#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 173
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bổn, trang ba trăm sáu mươi tám.
(Sớ) Văn niệm Tam Bảo, tự hữu tứ nghĩa: Nhất giả, điểu âm chi trung, tán Tam Bảo cố; nhị giả, thuyết pháp hữu phương, thiện nhập nhân cố; tam giả, trú dạ vô gián, thục Nhĩ Căn cố; tứ giả, điểu thượng giải thuyết, kích thắng tâm cố.
(疏) 聞念三寶,自有四義:一者鳥音之中,讚三寶故;二者說法有方,善入人故;三者晝夜無間,熟耳根故;四者鳥尚解說,激勝心故。
(Sớ: Nghe tiếng niệm Tam Bảo, có bốn nghĩa: Một là trong tiếng chim hót, có tiếng tán thán Tam Bảo. Hai là thuyết pháp có phương tiện thiện xảo, khéo động lòng người. Ba là ngày đêm không gián đoạn, khiến cho Nhĩ Căn thuần thục. Bốn là chim còn có thể giải nói, khích động cái tâm thù thắng [của người nghe]).
Trong chú giải, Liên Trì đại sư đã nói rõ: Nếu dùng hình thái trong thế giới này để nhìn vào sự thuyết pháp của Phật Di Đà, có thể nói là Ngài đã nghệ thuật hóa sự dạy học đến mức tột đỉnh. Những gì chúng ta có thể tưởng tượng được thì Tây Phương Cực Lạc thế giới đều có toàn bộ, những phương pháp xảo diệu chúng ta chẳng thể tưởng tượng được, bên ấy cũng có! Điều này vô cùng chẳng thể nghĩ bàn! Từ kinh điển, chúng ta đọc thấy thế giới Cực Lạc là một pháp giới thuần nhất Bồ Tát; lại còn là pháp giới của Phổ Hiền Bồ Tát, quả thật cổ nhân tán thán Cực Lạc là có lý. Như Ngẫu Ích đại sư tán thán, các cao tăng Nhật Bản vào thời Tùy – Đường cũng tán thán, công nhận Tây Phương Cực Lạc thế giới là Viên Giáo của Viên Giáo, là Nhất Thừa của Nhất Thừa, là liễu nghĩa của liễu nghĩa. Từ Đại Kinh, chúng ta đã tương đối thấy được, chứng thực những lời các vị ấy nói trọn chẳng phải là quá lố! Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật đã nói: Nếu Bồ Tát chẳng tu Phổ Hiền Hạnh, sẽ chẳng thể viên mãn Vô Thượng Bồ Đề. Cũng có nghĩa là “nhất định phải dùng Phổ Hiền Hạnh thì mới có thể chứng đắc Phật quả trong Viên Giáo”. Chẳng do Phổ Hiền Hạnh, sẽ chẳng thể chứng Phật quả trong Viên Giáo. Nếu nói theo tông Thiên Thai, [không tu Phổ Hiền Hạnh], vẫn có thể chứng đắc Tạng Giáo Phật, Thông Giáo Phật, và Biệt Giáo Phật, nhưng chẳng có cách nào [chứng đắc] Viên Giáo Phật! Tông Hiền Thủ cũng nói giống như vậy. Vì sao nhất định phải tu Phổ Hiền Hạnh? Vì tâm lượng Phổ Hiền là toàn thể Chân Như bổn tánh được hiển lộ toàn thể. Muốn chứng viên mãn Phật, nhất định phải có cái nhân này; [nếu] nhân và quả chẳng tương ứng, đương nhiên sẽ chẳng thể chứng đắc!
Chúng ta phải thật sự hiểu rõ ràng, minh bạch điều này.
Chúng ta thấy lục trần trong Tây Phương Cực Lạc thế giới thuyết pháp, đoạn này nói về các loài chim thuyết pháp. Thông thường, chúng ta thấy chim thuộc súc sanh đạo, [nhưng] kinh đã nói rất rõ ràng, chúng do A Di Đà Phật biến hóa tạo ra. Hiện thời, người trong thế gian này cũng có thể tạo ra chim, nhưng tạo tác chẳng lý tưởng cho lắm, chẳng thể tạo giống hệt như chim thật. Khoa học kỹ thuật [trong thế gian này] chẳng bằng Tây Phương Cực Lạc thế giới! Chim trong Tây Phương Cực Lạc thế giới do A Di Đà Phật tạo ra giống hệt như chim thật sự. Những con chim ấy có thể thuyết pháp, thuyết pháp gì vậy? Quý vị muốn nghe pháp gì, chúng liền thuyết pháp ấy, chẳng thể nghĩ bàn! Chẳng phải là chỉ nói một, hai loại pháp, mà muốn nghe pháp nào, chúng bèn thuyết pháp đó. Do vậy có thể biết, chúng đã là do A Di Đà Phật biến hóa tạo thành, những con chim ấy [thuyết pháp] sẽ chẳng khác gì A Di Đà Phật vì đại chúng tuyên thuyết. Những người mới vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, số lượng đương nhiên là đông đảo, họ đến từ mười phương hết thảy các cõi Phật, không chỉ giới hạn trong thế giới Sa Bà, mà là người từ trong mười phương thế giới vãng sanh. Do mười phương hết thảy chư Phật đều vì chúng sanh mà tuyên giảng kinh A Di Đà, tuyên giảng pháp môn Tịnh Độ. Pháp môn này là pháp môn thành Phật ổn thỏa nhất, nhanh chóng nhất, khuyến khích mọi người niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Người mới vãng sanh đến đó chưa lâu, những tập khí trong quá khứ vẫn còn, vẫn còn có quan niệm lục đạo như trước kia, coi những con chim ấy như súc sanh đạo, tuy biết chúng do A Di Đà Phật biến hóa tạo ra.
Tạo ra những con chim thuyết pháp ấy, lại có ý nghĩa đặc biệt:
1) Thứ nhất là “điểu âm chi trung, tán Tam Bảo cố” (trong tiếng chim hót, có tiếng tán thán Tam Bảo). Ca ngợi Tam Bảo là nói tổng quát, Tam Bảo tượng trưng cho hết thảy các pháp môn do đức Như Lai đã tuyên thuyết. Hết thảy các pháp môn chẳng lìa tự tánh giác, chánh, tịnh. Các loài chim đều tán thán Tam Bảo, thì chúng ta tận đáy lòng càng phải nên tán thán. Điều này đã ban cho chúng ta một sự khải thị rất lớn.
2) Thứ hai là “thuyết pháp hữu phương, thiện nhập nhân cố” (thuyết pháp có phương tiện thiện xảo, khéo động lòng người), “phương” (方) là thiện xảo phương tiện. Những con chim ấy khéo nói, chúng nói có phương pháp, chẳng phải là nói tùy tiện, chúng nói có mạch lạc, thứ tự, khiến cho người nghe sanh tâm hoan hỷ, dễ dàng lý giải, vui thích tiếp nhận, thì mới gọi là “thiện thuyết” (khéo nói). Nếu nói cả buổi mà chẳng có đầu mối, lớp lang gì, dẫu có nghe cũng chẳng hiểu ý nghĩa gì, dẫu nghe rõ ràng cũng chẳng hoan hỷ, chẳng thể gọi là “thiện thuyết”. Thiện thuyết nhất định phải hội đủ ba điều kiện sau đây “có lớp lang, mạch lạc; người ta rất dễ hiểu; rất hoan hỷ tiếp nhận”, thì mục đích thuyết pháp mới có thể đạt được, những con chim ấy có năng lực đó. Những con chim ấy đều có năng lực ấy, huống hồ Phật? Huống hồ các vị Bồ Tát?
3) Thứ ba là “trú dạ vô gián, thục Nhĩ Căn cố” (ngày đêm không gián đoạn, khiến cho Nhĩ Căn thuần thục). Nói pháp chẳng gián đoạn thì chúng ta mới có thể thuần thục. Cổ đức dạy chúng ta tu hành phải biết “biến chỗ sống thành chín, biến chỗ chín thành sống”, thì mới có hy vọng thành công. Nay chỗ thuần thục của chúng ta là gì? Khởi tâm động niệm bèn tham, sân, si, [tức là] tham, sân, si rất thuần thục; hễ khởi tâm động niệm, chúng tự nhiên sanh khởi. Niệm Phật chẳng thuần thục, thường quên bẵng Phật hiệu! Tổ sư dạy chúng ta phải “chuyển chỗ sống thành chỗ chín”, tức là phải biến niệm Phật thành thuần thục, dần dần quên lãng ý niệm tham, sân, si, tức là chuyển chúng (tham, sân, si) thành sống xít! Phương pháp để chuyển là cậy vào sự huân tập, huân tập chẳng thể gián đoạn. Trước kia, Niệm Phật Đường trong tổ đình Tịnh Tông là Phật hiệu trong suốt hai mươi bốn giờ đồng hồ chẳng gián đoạn, từ đầu năm đến cuối năm chẳng gián đoạn, nhằm khiến cho người ta được huân tập. Làm như thế nào thì mới có thể chẳng gián đoạn? Trước kia là chia ban niệm Phật, đạo tràng có đông người, chia ban thay phiên niệm. Mỗi đêm cứ bốn người một ban, mỗi ban niệm một thời thần (hai tiếng đồng hồ), hoặc là một cây hương (một tiếng rưỡi). Ban này niệm xong một cây hương, ban kế tiếp bèn niệm tiếp, chẳng gián đoạn, niệm theo cách ấy. Ban của quý vị trực thì quý vị nhất định phải đến niệm, chẳng phải là trực ban thì tùy hỷ. Vì thế, trong mười hai thời, Phật hiệu không gián đoạn.
Người hiện thời phước mỏng, chúng ta chẳng gặp đạo tràng như vậy. Nói thật ra, phước của người hiện tại cũng chẳng mỏng hơn người thuở trước, vấn đề là quý vị có biết vận dụng hay không. Hiện thời, trong nhà, chúng ta có thể mở máy niệm Phật điện tử suốt hai mươi bốn giờ để Phật hiệu không bị gián đoạn, cũng chẳng kém đạo tràng trước kia của tổ sư! Niệm Phật nhằm huân tập, nếu chúng ta có công việc, cần phải dùng đến đầu óc, bèn vặn nhỏ tiếng niệm Phật xuống, để khỏi trở ngại công việc. Làm xong công việc, bèn vặn tiếng niệm Phật to hơn một chút. Huân tập như vậy thì có thể là trong thời gian hai, ba năm, xác thực là có thể biến chỗ sống thành chỗ chín, biến chỗ chín thành chỗ sống! “Thục Nhĩ Căn cố” (Khiến cho Nhĩ Căn thuần thục), Tịnh Tông gọi sự thuần thục ấy là công phu thành phiến. Chỉ cần công phu thành phiến, cũng là chỉ cần niệm câu Phật hiệu thuần thục. Nói “thuần thục” tức là trong hết thảy lúc, hết thảy chỗ, Phật hiệu thường khởi lên, chẳng để quên mất. [Đạt đến] cảnh giới như vậy, quyết định vãng sanh, hội đủ điều kiện sanh về cõi Phàm Thánh Đồng Cư trong Tây Phương Cực Lạc thế giới.
Trong sự thuần thục, cũng có chín phẩm. Người có công phu thuần thục thuộc ba phẩm thượng có thể tự tại vãng sanh, muốn ra đi lúc nào bèn ra đi khi ấy, muốn ở lại thế gian này thêm mấy năm, cũng chẳng có trở ngại. Nói cách khác, ba phẩm thượng trong công phu thành phiến đã liễu sanh tử, vì sao? Quý vị sanh tử tự tại, tự tại thì chẳng có sanh tử nữa. Nói thật thà, muốn trụ trong thế gian này một trăm năm cũng được, muốn trụ hai trăm năm cũng được, hoàn toàn tự tại. Muốn đi lúc nào, bèn ngay lập tức ra đi, chẳng cần đạt đến nhất tâm bất loạn! Nếu nói đến nhất tâm bất loạn thì lũ bình phàm chúng ta chưa chắc đã có thể đạt được mục tiêu ấy trong một đời này! Trong công phu thành phiến, công phu cao, tức là ba phẩm thượng trong chín phẩm, bèn có thể làm được [chuyện sanh tử tự tại]. Vì vậy, chúng ta ai nấy đều có phần nơi cảnh giới như vậy, tùy thuộc mức độ thuần thục của quý vị, cũng tức là [tùy thuộc] mức độ huân tập một câu Phật hiệu.
Cổ đức thường nói, nhất là trong Tây Phương Xác Chỉ, Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát đã khai thị rất rõ ràng: Người niệm Phật kỵ nhất là xen tạp. Hiện thời các đồng tu chúng ta có người niệm Phật rất khá, nhưng xen tạp quá nhiều thứ! Thậm chí, ngay cả tụng kinh, đương nhiên “kinh” là nói đến hết thảy các kinh điển Đại Thừa, vẫn luôn là xen tạp. Người niệm Phật chúng ta hiện thời tụng Tịnh Độ Ngũ Kinh là bổn phận. Các kinh điển ngoài Ngũ Kinh ra đều gọi là “xen tạp”. Kiêng kỵ gián đoạn, kiêng kỵ hoài nghi! Nếu đối với câu nói giống như câu “do câu Phật hiệu này có thể vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới”, quyết định chẳng hoài nghi, Phật hiệu quyết định chẳng gián đoạn, quyết định chẳng xen tạp, Thiện Đạo đại sư nói: “Trăm người tu, trăm người vãng sanh. Ngàn người tu, ngàn người vãng sanh. Ai nấy đều nhập phẩm,[1] quyết định chẳng đọa lạc trong biên địa nghi thành”. Biên địa nghi thành là do hoài nghi. Tuy hoài nghi, người ấy vẫn niệm, chẳng phải là không niệm. Nói cách khác, người ấy cũng làm được “không xen tạp, không gián đoạn”, nhưng hoài nghi, vẫn có thể vãng sanh!
Sanh về biên địa nghi thành của Tây Phương Cực Lạc thế giới có tốt hay không? Cũng tốt! Vì sao? Tới biên địa nghi thành, cũng bất quá là đợi thêm năm trăm năm nữa! Cổ đại đức chú giải, đó là năm trăm năm trong thế gian này, chẳng thể thấy Phật nghe pháp, nhưng sau năm trăm năm thì vẫn thấy Phật nghe pháp, tốt hơn sanh về những nơi khác rất nhiều. Phải hiểu rõ sự thật này, quyết định chẳng hoài nghi. Dẫu hoài nghi “ta nghiệp chướng sâu nặng, chỉ sợ sẽ sanh về biên địa nghi thành”, [sanh về] biên địa nghi thành thì vẫn vui thích, vẫn hoan hỷ, [vì] sanh về biên địa nghi thành, bảo đảm năm trăm năm sau, nhất định sẽ gặp A Di Đà Phật. Nếu quý vị luân hồi trong lục đạo, sẽ chẳng bảo đảm, chẳng biết tới đời nào, kiếp nào thì mới có thể gặp nhân duyên này lần nữa! Quý vị ngẫm xem: Hết thảy các kinh điển Đại Thừa đều là xen tạp, huống hồ những thứ khác? Điều này hết sức quan trọng!
Nhìn theo góc độ Phật pháp, tai nạn trong thế giới này chẳng thể tránh được, Phật pháp nhìn từ chỗ nào? Nhìn từ lòng người. Hiện thời, giao thông nhanh chóng, thuận tiện, công cụ truyền thông đại chúng phát triển, dẫu chẳng ra khỏi cửa, vẫn có thể thấy chuyện trong thiên hạ. Quý vị thấy lòng người tại mỗi nơi trên cả thế giới là hướng thiện hay hướng ác? Dùng tiêu chuẩn trong kinh Vô Lượng Thọ để quan sát, Ngũ Giới, Thập Thiện là thiện, phá Ngũ Giới, tạo Thập Ác là ác, dùng tiêu chuẩn này để xem xét lòng người trên thế giới này. Sau đó, quý vị sẽ có thể rút ra kết luận, trong tương lai sẽ có kết quả như thế nào! Lòng người nghĩ đến điều ác, nhớ đến điều ác, tạo ác, há lẽ nào chẳng hứng chịu ác báo? Người nghĩ đến điều lành, làm lành ít ỏi, kẻ nghĩ ác, tạo ác đông đảo, nên tai nạn trên thế giới này chẳng có cách nào tránh khỏi. Có thể trốn khỏi tai nạn này, chỉ có mình Phật pháp. Nói thật ra, trong Phật pháp, chỉ có pháp môn Niệm Phật này! Thật sự có thể y giáo phụng hành, có thể nghiêm túc huân tập thì trong thời gian dăm ba năm, sẽ có thể đạt đến cảnh giới ấy.
Từ Tịnh Độ Thánh Hiền Lục và Vãng Sanh Truyện, chúng ta thấy rất nhiều trường hợp chứng tỏ trong thời gian từ ba năm đến năm năm, bèn có thể thành công. Người thuở trước có thể làm được, người hiện tại cũng có thể làm được, vấn đề là bản thân chúng ta có thể thật sự thực hiện hay không? Có thể thật sự buông hết thảy thân, tâm, thế giới xuống hay không? Buông xuống hết thảy, chẳng phải là nói ngay cuộc sống của chúng ta cũng buông bỏ. [Nếu hiểu như vậy] thì sai mất rồi! Trong cuộc sống, đối với những công việc thuộc về bổn phận, phải tận tâm tận lực thực hiện, những gì chẳng thuộc về bổn phận thì nhất loạt chẳng hỏi tới! Chuyện chớ nên xem mà cứ xem, chuyện đừng nên nghe mà cứ nghe; xem xong, nghe xong, quay về bèn suy nghĩ loạn xạ; thậm chí do xem nhiều, nghe nhiều, bèn dấy lên hoài nghi đối với pháp môn Niệm Phật, đó là sai lầm hết sức lớn lao! Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát dạy chúng ta: Chớ nên xem kinh, mà cũng chẳng cần niệm chú hay tham Thiền, cũng chẳng mong thần thông cảm ứng. Thậm chí chẳng cần làm pháp hội. Làm pháp hội cũng là xen tạp! Đó mới là “chẳng xen tạp”. Niệm hai, ba bộ kinh là căn tánh bậc trung, niệm cả một đống là căn tánh bậc hạ. Bậc thượng thượng căn là người suốt đời một bộ kinh Di Đà, hoặc một bộ kinh Vô Lượng Thọ. Một bộ kinh là đủ rồi, đó mới là bậc thượng thượng căn thật sự, vì sao? Thuần mà chẳng tạp, chẳng xen tạp!
Chúng ta niệm Tịnh Độ Ngũ Kinh, còn xen tạp quán tưởng, hoặc quán tượng, [tu tập những phép Quán] được nói trong Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh, hễ còn khởi lên những niệm ấy đều gọi là “xen tạp”. Ngay cả những pháp ấy mà còn là xen tạp, huống hồ những thứ khác? Gặp người khác nói: “Quý vị đọc kinh quá ít, cái này cũng không hiểu, cái kia cũng chẳng hiểu!” Không biết thì tâm thanh tịnh, có gì không tốt? Gặp những người ấy, chính mình hãy khiêm hư một chút: “Tôi căn tánh kém cỏi, thọ trì một quyển này là đủ rồi. Nếu thêm một thứ nữa, tôi thọ trì chẳng nổi. Các vị căn tánh nhạy bén, có thể học nhiều!” Ca tụng kẻ ấy mấy câu là xong! Ngay như giảng kinh, cũng chẳng cần phải biết quá nhiều, thời đại đã khác rồi! Thời đại Tùy – Đường phải học rộng, nghe nhiều, vì sao? Phong khí Phật pháp [thuở ấy] hết sức phổ biến, người học tập rất nhiều, nên có chuyện [học rộng nghe nhiều] như vậy là tất yếu! Trong thời đại hiện tại, chuyện ấy chẳng phải là tất yếu; vì hiện thời, nếu chư vị quan sát kỹ càng, thoạt nhìn bề ngoài, thời đại này dường như Phật pháp rất hưng thịnh, nhưng thật ra là Phật học, chẳng phải là học Phật, hoàn toàn là hình thức, bề ngoài, chẳng có công phu tu học thật sự bên trong. Phải nhận thức rõ ràng hoàn cảnh này!
Trong thời đại này, bản thân chúng ta tu học như vậy, chính mình được đại lợi ích. Gặp người hữu duyên, được gọi là “hữu duyên” là người có thể tiếp nhận, chúng ta giới thiệu pháp môn này với họ, họ có thể đạt được lợi ích. Người vô duyên bèn chắp tay hoan hỷ, khiến cho người ấy vui vẻ. Người cơ duyên chưa chín muồi, quý vị cứ ương ngạnh muốn độ họ, chẳng phải là tự mình chuốc lấy phiền toái ư? Phật còn chẳng độ được, quý vị có năng lực gì độ kẻ ấy? Duyên chẳng chín muồi, Phật cũng chẳng thể độ. Phật môn thường nói “Phật chẳng độ kẻ vô duyên”, vô duyên là gì? Hiện thời, người ấy vẫn chưa thể tiếp nhận, vẫn chẳng nghe lọt tai. Chưa thể tiếp nhận, chẳng độ được, chúng ta phải hiểu rõ pháp môn này là pháp khó tin, chắp tay hoan hỷ là được rồi. Vì thế, chữ “thục” (chín muồi) hết sức quan trọng, phải thấu triệt nhuần nhuyễn thì mới hữu dụng!
4) Thứ tư là “điểu thượng giải thuyết, kích thắng tâm cố” (chim còn có thể giải nói, kích thích cái tâm thù thắng [của người nghe]). “Kích” (激) là kích động, phát khởi chúng ta, khích lệ chúng ta. Thấy những con chim ấy đều có thể thuyết pháp, chim đều biết niệm Phật, nếu ta chẳng niệm, người chẳng bằng chim mất rồi! Có ý nghĩa này. Phật Di Đà biến hóa chim thuyết pháp, có dụng ý rất sâu.
Dưới đây là giải thích tỉ mỉ bốn ý nghĩa ấy.
(Sao) Tán Tam Bảo giả, tuy thượng Căn, Lực, Giác, Đạo, chủng chủng chư pháp, vi phẩm bất đồng, ước nhi ngôn chi, giai Tam Bảo nhiếp.
(鈔) 讚三寶者,雖上根力覺道,種種諸法,為品不同,約而言之,皆三寶攝。
(Sao: “Tán Tam Bảo”: Tuy có các pháp phẩm vị bất đồng như Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Giác Chi, Bát Chánh Đạo trên đây, nhưng nói chung, các pháp ấy đều được gộp trong Tam Bảo).
Trong kinh, các loài chim tuyên nói các thứ Phật pháp khác nhau như Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần, Bát Thánh Đạo Phần… nhưng nếu quy nạp lại, các pháp ấy đều là Phật Pháp Tăng Tam Bảo.
(Sao) Diễn sướng thử pháp thời, hoặc minh hàm linh bổn cụ giác tánh, chúng sanh văn giả, đắc tự bổn tâm, nãi tri hữu Phật.
(鈔) 演暢此法時,或明含靈本具覺性,眾生聞者,得自本心,乃知有佛。
(Sao: Khi diễn sướng các pháp ấy, hoặc nói rõ các hàm linh đều vốn sẵn trọn đủ giác tánh. Chúng sanh nghe xong, thấu đạt bổn tâm của chính mình, bèn biết là có Phật).
“Hàm linh” (含靈) là hữu tình chúng sanh, cũng chính là những người từ mười phương vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Giác tánh vốn sẵn đủ chính là Phật Tánh.
(Diễn) Hoặc minh hàm linh bổn cụ giác tánh giả, Thế Tôn thành đạo thời, viết: “Kỳ tai! Kỳ tai! Nhất thiết chúng sanh giai cụ Như Lai trí huệ, đức tướng, đản dĩ vọng tưởng, chấp trước, nhi bất chứng đắc dã”.
(演) 或明含靈本具覺性者,世尊成道時,曰奇哉奇哉,一切眾生皆具如來智慧德相,但以妄想執著而不證得也。
(Diễn: “Hoặc nói rõ hàm linh vốn sẵn trọn đủ giác tánh”: Khi đức Thế Tôn thành đạo, đã nói: “Lạ thay! Lạ thay! Hết thảy chúng sanh đều có đủ trí huệ và đức tướng của Như Lai, nhưng do vọng tưởng, chấp trước, nên chẳng chứng đắc”).
Mấy câu này trích dẫn từ phẩm [Như Lai] Xuất Hiện trong kinh Hoa Nghiêm. Trong Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh, đức Phật nói: “Tâm này là Phật” là do ý nghĩa này. Trong Đại Thừa Khởi Tín Luận, Mã Minh Bồ Tát nói: “Bổn Giác vốn có”, cũng là ý nghĩa này. Một câu này của kinh Hoa Nghiêm đã nói rất cặn kẽ, rất dễ lý giải. Hết thảy chúng sanh, nói thật ra, chẳng khác gì Phật, bất luận là trí huệ, đức tướng, tài nghệ, hay năng lực đều hoàn toàn giống như [Phật]. Nay biến thành khác biệt, nguyên nhân là do vọng tưởng, chấp trước. Trong ngũ giáo, Tiểu Giáo, Thỉ Giáo, và Chung Giáo đều có chấp trước. Thật sự chẳng có chấp trước, đã phá chấp trước, là Viên Giáo. Vì vậy, trong hết thảy các căn tánh, căn tánh Viên Giáo là thù thắng bậc nhất!
Người nào học pháp môn Niệm Phật sẽ quyết định vãng sanh trong một đời này? Tôi thưa cùng chư vị, những người ấy đều là căn tánh Viên Giáo. Quý vị đừng thấy có những bà cụ mù chữ [mà khinh thường], bảo họ niệm một câu A Di Đà Phật này, họ chẳng hề hoài nghi, cũng chẳng chấp trước, một mực niệm đến cùng, thật sự có thể vãng sanh, căn tánh gì vậy? Căn tánh Viên Giáo đấy nhé! Họ chẳng có nghi vấn, bảo họ niệm một câu A Di Đà Phật: “Được! Tôi niệm ngay!” Niệm rồi nhất định sẽ có lợi ích, lợi ích gì họ chẳng biết, họ chẳng bận tâm, chẳng hỏi tới. Giống như người đồ đệ của lão hòa thượng Đế Nhàn, vị ấy cũng không biết chữ, xuất thân là thợ làm việc cực nhọc. Lão hòa thượng dạy vị ấy niệm một câu Nam-mô A Di Đà Phật, nói: “Ông chẳng có việc gì bèn niệm, niệm mệt bèn nghỉ ngơi, nghỉ ngơi khỏe khoắn rồi lại niệm”. Người ta chẳng có thắc mắc gì, niệm ba năm bèn biết trước lúc mất, đứng sững vãng sanh. Đã vãng sanh còn đứng chờ tại đó suốt ba ngày, chờ lão hòa thượng lo liệu hậu sự cho vị ấy.
Trong Niệm Phật Luận, lão pháp sư Đàm Hư có nói cả một đời Ngài, đích thân trông thấy người niệm Phật biết trước lúc mất, đứng vãng sanh, ngồi vãng sanh, thấy hơn hai mươi trường hợp. Những người ấy tuy chẳng biết một chữ nào, nhưng đích xác là bậc căn tánh Viên Giáo. Ngược lại, những kẻ niệm cả đống kinh luận, đầu óc chứa đầy ắp đạo lý, do rất nhiều đạo lý nên cũng chấp trước rất nhiều, căn tánh chẳng viên! Người ấy tuy niệm Phật, nhưng chỉ là kết pháp duyên với A Di Đà Phật mà thôi, chưa chắc đã có thể vãng sanh. Tịnh Độ không chỉ là Viên Giáo, cổ đức bảo là “viên nhất trong các pháp viên”, chẳng phải là căn tánh Viên Giáo thì làm sao có thể vãng sanh cho được? Tôi khuyên các đồng tu niệm kinh Vô Lượng Thọ với dụng ý dùng kinh này để huân tập. Kinh này là viên nhất trong các pháp viên, huân tập mấy năm, tự nhiên quý vị liền biến thành căn tánh Viên Giáo.
(Sao) Hoặc minh tín cụ chủng chủng chư tướng, chúng sanh văn giả, giải nhập thâm nghĩa, nãi tri hữu pháp.
(Diễn) Hoặc minh tín cụ chủng chủng chư tướng giả, Thai Giáo tánh cụ pháp môn, thập pháp giới y chánh sắc tâm, tánh trung bổn tự cụ túc, đản tuần nghiệp phát hiện, cố nhất nhất chư tướng, giai thiên chân chi cố vật, phi duyên khởi chi tân thành dã.
(鈔) 或明信具種種諸相,眾生聞者,解入深義,乃知有法。
(演) 或明信具種種諸相者,台教性具法門,十法界依正色心,性中本自具足,但循業發現,故一一諸相,皆天真之故物,非緣起之新成也。
(Sao: Hoặc nói rõ Tín có đầy đủ các tướng. Chúng sanh nghe nói liền thông hiểu, tiến nhập nghĩa sâu, bèn biết có Pháp.
Diễn: “Hoặc nói rõ Tín có đầy đủ các tướng”: Theo giáo nghĩa của tông Thiên Thai, tánh có trọn đủ các pháp môn. Y báo và chánh báo trong mười pháp giới, sắc, tâm, vốn tự có trọn đủ trong tánh, chỉ là theo nghiệp mà hiện khởi. Vì thế, mỗi một tướng đều là vật cũ vốn sẵn có, chẳng phải do duyên khởi mà tạo thành một tướng mới mẻ).
“Thai Giáo tánh cụ pháp môn”, “Thai” (台) là tông Thiên Thai. Tông Thiên Thai nói tánh có đầy đủ các pháp môn. Kinh Pháp Hoa nói Thập Như Thị, Thiên Thai đại sư triển khai tỉ mỉ [Thập Như Thị] thành Bách Giới Thiên Như, Bách Giới Thiên Như do đâu mà có? Trong bổn tánh vốn sẵn trọn đủ. Cả một tác phẩm lớn của Thiên Thai đại sư là Pháp Hoa Kinh Văn Cú nhằm giảng giải Thập Như Thị, khai diễn thành Bách Giới Thiên Như, nhất niệm tam thiên[2]. Cả một tác phẩm văn chương lớn như vậy nhằm giải thích câu “nào ngờ tự tánh, vốn sẵn trọn đủ” như Lục Tổ đại sư đã nói. Những thứ của Thiền Tông nói ra đều là tinh yếu, đơn giản, còn tông Thiên Thai giảng chi tiết. Bộ Pháp Hoa Kinh Văn Cú do Trí Giả đại sư trước tác, bộ Văn Cú Ký do Trạm Nhiên đại sư bút ký, giảng đặc biệt tường tận.
“Thập pháp giới y chánh sắc tâm”, “y” (依) là y báo, “chánh” (正) là chánh báo, “sắc” (色) là vật chất, “tâm” (心) là tinh thần, bốn chữ ấy bao gồm trọn vẹn hết thảy các pháp. “Tánh trung bổn tự cụ túc” (Vốn sẵn trọn đủ trong tánh), trong Chân Như bổn tánh vốn sẵn trọn đủ, có thể sanh ra vạn pháp. Y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới do tự tánh biến hiện. Vì sao tự tánh có thể biến hiện? Nó vốn trọn đủ. “Đản tuần nghiệp phát hiện, cố nhất nhất chư tướng, giai thiên chân chi cố vật, phi duyên khởi chi tân thành dã” (Chỉ là theo nghiệp mà hiện khởi. Vì thế, mỗi một tướng đều là vật cũ vốn có, chẳng phải do duyên khởi mà tạo thành một tướng mới mẻ), Lý này rất sâu, đây là kiến giải thuần viên. Vạn pháp trong vũ trụ là duyên khởi, duyên sanh, tức là pháp được sanh bởi nhân duyên, nhà Phật thường nói đến “duyên sanh luận”. Duyên sanh luận chẳng phải là pháp chân thật, mà là pháp phương tiện, do đức Phật tùy thuận kiến thức và kiến giải thông thường của người thế gian để nói, chẳng phải là chân thật rốt ráo. Ở đây, sách Diễn Nghĩa đã nói hết thảy các pháp “theo nghiệp phát hiện”, kinh Lăng Nghiêm nói: “Đương xứ xuất sanh, tùy xứ diệt tận” (Sanh ra ở chỗ nào, bèn diệt ngay ở chỗ đó). Đó là pháp chân thật. Lại nói: “Thuận theo tâm chúng sanh mà ứng với khả năng tiếp nhận của họ, theo nghiệp mà phát hiện”. Y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới do như vậy mà có. Cách nói này vượt ngoài duyên khởi, đó mới là chân thật.
Nhưng trong quan niệm của kẻ bình phàm, luôn truy cứu nó do đâu mà có, họ muốn tìm nguyên nhân, nên đức Phật bèn nói pháp duyên khởi. Đức Phật đã nói duyên khởi, sau đó lại thêm vào “tánh Không”, tức là “duyên khởi tánh Không”. Kinh Giải Thâm Mật nói đến ba tự tánh[3], ba tự tánh là nói theo duyên khởi. Sau đấy lại nói ba vô tánh. Nếu không nói ba vô tánh thì ba tự tánh chẳng phải là pháp rốt ráo; nhưng nói đến chân thật rốt ráo, lũ bình phàm chúng ta đâm ra chẳng hiểu. Vì sao? Không chỉ trong một đời này, mà đời đời kiếp kiếp, chúng ta không có kinh nghiệm này, không có cách nghĩ này! [Pháp chân thật rốt ráo] vượt ngoài kiến thức và kinh nghiệm thông thường của chúng ta, nên chợt nghe bèn chẳng dễ gì hiểu được!
Thật ra, trong hết thảy các kinh điển Đại Thừa, đức Phật đã thường nói, như trong kinh Kim Cang có nói: “Hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”. Chúng ta mỗi ngày đều nằm mộng, có bao giờ nghĩ mộng do nhân duyên nào mà có hay chăng? Có nhân duyên hay không? Chẳng có nhân duyên! Không có nhân duyên mà quý vị đi tìm nhân duyên, cứ ương bướng muốn gán cho nó một nhân duyên, đó chính là vọng tưởng, chấp trước. Nói thật ra, mộng cũng là cái sẵn có trong tự tánh, do nghiệp mà phát khởi, hiện ra. “Phi duyên khởi chi tân thành” (Chẳng phải do duyên khởi mà tạo thành vật mới mẻ), nó là “thiên chân chi cố vật” (vật cũ vốn sẵn có), trong tự tánh vốn sẵn có, gặp nghiệp duyên, nó tự nhiên phát hiện. Tuy hiện tướng ấy, nhưng tướng ấy vốn sẵn có trong tự tánh, chẳng phải là mới được tạo thành! Bất quá, đức Phật đã nói rõ ràng chân tướng và sự thật của hết thảy các pháp mà thôi. Hết thảy các pháp chẳng rời khỏi bổn tâm, chẳng tách rời tự tánh. “Chúng sanh văn giả, giải nhập thâm nghĩa, nãi tri hữu Pháp” (Chúng sanh nghe xong, thông hiểu, tiến nhập nghĩa sâu, bèn biết là có Pháp). Trong Chân Như bổn tánh của chúng ta có Pháp, tức là có Phật và có Pháp [trong ba ngôi Tam Bảo].
(Sao) Hoặc minh Tánh Tướng hòa hợp bất nhị, chúng sanh văn giả, Sự Lý vô ngại, nãi tri hữu Tăng.
(鈔) 或明性相和合不二,眾生聞者,事理無礙,乃知有僧。
(Sao: Hoặc nói rõ Tánh và Tướng hòa hợp chẳng hai, chúng sanh nghe xong Sự Lý vô ngại, bèn biết là có Tăng).
Đây là ý nghĩa Tăng Bảo.
(Diễn) Hoặc minh Tánh Tướng hòa hợp bất nhị giả, cổ vân Tánh khởi vi Tướng, nhất đa duyên khởi chi vô biên, Tướng đắc Tánh dung, thiên sai thiệp nhập nhi vô ngại.
(演) 或明性相和合不二者,古云性起為相,一多緣起之無邊,相得性融,千差涉入而無礙。
(Diễn: “Hoặc nêu rõ Tánh và Tướng hòa hợp chẳng hai”. Cổ nhân nói: “Tánh khởi tác dụng thành Tướng, một nhiều duyên khởi vô biên”. Tướng do Tánh mà dung thông, tiếp xúc những tướng muôn vàn sai khác mà vô ngại).
“Cổ vân Tánh khởi vi Tướng” (Cổ nhân nói “Tánh khởi tác dụng là Tướng”), “khởi” (起) là dấy lên tác dụng. Tánh là bản thể, đã có Thể bèn có tác dụng. Tác dụng của nó là hiện tướng. Giống như chúng ta ban đêm nằm mộng, cái có thể nằm mộng là tâm, tâm có tướng hay không? Chẳng có tướng. Tâm không có tướng, nhưng khi khởi tác dụng, nó bèn hiện tướng, hiện ra mộng cảnh. Sau khi quý vị tỉnh giấc, nghĩ lại chuyện trong mộng vẫn biết rành rẽ, giống như là thật, nó (tâm) có thể hiện tướng. Những tướng được hiện vốn sẵn trọn đủ, vốn sẵn có trong tâm tánh của quý vị. Có người mộng thấy quá khứ, cũng có người mộng thấy vị lai, có thể thấy vị lai vẫn là cái vốn sẵn có đầy đủ trong tự tánh, tuyệt đối chẳng phải là từ trong Không sanh ra Có. Đó là Tánh khởi tác dụng thành Tướng.
“Nhất đa duyên khởi chi vô biên, Tướng đắc Tánh dung, thiên sai thiệp nhập nhi vô ngại” (Tướng do Tánh mà dung thông, tiếp xúc những tướng muôn vàn sai khác mà vô ngại), đó là ý nghĩa của hòa hợp Tăng. “Một” là bản thể, là tâm tánh, “nhiều” là vạn tượng, y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới vô lượng vô biên. Đó là nói đến tác dụng của bổn tánh, do Tánh rộng lớn, nên khởi tác dụng cũng rộng lớn. Năng lực sẵn có to lớn dường ấy. Kinh Hoa Nghiêm nói “chẳng tu Phổ Hiền Hạnh, chẳng thể chứng đắc Vô Thượng Bồ Đề”, vì Phổ Hiền Hạnh là xứng tánh khởi tu, toàn thể tu nơi Tánh. Tâm lượng Phổ Hiền chẳng có chướng ngại. Tâm lượng Phổ Hiền viên mãn, chẳng có phân biệt, chẳng có chấp trước, tận hư không khắp pháp giới đều dung nạp trong nhất tâm, đó là tâm lượng Phổ Hiền. Mục đích chủ yếu nhất của mười đại nguyện vương là khôi phục tâm lượng vốn sẵn có của chúng ta, “tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”. Tâm lượng như vậy chính là Phổ Hiền Hạnh, mặc áo, ăn cơm, mừng, giận, cười, chửi, đều là Phổ Hiền Hạnh, không có gì chẳng phải là Phổ Hiền Hạnh. Chư vị phải ghi nhớ: Phổ Hiền Hạnh tuyệt đối chẳng phải chỉ là mười điều ấy! Nếu quý vị coi mười điều ấy là Phổ Hiền Hạnh, tức là đã lầm lẫn quá đỗi, [mười điều ấy] là mười cương lãnh. Khẩn yếu là tâm Phổ Hiền. Quý vị có tâm Phổ Hiền, tất cả hết thảy các hành vi đều là Phổ Hiền Hạnh; nhưng tất cả hết thảy hành vi quy nạp lại, chẳng ra ngoài mười đại cương lãnh ấy, có ý nghĩa như vậy. Nay chúng ta có tâm lượng rất bé, trong khởi tâm động niệm, tâm lượng đều bị chia cắt thành khá nhiều ô nhỏ, vạch ra khá nhiều giới tuyến, phân chia anh, tôi, người khác! Tu như vậy thì tu cách nào cũng chẳng thành Phổ Hiền Hạnh, nhất định phải là mở rộng tâm lượng, phải trừ bỏ giới tuyến.
Câu kế tiếp là Phổ Hiền Hạnh, câu tiếp theo đó chính là chân tánh hiển lộ; hai câu trước là chân tánh biến hóa. Biến hóa, bất luận quý vị ngộ hay mê, cảnh giới sẽ là “một, nhiều duyên khởi vô biên”. Chư Phật Như Lai cũng là “một, nhiều duyên khởi vô biên”, quyết định là như nhau. Chúng ta đã mê, nên trong cảnh giới khởi vọng tưởng, chấp trước; Bồ Tát, Phật đã giác ngộ, do các Ngài chẳng có vọng tưởng, chấp trước trong cảnh giới, nên tiếp xúc các tướng muôn vàn sai khác vẫn vô ngại. Trong muôn vàn tướng sai khác, các Ngài chẳng có chướng ngại, vì sao? Không có phân biệt, chấp trước, sẽ chẳng có chướng ngại. Tất cả các chướng ngại đều do phân biệt, chấp trước mà có. Đã phá phân biệt, chấp trước, há có chướng ngại?
Có một vị đồng tu, cha mẹ ông ta đến hỏi bọn Đạo Giáo, lũ đạo sĩ nói tên ông ta chẳng tốt, nhất định phải đổi tên. Cha mẹ ông ta rất sợ hãi, buộc ông ta phải đổi tên. Ông ta đến hỏi tôi: “Con có cần phải đổi hay không?” Tôi đáp: “Thật sự là chẳng cần phải đổi, nhưng để cho cha mẹ ông hoan hỷ, hãy đổi tên đi!” Mọi người đọc Liễu Phàm Tứ Huấn, có vận mạng hay không? Có. Vận mạng do chính mình tạo, mạng vận phải do chính mình sửa. Sửa bằng cách nào? Đoạn ác, tu thiện, tích đức, thì mới có thể sửa, há lẽ nào sửa tên bèn sửa đổi vận mạng được ư? Chẳng có lẽ ấy!
Còn có người đi xem Phong Thủy, [nghe thầy Phong Thủy dạy] “sửa đổi bố cục bài trí trong nhà sẽ tốt đẹp”, chẳng có chuyện đó! Nói thật ra, chẳng cần cậy ai xem Phong Thủy tốt hay xấu! Phàm là ta ở chỗ nào, thấy nơi ấy rất thuận mắt, cảm thấy rất thoải mái, Phong Thủy nơi ấy phù hợp với ta! Chư vị phải hiểu: Do mỗi người mà Phong Thủy mỗi khác. Kẻ xem Phong Thủy thường nói: “Phước địa, phước nhân cư” (Đất phước báo bèn có người có phước báo ở). Nơi nào là phước địa? Nơi nào cũng đều là phước địa, hoàn cảnh nơi ấy thích hợp cho người ấy sống, người ấy là người có phước. “Phước địa, phước nhân cư” được giải thích theo kiểu này, chẳng phải là thật sự tìm một cuộc đất có phước. Quý vị ở chỗ này rất thoải mái, ở nơi này tâm lẫn thân đều an thì quý vị là người có phước.
“Tướng đắc Tánh dung”, “dung” (融) là viên dung, dung thông, vô ngại. Kinh Hoa Nghiêm nói “Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại”, Sự Sự vô ngại mới được gọi là “đạt đến rốt ráo viên mãn”. Hết thảy sự có bị trở ngại hay không? Xác thực là chẳng có trở ngại! Tất cả hết thảy chướng ngại sanh từ vọng tưởng, chấp trước; lìa khỏi hết thảy vọng tưởng, chấp trước, chắc chắn chẳng có chướng ngại. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Nhất vi trần xuất đại thiên kinh quyển, nhất mao đoan lý chuyển đại pháp luân” (Từ một vi trần xuất hiện đại thiên kinh quyển, trong một đầu lông chuyển đại pháp luân), đúng là vô ngại! Trên thân chúng ta, có rất nhiều lỗ chân lông, chẳng biết có bao nhiêu chư Phật giảng kinh, thuyết pháp trong ấy, chúng ta chẳng biết! Khi nào thân tâm chúng ta thanh tịnh, lìa khỏi hết thảy vọng tưởng, chấp trước, chúng ta mới nhận biết, mới nhập cảnh giới của chư Phật. Vì vậy, hết thảy các pháp thế gian, hết thảy các sự, không có gì chẳng thể viên dung, chẳng có bất cứ xung đột nào không thể hóa giải, vì chúng do cùng một chân tánh biến hiện, ắt có Lý viên dung. Nếu nói theo Lý đã có thể thông suốt, thì đương nhiên cũng có thể thực hiện trên mặt Sự. Do đó, nếu Phật pháp có thể thật sự phổ cập, đích thực là có thể đem lại hòa bình vĩnh cửu trên thế giới; vì trên quốc tế, giữa con người với nhau, giữa người và sự việc có nhiều mâu thuẫn xung đột, nhưng Phật pháp đều có thể hóa giải; lại còn khiến cho ai nấy đều có thể đạt được lợi ích chân thật trọn vẹn, nên tâm họ mới hoan hỷ! Nói thật ra, chỉ có Phật pháp mới có thể làm được chuyện này. Tuy học thuyết Khổng Mạnh có thể làm được, nhưng chẳng thể viên dung như Phật pháp; về mặt lý luận, Khổng Mạnh chẳng nói thấu triệt như kinh Phật.
“Chúng sanh văn giả, Sự Lý vô ngại, nãi tri hữu Tăng” (Chúng sanh nghe xong, Sự Lý vô ngại, bèn biết có Tăng). Tăng là hòa hợp bất nhị, nên Tăng đoàn được kiến lập trên cơ sở Lục Hòa Kính. Chúng ta phải đặc biệt lưu ý, phải nghiêm túc học tập và mạnh mẽ đề xướng Lục Hòa Kính, thực hiện từ chính mình, thực hiện từ gia đình, dần dần ảnh hưởng đến xóm làng, mở rộng đến xã hội, phải giữ tấm lòng ấy, phải nghiêm túc thực hiện. Nói thật ra, đệ tử Phật thật sự thì mới có thể làm được, vì sao? Đệ tử Phật giác chứ không mê, đệ tử Phật hiểu Lý. Kẻ chẳng hiểu Lý, sẽ chẳng làm được. Vì sao? Kẻ không hiểu rõ Lý, chấp trước rất kiên cố, chẳng thể phá vỡ [sự chấp trước ấy], đó cũng là như chúng ta thường nói “có quan niệm tự tư tự lợi”. Có quan niệm ấy chính là mê, bất giác. Kẻ ấy chẳng biết toàn thể y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới khắp vũ trụ vốn là một với chính mình, là một, chẳng hai. Nếu kẻ ấy thật sự thấy rõ tận hư không khắp pháp giới là một với chính mình, đó là thanh tịnh Pháp Thân. “Pháp” là hết thảy vạn pháp. Hết thảy vạn pháp đều là chính mình, đó là chứng đắc Pháp Thân. Pháp Thân chẳng phải là cái thân này của chúng ta. Thừa nhận tất cả hết thảy vạn pháp đều là chính mình, đối với bất cứ một pháp nào, lẽ nào quý vị chẳng yêu thương? Chúng ta chẳng có tư tâm; chứng đắc Pháp Thân bèn không có tư tâm! Ngã Chấp đã phá, mà Pháp Chấp cũng bị phá.
Do vậy, học Phật, niệm câu A Di Đà Phật này thì câu A Di Đà Phật là đức hiệu của tự tánh. “Nam-mô A Di Đà Phật” hoàn toàn là tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là “quy y Vô Lượng Giác”. Nam-mô nghĩa là “quy y”. A là Vô, Di Đà là Lượng, Phật là Giác, [nói gộp lại] là “quy y Vô Lượng Giác”. Vô Lượng Giác là Bổn Giác, Vô Lượng Giác là tự tánh giác, nên trong Vô Lượng Giác đã trọn đủ Tam Bảo, niệm niệm chẳng mê, niệm niệm chẳng chấp trước. Đó là ý nghĩa thứ nhất. Ý nghĩa thứ hai là “thuyết pháp hữu phương, thiện nhập nhân cố” (thuyết pháp có phương tiện thiện xảo, khéo khiến cho người nghe thấu hiểu).
(Sao) Thiện nhập nhân giả, tuy đàm diệu pháp, bất thiện vi từ, văn tắc hãn cách. Kim duy hòa nhã chi âm, ưu nhu điều thích, lý nghĩa duyệt tâm, thính giả sanh hỷ, cố niệm Tam Bảo.
(鈔) 善入人者,雖談妙法,不善為辭,聞則扞格,今惟和雅之音,優柔調適,理義悅心,聽者生喜,故念三寶。
(Sao: “Khéo động lòng người”: Tuy nói diệu pháp mà chẳng khéo dùng từ ngữ, thì người nghe chẳng lọt tai, nay chỉ có âm thanh hòa nhã, êm ái, mềm mỏng, dịu dàng, nghĩa lý vui đẹp lòng người, khiến cho người nghe vui vẻ, nên sẽ niệm Tam Bảo).
“Tuy đàm diệu pháp, bất thiện vi từ”, ý nói thiếu khả năng biểu đạt bằng ngôn ngữ, chữ dùng chẳng diễn đạt được ý nghĩa. Nói rất nhiều, nhưng người ta nghe xong vẫn chẳng hiểu rõ ý nghĩa [mình muốn diễn đạt]. “Văn tắc hãn cách” (Nghe sẽ chống trái), “hãn cách” (扞格) là bài xích, cự tuyệt, người nghe chống trái, chẳng chấp nhận.
(Diễn) Bất thiện vi từ giả, hoặc thác tạp bất luân, hoặc hãn mạn vô sức, hoặc bất năng phản phúc ức dương, điệt đãng đốn tỏa.
(演) 不善為辭者,或錯雜不倫,或汗漫無飾,或不能反覆抑揚、跌蕩頓挫。
(Diễn: “Chẳng khéo dùng từ”: Hoặc là lầm lẫn, xen tạp, rối ren, hoặc ăn nói luông tuồng, không trau chuốt, hoặc chẳng thể lập luận gãy
gọn, [chẳng thể sử dụng] lời lẽ lưu loát, hùng hồn[4]).
“Hoặc thác tạp bất luân”, “thác” (錯) sai lầm, “tạp” (雜) là xen tạp, “bất luân” (不倫) là thứ tự rối ren. “Hoặc hãn mạn vô sức” [có nghĩa là] ăn nói rất thô lỗ, thiếu văn nhã, người nghe cảm thấy không thoải mái. “Hoặc bất năng phản phúc ức dương, điệt đãng, đốn tỏa”, hai câu này đều có ý nói: Lập luận chẳng gãy gọn, hùng hồn. Ngôn ngữ, nhất là thuyết pháp, cho đến đọc kinh đều phải chú ý. Người biết đọc, đọc xong một bài văn sẽ chẳng cần phải giảng giải. Vì sao? Người ta vừa nghe, đã hoàn toàn hiểu rõ ý nghĩa, [khi đọc, người ấy] biết sử dụng nhịp điệu, ngừng đúng chỗ, chuyển giọng phù hợp, nên có sự biểu lộ tình cảm, có thể biểu đạt toàn bộ ý nghĩa qua âm thanh và tình cảm [trong giọng đọc], có cần phải giải thích nữa hay không? Chẳng cần phải giải thích, đó gọi là “biết đọc”.
Đọc kinh thì có thể đọc ra tiếng là tốt nhất. Đọc ra tiếng, nhất định phải đọc ra ý nghĩa, công đức ấy rất lớn. Quý vị muốn độ người nhà, hàng xóm, giảng Phật pháp cho họ, họ chẳng thể tiếp nhận, lại bài xích. Quý vị niệm kinh, nếu tiếng niệm rất dễ nghe, nhịp nhàng, thánh thót, biểu lộ được ý nghĩa của kinh qua ngôn ngữ, họ vừa nghe liền hiểu, nghe rồi sẽ sanh tâm hoan hỷ, hỏi quý vị đang niệm gì đó, như vậy thì họ sẽ học Phật. Nếu quý vị mỗi ngày niệm kinh trong nhà, gõ mõ, nhưng chẳng nhịp nhàng, thánh thót, niệm cả buổi, người ta cũng không nghe ra một chữ gì, đương nhiên họ chẳng thể tiếp nhận! Đọc kinh phải nên dùng phương pháp gì? Trong các vở tuồng trình diễn trên TV, cách đọc các lời Đài Từ[5] đích xác là “thiện nhập nhân cố” (khéo khiến cho con người động lòng). Câu nào cũng được nói rõ ràng, có thể khiến cho kẻ khác cảm động. Tụng kinh Phật cũng nên theo cách niệm ấy. Cách niệm kinh trong chùa miếu xưa kia khiến cho người ta nghe đã sớm chạy mất, phát âm từng chữ không rõ ràng, thậm chí chính mình cũng chẳng hiểu ý nghĩa, làm sao có thể niệm cho ra ý nghĩa được? Chính mình nhất định phải hiểu rõ thì mới có thể niệm ra ý nghĩa, hễ niệm ra bèn độ được người khác!
Khi quý vị niệm kinh, còn có những quỷ thần mà mắt ta không trông thấy, họ đang nghe. Quý vị niệm rành mạch, rõ ràng, biểu đạt được ý nghĩa của kinh, sẽ có thể cảm động những vị quỷ thần ấy hồi tâm chuyển ý, hướng thiện, có lợi to lớn cho xã hội. Xã hội động loạn, quỷ thần loạn trước! Độ quỷ thần có dụng ý rất sâu, nhất là trong hiện thời, yêu ma quỷ quái tràn ngập xã hội. Độ quỷ thần phải dùng phương pháp gì? Có phải dùng kinh Địa Tạng hay không? Chẳng bắt buộc! Trong hết thảy các kinh, hai bản Đại Bổn và Tiểu Bổn của kinh Di Đà được cổ nhân bảo là “Hoa Nghiêm áo tạng, Pháp Hoa bí tủy” (tạng sâu thẳm của Hoa Nghiêm, tinh túy bí mật của Pháp Hoa). Hoa Nghiêm và Pháp Hoa là vua trong các kinh. Kinh này (Đại Bổn và Tiểu Bổn) là tinh hoa của kinh vương, nên là kinh bậc nhất trong hết thảy các kinh! Chúng ta còn phải dùng kinh điển hạng ba, hạng tư, hạng năm ư? Chẳng cần thiết! Dùng ngay kinh bậc nhất để độ họ. Dùng phương pháp gì? Hằng ngày niệm kinh. Niệm kinh, họ nghe, ta niệm kinh sẽ giống như giảng cho họ nghe, thay Phật tuyên giảng đấy nhé! Đem ý nghĩa niệm cho rành mạch rõ ràng, đó gọi là “hồi hướng”. Mỗi người chúng ta đều có thể niệm như vậy, sức mạnh ấy rất lớn! Trong các đồng tu Đài Loan, có nhiều người đang thật sự tu tập ở đây như vậy, xét theo Phật lý để nói, nơi này đáng lẽ chẳng bị gặp nạn. Vì thế, nhất định phải đề xướng “khi niệm, phải niệm ra tiếng”, công đức ấy rất lớn!
“Kim duy hòa nhã chi âm”, “hòa” (和) là ôn hòa,“nhã” (雅) là tao nhã, chánh đáng, chánh chứ không tà. “Ưu nhu điều thích, lý nghĩa duyệt tâm” (Êm ái, mềm mỏng, dịu dàng, nghĩa lý vui đẹp lòng người), âm điệu êm ả, đẹp đẽ, nghĩa lý tuyệt hảo. Âm điệu ưu mỹ nhất định phải biểu lộ ý nghĩa và đạo lý, khiến cho người nghe sanh tâm hoan hỷ, tức là “thính giả sanh hỷ” (người nghe sanh lòng hoan hỷ), tự nhiên họ sẽ học Phật. “Cố niệm Tam Bảo” (Vì thế, niệm Tam Bảo), tự nhiên người ấy học Phật, tiếp nhận Phật pháp, có thể tín thọ, phụng hành. Hôm nay, chúng tôi giảng tới chỗ này!
[1] Nhập phẩm: Do nói tổng quát, vãng sanh về cõi Cực Lạc sẽ có ba bậc chín phẩm, nên vãng sanh Cực Lạc được gọi là “nhập phẩm” (dự vào phẩm vị). Nếu sanh trong
biên địa nghi thành, chẳng thuộc vào ba bậc chín phẩm, nên gọi là “chưa nhập phẩm”.
[2] “Nhất niệm tam thiên” là một giáo nghĩa do tổ Trí Giả đề xướng trong bộ Ma Ha Chỉ Quán. Nhất niệm tam thiên là trong mỗi một niệm có đủ ba ngàn pháp, đồng thời trọn đủ. Tức là từ mười pháp giới (thiên, nhân, A Tu La, súc sanh, địa ngục, ngạ quỷ, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật), mỗi pháp giới lại nhiếp mười pháp giới kia, nên 10×10 thành một trăm pháp giới. Mỗi pháp trong hết thảy các pháp lại có mười Như Thị, nên 100×10 thành một ngàn, tức là Thiên Như pháp giới. Trong mỗi pháp giới thuộc Thiên Như pháp giới lại có đủ cả ba thứ thế gian, nên 1000×3=3.000 pháp giới. Có hai cách hiểu “ba thứ thế gian”:
- Theo Trí Độ Luận, ba thứ thế gian gồm Quốc Độ Thế Gian, Chúng Sanh Thế Gian và Ngũ Ấm Thế Gian.
- Theo cách hiểu thông thường, ba thứ thế gian chính là tam giới, tức Dục Giới, Sắc Giới và Vô Sắc Giới.
[3] Kinh Giải Thâm Mật (Sandhinirmocana Sūtra) có đến bốn bản dịch, nhưng bản dịch hoàn thiện nhất là bản của ngài Huyền Trang dịch vào năm Trinh Quán 21 (647) đời Đường. Kinh chủ yếu thuyết minh tam tánh, tam vô tánh, tạo thành căn bản lý luận cho Duy Thức Tông.
– Ba Tự Tánh là Biến Kế Chấp Tánh (Parikalpitasvabhāva), Y Tha Khởi Tánh (Paratantrasvabhāva) và Viên Thành Thật Tánh (Pariņispannasvabhāva).
– Ba Vô Tánh là Tướng Vô Tánh, Sanh Vô Tánh và Thắng Nghĩa Vô Tánh. Ba vô tánh nhằm nói lên bản chất của ba tự tánh.
[4] Do câu này quá khó dịch, nên chúng tôi đành phải dịch tạm như vậy, và tạm ghi
chú như sau: Ức (抑) là hạ thấp giọng, Dương (揚) là lên giọng, “phản phúc ức dương” là lần lượt lên giọng và hạ thấp giọng tương ứng với ngữ cảnh và hàm nghĩa của từng câu văn. Hiểu theo nghĩa rộng, từ ngữ “phản phúc ức dương” sẽ có nghĩa là biết cách nhấn mạnh những chỗ quan trọng, hoặc đề cao ưu điểm, chỉ ra những điểm mâu thuẫn hoặc nhược điểm trong lập luận của đối phương, bộc lộ những ưu điểm trong cách lý luận của ta. Do đó, chúng tôi tạm dịch là “lập luận gãy gọn”. “Điệt đãng” (跌蕩) là không bị gò bó, trôi chảy, lưu loát. “Đốn tỏa”: “Đốn” (頓) là tạm ngừng một chút, Tỏa (挫) là chuyển giọng. Do đó, “điệt đãng đốn tỏa” hiểu theo ý nghĩa hẹp là biết ngừng đúng chỗ, biết nhấn nhá ngữ điệu lưu loát để biểu đạt tình cảm. Do đó, chúng tôi tạm dịch là “ăn nói lưu loát, hùng hồn”.
[5] Đài Từ (台詞), còn gọi là Đối Bạch (對白), tức là những lời đối thoại nói theo lối thông thường (không hát) trong thể loại tuồng, nhất là Kinh Kịch và Việt Kịch (tuồng Hồ Quảng), có tác dụng biểu lộ tâm tình, khắc họa tính cách, thân phận, địa vị của nhân vật. Khác với Ca Từ thường dùng nhiều điển cố, Đài Từ gần gũi với ngôn ngữ thông dụng. Khi đọc lời ca từ, diễn viên phải biểu lộ được tình cảm, nhấn nhá, phát âm “tròn vành, rõ chữ”. Trong khi đó, lúc hát ca từ (khởi xoang, 起腔), người hát chỉ chú trọng giữ đúng trường độ, nhịp điệu, tiết tấu, chất giọng khỏe vang, tức là chú trọng phương diện thanh nhạc hơn ngữ âm.