#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 01-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 276
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang năm trăm bảy mươi bảy:
(Sao) Tam, Giới Thủ, vị phi nhân kế nhân, tu chư khổ hạnh, nhi khởi thủ trước ngã năng trì giới chi kiến.
(Diễn) Phi nhân kế nhân giả, phi Niết Bàn nhân, kế dĩ vi nhân, hoặc bạt phát, huân tỵ, ngọa cức, đầu hôi, hoặc trì ngưu, cẩu đẳng giới, chủng chủng vô ích khổ hạnh.
(鈔)三、戒取,謂非因計因,修諸苦行,而起取著我能持戒之見。
(演)非因計因者。非涅槃因。計以為因。或拔髮熏鼻臥棘投灰。或持牛狗等戒。種種無益苦行。
(Sao: Ba là Giới Thủ (Śīla-vrata-parāmarśa), nghĩa là chẳng phải nhân mà coi là nhân, tu các khổ hạnh, dấy lên kiến giải chấp trước “ta có thể trì giới”.
Diễn: “Chẳng phải nhân mà coi là nhân”: Chẳng phải là cái nhân của Niết Bàn mà coi là nhân, [ví như ngoại đạo Ấn Độ] nhổ tóc, xông khói vào mũi, nằm trên gai, vùi mình vào tro, hoặc giữ giới của trâu, chó v.v… các thứ khổ hạnh vô ích).
Đây là loại thứ ba trong Kiến Hoặc, nay chúng ta gọi Giới Thủ và Kiến Thủ là “thành kiến”, đấy cũng là quan niệm chủ quan, đều thuộc về loại này. “Phi nhân kế nhân” [nghĩa là] chẳng phải là nhân tố thật sự, nhưng người ấy chấp trước nó là nhân. Tu nhân, đương nhiên có thể chứng quả, người ấy đã nhìn sai cái nhân. Đối với chuyện thuộc loại như thế này, trong kinh, đức Phật đã nêu ra một thí dụ rất hay. Từ thí dụ ấy, chúng ta hiểu rõ loại kiến giải sai lầm này, có thể lý giải kiến giải sai lầm ấy rõ ràng hơn một chút. Thuở đức Phật tại thế, Ấn Độ thuở ấy có chẳng ít ngoại đạo, nay chúng ta nói là “tôn giáo”. Họ tu Định, có những người xác thực là có công phu định lực rất tốt. Chư vị phải biết, đối với những công phu định lực ấy, cảnh giới trong Định cũng thuộc về cảnh giới Hiện Lượng, do họ chính mắt trông thấy. Họ thấy sau khi trâu chết, linh hồn của nó sanh lên cõi trời. Do vậy, trong tâm những người ngoại đạo ấy bèn nghĩ: Người chết phải đọa trong ba ác đạo, trâu đã chết bèn sanh lên trời. Người ấy bèn nghĩ người chẳng bằng trâu! Trâu suốt một đời làm những gì? Trâu thay người cày ruộng, ăn cỏ xanh, người ấy bèn nghĩ: Muốn sanh lên trời thì phải học theo trâu, giúp nông dân cày ruộng, ăn cỏ ở bên ngoài. Cứ ngỡ là học theo trâu thì trong tương lai sẽ có thể sanh lên trời! Cái nhân để sanh lên trời tuyệt đối chẳng phải là do ăn cỏ, cày ruộng. Họ nẩy sanh chấp trước sai lầm nơi ấy, ngỡ đó là cái nhân để sanh lên cõi trời, bèn tu loại khổ hạnh theo kiểu như vậy.
Đức Phật bảo chúng ta: Sanh lên trời thì phải tu Thập Thiện Nghiệp Đạo. Vì sao trâu đã chết có thể sanh lên trời? Con trâu ấy đời này thuộc về súc sanh đạo, kiếp trước do ngu si nên đọa lạc làm súc sanh. Làm trâu suốt một đời này, chẳng tạo ác nghiệp, chỉ là hứng chịu quả báo. Sau khi chịu hết quả báo, do nó kiếp trước còn có nhân lành, tức là cái nhân do nó tu Thập Thiện Nghiệp Đạo trong đời trước đã chín muồi. Nó do cái nhân ấy mà sanh lên cõi trời, tuyệt đối chẳng phải là do nó làm trâu mà có thể sanh thiên. Đấy chính là đã hiểu sai bét cái nhân. “Phi nhân” (非因) có nghĩa là chẳng phải do nhân duyên ấy, nhưng quý vị so đo, chấp trước, cho đó là nhân duyên. Đó là kiến giải sai lầm, quý vị đã nhìn sai mất rồi!
Nói theo Phật pháp, “nhân quả thông ba đời”. Quả báo cũng có ba thứ:
1) Có hiện báo, tức là hứng chịu quả báo ngay trong một đời này. Đối với hiện báo, bất luận làm thiện hay làm ác, thiện có thiện báo, ác có ác báo. Đại khái là khởi tâm động niệm tạo tác thiện hay ác đều hết sức mãnh liệt. Cái tâm ấy rất mạnh, đời này liền cảm vời quả báo. Có nhiều đồng tu đã đọc Liễu Phàm Tứ Huấn, [đều biết] tiên sinh Liễu Phàm nghe Vân Cốc đại sư khuyên dạy, ông ta hiểu rõ, biết vận mạng có thể chuyển biến. Do vậy, nghiêm túc nỗ lực đoạn ác tu thiện, lại còn cả nhà đều hành thiện. Sức mạnh của việc làm lành rất lớn, chẳng cần chờ đến đời sau, đạt được hảo báo ngay trong đời này. Từ Liễu Phàm Tứ Huấn, chúng ta thấy được điều này.
2) Nếu quả báo không thuộc đời này, nhất định thuộc về đời sau. Do nhân lành, đời sau nhất định đắc thiện quả; do nhân ác, đời sau nhất định cảm ác báo.
3) Nếu đời sau chưa thọ báo, nhất định là trong đời sau nữa. “Đời sau nữa” tức là đời thứ ba trở đi, không nhất định là trong đời nào.
Nhân nhất định phải có duyên thì mới có thể kết thành quả. Vì thế, đối với nhân, duyên, quả báo, duyên rất trọng yếu. Phật pháp không nói “nhân sanh” mà nói “duyên sanh”. Bất luận kinh điển Đại Thừa hay Tiểu Thừa đều nói “duyên sanh”, Phật pháp coi trọng cái duyên. Vì sao không nói “nhân sanh”? Nhân đã gieo, chẳng có cách nào thay đổi. Không chỉ là chúng ta chẳng có cách nào thay đổi, mà chư Phật, Bồ Tát cũng chẳng thể nào thay đổi được! Mỗi người chúng ta, mỗi chúng sanh đều có trọn đủ các nhân trong mười pháp giới. Hôm nay, chúng ta từ sáng thức dậy, tâm địa rất thanh tịnh, chắp tay niệm một câu A Di Đà Phật. Đó là cái nhân của Phật pháp giới, đã gieo cái nhân ấy. Thấy hết thảy chúng sanh rất đáng thương, khởi tâm bố thí, đó là tâm Bồ Tát. Vì thế, chúng ta mỗi ngày khởi tâm động niệm, ngôn ngữ, tạo tác, đều là tạo nhân trong mười pháp giới. Những cái nhân ấy, nhân nào sẽ cảm vời quả báo? Tùy thuộc cái duyên. Nhân nào gặp duyên, sẽ cảm vời quả báo trước. Chúng ta có thể khống chế duyên, chứ đối với nhân thì chẳng có cách nào. Có thể khống chế duyên thì nói cách khác, có thể tự mình khống chế quả báo.
Chúng ta không mong cảm vời ác báo thì đức Phật đã dạy chúng ta hãy bỏ sạch hết thảy các ác duyên, tu nhiều thiện duyên. Như vậy thì cái nhân lành của chúng ta sẽ thọ quả báo trước, cái nhân ác tạm thời bất động, chẳng thọ báo. Giống như chúng ta trồng dưa, trồng đậu, muốn có dưa bèn gieo hạt dưa, vun bón kỹ càng. Duyên của dưa cần phải có đất màu, phân bón, nước, ánh sáng mặt trời, điều kiện nào thuộc về duyên cũng đều đầy đủ, dưa nhất định sanh trưởng hết sức tốt đẹp. Chúng ta chẳng muốn đậu, bèn bỏ hạt đậu trong chén uống trà, để đó cả một trăm năm, nó vẫn chẳng thể phát triển thành đậu được! Đạo lý là như thế đó. Do vậy, chính mình phải biết khống chế duyên. Nói cách khác, quả báo trong mười pháp giới xác thực là do chính mình hoàn toàn nắm giữ, chẳng liên quan đến ai khác. Phật, Bồ Tát cũng chẳng thể giúp đỡ, toàn là do tự mình khống chế. Đấy là đức Phật đã dạy cho chúng ta biết một chân tướng sự thật: Nhân tố trọng yếu nhất trong mười pháp giới là tâm hạnh. Chúng ta đã hiểu, biết phải nên tăng cường những duyên ấy như thế nào, khiến cho những duyên ấy tăng thượng. Phật, Bồ Tát, tổ sư đại đức đều bảo chúng ta: Người chẳng tu hành thì thôi, chứ đối với người thật sự tu hành, chỉ có vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới mới là thật sự chứng đắc chánh quả. Chuyện này chẳng giả tí nào! Nếu chẳng vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, quyết định chẳng thể thoát lìa
lục đạo luân hồi. Nhất định phải hiểu rõ chân tướng sự thật này!
Chúng ta có nắm chắc vãng sanh hay không? Có, đương nhiên là có! Vì sao? Chúng ta có chủng tử của Tây Phương Cực Lạc thế giới. Trong A Lại Da Thức của chúng ta có A Di Đà Phật, có ba kinh Tịnh Độ, có y báo và chánh báo trang nghiêm của thế giới Tây Phương, nhân đã đầy đủ. Nếu nay muốn vãng sanh thì phải tăng cường duyên. Duyên là gì? Ba tư lương, tức là ba điều kiện, chúng đều là duyên. Tín, Nguyện, Hạnh, Hạnh là nhất tâm trì danh. Chúng ta trọn đủ ba duyên Tín, Nguyện, Hạnh, quý vị chắc chắn vãng sanh, cái nhân ấy là chánh xác. Chẳng phải là ta đã tin Phật, ta có thể chẳng cần niệm Phật. Ta mong vãng sanh, hằng ngày cúng dường Phật, Bồ Tát, bợ đỡ Phật, Bồ Tát, [hy vọng là] tới khi đó, Phật, Bồ Tát sẽ đến tiếp dẫn ta. Đấy chính là “phi nhân kế nhân” (chẳng phải là nhân, mà coi là nhân). Đời này dẫu đã gặp pháp môn Tịnh Tông, [tức là] quý vị có cái nhân thù thắng, [nhưng nếu] duyên chẳng đầy đủ, chẳng thể vãng sanh. Nêu ra một thí dụ này, [để thấy] trong cuộc sống hằng ngày, kiến giải thuộc loại sai lầm rất nhiều, thấy sai nhân duyên!
(Sao) Tứ, Kiến Thủ, chấp thô vi thắng, đảm ma khí kim, nhi khởi tự phụ sở kiến chi kiến.
(Diễn) Chấp thô vi thắng giả, duy chấp kỷ kiến vi thị, dư giai thị phi. Túng ngộ Phật lai, diệc bất tín thọ, như đảm ma vi bảo, khí kim bất cố đẳng. Đảm ma khí kim giả, tích hữu nhị nhân nhập sơn, các đảm nhất đảm ma, ngẫu ư trung lộ, kiến vô số bố bạch. Nhất trí giả vân: “Ngô khí ma, đảm bố”. Nhất ngu giả vân: “Ngô đảm lai lộ đa”, tức thị đảm ma. Vãng tiền bất viễn, hựu kiến vô số bạch ngân. Trí giả khí bố, đảm ngân, ngu giả y cựu đảm ma. Tiền vãng hựu kiến vô số hoàng kim, trí giả khí ngân, đảm kim, ngu giả y cựu chỉ thị đảm ma, tự phụ sở kiến, bất khẳng tùng nhân giả, đại suất như thị.
(鈔)四、見取,執粗為勝,擔麻棄金,而起自負所見之見。
(演)執粗為勝者。唯執己見為是。餘皆是非。縱遇佛來。亦不信受。如擔麻為寶。棄金不顧等。擔麻棄金者。昔有二人入山。各擔一擔麻。偶於中路見無數布帛。一智者云。吾棄麻擔布。一愚者云。吾擔來路多。即是擔麻。往前不遠。又見無數白銀。智者棄布擔銀。愚者依舊擔麻。前往又見無數黃金。智者棄銀擔金。愚者依舊只是擔麻。自負所見。不肯從人者。大率如是。
(Sao: Bốn là Kiến Thủ (Dṛṣṭi-parāmarśa), chấp cái thô thiển là thù thắng, gánh gai bỏ vàng, dấy lên cách nhìn tự phụ về kiến giải của chính mình.
Diễn: “Chấp cái thô thiển là thù thắng”, chỉ chấp ý kiến của chính mình là đúng, những người khác đều sai. Dẫu có Phật hiện tới, cũng chẳng tin nhận. Như gánh gai coi là của báu, vứt bỏ vàng, chẳng đoái hoài v.v… “Gánh gai bỏ vàng”: Xưa có hai người vào núi, mỗi người gánh một gánh gai. Bỗng ở trên đường thấy vô số vải, lụa, một người có trí bèn nói: “Tôi vứt gai, gánh vải”. Kẻ ngu nói: “Tôi gánh gai trên đường đã lâu rồi, do vậy cứ gánh gai”. Đi tiếp chẳng xa, lại thấy vô số bạc trắng, người trí vứt vải, gánh bạc, kẻ ngu vẫn gánh gai y như cũ. Đi tiếp lại thấy vô số vàng ròng, người trí vứt bạc, gánh vàng, kẻ ngu vẫn chỉ gánh gai y như cũ, tự phụ kiến giải của chính mình, chẳng chịu nghe theo ý kiến của người khác, đại khái là như thế đó).
Thứ tư là Kiến Thủ Kiến, nói về quả báo. Có các bản chú sớ [giảng loại kiến chấp này là] “phi quả kế quả” (chẳng phải là quả mà coi là quả), [có nghĩa là] nó chẳng phải là quả báo chân thật, mà chính mình cứ tưởng nó là quả báo thật sự. Liên Trì đại sư bảo “chấp thô vi thắng”, “thô” (粗) là cảnh giới thô, cứ ngỡ đó là thù thắng nhất, rốt ráo nhất. Đấy là sai lầm. Tiếp đó là tỷ dụ “đảm ma khí kim, nhi khởi tự phụ sở kiến chi kiến” (gánh gai bỏ vàng, dấy lên kiến chấp tự phụ đối với kiến giải của chính mình). “Gánh gai bỏ vàng” là một câu chuyện nhỏ, trong phần chú giải có nói. Chẳng phải là quả, mà tưởng là quả, thí dụ rõ rệt nhất là trong thế gian, có nhiều kẻ mong sanh lên cõi trời, [cứ nghĩ]: Đến thiên đường chính là quả vị rốt ráo nhất. Sanh về thiên đường, sẽ trường sanh bất lão, sống đời đời, bất tử. Hoàn toàn sai lầm! Chỉ là thọ mạng của chư thiên dài hơn chúng ta, họ có phước báo to hơn chúng ta. Thọ mạng dẫu dài đến mấy, vẫn có lúc hưởng hết. Đã hưởng hết, họ vẫn phải chết, vẫn phải đọa lạc. Do đó, Thiên chẳng phải là quả vị rốt ráo. Chấp trước “sanh thiên là đạt đến quả vị rốt ráo” thì gọi là Kiến Thủ Kiến, tức là thành kiến đối với quả báo.
Cũng giống như vậy, trong Phật môn, người tu cái nhân Tiểu Thừa, coi quả A La Hán là quả vị rốt ráo. Họ chẳng tin có Đại Thừa, chẳng tin có thế giới phương khác, chẳng tin có hết thảy chư Phật, chấp trước A La Hán là quả vị cao nhất (đức Thế Tôn bảo họ là “mầm hư, hạt lép”), cũng thuộc loại Kiến Thủ Kiến. Tiểu Thừa Sơ Quả chẳng có Kiến Hoặc; nếu họ còn chấp trước một kiến giải như vậy, người ấy tu Tiểu Thừa có thể chứng quả hay không? Quyết định là chẳng thể chứng quả. Người tu Tiểu Thừa rất đông, chưa thấy người nào chứng quả Tu Đà Hoàn, là do nguyên nhân nào? Họ có thứ chấp trước này. Đã thế, Giới Thủ Kiến và Kiến Thủ Kiến còn đặc biệt nghiêm trọng. Chúng ta nói họ có chấp trước nghiêm trọng, có thiên kiến nghiêm trọng. Đấy là chướng ngại rất lớn cho sự tu hành. Chúng ta nhất định phải hiểu rõ ràng điều này thì trên đường Bồ Đề vãng sanh Tây Phương Cực Lạc mới không đến nỗi gặp trở ngại.
(Sao) Ngũ, Tà Kiến.
(鈔)五、邪見。
(Sao: Năm là Tà Kiến).
Thứ năm là Tà Kiến (Mithyā-dṛṣṭi). Các kiến giải sai lầm được quy nạp thành bốn loại lớn trên đây, còn tất cả những kiến giải sai lầm chẳng thể bao gồm trong bốn loại lớn trên đây đều gom vào một điều này. Trong điều này, chuyện nghiêm trọng nhất là chẳng tin nhân quả báo ứng. Người trong thế gian hiện thời chẳng tin nhân quả báo ứng rất đông, khi gặp phải báo ứng họ vẫn chẳng tin, đúng là chẳng có một tí biện pháp nào hết!
(Sao) Vị bát vô nhân quả, đọa hoát đạt không, nhi khởi tà ngoại bất chánh chi kiến.
(Diễn) Bát vô nhân quả, đọa hoát đạt không giả, bất tín tạo thiện vi lạc, tạo ác vi khổ, nhi ngôn thiện, ác, khổ, lạc, nhất thiết giai không, bất tri vô ngã, vô tác, vô thọ giả, thiện ác chi nghiệp diệc bất vong, đọa hoát đạt không, khởi đoạn diệt kiến cố.
(鈔)謂撥無因果,墮豁達空,而起邪外不正之見。
(演)撥無因果。墮豁達空者。不信造善為樂。造惡為苦。而言善惡苦樂一切皆空。不知無我無作無受者。善惡之業亦不亡。墮豁達空。起斷滅見故。
(Sao: Nghĩa là bài bác “chẳng có nhân quả”, đọa vào trong cái
Không rỗng tuếch, dấy lên kiến giải tà vạy, ngoại đạo, bất chánh.
Diễn: “Bài bác chẳng có nhân quả, đọa lạc trong cái Không rỗng tuếch”: Chẳng tin làm lành là vui, tạo ác là khổ, nói thiện, ác, khổ, lạc, hết thảy đều rỗng tuếch, chẳng biết [dẫu là] vô ngã, vô tác, chẳng có người nhận, nghiệp thiện ác cũng chẳng mất. Đọa vào cái Không rỗng tuếch tức là khởi kiến giải đoạn diệt).
Tà tri, tà kiến, tri kiến ngoại đạo, đều chẳng phải là chánh tri chánh kiến. Chỉ riêng đức Phật mới có chánh tri chánh kiến, tri kiến của người thế gian đều bất chánh. Vì sao bất chánh? Do quý vị có phiền não, có năm thứ tà kiến ấy. Có Thân Kiến, có Ngã Chấp, có thiên kiến, có thành kiến, làm sao kiến giải có thể chánh xác cho được? Do vậy, đức Phật khuyên người thế gian chúng ta chớ nên tin vào ý nghĩ của chính mình. Bởi lẽ, cách nghĩ và cách nhìn của chính quý vị đều chẳng chánh xác.
Đức Phật nói một câu thật thà, đến khi nào mới có thể tin vào chính mình? Tối thiểu là phải chứng đắc quả A La Hán, quý vị mới có thể tin tưởng chính mình. Đây lại là đạo lý như thế nào? Vì A La Hán đã đoạn Kiến Tư phiền não, tâm thanh tịnh, chẳng có thành kiến, chẳng có quan niệm chủ quan, bất luận nhìn vào chuyện gì, các Ngài đều thấy rõ ràng, minh bạch. Cũng có nghĩa là: Kiến Tư phiền não còn chưa đoạn, chẳng thể tin vào kiến giải của chính mình, chẳng thể tin vào cách nghĩ và cách nhìn của chính mình là chánh xác, thường là chính mình phạm sai lầm mà chính mình chẳng biết. Trong giai đoạn trước khi đoạn hết Kiến Tư phiền não, chúng ta nay đang thuộc trong giai đoạn này, rốt cuộc phải làm như thế nào thì mới chẳng đến nỗi nẩy sanh lầm lỗi? Chúng ta biết: Trong giai đoạn hiện tiền, nói chung là chẳng thể tránh khỏi lầm lỗi. Có thể dần dần giảm bớt những lầm lỗi, giảm thiểu đến mức độ thấp nhất, thì mới được coi là đã kha khá.
Chúng ta dựa vào những gì để tu chỉnh cách nghĩ và cách nhìn của chính mình? Chính là [dựa vào] kinh luận. Kinh Phật được chia thành ba tạng Kinh, Luật, Luận. Nương theo những điều đã dạy trong kinh luận để uốn nắn kiến giải và tư tưởng của chúng ta. Cách nghĩ và cách làm của chúng ta chẳng giống với những gì đã dạy trong kinh Phật, chúng ta phải giác ngộ: Chúng ta đã nghĩ sai, thấy trật, Phật là chánh xác. Ngàn muôn phần đừng nghĩ: “Đức Phật thuộc vào thời đại ba ngàn năm trước, rất lạc hậu, [thuở ấy] khoa học kỹ thuật chẳng phát triển. Nay chúng ta thông minh hơn Ngài”. Quý vị đã phạm sai lầm mất rồi, lại phạm vào Kiến Thủ và Giới Thủ. Nhất định phải biết tri kiến của Ngài là chánh xác, còn [tri kiến của] chúng ta là sai lầm! Nương theo giáo huấn trong kinh điển để sửa đổi lời nói và việc làm của chính mình, cũng như xử sự, đãi người, tiếp vật phải chiếu theo những quy củ, khuôn khổ đã nói trong giới luật. Dùng những tiêu chuẩn ấy để sửa đổi các hành vi sai lầm nơi thân và miệng của chúng ta. Tác dụng của Tam Tạng kinh điển chính là [cung cấp một] tiêu chuẩn để sửa đổi những hành vi sai lầm nơi ba nghiệp thân, khẩu, ý. Tác dụng của kinh điển là ở chỗ này. Chẳng phải là bảo chúng ta niệm hằng ngày, niệm cho Phật, Bồ Tát nghe! Các Ngài chẳng cần nghe, [ta niệm kinh] là niệm cho chính mình nghe, chính mình nhớ rất nhuần nhuyễn, nương theo những tiêu chuẩn ấy để sửa đổi hành vi của chính mình. Đó gọi là “tu hành thật sự”.
Trong tà kiến, điều quan trọng nhất là chẳng tin tưởng nhân quả báo ứng. Chuyện này hết sức nghiêm trọng, cho nên đặc biệt nêu ra. Chúng sanh trong thế gian dám làm ác, chính vì “bát vô nhân quả” (bài bác không có nhân quả), họ mới dám làm. Nếu đối với những sự lý nhân duyên quả báo ấy, họ thật sự hiểu rõ, chắc chắn sẽ không dám làm ác. Vì sao? Làm ác thì chính mình bị thua thiệt, do có báo ứng. Thiện có thiện báo, ác có ác báo. Quyết định chẳng dám khởi tâm động niệm hại người, hại người là hại chính mình. Quyết định chẳng dám có hành vi trộm cắp. Trộm cướp tiền tài của người khác thì phải trả nợ, chẳng phải là đã trộm rồi bèn có thể không trả. Thiếu mạng người khác thì phải đền mạng. Quý vị xem truyện ký của đại sư An Thế Cao; kinh Bát Đại Nhân Giác và kinh A Nan Vấn Sự Phật Cát Hung là do ngài An Thế Cao phiên dịch. Ngài An Thế Cao đến Trung Hoa hai lần đền mạng. Đời trước lỡ tay giết người, đời này đến Trung Hoa, hai lần bị kẻ khác ngộ sát. Có thể thấy: Tạo cái nhân như thế nào, sẽ chịu quả báo như thế ấy, đúng vậy đó!
“Một hớp uống, một miếng ăn, không gì chẳng được định trước”. Ai định trước cho quý vị? Chính mình định! Điều này chẳng cần phải bàn cãi chi nữa! Chẳng phải do Phật, Bồ Tát định, cũng chẳng phải do vua Diêm La định, cũng chẳng phải do Thượng Đế định, mà do chính mình định. Nếu chúng ta muốn cuộc sống của chính mình rất hạnh phúc, rất sung sướng, rất bình an, quyết định chẳng tạo cái nhân ác. Không chỉ là chớ nên tạo ác, ngay cả ác niệm cũng đều chẳng có. Ác niệm đều chẳng có, ác duyên sẽ bị đoạn trừ. Trong đời quá khứ, tuy có ác nhân, nhưng tạm thời, nó chẳng thể dấy lên hiện hành. Vì sao? Nó chẳng có
duyên.
Nếu hiện thời, chúng ta trong mỗi niệm còn có ác niệm, ác niệm ấy là duyên, sẽ có ác báo hiện tiền. Hiện thời, chẳng có ác niệm. Chẳng có ý niệm ấy, chẳng dễ dàng đâu nhé! Pháp môn này hay lắm, chuyển ý niệm của quý vị thành A Di Đà Phật. Tiêu trừ ý niệm chẳng dễ dàng, thay đổi ý niệm dễ hơn. Cổ nhân thường nói: “Chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”. Ý niệm dấy lên chớ sợ. Sợ là quý vị bất giác. Quý vị bất giác; ý niệm này kế tiếp ý niệm kia sẽ sanh ra sức mạnh. Nếu đã giác ngộ, chẳng có ác niệm! Giác ngộ là như thế nào? Một câu A Di Đà Phật dấy lên, đó là giác ngộ. Chư vị phải hiểu: Cái giác ấy chẳng thể giống với sự giác ngộ bình phàm, mà là đại giác viên mãn rốt ráo, khác hẳn! Vì thế, chúng ta hễ khởi tâm động niệm bèn biết rất nhanh chóng thay đổi [ý niệm vừa khởi lên ấy] thành A Di Đà Phật, đấy là một người thật sự niệm Phật. Công phu niệm Phật thật sự đắc lực chính là dùng Phật hiệu để thay thế hết thảy các vọng niệm, bất luận là thiện niệm hay ác niệm thế gian và xuất thế gian, đều chẳng màng tới. Ý niệm thứ nhất dấy lên, ý niệm thứ hai sẽ là A Di Đà Phật. Đó là đúng, đã chuyển biến được!
(Sao) Thử ngũ giả.
(鈔)此五者。
(Sao: Năm điều này).
Năm loại [kiến giải] lớn vừa nói trên đây.
(Sao) Năng linh chúng sanh xu nhập sanh tử, cố danh vi Sử.
(鈔)能令眾生趨入生死,故名為使。
(Sao: Có thể khiến cho chúng sanh tiến nhập sanh tử, nên gọi là Sử).
“Sử” (使) là nha dịch thời cổ, giống như đội cảnh sát hình sự trong hiện thời. Năm thứ ấy có thể khiến chúng ta phải sanh tử luân hồi trong lục đạo, vĩnh viễn chẳng ngừng, chẳng xong. Đó là vì bị năm thứ phiền não ấy làm hại, chúng ta phải nhận thức rõ ràng chuyện này!
(Sao) Nhi cơ vi, tấn tật, vi hại phi tế, đối Ngũ Độn ngôn, cố danh Lợi Sử.
(鈔)而幾微迅疾,為害非細,對五鈍言,故名利使。
(Sao: Nhưng rất vi tế, nhanh chóng, gây hại chẳng nhỏ. Do nói đối ứng với năm thứ Độn Sử mà gọi là Lợi Sử).
Nó rất nhỏ nhiệm, lại còn rất nhanh chóng. Ý niệm khởi lên cũng mau, tiêu mất cũng mau. Niệm này dấy lên, niệm kia diệt mất. Niệm niệm sanh diệt, nhưng phải biết: Nó gây hại quá to lớn, chẳng phải là điều hại nhỏ nhặt, mà là mối tai hại to lớn! Nỗi tai hại to lớn ấy khiến cho chúng ta vĩnh viễn ở trong lục đạo, chẳng có cách nào vượt thoát. Do nói đối ứng với năm Độn Sử, bèn gọi chúng là Lợi (利), vì chúng mạnh mẽ, nhạy bén. Tuy mạnh mẽ, nhạy bén, chúng dễ đoạn. Hễ thật sự giác ngộ, chúng liền đoạn. Chẳng giống như năm phiền não Độn Sử trong phần sau, sau khi đã giác ngộ, cũng chẳng dễ gì đoạn được! Cổ nhân nói năm Độn Sử giống như “dẫu lìa ngó, ý còn vương tơ lòng”. Dẫu đã đoạn, sau đấy, vẫn còn những sợi tơ vấn vít, rất khó đoạn sạch sành sanh. Chẳng giống như năm loại này, tuy mạnh mẽ, nhạy bén, rất dễ đoạn. “Dễ dàng” là nói so sánh [với chuyện đoạn năm thứ Độn Sử], trên thực tế, cũng là rất khó!
(Sao) Khai chi tắc lục thập nhị giả, dĩ Đoạn Thường nhị kiến vi bổn, nhi Sắc đẳng Ngũ Ấm, các cụ tứ cú, tam thế điệt chi, tắc thành lục thập, gia bổn Đoạn Thường, thành lục thập nhị.
(Diễn) Sắc đẳng Ngũ Ấm các cụ tứ cú, tam thế điệt chi, tắc thành lục thập giả, như Sắc Ấm giả, vị “Sắc đại Ngã tiểu, Ngã tại Sắc trung”, “Ngã đại Sắc tiểu, Sắc tại Ngã trung”, hoặc “tức Sắc thị Ngã”, “ly Sắc thị Ngã”. Sắc ký như thị, Tứ Ấm diệc nhiên, ngũ tứ cộng thành nhị thập cú, tam thế điệt chi, thành lục thập cú.
(鈔)開之則六十二者,以斷常二見為本,而色等五陰,各具四句,三世迭之,則成六十,加本斷常,成六十二。
(演)色等五陰各具四句。三世迭之。則成六十者。如色陰者。謂色大我小。我在色中。我大色小。色在我中。或即色是我。離色是我。色既如是。四陰亦然。五四共成二十句。三世迭之。成六十句。
(Sao: “Khai triển ra sẽ thành sáu mươi hai thứ”: Lấy hai thứ Thường Kiến và Đoạn Kiến làm gốc, mà Ngũ Ấm như Sắc v.v… mỗi thứ đều có đủ bốn câu, lại nhân với ba đời (tức là 5x4x3) sẽ thành sáu mươi, cộng với hai thứ kiến chấp gốc là Đoạn và Thường, bèn thành sáu mươi hai.
Diễn: “Ngũ Ấm như Sắc v.v… mỗi thứ đều có đủ bốn câu, lại nhân với ba đời bèn thành sáu mươi”, ý nói: Như đối với Sắc Ấm, bảo là “Sắc lớn Ngã nhỏ, Ngã ở trong Sắc”; “Ngã lớn Sắc nhỏ, Sắc ở trong Ngã”, hoặc “Sắc chính là Ngã”, “lìa Sắc là Ngã”. Đối với Sắc đã [có bốn câu] như thế, đối với bốn Ấm kia cũng vậy. Năm Ấm nhân với bốn câu [kiến chấp điên đảo trên đây] thành hai mươi câu, nhân với ba đời, thành sáu mươi câu).
“Đoạn Thường” là Biên Kiến.
(Sao) Thử chi chư kiến, do như la võng, do như trù lâm.
(鈔)此之諸見,猶如羅網,猶如稠林。
(Sao: Các món kiến chấp này giống như lưới rập, ví như rừng rậm).
“Trù lâm” (稠林) là rừng rậm dày đặc.
(Sao) Triền phược khuất khúc, bất khả xuất ly, hồn loạn chân tánh, cố vân Trược dã.
(鈔)纏縛屈曲,不可出離,渾亂真性,故云濁也。
(Sao: Trói buộc, cong vạy, chẳng thể thoát ra, vẩn đục, rối loạn chân tánh. Vì thế, bảo là Trược).
Đối với sáu mươi hai món kiến chấp, sách Diễn Nghĩa có giải thích đơn giản. Mọi người có thể tham khảo Phật Học Đại Từ Điển, Giáo Thừa Pháp Số, Tam Tạng Pháp Số và bộ Phật Giáo Cơ Bản Thường Thức do pháp sư Chánh Quả biên soạn.
(Sao) Phản hiển Cực Lạc quốc trung, nhân cụ chánh kiến, phi Kiến Trược cố.
(鈔)反顯極樂國中,人具正見,非見濁故。
(Sao: Nhằm nêu tương phản rõ rệt: Trong cõi Cực Lạc, người ta có đủ chánh kiến, chẳng phải là Kiến Trược).
So với Tây Phương Cực Lạc thế giới, dẫu là người hạ hạ phẩm vãng sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư, [ai nấy] đều là tri kiến thuần chánh, chẳng có mảy may lầm lạc. Đó chính là điều khiến cho thế giới này chẳng sánh bằng họ!
(Sớ) Phiền Não Trược giả, ngũ Độn Sử vi Thể.
(疏)煩惱濁者,五鈍使為體。
(Sớ: Phiền Não Trược (Kleśakaṣāya): Năm Độn Sử làm Thể).
“Độn” (鈍) nghĩa là chúng chậm chạp, chẳng lanh lợi, chẳng rất nhạy bén, chẳng rất nhanh chóng như [năm món Sử] trước, những [món Sử] này trì độn.
(Sớ) Quảng chi nãi chí vi thập, vi bách bát, vi bát vạn tứ thiên, cập Hằng hà sa đẳng.
(疏)廣之乃至為十,為百八,為八萬四千,及恆河沙等。
(Sớ: Nói rộng ra sẽ là cho đến mười, một trăm lẻ tám, tám vạn bốn ngàn, cho đến như Hằng hà sa).
Nói triển khai sẽ là mười điều. Thập Sử mở rộng ra là một trăm lẻ tám điều, đều thuộc loại quy nạp. Lại mở rộng ra, sẽ là tám vạn bốn ngàn. Trong kinh Phật, hễ nói đến con số thì chỉ nói tới “tám vạn bốn ngàn”. Đó là nêu ra từng điều một, xác thực là chẳng sót một điều nào. Tám vạn bốn ngàn điều được gọi là “tám vạn bốn ngàn phiền não”, phiền não thật nhiều! Tám vạn bốn ngàn điều quy nạp thành một trăm lẻ tám điều. Một trăm lẻ tám điều này, thông thường cũng ít nhắc tới, quá rắc rối! Chuỗi tràng hạt của chúng ta gồm một trăm lẻ tám hạt, có dụng ý gì? Nhằm đối trị một trăm lẻ tám phiền não. Nếu lại mở rộng hơn nữa, sẽ là “Hằng hà sa đẳng” (nhiều như cát sông Hằng). Phiền não vô lượng vô biên, nói chẳng hết! Vì thế, chúng ta biết: Tám vạn bốn ngàn vẫn là quy nạp, nếu nói chi tiết, sẽ là chẳng cùng tận!
(Sớ) Tam tai cảm triệu, tức kỳ tướng dã.
(疏)三災感召,即其相也。
(Sớ: Cảm vời tam tai, chính là tướng trạng của nó).
“Tam tai” gồm có đại tam tai và tiểu tam tai. Tam tai do đâu mà có? Do phiền não chiêu cảm mà có. Từ chỗ này, chúng ta bèn hiểu: Hết thảy khổ nạn lớn nhỏ của chúng sanh đều do phiền não tạo thành. Nói cách khác, nếu đoạn phiền não, chúng sẽ chẳng có, tất cả hết thảy tai nạn đều chẳng có. Nhân chẳng có, lấy đâu ra quả? Chẳng có nữa! Tiêu tai miễn nạn thì phải tiêu từ nơi đâu? Nếu tiêu trừ phiền não, tai nạn chẳng còn nữa. Chẳng tiêu trừ phiền não, chư vị phải biết: Tai nạn nhất định sẽ hiện tiền. Một đằng là năng cảm, một đằng là sở cảm.
(Sao) Ngũ Độn Sử giả, nhất, tham, vị ngộ thuận tình cảnh, khởi ư ái trước, bất năng xả ly cố.
(鈔)五鈍使者,一、貪,謂遇順情境,起於愛著,不能捨離故。
(Sao: Năm Độn Sử: Một là tham, nghĩa là gặp tình cảnh đẹp ý, sẽ dấy lòng yêu đắm, chẳng thể lìa bỏ).
Đấy là hiện tượng tham, chẳng nỡ lìa khỏi, tham ái! Trong ấy, có phạm vi hết sức rộng lớn: Có tham danh, có tham lợi, có tham quyền thế, có tham ngũ dục, lục trần. Tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghê, những thứ ấy thuộc về ngũ dục, lục trần. Lục trần là các thứ hưởng thụ nơi hoàn cảnh vật chất, đó là thế gian. Xuất thế gian có tứ thánh pháp giới, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, và Phật. Chẳng tham pháp thế gian, mà tham Phật pháp. Chư vị ngẫm xem, tâm tham có đoạn hay không? Chẳng đoạn! Thay đổi đối tượng mà thôi. Pháp thế gian ác, Phật pháp thiện, tâm tham chẳng đoạn; người như vậy học Phật, trong tương lai, sẽ đến thọ báo trong ba đường lành. Vì sao? Tâm tham chẳng đoạn, chẳng thể thành chánh quả. Đức Phật dạy chúng ta đoạn tâm tham, chẳng bảo chúng ta thay đổi đối tượng của lòng tham. Phải hiểu rõ ràng điều này. Do vậy, đối với Phật pháp, cũng chẳng thể tham. Trong kinh Kim Cang, đức Phật dạy: “Pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp” (Pháp còn nên bỏ, huống hồ phi pháp). “Pháp” là Phật pháp, Phật pháp cũng phải buông xuống, cũng chớ nên tham đắm, huống hồ pháp thế gian! Chúng ta nhất định phải hiểu điều này!
Vô lượng vô biên phiền não quy nạp thành năm loại lớn là tham, sân, si, mạn, nghi. Năm loại lớn ấy còn có thể quy nạp nữa hay không? Có thể chứ! Quy nạp thành ba loại lớn là tham, sân, si. Ba loại ấy còn có thể quy nạp nữa hay chăng? Vẫn có thể, quy nạp thành một thứ là Tham. Vì sao có sân hận? Do tham không được, nên mới có sân hận. Nếu tham mà đạt được, tâm sân hận sẽ chẳng sanh khởi. Truy tận nguồn cội, căn cội chung của chứng bệnh ấy chính là một chữ Tham. Đức Phật dạy chúng ta dùng phương pháp gì để đối trị nó? Dùng bố thí. Điều thứ nhất trong Lục Độ là bố thí. Bố thí nhằm độ keo tham, nhằm đối trị phiền não này.
Hiện thời, có khá nhiều người tu bố thí, có thể độ keo tham hay không? Chẳng thể! Vì họ, do có tâm tham, nên mới hành bố thí. Nghe nói Phật môn là “một vốn vạn lời”, bỏ một, sẽ được báo cả vạn. Do vậy, họ mới chịu bố thí. Nếu bảo họ, “bố thí chẳng có quả báo tốt lành”, họ sẽ không bố thí, [tức là] vẫn có cách nhìn theo kiểu con buôn! Tu bố thí như vậy, sẽ tăng trưởng tâm tham. Do đó, chỉ gọi là bố thí, chẳng thể gọi là Bố Thí Ba La Mật. Ba La Mật là độ, [bố thí mà mong cầu hưởng hảo báo] chẳng thể gọi là Bố Thí Độ. Kẻ ấy tu pháp thế gian, chẳng phải là pháp Bồ Tát. Pháp Bồ Tát thì phải độ keo tham. Ta tu bố thí nhằm mục đích nào? Mục đích là bỏ sạch cái tâm keo tham từ vô thỉ kiếp tới nay. Đó là quý vị thật sự tu Lục Độ, thật sự đang tu Bồ Tát đạo.
Người thế gian bố thí, tu phước, đức Phật bảo chúng ta: Quả báo của Tài Bố Thí là của cải, quả báo của Pháp Bố Thí là thông minh, trí huệ, quả báo của Vô Úy Bố Thí là khỏe mạnh, sống lâu. Đó là bố thí theo pháp thế gian. Nếu là bố thí trong pháp Đại Thừa Bồ Tát, người ấy đắc quả “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”, chẳng phải là ba thứ quả báo nhỏ nhoi kia. Khác hẳn! Vì sao? Xan tham là căn bản phiền não. Căn bản đã bị dẹp trừ thì tám vạn bốn ngàn phiền não, hoặc vô lượng vô biên phiền não, thảy đều chẳng có. Đó là quả báo “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”, chẳng phải là đạt được của cải, được thông minh, được khỏe mạnh, sống lâu, chẳng phải là những thứ ấy. Những thứ ấy là do người thế gian tu tiểu bố thí bèn đắc tiểu quả báo. Do vậy có thể biết: Chúng ta thấy đại chúng trong xã hội hiện tiền, có kẻ phát tài, giàu to, được thông minh, trí huệ. Thời cổ nói là “đắc công danh”, nay nói là giành được các học vị Thạc Sĩ hay Tiến Sĩ, [đó là quả báo do] pháp bố thí, hoặc được khỏe mạnh, sống lâu, đều thuộc loại quả báo này. Nhưng trong thế gian này, thiện quả đều khá là khó tu. Để tu phước thật sự vẫn phải là người có phước [thì mới tu được]! Kẻ chẳng có phước, tu phước chẳng nổi! Vì sao? Nhận lầm phước điền! Chúng ta nói “gieo ruộng phước”, [cần phải] biết ruộng để gieo trồng ắt phải là một vùng đất rất phì nhiêu thì [những thứ gieo trồng] mới tăng trưởng rất xum xuê. Nếu gieo trồng nơi đất nhiều cát, ngay cả rễ cũng chết queo, hạt giống cũng hư nát, chẳng có thâu hoạch! Thường là chúng ta nhận lầm ruộng phước, coi sa mạc là ruộng tốt, gieo hạt nơi sa mạc. Tới cuối cùng, không chỉ là chẳng thâu hoạch được, mà ngay cả vốn cũng tiêu mất. Trong xã hội hiện tiền, chúng ta thấy chuyện này quá nhiều! Vì thế, bất luận pháp thế gian hay pháp xuất thế gian, đều cần đến trí huệ, trí huệ trọng yếu lắm! Chúng ta ngu si, chẳng có trí huệ, làm như thế nào? Hãy đọc kinh; đọc kinh khai trí huệ. Đọc kinh nhiều, đọc kinh đã lâu, tâm định, tự nhiên trí huệ mở mang, thấy mọi chuyện cũng thấy rõ ràng, làm việc cũng chẳng phạm sai lầm. Nhất định là phải đọc kinh, nhất định là phải niệm Phật.
(Sao) Nhị, sân, vị ngộ vi tình cảnh, khởi ư khuể hận, bất năng dung nhẫn cố.
(鈔)二、瞋,謂遇違情境,起於恚恨,不能容忍故。
(Sao: Hai là sân, nghĩa là gặp tình cảnh trái ý, dấy lòng sân hận, chẳng thể khoan dung, chịu đựng).
Trái nghịch ý thích của chúng ta, ta cũng chẳng ưa! Cảnh giới là như vậy đó. “Khởi ư khuể hận, bất năng dung nhẫn cố” (Dấy lòng sân hận, chẳng thể khoan dung, chịu đựng), chẳng thể bao dung! Đức Phật dạy chúng ta tu Nhẫn Nhục Ba La Mật. Nhẫn nhục nhằm đối trị sân khuể, phải biết nhẫn. Biết nhẫn, bao dung, sẽ là người có phước. Chẳng thể nhẫn, chẳng thể bao dung, dẫu có phước, cũng hưởng hết rất nhanh; sau đấy chẳng có phước nữa! Do vậy, nhất định là phải học bao dung, nhẫn nhục.
(Sao) Tam, si, vị ư phi vi, phi thuận cảnh, khởi ư ngu ám, bất năng giác sát cố.
(鈔)三、痴,謂於非違非順境,起於愚暗,不能覺察故。
(Sao: Ba là si, nghĩa là đối với cảnh chẳng trái nghịch, chẳng tùy thuận, bèn dấy lên ngu si, tăm tối, chẳng thể quan sát, nhận biết).
“Si” là ngu si. Điều này nói đơn giản, sẽ là đối với vũ trụ và nhân sinh, nhân tình, lý sự, vạn sự, vạn vật, điều nào là thật? Điều nào là giả? Tu như thế nào là tà? Thế nào là chánh? Thế nào là đúng? Thế nào là sai? Người ấy hoàn toàn chẳng hiểu rõ ràng, mê hoặc, điên đảo. Đó là ngu si. Vấn đề này cũng hết sức nghiêm trọng. Trong năm Độn Sử, khó đoạn nhất là ngu si. Đức Phật dạy chúng ta phải dùng Bát Nhã để độ ngu si, nhất định cần đến trí huệ Bát Nhã chân thật. Trong giai đoạn cuối cùng của Đại Thừa, ngu si được gọi là vô minh. Đẳng Giác Bồ Tát hãy còn có một phẩm sanh tướng vô minh chưa phá, quý vị mới biết ngu si nghiêm trọng lắm! Đẳng Giác Bồ Tát phá trừ một phẩm sanh tướng vô minh cuối cùng; đó là đại giác viên mãn, bèn thành Phật. Vì thế, điều này khó đoạn nhất, phải có trí huệ thật sự. Đối với mấy điều trước, có thể dùng Định để khắc phục, chỉ riêng điều này thì phải dùng Huệ, chứ Định thì chẳng có cách nào!
(Sao) Tứ, mạn, vị ư nhất thiết chúng sanh, khởi kiêu ngạo tâm, thượng lăng, hạ hốt, bất năng cung tốn cố.
(鈔)四、慢,謂於一切眾生,起驕傲心,上陵下忽,不能恭遜故。
(Sao: Bốn là mạn, nghĩa là đối với hết thảy chúng sanh, dấy lòng kiêu ngạo, lấn lướt người trên, khinh thường kẻ dưới, chẳng thể cung kính, khiêm tốn).
“Mạn” (慢) là ngạo mạn, “tốn” (遜) là khiêm hư. Kẻ ấy chẳng biết cung kính, chẳng biết khiêm hư, bất luận đối với ai, cũng đều là kiêu ngạo phiền não dấy lên hiện hành. Nhà Phật coi trọng chuyện này. Vì sao? Vì quý vị có mạn, sẽ chẳng thể nhập đạo. Phiền não nhiều ngần ấy, cớ sao đức Phật khăng khăng nêu lên điều này? Điều này nghiêm trọng ở chỗ nào? Chướng đạo! Vì thế, đức Phật coi trọng, thánh nhân thế gian cũng coi trọng. Trong Lễ Ký có nói: “Ngạo bất khả trưởng” (Chớ nên tăng trưởng lòng kiêu ngạo). Nho gia biết thứ phiền não này là “câu sanh phiền não” (phiền não bẩm sinh), chẳng cần học vẫn biết. Do bẩm sanh, ai nấy đều có, hết thảy chúng sanh thảy đều có; chỉ có thể nói là xét theo mức độ thì có cạn hay sâu sai biệt, chứ ai nấy đều có! Chuyện này rất phiền phức. Có phiền não này, sẽ coi thường thầy, coi thường thiện tri thức, coi thường đồng học, quý vị còn có thể thành tựu hay chăng? Thiện căn tôn sư trọng đạo đã bị phiền não này phá hoại. Vì thế, chúng ta phải nhận rõ: Ngạo mạn tổn hại chúng ta to tát dường ấy!
Đức Phật dạy chúng ta nhẫn nhục, Nho gia dạy chúng ta khiêm hư. Trong phần Hệ Từ của kinh Dịch, Khổng Tử đã dạy người khác: “Mãn chiêu tổn, khiêm thọ ích” (Tự mãn chuốc lấy tổn hại, khiêm tốn được lợi ích). Trong sáu mươi bốn quẻ, chỉ có quẻ Khiêm là sáu hào đều tốt lành. Quái Tượng[1] của quẻ này chẳng có gì là hung. Sáu mươi ba quẻ kia, tối thiểu là có một hào thuộc về quẻ hung, chẳng phải là quẻ cát. Khiêm (謙) là khiêm hư! [Tên gọi đầy đủ của quẻ ấy là] Địa Sơn Khiêm (地山謙), [hàm nghĩa] hình tượng của quẻ giống như núi ở dưới đất, phía trên là quẻ Khôn (坤), Khôn là đất. Núi vốn ở trên mặt đất, [nhưng trong quẻ này], núi lại ở dưới mặt đất. Quý vị hãy suy ngẫm ý nghĩa này. Nho gia nói “tự ty nhi tôn nhân” (hạ thấp mình, đề cao người khác). Đấy là Khiêm, chúng ta dùng phương pháp này để đối trị kiêu mạn từ vô thỉ kiếp tới nay. Chúng ta bị kiêu mạn hại quá thê thảm, phải nhận biết nó, phải thật sự tu hành, phải sửa đổi nó. Từ nay trở đi, bất luận đối với người nào, cũng đều phải khiêm hư, đều phải nhún nhường. Đó là đúng!
(Sao) Ngũ, nghi, vị ư chư thiện pháp, khởi sai nhị tâm, dục tấn, dục thoái, bất năng quyết định cố.
(鈔)五、疑,謂於諸善法,起猜貳心,欲進欲退,不能決定故。
(Sao: Năm là nghi, nghĩa là đối với các thiện pháp, dấy lòng nghi ngờ, do dự, toan tiến, toan lùi, chẳng thể quyết định).
“Sai” (猜) là ngờ vực vô căn cứ, “nhị tâm” (貳心) là tâm chẳng thể xác định, hoài nghi. Trong pháp thế gian, Nghi chướng ngại thiện pháp, chướng ngại thiện hạnh. Trong pháp xuất thế gian, Nghi quyết định chướng đạo. Dấy lòng nghi hoặc giáo huấn của Phật, Bồ Tát, tổ sư, chẳng thể tin tưởng. Phật pháp hoàn toàn kiến lập trên cơ sở tín tâm thanh tịnh. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tín là nguồn đạo, mẹ công đức”. Quý vị chẳng có tín tâm kiên định, làm sao có thể nhập môn cho được? Một người nếu muốn có thành tựu nơi đạo nghiệp thì:
1) Thứ nhất là đối với pháp, phải có tín tâm kiên định, hoàn toàn khẳng định, chẳng có hoài nghi, chúng ta mới có thể tiếp nhận.
2) Thứ hai là đối với thầy và thiện tri thức, phải có tín tâm thanh tịnh, chúng ta mới có thể tiếp nhận sự chỉ dạy của họ, mới có thể y giáo phụng hành. Nếu dấy lòng hoài nghi thầy, thầy dạy chúng ta, chúng ta chỗ nào cũng đánh dấu hỏi, chẳng thể tuân thủ, chẳng thể phụng hành, chắc chắn là chẳng đạt được lợi ích nơi pháp ấy!
Nghi là chuyện xấu, Nghi là chướng ngại lớn nhất trong quá trình tu học của Bồ Tát. Chúng ta đoạn nghi sanh tín như thế nào? Chuyện này nói dễ dàng, thực hiện khá khó khăn! Thật sự có tín tâm thanh tịnh, sẽ giống như trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Phật nói có hai loại người:
1) Một loại người là kẻ thượng căn thông minh, vừa tiếp xúc Phật pháp bèn hiểu rõ, giác ngộ, chẳng mê. Vì thế, người ấy có thể tin.
2) Loại thứ hai là thiện căn sâu dầy. Tuy đối với lý luận và sự thật chẳng hiểu rõ ràng, nhưng người ấy đối với Phật, Bồ Tát, đối với bậc thiện nhân rất tôn kính, và cũng có thể nghe lời, cũng có thể y giáo phụng hành. Đó là khó có, đáng quý.
Đại khái là hai hạng người trên đây, tín tâm bất nhị, thành tựu dễ dàng! Hễ tín tâm bị dao động, hiện tượng nguy cơ bèn xảy ra, chẳng thể thành tựu. Đặc biệt là đối với người niệm Phật chúng ta, đối với Tịnh Độ, đối với A Di Đà Phật, đối với chuyện vãng sanh, quyết định chớ nên hoài nghi, quyết định chớ nên dao động. Ở bên ngoài, những pháp môn khác rất nhiều, quý vị gặp những kẻ tri thức, người này bảo quý vị tu Thiền, người kia bảo quý vị niệm chú, người nọ lại nói pháp môn chi đó lập tức thấy có hiệu quả, quý vị vừa nghe, tín tâm bị dao động. Hễ tín tâm bị dao động, nói thật thà, đối với pháp môn nào, quý vị cũng đều chẳng thể thành tựu! Trong vô lượng pháp môn của chư Phật, Bồ Tát, quý vị thật sự chẳng hiểu rõ ràng, chẳng hiểu minh bạch, chẳng nhận biết, chẳng biết pháp môn nào thù thắng. Do vậy, trong quá trình tu học, chẳng đạt được lợi ích.
Thật sự có tín tâm quyết định, chẳng hoài nghi, thâm nhập một môn, trong những năm qua, chúng tôi cũng thấy chẳng ít người, xác thực là họ có hiệu quả. Chúng ta có thể nhìn thấy rất rõ ràng: Thân thể họ khỏe mạnh, tướng mạo đầy đặn, khí sắc tốt đẹp. Thường là học Phật dăm ba tháng bèn biến đổi, đó là thật sự đạt được lợi ích nơi Phật pháp. Đó có phải là do Phật, Bồ Tát gia trì hay không? Chẳng phải, mà là do trong tâm người ấy sanh ra biến hóa. Trước kia, trong tâm là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, lắm nỗi phiền não, [cho nên] thân thể chẳng khỏe mạnh, khí sắc chẳng tốt. [Hiện thời], đã có tín tâm kiên định đối với Phật pháp, thâm nhập một môn, bèn ít vọng niệm, ít phiền não, tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh, thân bèn thanh tịnh. Những bệnh tật trước kia nơi thân thể này chẳng cần phải đi khám bác sĩ, tự nhiên khỏi hẳn. Đó là vì người ấy đã điều chỉnh sinh lý nơi tâm lý; hiện thời, điều này đã có căn cứ khoa học xác thực.
Thân thể bị ý niệm làm chủ tể. Kinh Đại Thừa thường nói: “Hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng”. Một người tâm thuần thiện, chẳng ác, thuần tịnh bất nhiễm, sinh lý tự nhiên điều chỉnh bình thường. Kẻ có vọng niệm, có tạp niệm, có vọng tưởng, sinh lý bình thường bị nhiễu loạn. Hễ loạn, bệnh tật sanh khởi, dùng thuốc men, dùng những phương pháp khác để giúp điều trị, rất khó khăn! Chẳng bằng dùng cách điều chỉnh cái tâm của chính mình, đấy là phương pháp hữu hiệu nhất. Thân thể của người ấy đã được điều chỉnh, nay chúng ta nói là “biến đổi thể chất”, khôi phục bình thường. Do đó, dung mạo và khí sắc của người ấy đều khác đi, điều này hết sức rõ rệt. Cổ nhân nói “ưu năng sử nhân lão” (ưu tư khiến người ta già sọm). Người nào nếu có ưu lự, phiền não, sẽ bị lão hóa rất nhanh chóng. Ngược lại, kẻ suốt ngày từ sáng đến tối hết sức hoan hỷ, vui sướng, chẳng dễ gì suy lão. Tâm tình người ấy vui sướng, cũng có thể nói là người ấy ít phiền ít não. Kẻ chẳng có phiền não không dễ già, người có phiền não rất dễ lão hóa.
Trong phần chú giải bộ kinh này, Liên Trì đại sư đã nói: “Chuyên trì danh hiệu còn thù thắng hơn trì chú, mà cũng thù thắng hơn các chú khác, và cũng thù thắng hơn hết thảy các công đức khác”. Mấy câu này đã nêu trọn hết lợi ích của việc nhất tâm trì danh. Trong Phật môn, chúng ta thường nghe nói: “Niệm kinh chẳng bằng niệm chú, niệm chú chẳng bằng niệm Phật”, chúng ta nghe rất quen thuộc, rốt cuộc vì sao chẳng bằng? Ở chỗ này, Liên Trì đã nói rõ. Lời Sao viết: “Thiên tán trì danh” (Riêng ca ngợi trì danh), [nghĩa là] tán thán chỗ lợi ích của Trì Danh. “Nhất, thắng bổn chú giả” (Thù thắng hơn chú này), “bổn chú” là chú Vãng Sanh, niệm danh hiệu Phật tốt hơn niệm chú Vãng Sanh. Vì sao? “Dĩ chú vân: Tụng tam thập vạn biến, tắc kiến A Di Đà Phật, nhi trì danh, tắc nhất nhật nhất tâm, tức Phật hiện tiền cố” (Do [trong kinh văn giảng về công đức của] chú đã nói: “Tụng ba mươi vạn biến bèn thấy A Di Đà Phật”, thế mà trì danh, hễ một ngày nhất tâm, Phật liền hiện tiền). Niệm ba mươi vạn biến chú [Vãng Sanh] phải tốn thời gian rất dài, nhưng kinh Di Đà nói một ngày một đêm cho đến bảy ngày bảy đêm, người ấy liền thấy Phật. Có thể thấy là [niệm danh hiệu Phật] mạnh hơn chú Vãng Sanh khá nhiều! “Hựu chú vân: Trú dạ lục thời, các tụng tam thất biến, năng diệt Ngũ Nghịch đẳng tội” (Chú lại nói: “Ngày đêm sáu thời, trong mỗi thời đều tụng hai mươi mốt biến, có thể diệt các tội như Ngũ Nghịch v.v…), “ngày đêm sáu thời” là hai mươi bốn giờ. Trong hai mươi bốn giờ, cứ mỗi hai giờ, quý vị bèn niệm chú [Vãng Sanh] hai mươi mốt lần. Cách mỗi hai giờ bèn niệm hai mươi mốt lần, một ngày một đêm niệm mười hai lần, ngày đêm chẳng thể gián đoạn, cứ hai tiếng đồng hồ bèn niệm hai mươi mốt lần. “Nhi trì danh, tắc chí tâm niệm Phật nhất thanh, tức diệt bát thập ức kiếp sanh tử trọng tội cố” (Nhưng trì danh, hễ chí tâm niệm Phật một tiếng bèn diệt trọng tội trong tám mươi ức kiếp sanh tử). Công đức của chú Vãng Sanh làm sao có thể so với Phật hiệu cho được? Thua quá xa! “Nhị, thắng dư chú giả” (Hai, thù thắng hơn các chú khác), tất cả hết thảy các chú khác, kể cả những chú ngữ trong Mật Tông, đều chẳng bằng niệm Phật. Ở đây nói: “Chuyên trì danh hiệu, tức đại thần chú, đại minh chú, vô thượng chú, vô đẳng đẳng chú” (Chuyên trì danh hiệu, chính là đại thần chú, đại minh chú, vô thượng chú, chú không có gì sánh bằng). Đó chính là Tâm Kinh tán thán thần chú đến mức cùng cực. “Dĩ thập niệm tiện đắc vãng sanh, nhất sanh tiện đắc Bất Thoái, oai linh bất trắc, tư danh đại thần, dư khả lệ tri cố” (Do mười niệm liền được vãng sanh, trong một đời bèn đắc Bất Thoái, oai linh chẳng thể lường, nên gọi là đại thần, những điều khác có thể suy ra mà biết). Câu A Di Đà Phật là đại thần chú. Sách Diễn Nghĩa giảng: “Nhất tâm bất loạn, đoạn vô minh, kiến tự tánh, đại minh chú dã. Vãng sanh bỉ quốc, cứu cánh thành Phật, vô thượng chú dã. Chứng Vô Sanh Nhẫn, hồi nhập Sa Bà, phổ độ chúng sanh, vô đẳng đẳng chú dã” (Nhất tâm bất loạn, đoạn vô minh, thấy tự tánh, nên là đại minh chú. Vãng sanh cõi ấy, thành Phật rốt ráo là vô thượng chú. Chứng Vô Sanh Nhẫn, trở về Sa Bà, phổ độ chúng sanh, là chú không gì sánh bằng).
Vì thế, danh hiệu có công đức chẳng thể nghĩ bàn! Người xác thực biết [điều này] quá ít. Thật sự biết thì vô lượng vô biên pháp môn bày ra trước mặt, tuyệt đối chẳng động tâm. Vì sao? Hiểu pháp môn này bao gồm hết thảy! Những pháp môn do quý vị đã nói, dẫu hay đến mấy đi nữa, [chỉ là] một cành, một lá của pháp môn tôi [đang tu tập], pháp môn của tôi thống nhiếp toàn bộ. Chẳng biết sự thù thắng của pháp môn này! Thật sự được gặp gỡ [pháp môn này], [thế mà] gặp người khác vừa khuyên, họ đã bỏ đi mất, đúng là đáng tiếc! Người hiện thời chẳng niệm kinh Di Đà, mà niệm kinh Địa Tạng, cứ tưởng kinh Địa Tạng vượt trỗi kinh A Di Đà, danh hiệu Địa Tạng Bồ Tát vượt trỗi A Di Đà Phật, đó là lầm lẫn to lớn quá đỗi! Chỉ có thể nói là kẻ ấy ít thiện căn, ít phước đức, ít nhân duyên. Pháp môn này cần phải có nhiều thiện căn, nhiều phước đức, nhiều nhân duyên, kẻ ấy chẳng có thiện căn to như vậy, bèn học pháp môn hạng nhì, pháp môn hạng ba, pháp môn hạng tư, chẳng có phần nơi pháp môn bậc nhất này! Phải nên đọc kỹ Sớ Sao, nghiêm túc đọc, quý vị sẽ thấu hiểu. Quý vị thật sự niệm nhuần nhuyễn, thấu suốt kinh Vô Lượng Thọ, Di Đà Kinh Yếu Giải, và chú giải kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật của Thiện Đạo đại sư, tín tâm đối với pháp môn này sẽ tự nhiên chẳng hai, tín tâm kiên định, tuyệt đối chẳng hoài nghi, trong một đời này, chúng ta mới thật sự có thành tựu.
(Sao) Thử ngũ giả, diệc năng sử nhân xu nhập sanh tử, cố danh viết Sử. Giảo tiền, sảo vi trọng trệ, cố danh Độn Sử.
(Diễn) Giảo tiền, sảo vi trọng trệ giả, dĩ thử Ngũ Sử, dữ cảnh tương đối, phương đắc sanh khởi, bất đồng Ngũ Lợi tài xúc tức sanh, cơ vi tấn tật cố.
(鈔)此五者,亦能使人趨入生死,故名曰使。較前稍為重滯,故名鈍使。
(演)較前稍為重滯者。以此五使。與境相對方得生起。不同五利纔觸即生。幾微迅疾故。
(Sao: Năm điều này cũng có thể khiến cho người ta tiến nhập sanh tử, vì thế gọi là Sử. So với [năm món Sử] trước thì hơi nặng nề, chậm chạp hơn, nên gọi là Độn Sử.
Diễn: “So với [năm món Sử] trước thì hơi nặng nề, chậm chạp hơn”: Do năm món Sử này phải đối ứng với cảnh thì mới có thể sanh khởi, chẳng giống như năm món Lợi Sử trước đó, vừa tiếp xúc bèn sanh khởi, vi tế, nhạy bén hơn).
Chúng chẳng mạnh mẽ, lanh lợi như những món Sử trước, nhưng năm thứ này cũng là nhân tố căn bản của sanh tử luân hồi trong lục đạo. Chúng ta thường nói “Kiến Tư phiền não”, Kiến là Kiến Trược trong phần trước, Tư là Phiền Não Trược ở chỗ này.
(Sao) Quảng chi giả, vị hợp ngũ lợi, vi thập phiền não.
(鈔)廣之者,謂合五利,為十煩惱。
(Sao: Nói rộng ra thì [năm Độn Sử] gộp chung với năm Lợi Sử, thành mười phiền não).
Nếu kinh nói “thập phiền não” thì là hai loại này, hoặc nói Thập Sử, hoặc nói Kiến Tư phiền não, đều là nói đến những điều này.
(Sao) Hựu phân chi vi cửu thập bát, gia Thập Triền, thành bách bát phiền não.
(Diễn) Phân chi vi cửu thập bát giả, Kiến Hoặc hữu bát thập bát, dĩ tiền Thập Sử, lịch tam giới, Tứ Đế hạ tăng giảm bất đồng, thành bát thập bát. Vị Dục Giới Khổ thập sử cụ túc, Tập, Diệt các thất sử, trừ Thân Kiến, Biên Kiến, Giới Thủ. Đạo Đế bát sử, trừ Thân Kiến, Biên Kiến. Tứ Đế hạ, hợp vi tam thập nhị, thượng nhị giới Tứ Đế hạ, dư giai như Dục Giới, chỉ ư mỗi Đế hạ trừ sân sử cố, nhất giới các hữu nhị thập bát. Nhị giới hợp vi ngũ thập lục, tịnh tiền tam thập nhị, hợp vi bát thập bát. Cánh gia Tư Hoặc thập sử, vị Dục Giới tham, sân, si, mạn, thượng nhị giới tham, si, mạn, cộng vi cửu thập bát dã.
(鈔)又分之為九十八,加十纏,成百八煩惱。
(演)分之為九十八者。見惑有八十八。以前十使。歷三界四諦下增減不同。成八十八。謂欲界苦十使具足。集滅各七使。除身見邊見戒取。道諦八使除身見邊見。四諦下。合為三十二。上二界四諦下。餘皆如欲界。只於每諦下除瞋使故。一界各有二十八。二界合為五十六。并前三十二。合為八十八。更加思惑十使。謂欲界貪瞋痴慢。上二界貪痴慢。共為九十八也。
(Sao: Lại chia ra thì là chín mươi tám thứ, thêm Thập Triền vào bèn thành một trăm lẻ tám phiền não.
Diễn: “Chia thành chín mươi tám thứ”: Kiến Hoặc có tám mươi tám món, do mười món Sử trên đây, xét theo ba cõi và Tứ Đế, sẽ có sự tăng giảm khác biệt, nên thành tám mươi tám món. Nghĩa là Khổ Đế trong Dục Giới có đủ mười món Sử, Tập Đế và Diệt Đế, mỗi Đế đều có bảy Sử, tức là trừ Thân Kiến, Biên Kiến, và Giới Thủ Kiến ra. Đạo Đế có tám Sử, tức là trừ Thân Kiến và Biên Kiến. Như vậy là xét theo Tứ Đế [trong Dục Giới], có ba mươi hai món Sử (10 món Sử của Khổ Đế + 7 món Sử của Tập Đế + 7 món Sử của Diệt Đế + 8 món Sử của Đạo Đế = 32 món Sử trong Dục Giới). Đối với hai cõi trên (Sắc Giới và Vô Sắc Giới), các món Sử thuộc Tứ Đế đều như trong Dục Giới, chỉ là trong mỗi Đế trừ đi Sân Sử (ba mươi hai món Sử trừ đi bốn món Sân Sử của Tứ Đế), cho nên mỗi cõi có hai mươi tám món Sử. [Do vậy], hai cõi (Sắc Giới và Vô Sắc Giới) hợp thành năm mươi sáu món Sử (2 cõi x 28 món Sử = 56 món Sử), cộng với ba mươi hai món Sử trong phần trên (tức ba mươi hai món Sử của Dục Giới), hợp thành tám mươi tám món Sử (56+32=88), lại cộng thêm mười món Sử thuộc Tư Hoặc, tức là [cộng thêm] tham, sân, si, mạn trong Dục Giới và tham, si, mạn từ hai cõi trên (Sắc Giới và Vô Sắc Giới), cho nên cộng thành chín mươi tám món Sử).
Chín mươi tám món phiền não cộng thêm Thập Triền[2], một trăm lẻ tám món phiền não do đây mà có. Mọi người xem chú giải trong sách Diễn Nghĩa [sẽ biết chi tiết].
(Sao) Hựu tế thôi chi, tắc bát vạn tứ thiên, nãi chí Hằng sa, đa đa vô lượng.
(Diễn) Tế thôi tắc bát vạn tứ thiên giả, dĩ thập sử hỗ cụ thành nhất bách, lịch thập pháp giới thành nhất thiên, thân khẩu thất chi vi thất thiên, tam thế cộng thành nhị vạn nhất, tứ tâm các cụ nhị vạn nhất, cộng thành bát vạn tứ thiên số, dĩ bát vạn tứ thiên luật nghi đối trị chi, tắc thành bát vạn tứ thiên pháp môn.
(鈔)又細推之,則八萬四千,乃至恆沙,多多無量。
(演)細推則八萬四千者。以十使互具成一百。歷十法界成一千。身口七支為七千。三世共成二萬一。四心各具二萬一。共成八萬四千數。以八萬四千律儀對治之。則成八萬四千法門。
(Sao: Lại mở rộng chi tiết hơn, sẽ là tám vạn bốn ngàn, cho đến Hằng sa, nhiều đến vô lượng.
Diễn: “Mở rộng chi tiết hơn, sẽ là tám vạn bốn ngàn”: Do Thập Sử phối hợp lẫn nhau thành một trăm (nghĩa là mỗi món Sử có đủ mười món Sử kia, nên 10×10=100), trải qua mười pháp giới thành một ngàn (100 món Sử x 10 pháp giới=1.000), phối ứng với bảy chi của thân và khẩu (giết, trộm, dâm, nói dối, nói đôi chiều, nói thêu dệt, ác khẩu) thành bảy ngàn (1.000×7=7.000), ứng với ba đời thành hai vạn một ngàn món (7.000x 3=21.000), do bốn tâm[3], mỗi tâm đều có đủ hai vạn một ngàn món, cộng thành con số tám vạn bốn ngàn (4×21.000=84.000). Dùng tám vạn bốn ngàn luật nghi để đối trị, nên thành tám vạn bốn ngàn pháp môn).
Phiền não đúng là vô lượng vô biên.
(Sao) Lao phiền ngã tâm, bất đắc an ổn, nhiệt não ngã tâm, bất đắc thanh lương.
(鈔)勞煩我心,不得安穩,熱惱我心,不得清涼。
(Sao: Nhọc phiền tâm ta, chẳng được an ổn, khiến tâm ta nóng nảy, bứt rứt, chẳng được thanh lương).
Vì thế, gọi nó là phiền não. Cái tên “phiền não” do đó mà có.
(Sao) Hựu huyên phiền chi pháp, bức loạn tâm thần, sử chân minh bất lãng, cố danh phiền não.
(鈔)又喧煩之法,逼亂心神,使真明不朗。故名煩惱。
(Sao: Lại là pháp phiền huyên náo, khiến cho tâm trí bị bức bách, rối loạn, khiến cho chân minh chẳng sáng suốt, nên gọi là phiền não).
“Chân minh” là Chân Như bản tánh, trí huệ vốn có trong bản tánh chẳng thể hiện tiền, bị chúng nó chướng ngại. Danh từ [phiền não] ấy do từ chỗ này mà kiến lập. Hôm nay chúng tôi giảng tới chỗ này!
[1] Quái Tượng (卦象) là hình tượng tổng quát, tức là một sự vật cụ thể trong thiên nhiên, được biểu thị bởi một quẻ. Chẳng hạn Quái Tượng của quẻ Càn là Trời.
[2] Thập Triền (十纏) là mười món phiền não phát sanh từ Tam Độc, nói đầy đủ là Vô Tàm (無慚: không biết tự hổ thẹn), Vô Quý (無愧: không biết xấu hổ đối với người khác), Tật (嫉: ganh ghét), Xan (慳: keo kiệt), Hối (悔: hay nghi ngờ, hối tiếc), Thùy Miên (睡眠: ngủ nghê), Điệu Cử (掉舉: lao chao), Hôn Trầm (昏沉), Sân Phẫn (瞋忿: giận dữ), và Phú (覆: giấu giếm). Nếu xét theo bản chất, những phiền trược này đều xuất phát từ tham, sân, si, ngạo mạn, nên sách Diễn Nghĩa mới nói là mười món Tư Hoặc tham, sân, si, mạn.
[3] “Bốn tâm” ở đây là tham, sân, si và đẳng phần. “Đẳng phần” (等分) nghĩa là tham, sân, si cùng khởi lên một lúc.