#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 189
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm tám mươi chín:
(Diễn) Hựu Pháp Thân giả, sư quỹ Pháp Tánh, hoàn dĩ Pháp Tánh vi thân. Thử thân phi sắc chất, diệc phi tâm trí, phi Ấm, Giới, Nhập chi sở nhiếp trì, cưỡng chỉ Pháp Tánh vi Pháp Thân nhĩ.
(演)又法身者,師軌法性,還以法性為身,此身非色質,亦非心智,非陰界入之所攝持,強指法性為法身耳。
(Diễn: Lại nữa, Pháp Thân noi theo Pháp Tánh, lại còn lấy Pháp Tánh làm thân. Thân ấy chẳng phải là sắc chất, cũng chẳng phải là tâm trí, chẳng bị nhiếp trì bởi Ấm, Giới, Nhập, cưỡng gọi Pháp Tánh là Pháp Thân mà thôi).
Pháp Hoa Kinh Thọ Lượng Phẩm Sớ (lời Sớ cho phẩm Thọ Lượng của kinh Pháp Hoa) chép: “Thọ giả thọ dã, nhược Pháp Thân, Chân Như bất cách chư pháp, cố danh vi Thọ” (Thọ mạng là Thọ (lãnh chịu). Nếu là Pháp Thân, do Chân Như chẳng cách ngăn các pháp, nên gọi là Thọ (lãnh chịu)), giải thích Pháp Thân là gì. Sách Diễn Nghĩa đã giảng rất rõ ràng, văn tự vắn tắt, ý nghĩa trọn đủ, dễ nhớ. “Sư quỹ Pháp Tánh”: Pháp Thân là Pháp Tánh. Pháp Tánh chẳng phải là vật chất, nên nó chẳng phải là sắc pháp, mà cũng chẳng phải là tâm trí, cho nên cũng chẳng phải là tâm pháp, nhưng hết thảy sắc pháp và tâm pháp đều do nó biến hiện. Triết học cận đại gọi nó là “bản thể của vạn hữu trong vũ trụ”; trong Phật pháp, nó được gọi là Pháp Thân. “Sư quỹ Pháp Tánh”, “sư” (師) có nghĩa là sư pháp (師法: tuân theo, vâng theo), tuân theo pháp. “Quỹ” (軌) là quỹ tắc (軌則: đường lối, khuôn khổ), giống như xe lửa chạy trên đường rầy. Pháp Tánh là thể tánh của hết thảy các pháp, chúng ta gọi nó là Pháp Tánh, nó cũng là bản thể của hết thảy các pháp. Chúng ta gọi Pháp Tánh là thân, thân ấy chẳng phải là thân thể của chúng ta, mà là thân của vạn pháp trong toàn thể vũ trụ; thân ấy được gọi là Pháp Thân.
“Thử thân phi sắc chất, diệc phi tâm trí” (Thân ấy chẳng phải là sắc chất, mà cũng chẳng phải là tâm trí). Pháp Thân chẳng phải là sắc pháp, mà cũng chẳng phải là tâm pháp. Đức Phật nói đến sắc và tâm, thường triển khai tỉ mỉ thành Ngũ Ấm, Thập Nhị Xứ, Thập Bát Giới, kinh Lăng Nghiêm nói rất cặn kẽ. Pháp Thân có phải là những thứ ấy hay không? Chẳng phải! Thảy đều chẳng phải! Pháp Thân cũng chẳng rời lìa những thứ ấy, vì hết thảy các pháp đều do Pháp Tánh biến hiện, nơi hữu tình chúng sanh, chúng ta gọi nó là Phật Tánh, nơi vô tình chúng sanh thì gọi là Pháp Tánh. Chư vị phải biết: Pháp Tánh có phạm vi bao quát còn lớn hơn Phật Tánh. Nói thật ra, chúng là một tánh, chẳng phải là hai tánh. Hiểu đạo lý này, chúng ta mới chẳng hoài nghi câu “tình và vô tình, cùng viên thành Chủng Trí” trong kinh Hoa Nghiêm, vì tất cả vạn pháp đều sanh từ cùng một căn nguyên.
“Cưỡng chỉ”, “cưỡng” (強) là miễn cưỡng. Trên thực tế, chỉ có thể hiểu ý, chẳng thể diễn tả bằng ngôn ngữ. Vì thế, nói đến chỗ này, “ngôn ngữ dứt bặt, tâm hành xứ diệt”. Không chỉ là nói chẳng được, mà ngay cả nghĩ tưởng cũng chẳng thể nghĩ tưởng được! Hễ nghĩ tưởng bèn rơi vào tâm trí, hễ nói năng sẽ rớt vào sắc chất. Nó có thật, chẳng phải là không có, thật sự tồn tại. Tuy tồn tại, lục căn của chúng ta chẳng có cách nào tiếp xúc. Nói thật ra, chẳng phải là lục căn không thể tiếp xúc! Nếu bảo là lục căn không thể tiếp xúc, cớ sao Phật và đại Bồ Tát có thể tiếp xúc? Có thể thấy bọn phàm phu chúng ta sở dĩ chẳng thể tiếp xúc là vì còn có chướng ngại trong ấy. Chướng ngại gì vậy? Chướng ngại rất nhiều, trong kinh, đức Phật đã quy nạp khá nhiều thứ chướng ngại ấy thành hai loại lớn: Một loại lớn là Phiền Não Chướng, loại lớn kia là Sở Tri Chướng. Chỉ cần hai thứ chướng ngại này tồn tại, sẽ chẳng có cách nào thấy Pháp Thân.
Thấy Pháp Thân thì mới coi như tìm được chính mình, tức là cái được Thiền gia gọi là “phụ mẫu vị sanh tiền bản lai diện mục” (diện mạo vốn có trước khi được cha mẹ sanh ra), coi như quý vị đã tìm được chính mình. Chẳng thấy Pháp Thân, nói thật ra là mê mất chính mình, chính mình ở đâu chẳng biết! Do vậy có thể biết, chuyện này hết sức trọng yếu, chúng ta học Phật nhằm mục đích nào? Mong tìm được Pháp Thân, Thiền Tông nói là “minh tâm kiến tánh”, kiến tánh đã tìm được [Pháp Thân]. Tánh là gì? Tánh là Pháp Tánh, là Pháp Thân, đã tìm được nó. Phải như thế nào thì mới kiến tánh? Phải minh tâm. Nay cái tâm của chúng ta chẳng minh, tâm một mực hồ đồ. Do đó, phải thực hiện “công tác” minh tâm!
Phải làm sao thì tâm mới minh? Vậy thì trước hết quý vị trước phải tự hỏi: Vì sao tâm chẳng minh? Trong tâm có vọng niệm sẽ chẳng minh, có phân biệt sẽ không minh, có vọng tưởng sẽ không minh, có phiền não, có chấp trước sẽ không minh. Những thứ ấy điều nào chúng ta cũng có đầy đủ; vì thế, tâm chẳng minh, chẳng thấy Pháp Tánh! Mê mất chính mình, do mê nên mới có lục đạo luân hồi. Lục đạo luân hồi do ai tạo ra? Mê tạo ra! Chính mình mê, chính mình tạo, chính mình hứng chịu, quý vị thấy oan uổng quá đi! Trong kinh, đức Phật thường cảm thán: “Kẻ đáng thương xót”, rất đáng thương! Tự làm, tự chịu. Có những thứ ấy hay chăng? Thưa cùng chư vị, thật sự chẳng có, lục đạo cũng chẳng có, luân hồi cũng chẳng có. Tuy chẳng có, nhưng chính quý vị khăng khăng tạo ra cho có, giống như nằm mộng, mộng là thật hay giả? Thật sự chẳng có! [Đã là] thật sự chẳng có, mà quý vị cứ khăng khăng muốn nằm mộng, mỗi ngày gặp ác mộng, mỗi ngày sợ đến nỗi toàn thân mướt mồ hôi lạnh, do đâu mà khổ sở thế? Do mê mất chính mình nên mới có hiện tượng này.
Cảnh giới Lý nhất tâm bất loạn được nói trong Tịnh Độ Tông chẳng hai, chẳng khác [cảnh giới] “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật” trong nhà Thiền. Chư vị phải biết: So sánh giữa Thiền và Tịnh, Thiền khó khăn! Thiền nếu không thấy tánh, chẳng có thành tựu. Nói cách khác, luống uổng một đời! Dẫu đắc Thiền Định, sanh lên Sắc Giới Thiên hoặc Vô Sắc Giới Thiên, khi thọ mạng đã hết, vẫn phải đọa lạc. Vì vậy, chẳng thể coi là thành tựu, vẫn phải luân hồi trong lục đạo y như cũ. Nhưng muốn do Thiền mà kiến tánh, có mấy ai [tu thành công]? Nếu chúng ta đọc lịch sử Thiền Tông, từ xưa tới nay, có mấy ai khai ngộ kiến tánh do Thiền? Chưa được một phần vạn! Trong một vạn người, khó có được một kẻ thành tựu. Đó là trong quá khứ, cận đại thì chỉ sợ trong mười vạn người hoặc trăm vạn người, chẳng tìm được một ai! Vì sao? Tâm họ chẳng tĩnh được. Xã hội hiện thời có sức dụ dỗ, mê hoặc quá lớn, dụ dỗ, mê hoặc quá nhiều, quá phức tạp. Xã hội xưa kia đơn thuần mà thành tựu còn ít ỏi ngần ấy, huống hồ hiện thời!
Pháp môn Tịnh Độ Tông, vạn người tu vạn người đến, một vạn người tu, một vạn người thành công. Thiền là một vạn người tu, khó có một kẻ thành công, quý vị vẫn hành pháp ấy hay sao? Phải hiểu rõ chân tướng sự thật, biết pháp môn ấy không thể theo! Chẳng phải là pháp môn không hay, mà là do nghiệp chướng của chính mình quá nặng, chẳng thể hành trót lọt! Pháp môn này (Tịnh Độ) là đới nghiệp vãng sanh; vì thế, hành trót lọt, chẳng cần đoạn phiền não. Tuy chẳng đoạn phiền não, nhưng chư vị phải biết: Ắt phải do một câu Phật hiệu khuất phục phiền não thì mới có thể vãng sanh. Khuất phục phiền não dễ hơn đoạn phiền não quá nhiều. Chúng ta suy nghĩ [sẽ thấy chính mình] chẳng có năng lực đoạn phiền não, nhưng chế phục phiền não thì vẫn có thể làm được! Phải quý trọng pháp môn này, đến Tây Phương Cực Lạc thế giới bèn thành tựu Lý nhất tâm bất loạn, đó là chứng Pháp Thân.
Chiếu theo cách nói trong kinh Vô Lượng Thọ, pháp môn này thật sự là pháp khó tin. Không vãng sanh thì thôi, chẳng bàn tới nữa, chứ vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, dẫu là hạ hạ phẩm vãng sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư, kinh đã dạy rõ ràng: Bốn mươi tám nguyện chẳng giả, đức Phật nói người sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới đều chứng đắc A Bệ Bạt Trí. A Bệ Bạt Trí là cảnh giới gì? Cảnh giới của bậc Thất Địa Bồ Tát trong Đại Thừa Viên Giáo, tuyệt diệu thay! Sơ Trụ đã minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật. Từ Sơ Trụ đạt đến Thất Địa, chẳng thể nghĩ bàn! Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, ba mươi địa vị ấy, lại thêm Thất Địa, tức là đã vượt trỗi ba mươi bảy địa vị, làm sao có thể khiến cho kẻ khác tin tưởng cho được! Do vậy, pháp môn này được gọi là pháp khó tin. Không chỉ là phàm nhân khó tin, mà khá nhiều bậc Đại Thừa Bồ Tát cũng chẳng thể tin tưởng.
Kinh cũng nói rất hay: Nếu pháp môn này chẳng được Phật lực gia trì, tuyệt đối chẳng phải là chúng sanh trong chín pháp giới có thể cậy vào năng lực của chính mình để liễu giải! Chín pháp giới bao gồm cả Bồ Tát, trong hàng Bồ Tát bao gồm Đẳng Giác Bồ Tát. Nếu Đẳng Giác Bồ Tát chẳng được Phật lực gia trì, cũng chẳng hiểu rõ Tây Phương Cực Lạc thế giới. Nay chúng ta có thể tin tưởng, có thể phát nguyện, đều là do Phật lực gia trì. Chẳng do Phật lực gia trì, ngay cả Đẳng Giác Bồ Tát cũng không [tin pháp môn này], chúng ta là hạng phàm phu lè tè sát đất làm sao có thể tin tưởng cho được? Do đó, ngày nay có khá nhiều người chẳng thể tiếp nhận, chẳng thể tin tưởng pháp môn này, quý vị ngàn vạn phần đừng hoài nghi, đừng nên chê trách. Chúng ta có thể tin tưởng tức là rất may mắn, chướng ngại ít hơn một chút, được Phật gia trì; những kẻ chẳng thể tiếp nhận, nghiệp chướng nặng nề, Phật lực có muốn gia trì họ cũng chẳng thể gia trì được, do có chướng ngại trong ấy.
(Diễn) Chân như bất cách giả, dĩ nhất thiết pháp tất giai chân cố, nhất thiết pháp giai đồng như cố.
(演)真如不隔者,以一切法悉皆真故,一切法皆同如故。
(Diễn: Chân Như chẳng ngăn cách: Do hết thảy các pháp đều
thật, hết thảy các pháp đều Như).
Hai câu này có ý nghĩa quá sâu. Bậc Viên Giáo Sơ Trụ trở lên thấy Pháp Tánh, chúng ta chẳng thấy, là do đạo lý “Chân Như bất cách”. Chân Như chẳng có chướng ngại, đó gọi là “Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại”. Thế gian này đích xác là chẳng có chướng ngại, chướng ngại do đâu mà có? Do mê mà có. Mê là phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, phiền não, do có những thứ ấy nên có chướng ngại. Chẳng có những thứ ấy, tất cả chướng ngại đều chẳng có. Vì Chân Như chẳng ngăn cách, nên không có một pháp nào chẳng Chân, chẳng có pháp nào không Như! “Chân” là nói tới bản thể của Pháp Tánh, tức tánh thể; Như là nói tới tác dụng của Pháp Tánh. Nó chẳng có tướng, mà nó có thể biến hiện hết thảy tướng. Nó chẳng phải là sắc pháp, mà có thể biến hiện sắc pháp. Nó chẳng phải là tâm pháp, mà có thể biến hiện tâm trí. Sắc và tâm đều do nó biến. Vì thế, sắc và tâm đều giống hệt như nhau!
Vừa mở kinh điển Đại Thừa ra, câu đầu tiên là Như Thị Ngã Văn. Như Thị được giải thích như thế nào? Chính là “Chân Như bất cách” như đang nói ở đây. Hết thảy các pháp đều Chân, hết thảy các pháp đều Như. Như Thị có ý nghĩa như vậy đó. Hai chữ Như Thị đã nói trọn vẹn tất cả Phật pháp. Một bộ Đại Tạng Kinh ngàn vạn ngôn từ đều nhằm chú giải hai chữ Như Thị mà thôi! Quý vị hiểu hai chữ ấy, có còn phải xem Đại Tạng Kinh nữa hay không? Chẳng cần! Do đó, chư vị thật sự ngộ nhập, đã hiểu, khi ấy, có thể vỗ tay cười to ha hả, những gì đức Thích Ca Mâu Ni Phật đã giảng trong suốt bốn mươi chín năm là một đống to đùng lời lẽ thừa thãi! Đại Tạng Kinh là giấy lộn, rác rưởi! Ai cần nó? Người mê mới cần! Người đã ngộ chẳng cần tới. Kẻ miệt mài trong đống giấy cũ, suốt một đời vẫn chẳng thể khai ngộ. Học Phật, Phật bảo quý vị khai ngộ, chẳng phải là bảo quý vị miệt mài trong đống giấy cũ, chẳng bảo quý vị đọc rất nhiều kinh. Chớ nên hiểu lầm, hãy ngộ gì? Ngộ Pháp Tánh, Pháp Tánh mới là căn bản, mới là diện mạo chính mình vốn sẵn có, điều này là trọng yếu! Ba thân lấy Pháp Thân làm căn bản. Ai nấy đều trọn đủ Pháp Thân. Nếu quý vị chẳng có Pháp Thân, cái thân này do đâu biến hiện? Cảnh giới trước mắt chúng ta do đâu biến hiện? Toàn là do Pháp Thân biến hiện. Vì thế, Pháp Thân ai nấy đều trọn đủ, chẳng ai không có, lại còn chắc chắn là bình đẳng, Pháp Thân là bình đẳng.
Tựa đề Đại Kinh đã phô bày [rõ rệt]: Pháp Thân Lý thể là Vô Lượng Thọ, thật sự vô lượng, chẳng phải là “hữu lượng chi vô lượng”, mà là thật sự vô lượng, tức là vô lượng thọ. Tướng Pháp Thân là Trang Nghiêm, tác dụng của Pháp Thân là Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác. Chúng ta tu hành, tu những gì? Tu thanh tịnh, tu bình đẳng, tu giác chứ không mê, quả là trang nghiêm, là vô lượng thọ, quý vị thảy đều đạt được. Trang Nghiêm là Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại. Vô Lượng Thọ là Chân Như biến hiện hết thảy các pháp, pháp nào cũng đều Như, pháp nào cũng đều thật.
Người biết học nắm vững cương lãnh, nắm những thứ này để học, chẳng cần phải học những thứ cành lá! Vì sao nhập môn bèn bảo quý vị dùng đọc kinh để nhập môn? Đọc kinh nhằm tu tâm thanh tịnh, tu tâm bình đẳng, tu giác tâm, tu những điều ấy. Quý vị niệm kinh này một lần, tâm quý vị bèn thanh tịnh một lần. Mỗi lần là hai tiếng đồng hồ, quý vị tu tâm thanh tịnh hai tiếng đồng hồ. Niệm một tiếng đồng hồ là quý vị tu tâm thanh tịnh một tiếng đồng hồ. Do đó, niệm kinh chẳng cần mong hiểu nghĩa, hiểu nghĩa chính là suy nghĩ loạn xạ. Kinh chẳng có ý nghĩa, quý vị cứ khăng khăng tìm tòi ý nghĩa trong ấy, chẳng phải là hỏng bét ư! Nó vừa chẳng phải là sắc pháp, mà cũng chẳng phải là tâm trí, há có ý nghĩa gì? Chẳng có ý nghĩa, cứ khăng khăng tìm ý nghĩa trong ấy, đó gọi là “dấy vọng tưởng, chẳng thật thà”, quý vị vĩnh viễn chẳng tìm thấy thanh tịnh Pháp Thân! Điều này vô cùng khẩn yếu. Lại xem đến Báo Thân, Báo Thân là Pháp Thân hiện tướng, là Pháp Thân khởi tác dụng. Báo Thân là tác dụng của Pháp Thân.
(Diễn) Hựu Báo Thân giả, tu hành sở cảm.
(演)又報身者,修行所感。
(Diễn: Lại nữa Báo Thân là do tu hành cảm vời).
Báo Thân là trí huệ, là tâm trí, [tức là] trí huệ.
(Diễn) Pháp Hoa vân: “Huệ quang chiếu vô lượng, cửu tu nghiệp sở đắc”.
(演)法華云:慧光照無量,久修業所得。
(Diễn: Kinh Pháp Hoa chép: “Huệ quang chiếu vô lượng, nghiệp tu lâu đạt thành”).
Đối với hai câu này, tôi nghĩ chẳng có chữ nào là khó, đều nhận ra, mà cũng có thể niệm được, nhưng có thể thấu hiểu ý nghĩa hay không? Nếu quý vị thật sự lãnh hội, chắc chắc sẽ thành tựu trong một đời này. Kinh chẳng cần nhiều, một câu hoặc hai câu là đủ dùng rồi, thọ dụng suốt một đời này chẳng hết. Trong đây, điều quan trọng nhất là phải Chiếu, kế đó là “tu lâu”, đó là những chữ then chốt trong câu này. Như nhà Thiền đã nói, mọi người thường niệm Tâm Kinh, [trong ấy có câu] “chiếu kiến Ngũ Uẩn giai không”. Cương lãnh tu học trong nhà Thiền không chỉ thích hợp với Thiền Tông. Hễ nói tới cương lãnh thì Đại Thừa lẫn Tiểu Thừa đều thích hợp. Trong phương pháp tu hành, bước đầu là sử dụng Quán Chiếu. Quán Chiếu lâu ngày sẽ Định, tức là Chiếu Trụ. Chiếu Trụ là đắc Định. Trong Định lại khai trí huệ, trí huệ vừa khai liền Chiếu Kiến. Trong ba bậc công phu ấy, tầng thứ nhất là Quán Chiếu, tầng thứ hai là Chiếu Trụ, tầng thứ ba là Chiếu Kiến, Tâm Kinh là Chiếu Kiến.
Đem phối hợp với Tịnh Độ, chúng ta gọi Quán Chiếu là công phu thành phiến. Ví như nay chúng ta dùng phương pháp niệm kinh Vô Lượng Thọ, đích xác là một phương pháp tốt đẹp. Ta mỗi ngày niệm ba lượt hoặc năm lượt, đó là tu Quán Chiếu. Tịnh Độ Tông nói là “chế phục phiền não”. Ta dùng phương pháp này để chế phục phiền não. Chế phục lâu ngày, phiền não chẳng còn nữa, đoạn mất. Phiền não đoạn mất sẽ là Sự nhất tâm bất loạn. Thiền Tông gọi Sự nhất tâm bất loạn là Chiếu Trụ, Tịnh Độ Tông gọi là Niệm Phật Tam Muội. Công phu lại tăng cao hơn bèn chứng Lý nhất tâm bất loạn. Lý nhất tâm bất loạn là Chiếu Kiến, là thấy bản tánh. Do vậy có thể biết: Sự nhất tâm chỉ đắc Định, chẳng khai huệ; Lý nhất tâm bèn khai trí huệ, là bậc Viên Giáo Sơ Trụ Bồ Tát trở lên. Nói theo Lục Tức Phật của tông Thiên Thai, Pháp Thân là Lý Tức Phật, tức là Lý Thể ai nấy đều có. Công phu thành phiến là Quán Hạnh Tức Phật, Quán Chiếu như Thiền gia đã nói chính là Quán Hạnh Tức Phật. Chiếu Trụ là Sự nhất tâm bất loạn, là Tương Tự Tức Phật. Tương Tự nghĩa là rất giống Phật, nhưng vẫn chưa phải là Chân Phật, mà là Tương Tự Phật. Đạt đến Chiếu Kiến bèn là Lý nhất tâm bất loạn, là Phần Chứng Tức Phật. Đó là thật, chẳng giả, nhập địa vị Phần Chứng. Vì lẽ đó, Báo Thân là từ Sơ Trụ trở lên, cũng là cảnh giới “chiếu kiến Ngũ Uẩn giai Không” như Tâm Kinh đã nói, chính là cảnh giới Lý nhất tâm bất loạn trong Tịnh Độ Tông.
Vì vậy, cương lãnh trọng yếu trong tu hành là phải quán chiếu, phải là huệ quang chiếu vô lượng. Huệ quang trong Tịnh Tông là tụng kinh, trì danh. Một tiếng Phật hiệu là một tiếng vô lượng quang minh, từng tiếng Phật hiệu là từng tiếng vô lượng quang. Quý vị niệm kinh hay niệm Phật là vô lượng quang, vô lượng thọ, không ngừng chiếu. Nay chúng ta cũng niệm kinh, cũng niệm Phật, vì sao chẳng có hiệu quả? Quý vị chẳng tu đã lâu! Lâu là lâu cỡ nào? Tôi nói cho quý vị biết: Ba tháng! Quý vị có chịu làm hay không? Ba tháng mà quý vị cũng chẳng chịu làm, còn nói chi nữa! Phải trì thường hằng thì quý vị mới có thể thành công. Tuyệt đối chẳng phải là tu đôi ba ngày bèn có hiệu quả, chẳng hề có chuyện đó! Tôi dạy quý vị một phương pháp, mỗi ngày niệm kinh Vô Lượng Thọ một lượt, hoặc hai lượt, ba lượt, mỗi ngày [đều niệm như thế] chẳng gián đoạn; sau ba tháng quý vị sẽ có cảm nhận, tâm sẽ thanh tịnh, phiền não ít đi, trí huệ tăng trưởng, đó chính là hiệu quả. Quý vị niệm càng nhiều, sức mạnh càng lớn. Người thật sự niệm suốt ba tháng, bèn có tín tâm, vì sao? Đã nếm được pháp vị, bèn có thể sanh tâm hoan hỷ. Niệm nửa năm, tâm sẽ kiên cố, chẳng bị dao động. Các pháp môn khác dụ dỗ, mê hoặc, người ấy chẳng dễ dàng bị dao động. Vì sao? Người ấy đã dần dần đặt vững căn cội nơi ấy, đã nếm được công đức lợi ích. Nay chúng ta còn bị cảnh giới bên ngoài dao động, vẫn còn nghĩ Đông tưởng Tây, tức là ngay cả căn còn chẳng có, thật sự chẳng có hai chữ “tu lâu”! Ba tháng công phu mà chúng ta cũng chẳng có, nói gì được nữa!
Đối với các bậc cổ đức, chư vị đọc ngữ lục của Thiền Tông, hoặc đọc Cao Tăng Truyện, Nho lẫn Phật đều nói tới sư thừa, học theo một vị thầy, thầy dạy những gì? Từ truyện ký hoặc lịch sử, chúng ta chẳng thấy thầy giảng kinh, thuyết pháp cho học trò mỗi ngày. Gương điển hình nhất [được ghi chép trong] Lục Tổ Đàn Kinh. Lục Tổ ở núi Hoàng Mai, Ngũ Tổ dạy Ngài những gì? Ngày đầu tiên gặp mặt, nói mấy câu, liền sai Ngài đến làm việc trong xưởng xay xát, đó là truyền pháp, có mấy ai biết? Làm lụng nhọc nhằn tám tháng, Ngũ Tổ biết Ngài đã thành tựu, bèn nửa đêm canh ba tìm Ngài truyền y bát cho. Suốt tám tháng Lục Tổ chẳng bước vào Thiền đường, chẳng nghe Ngũ Tổ thuyết pháp, đó gọi là truyền tâm! Làm việc là tu phước, trong khi làm lụng chẳng có một vọng tưởng nào, một niệm chẳng sanh, Định lẫn Huệ đều thành tựu. Vì thế, Lục Tổ ở Hoàng Mai tám tháng là phước huệ song tu! [Sau khi đã tu viên mãn bèn] rời khỏi sư phụ, ra đi!
Sư phụ dạy đồ đệ, trao cho quý vị một bản kinh, trao cho quý vị kinh Pháp Hoa hoặc kinh Lăng Nghiêm, mỗi ngày niệm một lần, niệm suốt năm năm. Niệm xong năm năm mới lại đến gặp ta, ta sẽ truyền pháp cho ngươi. Niệm xong năm năm, hướng về sư phụ thỉnh pháp, sư phụ bảo: “Pháp tại nhữ biên” (Pháp ở ngay nơi ngươi), ngay lập tức đạt được! Vì sao? Trong năm năm ấy, Định và Huệ đã thành tựu viên mãn. Đó là vị thầy Căn Bản, sau đấy mới ra ngoài tham học, tham học nhằm thành tựu Hậu Đắc Trí. Thành tựu Căn Bản Trí từ tay thầy, Căn Bản Trí là Bát Nhã vô tri. Do đó, đối với sư thừa, thầy dạy quý vị vô tri, chẳng nhằm dạy quý vị hữu tri! Dạy quý vị hữu tri là hỏng rồi! Dạy quý vị đắc tâm thanh tịnh như thế nào, trong tâm thanh tịnh tự nhiên sanh ra trí huệ. Nếu quý vị chẳng nghe lời thầy, vẫn lén lút mong học điều này, học điều nọ, thôi rồi. Thầy thấy vậy: “Đứa học trò này hết cách, đã hết cách thì cũng chẳng thể miễn cưỡng!” Trong Phật pháp, nhất định chẳng thể miễn cưỡng một ai! Nghe lời thì quý vị sẽ tự nhiên đạt thành tựu; chẳng nghe lời, chẳng thể thành tựu. Thầy thật sự dạy, thật sự dạy những gì? Thứ gì cũng không dạy! Điều gì cũng không dạy là thật sự dạy! Mầu nhiệm ở chỗ này! Phật pháp hoàn toàn khác pháp thế gian, hy vọng mọi người hãy thường thấu hiểu, đó là pháp vị. “Cửu tu nghiệp sở đắc” (Là điều đạt được do hạnh nghiệp tu trì đã lâu), một pháp môn!
Trong các buổi giảng, chúng tôi thường kể với chư vị: Đồ đệ của lão hòa thượng Đế Nhàn niệm một câu A Di Đà Phật, niệm ba năm bèn đứng vãng sanh. Sau khi đã vãng sanh, vẫn đứng sững ba ngày, chờ sư phụ đến lo liệu hậu sự cho chính mình. Ông ta chỉ có một câu A Di Đà Phật. Quý vị thấy lão hòa thượng dạy ông ta đơn giản lắm: “Ông cứ thật thà niệm. Niệm mệt bèn nghỉ ngơi. Nghỉ khỏe khoắn xong bèn niệm tiếp”. Ông ta thật sự nghe lời, niệm ba năm, do nghiệp tu đã lâu bèn đạt được, niệm đến mức nhất tâm bất loạn! Biết trước lúc mất, chẳng ngã bệnh, trước ngày vãng sanh, còn đến gặp thân thích, bằng hữu để từ biệt, ngày hôm sau tự tại ra đi. Nếu ông ta chẳng thật thà, còn muốn xem kinh này, vừa muốn theo đuổi kinh sám, vừa muốn làm pháp hội, vừa muốn giao tế, thù tạc, thôi rồi, ba mươi năm cũng chẳng thể thành tựu! Vị thầy ấy mới đúng là ân sư! Lão pháp sư Đế Nhàn đưa ông ta đến một ngôi chùa nhỏ tại vùng quê, trước nay chẳng gặp ông ta một lần! Sau khi đưa ông ta đến đó ba năm, lại đến lo liệu hậu sự, Ngài là vị thầy chân chánh. Há có phải là thầy suốt ngày từ sáng đến tối trông chừng, đó là thầy kiểu gì vậy! Nhìn vào các tấm gương sư thừa xưa nay, hãy nên lãnh ngộ, nhất định phải là phước huệ song tu. Vì lẽ đó, hai câu kinh Pháp Hoa này rất hay! Phải học!
(Diễn) Niết Bàn vân: Đại Bát Niết Bàn tu đạo đắc cố.
(演)涅槃云:大般涅槃修道得故。
(Diễn: Kinh Niết Bàn nói: “Đại Bát Niết Bàn là do tu đạo mà đắc”).
Niết Bàn (Nirvāṇa) là tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Diệt, [hàm ý] diệt phiền não, diệt vọng tưởng, diệt sanh tử, những thứ ấy đều diệt thì gọi là Niết Bàn. Niết Bàn còn dịch là Viên Tịch, Viên (圓) là viên mãn, Tịch (寂) là thanh tịnh tịch diệt. Người hiện thời lầm lạc, ngỡ chết là Niết Bàn. Nếu chết là Niết Bàn, thì Niết Bàn có còn phải tu nữa không? Chẳng cần phải tu, nhất định phải hiểu điều này! Đấy là lầm lẫn quá đỗi! Chư vị phải hiểu: Niết Bàn là chứng đắc ngay trong khi còn sống, chẳng phải là chết rồi mới chứng đắc. Đại Bát Niết Bàn (Mahāparinirvāṇa): Đại là Đại Thừa. Tiểu Thừa bát Niết Bàn, chỉ diệt Kiến Tư phiền não, hãy còn có Trần Sa và Vô Minh mà họ chẳng biết. Đại Bát Niết Bàn là Trần Sa phiền não và Vô Minh phiền não thảy đều diệt hết, là do “tu đạo đắc cố” (do tu đạo mà đạt được). Đại Bát Niết Bàn là do tu đạo thì mới có thể đạt đến. Đại Bát Niết Bàn là Pháp Tánh, là Pháp Thân được nói trong phần trước, nhất định phải tu đạo thì mới có thể đạt đến.
(Diễn) Thử thân phi thân, phi bất thân, cưỡng danh thử trí vi Báo Thân nhĩ.
(演)此身非身非不身,強名此智為報身耳。
(Diễn: Thân này chẳng phải là thân, chẳng phải là không phải thân, cưỡng gọi trí ấy là Báo Thân mà thôi).
Chẳng thể nói Báo Thân là thân, mà cũng chẳng thể nói nó không phải là thân. Quý vị nói nó chẳng phải là thân ư? Thân tồn tại. Quý vị bảo nó là thân ư? Thân này chẳng phải là Báo Thân. Tuy thân này chẳng phải là Báo Thân, nhưng nó là chỗ nương vào của Báo Thân. Báo Thân là trí huệ, tức là đối với vũ trụ, đối với nhân sinh, đối với hoàn cảnh, đối với chính mình, đều triệt để nhận biết, triệt để hiểu rõ, nương tựa vào cái thân này, “phi thân, phi bất thân” (chẳng phải là thân, chẳng phải là không phải thân). Chư vị nhất định phải biết: Báo Thân là nói theo phương diện trí huệ, trí huệ là nói theo sự ngộ nhập Pháp Tánh. Vì lẽ đó, hàng Bồ Tát bình phàm chẳng có Báo Thân. Từ Viên Giáo Sơ Trụ trở lên mới có Báo Thân. Nói cách khác, chẳng kiến tánh, thân này chẳng gọi là Báo Thân. Ngày nào, quý vị minh tâm kiến tánh, thân này là Báo Thân. Chúng ta niệm Phật, niệm đến mức Lý nhất tâm bất loạn, đắc Lý nhất tâm bất loạn thì khi ấy, thân này là Báo Thân. Chẳng chứng đắc Lý nhất tâm, bèn chẳng phải là Báo Thân; nhưng cũng coi như là Báo Thân, cái Báo Thân ấy chính là thân nghiệp báo! Thân nghiệp báo chẳng giống Báo Thân của hàng Bồ Tát. Báo Thân của Bồ Tát là trí báo, là trí huệ Bát Nhã, còn thân chúng ta là thân do nghiệp thiện ác [cảm vời], là thân nghiệp báo! Vì vậy, [thân của] lục đạo chúng sanh là thân nghiệp báo.
(Diễn) Cảnh trí tương ứng giả, như như trí chiếu như như cảnh, Bồ Đề trí huệ, dữ Pháp Tánh tương ứng, tương minh dã.
(演)境智相應者,如如智照如如境,菩提智慧,與法性相應相冥也。
(Diễn: Cảnh trí tương ứng: Như như trí chiếu như như cảnh, trí huệ Bồ Đề tương ứng và ngầm khế hợp Pháp Tánh).
Nêu rõ cảnh giới của Báo Thân, tâm và cảnh như một, dung thông vô ngại. Giống như trong giảng đường của chúng ta có nhiều đèn như thế. Sau khi bật đèn, ánh sáng hòa nhập lẫn nhau. Mỗi ngọn đèn có ánh sáng riêng của nó, nhưng ở đây, quý vị có thể tách bạch giới tuyến ánh sáng của từng ngọn đèn hay không? Chỗ nào là do ánh sáng của ngọn đèn ở đây [chiếu sáng], có thể tách bạch hay không? Vì sao? Chúng đã dung hòa thành một thể, giống như nước và sữa hòa lẫn, các ánh sáng chiếu rọi lẫn nhau.
Cảnh (境) là cảnh giới, Trí (智) là tâm trí. Chúng ta thường nói là “tánh, tướng chẳng hai, Lý, Sự như một” đều nhằm nói về chuyện này. “Như như trí chiếu như như cảnh”, như như trí là năng chiếu, như như cảnh là sở chiếu. Vì sao phải thêm “như như” vào trí? Hai chữ Như ấy, chữ Như thứ nhất là động từ, chữ Như thứ hai là danh từ. Chữ Như thứ hai chính là Chân Như, là Pháp Tánh, bản tánh, cũng có thể nói nó là chân tâm. Chân tâm khởi tác dụng là trí huệ. Cảnh giới cũng là như thế, như như cảnh mà! Như chính là Như trong câu Như Thị Ngã Văn mở đầu một bản kinh, nói trọn hết các pháp. Nếu tâm quý vị chẳng Như, cảnh cũng chẳng Như. Tâm và cảnh còn có chướng ngại, tức là Lý Sự hữu ngại! Tâm và cảnh có chướng ngại, giữa các Sự đều có chướng ngại, giữa các cảnh với nhau đều có chướng ngại. Đó là Sự Sự hữu ngại! Nếu quý vị minh tâm kiến tánh, Lý Sự vô ngại, Sự Sự cũng vô ngại, cảnh giới ấy chính là “cảnh trí tương ứng, như như trí chiếu như như cảnh”. Thưa cùng chư vị, đối với câu nói này, [tức câu] “như như trí chiếu như như cảnh”, một phẩm cuối cùng của kinh Hoa Nghiêm là Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện Phẩm gồm bốn mươi quyển nhằm giảng điều gì? Nhằm giảng một câu này! Câu này nếu nói cặn kẽ sẽ là bốn mươi quyển của kinh Hoa Nghiêm. Năm mươi ba lần tham học của Thiện Tài đồng tử là “như như trí chiếu như như cảnh”, Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại, Nhất Chân pháp giới, đó là cảnh giới của thế giới Hoa Tạng, là cảnh giới của Tây Phương Cực Lạc thế giới. Vì vậy, câu này là đề mục của bốn mươi quyển cuối trong kinh Hoa Nghiêm, kinh văn trong bốn mươi quyển nhằm giải thích tỉ mỉ [một câu kinh này]. Vì lẽ đó, hai chữ Như Như quan trọng lắm!
Khi nào thì tâm chúng ta mới có thể giống như chân tâm bản tánh? Tu hành mà chẳng chú trọng chuyện này, sẽ là sai lầm đặc biệt to lớn. Khi nào quý vị có thể thành tựu? Chẳng thể nào có chuyện ấy. Nói theo thực tiễn cụ thể, nhất định là phải tu tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, vì chúng là như như. Tâm không thanh tịnh, tâm bất bình đẳng, thấy gì cũng đều có chướng ngại. Tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tuyệt đối chẳng phải là có thể đạt được từ [xem đọc, nghiên cứu] kinh điển; vì vậy, mọi người ngàn muôn phần đừng mê tín kinh điển. Quý vị niệm Đại Tạng Kinh, đem Đại Tạng Kinh niệm từ đầu đến cuối, niệm suốt một đời, tâm quý vị vẫn chẳng thanh tịnh! Vì sao? Trong kinh này, đức Phật nói như thế này, trong kinh kia đức Phật nói như thế nọ, càng xem nhiều, [sẽ cảm thấy] dường như Thích Ca Mâu Ni Phật nói năng cũng mâu thuẫn lung tung! Một hồi nói Không, một hồi nói Có, rốt cuộc là Không hay Có? Thích Ca Mâu Ni Phật chẳng nói rõ ràng. Vì lẽ đó, quý vị chẳng xem thì còn đỡ, vừa xem liền bị kinh điển làm mê!
Vì thuở ấy, Thích Ca Mâu Ni Phật giảng kinh, quý vị chẳng đích thân hiện diện, chẳng biết vì sao Ngài phải nói những điều ấy. Đối với người chấp trước Có, Thích Ca Mâu Ni Phật nói Không, khiến cho người ấy đừng nên chấp trước Có. Đối với kẻ chấp trước Không bèn nói Có, khiến cho người ấy đừng chấp trước Không. Thích Ca Mâu Ni Phật chẳng mâu thuẫn, Thích Ca Mâu Ni Phật chẳng nói một câu nào! Không gì chẳng nhằm trừ khử chấp trước cho người khác mà thôi! Nay quý vị chấp trước đã quá nhiều, vẫn sợ chẳng đủ, lại chấp trước lời Thích Ca Mâu Ni Phật, càng thêm hỏng bét! Tam thế Phật đều ứa lệ, học Phật kiểu đó làm sao có thể học thành công cho được? Phật [giảng kinh, thuyết pháp] nhằm trừ khử phân biệt, chấp trước. Phân biệt và chấp trước là cái gốc bệnh. Phẩm [Như Lai] Xuất Hiện của kinh Hoa Nghiêm đã nói rất hay: “Hết thảy chúng sanh đều có trí huệ và đức tướng của Như Lai, chỉ vì vọng tưởng, chấp trước nên chẳng thể chứng đắc”. Đức Phật xuất hiện trên thế gian để làm gì? Nhằm giúp chúng ta trừ khử vọng tưởng và chấp trước mà thôi. Người biết dụng tâm, y giáo phụng hành, chẳng có một ai không thể thành tựu. Những kinh văn được trích dẫn ở đây, câu nào cũng đều là tinh hoa, cũng đều hết sức quan trọng. “Bồ Đề trí huệ, dữ Pháp Tánh tương ứng, tương minh” (Trí huệ Bồ Đề tương ứng, ngầm hợp Pháp Tánh). “Tương ứng” là gì? “Tương minh” là gì?
(Diễn) Tương ứng giả, như hàm cái tương ứng.
(演)相應者,如函蓋相應。
(Diễn: Tương ứng là như hộp và nắp khít khao).
Hàm (函) chính là cái hộp. Hộp và nắp vừa khít chặt chẽ, dùng chuyện này để tỷ dụ hai vật phù hợp, vô ngại. Hộp to thì nắp cũng to, hộp nhỏ thì nắp cũng nhỏ.
(Diễn) Tương minh giả, như thủy nhũ tương minh.
(演)相冥者,如水乳相冥。
(Diễn: “Ngầm khế hợp” là như nước và sữa hòa lẫn).
“Minh” (冥) có nghĩa là dung nhập, như nước và sữa hòa lẫn vào nhau. Người hiện thời thường uống sữa bò. Sữa bỏ vào nước liền hòa tan, nước và sữa hòa lẫn thành một, cũng chẳng tách rời được, đó là “tương minh”.
Ý nghĩa ở đây là tương ứng và dung nhập cùng Pháp Tánh. Khi ấy, tâm chính mình là hư không, là pháp giới; hư không pháp giới là chính mình, đấy mới là “tương ứng, tương minh”. Có thể làm được hay không? Thưa cùng chư vị, thật sự có thể làm được. Như thế nào thì mới làm được? Một niệm chẳng sanh bèn tương ứng, bèn tương minh; hễ động một niệm, sẽ chẳng tương ứng. Chân tâm ly niệm, trong chân tâm chẳng có niệm. Hễ có niệm thì là vọng niệm, phải ghi nhớ điều này. Ta có một niệm “phải độ hết thảy chúng sanh” tức là vẫn có vọng niệm. Trong kinh, đức Phật đã nói “Phật chẳng độ chúng sanh”, Phật còn chẳng độ chúng sanh, quý vị làm sao có thể độ chúng sanh? Suốt ngày dấy vọng tưởng! Phật cũng chẳng thuyết pháp, quý vị còn có thể thuyết pháp ư? Chuyện lạ đấy nhé! Kinh Kim Cang đã nói rất hay: Nếu có kẻ nào nói đức Phật thuyết pháp thì đó là báng Phật, đức Phật chẳng thuyết pháp. Thật vậy! Đích xác là đức Phật chẳng thuyết pháp, vì đức Phật trước nay chưa hề khởi tâm động niệm. Giống như chuông trống chưa hề nói chính mình ngân vang, chẳng hề có! Quý vị gõ nó, nó liền phát ra tiếng. Chẳng gõ, sẽ không kêu. Đó gọi là cảm ứng đạo giao. Chúng sanh có cảm, Phật bèn có ứng. Sự cảm ứng ấy tận hư không khắp pháp giới. Nơi nào có cảm, sẽ ứng nơi đấy. Trong Quán Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm đã nói sự tướng này rất rõ ràng: “Thiên xứ kỳ cầu, thiên xứ ứng” (Ngàn xứ khẩn cầu, ngàn xứ ứng). Vì sao có năng lực to dường ấy? Năng lực là bản năng (năng lực sẵn có), là như thế đó. Chỉ cần trong tâm quý vị chẳng có chướng ngại, chẳng có phân biệt, chẳng có chấp trước, tâm địa thanh tịnh bèn chẳng có chướng ngại, sợ nhất là khởi tâm động niệm.
Đấy là Báo Thân, ý nghĩa và cảnh giới của Báo Thân. Văn tự không nhiều lắm, rất đơn giản, nhưng nói rõ ràng, dễ hiểu. Báo Thân là dùng trí huệ làm thân, còn Pháp Thân dùng Lý Thể làm thân. Loại thứ ba…
(Diễn) Hựu Ứng Thân giả, ứng đồng vạn vật vi thân dã, ứng đồng liên trì vi thọ dã.
(演)又應身者,應同萬物為身也,應同連持為壽也。
(Diễn: Lại nữa, Ứng Thân là ứng hiện giống như vạn vật để làm thân, ứng hiện giống như được duy trì liên tục để làm thọ lượng vậy).
Thân tướng hiện tại của chúng ta là Ứng Thân. Vạn vật đều có hình trạng, chúng ta cũng có một hình trạng, coi hình trạng ấy là Thân. Bất luận hữu tình hay vô tình đều có một thân tướng, có hình trạng tồn tại. Chén trà có “thân” của chén trà, nến có thân của nến, đều có một hình tướng, nên gọi là Thân. Đã có thân thì thân có thọ mạng, thọ mạng là “liên trì vi thọ”. “Liên” (連) là tồn tại liên tục, nên gọi là thọ. Thời gian liên tục, dài hay ngắn chẳng nhất định. Liên tục có nghĩa là tiếp nối, dùng chữ này quá hay. “Liên trì” (連持) là tiếp nối (tương tục). Tiếp nối thì chẳng phải là thật sự tồn tại. Thật sự tồn tại thì làm sao có thể dùng từ ngữ “tiếp nối” cho được? Tiếp nối là cái này tiếp theo cái kia, cái kia tiếp theo cái nọ, chẳng ngừng! Giống như chúng ta xem phim, phim xi-nê là từng tấm phim nối tiếp nhau, chẳng ngừng. Hễ ngừng, sẽ chẳng phải là
“tiếp nối”.
Dùng hai chữ “tiếp nối” hoặc “liên trì” (duy trì liên tục), nhằm bảo với chúng ta: Thân hiện tại chẳng thật, mà là tướng tiếp nối đó thôi! Một giây trước và một giây sau khác nhau! [Nói là] “một giây trước” thì thời gian ấy còn quá dài! [Nói đúng ra là] khác nhau trong từng sát-na, nó tiếp nối mà! [Nói là tiếp nối] trong từng sát-na vẫn là quá dài, kinh bảo một cái khảy ngón tay có sáu mươi sát-na, một sát-na là một phần sáu mươi [của thời gian] khảy ngón tay. Trong một sát-na có chín trăm lần sanh diệt, chín trăm lần sanh diệt tiếp tục chẳng ngừng trong ấy, há có thứ gì là thật? Chẳng có! Quý vị nghĩ hết thảy các pháp trong thế gian là thật, tức là lầm lẫn đặc biệt to lớn, hoàn toàn thấy sai bét mất rồi!
Kinh Kim Cang đã nói chân tướng của vũ trụ và nhân sinh rất rõ ràng: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”, “hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng, như sương, cũng như chớp, hãy nên quán như thế”. Đúng vậy, đó là chân tướng của vũ trụ và nhân sinh! Do đó, hết thảy các hiện tượng, chẳng có một hiện tượng nào tồn tại! Những gì chúng ta thấy trong hiện thời đều là tướng tiếp nối. Phải nhận rõ điều này. Sau khi đã nhận biết rõ ràng, quý vị sẽ chẳng còn chấp trước hết thảy hiện tượng. Thưa cùng quý vị, không chấp trước sẽ chẳng có phiền não, vì sao? Ý niệm được mất chẳng còn, biết là chẳng có được mà cũng chẳng có mất. Do có được, nên mới có mất. Có thể đạt được hay không? Không đạt được. “Đạt được” là vọng tưởng, chẳng đạt được! Trong Bách Pháp, khái niệm “đắc” (đạt được) chính là môn thứ nhất trong hai mươi bốn pháp Bất Tương Ứng. Bất Tương Ứng hoàn toàn là khái niệm trừu tượng, trọn chẳng phải là sự thật, thuần túy là vọng tưởng. Quý vị đạt được gì? Thân thể của chính mình mà còn chưa đạt được, nó sanh diệt trong từng sát-na, huống hồ vật ngoài thân? Chẳng có gì để có thể đạt được!
Nhưng có biện pháp để có thể đạt được: Chỉ cần quý vị tìm được Pháp Tánh, sẽ đạt được. Nếu quý vị chẳng tìm được Pháp Tánh, thứ gì cũng chẳng đạt được! Truy đến tận cội nguồn, Pháp Tánh trọng yếu lắm! Nói cụ thể, nhất tâm bất loạn là trọng yếu, tâm thanh tịnh là trọng yếu. Có tâm thanh tịnh bèn chẳng có chướng ngại, chẳng có giới hạn. Có giới hạn, có nhân ngã, có thị phi, tâm chẳng thanh tịnh. Thị phi, nhân ngã, vọng tưởng thảy đều chẳng có, tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh to cỡ nào? Tận hư không khắp pháp giới là một tâm; khi ấy, quý vị biến thế nào đi nữa cũng chẳng ra ngoài bản tánh. Vì thế, quý vị thảy đều đạt được, chẳng có gì không đạt được. Nếu chẳng đạt đến cảnh giới ấy, thứ gì cũng chẳng đạt được! Phật pháp nhằm khiến cho chúng ta thật sự đạt được, đạt được viên mãn! Phật pháp chẳng tiêu cực, trong quá trình tu học, [nhìn bề ngoài] dường như là tiêu cực, nhưng sau khi thành tựu, thật sự là chẳng thể nghĩ bàn!
Trước khi nói đến phần chú giải kế tiếp, tôi phải nói cho quý vị biết một chuyện: Vô lượng thọ trong Tây Phương Cực Lạc thế giới là thật, chẳng phải là giả. Cõi Phàm Thánh Đồng Cư và cõi Phương Tiện Hữu Dư trong các thế giới phương khác đều chẳng thật, chỉ riêng cõi Phàm Thánh Đồng Cư trong Tây Phương Cực Lạc thế giới là thật, điều này chẳng thể nghĩ bàn. Phải thật sự hiểu rõ sự thật này thì quý vị mới có thể thật sự mong mỏi, hâm mộ Tây Phương. Vì sao? Thành tựu trong một đời! Hơn một năm qua, tại Mỹ rất chẳng thể nghĩ bàn! Tại Lạc Sam Cơ (Los Angeles), pháp sư Ấn Hải giảng kinh Vô Lượng Thọ, niệm A Di Đà Phật. Pháp sư Diệu Cảnh ở Cựu Kim Sơn (San Francisco) cũng niệm A Di Đà Phật, cũng đọc kinh Vô Lượng Thọ, điều này chẳng thể nghĩ bàn! Trong quá khứ, họ chẳng tin pháp môn này, nay đều quay về. Không chỉ là tự mình học, mà còn hoằng dương bên đó, khuyên người khác học. Do đó, thế giới Cực Lạc hết sức hy hữu, thật sự chẳng thể nghĩ bàn!
(Diễn) Trí dữ thể minh, năng khởi đại dụng.
(演)智與體冥,能起大用。
(Diễn: Trí và Thể ngầm hợp, có thể khởi tác dụng to lớn).
“Thể” là Pháp Tánh, là Pháp Thân, “Trí” là Báo Thân, chúng là một, không hai, tuy một mà hai, tuy hai mà một, tương ứng, dung nhập. Hễ tương ứng, dung nhập, chúng liền khởi tác dụng.
(Diễn) Như thủy ngân hòa chân kim, năng đồ chư sắc tượng, công đức hòa Pháp Thân, xứ xứ ứng hiện vãng.
(演)如水銀和真金,能塗諸色像,功德和法身,處處應現往。
(Diễn: Như thủy ngân và vàng ròng [hòa tan vào nhau] có thể dùng để sơn phết các hình tượng, công đức và Pháp Thân đến ứng hiện khắp nơi).
Khởi tác dụng, hình dung tác dụng của nó to lớn chẳng thể nghĩ bàn. Thủy ngân và vàng ròng hòa hợp, nay ta gọi là vàng K[1], bất luận vật phẩm gì cũng đều có thể dùng nó để trang sức. Như Lai “công đức hòa Pháp Thân”, Pháp Thân là vàng ròng, công đức giống như thủy ngân. Thân ứng hóa của Phật “xứ xứ ứng hiện vãng” (đến ứng hiện khắp nơi), tận hư không khắp pháp giới, chúng sanh nơi nào có cầu, Phật, Bồ Tát lập tức ứng hiện. Hư không pháp giới to như vậy, xa như vậy, vì sao các Ngài có thể lập tức hiện tiền? Vì tâm chư Phật, Bồ Tát thanh tịnh, bình đẳng, không đâu chẳng tồn tại. Các Ngài có từ nơi xa đến hay không? Chẳng hề đến, các Ngài ở ngay trước mặt quý vị, nhưng chính quý vị chẳng nhận biết! Quý vị cầu trong một niệm, các Ngài liền hiện ngay trong một niệm. Quý vị chẳng cầu, các Ngài chẳng hiện, quý vị nhất định phải hiểu nguyên lý này. Chúng ta cầu Phật, Phật hiện tiền; cầu Bồ Tát, Bồ Tát hiện tiền; cầu quỷ, quỷ hiện tiền; cầu ma, ma hiện tiền. Hiện thời, có kẻ chẳng học Phật cũng bị ma dựa, mà người học Phật bị ma dựa cũng chẳng ít! Chuyện này phiền phức to lớn! Yêu ma quỷ quái tràn ngập trong thế gian này, hễ một niệm bất chánh liền rơi vào ma chưởng, muốn trốn thoát rất khó. Trong thế giới ma cảnh, tham, sân, si, mạn, quần ma quay cuồng này, để có thể bảo toàn chính mình thì chúng ta ắt phải có chánh niệm.
Chánh niệm là gì? Chúng ta tu Tịnh Độ Tông, một niệm A Di Đà Phật là chánh niệm. Niệm niệm chẳng lìa A Di Đà Phật, niệm niệm nương tựa A Di Đà Phật, nhất tâm mong thấy A Di Đà Phật, mong sanh về thế giới Cực Lạc; đó là chánh niệm, quyết định chẳng sai! Chúng ta còn mong nghiên cứu kinh điển, còn mong hoằng pháp lợi sanh, thưa cùng chư vị, đều là tà niệm, chẳng phải là chánh niệm! Ý niệm đều tà, còn có thể hoằng pháp lợi sanh ư? Trong quá trình hoằng pháp lợi sanh, quý vị chẳng bị nẩy sanh rối loạn ư? Ý niệm đã tà! Ắt phải do tâm trí thuần chánh hiển lộ, phát xuất, thì khi ấy mới có thể hoằng pháp lợi sanh. Do đó, phải phát nguyện “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, nhưng chẳng phải là thực hiện trong hiện thời. Điều phải làm trong hiện thời là “phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”, phải làm chuyện này! [Chưa đoạn phiền não mà] pháp môn vô lượng thệ nguyện học thì thôi rồi, hỏng rồi! Phiền não đã đoạn hết thì mới có thể học pháp môn, đó là đúng! Phiền não chẳng đoạn hết, học pháp môn bèn tăng trưởng tà tri, tà kiến, trong tương lai sẽ giúp quý vị làm xằng, làm càn, họa hại chúng sanh. Nói cách khác, [chưa đoạn phiền não mà đã “pháp môn vô lượng thệ nguyện học” chính là] hy vọng quý vị sớm có ngày đọa địa ngục! Do đó, Phật pháp là đoạn phiền não trước rồi mới thành trí huệ, chẳng thể đồng thời học những thứ này!
Do cổ nhân tuân theo thứ tự ấy, cho nên thành tựu rất nhanh chóng, người thành tựu rất nhiều. Người hiện tại tu học tràn lan, chẳng thực hiện từng bước theo thứ tự, học đồng thời cả bốn nguyện trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện, tự xưng là Phật chi đó hoặc Bồ Tát chi đó tái lai. Hiện thời, tôi nghe các đồng tu cho biết tại Cựu Kim Sơn (San Francisco) nước Mỹ nghiễm nhiên có bọn ngoại đạo tạo ra tân kinh gọi là Chân Phật Kinh[2]. Những kinh Phật trước kia chẳng cần niệm, mà niệm chân kinh do chính hắn ta viết ra, quý vị thấy có hỏng bét hay là không! Kẻ ấy Phật đạo vô thượng đã thành, tứ hoằng thệ nguyện tu đồng thời, cùng một lúc, ngay lập tức thành Phật. Vì thế, mọi người đều như ong vỡ tổ kéo đến. Chư vị phải hiểu, giống như chúng ta dựng căn nhà to có bốn tầng lầu, xây lầu cùng lúc, có thể thành công hay chăng? Người ta xây lầu thì trước hết xây tầng thứ nhất, rồi lại xây tầng thứ hai, rồi lại xây đến tầng thứ ba, tiếp tục xây tầng thứ tư, còn họ xây cả bốn tầng cùng lúc, người hiện thời thích làm theo kiểu ấy, toàn là yêu ma quỷ quái, há có chuyện ấy!
Nếu chư vị muốn thật sự thành tựu, hãy học từ chỗ nào? Học từ đoạn phiền não, học từ tu tâm thanh tịnh, những điều khác đều chẳng cần làm! Chúng tôi cũng in Đại Tạng Kinh rất nhiều, in để làm gì? Để cho người khác ngộ. Liên Trì đại sư nói: “Tam Tạng mười hai bộ, nhường cho kẻ khác ngộ”. Chúng ta cũng in Tam Tạng mười hai bộ, nhường cho kẻ khác ngộ, mọi người nhất định phải hiểu đạo lý này. Bản thân chúng ta chọn lựa một bộ kinh từ Đại Tạng Kinh, trong tám vạn bốn ngàn pháp môn, chúng ta chọn lựa một pháp môn niệm A Di Đà Phật, quyết định thành tựu!
Năm ngoái, tôi giảng kinh Vô Lượng Thọ ở Tân Gia Ba, các đồng tu bên ấy chép lại, đưa cho tôi sửa chữa. Tôi vừa coi bản thảo ấy, [thấy đúng là] nói nhăng nói cuội, chẳng thể dùng được! Gần như là phải viết lại hai phần ba! Cảnh giới năm xưa khác với năm nay. Ngày mai chúng tôi sẽ lại giảng lại từ đầu, là cảnh giới mới, chẳng giống trước kia. Những gì đã giảng xưa kia đều phải bỏ hết, tôi chẳng giảng kinh! Nếu quý vị nói tôi giảng kinh cũng là hủy báng! Tôi chưa hề giảng kinh. Các đồng tu phải ghi nhớ, tu tâm thanh tịnh, thâm nhập một môn, mỗi ngày một vui sướng hơn, ngày càng hạnh phúc hơn. Đó là lợi ích chân thật trong Phật pháp. Kinh đã nói rất rõ ràng: “Trụ chân thật huệ”. Trí huệ chân thật là gì? Là một câu A Di Đà Phật. Kinh Vô Lượng Thọ chân thật nhất. Cổ nhân bảo: Trong hết thảy các kinh, Hoa Nghiêm chân thật bậc nhất. So sánh giữa Hoa Nghiêm và kinh Vô Lượng Thọ, kinh Vô Lượng Thọ chân thật nhất. So giữa kinh Vô Lượng Thọ và danh hiệu A Di Đà Phật, danh hiệu A Di Đà Phật chân thật nhất. Chân thật huệ là một câu Phật hiệu A Di Đà Phật, lợi ích chân thật.
Lợi ích chân thật là quý vị thọ trì một câu Phật hiệu A Di Đà Phật này. Quý vị có thể thọ trì giống như người đồ đệ của lão pháp sư Đế Nhàn, thọ trì ba năm, đứng vãng sanh, đó là lợi ích chân thật, chẳng phải giả! Nếu so với người ấy, trong tương lai chúng ta chẳng thể nằm mà ra đi. Nằm thì sẽ chẳng bằng người ta. Ngã bệnh thì càng tệ hơn nữa, càng thua kém người ta. Nếu chẳng muốn mất mặt, phải ra đi chẳng khác ông ta cho mấy, tức là vạn duyên buông xuống, trụ chân thật huệ, thật thà niệm Phật, đó là đúng. Chớ nên bày trò hoa dạng nữa! Bày trò hoa dạng chắc chắn tổn hại chính mình. Đó là nói “xứ xứ ứng hiện vãng” (chỗ nào cũng đều ứng hiện tới đó), Ngài có năng lực to lớn ấy. Hôm nay đã hết thời gian rồi!
[1] Thật ra vàng K và vàng pha thủy ngân để sơn phết tượng là hai thứ khác nhau. Vàng và thủy ngân hòa lỏng theo tỷ lệ 1:9, sẽ thành một dung dịch lỏng, thường gọi là “hỗn hống” (混汞), có thể quét lên tượng bằng kim loại, rồi đem nung nhẹ cho thủy ngân bốc hơi, chỉ còn lại vàng. Đó là cách mạ vàng truyền thống. Còn K chính là viết tắt của chữ Karat, tức là đơn vị đo lường dành cho quý kim. Vàng K tức là các loại vàng không thuần, pha thêm các kim loại khác (thường là đồng, bạc, thiếc. Chẳng hạn như “vàng trắng” có tỉ lệ vàng 75%, palladium 10%, kền 10%, thiếc 5%, hoặc chỉ là vàng pha bạch kim). Ta thường nói là vàng 24K, vàng 18K… Thấp nhất là vàng 14K, tức là lượng vàng chỉ chiếm tối đa là 62,5%, trong khi vàng 24K có lượng vàng chiếm đến 99,9%. Chữ Karat là biến thể của chữ Carat (hiện thời, Carat là đơn vị đo lường các loại bảo thạch, ngọc, nhất là kim cương) phát xuất từ chữ Qīrāt trong tiếng Ả Rập. Chữ này lại phát xuất từ chữ Kerátion của tiếng Hy Lạp có nghĩa là hạt Carob (một loại đậu, thường gọi là đậu sừng), vốn là đơn vị đo lường thời cổ. Người ta tin rằng hoàng đế Constantine đệ nhất của Hy Lạp đã cho đúc đồng tiền vàng solidus từ một phần bảy mươi hai của một libra (một pound của La Mã) vàng, có trọng lượng bằng 24 siliqua. Một siliqua chính là tiền thân của cách đo bằng carat về sau này.
[2] Chân Phật Kinh là bản kinh do Liên Sanh Hoạt Phật (danh hiệu tự xưng của Lô Thắng Ngạn, giáo chủ tà giáo Chân Phật Tông tại Đài Loan. Hiện thời, tà phái này có tổng bản sơn là chùa Lôi Tạng tại Seatle, tiểu bang Washington, Hoa Kỳ), được rất nhiều người Hoa tin theo tại các tiểu bang miền Tây như California, Oregon và Washington. Cái gọi Chân Phật Tông thật ra là một tổng hợp bát nháo của Đạo giáo, Mật Tông Trung Hoa, Mật Tông Tây Tạng và những tín ngưỡng mê tín dân gian. Lô Thắng Ngạn tự xưng mình là Liên Hoa đồng tử từ Tây Phương Cực Lạc thế giới chuyển thế và tự lưu bố bản kinh này với danh xưng Chân Thật Phật Pháp Tiêu Tai Tứ Phước Kinh, nhằm đề cao bản thân Đại Bạch Liên Hoa Đồng Tử (tức là danh hiệu của ông ta tại Tây Phương Cực Lạc thế giới), dạy đệ tử phải trì câu chú “Ông, câu lỗ liên sanh tất địa sa bà ha” (nói cách khác là niệm danh hiệu của chính ông ta). Câu Lỗ là phiên âm của chư Guru (đạo sư), Tất Địa là Siddhi (thành tựu).