Tập 115/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 03-003-0289

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 115

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang hai trăm bốn mươi sáu:

          Nhị, liệt danh.

          (Kinh) Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử, A Dật Đa Bồ Tát, Càn Đà Ha Đề Bồ Tát, Thường Tinh Tấn Bồ Tát.

            二、列名。

()文殊師利法王子。阿逸多菩薩。乾陀訶提菩薩。常精進菩薩。

          (Hai, nêu tên.

          Kinh: Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử, A Dật Đa Bồ Tát, Càn Đà Ha Đề Bồ Tát, Thường Tinh Tấn Bồ Tát).

               Kinh này nêu tên bốn vị Bồ Tát, vị thứ nhất là Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử.

          (Sớ) Văn Thù Sư Lợi giả, thử vân Diệu Thủ, diệc vân Diệu Cát Tường, diệc vân Diệu Đức.

          ()文殊師利者,此云妙首,亦云妙吉祥,亦云妙德。

          (Sớ: Văn Thù Sư Lợi, cõi này dịch là Diệu Thủ, còn dịch là Diệu Cát Tường, hoặc còn dịch là Diệu Đức).

          Trước tiên giới thiệu ý nghĩa của danh hiệu Bồ Tát. Văn Thù Sư Lợi (Mañjuśrī) là tiếng Phạn, [danh hiệu này chính] là dịch âm tiếng Ấn Độ, nghĩa tiếng Hán là Diệu Thủ. Thủ (首) là bậc nhất. Diệu Thủ có nghĩa là “vi diệu bậc nhất”. Cũng dịch là Diệu Cát Tường, hoặc dịch là Diệu Đức. Ba ý nghĩa này tương thông. Diệu Thủ, Diệu Cát Tường, Diệu Đức, ý nghĩa như nhau, chỉ là cách dịch khác nhau. Vị Bồ Tát này tượng trưng cho trí huệ bậc nhất.

          (Sớ) Pháp Vương Tử giả, Phật vi Pháp Vương, Bồ Tát nhập pháp chánh vị, danh Pháp Vương Tử.

          ()法王子者,佛為法王,菩薩入法正位,名法王子。

          (Sớ: “Pháp Vương Tử”: Phật là Pháp Vương, Bồ Tát nhập chánh pháp vị, gọi là Pháp Vương Tử).

          Vương có nghĩa là Tự Tại. Trong hết thảy các pháp, đức Phật đại tự tại; vì thế, gọi là Pháp Vương. Ở đây, phải chú ý Bồ Tát “nhập pháp chánh vị”. Nhập pháp chánh vị chỉ điều gì? Thế nào mới là pháp chánh vị? Đây là nói về bậc Đẳng Giác Bồ Tát. Đẳng Giác Bồ Tát sẽ lập tức thuộc địa vị Hậu Bổ Phật. Chúng ta thường gọi Bồ Tát thuộc địa vị ấy là Pháp Vương Tử.

          (Sớ) Hựu thủ cử Văn Thù giả, lệ tiền Xá Lợi Phất nghĩa.

          () 又首舉文殊者,例前舍利弗義。

          (Sớ: Lại nữa, nêu tên ngài Văn Thù đầu tiên, có ý nghĩa giống như Xá Lợi Phất trong phần trước).

          Xếp Văn Thù Bồ Tát đầu tiên, có ý nghĩa biểu thị pháp giống như mười sáu vị tôn giả trong phần trước. Vì trong phần Thanh Văn chúng ở trên, Xá Lợi Phất trí huệ đệ nhất được nêu tên đầu tiên. Trong hàng Bồ Tát cũng giống như vậy, trong hết thảy các Bồ Tát, Văn Thù Sư Lợi đại diện cho trí huệ đệ nhất. Điều này nói rõ: Nếu chẳng phải là người trí huệ bậc nhất sẽ chẳng thể tiếp nhận, chẳng thể tin tưởng bộ kinh này. Phàm ai có thể tin, nguyện, trì danh cầu vãng sanh, đều là trí huệ bậc nhất. Nếu không có trí huệ đệ nhất, nói thật ra, sẽ chẳng thể chọn lựa pháp môn này. Pháp môn này là pháp môn độc nhất thành Phật trong một đời, chỉ có người trí huệ bậc nhất mới có thể chọn lựa, mới có thể tin nhận, phụng hành.

          (Sao) Văn Thù Sư Lợi, diệc vân Mạn Thù Thất Lợi.

          () 文殊師利,亦云曼殊室利。

          (Sao: Văn Thù Sư Lợi, còn gọi là Mạn Thù Thất Lợi).

          Cũng là dịch âm tiếng Phạn.

          (Sao) Ngôn Diệu Thủ đẳng giả.

            () 言妙首等者。

          (Sao: Nói là Diệu Thủ v.v…)

          Đây là dịch ý, Diệu Thủ, Diệu Cát Tường, Diệu Đức, có nhiều cách dịch như thế.

          (Sao) Chuẩn Hoa Nghiêm tông, biểu tam pháp môn, viết Tín, Hạnh, Trí.

          () 準華嚴宗,表三法門,曰信行智。

          (Sao: Theo tông Hoa Nghiêm, [ba cách dịch ấy] biểu thị ba pháp môn là Tín, Hạnh, Trí).

          Văn Thù và Phổ Hiền đều là Đại Bồ Tát trong hội Hoa Nghiêm, [cùng với Thích Ca Mâu Ni Phật] các Ngài được gọi là Hoa Nghiêm Tam Thánh. Trong hội Hoa Nghiêm, các Ngài có địa vị giống như Quán Âm và Thế Chí trong thế giới Cực Lạc. Vì Ngài biểu thị ba pháp môn Tín, Hạnh, Trí, tức là đại diện cho Tín, Hạnh và Trí; còn Phổ Hiền Bồ Tát biểu thị Nguyện và Hạnh; ngài Văn Thù là Tín, Hạnh, Trí, biểu trưng ba môn ấy.

          (Sao) Diệu Thủ giả, Tín dã. Tín vi vạn hạnh vạn đức chi đầu thủ cố.

          () 妙首者,信也,信為萬行萬德之頭首故。

          (Sao: Diệu Thủ là Tín. Tín đứng đầu vạn hạnh, vạn đức).

           Tín đứng đầu trong tu hành. Chúng ta chẳng tin sẽ không thể nào tu được! Quý vị muốn tu hành, đầu tiên là quý vị nhất định tin tưởng. Tu hành siêng năng hay lười nhác, công phu sâu hay cạn, có quan hệ mật thiết với lòng tin. Quý vị tin sâu thì hạnh cũng sâu, sẽ tinh tấn, chẳng lười biếng! Nếu lòng tin cạn cợt, hạnh nhất định cũng nông cạn, thường bị giải đãi! Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Tín vi đạo nguyên, công đức mẫu” (tín là nguồn đạo, mẹ công đức). Tín là cội nguồn nhập đạo, là mẹ của hết thảy các công đức. Chữ Mẫu mang ý nghĩa tỷ dụ “có thể sanh”. Chỉ có Tín mới có thể sanh ra vô lượng vô biên công đức. Vị Bồ Tát này có đức hiệu là Diệu Thủ do mang ý nghĩa này.

          “Vạn hạnh, vạn đức”: “Hạnh” là nói về hạnh môn, “đức” là nói tới đức chân thật. Trong các kinh điển Đại Thừa, những điều Bồ Tát tu tập được gọi là Lục Độ Vạn Hạnh, như bố thí, trì giới cho đến mười đại nguyện vương của Phổ Hiền Bồ Tát. Nói “vạn đức” là như trong kinh thường nói “Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, Pháp Thân, Bát Nhã, Giải Thoát”. Lại nữa, chúng ta thường đọc thấy [các đức như] Thập Lực, Tứ Vô Úy, mười tám pháp Bất Cộng nơi quả địa Như Lai, cho đến các bộ kinh lớn thường nói vô lượng trăm ngàn đà-la-ni. Những điều ấy đều là nói đến đức chân thật. Đức chân thật chỉ có lòng tin mới có thể nhập. Vì thế, nói: “Tín năng tất đáo Như Lai địa” (do tin, ắt đạt đến địa vị Như Lai). Có thể thấy tín tâm vô cùng trọng yếu. Ba điều kiện tu hành trong pháp môn Tịnh Độ được gọi là “ba tư lương”, thứ nhất là Tín, tín nguyện trì danh, do ba điều kiện ấy có thể sanh về Tịnh Độ.

          (Sao) Diệu Cát Tường giả, hạnh dã.

          () 妙吉祥者,行也。

          (Sao: Diệu Cát Tường là Hạnh).

          Diệu Cát Tường là nói về Hạnh. Nương theo Phật pháp để tu hành, chắc chắn là cát tường, nhất là nương theo kinh Di Đà để tu hành. Kinh Thập Vãng Sanh dạy, “hành nhân”, tức người nương theo pháp môn này để tu hành, trọn đủ Tín, Nguyện, Hạnh, phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, “A Di Đà Phật phái khiển nhị thập ngũ vị Bồ Tát nhật dạ bảo hộ nhĩ” (A Di Đà Phật sai phái hai mươi lăm vị Bồ Tát ngày đêm bảo vệ quý vị). Quý vị có hai mươi lăm vị Bồ Tát bảo hộ, lẽ nào có chuyện chẳng cát tường? Vì thế, hạnh môn này vô cùng đặc biệt, thù thắng.

          (Sao) Phật Địa Kinh ngôn: “Nhất thiết thế gian thân cận cúng dường, tán thán, danh Diệu Cát Tường”.

() 佛地經言:一切世間親近供養讚歎,名妙吉祥。

          (Sao: Phật Địa Kinh[1] nói: “Hết thảy thế gian thân cận cúng dường, tán thán, nên gọi là Diệu Cát Tường”).

          Lại nêu kinh luận để chứng thực, hết thảy thân cận, cúng dường, tán thán, đó là do diệu đức cảm ứng.

          (Sao) Hựu Chân Đế vân.

          () 又真諦云。

          (Sao: Lại nữa, ngài Chân Đế nói).

          Pháp sư Chân Đế[2] là người đời Đường, đây là một vị cao tăng Tây Vực đến Trung Quốc hành hóa. Sư nói:

          (Sao) Ư oán thân trung, bình đẳng lợi ích, bất vi tổn não, danh Diệu Cát Tường.

            () 於怨親中,平等利益,不為損惱,名妙吉祥。

          (Sao: Bình đẳng lợi ích kẻ oán, người thân, chẳng khiến họ bị phiền não, tổn hại, nên gọi là Diệu Cát Tường).

           Oán thân bình đẳng,  quyết chẳng tổn hại chúng sanh, quyết chẳng

khiến cho chúng sanh dấy khởi phiền não, đó là hạnh đại bi bình đẳng của Bồ Tát, nên gọi là Diệu Cát Tường. Chúng ta đọc đến chỗ này, nói thật ra, phải học theo, phải nghiêm túc học tập! Nói thật ra, trong hết thảy thế gian, chúng ta khuyết thiếu “thân cận, cúng dường, tán thán”, nói thật thà là chúng ta chẳng sốt sắng tu mười nguyện Phổ Hiền. Một người niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, đối với mười nguyện Phổ Hiền và Thập Hạnh của ngài Văn Thù (Thập Ba La Mật[3]) đều phải nên tu học. Chúng ta thấy kinh Vô Lượng Thọ, vừa mở đầu, các vị Bồ Tát, Thanh Văn, tỳ-kheo, hết thảy đại chúng tham dự hội ấy, chẳng ai không “tuân tu Phổ Hiền đại sĩ chi đức”, “Phổ Hiền đại sĩ chi đức” chính là mười đại nguyện vương. Vì thế, sau khi đọc kinh ấy, chúng ta phải nắm được cương lãnh, phải hành, nỗ lực thực hiện! Trong các buổi giảng, chúng tôi cũng thường nói: Làm được một trăm phần trăm, trong tương lai, quý vị vãng sanh Tây Phương thế giới, quyết định là Thượng Phẩm Thượng Sanh. Làm được chín mươi phần trăm, quý vị là Thượng Phẩm Trung Sanh. Làm được tám mươi phần trăm, quý vị là Thượng Phẩm Hạ Sanh. Thượng Phẩm Hạ Sanh cũng khá lắm, tới Tây Phương Cực Lạc thế giới, sau bảy ngày hoa nở, thấy Phật. Chúng ta phải tranh thủ điều này. Vì thế, phải sốt sắng thực hiện, ở đây, [lời Sớ] cũng nêu ra ý nghĩa này.

          Chúng ta càng phải nên học tập chuyện “oán thân bình đẳng” này, chúng ta thấy có kẻ oán, người thân đều là hết sức bất bình đẳng, đây là chướng ngại rất lớn. Nếu có thể từ oán thân bình đẳng mà tu tâm đại bi thanh tịnh và bình đẳng của chính mình thì lúc chúng ta vãng sanh sẽ nắm chắc một trăm phần trăm, trong sát-na lâm chung, quý vị chẳng bị chướng ngại, vì sao? Quý vị thanh tịnh, bình đẳng, cho đến lúc ấy sẽ chẳng có gì không buông xuống được, trong lòng sẽ chẳng có vướng mắc gì. Thậm chí người ta chạm vào thân thể quý vị, quý vị cũng chẳng có phiền não, oán thân bình đẳng mà. Vì thế, lúc bình thường chúng ta phải thật sự dốc công phu để có thể tránh khỏi những chướng ngại nẩy sanh ngoài ý muốn khi vãng sanh.

          (Sao) Hựu sanh thời hữu thập chủng thụy.

          () 又生時有十種瑞。

          (Sao: Lại nữa, lúc Ngài sanh ra có mười điềm lành).

          Có mười thứ điềm lành[4], cho nên gọi là Diệu Cát Tường. Đây là do Văn Thù Bồ Tát thị hiện lúc hạ sanh.

          (Sao) Nhất, quang minh mãn thất, nãi chí thập, tượng sanh lục nha, danh Diệu Cát Tường.

          () 一光明滿室,乃至十象生六牙,名妙吉祥。

          (Sao: Một là quang minh ngập nhà, cho đến điều thứ mười là voi mọc sáu ngà, nên gọi là Diệu Cát Tường).

          Lúc Ngài sanh ra có mười thứ tướng lành, có thể nói là vô lượng vô biên phước đức hiện tiền, nên mới có điềm lành như vậy.

          (Sao) Thị tức Giải chi Hạnh cố.

          () 是即解之行故。

          (Sao: Do Giải chính là Hạnh).

           “Tức Giải chi Hạnh”, đây là giải thích chữ Diệu có nghĩa là “Giải Hạnh tương ứng”, Giải ở trong Hạnh, Hạnh ở trong Giải, Giải là Hạnh, Hạnh là Giải. Chúng tôi cũng rất nhấn mạnh điểm này, vì tôi mong mỏi các vị đồng tu Tịnh Độ, chúng ta phải hợp ba kinh lại để tham chiếu, tức là đối với kinh Vô Lượng Thọ, kinh Di Đà và kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, phải biến ba kinh ấy thành tư tưởng, kiến giải, và hành vi của chính mình, đó là Diệu. Kiến giải, tư tưởng, và hành vi của chúng ta là Giải, [ngược lại], Giải phải là tư tưởng, kiến giải, và hành vi của chính chúng ta. Đó là “diệu giải” ba kinh, phải làm được điều ấy.

          (Sao) Diệu Đức giả, trí dã. Kinh vân: “Chư Phật chi mẫu, Thích Ca chi sư, khởi phi diệu đức?” Thị tức Hạnh chi Giải cố.

            ()妙德者,智也。經云:諸佛之母,釋迦之師,豈非妙德。是即行之解故。

          (Sao: Diệu Đức là trí. Kinh dạy: “Mẹ của chư Phật, thầy của đức Thích Ca, há chẳng phải là Diệu Đức ư?” Đó là Hạnh chính là Giải vậy).

          [Xét đến] ý nghĩa [của danh hiệu] Diệu Đức, nói thật ra, Văn Thù Bồ Tát đã thành Phật từ lâu, Ngài là cổ Phật thả chiếc bè Từ, trở lại giúp Thích Ca Mâu Ni Phật hoằng pháp lợi sanh. Trong kinh, đức Phật đã từng dạy: Ngài Văn Thù từng là “thất Phật chi sư”, tức là thầy của bảy vị Phật, trong số đó có Thích Ca Mâu Ni Phật. [Bảy vị Phật ấy là] ba vị cuối cùng trong kiếp quá khứ (Trang Nghiêm Kiếp), và bốn vị Phật trong Hiền Kiếp hiện tại. Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát là thầy của bảy vị Phật, cho nên Ngài đã sớm viên mãn trí huệ. Trí huệ chẳng viên, chẳng thể gọi là Diệu Đức. Kinh Hoa Nghiêm nói vị Bồ Tát này “liễu liễu kiến Phật tánh, do như Diệu Đức đẳng” (thấy Phật tánh rành rành, giống như là Diệu Đức), cũng là nói rất rõ ràng ý nghĩa này: Từ lâu xa, Văn Thù Bồ Tát đã chứng đắc Nhất Thiết Chủng Trí, chẳng khác gì Phật; vì thế, Ngài đại diện cho Trí Môn.

          (Sao) Nhập pháp chánh vị giả, Như Lai cứ Trung Đạo Đệ Nhất Nghĩa, nhi Bồ Tát nhập ư thử địa, thị vị thiệu long Phật chủng, đương kế Phật vị. Như đại quân thể nguyên cư chánh, sở sanh vương tử, kim tại Đông Cung, đương thiệu vương vị, danh Pháp Vương Tử, hựu danh Phật Tử, kỳ ý diệc nhĩ.

          ()入法正位者,如來據中道第一義,而菩薩入於此地,是謂紹隆佛種,當繼佛位。如大君體元居正,所生王子,今在東宮,當紹王位,名法王子,又名佛子,其意亦爾。

          (Sao: “Nhập pháp chánh vị”: Như Lai ngự trong Trung Đạo Đệ Nhất Nghĩa, Bồ Tát nhập địa vị ấy, điều đó gọi là “tiếp nối hưng thịnh dòng giống Phật, sẽ kế tục địa vị Phật”, giống như hoàng đế nắm quyền[5], vương tử do nhà vua sanh ra nay đang ở Đông Cung, sẽ nối ngôi vua, nên gọi là Pháp Vương Tử, lại còn gọi là Phật Tử, cũng có cùng một ý nghĩa).

          Ở đây vừa giảng về pháp, vừa nêu tỷ dụ. “Như Lai cứ Trung Đạo Đệ Nhất Nghĩa” là nói đến chánh vị của đức Phật. “Trung Đạo Đệ Nhất Nghĩa” là Phật vị, tức là Phật quả rốt ráo trong Viên Giáo. Thông thường, tông Thiên Thai nói có bốn loại Phật là Tạng, Thông, Biệt, Viên; chỉ có Viên Giáo Phật mới là Trung Đạo Đệ Nhất Nghĩa. “Bồ Tát nhập ư thử địa”, ý nói: Bồ Tát gần đạt đến địa vị Phật. Trung Đạo chẳng dễ hiểu cho lắm, chúng tôi nói theo tông Thiên Thai thì tông Thiên Thai giảng ý nghĩa [Trung Đạo] khá sâu, họ nói theo sự viên giải. Những điều này thuộc về Giáo Hạ, Giáo Hạ nói “đại khai viên giải”, đại khai viên giải là địa vị minh tâm kiến tánh. Nếu đại khai viên giải mà chấp vào Viên, sẽ chẳng viên! Có thể thấy: Hễ chấp trước Viên thì vẫn là khuyết điểm, vẫn sai lầm, huống hồ những thứ khác? Bọn phàm phu chúng ta chấp Có, chỗ nào cũng đều tưởng hết thảy đều có thật, thật sự có, lầm mất rồi! Người Nhị Thừa chẳng chấp Có, họ chấp Không, cũng sai luôn! Bồ Tát là hai bên Không và Có đều chẳng chấp trước. Đó gọi là Trung Đạo.

           Chương Đại Thế Chí Viên Thông của kinh Lăng Nghiêm có nói: “Đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương kế” (nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối). Nhiếp trọn sáu căn nhưng chẳng chấp Có, tịnh niệm tiếp nối là chẳng chấp Không, hai bên Không và Có đều chẳng chấp trước. Phương pháp niệm Phật ấy vô cùng cao cấp, trong bốn loại niệm Phật, loại này gọi là Thật Tướng Niệm Phật, thông thường chúng tôi rất ít nói tới, vì sao? Chúng ta làm không được. “Đô nhiếp lục căn” là nhất niệm bất sanh, lục căn của chúng ta đối trước cảnh giới lục trần chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, không khởi tâm, chẳng động niệm, đó là Nhiếp, chúng ta có thể làm được hay không? Lục căn của chúng ta tiếp xúc cảnh giới lục trần mà có thể chẳng khởi tâm, không động niệm, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước hay chăng? Làm chẳng được! Vì thế, kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật dạy chúng ta những phương pháp niệm Phật khác, không dạy phương pháp này. Kinh dạy chúng ta quán tưởng, quán tượng, trì danh, chẳng giảng về Thật Tướng. Đại Thế Chí Viên Thông Chương giảng về Thật Tướng Niệm Phật. Chúng ta phải hiểu đạo lý ấy, chúng ta cũng mong tận hết sức, nỗ lực thực hiện; nhưng hễ có ý niệm nỗ lực thì lại không được, vì sao? Chấp tướng, nên chẳng đạt được. Vì vậy, Thật Tướng Niệm Phật là vô cùng tự nhiên, đó gọi là “thong dong Trung Đạo”! Trong ấy, không có tưởng tượng, chẳng khởi tâm, không động niệm, hễ chúng ta có ý niệm bèn là khởi tâm động niệm. Nói thật ra, chúng ta dùng ba phương pháp niệm Phật trên đây, niệm đến Lý nhất tâm bất loạn, sau đấy, niệm Phật sẽ tự nhiên là Thật Tướng. Thật ra, niệm Phật đến Sự nhất tâm sẽ nhiếp trọn sáu căn, quý vị đắc Niệm Phật tam-muội. Niệm đến Lý nhất tâm mới là tịnh niệm tiếp nối. Điều ấy được gọi là Niệm Bất Thoái, niệm niệm lưu nhập Như Lai giác hải. “Tát Bà Nhã hải” (biển Nhất Thiết Trí) như trong kinh Phật đã nói chính là biển đại giác, “biển” là tỷ dụ. Bồ Tát nhập pháp chánh vị cũng gần như đạt đến địa vị này; nhưng Bồ Tát nhập vào địa vị này sẽ “thị vị thiệu long Phật chủng, đương kế Phật vị” (được gọi là “tiếp nối hưng thịnh dòng giống Phật, sẽ kế tục địa vị Phật”), tức là địa vị Hậu Bổ Phật, Bồ Tát nhập địa vị này.

          Tiếp đó, [lời Sao] dùng pháp thế gian làm tỷ dụ, “như đại quân thể nguyên cư chánh”, “đại quân” là hoàng đế, “hoàng đế cư chánh” [nghĩa là] nơi hoàng đế ngự được gọi là “chánh vị”, tức [ngự trên] ngôi cửu ngũ[6]. Trong Phật pháp, Pháp Vương Tử giống như Đông Cung Thái Tử, địa vị giống nhau. “Sở sanh vương tử, kim tại Đông Cung, đương thiệu vương vị” (vương tử do vua sanh nay đang ở Đông Cung, sẽ nối ngôi vua), là người thừa kế quốc vương. Do vậy, có thể biết Pháp Vương Tử là người thừa kế đức Phật; do vậy, Pháp Vương Tử vô cùng tôn quý.

           “Hựu danh Phật Tử, kỳ ý diệc nhĩ” (lại còn gọi là Phật tử, cũng có cùng một ý nghĩa), cũng gọi là Phật Tử, nhưng Phật Tử không có ý nghĩa rõ rệt như Pháp Vương Tử. Trong hội Hoa Nghiêm đã nói “Phổ Hiền vi trưởng tử” (Phổ Hiền là con cả), tức là Pháp Vương Tử, “Văn Thù vi thứ nam” (Văn Thù là con trai thứ). Văn Thù giống như đứa con nhỏ, còn Phổ Hiền là con lớn của đức Phật. Trưởng tử là Pháp Vương Tử, thứ nam là Phật Tử. Vì sao trong hội Hoa Nghiêm, Phổ Hiền Bồ Tát được xếp cao hơn Văn Thù Bồ Tát? Chư vị phải hiểu, Văn Thù tượng trưng Trí, Phổ Hiền tượng trưng Hạnh, xếp Phổ Hiền vào bậc nhất vì trọng Hạnh! Tây Phương Tam Thánh cũng giống như vậy, Quán Thế Âm được xếp trước Đại Thế Chí vì Quán Âm tượng trưng cho Hạnh, Đại Thế Chí biểu thị Trí, pháp môn này cũng coi trọng thực hành. Vì thế, quý vị nhìn vào cách xếp đặt vị trí của Bồ Tát, sẽ hiểu pháp môn ấy trọng trí hay trọng hạnh, sẽ thấy rất rõ ràng.

          (Sao) Phàm Bồ Tát giai Pháp Vương Tử, độc xưng Văn Thù giả, Kinh Khê vân: “Ư vương tử trung, đức thôi Văn Thù”. Hựu chư kinh Văn Thù thường vi nhất thiết Bồ Tát thượng thủ cố. Lệ Xá Lợi Phất giả, Thân Tử trí huệ đệ nhất, Văn Thù đại trí độc tôn, như tiền sở minh thử kinh duy trí phương năng tín thọ cố.

          ()凡菩薩皆法王子,獨稱文殊者,荊溪云:於王子中,德推文殊,又諸經文殊常為一切菩薩上首故。例舍利弗者,身子智慧第一,文殊大智獨尊,如前所明此經惟智方能信受故。

          (Sao: Phàm các vị Bồ Tát đều là Pháp Vương Tử, nhưng riêng gọi ngài Văn Thù bằng danh từ này. Ngài Kinh Khê nói: “Trong các vị vương tử, ngài Văn Thù phẩm đức cao nhất”. Lại nữa, trong các kinh, ngài Văn Thù thường là thượng thủ của hết thảy Bồ Tát. Như ngài Xá Lợi Phất, Thân Tử trí huệ bậc nhất, Văn Thù đại trí độc tôn, như trong phần trước đã nói: “Chỉ có người trí huệ mới có thể tin nhận [pháp môn] này”).

          Đoạn này giảng rất hay, vì sao? Phàm là Bồ Tát đều gọi là Pháp Vương Tử. Pháp Vương Tử là tiếng gọi chung, không nhất định là Phổ Hiền [hay Văn Thù] mới được gọi là Pháp Vương Tử. Chúng ta gọi chung bậc kiến tánh Bồ Tát là Pháp Vương Tử. Trong Viên Giáo, từ Sơ Trụ trở lên đều gọi là Pháp Vương Tử, hoặc đều gọi là Phật Tử, vì sao? Đồng Sanh Tánh với Phật, cách nói này hết sức hợp lý. Tâm phàm phu chúng ta và tâm Phật chẳng giống nhau. Phàm phu chúng ta sử dụng cái tâm phân biệt, tâm vọng tưởng, tâm chấp trước; còn kiến tánh Bồ Tát, chính là chuyển tám thức thành bốn trí, Ngài chẳng sử dụng những tâm ấy. Trong phần hai mươi lăm pháp Viên Thông của kinh Lăng Nghiêm, hai mươi lăm vị Bồ Tát thảy đều là Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo; vì thế, địa vị cũng chẳng cao lắm! Trong kinh Lăng Nghiêm, Quán Thế Âm Bồ Tát là Viên Giáo Sơ Trụ, Đại Thế Chí Bồ Tát cũng là Sơ Trụ trong Viên Giáo. Vì thế, tuy cùng là một vị Bồ Tát, nhưng trong mỗi bộ kinh, địa vị khác nhau. Trong hội Lăng Nghiêm, Quán Thế Âm Bồ Tát thị hiện làm Sơ Trụ. Trong kinh Hoa Nghiêm, Ngài thị hiện làm Đệ Thất Hồi Hướng; trong kinh Pháp Hoa, Ngài thị hiện thân phận Đẳng Giác. Vì vậy, trong mỗi hội, thị hiện thân phận khác nhau. Trong kinh Lăng Nghiêm, Bồ Tát nói: “Phản văn văn tự tánh, tánh thành vô thượng đạo” (xoay lại cái Nghe để nghe tự tánh, tánh trở thành vô thượng đạo). Lấy Quán Thế Âm Bồ Tát làm thí dụ, hai mươi bốn vị thánh [trong hội Lăng Nghiêm] cũng chẳng ra ngoài lệ ấy, các Ngài thấy sắc, nghe tiếng khác chúng ta! Quán Âm Bồ Tát dùng gì để nghe âm thanh? Dùng tánh Nghe để nghe. Chúng ta dùng Nhĩ Thức để nghe, khác hẳn! Bồ Tát thấy hết thảy sắc tướng bèn dùng tánh Thấy để thấy, chúng ta dùng Nhãn Thức để thấy. Nếu chúng ta cũng biết dùng căn tánh của sáu căn, sẽ chẳng khác gì Phật! Nếu quý vị biết dùng căn tánh của sáu căn, sẽ được gọi là Pháp Vương Tử. Nếu quý vị chẳng dùng căn tánh của sáu căn, vẫn dùng tám thức, chẳng thể gọi là Pháp Vương Tử!

          Thông thường gọi [Bồ Tát] là Phật Tử, phạm vi tương đối rộng hơn một chút, có thể bao gồm cả hạng Sơ Phát Tâm chúng ta. Quý vị học Phật, đều là đệ tử Phật, quy y Tam Bảo, đều là đệ tử Tam Bảo, tương đối rộng rãi hơn một chút! Gọi là Pháp Vương Tử thì ý nghĩa nghiêm ngặt hơn một chút. Trong Lăng Nghiêm Chánh Mạch, pháp sư Giao Quang bảo người học Lăng Nghiêm phải biết “bỏ thức dùng căn”. Tuy đề xướng như vậy, bỏ thức dùng căn há dễ dàng? Chẳng phải là chuyện dễ dàng! Nói thật ra, công đức của một câu A Di Đà Phật trọn chẳng kém “bỏ thức dùng căn”, vấn đề là quý vị phải biết dùng, phải biết niệm thì mới được. Biết niệm là gì? Chẳng biết niệm là gì? Hiện thời, mọi người chúng ta đều niệm Phật, nhưng nói thật thà thì quá nửa đều chẳng biết niệm, quý vị niệm chẳng đúng pháp! Vì thế, công hiệu chẳng rõ rệt. Biết niệm là gì? Người biết niệm, trong tâm vừa dấy niệm, bất luận là niệm gì, thiện niệm hay ác niệm, chánh niệm hay tà niệm, nhất loạt chẳng quan tâm tới, vì sao? Trong Chân Như bổn tánh không có niệm, nó vốn chẳng có niệm! Có niệm là trật rồi, vốn chẳng có ý niệm mà! Hiện thời, đối với niệm ấy, bất luận niệm gì, chỉ cần niệm dấy lên, niệm thứ hai bèn đổi thành A Di Đà Phật. Nói cách khác, khởi niệm chỉ có nhất niệm, quyết định không có niệm thứ hai tiếp nối, niệm thứ hai bèn đổi thành A Di Đà Phật. Niệm Phật như vậy gọi là “biết niệm”. Niệm lâu ngày, hết thảy phân biệt, chấp trước, vọng tưởng đều chẳng còn nữa, đều đoạn hết, chỉ còn lại A Di Đà Phật.

          Nếu quý vị thiện căn sâu dầy, do một câu A Di Đà Phật sẽ đại triệt

đại ngộ, minh tâm kiến tánh, niệm đạt tới Lý nhất tâm bất loạn, vãng sanh quyết định là Thượng Phẩm Thượng Sanh. Nếu thiện căn và phước đức cạn một chút, chẳng dầy như vậy, phương pháp Niệm Phật này thật sự chế ngự phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, chẳng để chúng dấy lên, hiện hành, quý vị quyết định có phần vãng sanh cõi Phàm Thánh Đồng Cư trong Tây Phương thế giới. Nói cách khác, trong một đời này, chúng ta thật sự vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, viên chứng ba món Bất Thoái, thành Phật trong một đời. Hạ hạ phẩm vãng sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư của Tây Phương Cực Lạc thế giới vẫn là thành Phật trong một đời. Bất luận pháp môn nào khác đều chẳng có cách nào sánh bằng pháp môn Niệm Phật!

          Ở đây, có một câu hỏi, Pháp Thân đại sĩ thuộc bốn mươi mốt địa vị đều gọi là Pháp Vương Tử, vì sao những vị Bồ Tát khác chẳng gọi là Pháp Vương Tử, chỉ riêng gọi ngài Văn Thù? Kinh Khê đại sư[7] bảo: “Ư vương tử trung, đức thôi Văn Thù”, [nghĩa là] trong hết thảy các vị Bồ Tát, ngài Văn Thù đức hạnh bậc nhất. Nếu Ngài chẳng có đức hạnh cao dường ấy, làm sao có thể là thầy của bảy đức Phật? Đấy là một lý do khiến cho mọi người chúng ta đặc biệt tôn trọng Ngài. “Hựu chư kinh Văn Thù thường vi nhất thiết Bồ Tát thượng thủ cố” [nghĩa là] trong sự biểu thị pháp của đại đa số kinh điển Đại Thừa đều xếp Văn Thù Bồ Tát đứng đầu, giống như trong pháp Tiểu Thừa, xếp tôn giả Xá Lợi Phất bậc nhất, mang ý nghĩa tương đồng. Trong Tiểu Thừa, Thân Tử là ngài Xá Lợi Phất, Xá Lợi Phất trí huệ đệ nhất; trong hàng Bồ Tát, Văn Thù Bồ Tát biểu thị trí huệ đệ nhất. Bất luận Đại Thừa hay Tiểu Thừa, nếu chẳng phải là trí huệ đệ nhất, chẳng thể tin nhận bộ kinh điển này, chẳng thể tin nhận pháp môn này. Vì thế, nhất định phải xếp [hai ngài Xá Lợi Phật và Văn Thù] vào vị trí thứ nhất, đó là ý nghĩa biểu thị pháp.

          (Sao) Hựu phân biệt nhi luận, tắc Thân Tử Quyền Trí, Văn Thù Thật Trí. Quyền Trí minh “hữu sanh Tịnh Độ”, Thật Trí minh “vô sanh Tịnh Độ”. Độn căn tắc tùng Quyền nhập Thật, lợi căn tắc Quyền Thật song dung. Nhược thôi bổn nhi luận, Bất Tư Nghị Cảnh Giới kinh vân: “Phục hữu bách thiên vạn ức Bồ Tát, hiện Thanh Văn hình, diệc lai tại tọa, kỳ danh viết Xá Lợi Phất đẳng”. Tắc Văn Thù, Thân Tử, đồng nhất thậm thâm trí huệ, ích tri thử kinh phi thiển trí sở năng tín hĩ.

          ()又分別而論,則身子權智,文殊實智,權智明有生淨土,實智明無生淨土,鈍根則從權入實,利根則權實雙融。若推本而論,不思議境界經云:復有百千萬億菩薩,現聲聞形,亦來在坐,其名曰舍利弗等。則文殊身子,同一甚深智慧,益知此經非淺智所能信矣。

          (Sao: Lại nữa, nói phân biệt thì Thân Tử là Quyền Trí, Văn Thù là Thật Trí. Quyền Trí nói rõ “có sanh Tịnh Độ”, Thật Trí nói rõ “chẳng sanh Tịnh Độ”. Độn căn là từ Quyền nhập Thật, lợi căn là Quyền và Thật cùng viên dung. Nếu luận theo căn bản (Bổn) thì kinh Bất Tư Nghị Cảnh Giới nói: “Lại có trăm ngàn vạn ức Bồ Tát, hiện thân Thanh Văn, cũng đến trong hội này, tên các Ngài là Xá Lợi Phất v.v…”, vậy thì Văn Thù và Thân Tử có cùng một trí huệ rất sâu, nên càng biết kẻ trí cạn sẽ chẳng thể tin kinh này).

          Đoạn chú giải này chứa đựng ý nghĩa rất sâu. “Phân biệt nhi luận” (nói phân biệt), vì cách giảng trong phần trước là tổng thuyết. Tách ra để nói, trí huệ có Quyền và Thật bất đồng. Quyền là nói theo kiểu phương tiện thiện xảo, Thật là nói chân thật. Quyền là đức Phật tùy thuận kiến giải, hiểu biết thông thường của chúng sanh để nói. Thật là nói theo cảnh giới của chính Như Lai, thường là chúng ta không có cách nào tiếp nhận, nhưng đó là chân thật. Đức Phật tùy thuận kiến giải và hiểu biết thông thường của chúng ta để nói, chúng ta đều có thể tiếp nhận, rất hoan hỷ tiếp nhận. Vì thế, hai vị này tượng trưng hai thứ trí huệ Quyền và Thật. Người Tiểu Thừa có công phu định lực khá sâu, và cũng hiển thị trí huệ kha khá, nhưng trí huệ của họ chẳng lưu xuất từ Chân Như bổn tánh. Do vậy, chẳng phải là chân trí huệ; vì thế, mới miễn cưỡng nói Quyền Trí. Thật ra, nếu không nói ra đoạn văn này, Quyền Trí của Xá Lợi Phất cũng chẳng dễ giảng, vì sao? Không có Thật Trí, lấy đâu ra Quyền Trí? Giống như cái cây, không có rễ, lấy đâu ra cành, lá! Thật Trí là cội rễ, Quyền Trí là cành, lá. Không có Thật Trí, chắc chắn không có Quyền Trí, tức là cũng nói rõ: A La Hán thiếu trí huệ! Ai mới có trí huệ? Người kiến tánh mới có trí huệ. Tâm tánh là Thật Trí, tâm tánh khởi tác dụng, hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức, đó là Quyền Trí. Đoạn này đã chỉ rõ, tôn giả Xá Lợi Phất cũng là bậc đại quyền thị hiện, chẳng phải là Tiểu Thừa thật sự, mà cũng là cổ Phật tái lai, địa vị của các Ngài chẳng sai khác cho lắm, đều giống nhau, đều đã thành Phật. Thị hiện làm Thanh Văn, hay làm Bồ Tát trong hội Thích Ca Mâu Ni Phật, không gì chẳng nhằm giúp Thích Ca Mâu Ni Phật hoằng pháp mà thôi. Đó là đại từ, đại bi, thả chiếc bè Từ, có ý nghĩa như vậy.

          “Quyền Trí minh hữu sanh Tịnh Độ” (Quyền Trí nói rõ “có sanh Tịnh Độ”), thừa nhận Tây Phương Cực Lạc thế giới có thật, giống như thế giới hiện tại này của chúng ta, [Cực Lạc] ở phương Tây của thế giới này, nhưng chẳng phải là ở phía Tây của địa cầu này, nó ở phương Tây của thế giới Sa Bà. Trên địa cầu này, gần đây có những người thật sự thông hiểu khoa học cũng liễu giải, địa cầu này nói thật ra là một châu trong một tiểu thế giới. Một ngàn tiểu thế giới mới gọi là một tiểu thiên thế giới. Lấy tiểu thiên thế giới làm đơn vị, một ngàn tiểu thiên thế giới mới gọi là một trung thiên thế giới. Lại lấy trung thiên thế giới làm đơn vị, một ngàn trung thiên thế giới gọi là một đại thiên thế giới. Danh xưng chung của một đại thiên thế giới là thế giới Sa Bà. Thế giới Cực Lạc ở phía Tây thế giới Sa Bà. Điều này nói rõ, đức Phật giảng cho chúng ta sự thật này, từ thế giới Sa Bà đi về phương Tây qua khỏi mười vạn ức cõi Phật, quả thật có một tinh cầu, tinh cầu ấy rất lớn, chẳng biết lớn hơn địa cầu của chúng ta bao nhiêu lần, thế giới ấy là thế giới Cực Lạc của A Di Đà Phật.

          Thế giới Cực Lạc thù thắng trang nghiêm khôn sánh! Vì thế giới ấy là cõi Pháp Tánh, khác với thế giới của chúng ta, tánh chất khác nhau, vì sao? Thế giới của chúng ta, thậm chí mười phương các cõi Phật đều do Chân Như bổn tánh sau khi vô minh dấy lên, biến thành A Lại Da thức; trong A Lại Da thức lại có hai phần là Kiến Phần và Tướng Phần. Từ Kiến Phần biến hiện Tướng Phần, Tướng Phần biến hiện y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới; vì thế, nó từ vô minh biến hiện. Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có vô minh, hoàn toàn do tự tánh biến hiện; do đó, nơi ấy là tự tánh Tịnh Độ, khác hẳn thế giới này của chúng ta! Ở nơi này là “vô minh bất giác sanh tam tế, cảnh giới làm duyên tăng trưởng lục thô”, cõi nước của chúng ta do vậy mà có. Nói cách khác, xét đến căn nguyên của nó, cõi này do vô minh biến hiện, còn cõi kia hoàn toàn từ Chân Như bổn tánh hiện ra, căn nguyên chẳng giống nhau. Chúng ta chẳng có cách nào lý giải điều này! Kinh thường dạy: “Duy Phật dữ Phật phương năng cứu cánh” (chỉ có Phật và Phật mới có thể thấu hiểu rốt ráo), hữu tình trong chín giới chẳng thể nào lý giải, đạo lý ở chỗ này. Vì thế, người căn tánh độn một chút bèn từ Quyền nhập Thật; đó là “có sanh Tịnh Độ”, hữu sanh!

          Khi chúng ta niệm Phật đến mức công phu thành thục, trong tương lai, khi lâm chung, A Di Đà Phật đến tiếp dẫn chúng ta, chuyện này là thật, chẳng giả! Vì thế, mọi người đọc đến đây, chớ nên hoài nghi, thật sự vãng sanh, chẳng phải giả! Nhưng nếu là người lợi căn, sẽ cao minh hơn, đó gọi là “sanh thì quyết định sanh, đi thì chẳng thật sự đi”, không đi làm sao sanh? Không đi mà thật sự sanh! Đó là người căn tánh nhạy bén, hiểu tự tánh của A Di Đà Phật và tự tánh của chính chúng ta là một tánh, chẳng phải là hai tánh, nên gọi là “duy tâm Tịnh Độ, tự tánh Di Đà”. Người như vậy vãng sanh, thưa quý vị, đều là thượng thượng phẩm, sanh về cõi Thật Báo Trang Nghiêm trong thế giới bên kia. Đó là lợi căn, người ấy thật sự có trí huệ, biết có “vô sanh Tịnh Độ”.

          “Vô sanh Tịnh Độ” là thật sự liễu đạt Pháp Không, hai thứ chấp trước đều phá sạch. Phàm phu có Nhân Ngã Chấp và Pháp Ngã Chấp. Ngã Chấp đã hết, chứng đắc Nhân Không, quả vị niệm Phật là Sự nhất tâm bất loạn, niệm tới Pháp Không là Lý nhất tâm bất loạn. Đắc Sự nhất tâm bất loạn, sanh vào cõi Phương Tiện Hữu Dư của Tây Phương Cực Lạc thế giới, vẫn thuộc loại “hữu sanh Tịnh Độ”. Cõi Phương Tiện và cõi Đồng Cư đều thuộc loại hữu sanh Tịnh Độ; nhưng chư vị phải hiểu: Thế giới Tây Phương là Có và Không bất nhị, như Tâm Kinh đã nói: “Sắc tức là Không, Không tức là Sắc, Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc”, đó là diệu độ! Vì vậy, quý vị bảo nó là hữu sanh cũng được, mà nói nó là vô sanh cũng được luôn! Hữu sanh và vô sanh là một, không hai. Chúng ta vừa nhìn, thường thấy có đối lập, thấy hữu sanh thì còn có hy vọng, thấy vô sanh bèn đau buồn, chẳng trông mong gì! Sai mất rồi! Không biết chúng là một, chẳng hai! Đó là cõi mầu nhiệm thật sự!

          Những người căn tánh lanh lợi khai ngộ rồi, họ niệm Phật đến mức kiến tánh. Sau khi kiến tánh, tâm họ thật sự đạt được thanh tịnh, khi ấy, triệt để hiểu rõ chúng sanh và Phật chẳng hai, tịnh và uế dung thông. Giống như Đại Luận đã nói, Tâm Kinh cũng nói rõ rệt: “Chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng nhơ, chẳng sạch, chẳng đến, chẳng đi, chẳng thường, chẳng đoạn”. Trung Quán Luận nói đến “bát bất” (tám điều chẳng) đó là Thật Tướng của các pháp, cũng chính là như Đại Thế Chí Bồ Tát đã nói trong kinh Lăng Nghiêm: “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối”. Tuy trong tâm thanh tịnh chẳng sanh một niệm, giống như Lục Tổ đã nói: “Vốn chẳng có một vật”, Phật hiệu của người ấy vẫn chẳng gián đoạn. Tuy Phật hiệu chẳng gián đoạn, quyết định chẳng trở ngại “vốn chẳng có một vật”!

          Thiền Tông muốn chứng “vốn chẳng có một vật” thì phải chứng tâm thanh tịnh. Nếu niệm một tiếng Phật hiệu, họ phải súc miệng ba ngày, họ nói trong tâm đã bị nhiễm dơ! Nếu quý vị lắng lòng đôi chút, suy nghĩ, [sẽ thấy] tâm kẻ ấy chẳng thanh tịnh! Cớ sao nói kẻ ấy chẳng thanh tịnh? Nếu thật sự thanh tịnh, niệm một tiếng Phật hiệu há còn có thể nhiễm bẩn kẻ ấy hay chăng? Do vậy, ta biết: Kẻ ấy chán ghét niệm Phật thì cái tâm chán ghét ấy là tâm chẳng thanh tịnh, vẫn chẳng thoát khỏi chấp trước, chấp trước gì vậy? Chấp trước thanh tịnh, chấp trước “không có một vật”. Kẻ ấy trọn chẳng phải thật sự là “không có một vật nào”! Trong tâm kẻ ấy hãy còn có [ý niệm] “không có một vật”, có [một ý niệm] “chẳng có một vật nào” tồn tại! Vì thế, trọn chẳng thật sự đạt đến “không có một vật nào”! Nếu thật sự đạt đến “không có một vật nào”, sẽ chẳng quan tâm đến chuyện niệm Phật [có ô nhiễm cái tâm hay không; tâm người ấy] chắc chắn không bị ô nhiễm. Vì thế, cảnh giới này rất khó đạt được! Tuy biết “ngoài tâm không có Phật, ngoài Phật chẳng có tâm”, nhưng người ấy niệm Phật chưa hề gián đoạn, tuy biết “sanh tức vô sanh, vô sanh tức sanh”, kẻ ấy vẫn muốn vãng sanh. Chúng ta thấy trong hội Hoa Nghiêm, Pháp Thân đại sĩ thuộc bốn mươi mốt địa vị đều niệm Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, họ là “vô sanh mà sanh”. Những vị Bồ Tát ấy chẳng phải là phàm nhân! Chúng ta phải thấu hiểu từ chỗ này!

          Tịnh Độ chỉ có một, tuyệt đối chẳng có hai. Ở đây, nhằm thuyết pháp cho thuận tiện hòng khiến quý vị ngộ nhập, chứ trên thực tế là một chuyện. Căn khí chúng sanh có lợi và độn, độn căn từ Quyền nhập Thật, tức là cõi Phàm Thánh Đồng Cư dần dần chứng nhập cõi Thật Báo Trang Nghiêm, cũng giống hệt như chúng ta dụng công ở đây. Chúng ta dùng thức thứ sáu, tức tâm Ý Thức để niệm Phật, chẳng sai! Đó là Quyền. Quý vị hiểu rõ đạo lý ấy, sẽ có thể từ Quyền nhập Thật, có thể chuyển thức thứ sáu, tức Ý Thức, thành Diệu Quan Sát Trí. Nếu chẳng hiểu rõ đạo lý này, quý vị sẽ vĩnh viễn thuộc Quyền vị, chẳng thể nhập Thật vị. Do đó, phải hiểu rõ Lý rồi thực hiện từ Quyền, dốc sức nơi mặt Sự, ổn thỏa thích đáng, chắc chắn chẳng đi sai đường! Vì vậy, từ Sự trì dần dần tiến đến Lý trì.

          Nói đến những vị Đại Bồ Tát này, các Ngài là lợi căn! Các Ngài là “Quyền Thật song dung” (Quyền lẫn Thật đều viên dung). Tuy hiểu rõ Lý, vẫn chẳng phế Sự, chẳng vứt bỏ Sự! Như Đại Thế Chí Bồ Tát đã hiểu rõ Lý, nhiếp trọn sáu căn, minh tâm kiến tánh, Ngài suốt ngày từ sáng đến tối vẫn lần tràng hạt, niệm A Di Đà Phật chẳng ngừng, chẳng phế Sự! Cho đến những vị như Văn Thù, Phổ Hiền là Đẳng Giác Bồ Tát trong Viên Giáo, trong hội Hoa Nghiêm vẫn phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ. Đấy đều là thị hiện hình tướng nhằm khuyên lơn, khích lệ cửu giới hữu tình, cửu giới bao gồm cả Thập Địa Bồ Tát trong đó, khuyên họ cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ hòng viên mãn Vô Thượng Bồ Đề, mang ý nghĩa này.

          “Nhược thôi bổn nhi luận” (nếu luận theo căn bản), “Bổn” là căn bản, những gì chúng ta thấy trong hiện thời là hình tướng. Xá Lợi Phất, Văn Thù đều là thị hiện hình tích, chứ về căn bản, các Ngài đã thành Phật từ lâu, đều là cổ Phật tái lai. “Bất Tư Nghị Cảnh Giới Kinh vân” (kinh Bất Tư Nghị Cảnh Giới nói), Bất Tư Nghị Cảnh Giới Kinh là kinh gì? [Chính là] Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện Phẩm trong kinh Hoa Nghiêm, tức Nhập Bất Tư Nghị Cảnh Giới Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện Phẩm, đó là tựa đề của phẩm kinh Tứ Thập Hoa Nghiêm. Vì tên của phẩm này quá dài, ở đây chỉ nói Bất Tư Nghị Cảnh Giới Kinh, tức là trong Tứ Thập Hoa Nghiêm có nói: “Phục hữu bách thiên vạn ức Bồ Tát, hiện Thanh Văn hình, diệc lai tại tọa” (lại có trăm ngàn vạn ức Bồ Tát hiện hình tướng Thanh Văn cũng đến ngồi trong hội này). Trong kinh Hoa Nghiêm mới nêu bày căn bản (Bổn) [của các vị Thanh Văn]! Nếu không, làm sao trong hội Hoa Nghiêm có Tiểu Thừa cho được? [Phải là] Pháp Thân đại sĩ thuộc bốn mươi mốt địa vị mới có tư cách dự hội Hoa Nghiêm! Chẳng phải là Pháp Thân đại sĩ, muốn thấy còn chưa thấy được pháp hội này, cớ sao những vị như Xá Lợi Phất đều hiện diện trong ấy? Đến hội thứ chín của kinh Hoa Nghiêm, chúng ta mới thấy điều này, tức là trong quyển thứ nhất của bộ Tứ Thập Hoa Nghiêm ta thấy cảnh giới này, vì sao? Hàng Tiểu Thừa đều hiện diện, bởi những vị ấy vốn chẳng phải là Thanh Văn thật sự, mà là gì? Đều là Phật, Bồ Tát hiện thân Thanh Văn, biến hiện hình dáng Thanh Văn để tham gia pháp hội này.

          “Kỳ danh viết Xá Lợi Phất đẳng” (tên các Ngài là Xá Lợi Phất v.v…), nêu ra một vị, toàn bộ những vị ấy vốn đều là Pháp Thân đại sĩ. Do đó, trong kinh thường gọi các Ngài là “đại tỳ-kheo, đại A La Hán”, cho thấy các Ngài chẳng phải là [Thanh Văn, Duyên Giác] thật sự, mà đều là Đại Bồ Tát. “Tắc Văn Thù, Thân Tử, đồng nhất thậm thâm trí huệ” (như vậy thì Văn Thù và Thân Tử có cùng một trí huệ rất sâu). Nói theo căn bản, các Ngài như nhau, đều là cổ Phật hoặc đại Bồ Tát tái lai. “Diệc tri thử kinh phi thiển trí sở năng tín hĩ” (Cũng biết là kẻ trí cạn chẳng thể hiểu kinh này), thật đấy, chẳng sai tí nào, đúng như kinh đã dạy: “Bất khả dĩ thiểu thiện căn, phước đức, nhân duyên, đắc sanh bỉ quốc” (Chẳng thể do ít thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sanh về cõi ấy). Vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, phải trọn đủ ba điều kiện sau đây: Phải có nhiều thiện căn, nhiều phước đức, nhiều nhân duyên. Nhân duyên hiện thời của chúng ta, nói thật ra là thù thắng hơn bất cứ thời đại nào, năm kinh đồng thời tuyên giảng, nhân duyên ấy sâu xa. Lại nữa, giảng Di Đà Kinh Sớ Sao cũng ít, mà giảng Yếu Giải cũng ít. Thông thường, các đạo tràng giảng kinh Di Đà nhằm ứng phó mà thôi, giảng bảy ngày, giảng nửa tháng, những ý nghĩa trong ấy đều không thấu lộ được! Giảng kinh Vô Lượng Thọ càng ít, giảng kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật cũng chẳng nhiều. Đạo tràng chúng ta ba kinh đều thâm nhập, nghiên cứu, suy xét, nhân duyên ấy thù thắng khôn sánh!

          Hiện thời, tùy thuộc bản thân chúng ta thiện căn, phước đức ra sao? Thiện căn, phước đức là gì? Thiện căn là tín giải, quý vị có tin hay không, quý vị có thể lý giải hay không? Tôi thật sự liễu giải, tôi tin tưởng; nhưng quý vị phải biết: Thiện căn có sâu hay cạn khác nhau. Tôi tin tưởng, tôi hiểu rõ, thiện căn chưa thể tính là sâu, như thế nào mới được coi là sâu? Giống như chúng ta ở nơi đây nghiên cứu bộ kinh này, cảnh giới của chúng ta mỗi lượt mỗi khác! Từ chỗ này sẽ thấy thiện căn sâu hay cạn. Thí dụ như năm ngoái tôi tín giải chẳng bằng năm nay, năm kia không bằng năm ngoái, năm ngoái không bằng năm nay, năm nay lại nhất định chẳng bằng năm tới, quý vị mới thấy tín giải đích xác có cạn hay sâu! Vì thế, thiện căn có cạn hay sâu [khác nhau]!

          Phước đức cũng có lớn hay nhỏ khác nhau! Phước đức là gì? Là phát nguyện và trì danh. Phát nguyện và trì danh cũng mỗi năm một khác! Năm ngoái nguyện lực chẳng mạnh mẽ như nguyện lực năm nay, lòng tự tin năm ngoái chẳng khẳng định như lòng tự tin năm nay. Quý vị thấy phước đức mỗi năm lớn hay nhỏ khác nhau. Trì danh, nói theo phương pháp thì mỗi năm một tinh thuần hơn. Câu Phật hiệu thật sự niệm rất hữu hiệu, rất có sức mạnh, niệm Phật mỗi năm một tốt đẹp hơn. Đó là nói thiện căn, phước đức quả thật có sâu, cạn, lớn, nhỏ sai khác, chúng ta chớ nên không chú ý. Chớ nên nghĩ kinh Di Đà ta đã nghe một lần, hiểu rồi, chẳng cần nghe nữa! Kể như quý vị có thiện căn, có phước đức, nhưng thiện căn chưa đủ sâu, phước đức chưa đủ dầy!

          Tuy chúng ta có thiện căn, phước đức, nhân duyên, nhưng đối với ba phương diện thiện căn, phước đức, nhân duyên, ắt đều phải khiến cho chúng mạnh hơn, tiếp tục tăng mạnh hơn không ngừng. Như vậy thì đến lúc báo tận, vãng sanh, sẽ vô cùng thù thắng, phẩm vị tăng cao, chẳng luống uổng một đời này! Mong mọi người hãy đặc biệt lưu ý điều này, mấy năm gần đây tôi mới thấu hiểu rất sâu điều này. Hôm nay chúng tôi giảng đến đoạn này!

[1] Phật Địa Kinh có tên gọi đầy đủ là Phật Thuyết Phật Địa Kinh do ngài Huyền Trang dịch vào đời Đường. Thân Quang Bồ Tát đã viết bộ Phật Địa Kinh Luận để giảng giải kinh này. Bộ luận ấy được ngài Huyền Trang dịch ra tiếng Hán gồm bảy quyển.

[2] Chân Đế (Paramārtha, 499-569), là người nước Ưu Điền Ni, Ấn Độ, là một vị đại pháp sư kiêm dịch giả nổi danh ngang hàng với ba vị La Thập, Huyền Trang và Bất Không. Ngài sở trường về Vô Tướng Duy Thức Học, theo đường biển từ Phù Nam (một vùng đất cổ ở phía Nam vùng Thủy Chân Lạp, tức Nam Việt Nam) đến Trung Quốc vào năm Thái Thanh thứ hai (548) thời Lương Vũ Đế. Khi Ngài đến kinh đô Kiến Nghiệp thì gặp loạn Hầu Cảnh làm phản Lương Vũ Đế nên phải lánh sang đất Tô Hàng, khởi sự dịch kinh nơi đó. Ngài dịch tất cả 76 bộ kinh, tổng cộng 315 quyển, trong đó nổi tiếng nhất là các bộ Nhiếp Đại Thừa Luận, Câu Xá Luận, Kim Thất Thập Luận… Do vùng Hoa Nam loạn lạc liên miên, Ngài khó thể an trụ, lại không có đạo tràng dịch kinh được triều đình bảo trợ như các vị La Thập, Huyền Trang, Bất Không, nên sức dịch thuật và nghị lực của Ngài thật đáng khâm phục. Năm 512 cảm ngộ Hoa Nam không phải là vùng đất hoằng pháp thuận lợi, Ngài ngồi thuyền trở về Ấn Độ, nhưng lại bị bão đánh giạt trở lại Quảng Châu, được Thứ Sử Âu Dương Ngỗi tha thiết thỉnh cầu, lại được các vị như Trí Khải v.v… quy y (đây là trùng âm đọc, không phải là tổ Trí Khải của tông Thiên Thai), Ngài tiếp tục dịch kinh. Chịu ảnh hưởng của Ngài, các tông Nhiếp Luận và Câu Xá được thành lập tại Trung Hoa. Ở đây, có lẽ hòa thượng nói nhầm, vì ngài Chân Đế mất năm 569, lúc đó Trung Hoa còn thuộc thời Nam Bắc Triều. Năm 569 nhằm niên hiệu Thiên Thống thứ năm nhà Bắc Tề, Thiên Bảo thứ tám nhà Tây Lương, Thái Kiến nguyên niên nhà Nam Trần, Thiên Hòa thứ tư nhà Bắc Châu. Nhà Đường mãi đến năm 618 mới thành lập.

[3] Thập Ba La Mật là Thí, Giới, Nhẫn, Thiền, Bát Nhã, Phương Tiện, Nguyện, Lực và Trí.

[4] Mười tướng lành: Một là quang minh ngập nhà, hai là cam lộ đầy sân, ba là đất trồi lên bảy báu, bốn là thần mở kho tàng, năm là gà sanh trứng phượng, sáu là lợn sanh ra lợn con có hình rồng, bảy là ngựa sanh kỳ lân, tám là trâu sanh ra con Bạch Trạch, chín là kho lúa tràn ngập hạt thóc bằng vàng, mười là voi có sáu ngà.

[5] “Thể nguyên cư chánh” là từ ngữ chỉ sự cai trị của nhà vua. Theo Hán Ngữ Từ Điển, từ ngữ này có nghĩa là hoàng đế lấy nguyên khí của trời đất làm Thể, thường dùng chánh đạo để cai trị, giáo hóa dân chúng, nên gọi là “cư chánh”.

[6] Theo Dịch học, Cửu là số Dương lớn nhất, mang ý nghĩa tôn quý nhất, còn Ngũ là con số tượng trưng cho sự vừa phải chừng mực trong các số Dương. Dùng hai con số này ghép lại để hình dung vua tôn quý nhất trong một nước, nhưng xử sự luôn thích hợp, chừng mực, biết kiềm chế thích đáng, không sa vào cực đoan. Đồng thời, quẻ Thuần Càn trong kinh Dịch gồm sáu vạch liền nét chồng lên nhau, mỗi một vạch được gọi là Cửu. Cửu Ngũ chính là vạch thứ năm trong quẻ Thuần Càn, được kinh Dịch giảng là: “Cửu Ngũ, phi long tại thiên, lợi kiến đại nhân” (Cửu Ngũ: Rồng bay lên trời, bậc đại nhân nêu rõ phong thái, khuôn phép, hoặc còn có cách giải thích là Cửu Ngũ: Rồng bay lên trời, bậc đại nhân được lợi). Dù hiểu theo nghĩa nào, Cửu Ngũ thể hiện ý nghĩa tốt lành, không thái quá, vì là số thuần Dương nhưng không đến cực hạn như Thượng Cửu (hào cuối cùng trong quẻ Thuần Càn), vì hễ đến cực hạn, chí Dương sẽ biến thành Âm. Cửu Ngũ hàm nghĩa đã gần đến cực hạn, nhưng vẫn điều hòa, thích đáng, giống như vua dẫu quyền lực đã đến mức chí tôn, vẫn kính trời sợ đất, biết kiềm chế, xử sự thích đáng.

[7] Kinh Khê Trạm Nhiên (711-782) là tổ thứ chín của tông Thiên Thai, quê ở đất Kinh Khê, Tấn Lăng, Thường Châu (nay thuộc huyện Nghi Hưng, tỉnh Giang Tô). Ngài mang chí xuất trần từ bé. Năm mười bảy tuổi, rời nhà đi học đạo các nơi, đến năm Khai Nguyên 18 (730), gặp ngài Kim Hoa Phương Nham ở Đông Dương, nghe giảng Ma Ha Chỉ Quán, bèn xin cầu học với tổ thứ tám của tông Thiên Thai là ngài Tả Khê Huyền Lãng. Dưới sự dìu dắt của Tổ, Ngài chuyên học Thiên Thai Giáo Quán. Đến năm Khai Bảo thứ bảy (749), Sư xuất gia tại chùa Tịnh Lạc ở Quân Sơn, Nghi Hưng. Ngài nghiên cứu rộng rãi Luật Tông, nhất là Tứ Phần Luật. Ngài tự đề cho mình trách nhiệm trung hưng Thiên Thai, nên lại ra sức chú giải ba bộ sách lớn của tông Thiên Thai (Pháp Hoa Văn Cú, Ma Ha Chỉ Quán, Pháp Hoa Huyền Nghĩa). Các trước tác chủ yếu của Ngài là Pháp Hoa Kinh Huyền Nghĩa Thích Thiêm, Pháp Hoa Kinh Văn Cú Ký, Ma Ha Chỉ Quán Phụ Hành Truyền Hoằng Quyết, Kim Cang Bễ, Chỉ Quán Nghĩa Lệ, Pháp Hoa Ngũ Bách Vấn Luận v.v…

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *