#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 168
Xin Xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm sáu mươi mốt:
(Sao) Tứ Như Ý giả, diệc danh Tứ Thần Túc. Sở vị Dục Như Ý Túc, Tâm Như Ý Túc, Cần Như Ý Túc, Huệ Như Ý Túc. Lương diêu Niệm Xứ Chánh Cần dĩ lai, tinh tấn tăng đa, Định tâm sảo nhược, tu thử tứ chủng Định lực nhiếp tâm, tắc Trí, Định quân đẳng, năng đoạn kết sử, sở nguyện giai toại, danh Như Ý Túc dã. Hợp thử thất loại, tắc vi tam thập thất phẩm.
(鈔) 四如意者,亦名四神足。所謂欲如意足、心如意足、勤如意足、慧如意足。良繇念處正勤以來,精進增多,定心稍弱,修此四種定力攝心,則智定均等,能斷結使,所願皆遂,名如意足也。合此七類,則為三十七品。
(Sao: Tứ Như Ý còn gọi là Tứ Thần Túc. Chính là Dục Như Ý Túc, Tâm Như Ý Túc, Cần Như Ý Túc, Huệ Như Ý Túc. Do từ Tứ Niệm Xứ và Tứ Chánh Cần mà tinh tấn tăng thêm nhiều, Định tâm khá yếu, tu bốn thứ Định lực này để nhiếp tâm, ắt Trí và Định sẽ cân bằng, có thể đoạn kết sử, sở nguyện đều toại, nên gọi là Như Ý Túc. Hợp bảy loại này sẽ thành ba mươi bảy phẩm).
Khoa này được gọi là Như Ý Túc. Túc có nghĩa là Mãn Túc (thỏa mãn), Mãn Túc là Định. Chẳng thỏa mãn, tâm kẻ ấy sẽ động. Đã thỏa mãn, tâm sẽ bất động. Pháp thế gian thường nói “tri túc thường lạc”, Túc trong tri túc và Tứ Thần Túc ở đây có ý nghĩa tương đồng. Hễ tri túc liền như ý, người chẳng tri túc sẽ vĩnh viễn chẳng như ý. Ở Trung Quốc vào thời cổ, nếu có địa vị cao trong xã hội, hoặc đã phát đạt, ta thường nói là “phát tài”, kẻ ấy có của cải kha khá. Khi ấy, người đó phải biết đề cao cảnh giác, cũng có thể nói là bất luận trí huệ hay của cải đã đạt đến một mức độ kha khá, phải biết quay đầu, phải biết thỏa mãn thì người ấy mới được gọi là có phước báo thật sự. Nếu vĩnh viễn chẳng biết đủ, trong tương lai sẽ mắc họa hại. Dùng vật gì để nâng cao sự cảnh giác của chính mình? Trên tay thường cầm một cây Như Ý, hoặc trong nhà có bày một cây Như Ý, để chính mình thường xuyên trông thấy. Để nhấn mạnh [ý nghĩa tri túc], Như Ý được làm bằng ngọc, tức Ngọc Như Ý, dẫu chẳng phải là thuần túy bằng ngọc, mà là trong cây Như Ý có khảm ngọc. Như Ý được chế sao cho đầu của nó uốn cong ngược lại [hướng về phía giữa thân], nên gọi là Hồi Thủ Như Ý (như ý quay đầu). Vật này nhằm nhắc nhở quý vị thời thời khắc khắc nghĩ tưởng “ta phải quay đầu, hễ quay đầu liền như ý”. Quay đầu có nghĩa là Đủ Rồi, giống như chữ Túc ở đây. Thỏa mãn bèn quay đầu, chẳng cầu mong nữa. Hễ còn cầu, sẽ mắc họa hại. Đó gọi là “mãn chiêu tổn, khiêm thọ ích”, [nghĩa là] khiêm hư sẽ có thể thật sự hưởng thụ lợi ích; kẻ chẳng biết đủ, đến cuối cùng nhất định gặp tai nạn.
Ở đây, đức Phật dạy chúng ta đối với pháp thế gian và xuất thế gian đều phải tri túc. Hễ tri túc, tâm bèn định, đã định mới có thể khai huệ. Ở đây, đại sư nói rất hay: Từ “Niệm Xứ Chánh Cần” trong phần trước, vì Tứ Niệm Xứ là Huệ, là quán chiếu bằng trí huệ, lại còn thêm Tinh Tấn trong Tứ Chánh Cần, nên “Tinh Tấn tăng đa” (Tinh Tấn tăng thêm nhiều). Huệ nhiều, Tinh Tấn nhiều, Định ít. Nếu chẳng có Định, Huệ ấy sẽ biến thành cuồng huệ, chẳng phải là trí huệ thật sự. Trí huệ thật sự nhất định phải tương ứng với Định, cảnh giới “Định Huệ cân bằng” là cảnh giới tốt đẹp nhất. Yêu cầu của Thiền Tông từ đầu đến cuối đều nhấn mạnh Định Huệ cân bằng. Thiền môn là như thế, mà Giáo Hạ cũng chẳng ra ngoài lệ ấy. Giáo Hạ không gọi là Thiền Định, mà gọi là Chỉ Quán. Chỉ là Định, Quán là Huệ. Vì thế, gọi là Chỉ Quán Song Vận, [nghĩa là] Chỉ và Quán cân bằng, vẫn mang ý nghĩa “Định và Huệ bình đẳng”. Dẫu cho chúng ta tu Tịnh Độ, niệm câu A Di Đà Phật, cũng nhấn mạnh Định Huệ cân bằng. Thế mà niệm Phật lại còn xảo diệu hơn, đơn giản, dễ dàng hơn các pháp môn khác, vì một câu A Di Đà Phật, Định Huệ liền bình đẳng. Quý vị niệm câu A Di Đà Phật, trong tâm chẳng có vọng tưởng, chẳng có tạp niệm, đó là Định. Niệm một câu A Di Đà Phật rành mạch, rõ ràng, Phật hiệu sanh từ trong tâm, từ miệng niệm ra, lại nghe lọt vào tai của chính mình, đó là Huệ. Một câu Phật hiệu, Định và Huệ thảy đều trọn đủ, đích xác là dễ dàng hơn Tông Môn và Giáo Hạ nhiều lắm.
Ắt cần phải dùng bốn thứ Định lực để nhiếp tâm, hòng đạt tới Định Huệ cân bằng. Chỉ có Định Huệ cân bằng thì mới có thể đoạn phiền não. Đoạn phiền não thì tầng cấp đầu tiên là đoạn từ Kiến Tư phiền não. “Kết sử” (結使) là Kiến Tư phiền não; lại phá Trần Sa và Vô Minh, đó là công phu chân thật.
Trong bốn thứ ấy, thứ nhất là Dục, nói đơn giản là dục vọng. Con người trong thế gian này đều có dục vọng. Nếu quý vị chẳng có dục vọng, sẽ chẳng sanh trong nhân gian, mà cũng chẳng bị luân chuyển trong lục đạo. Chúng sanh trong lục đạo đều có dục vọng. Bất luận dục vọng của quý vị là gì, đều phải biết ngưng dứt. Tứ Như Ý Túc là như Khổng lão phu tử đã dạy con người phải “tri chỉ” (知止), [tức là] biết đến giai đoạn nào thì phải đình chỉ, ngừng ở chỗ ấy, đó cũng là tri túc, chớ nên vượt qua. Dẫu chính mình có phước, tuy có phước mà nếu biết ngừng nghỉ, phước ấy sẽ biến thành đức, chúng ta thường nói là “phước đức”, quả báo ấy càng chẳng thể nghĩ bàn.
Chúng ta hãy nhìn vào các bậc đại thánh đại hiền tại Trung Quốc và ngoại quốc xưa nay. Tại Trung Quốc, đối với các nhân vật lịch sử, có ba người được Ấn Quang đại sư lão nhân gia tán thán nhất. Thứ nhất là Khổng lão phu tử, thứ hai là Phạm Trọng Yêm, thứ ba là Diệp Trạng Nguyên đầu đời Thanh. Lão nhân gia nói gia tộc của ba vị ấy mãi cho đến đầu thời Dân Quốc, đời đời chẳng suy vi. Hậu duệ của Khổng lão phu tử là ông Khổng Đức Thành, nay đang làm Viện Trưởng Khảo Thí Viện[1], [gia tộc Khổng Tử] đã trải qua bảy mươi mấy đời, đời đời chẳng suy vi. Đó là do Khổng lão phu tử tích đức to lớn. Con cháu đời sau, hễ nghe nói là hậu duệ của Khổng lão phu tử đều được người ta kính cẩn, cung kính. Nói thật ra, chẳng phải là kính trọng những người ấy, mà là tôn kính tổ tiên của họ. Chúng ta thường nói là “dư ấm, phước trạch của tổ tiên truyền lại cho người đời sau”. Không chỉ ở Trung Quốc, mà ông Khổng Đức Thành ra ngoại quốc, người ngoại quốc nghe giới thiệu ông ta là hậu duệ của Khổng phu tử cũng đều hết sức kính trọng, đối xử đặc biệt lễ độ.
Trong Luận Ngữ, các học trò đã phê bình Khổng lão phu tử là “ôn, lương, cung, kiệm, nhượng”. Suốt một đời, Khổng lão phu tử đã thật sự thực hiện năm chữ ấy. Ôn hòa, thiện lương, cung kính lễ độ đối với người khác, sống tiết kiệm, chẳng có mảy may xa xỉ, mọi chuyện Ngài đều có thể nhường nhịn người khác, chính mình thoái lui. Các học trò công nhận đức hạnh của Phu Tử là như thế. Chúng ta nghe năm chữ ấy cũng chẳng khó hiểu. Nếu thật sự thực hiện năm chữ ấy, quý vị là thánh nhân. Chúng ta thấy đức Phật cũng giống như vậy, Ngài là bậc đại thánh thế gian và xuất thế gian. Vì thế, đức trạch của Ngài gia bị con cháu hơn hai ngàn năm trăm năm.
Vị thứ hai là Phạm Trọng Yêm, từ sử sách, chúng ta đã đọc truyện ký của vị này. Thuở trẻ, gia cảnh hết sức nghèo khó, đọc sách trong chùa miếu. Trước kia, trong quá khứ, tôi đã thưa cùng quý vị, đạo tràng thuở xưa tại Trung Quốc là để dạy học. Tự viện có cống hiến vô cùng to lớn, tuy trường học chẳng phổ cập, nhưng tự viện am đường quả thật đã phổ biến khắp nước, đó là cơ cấu giáo dục của quốc gia. Xưa kia, đọc sách thì đến đâu để đọc? Đến chùa miếu để đọc, thậm chí ở luôn trong tự miếu. Vì trong tự miếu, lầu tàng kinh giống như thư viện hiện thời. Thuở ấy, sách vở rất ít, tìm được một quyển sách khá khó khăn. Trong chùa miếu có lầu tàng kinh, không chỉ là kinh Phật, mà kinh, sử, tử, tập[2], thứ gì cũng đều có. Vì lẽ đó, người xuất gia tức pháp sư đối với pháp thế gian và xuất thế gian đều thông đạt.
Pháp sư Ấn Quang đọc rất nhiều; trong Văn Sao, đối với pháp thế gian và xuất thế gian, Ngài đã trích dẫn kinh điển biết là bao nhiêu! Ngài trụ trong lầu tàng kinh của Phổ Đà Sơn ba mươi năm, giống như ở tại thư viện suốt ba mươi năm, những tài liệu rất phong phú. Trước đây, người đọc sách đến tự miếu để đọc sách. Không chỉ sách vở đầy đủ, nên quý vị chẳng cần phải mua, mà đồng thời, nếu có những chỗ nghi nan, có thể thỉnh giáo pháp sư. Pháp sư thông đạt pháp thế gian lẫn pháp xuất thế gian. Do đó, trong tự miếu có thầy và cũng có bạn học. Nó chẳng phải là một trường học chánh thức, nhưng chắc chắn chẳng kém một trường học chánh thức nào. Trước kia, trong xã hội Trung Quốc cổ xưa, nền giáo dục bình dân quả thật đã đắc lực nhờ Phật Giáo, hoàn toàn khác hẳn chùa miếu ở Đài Loan trong hiện tại. Trách nhiệm của tự miếu xưa kia là giáo hóa cả một vùng!
Thuở trẻ, Phạm Trọng Yêm đọc sách trong chùa miếu, cuộc sống rất khổ. Theo truyện ký chép, mỗi ngày ông nấu một nồi cháo, chia cháo thành bốn phần, mỗi bữa ăn một phần, chẳng có thức ăn gì hết. Sống cuộc đời siêng khổ dường ấy! Có một hôm, ông phát hiện vàng chôn trong chùa miếu, chẳng biết do ai chôn giấu dưới đất, số lượng khá đáng kể, ông ta trông thấy, nhưng chẳng động tâm! Nghèo nàn, khổ sở dường ấy, thấy vàng nhiều ngần ấy, mà chẳng động tâm, vẫn đem chôn xuống, cũng chẳng nói cho ai biết. Về sau, ông ta đã làm Tể Tướng. Ngôi chùa ấy lâu năm không được tu bổ, [tăng chúng trong chùa] nghĩ ông ta trước kia đã học hành trong chùa, nói chung là có một đoạn nhân duyên, nay ông ta làm quan to dường ấy, bèn đến hóa duyên đôi chút để sửa chùa. Vị Tể Tướng ấy quả thật rất phóng khoáng, liền tặng cho chùa mấy trăm lạng vàng. Người trong chùa hỏi: “Vàng ở đâu ạ?” Ông cho biết món vàng ấy ở chỗ nào trong chùa, chôn giấu dưới đất, quý vị đào lên cũng đủ cho quý vị sửa chùa. Người ta mới biết ông ta thật sự phi phàm, chẳng động tâm trước tài sắc.
Không chỉ là như thế, điều khó có nhất, là suốt đời ông sống cuộc đời của một chàng tú tài nghèo khổ. Làm quan to như vậy, bổng lộc nhiều, bèn đem món bổng lộc ấy để nuôi con em của hơn ba trăm gia đình nghèo hèn trong địa phương, những đứa có thể đào tạo thành tài ông đều tìm về, lập trường học miễn phí để thay quốc gia bồi dưỡng nhân tài. Chính mình vẫn sống cuộc đời giống như chàng tú tài nghèo túng xưa kia, lỗi lạc thay! Ông có năm người con, hai người làm Tể Tướng, giống như Hành Chánh Viện Trưởng (Thủ Tướng) hiện thời. Một người làm Ngự Sử Đại Phu, tương đương với Giám Sát Viện Trưởng[3]. Khi chết, chẳng có tiền mua quan tài, tiền đi đâu hết? Toàn bộ đều dùng vào sự nghiệp từ thiện, bố thí hết sạch. Lúc tuổi già, ông đem ngay căn nhà của chính mình bố thí cho Phật Giáo sửa thành tự miếu. Vì thế, nhà họ Phạm mãi cho đến đầu thời Dân Quốc, đời nào cũng xuất hiện nhân tài, luôn luôn chẳng suy vi. Tổ Ấn Quang nói gia tộc ông ta tám trăm năm chẳng suy vi, vì sao? Do con cháu có thể kế thừa đức hạnh của tổ tiên, con cháu các đời đều tốt đẹp như thế, đắc lực nhờ điều gì? Tri túc. Trong sự hưởng thụ cuộc sống vật chất, họ tri túc. Dẫu cho chính mình phát đạt, có tiền của, bèn đem tiền của ấy làm chuyện lợi ích xã hội cho mọi người chung hưởng. Phước ấy ngày càng lớn, con cháu hưởng thụ chẳng hết!
Pháp thế gian và xuất thế gian đều nhấn mạnh tri túc, tri túc thường lạc. Từ những nhân vật lịch sử như vậy, [chúng ta thấy] cuộc sống vật chất của họ thoạt nhìn kham khổ, nhưng cuộc sống tinh thần đã đạt tới tột đỉnh, lũ bình phàm chúng ta tuyệt đối chẳng thể tưởng tượng được! Tâm họ thanh tịnh lắm, sung sướng lắm, giúp đỡ bao nhiêu người, khiến cho bao nhiêu người có thể an cư lạc nghiệp, khiến cho bao nhiêu người trẻ tuổi có thể thành tựu học nghiệp, trong tương lai sẽ cống hiến cho quốc gia và xã hội. Người thế gian còn như thế, huống gì người học Phật? Phật pháp, đặc biệt là Đại Thừa Phật pháp, phải vận dụng Phật pháp nơi bản thân, vận dụng vào gia đình, vận dụng trong sự nghiệp, vận dụng trong quốc gia và xã hội thì mới đáng gọi là “thật sự hành Bồ Tát đạo”.
Kẻ chẳng hiểu Phật pháp, quý vị thấy người thế gian, nếu quan sát kỹ càng, thảy đều bày ra trước mặt. Chúng ta thấy những kẻ phát đạt hiện thời, có thể truyền được mấy đời? Có thể truyền được ba đời thì tuyệt diệu quá! Nói thật ra, truyền được ba đời hết sức hiếm có! Thuở trẻ trung, khỏe mạnh, lừng lẫy vẻ vang, lúc tuổi già khổ chẳng kể xiết! Nghèo túng mạt rệp, chúng tôi trông thấy rất nhiều! Ngay trong một đời mà chính mình còn chẳng giữ được, vì sao? Hưởng sạch phước báo trong khi phát đạt, chẳng tiếp tục tu phước. Lúc phát đạt bèn tác oai, tác quái! Thuở tôi còn trẻ, thấy nhiều người làm quan to, lúc họ ở Đại Lục đúng là không ai sánh bằng! Một người bạn của cha tôi lúc ở Đại Lục làm sĩ quan quân đội, từng làm Tổng Tư Lệnh, trong nhà có đến mười mấy kẻ hầu, đầy tớ; đúng là “gọi một tiếng, trăm người dạ”. Sau khi đến Đài Loan, từng làm quan Phó Tư Lệnh Phòng Thủ khu vực miền Trung. Sau khi về hưu, hai vợ chồng cô quạnh, chẳng có lấy một kẻ hầu, đã bảy mươi mấy tuổi vẫn phải tự mình xách giỏ ra đường mua thức ăn, tôi thấy đúng là đáng thương! Nghĩ lại thuở đắc chí, đúng là khác biệt vời vợi một trời một vực! Lúc ấy, tôi đã học Phật, tôi khuyên cụ học Phật, cụ bảo: “Phật pháp hay lắm! Hiện thời, bác chẳng có thời gian, vài năm sau sẽ học”. Mấy năm sau chết ngắc, thiếu phước mà! Chúng ta thấy rõ những chuyện trước mắt, nhớ kỹ giáo huấn này: Khi chính mình đắc chí, khi phước báo của chính mình hiện tiền, ngàn muôn phần đừng hưởng hết sạch, hãy lưu lại một chút cho mai sau!
Do vậy, tuổi trẻ có phước báo, chẳng phải là phước báo. Lúc tuổi già, có phước báo thì mới là thật sự có phước báo. Lúc tuổi già, thể lực suy yếu, hết thảy đều thoái hóa, khi ấy, có người chăm sóc thì đúng là có phước. Thuở tuổi trẻ, chính mình có thể lực, chịu khổ một chút cũng không sao! Hưởng thụ thuở trẻ thì chẳng phải là phước, lúc tuổi già có phước mới là thật sự có phước báo. Nếu hy vọng chúng ta có phước lúc tuổi già, lúc xế bóng chẳng chịu khổ, quý vị phải ghi nhớ: Phải tu phước trong hiện tại. Hiện tại chẳng tu phước, đến tuổi già lụn, hối hận chẳng kịp! Tu phước nhất định phải nắm chắc cơ duyên, đức Phật đã dạy chúng ta: “Tài vi ngũ gia cộng hữu” (Tài sản là của chung của năm nhà)[4]. Nay quý vị có tiền của, nói không chừng, ngày mai mất sạch.
Tâm Như Ý Túc: Dục trong phần trước là vật chất. Đối với dục vọng phải tri túc, tâm cũng phải tri túc. Tâm là nói tới tinh thần, cái được gọi là “tâm an lý đắc” hết sức quan trọng. Nếu tâm tri túc, tâm bèn định. Nếu dục tri túc bèn vô cầu, đó gọi là “chẳng tranh với người, chẳng mong cầu nơi đời”. Đó là Dục Như Ý Túc. Tâm Như Ý Túc: Nay chúng ta tuyển chọn pháp môn này hay lắm, hết sức thù thắng. Chúng ta chọn lựa pháp môn Niệm Phật Vãng Sanh Tịnh Độ, tâm chúng ta liền an trụ nơi pháp môn này. Tuy có rất nhiều pháp môn, nhưng chúng ta chẳng cần học. Liên Trì đại sư nói: “Tam Tạng mười hai bộ, nhường cho kẻ khác ngộ”, quý vị muốn ngộ pháp nào, để cho quý vị ngộ pháp ấy. “Tám vạn bốn ngàn hạnh, dành cho người khác hành”. Trong Tam Tạng mười hai bộ kinh, chúng ta chọn lấy một bộ, trong tám vạn bốn ngàn hạnh, chúng ta chọn một hạnh môn.
Toàn bộ kinh điển của Tịnh Tông không nhiều lắm, năm kinh, một luận! Xét theo hạnh môn là “tín nguyện trì danh”, do một câu A Di Đà Phật quyết định vãng sanh. Tam Tạng mười hai bộ, tám vạn bốn ngàn hạnh, chờ chúng ta đến Tây Phương Cực Lạc thế giới gặp A Di Đà Phật rồi sẽ học! Khi ấy là vô lượng thọ, có thời gian, có thọ mạng! Hơn nữa, đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, thầy và bạn học đều là hạng nhất. Do đó, học rộng nghe nhiều để đến Tây Phương Cực Lạc thế giới rồi mới làm. Hiện tại, tạm thời buông hết xuống, nhất tâm nhất ý cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Tâm đã thỏa mãn, tâm liền tự tại, như ý là tự tại. Trong Tứ Như Ý Túc, hai điều này quan trọng nhất; hai điều sau là tăng thượng duyên.
“Cần” (勤) là tinh tấn, quý vị thật sự chuyên tâm! Chuyên cần nơi một pháp môn, tự lợi, lợi tha, đó là Cần Như Ý Túc. Huệ Như Ý Túc là do đã định trước đó, từ Tâm Như Ý Túc mà có. Tâm quý vị thông đạt, hiểu rõ hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian, điều gì cũng đều hiểu rõ, điều gì cũng thông hiểu, đó là Huệ Như Ý Túc. Vì thế, trong bốn điều này, hai điều trước là then chốt. Đã đạt được hai điều trước, chắc chắn đạt được hai điều sau, sẽ khiến cho quý vị thành tựu nhanh chóng.
Trong Ba Mươi Bảy Đạo Phẩm, Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần và Tứ Như Ý hữu ích rất lớn cho chúng ta tu học trong giai đoạn hiện tại. Nói thật ra, Tứ Niệm Xứ là thấy thấu suốt, thật sự thấy thấu suốt. Tứ Chánh Cần là dạy quý vị tinh tấn, đoạn ác tu thiện. Tứ Như Ý Túc là buông xuống. Thật sự có thể buông xuống. Hễ buông xuống liền như ý, liền tự tại. Hễ quý vị có chuyện gì chẳng thể buông xuống, sẽ chẳng tự tại. Quý vị còn có phiền não, còn có vướng mắc, sẽ chẳng như ý. Do lẽ đó, phải thật sự buông xuống, tâm an lý đắc, tự tại như ý.
(Sao) Bà Sa, Trí Luận, giai dĩ dụ hiển, Niệm Xứ như chủng tử, Chánh Cần như tài thực, Thần Túc như trừu nha, Ngũ Căn như sanh căn, Ngũ Lực như hành diệp, Giác Chi như khai hoa, Thánh Đạo như kết quả, cố danh Đạo Thụ. Dư nhất thiết pháp giả, như tứ tâm, lục độ, vô lượng pháp môn đẳng.
(鈔) 婆沙智論,皆以喻顯,念處如種子,正勤如栽植,神足如抽芽,五根如生根,五力如莖葉,覺支如開華,聖道如結果,故名道樹。餘一切法者,如四心六度,無量法門等。
(Sao: Luận Tỳ Bà Sa và Trí Độ Luận đều dùng tỷ dụ để giảng rõ: Niệm Xứ như hạt giống, Chánh Cần như gieo trồng, Thần Túc như nẩy mầm, Ngũ Căn như mọc rễ, Ngũ Lực như thân, lá, Giác Chi như trổ hoa, Thánh Đạo như kết quả, nên gọi là Đạo Thụ (cây đạo). “Hết thảy các pháp khác” là như tứ tâm, lục độ, vô lượng pháp môn v.v…).
Đại sư lại dẫn Tỳ Bà Sa Luận và Đại Trí Độ Luận, trong hai bộ luận ấy đều nói theo cách ấy, đều dùng tỷ dụ để giảng giải về mối quan hệ giữa Ba Mươi Bảy Đạo Phẩm. Do điều này ta biết: Người học Phật, bất luận quý vị học theo tông phái hay pháp môn nào, chắc chắn chẳng thể đảo lộn thứ tự của Ba Mươi Bảy Đạo Phẩm, nhất định phải chiếu theo đúng thứ tự ấy để tu học. Ngài so sánh giai đoạn, tầng cấp trong tu học giống như quá trình sanh trưởng của một cái cây.
“Niệm Xứ như chủng tử”, có thể thấy Tứ Niệm Xứ rất quan trọng! Chẳng có chủng tử (hạt giống), chẳng còn gì để nói nữa! Chủng tử là trí huệ, Tứ Niệm Xứ là Huệ Quán. Khi Thích Ca Mâu Ni Phật sắp diệt độ, các đệ tử thấy vậy, lo lắng! Lúc Phật tại thế, mọi người cùng trụ nơi Phật. Sau khi đức Phật diệt độ, chúng con trụ nơi ai? Đó là một trong bốn câu hỏi do ngài A Nan nêu ra trước khi đức Phật diệt độ: “Chúng con nên nương vào ai để trụ?” Khi đức Phật còn tại thế, đức Phật là thầy. Phật nhập diệt, chúng con lấy ai làm thầy? Đức Phật dạy: “Lấy Giới làm thầy, nương vào Tứ Niệm Xứ để trụ”. Quý vị liền biết Tứ Niệm Xứ quan trọng lắm! Trong tâm chẳng có Niệm Xứ và giác quán, thì chẳng có cách nào thành tựu đạo nghiệp. Hiện tiền, bất luận xuất gia hay tại gia, tu học mấy chục năm, vì sao tập khí phiền não chẳng thể đoạn, đạo nghiệp chẳng thành tựu? Quý vị hãy quan sát cặn kẽ, họ chẳng có chủng tử Niệm Xứ. Đừng nói là họ tu mấy chục năm, dẫu tu mấy trăm năm, mấy ngàn năm, vẫn chẳng thể thành tựu. Nếu họ thật sự thành tựu, thì chẳng phải là thành Phật hay thành Bồ Tát, mà là thành ma! Họ tu thành yêu ma, quỷ quái, vì chẳng có chủng tử Tứ Niệm Xứ! Thiên Thai đại sư giảng Niệm Xứ hết sức rõ ràng, mà cũng giảng rất nhiều. Lão nhân gia giảng Tứ Giáo Tứ Niệm Xứ là Tạng Giáo Tứ Niệm Xứ, Thông Giáo Tứ Niệm Xứ, Biệt Giáo Tứ Niệm Xứ, và Viên Giáo Tứ Niệm Xứ.
“Chánh Cần như tài thực” (Chánh Cần như gieo trồng): Có hạt giống, mà chẳng có Chánh Cần, [giống như] bỏ hạt giống ấy trong chén lưu ly, để suốt một trăm năm nó cũng chẳng thể mọc thành cây! Chánh Cần là đoạn hết thảy ác, tu hết thảy thiện, quá trọng yếu! Đoạn ác tu thiện là bắt đầu tu hành thật sự. Suốt một đời, Ấn Quang đại sư lưu thông Liễu Phàm Tứ Huấn, An Sĩ Toàn Thư, và Cảm Ứng Thiên Vựng Biên với một số lượng đặc biệt lớn, vì sao? Ba thứ ấy nhằm vun bồi. Ba thứ ấy dạy chúng ta hiểu rõ thiện ác, nhận biết thiện ác, hạ quyết tâm đoạn ác tu thiện, học từ chỗ này! Liễu Phàm Tứ Huấn chẳng phải là kinh Phật. Văn Xương Đế Quân Âm Chất Văn trong An Sĩ Toàn Thư và Cảm Ứng Thiên đều là của Đạo Giáo, đều chẳng phải là Phật Giáo, nhưng lời chú giải của hai thứ ấy là chú giải theo ý nghĩa trong kinh Phật. Sách Đạo Giáo được Phật Giáo chú giải liền biến thành Phật Giáo. Cùng một đạo lý, kinh điển Phật Giáo bị Đạo Giáo chú giải liền biến thành Đạo Giáo, chắc chắn chẳng phải là kinh điển Phật Giáo. Vì thế, lão pháp sư suốt đời đặc biệt đề xướng. Chúng ta là người học Phật, bất luận là xuất gia hay tại gia, học từ nơi đâu? Học từ đoạn ác tu thiện. Vì lẽ đó, [Tứ Chánh Cần] giống như vun trồng, gieo trồng.
“Thần Túc như trừu nha” (Thần Túc như nẩy mầm). Tứ Thần Túc, quý vị tri túc. Nói đơn giản, quý vị tu học, tâm đã định; đã định bèn nẩy mầm. Hiện thời, thường là chúng ta tu học, nhưng hỏi quý vị đang học gì? Chẳng biết! Vừa niệm Phật, vừa niệm chú, vừa tụng kinh, vừa làm pháp hội, lại đi khắp nơi lễ bái lung tung, chẳng biết đang học gì! Làm sao có thể thành tựu cho được? Biết chúng ta đang học gì, tu gì, điều ấy giống như nẩy mầm, đâm mộng. Do điều này ta biết, ý nghĩa của nẩy mầm là bất luận quý vị học pháp môn nào, nhất định là chuyên ròng, chuyên chú một môn, ròng rặt một môn. Tám vạn bốn ngàn pháp môn, quý vị chỉ có thể chọn một môn, liền nẩy mầm! Ngàn kinh vạn luận, quý vị cũng chỉ có thể chọn một quyển thì mới có thể thành công, học nhiều sẽ không được! Cố nhiên, Tứ Hoằng Thệ Nguyện có nói: “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”. Pháp môn vô lượng thệ nguyện học nhằm độ chúng sanh, muốn độ chúng sanh thì trước hết chính mình phải thành tựu. Thành tựu chính mình là chuyên ròng một môn thì mới có thể thành tựu. Sau khi chính mình đã thành tựu thì mới có năng lực học hết thảy pháp môn hòng giúp đỡ người khác, chúng ta học Phật chớ nên không biết điều này! Quý vị xem cái cây, cây mọc trước hết là một thân cây chánh, đó là chuyên ròng. Sau khi thân chánh đã mọc xong, nó mới có cành nhánh, mới có hoa quả, đó là pháp môn vô lượng thệ nguyện học. Do vậy, quá trình tu học Phật pháp đích xác là giống như một cái cây tăng trưởng, trước hết phải có rễ và gốc. Nẩy mầm là gốc, Ngũ Căn, Ngũ Lực là cội gốc đã mọc to khỏe. Sau khi to khỏe, nó mới có cành nhánh, mới có cành lá. Càng tăng trưởng càng nhiều, đó là “pháp môn vô lượng thệ nguyện học”.
Không riêng gì chúng ta phải đợi tới Tây Phương Cực Lạc thế giới để học hết thảy pháp môn! Trong kinh Hoa Nghiêm, Văn Thù và Phổ Hiền đã nói rõ: Các Ngài cũng là tới Tây Phương Cực Lạc thế giới thì đại nguyện và đại hạnh mới có thể viên mãn! Nói cách khác, nếu không sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, mười đại nguyện vương của Phổ Hiền Bồ Tát chẳng thể viên mãn, mười loại hạnh môn của Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát cũng chẳng thể viên mãn. Mười món hạnh môn của Ngài là Thập Ba La Mật, là Thập Độ. Đó là bậc Đẳng Giác Bồ Tát đấy nhé! Nếu muốn nguyện hạnh viên mãn đều phải sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, huống gì chúng ta? Chúng ta muốn cầu viên mãn trong thế gian này, sẽ chẳng làm được!
Cố nhiên, trong lịch đại tổ sư đại đức, quả thật có không ít vị thông Tông, thông Giáo đắc đại viên mãn trong một đời; sau này, chúng ta biết các vị ấy là Phật, Bồ Tát tái lai, chẳng phải là tu trong một đời này. Trí Giả đại sư là Thích Ca Mâu Ni Phật hóa thân, Vĩnh Minh Diên Thọ đại sư là A Di Đà Phật hóa thân, Phó Đại Sĩ là Di Lặc Bồ Tát hóa thân, chẳng phải là phàm nhân! Còn có nhiều vị tổ sư đại đức, tuy chẳng bộc lộ thân phận, chúng ta chẳng biết họ là ai, nhưng có thể đoán định: Nhất định là cổ Phật, hoặc Bồ Tát tái lai, như Liên Trì, Ngẫu Ích đại sư. Ngẫu Ích đại sư viết Di Đà Kinh Yếu Giải, Ấn Quang đại sư tán thán: “Dẫu cổ Phật tái lai soạn chú giải cho kinh A Di Đà cũng chẳng thể hay hơn được”. Nay chúng ta biết Ấn Quang đại sư là Tây Phương Cực Lạc thế giới Đại Thế Chí Bồ Tát tái lai. Đại Thế Chí Bồ Tát tán thán bộ sách ấy như vậy, nếu Ngẫu Ích đại sư chẳng phải là A Di Đà Phật tái lai, nhất định cũng là bậc ngang hàng với Quán Thế Âm Bồ Tát. Đại Thế Chí Bồ Tát tán thán như vậy, đại sư chẳng thể nào kém hơn [Đại Thế Chí, Quán Âm] được!
Người Hoa có phước, các đời đều cảm chư Phật, Bồ Tát ứng hóa giáng sanh. Vì thế, chắc chắn lũ phàm phu chúng ta chẳng thể nào học đòi những vị ấy được! Có thể nghe lời, y giáo phụng hành, chúng ta nhất định được lợi ích. Các ngài Liên Trì và Ngẫu Ích đều là chẳng có một pháp thế gian hay xuất thế gian nào mà không thông đạt. Ngài dạy chúng ta “Tam Tạng mười hai bộ nhường cho kẻ khác ngộ. Tám vạn bốn ngàn hạnh dành cho kẻ khác hành”, dạy chúng ta trong hết thảy các kinh, chọn lấy một bộ kinh A Di Đà, chọn lấy pháp môn Trì Danh Niệm Phật. Ngài dạy chúng ta điều này. Nếu chúng ta thật sự nghe lời, thật sự chịu y giáo phụng hành, đời này quyết định vãng sanh; đã thế, chắc chắn phẩm vị vãng sanh chẳng thấp, vì sao? Chuyên ròng, quyết định là vãng sanh trong phẩm vị cao. Đó là Phật, Bồ Tát đại từ đại bi thị hiện cho chúng ta biết đến một pháp môn chân thật. Lợi ích thù thắng khôn sánh của pháp môn ấy đều ở trong kinh Vô Lượng Thọ. Nhất là bản chú giải của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, bản chú giải ấy đã tổng hợp toàn bộ những lời chú giải của cổ đức, trong đó có rất ít tri kiến của chính cụ, toàn là trích dẫn những giảng giải, khai thị của chư tổ sư đại đức từ xưa đến nay đối với kinh ấy. Chúng ta đọc quyển chú giải ấy, giống như đọc hết tất cả các bản chú giải cổ, khó có lắm!
“Ngũ Căn như sanh căn, Ngũ Lực như hành diệp” (Ngũ Căn như mọc rễ, Ngũ Lực như thân, lá), Căn ấy có sức mạnh, có sức mạnh liền có thể sanh ra cành nhánh. “Giác Chi như khai hoa” (Giác Chi như trổ hoa): Giác Chi là Thất Bồ Đề Phần. Bát Thánh Đạo giống như kết quả, nhất định theo thứ tự như vậy. “Cố danh đạo thụ” (Nên gọi là Đạo Thụ), Đạo Thụ là gì? Thần Tú đại sư nói rất hay: “Thân như Bồ Đề thụ”, thân này của chúng ta là đạo thụ, tâm chúng ta là đạo thụ, có ý nghĩa này.
Văn tự trong đoạn này chỉ nói đến Ba Mươi Bảy Đạo Phẩm, phía sau dùng một chữ “đẳng”, Đẳng (等) là hết thảy các pháp khác. “Dư nhất thiết pháp giả, như tứ tâm, lục độ, vô lượng pháp môn đẳng” (Hết thảy các pháp khác như tứ tâm, lục độ, vô lượng pháp môn v.v…), “tứ tâm” chỉ Tứ Hoằng Thệ Nguyện; vô lượng pháp môn của Bồ Tát đều là Lục Độ. Lục Độ hễ triển khai sẽ là vô lượng pháp môn.
(Sớ) Vấn: Hà bất tiên tự niệm đẳng, nhi thủ cử căn?
(疏) 問:何不先敘念等,而首舉根。
(Sớ: Hỏi: Sao trước hết không thuật bày từ Tứ Niệm Xứ v.v… mà đầu tiên lại nêu ra Ngũ Căn?).
Ba Mươi Bảy Đạo Phẩm được chia thành bảy khoa, gồm bảy đoạn. Kinh văn kinh này tỉnh lược ba đoạn đầu, chỉ nói Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần, Bát Thánh Đạo Phần, [tức là] chỉ nói bốn khoa sau, tỉnh lược ba khoa trước. Do vậy, nêu ra câu hỏi, vì sao chẳng dựa theo thứ tự để giảng giải Niệm Xứ, Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, mà lại tỉnh lược ba khoa trước?
(Sớ) Đáp: Dĩ trọng Tín cố, hựu thượng tam khoa chí thử, thỉ hữu căn lực cố.
(疏) 答:以重信故,又上三科至此,始有根力故。
(Sớ: Đáp: Do coi trọng Tín. Lại nữa, do [đã có] ba khoa trước thì đến đây mới có Căn và Lực).
Câu trả lời hết sức khéo! Đồng thời, chúng ta đọc Sớ Sao phải biết bối cảnh thời đại của thời Liên Trì đại sư. Liên Trì đại sư sống trong thời đại như thế nào? Vào những năm cuối triều Minh. Trong thời đại ấy, Tịnh Độ Tông hết sức suy vi, không có ai đề xướng. Cũng là do mọi người thường khinh dễ Tịnh Độ, chẳng để Tịnh Độ vào mắt! Vì thế, Liên Trì và Ngẫu Ích là tổ sư trung hưng Tịnh Độ. Trong lịch đại tổ sư, các Ngài có địa vị hết sức đặc thù, là trung hưng Tịnh Độ đại sư. Khi ấy, Thiền Tông hết sức phổ biến, người học Thiền Tông lại còn hết sức cuồng ngạo. Trong hoàn cảnh như vậy, nói chuyện hơi thiếu cẩn thận sẽ mắc tội với những kẻ đó. Trong những người đó, có lắm kẻ thế lực to lớn, nên Liên Trì đại sư chịu áp lực rất nặng. Vì muốn nâng cao địa vị của Tịnh Tông, bất đắc dĩ chỗ nào cũng dẫn kinh Hoa Nghiêm để giải thích. Vì mọi người công nhận kinh Hoa Nghiêm là căn bản pháp luân, là Nhất Thừa Viên Giáo.
Liên Trì đại sư phán định kinh này, chẳng dám phán định là chí viên chí đốn, vì nói lời ấy sợ kẻ khác phản đối, người khác sẽ công kích Ngài, thậm chí sẽ hủy báng. Ngài đành phải nói như thế này: Hoa Nghiêm là Toàn Viên. Do một phần kinh này tương ứng với kinh Hoa Nghiêm, nên kinh này là Phần Viên; đều là nói bất đắc dĩ! Nói thật ra, kinh này là viên nhất trong các pháp viên, là đốn nhất trong các pháp đốn. Thuở ấy, đại sư chẳng dám nói [như vậy], đó là nỗi khổ tâm bất đắc dĩ. Chúng ta người đời sau, nhất định phải liễu giải trạng huống hoàn cảnh khi ấy, vì sao Ngài phải giảng theo cách như vậy? Vì sao phải viết theo kiểu như vậy? Dụng ý của Ngài ở đâu, ở chỗ nào? Quý vị đều có thể liễu giải trọn vẹn, thì mới thấy được dụng tâm của Ngài trong bản văn tự này, Ngài chỉ dạy kẻ đương thời ra sao? Ngài chỉ dạy kẻ hậu học như thế nào?
Căn bản tu học của Tịnh Tông là ba tư lương Tín, Nguyện, Hạnh, nên nói từ Ngũ Căn. Điều thứ nhất trong Ngũ Căn là Tín Căn, mở đầu bằng Tín. Tỉnh lược ba khoa trước, tuy tỉnh lược, mối quan hệ trong Ba Mươi Bảy Đạo Phẩm là những điều sau thù thắng hơn điều trước. Ví như một tòa cao ốc có bảy tầng, chúng ta nói từ tầng thứ tư, có được không? Được! Chẳng nói tới ba tầng dưới thì ba tầng dưới có hay không? Chẳng có ba tầng dưới, lấy đâu ra tầng thứ tư? Tuy chẳng giảng, nhưng đều có. Ví như chúng ta lên tầng bảy, có sáu tầng dưới hay không? Nếu sáu tầng dưới chẳng có, tầng bảy ở đâu ra? Không nói mà là nói, vì ý nghĩa đều được hàm nhiếp trong ấy. Vì thế, trong lời chú giải, cuối cùng đã bổ sung ba khoa phía trước.
Nói thêm, ba khoa trước hết sức quan trọng đối với sự tu học của chúng ta. Thế giới được nói trong kinh là Tây Phương Cực Lạc thế giới, chẳng phải là thế giới của chúng ta. Đối với Tây Phương Cực Lạc thế giới, A Di Đà Phật chẳng cần nói tới ba khoa trước, vì sao chẳng cần nói? Quý vị ngẫm xem, có kẻ nào vãng sanh mà chẳng trọn đủ? Chẳng trọn đủ điều kiện nơi ba khoa trước thì về căn bản là chẳng thể vãng sanh, chư vị ngẫm xem có đúng hay không? Chắc là có kẻ nói: “Có rất nhiều người vãng sanh chưa hề học Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc trong phần trước, họ cứ niệm một câu A Di Đà Phật mấy năm bèn vãng sanh!” Chẳng sai! Họ chưa hề học; nhưng quý vị hãy quan sát cặn kẽ một phen, một câu A Di Đà Phật có trọn đủ ba khoa phía trước hay chăng?
Tứ Niệm Xứ là thấy thấu suốt! Nếu họ chẳng thấy thấu suốt thế giới này, có thể vãng sanh hay không? Chẳng thấy thấu suốt thế giới này, còn lưu luyến thế giới này, sẽ chẳng thể vãng sanh! Tuy chẳng hề học Tứ Chánh Cần, quý vị thấy người vãng sanh ấy khi còn sống có phải là đoạn ác tu thiện hay không? Họ không chỉ chẳng làm chuyện xấu, mà ý niệm xấu cũng chẳng dấy lên, một bầu thiện tâm chịu giúp đỡ người khác, vậy thì Tứ Chánh Cần đâu cần học, bản thân người ấy đã trọn đủ. Tứ Như Ý Túc, nói đơn giản là chuyên ròng, như kinh Vô Lượng Thọ đã nói “một mực chuyên niệm”. Tâm người ấy cũng đã định rồi, nhất tâm nhất ý chỉ niệm A Di Đà Phật, Tứ Như Ý Túc liền trọn đủ. Tuy chẳng học, nhưng người ấy đích xác thảy đều trọn đủ, nên mới có thể vãng sanh! Nếu không trọn đủ, dẫu niệm Phật suốt đời vẫn chẳng thể vãng sanh.
Nói thật ra, người niệm Phật đông đảo, người vãng sanh hiếm hoi! Những kẻ niệm Phật mà chẳng vãng sanh, tức là tâm chẳng tương ứng với Niệm Xứ, Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, nên chẳng thể vãng sanh. Phàm là người niệm Phật vãng sanh, nhất định trọn đủ, bất luận người ấy có học hay không. Tuy người ấy làm được, quý vị hỏi người ấy Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần là gì, người ấy không biết. Tuy không biết, nhưng đều làm được, trong tâm hạnh chẳng có mảy may khiếm khuyết, thật sự làm được. Tuy làm được, người ấy chẳng hiểu, vì chưa hề học Giáo, nhưng người ấy quyết định vãng sanh. Do điều này ta có thể biết: Học Giáo hay không chẳng sao cả! Hiểu thì tốt, chẳng hiểu vẫn vãng sanh y hệt! Đạo lý ở chỗ này!
Sau khi đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, A Di Đà Phật giáo hóa các vị Bồ Tát vẫn từ Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần, Bát Thánh Đạo để dạy. Đương nhiên, Ba Mươi Bảy Đạo Phẩm được giảng trong Tây Phương Cực Lạc thế giới là Ba Mươi Bảy Đạo Phẩm của Viên Giáo, chẳng phải là Đạo Phẩm bình phàm!
(Sao) Cứ thất loại thứ đệ, văn pháp tiên đương niệm trì, thứ tức cần tu. Cần cố nhiếp tâm điều nhu, nhu cố thành Căn. Căn tăng thành Lực, nãi Thất Giác phân biệt, Bát Đạo chánh hạnh. Kim trọng Tín giả, thử kinh dĩ Tín vi chủ, nhi Căn Lực nhị câu thủ Tín. Tín trì dư tứ, thị đạo chi nguyên, đức chi mẫu dã. Như ngũ vị chi trung, Tín diệc cư sơ. Thập Tín chi trung, Tín diệc cư sơ. Thập nhất thiện pháp, Tín diệc cư sơ cố.
(鈔) 據七類次第,聞法先當念持,次即勤修,勤故攝心調柔,柔故成根,根增成力,乃七覺分別,八道正行。今重信者,此經以信為主,而根力二俱首信,信持餘四,是道之元、德之母也。如五位之中,信亦居初;十信之中,信亦居初;十一善法,信亦居初故。
(Sao: Xét theo thứ tự của bảy loại, nghe pháp thì trước hết nên niệm trì, kế đến là siêng tu. Do siêng năng nên nhiếp tâm điều hòa, mềm mỏng. Do mềm mỏng nên thành Căn, Căn tăng trưởng thành Lực, cho đến Thất Giác phân biệt, Bát Đạo chánh hạnh. Nay vì chú trọng Tín, kinh này lấy Tín làm chủ yếu, mà hai thứ Căn và Lực đều xếp Tín hàng đầu. Tín bao gồm bốn điều còn lại, Tín là nguồn đạo, là mẹ của đức. Như trong Ngũ Vị, Tín cũng đứng đầu. Trong Thập Tín, Tín cũng đứng đầu. Trong mười một thiện pháp, Tín cũng đứng đầu).
Tuy đoạn này giảng về thứ tự của bảy khoa trong Ba Mươi Bảy Đạo Phẩm, dụng ý thật sự của đại sư là đặc biệt nhấn mạnh tầm trọng yếu của Tín niệm. Đoạn này có quan hệ rất lớn đối với sự tu học của chúng ta, mong các đồng tu hãy đặc biệt lưu ý. Đầu tiên, bảo chúng ta: “Văn pháp tiên đương niệm trì” (Nghe pháp thì trước hết hãy nên niệm trì), “pháp” là Phật pháp. “Văn pháp” (Nghe pháp) ở đây chẳng phải là cố ý nói đến một pháp môn nào, tám vạn bốn ngàn pháp môn, chẳng có pháp nào là ngoại lệ. Chúng ta gặp các đồng tu học Phật đến hỏi chúng ta, trước hết, chúng ta phải hỏi họ: “Quý vị đã từng học Phật pháp hay chưa?” Chưa hề học, là kẻ mới học thì chúng ta có cách giảng và phương pháp dạy dành cho kẻ sơ học. Nếu họ đã học, đã học bèn có cách giảng dành cho kẻ đã học, khác hẳn! Nếu họ là sơ học, đích xác là chúng ta phải giới thiệu pháp môn Tịnh Độ cho họ. Nếu quý vị chẳng giới thiệu pháp môn này, quý vị có lỗi với họ. Họ chẳng thể tiếp nhận pháp môn này, chúng ta lại thay đổi pháp môn khác. Tôi nhất định giới thiệu với quý vị pháp môn bậc nhất, pháp môn thù thắng khôn sánh, tôi mới chẳng có lỗi với quý vị. Tôi tu pháp bậc nhất, nhưng đem pháp môn bậc hai, bậc ba giới thiệu cho quý vị, tức là giữ tấm lòng chẳng lành! Tôi giới thiệu pháp môn này với quý vị, nhưng quý vị chẳng thể tiếp nhận, tôi lại giới thiệu pháp quý vị có thể nhận, vậy là tôi chẳng có lỗi với quý vị. Không phải là tôi chẳng truyền cho quý vị pháp môn hay nhất, mà là do quý vị chẳng nhận biết! Chuyện này chẳng thể trách tôi được!
Nếu họ đã tu học, nhất định phải tùy thuận họ. Chẳng hạn như họ niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, chẳng cần bắt họ phải đổi sang niệm A Di Đà Phật. Họ niệm Địa Tạng Bồ Tát, cũng chẳng bắt buộc phải sửa thành niệm Quán Âm Bồ Tát, hoặc là họ trì kinh, hoặc trì chú, cũng không bắt buộc phải sửa đổi, chỉ khuyên họ thâm nhập một môn. Chỉ có thâm nhập một môn, bất luận quý vị niệm một vị Phật hay vị Bồ Tát nào, có một nguyên lý bất biến: Nhất định phải chuyên ròng, phải tinh tấn không biếng nhác, phải niệm đến mức công phu thành phiến, phải niệm đến Sự nhất tâm bất loạn, phải niệm đến Lý nhất tâm bất loạn. Vì vậy, không chỉ riêng kinh Di Đà nói đến nhất tâm bất loạn, mà bất cứ kinh luận nào cũng chẳng phải là ngoại lệ. Niệm đến nhất tâm bất loạn bèn có thụ dụng. Nói thật ra, niệm đến mức công phu thành phiến bèn được thụ dụng. Bất luận niệm một vị Phật nào hay niệm một vị Bồ Tát nào, niệm đến mức công phu thành phiến, nếu có thể hồi hướng Tây Phương Tịnh Độ bèn đều được vãng sanh. Vì sao? Tâm tịnh, ắt cõi nước tịnh. Quý vị có món tiền vốn ấy, có năng lực ấy, ta hy vọng vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, chỉ cần dấy lên ý niệm đó, A Di Đà Phật sẽ đến tiếp dẫn. Vì sao? Trong bốn mươi tám nguyện có [nguyện ấy]! Vì thế, chẳng cần bảo họ thay đổi pháp môn, phải biết điều này!
Hễ họ thay đổi, đâm ra công phu chẳng đắc lực. Người ta niệm pháp môn ấy đã tốt đẹp trọn vẹn, lại còn bảo họ thay đổi pháp khác thì toàn bộ công phu trước kia vứt hết. Đối với kẻ ấy, pháp môn này lại rất mới lạ, họ lại niệm chẳng hoan hỷ, tức là phá hoại cách tu của người ta. Đó là sai lầm! Vì thế, bất luận học Giáo, học Thiền, hay học Mật, chúng ta phải dùng cái tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm đại từ bi để đối đãi, giúp họ thành tựu, chớ nên phá hoại. Chớ nên nghĩ pháp môn này của ta tốt đẹp, pháp môn của kẻ khác chẳng bằng ta, giống như chính mình còn đặc biệt thương xót những kẻ ấy, những người đó đã lạc đường mất rồi! Những người đó chẳng lạc đường, pháp môn bình đẳng chẳng hai, chẳng khác. Lạc đường là gì? Kẻ ấy chẳng chuyên, chẳng ròng, đó là sai! Chỉ cần chuyên ròng, thảy đều có thành tựu. Đương nhiên quan trọng nhất là khuyên họ: Quý vị phải hồi hướng Tịnh Độ. Câu ấy chẳng thể thiếu! Bất luận pháp môn nào, chỉ cần có thể hồi hướng Tịnh Độ thì đều có thể vãng sanh!
Nếu kẻ ấy chưa tu học, hãy khuyên kẻ ấy trực tiếp niệm A Di Đà Phật, đó là thuận tiện nhất, thù thắng nhất. Vì sao nhất định phải niệm A Di Đà Phật? Đức Phật dạy chúng ta niệm A Di Đà Phật. Chúng ta làm một đứa học trò nghe lời nhất, tốt lắm! Không chỉ Thích Ca Mâu Ni Phật dạy chúng ta niệm A Di Đà Phật, mà mười phương ba đời hết thảy chư Phật đều dạy chúng ta niệm A Di Đà Phật, cớ gì chẳng vâng lời thầy? Hãy hiểu rõ đạo lý này!
Vì lẽ đó, nghe pháp thì trước hết phải nên niệm trì. Niệm là học pháp, nghe Phật pháp; nếu muốn tu học Phật pháp thành tựu, nhất định phải có công phu quán chiếu. Đối với thân thể của chính mình, “quán thân bất tịnh, quán thọ thị khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã”, phải thường dấy lên sự giác quán, đó là giác chứ không mê, vì sao? Chẳng mê trong pháp thế gian, chẳng bị mê mất, thường xuyên nhắc nhở chính mình. Tứ Niệm Xứ là trí huệ, nhắc nhở chính mình đừng mê mất. Học pháp, bất luận học pháp môn nào, quý vị thấy kẻ ấy chẳng thể thành tựu vì chẳng có trí huệ, mê muội, vì sao? Tuy học Phật pháp, niệm niệm vẫn suy nghĩ vì bản thân, niệm niệm vẫn muốn chú trọng các thứ hưởng thụ, chẳng ngừng theo đuổi sự hưởng thụ nơi vật chất lẫn tinh thần, đó là tăng trưởng tham, sân, si, mạn.
Học Phật thì công phu là gì? Mỗi năm, tham, sân, si, mạn mỗi giảm ít, mỗi tháng đều giảm thiểu, mỗi ngày đều giảm thiểu; đó là công phu, là chân trí huệ, chân công phu. Nếu tham, sân, si, mạn không chỉ chẳng giảm thiểu, mà mỗi năm còn tăng trưởng thêm, hỏng rồi! Dẫu học Phật pháp tốt đẹp cách mấy, tương lai cũng sẽ vãng sanh, kẻ ấy chẳng thể nào không vãng sanh, vì thân này chẳng thể tồn tại mãi, nhưng người ấy vãng sanh nơi đâu? Vãng sanh trong ba ác đạo, hỏng bét rồi! Có thể thấy Niệm Xứ trọng yếu lắm!
Niệm Xứ là “quy y Phật, giác mà không mê” trong Tam Quy Y. Niệm Xứ là giác chứ không mê. Giác chứ không mê, nhất định phải đoạn ác, tu thiện. Đoạn ác tu thiện, làm thế nào thì quý vị mới có thể nghiêm túc thực hiện? Nhất định phải hiểu rõ sự thật nhân quả báo ứng. Nói đơn giản nhất, ngắn gọn nhất, cụ thể nhất về sự thật ấy, không gì bằng Liễu Phàm Tứ Huấn. Nếu quý vị đọc nhuyễn nhừ Liễu Phàm Tứ Huấn, sẽ nhất định tin tưởng nhân quả báo ứng. Quý vị thật sự tin tưởng, sẽ chẳng làm chuyện xấu, vì sao? Biết làm chuyện xấu thì cái được không bù đắp nổi cái mất, hiện thời chiếm tiện nghi rất ít, tương lai đau khổ quá nhiều. Nói cách khác, quý vị phải trả giá quá lớn! Một người thông minh, một người có lý tánh, quyết định chẳng làm chuyện hồ đồ ấy, cái được chẳng thể bù đắp cái mất! Nhất định là tri túc, trong hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian, chính mình có thể tri túc, tri túc là Tứ Như Ý Túc.
“Thứ tức cần tu” (Kế đó là siêng tu), tức là Tứ Chánh Cần thì mới có thể “nhiếp tâm điều nhu”, nhiếp tâm điều nhu là Tứ Như Ý Túc. Khi ấy mới tâm an lý đắc, tự tại sung sướng, thật sự vui sướng. Vì thế, nếu học Phật mà chẳng biết thứ tự này, chẳng hiểu quá trình này, sẽ gọi là “tu mù, luyện đui”, làm sao có thể thành tựu cho được? Hôm nay đã hết thời gian rồi, chúng tôi giảng tới đây!
[1] Khảo Thí Viện (考試院) là cơ cấu của Trung Hoa Dân Quốc đặc trách việc khảo hạch và tuyển chọn nhằm đảm bảo năng lực và phẩm chất thích đáng của các ứng viên thuộc nhân viên dân sự của chánh phủ để bổ nhiệm hoặc thăng cấp. Cơ quan này được thành lập từ năm 1928. Cơ quan này gồm một Viện Trưởng, một Phó Viện Trưởng và mười chín ủy viên, do chính Tổng Thống đề cử và được Quốc Hội chấp thuận, nhiệm kỳ là sáu năm. Khảo Thí Viện gồm bốn cơ quan nhỏ là:
– Khảo Tuyển Bộ (考選部) lo khảo hạch kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ và trình độ kỹ thuật của ứng viên. Đồng thời chịu trách nhiệm tổ chức và giám định các cuộc thi.
– Thuyên Tự Bộ (銓叙部) phụ trách vấn đề phong chức, thăng cấp, trợ cấp, trả lương hưu trí, bãi chức, xét công, ban thưởng v.v…
– Bảo Huấn Hội (保訓會) đặc trách xét duyệt và bảo vệ quyền lợi của nhân viên, cũng như chuyên lo huấn luyện nghiệp vụ.
– Cơ Kim Giám Lý Ủy Viên Hội (基金鑒理委員會) chuyên đặc trách vấn đề hưu trí.
[2] “Kinh, sử, tử, tập” là cách phân loại sách vở cổ điển của Trung Quốc. Khái niệm này được hình thành bởi Lý Sung đời Tấn, nhưng danh xưng “kinh, sử, tử, tập” chưa được chính thức áp dụng; đến đầu đời Đường, cách phân loại này mới được chính thức áp dụng. Mỗi loại trong bốn loại ấy lại còn chia thành nhiều loại nhỏ. Theo đó:
1) Kinh: Bao gồm những sách vở chánh yếu của Nho gia, mang tính chất khuôn mẫu, quy định các phạm trù đạo đức và luân lý, như Châu Dịch, Ngũ Kinh, Châu Lễ, Lễ Ký, Xuân Thu Tả Truyện, Tứ Thư, Nhĩ Nhã, Nhạc Luận, Nhạc Lễ Đại Nghĩa, Nhạc Kinh, Hoàng Chung Luật, Hiếu Kinh, Khổng Tử Gia Ngữ, Hà Đồ Lạc Thư, Dịch Vĩ, Xuân Thu Vĩ, Luận Ngữ Sấm, Ngọc Thiên, Âm Thư Khảo Nguyên, Thanh Vận v.v… Từ đó, ngành học thuật chuyên nghiên cứu các loại kinh điển này được gọi là Kinh Học.
2) Sử: Bao gồm cách sách chép về lịch sử và các thư tịch ghi chép về điển chương, quy chế, quy định về quan chức của các vương triều, như hai mươi lăm bộ sử, ký sự lịch sử, tạp sử, chiếu lệnh, truyện ký về các triều đại, thời lệnh (các mệnh lệnh theo các thời điểm trong từng triều đại) v.v… Các tác phẩm tiêu biểu là Chiến Quốc Sách, Sử Lý, Triệu Tuyệt Ký, Sử Ký, Hán Thư, Hậu Hán Thư, Đông Quán Hán Ký, Lương Thư Đế Kỷ, Châu Sử, Thông Sử, Tam Quốc Chí, Trần Thư, Hậu Ngụy Thư, Thanh Sử Cảo v.v…
3) Tử: Bao gồm các trước tác của các triết gia và học phái (hoặc các tác phẩm chú giải những bộ sách ấy) cũng như các sách vở của Phật Giáo và Đạo Giáo, chia thành mười bốn loại nhỏ là Nho gia, binh gia, pháp gia, nông gia, y gia, thiên văn toán pháp, thuật số, chư lục (các sách vở ghi chép ngữ lục của triết gia), tạp gia, loại thư, tiểu thuyết gia, Thích gia, Đạo gia. Các tác phẩm tiêu biểu là Yến Anh Xuân Thu, Tăng Tử, Tân Ngữ, Thuyết Uyển, Yếu Lãm, Đạo Đức Kinh, Lão Tử Nghĩa Sớ, Văn Tử, Hạt Quán Tử, Liệt Tử, Trang Tử, Nam Hoa Luận, Bão Phác Tử Nội Thiên, Huyền Tử, Quản Tử, Thương Quân Tử, Hàn Tử, Nhân Vật Chí, Doãn Văn Tử, Sĩ Phẩm, Mặc Tử, Quỷ Cốc Tử, Tôn Tử Binh Pháp, Thái Công Lục Thao, Thái Công Kim Quỹ, Đại Tướng Quân Binh Pháp, Huyền Nữ Chiến Kinh, Bão Phác Tử Ngoại Thiên, Bác Vật Chí, Thái Bình Quảng Ký, Cổ Kim Chú, Tế Dân Yếu Thuật, Cấm Uyển Bảo Lục, Châu Lễ, Hồn Thiên Nghĩa, Thiên Văn Tập Chiêm, Tinh Chiêm, Hồng Phạm Chiêm, Nhị Thập Bát Tú Phần Dã Đồ, Tứ Phần Lịch, Lậu Khắc Kinh, Cửu Chương Toán Thuật, Tôn Tử Toán Kinh, Châu Dịch Linh Thông Quyết, Chiêm Mộng Thư, Cửu Cung Hành Kỳ Kinh, Tai Dị Đồ, Bản Thảo Đồ Kinh, Bản Thảo Cương Mục, Trương Trọng Cảnh Phương, Tố Vấn, Châm Cứu Giáp Ất Kinh, Linh Khu Kinh, Dưỡng Sanh Yếu Tập, Mạch Kinh, Hoàng Đế Dưỡng Thai Kinh, Dưỡng Sanh Thuật v.v…
4) Tập: Bao gồm các trước tác như tản văn (văn xuôi), biền văn (văn vần), thơ, từ, tán khúc, bình luận, hý khúc (các vở tuồng), ca khúc v.v… Lại chia thành nhiều loại nhỏ như Sở Từ, Biệt Tập, Thi Văn Bình (bình luận thơ văn), Thi Từ v.v… Các tác phẩm tiêu biểu là Sở Từ, Tư Mã Tương Như Tập, Đỗ Dự Tập, Hàn Khang Bá Tập, Nhạc Phủ Tân Ca, Linh Bảo Kinh, Đỗng Huyền Lục v.v…
Chính vì cách phân loại sách vở thành bốn loại này mà khi Càn Long ra lệnh biên tập một tổng tập các tác phẩm cổ điển của Trung Hoa, nhóm chủ biên đã đặt tên cho bộ tổng tập ấy là Tứ Khố Toàn Thư.
[3] Theo hiến pháp Trung Hoa Dân Quốc, Giám Sát Viện (監察院) là cơ quan giám sát cao cấp nhất, có quyền điều tra, kiểm tra, và giám sát các ngành của chính quyền, cũng như các quyền hạn tiếp nhận đơn khiếu nại các viên chức, giám sát hoạt động của Khảo Thí Viện, cũng như đề ra những biện pháp để sửa chữa những sai sót hoặc lệch lạc trong hoạt động của chính quyền. Viện còn có quyền tiến hành đàn hặc và khởi tố lên Tối Cao Pháp Viện nếu phát hiện các viên chức chính quyền (kể cả Tổng Thống) đã phạm sai lầm nghiêm trọng trong chức vụ. Viện này bao gồm hai mươi chín ủy viên, có nhiệm kỳ sáu năm. Cơ quan này gần như tương đương với Government Accountability Office của Hoa Kỳ.
[4] “Ngũ gia” (năm nhà) là năm loại người hoặc sự việc có thể khiến cho ta mất sạch tài sản dễ dàng: Vua (chính quyền), giặc cướp, thủy tai, hỏa tai, con cháu tồi bại.