Tập 281/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 01-003-0289

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 281

          Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang năm trăm chín mươi hai:

          (Sớ) Xứng Lý, tắc tự tánh bất khả thấu bạc, thị nan tín pháp nghĩa.

(Sao) Đương tri tự tánh, bất khả dĩ hữu tâm cầu, bất khả dĩ vô tâm đắc, bất khả dĩ ngữ ngôn tạo, bất khả dĩ tịch mặc thông.

(Diễn) Bất khả dĩ hữu tâm cầu đẳng giả, tự tánh phi hữu, hữu tâm tắc đọa tăng ích chấp. Tự tánh phi vô, vô tâm tắc đọa tổn giảm chấp. Tự tánh ly ngôn thuyết tướng, ngữ ngôn tắc đọa vọng tưởng. Tự tánh ly tâm duyên tướng, tịch mặc tắc đọa vô ký.   

()稱理,則自性不可湊泊,是難信法義。

()當知自性,不可以有心求,不可以無心得,不可以語言造,不可以寂默通。

()不可以有心求等者。自性非有。有心則墮增益執。自性非無。無心則墮損減執。自性離言說相。語言則墮妄想。自性離心緣相。寂默則墮無記。

(Sớ: Xứng Lý thì tự tánh chẳng thể dò lường là ý nghĩa “pháp khó tin”.

          Sao: Hãy nên biết: Tự tánh chẳng thể dùng hữu tâm để cầu, chẳng thể dùng vô tâm để đắc, chẳng thể dùng ngôn ngữ để tạo, chẳng thể dùng lặng lẽ để thông.

Diễn: “Chẳng thể dùng hữu tâm để cầu” v.v…: Tự tánh chẳng phải là có, hữu tâm bèn đọa vào chấp trước Tăng Ích. Vô tâm bèn đọa vào chấp trước Tổn Giảm. Tự tánh lìa tướng ngôn thuyết, nói năng bèn đọa vào vọng tưởng. Tự tánh lìa tướng tâm duyên, lặng thinh bèn đọa vào vô ký).

          Bốn câu này nhằm giải thích ý nghĩa của chữ “thấu bạc” (湊泊). Đối với “tự tánh”, trong kinh Đại Thừa, đức Phật thường dùng chữ “pháp nhĩ tự nhiên” (pháp vốn tự nhiên là như vậy) để hình dung nó. Trên thực tế, về căn bản, chẳng có cách nào hình dung được. Đối với chuyện chẳng có cách nào để hình dung được, đức Phật đã dùng pháp phương tiện khá gần với chân tướng sự thật để chỉ dẫn cho chúng ta. Đó là chỗ khó tin trong Phật pháp, đặc biệt là trong pháp Đại Thừa. Vì tự tánh không chỉ là chẳng thể biểu đạt bằng ngôn ngữ, bởi ngôn ngữ có phạm vi, có giới hạn; tư duy và tưởng tượng cũng là có phạm vi, có giới hạn. Giới hạn ấy, dựa theo cách nói của tông Duy Thức thì cũng sẽ biện định rất dễ dàng, rất rõ rệt: [Ngôn ngữ và tư tưởng] thuộc vào A Lại Da Thức. Đó chính là giới hạn của nó. Trong A Lại Da Thức, [tông Duy Thức] nói có ba tế tướng và sáu thô tướng. Nếu vượt ra ngoài giới hạn ấy, sẽ chẳng có cách nào [để diễn đạt, hình dung bằng ngôn ngữ, văn tự, hoặc tư duy, suy tưởng được], chuyện này được gọi là “ngôn ngữ dứt bặt, tâm hành xứ diệt”.

Hết thảy Đại Thừa liễu nghĩa đều nói về Chân Như bản tánh, đều vượt ngoài giới hạn của A Lại Da. Kinh Di Đà là kinh Đại Thừa của các kinh Đại Thừa, là liễu nghĩa của liễu nghĩa, đương nhiên là khó tin. Tuy kinh toàn nói về sự tướng, nhưng Sự nương theo Lý để nói, Lý quá sâu, khó lường; do vậy, những Sự ấy đều vượt ngoài tầm hiểu biết của kẻ bình phàm! Không chỉ là lục đạo phàm phu chẳng có phương pháp nào để dò lường, mà Nhị Thừa, Quyền Giáo Bồ Tát cũng chẳng dễ gì tin tưởng được! Vì sao? Họ chẳng kiến tánh. Pháp môn này, Phổ Hiền Bồ Tát tuyên dương trong thế giới Hoa Tạng sẽ dễ dàng. Vì sao? Vì các vị Bồ Tát trong thế giới Hoa Tạng đều là bậc minh tâm kiến tánh, Ngài dùng mười đại nguyện vương dẫn họ về Cực Lạc chẳng khó! Chư Phật, Bồ Tát ở trong lục đạo của mười phương thế giới vì chúng sanh thuyết pháp này, thật sự là “pháp khó tin”.

          Bốn câu giải thích này hết sức hay. “Bất khả dĩ hữu tâm cầu” (Chẳng thể dùng hữu tâm để cầu). Hữu tâm thì tâm ấy là vọng niệm, là vọng tưởng; mà cũng chẳng thể dùng “vô tâm”. Vô tâm chẳng đạt được, [bởi lẽ], vô tâm là vô minh. Quý vị khởi tâm động niệm là vọng tưởng, không khởi tâm động niệm là vô minh. Khi ấy, xin hỏi quý vị làm như thế nào? Xác thực là chúng ta chẳng có cách nào hết!

Phải biết: Phương pháp Niệm Phật của Tịnh Tông là pháp môn mầu nhiệm tuyệt vời. Chúng ta chí thành cung kính niệm câu A Di Đà Phật, quý vị nói là hữu tâm hay vô tâm? Hiện thời, người niệm Phật rất đông, các đồng tu đang hiện diện ai nấy đều niệm Phật, đại khái là niệm đã lâu; vì sao chẳng có ai đắc Niệm Phật tam-muội? Nếu nói nông cạn hơn một chút, vì sao chẳng được thọ dụng? Đó là vì quý vị niệm Phật chẳng đúng pháp, chẳng biết dụng tâm. Quý vị dùng hữu tâm để niệm, sẽ chẳng đắc Niệm Phật tam-muội. Quý vị dùng vô tâm để niệm, cũng chẳng đắc Niệm Phật tam-muội. Then chốt ở ngay chỗ này! Hữu tâm là vọng tưởng, vô tâm là vô minh. Dùng vọng tưởng, hoặc dùng vô minh để cầu Niệm Phật tam-muội, chắc chắn là chẳng cầu được! Cầu nhất tâm bất loạn cũng chẳng cầu được! Nhưng chư vị phải hiểu: Cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, mà dùng hữu tâm để cầu thì có thể cầu được; đấy là chỗ thuận tiện của pháp môn này.

Hữu tâm cầu sanh Tây  Phương  Cực  Lạc  thế  giới, sanh  vào  cõi

Phàm Thánh Đồng Cư, hoặc cõi Phương Tiện Hữu Dư của Tây Phương Cực Lạc thế giới, chứ cõi Thật Báo thì không được. Cõi Thật Báo thì phải phù hợp tiêu chuẩn này: “Chẳng thể là hữu tâm, mà cũng chẳng thể là vô tâm”. Đó là cõi Thật Báo. Chúng ta hữu tâm cầu, quyết định được vãng sanh. Vô tâm cầu, quyết định chẳng vãng sanh. Chư vị phải hiểu: Quý vị chẳng mong cầu sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, sẽ chẳng có phần trong Tây Phương Cực Lạc thế giới! Tịnh Tông và các tông phái khác phân định sự khó dễ ở ngay chỗ này. Vì chúng ta dùng hữu tâm cầu, sẽ có thể vãng sanh; trong những tông phái khác, hễ dùng hữu tâm, sẽ chẳng thể chứng quả, mà dùng vô tâm, cũng chẳng thể chứng quả! Mới biết các pháp môn khác khó hơn pháp môn này quá nhiều!

Pháp môn này của chúng ta là “tin khó, hành dễ”. Thật sự tin tưởng, thật sự phát nguyện, phát nguyện là hữu tâm, mong muốn vãng sanh, đúng là “vạn người tu, vạn người đến”. Chúng ta niệm câu Phật hiệu, thành khẩn niệm, thật thà niệm, chớ nên xen tạp vọng tưởng. Có những kẻ niệm Phật, trong khi niệm Phật còn có ý niệm “ta cầu nhất tâm bất loạn”, đó là vọng tưởng, quý vị chẳng thể nào đắc nhất tâm bất loạn. Trong niệm Phật mà xen tạp vọng tưởng, làm sao có thể đắc nhất tâm bất loạn cho được? Nhất tâm bất loạn là nguyện vọng của ta, ta có nguyện ấy, chớ nên có tâm. Tâm và nguyện phải phân định rõ rệt. Ta có nguyện, ta mong cầu đắc nhất tâm, nhưng trong khi niệm Phật, chớ nên có vọng tâm ấy, chớ nên có ý niệm cầu đắc nhất tâm. Hễ xen tạp ý niệm ấy vào đó, Phật hiệu của chúng ta sẽ chẳng thuần, trong ấy có xen tạp. Niệm đến mức công phu thuần thục, tự nhiên nhất tâm hiện tiền. Công phu đã đạt, nó tự nhiên hiện tiền. Công phu chưa đạt mà dấy vọng tưởng, chỉ có hại, chẳng thể thành tựu. Vì vậy, hãy thật thà niệm, thành khẩn niệm, cung kính niệm, đó là đúng.

Trong tâm có câu Phật hiệu, hết thảy các tạp niệm, phân biệt, chấp trước khác đều chẳng có. Dùng một niệm để trừ hết thảy vọng niệm và tạp tưởng, phương pháp này rất mầu nhiệm, có thể làm cho vọng niệm chẳng sanh. Câu Phật hiệu rành mạch, rõ ràng, niệm bốn chữ cũng thế, mà niệm sáu chữ cũng thế, rành mạch, rõ ràng, chẳng đọa trong vô minh. Do vậy, nó cũng chẳng phải là vô tâm, mà cũng chẳng phải là hữu tâm. Trong ấy, hễ có tạp niệm, có vọng tưởng, thì là hữu tâm. Bốn chữ hoặc sáu chữ ấy rành mạch, rõ ràng, phân minh, nên chẳng phải là vô tâm. Điều ấy được gọi là Trung Đạo Đệ Nhất Nghĩa của hàng Đại Thừa Bồ Tát. Niệm Phật phải biết niệm! Sử dụng công phu ấy thuần thục, dần dần [niệm Phật] sẽ hòa lẫn với cuộc sống, chúng ta mặc quần áo, ăn cơm, đãi người, tiếp vật, trong hết thảy thời, hết thảy chỗ, hết thảy cảnh giới, đều chẳng phải là hữu tâm, mà cũng chẳng phải là vô tâm, đều trụ trong Trung Đạo, đều là tương ứng, hoàn toàn là công phu, là cảnh giới. Hai câu này nói về sự dụng tâm.

          Hai câu tiếp đó nói về sự dụng công:

1) “Bất khả dĩ ngữ ngôn tạo” (Chẳng thể dùng ngôn ngữ để tạo): Chẳng có cách nào dùng ngôn ngữ để diễn tả rõ ràng, hoặc nói minh bạch. Ngôn ngữ và văn tự đều có phạm vi, đều có giới hạn. Đại Thừa, [đặc biệt là] nghĩa thú viên mãn của Nhất Thừa vượt ngoài ngôn ngữ, văn tự. Chẳng thể vứt bỏ ngôn ngữ, văn tự, nhưng ý ở ngoài lời, có nghĩa là quý vị phải biết nghe. Nếu quý vị chỉ nghe ngôn ngữ, chỉ thấy văn tự, sai mất rồi, đã chết cứng nơi câu văn, chẳng thể khai ngộ. Người có thể khai ngộ phải hiểu âm thanh ở ngoài dây đàn, phải hiểu ý ở ngoài lời, như vậy thì quý vị mới có ngộ xứ. Vì thế, lìa khỏi ngôn ngữ, văn tự chẳng được, mà chấp trước ngôn ngữ, văn tự cũng chẳng được! Câu này nói về Giáo Hạ sử dụng ngôn ngữ, văn tự; văn tự là kinh điển, giảng kinh thuyết pháp là ngôn ngữ. “Tử tại cú hạ” (Chết ngắc trong câu văn) là [chấp trước] chết cứng nơi Giáo Hạ, chẳng thể minh tâm kiến tánh.

2) “Bất khả dĩ tịch mặc thông” (Chẳng thể dùng vắng lặng để thông) là chuyên nói về Thiền Tông. Thiền Tông hoàn toàn đổ công dốc sức nơi Thiền Định, chẳng cần đến ngôn ngữ, văn tự, có được hay không? Chẳng được! Dẫu công phu định lực đã đạt tới Tứ Thiền, Bát Định, vẫn chẳng thể kiến tánh. Dẫu lên cao hơn một bậc là Cửu Thứ Đệ Định, đã có năng lực vượt thoát lục đạo luân hồi, vẫn chẳng thể kiến tánh! Vì sao chẳng thể kiến tánh? Vì họ vẫn còn chấp trước có Thiền Định. Chỉ cần có mảy may vọng tưởng, chấp trước, tâm tánh đều bị chướng ngại! Do vậy, trong pháp môn Đại Thừa, sử dụng phương pháp, nói trắng ra, đều chỉ nhằm phá chấp trước mà thôi.

          (Sao) Ly tứ cú, tuyệt bách phi.

()離四句,絕百非。

(Sao: Lìa bốn câu, tuyệt bách phi).

          Đức Phật dạy “tứ cú, bách phi”. “Tứ cú, bách phi” bao gồm trọn khắp hết thảy vọng tưởng, chấp trước. Đức Phật nêu một thí dụ: Không là một câu, Có là một câu, “cũng Có cũng Không” là một câu, “chẳng phải là Có, chẳng phải là Không” là một câu. Đó gọi là Tứ Cú. Từ bốn câu ấy, lại suy diễn, biến hóa thành một trăm câu[1]. Đức Phật nêu ra thí dụ ấy, thí dụ ấy bao gồm hết thảy các vọng tưởng, chấp trước của chúng sanh, đều chẳng ra ngoài nguyên tắc ấy. Tứ Cú và Bách Phi thảy đều lìa khỏi, quý vị đã đoạn hết vọng tưởng, chấp trước, tâm tánh tự nhiên hiển hiện, há có mong cầu? Chẳng phải cầu! Tự nhiên hiển hiện. Nhưng chúng ta nghe đức Phật nói đạo lý này, [sẽ cảm thấy] dường như là quá đơn giản. Trên thực tế, chúng ta chẳng có cách nào làm được, nguyên nhân là vì đối với Tứ Cú, Bách Phi, từ vô thỉ kiếp tới nay, chúng ta đã dưỡng thành thói quen cứng chắc, chẳng thể phá được, muốn lìa mà chẳng lìa được, muốn đoạn mà đoạn chẳng nổi! Khởi tâm động niệm luôn rớt vào Tứ Cú và Bách Phi. Để có thể hiểu rõ chân tướng sự thật này, khá khó khăn! Có thể thật sự lìa khỏi, đoạn hết, há dễ dàng ư? Trong giáo pháp Đại Thừa, người có thể thật sự lìa khỏi, đoạn hết, chính là từ Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo trở lên, cũng là như chúng ta thường nói: “Đã đoạn phiền não, phá vô minh, chứng một phần Pháp Thân” thì mới là “ly tứ cú, tuyệt bách phi”. Chỉ cần Tứ Cú, Bách Phi tồn tại, quý vị chẳng có cách nào phá vô minh, chẳng có cách nào chứng đắc chân tánh.

          (Sao) Không lý tài hoa, ba tâm đạp nguyệt, vô nhữ thố thủ túc xứ.

          ()空裡栽華,波心踏月,無汝措手足處。

(Sao: Trồng hoa trên hư không, đạp trăng giữa sóng, chẳng có chỗ để cho ông đặt tay, cất chân).

          Đây là tỷ dụ. “Không lý tài hoa” (Trồng hoa trong hư không), hoa phải trồng trên đất, hoặc trồng trong chậu hoa, ở giữa hư không làm sao trồng hoa cho được? “Ba tâm đạp nguyệt” (Đạp trăng giữa sóng): Ban đêm bóng trăng soi trên mặt nước, quý vị đạp trăng giữa sóng. Những điều này đều nhằm nói lên sự khó khăn, chẳng dễ gì làm được. “Vô nhữ thố thủ túc xứ” (Không có chỗ cho ông cất tay, đặt chân), tỷ dụ tâm tánh khó thể lý giải, khó thể chứng đắc.

          (Sao) Thị cố Linh Sơn thượng đức, chung thành bại Bắc chi khiên. Hán địa Kim Cang, thỉ hữu diệt Nam chi tưởng.

()是故靈山上德,終成敗北之愆;漢地金剛,始有滅南之想。

(Sao: Vì thế, bậc thượng đức trong hội Linh Sơn, rốt cuộc mắc lỗi thảm bại, bậc Kim Cang đất Hán, thoạt đầu mong diệt trừ [Thiền phái] phương Nam).

          Đây là nêu ra hai câu chuyện để chứng minh. “Linh Sơn thượng đức” là nói tới hội Pháp Hoa, đức Thế Tôn giảng kinh Pháp Hoa tại núi Linh Thứu.

          (Diễn) Linh Sơn thượng đức, chung thành bại Bắc giả, Linh Sơn hội thượng, ngũ thiên thoái tịch.

()靈山上德,終成敗北者,靈山會上五千退席。

(Diễn: “Bậc thượng đức trong hội Linh Sơn rốt cuộc thảm bại”: Trong hội Linh Sơn, năm ngàn người rời khỏi pháp hội).

          Đây là những người theo Thích Ca Mâu Ni Phật học Tiểu Thừa đã rất nhiều năm, nghe đức Phật giảng kinh Diệu Pháp Liên Hoa, họ nghe xong, chẳng thể lý giải, cho là đức Phật thuyết pháp trái với lẽ thường. “Ngũ thiên thoái tịch” tức là năm ngàn người bỏ về, chẳng nghe nữa!

          (Diễn) Cập Hoa Nghiêm hội thượng bất kiến Xá Na chi bối. Bại Bắc giả, quân chiến bại viết Bắc.

          ()及華嚴會上不見舍那之輩。敗北者。軍戰敗曰北。

(Diễn: Cùng những kẻ trong hội Hoa Nghiêm chẳng thấy Phật Lô Xá Na. “Bại Bắc”: Đánh nhau thua trận thì gọi là Bắc).

          Tỷ dụ chuyện này là “bại Bắc”. Vì sao? Chẳng thể kiến tánh. Đức Phật giảng kinh Pháp Hoa, là do thấy một nhóm học trò căn tánh đã dần dần chín muồi, Ngài bèn vì họ mà nói. Kẻ căn tánh chẳng chín muồi, chẳng thể tiếp nhận, chẳng chịu tin tưởng, bèn rút lui, chẳng nghe nữa. Điều này ví như đánh giặc, những kẻ ấy đánh thua trận, bèn rút lui!

          (Diễn) Hán địa Kim Cang, thỉ dục diệt Nam giả, Đức Sơn hiệu Châu Kim Cang, bất tín Nam Tông đơn truyền trực chỉ chi thuyết, tác Thanh Long Sao, kính vãng Nam phương, dục diệt Nam Tông. Lộ phùng bà tử mại điểm tâm, bà tử vấn vân: “Sở đảm giả hà vật?” Đáp viết: “Kim Cang Kinh Thanh Long Sao”. Viết: “Kim Cang kinh vân: Tam tâm bất khả đắc, tôn giả dục điểm hà tâm?” Sơn vô đối, chí Long Đàm vãng phục khấu kích, hoảng nhiên đại ngộ, nãi viết: “Cùng chư huyền biện, nhược nhất hào trí ư thái hư, kiệt thế xu cơ, tự nhất trích đầu ư cự hác”, nãi phần Thanh Long Sao vân.

()漢地金剛,始欲滅南者,德山號周金剛,不信南宗單傳直指之說,作青龍鈔,徑往南方,欲滅南宗。路逢婆子賣點心。婆子問云。所擔者何物。答曰。金剛經青龍鈔。曰。金剛經云。三心不可得。尊者欲點何心。山無對。至龍潭往復叩擊。恍然大俉。乃曰窮諸玄辯。若一毫置於太虛。竭世樞機。似一滴投於巨壑。乃焚青龍鈔云。

(Diễn: “Kim Cang đất Hán, thoạt đầu mong diệt [Thiền phái ở] phương Nam”. Ngài Đức Sơn[2] [Tuyên Giám] hiệu là Châu Kim Cang, chẳng tin thuyết “đơn truyền trực chỉ” của Nam Tông, soạn bộ Thanh Long Sao, đi về phương Nam, toan diệt trừ Nam Tông. Trên đường, gặp bà lão bán điểm tâm, bà lão hỏi: “Ngài gánh vật gì vậy?” Sư đáp: “Kim Cang Kinh Thanh Long Sao”. Bà cụ nói: “Kinh Kim Cang nói: Ba tâm chẳng thể được, tôn giả muốn điểm cái tâm nào?” Đức Sơn chẳng đáp được. Đến chỗ ngài Long Đàm [Sùng Tín], thưa hỏi qua lại, bỗng dưng đại ngộ, bèn nói: “Tột cùng các lẽ biện luận huyền diệu, ví như đặt một sợi lông trong vũ trụ. Cạn hết lẽ trọng yếu trong cõi đời, dường như gieo một giọt nước vào trong con suối lớn”. Sư bèn đốt bộ Thanh Long Sao).

          Tổ Đạt Ma đến Trung Hoa truyền pháp Thiền, “đơn truyền trực chỉ”. Tông chỉ nhà Thiền là chẳng nương theo câu chữ trong kinh luận, chỉ truyền tâm ấn, chỉ thẳng tâm người, kiến tánh thành Phật. Lục Tổ Huệ Năng hoằng pháp tại Hoàng Mai (Giang Nam), gọi là Nam Tông. Thiền sư Đức Sơn, có hiệu là Châu Kim Cang, vì họ ngoài đời là Châu, Đức Sơn là pháp danh. Ngài Đức Sơn là chuyên gia về kinh Kim Cang, suốt đời chuyên đổ công dốc sức nơi kinh Kim Cang. Ngài rất bực tức đối với sự truyền thừa của Thiền Tông, bèn soạn chú giải cho kinh Kim Cang, đặt tên là Thanh Long Sao. Khi đó, kinh và chú giải đều là chép tay. Sư chú giải rất tỉ mỉ, phân lượng rất lớn. Vì thế, khi đi đường phải gánh cả một gánh, một đầu là hành lý, đầu kia là trước tác của Sư, chuẩn bị mang bộ chú giải ấy đến biện luận với những bậc đại đức trong Thiền Tông. Đi đường, đói bụng, khéo sao gặp một bà cụ bán điểm tâm, cách đạo tràng Thiền Tông chẳng xa. Sư liền mua điểm tâm của cụ. Bà cụ hỏi Sư: “Gánh vật gì đấy?” Sư bảo: “Chú giải kinh Kim Cang, Thanh Long Sớ Sao”. Bà cụ nghe xong, đáp: “Tôi có một nghi vấn trong kinh Kim Cang. Nếu thầy đáp được, tôi sẽ cúng dường thầy đồ điểm tâm. Thầy chẳng đáp được, dẫu có tiền, tôi cũng không bán”. Sư nói: “Được lắm! Ta là chuyên gia về kinh Kim Cang, bà cứ hỏi đi”. Bà cụ liền hỏi: “Kinh Kim Cang nói ‘ba tâm chẳng thể được’, xin hỏi pháp sư, thầy điểm cái tâm nào?” Sư cứng họng, đã bị bắt bí. Sư suy nghĩ, pháp sư của Nam Tông rất giỏi, ngay cả bà lão này mà ta còn chẳng đối phó được, ta còn dám đi nữa chăng? Bèn chẳng dám đi, đem đốt sạch bộ Thanh Long Sao, chỉ dùng thân phận học trò để đến tham học [với ngài Long Đàm]. [Dùng chữ] “Hán địa Kim Cang” vì Sư là người Trung Hoa, là người Hán. Châu Kim Cang có ý tưởng diệt trừ Nam Tông!

          (Sao) Năng tín thị pháp, khởi bất nan tai?

          ()能信是法,豈不難哉。

(Sao: Có thể tin pháp này, há chẳng khó ư?)

           Có thể tin tưởng, quả thật chẳng dễ dàng! Đây là nói rõ “nan tín” nhìn từ quan điểm xứng tánh, xác thực là khó khăn. Sự khó khăn này đúng là có đạo lý của nó!

          Tam, tổng kết nan sự.

          (Kinh) Xá Lợi Phất! Đương tri ngã ư Ngũ Trược ác thế, hành thử nan sự, đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.

            三、總結難事

()舍利弗。當知我於五濁惡世。行此難事。得阿耨多羅三藐三菩提。

(Ba, tổng kết sự khó.

Kinh: Này Xá Lợi Phất! Hãy nên biết ta ở trong đời ác Ngũ Trược, làm chuyện khó này, đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác).

          Ngẫu Ích đại sư bảo chúng ta: Thích Ca Mâu Ni Phật thành Phật là do niệm Phật mà thành Phật. Ngài nói điều này trong bộ Di Đà Kinh Yếu Giải. Đối với cách nói ấy, từ xưa, các vị đại đức chưa hề nói Thích Ca Mâu Ni Phật thành Phật là do niệm Phật mà thành Phật. Ngẫu Ích đại sư là người đầu tiên nói lời ấy, Ngài dựa vào đâu để nói? Chính là dựa vào câu kinh văn này để nói. Lời ấy do chính Thích Ca Mâu Ni Phật bảo ngài Xá Lợi Phất, chính Ngài tự nói. “Hành thử nan sự” (Làm chuyện khó này) chính là niệm Phật, tín nguyện trì danh là chuyện khó khăn. “Đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề” là thành Phật. Nếu Ngẫu Ích đại sư chẳng chỉ ra, chúng ta niệm kinh Di Đà hằng ngày, sẽ hàm hồ, lơ mơ, loáng thoáng lướt qua, chưa từng chú ý hai câu kinh văn trọng yếu như thế đó! Thích Ca Mâu Ni Phật do niệm Phật mà thành Phật, mười phương ba đời hết thảy chư Phật chẳng khác Thích Ca Mâu Ni Phật, các Ngài đến cuối cùng thành Phật đều là do pháp môn Niệm Phật này mà thành tựu. Hiểu đạo lý này, hiểu rõ sự thật này, chúng ta mới hiểu vì sao trong hội Hoa Nghiêm, Văn Thù và Phổ Hiền cũng phải cầu nguyện vãng sanh Tịnh Độ, là do đạo lý này. Vì thế, hết thảy chư Phật Như Lai tới cuối cùng thành Phật đều là do niệm Phật thành Phật. Nếu Ngẫu Ích đại sư không nói, xác thực là chúng ta khó lòng phát hiện. Được người sáng suốt chỉ điểm, bèn xem lại kỹ càng, [sẽ nhận thấy tổ Ngẫu Ích] chẳng sai, có lý!

          (Kinh) Vị nhất thiết thế gian thuyết thử nan tín chi pháp.

          ()為一切世間說此難信之法。

(Kinh: Vì hết thảy thế gian nói pháp khó tin này).

          “Pháp khó tin này” chính là pháp “niệm Phật thành Phật”.

          (Kinh) Thị vi thậm nan.

          ()是為甚難。

          (Kinh: Đó là rất khó).

          Câu này là tổng kết hai điều khó trước đó: Tự mình thành Phật là khó, vì chúng sanh nói pháp thành Phật là khó. Chúng ta xem chú giải:

          (Sớ) Thuật chư Phật ngữ, trùng vi thân minh, kiến thử nhị nan, cổ Phật bất hư vị tán từ, kim Phật phi lạm ưng mỹ dự. Thật ngữ, thật hạnh, lưỡng tương phù hợp, vạn đại chúng sanh, đương đế tín nhi vật nghi, cảm ân nhi vô dĩ giả dã, khả vị phản phúc đinh ninh, bà tâm đại thiết hỹ.

()述諸佛語,重為申明。見此二難,古佛不虛為讚辭,今佛非濫膺美譽,實語實行,兩相符合,萬代眾生,當諦信而勿疑,感恩而無已者也,可謂反覆叮嚀,婆心大切矣。

(Sớ: Thuật lời chư Phật, nói rõ ràng lần nữa, hòng thấy hai sự khó khăn ấy. Cổ Phật chẳng thốt lời tán thán hư dối, vị Phật hiện thời chẳng lạm nhận tiếng khen. Lời thật, hạnh thật, hai đằng đều phù hợp, chúng sanh muôn đời, hãy nên tin chắc, đừng nghi, cảm ân đức khôn cùng, đáng bảo là “dặn đi, dặn lại, lòng từ bi đau đáu thiết tha tột bậc!”)

          Liên Trì đại sư nói mấy câu này hết sức khẩn thiết. “Cổ Phật”: Trong bản kinh này, ta đã thấy trong phần trước, sáu phương chư Phật ca ngợi Thích Ca Mâu Ni Phật, đúng là chân thật, chẳng dối. “Kim Phật” là Thích Ca Mâu Ni Phật, tức đức Bổn Sư của chúng ta, Ngài có thể đảm đương lời ca ngợi của hết thảy chư Phật, nhận lãnh [những lời khen ngợi ấy] chẳng hổ thẹn. Lời tán thán của chư Phật Như Lai là chân thật ngữ, Thích Ca Mâu Ni Phật tự hành, hóa độ người khác là chân thật hạnh. “Thật ngữ, thật hạnh, lưỡng tương phù hợp” (Thật ngữ, thật hạnh, hai đằng phù hợp).

Tiếp theo đó, Liên Trì đại sư khuyên lơn, khích lệ chúng ta, “vạn đại chúng sanh” (chúng sanh muôn đời), không chỉ là khi ấy! Pháp môn này truyền đến đời sau, hy vọng các đồng tu đời sau có duyên gặp gỡ, ngàn muôn phần đừng hoài nghi, nhất định là phải thật sự tin tưởng, phải cảm kích ơn Phật. Cảm ơn chư Phật, đương nhiên chúng ta cũng cảm kích ân đức của Liên Trì đại sư. Vì đối với bộ kinh này, nói thật ra, nếu chúng ta chẳng được Liên Trì và Ngẫu Ích đại sư chỉ dẫn, dẫu chúng ta niệm như thế nào, cũng chẳng có cách nào liễu giải nghĩa lý sâu thẳm trong kinh. Chúng ta chẳng nhìn ra, những điều này do hai vị tổ sư đại đức chỉ dẫn chúng ta.

“Phản phúc đinh ninh, bà tâm đại thiết” (Dặn đi dặn lại, tâm đau đáu thiết tha tột bậc), “bà tâm” (婆心) là tâm từ bi. Người đã già, biết thời gian của chính mình chẳng còn được mấy, cho nên lòng yêu thương đối với thế hệ sau phát xuất từ chân tâm, chẳng giống như khi còn trẻ! Thuở trẻ thì hãy còn hư tình giả ý, lúc tuổi già, [nhận biết] đời này của ta sắp hết, sắp lìa khỏi thế gian này; vì thế, lòng yêu thương đối với những người trẻ tuổi thuộc thế hệ sau xuất phát từ lòng chân thành. Thông thường, để hình dung lòng từ bi chân thật, chúng ta đều gọi là “bà tâm”, tức là lòng từ bi chân thật của bà cụ già, dùng điều này để tỷ dụ [lòng đại từ bi của] chư Phật, Bồ Tát, tổ sư đại đức.

          (Sao) Đắc đạo chi nan, kỳ nan hữu nhị.

          ()得道之難,其難有二。

          (Sao: Đối với sự khó khăn trong việc đắc đạo, có hai nỗi khó khăn).

          Hai điều khó, một là “đắc”, tức là thành Phật khó khăn, điều kia là thuyết pháp khó khăn. Thành Phật khó khăn lại có hai điều.

          (Sao) Nhất vị thiện thế đắc đạo, vị túc vi nan, kim ư ác thế.

          ()一謂善世得道,未足為難,今於惡世。

(Sao: Một là đắc đạo trong cõi đời thiện lương, chưa đáng gọi là khó, nay trong đời ác [mà đắc đạo thì mới là khó]).

          Điều này là khó. Nay chúng ta học Phật, có thể buông xuống vạn duyên, được sanh về Tịnh Độ. Thưa cùng chư vị, hiện thời, bày ra trước mặt chúng ta hai loại trạng huống: Một loại là vãng sanh, loại kia thì tuy niệm Phật mà chẳng thể vãng sanh. Đây là sự thật, giống như xưa kia, cụ Lý Bỉnh Nam đã nói: “Người niệm Phật trong hiện thời, một vạn người niệm Phật, có thể vãng sanh đại khái là dăm ba người mà thôi”. Tuyệt đại đa số chẳng thể vãng sanh, nguyên nhân ở chỗ nào? “Ác thế”. Quý vị ở trong đời ác, chính mình chẳng thể độc lập, làm chủ, bị cảnh giới xoay chuyển, niệm Phật kiểu đó sẽ chẳng thể vãng sanh. Có thể vãng sanh thì thưa cùng chư vị, công phu của quý vị bèn có thành tựu cao hơn những người đã vãng sanh trong quá khứ. Vì sao? Trong quá khứ, những người đó có hoàn cảnh tốt hơn nhiều, chẳng có lắm nỗi ác duyên dường ấy. Nếu những người ấy ở trong hoàn cảnh giống hệt như hiện thời, họ sẽ chẳng thể vãng sanh. Chuyện này chẳng giả tí nào! Trong hoàn cảnh này, chúng ta có thể vãng sanh, công phu bèn vượt trỗi cổ nhân, đây là sự thật. Như trong phần trước đã nói, làm thế nào để có thể tự lập tự cường trong đời ác Ngũ Trược, chẳng bị ngoại cảnh quấy nhiễu, nhất tâm hướng về đạo? Đạo ấy chính là đại đạo để vãng sanh thế giới Cực Lạc. Đó là công phu chân thật. Đây là chỗ khó khăn thứ nhất.

Người niệm Phật trong hiện thời chẳng thể vãng sanh, chúng ta chẳng thể trách họ được! Hoàn cảnh bên ngoài đích xác là chướng ngại quá lớn. Xác thực là chẳng phải hạng người tầm thường, lơ mơ mà có thể chống chọi nổi! Trong thì có phiền não tập khí, ngoài thì có ác duyên. Ác duyên ấy bao gồm hoàn cảnh nhân sự và hoàn cảnh vật chất. Hoàn cảnh vật chất là ngũ dục, lục trần dụ dỗ, mê hoặc; đối với hoàn cảnh nhân sự thì thân thích bằng hữu kết giao của quý vị chẳng học Phật, họ tham cầu tiếng tăm, lợi dưỡng, lôi quý vị đi theo. Quý vị mong học Phật, họ chẳng để cho quý vị thành tựu. Quý vị mong liễu sanh tử, thoát tam giới, thành Phật, làm tổ ngay trong một đời này, họ khăng khăng kéo quý vị vào trong ba ác đạo, khiến cho quý vị hưởng thụ thế giới phồn hoa này. Một phen hảo ý của họ, hậu quả chẳng kham tưởng tượng nổi! Hoàn cảnh nhân sự và hoàn cảnh vật chất chẳng tốt đẹp, bất lợi cho sự tu hành, ở trong ấy mà thành tựu chẳng dễ dàng đâu nhé!

(Sao) Nhị vị ác thế đắc đạo, nhi đắc tiểu quả, do vị vi nan, kim đắc Vô Thượng Bồ Đề, thị dĩ nan dã.

()二謂惡世得道,而得小果,猶未為難;今得無上菩提,是以難也。

          (Sao: Hai là đắc đạo trong đời ác, mà đắc tiểu quả thì vẫn chưa phải là khó. Nay đắc Vô Thượng Bồ Đề, chính là khó khăn vậy).

          Tiểu quả, tiểu thiện là đời sau đắc thiện báo trong cõi nhân thiên, có chuyện này. Trong xã hội, chúng ta thấy những người tâm địa rất thiện lương, tận tâm tận lực thực hiện sự nghiệp từ thiện nhằm giúp đỡ xã hội, cứu vớt người nghèo khổ. Đó là tiểu quả nhân thiên, chúng ta thường có thể trông thấy. Nếu tiến cao hơn, cũng chẳng phải là chuyện dễ dàng. Có thể nghiêm trì giới luật, thân tâm thanh tịnh, đoạn Kiến Tư phiền não, đoạn mấy phẩm mà thôi, chưa đoạn sạch sành sanh! Đã đoạn hết sạch, người ấy bèn chứng quả. Trong thời kỳ Mạt Pháp, đã chẳng còn thấy có người chứng quả nữa! Nói cách khác, có thể đoạn mấy phẩm phiền não, nhưng chưa đoạn hết sạch thì thọ mạng của người ấy đã chấm dứt, do chuyện này, hết sức khó thành tựu! Còn trong pháp môn này, vãng sanh bèn bất thoái, viên mãn thành Phật, xác thực là khó nhất trong các điều khó! Hễ sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, thưa cùng chư vị, tuy hết thảy Phật pháp Đại Thừa lẫn Tiểu Thừa đều chưa hề học, sẽ tự nhiên thông đạt. Nếu quý vị hỏi “vì sao thông đạt” ư? Chúng tôi xin thưa: Chúng ta vãng sanh cõi Phàm Thánh Đồng Cư, sanh đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, xác thực là chẳng minh tâm kiến tánh, vì sao cũng thông đạt? Ở trong ấy:

1) Nguyên nhân thứ nhất là được bổn nguyện và oai thần của A Di Đà Phật gia trì. Đọc phần bốn mươi tám nguyện trong kinh Vô Lượng Thọ, chúng ta đã biết [chuyện ấy].

2) Thứ hai, tuy trong đời này ta chưa từng học, đời trước ta đã học. Trước đời trước, còn có đời trước nữa. Những gì đã học trong vô lượng kiếp quá khứ, nay đều có thể nhớ lại, đều hiểu. Do Phật lực gia trì, những gì đã tu hành trong vô lượng kiếp thảy đều có thể hiện tiền, nay đều được thọ dụng. Nguyên nhân là như vậy đó!

          (Sao) Thuyết pháp chi nan, kỳ nan diệc nhị.

          ()說法之難,其難亦二。

(Sao: Thuyết pháp khó khăn, sự khó khăn ấy cũng gồm có hai điều).

           Thuyết pháp khó khăn cũng có hai loại.

          (Sao) Nhất vị thiện thế thuyết pháp, vị túc vi nan, kim ư ác thế.

          ()一謂善世說法,未足為難,今於惡世。

          (Sao: Một là thuyết pháp trong đời tốt lành, chưa đủ coi là khó khăn, nay trong đời ác).

           Hiện thời, chúng ta thấu hiểu rất sâu điều này. Trong xã hội vào thời cổ, dẫu là người chẳng đi học, không biết chữ, cũng đã tiếp nhận sự giáo huấn về luân lý và đạo đức, do phong tục tập quán của xã hội đã dưỡng thành một quan niệm về luân thường đạo đức cho người từ thuở bé. Tuy chẳng học hành, không biết chữ, người ấy biết hiếu thuận với cha mẹ, biết nhường nhịn, yêu thương anh em, xử sự, đãi người, tiếp vật đều biết chừng mực. Hiện thời, nhìn từ bề ngoài, [sẽ thấy là] giáo dục phổ cập, gần như mỗi cá nhân đều được tiếp nhận sự giáo dục, nhưng chẳng có quan niệm luân thường, thiên hạ đại loạn, nguyên nhân ở chỗ nào? Trong nền giáo dục xưa kia, tông chỉ giáo dục là dạy chúng ta làm người như thế nào. Nền giáo dục hiện thời chẳng dạy quý vị làm người như thế nào, mà là dạy quý vị kỹ thuật, làm cách nào để kiếm tiền trong xã hội, là nền giáo dục chú trọng hiệu quả và lợi ích bất kể thủ đoạn. Giáo dục xưa kia được gọi là nền giáo dục thánh hiền, nhằm mục đích dạy quý vị làm thánh nhân, làm hiền nhân. Chẳng giống như hiện thời, mục tiêu của giáo dục hiện thời chẳng nhằm dạy quý vị làm thánh hiền, khác hẳn! Thánh hiền được kiến lập trên cơ sở làm người. Vì thế, người thuở trước biết hiếu thảo với cha mẹ, tôn trọng thầy. Học trò hiện thời phê bình thầy, làm thầy khó lắm! Với tâm thái như thế, thầy còn có thể dạy học trò hay chăng? Có còn mong muốn dạy học trò hay không? Sư đạo chẳng có, nói cách khác, chẳng biết làm người như thế nào, chẳng có ai dạy! Mong cho xã hội chẳng loạn, chẳng thể nào được! Do đó, ở trong xã hội này mà nói pháp môn thành Phật, thành Bồ Tát, quá khó khăn! Ai chịu tin tưởng? Phàm nhân mong lợi ích ngay trước mắt; hễ hơi xa xôi một chút, chừng mấy tháng sau, hoặc một hai năm sau [mới thấy lợi ích], họ chẳng muốn! Họ mong đạt được lợi ích ngay lập tức. Vì thế, họ chẳng thể tiếp nhận, chẳng thể tin tưởng.

          (Sao) Nhị vị ác thế thuyết pháp, nhi thuyết kỳ dị tín giả, do vị vi nan, kim thuyết nan tín chi pháp, thị dĩ nan dã.

          ()二謂惡世說法,而說其易信者,猶未為難;今說難信之法,是以難也。

(Sao: Hai là thuyết pháp trong đời ác, mà thuyết những pháp dễ tin thì vẫn chưa phải là khó. Nay nói pháp khó tin thì mới là khó khăn vậy).

          “Dễ tin” là gì? [Chính là những pháp môn] mà người ta có thể tư duy, tưởng tượng được, vẫn có thể miễn cưỡng tiếp nhận, [người ta nghe những pháp ấy xong] suy nghĩ: [Pháp này] cũng khá, còn có lý. Còn như pháp môn này, “ngôn ngữ dứt bặt, tâm hành xứ diệt”, làm sao người ấy có thể tin tưởng cho được? Muốn cho người ấy tiếp nhận, quá khó!

          Dưới đây, Liên Trì đại sư nêu ra bốn tỷ dụ. Ngài dùng những tỷ dụ nông cạn, dễ thấy, để chúng ta biết hai chỗ khó khăn trong việc tự hành và hóa độ người khác của Thích Ca Mâu Ni Phật.

          (Sao) Lược vi tứ dụ, đệ nhất dụ giả, thí như hữu nhân, thân nhập đại hải, phục thừa phá châu, phục ngộ nghịch phong, phục xung cự lãng, phục trị la sát, ngư vương, độc long, nguy tại khoảnh khắc.   

     ()略為四喻,第一喻者,譬如有人,身入大海,復乘破舟,復遇逆風,復衝巨浪,復值羅剎魚王毒龍,危在頃刻。

(Sao: Nêu đại lược bốn tỷ dụ. Tỷ dụ thứ nhất, ví như có người vào trong biển cả, lại ngồi thuyền rách, lại gặp gió ngược, lại trúng sóng to, lại gặp la-sát, ngư vương, rồng độc, nguy ngập trong khoảnh khắc).

          Có người ngồi chiếc thuyền rách nát trên biển, gặp phải gió to, sóng cả, gặp trúng la-sát[3], cá lớn, rồng độc, hết sức nguy hiểm.

          (Sao) Nhi năng ư trung, an ổn đắc độ, thị chi vị nan.

          ()而能於中,安穩得渡,是之謂難。

(Sao: Mà có thể ở trong ấy, yên ổn đến tận bờ, đó gọi là khó).

Chiếc thuyền rách nát ấy có thể bình an vượt biển, khó lắm! Tỷ dụ này hình dung sự khó khăn của việc tự độ.

          (Sao) Bất đản tự độ, tinh độ chư nhân, trí chi bỉ ngạn, thị nan trung nan.

          ()不但自渡,併渡諸人,置之彼岸,是難中難。

(Sao: Không chỉ là tự mình vượt thoát, mà còn giúp người khác vượt thoát đến nơi bờ kia, là sự khó nhất trong các sự khó).

          Không chỉ là chính mình có thể vượt qua, mà còn thấy những người khác trên thuyền gặp nạn, người ấy còn có thể giúp đỡ người khác. Đây là tỷ dụ sự khó khăn trong thuyết pháp.

(Sao) Đại hải, phá châu, nghịch phong, cự lãng, cập la-sát đẳng, thử dụ Ngũ Trược.

          ()大海、破舟、逆風、巨浪,及羅剎等,此喻五濁。

(Sao: Biển cả, thuyền rách, gió ngược, sóng lớn, và la-sát v.v… ví như Ngũ Trược).

           Tỷ dụ Ngũ Trược.

          (Sao) Tự độ, dụ đắc đạo.

          ()自渡,喻得道。

          (Sao: Tự độ ví như đắc đạo).    

Thành Phật.

          (Sao) Độ nhân, dụ thuyết pháp dã.

          ()渡人,喻說法也。

          (Sao: Độ người khác, ví như thuyết pháp).

          Chúng ta suy nghĩ trạng huống này, [sẽ thấy] chuyện khó khăn dường ấy!

          (Sao) Đệ nhị dụ giả, thí như hữu nhân, thân ly trọng bệnh, phục xử phong lộ, phục phạp ẩm thực, phục tao điệt phác, phục trị dung y, ngộ tấn dược nhĩ, nguy tại khoảnh khắc.

()第二喻者,譬如有人,身罹重病,復處風露,復乏飲食,復遭跌撲,復值庸醫,誤進藥餌,危在頃刻。

(Sao: Tỷ dụ thứ hai, ví như có người thân mắc bệnh nặng, lại ở chỗ gió sương, lại ăn uống thiếu thốn, lại bị vấp ngã, lại gặp thầy thuốc dở, uống lầm thuốc men, nguy ngập trong khoảnh khắc).

          Đã bị bệnh nặng, lại nằm ở chỗ trống  trải, hứng  chịu  đủ  thứ  gió

máy, lạnh lẽo, lại chẳng có thức ăn đồ uống, chịu đói khát, lại bị vấp ngã, lại gặp thầy thuốc chẩn đoán sai lầm, lại uống lầm thuốc, bệnh tình nguy ngập, sắp chết đến nơi rất nhanh!

          (Sao) Nhi năng ư trung, điều lý thuyên an, thị chi vị nan.

          ()而能於中,調理痊安,是之謂難。

(Sao: Mà có thể ở trong ấy, chữa trị thuyên giảm, lành bệnh, đó gọi là khó khăn).

          Trong trạng huống ấy, người ấy có thể nghiễm nhiên chuyển biến tốt đẹp, có thể khôi phục, chuyện này chẳng dễ dàng, khó lắm!

          (Sao) Bất đản tự liệu, tinh dư bệnh giả, giai sử bình phục, thị nan trung nan.

          ()不但自療,併餘病者,皆使平復,是難中難。

(Sao: Không chỉ tự chữa lành, mà còn khiến cho những bệnh nhân khác đều được bình phục, đó gọi là “chuyện khó nhất trong những chuyện khó”).

          Bệnh nặng, ở nơi gió máy, thiếu ăn khát uống, té ngã, gặp thầy thuốc dốt, uống lầm thuốc thang, ví như đời ác Ngũ Trược. Chính mình chữa lành, tỷ dụ [người ấy] đã thành Phật, lại còn giúp đỡ người khác, tỷ dụ thuyết pháp quả thật chẳng dễ dàng!

          (Sao) Đệ tam dụ giả, thí như hữu nhân, thân tại linh ngữ, phục ưng sở thát, phục hệ già nữu, phục nhiễm tật dịch, phục bị giam áp, tương lâm tru lục, nguy tại khoảnh khắc.

     ()第三喻者,譬如有人,身在囹圄,復膺楚撻,復繫枷杻,復染疾疫,復被監押,將臨誅戮,危在頃刻。

(Sao: Tỷ dụ thứ ba, ví như có người thân trong tù ngục, lại bị đánh đập, lại bị gông cùm trói buộc, lại mắc bệnh dịch, lại bị giam cầm, sắp bị chém giết, nguy ngập trong khoảnh khắc).

          Có người bị nhốt trong lao ngục, chẳng được tự do, “sở thát” (楚撻) là đánh đập, “già nữu” (枷杻) là cùm chân, còng tay, thân thể còn nhiễm bệnh, lại bị phán tội tử hình, mạng nguy ngập trong sớm tối.

          (Sao) Nhi năng ư trung, hốt nhiên giải thoát, thị chi vị nan.

          ()而能於中,忽然解脫,是之謂難。

(Sao: Mà có thể ở trong ấy, bỗng dưng giải thoát, đó gọi là khó khăn).

 Trong lúc tánh mạng hiểm nghèo, bỗng được đại xá, có thể thoát khỏi nhà tù, khó lắm! Rất khó khăn!

          (Sao) Bất đản tự thoát, tinh chư tội nhân, tất đắc miễn ly, thị nan trung nan.

          ()不但自脫,併諸罪人,悉得免離,是難中難。

(Sao: Không chỉ là tự mình thoát khỏi, lại còn cùng các tội nhân đều được thoát lìa, đó là chuyện khó nhất trong các sự khó).

 Điều này tỷ dụ sự thuyết pháp.

          (Sao) Đệ tứ dụ giả, thí như hữu nhân, thân đọa tỉnh trung, phục ngộ độc xà, phục khốn kinh cức, phục yêm hàn thủy, phục trị ác nhân phao trịch thổ thạch, nguy tại khoảnh khắc.

     ()第四喻者,譬如有人,身墮井中,復遇毒蛇,復困荊棘,復淹寒水,復值惡人拋擲土石,危在頃刻。

(Sao: Tỷ dụ thứ tư, ví như có người, thân rơi xuống giếng, lại gặp rắn độc, lại bị vướng mắc trong gai góc, lại bị ngập trong nước lạnh, lại gặp kẻ ác quăng ném đất, đá, nguy ngập trong khoảnh khắc).

          Người ấy rơi xuống giếng, đáy giếng có rắn độc, lại có những loài thực vật gai góc, nước giếng lạnh buốt, lại gặp kẻ ác ném đá xuống giếng.

          (Sao) Nhi năng ư trung, đằng dược nhi xuất, thị chi vị nan.

          ()而能於中,騰躍而出,是之謂難。

(Sao: Mà có thể ở trong ấy, nhảy vọt lên thoát ra, đó gọi là khó khăn).

          Trong trạng huống đó, người ấy có thể thoát khỏi giếng, khó lắm. Những thứ như rắn độc v.v… nhằm sánh ví đời ác Ngũ Trược. “Đằng dược  nhi  xuất” (Nhảy vọt lên thoát ra), tỷ  dụ  sự  khó  khăn  khi  chính

mình thành Phật!

          (Sao) Bất đản tự xuất, tinh dư đồng đọa, câu thời thượng thăng, thị nan trung nan.

          ()不但自出,併餘同墮,俱時上升,是難中難。

(Sao: Không chỉ là tự thoát ra, mà còn khiến cho những kẻ cùng té trong giếng cùng lúc được vọt lên trên, đó là chuyện khó nhất trong những sự khó).

          Đây là tỷ dụ thuyết pháp khó khăn.

          (Sao) Ngũ Trược đẳng dụ, nghĩa thuyết đồng thượng.

          ()五濁等喻,義說同上。

          (Sao: Các tỷ dụ về Ngũ Trược, nói lên ý nghĩa giống như trong phần trước).

          Trong ba đoạn sau, ý nghĩa về Ngũ Trược hoàn toàn giống như đã nói trong đoạn thứ nhất, chúng ta đọc xong, sẽ tự nhiên suy ra được, cho nên tỉnh lược.

          (Sao) Thử chi tứ dụ.

          ()此之四喻。

(Sao: Bốn tỷ dụ này).

          Bốn tỷ dụ được nói trên đây.

          (Sao) Lược dụ Thích Ca nhị chủng nan sự, minh thiển dị hiểu.

          ()略喻釋迦二種難事,明淺易曉。

(Sao: Nhằm sánh ví sơ lược rõ ràng, gần gũi, dễ hiểu hai chuyện khó khăn của Phật Thích Ca).

          Từ tỷ dụ, chúng ta có thể tưởng tượng trạng huống khó khăn ấy. Trong đời ác Ngũ Trược, đức Thế Tôn thị hiện thành Phật, vì hết thảy chúng sanh nói pháp môn vãng sanh Tịnh Độ, khó khăn như trong các tỷ dụ trên đây [đã diễn tả]. Nói theo thực tế, chỉ có khó hơn, chẳng hề thua kém!

          (Sao) Sử tri Như Lai bất đạn cù lao, bị lịch gian khổ, vị ngã đẳng cố, hành nan trung nan, nhất chí ư thử.

          ()使知如來不憚劬勞,備歷艱苦,為我等故,行難中難,一至於此。

(Sao: Khiến cho [người nghe] biết Như Lai chẳng sợ nhọc nhằn, trải đủ mọi nỗi gian khổ, vì bọn chúng ta hành chuyện khó nhất trong các chuyện khó đến mức như thế).

          Chúng ta chỉ có thật sự liễu giải, thật sự hiểu rõ thì đối với Phật mới cảm ơn đội đức. Phật có ân đức sâu nặng đối với chúng ta, xác thực là vượt trỗi cha mẹ. Những nỗi gian nan, khốn khổ ấy, cha mẹ của chúng ta chẳng làm được, nhưng Phật, Bồ Tát có thể làm được!

          (Sao) Văn tư nan giả, giai ưng hỷ bi giao tập.

          ()聞斯難者,皆應喜悲交集。

          (Sao: Kẻ nghe những nỗi khó khăn ấy, hãy đều nên vui buồn xen lẫn).

          Thật sự hiểu rõ chân tướng sự thật này, nhất định sẽ xuất hiện thái độ ấy. “Hỷ” (喜) là hoan hỷ. Hoan hỷ vì đời này chúng ta hữu duyên đọc bộ kinh điển này, hữu duyên nghe pháp môn này. Phạm vi của Bi rộng lớn:

1) Một là cảm kích Phật, Tổ đã chịu đựng hết muôn vàn cay đắng, khổ sở, thành tựu Phật đạo, nói kinh điển. Đó là các Ngài vì độ chúng ta [mà làm như thế].

2) Lịch đại tổ sư đại đức đời đời truyền thừa, cũng là vì độ chúng ta.

3) Thứ ba là xót xa chính mình trong đời quá khứ chẳng có trí huệ. Đã từng nghe pháp môn này mà chẳng thể tín, chẳng thể phát nguyện, chẳng thể tu hành, đến nỗi luống uổng! Lại thương xót hết thảy chúng sanh đang ở trong tình hình giống hệt ta trong quá khứ. Hiện thời, pháp môn này đang được phổ biến, tuyên dương. Họ nghe xong chẳng tin, hoặc tin, nhưng chẳng phát nguyện, hoặc phát nguyện, nhưng không chịu niệm Phật!

          (Sao) Cảm cực hô hào, thanh chấn tam thiên đại thiên thế giới, dũng mãnh tinh tấn, tư báo Phật ân.

          ()感極呼號,聲震三千大千世界,勇猛精進,思報佛恩。

(Sao: Cảm kích cùng cực, bèn hô hào, tiếng vang rền tam thiên đại thiên thế giới, dũng mãnh, tinh tấn, nghĩ báo ơn Phật).

          Người thật sự đã hiểu, thật sự minh bạch, bèn có biểu hiện tự nhiên là như vậy. Nếu chẳng thể hiện cảm tình ấy, nói cách khác, đối với kinh điển này, kẻ ấy vẫn chưa hiểu rõ, chẳng thấu triệt. Vì sao? Vẫn chai lì y như cũ. Thật sự hiểu rõ, liễu giải, [sẽ là] “bi hỷ giao tập, dũng mãnh, tinh tấn” (buồn vui chen lẫn, dũng mãnh, tinh tấn). Nhất định là có thái độ ấy, chẳng cần kẻ khác khuyên lơn, khích lệ, dặn dò. Báo ân Phật như thế nào? Báo ân tổ sư như thế nào? Ở đây, đại sư đã bảo cho chúng ta biết. Câu này hết sức quan trọng. Khá nhiều đệ tử Phật, nay đã biết pháp môn này, chiếu theo pháp môn này để tu học, đạt được đôi chút lợi ích, đều mong báo ân Phật, mà chẳng biết cách báo đáp như thế nào.

          (Sao) Dục báo Phật ân, bất việt nhị sự: Nhất giả tự lợi, nhị giả lợi nhân.

          ()欲報佛恩,不越二事:一者自利,二者利人。

          (Sao: Muốn báo ân Phật, chẳng ngoài hai sự: Một là tự lợi, hai là lợi lạc người khác).

          Quý vị ghi nhớ nguyên tắc này thì là đúng. Thật sự báo ân Phật, phải tự lợi, lợi tha. Nay chúng ta thật sự chẳng có trí huệ. Tự lợi là gì, lợi tha là gì, chẳng hiểu rõ ràng! Coi tự hại là tự lợi, coi hại người là lợi tha. Đó là ngu si!

          (Sao) Tự lợi giả, ư thử ác thế, lực hành thử đạo, nhân đắc vãng sanh, diệc vân vi nan.

()自利者,於此惡世,力行此道,因得往生,亦云為難。

(Sao: Tự lợi là trong đời ác này, tận lực hành đạo này; do vậy, được vãng sanh, [chuyện này] cũng gọi là khó khăn).

          Tự lợi là gì? “Lực hành thử đạo” (Tận lực hành đạo này), nỗ lực tu học pháp môn này. Đối với pháp môn này, trong kinh, đức Phật đã dạy ba điều kiện: Tín, Nguyện, Trì Danh. Chúng ta phải tin sâu, phải thật sự phát nguyện cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Trong mười hai thời (suốt ngày từ sáng đến tối), trong tâm chỉ chuyên chú câu Phật hiệu này, quý vị quyết định được vãng sanh. Khó lắm! Khó ở chỗ nào? Khó ở chỗ hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian đều buông xuống. Chẳng chịu buông xuống, khó lắm! Quý vị chẳng thể thành tựu.

Đối với buông xuống, chư vị chớ nên hiểu lầm ý nghĩa. Chẳng phải là nói “buông xuống nơi Sự”. Sự cố nhiên là có chướng ngại, nhưng chướng ngại chẳng lớn. Trong tâm phải buông xuống, điều này quan trọng! Rất nhiều người xuống tóc xuất gia, đã buông xuống nơi mặt Sự, nhưng sau khi xuất gia, càng lắm chuyện phiền toái hơn thuở tại gia. Buông xuống ở chỗ nào? Đức Phật dạy chúng ta hãy buông xuống từ trong tâm, quyết định chẳng dính mắc, đó là đúng. Trong hết thảy thời, hết thảy chỗ, hết thảy cảnh giới, trong tâm chỉ có A Di Đà Phật. Trừ A Di Đà Phật ra, chuyện gì cũng đều chẳng ghim giữ trong tâm. Đó là tự lợi, là chuyên niệm. Vì thế, chuyên niệm chẳng phải là nơi đằng miệng. Miệng suốt ngày từ sáng đến tối niệm “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật”, trong tâm còn có tiếng tăm, lợi dưỡng, còn có chuyện vướng mắc trong bụng dạ, niệm Phật kiểu đó chẳng thể vãng sanh. Cổ đức thường nói: “Gào toạc cổ họng vẫn uổng công”, chẳng thể vãng sanh. Trong tâm thật sự có [A Di Đà Phật], người ấy chẳng niệm mà vẫn có thể vãng sanh, vì niệm kiểu ấy là tâm niệm, chẳng phải là khẩu niệm, trong tâm người ấy thật sự có Phật.

          Có một cư sĩ hỏi tôi: “Phải niệm Phật như thế nào thì mới có thể đắc lực?” Ông ta niệm vài năm, cảm thấy công phu chẳng đắc lực. Tôi bèn bảo ông ta: “Hãy buông xuống! Chẳng buông xuống thì làm sao công phu đắc lực cho được? Không buông xuống, niệm Phật còn có xen tạp”. Ông ta nói: “Thưa sư phụ! Điều gì con cũng có thể buông xuống, chứ không thể buông mấy đứa cháu xuống được!” Tôi nói: “Vậy là chẳng có cách nào hết!” Tôi bảo ông ta: “Ông hãy đổi cái tâm vương vấn con cháu thành [vương vấn] A Di Đà Phật, ông sẽ nhất định vãng sanh”. Chư vị ngẫm lại xem, ông ta chẳng thể lải nhải “cháu nội, cháu nội”, chẳng thể nói như vậy suốt ngày từ sáng đến tối. Ông ta chẳng niệm, nhưng trong tâm thật sự có. Miệng suốt ngày từ sáng đến tối niệm “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật” mà trong tâm chẳng có, vô dụng! Trong tâm có, nơi miệng chẳng có, hữu dụng! Điều này hết sức trọng yếu.

Niệm Phật là trong tâm thật sự  có  A  Di  Đà  Phật. Niệm  kinh  là

trong tâm thật sự có kinh Vô Lượng Thọ, chẳng phải là có kinh Vô Lượng Thọ ngoài miệng, có kiểu đó vô dụng! Phải là có trong tâm thì mới hữu dụng. Đây là nói tự lợi như thế nào, vãng sanh như thế nào. Đối với chuyện trong thế gian, hãy tùy duyên. Trông thấy chuyện tốt, gật đầu, rất hoan hỷ; thấy chuyện xấu, cũng gật đầu hoan hỷ, tuyệt đối chẳng vướng mắc trong tâm. Đương nhiên là đệ tử Phật phải có trách nhiệm “quy quá, khuyến thiện” (uốn nắn điều sai lệch, khuyên hành thiện). Gặp kẻ làm chuyện xấu, khuyên kẻ ấy mấy câu. Kẻ ấy nghe lời, tốt lắm; chẳng nghe lời, coi như xong chuyện, chẳng cần phải so đo nữa, chớ nên ghim chuyện ấy trong lòng. Đó là đúng. Trong tâm nhất định phải vương vấn A Di Đà Phật. Kinh Vô Lượng Thọ dạy chúng ta “nhất hướng chuyên niệm” (một mực chuyên niệm), kinh Di Đà nói “nhất tâm bất loạn”, Quán Kinh nói “nhất tâm hệ niệm”, có thể thấy: Trong tâm có Phật thì chính là thật sự niệm Phật.

          (Sao) Lợi nhân giả, ư thử ác thế, phục khuyến chư nhân, cộng hành thử đạo, đồng đắc vãng sanh, thị tắc diệc vân nan trung nan dã.

          ()利人者,於此惡世,復勸諸人,共行此道,同得往生,是則亦云難中難也。

(Sao: “Lợi người”: Trong đời ác này, lại khuyên mọi người cùng hành đạo này để cùng được vãng sanh, đấy cũng gọi là “khó nhất trong các sự khó”).

          Lợi tha như thế nào? Lợi ích chúng sanh, chư vị phải biết: Những pháp môn khác lợi ích nhỏ nhoi, chỉ có thể gieo một chủng tử Phật pháp trong A Lại Da Thức mà thôi. Trong một đời này, nếu muốn vượt thoát tam giới lục đạo luân hồi, nếu mong bất thoái thành Phật, nói thật thà, chỉ có pháp môn Niệm Phật. [Pháp này] ở ngoài tám vạn bốn ngàn pháp môn, được gọi là “môn dư đại đạo” (đại đạo ở ngoài các pháp môn). Trừ pháp này ra, chẳng có pháp môn thứ hai, quý vị muốn tìm pháp môn thứ hai để có thể thành tựu, sai mất rồi!

Nay chúng ta nếu muốn giúp đỡ và lợi ích người khác, tôi nhất định phải giới thiệu pháp môn bậc nhất với quý vị, pháp môn này quyết định hữu hiệu. Nếu tôi nói với quý vị các pháp môn khác, [tu tập] những pháp môn ấy chắc chắn là chẳng thể thành tựu, làm sao tôi chẳng có lỗi với quý vị? Có thể nào chẳng có lỗi đối với Phật, Bồ Tát? Phật, Bồ Tát đối với chúng ta có ân đức như vậy, chúng ta đối với người khác bèn khấu trừ mấy phần, tức là chẳng tương ứng với tâm nguyện của Phật. Lại còn có kẻ cố ý đến làm phiền, đến gây khó dễ. Có kẻ nói: “Các vị chỉ đề xướng pháp môn Niệm Phật, chỉ đề xướng kinh A Di Đà, [chẳng phải là] Phật pháp thảy đều bị diệt sạch trong tay quý vị ư?” Họ nói [thoạt nghe] cũng rất có lý. Thật ra, đấy là thiên kiến. Pháp môn này, nhất định là người thiện căn, phước đức, nhân duyên đã chín muồi [thì mới có thể tiếp nhận, hành trì]. Nói cách khác, pháp môn này để độ người sẽ thành Phật. Quý vị chẳng thuộc dạng người thành Phật, đối với pháp môn này, quý vị chỉ gieo thiện căn, chẳng thể thành tựu! Trong một đời này, quý vị xác thực là có tư cách thành Phật, pháp môn này sẽ khởi tác dụng đối với quý vị.

Vì thế, chúng ta biết: Hết thảy các pháp môn đều nhằm vun bồi thiện căn, phước đức cho chúng sanh, còn pháp môn này dành cho người có hết thảy thiện căn, phước đức, nhân duyên đã chín muồi, quyết định đắc độ trong một đời này. Do vậy, pháp môn này là pháp môn vô thượng, là pháp môn bậc nhất. Chúng ta dùng pháp môn này để khuyên người khác, người ta thiện căn chín muồi, bèn tạo duyên cho người ấy, quá tốt đẹp! Người ấy bèn thành tựu. Dẫu người ấy chẳng thể tiếp nhận, cũng gọi là “một phen thoảng qua tai, vĩnh viễn trở thành hạt giống đạo”, gieo duyên thù thắng của thế giới Tây Phương trong tám thức điền. Đó là vô lượng công đức. Đời sau, hoặc nhiều đời, nhiều kiếp sau nữa, chủng tử ấy nhất định sẽ chín muồi, người ấy nhất định sẽ do chủng tử ấy mà đắc độ. Thật sự chẳng thể nghĩ bàn! Trong tỷ dụ này, đại sư đã vì chúng ta nói rõ nỗi khó khăn trong việc thành đạo và thuyết pháp của đức Thế Tôn. Chúng ta báo ân, chỉ có tự lợi và lợi tha; đấy mới là thật sự báo ân. Hôm nay, chúng tôi nói tới chỗ này!

[1] Bách phi: Thông thường, Bách Phi được giải thích như sau, đối với Tứ Cú, mỗi câu lại bao gồm Tứ Cú, nên bốn lần bốn hợp thành mười sáu câu. Mười sáu câu ấy phối hợp với ba đời (quá khứ, hiện tại, vị lai) thành 16×3=48 câu. Bốn mươi tám câu ấy, mỗi câu ấy lại phối hợp với vị khởi (chưa dấy lên) và dĩ khởi (đã dấy lên), cho nên 48×2=96 câu, cộng với Tứ Cú ban đầu, thành một trăm câu. Do các quan điểm chấp trước ấy đều là vọng huyễn, so đo hư vọng, cho nên gọi chung là Bách Phi.

[2] Vị này có pháp hiệu đầy đủ là Đức Sơn Tuyên Giám (782-865), người xứ Giản Châu, họ Châu. Xuất gia từ bé, chuyên nghiên cứu Luật Tông, sau học Thiền theo Bắc Tông. Khi nghe nói về thiền phái Nam Tông của tổ Huệ Năng, Sư cho đó là lý lẽ của bọn cuồng huệ, phá hoại thánh giáo, nên đi về phương Nam, toan biện bác, chiết phục họ. Sau khi được bà lão chỉ điểm, Sư dẹp hết tâm ngạo mạn, đến tham học với thiền sư Long Đàm Sùng Tín ở quận Phong Dương, ngộ đạo. Về sau, Sư dạy Thiền chuyên dùng gậy đánh để giúp học trò khai ngộ nên trong nhà Thiền có từ ngữ “Đức Sơn bổng” (gậy Đức Sơn).

[3] La-sát (Rākṣasa) là một loại quỷ dữ, thích ăn thịt người. Nam la-sát thân hình xấu ác, to lớn, hung dữ, răng nhọn, móng tay sắc như vuốt chim ưng, mắt đỏ, tóc đỏ, thích uống máu người. La-sát nữ xinh đẹp, thường dụ dỗ đàn ông háo sắc để ăn thịt.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *