Tập 109/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 03-003-0289

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 109

Xin xem A Di Đà kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang hai trăm hai mươi:

          (Sớ) Độc cử thiên nhị bách ngũ thập nhân giả, dĩ thường tùy cố.

          () 獨舉千二百五十人者,以常隨故。

          (Sớ: Riêng nêu lên một ngàn hai trăm năm mươi người vì họ thường theo đức Phật).

          Thính chúng được liệt kê trong kinh Phật đại đa số đều là một ngàn hai trăm năm mươi vị, chỉ có rất ít kinh là ngoại lệ. Vì sao đều nêu lên một ngàn hai trăm năm mươi vị? Đại sư bảo những vị ấy là Thường Tùy Chúng của đức Phật.

          (Sao) Thường tùy giả, vị Phật xuất thế gian, sở độ La Hán, tỳ-kheo, thậm đa vô lượng, hà độc cử thử?

          ()常隨者,謂佛出世間,所度羅漢比丘,甚多無量,何獨舉此。

          (Sao: “Thường tùy” nghĩa là: Đức Phật xuất hiện trong thế gian, độ La Hán, tỳ-kheo số nhiều đến vô lượng, cớ sao nêu riêng những vị này?)

          Thuở Phật tại thế, quả thật đã độ rất nhiều người; vì sao thường nêu con số này?

          (Sao) Dĩ thử thiên nhị bách ngũ thập nhân giả, tối tiên quy Phật.

          () 以此千二百五十人者,最先歸佛。

          (Sao: Do một ngàn hai trăm năm mươi người này quy y đức Phật sớm nhất).

          Đấy là những vị được đức Phật độ sớm nhất. Sau khi đắc độ, những vị này thường chẳng rời đức Phật, đức Phật đi đến đâu, các Ngài đều theo đến đó.

          (Sao) Hựu thường bất ly Phật, trực chí Phật diệt, cố độc cử dã.

          () 又常不離佛,直至佛滅,故獨舉也。

          (Sao: Lại thường chẳng rời đức Phật mãi cho đến khi đức Phật diệt độ, nên nêu riêng những vị này).

          Mãi cho đến sau khi đức Phật thị hiện Bát Niết Bàn (nhập Niết Bàn), các Ngài mới rời khỏi; vì thế, trong kinh thường nhắc tới những vị này. Những vị này đều chẳng phải là người tầm thường, trong Phật môn thường nói: “Một vị Phật ra đời, ngàn vị Phật ủng hộ”. Nếu đức Phật đến nơi nào đó giảng kinh mà chẳng có ai nghe, hoằng pháp sẽ chẳng có hiệu quả. Năm ngoái, tôi sang Tân Gia Ba, pháp sư Diễn Bồi bảo tôi: “Đừng nên sang Mỹ!” Vì sao chẳng thể sang? Sư nói: “Chúng ta là pháp sư giảng kinh, sang bên đó không có thính chúng, chúng ta sang làm gì?” Chẳng làm gì được hết! Lời ấy nói rất có lý! Ở Mỹ, thính chúng có thể đông tới cả trăm người, cũng là rất nhiều, pháp duyên thù thắng hiếm có, có tình hình như thế, nhưng đó là chuyện đôi khi, giống như chúng tôi một hai năm, sang đó một lần, họ đăng báo, phát thông cáo, tổ chức pháp hội. Pháp hội kéo dài dăm ba ngày thì được, cũng có thể đông tới hai ba trăm người, là hiện tượng rất hiếm có. Nếu giảng kinh trong một thời gian dài như ở nơi đây, giảng mỗi ngày, sợ rằng không có ai đến nghe, có được đôi ba người đến nghe cũng chẳng thể coi là ít! Đấy là tình hình tại Mỹ. Do vậy, ở nơi ấy, Phật pháp vẫn chưa truyền tới bên đó! Giảng kinh bên Tân Gia Ba, thông thường là thính chúng từ năm trăm người trở lên, cho tới khoảng chừng một ngàn người là hiện tượng rất thường thấy, rất phổ biến. Vì thế, bên đó nghe kinh thù thắng hơn chúng ta ở nơi đây!

          Đức Phật xuất hiện trên thế gian chẳng thể không có thính chúng, trong số một ngàn hai trăm năm mươi người ấy, có rất nhiều vị là cổ Phật tái lai. Nếu không phải là cổ Phật thì gần như cũng là đại Bồ Tát, đều là minh tâm kiến tánh đăng địa Bồ Tát, hoặc Viên Giáo địa thượng Bồ Tát. Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện trên thế gian này chẳng có thính chúng, các Ngài sẽ đến làm thính chúng. Đã làm thính chúng, đương nhiên chẳng thể dùng thân phận Phật hay Bồ Tát, chẳng thể làm như vậy, nhất loạt theo Phật đến thế gian này, thị hiện làm một gã ngoại đạo, hay một kẻ phàm nhân, toàn bộ đều là thị hiện. Không chỉ thính chúng là thị hiện, ngay cả những vị hộ pháp cũng đều là thị hiện, giống như diễn tuồng, toàn thể gánh hát do Phật dẫn đến. Vua Ba Tư Nặc, theo kinh Phật cho biết, chính là Tứ Địa Bồ Tát thị hiện hộ pháp. Phàm phu làm sao hiểu được chỗ hay của Phật pháp? Chẳng hiểu được! Lúc ấy, Phật, Bồ Tát giáng lâm, đương nhiên cũng có Phật, Bồ Tát đồng thời giáng hạ thị hiện làm quốc vương, đại thần, trưởng giả, cư sĩ đến hộ trì Phật pháp, Phật pháp mới hưng long! Có thể thấy nhân duyên thù thắng chẳng thể nghĩ bàn.

          Trong một ngàn hai trăm năm mươi người; trước hết, đức Phật tại Lộc Dã Uyển chuyển pháp luân, độ năm tỳ-kheo, tôn giả Kiều Trần Như đắc độ đầu tiên. Năm người ấy đều có quan hệ thân thuộc với Thích Ca Mâu Ni Phật; vốn do Thích Ca Mâu Ni Phật bỏ nhà ra đi, cha Ngài rất lo lắng, chỉ sợ Ngài xuất gia, nên phái năm người ấy đi tìm, mục đích là tìm Ngài về, chẳng để cho Ngài xuất gia. Nào ngờ, đức Phật thần thông quảng đại, đều độ hết năm vị này, đấy là chuyện tại Lộc Dã Uyển. Về sau, gặp gỡ ba vị Ca Diếp, tôn giả Ca Diếp tu theo ngoại đạo, các Ngài có đồ chúng; ngài Đại Ca Diếp có năm trăm đệ tử, do vậy, đoàn thể này khá to. Hai vị kia là anh em của ngài Ca Diếp, mỗi người có hai trăm năm mươi người. Thầy trò ba vị Ca Diếp gộp thành một ngàn người. Họ gặp Phật, cũng đắc độ, biến thành một ngàn lẻ năm người. Về sau, gặp gỡ Mục Kiền Liên và Xá Lợi Phất, hai vị này cũng là thủ lãnh ngoại đạo, mỗi người có đồ chúng một trăm người. Kết quả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên theo Phật xuất gia, các đồ chúng của hai Ngài cũng đều xuất gia theo Phật; vì thế, có một ngàn hai trăm lẻ năm người. Ngoài ra, còn có năm mươi đồng tử cũng đắc độ; hợp thành Tăng đoàn một ngàn hai trăm năm mươi lăm người. Do năm người là số lẻ không nói tới, nên một ngàn hai trăm năm mươi người là số tròn, trên thực tế là một ngàn hai trăm năm mươi lăm người.

          Những người ấy đều là Phật, Bồ Tát đại quyền thị hiện, giúp [Thích Ca Mâu Ni] Phật hoằng dương Phật pháp. Đức Phật tại thế, phàm phu chúng ta gặp Phật cũng chẳng hỏi được câu nào, mà cũng chẳng biết đức Phật cao minh. Các Ngài và đức Phật một hỏi, một đáp, chúng ta ở bên cạnh càng nghe, càng thấy có lý, tâm cung kính mới dấy lên, bởi lẽ, các Ngài đều là bậc tái lai. Trước hết, thị hiện tu hành trong ngoại đạo, tu bao nhiêu năm chẳng thành tựu gì. Các Ngài tu hành thật sự tinh tấn, nhưng chẳng có thành tựu; vừa gặp gỡ đức Phật, được đức Phật giảng cho các Ngài mấy câu, bèn chứng quả. Quý vị hãy nghĩ xem: Há người thường có thể làm được ư? Mấy câu liền chứng quả. Vì thế, chịu ơn đội đức, nhớ mãi không quên ân đức của Phật, suốt đời chẳng rời khỏi Phật. Các Ngài đều là nêu gương cho người đời sau. Biết người đời sau, phàm phu học Phật thiếu kiên nhẫn, học được ba tháng, nửa năm, bèn bỏ đi, làm sao có thể thành tựu cho được? Người ta thân cận thầy, suốt đời chẳng rời khỏi thầy, nên mới có thành tựu! Đấy đều là nêu gương cho chúng ta, nhằm dạy chúng ta phải nên thân cận thiện tri thức, thân cận thầy như thế nào, nêu gương cho chúng ta thấy để chúng ta học tập theo thì mới có thể thành tựu.

          Vì thế, thuở trước, vào thời cổ, thường là thân cận một vị thầy. Chúng ta đọc Cao Tăng Truyện, hay xem ngữ lục của một tông nào, sẽ thấy theo thầy mười năm là chuyện rất bình thường, chẳng kể là nhiều! Thân cận thầy hai ba chục năm là chuyện luôn nghe thấy, thường thấy. Còn những vị giống như một ngàn hai trăm năm mươi vị này, cả đời chẳng rời khỏi thầy là người như thế nào? Người thật sự minh tâm kiến tánh chứng quả! Đừng nói chi khác, quý vị đọc Lục Tổ Đàn Kinh, trong hội của Lục Tổ đại sư, thật sự đắc độ tổng cộng bốn mươi hai người, trong số bốn mươi hai người ấy, có rất nhiều người cả đời chẳng rời khỏi Lục Tổ. Sau khi Lục Tổ viên tịch, họ mới rời khỏi, mỗi người đến giáo hóa một phương. Những vị ấy đều là học Phật, thật sự học đạt thành tựu ở nơi ấy. Vì thuở ấy, quy mô Tăng đoàn của Lục Tổ cũng khá lớn, đạo tràng của Ngài có mấy ngàn người, một người giáo hóa cũng chẳng xuể, cho nên những đồ đệ đắc đạo chẳng rời khỏi thầy, giúp thầy dạy học, thành tựu đại chúng, giống hệt như những vị thường tùy đệ tử ở đây. Vì thế, trong các thính chúng, đặc biệt nêu lên những vị ấy, chứ chẳng nhắc

tới những người khác.

          (Sao) Kỳ tha tán tại tứ phương, tuy thiên lý diện đàm, nhi cứ tích thành văn, thường pháp ưng nhĩ.

            ()其他散在四方,雖千里面談,而據迹成文,常法應爾。

          (Sao: Những vị khác rải rác khắp bốn phương, tuy cách xa ngàn dặm vẫn giống như đích thân gặp mặt đàm luận, nhưng xét theo dấu vết để ghi chép thì vẫn nên theo lệ thường như vậy).

          Đoạn này nói đến các đệ tử khác, chẳng theo Phật, chẳng thường ở cạnh Phật, bọn họ rải rác mỗi nơi, ở mỗi nơi đều hoằng pháp lợi sanh, phổ biến, tuyên dương Phật giáo, lợi ích trọn khắp hết thảy chúng sanh. Làm như vậy, đối với chính mình, dường như chẳng phải là lỡ làng sự tu hành chính mình ư? Nói thật ra, đó gọi là “giáo học tương trưởng” (người dạy và kẻ học cùng tiến triển), đều có tiến bộ. Tuy dạy học bên ngoài, vẫn chẳng thể tách rời thầy; vì thế, ở đây nói là “thiên lý diện đàm”.

          “Thiên lý diện đàm” là một điển cố, tức là chuyện xảy ra vào đời Đường tức thời Đường Thái Tông. Đường Thái Tông quả thật rất giỏi. Thuở ấy là những năm cuối đời Tùy, thiên hạ đại loạn, quần hùng mỗi người chiếm cứ một phương, mỗi người tự mình xưng vương, quốc gia biến thành cục diện chia năm, xẻ bảy. Cha nhà vua (tức Đường Cao Tổ) chiếm một vùng đất[1], cũng xưng vương, chính nhà vua thường dẫn binh ra ngoài đánh nhau, khi đó, vua (Đường Thái Tông) chỉ mới mười sáu tuổi. Lúc khởi nghĩa, nhà vua mới mười sáu tuổi, thống lãnh đại quân bình định thiên hạ; vì thế, thật sự là một người rất giỏi. Vua có những trợ thủ giỏi, trong các trợ thủ có một người là Phòng Huyền Linh. Sau này, khi vua làm hoàng đế, Phòng Huyền Linh làm Tể Tướng. [Trước đó, khi chưa làm hoàng đế, còn là một vị tướng cầm quân dưới quyền cha, Đường Thái Tông] thường sai Phòng Huyền Linh đến gặp cha, báo cáo tình hình trong quân ngũ. Phòng Huyền Linh nói rất rõ ràng, rành rẽ, Đường Cao Tổ cũng rất khen ngợi, nói Phòng Huyền Linh đến đây báo cáo, giống như nói chuyện trực tiếp với Thái Tông, đó gọi là “thiên lý diện đàm”.

          Nêu lên ý nghĩa này, tức là nói thật ra, tuy các đệ tử Phật giáo hóa chúng sanh ở mỗi nơi, vẫn thường sai người về thỉnh giáo Phật, xin Phật chỉ dạy, nên [lời Sớ] nêu ra lệ này. Có thể thấy là từ đầu đến cuối gìn giữ mối liên hệ này, trọn chẳng tách rời. Huống chi hằng năm còn có ba tháng an cư mùa Hạ, kết hạ an cư nghĩa là gì? Nói theo cách hiện thời là tái giáo dục, tấn tu giáo dục (giáo dục bổ sung nhằm nâng cao trình độ). Hằng năm quý vị ở bên ngoài giáo hóa chúng sanh chín tháng, ba tháng trở về được Phật tái giáo dục, quy chế này vô cùng hay. Giống như các thầy cô trong nhà trường hiện tại, nghỉ Đông, nghỉ Hè, nếu chẳng tấn tu, sẽ vĩnh viễn chẳng có tiến bộ. Họ dạy một cấp lớp, năm nào cũng dùng sách giáo khoa cho cấp lớp ấy, chẳng cần phải chuẩn bị, dùng một bản giáo án có thể dạy suốt đời!

          Phật pháp chẳng giống như vậy, thầy dạy học trong Phật pháp, những thứ họ dạy, năm nào cũng có tiến bộ, mỗi năm đều có những thứ mới. Bởi lẽ, an cư mùa Hạ chính là tấn tu giáo dục dành cho các thầy giáo, quy chế này vô cùng hoàn mỹ. Mãi cho đến gần đây, xã hội mới hiểu tầm trọng yếu của tái giáo dục. Vì sao? Hiện thời kỹ thuật mỗi tháng, mỗi ngày đều đổi khác, nếu chẳng tiếp nhận tái giáo dục, quý vị sẽ lạc hậu, chẳng có cách nào đuổi kịp. Vì vậy, ở ngoại quốc có nhiều công ty, hằng năm tối thiểu các viên chức phải có một lần được gởi đi huấn luyện nhằm tiếp nhận giáo dục khoa học kỹ thuật mới mẻ thì họ mới có thể đuổi kịp người khác. Từ ba ngàn năm trước, đức Phật đã khởi xướng làm chuyện ấy, tiến hành hoàn mỹ như thế, Phật pháp là như thế đó!

          “Cứ tích thành văn, thường pháp ưng nhĩ”, hai câu này nghĩa là gì? “Tích” (迹) là dấu vết, hình tướng, vì chẳng thể nói tới căn bản, [các vị ấy] căn bản là cổ Phật tái lai hoặc đại Bồ Tát tái lai, chẳng thể nói, nên chúng ta chỉ luận theo dấu vết, hình tướng. Theo mặt dấu vết, hình tướng, các Ngài là ngoại đạo, theo Phật xuất gia, do tôn sư trọng đạo, báo đáp ân thầy, nên vĩnh viễn chẳng rời khỏi, hãy nên biết là như vậy.

Đấy là đạo thầy trò!

(Sao) Như Trọng Ni chi môn, hiền đạt chi sĩ, cái tam thiên yên.

() 如仲尼之門,賢達之士,蓋三千焉。 

(Sao: Như trong cửa Khổng, bậc hiền đạt có đến ba ngàn người).

“Trọng Ni” là [tên tự của] Khổng lão phu tử. Khổng lão phu tử xuất hiện tại phương Đông, ở Trung Quốc, Ngài cũng tiến hành giáo dục giống như Thích Ca Mâu Ni Phật; có thể nói Thích Ca Mâu Ni Phật và Khổng lão phu tử suốt đời chú trọng tiến hành sự nghiệp giáo dục; nhưng Khổng lão phu tử là giáo dục bình dân, Thích Ca Mâu Ni Phật tuy là quý tộc, Ngài cũng hạ mình làm bình dân, có thể nói hai vị đều đề xướng giáo dục bình dân. Từ chỗ này, chúng ta nhận biết rõ ràng, Phật giáo là giáo dục của đức Phật, phải nhận thức bản chất rõ ràng. Thế nhưng đức Phật vứt bỏ phú quý, công danh trong nhân gian để xuất gia tu đạo, giáo hóa chúng sanh; còn Khổng lão phu tử chẳng giống như vậy. Quý vị đọc Luận Ngữ, [sẽ thấy] Khổng lão phu tử niệm niệm muốn làm quan, mong thực hiện hoài bão chính trị. Ngài đích xác là một người tốt, mong mỏi đạt đến mục đích chánh trị đúng lý, đúng pháp. Vì vậy, Ngài đi các nơi du thuyết; nhưng thuở ấy, quốc vương các nước chư hầu đối với Ngài đều kính nhi viễn chi, chẳng dám dùng; vì sao không dám dùng Ngài? Nói thật ra, rất có lý, Ngài rất có khả năng, nhưng sau khi dùng Ngài, sợ Ngài phát động chánh biến đoạt mất chánh quyền, vì dưới tay Khổng lão phu tử có rất nhiều hiền nhân, nhân tài loại nào cũng đều có. Nói thật sự thì thuở ấy, Ngài muốn làm chánh biến rất dễ, nhân tài đầy dẫy, nhưng Ngài không dùng thủ đoạn ấy, mà sử dụng phương cách chánh đáng, chẳng dùng thủ đoạn trái với lẽ thường. Ngài muốn nêu gương cho hậu thế, chẳng dùng bạo lực, chẳng dùng thủ đoạn phi pháp để đoạt lấy chánh quyền. Quốc chủ mỗi nước đều chẳng dùng Ngài, chẳng có cách nào, nên Ngài trở về quê nhà, bắt đầu lo giáo dục trên cõi đời, thực hiện công tác giáo dục. Do vậy, giáo dục bình dân là do Khổng lão phu tử đề xướng. Thuở ấy, học trò Ngài có ba ngàn người, ba ngàn người đều là nhân tài.

          (Sao) Nhi độc cử thất thập tử giả.

       () 而獨舉七十子者。

          (Sao: Nhưng chỉ nhắc tới bảy mươi vị).

          Chẳng thường nói tới ba ngàn người, mà thường nhắc đến bảy mươi hai môn đệ của Khổng lão phu tử, tức Thất Thập Nhị Hiền, giống như trong các đệ tử của Thích Ca Mâu Ni Phật chỉ thường nhắc tới một ngàn hai trăm năm mươi người. Những vị này:

          (Sao) Cửu tại Tứ Tân, tương y Trần, Sái, diệc thường tùy cố.

          () 久在泗濱,相依陳蔡,亦常隨故。

          (Sao: Ở Tứ Tân đã lâu, nương náu đất Trần, đất Sái, cũng là thường theo thầy).

          Bảy mươi hai người ấy của Khổng lão phu tử cũng là thường tùy chúng của Ngài. Tứ Tân[2] là nơi Khổng Tử dạy học, thuộc tỉnh Sơn Đông. Hai nước Trần và Sái[3] là nơi Khổng Tử mắc nạn, họ cùng thầy đồng cam cộng khổ hứng chịu hoạn nạn, vẫn chẳng rời thầy! Khổng lão phu tử bị tuyệt lương nơi đất Trần, chẳng có gì ăn! Thánh nhân còn mắc nạn ấy, chúng ta là phàm phu nghiệp chướng sâu nặng, chịu khổ một chút thì chính mình phải giác ngộ, chớ nên hoài nghi.

          Nhị, biểu vị đức.

          (Kinh) Giai thị đại A La Hán, chúng sở tri thức.

          (Sớ) Thượng cú biểu vị, hạ cú biểu đức. Đại giả, giản dư tiểu Thanh Văn cố.

二表位德。

() 皆是大阿羅漢。眾所知識。

() 上句表位,下句表德。大者,揀餘小聲聞故。

          (Hai, biểu thị địa vị, phẩm đức.

Kinh: Đều là bậc đại A La Hán, được mọi người hay biết.

Sớ: Câu trên nói về địa vị. câu dưới biểu thị đức. Đại là phân biệt [các Ngài] chẳng phải là hàng Thanh Văn Tiểu Thừa nào khác).

                   Câu trên biểu thị địa vị, câu dưới biểu thị phẩm đức. Những vị ấy là hạng người nào? Đều là đại A La Hán. Đại A La Hán và A La Hán thông thường khác nhau. Đại là đối với Tiểu mà nói, họ là Đại Thừa A La Hán, chẳng phải là Tiểu Thừa A La Hán. Tiểu Thừa A La Hán chỉ cần đoạn Kiến Tư phiền não là được, Đại Thừa A La Hán gần như là nhanh chóng đoạn sạch vô minh. Chúng ta giải thích chữ A La Hán trước.

          (Sớ) Phạn ngữ A La Hán, thử hữu tam nghĩa: Nhất, Ứng Cúng; nhị, Sát Tặc; tam, Vô Sanh.

       ()梵語阿羅漢,此有三義:一應供,二殺賊,三無生。

          (Sớ: Tiếng Phạn A La Hán, ở đây có ba nghĩa: Một là Ứng Cúng; hai là Sát Tặc; ba là Vô Sanh).

          Trong từ ngữ tiếng Phạn A La Hán (Arhat) bao hàm ba ý nghĩa. Ý nghĩa thứ nhất là Ứng Cúng. “Ứng” là đáng nên, tức là xứng đáng tiếp nhận đại chúng cúng dường. Ngài đáng nên tiếp nhận, vì sao đáng nên tiếp nhận? Do trong đại chúng, Ngài mang thân phận là thầy, nên học trò cúng dường thầy, thầy cũng nên tiếp nhận sự cúng dường của học trò. Vì thầy theo đuổi công tác giáo dục, chẳng theo đuổi sản xuất, chẳng làm công việc kiếm lời, vậy thì Ngài sống bằng cách nào? Phải cậy vào người khác cúng dường. Sự cúng dường ấy cũng chẳng phong phú cho lắm. Bởi lẽ, từ xưa tới nay, Ấn Độ cũng vậy, mà Trung Quốc cũng thế, những người đọc sách đều thanh bần, vì họ chẳng có công việc sanh lợi. Người xuất gia xưng “bần tăng” vì họ thanh bần, tâm đặt nơi đạo. Nếu người ấy giàu có, tâm sẽ chẳng nghĩ đến đạo, tâm sẽ lo hưởng thụ ngũ dục, lục trần. Người đọc sách trong thế gian cũng giống như vậy, nếu họ giàu có, nhất định học vấn bị lui sụt. Thanh bần thì học vấn, đạo đức nhất định thanh cao. [Thế gian thường nói] “thanh bần, trọc phú”, rất có lý! Ứng Cúng là đáng nên tiếp nhận đại chúng cúng dường, khiến cho cuộc sống chẳng đến nỗi thiếu thốn.

Ý nghĩa thứ hai là Sát Tặc (giết giặc), sát tặc nghĩa là gì? Chữ “tặc” chỉ phiền não. Có những kẻ thấy từ ngữ này, [hiểu lầm] A La Hán vẫn khai sát giới ư? Nhà Phật dạy chẳng sát sanh, mà A La Hán khai sát giới, [hiểu như vậy] là sai lầm. Vì phiền não có thể phá hoại tự tánh công đức của chúng ta, giống như giặc. Đoạn phiền não là ý nghĩa “sát tặc”.

Ý nghĩa thứ ba là Vô Sanh, Vô Sanh là thật sự chứng đắc bất sanh bất diệt. Chúng ta thường nói “liễu sanh tử, thoát tam giới”, Ngài thật sự làm được. Còn có một ý nghĩa khác, mà ở đây không nói tới, đó là Vô Học. Vô Học là đã tốt nghiệp, những thứ phải học Ngài đã học xong, chẳng còn học nữa, tốt nghiệp rồi. Giống như A La Hán được gọi là Vô Học, [sở học của] các Ngài có Đại Thừa và Tiểu Thừa. Đối với Tiểu Thừa, thông thường chúng ta nói [Vô Học] là Tứ Quả La Hán, đối với Đại Thừa, [Vô Học] là Pháp Vân Địa Bồ Tát, tức Thập Địa Bồ Tát, Ngài cũng học xong rồi, lên cao hơn nữa là Đẳng Giác, chẳng khác Phật cho lắm, là hậu bổ Phật. Vì thế, Đại Thừa Thập Địa Bồ Tát được gọi là Đại A La Hán. Ở đây, xét về hình tích các Ngài là Tiểu Thừa A La Hán, trên thực tế, đều là Đại Bồ Tát tái lai, đều là Đại Thừa A La Hán! Nói cách khác, đây là ngầm dạy chúng ta các Ngài đều là Thập Địa Bồ Tát tái lai, chẳng phải là kẻ tầm thường.

          (Sớ) Tức tiền khất sĩ, bố ma, phá ác quả dã.

          () 即前乞士怖魔破惡果也。

          (Sớ: Tức là quả của khất sĩ, bố ma và phá ác trong phần trên).

           A La Hán là quả, tỳ-kheo là nhân. Tỳ-kheo tu nhân, tại nhân địa gọi là Khất Sĩ, nơi quả địa gọi là Ứng Cúng. Nơi nhân địa là Phá Ác, nơi quả địa là Vô Sanh. Nơi nhân địa là Bố Ma, nơi quả địa là Sát Tặc. Đây là nhìn từ phương diện nhân và quả.

          (Sớ) Tri thức giả, văn danh khâm đức viết Tri, đổ hình kính phụng viết Thức.  Nhất vân kiến hình vi Tri,  kiến tâm vi Thức;  nhất

vân Tri tức thị Thức, diệc khả chúng trung tri thức, vị chúng đạo cố.

            ()知識者,聞名欽德曰知,睹形敬奉曰識。一云見形為知,見心為識;一云知即是識,亦可眾中知識,為眾導故。

          (Sớ: “Tri thức”: Nghe tiếng kính trọng, ngưỡng mộ đức là Tri, thấy mặt kính trọng, phụng sự là Thức. Có người nói thấy mặt là Tri, biết tâm là Thức; có người nói Tri chính là Thức, cũng có thể nói là bậc tri thức trong đại chúng, hướng dẫn đại chúng vậy).

          Đây là giảng rõ [ý nghĩa của từ ngữ] “chúng sở tri thức”.

          (Sao) Giản dư giả.

       () 揀餘者。

          (Sao: Phân biệt với những người khác).

           “Giản” là tách biệt.

          (Sao) Sơ Quả chí Tứ Quả.

       () 初果至四果。

          (Sao: Từ Sơ Quả cho đến Tứ Quả).

           Nói về Tiểu Thừa.

          (Sao) Giai Thanh Văn vị.

          () 皆聲聞位。

          (Sao: Đều thuộc địa vị Thanh Văn).

           Thanh Văn là Tiểu Thừa.

          (Sao) Kim viết Đại A La Hán giả, biểu thị Tứ Quả Thanh Văn dã.

          () 今曰大阿羅漢者,表是四果聲聞也。

          (Sao: Nay nói là Đại A La Hán, nhằm biểu thị Tứ Quả Thanh Văn).

          Cách nói này hoàn toàn luận theo tướng, nói theo dấu tích. Vì Sơ Quả cũng xưng là La Hán, Nhị Quả, Tam Quả, Tứ Quả đều xưng là La Hán. Trong Tiểu Thừa, xưng là Đại A La Hán chỉ là Tứ Quả; từ Tam Quả trở xuống đều chẳng thể xưng là Đại A La Hán. Nhằm tách biệt chữ Đại này với chữ Đại được giảng trong phần trước, vì trong phần trước đã nói “Đại giả, giản dư tiểu Thanh Văn cố” (Đại nhằm phân biệt chẳng phải là Thanh Văn Tiểu Thừa). Nếu là “Đại, nhằm tách biệt chẳng phải là Tiểu” sẽ là thuần túy Đại Thừa. Vì vậy, ý nghĩa [của chữ Đại được hiểu khác nhau] tùy thuộc nói theo Bổn hay nói theo Tích (dấu vết), vừa nhìn sẽ hiểu rõ ngay!

          (Sao) Ứng Cúng giả, phàm phu vô đức.

          () 應供者,凡夫無德。

          (Sao: Ứng Cúng: Phàm phu thiếu đức).

          Chẳng dám xưng là Ứng Cúng.

          (Sao) Tiền tam quả hữu đức nhi vị đại.

            () 前三果有德而未大。

          (Sao: Ba quả trước có đức, nhưng đức chưa to lớn).

           Từ Sơ Quả tới Tam Quả có đức, nhưng đức vẫn chưa đủ, cũng không dám xưng là Ứng Cúng.

          (Sao) Kim phạm hạnh dĩ lập, siêu xuất tam giới, ưng thọ nhân thiên cúng dường cố.

          () 今梵行已立,超出三界,應受人天供養故。

          (Sao: Nay do phạm hạnh đã lập, vượt thoát tam giới, đáng nên nhận lãnh sự cúng dường của trời người).

          Đạt tới Tứ Quả La Hán, đích xác đã vượt thoát tam giới; khi ấy, đức hạnh đầy đủ, có tư cách tiếp nhận sự cúng dường của trời, người.

          (Sao) Câu Xá vân.

          () 俱舍云。

          (Sao: Luận Câu Xá nói).

           Câu Xá Luận[4] có nói.

          (Sao) Cúng dường A La Hán, đắc hiện tại phước báo, thị nhân thiên thực phước chi lương điền.

() 供養阿羅漢,得現在福報,是人天植福之良田。

(Sao: Cúng dường A La Hán, đắc phước báo trong hiện tại, [vì A La Hán] là ruộng tốt lành để trời người gieo phước).

          Cúng dường A La Hán được phước báo trong hiện tại, phước ấy do đâu mà có? Vì sao chúng ta cúng dường Ngài sẽ được phước báo? Cúng dường người khác chúng ta chẳng có phước báo ư? Chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này. Chúng ta cúng dường A La Hán, A La Hán sẽ trụ ở chỗ chúng ta, chẳng thể bỏ đi. Ngài trụ tại nơi này, đương nhiên sẽ giáo hóa ở nơi này, người ở nơi này được phước báo, chúng ta là người cúng dường cũng được hưởng phước báo. Chúng ta cũng được hưởng lây công đức giáo hóa của A La Hán ở nơi này, giống như chính chúng ta giáo hóa vậy. Chúng tôi nêu một tỷ dụ để nói: Tại Trung Quốc, Khổng lão phu tử là thánh nhân. Ngoài Khổng lão phu tử ra, còn có một vị thánh nhân nữa, ai vậy? Vũ Huấn[5] là thánh nhân. Vũ Huấn đi xin ăn, mà là đại thánh nhân! Ông ta có công đức chẳng khác Khổng lão phu tử. Khổng lão phu tử suốt đời giáo hóa chúng sanh, bản thân Vũ Huấn thất học, chưa hề đi học, nhưng chính mình hiểu tầm trọng yếu của giáo dục, đi khắp nơi ăn xin, để dành tiền nhằm thỉnh những vị thầy giáo giỏi lo dạy dỗ. Học trò được giáo hóa, kiến công, lập nghiệp, ai dạy họ? Chính là Vũ Huấn dạy, đây là một người phi phàm!

          Một vị thiện tri thức chân chánh ở nơi này chẳng có ai cúng dường, cuộc sống bị trở ngại, Ngài không thể làm gì khác hơn là đến nơi khác; nơi nào có người cúng dường Ngài, Ngài ở nơi ấy giáo hóa chúng sanh, đấy là đạo lý nhất định, tùy duyên, nhưng chẳng phan duyên. Vì thế, quý vị cúng dường một vị thiện tri thức, vị thiện tri thức ấy giáo hóa chúng sanh, công đức sẽ giống như chính quý vị làm, chẳng khác gì! Như trong hiện tại, rất nhiều trường học của tư nhân, người quản lý nhà trường trọn chẳng lên lớp, đổng sự của đổng sự hội (board of directors) và đổng sự trưởng chẳng lên lớp, nhưng họ mời hiệu trưởng, giáo viên, công đức giáo dục thuộc về ai? Đổng sự hội! Họ tiến hành, họ hướng dẫn, giáo hóa chúng sanh. Nhất định phải hiểu rõ đạo ý này.

          Thuở ấy, tăng đoàn của đức Phật lớn như thế, mỗi khi đến một nơi nào đó, công tác tiếp đãi hết sức nặng nề, một ngàn người mà! Cơm ăn do khất thực, khất thực cũng phải tuyên truyền. Các Ngài đi khất thực, chúng ta phải cúng dường Ngài. Nếu người ta chẳng biết các Ngài đi khất thực, mọi người chẳng biết cúng dường, các Ngài chẳng thể trụ tại nơi này. Nơi cư trụ còn phải to dường ấy, có thể dung nạp hơn một ngàn người, như vậy thì đức Phật và các đệ tử mới an trụ, ở nơi ấy, Ngài mới có thời gian giảng kinh, thuyết pháp. Giảng kinh, thuyết pháp nơi nào, nơi ấy có phước báo. Đấy là lý do vì sao cúng dường A La Hán được phước báo trong hiện tại, A La Hán là phước điền của trời, người.

          (Sao) Thọ thí vô tàm, cố viết Ứng Cúng.

       () 受施無慚,故曰應供。

          (Sao: Nhận bố thí không thẹn, nên gọi là Ứng Cúng).

          Khi tiếp nhận, Ngài tâm an lý đắc, vật [cúng dường] ấy đáng nên tiếp nhận. Đó là ý nghĩa của chữ Ứng Cúng.

          (Sao) Thỉ yên trì bát, kỳ phước chúng sanh, kim dĩ chứng đạo, lý ưng thọ cúng, vân Khất Sĩ quả dã.

()始焉持缽,期福眾生,今已證道,理應受供,云乞士果也。

(Sao: Thoạt đầu là khất thực để chúng sanh cầu phước, nay đã chứng đạo, theo đúng lẽ nên tiếp nhận cúng dường, nên nói [Ứng Cúng] là quả của Khất Sĩ).

          Thoạt đầu, lúc Ngài xuất gia, mỗi ngày đi khất thực từng nhà, nhằm mục đích mong cho chúng sanh được phước; nay đã tu hành chứng quả, nói theo Lý phải nên tiếp nhận sự cúng dường của đại chúng. Cúng dường cũng chỉ giới hạn trong tứ sự, phải chú ý điều này. “Tứ sự” là ẩm thực, y phục, ngọa cụ, y dược; khi có bệnh bèn tiếp nhận cúng dường thuốc men. Ứng Cúng cũng là đáng nên tiếp nhận bốn thứ cúng dường ấy, nhưng nhất quyết chẳng được hưởng thụ xa xỉ quá lố, đó là sai lầm, không thể được! Đương nhiên trong thời cận đại, mức sống vật chất của chúng ta mỗi ngày một nâng cao hơn, cúng dường thiện tri thức khiến cho Ngài tiếp cận mức sống ấy thì cũng chấp nhận được, nhưng chắc chắn chẳng thể vượt hơn; hễ vượt hơn sẽ là chẳng đúng pháp. Đây là nói về quả Khất Sĩ.

          (Sao) Nhiên Phật diệc danh Ứng Cúng.     

          () 然佛亦名應供。

          (Sao: Nhưng Phật cũng gọi là Ứng Cúng).

          Trong mười hiệu của Phật, có một hiệu là Ứng Cúng.

          (Sao) La Hán cục ư nhân thiên.

       () 羅漢局於人天。

          (Sao: La Hán hạn cuộc trong trời người).

          Sự Ứng Cúng của A La Hán chỉ là nói [trong phạm vi] nhân thiên, đáng nên tiếp nhận sự cúng dường của nhân thiên.

          (Sao) Phật, tắc nhân, thiên, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát sở ứng cúng dã.

          () 佛,則人天聲聞緣覺菩薩所應供也。

          (Sao: Phật là bậc đáng nên được trời, người, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát cúng dường).

           Phật đáng nên tiếp nhận sự cúng dường của đại chúng, phạm vi rộng lớn. Thanh Văn, Duyên Giác cúng dường Ngài, Phật đáng nên tiếp nhận; Đẳng Giác Bồ Tát cúng dường Phật, Phật cũng đáng nên tiếp nhận, phạm vi [cúng dường] rộng lớn [hơn so với A La Hán].

          (Sao) Sát Tặc giả.

            () 殺賊者。

          (Sao: Sát Tặc là…)

          Giặc gì vậy? Giặc phiền não.

(Sao) Phiền não kiếp công đức tài, thương trí huệ mạng.       

       () 煩惱劫功德財,傷智慧命。

          (Sao: Phiền não cướp đoạt của cải công đức, tổn thương trí huệ mạng).

           Sở dĩ sánh ví phiền não với giặc là do thân đầy phiền não, chúng ta chẳng có công đức; phiền não là gì? Tham, sân, si, mạn, nghi, Kiến Tư phiền não là kiến giải và tư tưởng sai lầm; nói tóm lại là như đức Phật thường nói “phân biệt, chấp trước, vọng tưởng”, đấy là phiền não. Công đức là thứ vốn có sẵn, vốn trọn đủ trong bổn tánh của chúng ta, vốn sẵn đầy đủ. Trong Chân Như bổn tánh của chúng ta có vô lượng trí huệ, vô lượng công đức, vô lượng đức năng, vô lượng tài nghệ, y báo và chánh báo trang nghiêm, chẳng thiếu thứ gì! Thuở ấy, khi Lục Tổ chứng đắc tự tánh, tự tánh là chân tâm, khi chân tâm hiện tiền, khởi tác dụng bèn gọi là “minh tâm kiến tánh”, chân tâm khởi tác dụng. Nay cái tâm chúng ta đang dùng là vọng tâm, chẳng phải là chân tâm, vì sao? Trong chân tâm không có ý niệm, chúng ta có ý niệm, suốt ngày khởi tâm động niệm, đấy chẳng phải là chân tâm. Do vậy, trong chân tâm có vô lượng trí huệ,

vô lượng công đức.

          Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật có nói: “Hết thảy chúng sanh đều có trí huệ và đức tướng của Như Lai”, chẳng khác gì Phật! Do vậy, chúng sanh và Phật bình đẳng, nhưng trí huệ và đức tướng của Phật đều khởi tác dụng, chúng sanh tuy có, nhưng chẳng khởi tác dụng, vì sao chẳng khởi tác dụng? Đức Phật nói rất minh bạch, “chỉ vì vọng tưởng, chấp trước, nên chẳng thể chứng đắc”. Quý vị thấy một lời đã nói toạc ra, chúng ta đáng thương! Chướng ngại ấy chẳng phải do bên ngoài mà có, mà do chính bản thân quý vị, tự làm, tự chịu, ai khiến quý vị dấy vọng tưởng? Ai bảo quý vị phân biệt, chấp trước? Quý vị phân biệt, chấp trước, dấy vọng tưởng, cho nên trí huệ và công đức trong bổn tánh chẳng thể hiện tiền. Vọng tưởng, chấp trước là phiền não, cho nên nó “cướp đoạt công đức”, đoạt mất công đức trong bổn tánh, “tổn thương trí huệ mạng”, vô lượng trí huệ chẳng thể hiện tiền, chúng ta phạm lỗi ở chỗ này!

          Nói thật sự thì học Phật là học gì? Phá chấp trước mà thôi! Phá Nhân Ngã Chấp sẽ chứng Tiểu Thừa A La Hán. Phá Pháp Ngã Chấp, bèn chứng Đại Thừa A La Hán, phá chấp trước. Phật pháp từ đầu tới cuối là phá chấp trước, hết thảy chấp trước, vọng tưởng đều hết sạch, bèn minh tâm kiến tánh, khôi phục tự tánh. Khi Lục Tổ khai ngộ đã nói: “Nào ngờ tự tánh, vốn sẵn thanh tịnh”, tự tánh là chân tâm của chúng ta. Nào ngờ chân tâm vốn thanh tịnh, trước nay cũng chưa hề ô nhiễm! “Nào ngờ tự tánh, vốn trọn đủ”, chẳng thiếu thứ gì, trí huệ và phước báo thứ gì cũng đầy đủ. “Nào ngờ tự tánh, có thể sanh ra vạn pháp”, thế giới Sa Bà do tự tánh biến hiện, thế giới Cực Lạc cũng do tự tánh biến hiện. Tự tánh là năng biến, y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới là sở biến. Chúng ta chẳng hiểu rõ lý này, sẽ không có cách nào tu được, bất luận tu ra sao, chắc chắn chẳng đắc lực; hiểu rõ đạo lý này, hiểu rõ chân tướng sự thật này, công phu tu hành của chúng ta sẽ đắc lực.

          Công phu ở chỗ nào? Phá chấp trước mà thôi, đối với hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian chẳng chấp trước, chẳng phân biệt, chẳng vọng tưởng. Trong cảnh giới ấy, pháp nào cũng đều là chân, đó gọi là “Thật Tướng của các pháp”. Thật Tướng của các pháp là Nhất Chân pháp giới, trong Tịnh Độ gọi là Thật Báo Trang Nghiêm Độ. Thật Báo Trang Nghiêm Độ ở chỗ nào? Ở ngay trước mắt, quý vị rời khỏi hết thảy phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, nó sẽ ở ngay trước mắt. Hễ có phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, Thật Báo Trang Nghiêm Độ biến thành Phàm Thánh Đồng Cư Độ. Trong một niệm, chúng ta khởi lên vọng niệm, Nhất Chân pháp giới sẽ biến thành mười pháp giới, lỗi lầm ở nơi chính mình. Vì thế, Phật và đại Bồ Tát trụ trong Nhất Chân pháp giới, chúng ta là kẻ khởi tâm động niệm trụ trong mười pháp giới.

          Sự nhiệm mầu và thù thắng của Cực Lạc Tịnh Độ ở chỗ nào? Khiến cho phàm phu chúng ta là kẻ chưa đoạn phân biệt, vọng tưởng, cũng trụ trong Nhất Chân pháp giới, điều này chẳng thể nghĩ bàn! Trong các thế giới của mười phương chư Phật không có điều này, chỉ riêng Tây Phương Cực Lạc thế giới mới có, thù thắng ở chỗ này. Chuyện này chúng ta lưu lại để sau này sẽ thảo luận tỉ mỉ trong kinh Vô Lượng Thọ, thật sự chẳng thể nghĩ bàn. Do vậy, mười phương chư Phật tán thán, mười phương chư Phật khuyên tu, đạo lý ở chỗ này, chớ nên không biết.

(Sao) Tiền tam quả Kiến Hoặc tuy đoạn, Tư Hoặc thượng tồn, kim đoạn Tư Hoặc thất thập nhị phẩm câu tận, như loạn lưu tất điễn, thiên hạ thái bình, cố viết Sát Tặc. Thỉ yên dĩ ác vi địch, kim ác dĩ diệt, vân Phá Ác quả dã.

            ()前三果見惑雖斷,思惑尚存,今斷思惑七十二品俱盡,如亂流悉殄,天下太平,故曰殺賊。始焉以惡為敵,今惡已滅,云破惡果也。

          (Sao: Ba quả trước (Sơ Quả cho đến Tam Quả) tuy đoạn Kiến Hoặc, nhưng Tư Hoặc vẫn còn. Nay bảy mươi hai phẩm Tư Hoặc đều đoạn sạch, như diệt hết phường làm loạn, thiên hạ thái bình, nên nói là Sát Tặc.  Thoạt đầu, coi những điều ác là địch, nay  ác  đã  diệt, nên  nói

[Sát Tặc] là quả của sự phá ác).

          Đây là giảng giải rõ ràng ý nghĩa chữ Sát Tặc. “Thất thập nhị phẩm”: Tam giới cửu địa có tất cả tám mươi mốt phẩm Tư Hoặc; Nhị Quả đoạn sáu phẩm đầu trong Dục Giới, Tam Quả đoạn ba phẩm sau trong Dục Giới; do vậy, còn sót lại bảy mươi hai phẩm. Sau khi chứng đắc Tam Quả, phải đoạn sạch bảy mươi hai phẩm ấy. Bảy mươi hai phẩm ấy thuộc về Sắc Giới và Vô Sắc Giới, Dục Giới chỉ có chín phẩm. Do vậy, các Ngài đã đoạn [Tư Hoặc trong] Dục Giới, chứng đệ Tam Quả. Tam Quả gọi là Bất Lai, chẳng đến Dục Giới nữa, cái nhân Dục Giới chẳng còn! Ngài chỉ ở trong hai giới là Sắc Giới và Vô Sắc Giới. Nếu lợi căn, Ngài sẽ trụ trong Tứ Thiền Thiên của Sắc Giới Thiên, [Tư Hoặc] thảy đều đoạn sạch, sẽ được vượt thoát. Nếu căn tánh độn một chút, Ngài vẫn phải sanh vào Tứ Không Thiên, tức là đến Vô Sắc Giới mới có thể đoạn hết, mới vượt thoát; nhưng tuyệt đối sẽ chẳng sanh trở lại Dục Giới. Đây là nói bảy mươi hai phẩm Tư Hoặc đều phải đoạn sạch.

          Câu tiếp theo đó là tỷ dụ, “loạn lưu tất điễn”. “Điễn” (殄) là diệt, diệt sạch, thảy đều tiêu diệt, thiên hạ thái bình. Giống như đạo tặc bị bình định, tiêu diệt, nay thiên hạ thái bình, ví như giết giặc. “Thỉ yên dĩ ác vi địch” (thoạt đầu coi những điều ác như địch), lúc vừa mới xuất gia, chúng ta phải phá ác, nay ác đã phá hết, cho nên Sát Tặc là quả của Phá Ác.

          (Sao) Vô sanh giả, phàm phu sanh tử vô lượng.

       () 無生者,凡夫生死無量。

          (Sao: Vô sanh: Phàm phu sanh tử vô lượng).

          Từ vô lượng kiếp đến nay luân hồi, sanh sanh tử tử trong lục đạo, thoạt chìm, thoạt nổi. Kinh Phật dạy chúng ta phải giác ngộ, chớ nên ơ hờ, coi thường, chỉ cần là chúng sanh trong lục đạo, nhất định là thời gian trong ba ác đạo lâu dài, thời gian trong ba thiện đạo ngắn ngủi. Nếu quý vị không tin, hãy suy nghĩ: Từ sáng đến tối, trong ý niệm của chúng ta, ác niệm nhiều hay thiện niệm nhiều? Sẽ hiểu rõ ngay! Nếu ác niệm nhiều, đương nhiên thời gian trong tam ác đạo sẽ dài. Nếu thiện niệm nhiều, thời gian trong tam thiện đạo sẽ dài. Từ sáng đến tối, từ mồng Một đến Ba Mươi, từ tháng Giêng đến tháng Chạp, quý vị hãy nghĩ xem, so sánh giữa thiện niệm và ác niệm,  sẽ tin tưởng lời Phật chẳng sai,  quả

thật là thời gian ở trong tam ác đạo dài lâu!

          Không thoát khỏi luân hồi thì địa ngục và ngạ quỷ là quê nhà của chúng ta. Nay chúng ta sanh trong nhân gian, hay lên cõi trời đi dạo một phen, đó là đi du lịch, sau một vài ngày lại phải trở về! Điều này quả thật đáng sợ. Do vậy, phải giác ngộ, giác ngộ là giác ngộ điều này! Nay chúng ta rất may mắn sanh trong nhân gian, được làm thân người, tức là đi vãn cảnh, thời gian rất ngắn ngủi, tạm bợ, đi vãn cảnh nhằm hiểu rõ tình hình bên ngoài rồi phải ngay lập tức bỏ đi, đừng nên trở lại! Quay trở lại là ngu si! Do vậy, có cơ duyên này, phải nghĩ cách thoát ly biển khổ, thoát ly luân hồi.

          Nói tới thoát ly luân hồi, nói thực ra, Phật pháp quả thật có thể giúp đỡ, nhưng khiến cho thoát ly luân hồi ngay trong đời này, trừ pháp môn này ra, bất luận pháp môn nào khác cũng đều làm không được, quý vị phải thật sự giác ngộ điều ấy. Nếu quý vị nghĩ còn có pháp môn nào khác làm được, vậy là quý vị dấy vọng tưởng, nhất định sẽ bỏ lỡ một đời này. Pháp môn này là “tín nguyện trì danh, cầu sanh Tịnh Độ”, chỉ có một cách này. Đó là nói phàm phu sanh tử vô lượng, phải thật sự giác ngộ.

          (Sao) Sơ Quả thất phản sanh tử, Nhị Quả nhất sanh Dục Giới, Tam Quả bất lai Dục Giới, do sanh Sắc Giới.

          ()初果七返生死,二果一生欲界,三果不來欲界,猶生色界。

          (Sao: Sơ Quả bảy lần sanh tử, Nhị Quả một lần sanh trong Dục Giới, Tam Quả chẳng sanh vào Dục Giới, nhưng vẫn sanh trong Sắc Giới).

          Nói tới tu hành thì nói thật ra, các đồng tu chúng ta đang hiện diện thật giống như đã được đức Phật thọ ký, chúng ta đều đã nhiều đời nhiều kiếp thân cận vô lượng chư Phật, vì sao? Nếu quý vị không nhiều đời nhiều kiếp thân cận vô lượng chư Phật, sẽ chẳng gặp được nhân duyên này trong đời này, sẽ chẳng được nghe kinh này. Nhân duyên ấy thù thắng, từ vô lượng kiếp đến nay, quý vị đời đời kiếp kiếp đều học Phật, đều niệm Phật, nhưng chưa thể vãng sanh thành công. Nếu vãng sanh thành công, quý vị sẽ chẳng đến đây. Nay quý vị lại đến cõi này, có thể thấy quý vị chưa thể vãng sanh. Vì sao chưa thể vãng sanh? Một phẩm Kiến Tư phiền não vẫn chưa đoạn; tuy niệm Phật, công phu chẳng đắc lực, phải giác ngộ điều này. Vì thế, tu hành chẳng phải là nói mỗi ngày ta niệm kinh, mỗi ngày ta niệm bao nhiêu câu Phật hiệu, vô dụng! Truy đảnh niệm Phật cũng vô dụng. Phải sửa đổi tập khí, sửa khuyết điểm, sửa đổi tâm lý thì mới hữu dụng!

          Chúng ta niệm Phật nhằm mục đích nào? Niệm cho cái tâm của chính mình thanh tịnh, niệm Phật nhằm mục đích ấy. Công phu bước đầu chúng ta phải đạt là “công phu thành phiến”. Nói “thành phiến” nghĩa là chúng ta không có vọng niệm; hễ ý niệm vừa dấy lên bèn “A Di Đà Phật” để chế ngự, công phu chế phục phiền não ấy gọi là công phu thành phiến. Thành tựu công phu ấy sẽ đới nghiệp vãng sanh, sanh vào Phàm Thánh Đồng Cư Độ. Nay chúng ta suốt ngày từ sáng đến tối vẫn có nhiều ý niệm dường ấy, trọn chẳng giảm ít; nói cách khác, niệm Phật là niệm suông, chẳng đắc lực, chẳng thể liễu sanh tử, chẳng thể vãng sanh, mọi người phải nhớ kỹ! Nếu muốn thật sự nắm chắc vãng sanh, quý vị phải niệm sao cho có thể thật sự chế ngự vọng niệm, chẳng có vọng niệm. Nếu đoạn được vọng niệm, sẽ đắc nhất tâm bất loạn, đó là Sự nhất tâm bất loạn, sanh về cõi Phương Tiện Hữu Dư của Tây Phương Cực Lạc thế giới, địa vị ấy cao lắm. Nếu công phu tốt đẹp hơn, niệm đến khi trí huệ khai. Thông thường, nói đến “khai ngộ” chính là phá một phẩm vô minh, chứng một phần chân tâm, chân tâm xuất hiện. Sự nhất tâm là Định, Lý nhất tâm là Huệ, từ trong Định khai trí huệ, người vãng sanh ấy sanh vào cõi Thật Báo Trang Nghiêm; vì thế, chúng ta niệm Phật nhằm mục đích ấy.

          Chẳng phải là nói ta mỗi ngày niệm mười vạn tiếng, niệm hai chục vạn tiếng cũng vô dụng! Chẳng do điều đó, chẳng do niệm nhiều hay ít! Nếu câu Phật hiệu nào cũng đều có sức mạnh, có thể chế ngự phiền não, có thể hoán đổi ý niệm của quý vị thì tất cả ý niệm sẽ đổi thành A Di Đà Phật. Quý vị thật sự làm được điều này, thiên hạ thái bình, chẳng có chuyện gì! Ý niệm vừa mới dấy lên, A Di Đà Phật, niệm niệm đều là A Di Đà Phật, lẽ nào thiên hạ chẳng thái bình hay sao? Đó là biết niệm Phật, niệm Phật là niệm theo cách ấy. Niệm cách ấy mới đắc lực, mong mọi người hãy lưu ý. Nếu lại lầm lẫn, chúng ta lại bỏ lỡ đời này, rất đáng tiếc! Chẳng dễ gì được làm thân người, gặp gỡ chánh pháp càng khó hơn nữa, pháp môn này khó gặp, chẳng dễ gì gặp được! Nhất là trong đạo tràng này, có thời gian để thảo luận cặn kẽ, thật sự khó có. Chúng tôi ra ngoại quốc, thời gian đều rất ngắn ngủi, một tuần hay mười ngày, quý vị nghĩ xem giảng được bao nhiêu? Giảng chẳng được bao nhiêu! Đó là vì người nơi ấy phước đức và nhân duyên chẳng đủ. Hiện nay, trên cả thế giới, Phật giáo tại Đài Loan là bậc nhất, mọi người công nhận, các vị lão pháp sư đều công nhận. Khi tôi gặp pháp sư Diễn Bồi ở Tân Gia Ba, pháp sư Diễn Bồi thừa nhận Đài Loan là bậc nhất, chẳng cần phải bàn cãi gì nữa! Mong mỏi các đồng học chúng ta hãy sốt sắng, nỗ lực, khiến cho câu Phật hiệu nào cũng đều có thể đắc lực. Như vậy thì chúng ta sẽ thành tựu trong đời này, sẽ chẳng phải trở lại [thế gian này] lần nữa!

          “Sơ Quả thất phản sanh tử” là nói về Sơ Quả Tu Đà Hoàn, Ngài đã đoạn tám mươi tám phẩm Kiến Hoặc trong tam giới. Kiến Hoặc là kiến giải sai lầm. Ngài không có kiến giải sai lầm, Thân Kiến, Biên Kiến, Kiến Thủ Kiến, Giới Thủ Kiến, Tà Kiến, thảy đều đoạn sạch, đấy là mới chứng đắc Sơ Quả. Sau khi chứng đắc Sơ Quả, đã được đảm bảo, vì sao? Ngài chẳng còn thoái chuyển, Vị Bất Thoái, tuyệt đối chẳng đọa xuống phàm phu. Tuy chưa thoát khỏi tam giới, nhưng Ngài tu trong tam giới, thời gian là nhất định, bảy lần sanh tử bèn chứng A La Hán, bèn vượt thoát. Muốn tu đến địa vị Phật, kinh nói là ba A-tăng-kỳ kiếp. Ba A-tăng-kỳ kiếp tính từ Tiểu Thừa Sơ Quả, chẳng tính từ lúc chúng ta nghe pháp, học Phật, nếu tính từ chỗ ấy, mỗi cá nhân đều đã thành Phật từ lâu rồi. Đời quá khứ của chúng ta không chỉ là ba đại A-tăng-kỳ kiếp, có thể nói là chúng ta đã trải qua vô lượng A-tăng-kỳ kiếp, nhưng tới ngày nay chúng ta vẫn y hệt như vậy. Ba A-tăng-kỳ kiếp tính từ Sơ Quả; nói cách khác, chúng ta đời đời kiếp kiếp học Phật đều chưa đạt đến địa vị Sơ Quả, tám mươi tám phẩm Kiến Hoặc chưa hề đoạn.

          “Nhị Quả nhất sanh Dục Giới”: Nhị Quả tiến hơn một bước, đoạn được sáu phẩm đầu trong tám mươi mốt phẩm Tư Hoặc, hãy còn lại ba phẩm, ba phẩm ấy thuộc về Dục Giới, [nên phải] sanh trong Dục Giới một lần nữa. Sanh trở lại một lần, đoạn sạch ba phẩm này, hễ đoạn sạch sẽ chứng Tam Quả, chẳng trở lại. “Tam Quả bất lai Dục Giới, do sanh Sắc Giới” (Tam Quả chẳng trở lại Dục Giới, nhưng vẫn sanh trong Sắc Giới), Ngài ở trong Tứ Thiền Thiên. Tứ Thiền Thiên rất đặc biệt, nó là Phàm Thánh Đồng Cư Độ. Trong Tứ Thiền Thiên có một chỗ gọi là Ngũ Bất Hoàn Thiên, Bất Hoàn là không trở lại Dục Giới, ở nơi ấy, tiếp tục nỗ lực tu hành khiến cho bảy mươi hai phẩm Tư Hoặc thảy đều đoạn sạch, Ngài bèn vượt thoát tam giới.

          (Sao) Kim sanh duyên dĩ tận, bất thọ hậu hữu, cố viết Vô Sanh.

          () 今生緣已盡,不受後有,故曰無生。

          (Sao: Đời này duyên đã hết, chẳng còn thọ thân sau, nên nói là Vô  Sanh).

          Duyên thọ sanh trong tam giới chẳng còn, không trở lại tam giới nữa. Nếu trở lại, sẽ là thừa nguyện tái lai, chẳng do duyên, mà do nguyện, thừa nguyện tái lai (nương theo nguyện trở lại). Còn như chúng ta hiện thời là duyên, không đến cũng chẳng được, chẳng có cách nào khác, chẳng có cách gì! Người ta là do nguyện, thích đến bèn đến, không đến cũng được, đó là thừa nguyện tái lai.

          Tu hành khó thay! Bảy lần sanh tử trong cõi trời hay nhân gian, thời gian thảy đều tính bằng những con số thiên văn! Tuổi thọ con người ngắn ngủi, chứ tuổi thọ cõi trời lâu dài, nhất là trong Tứ Thiền Thiên, thời gian đều dùng đại kiếp để tính toán. Sau một thời gian dài như thế mới có thể vượt thoát luân hồi, nên quý vị mới hiểu pháp môn Tịnh Độ chẳng thể nghĩ bàn! Pháp môn này có thể thành tựu trong một đời, lại còn thành tựu cao hơn A La Hán rất nhiều! A La Hán phải tốn sức to lớn ngần ấy mới có thể thoát khỏi tam giới. Sau khi thoát tam giới, đến nơi đâu vẫn chẳng biết, vẫn là bất định. Chúng ta không cần tốn sức lực to dường ấy, hễ thoát tam giới bèn sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, tới đó thành Phật, sang đó làm Bồ Tát, làm Phật.

          Tây Phương Cực Lạc thế giới chỉ có Nhất Thừa, tuy trong kinh nói [thế giới Cực Lạc] có người, có trời, có Thanh Văn, có Bồ Tát, đó là nói tùy thuận phàm phu chúng ta. Thật ra, Tây Phương Cực Lạc thế giới “duy hữu Nhất Thừa pháp, vô nhị diệc vô tam” (chỉ có pháp Nhất Thừa, không hai, cũng không ba). Tây Phương Cực Lạc thế giới thuần là pháp Bồ Tát; trừ phi quý vị chẳng sanh về nơi ấy, chứ hạ hạ phẩm vãng sanh bên đó cũng là Bồ Tát. Hễ sanh tới đó bèn là Bồ Tát, trong một đời, quyết định thành Phật. Vì vậy, thế giới ấy chẳng thể nghĩ bàn. Chúng ta may mắn gặp gỡ pháp môn này, nếu bỏ lỡ quả thật quá đáng tiếc! Ở đây nói “kim sanh duyên dĩ tận, bất thọ hậu hữu”, [nghĩa là] sau này chẳng còn đầu thai, thọ sanh ở nơi đây nữa, “cố viết Vô Sanh”. “Vô Sanh” là nói tới duyên sanh trong tam giới lục đạo [chẳng còn], Ngài bất sanh, tức là chẳng thọ sanh ở nơi đây!

          (Sao) Thỉ yên nguyện xuất sanh tử, linh ma khởi bố, kim chứng Vô Sanh, vân Bố Ma quả dã.         

       ()始焉願出生死,令魔起怖,今證無生,云怖魔果也。

          (Sao: Thoạt đầu, nguyện xuất sanh tử khiến cho ma hoảng sợ, nay chứng Vô Sanh nên nói [Vô Sanh] là quả của Bố Ma vậy).

           Vừa mới xuất gia, phát tâm xuất gia, Ma Vương kinh sợ, hoảng hốt, ma tử, ma tôn lại có một kẻ bỏ đi, chạy mất, tâm hắn chẳng an, nay đúng là bị mất người nữa rồi! Chư vị phải biết: Ngày nay chúng ta phát tâm xuất gia, xuất gia như thế nào? Mỗi ngày vẫn dấy vọng tưởng, ma chẳng kinh sợ, ma trông thấy bèn cười khì: “Ngươi xuất gia trên hình thức, chẳng chạy thoát khỏi ma chưởng, vẫn ở trong ma chưởng”, cho nên hắn chẳng sợ hãi! Nếu quý vị thật sự phát tâm xuất ly sanh tử, ma sẽ thật sự kinh hoảng. Thật sự xuất gia tu đạo, chúng ta phải hiểu rõ thấu triệt đạo lý trong kinh này, hiểu rõ là gì? Thấy thấu suốt. Phải làm được những phương pháp do đức Phật đã dạy, làm được là buông xuống, chúng ta phải nỗ lực thực hiện. Giống như cương lãnh trong kinh này, phải thật sự tin tưởng, phải thật sự phát nguyện, phải thật sự trì danh. Thật sự tin tưởng là gì? Tin bản thân chúng ta trong một đời này quyết định vãng sanh, quý vị tin tưởng chuyện này. Tin tưởng chính mình trong một đời này có thể Thượng Phẩm Thượng Sanh, hoa nở thấy Phật, quý vị phải có lòng tin này thì mới được. Phát nguyện như thế nào? Ta quyết định lìa bỏ thế giới Sa Bà, quyết định cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ, phải có nguyện như vậy mới được.

          Nếu quý vị muốn lìa bỏ thế giới này, sẽ chẳng còn sốt sắng, so đo với thế giới này nữa. Nếu đối với hết thảy quan hệ giữa con người với nhau trong thế giới này, vẫn là thứ gì cũng phân biệt, chấp trước, quý vị sẽ không thể vãng sanh! Vì sao? Tâm quý vị không thanh tịnh. Phân biệt, chấp trước là tập khí, là tập khí từ vô lượng kiếp tới nay, sao có thể đoạn được? Do vậy, tập khí vừa dấy lên bèn “A Di Đà Phật”, giằn nó xuống, niệm Phật khẩn yếu là phải niệm ngay trong lúc ấy. Vọng niệm vừa dấy lên, A Di Đà Phật, từ đầu đến cuối gìn giữ cái tâm thanh tịnh, bình đẳng, gìn giữ cái tâm ấy. Đối với người khác đại từ, đại bi, đó gọi là công phu! Tín, nguyện, hạnh là công phu. Công phu chẳng phải là nói mỗi ngày ta niệm bao nhiêu câu Phật hiệu, chẳng phải vậy! Công phu ở chỗ Phật hiệu quả thật có thể giúp quý vị từ sáng đến tối trong mười hai thời, tâm thanh tịnh, bình đẳng, đó là công phu. Niệm Phật dẫu niệm cho nhiều mà khởi tâm động niệm vẫn là tham, sân, si, mạn, nói cách khác, tiền đồ của quý vị vẫn là trong lục đạo luân hồi, vẫn ở trong tam ác đạo! Niệm Phật như vậy vẫn chẳng thể liễu sanh tử, chẳng thể vãng sanh. Do vậy, người thật sự mong vãng sanh phải nhớ điều này.

          Kinh dạy chúng ta một phương pháp cần phải làm, làm từ đâu? Phải làm từ ba thứ tịnh nghiệp, hãy đọc Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh. Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh dạy về phương pháp, giảng về nhân quả của ba bậc chín phẩm trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Quý vị hiểu rõ, ta tu cái nhân thượng phẩm, đương nhiên được quả thượng phẩm. Ta tu cái nhân trung phẩm, vãng sanh sẽ được quả trung phẩm. Vì thế, phải xem tham chiếu ba kinh. Thật sự mong cầu sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, nói thật ra, ngoài ba kinh Tịnh Độ ra, tối đa là ngũ kinh, những kinh khác chớ nên đọc. Vì sao? Những kinh ấy chẳng giúp quý vị vãng sanh Tịnh Độ. Nếu nói ta đoan quyết sẽ thật sự vãng sanh Tịnh Độ, dẫu có niệm kinh khác cũng được; nhưng ta nay chưa đảm bảo vãng sanh Tịnh Độ, những kinh khác đều phải buông xuống hết. Quý vị phải biết trong hết thảy các kinh, kinh nào có công đức lớn nhất? Kinh A Di Đà! Không có kinh nào có công đức lớn hơn kinh Di Đà được, nhưng mọi người đâu có biết! Kinh Hoa Nghiêm còn thua kinh Di Đà, kinh Địa Tạng, kinh Dược Sư lại càng không cần nói nữa, càng kém hơn! Quyển kinh bậc nhất bày ra trước mặt mà chúng ta chẳng biết giá trị, lại cho rằng kinh bậc hai, bậc ba, bậc bốn có công đức rất lớn. Chẳng biết kinh Di Đà công đức to lớn, chẳng hề biết! Mười phương chư Phật tán thán [pháp môn này] là Phật pháp thành tựu ngay trong một đời!

          Mong các đồng tu phải ghi nhớ, phải nhận biết rõ ràng, phải nỗ lực, các phương pháp đều nằm trong Quán Kinh. Vừa mở đầu, bèn dạy chúng ta tạo cơ sở bằng cách tu ba thứ phước, loại đầu tiên là “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm chẳng giết, tu Thập Thiện Nghiệp”, phải thật sự thực hiện, chứ đọc suông vô ích! Loại thứ hai là “thọ trì Tam Quy”, Tam Quy là giác chứ không mê, chánh chứ không tà, tịnh chứ chẳng nhiễm, phải thật sự làm được, “đầy đủ các giới”, [nói tới] “các giới”, chúng ta là tại gia, nói thật ra thì trong hiện thời, xuất gia cũng như vậy, giữ tròn năm giới là được rồi, vì năm giới cũng là Cụ Túc Giới, “chẳng phạm oai nghi”, oai nghi là lễ tiết, chúng ta giữ lễ. Phước thứ ba, “phát Bồ Đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả”, tổng cộng ba thứ Tịnh nghiệp gồm mười một câu. Mười một câu ấy thảy đều thực hiện được. Nếu chẳng thể làm trọn hết, trong tương lai quý vị vãng sanh sẽ bị chướng ngại.

          Nếu quý vị điều nào cũng đều làm được, tôi dám nói quý vị nhất định biết trước lúc mất, lúc ra đi chẳng bị đau khổ, vì sao? Quý vị có phước. Ba thứ phước ấy là đại phước báo! Phước báo tu thành, sanh tử tự tại, muốn đi lúc nào bèn đi ngay trong lúc ấy, ở thêm mấy năm nữa để làm gì? Khuyên lơn, khích lệ hành giả, vì lý do này. Chẳng vì lý do này, sẽ chẳng cần ở lại thế gian này một ngày nào nữa! Ở lại là vì muốn khuyên mọi người, khuyên thêm mấy người, dẫn thêm mấy người cùng đi. Quý vị có bệnh khổ là thiếu phước! Mọi người hãy suy nghĩ, người vãng sanh nằm bệnh, khổ sở như vậy, quý vị chỉ nghĩ đến mười một câu này, sẽ hiểu rõ: Mười một câu ấy, người đó làm được câu nào? Một câu người ấy cũng chưa làm được, lẽ đâu chẳng bị bệnh? Lẽ nào chẳng bị khổ? Đương nhiên! Thiếu phước mà!

          Vì thế, đức Phật bảo: Khi vãng sanh, đầu tiên dạy chúng ta tu phước, mọi người sẽ ra đi tự tại. Người thật sự tu Tịnh Độ, đối với nỗi khổ sanh, lão, bệnh, tử, trừ sanh ra, chúng ta đã được sanh ra rồi, đã quên hết, chẳng khổ vì già, chẳng khổ vì bệnh, chẳng khổ vì chết, vì sao? Phước báo quá lớn. Làm được mười một câu ấy, khi già, người ấy chẳng khổ, chẳng bị bệnh, lúc chết biết trước lúc mất, sanh tử tự tại, muốn đi như thế nào bèn ra đi như thế đó, chẳng bị khổ. Nếu quý vị chẳng nghiêm túc thực hiện, nói cách khác, do tội nghiệp sâu nặng từ vô thỉ kiếp tới nay, làm sao chẳng khổ? Đương nhiên phải khổ. À! Hôm nay chúng tôi giảng tới chỗ này!

[1] Đường Cao Tổ (Lý Uyên) là người nửa Hán, nửa dân Tiên Ty, quê ở huyện Địch Đạo, Lũng Tây, thuộc dòng dõi thế tập. Ông nội của Lý Uyên là Lý Hổ được phong tước Lũng Tây Quận Công, là một trong tám vị được xưng là Bát Trụ Quốc Gia của nhà Bắc Châu. Cha Lý Uyên là Lý Bỉnh, được phong làm Trụ Quốc đại tướng quân, Đường Quốc Công. Khi Lý Uyên lên bảy, cha mất, đã được thế tập tước hiệu Đường Quốc Công. Lý Uyên là anh em bên ngoại với Tùy Dượng Đế vì Minh Kính Hoàng Hậu của nhà Bắc Châu, Nguyên Trinh Thái Hậu (mẹ đẻ của Lý Uyên) và Văn Hiến Hoàng Hậu (tên thật là Độc Cô Già La, vợ vua Tùy Văn Đế) là con gái đầu, con gái thứ tư và con gái thứ bảy của Độc Cô Tín (một trong tám vị trụ quốc tướng quân của nhà Tây Ngụy). Lý Uyên giết quận thừa Vương Oai vào năm 617, dấy binh từ Thái Nguyên, xưng là Đường vương và chiếm cứ phía Tây Trung Hoa.

[2] Tứ Tân có nghĩa là bến nước trên sông Tứ, tức thành phố Khúc Phụ, quê hương của Khổng Tử. Sông Tứ, tức Tứ Thủy, là con sông phát nguồn từ núi Mông Sơn tỉnh Sơn Đông, chảy qua các huyện Tứ Thủy, thành phố Khúc Phụ và thành phố Duyện Châu trước khi đổ vào Vận Hà thuộc thành phố Tế Ninh.

[3] Sái là một nước chư hầu do Châu Vũ Vương (Cơ Phát) phong cho em là Cơ Thúc Độ làm thái ấp, thuộc địa bàn thành phố Trú Mã Điếm tỉnh Hà Nam hiện thời. Sau khi Châu Vũ Vương diệt vua Trụ nhà Ân, đã chia đất Kinh Kỳ (Triều Ca, kinh đô nhà Ân Thương) ra làm ba phần nhằm giám sát con cháu nhà Ân, một phần giao cho Vũ Canh (con Trụ Vương), tức huyện An Dương tỉnh Hà Nam hiện thời, hai phần kia giao Quản Thúc (Cơ Tường) đất Quản, và phần còn lại chính là Thượng Sái (đất Sái). Nước Sái bị nước Sở diệt quốc vào năm 447 trước Công Nguyên (truyền được hai mươi sáu đời vua). Tuy viết là Thái (蔡), nhưng theo Dương Khoan, thời cổ chữ Thái (蔡) và chữ Sái (祭, âm hiện thời là Tế) đồng âm, nên tên nước này luôn đọc là Sái.

Nước Trần thuộc huyện Hoài Dương, tỉnh Hà Nam hiện thời. Hồ Công Mãn (hậu duệ của vua Thuấn) là quan Đào Chánh (quản lý việc chế tác đồ sành sứ) của Châu Văn Vương. Khi Châu Vũ Vương diệt Trụ, đã phong đất Trần cho Hồ Công Mãn, và đổi họ theo tên đất nên gọi là Trần Mãn. Trần Mãn được coi là thỉ tổ của hai họ Trần và Hồ tại Trung Hoa. Nước Trần bị Sở Huệ Vương diệt quốc vào năm 479 trước Công Nguyên, truyền được hai mươi lăm đời vua. Hậu duệ của công tử Hoàn nước Trần đã thiên di sang Tề, đổi thành Điền (thời cổ Điền và Trần đồng âm), sau này vào năm 386 trước Công Nguyên đã diệt họ Khương, trở thành vua nước Tề. Khổng Tử bị vây hãm giữa biên giới Trần và Sái, không có gì ăn suốt mười ngày liền.

[4] Câu Xá Luận, gọi đầy đủ là A Tỳ Đàm Đạt Ma Câu Xá Luận (Abhidharma-kosa), do ngài Thế Thân biên soạn, gồm ba mươi quyển. Bộ luận này được dịch hai lần, lần thứ nhất bởi ngài Chân Đế dưới đời Trần, với danh xưng A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận Thích; lần thứ hai do ngài Huyền Trang dịch với tựa đề A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận. Bản dịch của ngài Huyền Trang đầy đủ, dễ dọc hơn. Tác phẩm này có nội dung rất rộng, bao gồm nội dung của các bộ Phát Trí Luận, Lục Túc Luận, Đại Tỳ Bà Sa Luận v.v… trước đó, nên có mỹ danh là Thông Minh luận.

[5] Vũ Huấn (1838-1896), quê ở trấn Liễu Lâm, huyện Đường Ấp, tỉnh Sơn Đông, gia cảnh bần khổ. Do là con thứ bảy trong gia đình nên còn gọi là Vũ Thất, về sau đổi tên là Vũ Huấn. Ông cả đời đi ăn mày, dành dụm mở trường học, nên được triều đình biểu dương. Cha mất lúc mới tròn năm tuổi, phải ăn xin qua ngày, ông thèm đi học, nhưng chẳng bao giờ có dịp, vì thế, luôn ấp ủ chí hưng học, mở trường học cho người nghèo. Ông tự học, kinh doanh và tiếp tục đi xin, tậu được 230 mẫu ruộng để làm học điền nhằm chi trả tiền mời giáo viên và cung cấp cái ăn cho học trò, mở trường gọi là Sùng Hiền Nghĩa Thục. Điều đáng cảm động là ông đến tận cửa các vị tiến sĩ, cử nhân trong vùng quỳ thỉnh cầu mãi cho đến khi họ nhận lời dạy. Để khuyến khích trẻ em nghèo đi học, ông không nề hà đến từng nhà quỳ trước cửa xin họ cho con em đi học. Năm 1890, ông lập ngôi trường thứ hai, năm 1896, ông lập ngôi trường thứ ba mang tên Ngự Sử Cảng Nghĩa Thục. Mỗi năm vào ngày khai giảng, ông đích thân quỳ lạy tất cả giáo viên và học sinh. Tuy có tiền, ông sống rất lam lũ, toàn tâm toàn ý lo cho việc học. Khi ông mất, cả vạn người đến phúng viếng. Sức cảm hóa của ông rất lớn, Tuần Vũ Sơn Đông là Trương Diệu đã hạ lệnh miễn thuế các mẫu ruộng học điền, còn đích thân quyên tặng 200 lạng bạc. Vua Quang Tự ban tặng bốn chữ Nghĩa Học Học Chánh, ban hoàng mã quải (áo ngắn bằng lụa màu vàng, không tay mặc ra ngoài trường sam), lập bia Nhạo Thiện Hảo Thí. Tuy vậy, năm 1951, trong nỗ lực xóa sạch mọi “tàn dư Khổng học, văn hóa phong kiến”, Mao Trạch Đông phê phán Vũ Huấn, cộng thêm sự sách động xuất phát từ lòng căm ghét, hằn học của Giang Thanh (vợ Mao Trạch Đông), dẫn tới sự kiện Hồng Vệ Binh quật mộ ông, kéo xác lê khắp đường phố, đả đảo, phê bình, đấu tố, rồi đốt thành tro. Mãi tới năm 1985, chính quyền Hoa Lục mới phục hồi danh dự cho Vũ Huấn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *