Tập 121/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 03-003-0289

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 121

          Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang hai trăm sáu mươi hai:

          (Sớ) Hựu bất độc trí vi năng tín, Phật quả thành tựu, giai diêu trí cố.        

() 又不獨智為能信,佛果成就,皆繇智故。

          (Sớ: Lại nữa, chẳng phải chỉ là do trí bèn có thể tin, mà thành tựu Phật quả cũng đều do trí).

          Trong lời Sao, Liên Trì đại sư có giải thích mấy câu này.

          (Sao) Hoa Nghiêm nhị thập nhị, kinh vân.

          () 華嚴二十二,經云。

          (Sao: Trong kinh Hoa Nghiêm quyển thứ hai mươi hai có nói).

          Chư vị đồng học phải nhớ những  câu  giống  như  vậy. “Nhị  thập

nhị” là quyển thứ hai mươi hai. Kinh Hoa Nghiêm có tám mươi quyển, trong quyển thứ hai mươi hai có nói…

          (Sao) Nhất thiết chư Phật trang nghiêm thanh tịnh, mạc bất giai dĩ Nhất Thiết Trí cố, tắc tri A Di Đà Phật diệc dĩ thử trí thành tựu Tịnh Độ công đức, nhi chư chúng sanh tu Tịnh Độ giả, dĩ trí sanh tín, tắc vi chánh tín, dĩ trí phát nguyện, tắc vi hoằng nguyện, dĩ trí khởi hạnh, tắc vi diệu hạnh.

          () 一切諸佛莊嚴清淨,莫不皆以一切智故。則知阿彌陀佛亦以此智成就淨土功德。而諸眾生修淨土者,以智生信則為正信,以智發願,則為弘願,以智起行,則為妙行。

          (Sao: Hết thảy chư Phật trang nghiêm thanh tịnh, không vị nào chẳng đều do Nhất Thiết Trí, nên biết A Di Đà Phật cũng dùng trí này để thành tựu công đức của Tịnh Độ, mà các chúng sanh tu Tịnh Độ do trí mà sanh lòng tin thì lòng tin ấy là chánh tín, dùng trí để phát nguyện thì nguyện ấy là hoằng nguyện, dùng trí để khởi hạnh thì hạnh ấy là diệu hạnh).

                   Trong một câu này bao gồm ba tư lương của pháp môn Tịnh Độ, [tức là] ba điều kiện tu hành cơ bản Tín, Nguyện, Hạnh. Ba điều kiện này đều được kiến lập trên trí huệ, nhằm phân biệt chẳng phải là mê tín, chẳng phải là xử sự theo cảm tình, nó là lý tánh, mong các đồng tu phải đặc biệt chú ý điều này, chúng ta mới thật sự hiểu rõ niệm Phật chẳng phải là mê tín. Trang nghiêm cõi nước Phật nhất định phải dùng trí huệ chân thật; do vậy, kinh Vô Lượng Thọ nói ba thứ chân thật, “chân thật huệ”, tức là trí huệ chân thật, “chân thật chi tế”, và “huệ dĩ chúng sanh chân thật chi lợi” (ban cho chúng sanh lợi ích chân thật), nói tới ba thứ chân thật, lấy “chân thật huệ” làm căn cứ bậc nhất. Chú giải kinh này, Liên Trì đại sư cũng dùng Nhất Thiết Trí, cho nên Ngài nói “chẳng riêng gì Tín phải nương vào Trí”, mà thành tựu Phật quả cũng nhờ vào trí huệ. Trong kinh Vô Lượng Thọ, chúng ta thấy chuyện này đặc biệt rõ ràng. Do vậy, người tu Tịnh Độ chúng ta, [hay nói rộng hơn] là hết thảy chúng sanh tu tập pháp môn Tịnh Độ “dĩ trí sanh Tín” (do trí mà sanh lòng tin) thì [lòng tin ấy] gọi là Chánh Tín. Trong Yếu Giải, Ngẫu Ích đại sư đã nói sáu thứ Tín, “tín tự, tín tha, tín nhân, tín quả, tín Sự, tín Lý”, nói đến sáu thứ. Do vậy, nhất định phải tin tưởng “tâm này làm Phật, tâm này là Phật”. Đây là căn cứ lý luận của toàn thể Phật pháp, bất luận tông nào hay phái nào, “tâm này làm Phật”, đặc biệt là pháp môn “niệm Phật thành Phật” này, niệm Phật thành Phật đấy nhé! Niệm Phật vãng sanh, niệm Phật làm Phật; do vậy, phải tin tưởng chúng sanh và Phật bất nhị! Chỉ sợ quý vị không niệm Phật, chứ người niệm Phật quyết định làm Phật.

          Mười pháp giới đều do tự tâm của chúng ta biến hiện, tâm chúng ta tưởng gì liền biến ra cảnh giới ấy. Cho nên, y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới do đâu mà có? Từ trong tưởng tượng biến hiện, sức mạnh của tưởng tượng rất lớn, tưởng điều gì liền biến hiện điều ấy! Chúng ta phải có trí huệ và tín tâm như vậy thì mới được coi là “chánh tín”. Nếu chẳng có trí huệ, nói thật ra, chánh tín sẽ chẳng thể sanh khởi; dẫu có tín tâm vẫn chẳng phải là chánh tín. Chẳng phải là chánh tín, người ấy sẽ thoái chuyển, sẽ thay đổi. Chúng tôi đã từng thấy không ít người niệm Phật, niệm vài chục năm, đến tuổi già bèn thay đổi, học pháp môn khác, điều ấy vô cùng đáng tiếc! Đấy đều là vì trong tín tâm chẳng có trí huệ, là một thứ lòng tin theo cảm tình, nói khó nghe là mê tín, nên kẻ ấy mới thay đổi! Người thật sự có trí huệ chắc chắn sẽ không bị thay đổi!

          “Dĩ trí phát nguyện” (dùng trí để phát nguyện), nguyện ấy là “hoằng nguyện”, nguyện ấy cũng chẳng kiến lập trên cơ sở cảm tình hay mê tín! Nó là nguyện từ trong trí huệ Bát Nhã, tức là nguyện phát sanh từ lý trí, tuyệt đối chẳng phải là cảm xúc nhất thời, nên nguyện ấy là chân nguyện. Người ấy hiểu rõ ràng, minh bạch Sự và Lý của y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới, hiểu rõ vì sao phải chọn lựa Tây Phương. Trong Đại Kinh, chuyện này rất rõ rệt. Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, phu nhân Vy Đề Hy gặp nạn, con cái bất hiếu, giam chặt bà ta. Bà cảm thấy thống khổ, ở trong hoàng cung dõi nhìn Linh Sơn. Khi ấy, đức Phật ở núi Linh Thứu, núi Linh Thứu ở ngoài thành Vương Xá. Bà ở trong hoàng cung niệm Phật, cầu Phật đến cứu. Bà ta cảm thấy thế giới này rất khổ, con cái bất hiếu, làm phản. Nếu lúc ấy chẳng có mấy vị đại thần khuyên can, ngăn cản, con bà ta sẽ giết mẹ! Bà ta cảm thấy thế giới này chẳng có ý nghĩa gì, cầu Phật: “Các cõi Phật trong mười phương cõi nào tốt đẹp, con muốn sang đó, chẳng muốn ở trong thế gian này nữa!”

          Bà ta có một niệm ấy, đức Phật liền  biết. Do  vậy, bà  Vy  Đề  Hy

dẫn mấy cung nữ hướng về phương hướng núi Linh Thứu lễ bái, vừa ngẩng đầu lên, Thích Ca Mâu Ni Phật đã dẫn nhiều người đến hoàng cung rồi, đến từ không trung. Đây là đức Phật hiện Thần Túc Thông. Đức Phật đáp ứng lời thỉnh cầu của bà ta, dùng thần lực của Phật hiện bày các cõi Phật trong mười phương khiến bà ta đều trông thấy. Sau khi bà ta đã thấy các cõi Phật, bèn hướng về Thích Ca Mâu Ni Phật thưa: “Con chọn lựa cõi Phật A Di Đà, muốn sanh về cõi Phật A Di Đà”. Xin Thích Ca Mâu Ni Phật dạy bà ta cách sanh về đó. Kinh ghi chép như thế, chúng ta phải tin tưởng điều này. Thuở ấy, trong hoàng cung, chẳng phải là một mình vua Ba Tư Nặc trông thấy, mà cả mấy trăm cung nữ của bà ta cũng đồng thời thấy, chuyện ấy chẳng phải là giả!

           Trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Phật giới thiệu Tây Phương Cực Lạc thế giới xong, bèn hỏi A Nan: “Ông có muốn thấy Tây Phương A Di Đà Phật hay không?” Ngài thưa: “Con xin được thấy”. Kết quả là Thích Ca Mâu Ni Phật dạy Ngài hướng về phương Tây lễ bái, xưng danh, nhất tâm xưng danh niệm A Di Đà Phật. A Nan vừa niệm A Di Đà Phật, lạy xuống một lạy, ngẩng đầu lên, A Di Đà Phật đã hiện trên không trung, Ngài được trông thấy. Không chỉ riêng A Nan trông thấy, mà có đến hơn một vạn người nghe giảng kinh trong pháp hội Vô Lượng Thọ lần đó thảy đều trông thấy! Đây chẳng phải là giả, chẳng phải là một người thấy, mà là nhiều người như thế trông thấy! Điều này cũng chứng thực lời Đại Thế Chí Bồ Tát đã nói trong chương Niệm Phật Viên Thông: “Hiện tiền, đương lai, tất định kiến Phật” (hiện tại, tương lai, nhất định thấy Phật), ở đây là hiện tiền thấy Phật. Ngài A Nan vừa thấy A Di Đà Phật liền phát nguyện cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Do vậy, nếu các vị hỏi: “Hiện thời, ngài A Nan ở đâu?” Ngài ở trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Ngài là tổ sư đời thứ hai của Thiền Tông. Ma Ha Ca Diếp là sơ tổ Thiền Tông. Ma Ha Ca Diếp truyền cho Ngài, Ngài vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Do vậy, sự phát nguyện này là thật sự hiểu rõ, nguyện sanh Tây Phương, đấy mới là đại nguyện.

          Quý vị phát nguyện phổ độ hết thảy chúng sanh, đúng như Tứ Hoằng Thệ Nguyện: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”, cho đến nguyện cuối cùng là “Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”, quý vị “thành” bằng cách nào? Nếu quý vị chẳng thể vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, thưa quý vị, bốn nguyện ấy đều là rỗng tuếch, hữu danh vô thực. Quý vị mong độ chúng sanh, nhưng chẳng có năng lực, độ không được! Quý vị muốn đoạn phiền não, cũng chẳng đoạn phiền não được! Phiền não chẳng tăng trưởng thì coi như còn khá, sợ là phiền não mỗi ngày một tăng trưởng. Nếu chẳng đoạn, nó sẽ là tăng trưởng mỗi ngày, đáng sợ quá! Quý vị học pháp môn thì cũng chẳng học được! Trong thế gian hiện thời, chẳng có thầy tốt, đồng tham đạo hữu tốt đẹp cũng chẳng có, hoàn cảnh tốt đẹp cũng chẳng có, đến nơi đâu để học? Chẳng có chỗ nào để học! Chẳng cần phải nói đến chuyện thành Phật nữa! Vẫn luân hồi trong lục đạo y như cũ, chẳng thể thành Phật! Do vậy, muốn thực hiện Tứ Hoằng Thệ Nguyện, phương pháp duy nhất là cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới.

          Vì thế, trong Yếu Giải, Ngẫu Ích đại sư đã giải thích thẳng thừng về “phát Bồ Đề tâm”, Ngài nói: Phát Bồ Đề tâm là gì? Tâm cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới chính là Vô Thượng Bồ Đề tâm. Từ xưa tới nay, các tổ sư đại đức chưa hề nói như vậy. Chúng ta hãy suy nghĩ xem Ngài nói có lý hay không? Đúng là có. Vì Khởi Tín Luận giảng Bồ Đề tâm là “trực tâm, thâm tâm, đại bi tâm”; trong Quán Kinh, đức Phật giảng Bồ Đề tâm là “chí thành tâm, thâm tâm, phát nguyện hồi hướng tâm”. Một niệm cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, ba tâm ấy đều trọn đủ. Ngẫu Ích đại sư thật tuyệt vời, một câu nói toạc ra, chúng ta nghe xong liền hiểu rõ ràng, minh bạch, chẳng có chút nghi hoặc nào! Lại còn cảm thấy chúng ta có thể làm được! Quý vị nói “trực tâm, thâm tâm, đại bi tâm”, nói cả nửa ngày, chúng ta vẫn chẳng hiểu rõ ràng, chẳng biết học từ chỗ nào? Càng giảng càng mơ hồ, chẳng thể hiểu rõ như cách giảng đơn giản của Ngẫu Ích đại sư, đấy là ưu điểm!

          Vì vậy, trong thời cận đại, các vị như Ấn Quang đại sư, các vị tổ sư đại đức đều công nhận sách Yếu Giải của Ngẫu Ích đại sư là sách chú giải kinh Di Đà bậc nhất, là bản chú giải hay nhất, đơn giản, dễ hiểu nhất. Ấn Quang đại sư tán thán: “Cổ Phật tái lai, A Di Đà Phật tái lai để soạn chú giải cho kinh A Di Đà cũng chẳng thể hay hơn được!” Đó là tán thán Yếu Giải đến tột bậc! Yếu Giải đơn giản, dễ hiểu, Sớ Sao rộng lớn, tinh vi, sâu xa. Nếu quý vị muốn biết tỉ mỉ, hãy học Sớ Sao; nếu muốn rất đơn giản nắm vững cương lãnh của kinh A Di Đà, hãy tìm trong Yếu Giải. Hai loại chú giải này hay nhất, có thể tham chiếu lẫn nhau.Trong giảng tòa, chúng tôi cũng luân lưu giảng hai bản chú giải này. Giảng xong Sớ Sao bèn giảng Yếu Giải. Giảng Yếu Giải xong lại giảng Sớ Sao. Chúng tôi luân lưu giáp vòng giảng hai bản chú giải này!

          Nếu chẳng có trí huệ chân chánh, nói thật thà, chân  trí  huệ  là  gì?

Ta có trí huệ ư? Nào ngờ là khiêm hư quá lố khi tự nói “ta chẳng có trí huệ!” Nếu lại học kinh giáo, tông phái khác, quả thật ta chẳng có trí huệ, trí huệ của chúng ta không đủ; nhưng nói theo pháp môn Tịnh Độ, trí huệ là gì? Quý vị có thể chọn lựa pháp môn Tịnh Độ, đó là trí huệ bậc nhất! Cách nói này chẳng quá lố, chẳng sai tí nào! Vì sao? Mọi người công nhận Văn Thù Bồ Tát trí huệ bậc nhất, Ngài là vị trí huệ bậc nhất trong các vị Bồ Tát; Văn Thù Bồ Tát chọn lựa pháp môn Trì Danh Niệm Phật vãng sanh Tịnh Độ, chọn lựa bằng trí huệ! Ngày nay chúng ta cũng chọn lựa pháp môn này, chẳng khác gì Văn Thù Bồ Tát, Ngài chọn pháp này, ta cũng chọn pháp này! Ngoài chuyện chọn lựa này ra, ta thấy chúng ta chẳng có gì sánh bằng Văn Thù Bồ Tát! Những thứ khác chẳng sánh bằng không sao cả! Chỉ cần điều này chẳng sai khác cho mấy là được rồi, chắc chắn là khá lắm rồi! Do vậy, ta có thể biết: Chẳng chọn lựa pháp môn này tức là chẳng có trí huệ!

          Trong Vô Lượng Thọ Kinh Mi Chú, thầy Lý đã chú giải rất hay, thầy viết: “Chẳng cầu đới nghiệp vãng sanh, chẳng phải là ngu thì cũng là cuồng”. Đó là thiếu trí huệ, chẳng phải là ngu si thì là cuồng vọng, đều là kẻ thiếu trí huệ! Một người có trí huệ chắc chắn chọn lựa pháp môn này. Mấy hôm nay, tôi cũng nói với quý vị chẳng ít, chọn lựa pháp môn này thì nhất định phải ghi nhớ lý luận, phương pháp, và cảnh giới được giảng trong pháp môn, phải thường ghi [những điều ấy] trong lòng, phải thời thời khắc khắc thực hiện, vận dụng vào cuộc sống của chúng ta, áp dụng vào việc xử sự, đãi người, tiếp vật, đấy mới là người thật sự niệm Phật. Do vậy, chẳng có chân trí, nguyện sẽ chẳng thể phát khởi. Dẫu có phát nguyện, vẫn chẳng phải là đại nguyện, cho nên kẻ ấy sẽ bị thoái chuyển, hoài nghi, đánh mất tín tâm!

Do vậy, một đạo tràng niệm Phật vì sao phải giảng kinh mỗi ngày? Nhằm khiến cho quý vị đoạn nghi sanh tín! Một đạo tràng niệm Phật thật sự sẽ giảng năm kinh Tịnh Độ từ đầu một lượt, như đối với kinh Di Đà bèn giảng Sớ Sao, giảng mỗi ngày thì phải giảng suốt một năm mới có thể giảng viên mãn. Năm kinh một luận đều giảng từ đầu đến cuối như vậy một lượt, ít nhất cũng phải mất năm sáu năm [mới hoàn tất]; nhưng năm sáu năm ấy quyết chẳng phải là lãng phí! Sau năm sáu năm ấy, tín tâm của quý vị nhất định kiên cố. Nói cách khác, nắm vững Tây Phương Tịnh Độ, quyết định chẳng có vấn đề gì! Vì thế, chẳng thể không giảng kinh này! Chẳng thể không niệm Phật! Niệm Phật quyết định phải có một Niệm Phật Đường, đạo tràng của chúng ta hiện thời bị thiếu sót, có giảng đường, nhưng thiếu Niệm Phật Đường, nên đạo tràng này chỉ có một nửa, vẫn còn thiếu một nửa. Đạo tràng này kiện toàn, tâm mọi người đều định, dễ thành tựu. Đạo tràng chẳng kiện toàn, tâm vẫn lao chao, nói chung là bất định, khó thể thành tựu!

          Nói đến Hạnh, Hạnh cũng phải là “dĩ trí khởi Hạnh”, hạnh ấy mới là “diệu hạnh”. Trước hết, phải đại triệt đại ngộ, sự đại triệt đại ngộ này chẳng phải là triệt ngộ trong Thiền Tông, mà là thật sự hiểu rõ Tây Phương Tịnh Độ, hiểu rõ Sự và Lý ở hai nơi Sa Bà và Cực Lạc, đó gọi là “đại triệt đại ngộ”. Vì sao? Quyết tâm muốn rời khỏi Sa Bà, muốn đạt đến thế giới Cực Lạc, tâm ấy kiên định, tâm ấy quyết định chẳng thay đổi. Đó là sự triệt ngộ trong Tịnh Độ Tông. Sau đấy, quý vị niệm một câu Phật hiệu sẽ giống như trong Niệm Phật Viên Thông Chương, Đại Thế Chí Bồ Tát đã nói: “Đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương kế, bất giả phương tiện, tự đắc tâm khai” (nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, chẳng nhờ vào phương tiện mà tự đạt tâm khai), đó là diệu hạnh! Khăng khăng một mực niệm một câu Phật hiệu này, khăng khăng một mực tu pháp môn này, chúng ta giữ lấy một bộ Tịnh Độ Ngũ Kinh này là đủ rồi, quyết định đạt được Thượng Phẩm Thượng Sanh, đó là diệu hạnh. Những kinh điển khác đều có thể chẳng cần đến, Liên Trì đại sư nói: “Tam Tạng mười hai bộ, nhường cho kẻ khác ngộ”, ta chẳng cần đến, khăng khăng một mực có một thứ này là được rồi, một bộ kinh A Di Đà là được rồi! “Tám vạn bốn ngàn hạnh, để cho người khác hành”, để cho những người khác tu hành [các hạnh khác]!

          Chúng ta chỉ chọn lấy trì danh niệm Phật, khăng khăng một mực, đó là diệu hạnh, là sự chọn lựa bằng trí huệ chân chánh. Chẳng có chân thật huệ thật sự, sẽ chẳng thể khăng khăng một mực! Nếu cái tâm [so đo, chụp giật, toan tính học pháp này, pháp nọ] chưa nguội lạnh, sẽ chẳng thể khăng khăng một mực, dẫu có tu hành, vẫn chẳng phải là diệu hạnh. Nếu kẻ ấy gặp duyên, vẫn bị thoái chuyển, vẫn thay lòng đổi dạ! Nghe người ta nói mấy câu, khuyên quý vị mấy lời, ngay lập tức ý niệm xoay chuyển, thay đổi, hạnh kiểu đó chẳng diệu! Thật sự là chẳng diệu! Ý niệm vừa chuyển, bèn vào trong ba ác đạo. [Chắc quý vị sẽ cãi] ý niệm vừa chuyển cũng chẳng đến nỗi đọa trong ba ác đạo, vì sao [pháp sư] nói nghiêm trọng dường ấy? Tôi thưa cùng quý vị, ý niệm xoay chuyển sẽ thật sự đọa trong tam ác đạo. Dẫu quý vị nhân phẩm, đạo đức, học vấn, phước báo tốt đẹp cách mấy, vẫn đọa trong ba ác đạo, vì nguyên nhân nào? Quý vị đã phá hoại pháp Tịnh Độ!

          Phá hoại như thế nào? Người ta thấy người ấy niệm Phật vài chục năm, quý vị thấy kẻ ấy [đến lúc] tuổi già tu pháp khác, [bèn tự nhủ] nói chung, chẳng thể học Tịnh Độ! Đấy là quý vị đã phá hoại Tịnh Độ, sẽ là kẻ đọa trong địa ngục A Tỳ. Nếu quý vị chẳng tu Tịnh Độ, sẽ chẳng tạo nghiệp nhân này! Niệm Phật vài chục năm, lúc tuổi già đi học Thiền, học Mật, làm cho những kẻ học đạo khác trông thấy [hành vi của] quý vị, [bèn nghĩ]: Người này đã hành nhiều năm ngần ấy [mà vẫn bỏ không tu Tịnh Độ nữa], đại khái là Tịnh Độ không được rồi, chẳng đáng trông cậy, vẫn là Thiền hay Mật tốt đẹp hơn! Quý vị phải hiểu: Quý vị vừa chuyển đã ảnh hưởng tới bao nhiêu người. Người đông ngần ấy chịu ảnh hưởng của quý vị, đều cùng bị lạc lối, kẻ mù dẫn lũ đui, quý vị phải chịu trách nhiệm nhân quả! Vì thế, phiền phức nẩy sanh từ chỗ này!

          Quý vị học Tịnh Độ vài ngày, chuyển sang học pháp khác, chẳng phạm lỗi lầm to tát dường ấy. Quý vị học đã lâu, sau đó chuyển ý niệm, đáng kinh hãi lắm! Đó là thiếu trí huệ. Không chỉ chính mình từ đường chánh đi vào nẻo tà, mà còn phải gánh lấy [trách nhiệm] nhân quả rất lớn. Nếu quý vị ảnh hưởng càng nhiều người, tội lỗi càng nặng, hết sức đáng sợ. Vì vậy, Tín, Nguyện, Hạnh đều nương vào trí huệ chân thật.

          (Sao) Nãi chí thành Phật, hằng tất diêu chi.

            () 乃至成佛,恆必繇之。

          (Sao: Cho đến thành Phật, vẫn luôn cậy vào trí).

          Từ Sơ Phát Tâm mãi cho đến lúc thành Phật đều phải nương vào trí huệ, trí huệ do đâu mà có? Trí huệ phát xuất từ tín tâm thanh tịnh. Kinh Kim Cang nói: “Tín tâm thanh tịnh bèn sanh Thật Tướng”. Thật Tướng là chân thật huệ, tín tâm thanh tịnh là gì? Trong tín tâm chẳng có mảy may hoài nghi, chẳng có mảy may đắm nhiễm, đó là “thanh tịnh”. Do vậy, cho đến khi thành Phật đều phải cậy vào trí huệ, “hằng tất diêu chi” (luôn cậy vào), đều phải có trí huệ.

          (Sao) Cái thông nhân triệt quả, thành thỉ thành chung chi yếu đạo dã, khởi độc vi tín giải chi môn nhi dĩ tai!

          () 蓋通因徹果,成始成終之要道也,豈獨為信解之門而已哉。

          (Sao: Bởi lẽ, trí thông suốt nhân, thấu triệt quả, là đạo trọng yếu để thành tựu từ đầu tới cuối,  há có phải riêng một môn Tín Giải mà thôi

ư!)

          Lời kết luận này hay quá! Bởi lẽ, kinh này do đức Phật gọi ngài Xá Lợi Phất để nói, trong các vị Thanh Văn, ngài Xá Lợi Phất đại biểu trí huệ bậc nhất. Pháp môn này là pháp khó tin, nếu chẳng phải là trí huệ bậc nhất, có giảng cho kẻ ấy cũng vô ích! Kẻ ấy chẳng tin, chẳng thể tiếp nhận. Chư vị nhất định phải biết: Nếu trong tương lai, quý vị gặp phải đại pháp sư, lão hòa thượng, hoặc thiện tri thức tu học đã lâu bảo quý vị đừng nên niệm Phật: “Pháp môn Niệm Phật không được đâu!”, khuyên quý vị tu Thiền, hay khuyên quý vị học Mật, tôi thấy rất nhiều kẻ như thế! Quý vị vừa nghe, [bèn nghĩ] vị lão hòa thượng này đức cao vọng trọng, chắc là Ngài nói chẳng sai! Nếu quý vị nghe lời người đó liền bị mắc lừa to lớn! Vì sao những người đó tu hành suốt đời mà vẫn chẳng tin tưởng [Tịnh Độ]? Kinh nói [pháp môn Tịnh Độ] là “pháp khó tin”! Nếu những kẻ đó đều tin tưởng, làm sao đức Phật có thể nói kinh này là “pháp khó tin” cho được! Pháp này chẳng phải là rất dễ tin tưởng ư? Khó lắm! Thật sự là khó! Những người hữu tu hữu học, ắt phải thật sự học thông suốt rồi mới tin tưởng. Do vậy, các vị Liên Trì, Ngẫu Ích thường trích dẫn [lời dạy của các ngài] Mã Minh, Long Thọ, Thiên Thân Bồ Tát, Trí Giả, Vĩnh Minh, những vị ấy Tông lẫn Giáo đều thông, thật sự thông đạt, các Ngài chọn lấy pháp môn Niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, thật sự thấu hiểu! Dẫu là người học Giáo Hạ đã lâu, kẻ ấy chẳng thật sự thông suốt. Chẳng thật sự thông suốt sẽ chẳng tin pháp môn này, chuyện này cũng chẳng kỳ lạ chút nào! Chưa thông hiểu, đích xác là chẳng tin.

          Chính bản thân tôi là một thí dụ, lúc tôi mới học Phật, chẳng tin tưởng Tịnh Độ. Vẫn kể như rất may mắn là [cuối cùng] tôi tin tưởng Tịnh Độ, chẳng phải là nghe người ta khuyên, tôi tin liền, đâu có đơn giản như vậy! Người đầu tiên khuyên tôi là pháp sư Sám Vân, tôi chưa thể tiếp nhận; về sau là lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, tôi bán tín bán nghi. Vì sao mới tin? Giảng kinh Hoa Nghiêm mười mấy năm rồi mới tin. Tôi giảng kinh Hoa Nghiêm bắt đầu từ năm Dân Quốc 60 (1971) mãi cho đến hiện thời chẳng gián đoạn. Năm nay là năm Dân Quốc 77 (1988), đã giảng mười bảy năm. Do kinh Hoa Nghiêm, tôi thường nói: “Tôi đã khai ngộ, đại triệt đại ngộ!” Ngộ gì vậy? Ngộ tu pháp môn Tịnh Độ! Vì từ kinh Hoa Nghiêm, tôi đã thấy rõ ràng, rành rẽ: Văn Thù, Phổ Hiền, Thiện Tài đồng tử, bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ ai nấy đều niệm Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới! Chuyện này đúng là giáng một gậy to vào đầu tôi, đánh thức tôi! Hoa Nghiêm là cảnh giới gì?

Đến cuối cùng, thảy đều niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ.

          Do vậy, tôi đọc chú giải kinh Vô Lượng Thọ của cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, cụ trích dẫn lời các vị đại đức đời Đường nói Hoa Nghiêm và Pháp Hoa đều nhằm dẫn đường cho kinh Vô Lượng Thọ, tôi vừa đọc liền thừa nhận [lời đoan quyết ấy] chẳng sai tí nào! Vì sao? Tôi tin tưởng pháp môn Tịnh Độ là nhờ kinh Hoa Nghiêm dẫn dắt. Chẳng có bộ kinh ấy dẫn dắt, dẫu như thế nào đi nữa tôi cũng chẳng thể tin tưởng, cũng chẳng chịu tu học. Vì thế, tôi vô cùng cảm kích kinh Hoa Nghiêm. Nếu không nhờ Hoa Nghiêm, tôi sẽ chẳng tin tưởng pháp môn này. Nói thật ra, kinh Hoa Nghiêm là Tự Phần của kinh Vô Lượng Thọ, là phần dẫn nhập của kinh Vô Lượng Thọ. Kinh Vô Lượng Thọ và kinh A Di Đà là Chánh Tông Phần của kinh Hoa Nghiêm. “Thập đại nguyện vương đạo quy Cực Lạc” (mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc), chẳng sai, chỗ quy túc cuối cùng trở về kinh Di Đà. Liên Trì đại sư bảo hai bộ kinh Di Đà và Vô Lượng Thọ là đồng bộ, được gọi là Đại Bổn và Tiểu Bổn. Tiểu Bổn giảng đơn giản, Đại Bổn giảng chi tiết, nhưng nội dung hoàn toàn giống nhau, chẳng sai biệt!

          “Thông nhân triệt quả”, từ tu nhân đến chứng quả đều cần đến trí huệ. “Thành thỉ thành chung”, “thỉ” (始) là quý vị bắt đầu tin tưởng, phát nguyện, trì danh, trọn đủ Tín, Nguyện, Hạnh, đấy là “thành thỉ”; đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, quý vị viên chứng ba thứ Bất Thoái, thành Phật trong một đời, đó là “thành chung”. Thảy đều phải cậy vào trí huệ! Quý vị mới hiểu vì sao đức Phật gọi ngài Xá Lợi Phất để giảng [kinh Di Đà], chẳng gọi người khác. Đặc biệt là kinh Di Đà “vô vấn tự thuyết”, trong kinh này toàn là Thích Ca Mâu Ni Phật tự nói, những người khác chẳng nói xen vào một câu nào! “Khởi độc vi tín giải chi môn nhi dĩ tai” (há có phải riêng một môn Tín Giải mà thôi ư!).

          (Sớ) Xứng Lý.

            () 稱理。

          (Sớ: Xét theo Lý).

          Đoạn Xứng Lý này là đoạn bàn luận tương xứng với Tánh. Vì vậy, bản chú giải này của Liên Trì đại sư chẳng giống với những bản chú giải thông thường, mỗi đoạn ngắn đều chỉ quy tự tánh. Xứng Lý thường được gọi là Tiêu Quy Tự Tánh, điều này rất ít thấy trong các bản chú giải thông thường, nhưng sau mỗi đoạn trong Sớ Sao đều có.

          (Sớ) Tắc tự tánh tự nhiên trí, thị Phật tự cáo Xá Lợi Phất nghĩa.

       () 則自性自然智,是佛自告舍利弗義。

          (Sớ: Tự nhiên trí trong tự tánh chính là ý nghĩa của việc Phật tự bảo Xá Lợi Phất).

           Cách nói này hoàn toàn hội quy tự tánh, nghĩa là gì? Chúng ta hãy nhìn lời giải thích trong phần Sao.

          (Sao) Vô duyên nhi chiếu, phất lự nhi tri, diệu tánh thiên nhiên, bất tùng tha đắc. Thị cố kiền chùy vị động, khải thỉnh vô nhân, xí nhiên thuyết, vô gián yết.

          () 無緣而照,弗慮而知,妙性天然,不從他得。是故犍椎未動,啟請無人,熾然說,無間歇。

          (Sao: Vô duyên mà chiếu, chẳng suy nghĩ mà biết, diệu tánh thiên nhiên chẳng do điều gì khác mà đạt được. Do vậy, kiền chùy chưa động tới, chẳng có người khải thỉnh mà nói tràn trề, chẳng gián đoạn, ngưng nghỉ).

           Mấy câu này có ý nghĩa rất sâu, “vô duyên nhi chiếu”, Chiếu là trí huệ khởi tác dụng. Công phu tu hành của nhà Thiền gồm ba giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất là Quán Chiếu, giai đoạn thứ hai là Chiếu Trụ, giai đoạn thứ ba là Chiếu Kiến. Chiếu Kiến là kiến tánh. Trong Kim Cang Kinh Giảng Nghĩa, lão cư sĩ Giang Vị Nông đã nói về ba cảnh giới này rất rõ ràng. Chúng ta niệm Phật cũng có ba giai đoạn, ba giai đoạn ấy được nói theo cách khác, nhưng nói thật ra, ý nghĩa tương đồng. Quán Chiếu trong Thiền Tông được Tịnh Độ Tông gọi là công phu thành phiến. Chiếu Trụ trong Thiền Tông chính là Sự nhất tâm bất loạn trong Tịnh Độ. Chiếu Kiến như Thiền Tông đã nói chính là Lý nhất tâm bất loạn trong Tịnh Độ. Quán Tự Tại Bồ Tát trong Bát Nhã Tâm Kinh là Quán Thế Âm Bồ Tát, Ngài đã tu hành tới giai đoạn cao tột, tức là Chiếu Kiến. “Chiếu kiến Ngũ Uẩn giai Không”, Chiếu Kiến là minh tâm kiến tánh. Chúng ta niệm Phật đạt đến Lý nhất tâm cũng là minh tâm kiến tánh. Do vậy, danh từ, thuật ngữ khác nhau, nhưng cảnh giới giống nhau. “Vô duyên nhi chiếu”, những loại Chiếu thông thường nói chung là phải có duyên rồi sau đó mới khởi Quán Chiếu.

          Nói tới Tri (知: hiểu biết) thì Tri nói chung là chúng ta phải suy nghĩ mới biết. “Lự” (慮) là suy nghĩ, suy xét, nghiên cứu, [sau đó] chúng ta hiểu rõ ràng, minh bạch chuyện này. [“Phất lự nhi tri”] ở đây là nói không có duyên, chẳng cần đến duyên, Chiếu là tự nhiên, chẳng cần phải suy xét mà biết. Ví dụ như A La Hán có thần thông, Bích Chi Phật có thần thông, Quyền Giáo Bồ Tát có thần thông, các Ngài có Tha Tâm Thông, nhưng nếu Ngài chẳng suy nghĩ, suy xét thì trong tâm người khác nghĩ gì Ngài sẽ chẳng biết. Do vậy, nếu quý vị hỏi Ngài chuyện quá khứ hay tương lai, trước hết, Ngài phải nhập Định, sau đấy mới có thể bảo cho quý vị biết, tức là Ngài có duyên, có lự, chẳng thể lập tức nói với quý vị. Ngài phải nhập Định một chốc thì món thần thông ấy (Tha Tâm Thông) mới có thể khởi tác dụng. Nếu Ngài chẳng tác ý, thần thông chẳng khởi tác dụng. Những vị này chẳng bằng người sanh trong hạ hạ phẩm của Tây Phương Cực Lạc thế giới.

          Người sanh trong hạ hạ phẩm của Tây Phương Cực Lạc thế giới, ở trong hoa sen còn chưa nở, nhưng người ta đã thấy thấu suốt, nghe thông suốt, thần thông và đạo lực đều chẳng khác biệt với Phật cho mấy, chắc chắn là Thanh Văn, Duyên Giác, Quyền Giáo Bồ Tát trong các thế giới phương khác chẳng thể sánh bằng, phải kém cỏi hơn! Người ấy ở trong búp sen chưa nở, mọi người đừng nghĩ “búp sen chưa nở, nói chung rất mất tự nhiên, chẳng có tự do”, [hiểu như vậy là] sai mất rồi! Hoa sen ấy bao lớn? Kinh nói hoa sen bé là một do-tuần, một do-tuần (yojana) là bốn mươi dặm Tàu. Đó là nơi quý vị ở. Bốn mươi dặm! Gần như to bằng thành phố Đài Bắc. Nếu quý vị nói: Một mình ta ở trong đó, có phải là rất nhàm chán hay không? Chẳng phải vậy! Quý vị ở trong hoa sen ấy, A Di Đà Phật, Quán Âm, Thế Chí, đại chúng trong Thanh Tịnh Hải Hội thảy đều ở trong ấy, hóa thân ở trong ấy. Vì thế, trong ấy rất náo nhiệt, mỗi ngày giảng kinh, thuyết pháp, niệm Phật, kinh hành rất náo nhiệt! Đó là hoa sen bé. Hoa sen to sẽ lớn cả ngàn do-tuần, hoặc một vạn do-tuần! Hoa sen to còn lớn hơn địa cầu của chúng ta, bỏ địa cầu vào đó vẫn còn rộng thênh thang! Tình hình trong mỗi đóa hoa sen đều là như vậy.

          Vì vậy, trong mỗi hoa sen đều là một thế giới, khi hoa nở, quý vị liền thấy Báo Độ của Tây Phương Cực Lạc thế giới, thấy Báo Thân Phật của A Di Đà Phật. Báo Thân Phật và vị Phật được thấy trong hoa sen khác nhau. Báo Thân Phật có vô lượng tướng, mỗi tướng có vô lượng hảo, chẳng phải là ba mươi hai tướng, tám mươi thứ hảo. Báo Thân Phật to lớn, kệ Tán Phật có câu: “Bạch hào uyển chuyển ngũ Tu Di, cám mục trừng thanh tứ đại hải”. Đó là Báo Thân Phật. Trong hoa sen quý vị chẳng nhìn thấy, chẳng thấy thân tướng Phật to dường ấy! Sau khi hoa nở, sẽ thấy thân tướng Phật lớn dường ấy, thân của chính mình cũng to, thân hình của chính mình cũng cao lớn. Do vậy, trong hoa và ngoài hoa là hai thế giới. Vì lẽ đó, đến nơi ấy chắc chắn chẳng tịch mịch, mà cũng vô cùng tự tại. Mỗi ngày có thể đi thăm viếng mười phương thế giới, cảnh giới được nói trong kinh Di Đà là cõi Phàm Thánh Đồng Cư, trọn chẳng phải là cảnh giới trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Đấy cũng là cảnh giới của hạng đới nghiệp vãng sanh chúng ta trong hoa sen nơi ao bảy báu, đúng là đẹp đẽ khôn xiết!

          Vì vậy, người sanh trong hạ hạ phẩm của Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng chẳng cần đến duyên mà chiếu, chẳng cần suy nghĩ liền biết. Bởi lẽ, do duyên mà chiếu, do suy nghĩ mà biết đều là do ngoại cảnh mà đạt được, đó là “trí huệ hữu tác vi” (trí huệ phát sanh tác dụng do duyên theo cảnh trần), chẳng phải là Tự Nhiên Trí. Chẳng phan duyên, nhưng không gì chẳng chiếu, không cần suy nghĩ mà không gì chẳng biết, đấy là chân trí huệ, đó mới là Tự Nhiên Trí, là Vô Sư Trí. Trí chẳng cần phải do thầy truyền dạy, mà tự nhiên khởi lên, không cần cậy vào ngoại duyên, trí huệ ấy tự nhiên hiện tiền, chẳng do cái khác mà có! Đã có diệu huệ, trí huệ chân thật như vậy, quý vị nghĩ xem: Cần gì mà phải gõ dẫn khánh, gióng chuông để khải thỉnh Phật tới giảng kinh, thuyết pháp? Chẳng cần thiết! “Thị cố kiền chùy vị động” (do vậy, kiền chùy chưa động tới), “kiền chùy” là pháp khí. Chúng ta nghênh thỉnh pháp sư, nghênh thỉnh Phật, Bồ Tát thuyết pháp đều phải gõ hoặc đánh pháp khí, chẳng cần, không dùng đến, trí huệ của quý vị đã hiện tiền.

          “Khải thỉnh vô nhân, xí nhiên thuyết, vô gián yết” (không người khải thỉnh mà nói tràn trề, chẳng gián đoạn, chẳng ngừng nghỉ), chẳng cần phải khải thỉnh! “Xí nhiên”“vô gián” là nói sáu trần tận hư không khắp pháp giới đều đang thuyết pháp. Thế giới Tây Phương là như thế, có thế giới nào chẳng phải là như vậy? Sáu trần trong thế giới này của chúng ta cũng thuyết pháp, điều đáng tiếc là gì? Chúng ta chẳng có trí huệ, nên quý vị chẳng thể cảm nhận. Người trong Tây Phương Cực Lạc thế giới có trí huệ, tâm địa thanh tịnh, nên sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần [sẽ nhận biết] toàn bộ đều đang thuyết pháp. Đoạn này nhằm giải thích ý nghĩa được biểu hiện bởi chuyện đức Phật nói với ngài Xá Lợi Phất.

          Nhị, thị pháp.

          二、示法。

          (Hai là dạy pháp).

          “Thị” là khai thị, [“thị pháp”] là khai thị pháp môn này.

          (Kinh) Tùng thị Tây phương, quá thập vạn ức Phật độ, hữu thế giới danh viết Cực Lạc.

          () 從是西方。過十萬億佛土。有世界名曰極樂。

          (Kinh: Từ phương Tây của thế giới này, đi qua mười vạn ức cõi Phật, có thế giới tên là Cực Lạc).

          Mấy câu này là cương lãnh của cả bản kinh, hãy chú trọng chữ Hữu. Nhìn từ thế giới Sa Bà của chúng ta về phương Tây, vượt qua mười vạn ức cõi Phật, bên ấy có một thế giới tên là thế giới Cực Lạc.

          (Sớ) Độ thị sở y, danh y báo.

          () 土是所依,名依報。

          (Sớ: Cõi nước là sở y (chỗ để nương vào), gọi là y báo).

          Chúng ta sinh tồn phải nương cậy đại địa, đó là “y báo”. “Báo” là đền đáp. Trong quá khứ, chúng ta tu cái nhân này, hiện tại được đền đáp bằng điều này. “Chánh báo” là thân thể của chúng ta. Ngoài thân thể ra, những gì chúng ta nương nhờ vào để sống đều gọi là “y báo”. Y báo có hai loại lớn: Một là vật chất y báo, hai là nhân sự y báo. Chánh báo chỉ có một mình ta, chẳng thể tính nhiều người khác vào đó, người khác là y báo của ta. Chẳng thể nói chánh báo là hết thảy hữu tình chúng sanh, chẳng thể nói theo kiểu ấy. Chánh báo chỉ nói đến một mình ta. Chúng ta sống trong thế gian này, có hoàn cảnh nhân sự, có hoàn cảnh vật chất, thảy đều là y báo. Nay chúng ta nói về Tây Phương Cực Lạc thế giới, nói về A Di Đà Phật:

          (Sớ) Phật thị năng y, danh chánh báo.

          () 佛是能依,名正報。

          (Sớ: Phật là năng y (chủ thể nương tựa), gọi là chánh báo).

           Hoàn cảnh là sở y (đối tượng để chủ thể nương tựa); đấy là nói về y báo. Cõi nước là sở y, gọi là y báo. Phật là năng y (chủ thể nương tựa), gọi là chánh báo. Nay nói về y báo trước. Cương lãnh của cả bản kinh gồm ba câu kinh văn, đây là câu đầu tiên. Câu thứ hai là “kỳ độ hữu Phật, hiệu A Di Đà, kim hiện tại thuyết pháp” (cõi ấy có Phật hiệu là A Di Đà, nay đang thuyết pháp), câu này thuộc kinh văn trong phần sau.

          (Sớ) Thị giả, chỉ thử giới ngôn.

          () 是者,指此界言。

          (Sớ: Chữ Thị là nói đến cõi này).

          Trong câu “tùng thị Tây phương”, chữ Thị chỉ thế giới này, tức là thế giới Sa Bà, chúng ta hiện đang ở trong thế giới này. Chư vị phải nhớ, [nói tới “thế giới” này] trọn chẳng phải là nói tới địa cầu. Nếu hiểu là địa cầu, trật mất rồi, sẽ có vấn đề to lớn. Nay chúng ta biết địa cầu tròn xoe, đi về phương Tây, đi hết một vòng lại trở về [chỗ cũ], rốt cuộc phương Tây ở chỗ nào? Hiện thời máy bay hết sức lẹ làng, loại máy bay tân tiến nhất trong tương lai bay một vòng quanh địa cầu chỉ cần sáu hoặc bảy giờ là đủ rồi! Máy bay tối tân nhất trong hiện thời, từ Mỹ bay sang Nhật Bản mất hai giờ, bay đến Nhật Bản hay [từ Mỹ] rồi lại bay sang Đài Loan, thời gian chẳng sai biệt cho mấy, hai giờ đã đến nơi rồi! Nước Mỹ hiện đang thí nghiệm, trong tương lai, tốc độ máy bay vận chuyển hành khách đều nhanh chóng như thế! Khoa học kỹ thuật phát triển, thế giới càng ngày càng bé lại. Sau này, sang Mỹ chỉ hai tiếng đồng hồ là đến rồi. “Tây phương” được nói ở đây là phương Tây của thế giới Sa Bà.

          (Sớ) Tùng thử Sa Bà thế giới, hướng Tây nhi khứ.

          () 從此娑婆世界,向西而去。

          (Sớ: Từ thế giới Sa Bà này, đi về hướng Tây).

          “Thế giới Sa Bà” là tên của một đại thiên thế giới. Địa cầu của chúng ta thường được gọi là Diêm Phù Đề (Jambudvipa). Nếu nói “phương Tây của Diêm Phù Đề” chính là nói tới địa cầu này, còn ở đây là nói đến thế giới Sa Bà. Thế giới Sa Bà là một đại thiên thế giới, là khu vực giáo hóa của Thích Ca Mâu Ni Phật, đại khái giống như hệ Ngân Hà chúng ta quan sát thấy trong Thiên Văn hiện thời. Nếu chúng ta lấy hệ Ngân Hà làm đơn vị để nói [thì phương Tây trong đoạn kinh Di Đà này] chính là phương Tây của hệ Ngân Hà [thuộc thế giới Sa Bà]. Nói như vậy sẽ hợp lý, thật sự chẳng có vấn đề gì! Ngân Hà cũng đang chuyển động, nhưng thời gian để hệ Ngân Hà xoay một vòng cần phải dùng quang niên (năm ánh sáng) để tính toán. Pháp vận của Thích Ca Mâu Ni Phật tổng cộng chỉ có một vạn hai ngàn năm, khi đem so một vạn hai ngàn năm với sự chuyển động của hệ Ngân Hà, e rằng độ số chỉ sai lệch một hai độ, nên phương hướng chẳng sai, quả thật là [cõi Cực Lạc] ở phương Tây, nó di động rất nhỏ!

          Đây là nói trong pháp vận dài một vạn hai ngàn năm của Thích Ca Mâu Ni Phật, độ số chuyển động của hệ Ngân Hà quá nhỏ, nhỏ chẳng đáng kể, trọn chẳng ảnh hưởng đến phương hướng. Nếu quý vị nghiên cứu Thiên Văn cận đại liền hiểu rõ, mới hiểu đức Phật thuyết pháp đúng là chẳng thể nghĩ bàn, phù hợp với khoa học cận đại. Do vậy, đây là nói về phía Tây của hệ Ngân Hà, đi về phía Tây như thế, đi theo hướng Tây.

          (Sớ) Danh quá.

          () 名過。

          (Sớ: Gọi là “vượt qua”).

           Vượt qua! Vượt qua bao nhiêu? Vượt qua mười vạn ức cõi Phật.

          (Sớ) Phật độ giả, nhất đại thiên giới danh nhất Phật độ.

            () 佛土者,一大千界名一佛土。

          (Sớ: Phật độ (cõi Phật): Một đại thiên thế giới gọi là một Phật độ).

          Một đại thiên thế giới là một khu vực giáo hóa của một vị Phật, được gọi là “một Phật độ”. Giả sử một Phật độ là một hệ Ngân Hà, từ hướng Tây của hệ Ngân Hà chúng ta, phải vượt qua bao nhiêu hệ Ngân Hà? Mười vạn ức hệ Ngân Hà. Các nhà Thiên Văn học hiện thời chưa thể quan sát tới, bất quá họ phát hiện vài trăm hệ Ngân Hà mà thôi, thua kém quá xa! Viễn vọng kính được dùng trong Thiên Văn hiện thời là loại viễn vọng kính sử dụng sóng vô tuyến điện, vẫn chưa đạt đến một ức [hệ Ngân Hà]. Mười vạn ức nhiều quá sức! Năng lực khoa học kỹ thuật của chúng ta chưa đạt được một phần vạn! Ở bên ấy có một thế giới.

          (Sớ) Quá như thị Phật độ, chí thập vạn ức, ngôn khứ thử phương viễn chi viễn dã.

          () 過如是佛土,至十萬億,言去此方遠之遠也。

          (Sớ:  Trải qua các cõi Phật như thế tới mười vạn ức, ý nói xa cách

phương này quá xa).

          Khoảng cách này khá xa!

          (Sớ) Phi Đàn Kinh thập vạn bát thiên chi độ dã.

          () 非壇經十萬八千之土也。

          (Sớ: Chẳng phải là cõi nước ở ngoài mười vạn tám ngàn dặm như trong Đàn Kinh đã nói).

          Đặc biệt nêu ra vì Đàn Kinh rất phổ biến tại Trung Quốc, người đọc [kinh ấy] rất nhiều. Trong Đàn Kinh, Lục Tổ bảo Tây Phương Cực Lạc thế giới cách chúng ta mười vạn tám ngàn dặm, Liên Trì đại sư giảng cặn kẽ câu nói này. Lục Tổ đại sư không biết chữ, Ngài chưa hề nghiên cứu kinh Di Đà, chủ yếu là dạy người đến học đạt được sự lãnh ngộ, thấu hiểu lẽ Thiền, chứ chẳng coi trọng Giáo. Vì thế, Ngài nói kiểu đó cũng là nói tùy tiện, chẳng dựa theo giáo nghĩa để giảng. Lục Tổ chủ trương “duy tâm Tịnh Độ, tự tánh Di Đà”, chẳng bàn đến sự tướng. Chúng ta phải liễu giải những ý nghĩa này. Lời Tổ Sư nói hoàn toàn chẳng sai, Ngài có kẻ đương cơ riêng, có dụng ý. Ngài một phen nói như vậy khiến cho hàng đương cơ ngộ nhập tự tánh, mục đích của Ngài là ở chỗ này, khiến cho kẻ khác khai ngộ, chẳng nhằm khuyên kẻ khác cầu sanh Tây Phương. Đấy là do môn đình thiết lập khác nhau, cho nên chẳng thể dùng cách nói trong Đàn Kinh để giải thích kinh Di Đà. Vì thế, Tổ Liên Trì mới nói: Chẳng phải là nói đến cõi nước cách xa mười vạn tám ngàn dặm như Lục Tổ đã nói trong Đàn Kinh.

          (Sớ) Nhược cứ Sự, cứ Lý, diệc vị vi viễn.

          () 若據事據理,亦未為遠。

          (Sớ: Nếu xét đến Sự lẫn Lý thì [cõi Cực Lạc cách Sa Bà] cũng chẳng xa).

          Chúng ta nghe “mười vạn ức cõi Phật” thường là chẳng có cách nào tưởng tượng được, khoảng cách quá xa! Nhưng “cứ Sự, cứ Lý”, chẳng thể coi là xa, vì sao chẳng thể coi là xa? Còn có chỗ xa hơn cõi ấy nữa! Kinh Hoa Nghiêm nói thế giới Hoa Tạng từ dưới lên trên có hai mươi tầng, giống như một cao ốc hai mươi tầng, thế giới Sa Bà của chúng ta và Tây Phương Cực Lạc thế giới cùng ở trong một tầng, tức tầng thứ mười ba. Quý vị nghĩ xem thế giới Hoa Tạng lớn ngần nào? Thật sự chẳng thể nghĩ bàn! Đức Phật nói “tận hư không khắp pháp giới”, đó có phải là một thế giới Hoa Tạng hay không? Chẳng phải! Trong vũ trụ có vô lượng vô biên những thế giới giống như thế giới Hoa Tạng. Đó là nói đại thế giới của chúng ta được gọi là thế giới Hoa Tạng. Nói đến đại thiên thế giới, nói đến thế giới Sa Bà thì vẫn là một tiểu thế giới, là khu vực giáo hóa của một đức Phật. Nhìn từ đại thế giới, [Cực Lạc] có xa hay không? Rất gần, cùng ở trong một tầng lầu, một ở phía Đông, một ở phía Tây, chẳng xa!

          (Sớ) Thế dĩ thời ngôn, giới dĩ xứ ngôn.

          () 世以時言,界以處言。

          (Sớ: Thế là nói theo thời, Giới là nói theo xứ).

          Thế giới: “Thế” là nói tới thời gian. Thế là ba con số mười[1]. Ba mươi năm là thế hệ, Trung Quốc cổ đại nói như vậy. “Giới” là giới hạn, bốn phương, bốn góc, trên, dưới, đấy là giới hạn. Đây là nói theo nơi chốn.

          (Sớ) Cực Lạc giả, Phạn ngữ Tu Ma Đề.

       () 極樂者,梵語須摩提。

          (Sớ: Cực Lạc, tiếng Phạn là Tu Ma Đề).

          Thế giới Cực Lạc là do chúng ta dịch nghĩa, đọc theo âm tiếng Phạn là Tu Ma Đề (Sukhāmatī, Sukhāvatī).

          (Sớ) Thử vân An Lạc.

          () 此云安樂。

          (Sớ: Cõi này dịch là An Lạc).

           Ý nghĩa chính xác của từ ngữ ấy là An Lạc. “Thử” là Trung Quốc, [Tu Ma Đề] dịch sang nghĩa tiếng Hán là An Lạc.

          (Sớ) Diệc vân An Dưỡng, diệc vân Thanh Thái, diệc vân Diệu Ý.

          () 亦云安養,亦云清泰,亦云妙意。

          (Sớ: Còn dịch là An Dưỡng, còn dịch là Thanh Thái, hoặc còn dịch là Diệu Ý).

          Có nhiều cách dịch như vậy, đều là dịch theo ý nghĩa.

          (Sớ) Danh tuy tiểu thù, giai Cực Lạc nghĩa.

          () 名雖小殊,皆極樂義。

          (Sớ: Danh xưng tuy sai khác đôi chút, nhưng đều có nghĩa là Cực Lạc).

          Tuy danh tự khác nhau, ý nghĩa đều tương thông. Hợp chung mấy ý nghĩa này để xét, sẽ thấy càng viên mãn, rõ ràng hơn ý nghĩa được bao hàm trong từ ngữ Tu Ma Đề. Cưu Ma La Thập đại sư dịch kinh đã dịch từ ngữ này thành Cực Lạc.

          (Sớ) Nhiên độ hữu đa chủng.

       () 然土有多種。

          (Sớ: Nhưng cõi nước có nhiều thứ).

           Thế giới Cực Lạc có bốn cõi, nên nói có nhiều thứ.

          (Sớ) Tứ độ chi trung, kim thử Cực Lạc thị Đồng Cư độ.

            () 四土之中,今此極樂是同居土。

          (Sớ: Trong bốn cõi, cõi Cực Lạc nay đang nói ở đây là cõi Đồng Cư).

          “Kim thử” là gì? Chỉ kinh Di Đà. Thế giới Cực Lạc được nói trong kinh Di Đà là cõi Đồng Cư trong bốn cõi của thế giới Cực Lạc, chẳng phải là cõi Thật Báo Trang Nghiêm, chẳng phải là cõi Thường Tịch Quang. Vì sao nói là cõi Đồng Cư? Vì chúng ta đới nghiệp vãng sanh đều sanh vào cõi Đồng Cư, nói như vậy càng thêm thân thiết. Tuy là cõi Đồng Cư…

          (Sớ) Nhi diệc thông tiền tam độ.

       () 而亦通前三土。

          (Sớ: Nhưng cũng thông với ba cõi trước).

          Trong các thế giới của mười phương chư Phật chẳng có điều tuyệt diệu này. Thế giới của mười phương chư Phật đều có bốn cõi, giống như thế giới nay chúng ta đang sống là cõi Phàm Thánh Đồng Cư của Thích Ca Mâu Ni Phật. Cõi Phương Tiện Hữu Dư và cõi Thật Báo Trang Nghiêm [của thế giới Sa Bà] chẳng ở nơi đây, chúng ta chẳng thấy được! Điều mầu nhiệm của Tây Phương Cực Lạc thế giới là: Tuy là cõi Phàm Thánh Đồng Cư, nó thông với “ba cõi trước”. Do vậy, vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới là “hoành siêu” (vượt thoát theo chiều ngang), chẳng phải là “thụ xuất” (thoát ra theo chiều dọc), hoành siêu tam giới, tới Tây Phương Cực Lạc thế giới, sanh ngang vào bốn cõi, tuyệt diệu chẳng thể diễn tả được! Sanh về một là sanh trong hết thảy, sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư đồng thời cũng giống như sanh vào cõi Phương Tiện Hữu Dư, cõi Thật Báo Trang Nghiêm, cõi Thường Tịch Quang; vì sao? Vì trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư thấy trọn Bồ Tát, thiên nhân đại chúng trong ba cõi trên. Nói cách khác, nếu các vị đại Bồ Tát ấy sanh vào cõi Thật Báo Trang Nghiêm thì cõi Thật Báo Trang Nghiêm và cõi này cũng dung thông, mỗi ngày cũng gặp mặt người trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư, cũng là mỗi ngày sống với nhau, quá sức mầu nhiệm! Đúng là pháp khó tin. Chúng ta cũng chẳng có cách nào tỷ dụ sự khác biệt này!

          Trước kia, tôi giảng kinh này, bất đắc dĩ chỉ đành dùng học trò học hành trong nhà trường làm tỷ dụ. Giống như ngôi trường này của chúng ta, Tiểu Học chẳng phải là Trung Học, Trung Học chẳng phải Đại Học, trường học tách rời. Mỗi cấp lớp cũng tách rời, quyết định chẳng hỗn tạp. Tình hình trong Tây Phương Cực Lạc thế giới rất đặc thù, học trò Tiểu Học, học trò Trung Học, sinh viên Đại Học đều cùng học chung một phòng học, mầu nhiệm đến cùng cực! Vì thế, mọi người mỗi ngày gặp mặt, mỗi ngày cùng nhau nắm tay, chẳng thể nghĩ bàn! Trong các thế giới của mười phương chư Phật thế giới chẳng có tình hình như thế! Chư Phật, Bồ Tát và mọi người đều ở cùng một chỗ. Tuy mỗi cá nhân có báo độ [khác nhau], phẩm vị mỗi cá nhân khác nhau, nhưng cùng sống một chỗ chẳng trở ngại gì, hằng ngày qua lại chẳng trở ngại gì! Trong các thế giới của mười phương chư Phật chẳng có tình hình như vậy! Chỉ riêng thế giới ấy (Cực Lạc) là có; vì thế, vô cùng đặc biệt. Đó là nói “thông tiền tam độ” (thông với ba cõi trước).

          (Sớ) Hựu Thụ Dụng, Pháp Tánh, Biến Hóa tam độ, diệc đồng thử ý.

       () 又受用法性變化三土,亦同此意。

          (Sớ: Lại nữa, ba cõi Thụ Dụng, Pháp Tánh, Biến Hóa cũng có cùng ý nghĩa này).

          Trong lời Sao, Liên Trì đại sư sẽ giải thích rất tỉ mỉ ý nghĩa này. Lời Sao càng giảng tỉ mỉ, chúng ta càng biết rõ ràng. Không chỉ có thể đoạn nghi sanh tín, mà còn có thể giúp chúng ta quán tưởng.

          (Sớ) Hựu thập chủng độ, diệc đồng thử ý.

          () 又十種土,亦同此意。

          (Sớ: Lại nữa, mười loại cõi cũng có cùng ý nghĩa này).

          “Mười loại cõi” được nói trong kinh Hoa Nghiêm. Kinh Hoa Nghiêm luôn dùng “mười” để biểu thị pháp.

          (Sớ) Hựu Phật tuy vô độ, vị hóa chúng sanh, bất phương thuyết độ.

            () 又佛雖無土,為化眾生,不妨說土。

          (Sớ: Lại nữa, tuy Phật không có cõi nước, nhưng vì hóa độ chúng sanh, chẳng ngại nói đến cõi nước).

          Câu này là nói xứng tánh, đúng như Phật chẳng có tướng, vì độ chúng sanh, chẳng ngại hiện các thứ tướng. Phật chẳng có danh hiệu, vì độ chúng sanh, cũng chẳng ngại thành lập các thứ danh hiệu. Có thể thấy cõi nước là để người khác thụ dụng, tự – tha bất nhị. Vì thế, chẳng ngại thuyết pháp như vậy, không ngại thị hiện. Điều này hiển thị Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại, chính là cảnh giới trong kinh Hoa Nghiêm.

          Bản Sớ Sao chú giải [kinh Di Đà] của Liên Trì đại sư hoàn toàn dùng cảnh giới Hoa Nghiêm để chứng tỏ Tây Phương Cực Lạc thế giới là tinh hoa của thế giới Hoa Tạng. Vì thế giới Cực Lạc chẳng rời khỏi thế giới Hoa Tạng, [thế giới Hoa Tạng] giống như một cao ốc, phần đặc sắc nhất trong cao ốc ấy chính là một gian phòng của A Di Đà Phật trong tầng thứ mười ba. Gian phòng ấy là chỗ đặc sắc nhất, là nơi tinh hoa, gần như là có ý nghĩa này. Nói về cả thế giới Hoa Tạng là kinh Hoa Nghiêm, còn Di Đà Tịnh Độ là một bộ phận tinh hoa nhất trong thế giới Hoa Tạng. Do vậy, bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ trong thế giới Hoa Tạng đều phát nguyện cầu sanh về cõi Tịnh Độ ấy.

          (Sao) Y báo giả.

          () 依報者。

          (Sao: Y báo là…)

          Nhằm giải thích chữ “y báo” trong phần trên.

          (Sao) Thân tạ độ cư, cố danh sở y. Tùy sở tác nghiệp, y hữu thắng liệt, cố danh vi Báo.

            () 身藉土居,故名所依。隨所作業,依有勝劣,故名為報。

          (Sao: Thân nương vào cõi nước để ở, nên gọi là “sở y” (chỗ để nương vào). Tùy theo nghiệp đã tạo, mà sở y có thù thắng hay hèn kém, vì thế gọi là Báo)

          Chữ Độ có ý nghĩa dễ hiểu, chẳng dễ hiểu rõ chữ Báo. Chúng ta nói thông tục, Tây Phương Cực Lạc thế giới sản vật phong phú ngần ấy, như bảy báu là những thứ thuộc loại hiếm có như vàng trong thế giới này của chúng ta, chúng ta coi những khoáng vật ấy là trân bảo, [có được] một tí xíu [những thứ ấy] đã là quý báu lắm, giá trị rất cao! Tây Phương Cực Lạc thế giới bảy báu quá nhiều, khắp nơi đều có, giống như đá tảng, bùn đất trong thế giới này, quá nhiều! Ngày nay chúng ta coi vàng ròng là bảo vật, người ta coi vàng ròng là thứ để lót đường. Hiện thời chúng ta nghĩ kim cương, phỉ thúy, trân châu, mã não là những thứ rất trân quý, người ta coi chúng là vật liệu xây dựng, dùng để cất nhà! Chúng ta đeo giắt những thứ ấy khắp thân, đến Tây Phương Cực Lạc thế giới người ta trông thấy sẽ cười quý vị! Đó là phước báo khác nhau.

          Đừng nói chúng sanh trong hai cõi Sa Bà và Cực Lạc phước báo khác biệt, phước báo của người trong thế giới này cũng khác nhau. Từ TV chúng ta thấy bao nhiêu người chết đói tại Phi Châu, quý vị thấy hình tướng của họ là da bọc xương, chúng ta ở đây dư dả, ấm no, cùng sống trên địa cầu mà phước báo khác biệt! Vì sao có hiện tượng này? Đời trước tu phước khác nhau. Quý vị đời trước tu phước, đời này nhất định sanh trong cõi có phước; chẳng có phước báo, quý vị sẽ sanh về nơi chẳng có phước báo, nhất định phải hiểu đạo lý này, hiểu rõ chân tướng sự thật này. Vì thế, cùng là người một nhà, do mỗi cá nhân tu phước khác nhau, dẫu đời sau vẫn chưa thoát khỏi lục đạo luân hồi, dẫu cho cùng làm thân người như nhau, cũng chẳng thể sống cùng một chỗ, [bởi] phước báo khác biệt. Lại nhìn xưa nay, xưa nay phước báo khác nhau, nói thật thà, phước báo của cổ nhân vượt xa người hiện tại chúng ta. Chúng ta đọc lịch sử, thấy các đế vương thời cổ ban thưởng công thần, thưởng mấy chục “dật” vàng ròng. Một dật (鎰) là hai mươi bốn lượng, nhìn từ lịch sử, quý vị biết thuở ấy vàng, bạc, châu bảo nhiều, hiện thời chẳng thấy nữa. Chúng sanh phước bạc, những thứ bảo vật ấy dần dần ít đi, chẳng còn nữa!

          Kinh Phật nói Chuyển Luân Vương xuất thế, chúng sanh phước báo lớn, bảy báu xuất hiện trên mặt đất, trồi lên. Quả thật là cảnh chuyển theo tâm, chuyển theo phước đức và nhân duyên của quý vị. Hiện thời các nhà khoa học đã hiểu rõ sự tướng này, vì sao [những bảo vật] chẳng còn nữa? Đây là nói tới kết cấu hóa học, chúng bị biến hóa, tiêu mất. Khi con người có phước báo, nó lại biến hóa, lại kết tinh, hợp thành [bảo vật]. Cảnh chuyển theo tâm là thật, là sự thật ngàn vạn phần xác đáng! “Y báo chuyển theo chánh báo” là thật, ngàn vạn phần xác đáng! “Tâm chuyển theo cảnh” là giả, là hiện tượng thỉnh thoảng, tạm thời xảy ra, chẳng phải là hiện tượng chân thật, càng chuyển càng tệ! Đó là thiếu phước. Thật sự có phước báo thì xác thực là hoàn cảnh chuyển biến theo chánh báo của chúng ta.

          Do vậy, chúng ta phải hiểu chữ Báo này, đã biết quả báo này, chúng ta liền biết tu nhân. Chúng ta mong quả báo tốt, nhất định phải tu nhân tốt, phải giữ tấm lòng tốt, phải làm chuyện tốt, phải làm người tốt, phải tích thiện tu đức, quả báo của chúng ta liền thù thắng, bất luận chánh báo hay y báo thảy đều thù thắng. Vì thế, quả báo do chính mình tu, chính mình thụ dụng, tự làm, tự chịu, chẳng thể oán trời trách người, chẳng thể trách “trời già không công bằng”, chẳng thể trách Phật, Bồ Tát chẳng phù hộ. Nếu quý vị oán trời, trách người, trách Phật, Bồ Tát chẳng phù hộ, tội càng thêm tội, lầm lẫn quá đỗi! Hoàn cảnh của chính chúng ta bất hảo, hãy tu đức, tu thiện, nghiêm túc tu dăm ba năm, hoàn cảnh của quý vị nhất định chuyển biến, chuyển thành mọi chuyện như ý, mọi chuyện vừa lòng, có thể chuyển được! Như trong Liễu Phàm Tứ Huấn, Viên Liễu Phàm là một thí dụ. Thuở ban đầu, ông ta bán tín bán nghi, cho nên phát tâm làm ba ngàn việc thiện. Làm mười năm mới xong, thật sự chuyển biến. Sau đó, lại phát tâm làm việc thiện rất dễ dàng, ông ta lại phát tâm làm một vạn điều thiện, chỉ một vài ngày đã viên mãn! Quý vị thấy trong Liễu Phàm Tứ Huấn có chép [chuyện này]!

          Do vậy, càng có phước, lại càng  tu  phước  dễ  dàng. Những  năm

qua chúng tôi cũng giống như thế. Thuở đầu in kinh, chúng tôi phát tâm in một ngàn bộ khó khăn lắm! Chẳng dễ gì gom được một chút tiền để in một ngàn bộ! Hiện thời, chúng tôi in kinh, nói in một vạn bộ, tiền ngay lập tức đưa tới, chưa đầy vài ngày đã thành tựu. Do vậy nói: Ngày càng dễ dàng! Đó là cảm ứng chẳng thể nghĩ bàn. Trong quá khứ, qua sách vở, chúng ta thấy sự cảm ứng của cổ nhân, hiện thời bản thân chúng tôi đã làm như vậy nhiều năm như thế, đích thân chúng tôi thể nghiệm, chẳng sai tí nào! Hôm nay đã hết thời gian rồi, chúng tôi giảng tới chỗ này!

[1] Chữ Thế (世) do ba chữ Thập (十) ghép lại.

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *