và bốn thứ vô ngại. Trong hết thảy các kinh Đại Thừa, chỉ riêng kinh Hoa Nghiêm giảng giải [mười huyền môn và bốn thứ vô ngại] viên mãn. Nếu đối với “Viên nghĩa” mà còn có tơ hào chấp trước, kiến giải ấy sẽ thuộc loại tà kiến! Ngay cả Viên mà còn chẳng thể chấp trước, huống hồ những thứ khác! Do đó, trong pháp Nhất Thừa viên đốn, tri kiến của Phật thanh tịnh đến tột bậc; kinh văn chỉ có thể dùng một câu “chẳng thể nghĩ bàn” để hình dung, lũ phàm phu chúng ta tư duy chẳng thấu suốt, mà cũng là chẳng rơi vào tư duy, chẳng rớt vào số lượng, đấy mới là chánh tri chánh kiến. Chúng ta tu Tịnh Độ vẫn phải thật thà niệm Phật thì mới đáng trông cậy. Hoa Nghiêm toàn là cảnh giới của Bồ Tát, lại còn chẳng phải là [cảnh giới của] hạng Bồ Tát bình phàm, mà là cảnh giới của hàng Pháp Thân đại sĩ. Kinh văn đã có [đề cập cảnh giới ấy], chẳng thể không nói đến, nhưng đó chẳng phải là cảnh giới của chúng ta. Chúng ta thực hiện toàn bộ Ba Mươi Bảy Phẩm trong sự tu tập pháp môn Tịnh Độ, nhất là trì danh niệm Phật, đới nghiệp vãng sanh thì sẽ hữu ích nhất đối với chúng ta. Sau khi đã đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, cảnh giới sẽ dần dần không ngừng nâng cao, chứng đắc cảnh giới Hoa Nghiêm chẳng khó. Điều này hết sức trọng yếu.
“Chánh Tư Duy giả, xả vọng phân biệt tâm, tùy thuận Nhất Thiết Trí cố” (Chánh Tư Duy là bỏ tâm hư vọng phân biệt, tùy thuận Nhất Thiết Trí). Nhất Thiết Trí được nói ở đây chính là Nhất Thiết Chủng Trí nơi quả địa Như Lai, mà cũng là Ngũ Chủng Trí[1] của A Di Đà Phật như đã nói trong kinh Vô Lượng Thọ. Phàm phu chẳng có trí huệ, vì sao? Vì họ có tâm phân biệt. Cớ sao nói “hễ có tâm phân biệt bèn chẳng có trí huệ?” Tâm phân biệt là thức thứ sáu, tức ý thức. Quý vị dùng thức thứ sáu (ý thức), lấy đâu ra trí huệ? Trí huệ lưu lộ từ Chân Như bổn tánh. Dùng thức thứ sáu (ý thức) thì chỉ có thể nói là Thế Trí Biện Thông. Trong Phật pháp, Thế Trí Biện Thông là một trong tám nạn. Đã mắc nạn! Vì vậy, chúng ta phải rất lắng lòng phản tỉnh, quan sát, ngàn muôn phần đừng coi Thế Trí Biện Thông là trí huệ Bát Nhã, phiền phức sẽ to lớn! Nhưng các đồng tu học Phật hiện thời, bất luận tại gia hay xuất gia thường hiểu lầm, xác thực là đã coi Thế Trí Biện Thông như trí huệ. Bỏ vọng tưởng, bỏ tâm phân biệt, kinh Lăng Nghiêm bảo là “bỏ Thức, dùng Căn”, ai mới có thể sử dụng cảnh giới ấy? Bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ trong kinh Hoa Nghiêm, địa vị thấp nhất là Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo; các Ngài đều thuộc cảnh giới ấy. Nói theo phía người niệm Phật chúng ta, phải niệm đến Lý nhất tâm bất loạn thì Bát Chánh Đạo sẽ hoàn toàn giống như những điều đang được nói ở đây, chứ Sự nhất tâm bất loạn vẫn chưa được! Phải đạt tới Lý nhất tâm bất loạn, phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân, đó là cảnh giới của các Ngài.
Thứ ba là Chánh Ngữ, ở đây (trong lời Sao) đã tỉnh lược. Tuy bị tỉnh lược, trong sách Diễn Nghĩa, pháp sư Cổ Đức đã bổ sung:
(Diễn) Chánh Ngữ, tắc thường hành Chánh Ngữ, ly ngữ tứ quá, thuận thánh ngôn cố.
(演) 正語,則常行正語,離語四過順聖言故。
(Diễn: Chánh Ngữ là thường nói lời chánh đáng, lìa bốn lỗi nơi lời nói, thuận theo thánh ngôn).
“Ly ngữ tứ quá” dễ hiểu. Bốn thứ lỗi lầm là “nói đôi chiều, ác khẩu, nói dối, nói thêu dệt”, không dễ gì làm được! Tiểu Thừa và Quyền Giáo Bồ Tát tuy làm được, nhưng chưa thể đạt đến mức “thuận thánh ngôn cố”. “Thánh ngôn” là [những lời nói của] ai? Là [lời dạy của] chư Phật Như Lai. Ngôn ngữ của Bồ Tát chẳng khác chư Phật Như Lai.
(Diễn) Chánh Nghiệp, tắc hằng tu Chánh Nghiệp, giáo hóa chúng sanh, linh điều phục cố.
(演) 正業,則恆修正業,教化眾生,令調伏故。
(Diễn: Chánh Nghiệp là luôn tu Chánh Nghiệp, giáo hóa chúng sanh, khiến cho họ được điều phục).
Chánh Nghiệp ở đây khác với Chánh Nghiệp của Tiểu Thừa, nó tương ứng với chư Phật Như Lai. Chánh Nghiệp của chư Phật Như Lai là gì? Là phổ độ chúng sanh. Do đó, Bồ Tát học Phật, thượng cầu, hạ hóa, thay Phật giáo hóa chúng sanh, xác thực có thể khiến cho hết thảy chúng sanh điều phục. “Điều” (調) là điều tâm. Nói nông cạn, rõ ràng hơn một chút sẽ là điều hòa tánh tình. “Phục” (伏) là chế phục phiền não. Bồ Tát giáo hóa chúng sanh nhằm mục tiêu này. Chúng ta học Phật phải biết: Những điều chúng ta đã học phải tương ứng với những điều Phật, Bồ Tát đã dạy, nhất định phải chú trọng “điều tâm”, phải biết hàng phục phiền não. Nói thật ra, câu này là tông chỉ của kinh Kim Cang. Vừa mở đầu kinh Kim Cang, ngài Tu Bồ Đề hướng về Thích Ca Mâu Ni Phật thỉnh giáo hai vấn đề, [nội dung của hai câu hỏi ấy] chính là câu này (“giáo hóa chúng sanh, khiến cho họ điều phục”). Ngài nói: “Ưng vân hà trụ? Vân hà hàng phục kỳ tâm?” (Nên trụ như thế nào? Hàng phục cái tâm như thế nào?). “Ưng vân hà trụ?” là điều tâm, “vân hà hàng phục kỳ tâm?” là hàng phục phiền não như được nói ở đây: Chế phục vọng tưởng, tạp niệm. Vọng niệm, tạp niệm là phiền não, phải nên hàng phục, chế ngự nó như thế nào? Những gì Bồ Tát dạy và những gì chúng ta học đều thuộc về vấn đề này. Chúng ta học Phật, học Phật pháp đầy một bụng, nhưng tập khí phiền não vẫn y hệt như cũ, vô dụng! Học Phật kiểu đó, mảy may thành tựu cũng chẳng có. Học Phật pháp bao nhiêu năm, một câu cũng chẳng thể nói được, nhưng tâm thật sự nhu hòa, phiền não giảm thiểu, người ấy học Phật thật sự có thành tựu, vì sao? Người ấy thật sự có thể liễu sanh tử, thoát tam giới, đó là thành tựu. Do điều này ta có thể biết, học Phật chẳng phải là học sao cho ăn nói lưu loát, [ăn nói lưu loát] vô dụng! Phải thật sự diệt trừ tập khí phiền não.
(Diễn) Chánh Mạng, tắc an trụ Chánh Mạng, Đầu Đà, tri túc,
oai nghi thẩm chánh, tùy thuận Bồ Đề, hành tứ thánh chủng, nhất thiết quá thất giai viễn ly cố.
(演) 正命,則安住正命,頭陀知足,威儀審正,隨順菩提,行四聖種,一切過失皆遠離故。
(Diễn: Chánh Mạng là an trụ trong Chánh Mạng, [hành hạnh] Đầu Đà, biết đủ, oai nghi chánh đáng, tùy thuận Bồ Đề, hành bốn thánh chủng, xa lìa hết thảy lỗi lầm).
Trong đây có hai câu hết sức quan trọng. Một là “Đầu Đà, tri túc”. Đầu Đà (Dhūta) là dịch âm tiếng Ấn Độ, dịch nghĩa là Ðẩu Tẩu (抖擻), có nghĩa là giũ bỏ, ném đi. Nói dễ hiểu hơn một chút là “buông xuống”. Trên người có bụi bặm, bèn giũ bỏ; tiếng Ấn Độ gọi [hành động ấy] là Đầu Đà, có ý nghĩa này. Bồ Tát giũ sạch những gì? Giũ sạch tập khí phiền não, vọng tưởng. Tri túc: Tri túc thường lạc! “Đầu Đà, tri túc” mang ý nghĩa bảo chúng ta hãy buông hết thảy trần duyên thế gian và xuất thế gian xuống, tri túc thường lạc! Chư Phật Như Lai ứng hóa trong thế gian, Phật là Phước Huệ Lưỡng Túc Tôn, cõi trời và nhân gian chẳng có ai có thể sánh bằng Ngài. Thích Ca Mâu Ni Phật sống cuộc đời gì? Hằng ngày đi khất thực, thị hiện chẳng khác gì người xuất gia bình thường, ba y một bát! Nhất là đối với những đồng tu xuất gia đời sau, chúng ta hãy nghĩ xem, thuở tại thế, đức Thế Tôn đã sống cuộc đời ra sao? Nay chúng ta sống cuộc đời như thế nào? Xét theo phương diện cuộc sống, chúng ta sống thoải mái hơn đức Thế Tôn quá nhiều. Xét theo đạo nghiệp, chỉ sợ chúng ta cũng chẳng sánh bằng đồ đệ kém cỏi nhất trong thuở ấy của Ngài. Đích xác là phải sanh tâm hổ thẹn, phải nỗ lực tinh tấn. Do đó, phải tri túc. Đức Phật nói “tứ sự cúng dường” là ăn uống, quần áo, ngọa cụ, thuốc men, người xuất gia chẳng thể không cần đến bốn thứ ấy, vì chúng ta có nhục thân trong thế gian, [bốn thứ ấy] chẳng thể thiếu để duy trì thân mạng. Ngoài bốn thứ ấy ra, [những thứ khác] đều nên bỏ sạch, chẳng cần tới.
Chúng ta phải thấu hiểu thật sâu tâm Phật, Phật vì hết thảy chúng sanh. Phật pháp quyết định là tùy thuận thời đại, kinh nói là “tùy thuận Bồ Đề”. Bồ Đề là Giác. Nói cách khác, quyết định chẳng mê, Phật pháp chẳng tùy thuận mê, mà tùy thuận giác. Tùy thuận giác, nói theo thuật ngữ hiện thời là “hiện đại hóa”. Hiện đại hóa là giác! Chẳng thể hiện đại hóa, làm sao có thể hòa thành một khối với người hiện thời? Làm sao có thể độ người hiện thời? Vì thế, kiến lập đạo tràng tại Đài Loan vẫn tùy thuận phương thức cũ: Chùa miếu vẫn được xây dựng theo kiểu cung điện; đó là [cách thức kiến trúc trong] thời đại quá khứ. Hiện tại, phủ Tổng Thống cũng chẳng xây theo kiểu cung điện. Công sở, nha môn của các cơ quan chánh phủ cũng chẳng [xây dựng] theo kiểu dáng cung điện; xưa kia đều là theo kiểu cung điện. Vì lẽ đó, xây dựng đạo tràng hiện thời, chẳng cần xây theo kiểu cung điện. Nếu xây dựng như vậy, tôi nghĩ chỉ nhằm một mục đích: Du lịch vãn cảnh! Đạo tràng thật sự chẳng cần phải làm vậy! Không cần tốn cả một đống tiền oan uổng ngần ấy! Đạo tràng thật sự trong hiện thời hãy nên giống như trường học, kiến trúc hiện đại hóa. Đỡ tốn tiền, lại kiên cố, thực dụng. Do vậy, phải hiểu ý nghĩa thật sự của “tùy thuận Bồ Đề”, đừng nên hiểu sai! Nói đơn giản, Chánh Mạng là cuộc sống phải đơn giản, chất phác, tiết kiệm, thuần phác, tri túc.
(Diễn) Chánh Tinh Tấn, tắc cần tu nhất thiết Bồ Tát khổ hạnh, nhập Phật thập lực vô quái ngại cố.
(演) 正精進,則勤修一切菩薩苦行,入佛十力無罣礙故。
(Diễn: Chánh Tinh Tấn là siêng tu hết thảy khổ hạnh của Bồ Tát, nhập Thập Lực của Phật không trở ngại).
Tuy Phật pháp không chủ trương khổ hạnh, đặc biệt là Đại Thừa Phật pháp. Đức Phật nhiều lần dạy chúng ta đừng tu khổ hạnh vô ích. Khổ hạnh chẳng có lợi ích gì cho chúng ta thì chúng ta không tu. Nói cách khác, hễ khổ hạnh có lợi ích cho chúng ta thì phải nên tu. Tôn giả Ca Diếp hành Đầu Đà bậc nhất, Ngài cũng là Sơ Tổ của Thiền Tông, xuất thân từ gia đình đại phú trưởng giả. Sau khi xuất gia, suốt đời tu khổ hạnh. Đức Phật hết sức tán thán Ngài. Đức Phật nói: “Nếu đệ tử đời sau chịu tu khổ hạnh, Phật pháp sẽ thường trụ trong thế gian”. Do điều này có thể biết: Khổ hạnh chân chánh là tự lợi, lợi tha. Tự lợi nhìn từ phương diện nào? Cuộc sống đơn giản, chất phác, thành thật, cuộc sống dễ dàng, chẳng phải lo nghĩ, nhu cầu rất ít, dễ dàng đạt được, tâm mới có thể an trụ nơi đạo, chẳng có tham cầu, những thứ ta cần thiết chỉ có đôi chút. Do đôi chút ấy bèn có thể thành tựu đạo nghiệp, quyết định chẳng tham cầu. “Lợi tha” là nêu gương cho người thế gian. Người thế gian tham cầu danh lợi, thấy người xuất gia bỏ sạch hết thảy, có khi sẽ có thể khiến cho họ tỉnh ngộ.
Giống như lần trước ở Đài Trung, có một vị cư sĩ tuổi còn rất trẻ là Hứa Tú Hoa, [cô ta] đã đến đây một lần. Tôi quen biết cô ta ở Gia Nã Đại. Cô ta học Phật chẳng lâu, đến thăm chỗ ở xưa kia của thầy Lý. Sau khi viếng thăm, cô vô cùng cảm động, đem bán ngay căn biệt thự lộng lẫy của mình, suy nghĩ: “Thầy Lý đức hạnh to tát dường ấy, mà sống trong một căn nhà rách nát ngần ấy!” Cô ta nói: “Căn nhà tôi đang ở quá xa hoa, trong lòng bất an!” Đó là lợi tha. Khổ hạnh có thể lợi tha, có thể khiến cho chúng sanh giác ngộ! Vì thế, tinh tấn chân chánh thì phải tinh tấn nơi đạo nghiệp; trong cuộc sống, có thể sống qua ngày là được rồi. Quần áo mặc đủ ấm, có thể ăn no là đủ rồi, chẳng cần nghĩ tới ngày mai! Ngày mai còn chưa đến! Bận lòng vì ngày mai, vì năm sau, bận tâm mãi không xong, đạo chẳng còn nữa! Đạo là gì? Tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng là đạo. Hễ dấy vọng tưởng, tâm thanh tịnh và tâm bình đẳng đều chẳng có; đó gọi là “thoái chuyển”, lại lui sụt xuống địa vị phàm phu, hằng ngày dấy vọng tưởng. Do lẽ đó, Bồ Tát chẳng có vọng niệm, hết thảy đều thuận theo tự nhiên, các Ngài có thể tương ứng với đạo. “Nhập Phật Thập Lực vô quái ngại cố” (Nhập Thập Lực của Phật chẳng vướng mắc, trở ngại): Quả địa Như Lai có mười thứ năng lực đặc thù, Bồ Tát cũng có, vì Bồ Tát học theo Phật, nhưng mười thứ năng lực ấy của Bồ Tát chẳng được viên mãn như Phật.
(Diễn) Chánh Niệm, tắc tâm thường Chánh Niệm, tất năng ức trì nhất thiết ngôn âm, trừ diệt thế gian tán động tâm cố.
(演) 正念,則心常正念,悉能憶持一切言音,除滅世間散動心故。
(Diễn: Chánh Niệm là tâm thường Chánh Niệm, ắt có thể nghĩ nhớ hết thảy ngôn ngữ, âm thanh, trừ diệt cái tâm thế gian tán loạn, dao động).
Bồ Tát vì độ hết thảy chúng sanh, bèn giống như chư Phật Như Lai, cũng là “nhất âm thuyết pháp, tùy loại đắc giải” (dùng một âm thanh thuyết pháp mà mỗi loài đều hiểu). Vì thế, Ngài có thể nghĩ nhớ hết thảy âm thanh, ngôn ngữ, trừ diệt cái tâm thế gian tán loạn, dao động. Do đó, ta thấy: Chánh Niệm là tiền phương tiện của Chánh Định; trước hết phải có Chánh Niệm rồi sau đó mới có Chánh Định. Chánh Niệm vô niệm; tuy vô niệm, nhưng nó lại chẳng phải là không có niệm. Vô niệm, vô bất niệm thì mới là Chánh Niệm của Bồ Tát. Nói rõ rệt hơn một chút, “vô niệm” quyết định là chẳng có vọng niệm, chẳng có tạp niệm, chẳng có ý niệm tự tư tự lợi, tuyệt đối chẳng có ý niệm tính toán vì chính mình. Đó là vô niệm. “Vô bất niệm” là có niệm, nhưng niệm niệm vì độ chúng sanh, niệm niệm hy vọng giúp đỡ hết thảy chúng sanh phá mê khai ngộ, lìa khổ, được vui, viên thành Phật đạo. Ngài niệm những điều ấy, chẳng nghĩ đến chính mình. Đó gọi là Chánh Niệm của Bồ Tát. Chẳng giống như Chánh Niệm của Tiểu Thừa: Tất cả vọng niệm thảy đều chẳng có, nhưng họ chẳng nghĩ đến chuyện độ chúng sanh; còn Chánh Niệm của Bồ Tát là nghĩ độ hết thảy chúng sanh.
Điều thứ tám là nói về Chánh Định. Trong lời Sao, [đã giảng]: “Thiện nhập Bồ Tát bất tư nghị giải thoát môn” (Khéo nhập môn giải thoát chẳng thể nghĩ bàn của Bồ Tát). Câu này nói về sự chứng quả, chứng quả gì vậy? Thường nói là “nhân Giới sanh Định, nhân Định khai Huệ”; đây là khai trí huệ. “Thiện nhập” (善入): Nhập có nghĩa là Chứng, khế nhập, “thiện” là thiện xảo. Thiền Tông gọi Bồ Tát bất tư nghị giải thoát môn là “đại triệt đại ngộ”, Giáo Hạ gọi là “đại khai viên giải”. Vì vậy, có Định thì mới có thể khai ngộ. Đối với câu “ư nhất tam-muội trung, xuất nhập chư tam-muội cố” (từ trong một tam-muội, xuất nhập các tam-muội), sách Diễn Nghĩa có giải thích:
(Diễn) Ư nhất tam-muội nhập chư tam-muội giả, như nhị thập ngũ vương tam-muội, Thủ Lăng Nghiêm bách bát tam-muội đẳng, hỗ vi xuất nhập, vô định pháp cố.
(演) 於一三昧入諸三昧者,如二十五王三昧,首楞嚴百八三昧等,互為出入,無定法故。
(Diễn: “Trong một tam-muội, nhập các tam-muội”: Như trong hai mươi lăm môn vương tam-muội[2], một trăm lẻ tám môn Thủ Lăng Nghiêm tam-muội v.v… xuất nhập lẫn nhau, không có cách nhất định).
Cách giải thích này rất đơn giản, mà cũng rất rõ ràng. Nếu chư vị hiểu rõ câu này trong kinh Hoa Nghiêm, quý vị có thể an tâm về sự tu hành của chính mình, vì sao? Học một thứ tam-muội là đủ rồi. Thật sự đắc một thứ ấy, hết thảy đều đạt được. Đúng là “một chính là hết thảy, hết thảy chính là một”. Hiện thời chúng ta đang tu tam-muội gì? Niệm Phật tam-muội, còn gọi là Bảo Vương tam-muội, là vua trong các tam-muội! Nay chư vị đọc tụng kinh Vô Lượng Thọ, chấp trì thánh hiệu A Di Đà Phật, quý vị đang tu gì? Tu Bảo Vương tam-muội, tu Niệm Phật tam-muội. Nay quý vị tu thành tựu tam-muội này, hễ tu thành tựu bèn xuất nhập các tam-muội, vô lượng vô biên tam-muội quý vị thảy đều đạt được.
Nay đối với chúng ta, vì sao tam-muội này chẳng thể hiện tiền? Vì sao chẳng đạt được? Đối với bảy điều trước, chúng ta phản tỉnh một chút, sẽ tìm được nguyên nhân. Tri kiến của chúng ta bất chánh, tư tưởng sai lầm, niệm niệm nghĩ tới chính mình. Toàn bộ Ngữ, Nghiệp, Mạng, Tinh Tấn của chúng ta đều có vấn đề, làm sao quý vị có thể đạt Chánh Định cho được? Nếu muốn đạt đến Chánh Định, nhập cảnh giới của Bồ Tát, nói thật ra, chẳng khó! Vị thầy chủ thất khi đả Phật Thất thường có một câu ra rả ngoài miệng: “Buông thân, tâm, thế giới xuống”. Nếu quý vị có thể thật sự buông hết thảy thân, tâm, thế giới xuống, bảy điều trước sẽ tự nhiên trọn đủ, quý vị đạt được Chánh Niệm và Chánh Định. Cái gốc bệnh của chúng ta ở chỗ nào? Chúng ta chẳng có Chánh Kiến, mà là tà kiến. Thế nào là tà kiến? Chúng ta niệm niệm đều vì chính mình, đó là tà kiến cơ bản. Niệm niệm vì chính mình, niệm niệm tăng trưởng Ngã Kiến. Trong Kiến Tư phiền não, món Kiến Hoặc đầu tiên là Thân Kiến. Niệm niệm tăng trưởng Thân Kiến, chẳng thể phá Thân Kiến. Niệm niệm tăng trưởng Ngã Chấp, chẳng có cách nào đoạn Ngã Chấp và Ngã Kiến. Hằng ngày đều tăng trưởng, phiền phức to lớn! Nếu Ngã Kiến và Ngã Chấp vẫn y như cũ mạnh mẽ ngần ấy, nặng nề ngần ấy, dẫu chúng ta niệm Phật hiệu giỏi giang cách mấy, vẫn chẳng có cách nào vãng sanh, phải đặc biệt chú ý điều này. Phàm là người vãng sanh, nhất định phải thấy thấu suốt các thứ chấp trước đối với thân thể, vì sao? Thần thức mới lìa được, mới có thể ra đi được! Coi trọng thân thể này quá mức, A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, [quý vị bèn kỳ kèo]: “Con vẫn chưa muốn bỏ thân thể này!” Thân thể chẳng mang theo được! Do điều này có thể biết, hiện thời phải dần dần xem nhạt chướng ngại ấy, công phu niệm Phật của chúng ta sẽ dễ dàng tương ứng, mới thật sự có thể đạt tới những cái gọi là “công phu thành phiến, nhất tâm bất loạn”.
Đối với người, đối với sự, nói chung là hễ có thể cho qua được thì thôi, chớ nên khắt khe quá mức, đừng nên so đo. So đo quá mức cũng thuộc về Ngã Kiến, đều là chuyện phiền phức. Nửa phần trước của kinh Kim Cang giảng về chuyện phá Tứ Tướng: “Bồ Tát có Ngã Tướng, Nhân Tướng, Chúng Sanh Tướng và Thọ Giả Tướng thì chẳng phải là Bồ Tát”. Nửa bộ sau sâu hơn nửa bộ trước, nửa bộ sau giảng về Kiến: “Ngã Kiến, Nhân Kiến, Chúng Sanh Kiến, Thọ Giả Kiến”, bốn thứ Kiến ấy đều được gọi là “thành kiến”. Chúng ta thường nói: “Người nào đó thành kiến rất sâu”, những thứ ấy đều là tà kiến. Trọn đủ tà kiến nhiều ngần ấy, làm sao có thể gọi là Bồ Tát cho được? Đương nhiên chẳng thể gọi là Bồ Tát. Bồ Tát là chánh tri chánh kiến, ắt phải bỏ sạch những tà kiến ấy thì mới có thể gọi là Bồ Tát. Bát Chánh Đạo được nói trong kinh Hoa Nghiêm chính là Bát Chánh Đạo của Viên Giáo Bồ Tát.
Dưới đây là giải thích, căn cứ trên đoạn kinh văn này để chứng minh Bát Chánh Đạo có rất mức độ rất sâu. “Dĩ lệ suy chi” (Theo lệ đó mà suy), dùng những điều ấy để suy luận tương ứng, Thất Giác Chi, Ngũ Căn, Ngũ Lực, toàn thể Ba Mươi Bảy Đạo Phẩm trong phẩm trước “giai tùy chúng sanh nhân địa sở tu” (đều tùy thuộc sự tu tập của chúng sanh trong khi tu nhân). Quý vị là Tiểu Thừa sẽ là cảnh giới Tiểu Thừa. Quý vị là Đại Thừa bèn là cảnh giới Đại Thừa. Trong Đại Thừa còn có Tạng, Thông, Biệt, Viên khác nhau, căn tánh nào bèn đạt [cảnh giới tương ứng] với độ sâu ấy, “chứng đại, chứng tiểu, các hữu sở đắc” (chứng đại quả hay tiểu quả, ai nấy đều có sở đắc).
(Sớ) Ngôn như thị đẳng pháp giả, đẳng Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, thành tam thập thất phẩm, cập đẳng dư nhất thiết pháp cố.
(疏) 言如是等法者,等四念處、四正勤、四如意足,成三十七品,及等餘一切法故。
(Sớ: Nói “các pháp giống như vậy” thì “đẳng” là Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, thành ba mươi bảy phẩm, và hết thảy các pháp khác).
Kinh nói một chữ “đẳng” (等) thì “đẳng” mang ý nghĩa tỉnh lược. Liên Trì đại sư đã bổ túc ý nghĩa, vì Ba Mươi Bảy Đạo Phẩm có tổng cộng bảy khoa, kinh chỉ nhắc tới bốn khoa; ba khoa trước là Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, và Tứ Như Ý Túc bị tỉnh lược. Ở đây, đại sư giảng bổ sung.
(Sao) Tam thập thất phẩm, thượng duy nhị thập hữu ngũ, cố đẳng dĩ nhiếp chi.
(鈔) 三十七品,上惟二十有五,故等以攝之。
(Sao: Ba mươi bảy phẩm, mà trong phần kinh văn trên đây chỉ có hai mươi lăm phẩm, nên dùng chữ Đẳng để bao gồm [những phẩm còn lại]).
Trong phần trên, [chánh kinh chỉ nhắc tới] Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần, Bát Thánh Đạo Phần, tổng cộng chỉ có hai mươi lăm phẩm, nên dùng chữ Đẳng để bao quát.
(Sao) Tứ Niệm Xứ giả.
(鈔) 四念處者。
(Sao: Tứ Niệm Xứ…).
Nói thật ra, nhập môn học Phật thì phải nhập từ chỗ này. Vì sao kinh Di Đà không nhắc tới ba khoa trước? Nói thật ra, sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, ai nấy đều trọn đủ ba khoa ấy, chẳng cần tu, đã viên mãn, nên [trong cõi ấy, các pháp] được giảng từ Ngũ Căn, Ngũ Lực. Hễ sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới liền viên mãn ba khoa trước, nhưng nay chúng ta vẫn còn chưa vãng sanh, thân thể vẫn ở trong thế giới này, nên ba khoa trước của Ba Mươi Bảy Đạo Phẩm đối với chúng ta hết sức trọng yếu, thật sự có thể giúp cho thân tâm của chúng ta thanh tịnh, giúp chúng ta đạt tới công phu thành phiến, nhất tâm bất loạn. Tứ Niệm Xứ là quan sát bằng trí huệ, đó là Quán Huệ, mà cũng là điều thứ nhất tức Quy Y Giác trong Tam Quy Y, giác chứ không mê. Quý vị có bốn cách Quán này, sẽ giác chứ không mê.
(Sao) Sở vị quán thân bất tịnh, quán thọ thị khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã.
(鈔) 所謂觀身不淨,觀受是苦,觀心無常,觀法無我。
(Sao: Nghĩa là quán thân bất tịnh, quán thọ là khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã).
Bốn điều này được gọi là Tứ Niệm Xứ, đều là dùng trí huệ để quan sát.
(Sao) Nhi vân Niệm Xứ giả, dĩ bất tịnh, thị quán thân giả sở đương niệm xứ chi sở dã. Khổ, vô thường đẳng, diệc phục như thị.
(鈔) 而云念處者,以不淨,是觀身者所當念處之所也。苦無常等,亦復如是。
(Sao: Nhưng nói Niệm Xứ vì “bất tịnh” chính là chỗ nên nghĩ tới để quán cái thân. Khổ, vô thường v.v… cũng giống như vậy).
Thứ nhất, phải hiểu: Thân là thứ chẳng sạch sẽ. Thứ mà người trong thế gian tham ái nhất chính là thân thể; vì thân thể này mà đã tạo chẳng biết bao nhiêu tội nghiệp, chẳng đáng! Thân thể là gì? Thân thể là một thứ công cụ mà thôi! Thân có phải là chính mình hay không? Không phải. Nếu chư vị đọc kỹ kinh Lăng Nghiêm, sẽ hiểu rõ đạo lý này. Kinh Lăng Nghiêm vừa mở đầu bèn là “thất xứ trưng tâm” (bảy chỗ gạn hỏi cái tâm), vẫn chẳng phải là hỏi về thân, mà là hỏi về tâm. Đức Phật hỏi ngài A Nan: “Tâm ở đâu?” Đức Phật trọn chẳng hỏi là chân tâm hay vọng tâm: “Ông nói ông có tâm, vậy tâm ở đâu? Ở chỗ nào? Ông hãy nói cho ta nghe”. Ngài A Nan chẳng thiếu bản lãnh, nói ra bảy chỗ. Chúng ta có thể nói ra bảy chỗ hay không? Ngài có thể nói bảy chỗ, Thích Ca Mâu Ni Phật đều phản bác. Tâm còn như thế, huống hồ cái thân này? Thân là vật chất, thân chẳng phải là ta, thân là cái ta có. Giống như quần áo, quần áo chẳng phải là ta, quần áo là cái ta có, là quần áo của ta. Thân là thân thể của ta, thân thể chẳng phải là ta, phải vạch một giới tuyến giữa ta và thân thể. Đối với cái thân thể này, quý vị đối xử với nó rất bình thường, chớ nên yêu quý nó quá lố, sẽ chẳng bị nó mê hoặc! Quần áo đã dơ bẩn liền cởi ra giặt giũ. Quý vị cũng đừng vương vấn nó; hễ rách nát liền vứt bỏ, lại thay một bộ mới, nhất định phải hiểu rõ chân tướng sự thật này.
Chớ nên yêu quý thân thể của chính mình quá lố, đương nhiên cũng chớ nên phá hư thân thể. Đức Phật thường dạy chúng ta tiếc phước. “Tiếc phước” là đối với hết thảy vật chất đều phải quý trọng, thân thể là một loại trong hết thảy vật chất mà chúng ta có, cũng phải đáng nên quý trọng. Đức Phật không chủ trương tu khổ hạnh vô ích là do đạo lý này. Hết thảy đều phải suy tưởng vì đạo nghiệp, chúng ta tu học pháp môn nào, phương thức sinh hoạt thường là do pháp môn mà khác nhau. Thí dụ như học giới luật, tu học pháp môn ấy thì giới luật rất nghiêm, giữa trưa ăn một bữa, người Hoa gọi chuyện này là “trì ngọ” (持午). Giữa trưa ăn một bữa gọi là Trai (齋), [ăn] quá Ngọ gọi là “phá trai” (破齋). Ăn giữa trưa thì thời gian [chính ngọ] mỗi ngày đều khác nhau. Thời gian chính ngọ mỗi ngày sai biệt chừng bốn phút đồng hồ, mỗi ngày đều khác biệt, nên người thật sự trì ngọ hãy nên dùng nhật lịch thiên văn. Như trong nhật lịch do đài thiên văn Đài Loan phát hành, thời gian chính ngọ mỗi ngày đều được ghi rất rõ ràng, mấy giờ, mấy phút, mấy giây. Mỗi năm, thời gian chính ngọ chênh lệch gần như hơn nửa tiếng. Thật sự trì ngọ mà nếu chẳng dùng nhật lịch thiên văn thì tốt nhất là ăn cơm trước mười một giờ rưỡi, đại khái sẽ chẳng quá ngọ. Nếu quý vị học Thiền Tông, Thiền Tông mỗi ngày ba bữa cơm còn chưa đủ! Chỉ sợ còn có bốn năm lượt lót dạ, hoàn toàn khác hẳn! Thiền Tông là tĩnh tọa hay chạy hương trong Thiền đường, nguyên tắc dụng công của họ là “ăn ít, chia thành nhiều bữa”. Họ chẳng thể ăn no, ăn no sẽ hôn trầm, mà cũng chẳng thể để bụng rỗng được! Bụng rỗng sẽ chẳng thể phấn chấn tinh thần! Nhằm tu hành thuận tiện, họ phải ăn ít, ăn nhiều bữa, ăn theo cách như vậy.
Chúng ta phải liễu giải chính mình đang tu học pháp môn nào, ta mong cầu mục tiêu nào? Tuyệt đối chớ nên chuộng thể diện, muốn cho dễ coi, nghĩ người khác trì ngọ là đạo hạnh rất cao, sai mất rồi! Trong quá khứ, khi tôi hai mươi sáu tuổi bèn học Phật. Học Phật được nửa năm, tôi liền học trì ngọ, chẳng ăn bữa tối, giữ liên tục mười mấy năm. Có phải là tôi tu khổ hạnh hay không? [Nguyên nhân thật sự là vì] chẳng có tiền! Nếu quý vị cho tôi tiền, mỗi ngày tôi ăn bảy bữa, rất tự tại! Thật ra là khi ấy hết sức khổ, tôi tiết kiệm tiền ăn bữa tối để làm gì? Để thỉnh Đại Tạng Kinh. Bộ Đại Tạng Kinh đầu tiên ở Đài Loan do pháp sư Đông Sơ[3] ấn hành. Vào các năm Dân Quốc 44, 45 (1955, 1956), một bộ Đại Tạng Kinh phải đến ba ngàn sáu trăm đồng. Tiền lương của tôi mỗi tháng chỉ có năm mươi lăm đồng, tính cả tiền làm tăng ca (overtime) thì một tháng chỉ kiếm được một trăm bảy mươi đồng, quý vị nghĩ coi phải làm cách nào? Chỉ đành không ăn bữa tối, tuyệt đối chẳng phải là mong đẹp mặt hay sĩ diện, “ta có tu hành”, chẳng phải vậy! Nhưng sau đó liền dưỡng thành thói quen. Tôi xuất gia thọ giới, trong tháng thọ giới ấy, buổi tối tôi nhất định ăn này nọ. Người ta hỏi: “Bình thường thầy có ăn hay không?” Tôi đáp: “Thọ giới cần có thể lực, cuộc sống căng thẳng, giống như huấn luyện tân binh, tôi phải ăn no thì mới có cách ứng phó”. Bình thường, cuộc sống của tôi chẳng căng thẳng như vậy. Có rất nhiều người bình thường chẳng trì ngọ, tới lúc thọ giới: “Ta phải trì ngọ, ta phải giống như một người tu hành đã lâu!” Tôi thấy kẻ ấy đến hôm thứ ba thật sự chẳng nhịn được nữa, buổi tối lén lút ăn thứ này thứ nọ, sao lại khổ như vậy? Nhất định phải biết chúng ta học gì? Tu là gì? Chẳng do những hình thức ấy! Những hình thức ấy có ích cho đạo nghiệp thì chúng ta phải làm. Khi trì giới, buổi tối tôi nhất định phải ăn no thì buổi tối mới có sức lực lạy Phật. Chuyện ấy chúng ta phải nên làm, tuyệt đối chẳng vì chuộng thể diện. Vì thế, phải biết điều hòa thân thể thích đáng như thế nào? Ăn thứ gì, tuyệt đối đừng ăn no. Thông thường, người ta nhấn mạnh phép vệ sinh, ăn no tám phần thôi. Nói thật ra, ăn no tám phần là đã quá mức, ăn no chừng sáu bảy phần là tốt nhất. Giữ sao chẳng đói, chẳng no là tốt nhất, không chỉ hữu ích cho tu đạo, mà trong công việc bình thường, tinh thần có thể phấn chấn. Ăn quá no đích xác là sẽ khiến cho người ta hôn trầm. Do đó, phải biết điều tiết thân thể.
Ăn uống lại còn phải đơn giản, càng đơn giản càng tốt. Nói thông thường, thức ăn của người ngoại quốc chẳng cầu kỳ như người Hoa. Người Hoa cường điệu màu sắc, hương vị, người ngoại quốc chỉ nói đến dinh dưỡng, còn màu sắc và hương vị đều chẳng bận tâm. Thức ăn của họ rất khó ăn, họ ăn những thứ hết sức đơn điệu, gần như mỗi ngày đều ăn giống nhau. Người Hoa chẳng có thói quen ấy, hằng ngày phải thay đổi khẩu vị. Chẳng đổi món, sẽ nuốt không trôi! Đó là tập khí. Tôi thấy người ngoại quốc từ đầu năm đến cuối năm chẳng thay đổi khẩu vị, họ ăn theo cách đó. Thân thể họ khỏe mạnh hơn người Hoa, chúng ta thật sự thấu hiểu: Ăn uống đơn giản có lợi cho thân thể, thân thể dần dần [khôi phục] bình thường, giảm bớt khá nhiều bệnh tật. Tục ngữ Trung Hoa có câu: “Bệnh tùng khẩu nhập, họa tùng khẩu xuất” (Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra). Ham nói nhiều, dễ chuốc họa, chuốc lấy nỗi thị phi! Người Hoa thể chất thua kém người ngoại quốc, vì sao? Ăn uống là một nhân tố quan trọng nhất. Ẩm thực của người Trung Hoa quá phức tạp, nên thể cách (vóc dáng, kết cấu cơ thể, sức lực) chẳng bằng người ngoại quốc. Tôi học Phật, từ giáo lý mà thấu hiểu tâm thanh tịnh, tâm sẽ khỏe mạnh, thân thanh tịnh thì thân sẽ khỏe mạnh. Muốn cho thân thanh tịnh thì quý vị ăn uống tốt nhất là đơn thuần, càng đơn giản càng hay, càng hữu ích cho sức khỏe sinh lý, người ngoại quốc có biết đạo lý này hay không? Chẳng biết, nhưng cách làm của họ là chánh xác!
Nhưng người ngoại quốc tâm chẳng khỏe mạnh, đương nhiên là có mối quan hệ rất lớn đối với chế độ xã hội của họ. Chế độ xã hội theo chủ nghĩa tư bản có ưu điểm, nhưng khuyết điểm cũng rất sâu! Khuyết điểm là khiến cho cuộc sống của mỗi cá nhân căng thẳng, chẳng có cách nào đạt được sự yên bình. Quý vị thấy người ngoại quốc dễ già suy, vì sao già suy? Quá nhiều chuyện phải lo nghĩ, vì trong cuộc sống của họ, ưu điểm của xã hội tư bản chủ nghĩa là: Trên thực tế, mức sống bình quân chẳng sai lệch cho mấy! Chẳng hạn như trong mỗi gia đình, nhà nào cũng có máy móc điện khí hóa, nhà ở hết sức yên tĩnh, nhà nào cũng có xe hơi. Mức sống bình quân chênh lệch rất nhỏ; nhưng gánh nặng tâm lý quá nặng! Tất cả hết thảy những thứ họ hưởng thụ toàn là nợ tiền tín dụng, đó là khuyết điểm to lớn của xã hội tư bản. Giống như bên ngoại quốc mua nhà, căn nhà ấy giá mười vạn đồng, quý vị chỉ cần trả trước một phần mười, trả một vạn đồng liền mua được nhà, sống trong đó. Sau đấy, trả nợ từng kỳ, ba mươi năm mới trả sạch nợ! Tháng nào cũng phải trả, lãi suất cũng chẳng thấp. Nếu vay của ngân hàng chín vạn đồng, phải trả hơn một ngàn đồng [mỗi tháng]. Nếu thu nhập mỗi tháng của quý vị là ba ngàn đồng, căn nhà ấy đã chiếm hết một ngàn đồng, lại còn phải đóng thuế. Thuế rất nặng, gần như là một phần ba số tiền thu nhập. Bất quá người Mỹ rất vui vẻ đóng thuế, vì phúc lợi xã hội rất tốt, chánh phủ đích xác dùng món tiền ấy để phục vụ dân chúng. Thu nhập là ba ngàn đồng thì cuộc sống cũng khá căng thẳng. Còn phải đóng bảo hiểm, trả nợ xe, đều là trả nợ theo kỳ hạn, đâm ra toàn bộ đều mắc nợ, đều là vay nợ tín dụng. Bọn họ sống trong xã hội ấy đã quá quen thuộc, nhưng áp lực cuộc sống vẫn rất nặng. Người Hoa không quen sống như vậy, tôi chẳng thể nào sống cuộc đời như vậy, một thân nợ đìa ra, không được rồi! Sống cuộc đời ấy không nổi! Người Hoa thường nói: “Chẳng nợ nần, thân nhẹ tênh”. Chúng ta thường thấy người ngoại quốc hai mươi, ba mươi tuổi, nếp nhăn giữa hai mày rất sâu, từ đó thấy họ dễ già suy hơn người Hoa, có lắm nỗi lo nghĩ hơn chúng ta. Vì thế, phải nhận biết rõ ràng Ngã Kiến và Thân Kiến, phải coi chúng đạm bạc một chút, đừng chấp trước quá mức!
Liễu Phàm Tứ Huấn thật sự là một bộ sách hết sức có giá trị, vì sao? Đọc nhiều sẽ thật sự biết nhân quả báo ứng, hiểu “một miếng ăn, một hớp uống, không gì chẳng đã định sẵn”, lòng người thật sự an ổn, tâm an lý đắc. Người ấy đã hiểu rõ, minh bạch đạo lý ấy, bèn an tâm, chẳng tham cầu, cũng chịu bố thí những gì chính mình đang có, vì người ấy thật sự hiểu rõ bố thí mới là gieo phước thật sự, bố thí mới là tích lũy chân thật. Quý vị bỏ ra, nhưng phước báo vẫn còn, còn an toàn hơn cất trong ngân hàng, quyết định chẳng bị mất đi. Xác thực là một hớp uống, một miếng ăn, không gì chẳng đã định sẵn. Do đó, hiểu thân thể bất tịnh, chớ nên tham ái quá mức!
Thứ hai là “quán thọ là khổ”, Thọ (受) là hưởng thụ. Trong thế gian này, đừng nói là nhân gian, trên cõi trời cũng chẳng phải là ngoại lệ, dẫu sanh vào cõi trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng, những gì phải hứng chịu vẫn là khổ. Tam giới đều khổ, phải giác ngộ điều này! Dục Giới có ba nỗi khổ là Khổ Khổ, Hoại Khổ và Hành Khổ, hứng chịu toàn bộ! Khổ Khổ gồm có tám loại lớn: Sanh, lão, bệnh, tử, cầu chẳng được, yêu thương phải chia lìa, oán ghét mà cứ phải gặp gỡ, Ngũ Ấm lừng lẫy. Tám nỗi khổ ấy chen nhau nung nấu! Nếu muốn thật sự lìa khổ được vui, nói thật thà, chỉ có mình Tây Phương Cực Lạc thế giới. Chẳng sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, quý vị vĩnh viễn chẳng có cách nào lìa khỏi những nỗi khổ ấy, quyết định phải hứng chịu!
Thứ ba là “quán tâm vô thường”. Tâm ở đây là cái tâm như phàm phu thường nói, tức là vọng tưởng, ý niệm. Ý niệm này sanh, ý niệm kia bèn diệt. Từ sáng đến tối, nếu quý vị chú ý đôi chút, trong một ngày quý vị dấy lên bao nhiêu niệm, không chỉ nghĩ tới một chuyện. Nếu quý vị nghĩ tới một chuyện, đó là Định, quý vị liền nhập Định. Suy nghĩ loạn xạ là vô thường, tâm quả thật vô thường. Suy nghĩ loạn xạ những gì? Hoàn toàn nghĩ đến lục đạo luân hồi. Quý vị đừng nghĩ những gì thân thể tạo tác [mới là nghiệp], miệng nói năng là tạo nghiệp, chứ trong tâm dấy vọng tưởng không sao cả! [Nghĩ như vậy tức là] không biết: Dấy một vọng tưởng là tạo một nghiệp. Ý niệm sanh diệt là ý nghiệp; thân, khẩu, ý thảy đều tạo nghiệp. Thân khẩu tạo nghiệp thì đến lúc quý vị ngủ, chúng sẽ ngừng. Quý vị đang ngủ, thân chẳng tạo nghiệp, khẩu cũng chẳng tạo nghiệp, nhưng vẫn nằm mộng. Nằm mộng là gì? Ý đang tạo nghiệp, vẫn là không ngừng, đáng sợ quá! Ý tạo nghiệp hết sức nghiêm trọng, chúng ta phải hiểu chân tướng sự thật này!
Đức Phật thường dạy chúng ta nghĩ một điều, đừng nghĩ quá nhiều. Nghĩ một điều gọi là tam-muội, đã định rồi! Nói cách khác, trước khi đạt đến Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo, đều dùng thức thứ sáu (ý thức) để tu hành. Từ Sơ Trụ của Viên Giáo trở lên, mới thật sự bỏ thức dùng căn, chẳng dùng tâm ý thức. Khi ấy, dùng Chân Như bổn tánh, không phải là thánh nhân bình phàm, mà là đại thánh. Vì thế, phải hiểu: Tu học tam-muội đối với trình độ hiện tiền của chúng ta là dùng thức thứ sáu (ý thức), biến niệm Phật thành thói quen, giống như Thiện Đạo đại sư đã dạy chúng ta một phương pháp: “Thân chuyên lễ A Di Đà Phật”. Chúng ta thờ hình tượng Phật, Bồ Tát, chỉ thờ một bức tượng, suốt đời chẳng thay đổi. Thờ tượng Phật chẳng cần quá cầu kỳ, chẳng cần phải thờ tượng là đồ cổ đã mấy trăm năm, hoặc mấy ngàn năm. [Thờ đồ cổ] như vậy chẳng nên, vì sao? Trong tâm vướng mắc! Đây là báu vật, sợ kẻ khác trộm mất, sợ bị tổn hoại, tâm dấy lên nỗi vương vấn, tăng trưởng vọng niệm! Thờ một pho tượng Phật thông thường, tượng Phật trang nghiêm, chúng ta nhìn vào sanh tâm hoan hỷ là được rồi, suốt đời chẳng thay đổi. Ta mỗi ngày nhìn tượng, lễ bái, trong tương lai chính mình vãng sanh, A Di Đà Phật sẽ hiện thân giống như pho tượng quý vị đang thờ, sẽ chẳng sai lầm! Con mỗi ngày ngắm Ngài, mỗi ngày lạy Ngài, nay thật sự gặp mặt. Phật, Bồ Tát tùy loại hóa thân, Phật, Bồ Tát chẳng có tướng nhất định. Tướng của Phật, Bồ Tát được sanh ra và biến hiện từ tâm tưởng của chúng sanh. Quý vị thường thay đổi tượng thờ, đến lúc lâm chung, A Di Đà Phật hiện đến, [bèn phân vân]: “Hình tượng này rốt cuộc có đúng hay không?” Quý vị vẫn đánh dấu hỏi, chuyện này sẽ phiền phức to lắm! Dẫu được vãng sanh, nhưng kinh đã nói “sanh về biên địa, nghi thành”. Vì thế, thờ nhiều tượng chẳng bằng thờ một bức, mỗi ngày ngắm nhìn, hằng ngày lễ bái, ghi nhớ trong tâm, ba nghiệp chuyên cần, đó là tu Định, là tu Niệm Phật tam-muội. Tu thành công bèn gọi là nhất tâm bất loạn. Niệm Phật tam-muội là danh xưng chung. Công phu thành phiến, Sự nhất tâm bất loạn, Lý nhất tâm bất loạn, đều là Niệm Phật tam-muội nói theo công phu cạn hay sâu. Chỉ cần niệm đến công phu thành phiến, bèn đắc Niệm Phật tam-muội, quả thật sẽ nắm chắc chuyện vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, đó gọi là Chánh Thọ. Vì vậy, phải biến tâm vô thường thành thường, thường nghĩ tới một chuyện.
Thứ tư là “quán pháp vô ngã”. Ngã (我) có nghĩa là chúa tể, tự tại; đó là định nghĩa của Ngã. Thân thể này của chúng ta, thân cũng là một pháp, trong ấy có Ngã hay không? Hãy nghĩ xem quý vị có tự tại hay không? Chính quý vị có thể làm chủ hay không? Không thể làm chủ! Nếu chính mình thật sự có thể làm chủ, [có thể khiến cho mình] tuổi trẻ, xinh đẹp thì hay quá! Năm nào cũng đều là mười tám tuổi, hay quá! Mỗi năm một mực một già hơn, tức là chẳng thể làm chủ! Chẳng có gì mà chính mình có thể tự tại, làm chủ được! Vì thế, Ngã chỉ có cái tên suông mà thôi, chẳng có Ngã thật sự! Nếu quý vị thường khởi lên sự quan sát thân tâm thế giới như vậy, sẽ có trí huệ, chẳng bị thân, tâm, thế giới mê hoặc.
Tứ Niệm Xứ là bốn cách quan sát trí huệ, [vận dụng bốn pháp ấy], thân tâm thế giới mới có thể buông xuống được!
(Sao) Tứ Chánh Cần giả, giải kiến tiền văn. Dĩ sanh thiện diệt ác, bất giải thi cố, danh chi vi Cần. Cần sở đương cần, hợp ư lý cố, danh Chánh Cần dã.
(鈔) 四正勤者,解見前文。以生善滅惡,不懈弛故,名之為勤。勤所當勤,合於理故,名正勤也。
(Sao: Tứ Chánh Cần: Xem giải thích trong đoạn văn thuộc phần trước. Do sanh thiện, diệt ác, chẳng lười nhác, buông lung. Siêng năng những chuyện đáng nên siêng năng, do hợp lý nên gọi là Chánh Cần).
Tứ Chánh Cần chia thành hai cảnh giới thiện và ác. “Dĩ sanh ác linh đoạn, vị sanh ác linh bất sanh” (Điều ác đã sanh bèn làm cho đoạn dứt, điều ác chưa sanh khiến cho nó chẳng sanh), đó là hai điều ác. Ta đã làm chuyện ác, từ hôm nay trở đi, hãy đoạn dứt nó, sau này chẳng còn làm nữa. Phải siêng năng đoạn ác. Điều ác chưa sanh, phải thường dấy lên sự cảnh giác, quyết định chẳng để nó sanh khởi. Đó là Chánh Cần đối với điều ác. Đối với thiện, “dĩ sanh thiện linh tăng trưởng” (điều thiện đã sanh bèn khiến cho nó tăng trưởng), biết điều ấy là chuyện tốt, ta hy vọng chuyện tốt có thể có tiến bộ, có thể tăng trưởng. “Vị sanh thiện linh sanh” (Điều thiện chưa sanh khiến cho sanh), biết có rất nhiều việc thiện, nhưng ta còn chưa phát tâm thực hiện, phải khích lệ chính mình, phát tâm nỗ lực thực hiện. Bốn điều này được gọi là Chánh Cần, vì sao? Do chúng hợp lý, hãy nên siêng năng [thực hiện].
(Sao) Tứ Như Ý giả, diệc danh Tứ Thần Túc.
(鈔) 四如意者,亦名四神足。
(Sao: Tứ Như Ý còn gọi là Tứ Thần Túc).
“Thần” là thần thông, Túc là Mãn Túc (滿足: trọn đủ, thỏa mãn). Bốn thứ thần thông ấy đều trọn đủ, hễ trọn đủ bèn như ý. Như Ý là thỏa mãn, nên Như Ý chính là dịch theo ý nghĩa.
(Sao) Sở vị Dục Như Ý Túc, Tâm Như Ý Túc, Cần Như Ý Túc, Huệ Như Ý Túc.
(鈔) 所謂欲如意足、心如意足、勤如意足、慧如意足。
(Sao: Chính là Dục Như Ý Túc, Tâm Như Ý Túc, Cần Như Ý Túc, Huệ Như Ý Túc).
Là bốn loại ấy.
(Sao) Lương do Niệm Xứ Chánh Cần dĩ lai, tinh tấn tăng đa, Định tâm sảo nhược, tu thử tứ chủng Định lực nhiếp tâm, tắc Trí, Định quân đẳng, năng đoạn kết sử, sở nguyện giai toại, danh Như Ý Túc dã. Hợp thử thất loại, tắc vi tam thập thất phẩm.
(鈔) 良由念處正勤以來,精進增多,定心稍弱,修此四種定力攝心,則智定均等,能斷結使,所願皆遂,名如意足也。合此七類,則為三十七品。
(Sao: Do Tứ Niệm Xứ và Tứ Chánh Cần mà tinh tấn tăng thêm nhiều, Định tâm khá yếu, tu bốn thứ Định lực này để nhiếp tâm, ắt Trí và Định sẽ cân bằng, có thể đoạn kết sử, sở nguyện đều toại, nên gọi là
Như Ý Túc. Hợp bảy loại này sẽ thành ba mươi bảy phẩm).
Ở đây, bốn điều này được giải thích rất rõ ràng. Cả bốn điều đều thuộc về Định, tri túc là Định. Tri túc, tâm sẽ chẳng cầu. Điều thứ nhất là Dục. Người đời nói “biển dục khó lấp đầy”, dục vọng của con người chẳng có đáy! Vì thế, bảo quý vị phải tri túc, bảo quý vị quay đầu. Những người giàu có, sang trọng ở Trung Hoa xưa kia tay thường cầm Như Ý. Như Ý có ý nghĩa gì? Đầu của cây Như Ý cong ngược lại, nhìn thấy thứ ấy, bèn nghĩ: “Ta phải tri túc, phải quay đầu. Đủ rồi! Chớ nên mong nhiều hơn nữa”. Quay đầu như ý, hễ quay đầu bèn như ý. Nhà Phật nói: “Quay đầu là bờ”. Phú quý đến một mức độ nào đó, chớ nên tăng hơn nữa. Tăng hơn nữa, họa hại sẽ đưa tới! Do đó, đã đạt đến một mức độ kha khá, người có trí huệ bèn quay đầu, chẳng cầu nữa. Người đọc sách tại Trung Quốc xưa kia quả thật có trí huệ. Vào cuối đời Thanh, Tăng Quốc Phiên rất lỗi lạc. Tăng Quốc Phiên làm quan, đại khái dưới hoàng đế là ông ta. Ông ta từng làm Tổng Đốc bốn tỉnh. Đời Thanh, chức quan địa phương lớn nhất là Tổng Đốc. Tổng Đốc cai quản hai tỉnh, Tuần Phủ giống như Tỉnh Trưởng, cai quản một tỉnh. Trên Tuần Phủ là Tổng Đốc, Tổng Đốc cai quản hai tỉnh. Chức Tổng Đốc của Tăng Quốc Phiên là Đại Tổng Đốc, trông coi bốn tỉnh. Từ khi có nhà Thanh đến nay, chẳng có ai làm quan to như ông ta. Thư phòng của ông có treo một bức hoành phi đề Cầu Khuyết Trai (求闕齋). Người ta cầu viên mãn, ông cầu thiếu sót một chút, đó là ý nghĩa “quay đầu”. Ông ta biết quay đầu, nên còn có thể bảo toàn địa vị, chẳng gặp đố kỵ, còn có thể duy trì cả nhà, con cháu đều vẫn khá lắm, mãi cho đến hiện tại. Hiện thời, tại Đài Loan, bà Tăng Bảo Tôn[4] là hậu duệ của Tăng Quốc Phiên. Đó là hữu đức, biết quay đầu. Bốn điều ấy đều là tri túc, tri túc đối với bốn thứ pháp môn. Hôm nay đã hết thời gian rồi, giữ lại đoạn này để lần sau tôi sẽ cùng quý vị nghiên cứu cặn kẽ hơn.
[1] Ngũ Chủng Trí là Pháp Giới Thể Tánh Trí, Đại Viên Kính Trí, Bình Đẳng Tánh Trí, Diệu Quán Sát Trí và Thành Sở Tác Trí.
[2] Hai mươi lăm môn tam-muội nhằm đối trị hai mươi lăm loại lưu chuyển sanh tử trong tam giới, chính là: 1) Vô Cấu tam-muội nhằm phá hoại địa ngục đạo. 2) Bất Thoái tam-muội nhằm phá hoại súc sanh đạo. 3) Tâm Nhạo tam-muội nhằm phá hoại ngạ quỷ đạo. 4) Hoan Hỷ tam-muội nhằm phá hoại A Tu La đạo. 5) Nhật Quang tam-muội nhằm phá trừ cõi Đông Phất Bà Đề. 6) Nguyệt Quang tam-muội nhằm phá trừ cõi Tây Cù Gia Ni. 7) Nhiệt Diễm tam-muội nhằm phá trừ Bắc Uất Đan Việt. 8) Như Huyễn tam-muội nhằm phá trừ Nam Diêm Phù Đề. 9) Bất Động tam-muội nhằm trừ Tứ Thiên Xứ. 10) Nan Phục tam-muội nhằm trừ cõi Tam Thập Tam Thiên. 11) Duyệt Ý tam-muội nhằm trừ Diêm Ma Thiên. 12) Thanh Sắc tam-muội nhằm trừ Đâu Suất Thiên. 13) Hoàng Sắc tam-muội nhằm trừ Hóa Lạc Thiên. 14) Xích Sắc tam-muội nhằm trừ Tha Hóa Tự Tại Thiên. 15) Bạch Sắc tam-muội nhằm trừ cõi Sơ Thiền. 16) Chủng Chủng tam-muội nhằm trừ Đại Phạm Thiên. 17) Song tam-muội nhằm trừ cõi Nhị Thiền. 18) Lôi Âm tam-muội nhằm trừ cõi Tam Thiền. 19) Chú Vũ tam-muội nhằm trừ cõi Tứ Thiền. 20) Như Hư Không tam-muội nhằm trừ cõi Vô Tưởng Thiên. 21) Chiếu Kính tam-muội nhằm trừ cảnh giới Tịnh Cư A Na Hàm. 22) Vô Ngại tam-muội nhằm trừ Không Xứ Thiên. 23) Thường tam-muội nhằm trừ Thức Xứ Thiên. 24) Lạc tam-muội nhằm trừ Bất Dụng Xứ Thiên. 25) Ngã tam-muội nhằm trừ Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên.
[3] Pháp sư Đông Sơ (東初,1908-1977) là một vị danh Tăng thời cận đại, húy là Đăng Lãng, hiệu Đông Sơ, họ Phạm, quê ở huyện Thái, tỉnh Giang Tô. Năm 1920, Sư xuống tóc theo hầu hòa thượng Tịnh Thiền tại Quán Âm Am ở Giang Tô, thọ Cụ Túc Giới năm 1929. Năm 1934, Sư tốt nghiệp trường Mân Nam Phật Học Viện ở Hạ Môn do Thái Hư đại sư chủ trì. Năm 1935, Sư được hòa thượng Trí Quang chùa Định Huệ tại Trấn Giang phó pháp tông Tào Động, kế thừa pháp mạch Tào Động. Năm 1949, Sư sang Đài Loan, từng đảm nhiệm các chức vụ Xử Lý Thường Vụ hội Phật Giáo Trung Quốc. Năm 1950, Sư bế quan tại chùa Pháp Tạng ở Bắc Đầu để đọc Đại Tạng Kinh ròng rã suốt ba năm. Sư chủ trì việc ấn hành Đại Tạng Kinh từ năm 1955 sau khi đã thành lập Trung Hoa Phật Giáo Văn Hóa Quán nhằm đề cao văn hóa Phật Giáo. Hai học trò nổi tiếng nhất của Sư là pháp sư Thánh Nghiêm (người sáng lập Pháp Cổ Sơn) và pháp sư Thánh Khai (Từ Quang Sơn).
[4] Tăng Quốc Phiên (1811-1872), có tên ban đầu là Tử Thành, tự Bá Hàm, hiệu Điều Sanh, người xứ Tương Hương, phủ Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, là cháu bảy mươi đời của Tăng Sâm. Ông là một danh tướng cuối đời Thanh, được coi là một chính trị gia, quân sự gia, lý học gia và văn học gia lỗi lạc thời ấy. Cùng với các ông Lý Hồng Chương, Tả Tông Đường, Trương Chi Động, được gọi là Vãn Thanh Tứ Đại Danh Thần (bốn vị quan nổi tiếng cuối đời Thanh). Ông học giỏi, nhưng học hành lận đận, mãi tới năm Đạo Quang 18 (1838) mới đỗ Tiến Sĩ. Ông từng làm quan tới chức Vũ Anh Điện Đại Học Sĩ, kiêm Lưỡng Giang Tổng Đốc, tước Nghị Dũng Hầu, thụy hiệu là Văn Chánh. Chiến công lừng lẫy nhất của ông là dẹp yên loạn Thái Bình Thiên Quốc. Tính tình ông cương trực, viết sớ tấu can gián vua Hàm Phong không kiêng dè. Bài sớ “kính trần thánh đức tam đoan dự phòng lưu tệ sớ” (kính trình ba điều chỉnh đốn đức hạnh của nhà vua để ngăn ngừa các điều tệ hại nẩy sanh) khiến vua Hàm Phong đọc xong, nộ khí xung thiên, vứt xuống đất, lấy chân chà đạp. Khi quân Thái Bình Thiên Quốc chiếm cứ Nam Kinh, uy hiếp Hồ Nam, ông đã tập hợp thân thích, nghĩa dũng trong tỉnh, huấn luyện thành đội quân vũ trang gọi là Tương Quân, đồng thời mua hỏa pháo của Tây phương, huấn luyện thủy binh, nên đã thành công dẹp tan quân phản loạn.
Tăng Bảo Tôn (1891-1978), tự Bình Phương, biệt hiệu là Hạo Như, là một nhà nữ giáo dục của Trung Hoa. Bà là chắt của Tăng Quốc Phiên, và là con gái của Tăng Quảng Quân. Năm 1911, bà là một trong những nữ sinh viên đầu tiên sang du học Anh Quốc, đỗ Cử Nhân tại đại học Luân Đôn, sau đó lại tiếp tục theo học các chương trình hậu đại học tại các trường Oxford và Cambridge. Bà hồi hương năm 1917, sáng lập Nghệ Tô Nữ Hiệu dành cho nữ sinh viên, từng làm hiệu trưởng các trường nữ sinh tại Hồ Nam. Năm 1947, bà làm dân biểu tỉnh Hồ Nam, kiêm ủy viên của Hội Công Tác Phụ Nữ của Quốc Dân Đảng, Phó Chủ Nhiệm Hội Trù Bị Quang Phục Đại Lục.