Tập 263/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 01-003-0289

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 263

          Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang năm trăm hai mươi chín:

          (Sớ) Chư Phật cáo ngữ chúng sanh, cổ hữu nhị thuyết: Nhất vị chuyển dẫn, nhất vị đồng thời. Kim kiêm dụng chi.

()諸佛告語眾生,古有二說:一謂轉引,一謂同時。今兼用之。

(Sớ: “Chư Phật nói với chúng sanh”. Cổ nhân có hai cách nói: Một là chuyển dẫn, một thuyết khác là đồng thời. Nay dùng cả hai thuyết ấy).

 Mười  phương  chư  Phật  bảo  đại  chúng: “Nhữ đẳng chúng sanh

đương tín thị Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Kinh” (Chúng sanh các ngươi hãy nên tin kinh Ca Ngợi Công Đức Chẳng Thể Nghĩ Bàn Được Hết Thảy Chư Phật Hộ Niệm này). Đối với lời này, từ xưa tới nay có hai cách nói: Một là “chuyển dẫn” (轉引: kể lại, nhắc lại), loại kia là “đồng thời” (同時: nói cùng một lúc).

          (Sao) Chuyển dẫn giả, Từ Ân vị lục phương chư Phật, cáo bổn quốc trung chi ngữ, Thích Ca chuyển dẫn dĩ chứng kỷ ngôn. Linh Chi vị thị Thích Ca thuyết thử kinh thời, lục phương chư Phật đồng thời tán thán.

          ()轉引者,慈恩謂六方諸佛,告本國中之語,釋迦轉引以證己言;靈芝謂是釋迦說此經時,六方諸佛同時讚歎。

(Sao: “Chuyển dẫn”: Ngài Từ Ân nói sáu phương chư Phật nói lời ấy trong cõi mình, đức Phật Thích Ca kể lại lời ấy để chứng minh cho lời nói của chính mình. [“Đồng thời” là như] ngài Linh Chi bảo: Khi Phật Thích Ca nói kinh này, sáu phương chư Phật đồng thời tán thán).

          Cổ đức có hai cách nói như vậy. Hai cách ấy đều hợp lẽ, lại cũng là sự thật. Từ Ân đại sư là ngài Khuy Cơ. Khuy Cơ đại sư nói như vậy trong Di Đà Kinh Thông Tán Sớ, đó là tác phẩm chú giải kinh Di Đà của Khuy Cơ đại sư. Ngài nói hết thảy chư Phật trong sáu phương giống như Thích Ca Mâu Ni Phật đối trước chúng ta, vì chúng ta giới thiệu Tây Phương Cực Lạc thế giới, giới thiệu A Di Đà Phật. Nói cách khác, hết thảy chư Phật giảng Tịnh Độ Tam Kinh trong cõi nước của chính các Ngài, cũng giảng Tịnh Độ Tam Kinh cho nhân dân của chính mình. Đương nhiên, ý nghĩa này của ngài Từ Ân xác thực là sự thật. Thích Ca Mâu Ni Phật trích dẫn những lời tán thán Tịnh Độ của chư Phật khi giảng ba kinh cho đại chúng, trích dẫn những lời lẽ ấy để chứng minh lời Ngài nói giống hệt như chư Phật Như Lai, chẳng khác gì nhau! Linh Chi đại sư nói cách khác, nhưng cũng có lý. Ngài nói khi Thích Ca Mâu Ni Phật giảng kinh này, cũng có nghĩa là khi đức Phật giảng ba kinh [Tịnh Độ], hết thảy chư Phật trong sáu phương, chẳng có vị Phật nào không tán thán, đây cũng là sự thật. Nói cách khác, khi Thích Ca Mâu Ni Phật vì chúng ta giảng kinh này, hết thảy chư Phật đều tán thán. Khi chư Phật giảng kinh này, Thích Ca Mâu Ni Phật cũng tán thán giống hệt. Nhất định là chư Phật tán thán lẫn nhau. Hai ý nghĩa đều là thật. Vì thế, Liên Trì đại sư sử dụng cả hai ý nghĩa.

          (Sao) Kim kiêm dụng giả, dĩ thử quảng đại tối yếu pháp môn.

          ()今兼用者,以此廣大最要法門。

(Sao: Nay sử dụng cả hai [ý nghĩa ấy] là vì pháp môn rộng lớn, trọng yếu nhất này).

          “Quảng đại tối yếu pháp môn”, câu này rất quan trọng. Nói thật ra, chẳng phải là triệt để hiểu rõ chân tướng sự thật, sẽ không thể thốt lên câu này. Pháp môn Tịnh Độ là pháp môn quảng đại tối yếu, [tức là] pháp môn quan trọng nhất, là pháp môn tinh túy nhất.

          (Sao) Chư Phật bình thời tất sở thường tán.

          ()諸佛平時必所常讚。

          (Sao: Ắt luôn được chư Phật thường xuyên tán thán).

          Giống như Thích Ca Mâu Ni Phật suốt một đời thuyết pháp cả bốn mươi chín năm, giảng kinh hơn ba trăm hội, gần như trong mỗi hội đều nhắc tới sự thù thắng của Tịnh Tông. Cuối kinh Hoa Nghiêm, “mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc”. Trong phẩm Dược Vương của kinh Pháp Hoa cũng khuyên người ta vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương của kinh Lăng Nghiêm nay đã được xếp vào Tịnh Độ Ngũ Kinh. Các vị đại đức của Tịnh Độ Tông Nhật Bản đã tra duyệt Đại Tạng Kinh, thấy [pháp môn Tịnh Độ được] đức Phật nói rõ rệt, nói khẩn thiết trong hơn hai trăm bộ kinh điển, gần đến ba trăm bộ! Điều này chứng tỏ Thích Ca Mâu Ni Phật thường giảng pháp môn quảng đại tối yếu này. Vì thế, cổ đức nói “ngàn kinh vạn luận, nơi nào cũng chỉ quy” là có lý, [bởi lẽ đức Phật và chư Tổ] thường nhắc đến pháp môn này.

          (Sao) Nhi chánh đương Thích Ca thuyết thử kinh thời, thập phương chư Phật tề tán, diệc phục hà ngại?

          ()而正當釋迦說此經時,十方諸佛齊讚,亦復何礙。

(Sao: Nhưng ngay trong lúc Phật Thích Ca nói kinh này, mười phương chư Phật đều cùng tán thán, há cũng có trở ngại gì ư?)

           Chẳng có chướng ngại!

          (Sao) Di hiển thử kinh, nãi phổ nhãn pháp môn, biến hồ pháp giới, nhất thuyết, nhất thiết thuyết dã.

          ()彌顯此經,乃普眼法門,遍乎法界,一說一切說也。

(Sao: Hiển lộ trọn vẹn kinh này chính là pháp môn phổ nhãn trọn khắp pháp giới. Một vị nói chính là hết thảy các vị đều nói vậy).

          Pháp môn phổ nhãn là gì?

          (Diễn) Phổ nhãn hữu nhị, nhất đại trí phổ nhãn phổ chiếu pháp giới, nhị đại bi phổ nhãn phổ chiếu chúng sanh. Kim tuy kiêm nhị giả, ý trọng đại bi.

          ()普眼有二,一大智普眼普照法界,二大悲普眼普照眾生,今雖兼二者,意重大悲。

(Diễn: Phổ nhãn có hai thứ: Một là đại trí phổ nhãn chiếu khắp pháp giới, hai là đại bi phổ nhãn chiếu khắp chúng sanh. Nay tuy có cả hai thứ, nhưng thiên trọng ý nghĩa đại bi).

          Hai ý nghĩa ấy đều có, nhưng thiên về đại bi.

(Diễn) Chúng sanh biến pháp giới, tắc đại bi biến pháp giới. Đại bi biến pháp giới, tắc thử pháp môn diệc biến pháp giới.

()眾生遍法界,則大悲遍法界,大悲遍法界,則此法門亦遍法界。

(Diễn: Chúng sanh trọn khắp pháp giới, tức là đại bi trọn khắp pháp giới. Đại bi trọn khắp pháp giới chính là pháp môn này cũng trọn khắp pháp giới).

           Đây là ý nghĩa “phổ nhãn trọn khắp pháp giới”.

          (Diễn) Nhất thuyết, nhất thiết thuyết dã.

          ()一說一切說也。

          (Diễn: Một vị nói là hết thảy các vị đều nói).

          Một vị Phật nói, hết thảy chư Phật đều nói. Thật sự hiển thị pháp môn này là pháp môn tinh yếu để thành Phật.

          (Sớ) Xứng Lý, tắc tự tánh bất biến, thị thành thật nghĩa. Tự tánh bất ly, thị hộ niệm nghĩa.

          ()稱理,則自性不變,是誠實義;自性不離,是護念義。

(Sớ: Xứng Lý thì tự tánh bất biến là ý nghĩa “thành thật”. Tự tánh chẳng lìa, là ý nghĩa “hộ niệm”).

          Đoạn này là nói xứng tánh.

          (Sao) Thuần chân tuyệt vọng, vạn kiếp như nhiên. Ngôn thành thật giả, thục quá ư thị!

          ()純真絕妄,萬劫如然。言誠實者,孰過於是。

(Sao: Thuần chân, dứt vọng, muôn kiếp đều là như vậy. Nói đến thành thật thì không chi hơn điều này được!)

          Kinh nói “thuyết thành thật ngôn”, chẳng có gì thành thật hơn điều này. Thành thật đến tột bậc; vì thế, bảo là “thuần chân tuyệt vọng”. Đức Phật nói hết thảy các kinh khác có phải cũng là nói lời thành thật hay không? So với kinh này, có sai biệt hay chăng? Xác thực là có sai biệt! Nếu bộ kinh này, pháp môn này, chẳng dẫn về Cực Lạc ngay trong một đời này thì tuy là lời thành thật, [vẫn là] chẳng đạt đến tột bậc, vẫn còn khiếm khuyết một tí. Cổ đức nói: Kinh Hoa Nghiêm nếu chẳng có quyển cuối cùng “mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc”, Hoa Nghiêm sẽ chẳng viên mãn, so với kinh Vô Lượng Thọ và kinh A Di Đà xác thực là sẽ thua sút rất nhiều. Do cuối kinh Hoa Nghiêm có “mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc”, kinh Hoa Nghiêm hoàn toàn bằng vai phải lứa với kinh Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ, cũng là thuần chân đến mức tột cùng. Chư vị hiểu rõ đạo lý này, dùng tiêu chuẩn này để quan sát hết thảy kinh luận Đại Thừa, mới hiểu rõ [thế nào là] liễu nghĩa và bất liễu nghĩa như đức Phật đã nói. Pháp môn nào là liễu nghĩa rốt ráo? Trong một đời này, vãng sanh bất thoái thành Phật, đó gọi là liễu nghĩa rốt ráo. Nếu chẳng đạt được mục tiêu ấy, sẽ chẳng thể coi là liễu nghĩa rốt ráo. Vì thế, mấy câu này cũng là nói đến tột bậc vậy!

          (Sao) Tức kim nhất thị, nhất thính, nhất ngôn, nhất động, mạc bất dữ câu.         

          ()即今一視一聽,一言一動,莫不與俱。

(Sao: Tức là nay một cái nhìn, một cái nghe, một lời nói, một hành động, không gì chẳng tương ứng).

          Mấy câu này hết sức gần gũi với những điều thường được nói trong Thiền Tông. Vì thế, trong kinh Đại Tập, đức Phật đã dạy: “Niệm Phật tức là vô thượng thậm thâm Thiền”. Lời ấy là thật; từ mấy câu này của Liên Trì đại sư, chúng ta có thể cảm nghiệm kinh Đại Tập nói có lý.

          (Sao) Cắng cổ, cắng kim, thường hộ, thường niệm, hành, trụ, tọa, ngọa, bất ly giá cá, hà đắc thành ngôn bất tín, hộ ngã thiên vi, khả vị tự cuống, tự khi, tự đào, tự thệ.

          (Diễn) Thuần chân tuyệt vọng tứ cú, vị Chân Như bổn vô vọng nhiễm, thử chân thành thật dã. Ngoại giáo dĩ lục thức bất khởi hư ngụy, nhất vị chuyên thành, tiện vi thành thật giả. Phi dã, dĩ thử thức nhân trần nhi hữu, ly trần tắc vô, toàn thể thị vọng cố. Nhất thị, nhất thính đẳng giả, cổ vân: “Nhật dụng sự vô biệt, duy ngô tự ngẫu hài. Đầu đầu phi thủ xả, xứ xứ vật trương quai. Châu, tử thùy vi hiệu, khâu, sơn tuyệt điểm ai. Trước y tịnh khiết phạn, vận thủy cập ban sài”, thị dã. Hựu thị thính ngôn động mạc bất dữ câu giả, sở vị ngô nhân thực tức khởi cư, vô bất thừa tha ân lực dã. Cắng cổ, cắng kim, thường hộ, thường niệm giả, sở vị Chân Như nội huân vô hữu gián đoạn dã. Hành, trụ, tọa, ngọa bất ly giá cá giả, sở vị “dạ dạ bão Phật miên, triêu triêu hoàn cộng khởi” dã. Thượng ước tự tánh xuất triền thuyết bất ly, thử ước tự tánh tại triền thuyết bất ly dã.

          ()亙古亙今,常護常念,行住坐臥,不離這個,何得誠言不信,護我偏違,可謂自誑自欺,自逃自逝。

()純真絕妄四句。謂真如本無妄染。此真誠實也。外教以六識不起虛偽。一味專誠。便為誠實者。非也。以此識因塵而有。離塵則無。全體是妄故。一視一聽等者。古云。日用事無別。唯吾自偶諧。頭頭非取捨。處處勿張乖。朱紫誰為號。邱山絕點埃。著衣并喫飯。運水及搬柴。是也。又視聽言動莫不與俱者。所謂吾人食息起居。無不承他恩力也。亙古亙今常護常念者。所謂真如內熏無有間斷也。行住坐臥不離這箇者。所謂夜夜抱佛眠。朝朝還共起也。上約自性出纏說不離。此約自性在纏說不離也。

(Sao: Suốt xưa, trọn nay, thường hộ trì, thường niệm. Đi, đứng, ngồi, nằm, chẳng lìa điều này, há nên chẳng tin lời thành thật, khăng khăng trái nghịch sự hộ niệm của Phật đối với ta? Đáng gọi là tự lừa, tự dối, tự trốn, tự bỏ đi!

Diễn: Bốn câu “thuần chân tuyệt vọng” là nói Chân Như bổn tánh chẳng có vọng nhiễm, đấy chính là thành thực chân thật. Ngoại giáo cho rằng “sáu thức chẳng khởi hư ngụy, một mực chuyên thành, đó chính là thành thật”. Chẳng đúng! Bởi lẽ thức ấy do trần mà có, lìa khỏi trần bèn chẳng có, cho nên toàn thể là vọng. “Một cái nhìn, một cái nghe”: Cổ nhân nói: “Chuyện thường ngày chẳng khác, riêng ta tự hòa hài. Mọi chuyện đừng lấy bỏ, chốn chốn chớ dị kỳ, son, tía ai đặt hiệu, núi, gò chẳng mảy trần. Mặc áo và ăn uống. Gánh nước và chẻ củi” chính là nói về ý này. Lại “thấy, nghe, nói năng, cử động, không gì chẳng tương ứng” là như đã nói: Chúng ta ăn uống, nghỉ ngơi, hành động, không gì chẳng nhờ vào ân lực của nó (Chân Như bản tánh). “Suốt xưa, trọn nay, thường hộ trì, thường niệm” có nghĩa là Chân Như huân tập bên trong chẳng hề gián đoạn. “Đi, đứng, ngồi, nằm, chẳng lìa điều này” là như nói: “Đêm đêm ôm Phật ngủ, sáng sáng cùng nhau thức”. Trong phần trước, dựa theo “tự tánh thoát khỏi triền phược” mà nói “chẳng lìa”. Ở đây, dựa trên “tự tánh ở trong triền phược” mà nói “chẳng lìa” vậy).

          Mấy câu cuối này là lời cảm thán vô hạn của Liên Trì đại sư đối với người học Phật, đúng là “cảm thán vô hạn”. Học Phật mà chẳng chịu học pháp môn này, thật đáng tiếc, đúng là “ở ngay trước mặt mà bỏ lỡ”. “Cắng cổ, cắng kim” (Suốt xưa, trọn nay): Từ xưa cho đến nay chưa hề gián đoạn. “Thường hộ”: “Hộ” (護) là bảo vệ. “Thường niệm”: Niệm (念) là nghĩ tới, tức là chư Phật Như Lai đối với hết thảy chúng sanh chưa hề gián đoạn. “Hành, trụ, tọa, ngọa, bất ly giá cá” (Đi, đứng, ngồi, nằm, chẳng lìa điều này (chân tánh), đấy là sự thật. “Hà đắc thành ngôn bất tín” (Há nên chẳng tin lời thành thật): Lời lẽ của chư Phật Như Lai chí thành như vậy, chân thành đến tột cùng như vậy, vì sao chúng ta vẫn chẳng tin tưởng? Phật hộ niệm chúng ta, chúng ta khăng khăng chống trái Ngài, khăng khăng chẳng chịu tiếp nhận. Nói theo tánh, điều này hết sức chánh xác. Chúng ta niệm Phật, Phật hộ niệm; chúng ta chẳng niệm Phật, Phật vẫn hộ niệm. Phật trước nay chưa hề phân biệt, chẳng chấp trước, bình đẳng hộ niệm. “Tự khi, tự cuống, tự đào, tự thệ” (Tự dối, tự lừa, tự trốn, tự bỏ đi), khăng khăng chẳng chịu tiếp nhận, khăng khăng cứ gặp Phật bèn bài xích Ngài, sai lầm to lớn! Người giống như vậy, chẳng cần nói là những kẻ bình phàm chẳng tin Phật, ngay trong những người niệm Phật [kẻ có thái độ như thế] vẫn là chiếm đại đa số! Nếu họ thật sự tin tưởng, ai nấy đều vãng sanh cả rồi! Cổ nhân nói “vạn người tu, vạn người đến”, nay vì sao trong vạn người tu, chỉ có một hai người vãng sanh? Do vậy có thể biết, đại đa số phạm phải khuyết điểm này, tức là chẳng thể thật sự tin tưởng, vẫn trái nghịch lời khuyên bảo chân thật của đức Phật. Chúng tôi giới thiệu phương Đông tới đây [là hết]. Lại xem tiếp phần sau là phương Nam:

          (Kinh) Xá Lợi Phất! Nam phương thế giới, hữu Nhật Nguyệt Đăng Phật, Danh Văn Quang Phật, Đại Diệm Kiên Phật, Tu Di Đăng Phật, Vô Lượng Tinh Tấn Phật, như thị đẳng Hằng hà sa số chư Phật.

     ()舍利弗。南方世界。有日月燈佛。名聞光佛。大燄肩佛。須彌燈佛。無量精進佛。如是等恆河沙數諸佛。

(Kinh: Xá Lợi Phất! Thế giới phương Nam có Nhật Nguyệt Đăng Phật, Danh Văn Quang Phật, Đại Diệm Kiên Phật, Tu Di Đăng Phật, Vô Lượng Tinh Tấn Phật, các vị Phật nhiều như số cát sông Hằng như vậy).

          Trước hết, nêu lên danh hiệu của các vị Phật ở phương Nam. Phương Nam cũng có vô lượng vô biên thế giới, đương nhiên cũng là vô lượng vô biên chư Phật Như Lai. Đức Thế Tôn cũng nêu đại lược năm vị Phật. Trong Ngũ Hành, phương Nam thuộc Hỏa. Tướng của Hỏa là quang minh. Vì thế, phương Nam biểu thị quang minh. Thiện Tài đồng tử tham học, các vị thiện tri thức chỉ dạy Ngài phương hướng [để đến tham phỏng vị thiện tri thức kế tiếp] đều là đến phương Nam. Thiện tri thức đều ở tại phương Nam, chẳng lẽ phương Đông, phương Tây, phương Bắc đều chẳng có thiện tri thức hay sao? Thật ra, phương nào cũng đều có, nhưng thiện tri thức trụ tại phương nào, cũng đều nói [nơi ấy] là phương Nam. “Phương Nam” ở đây chẳng phải là phương Nam trong phương hướng, mà là phương Nam trong sự biểu thị pháp. Phương Nam tượng trưng trí huệ quang minh. Hễ có thiện tri thức trụ tại ở phương nào, phương ấy là phương hướng quang minh, là nơi trí huệ, là nơi quang minh, biểu thị ý nghĩa này [cho nên gọi nơi thiện tri thức trụ là phương Nam].

Trong đoạn này, Phật hiệu của năm vị Phật sung mãn quang minh. Nhật Nguyệt Đăng (Candrasūryapradīpa) là quang minh; Danh Văn Quang (Yaśas-prabhā), Đại Diệm Kiên (Mahā-rciskāndha), Diệm (燄) là ngọn lửa, thảy đều biểu thị ý nghĩa quang minh. Có người nói kẻ niệm Phật là Tiểu Thừa, là kẻ chỉ lo tự giải thoát cho riêng mình, là phường trốn tránh hiện thực. Tựa đề kinh Vô Lượng Thọ mở đầu bằng hai chữ Đại Thừa, chẳng phải là Tiểu Thừa! Kinh Vô Lượng Thọ là Đại Thừa, kinh A Di Đà đương nhiên là Đại Thừa, vì hai kinh cùng là một bản kinh, một đằng nói rộng, một đằng nói đại lược; cổ nhân bảo [hai kinh ấy] là Đại Bổn và Tiểu Bổn. Kinh này là kinh Đại Thừa. Cũng có kẻ nói: Người niệm Phật có lẽ là có thể tu được một chút Định, họ cũng tu nhất tâm bất loạn, nhưng chẳng có Huệ. Quý vị thấy ở đây là sung mãn trí huệ, chẳng có Huệ sao được? Bởi lẽ, năm vị Phật ở phương Nam biểu thị sự tu Huệ. Trong phần trước, năm vị Phật ở phương Đông biểu thị căn bản trong tu hành. Điều kiện tiên quyết là như như bất động, đó là bất động giác, tức A Súc Bệ Phật. Trong danh hiệu của ba vị Phật đều có chữ Tu Di, nhằm biểu thị tự tánh, biểu thị ba thân, tức Báo Thân, Pháp Thân, và Ứng Hóa Thân. Cuối cùng, Diệu Âm Phật biểu thị phương pháp tu hành, ý nghĩa này rất rõ rệt.

          Tuy nói học Phật là “phước huệ song tu”, nhưng huệ khẩn yếu hơn phước. “Tu huệ chẳng tu phước”, tuy cuộc sống khó khăn đôi chút, nhưng chắc chắn là chẳng đọa lạc. “La Hán thác không bát” (La Hán đi khất thực ôm bát rỗng): La Hán ra ngoài khất thực chẳng xin được thức ăn, thiếu phước mà! Chứng đắc quả A La Hán, Ngài có Huệ, so với kẻ tu phước chẳng tu huệ vẫn tốt đẹp hơn quá nhiều! “Tu phước chẳng tu huệ, voi to đeo chuỗi ngọc”. Chẳng có trí huệ sẽ biến thành súc sanh có phước báo. Con voi to được quốc vương cỡi, khắp thân voi giắt đầy vàng, bạc, châu báu, chuỗi ngọc, rốt cuộc súc sanh vẫn là súc sanh! Điều này cho thấy: Người biết tu hành nhất định coi trọng Huệ hơn phước, đó là đúng. Nếu coi trọng phước hơn huệ, sai mất rồi, phiền phức to lớn. Đương nhiên, phước huệ song tu là tốt nhất. Trong phước huệ song tu, phải nhớ thiên trọng Huệ, chớ nên thiên trọng phước. Thứ tự của sáu phương bao hàm ý nghĩa rất sâu. Chúng ta trọn đủ thái độ tu hành tốt đẹp, có mục tiêu tu học, thực hiện từ chỗ nào? Thực hiện từ Huệ! Vì thế, chẳng phải là thực hiện từ phước, mà khởi sự từ Huệ, ý nghĩa này rất sâu. Trước hết, chúng ta xem đại sư giải thích danh hiệu của năm vị Phật này [như thế nào].

          (Sớ) Nhật Nguyệt Đăng giả, đại trí vô tận cố.

          ()日月燈者,大智無盡故。

          (Sớ: Nhật Nguyệt Đăng là đại trí vô tận).

           Trí huệ ấy chẳng cùng tận, biểu thị ý nghĩa này.

          (Sao) Đại trí vô tận giả.

          ()大智無盡者。

(Sao: Đại trí vô tận…)

          Nói rõ đại trí vô tận là gì; vì danh hiệu của Phật được kiến lập theo tỷ dụ.

          (Sao) Nhật chiếu trú, nguyệt chiếu dạ, đăng chiếu nhật nguyệt chi sở bất cập, phổ biến kế tục, cánh vô cùng tận.

          ()日照晝,月照夜,燈照日月之所不及,普遍繼續,更無窮盡。

(Sao: Mặt trời chiếu ban ngày, mặt trăng soi ban đêm, đèn chiếu những chỗ mặt trời và mặt trăng chẳng soi thấu, nối tiếp trọn khắp, chẳng có cùng tận).

          Mặt trời chiếu ban ngày, mặt trăng soi ban đêm. Những chỗ mặt trời, mặt trăng không chiếu tới, đèn bèn soi sáng. Dùng Nhật, Nguyệt, Đăng thì hết thảy đều được chiếu thấu, dùng điều này làm tỷ dụ.

          (Sao) Phật chi đại trí, hoành cắng thập phương, thụ thông tam tế, phương do thị dã.

          ()佛之大智,橫亙十方,豎通三際,方猶是也。

(Sao: Đại trí của Phật theo chiều ngang cùng tột mười phương, theo chiều dọc thông suốt ba đời, cũng giống như thế đó).

          Thật giống như mặt trời, mặt trăng và đèn, tỷ dụ trí huệ của Phật, mười phương ba đời không nơi nào chẳng chiếu, không lúc nào chẳng chiếu!

          (Sao) Hựu nhật quang phá ám, hữu Bát Nhã nghĩa, danh Nhất Thiết Trí.

          ()又日光破暗,有般若義,名一切智。

(Sao: Ánh mặt trời lại trừ tăm tối, có ý nghĩa Bát Nhã, gọi là Nhất Thiết Trí).

          Từ một tỷ dụ khác, phối hợp với ba thứ trí để xét. Mặt trời có thể phá trừ tối tăm, sánh ví tối tăm như vô minh, hoặc ví như phiền não. Trí huệ có thể đoạn vô minh phiền não, giống như Nhất Thiết Trí (Sarvajña) vậy!

          (Sao) Nguyệt dĩ thanh lương chiếu dạ, hữu Giải Thoát nghĩa, danh Đạo Chủng Trí.

          ()月以清涼照夜,有解脫義,名道種智。

(Sao: Mặt trăng dùng sự mát mẻ để chiếu ban đêm, có ý nghĩa Giải Thoát, gọi là Đạo Chủng Trí).

          Giải Thoát là tự tại, biểu thị ý nghĩa Đạo Chủng Trí.

          (Sao) Đăng kế nhật nguyệt, thông hồ trú dạ, bất trụ nhị biên.

          ()燈繼日月,通乎晝夜,不住二邊。

          (Sao: Đèn nối tiếp mặt trời, mặt trăng, thông suốt ngày đêm, chẳng trụ vào hai bên).

          Ngày và đêm là “nhị biên”. Đèn đều chiếu hai bên ngày và đêm, chẳng lệch về bên nào.

          (Sao) Thị Trung Đạo Đệ Nhất Nghĩa Đế, hữu Pháp Thân nghĩa,

danh Nhất Thiết Chủng Trí.

          (Diễn) Đại trí vô tận hữu nhị thích. Sơ nhất nghĩa ước thụ cùng hoành biến thích. Đệ nhị nghĩa ước Tam Đức, Tam Trí thích. Đức trí tương đối giả, dĩ Nhất Thiết Trí, tức quán Không chi trí, Bát Nhã tảo đãng chư pháp cố. Đạo Chủng Trí, nãi quán Tục chi trí, Giải Thoát nãi kiến lập chư pháp cố. Nhất Thiết Chủng Trí, quán Trung Đạo chi trí. Pháp Thân huýnh xuất nhị biên, tuyệt chư đối đãi cố.

          ()是中道第一義諦,有法身義,名一切種智。

()大智無盡有二釋。初一義約豎窮橫遍釋。第二義約三德三智釋。德智相對者。以一切智。即觀空之智。般若掃蕩諸法故。道種智。乃觀俗之智。解脫乃建立諸法故。一切種智。觀中道之智。法身迥出二邊。絕諸對待故。

          (Sao: Là Trung Đạo Đệ Nhất Nghĩa Đế, có ý nghĩa Pháp Thân, gọi là Nhất Thiết Chủng Trí.

          Diễn: “Đại trí vô tận” có hai cách giải thích: Nghĩa thứ nhất là dựa theo ý nghĩa “tột cùng theo chiều dọc” và “trọn khắp theo chiều ngang” để giải thích. Nghĩa thứ hai là dựa theo Tam Đức và Tam Trí để giải thích. So sánh giữa Đức và Trí thì: Dùng Nhất Thiết Trí, tức là cái trí để quán Không, Bát Nhã quét sạch các pháp. Đạo Chủng Trí chính là trí để quan sát thế tục, Giải Thoát bèn kiến lập các pháp. Nhất Thiết Chủng Trí là trí quán Trung Đạo, Pháp Thân vượt ngoài hai bên, dứt bặt các đối đãi).

          Có thể thấy danh hiệu này tràn đầy những ý nghĩa biểu thị pháp, chúng ta nhất định phải hiểu điều này. Chúng ta thường thấy, thường nghe danh hiệu và hình tướng của chư Phật, Bồ Tát, hãy thường xuyên cảnh giác chính mình, cảnh tỉnh chính mình, đó là vô lượng công đức lợi ích. Biểu thị pháp rõ rệt nhất chính là Tứ Đại Thiên Vương, họ là các vị Bồ Tát hộ pháp trong Phật môn. Hiểu sự biểu thị pháp thì mới thật sự có thể cảnh giác, nhắc nhở chính mình, thời thời khắc khắc “giác chứ không mê”. Vị Phật thứ hai:

          (Sớ) Danh Văn Quang giả, danh xưng phổ văn, như quang viễn chiếu.

()名聞光者,名稱普聞,如光遠照。

(Sớ: Danh Văn Quang là danh tiếng vang khắp, như ánh sáng chiếu xa).

           Biểu thị ý nghĩa này.

          (Sao) Thật đại thanh hoằng, cố hữu danh xưng.

          ()實大聲宏,故有名稱。

          (Sao: Có thực chất to lớn, đẹp đẽ, thanh danh sẽ rộng lớn. Vì thế có tiếng tăm). 

          Người Hoa nói là “thật chí danh quy” (có thực chất tốt đẹp, sẽ có thanh danh). “Thật” (實) là người ấy có đạo đức chân thật, có học vấn chân thật, có công đức chân thật, tự nhiên là người ấy sẽ rất nổi tiếng. Nay chúng ta gọi “danh văn” (名聞) là mức độ nổi tiếng. “Quang” là trí huệ, người ấy có trí huệ chân thật.

          (Sao) Phổ biến văn ư thập phương vô lượng thế giới, như nhật quang chiếu, vô sở bất bị.

          (Diễn) Thật đại thanh hoằng đẳng, danh giả thật chi tân dã. Phật ư Tăng-kỳ kiếp hải, tu vô lượng hạnh, cố danh xưng phổ biến văn ư thập phương.

()普遍聞於十方無量世界,如日光照,無所不被。

()實大聲宏等。名者實之賓也。佛於僧祇劫海。修無量行。故名稱普遍聞於十方。

(Sao: [Thanh danh] vang vọng trọn khắp mười phương vô lượng thế giới, như ánh mặt trời soi chiếu, không đâu chẳng trọn.

Diễn: “Có thực chất to lớn, đẹp đẽ, thanh danh sẽ rộng lớn”: Danh là khách của thực chất. Trong các Tăng-kỳ kiếp số nhiều như biển cả, đức Phật đã tu vô lượng hạnh, cho nên tiếng tăm vang dội khắp mười phương).

          Nói theo tỷ dụ này. Lại xem vị Phật thứ ba.

          (Sao) Đại Diệm Kiên giả.

          ()大燄肩者。

          (Sao: Đại Diệm Kiên là…)

          Kiên (vai) có ý nghĩa gánh vác. Hai vai…

          (Sao) Kiên biểu nhị trí, Diệm dụ chiếu diệu.

          ()肩表二智,燄喻照耀。

          (Sao: Kiên (vai) biểu thị hai trí, Diệm (ngọn lửa) sánh ví sự chiếu rực).

          Hai trí là Quyền Trí và Thật Trí. Diệm (燄) là ngọn lửa, biểu thị trí huệ. Diệm sánh ví sự chiếu rực.

          (Sao) Nhị trí giả, Quyền Trí chiếu Sự, Thật Trí chiếu Lý.

          (Diễn) Quyền Trí chiếu Sự giả, quảng hành vạn hạnh, quảng độ chúng sanh, tri pháp, tri cơ, quán căn thọ pháp, xí nhiên phân biệt đẳng. Thật Trí chiếu Lý giả, chánh niệm Chân Như, bất sanh phân biệt, ngôn ngữ đạo đoạn, trực khế vô vi, Như Trí bất nhị đẳng.

          ()二智者,權智照事,實智照理。

          ()權智照事者。廣行萬行。廣度眾生。知法知機。觀根授法。熾然分別等。實智照理者。正念真如。不生分別。言語道斷。直契無為。如智不二等。

          (Sao: Hai trí: Quyền Trí chiếu Sự, Thật Trí chiếu Lý.

          Diễn: “Quyền Trí chiếu Sự”: Rộng hành vạn hạnh, rộng độ chúng sanh, biết pháp, biết căn cơ, quán sát căn cơ để truyền trao pháp [thích hợp], [do vậy có sự] phân biệt bừng bừng. “Thật Trí chiếu Lý”: Chánh niệm Chân Như, chẳng sanh phân biệt, ngôn ngữ dứt bặt, trực tiếp khế nhập vô vi, Như và Trí bình đẳng chẳng hai).  

          Thật Trí là Căn Bản Trí; Quyền Trí là Hậu Đắc Trí. Trí huệ có hai loại. Kinh Bát Nhã thường nói: “Bát Nhã vô tri, không gì chẳng biết”. “Vô tri” là nói về Căn Bản Trí. “Không gì chẳng biết” là Quyền Trí. Ắt phải là vô tri thì Lý mới hiện tiền. Hễ có “tri”, Lý chẳng thể hiện tiền. Lý là Chân Như bản tánh, cũng là chân tâm, tự tánh. Trong ấy, chẳng thể có một niệm. Hễ khởi một niệm bèn là vô minh, ngăn che lý ấy, chẳng thấy nữa! Nếu quý vị muốn thấy Chân Như bản tánh, nếu muốn thấy chân tâm thì phải có Thật Trí. Thật Trí là vô tri. Nói thật ra “vô tri” là tâm thanh tịnh. Khi tâm thanh tịnh đến mức tột bậc thì kinh Lăng Nghiêm đã nói: “Tịnh cực quang thông đạt”, đó chính là Thật Trí. Trong cảnh giới ấy, thế gian và xuất thế gian, quá khứ, hiện tại, vị lai, tâm giống như một tấm gương, soi rành rẽ, rõ ràng. Trong ấy, xác thực là chẳng có khởi tâm động niệm, chẳng có phân biệt, chấp trước, cho nên người ấy hoàn toàn hiểu rõ. Nếu chẳng hiểu rõ, sẽ không gọi là “vô tri”, mà gọi là “vô minh”. Đã hiểu rõ vô minh, “hiểu rõ” là người ấy chẳng có tí ti phân biệt, chấp trước nào, đó là vô tri. Khi khởi tác dụng, chẳng phải là chính mình [dấy lên ý niệm ta sẽ] khởi tác dụng. Chính mình khởi tác dụng chính là Thật Trí, [sở dĩ] khởi tác dụng là do có người khác đến hỏi, hễ người khác đến hỏi bèn “không gì chẳng biết”, người khác chẳng hỏi thì là “chẳng biết gì cả”. Cảnh giới là như vậy đó! Nếu người khác chẳng hỏi, mà chính mình cũng biết rất nhiều, hỏng rồi! Quý vị đã phá tan Căn Bản Trí. Đích xác là ý cảnh này rất khó hiểu, mọi người hãy chú tâm lãnh hội. Một niệm chẳng sanh mà hiểu rõ ràng, rành mạch, giống như tấm gương soi cảnh giới bên ngoài. Gương soi cảnh giới bên ngoài, nhưng nó chẳng có phân biệt, chẳng có chấp trước. Vì thế, chư Phật, Bồ Tát dụng tâm giống như tấm gương. Phàm phu chúng ta dụng tâm là vô minh, là một đống lộn xộn, điều gì cũng đều chẳng biết, tới khắp nơi để nhìn, đến khắp nơi để học. Những tri kiến học được vẫn là sai lầm, hoàn toàn chẳng phải là thật sự hiểu rõ, nẩy sanh khá nhiều tri kiến sai lầm, kinh gọi [loại tri kiến ấy] là “tà tri tà kiến”, chẳng phải là trí huệ! Trí huệ chân thật phải đạt được từ trong cái tâm thanh tịnh. Vì sao Phật pháp coi trọng tu Định như vậy? Chính là vì đạo lý này: Nhân Giới đắc Định, nhân Định khai Huệ.

          Trong Huệ có hai loại: Một là Thật Trí, loại kia là Quyền Trí. Thật Trí chiếu Lý, Quyền Trí chiếu Sự. Trong Quyền Trí có phân biệt, có giảng giải, mà cũng có chấp trước, nhưng mọi người ngàn muôn phần đừng nẩy sanh hiểu lầm! Trong giảng đường chúng tôi nói này nọ, có những người nghe xong, nẩy sanh hiểu lầm hết sức nghiêm trọng. Ví dụ như chúng tôi khuyên người học Phật: Để tiếp dẫn hàng sơ cơ, trước kia, thầy Lý dạy chúng tôi tiếp dẫn kẻ sơ cơ chẳng khuyên họ ăn chay, chẳng khuyên họ thọ giới. Vì sao? Kẻ bình phàm nghe nói phải ăn chay, sẽ chẳng học Phật, chẳng đến nữa. Vừa nghe nói phải thọ giới, họ cũng chẳng dám đến, bị dọa sợ nên bỏ đi. Vì thế, đối với kẻ mới học bèn chẳng nói những chuyện ấy, cứ khuyên họ đến nghe kinh, khuyên họ đến học. Đối với chuyện ăn chay và trì giới, người ấy học Phật lâu ngày sẽ tự nhiên phát tâm. Vì thế, chớ nên khuyên [kẻ sơ học] những chuyện ấy. Thế mà có kẻ nghe xong bèn hiểu lầm, nói “pháp sư Tịnh Không chẳng đề xướng ăn chay, khuyên người ta ăn thịt”, [chê bai] “pháp sư Tịnh Không chẳng tuân thủ giới luật”, oan uổng quá! Ở đây, chúng tôi nói “trong Quyền Trí cũng có phân biệt, cũng có chấp trước”. Người nghe dạy mấy hôm lại nói tôi ở đây giảng kinh nhăng nhít, giảng sai bét bè be! Chư Phật, Bồ Tát thuận theo sự phân biệt của chúng sanh mà phân biệt, chẳng phải là chính các Ngài có phân biệt. Chúng sanh đến hỏi: “Thưa pháp sư! Trên tay thầy cầm vật chi đó?” Quý vị đáp “ta không biết” thì thành ra thể thống gì nữa! Quý vị ai nấy đều nói “đây là tờ giấy”, thì tôi cũng nói là tờ giấy. Thuận theo sự phiền não của quý vị mà phân biệt, thuận theo sự chấp trước của mọi người mà chấp trước. Do vậy, ở đây, chấp trước mà chẳng chấp trước; phân biệt mà chẳng phân biệt. Phân biệt, chấp trước là vì hằng thuận chúng sanh, chẳng có sự phân biệt, chấp trước của chính mình. Nói về phía chính mình thì xác thực là chẳng có phân biệt, chấp trước. Đối với sự thọ dụng của chính mình thì là Thật Trí, vô tri. Xử sự, đãi người, tiếp vật, hết thảy đều hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức. Vì thế, khi tùy thuận, bèn có phân biệt, có chấp trước, nhưng phải ghi nhớ: Chẳng phải là thật sự có. Thật sự có thì sai mất rồi, sẽ chẳng có trí huệ. Nói theo phía bản thân người ấy thì chẳng có, nhưng xét theo chỗ cùng khởi tác dụng với mọi người thì dường như là có. Ý nghĩa là như vậy đó, quyết định chớ nên nghe sai! Vì thế, Quyền Trí nhằm ứng phó đại chúng, nhằm hằng thuận chúng sanh.

          (Sao) Sự Lý bỉnh nhiên, song chiếu bất muội.

          (Diễn) Sự Lý bỉnh nhiên song chiếu bất muội giả, chánh Quyền Trí chiếu Sự thời, tức Thật Trí chiếu Lý, xí nhiên phân biệt nhất thiết pháp, ư Đệ Nhất Nghĩa nhi bất động. Chánh Thật Trí chiếu Lý thời, tức Quyền Trí chiếu Sự, tâm ngoại vô pháp, mãn mục thanh sơn.

          ()事理炳然,雙照不昧。

          ()事理炳然雙照不昧者。正權智照事時。即實智照理。熾然分別一切法。於第一義而不動。正實智照理時。即權智照事。心外無法。滿目青山。

          (Sao: Sự và Lý rạng ngời, cùng chiếu, chẳng lầm lạc.

Diễn: “Sự và Lý rạng ngời, cùng chiếu, chẳng lầm lạc”: Ngay trong khi Quyền Trí chiếu Sự, chính là Thật Trí chiếu Lý, bừng bừng phân biệt hết thảy các pháp, nhưng đối với Đệ Nhất Nghĩa vẫn bất động. Ngay trong khi Thật Trí chiếu Lý, chính là Quyền Trí chiếu Sự, ngoài tâm chẳng có pháp, mắt thấy núi xanh đầy dẫy).

          Trong tâm của chính mình chẳng sanh một niệm, [thế mà thấu hiểu] rành mạch, rõ ràng. Có người đến hỏi bèn giải thích rành rẽ, chẳng sai lầm tí nào, giống như chư Phật thuyết pháp cho chúng sanh, ứng theo căn cơ để nói, có thể khiến cho chúng sanh ai nấy đều được lợi ích, [đó là] “song chiếu bất muội”.

          (Sao) Như lưỡng kiên phát diệm cố.

          ()如兩肩發燄故。

          (Sao: Giống như hai vai tỏa sáng).

          Giống như hai bả vai phóng quang.

          (Sao) Hựu thử nhị trí, hà đảm nhất thiết Phật pháp, hữu kiên nghĩa cố.

          (Diễn) Hà đảm nhất thiết Phật pháp giả, nhất thiết Phật pháp, bất xuất Nhị Đế, nhị trí năng đảm, viết Đại Diệm Kiên Phật dã.

          ()又此二智,荷擔一切佛法,有肩義故。

()荷擔一切佛法者。一切佛法。不出二諦。二智能擔。曰大燄肩佛也。

          (Sao: Lại nữa, hai trí ấy gánh vác hết thảy Phật pháp, nên có ý nghĩa như cái vai.

Diễn: “Gánh vác hết thảy Phật pháp”: Hết thảy Phật pháp chẳng ngoài Nhị Đế. Hai trí có thể gánh vác bèn gọi là Đại Diệm Kiên Phật).

           Do hai thứ trí huệ ấy thì mới có thể gánh vác sự nghiệp giáo hóa chúng sanh của Như Lai. Chư vị phải biết: Thật Trí nhằm độ chính mình, giống như Tâm Kinh đã nói: “Chiếu kiến Ngũ Uẩn đều không, vượt qua hết thảy khổ ách”. Đó là Thật Trí. Quyền Trí để độ chúng sanh. Quyền Trí nhằm giúp đỡ và chỉ dạy hết thảy chúng sanh. Quyền Trí và Thật Trí giống như hai vai gánh vác gia nghiệp của Như Lai. Gia nghiệp của Như Lai là tự độ, độ người. Vị Phật thứ tư…

          (Sớ) Tu Di Đăng giả, Tu Di vi đăng, chiếu Tứ Thiên Hạ, Phật quang quảng chiếu, diệc như thị cố. 

()須彌燈者,須彌為燈,照四天下,佛光廣照,亦如是故。

(Sớ: Tu Di Đăng (Mērupradīpa): Tu Di làm đèn, chiếu Tứ Thiên Hạ. Phật quang chiếu rộng khắp cũng giống như thế).

          Tu Di là tỷ dụ; trong một đơn vị thế giới, núi Tu Di cao lớn nhất. Sánh ví núi Tu Di như đèn. Nếu thắp sáng ngọn đèn ấy, sẽ chiếu trọn khắp một Tứ Thiên Hạ, vì nó ở trung tâm thế giới này, là chót đỉnh cao nhất, dùng theo ý nghĩa này.

          (Sao) Tu Di vi đăng giả, như vân “Tu Di vi bút, Tu Di vi chùy” đẳng, cực ngôn đăng lượng chi quảng đại dã.

          ()須彌為燈者,如云須彌為筆,須彌為椎等,極言燈量之廣大也。

(Sao: “Tu Di làm đèn” là như nói “Tu Di làm bút, Tu Di làm vồ” v.v… nhằm cực lực diễn tả sự rộng lớn của đèn).

          Đây là tỷ dụ.

          (Sao) Tu Di tại trung, quang chiếu tứ bộ.

          ()須彌在中,光照四部。

          (Sao: Núi Tu Di ở chính giữa, chiếu sáng bốn đại bộ châu).

           Kinh thường nói tới bốn đại bộ châu.

          (Sao) Phật dĩ Trung Đạo đại trí, chiếu chư chúng sanh, như Tu Di đăng dã.

          ()佛以中道大智,照諸眾生,如須彌燈也。

(Sao: Phật dùng đại trí Trung Đạo để chiếu các chúng sanh như đèn Tu Di vậy).

          [Danh hiệu] Tu Di Đăng Phật nhằm tỷ dụ quang minh của Phật chiếu trọn khắp.

          (Sao) Nhiên Duy Ma kinh ngôn: “Tu Di Đăng Vương Phật, thân cao bát vạn tứ thiên do-tuần”, nhi cứu kỳ quốc độ, nãi Đông phương quá tam thập lục Hằng hà sa thế giới, kim tại Nam phương, dĩ Phật đồng danh giả chúng cố.

          ()然維摩經言:須彌燈王佛,身高八萬四千由旬,而究其國土,乃東方過三十六恆河沙世界,今在南方,以佛同名者眾故。

(Sao: Nhưng kinh Duy Ma nói: “Tu Di Đăng Vương Phật thân cao tám vạn bốn ngàn do-tuần”; xét ra, cõi nước ấy ở phương Đông vượt quá [thế giới Sa Bà] ba mươi sáu Hằng hà sa thế giới, nay [kinh này nêu tên đức Phật này] ở phương Nam là do chư Phật có cùng danh hiệu rất nhiều).

          Đây là sự thật. Đức hạnh tương đồng, hạnh nguyện tương đồng, danh hiệu bèn tương đồng. Vì chư Phật, Bồ Tát chẳng có danh hiệu, danh hiệu do đâu mà có? Có khi là do đức năng mà có, có khi là từ sự ứng hóa chúng sanh mà kiến lập. Chúng ta phải hiểu điều này: Phật, Bồ Tát chẳng có danh hiệu nhất định. Giống như danh hiệu của đức Bổn Sư là Thích Ca Mâu Ni, vì sao Ngài kiến lập [danh hiệu] Thích Ca Mâu Ni? Do được kiến lập dựa trên tông chỉ và mục tiêu giáo hóa chúng sanh trong thời kỳ này và trong khu vực này. Nói cách khác, được kiến lập dựa theo tông chỉ giáo dục của Ngài. Người trong thế giới này thiếu khuyết lòng từ bi, cho nên Ngài dùng danh hiệu Thích Ca. [Ý nghĩa thứ nhất], Thích Ca (Śākya) là tiếng Phạn, có nghĩa là “nhân từ”, đề xướng giáo dục nhân từ, có ý nghĩa này. Thứ hai, chúng sanh trong thế gian này tâm ô nhiễm, chẳng thanh tịnh, cho nên dùng chữ Mâu Ni. Mâu Ni (Muni) có nghĩa là tâm thanh tịnh. Có thể thấy danh hiệu này được Ngài sử dụng trong giai đoạn này, là tông chỉ giáo học trong khu vực này mà thôi. Có ý nghĩa như thế; đấy chẳng phải là tên vốn có của Ngài.

          Nếu Thích Ca Mâu Ni Phật đến Tây Phương Cực Lạc thế giới làm Phật, bốn chữ Thích Ca Mâu Ni sẽ chẳng dùng được. Vì sao? Người trong Tây Phương Cực Lạc thế giới ai nấy đều nhân từ, ai nấy đều thanh tịnh, danh hiệu ấy há có tác dụng gì? Vô dụng! Nhất định là phải thay đổi danh xưng, phải đổi thành Vô Lượng Giác. A Di Đà Phật dịch nghĩa là Vô Lượng Giác, như vậy là đúng. Do vậy có thể biết: Danh hiệu của Phật, Bồ Tát đến một nơi nào đó liền biến đổi, khác hẳn! Giống như người trong thế gian này, một người lắm tài nhiều nghề, vào trường dạy học, dạy môn Quốc Văn, người ta gọi người ấy là thầy giáo Quốc Văn. Đến trường nọ dạy tiếng Anh, người ta gọi người ấy là thầy dạy Anh Văn. Đến ngôi trường thứ ba dạy Toán, người ta gọi người ấy là thầy dạy Toán. Danh xưng của người ấy thay đổi; thật ra, những danh xưng ấy đều chẳng phải là tên của chính người ấy. Danh hiệu của chư Phật, Bồ Tát cũng giống như vậy. Vì thế, những vị Phật, Bồ Tát đồng danh đồng hiệu quá nhiều. Như trong thế giới của chúng ta mà hỏi thầy dạy Quốc Văn là ai? Thầy dạy Quốc Văn quá nhiều, người có cùng danh hiệu quá nhiều! Tu Di Đăng Vương Phật được nói trong kinh Duy Ma ở phương Đông; trong kinh Di Đà, đức Thế Tôn giới thiệu Tu Di Đăng Vương Phật là vị Phật ở phương Nam. Có thể thấy là danh hiệu Phật giống nhau, nhưng là hai vị [khác nhau], chẳng phải là cùng một vị. Vị Phật thứ năm…

          (Sớ) Vô Lượng Tinh Tấn giả, “tinh tấn” giải kiến Tự phần.

          ()無量精進者,精進解見序分。

          (Sớ: Vô Lượng Tinh Tấn (Anantavīrya): Xem lời giải thích chữ “tinh tấn” trong phần Tự).

          Đã giải thích trong phần trước, trong phần trước [chữ Tinh Tấn đã được giải thích] khi nói về Thường Tinh Tấn Bồ Tát.

          (Sớ) Đản bỉ ngôn thường.

          ()但彼言常。

          (Sớ: Nhưng trong phần ấy [chỉ nói là] Thường).

           Trong phần trước là Thường Tinh Tấn Bồ Tát, ở đây là Vô Lượng Tinh Tấn, sai biệt ở điểm này.

          (Sao) Vô lượng nhị nghĩa.

          ()無量二義。

          (Sao: Vô lượng gồm hai nghĩa).

          “Vô lượng” có hai ý nghĩa.

          (Sao) Nhất giả, thời vô lượng, tức thị thường nghĩa. Nhị giả, sự vô lượng, tự lợi, lợi tha, trí hạnh vô biên cố.

()一者,時無量,即是常義。二者,事無量,自利利他,智行無邊故。

(Sao: Một là thời vô lượng, tức là ý nghĩa “thường”. Hai là sự vô lượng, do tự lợi, lợi tha, trí hạnh vô biên).

          Năm vị Phật này biểu thị trí huệ. Nhật Nguyệt Đăng Phật biểu thị trí huệ viên mãn rốt ráo, vì trí huệ ấy không gì chẳng chiếu, chẳng có chỗ nào không chiếu đến. Trí huệ viên mãn chính là điều chúng ta mong cầu, mà cũng là mục tiêu chung, tức Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác như kinh đã dạy, biểu thị điều này, tức là điều chúng ta mong cầu. Đấy chính là nói rõ: Tu hành thì lấy việc cầu trí huệ làm quan niệm chánh xác nhất. Cầu huệ từ chỗ nào? Cầu Huệ từ Định, cầu từ tâm thanh tịnh. Làm thế nào để có thể đắc tâm thanh tịnh? Tâm thanh tịnh do trì giới mà có. Trì giới là như thế nào? Trì giới là phải tuân theo những điều Phật răn dạy. Đức Phật dạy chúng ta làm như thế nào, bèn làm như thế đó, đấy là Trì Giới. Trong Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ, Thiện Đạo đại sư chú giải phần “thượng phẩm thượng sanh chương” có nói mấy câu hết sức hay: Đức Phật bảo chúng ta bỏ, chúng ta bỏ ngay. Đức Phật bảo chúng ta giữ, chúng ta liền giữ. Đức Phật bảo chúng ta bỏ thế giới Sa Bà, chúng ta bỏ ngay. Đức Phật bảo chúng ta cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, chúng ta liền vâng giữ. Đó là đúng, hoàn toàn vâng theo lời đức Phật chỉ dạy. Tâm chúng ta định, như thế thì mới có thể đắc Định, do Định mới có thể khai Huệ. Nếu chẳng đi theo đường lối này, muốn khai Huệ sẽ chẳng dễ dàng, quá khó khăn! Vì sao chúng tôi nói khẳng định là khó khăn như vậy? Khó khăn là vì tâm người ấy loạn, vọng tưởng nhiều, phân biệt nhiều, chấp trước nhiều, lấy đâu ra trí huệ? Lấy đâu ra cái tâm thanh tịnh? Chúng ta biết đạo lý này, biết sự thật này, tự nhiên sẽ khẳng định.

          Tu hành mà trí huệ thấu lộ thì mới được coi là có thành tích. Nhà Phật thường nói “phiền não nhẹ, trí huệ tăng trưởng”. Vọng tưởng và phiền não của chúng ta mỗi năm một nhẹ hơn, trí huệ nhất định là mỗi năm một tăng trưởng. Phiền não và trí huệ giống như quang minh và hắc ám. Quang minh nhiều thêm một phần, hắc ám bớt đi một phần. Hắc ám nhiều thêm một phần, quang minh ít đi một phần. Phiền não nhiều, trí huệ ít đi; trí huệ nhiều, phiền não bèn ít đi, [đó là] đạo lý nhất định. Từ chỗ này có thể trắc nghiệm sự thành tựu trong việc tu hành của chính mình. Nếu thật sự là phiền não mỗi năm một ít hơn, vọng tưởng ít đi, bớt vướng mắc, bớt ưu lự, tâm thanh nhàn tự tại, trí huệ tăng trưởng, đó là hiện tượng công phu đắc lực, là cảnh giới tốt đẹp. Nếu chẳng vậy, nhất định phải quay lại nghiêm túc kiểm điểm, phản tỉnh, nhất định là chính mình tu hành đã phạm sai lầm. Nếu không, nhất định sẽ đạt được hiệu quả ấy. Chẳng đạt được hiệu quả là do chúng ta tu hành sai lầm. Khi tu huệ có chút thành tựu, cũng là lúc có đôi chút tiếng tăm, khi ấy là một giai đoạn hết sức nguy hiểm. Vì sao? Rất dễ dàng đọa lạc trong tiếng tăm, lợi dưỡng. Đó là sự thật. Bao nhiêu người xưa nay, trong ngoài nước, đến giai đoạn ấy đã bị đọa lạc. Vì thế, trong giai đoạn ấy, phải đặc biệt đề cao cảnh giác, phải có thể bỏ tiếng tăm, lợi dưỡng. Tuy có tiếng tăm mà nếu có thể buông bỏ tiếng tăm, trong tâm chẳng vương vấn, biết sự thành tựu thật sự đối với chính mình hãy còn là một nẻo đường xa vời vợi, hễ giậm chân ở chỗ này, chẳng tiến lên, sẽ bị đọa lạc. Vì thế, phải có sự cảnh giác rất sâu, chớ để danh tiếng tổn hại chính mình. Tiến thêm bước nữa là nâng cao [cảnh giới] của chính mình, đó là Quyền Trí và Thật Trí hiện tiền; khi ấy, có thể gánh vác gia nghiệp của Như Lai, có thể thực hiện sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh. Có thể thấy toàn là trí huệ, chẳng lìa khỏi trí huệ.

          Tu Di Đăng Phật biểu thị “chuyển thức thành trí, phá mê khai ngộ”. Không chỉ là chính mình thành tựu, mà cũng có năng lực giúp đỡ người khác phá mê khai ngộ. Vị Phật cuối cùng dạy chúng ta phương pháp tu hành trọng yếu ở chỗ “tinh tấn”, chúng ta phải coi trọng hai chữ ấy. “Tấn” (進) là tiến bộ, mong cầu tiến bộ không ngừng. Sự tiến bộ ấy phải tinh thuần; nói cách khác, chẳng phải là tạp tấn, chẳng phải là loạn tấn. Người thế gian cũng cầu tiến bộ, nhưng chẳng thuần, chẳng ròng rặt, học rất nhiều, học rất tạp. Tạp tấn và loạn tấn kiểu đó chẳng thể thành tựu gì, chẳng có ích gì cho Định và Huệ. Nếu nói đến chỗ tốt đẹp [của tinh tấn kiểu đó] thì có thể nói là người ấy kiến thức rất rộng, thường thức phong phú. Nói khó nghe một chút, sẽ là vọng tưởng rất nhiều, tạp niệm rất nhiều, phân biệt, chấp trước rất nhiều. Nói cách khác, quả báo sẽ là vẫn phải luân hồi, cho nên chẳng có ích chi hết! Tấn phải là tinh tấn. Tinh tấn trọng yếu lắm! Muốn thành tựu trí huệ chân thật, phải là vô lượng tinh tấn. Ý nghĩa của Vô Lượng Tinh Tấn là tinh tấn chẳng có giới hạn, mang ý nghĩa ấy. Chẳng thể nói là đạt đến một giai đoạn nào đó bèn tự mãn, [mà phải là] vĩnh viễn tinh tấn chẳng có giới hạn. Đó là căn bản trong phương pháp tu học.

         (Sớ) Xứng Lý, tắc tự tánh quang minh bất khả tận, thị Nam phương hằng sa Phật nghĩa.

()稱理,則自性光明不可盡,是南方恆沙佛義。

(Sớ: Xứng Lý thì tự tánh quang minh chẳng thể trọn hết là ý nghĩa “phương Nam có Phật nhiều như số cát trong sông Hằng”).

          Phương Nam biểu thị quang minh.

          (Sao) Nam phương vi Ly, Ly vi hỏa.

          (Diễn) Nam phương vi Ly giả, Dịch vân: “Ly dã giả, minh dã. Vạn vật giai tương kiến, Nam phương chi quái dã”.

          ()南方為離,離為火。

          ()南方為離者。易云。離也者。明也。萬物皆相見。南方之卦也。

          (Sao: Phương Nam thuộc quẻ Ly, Ly là lửa.

          Diễn: “Phương Nam thuộc quẻ Ly”: Kinh Dịch nói: “Ly có nghĩa là sáng, mọi vật trông thấy nhau, là quẻ thuộc về phương Nam”).

          Trong Bát Quái, [phương Nam] tương ứng quẻ Ly[1], Ly là lửa.

          (Sao) Hỏa nội ám nhi ngoại minh.

          (Diễn) Hỏa nội ám nhi ngoại minh giả, Ly, lệ dã, nhất Âm lệ ư nhị Dương chi trung, kỳ tượng vi hỏa, thể Âm nhi dụng Dương dã.

          ()火內暗而外明。

          ()火內暗而外明者。離。麗也。一陰麗於二陽之中。其象為火。體陰而用陽也。

          (Sao: Lửa thì trong tối ngoài sáng.

Diễn: “Lửa thì trong tối ngoài sáng”: Ly là sáng rực. Một Âm sáng rực giữa hai Dương[2], Tượng[3] của Ly là Hỏa, tức bản thể của [quẻ Ly] là Âm, mà tác dụng của nó là Dương).

          “Nội ám” (內暗) biểu thị Thật Trí, vô tri, Bát Nhã vô tri. “Ngoại minh” (外明) biểu thị Quyền Trí, biểu thị “không gì chẳng biết”.

          (Sao) Thị Tịch nhi thường Chiếu dã.

          ()是寂而常照也。

          (Sao: Là tịch mà thường chiếu).

          Thật Trí là Tịch, là tâm thanh tịnh.

          (Sao) Chân tri bất muội.

          ()真知不昧。

(Sao: Hiểu biết chân thật, chẳng sai lầm).

“Chân tri” là Thật Trí.

          (Sao) Linh diệm hà cùng.

          ()靈燄何窮。

          (Sao: Linh minh giác tri rạng ngời, há có cùng tận).

          “Linh” (靈) là linh minh giác tri, “diệm” (燄) là tỷ dụ trí huệ. Đại dụng (tác dụng to lớn) của linh minh giác tri chẳng có cùng tận.

          (Sao) Hoa Nghiêm Quang Minh Giác phẩm ngôn.

          ()華嚴光明覺品言。

(Sao: Phẩm Quang Minh Giác trong kinh Hoa Nghiêm có nói).

           Đây cũng là một phẩm trọng yếu của kinh Hoa Nghiêm.

          (Sao) Như Lai quang minh quá nhất thế giới.

          ()如來光明過一世界。

          (Sao: Quang minh của Như Lai vượt trỗi một thế giới).

          “Quá” (過) là vượt qua, “một thế giới” là một tam thiên đại thiên quốc độ.

          (Sao) Thập thế giới.

          ()十世界。

(Sao: Mười thế giới).

           Vượt qua mười đại thiên thế giới.

          (Sao) Nãi chí bất khả thuyết thế giới.

          ()乃至不可說世界。

          (Sao: Cho đến bất khả thuyết[4] thế giới).

          Quang minh của A Di Đà Phật vượt trỗi vô lượng vô biên thế giới của chư Phật.

          (Sao) Giai thị tự kỷ tâm quang giác chiếu, nhất thiết bất tùng ngoại đắc.

()皆是自己心光覺照,一切不從外得。

(Sao: Đều là tâm quang của chính mình giác chiếu, hết thảy chẳng do từ bên ngoài mà có).

          Quang minh nhỏ bèn chiếu một thế giới, lớn thì chiếu vô biên thế giới. Đó là chuyện như thế nào? Liên quan đến cái tâm thanh tịnh, liên quan đến hoằng nguyện độ sanh. Dựa vào đâu mà nói là có liên quan đến tâm thanh tịnh?

1) Chúng ta nói tới Phật thì tông Thiên Thai bảo có bốn loại Phật là Tạng, Thông, Biệt, Viên. Tạng Giáo Phật vẫn chưa kiến tánh, đương nhiên là có quang minh, nhưng quang minh nhỏ bé. Thông Giáo Phật thù thắng hơn Tạng Giáo Phật một chút, vẫn chưa kiến tánh. Biệt Giáo Phật bằng Bồ Tát thuộc địa vị Nhị Hạnh trong Viên Giáo, phá mười hai phẩm vô minh. Vô minh có bốn mươi mốt phẩm, Biệt Giáo Phật mới phá mười hai phẩm; cho thấy tâm vị Phật này có chỗ thanh tịnh và chỗ chẳng thanh tịnh. Đạt đến Viên Giáo Phật, sẽ là thanh tịnh tối cực, Biệt Giáo Phật vẫn chưa thanh tịnh. Do vậy, quang minh lớn hay nhỏ khác nhau.

2) Thứ hai, tuy cùng là Viên Giáo Phật, Tự Thọ Dụng hoàn toàn như nhau, tức là Thật Trí hoàn toàn tương đồng, tác dụng của Quyền Trí sẽ khác nhau. Tác dụng của Quyền Trí [khác biệt] là do chư Phật lúc tu nhân đã phát nguyện độ sanh khác nhau. A Di Đà Phật phát nguyện phổ độ hết thảy chúng sanh trong pháp giới. Nguyện ấy quá lớn, hết thảy chúng sanh chẳng sót một ai! Đối với chúng sanh trong hết thảy các thế giới của chư Phật, Ngài đều muốn độ, phát nguyện to lớn dường ấy. Có những vị khi tu nhân phát nguyện: Ta muốn độ chúng sanh trong một đại thiên thế giới. [Chỉ độ chúng sanh trong] một đại thiên thế giới thì nguyện ấy nhỏ nhoi, sai biệt ở chỗ này. Chẳng phải là do năng lực của các Ngài có sai biệt, chẳng phải là do trí huệ của các Ngài có sai biệt, mà là do các Ngài kết duyên cùng chúng sanh có sai biệt. Phát nguyện trong lúc tu nhân chính là kết duyên cùng chúng sanh. Duyên được kết khác nhau. Nếu quý vị mong trong tương lai làm Phật, quang minh sẽ vượt trỗi một thế giới, hoặc mười thế giới, cho đến bất khả thuyết thế giới, nay quý vị phải phát tâm rộng lớn, phải kết pháp duyên rộng rãi cùng hết thảy chúng sanh. Cho đến lúc quý vị thành Phật, quang minh của quý vị bèn vượt trỗi vô lượng chư Phật quốc độ, đạo lý là như vậy đó. Xác thực là chân tâm của chính mình vốn sẵn có quang minh từ nơi trí huệ Bát Nhã, quyết định chẳng phải là do bên ngoài mà có. Bên ngoài thứ gì cũng chẳng có. Kinh Lăng Nghiêm đã nói rất hay: “Viên mãn Bồ Đề, quy vô sở đắc” (Viên mãn Bồ Đề, trở về chỗ không có gì để đạt được). Những gì quý vị đạt được toàn là vốn sẵn có trong tự tánh; bất quá khi ấy sẽ là hoàn toàn chẳng có chướng ngại, chính mình ứng dụng tự tại!

          (Sao) Cố viết: Ngã kiến Đăng Minh Phật, bổn quang thụy như thử.

(Diễn) Bổn quang, thị chúng sanh bổn lai hữu thử quang minh dã.

          ()故曰:我見燈明佛,本光瑞如此。

          ()本光。是眾生本來有此光明也。

          (Sao: Vì thế nói: “Ta thấy quang minh nơi bản tánh của Đăng Minh Phật tốt lành như thế”.

Diễn: “Bổn quang” nghĩa là chúng sanh vốn có quang minh ấy).

          Kinh nói: Ta thấy Đăng Minh Phật Như Lai, “bổn quang” là quang minh từ bản tánh của chính mình. Phật do đâu mà có? Phật vẫn là do tự tâm của chúng ta biến hiện. Không chỉ Tây Phương Cực Lạc thế giới là “duy tâm Tịnh Độ, tự tánh Di Đà”, mười phương hết thảy các cõi Phật đều là duy tâm sở hiện, đều là tự tánh sở biến. Thân thể của chính mình trong hiện tiền, không gian sống đang vây quanh chúng ta trong hiện thời, hết thảy đều là “duy tâm sở hiện, tự tánh sở biến”. Lìa khỏi tự tánh, sẽ chẳng có một pháp nào để có thể đạt được. Vì thế, tu học Phật pháp chẳng có gì khác, chỉ là chứng thực tự tánh mà thôi!

          (Kinh) Các ư kỳ quốc, xuất quảng trường thiệt tướng, biến phú tam thiên đại thiên thế giới.

()各於其國。出廣長舌相。遍覆三千大千世界。

(Kinh: Mỗi vị đều ở trong nước mình, hiện tướng lưỡi rộng dài, che khắp tam thiên đại thiên thế giới).

          Đọc đoạn kinh văn này phải dùng tâm tình chí thành, cung kính, muôn phần cảm tạ để lãnh nhận. Vô lượng vô biên chư Phật Như Lai ở phương Nam ở trong cõi của chính mình, hiện tướng lưỡi rộng dài, vì hết thảy chúng sanh giới thiệu Tây Phương Tịnh Độ, khuyên dạy đại chúng niệm Phật cầu sanh thế giới Cực Lạc. Đấy là một đại sự cảm động dường ấy. Mỗi vị Phật trong chư Phật:

          (Kinh) Thuyết thành thật ngôn.

          ()說誠實言。

(Kinh: Nói lời thành thật).

          Đều khuyến cáo chúng ta như vậy.

          (Kinh) Nhữ đẳng chúng sanh, đương tín thị.

          ()汝等眾生。當信是。

          (Kinh: Chúng sanh các ngươi hãy nên tin tưởng điều này).

           Chữ Thị (是) chỉ bộ kinh này. Trong bộ kinh này, đối với những lời giới thiệu của đức Phật, chúng ta phải thật sự tin tưởng. Tin tưởng bộ kinh này là…

          (Kinh) Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Kinh.

          ()稱讚不可思議功德一切諸佛所護念經。

          (Kinh: Kinh Khen Ngợi Công Đức Chẳng Thể Nghĩ Bàn Được Hết Thảy Chư Phật Hộ Niệm).

          Trong phần trước, đoạn này đã được giảng hết sức cặn kẽ, đã hiểu rõ ý nghĩa được nêu ra trong phần trước, mỗi lần niệm đến đoạn kinh văn này, chúng ta sẽ bị cảm động rất sâu, nhất định là sẽ cảm kích vô tận. Đức Phật rát miệng buốt lòng khuyên dạy chúng ta như vậy, duyên phận của chúng ta trong một đời này đúng là chẳng thể nghĩ bàn, có thể gặp kinh độ chúng sanh bậc nhất của chư Phật. Do bộ kinh này, chúng ta quyết định vãng sanh bất thoái thành Phật trong một đời này!

          Tam, Tây phương.

          (Kinh) Xá Lợi Phất! Tây phương thế giới hữu Vô Lượng Thọ Phật, Vô Lượng Tướng Phật, Vô Lượng Tràng Phật, Đại Quang Phật, Đại Minh Phật, Bảo Tướng Phật, Tịnh Quang Phật, như thị đẳng Hằng hà sa số chư Phật.

          三、西方。

          ()舍利弗。西方世界。有無量壽佛。無量相佛。無量幢佛。大光佛。大明佛。寶相佛。淨光佛。如是等恆河沙數諸佛。

(Ba, phương Tây.

Kinh: Xá Lợi Phất! Thế giới ở phương Tây có Vô Lượng Thọ Phật, Vô Lượng Tướng Phật, Vô Lượng Tràng Phật, Đại Quang Phật, Đại Minh Phật, Bảo Tướng Phật, Tịnh Quang Phật, các vị Phật như thế nhiều như số cát trong sông Hằng).

          Trong phương Đông và phương Nam thuộc phần trên, chúng ta thấy có danh hiệu của năm vị Phật. Phương Tây có danh hiệu của bảy vị Phật. “Bảy” biểu thị sự viên mãn. “Tây Phương” biểu thị sự tu phước. Sau khi đã tu huệ, đối với phước báo cũng chớ nên vứt bỏ. Chúng ta thường nói “phước huệ song tu”, vì người thế gian rất coi trọng phước, coi phước quan trọng hơn huệ. Đức Phật tùy thuận Thế Đế (Saṃvṛti-satya), [nghĩa là] tùy thuận thế tục mà nói “phước huệ song tu”. Ở đây, chẳng tùy thuận Tục Đế, mà là tùy thuận Chân Đế (Paramārtha-satya). Tùy thuận Chân Đế thì phải xếp huệ ra trước, xếp phước đằng sau. “Bảy” biểu thị phước báo viên mãn, có ý nghĩa này!

Vị Phật thứ nhất là Vô Lượng Thọ Phật (Amitāyus). Vô Lượng Thọ Phật ở đây rốt cuộc có phải là A Di Đà Phật hay không? Hay là một vị đồng danh đồng hiệu với A Di Đà Phật? Kinh chẳng nói rõ ràng, có lẽ là hai ý nghĩa ấy đều có. Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật giới thiệu Tây Phương Cực Lạc thế giới Vô Lượng Thọ Phật, nói như vậy hợp lẽ, vì ở đây chẳng phải là Vô Lượng Thọ Phật tự tán thán chính mình. Thật ra, vượt ngoài phương Tây còn có phương Tây xa hơn nữa. Trong các thế giới ở phương Tây có vô lượng vô biên chư Phật Như Lai, tôi tin là những vị đồng danh đồng hiệu với A Di Đà Phật chắc chắn là không ít! Nói theo sự thật này thì cũng hợp lẽ. Liên Trì đại sư đã gộp chung hai ý nghĩa này, cả hai ý nghĩa đều có.

          Tu phước, chư vị phải biết: Thọ mạng là phước bậc nhất. Trong phước báo, thọ mạng được xếp hàng đầu. Quý vị có vô lượng của cải, có địa vị cao ngất ngưởng, mà nếu chẳng có thọ mạng, chết sớm, chẳng phải là hết thảy đều rỗng tuếch hay sao? Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện đã nói là “thứ gì cũng chẳng mang theo được!” Nhất định là phải có trường thọ thì mới có thể thật sự hưởng thụ phước báo và trí huệ. Vì thế, thọ mạng được xếp hàng đầu trong phước báo. Thọ mạng là phước bậc nhất. Từ xưa tới nay, những vị đại đức đều nói: Vô Lượng Thọ là điều đạt được bậc nhất khi chúng sanh sanh vào Tây Phương, vì đạt được vô lượng thọ, hết thảy đều đạt được. Vì sao để thành Phật trong thế giới này, chúng ta phải tốn ba đại A-tăng-kỳ kiếp? Ba đại A-tăng-kỳ kiếp thì chẳng biết là đã phải trải qua sanh tử luân hồi bao nhiêu lần! Đã đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, đối với chúng ta mà nói, ba đại A-tăng-kỳ kiếp chẳng hề bận lòng mảy may! Vì sao? Bản thân chúng ta đã có thọ mạng vô lượng, ba đại A-tăng-kỳ kiếp so với vô lượng thọ mà nói, thời gian ấy rất ngắn ngủi, tạm bợ. Ví như quý vị có tuổi thọ một trăm năm, học pháp này chỉ cần thời gian ba ngày bèn thành công, đấy không phải là chuyện quá dễ dàng, chẳng tốn công phí sức ư? Thọ mạng là điều đạt được bậc nhất. Nhất định phải hiểu rõ điều này, chứ tu các pháp môn khác, quý vị sẽ chẳng đạt được [thọ mạng dài lâu như thế]. Chỉ cậy vào một điều này, một lợi ích này, một ưu điểm này, chúng ta bèn quyết định phải đến Tây Phương. Đã có thọ mạng, những chuyện khác đều dễ thực hiện, học vô lượng pháp môn chẳng khó, có đủ thời gian mà! Thế giới này thọ mạng ngắn ngủi, học thứ gì chúng ta cũng đều cảm thấy chẳng đủ thời gian, chẳng có cách nào thành tựu. Những điều này đều là sự thật, chúng ta chớ nên không biết. Hôm nay chúng tôi nói tới chỗ này.

[1] Bát Quái lại có hai loại Tiên Thiên và Hậu Thiên, quẻ số và ý nghĩa giống nhau, chỉ khác phương vị. Hiện thời lưu hành phổ biến là Hậu Thiên Bát Quái. Trong Hậu Thiên Bát Quái, Ly ở phía Nam, còn trong Tiên Thiên Bát Quái, Ly ở phương Đông. Xét theo Quái Tượng lẫn Ngũ Hành, Ly đều là Hỏa. Do Ly có đặc tính là sáng, nên các vật biểu thị bởi quẻ Ly đều ngụ ý ấy. Chẳng hạn, Quái Tượng của Ly là lửa, thuộc về Hỏa trong Ngũ Hành. Trong thân thể, Ly ứng với mắt. Trong động vật ứng với chim Trĩ (loài chim có màu sắc rực rỡ, thích đậu trên cao)…

[2] Đây là nói về hình tượng của quẻ Ly. Quẻ Ly gồm có hai vạch liền ở ngoài cùng (vạch liền thuộc về Dương), một vạch đứt ở chính giữa là Âm. Do đó, nói một Âm sáng ngời giữa hai Dương.

[3] “Tượng” (象) ở đây là thuật ngữ được dùng trong kinh Dịch. Đối với mỗi quẻ (Quái, 卦), trong sáu mươi bốn quẻ của kinh Dịch (gồm có ba vạch đứt hoặc nối liền (đơn quái), hoặc sáu vạch như thế (phức quái)), mỗi một vạch như vậy được gọi là Hào (爻). Các nhà Dịch học quan niệm mỗi hào, mỗi quái đều có ý nghĩa biểu thị một sự vật nào đó trong vũ trụ. Sự vật được biểu thị bởi Hào sẽ được gọi là Tiểu Tượng (hoặc Hào Tượng), sự vật được biểu thị bởi một Quái sẽ gọi là Đại Tượng (hoặc Quái Tượng). Trong phần Hệ Từ Truyện, có giảng: “Tại thiên thành Tượng, tại địa thành hình” (ở trên trời là Tượng, dưới đất là hình). Chẳng hạn, quái tượng của quẻ Càn là trời, quái tượng của quẻ Khôn là đất, quái tượng của quẻ Chấn là sấm, quái tượng của quẻ Tốn là gió, quái tượng của quẻ Khảm là nước v.v…

[4] Bất khả thuyết có thể hiểu theo hai ý nghĩa:

1) Là một con số lớn thời cổ Ấn Độ, nếu tính từ Câu Chi là 10.000.000 (mười triệu) thì Câu Chi lần Câu Chi là một A Dữu Đa, A Dữu Đa lần A Dữu Đa là một Na Do Tha, cứ tính lần lượt như thế đến con số thứ một trăm mười tám là Bất Khả Lượng Chuyển lần Bất Khả Lượng Chuyển sẽ là một Bất Khả Thuyết. Cụ thể, con số này là sau số 1, sẽ bao gồm 4.652.297.985.247.205.555.163.324.710.981.206.016 con số 0. Tuy rất lớn, vẫn là hữu hạn!

2) Không thể diễn tả được, vượt ngoài khả năng mô tả bằng ngôn ngữ, không có cách nào sánh ví được để hình dung, bèn nói là Bất Khả Thuyết.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *