#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn NghĩaChủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 34
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn mươi hai:
Di Đà Sớ Sao là một bộ kinh lớn, tuy kinh văn không dài, nhưng Liên Trì đại sư đem tâm đắc tu học suốt một đời nêu tỏ trong bản kinh này. Không chỉ như vậy, từ nội dung của Sớ Sao chúng ta thấy: Trên thực tế, lão nhân gia đã quán nhiếp hết thảy pháp thế gian và xuất thế gian trong bộ kinh điển này. Do vậy, Ngẫu Ích đại sư tán thán bộ sách này là “bác đại tinh thâm” (mênh mông, to lớn, tinh vi, sâu xa) chẳng quá lố một tí nào!
Không chỉ trong thời đại hiện tại, nói thật ra, Phật pháp kể từ thời đại Thích Ca Mâu Ni Phật khai sáng, đức Phật dạy chúng ta điều gì? Tuy nói tám vạn bốn ngàn pháp môn, nhưng thật ra, chỉ là bất đắc dĩ mà nói, phương tiện thiện xảo mà nói, chứ nói chân thật thì chỉ có một môn là pháp môn Niệm Phật! Kinh Hoa Nghiêm nói: “Duy hữu Nhất Thừa pháp, vô nhị, diệc vô tam” (Chỉ có pháp Nhất Thừa, không hai, cũng không ba)[1]. Nhất Thừa là gì? Thật thà niệm Phật là pháp Nhất Thừa. Cũng có những vị đồng tu nghe rồi chẳng phục, cho là người niệm Phật chúng ta tự mình khoác lác, nhưng nếu quý vị tìm tòi kỹ càng, bất luận tại Trung Quốc hay ngoại quốc, trong thời cổ hoặc thời đại hiện tại, không có một ai chẳng tôn trọng kinh Hoa Nghiêm. Kinh Hoa Nghiêm là căn bản pháp luân, là Nhất Thừa Viên Giáo, điều này được xưa nay, trong ngoài nước đều công nhận. Kinh Hoa Nghiêm giảng điều gì? Thưa quý vị, giảng về Niệm Phật. Niệm vị Phật nào? Niệm A Di Đà Phật. Nếu quý vị chẳng tin, cứ mở kinh Hoa Nghiêm ra xem, đến cuối cùng, kinh nói mười đại nguyện vương của Phổ Hiền Bồ Tát dẫn về Cực Lạc, tức là dạy quý vị niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Đấy là pháp môn bí mật của Nhất Thừa Viên Giáo, nguyên lai là như vậy đó!
Lại xem kỹ càng nội dung bộ kinh ấy, Thiện Tài đồng tử nêu gương tu hành, từ pháp hội của Văn Thù Bồ Tát đặt vững cơ sở, cơ sở gì vậy? Tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh là tín tâm. Trong hội Hoa Nghiêm, ngài Văn Thù tượng trưng cho Tín. Kinh Hoa Nghiêm chia [các địa vị Bồ Tát] thành Thập Tín, Thập Hạnh, Thập Trụ, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, ngài Văn Thù tượng trưng cho Tín. Nói cách khác, chúng ta có thể tin tưởng pháp môn này tức là đã tốt nghiệp trong pháp hội của ngài Văn Thù. Đi ra tham học, vị thầy thứ nhất là tỳ-kheo Đức Vân, dạy Thiện Tài pháp môn Niệm Phật, vị thầy cuối cùng là Phổ Hiền Bồ Tát, chẳng những dạy Ngài niệm Phật, mà còn khuyên Ngài vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Từ chỗ này, chúng ta có thể thấu hiểu: Mở đầu và kết thúc đều là niệm Phật.
Nếu chúng ta hỏi: Thiện Tài đồng tử tham phỏng năm mươi mốt vị thiện tri thức[2], Ngài tu pháp môn gì? Nhất định phải biết rõ điều này, Ngài tu pháp môn niệm A Di Đà Phật. [Đã tu] pháp môn niệm A Di Đà Phật, vì sao vẫn phải tham phỏng năm mươi mốt vị thiện tri thức? Thật ra, năm mươi mốt vị thiện tri thức tượng trưng cho tám vạn bốn ngàn pháp môn, đại diện cho vô lượng pháp môn; nhằm bảo với chúng ta ý nghĩa này: Vô lượng vô biên pháp môn bày ra trước mặt quý vị, chính mình phải như thế nào? Rành mạch, phân minh, rõ ràng, rành rẽ, như như bất động, vẫn là một câu Di Đà niệm đến tột cùng, đấy là bí quyết của kinh Hoa Nghiêm, chúng ta nhất định phải nhận biết rõ ràng. Do vậy, pháp môn này là pháp môn bậc nhất, kinh này là kinh bậc nhất. Pháp hội tại nơi đây của mọi người chúng ta là pháp hội tối thù thắng bậc nhất, nhân duyên này quả thật chẳng dễ dàng, chúng ta phải nên quý tiếc!
Nói đến vãng sanh, gần đây nhất chúng tôi lại thấy một trường hợp. Chúng tôi ở Los Angeles một ngày, gặp được một vị đồng tu kể với tôi: Lão liên hữu ở Đài Trung Liên Xã là cư sĩ Sử Hoằng Hy đã vãng sanh. Ông ta biết trước lúc mất, không bệnh tật, qua đời, niệm Phật thành công. Do vậy, thầy Lý ở Đài Trung nghe tin này hết sức hoan hỷ. Vị lão cư sĩ ấy đã bảy mươi bảy tuổi, hôm trước ngày vãng sanh, cụ bảo vợ: “Tôi sắp vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới”. Bà vợ mắng ông chồng ăn nói lăng nhăng, vì cụ rất bình thường, chẳng bệnh tật gì! Đến ngày hôm sau cũng rất bình thường, sáng sớm vẫn ăn điểm tâm như thường lệ, buổi trưa nghe nói cụ còn ăn một chén bạch mộc nhĩ[3], mười một giờ rưỡi cụ mất, còn viết di chúc để lại. Quý vị thấy rất tự tại! Không bị bệnh, tôi tin tưởng Sử cư sĩ vãng sanh có ảnh hưởng không gì lớn bằng đối với Phật giáo Los Angeles. Người niệm Phật thù thắng như vậy, ra đi tự tại ngần ấy, tướng lành tốt đẹp ngần ấy, điều này giống như trong Cơ Đốc Giáo nói là “kiến chứng” (làm chứng, testimony). Cụ chứng minh cho chúng ta thấy, đời này chẳng để luống uổng!
Vì thế, niệm Phật nhất định phải hiểu lý luận, phải hiểu cảnh giới. Trong cuộc đời này của chúng ta, phải coi chuyện này là đại sự bậc nhất, những chuyện khác đều là chuyện nhỏ nhặt! Ăn no, mặc ấm là được rồi, nhất tâm nhất ý niệm Phật cầu sanh về thế giới Tây Phương. Không chỉ muốn sanh về thế giới Tây Phương, mà còn hy vọng phẩm vị cao hơn, như vậy mới là tốt đẹp! Nếu quý vị muốn đến Tây Phương Cực Lạc thế giới,thì bộ Di Đà Sớ Sao này là đường lối tốt nhất, Liên Trì đại sư hướng dẫn, khiến cho chúng ta trước hết sẽ thông hiểu rành rẽ cái cảnh giới Tây
Phương trước rồi sẽ hâm mộ, hướng về, nỗ lực tu học.
Xin xem lời tựa, đoạn thứ hai là Biệt Tán.
(Tự) Nhiên trước Sự nhi niệm năng tương kế, bất hư nhập phẩm chi công; chấp Lý nhi tâm thật vị minh, phản thọ lạc không chi họa.
(序) 然著事而念能相繼,不虛入品之功,執理而心實
未明,反受落空之禍。
(Tựa: Nhưng chấp Sự mà có thể niệm liên tục, chẳng uổng công lao, được nhập phẩm vị, chấp Lý nhưng chưa thật sự minh tâm, đâm ra mắc họa chẳng đạt kết quả gì).
Niệm Phật có Sự niệm và Lý niệm. Tôi khuyên quý vị đừng học Lý niệm, hãy học Sự niệm, nhưng phải hiểu rõ Lý. Hiểu rõ Lý có chỗ tốt đẹp nào? Dễ phá chấp trước, phá Ngã Chấp thì mới có thể chứng Sự nhất tâm bất loạn, phá Pháp Chấp có thể chứng Lý nhất tâm bất loạn. Chẳng hiểu Lý, chẳng dễ gì phá trừ chấp trước! Do vậy, nhất định phải hiểu Lý. Sự niệm, dẫu chẳng thể đột phá hai thứ chấp trước, vẫn có thể niệm đến mức công phu thành phiến, đới nghiệp vãng sanh. Do vậy nói “bất hư nhập phẩm chi công”, “phẩm” (品) là phẩm vị, thấp nhất là Hạ Phẩm Hạ Sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư, người ấy dự vào phẩm vị. Nói cách khác, “chấp Sự nhi niệm năng tương kế” (chấp vào Sự để niệm, nhưng niệm liên tục), người ấy quyết định vãng sanh.
Nếu quý vị “chấp Lý nhi tâm thật vị minh” (chấp Lý mà chưa thật sự minh tâm), chưa đạt đến minh tâm kiến tánh, sẽ chẳng có thành tựu bằng người Hạ Phẩm Hạ Sanh. Người ta Hạ Phẩm Hạ Sanh, còn quý vị chẳng đạt gì cả! Thật là đáng tiếc!
(Diễn) Tương kế, vị nhất tự nhất tự phân minh, nhất cú nhất cú tiếp tục.
(演) 相繼,謂一字一字分明,一句一句接續。
(Diễn: “Nối tiếp” là từng chữ phân minh, từng câu tiếp nối).
“Nhất tự nhất tự phân minh”: Chúng ta niệm sáu chữ Nam-mô A Di Đà Phật hay bốn chữ A Di Đà Phật, từng chữ rõ ràng. Cũng có những vị đồng tu hỏi tôi: Rốt cuộc chúng ta niệm bốn chữ hay là niệm sáu chữ? Bản chú giải này do Liên Trì đại sư trước tác. Trong Trúc Song Tùy Bút, Liên Trì đại sư có chép: Thuở ấy, có người hỏi Ngài: “Lão nhân gia dạy người ta niệm Phật như thế nào?” Ngài nói: “Tôi dạy người ta niệm sáu chữ Nam-mô A Di Đà Phật”. Người ta hỏi: “Còn chính lão nhân gia niệm thì sao?” Ngài đáp: “Tôi niệm A Di Đà Phật, chẳng thêm chữ Nam-mô”. Nam-mô là tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là “cung kính, quy y”. Niệm Nam-mô A Di Đà Phật tức là “quy y A Di Đà Phật, cung kính A Di Đà Phật”. Do vậy, người ta hỏi: “Do nhân duyên gì vậy?” Lão nhân gia nói: “Bản thân tôi chẳng còn nghĩ đến luân hồi trong đời sau. Đời này quyết định phải vãng sanh. Do vậy niệm bốn chữ, gạt bỏ những lời lẽ khách sáo”. Kinh Di Đà nói về chấp trì danh hiệu, danh hiệu là bốn chữ, chấp trì danh hiệu là đúng. Vì sao khuyên người thêm vào chữ Nam-mô? Là vì người khác đối với thế giới Sa Bà vẫn còn lưu luyến, vẫn chưa mong vãng sanh. Do vậy, kết thiện duyên với A Di Đà Phật, thêm vào chữ Quy Y, thêm vào chữ tỏ vẻ cung kính.
Do đây có thể biết: Nếu chúng ta thật sự quyết tâm trong một đời này muốn cầu sanh về thế giới Tây Phương, chẳng muốn đời sau sanh trong nhân gian nữa, quý vị có thể học theo Liên Trì đại sư, niệm bốn chữ, chữ nào chữ nấy phân minh, câu nào câu nấy liên tục chẳng gián đoạn. Trong tâm chớ để gián đoạn câu Phật hiệu này, niệm niệm tiếp nối, đó gọi là công phu. Nếu gián đoạn, sẽ chẳng gọi là công phu. “Công phu” trong pháp môn này chẳng phải là thứ võ công của Thiếu Lâm Tự, mà là một câu Phật hiệu không gián đoạn, đó gọi là công phu. Cũng có người hỏi: “Chúng tôi phải làm việc, chúng tôi phải suy xét vấn đề, hoặc trong lúc nói năng, phải trả lời người khác, làm như thế nào đây?” Khi ấy, hãy buông Phật hiệu xuống, chuyên tâm làm việc. Làm xong việc, lập tức dấy lên Phật hiệu, như vậy là được!
Có thể thấy pháp môn này giống như kinh Hoa Nghiêm: Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại. Nói thì dễ dàng, thực hiện chẳng dễ dàng! Nếu quý vị không tin, hãy thử xem, sẽ thấy Phật hiệu có bị gián đoạn hay không? Nhất định bị gián đoạn. Hễ gián đoạn thì sao? Vọng niệm dấy lên ngay, khởi vọng tưởng liền. Có Phật hiệu thì chẳng có vọng tưởng; Phật hiệu vừa đoạn, vọng tưởng dấy lên ngay. Do vậy, ắt phải có người nhắc nhở, tức là như trước kia mọi người niệm Phật phải cộng tu, cộng tu là mọi người cùng dìu dắt lẫn nhau; do vậy mới có Niệm Phật Đường. Có thể đến Niệm Phật Đường niệm Phật là có phước báo lớn! Đời trước tu có phước, nên mới có cơ duyên đến Niệm Phật Đường. Hiện thời chúng ta không có Niệm Phật Đường, nói cách khác là thiếu phước báo; nhưng nói đi thì phải nói lại, mọi người không có phước báo, nhưng cá nhân quý vị còn có phước báo thì vấn đề là quý vị có biết hưởng phước hay không, quý vị có thể hưởng thụ phước báo ấy hay chăng?
Nói một người có phước báo là như thế nào? Ví như, chúng ta mỗi Chủ Nhật đều có hội niệm Phật, mọi người cùng nhau cộng tu. Khi chúng ta cộng tu, ở nơi này có thâu âm, thâu thành băng ghi âm. Cầm băng ghi âm ấy về nhà, mở ra nghe giống như chúng ta đang cộng tu với nhau. Nhất là hiện thời có máy thâu âm loại nhỏ, có thể mang theo bên mình, bỏ trong túi áo, gắn ống nghe (headset), trong mười hai thời chẳng gián đoạn. Máy thâu âm ấy còn tự động lật băng, tiện lợi lắm! Đấy chẳng phải là phước báo hay sao? Do vậy, mỗi cá nhân quý vị có phước, quý vị bỏ trong túi mang theo bên mình để nghe, gắn ống nghe vào tai, máy tự động xoay tua, một ngày hai mươi bốn tiếng đồng hồ Phật hiệu chẳng gián đoạn, quý vị có phước báo lớn lắm! Chẳng khác gì quý vị đang ở trong Niệm Phật Đường, lại còn chẳng trở ngại việc làm, chẳng mất thời gian. Đủ thấy con người hiện thời phải biết lợi dụng [khoa học kỹ thuật], quý vị có phước báo lớn hơn cổ nhân. Cổ nhân rời khỏi Niệm Phật Đường, Phật hiệu chẳng còn nữa. Hiện tại, rời khỏi Niệm Phật Đường, đi đường, vừa đi [vừa nghe] Phật hiệu không gián đoạn, thậm chí khi ngủ say, Phật hiệu cũng chẳng gián đoạn. Phước báo ấy lớn hơn cổ nhân rất nhiều! Quý vị phải biết sử dụng, phải biết lợi dụng! Nói cách khác, quý vị phải biết hưởng. Hiện tại, quý vị có phước báo, có biết hưởng hay không? Nếu chẳng biết hưởng, không có cách nào hết! Nếu quý vị biết hưởng, ai nấy đều có đại phước báo, ai nấy trong một đời này chắc chắn có thể vãng sanh; đấy là do quý vị có chịu hưởng phước ấy hay chăng? Đây là giảng rõ về “tịnh niệm tương kế”.
(Diễn) Bất hư nhập phẩm giả, vị đản năng niệm niệm tiếp tục, vô hữu gián đoạn, tắc dĩ năng phục vọng.
(演) 不虛入品者,謂但能念念接續,無有間斷,則已
能伏妄。
(Diễn: “Chẳng luống công, được nhập phẩm vị”, ý nói: Chỉ có thể niệm niệm tiếp tục, chẳng gián đoạn là đã có thể khuất phục vọng).
Lời này là thật, chẳng giả tí nào. Trong tâm quý vị niệm niệm là A Di Đà Phật, tự nhiên chẳng có vọng niệm, không có vọng tưởng. Hễ Phật hiệu chẳng có thì gọi là “thất niệm”. Sau khi thất niệm, sẽ có hai hiện tượng: Một là tăng trưởng tà kiến, khởi vọng tưởng, tưởng Đông, nghĩ Tây. Một hiện tượng khác là tuy ý niệm gì cũng không có, nhưng tăng trưởng vô minh. Quý vị thấy đó: Nếu chẳng khởi tà kiến, sẽ dấy vô minh! Tà kiến và vô minh là căn bản sanh tử, là căn bản của lục đạo luân hồi. Làm sao để thoát khỏi luân hồi? Làm sao để khỏi sanh tử? Muốn vượt thoát luân hồi, đoạn sạch sanh tử, diệu pháp duy nhất là Phật hiệu liên tục, chẳng để nó bị gián đoạn giữa chừng, niệm niệm tiếp nối, cho nên có thể chế ngự vọng.
(Diễn) Đắc thiểu phần tịnh, khả thành mạt phẩm.
(演) 得少分淨,可成末品。
(Diễn: Được ít phần tịnh, có thể thành tựu phẩm cuối cùng).
“Tịnh” là tâm thanh tịnh. Tuy tâm ấy chưa đạt đến thanh tịnh thật sự, nhưng trong khi tâm quý vị có Phật hiệu thì nó là thanh tịnh. Phật hiệu chẳng gián đoạn một phút thì quý vị được thanh tịnh trong một phút. Một giờ chẳng gián đoạn, quý vị được thanh tịnh một giờ. Một ngày chẳng gián đoạn, quý vị được thanh tịnh một ngày, phải nỗ lực! Đó gọi là “tu Tịnh nghiệp”. Do vậy, có chút phần thanh tịnh sẽ “khả thành mạt phẩm” (có thể thành tựu phẩm cuối cùng). Mạt phẩm chính là Hạ Phẩm Hạ Sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Đây là nêu lên một thí dụ để nói. Nếu quý vị niệm Phật vãng sanh, tuyệt đối chẳng phải là Hạ Phẩm Hạ Sanh, địa vị thấp nhất của quý vị cũng cao hơn phẩm vị ấy nhiều lắm!
(Diễn) Hựu hoặc thử nhân, túc hữu linh căn, tức ư thử thời, đốn minh đế lý, tùy kỳ thiển thâm, hoặc trung, hoặc thượng, câu bất khả tri, cố viết “bất hư”.
(演) 又或此人夙有靈根,即於此時頓明諦理,隨其淺
深,或中或上,俱不可知,故曰不虛。
(Diễn: Hoặc lại có người do đã có linh căn từ trước, ngay trong lúc ấy bèn nhanh chóng hiểu đế lý, tùy theo túc căn cạn hay sâu, mà vãng sanh bậc Trung hoặc bậc Thượng, đều không thể biết, nên nói là “chẳng luống uổng”).
Mấy câu này là nói bổ sung, ý nghĩa hết sức viên mãn. Người quả thật có túc căn thì trong một đời này, chúng ta phát tâm học Phật, hoặc là phát tâm chưa được mấy ngày, vừa mới học Phật, nghe ở đây được một tiếng rưỡi, nghe rồi cảm thấy rất hứng thú, nghe xong lại muốn nghe thêm, chứng tỏ quý vị học Phật chẳng phải chỉ trong một đời này, mà là đã trải nhiều đời nhiều kiếp học Phật. Chẳng những học Phật, mà còn tu pháp môn này. Đó gọi là quý vị có túc căn. Trong đời quá khứ đã tu học, vì sao chẳng thể vãng sanh? Tôi vừa mới nói đó thôi! Công phu của quý vị bị gián đoạn, không thể liên tục. Nói cách khác, một ngày trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ, lúc tâm thanh tịnh thì ít, lúc tâm khởi vọng tưởng thì nhiều, lúc hôn trầm thì nhiều. Do vậy, quý vị chẳng thể thành tựu!
Điều kiện duy nhất để vãng sanh thế giới Tây Phương là giữ được cái tâm thanh tịnh. Tâm tịnh thì cõi nước tịnh; trong hai mươi bốn giờ, tâm thanh tịnh phải hơn mười hai tiếng. Nếu tâm thanh tịnh mười hai tiếng, chẳng thanh tịnh mười hai tiếng, cơ hội vãng sanh của quý vị là năm mươi trên năm mươi, không đảm bảo! Nếu mỗi ngày chỉ có hai ba tiếng đồng hồ thanh tịnh, còn hai mươi mốt, hai mươi hai tiếng chẳng thanh tịnh mà mong được vãng sanh thì trong đời này không có cách gì hết, quý vị đi thi chẳng đậu! Chúng ta đời đời kiếp kiếp đều niệm Phật, nhưng thi trượt là do chưa đạt đến sáu mươi điểm! Vì thế, trong đời này gặp gỡ, lại tiếp tục tu tập, hy vọng đời này thi đậu. Cũng có thể là do trong đời quá khứ nhân duyên chẳng đủ, chưa phát minh ra [máy niệm Phật] có thể mang theo bên mình; đời này đã có cơ hội, mọi người hãy khéo lợi dụng nó. Vì thế, tôi khuyên các đồng tu, những món tiền [chi tiêu] khác có thể giảm bớt, nhưng tiền để mua [máy Niệm Phật hay máy thâu âm] mang theo thân để nghe nhất định chẳng thể bớt. Chúng là thiện tri thức của chúng ta, trợ niệm, nhắc nhở chúng ta [nhớ tới Phật hiệu]. Nếu người nhà chẳng phản đối, trong nhà quý vị mở băng niệm Phật cho mọi người nghe. Nếu người nhà phản đối thì một mình quý vị nghe, đừng làm trở ngại người khác.
“Túc căn” cũng có sâu hay cạn khác nhau! Có người túc căn sâu dầy, vừa tiếp xúc liền “đốn minh đế lý” (nhanh chóng hiểu lý chân thật), “đốn” (頓) là trong khoảng sát-na, “minh” (明) là hiểu rõ, “đế lý” (諦理) là chân lý. Nói theo thuật ngữ Phật pháp, đế lý là Chân Đế Khổ – Tập – Diệt – Đạo, quý vị giác ngộ liền! Sự giác ngộ đầu tiên là thế gian khổ, thật sự khổ! Đời người trăm tuổi, cũng là trong khoảng khảy ngón tay đã qua. Đối với chuyện này, các đồng tu trẻ tuổi còn chưa cảm nhận được, chứ những người từ năm mươi tuổi trở lên đối với chuyện này khá mẫn cảm, vì sao mẫn cảm? Vô thường! Các đồng tu trẻ tuổi cũng chớ nên đắc ý, vì sao? Trên nẻo suối vàng không phân biệt già hay trẻ! Quý vị đến nhà đòn (tang nghi quán[4], nhà quàn, funeral home), ra nghĩa trang mà xem, bao nhiêu kẻ tuổi trẻ! Mười mấy tuổi, hai mươi tuổi đã chết, rất nhiều! Mạng người vô thường, sanh tử là chuyện lớn. Nếu chẳng thể giải quyết vấn đề này, chúng ta không cần bàn tới nữa! Đã có thể giải quyết, có thể vượt thoát, cớ sao chúng ta không làm? Hiểu rõ nhân quả thế gian rồi, Nhị Đế xuất thế gian tức Diệt Đế và Đạo Đế (nhân quả xuất thế gian) cũng hiểu rõ, có thể đốn ngộ. Đốn ngộ là một chuyện, thù thắng nhất là đốn chứng. Ngộ có hai thứ: Giải ngộ và chứng ngộ. Nếu đốn chứng thì kinh gọi là Lý nhất tâm bất loạn, đắc Thượng Phẩm Thượng Sanh. Nếu là giải ngộ, sẽ là Trung Phẩm, chứ không phải Thượng Phẩm.
“Hoặc Trung, hoặc Thượng”: Thế giới Tây Phương có bốn cõi, trong mỗi một cõi có ba bậc chín phẩm, [chín phẩm] nhân với bốn [cõi] thành ba mươi sáu; phân chia đại lược thành ba mươi sáu đẳng cấp. Quý vị vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới trong bất cứ đẳng cấp nào thì cũng tùy thuộc vào nỗ lực của chính mình, quyết định có thể thành tựu. Do vậy nói “bất hư” (chẳng luống uổng), chắc chắn có thể thành tựu. Hãy nhớ: Phải từng chữ phân minh, niệm niệm tiếp nối.
Đoạn tiếp theo giảng về Lý. Chấp Lý là chuyện đáng sợ nhất, vì nó là hiểu lầm.
(Diễn) “Minh” vị ư tự bổn tâm hốt nhiên khế hợp, tức sở vị: “Nhất phát, nhất thiết phát” dã.
(演) 明謂於自本心忽然契合,即所謂一發一切發也。
(Diễn: “Minh” là đột nhiên khế hợp bổn tâm, tức là nói: “Một thứ phát, hết thảy đều phát”).
Chấp Lý nhưng chưa minh tâm, “minh” có nghĩa là gì? “Vị ư tự bổn tâm hốt nhiên khế hợp” (nghĩa là đột nhiên khế hợp bổn tâm). “Nhất phát, nhất thiết phát” , “phát” ở đây là nêu thí dụ, thật ra là như kinh Hoa Nghiêm đã nói: “Một tức hết thảy, hết thảy chính là một”. Cách nói này quá trừu tượng, chúng ta chẳng dễ gì hiểu được! Do vậy, ở đây tôi nêu lên một chuyện: “Phát” là phát tâm, nêu một chuyện để nói “một tức hết thảy, hết thảy chính là một”. Trong Thiền Tông gọi nó là “minh tâm kiến tánh”. Trong Đàn Kinh, Lục Tổ đại sư đã giảng cảnh giới minh tâm kiến tánh rất minh bạch. Quý vị thấy người ấy “bổn tâm hốt nhiên khế hợp” (đột nhiên khế hợp bổn tâm), đó gọi là kiến tánh, hoặc đại triệt đại ngộ. “Hốt nhiên khế hợp”: Khế hợp gì vậy? Khế hợp bằng cách nào? Khởi Tín Luận nói: “Thỉ Giác hợp Bổn Giác”, đó là khế hợp. Hiện thời, tâm ta thanh tịnh, dùng cái tâm thanh tịnh ấy – tâm thanh tịnh ấy là Thỉ Giác – chúng ta niệm một câu A Di Đà Phật là Thỉ Giác, Chân Như bổn tánh của chúng ta là Bổn Giác. Niệm một câu A Di Đà Phật là Thỉ Giác, niệm niệm là Thỉ Giác; hễ nó khế hợp với Bổn Giác sẽ là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật. Đối với cảnh giới này, Lục Tổ nói rất hay: “Hà kỳ tự tánh, bổn lai thanh tịnh, hà kỳ tự tánh, bổn lai cụ túc” (Nào ngờ tự tánh vốn sẵn thanh tịnh, nào ngờ tự tánh vốn sẵn đầy đủ) viên mãn, chẳng thiếu khuyết mảy may nào! “Hà kỳ tự tánh, năng sanh vạn pháp” (Nào ngờ tự tánh có thể sanh vạn pháp), đấy là kiến tánh, là “phát một thứ, sẽ phát hết thảy”.
“Phát” cũng có thể nói là “phát minh” (làm sáng tỏ, nêu rõ ra), tức là hiểu rõ hết thảy. Đã hiểu rõ thông đạt một chuyện, hết thảy đều hiểu rõ, hết thảy đều thông đạt, hết thảy Sự Lý thế gian và xuất thế gian đều chẳng có chướng ngại, đó gọi là “phát”, sáng tỏ. Đó là đúng! Đạt đến cảnh giới ấy, sẽ có thể [“một thứ phát, hết thảy đều phát”]. Trong cảnh giới ấy, niệm Phật chính là “niệm mà vô niệm, vô niệm mà niệm”. Niệm là giác, giác chứ không mê; niệm là chân, chân chứ không vọng. Chân tánh và giác tánh của chúng ta hiện tiền, không có tạp niệm, chẳng có vọng niệm, đó gọi là “niệm Phật”. Nếu tâm địa hết sức thanh tịnh, chẳng có vọng niệm nào, tuy chẳng niệm Phật hiệu, mà cũng là niệm. Niệm Phật nhằm thanh tịnh cái tâm, tâm thanh tịnh chính là niệm Phật. Đạt đến mức độ ấy, sẽ có thể không cần niệm, không niệm mà vẫn là niệm, được rồi! Nếu chưa đạt đến cảnh giới ấy, quý vị nói “vô niệm là niệm”, tôi suốt ngày từ sáng đến tối chẳng niệm là niệm, “phản thọ lạc không chi họa” (đâm ra mắc họa chẳng đạt được gì), hỏng bét rồi!
Thật ra, thật sự đạt đến công phu này, người ấy còn niệm Phật hay là không? Người ấy vẫn niệm! Vì sao vẫn niệm? Vô niệm mà niệm, niệm mà vô niệm! Người ấy vẫn niệm, tuyệt đối chẳng thể nói là không niệm. Đại Thế Chí Bồ Tát là bậc Đẳng Giác Bồ Tát, trong hội Lăng Nghiêm, Ngài đã dạy chúng ta: “Đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương kế” (Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối), Ngài vẫn niệm. Do đây có thể biết: Đẳng Giác Bồ Tát tuy đã chứng lý viên mãn, vẫn chấp trì danh hiệu, Ngài hiểu Lý, nhưng vẫn y như cũ, chẳng phế Sự. Chúng ta chẳng hiểu đạo lý này nên bỏ Sự, đương nhiên chẳng có kết quả gì!
(Diễn) Phản thọ họa giả, vị nhược thị tu hành nhân, tắc đọa tà ngoại.
(演) 反受禍者,謂若是修行人,則墮邪外。
(Diễn: “Đâm ra mắc họa” nghĩa là: Tuy là người tu hành, mà đọa trong tà môn, ngoại đạo).
“Tà ngoại” là tà môn, ngoại đạo, ở đây nói tới ngoại đạo ngay trong cửa Phật. Ngoại đạo ở ngoài Phật pháp có thể dễ dàng phân biệt, chứ ngoại đạo trong cửa Phật, chẳng dễ gì biện định được!
(Diễn) Nhược phàm phu, ngoại đạo, tắc phước tận thọ luân.
(演) 若凡夫外道,則福盡受輪。
(Diễn: Nếu là phàm phu, ngoại đạo, khi hết phước sẽ phải luân hồi).
Đây là hai hạng người: Một là người tu hành. Người tu hành đọa trong tà kiến nên biến thành ngoại đạo. Người ấy chẳng thể thành tựu trong một đời này. Nếu là phàm phu hoặc là ngoại đạo, khi hưởng hết phước báo, phải luân hồi y như cũ! Nếu chúng ta hỏi: Những người tu hành đọa trong tà môn, ngoại đạo, khi phước báo hết, người ấy có phải luân hồi hay không? Vẫn phải luân hồi giống hệt. Vì sao biết họ phải luân hồi giống hệt? Vì đời trước chúng ta là những người giống như vậy, hiện tại lại xoay chuyển luân hồi. Nếu đời trước chúng ta chẳng phải là hạng người như vậy, quý vị đã sớm về Tây Phương Cực Lạc thế giới, sẽ chẳng đến nơi đây! Quý vị chẳng nghe kinh ở chỗ tôi, mà nghe kinh nơi A Di Đà Phật trong thế giới Cực Lạc. Do vậy, trong đời trước, bọn ta mắc họa đọa lạc hư luống, ý niệm sai lầm!
(Diễn) Nhược khẩu khẩu đàm không, bộ bộ hành hữu giả, tắc kính đọa tam đồ, vô hữu hưu tức, cố vân “thọ họa”.
(演) 若口口談空,步步行有者,則徑墮三途,無有休
息,故云受禍。
(Diễn: Nếu miệng luôn nói Không, bước bước hành Có, sẽ nhanh chóng đọa trong tam đồ, chẳng hề ngưng nghỉ, nên nói là “mắc họa”).
“Khẩu khẩu đàm Không” là nói Lý suông, đàm huyền thuyết diệu. “Bộ bộ hành Hữu”, “hành” là ngũ dục, lục trần, tiếng tăm, lợi dưỡng. “Hữu” ở đây là tam hữu, tức Dục Giới Hữu, Sắc Giới Hữu, Vô Sắc Giới Hữu. Làm sao quý vị không đọa trong tam đồ cho được? Đó gọi là “mắc họa”, họa ấy là đại họa. Đâm ra mắc họa chẳng đạt kết quả gì!
(Sớ) Thượng văn song yết nhị bệnh.
(疏) 上文雙揭二病。
(Sớ: Đoạn văn trên đây nêu ra hai thứ bệnh).
“Thượng văn” là phần Biệt Tán, “song yết nhị bệnh”: [Nêu ra] hai căn bệnh.
(Sớ) Kim ư nhị bệnh, biệt cử kỳ vưu.
(疏) 今於二病,別舉其尤。
(Sớ: Nay đối với hai thứ bệnh, riêng nêu lên căn bệnh nặng nhất).
Hai thứ bệnh: Một là chấp Sự, hai là chấp Lý. “Vưu” (尤) là bệnh nặng nhất trong hai thứ ấy. Chấp trước là bệnh, hai thứ ấy đều là chấp trước, đều là bệnh. Bệnh chấp Không sẽ gặp đại họa, đọa tam đồ. Bệnh chấp Có, tuy vẫn có thể vãng sanh, nhưng phẩm vị chẳng cao; đều chẳng phải là hiện tượng tốt đẹp, đều gọi là Bệnh.
(Sớ) Vị trước Sự nhi tín tâm bất thiết, cố vô túc luận.
(疏) 謂著事而信心不切,固無足論。
(Sớ: Nghĩa là: Nếu chấp Sự mà tín tâm chẳng tha thiết, chẳng đáng để bàn tới).
“Trước Sự nhi tín tâm bất thiết” (chấp Sự mà tín tâm chẳng tha thiết), chẳng cần phải bàn tới nữa! Tu pháp môn này, cơ sở là tín tâm. Trong sách Yếu Giải, Ngẫu Ích đại sư đã nói hết sức minh bạch: Điều thứ nhất là phải tin vào chính mình. Quý vị phải biết: Phật, Bồ Tát gia trì, bảo vệ, giúp đỡ người có tín tâm. Không có tín tâm thì Phật, Bồ Tát tuy có oai đức, có trí huệ, thần lực, vẫn chẳng giúp được! Phật, Bồ Tát có thể giúp đỡ ai? Người có tín tâm! Quý vị có mười phần tín tâm, các Ngài có thể giúp quý vị mười phần. Quý vị có một phần tín tâm, các Ngài có thể giúp quý vị một phần. Các Ngài giúp đỡ quý vị tỷ lệ thuận với tín tâm.
Do vậy, chính mình phải có tín tâm đầy đủ, tự tin ta trong một đời quyết định vãng sanh Tịnh Độ, đời sau tuyệt đối chẳng luân hồi. Ta có tín tâm tràn trề, nên Phật, Bồ Tát tận hết sức giúp đỡ ta. Ta có tín tâm, tuy hiện tại thân thể ta còn ở trong thế gian này, nhưng ta đã là người trong thế giới Cực Lạc, chẳng còn là người của thế giới Sa Bà nữa. Quý vị không tin thì vẫn là người trong thế giới Sa Bà. Tôi tin, tôi chẳng phải là người trong thế giới Sa Bà. Chuyện này phải hỏi chính mình! Phải có tín tâm đầy ắp, tín tâm quyết định, chúng ta mới có thể thành tựu.
“Tín tâm bất thiết, cố vô túc luận” (Tín tâm chẳng tha thiết, chẳng đáng bàn tới), không có cách nào hết! Tuy là cả đời niệm Phật mà chẳng thể vãng sanh. Chẳng thể vãng sanh, nhưng cũng có điều hay! Niệm Phật là gieo viễn nhân vãng sanh cho đời sau, kết duyên với thế giới Tây Phương; quý vị niệm Phật trong thế gian này cũng là phước báo. Tuy là phước báo, nhưng quý vị phải hiểu: Không nhất định sẽ hưởng [phước báo ấy] trong đường nào! Hưởng phước trong đường trời người là thù thắng nhất, trong quỷ đạo phước báo cũng lớn, trong súc sanh đạo cũng có phước báo lớn. Chúng ta thấy người ngoại quốc nuôi những con chó nhỏ, mèo nhỏ, phước báo của chúng lớn hơn loài người chúng ta, được chăm sóc không sót một điều nhỏ nhặt nào. Hiện thời, chó ở ngoại quốc có phòng mạch chuyên chăm sóc chó, mỗi ngày còn phải tắm rửa cho chúng, hầu hạ cho chúng nó thoải mái, dẫn chó đi tản bộ, dẫn chó đi chơi, phước báo rất lớn! Đây là do tu phước trong đời trước, đọa làm thân súc sanh. Vì thế, chúng ta tu phước trong đời này, đời sau không nhất định hưởng phước trong nhân gian, không chừng sanh trong súc sanh đạo hay ngạ quỷ đạo; phước cố nhiên được hưởng, nhưng không nhất định trong đường nào, phải biết điều này!
(Sớ) Giả sử chuyên trì danh hiệu, niệm niệm tương kế, vô hữu gián đoạn, tuy hoặc bất minh đế lý, dĩ năng thành tựu tịnh thân, phẩm vị túng ty, vãng sanh tất hĩ. Sở vị sĩ nhân tác bảng vĩ đăng khoa diệc bất ác, đản khủng bảng thượng vô danh nhĩ. An đắc dĩ thủ ngu bệnh chi!
(疏) 假使專持名號,念念相繼,無有間斷,雖或不明
諦理,已能成就淨身,品位縱卑,往生必矣。所謂士人作榜尾登科亦不惡,但恐榜上無名耳。安得以守愚病之!
(Sớ: Giả sử chuyên trì danh hiệu, niệm niệm tiếp nối chẳng gián đoạn, dẫu chưa hiểu rõ đế lý, đã có thể thành tựu thân thanh tịnh, phẩm vị dẫu hèn, ắt được vãng sanh. Đó gọi là học trò tên đề cuối bảng, vẫn là thi đậu, chẳng xấu hổ, chỉ sợ trên bảng chẳng có tên. Há nên coi “giữ phận ngu” là khuyết điểm ư?)
Sợ rằng trên bảng không có tên! Chứ trên bảng có tên dù là ghi tên chót bảng, cũng là đã vãng sanh rồi, cũng đã thành công rồi!
(Diễn) Trước Sự nhi tín bất thiết giả.
(演) 著事而信不切者。
(Diễn: Chấp Sự mà lòng tin chẳng tha thiết).
Nêu lên một trường hợp hết sức thực tế.
(Diễn) Như kim thế nhân, khẩu niệm Di Đà, tâm trì ngũ dục, không đàm Tịnh Độ, hệ niệm Sa Bà dã.
(演) 如今世人,口念彌陀,心馳五欲,空談淨土,繫
念娑婆也。
(Diễn: Như người trong cõi đời này, miệng niệm Di Đà, tâm đuổi theo ngũ dục, bàn suông Tịnh Độ, tâm dính chặt Sa Bà).
Chúng ta phải răn dè cẩn thận chuyện này! Miệng niệm Di Đà, trong tâm vẫn tham luyến ngũ dục, lục trần thế gian, hằng ngày niệm Kệ Hồi Hướng cầu sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, nhưng vẫn chẳng bỏ được thế giới Sa Bà trong hiện tại. Đó là miệng đúng, tâm sai, chẳng thể thành công! Đó gọi là “trước Sự nhi tín bất thiết” (chấp vào Sự nhưng tín tâm chẳng thiết tha). Người niệm Phật chân chánh, hết thảy tình duyên thế gian đều phải buông xuống hết; nếu có một chuyện gì không buông xuống được, vướng mắc trong lòng, đến cuối cùng nhất định bị lỡ làng. Phàm những ai biết trước lúc mất, tự tại vãng sanh, đều là những người đã buông bỏ sạch sành sanh.
Tôi vừa mới nhắc tới Sử cư sĩ, cụ có mười người con, đều sống ở Mỹ, có người tin tưởng Phật, có người chẳng tin Phật, phản đối Phật, có người sự nghiệp thành tựu, có người cũng rất bất đắc chí. Sử cư sĩ chẳng có chuyện gì vướng mắc trong lòng, tâm cụ thanh tịnh, trừ niệm Phật ra, chuyện gì cũng không màng, là thật sự buông xuống! Do vậy, cụ mới có
thể biết trước lúc mất.
Chúng ta cũng thấy người niệm Phật mà “con gái tôi còn chưa gả chồng, con trai tôi chưa kết hôn”, không vãng sanh được, vì sao? Phiền não quá nhiều, chuyện vướng mắc trong lòng quá nhiều! Dẫu cho con gái gả chồng, con trai đã kết hôn, lại còn chưa sanh cháu! Cháu sanh rồi thì chúng chưa khôn lớn! Lắm chuyện quá, vĩnh viễn không xong được! Dẫu niệm Phật, trong đời này, người ấy chẳng có phần nơi thế giới Tây Phương!
(Diễn) Thành tựu tịnh thân giả, vị tam nghiệp hào vô nhiễm ô.
(演) 成就淨身者,謂三業毫無染污。
(Diễn: “Thành tựu tịnh thân” nghĩa là ba nghiệp chẳng ô nhiễm mảy may).
“Tam nghiệp” là thân, miệng, ý. Quan trọng nhất là ý nghiệp, tâm địa thanh tịnh, chẳng nhiễm mảy trần. Nói “chẳng nhiễm mảy trần” thì Trần là ngũ dục, lục trần, tài, sắc, danh, lợi, ngủ nghỉ, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, thảy đều buông xuống. Trong tâm, trừ A Di Đà Phật ra, chẳng vướng mắc gì, đó gọi là “thành tựu tịnh thân”. Vì vậy, thứ gì quý vị cũng phải bỏ hết. Lại thưa cùng quý vị, chỉ có thứ gì quý vị cũng đều bỏ hết thì thứ gì cũng mới viên mãn. Ngày nay, quý vị tài sản chẳng viên mãn, vì sao? Chẳng buông xuống! Chẳng buông xuống nên không viên mãn.
Tất cả đều buông xuống, sẽ đắc đại viên mãn. Viên mãn là gì? Quyết định chẳng thiếu khuyết. Quý vị không tin là vì quý vị có nghiệp chướng, nghiệp chướng gây chướng ngại cho lòng tin của quý vị. Nếu quý vị thật sự buông xuống, mới thật sự hiểu rõ Phật, Bồ Tát nói chẳng sai, vì sao? Đúng là đắc đại viên mãn. Do vậy, quý vị chẳng chịu buông xuống, nên tiền bạc chi dùng rất khổ sở. Tôi đắc tự tại, tôi được đại viên mãn nơi tiền tài. Chuyện gì cũng buông xuống thì chuyện gì cũng viên mãn, thứ gì cũng buông xuống được, sẽ đắc đại viên mãn.
(Diễn) Tức sở vị thuần thanh tuyệt điểm, nhất điều bạch luyện dã.
(演) 即所謂純清絕點,一條白練也。
(Diễn: Đấy gọi là trong veo đến tột bực như một dải lụa tẩy gột trắng ngần).
“Bạch luyện” là nói tới thác nước[5], nước hết sức trong, nhìn từ mặt nước giống như một dải trắng ngần chẳng nhiễm mảy trần.
(Diễn) Vĩnh Minh vân.
(演) 永明云。
(Diễn: Ngài Vĩnh Minh nói).
Vĩnh Minh là Vĩnh Minh Diên Thọ đại sư, là vị tổ đời thứ sáu của Tịnh Độ Tông.
(Diễn) Cầu Tịnh Độ giả, túng nhiêu vị minh đạo nhãn, dã tu thành tựu tịnh thân.
(演) 求淨土者,縱饒未明道眼,也須成就淨身。
(Diễn: Người cầu sanh về Tịnh Độ, dẫu đạo nhãn chưa sáng tỏ, vẫn cần phải thành tựu tịnh thân).
“Đạo nhãn” là minh tâm kiến tánh, cũng là Lý nhất tâm bất loạn. Nếu công phu chưa đạt đến cảnh giới ấy, ắt cũng cần phải thanh tịnh thân tâm, chẳng nhiễm mảy trần. Đạt đến cảnh giới ấy, chắc chắn vãng sanh, phẩm vị cũng khá cao, chẳng ở trong Hạ Phẩm Hạ Sanh.
(Sớ) Nãi chí chấp Lý nhi tâm thật liễu minh, diệc bất tất luận.
(疏) 乃至執理而心實了明,亦不必論。
(Sớ: Còn như chấp Lý mà tâm đã thật sự liễu giải thông suốt, cũng chẳng cần phải bàn tới).
Người ấy chấp Lý, nhưng tâm thật sự hiểu rõ, thật sự minh tâm kiến tánh. Thật sự đạt đến minh tâm kiến tánh thì niệm và không niệm đúng là chẳng sao cả! Người ấy không niệm Phật cũng vẫn vãng sanh, chỉ cần người ấy muốn vãng sanh, muốn ra đi liền được. Vì sao? Người ấy có công phu “chẳng niệm mà cũng có thể vãng sanh”. Chẳng niệm mà cũng có thể vãng sanh, đâu có lạ lùng gì! Vì sao? Trong sách Di Đà Yếu Giải, Ngẫu Ích đại sư đã nói: “Đắc sanh dữ phủ, tại ư tín nguyện chi hữu vô” (Được vãng sanh hay không là do có tín nguyện hay không?), nói rất rõ ràng! Có thể vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới hay không, chẳng nói tới niệm, chẳng nói tới chấp trì danh hiệu, chỉ nói tới tín nguyện. Quý vị phải hiểu. Đây là đối với người minh tâm kiến tánh mà nói, người ấy chưa hề niệm một câu Phật hiệu nào, nhưng người ấy tin tưởng, muốn sanh về đó, người ấy liền sanh, lại còn là Thượng Phẩm Thượng Sanh, chẳng cần niệm Phật. Khi chưa minh tâm kiến tánh, cần phải niệm Phật! Do vậy, Ngài lại nói: “Phẩm vị cao hạ, tại ư trì danh chi thiển thâm” (Phẩm vị cao hay thấp là do công trì danh cạn hay sâu). Quý vị phải hiểu đạo lý này, đó là Lý lẫn Sự đều phải chiếu cố.
Thật sự hiểu rõ cái tâm, minh tâm kiến tánh rồi thì quý vị niệm hay chẳng niệm đều chẳng cần phải nhắc tới. Quý vị niệm cũng được, mà không niệm cũng được, hóa ra “quý vị muốn vãng sanh thì quý vị quyết định vãng sanh” là nói về hạng người này. Chúng ta chưa đạt đến công phu ấy! “Tâm thật sự liễu minh”, thưa quý vị, Kiến Tư phiền não đã đoạn, Trần Sa phiền não cũng đoạn, bốn mươi mốt phẩm vô minh tối thiểu phá được một phẩm, quý vị nghĩ xem cảnh giới của người ấy là gì? Nay chúng ta ngay cả Kiến Tư còn chưa đoạn được, ngay cả Thân Kiến trong Kiến Hoặc vẫn còn chưa thể phá được. Phàm phu lè tè sát đất, tám mươi tám phẩm Kiến Hoặc, tám mươi mốt phẩm Tư Hoặc hoàn toàn có đủ, làm sao có thể sánh bằng bậc kiến tánh? Con người quý nhất là tự biết rõ, hiểu chính mình có thân phận như thế nào, biết căn bệnh của chính mình ở chỗ nào thì mới có thể cho thuốc đúng bệnh, thuốc uống vào, bệnh lành!
Tại ngoại quốc, từng có người hỏi tôi: Sám trừ nghiệp chướng có phải là lễ Lương Hoàng Sám, lễ Thủy Sám hay không? Lạy Lương Hoàng Sám xong, Thủy Sám cũng đã lạy rồi, nghiệp chướng có tiêu trừ hay chăng? Chẳng những không tiêu trừ, mà còn tăng thêm chẳng ít. Tôi nói lời này câu nào cũng chân thật! Chẳng những không tiêu nghiệp chướng mà còn tăng trưởng nghiệp chướng. Sám trừ nghiệp chướng là gì? Quý vị mỗi ngày nghĩ đến lầm lỗi, có thể sửa lỗi thì gọi là sám trừ nghiệp chướng. Mỗi ngày suy nghĩ, hôm nay ta làm sai những chuyện gì? Chuyện nào hoặc ý niệm nào chẳng đúng pháp? Mỗi ngày có thể phản tỉnh tội lỗi của chính mình, sửa đổi khuyết điểm của chính mình, đó gọi là sám trừ nghiệp chướng. Đối với khởi tâm động niệm, hết thảy hành vi, cho đến trong công việc của chính mình, giảng kinh, dạy học cũng giống như vậy, ngày ngày cải tiến. Cải tiến là tiêu nghiệp chướng. Ngày ngày có tiến bộ! Chẳng cải tiến, nghiệp chướng chẳng tiêu trừ. Đó là chân chánh cầu sám hối. Do vậy, sám hối là tinh tấn, là mỗi ngày một
mới hơn.
Vì thế, ở Mỹ Quốc, người Mỹ kinh doanh không khá hơn người Nhật Bản. Công xưởng nào của người Mỹ hễ không làm ra tiền, ngay lập tức họ cắt giảm nhân viên, sa thải công nhân, hoặc công nhân bất mãn chủ nhân liền bãi công. Bãi công gây tổn thất quả thật hết sức nghiêm trọng. Người Nhật không giống như họ! Công xưởng của người Nhật Bản không làm ra tiền, chủ nhân giảm tiền lương của viên chức cao cấp. Chiêu này lợi hại lắm, công nhân thấy chủ nhân không lãnh tiền lương, viên chức cao cấp bị giảm lương, công nhân cấp dưới bèn ra sức làm việc, vì sao? Công nhân không bị giảm lương, nhân viên cao cấp bị giảm lương, cách làm ấy hợp lý; cho nên công nhân chịu bán sức. Công nhân bất mãn chủ nhân, muốn phản kháng, khi kháng nghị bèn buộc dải khăn trắng lên đầu, vẫn làm việc như thường lệ. Người Mỹ làm sao có thể hơn được người Nhật! Dùng Phật pháp để nói thì họ thật sự tiêu trừ nghiệp chướng. Do vậy, nhất định phải áp dụng Phật pháp vào trong cuộc sống của chính mình. Phật pháp chẳng phải là bàn suông, Phật pháp là cuộc sống thực tiễn. Do vậy, mục tiêu của Phật pháp là phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui, thật sự lìa khổ, thật sự được vui!
(Diễn) Tâm thật liễu minh, vị tam trí nhất tâm trung đắc.
(演) 心實了明,謂三智一心中得。
(Diễn: “Tâm thật sự liễu minh” có nghĩa là đã đắc nhất tâm nơi Tam Trí).
“Tam Trí” là Nhất Thiết Trí, Đạo Chủng Trí, và Nhất Thiết Chủng Trí. “Nhất tâm trung đắc” là khai ngộ, Thiền Tông gọi là đại triệt đại ngộ.
(Diễn) Dĩ đăng Sơ Địa.
(演) 已登初地。
(Diễn: Đã đạt Sơ Địa).
“Sơ Địa” là Sơ Địa Bồ Tát trong Biệt Giáo. Sơ Địa của Biệt Giáo được gọi là Sơ Trụ trong Viên Giáo.
(Diễn) Nhập Vô Sanh Nhẫn.
(演) 入無生忍。
(Diễn: Nhập Vô Sanh Nhẫn).
Thật sự chứng đắc hết thảy các pháp bất sanh bất diệt.
(Diễn) Ư tự bổn tâm hữu đại khai ngộ giả.
(演) 於自本心有大開悟者。
(Diễn: Đối với bổn tâm của chính mình có khai ngộ to lớn).
Người như vậy tuy chẳng niệm Phật, chỉ cần tin tưởng pháp môn này, chỉ cần muốn [vãng sanh], sẽ vãng sanh. Người ấy vãng sanh bèn là Lý nhất tâm bất loạn, sanh vào cõi Thật Báo Trang Nghiêm.
“Chấp Lý nhi tâm thật liễu minh, diệc bất tất luận” (tuy chấp Lý nhưng thật sự liễu giải cái tâm, cũng chẳng cần phải bàn tới nữa), chẳng cần phải nhắc tới họ! Tiếp theo đây là thảo luận về hạng người “tâm thật vị minh, phản thọ lạc không chi họa” (chưa thật sự hiểu tâm, đâm ra mắc họa chẳng đạt được gì).
(Sớ) Giả sử sính trì cuồng huệ, đam trước ngoan hư, ư tự bổn tâm tằng vị khai ngộ, nhi khinh đàm Tịnh Độ, miệt thị vãng sanh, vi hại phi tế, sở vị: Khoát đạt không, bát nhân quả, mãng mãng đãng đãng chiêu ương họa giả dã.
(疏) 假使騁馳狂慧,耽著頑虛,於自本心曾未開悟,
而輕談淨土,蔑視往生,為害非細,所謂豁達空、撥因果,莽莽蕩蕩招殃禍者也。
(Sớ: Giả sử là kẻ cuồng huệ luông tuồng, đắm chấp hư vô trơ trơ, đối với bổn tâm chưa hề khai ngộ, mà thốt lời rẻ rúng Tịnh Độ, coi rẻ sự vãng sanh, gây hại chẳng nhỏ. [Hạng người đó] gọi là kẻ khoát đạt rỗng tuếch, bài bác nhân quả, chuốc lấy tai ương, họa hại mênh mông bát ngát vậy!)
Liên Trì đại sư bàn về một hạng người, hạng người này trong hiện tại quả thật chẳng ít. Ở ngoại quốc, có nhiều nơi đang tin tưởng Thiền, tin tưởng Mật, cho rằng những môn ấy thành tựu nhanh chóng; thật ra, đại đa số những người ấy là mê muội, mù quáng tin theo. Tôi đi các nơi trong những năm qua, có không ít người giác ngộ, quay đầu niệm A Di Đà Phật. Phàm là Sự sẽ đều có Lý; quý vị phải suy nghĩ nhiều về những đạo lý ấy thử xem nói theo Lý có thông suốt hay không! Nếu quý vị muốn tu Thiền, chẳng cần phải nói tới những môn Thiền bậc cao, môn Thiền thấp nhất là Sơ Thiền trong Tứ Thiền, đấy là [Thiền Định của] Sắc Giới Thiên, chưa thoát khỏi tam giới, vẫn phải sanh tử luân hồi. Điều kiện của Sơ Thiền là gì? Thoát ly Dục Giới. Dục Giới là ngũ dục: Tài, sắc, danh, ăn uống, ngủ nghỉ. Khi ngũ dục hiện tiền, thật sự chẳng động tâm thì mới là Sơ Thiền. Tôi hỏi quý vị nhé: Đối với tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ, quý vị còn động tâm hay chăng? Nếu quý vị vẫn còn động tâm, đó là khẩu đầu Thiền, dã hồ Thiền, vô ích! Vẫn phải đọa lạc trong tam đồ, chẳng đủ tư cách tham Thiền! Mọi người nghe điều này bèn sợ hãi, suy nghĩ thấy chính mình đối với tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ sợ rằng vẫn còn động tâm, chỉ đành quay đầu niệm Phật, đới nghiệp vãng sanh. [Nếu quý vị nói]: “Tôi đã nhạt nhẽo đối với ngũ dục, lục trần nhiều lắm, nhưng vẫn chưa đoạn được”, vẫn chưa được! Quý vị vẫn ở trong Dục Giới, chưa sanh lên Sắc Giới, chẳng dễ dàng đâu nhé!
Nói tới Mật, càng rối ren, phiền phức hơn. Hiển Giáo học chưa thông, đâu có tư cách học Mật! Mật là gia hạnh (hạnh phụ thêm) của Hiển Giáo. Trong Mật Giáo nói “tức thân thành Phật” (thành Phật ngay trong cái thân này), không sai! Giống như quý vị đến trường tham quan lớp học dành cho Tiến Sĩ, họ học mấy tháng bèn tốt nghiệp, lấy được học vị Tiến Sĩ. Quý vị cũng đến tham gia lớp Tiến Sĩ, hai ba tháng sau cũng lấy được học vị Tiến Sĩ, có được hay chăng? Không được! Vì sao? Quý vị chưa học Đại Học, Trung Học, Tiểu Học, lẽ nào học ngay vào lớp Tiến Sĩ cho được? Chẳng thể nào có chuyện ấy! Quý vị phải hiểu: Mật Giáo được kiến lập trên cơ sở Hiển Giáo.
Nếu chúng ta hỏi: Trong tương lai có cần phải học Mật hay không? Phải học! Chẳng học Mật, sẽ chẳng thể thành Phật, nhưng học Mật khi nào? Bát Địa Bồ Tát! Ở đây nói tới Sơ Địa, vừa chứng Sơ Địa, vẫn chưa đủ tư cách! Minh tâm kiến tánh, đại triệt đại ngộ trong Thiền Tông vẫn chưa đủ tư cách. Vì sao? Vừa mới chứng Sơ Địa! Bát Địa Bồ Tát gọi là Bất Động Địa, mới có tư cách học Mật, vị ấy đương nhiên tức thân thành Phật. Quý vị phải tự hỏi chính mình, rốt cuộc ta là Bồ Tát thuộc địa vị nào? Phải hiểu rõ ràng! Trừ địa vị ấy ra, muốn tức thân thành Phật thì còn có cách nào khác hay chăng? Thưa quý vị, có! Niệm A Di Đà Phật là tức thân thành Phật. Nếu quý vị không tin, hãy đọc kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài đồng tử thành Phật từ nơi nhục thân, Ngài thành tựu trong một đời. Ngài tu pháp môn nào vậy? Pháp môn Niệm Phật, pháp môn niệm A Di Đà Phật. Do vậy, pháp môn Niệm Phật là pháp
môn thù thắng nhất trong Phật pháp.
(Diễn) Bất chánh chi vị cuồng.
(演) 不正之謂狂。
(Diễn: Bất chánh thì gọi là cuồng).
Kẻ ấy không đi theo đường chánh, nên gọi là Cuồng.
(Diễn) Cuồng huệ giả, tuy hữu trí huệ, phi chân huệ dã.
(演) 狂慧者,雖有智慧,非真慧也。
(Diễn: Cuồng huệ: Tuy có trí huệ, nhưng không phải là trí huệ chân thật).
Những người ấy chẳng phải là không thông minh, mà rất thông minh, nhưng chẳng phải là trí huệ chân thật. Trí thông minh ấy do phân biệt, chấp trước mà có, chẳng từ cái tâm thanh tịnh lưu xuất ra.
(Diễn) Hữu tùng học vấn đắc giả, hữu tùng công phu đắc giả, hữu tùng tà sư đắc giả, chủng chủng bất đồng.
(演) 有從學問得者,有從工夫得者,有從邪師得者,
種種不同。
(Diễn: Có kẻ do học vấn mà được thông minh, có kẻ do công phu mà thành thông minh, có kẻ do tà sư mà thông minh, đủ loại khác nhau).
Những kẻ ấy đều chẳng phải là trí huệ chân thật, dẫu từ công phu mà có, vẫn chẳng phải là trí huệ chân thật. Vì sao? Công phu phải tương ứng với lý luận mới được. Công phu và lý luận, cảnh giới chẳng tương ứng thì trí huệ đạt được vẫn là tà tri tà kiến. Từ cổ đến nay, tu đạo cầu học vì sao cần có thầy tốt? Không có thầy tốt có được hay chăng? Không được! Trong Đàn Kinh, đoạn chép về Vĩnh Gia đại sư có nói rất rõ ràng: “Không có thầy mà tự ngộ, trước thời Oai Âm Vương Phật thì được. Kể từ sau Oai Âm Vương Phật, không thầy mà tự ngộ, đều là thiên nhiên ngoại đạo”. Do vậy, pháp thế gian hay xuất thế gian đều phải có sư thừa, đều phải có thầy chỉ dạy. Không có thầy chỉ dạy, sẽ là tu mù, luyện đui! Nhưng trong số thầy dạy, có tà, có chánh, kinh Lăng Nghiêm nói: “Tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng”. Nếu quý vị gặp được một vị thầy tốt, quý vị rất may mắn. Chẳng dễ gì gặp được! Minh sư khó cầu! Gặp phải một vị tà sư, phiền phức rất lớn. Tà tri tà kiến có các thứ khác nhau, đó là tà huệ!
(Diễn) Trì sính giả, đại suất vị thập phương chư Phật nhất khẩu thốn tận, hà xứ cánh mịch Di Đà, thập phương thế giới triệt để hiên phiên, hà phương biệt cầu Tịnh Độ. Tái thuyết niệm Phật cầu sanh, tảo thị bát vu an bính, đầu thượng gia đầu dã.
(演) 馳騁者,大率謂十方諸佛一口吞盡,何處更覓彌
陀,十方世界徹底掀翻,何方別求淨土。再說念佛求生,早是缽盂安柄,頭上加頭也。
(Diễn: “Sính trì”[6] là nói chung chung: Mười phương chư Phật một miệng nuốt sạch, chỗ nào tìm được Di Đà nữa? Mười phương thế giới lật ngược hết lên, riêng cầu Tịnh Độ ở chỗ nào? Lại nói: Niệm Phật cầu sanh, đúng là lắp cán vào bát, trên đầu chồng thêm đầu).
Đây là lời lẽ của những kẻ chẳng thật sự đại triệt đại ngộ trong Thiền Tông, là hạng biết một, hiểu nửa, tự cho mình là người hành Thiền, chê cười người niệm Phật. Những lời lẽ ấy hoàn toàn nói theo mặt Lý, nói theo Lý chẳng sai! Họ nói những lời ấy, nhưng có thật sự hiểu hay chăng? Nếu thật sự hiểu, họ sẽ chẳng thốt ra! Thật sự hiểu được thì đó lại là một cách nói, vì sao? Thật sự hiểu được Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại. Người ấy còn có chướng ngại, “trên đầu chồng thêm đầu” là có chướng ngại. Đã có chướng ngại thì nói cách khác, kẻ ấy chẳng thông hiểu!
Gần đây nhất, có người nêu lên chuyện chẳng thể đới nghiệp, chỉ có thể tiêu nghiệp vãng sanh! Do vậy, những người tu Tịnh Độ trong lòng hoảng hốt. Tôi vừa đến nước Mỹ, lão cư sĩ Châu Tuyên Đức liền hỏi ngay: “Làm thế nào đây? Rốt cuộc như thế nào mới là đúng, đới nghiệp vãng sanh hay tiêu nghiệp? Tôi nói với cụ: “Đới nghiệp và tiêu nghiệp là một, chẳng phải hai. Có gì đáng để kinh hoảng sợ hãi hay chăng? Mang theo một chút, tiêu một chút. Tiêu một chút, mang theo một chút. Chỉ có Phật mới có thể không đới nghiệp. Đẳng Giác Bồ Tát còn có một phẩm sanh tướng vô minh, vẫn là đới nghiệp! Tuy kinh luận Tịnh Độ không có văn tự nói rõ chuyện đới nghiệp, nhưng tôi hỏi cụ: Trong kinh luận Tịnh Độ có ba bậc chín phẩm hay chăng?” Có! Đã nói ba bậc chín phẩm mà nếu chẳng đới nghiệp, lẽ nào có ba bậc chín phẩm? Mang theo ít thì phẩm vị cao, mang theo nhiều thì phẩm vị ít. Đó là nói đới nghiệp. Nếu nói tiêu nghiệp thì tiêu nghiệp nhiều phẩm vị cao, tiêu nghiệp ít, phẩm vị thấp. Tiêu nghiệp và đới nghiệp chẳng phải là một ư?
(Diễn) Bất minh vị chi ngoan. Ngoan hư giả, tuy trước Không lý, phi Chân Không dã. Như si nhân khẩu khẩu đàm Không, phàm phu Tứ Vô Sắc Định, ngoại đạo Vô Tưởng, dĩ cập Phi Phi Tưởng Ấm Cảnh Không Ma, nãi chí viên hư vô tâm, chủng chủng bất nhất.
(演) 不明謂之頑,頑虛者,雖著空理,非真空也。如
痴人口口談空,凡夫四無色定,外道無想,以及非非想陰境空魔,乃至圓虛無心,種種不一。
(Diễn: Chẳng hiểu rõ thì gọi là “ngoan” (trơ trơ). “Ngoan hư”: Tuy chấp vào lý Không, nhưng chẳng phải là Chân Không. Như kẻ si miệng luôn bàn về lẽ Không, Tứ Vô Sắc Định của phàm phu, Vô Tưởng Định của ngoại đạo, và Phi Phi Tưởng, Không Ma trong Ấm cảnh, cho đến vô tâm viên hư, đủ thứ khác nhau).
Đoạn này hoàn toàn nói về những cảnh giới đều được nhắc tới trong kinh Lăng Nghiêm, những cảnh giới ấy được gọi là “ngoan hư”, đây cũng là căn bệnh lớn. Họ chẳng thấy được Lý thật sự và Sự thật sự, nói cách khác, vẫn là hiểu lầm, nghe Phật pháp mà hiểu lầm ý nghĩa, hiểu lầm tông chỉ của Phật, nên mới sanh ra những bệnh ấy. “Phàm phu Tứ Vô Sắc Định” là Tứ Không Thiên, “ngoại đạo Vô Tưởng Định” là sanh trong Vô Tưởng Thiên, “Phi Phi Tưởng Ấm Cảnh Không Ma” là cảnh giới của Tứ Thiền và Tứ Không. Những người ấy tưởng những cảnh giới đó là Niết Bàn viên mãn rốt ráo, đây là một thứ hiểu lầm to lớn. Vì vậy, phàm những ai sanh vào Tứ Thiền, Tứ Không Thiên, khi thọ mạng đã hết, nhất định đọa lạc, vì sao? Họ tự cho rằng ta đã chứng đắc cảnh giới Niết Bàn, cuối cùng cảnh giới ấy diệt mất, [bèn oán trách] “Phật vốn là nói dối, lừa gạt chúng ta”, báng Phật, báng Pháp, cho nên họ bị đọa lạc. “Chủng chủng bất nhất” (đủ thứ khác nhau), cảnh giới rất nhiều!
(Diễn) Đam trước giả, đại suất kiên thủ chấp giả, nhất hướng nhập Không, các các tự vị thành Vô Thượng Đạo dã.
(演) 耽著者,大率堅守執者,一向入空,各各自謂成
無上道也。
(Diễn: Đắm chấp: Nói chung là chấp giữ chặt chẽ, một mực nhập vào Không, ai nấy tự bảo ta đã thành Vô Thượng Đạo).
Tôi vừa mới nói những điều này!
(Diễn) Khinh đàm, vị hình ư khẩu. Miệt thị, vị tồn ư tâm.
(演) 輕談,謂形於口。蔑視,謂存於心。
(Diễn: “Thốt lời rẻ rúng” là thể hiện ra miệng, “coi rẻ” là nghĩ trong lòng).
“Khinh đàm” là coi rẻ, “miệt thị” là nghĩ trong lòng. Trong tâm coi thường, miệng thốt lời hủy báng, đây là nói về hạng người như vậy. “Khinh đàm Tịnh Độ” là phê bình Tịnh Độ, coi thường pháp môn này, tự cho Thiền hoặc Mật là thù thắng nhất, cao nhất, lỗi lầm ở chỗ này. “Vi hại phi tế” (gây hại chẳng nhỏ), đấy là mối hại lớn. Ngày nay Thiền và Mật nhìn từ bên ngoài thấy rất thịnh hành, nhưng đối với sự tu hành trong Phật giáo gây hại không nhỏ, chúng ta phải tự hiểu điều này. Những thứ ấy đối với Phật pháp là có điều tệ, chứ không có lợi. Từ xưa đến nay, tại Trung Quốc, chánh pháp đã tồn tại lâu dài, chúng ta phải có tín tâm nơi chính mình. Hãy đọc Cao Tăng Truyện, xem ngữ lục của các tông, đọc Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, bao nhiêu người thành tựu! Đó đều là sự thật.
Hiện thời vãng sanh chính mắt chúng ta thấy, đích thân nghe, ở ngay trước mắt, mà nếu vẫn chẳng tin tưởng, chẳng còn cách nào hết! Hôm nay đã hết giờ rồi!
[1] Có lẽ người ghi lại văn bản đã chép nhầm ở chỗ này vì đây là hai câu trong kinh Pháp Hoa.
[2] Nói năm mươi mốt vị thiện tri thức (thay vì năm mươi ba vị thiện tri thức) tức là không tính tỳ-kheo Đức Vân và Phổ Hiền Bồ Tát vì hai vị này đều dạy Thiện Tài đồng tử pháp môn Niệm Phật.
[3] Bạch mộc nhĩ (Tremella) còn gọi là ngân nhĩ, tuyết nhĩ, ta thường gọi là “nấm tuyết”, là một loại nấm, được coi là có độ dinh dưỡng khá cao, thậm chí được tin tưởng là có tác dụng “diên niên ích thọ”, bổ tỳ, bổ gan, thanh lọc ruột và bao tử. Người Hoa thường chưng nấm tuyết với táo Tàu để làm thuốc thanh can, nhuận tỳ, giải độc.
[4] Nguyên văn “thấn nghi quán” (殯儀館). Không hiểu sao tại Việt Nam, nhất là trong Chợ Lớn, các nhà đòn vẫn ghi biển đề là Tang Nghi Quán, trong khi dòng chữ Hán dưới đó vẫn ghi rõ ràng là Thấn Nghi Quán. “Thấn” (còn đọc thành Tấn, hoặc Tẫn) là mai táng. Ở đây, thuận theo cách ghi ấy, chúng tôi vẫn dùng chữ Tang Nghi Quán.
[5] Bạch luyện có nghĩa là vải lụa đã gột tẩy trắng tinh, cũng thường dùng để ví thác nước.
[6] Trong lời Sớ dùng chữ “sính trì”, lời Diễn Giải ghi là “trì sính”, chúng tôi dịch theo chữ được dùng trong lời Sớ.