#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 227
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm bốn mươi bảy:
(Sớ) Thích thử tứ tự, tiên tổng minh đại ý, thứ nãi tường trần Sự Lý. Đại ý vị “nhất, loạn” thị chánh phản ngữ, chánh ngữ nhất tâm, phản ngữ bất loạn.
(疏)釋此四字,先總明大意,次乃詳陳事理。大意謂一亂是正反語,正語一心,反語不亂。
(Sớ: Giải thích bốn chữ này, trước hết là nêu tổng quát đại ý, kế đến là trình bày cặn kẽ Sự và Lý. Đại ý là “nhất” và “loạn” là những từ ngữ được nói [theo hai phương diện] thuận và nghịch: Nói theo chiều thuận là “nhất tâm”, nói theo phía tương phản là “bất loạn”).
Bốn chữ ấy chính là“nhất tâm bất loạn”; câu này là cốt lõi của kinh Di Đà, là một câu khai thị hết sức quan trọng. Nói tổng quát đại ý thì “nhất” là nhất tâm, “loạn” là nói tới bất loạn. Nói “nhất” hay nói “loạn” chính là nói theo phương diện thuận hay nghịch. Nói theo chiều thuận sẽ là “nhất tâm”, nói tương phản sẽ là “bất loạn”.
(Sao) Nhất tắc bất loạn, loạn tắc bất nhất, hữu kỳ nhất tâm, vô kỳ loạn tâm, cố vân “chánh, phản”. Như ngôn “thuần nhất bất tạp, tinh nhất vô nhị” chi loại, thị dã.
(鈔)一則不亂,亂則不一,有其一心,無其亂心,故云正反。如言純一不雜,精一無二之類,是也。
(Sao: “Nhất” là bất loạn, hễ loạn sẽ chẳng nhất. Hễ có nhất tâm, sẽ chẳng có loạn tâm. Vì thế, nói là “thuận và nghịch”. Như nói “thuần nhất chẳng tạp, ròng rặt, chẳng hai” v.v… chính là theo ý nghĩa này).
Niệm Phật có thể thật sự sanh về Tịnh Độ hay không, then chốt ở ngay chỗ này. Trong Yếu Giải, Ngẫu Ích đại sư đã bảo chúng ta: “Có thể vãng sanh hay không được quyết định bởi có tín nguyện hay không?” Nói cách khác, quý vị có tín tâm hay không? Có nguyện tâm hay không? Có tín và có nguyện, quyết định vãng sanh. Xét theo phẩm vị vãng sanh, Tây Phương Tịnh Độ có bốn cõi, ba bậc, chín phẩm: “Phẩm vị cao hay thấp được quyết định bởi công phu niệm Phật sâu hay cạn”. Công phu sâu là tâm thanh tịnh; công phu cạn là tâm tán loạn, điều này có quan hệ chặt chẽ với Tín và Nguyện. Tin thật sự, nguyện thiết tha, tâm thường chuyên nhất. Vì sao? Người ấy nhất tâm nhất ý chuyên cầu Tịnh Độ, đối với các pháp thế gian lẫn xuất thế gian đều chẳng phan duyên, đấy mới là Tín. Tin Tây Phương Tịnh Độ, lại tin tham Thiền, lại tin trì giới, lại tin niệm chú, đó chẳng phải là chân tín, chẳng phải là Tín. Lại còn nguyện vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, vừa nguyện có tiếng tăm, lợi dưỡng trong hiện tiền. Đó chẳng phải là Nguyện. Nguyện của quý vị quá tạp, quá nhiều. Ở đây, [tổ Liên Trì] muốn nói tới sự chuyên nhất, “tinh nhất vô nhị” là nhấn mạnh điều này.
Người thật sự chuyên nhất ý chí, đích xác là tự nhiên buông xuống vạn duyên. Nhà khoa học dốc toàn bộ tinh thần làm thí nghiệm, ngay cả ăn lẫn ngủ đều quên bẵng, thời gian cũng quên khuấy, làm việc chẳng biết tới thời gian. [Có trường hợp] nhà khoa học Âu Tây đói bụng, luộc trứng gà, kết quả là đã bỏ cái đồng hồ đeo tay của chính mình vào nồi luộc! Nhìn từ chỗ này, [có thể] thấy người ấy dụng tâm chuyên chú. Tín tâm và nguyện tâm của chúng ta phải chuyên như vậy thì mới được. Trong Đàn Kinh, Lục Tổ đại sư đã nói: “Nếu người thật tu đạo, chẳng thấy lỗi thế gian”. Một người thật sự tu đạo, tâm chuyên chú nơi đạo, chuyện gì trong thế gian người ấy cũng chẳng màng, chẳng có thời gian để hỏi tới, thị phi, nhân ngã thảy đều chẳng biết, tâm người ấy chuyên chú nơi công phu. Đó là bậc tu đạo thật sự. Người tu Tịnh Độ, tâm chuyên chú nơi y báo và chánh báo trang nghiêm của Tây Phương; trong mười hai thời, khởi tâm động niệm tưởng Tây Phương Cực Lạc thế giới, hễ nghĩ bèn nghĩ tới Tây Phương Cực Lạc thế giới, hễ niệm bèn niệm Tây Phương Cực Lạc thế giới. Đấy chính là “trọn đủ Tín Nguyện Hạnh”. Hội đủ ba điều kiện ấy, người đó quyết định vãng sanh. Thiện Đạo đại sư bảo: “Trăm người tu, trăm người vãng sanh; ngàn người tu, ngàn người vãng sanh”. Chẳng sót một ai! Cái tâm còn tạp, còn loạn, còn dấy vọng tưởng, sẽ chẳng thể vãng sanh! Ngàn muôn phần chúng ta phải ghi nhớ điều này.
Có các đồng tu đến hỏi tôi: “Tiêu nghiệp chướng sâu nặng bằng cách nào? Làm thế nào thì mới có thể sám trừ nghiệp chướng?” Chư vị hãy nghĩ xem, người ấy có thể tiêu nghiệp chướng được hay chăng? Chẳng thể tiêu nổi! Vì sao chẳng thể tiêu nổi? Suốt ngày từ sáng đến tối luôn tăng trưởng nghiệp chướng! Nghiệp chướng là gì? Dấy vọng tưởng là nghiệp chướng. Suy Đông nghĩ Tây, suy trước nghĩ sau, đó là nghiệp chướng. Tiêu trừ nghiệp chướng như thế nào? Niệm A Di Đà Phật, nghiệp chướng liền tiêu trừ, vì một câu A Di Đà Phật chẳng phải là nghiệp chướng. Chẳng niệm A Di Đà Phật bèn dấy vọng tưởng; đó là nghiệp chướng hiện tiền. Chư vị hãy ngẫm xem, phương pháp nào tiêu trừ nghiệp chướng hữu hiệu nhất? Chính là niệm Phật. Niệm Phật, đọc kinh, quyết định tiêu trừ nghiệp chướng. Đọc kinh thì chẳng được nghiên cứu; hễ nghiên cứu, sẽ lại biến thành nghiệp chướng! Làm sao có thể nghiên cứu kinh cho được? Kinh là nghĩa chân thật của Như Lai; ta chưa thành Như Lai, làm sao có thể hiểu nghĩa chân thật của Như Lai? Về căn bản là chẳng thể nào! Do đó, quý vị hãy thật thà niệm. Niệm kinh bèn tiêu nghiệp chướng; nghiên cứu kinh sẽ tăng trưởng nghiệp chướng. Chuyện này chẳng do tôi đặt ra, mà do Thanh Lương đại sư đã nói. Tâm quý vị vẫn là loạn tâm, tạp tâm, vẫn là cái tâm nhiễm ô. Nhiễm ô là trong tâm có tham, sân, si, mạn, những gì quý vị hiểu về Phật pháp toàn là tà tri tà kiến, vì quý vị chẳng đoạn phiền não. Đoạn phiền não, Phật pháp do quý vị đã hiểu sẽ được gọi là Chánh Đẳng Chánh Giác, khác hẳn! Đoạn Kiến Tư phiền não, tri kiến sẽ là Chánh Giác. Chẳng đoạn Kiến Tư phiền não, đều là tà tri tà kiến. Bản thân chúng ta nhất định phải nhận biết rõ ràng điều này. Chúng ta chưa đoạn Kiến Tư phiền não, hãy thật thà niệm Phật, sẽ tiêu nghiệp chướng, phá vô minh, đoạn tà kiến.
“Nhất” rất trọng yếu, [Nhất có nghĩa là] thuần nhất, chẳng tạp. Có những kẻ cảm thấy một quyển kinh, một Phật hiệu quá đơn giản, sau khi niệm một khoảng thời gian bèn hoài nghi, chỉ sợ [hành trì theo] kiểu này không được, chẳng đáng tin cậy! Không sao cả! Quý vị cảm thấy cách nào đáng tin cậy cứ chọn cách đó. Quý vị chẳng sợ phiền phức thì kinh Hoa Nghiêm nhiều lắm, hãy học Hoa Nghiêm đi, kinh ấy chẳng đơn giản! Duy Thức có rất nhiều thứ, [tông ấy có] sáu kinh, mười một luận [căn bản][1], lại còn có chú sớ của tổ sư đại đức, tổng cộng hơn mấy trăm loại, chẳng đơn giản! Thích từ môn nào bèn vào từ môn đó. Nếu nghĩ pháp môn này quá đơn giản, chẳng đáng tin cậy cho lắm, quý vị hãy hành theo những bộ đại kinh, đại luận đó! Bởi lẽ, vô lượng pháp môn trong Phật pháp nhằm thích hợp các loại căn cơ khác nhau để cho quý vị tự do chọn lựa. Nói thật ra, do sợ phiền phức, chúng ta mới chọn lựa pháp môn này. Đầu óc chúng ta đơn giản, nên chọn lựa một pháp đơn giản, dễ dàng, chẳng tốn công sức gì, chúng ta đi theo đường lối này. Nếu quý vị chẳng sợ phiền phức, chuộng rườm rà, trong Phật môn có rất nhiều thứ phức tạp, rườm rà. Đây là lòng đại từ đại bi của đức Phật.
Pháp môn này nhấn mạnh “thuần nhất chẳng tạp”. Phải áp dụng thuần nhất chẳng tạp vào khởi tâm động niệm trong cuộc sống, đó là tu hành. Từ sáng đến tối thường giữ cho tâm chuyên nhất, tâm người ấy (người tu pháp môn Tịnh Độ) chỉ có một chuyện là A Di Đà Phật. Kẻ khác khen ta hay, chê ta dở, ta thảy đều chẳng nghe, ta chỉ là “A Di Đà Phật”. Người khác bảo ta đúng, hoặc chê ta sai, chẳng liên quan gì đến ta, ta vẫn “A Di Đà Phật”, đó là đúng. Hễ hơi bị dao động bởi cảnh giới, tâm ta sẽ loạn, sẽ tạp, đã bị nhuốm bẩn, như vậy sẽ chẳng phải người niệm Phật, chẳng phải là tu Tịnh Độ. Người tu Tịnh Độ phải tu gì? Thấy mà chẳng thấy, nghe mà chẳng nghe. Ở chung một chỗ với kẻ khác, gật gù ứng phó cho qua chuyện, người ta nói gì cũng gật đầu, “đúng vậy, đúng vậy”. “Đúng vậy, đúng vậy” cả buổi, kẻ khác hỏi: “Hắn nói chi đó?” Chẳng biết! “Chẳng biết” là đúng đấy! Trong tâm ta chỉ có A Di Đà Phật, đúng là như vậy, chớ nên chẳng [gật gù đồng ý với ý kiến của kẻ khác] cho xong chuyện! Đấy chính là “kính nhi viễn chi” như cổ đức đã dạy. Thái độ và tướng mạo của chúng ta rất cung kính, “viễn” (遠) là “kẻ ấy nói gì, ta chẳng nghe thấy”, chẳng phải là “lánh thật xa kẻ đó”. Thường gìn giữ tâm địa của chính mình “thuần nhất bất tạp, tinh nhất vô nhị” (thuần nhất chẳng tạp, ròng rặt chẳng hai), kẻ thật sự tu Tịnh Độ phải tu từ chỗ này. Do đó, kẻ biết tu rất ít, đại đa số chẳng biết tu! Tuy niệm Phật, mà hễ nghe thấy đôi chút âm thanh, trong tâm bèn nghi thần nghi quỷ, nghe kẻ khác nói mấy câu, [liền băn khoăn, thắc mắc] có phải là họ đang nói điểm hay điều dở của ta hay chăng? Vậy thì có hỏng bét hay là không? Chẳng nói tới họ, mà họ cũng vơ quàng vào, cũng cho là [kẻ khác] đang nói tới điều đúng, lẽ sai của chính mình, suốt ngày từ sáng đến tối sống trong cảnh giới sợ hãi, kẻ ấy rất đáng thương! Đúng là “thiên hạ vốn vô sự, kẻ vụng về tự rối bời”. Chính mình tự tìm nỗi phiền phức cho chính mình!
Nói thật ra, bản thân Tăng đoàn cũng rất phức tạp. Đừng nói hiện thời đang nhằm thời kỳ Mạt Pháp, Tăng đoàn trong thuở Thích Ca Mâu Ni tại thế, nhóm Lục Quần tỳ-kheo[2] là những học trò chẳng nghe lời. Trong Tăng đoàn, họ tạo tác thị phi, khơi gợi ly gián. Thuở Thích Ca Mâu Ni Phật tại thế mà tình hình đã là như thế. Do vậy, đoàn thể [luôn luôn] là rắn rồng hỗn tạp! Thuở đức Phật tại thế, đương nhiên Phật là tiêu chuẩn tuyệt đối cho chúng ta, dẫu [kẻ nào] ăn nói khuấy động thị phi thế nào đi nữa, họ (các đệ tử Phật) chẳng cần nghe, mà nghe lời Phật dạy. Lời Phật dạy là lời chân thật. Đức Phật chẳng tại thế, những kẻ [quấy hôi bôi nhọ] ấy càng đông, làm thế nào đây? Đức Phật dạy chúng ta một phương pháp rất mầu nhiệm. Để đối phó những gã tỳ-kheo xấu ác chuyên môn làm khó dễ, gây chuyện ấy, đức Phật dùng một phương pháp gọi là Mặc Tẫn (默擯, Brahma-danda), Mặc Tẫn là không quan tâm đến họ. Họ nói chuyện với ta, nói đúng, sai, ưu, khuyết, ta cung kính “dạ, dạ, vâng vâng”, vâng dạ cả buổi, chẳng nghe lọt tai câu nào. Đó là phương pháp Mặc Tẫn. Hoặc là nghe xong, quyết định không kể lại, ta tuyệt đối chẳng nói cho người thứ hai biết, kẻ [lắm điều, xấu ác] ấy đành bó tay! Do vậy, Tăng đoàn chân chánh phải gìn giữ sự hòa hợp, điều này rất khẩn yếu. Thích Ca Mâu Ni Phật dạy chúng ta, dùng chánh pháp để ảnh hưởng kẻ ấy, dần dần kẻ ấy cũng sẽ cải tà quy chánh. Nếu kẻ ấy chẳng cải tà quy chánh, mọi người trong Tăng đoàn ấy đều chẳng quan tâm tới hắn, hắn biến thành kẻ trơ trọi, cô đơn, chỉ đành phục tùng đa số, phục tùng đại chúng. Nếu không, tự nhiên hắn sẽ lìa khỏi Tăng đoàn, quý vị cũng chẳng cần xua đuổi hắn, hắn chẳng ở được! Không ai đếm xỉa tới hắn, tự nhiên hắn lìa khỏi. Đức Phật dạy chúng ta phương pháp này, quyết định chẳng mất lòng ai! Do vậy có thể biết, “thuần nhất bất tạp, tinh nhất vô nhị” hết sức trọng yếu.
(Sao) Hoa Nghiêm Thập Hồi Hướng đệ tứ văn vân.
(鈔)華嚴十回向第四文云。
(Sao: Kinh văn trong phần giảng về địa vị thứ tư trong phẩm Thập Hồi Hướng của kinh Hoa Nghiêm có nói).
Phần kinh văn giảng về địa vị Đệ Tứ Hồi Hướng Bồ Tát.
(Sao) Sở vị bất loạn hồi hướng, nhất tâm hồi hướng.
(鈔)所謂不亂回向,一心回向。
(Sao: Có nói “bất loạn hồi hướng, nhất tâm hồi hướng”).
“Bất loạn” là hồi hướng, “nhất tâm” là hồi hướng. Chư vị tham cứu thấu đáo ý nghĩa này, mới có thể thấu hiểu lời cổ nhân nói: Pháp môn Niệm Phật được gọi là “bất hồi hướng pháp môn”. Chẳng cần phải hồi hướng, vì sao? Vì nhất tâm là hồi hướng, bất loạn là hồi hướng,
chẳng cần phải đặc biệt hồi hướng. Lời giải thích kế đó rất trọng yếu:
(Sao) Thích vân nhất tâm giả, chuyên chú chánh cảnh dã.
(鈔)釋云一心者,專注正境也。
(Sao: Giảng rằng: Nhất tâm là chuyên chú nơi chánh cảnh).
“Chánh cảnh” của người niệm Phật là gì? Chính là y báo và chánh báo trang nghiêm trong thế giới Tây Phương. Nói tổng quát sẽ là một câu A Di Đà Phật. Tâm quý vị “chuyên chú”, đó chính là như chúng tôi thường nói: “Đối với câu Phật hiệu này, chẳng hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn”. Đấy là chuyên chú, là nhất tâm. Nói “nhất tâm xưng niệm” thì phải niệm theo kiểu ấy. Niệm Phật như thế sẽ là công đức, thật sự đang tu Tịnh nghiệp, tu nhất tâm bất loạn.
(Sao) Bất loạn giả, bất sanh vọng niệm dã.
(鈔)不亂者,不生妄念也。
(Sao: Bất loạn là chẳng sanh vọng niệm).
Ngoài một niệm A Di Đà Phật ra, tuyệt đối chẳng có niệm thứ hai. Vì quý vị có niệm thứ hai sẽ là vọng niệm. Bất luận dấy lên niệm nào, cũng đều là vọng niệm. Quý vị tưởng Thích Ca Mâu Ni Phật cũng là vọng niệm, tưởng Tỳ Lô Giá Na Như Lai vẫn là vọng niệm. Bảo quý vị niệm A Di Đà Phật, cớ sao quý vị nghĩ tới Bồ Tát, Phật khác? Đó đều là vọng niệm. Ngay cả tưởng chư Phật, Bồ Tát mà đều là vọng niệm, huống hồ những thứ khác? Nếu chẳng hiểu rõ chuyện này, công phu niệm Phật lúc bình thường của chúng ta làm sao đắc lực cho được?
(Sao) Chuyên chú bất vọng, tức chánh phản ý.
(鈔)專注不妄,即正反意。
(Sao: Chuyên chú chẳng vọng, tức là ý nghĩa thuận và nghịch).
“Chuyên chú” là nói theo phương diện thuận. “Chẳng sanh vọng niệm” là nói theo phía tương phản. Đây chính là lời giải thích của nhất tâm bất loạn. Đoạn này nhằm nêu tổng quát đại ý, đoạn dưới đây sẽ giải thích cặn kẽ.
(Sớ) Thứ minh Sự Lý giả.
(疏)次明事理者。
(Sớ: Kế tiếp là giảng về Sự và Lý).
Nhất tâm bất loạn có Sự nhất tâm bất loạn và Lý nhất tâm bất loạn.
(Sớ) Như Lai nhất ngữ, Sự Lý song bị, cố đồng danh Nhất Tâm, hữu Sự, hữu Lý.
(疏)如來一語,事理雙備,故同名一心,有事有理。
(Sớ: Một lời của Như Lai đầy đủ Sự lẫn Lý; vì thế, cùng gọi là Nhất Tâm mà có Sự và Lý).
Một câu nói của đức Phật, không chỉ là có Sự, có Lý, mà còn có Thể, có Tướng, có Dụng, có nhân, có quả, pháp nào cũng đều viên dung, khía cạnh nào cũng xét tới. Do đó, muốn hiểu từng câu, từng chữ của Như Lai chẳng phải là chuyện dễ dàng! Chỉ có thể dùng cái tâm cực thanh tịnh để lãnh hội, chứ tư duy, tưởng tượng, ngôn thuyết đều chẳng có cách nào nói viên dung, chỉ có thể diễn tả một phần mà thôi, chẳng có cách nào liễu giải toàn thể! Ở đây, [lời Sớ] đã nêu đại lược Sự và Lý.
(Diễn) Sự Lý song bị giả, Như Lai dĩ Quyền Thật nhị trí, chứng Chân Tục nhị đế chi lý. Phàm thuyết pháp thời, bất ly Nhị Đế. Y Tục Đế thuyết pháp, cố hữu Sự, y Chân Đế thuyết pháp, cố hữu Lý. Sở y chi Đế, Chân Tục bất nhị, cố nhất tự, nhất ngữ, Sự Lý song bị dã.
(演)事理雙備者,如來以權實二智,證真俗二諦之理。凡說法時不離二諦,依俗諦說法故有事,依真諦說法故有理。所依之諦,真俗不二,故一字一語,事理雙備也。
(Diễn: “Đầy đủ Sự lẫn Lý””: Như Lai dùng Quyền Trí và Thật Trí để chứng lý Chân Đế và lý Tục Đế. Mỗi khi thuyết pháp, đều chẳng rời khỏi Nhị Đế. Do nương theo Tục Đế để thuyết pháp bèn có Sự. Nương theo Chân Đế để thuyết pháp bèn có Lý. Đối với Đế để nương vào thì Chân Đế và Tục Đế chẳng hai; vì thế, mỗi chữ, mỗi lời đều trọn đủ Sự lẫn Lý).
Đây là một điều thường thức quan trọng trong Phật học, tức là nói
“Phật nương vào Nhị Đế để thuyết pháp”. Nếu quý vị chẳng hiểu nguyên lý và nguyên tắc thuyết pháp này, sẽ rất khó hiểu rốt cuộc đức Phật nói điều gì, thường hiểu lầm ý nghĩa. Đã hiểu lầm ý nghĩa, còn oán thầm đức Phật, hủy báng Tam Bảo, tạo tội nghiệp sâu xa. Đức Phật thuyết pháp là nói trong trường hợp nào? Nói với người nào? Điều này có mối quan hệ rất lớn. Thuở đức Phật tại thế thuyết pháp, Ngài ứng cơ thuyết pháp: Người nào đưa ra vấn đề nào, đức Phật có năng lực thần thông thù thắng, chuyện trong đời đời kiếp kiếp của người ấy, đức Phật đều biết. Vì thế, Ngài thuyết pháp rất khế cơ. Người khác lại đến hỏi, căn cơ trong đời trước của hai người ấy chẳng giống nhau, cùng hỏi một vấn đề giống như nhau, nhưng có thể là đức Phật có hai lời đáp khác nhau. Chúng ta thấy vậy ngơ ngác: “Vì sao đối với người này, đức Phật nói như vậy; đối với kẻ kia, lại nói như thế nọ?” Không chỉ đức Phật là như thế, Khổng lão phu tử cũng là như thế. Trong Luận Ngữ, khi học trò hỏi về đạo hiếu, Khổng lão phu tử đã trả lời mỗi người mỗi khác. Hỏi về lòng nhân, Ngài cũng trả lời chẳng giống nhau, rốt cuộc câu trả lời nào là đúng? Thuở ấy, khi có người đến hỏi, Khổng lão phu tử giảng giải cho người ấy [cách nào cũng] đều đúng, ứng cơ mà! Phật pháp là khế cơ, khế lý. Vì thế, chuyện này chẳng dễ dàng.
Nay chúng ta mở kinh điển ra xem, đôi khi [bộ kinh nào đó] chẳng khế hợp căn cơ của chúng ta. Vì sao? Chẳng phải là điều chúng ta thắc mắc. Nếu đức Phật tại thế, hễ chúng ta hỏi, đức Phật nhất định sẽ khai thị, [lời khai thị tức là] bộ kinh ấy nhằm giảng cho chúng ta, nên sẽ khế hợp căn cơ của ta. Những kinh khác là để giảng cho người khác. Giống như thầy thuốc chữa bệnh, người bệnh nào đến, thầy sẽ bắt mạch rồi mới kê toa. Người thứ hai đến, cùng một chứng bệnh, thầy bắt mạch, kê toa, cho thuốc chẳng giống, phân lượng có tăng giảm, há lẽ nào có chuyện toa thuốc giống hệt nhau? Hai người mắc bệnh giống hệt nhau, mà bệnh tình nặng như nhau, chẳng thể nào có chuyện ấy! Vì sao? Thể chất mỗi người khác nhau. Có người sức đề kháng mạnh, có kẻ sức đề kháng yếu ớt. Chúng ta phải hiểu rõ đạo lý ấy. Do vậy, đức Phật chẳng có pháp nhất định để có thể nói. Quý vị coi Phật pháp là pháp cố định, lẽ nào Phật chẳng kêu oan uổng? “Y văn giải nghĩa, tam thế Phật oan” (Dựa theo kinh văn để hiểu nghĩa, ba đời chư Phật bị oan uổng), ba đời chư Phật đều kêu oan uổng, quý vị đã hiểu sai bét ý nghĩa của ta! Phật, Bồ Tát thuyết pháp còn như thế, chúng ta thuyết pháp bị người khác hiểu oan uổng càng nhiều hơn! Phải hiểu tình hình này, phải hiểu căn cứ thuyết
pháp này.
Quyền Trí là Phương Tiện Trí, là phương tiện thiện xảo. Thật Trí là trí huệ chân thật. Nói đơn giản, Thật Trí là tâm thanh tịnh, Quyền Trí là tác dụng phát khởi bởi cái tâm thanh tịnh. Giảng kinh, thuyết pháp, các thứ thị hiện đều nhằm giúp người khác khai ngộ, các phương pháp và phương cách ấy đều gọi là Quyền Trí. Do đâu mà có Quyền Trí? Do Thật Trí mà có. “Như Lai dĩ Quyền Thật nhị trí, chứng Chân Tục nhị đế chi lý” (Như Lai dùng Quyền Trí và Thật Trí để chứng lý Chân Đế và Tục Đế). “Chân” là Thật Tướng, tức là chân tướng của hết thảy các pháp. Thật Tướng còn gọi là Chân Như Bản Tánh, Pháp Giới, hoặc Đệ Nhất Nghĩa Đế, có đến mấy chục loại danh từ, nhưng đều là nói về cùng một chuyện. Tục Đế là nói theo hiện tượng, là hình thái ý thức của hết thảy chúng sanh. Lục căn của họ tiếp xúc cảnh giới bên ngoài, tư tưởng, kiến giải, việc làm đều là Tục Đế, chẳng có gì đức Phật không biết, thảy đều hiểu rõ ràng, minh bạch. Căn cứ để đức Phật thuyết pháp là chân tướng do chính Ngài đã thấy và căn cứ trên tất cả những cảm nhận sai lầm của đại chúng. Đức Phật thuyết pháp nhằm mục đích phá trừ cảm nhận sai lầm của quý vị, giúp quý vị nhận biết Thật Tướng. Nhận biết Thật Tướng được gọi là khai ngộ, phá mê, khai ngộ.
Đã mê bèn khổ! Đau khổ, hễ ngộ bèn vui, quý vị chẳng thấu hiểu niềm vui do ngộ, vì sao? Vì quý vị chưa hề khai ngộ, chẳng biết niềm vui sướng do ngộ. “Mê” là trong tâm quý vị có vọng tưởng, có chấp trước, có phân biệt, có phiền não, có ưu lự, có vướng mắc, làm sao quý vị vui sướng cho được? Dẫu quý vị có vui, niềm vui ấy là giả, chẳng thật. Người đã ngộ, chẳng mê, không chấp trước, chẳng phân biệt, chẳng có ưu lự, vướng mắc, phiền não. Mê hay ngộ sai biệt ở ngay chỗ này. Sau khi nghe kinh còn có cả đống vấn đề muốn hỏi, chắc chắn là người ấy chưa khai ngộ. Hễ ngộ, sẽ chẳng có thắc mắc. Trước kia, thầy Lý giảng kinh, thuyết pháp, nghe chẳng hiểu thì thôi! Có hỏi, thầy cũng chẳng nói. Nói một lần, chẳng nhắc lại nữa, chẳng hiểu thì cứ là chẳng hiểu, phương pháp này rất hay! Lần sau, quý vị muốn nghe hiểu thì phải chú ý nghe. Hễ nghe mà bỏ sót thì chắc chắn là thầy chẳng lặp lại lần thứ hai. Đấy là phương cách thầy Lý sử dụng trong cả một đời giảng kinh dạy học, đúng là đã giảm bớt rất nhiều việc.
“Phàm thuyết pháp thời bất ly Nhị Đế” (Phàm là lúc thuyết pháp bèn chẳng lìa Nhị Đế). Suốt một đời, đức Phật thuyết pháp bốn mươi chín năm chẳng lìa khỏi nguyên lý và nguyên tắc này. Nói theo kiến giải và thường thức của đại chúng, sẽ là có Sự. Vì sao? Những điều ấy đều là do mọi người phân biệt, chấp trước, cho rằng nhất định là có, nhất định tồn tại, đức Phật bèn nói thuận theo quý vị, đức Phật hoàn toàn chẳng phản bác. Hễ phản bác, chắc chắn là quý vị chẳng thừa nhận. Lũ phàm phu chúng ta nói “đây là ngã”, đức Phật nói “vô ngã”, hai điều ấy chẳng thể nào không mâu thuẫn! Có lúc, đức Phật thuyết pháp thuận theo tri kiến của chúng sanh, cách thuyết pháp ấy được gọi là “bất liễu nghĩa”. Thuyết pháp [theo kiểu] “bất liễu nghĩa” rất nhiều! Trong Tứ Y Pháp, đức Phật đã dạy chúng ta: “Y liễu nghĩa, bất y bất liễu nghĩa”. Vì sao đức Phật phải nói [các pháp] bất liễu nghĩa? Nói bất liễu nghĩa, quý vị mới hiểu; nói pháp liễu nghĩa, quý vị chẳng thể tiếp nhận. Càng liễu nghĩa, trình độ càng cao; càng là bất liễu nghĩa, trình độ càng thấp. Nếu nói theo Ngũ Thừa Phật pháp: Nhân Thừa là bất liễu nghĩa nhất. So với nhân thì thiên được coi là liễu nghĩa. Nếu so sánh giữa thiên và Thanh Văn thì thiên là bất liễu nghĩa, Thanh Văn là liễu nghĩa. So sánh giữa Thanh Văn và Duyên Giác, Thanh Văn là bất liễu nghĩa, Duyên Giác là liễu nghĩa. So sánh giữa Duyên Giác và Bồ Tát, Bồ Tát là liễu nghĩa, Duyên Giác là bất liễu nghĩa. So sánh giữa Bồ Tát và Phật, Phật là liễu nghĩa, Bồ Tát là bất liễu nghĩa. Đức Phật dạy chúng ta “y liễu nghĩa, bất y bất liễu nghĩa”, hy vọng chúng ta sẽ dần dần nâng cao trình độ, đừng giữ mãi tầng cấp “bất liễu nghĩa”. Đức Phật mong mỏi chúng ta sẽ tinh tấn, sẽ tiến bộ thuần nhất, Ngài chẳng tán thành quý vị giữ chặt giai đoạn hiện tiền, phải là hằng ngày đều cầu tiến bộ.
“Y Chân Đế thuyết pháp cố hữu Lý” (Nương theo Chân Đế để thuyết pháp nên có Lý). Lý là căn do của sự tướng. Vì sao có Sự? Vì sao có hiện tượng ấy? Nói chung là có đạo lý. Nói thật ra, nhìn theo Sự dễ dàng, xét theo Lý, khó khăn! Chúng ta mỗi ngày mặc quần áo, ăn uống, đó là Sự, mọi người quen thói coi là chuyện thường. Nếu quý vị nghiên cứu vì sao phải ăn uống, rất có thể là [sẽ nhận thấy] Lý ấy phiền phức to lớn. Nói thế nào cũng chỉ sợ chẳng nói rõ được! Diện mạo của con người rất thanh tú, ngũ quan rất đoan chánh, nếu quý vị hỏi: “Vì sao có hai mắt? Vì sao có một cái miệng? Vì sao không mọc ra hai cái miệng? Chẳng mọc bốn mắt?” Chuyện này bèn trở thành phiền phức, đạo lý rất sâu, đều có Lý trong ấy. Thông đạt lý luận, những vấn đề nơi Sự đều được giải quyết. Thông đạt Sự, lý luận cũng minh bạch. Lý và Sự giúp nhau hoàn thành. Nghiên cứu khoa học cũng giống như vậy, thường thường là phát hiện dựa trên lý luận, tuân theo lý luận để tìm tòi, kết quả là có sự vật được phát minh. Quá nửa phát minh khoa học kỹ thuật hiện thời là do trước hết đã phát hiện theo lý luận, sau đó mới căn cứ trên lý luận ấy để tìm ra phát minh khoa học, kỹ thuật mới. Phật pháp cũng là như thế; vì vậy, mỗi chữ, mỗi câu đều có Sự và Lý.
“Sở y chi Đế” (Đế lý để nương vào), Đế (諦, Satyāni) là chân lý. “Đế” có nghĩa là chân thật, tuyệt đối chẳng phải là hư vọng. “Chân Tục bất nhị” (Chân Đế và Tục Đế chẳng hai). Lý là bản thể của sự tướng, sự tướng là sự tướng của Lý, là sự tướng của bản thể. Thể, Tướng, Dụng là cùng một chuyện, tuy một mà ba, tuy ba mà một. Chân và Tục chẳng hai, như vậy mới là pháp nào cũng viên dung, chuyện gì cũng vô ngại. Kinh Hoa Nghiêm nói “Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại”. Dựa theo đạo lý ấy mà nói. Theo Lý là như thế, mà theo Sự cũng là như thế. Nơi Sự cũng là vô ngại. Vì sao hiện thời chúng ta bị trở ngại nơi Sự? Sự trở ngại ấy là do dấy lên mê chấp, do quý vị có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Vốn chẳng có chướng ngại mà biến thành chướng ngại tầng tầng. Khuyết điểm nẩy sanh từ chỗ này. Đến khi nào mới thật sự nhập vô chướng ngại, sống đại tự tại? Kinh Hoa Nghiêm có nói: Từ Sơ Trụ trong Viên Giáo trở lên, đã đoạn Kiến Tư phiền não, Trần Sa phiền não đã đoạn, cũng phá một phẩm vô minh, bèn nhập vô chướng ngại pháp giới. Tựa đề của kinh Tứ Thập Hoa Nghiêm là Nhập Bất Tư Nghị Giải Thoát Cảnh Giới, cảnh giới giải thoát chẳng thể nghĩ bàn. Giải thoát là thật sự tự do tự tại, nhập cảnh giới ấy. Chẳng phá vô minh, sẽ chẳng thể tiến nhập được, luôn bị chướng ngại. Phương pháp [được sử dụng] trong pháp môn Niệm Phật thật sự xảo diệu tột bậc, dùng một câu Phật hiệu để khiến cho chúng ta đạt tới cảnh giới ấy. Tây Phương Cực Lạc thế giới là cảnh giới giải thoát viên mãn rốt ráo chẳng thể nghĩ bàn, các đồng tu chúng ta chớ nên hoài nghi, vì kinh Vô Lượng Thọ đã dạy rất rõ ràng: “Giai tu Phổ Hiền đại sĩ chi đức” (Đều tu phẩm đức của Phổ Hiền đại sĩ). Đức của Phổ Hiền đại sĩ là “pháp giới vô chướng ngại”; tựa đề của kinh [Tứ Thập Hoa Nghiêm] là Nhập Bất Tư Nghị Giải Thoát Cảnh Giới. Tây Phương Cực Lạc thế giới là cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn. Đấy chính là nói: “Nhất tự, nhất ngữ, Sự Lý song bị” (Từng chữ, từng lời đều trọn đủ Sự lẫn Lý).
(Sớ) Như Đại Bổn vân: “Nhất tâm hệ niệm”, chánh sở vị nhất tâm bất loạn dã, nhi Sự Lý các biệt. Sơ, Sự nhất tâm giả, như tiền ức niệm, niệm niệm tương tục, vô hữu nhị niệm, Tín Lực thành tựu, danh Sự nhất tâm, thuộc Định môn nhiếp, vị hữu huệ cố.
(疏)如大本云:一心繫念,正所謂一心不亂也,而事理各別。初事一心者,如前憶念,念念相續,無有二念,信力成就,名事一心,屬定門攝,未有慧故。
(Sớ: “Nhất tâm hệ niệm” như được nói trong kinh Đại Bổn chính là “nhất tâm bất loạn” [được nói trong kinh này], nhưng [nhất tâm] có Sự và Lý khác biệt. Trước hết, [luận về] Sự nhất tâm: Như đối với sự ức niệm đã nói trong phần trước, niệm niệm liên tục, chẳng có hai niệm, Tín Lực thành tựu, gọi là Sự nhất tâm, thuộc về Định môn, do chưa có huệ).
Giải thích tướng mạo của Sự nhất tâm. Kinh Vô Lượng Thọ nói là “nhất tâm hệ niệm”, dễ hiểu hơn điều được nói trong kinh này, kinh này nói là “nhất tâm bất loạn”. Trong bản tiếng Phạn của kinh A Di Đà cũng ghi là “nhất tâm hệ niệm”, chẳng phải là “nhất tâm bất loạn”. “Nhất tâm bất loạn” là do Cưu Ma La Thập đại sư dịch ý, chẳng phải là “trực dịch”, [mà là] dịch theo ý nghĩa, chẳng phải là dịch theo mặt chữ. Bản dịch của Huyền Trang đại sư là trực dịch, [nghĩa là] văn tự ghi như thế nào, Ngài bèn dịch như thế đó. Đây là hai phương thức dịch thuật khác biệt. Bản dịch của Huyền Trang đại sư ghi là “nhất tâm hệ niệm”. “Hệ niệm” (繫念) là vương vấn, nhất tâm nhất ý vương vấn điều gì? Vương vấn A Di Đà Phật, những thứ khác đều chẳng bận tâm tới, thảy đều buông xuống. Từ nay trở đi, nhất tâm chỉ nghĩ niệm A Di Đà Phật. Nghe như vậy, [sẽ cảm thấy] dễ hiểu và dễ học hơn nhiều. Đấy chính là ý nghĩa “nhất tâm bất loạn” được chép trong kinh Tiểu Bổn. Có thể thấy là kinh Đại Bổn nói “nhất tâm hệ niệm” thì ý nghĩa xác thực của “hệ niệm” là “nhất tâm bất loạn”. La Thập đại sư dùng cách dịch ý, [vì thế, lời Sớ mới ghi]: “Chánh sở vị nhất tâm bất loạn dã” (Chính là nói tới nhất tâm bất loạn). Phạm vi của nhất tâm bất loạn rất rộng, rốt cuộc, nhất tâm là gì? Bất loạn là gì? Trong ấy, có rất nhiều tiêu chuẩn. Nếu chẳng có lắm tiêu chuẩn ngần ấy, Tịnh Độ Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng thể có bốn cõi, ba bậc, chín phẩm. Bốn cõi, ba bậc, chín phẩm đều là nhất tâm bất loạn. Vãng sanh cõi Phàm Thánh Đồng Cư cũng là nhất tâm bất loạn. Thượng thượng phẩm vãng sanh trong cõi Thật Báo vẫn là nhất tâm bất loạn. Danh xưng giống nhau, nhưng trình độ trong ấy khác nhau, có cạn hay sâu khác biệt. Ngẫu Ích đại sư bảo điều này là do công phu cạn hay sâu, tức là công phu nhất tâm hệ niệm, công phu nhất tâm
bất loạn.
Trong ấy có Sự và Lý, đó là sự sai khác to lớn. Có sự sai khác to lớn vì có Sự và Lý. Hiện thời, trước hết bèn nói rõ Sự nhất tâm là gì. Sự nhất tâm chú trọng nơi sự tướng, dễ hiểu! Nói cách khác, đó là kiến thức thông thường, tư tưởng và kiến giải của bọn phàm phu chúng ta có thể đạt tới, đức Phật nói [những chuyện ấy] chúng ta rất dễ tiếp nhận. “Lý” là cảnh giới của Như Lai, chúng ta chẳng thấy, chẳng dễ tin tưởng cho lắm, khá khó tiếp nhận!
Sự nhất tâm sẽ được nói như thế nào? [Nói] từ cạn đến sâu. Trước hết, nói theo mức độ nông cạn nhất. “Như tiền ức niệm” [nghĩa là] như trong phần trước đã nói về ức niệm. “Ức” (憶) là tưởng, “niệm niệm tương tục, vô hữu nhị niệm” (niệm niệm nối tiếp, chẳng có hai niệm), như thế thì mới được. Niệm này nối tiếp niệm kia, chẳng thể gián đoạn. Hễ gián đoạn, sẽ còn có vọng tưởng xen tạp vào đó. Khi đoạn, cũng chẳng dấy vọng tưởng; [thế nhưng] không dấy vọng tưởng thì vô minh xen lẫn trong đó. Vô minh và vọng tưởng đều là đại chướng ngại. Do vậy có thể biết: Điều khẩn yếu trong câu Phật hiệu là niệm nào cũng đều chẳng gián đoạn. Sau khi đã đoạn, nếu chẳng phải là vọng tưởng thì nhất định là vô minh, hai thứ ấy đều là đại chướng ngại cho tâm tánh. Sở dĩ phàm phu chẳng thể minh tâm kiến tánh là do hai đại chướng ngại ấy. Vọng tưởng thuộc về Sở Tri Chướng, vô minh thuộc về Phiền Não Chướng. Thật ra, hai thứ ấy có thể dùng lẫn cho nhau, cũng có thể nói vọng tưởng là Phiền Não Chướng, vô minh là Sở Tri Chướng. Ý nghĩa gốc của vô minh là “chẳng hiểu rõ hết thảy vạn sự vạn pháp”. Đó là vô minh, rất khó hiểu!
Đã từng có một người giảng kinh, khi giảng kinh, thính chúng hỏi người ấy “vô minh là gì”, người ấy trích dẫn cả đống kinh điển. Kết quả là người nghe vẫn chẳng hiểu gì hết! Pháp sư Diễn Bồi đã kể một công án: Thuở xưa, có một vị Tể Tướng. Nhằm lúc vị pháp sư đang niệm kinh, ông ta bèn thỉnh giáo: “Vô minh là gì?” Vị pháp sư ấy chẳng đếm xỉa tới ông ta, cứ tiếp tục niệm. Hỏi hai ba câu vẫn chẳng đoái hoài, kết quả là ông ta nổi cáu: “Ngươi phách lối quá đi!” Pháp sư ngó lại: “Đó gọi là vô minh”. Ông ta bèn lập tức đảnh lễ, đã biết vô minh là gì. Pháp sư đã thật sự dạy ông ta thấu hiểu ý nghĩa ấy. Ông ta có thật sự thấu hiểu hay không? Ông ta lãnh hội “vô minh” là “lửa vô minh”, nói thật ra, vẫn chưa hiểu rõ ràng! Tôi bổ sung một câu: “Chẳng hiểu rõ thì chính là vô minh. Nghe xong bèn hiểu rõ, chứ nghe mà chẳng hiểu rõ thì là vô minh”. Tôi nói cả buổi, quý vị nghe chẳng hiểu, đó là vô minh. “Minh” (明) là hiểu rõ, thông đạt hết thảy vạn sự, vạn pháp, quá khứ, hiện tại, vị lai. Quý vị chẳng có năng lực ấy thì chính là vô minh.
Chẳng phải là vô minh, bèn là vọng tưởng, điều này rất phiền phức. Phá trừ vô minh, vọng tưởng bằng cách nào? Phật hiệu mầu nhiệm lắm! Đại Thế Chí Viên Thông Chương có nói “tịnh niệm tương kế” (tịnh niệm tiếp nối); quý vị chỉ cần làm được bốn chữ ấy, công phu niệm Phật sẽ đắc lực. “Tịnh niệm”: Tịnh (淨) là thanh tịnh. Trong tâm quý vị hoài nghi, tâm chẳng thanh tịnh. Niệm ấy chẳng gọi là “tịnh niệm”. Quý vị còn suy nghĩ loạn cào cào, còn có xen tạp, tâm sẽ chẳng thanh tịnh, niệm ấy chẳng phải là tịnh niệm. “Tịnh niệm” (淨念) là chẳng hoài nghi, không xen tạp, “tương kế” (相繼) là chẳng ngừng. Chúng tôi thường nói, nói rất minh bạch: “Chẳng hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn”. Đối với chín chữ ấy, kinh Lăng Nghiêm chỉ dùng bốn chữ “tịnh niệm tương kế”. Niệm Phật như vậy, công phu đắc lực, niệm Phật như vậy sẽ là tương ứng.
“Vô hữu nhị niệm, Tín Lực thành tựu, danh Sự nhất tâm” (Chẳng có hai niệm, Tín Lực thành tựu, gọi là Sự nhất tâm). Liên Trì đại sư nói câu này hay quá. Đấy mới được coi là tin tưởng, ngưỡng mộ Tịnh Tông, mới được coi là tin tưởng A Di Đà Phật. Chúng ta có tin hay không? Chúng ta chẳng tin! Hằng ngày niệm Phật phát nguyện cầu vãng sanh, [thế mà] hằng ngày làm kẻ đối đầu với A Di Đà Phật, làm kẻ oan gia của tổ sư đại đức. Vì sao? Xen tạp, hoài nghi, gián đoạn, đó là làm kẻ oan gia, làm kẻ đối đầu, chẳng tin tưởng mà! Chúng ta nói tới Tín Nguyện Hạnh, [chỉ là] Tín Nguyện Hạnh ngoài miệng; trên thực tế, Tín Nguyện Hạnh thảy đều chẳng có, làm sao có thể vãng sanh cho được? Thật sự vãng sanh thì phải kiến lập từ chỗ này, “Tín Lực thành tựu”. Đó mới là Sự nhất tâm. Sự nhất tâm kiểu này chẳng cao, mà là Sự nhất tâm ở mức độ tối thiểu, cũng là điều kiện để hạ hạ phẩm vãng sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Có điều kiện này là được, sẽ vãng sanh.
Điều này thoạt nhìn khó lắm, chẳng dễ dàng! Đúng thế! Nếu dễ dàng, há chẳng phải là người niệm Phật thảy đều vãng sanh ư? Thầy Lý thường nói: “Trong một vạn người niệm Phật, chỉ có dăm ba kẻ vãng sanh”, quý vị biết nguyên nhân là do chỗ này. Nói thật ra, dăm ba người vãng sanh đó, đúng là người thật thà. Quý vị chửi, đánh, nhục mạ họ, họ cũng không biết. Thậm chí, quý vị ở bên cạnh chửi họ cả buổi, họ chẳng biết quý vị đang chửi ai. Họ ở đó niệm “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật”.
Họ có thể vãng sanh, vì sao? Họ có thể chuyên nhất, chẳng hai!
(Diễn) Tín Lực thành tựu giả, Sự nhất tâm nhân, bất tu Lý Quán.
(演)信力成就者,事一心人,不修理觀。
(Diễn: Tín Lực thành tựu là người đắc Sự nhất tâm, chẳng tu Lý Quán).
Lý luận của pháp môn này quá sâu, quá mầu nhiệm, kẻ bình phàm chẳng thể lý giải! Chẳng hiểu [vẫn] không sao cả, vẫn có thể vãng sanh y hệt! Thực hiện từ phương diện sự tướng là được rồi! Vì thế, pháp môn này chẳng thể nghĩ bàn.
(Diễn) Duy bằng Tín Lực.
(演)唯憑信力。
(Diễn: Chỉ cậy vào Tín Lực).
Người ấy tin tưởng! Hai câu khai thị cốt lõi của kinh Di Đà là “nhất tâm bất loạn, tâm chẳng điên đảo”. Hai câu này khẩn yếu! Dùng phương pháp gì để đạt được? “Chấp trì danh hiệu”. Ba câu gồm mười hai chữ đã nói trọn hết cả bộ kinh Di Đà, toàn thể pháp môn Tịnh Tông cũng được nói trọn hết. Không chỉ là nói trọn hết toàn thể pháp môn Tịnh Tông, mà hết thảy kinh giáo và hết thảy các pháp môn do Thích Ca Mâu Ni Phật đã giảng trong bốn mươi chín năm cũng đều được nói trọn, mới biết lời khai thị đại từ đại bi phổ độ chúng sanh tinh yếu nhất của chư Phật chính là ba câu này. Nếu quý vị thật sự nắm vững ba câu này, chẳng có lẽ nào không vãng sanh! Có thể nhất tâm thọ trì, từ Sự nhất tâm sẽ tự nhiên niệm đạt đến Lý nhất tâm. Bởi lẽ, do Sự nhất tâm có thể đắc Định. Sau khi đã đắc Định bèn khai ngộ, hễ ngộ bèn nhập Lý nhất tâm, chẳng khác gì đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh của Thiền Tông. “Duy bằng Tín Lực” (Chỉ cậy vào Tín Lực)! Do đó, chúng ta phải tin tưởng. Người nào thật sự tin tưởng? Từ nay trở đi, chẳng còn có thị phi, nhân ngã; chẳng còn có vọng tưởng, chấp trước, người ấy đã tin tưởng. Hễ còn suy nghĩ lung tung, còn có thị phi, nhân ngã, người ấy vẫn chẳng tin. Kẻ không tin đông đảo, người tin tưởng ít ỏi. Trong một vạn người, thật sự có dăm ba người tin tưởng, đại đa số là người nghe kinh bất quá chỉ gieo một tí thiện căn mà thôi. Do vậy có thể biết: Tín Căn kiến lập, xác thực là như kinh Đại Bổn đã nói rất tỉ mỉ, người ấy từ vô lượng kiếp đến nay đã hành Bồ Tát đạo, cúng dường vô lượng vô biên chư Phật Như Lai, nay được mười phương chư Phật gia trì, tín tâm thành tựu, chẳng phải là kẻ bình phàm.
(Diễn) Như thủy thanh châu, năng thanh trược thủy.
(演)如水清珠,能清濁水。
(Diễn: Như thủy thanh châu có thể lắng trong nước đục).
Đây là nói theo tỷ dụ, “thủy thanh châu” là bảo châu. Nước đục ngầu, dơ bẩn, sau khi bỏ hạt châu này vào, những chất bẩn trong nước tự nhiên lắng xuống. Có loại châu để lắng trong nước hay không? Có! Rất tầm thường! Mua ngoài phố đều có. Nước đục bẩn, chúng ta biết dùng phèn chua. Bỏ phèn chua[3] vào, nước tự nhiên lắng cặn, bèn trong trẻo. Đấy chính là thủy thanh châu. Do vậy, thứ này hoàn toàn chẳng phải là thần thông, kỳ quái chi cả! Do nó phát sanh tác dụng phân giải hóa học khiến cho những chất cặn trong nước lắng chìm xuống đáy, nước khôi phục sự thanh tịnh.
(Diễn) Cổ vân: Thanh châu đầu ư trược thủy, trược thủy bất đắc bất thanh.
(演)古云:清珠投於濁水,濁水不得不清。
(Diễn: Cổ nhân nói: “Thanh châu gieo vào nước đục, nước đục chẳng thể không trong”).
Câu này là tỷ dụ, kế đó là chánh thuyết (nói đến vấn đề chánh yếu, nói thẳng vào vấn đề).
(Diễn) Phật niệm đầu ư tán tâm, tán tâm bất đắc bất nhất.
(演)佛念投於散心,散心不得不一。
(Diễn: Niệm Phật hiệu gieo vào tâm tán loạn, tâm tán loạn chẳng thể không chuyên nhất).
Người ấy tự nhiên có thể niệm đến mức nhất tâm, chỉ sợ quý vị chẳng niệm. Có người mới niệm Phật nói với tôi: “Khi tôi không niệm Phật, tâm rất thanh tịnh, chẳng có vọng niệm. Càng niệm Phật, vọng niệm càng nhiều, chớ nên niệm Phật!” Tình hình có phải là như vậy hay chăng? Đúng vậy! Không chỉ người ấy như thế, mà rất nhiều người cũng như thế. Đây là chuyện như thế nào? Nói thật ra, bình thường người ấy có lắm vọng niệm dường ấy, nhưng chẳng phát hiện, chẳng hay biết, cứ ngỡ chính mình chẳng có vọng niệm! Nay vừa niệm Phật, mong thu hồi cái tâm, mới phát hiện có lắm vọng niệm như thế. Phát hiện [chính mình có nhiều vọng niệm] là chuyện tốt, chẳng phải là chuyện xấu. Sau khi đã phát hiện, dùng phương pháp gì để đối trị? Dùng một câu Phật hiệu để đối trị. Trong phương pháp niệm Phật, dẫu vọng niệm nhiều cách mấy, chẳng cần quan tâm đến chúng. Vọng niệm và Phật hiệu đồng thời dấy lên chẳng sao hết, quý vị dốc sức chú ý nơi Phật hiệu, mặc kệ vọng niệm, tự nhiên Phật hiệu ngưng tụ, có sức mạnh, vọng niệm tự nhiên sẽ giảm ít. Ngàn muôn phần đừng quan tâm vọng niệm: “Ta có lắm vọng niệm dường ấy”. Càng nghĩ, sẽ càng nhiều, phiền toái to lớn, vĩnh viễn cũng chẳng có cách nào đoạn hết. Phương pháp tốt nhất là chẳng nghĩ tới. Điều này thuộc về pháp môn sám hối, pháp môn sám trừ nghiệp chướng. Chính mình có nghiệp chướng, có tội nghiệp, chớ nên nghĩ tới chúng, vì quý vị nghĩ tới nó một lần sẽ giống như lại tạo một lần nữa. Nghĩ hai lần lại tạo hai lần. Chỉ sợ nghiệp chướng vẫn chưa đủ nhiều! Đó là ngu si!
Người thật sự giác ngộ từ nay trở đi chẳng nghĩ đến tất cả hết thảy lầm lỗi, hãy tưởng A Di Đà Phật. Từ nay trở đi, ta đổi thành tưởng A Di Đà Phật, nghiệp chướng sẽ tiêu trừ. Mọi người phải hiểu rõ đạo lý này. Đó là thật sự tiêu trừ nghiệp chướng. Từ nay trở đi, vọng niệm gì cũng đều chẳng có. Như thế thì công phu do niệm câu Phật hiệu của quý vị mới có sức mạnh chế phục phiền não, tới cuối cùng là đoạn hết phiền não. “Phật niệm đầu ư tán tâm, tán tâm bất đắc bất nhất” (Phật niệm gieo vào cái tâm tán loạn, tâm tán loạn chẳng thể không chuyên nhất), thật sự có thể đạt đến nhất tâm. Nhất tâm là khôi phục tâm địa thanh tịnh, vọng niệm tự nhiên ít đi. Vọng niệm ít tức là công phu của chính mình đắc lực, công phu niệm Phật của chính mình có tiến bộ. Từ chỗ này, cảm nhận rất rõ công phu của ta có tiến bộ hay không? Niệm kinh cũng giống như vậy, mục đích không gì chẳng nhằm niệm cho hết sạch vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Có người bắt đầu niệm Phật, vọng niệm quá nhiều, đổi thành niệm kinh bèn tốt đẹp hơn một chút. Đấy cũng là một biện pháp. Chẳng cầu hiểu nghĩa mà niệm kinh. Nói cách khác, thảy đều nhằm đạt đến mục tiêu “nhất tâm bất loạn”. Niệm kinh hay niệm Phật đều là biện pháp, là phương pháp.
(Diễn) Thuộc Định môn nhiếp giả.
(演)屬定門攝者。
(Diễn: Thuộc vào Định môn).
Đã thành tựu thì đều gọi là Niệm Phật tam-muội. Tam-muội thuộc về Định.
(Diễn) Định hữu thế xuất thế, dữ Đại Tiểu Thừa, cập Sự Lý chư Thiền Định bất đồng.
(演)定有世出世,與大小乘,及事理諸禪定不同。
(Diễn: Định có thế gian và xuất thế gian, và có các loại Thiền Định Đại Thừa, Tiểu Thừa, Sự, Lý khác nhau).
Trong Phật pháp, nói đến Định thì có thế gian Thiền Định và xuất thế gian Thiền Định. Tứ Thiền Bát Định thuộc loại thế gian Thiền Định, cũng khá khó khăn! Người tu Thiền Định hiện thời công phu đạt đến cảnh giới gì chúng ta chẳng biết! Bản thân chúng ta có thể tu tập [Thiền Định] hay không? Chính mình phải rất lắng lòng suy nghĩ: Ngũ dục, lục trần, tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghê bày ra trước mắt chúng ta, có còn động niệm hay chăng? Nếu động niệm, tức là quý vị còn có dục, chưa đoạn dục! Chẳng đoạn dục, sẽ thuộc vào trong Dục Giới, chẳng có phần nơi Sắc Giới Thiên. Thấp nhất trong Sắc Giới Thiên là Sơ Thiền. Nói cách khác, quý vị tu Sơ Thiền chẳng thành công! Tu Sơ Thiền thành công, đoạn hết ngũ dục, lục trần. Đoạn hết ngũ dục, như đã nói “tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghê, là năm cội gốc của địa ngục”, hễ có một điều, quý vị sẽ bị lôi lại, huống hồ vẫn còn cả năm điều! Quý vị có năng lực đoạn trừ hay chăng? Chẳng có năng lực đoạn trừ, sẽ chẳng có tư cách tu Thiền Định. Trước kia, nhà Thiền độ người, thường là hễ có người đến tham học, họ bảo người ấy hãy quay về: “Ngươi chẳng có tư cách xuất gia, vì sao? Trần duyên của ngươi chưa hết”. Nhìn từ chỗ nào? Chưa đoạn trừ dục niệm! Chẳng đoạn trừ dục niệm, chẳng có tư cách học Thiền. Quý vị xuất gia học Thiền vô dụng, suốt đời chẳng thể nào thành tựu. Vì thế, [tốt hơn là] vẫn bảo quý vị hãy trở về nhà. Chẳng thà ở trong xã hội, trong tương lai làm quan, hoặc làm chuyện này nọ, làm một chút chuyện tốt đẹp cho dân chúng để tu phước. Tu Định chẳng thành, bèn tu phước, phải hiểu điều này. Vì thế, tham Thiền chẳng dễ dàng, vờ vĩnh ngồi đó, cũng được vậy, nhưng ngồi đó mà đầu óc luôn suy nghĩ loạn cào cào, vô dụng! Lừa kẻ khác thì được, chứ chẳng có cách nào lừa gạt chính mình! Chúng ta phải hiểu điều này.
“Dữ Đại Tiểu Thừa” (và Đại Thừa, Tiểu Thừa). Tiểu Thừa đạt đến Đệ Cửu Định, vượt thoát tam giới, được gọi là Thiền Định xuất thế gian. Kinh Lăng Nghiêm đã giảng rất rõ ràng: A La Hán chứng Cửu Thứ Đệ Định, Định thứ tám là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Thiên, Đệ Cửu Định vượt trỗi, đã thoát khỏi tam giới. A La Hán và Bích Chi Phật đã chứng đắc Cửu Thứ Đệ Định, đó là Thiền Định xuất thế gian, nhưng các Ngài vẫn là Tiểu Thừa. Đại Thừa Thiền Định càng nhiều hơn, giống như Niệm Phật tam-muội trong pháp môn Niệm Phật này. Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật giảng Thủ Lăng Nghiêm tam-muội, trong Hoa Nghiêm giảng Sư Tử Phấn Tấn tam-muội; những [tam-muội] ấy đều thuộc loại Đại Thừa.
“Cập Sự Lý chư Thiền Định bất đồng” (Và các thứ Sự Thiền Định và Lý Thiền Định khác nhau). Có loại là Sự Định, có loại là Lý Định. Sự Định chú trọng nơi sự tướng, Định thuộc về Lý sẽ là “Sự Sự vô ngại”. Trong kinh Hoa Nghiêm, trưởng giả Dục Hương tu Thiền Định, tu Thiền Định Ba La Mật trong Thập Ba La Mật, đến đâu để tu? Đến nơi chợ búa để tu. Chợ búa là gì? Là công ty bách hóa hoặc các chợ hiện thời, là nơi náo nhiệt nhất. Ông ta hằng ngày la cà nơi đó, tu Thiền Định. Trong hết thảy trần duyên, tâm địa thanh tịnh, chẳng nhiễm mảy trần, đó là Định, thượng thượng thừa Định. Ông ta tu [Thiền Định] kiểu ấy chẳng phải là Sự, mà là Lý, đó là chân Định. Thứ gì cũng thấy rõ ràng, rành rẽ, đó là Huệ, là Định Huệ đẳng học (Định và Huệ học cân bằng). Học ở chỗ nào? Học nơi chợ búa, đó là đạo tràng của ông ta. Hý viện (rạp hát) là đạo tràng, tiệm khiêu vũ là đạo tràng, rất lỗi lạc! Nay chúng ta gọi đạo tràng của rất nhiều vị thiện tri thức trong kinh Hoa Nghiêm là “chỗ vui chơi”, các Ngài tu Định tu Huệ nơi đó, thành tựu Vô Lậu Học, thuộc về Lý Định.
(Diễn) Nhi yếu chi Định giả vô tán chi vị.
(演)而要之定者無散之謂。
(Diễn: Điều cốt yếu là Định có nghĩa là “chẳng tán loạn”).
Bất luận là thế gian Định hay xuất thế gian Định, Đại Thừa, Tiểu Thừa, Sự Định, hay Lý Định, nói gọn một câu sẽ là “nhất tâm bất loạn”. Nhất tâm bất loạn bao gồm trọn hết, tâm chẳng tán loạn là Định.
(Diễn) Kim niệm niệm tương tục, vô hữu nhị niệm.
(演)今念念相續,無有二念。
(Diễn: Nay niệm niệm tiếp nối, chẳng có hai niệm).
Nay chúng ta là người niệm Phật, A Di Đà Phật câu này tiếp nối câu kia, từng câu một nối tiếp nhau, chẳng gián đoạn, tuyệt đối chẳng có một tạp niệm nào. Niệm Phật hiệu tinh thuần, sẽ chẳng có niệm thứ hai xen vào.
(Diễn) Tắc tâm bất tán loạn, cố thuộc Định nhiếp.
(演)則心不散亂,故屬定攝。
(Diễn: Do tâm chẳng tán loạn nên thuộc về Định).
Công phu niệm Phật đến mức này được gọi là “công phu thành phiến”. Công phu thành phiến là mức thấp nhất của Sự nhất tâm bất loạn. Có thành tích như vậy, vãng sanh cõi Phàm Thánh Đồng Cư nhất định là nắm chắc. Phẩm vị trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư cao hay thấp tùy thuộc công phu định lực của quý vị sâu hay cạn. Phẩm vị sâu, công phu cao; phẩm vị thấp, công phu kém hơn.
(Diễn) Nhiên bỉ thể cứu vô gián, chí như tĩnh dạ chung thanh, trừng đàm nguyệt ảnh.
(演)然彼體究無間,至如靜夜鐘聲,澄潭月影。
(Diễn: Nhưng người ấy thấu hiểu, tham cứu chẳng gián đoạn đến mức như tiếng chuông trong đêm vắng, bóng trăng in nơi mặt đầm trong lặng).
Mấy câu này nhằm hình dung cảnh giới nơi tâm địa của người ấy.
Tâm người ấy thanh tịnh bất loạn, công phu miên mật, thấu hiểu, thể cứu chẳng gián đoạn. Thiền Tông gọi “thể cứu” là “tham cứu”, chẳng rơi vào tâm ý thức. Phật hiệu câu nọ nối tiếp câu kia, trong tâm chẳng có phân biệt, chấp trước, vọng tưởng. Phân biệt là thức thứ sáu, tức ý thức, chấp trước là thức thứ bảy, vọng tưởng là thức thứ tám. Chẳng dùng tâm ý thức để thể cứu, chẳng gián đoạn. Cảnh giới nơi tâm địa của người ấy giống như “tĩnh dạ chung thanh”, [ý nói] vì [trong tâm] người ấy có Phật hiệu, Phật hiệu rành rẽ, minh bạch, giống như lúc trời đêm rất an tĩnh mà thỉnh chuông, âm thanh niệm Phật giống như tiếng chuông, tâm địa an tĩnh dường ấy. Lại giống như “trừng đàm nguyệt ảnh”, “trừng đàm” (澄潭: cái đầm trong lặng) ví như cái tâm thanh tịnh, bóng trăng ví như Phật hiệu. Phật hiệu rành mạch, rõ ràng. Đó là cảnh giới Sự nhất tâm bất loạn, lẽ nào người ấy chẳng vui sướng? Thật sự vui sướng!
(Diễn) Nhược vị đắc lãnh hôi đậu bộc, họa địa nhất thanh, diệc thuộc Định nhiếp, diệc tức thị Sự nhất tâm.
(演)若未得冷灰豆爆,㘞地一聲,亦屬定攝,亦即是事一心。
(Diễn: Nếu chưa đạt đến mức “đậu nổ trong tro lạnh, hộc lên một tiếng” thì cũng thuộc về Định, đó là Sự nhất tâm).
“Tĩnh dạ chung thanh, trừng đàm nguyệt ảnh” như đã nói trong phần trước chính là công phu thành phiến. Công phu vừa mới thành phiến cũng là hạ hạ phẩm Sự nhất tâm bất loạn. Nếu người ấy không ngừng nâng cao công phu, tăng cao tới mức Kiến Tư phiền não đều đoạn hết, sẽ là thượng thượng phẩm Sự nhất tâm bất loạn, công phu bằng với cảnh giới của A La Hán và Bích Chi Phật, nhưng chưa khai ngộ, chưa kiến tánh. “Lãnh hôi đậu bộc” (Đậu nổ trong tro lạnh) là tỷ dụ kiến tánh. Đậu vùi trong tro nóng mới có thể nổ. Nổ trong tro nóng thì chẳng có gì lạ lùng, nổ trong tro lạnh mới là lạ. Câu “họa địa nhất thanh” hình dung sự hoát nhiên khai ngộ (Chú thích: Chữ Họa là bên trong chữ Vi (囗) có chữ Lực (力), âm đọc là Huò (Họa), chính là âm thanh phát ra khi kéo thuyền, hoặc âm thanh phát ra khi phải dùng sức, hoặc âm thanh phát ra khi đột nhiên tìm được vật đã mất. Trong sách vở nhà Thiền, chữ này được dùng để biểu thị âm thanh do vị tăng tu Thiền bất giác phát ra lúc đốn nhiên đại ngộ, mang ý nghĩa trông thấy vật bị mất, vui sướng khôn ngằn. “Họa địa nhất thanh” là từ ngữ Thiền Tông thường dùng để biểu thị sự đại triệt đại ngộ). “Vị đắc” (未得) nghĩa là người ấy chưa đạt đến trình độ ấy. Chưa đạt đến trình độ ấy thì vẫn là Sự nhất tâm, là thượng thượng phẩm Sự nhất tâm. Nếu đã đạt đến trình độ ấy, bèn gọi là Lý nhất tâm, chẳng phải là Sự nhất tâm, đã kiến tánh. Do vậy, đã tịnh, tịnh đến cùng cực, nhưng còn chưa thông đạt. Kinh Lăng Nghiêm nói là “tịnh cực quang thông đạt”. Đạt đến mức độ “quang thông đạt” thì phải là Lý nhất tâm, minh tâm kiến tánh, phá vô minh. Do vậy có thể biết: Trước hết, phải đoạn vọng tưởng và tạp niệm thì mới có năng lực phá vô minh. Vô minh phải dùng công phu định lực để phá, chứ tri kiến chẳng thể phá vô minh, đó là chướng ngại. Nhất định phải dùng công phu định lực, nhất định phải niệm Phật đến mức tâm thật sự thanh tịnh tột cùng, Kiến Tư và Trần Sa thảy đều đoạn hết, hoát nhiên khai ngộ, phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân. Chưa đạt đến cảnh giới ấy thì vẫn thuộc về Định.
(Diễn) Nhi Sớ Sao chuyên dĩ Sự nhất thuộc ức niệm, diệc nhất loạn ngôn nhĩ.
(演)而疏鈔專以事一屬憶念,亦一亂言耳。
(Diễn: Nhưng Sớ Sao chuyên coi Sự nhất tâm thuộc về ức niệm, cũng là nói theo kiểu chánh diện và tương phản).
“Nhất loạn” (一亂) là chánh diện và tương phản, cũng là nói theo chiều thuận hay theo chiều nghịch. Ý nghĩa “chuyên dĩ Sự nhất thuộc ức niệm” (chuyên coi Sự nhất tâm thuộc về ức niệm) của Liên Trì đại sư trong Sớ Sao cũng là nói theo hai phương diện chánh diện và tương phản. “Vị hữu huệ cố” (Do chưa có Huệ) là chưa khai ngộ, chưa kiến tánh.
(Diễn) Vị hữu huệ cố giả, dĩ tức tựu ức niệm vô gián, niệm đáo liên niệm thoát lạc, đốn nhập vô niệm, tức thuộc Huệ môn.
(演)未有慧故者,以即就憶念無間,念到連念脫落,頓入無念即屬慧門。
(Diễn: “Do chẳng có Huệ”, chính là ức niệm chẳng gián đoạn, niệm đến mức ngay cả “niệm” cũng mất, nhanh chóng tiến nhập vô niệm, bèn thuộc vào Huệ môn).
Từ hữu niệm, niệm đến mức vô niệm, đấy mới thuộc về Huệ. Nhưng có những kẻ niệm Phật bảo: “Ta niệm Phật, niệm đến một khoảng thời gian thì chính mình cũng quên mất, đạt đến cảnh giới niệm mà vô niệm”. Họ đem chuyện ấy hỏi tôi, tôi bảo: “Công phu của quý vị khá lắm, rất khó có”. Thật ra là như thế nào? Người ấy còn biết chính mình vô niệm, còn biết thân thể của kẻ ấy chẳng còn nữa. Người ấy biết như thế nào? Vẫn là vọng tưởng, chấp trước. Đạt tới cảnh giới ấy, người ấy đến nói với tôi, nhằm khoe công phu của chính mình rất lỗi lạc, toàn là vọng tưởng! Người thật sự dụng công, hễ đạt tới cảnh giới ấy, tuyệt đối sẽ chẳng nói với người khác. Có nói, kẻ khác cũng chẳng hiểu, [vì] kẻ khác chẳng đạt tới cảnh giới ấy! Khi sinh tiền, Huệ Viễn đại sư ba lượt thấy y báo và chánh báo trang nghiêm trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, trọn chẳng nhắc tới, đến lúc lâm chung vãng sanh mới kể với mọi người. Lâm chung vãng sanh, cảnh giới lại hiện tiền, Phật đến tiếp dẫn, [Sư chính mắt thấy] Phật và đại chúng, [cũng thấy] những người trong liên xã đã vãng sanh trước theo A Di Đà Phật đến tiếp dẫn Sư; khi đó, Sư mới tuyên bố cùng mọi người: “Trong quá khứ, tôi đã thấy cảnh giới ấy hai lần. Lần này là lần thứ ba, tôi sắp vãng sanh”.
Công phu ấy chính là “ức niệm vô gián” (ức niệm chẳng gián đoạn), thật sự niệm đến mức “niệm mà vô niệm, vô niệm mà niệm”. Vô niệm chẳng phải là không niệm Phật hiệu “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật”, vẫn niệm y hệt như cũ! Vô niệm là gì? Cái tâm trước kia đặt nơi niệm Phật, có tâm và có nguyện niệm Phật. Bây giờ, tâm và nguyện đều chẳng có. Nói cách khác, trước kia là có tâm ý thức trong khi niệm, nay chẳng còn tâm ý thức. Chẳng còn tâm ý thức bèn thành Phật, chuyển thức thành trí, có còn niệm hay không? Vẫn niệm, chẳng phải là không niệm. Đại Thế Chí Bồ Tát hằng ngày niệm A Di Đà Phật, trước nay chưa từng gián đoạn, Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại. Do vậy, Phật hiệu vĩnh viễn chẳng gián đoạn. Chẳng phải là nói “niệm tức vô niệm, vô niệm tức niệm” [có nghĩa là] “ta không niệm chính là niệm”, chẳng phải là nói như vậy. [Nói như vậy] tức là đã hiểu sai ý nghĩa, là tà tri tà kiến, chẳng phải là chánh tri chánh kiến. Niệm đến mức phá vô minh, thấy bản tánh, đốn nhập vô niệm; đó là Huệ môn.
(Diễn) Cổ vân: Chỉ nhất trực niệm khứ, diệc hữu ngộ nhật, thị dã.
(演)古云:只一直念去,亦有悟日是也。
(Diễn: Cổ nhân nói: “Chỉ một mực niệm, cũng có ngày khai ngộ”, nhằm nói lên ý này).
Câu này của cổ nhân luận về kinh nghiệm, là lời chân thật, xác thực là lời chú giải cho câu nói của Đại Thế Chí Bồ Tát: “Chẳng cậy vào phương tiện, tự được tâm khai”. Chỉ cần niệm miết một câu Phật hiệu này, tự nhiên sẽ có ngày khai ngộ, có thể minh tâm kiến tánh, chẳng cần dùng đến pháp môn thứ hai! Đấy là chỗ tuyệt diệu thù thắng của pháp môn này. Vì thế, mười phương chư Phật tán thán.
(Diễn) Kim công phu thỉ thành phiến đoạn, thượng vị khế nhập bổn tâm, cố chỉ thuộc Định môn dã.
(演)今工夫始成片段,尚未契入本心,故止屬定門也。
(Diễn: Nay công phu vừa mới thành phiến, còn chưa khế nhập bổn tâm, nên chỉ thuộc về Định môn).
Đây là kết luận cho đoạn [kinh văn luận định] về cảnh giới Sự nhất tâm. Công phu vừa mới thành phiến, chưa kiến tánh, chưa minh tâm, thuộc về Định. Định ở đây là Niệm Phật tam-muội, vừa mới đắc Niệm Phật tam-muội. Tuy chẳng cao, quyết định vãng sanh. Nói cách khác, đối với trình độ như vậy, bản thân chúng ta nỗ lực một chút sẽ làm được, ai nấy đều làm được, chỉ sợ chẳng chịu làm! Nếu quý vị chịu làm, ai nấy đều làm được! Nếu nói tới thượng phẩm, đã đoạn Kiến Tư phiền não, chẳng phải là ai cũng sẽ làm được. Còn công phu như thế này, ai cũng có thể làm được! Thế nhưng, điều khẩn yếu là từ nay về sau chẳng còn làm chuyện thị phi nữa thì mới có thể làm được. Vẫn chẳng lìa khỏi thị phi, nhân ngã, quý vị sẽ chẳng làm được. Rốt cuộc, cả một đời này chúng ta làm gì? Ta vì cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, ta bèn nghiêm túc học, chớ nên có tri kiến giống như kẻ bình phàm. Ta chớ nên đi theo ai khác, mà phải đi theo Phật, đó là đúng. Hôm nay chúng tôi nói tới đây!
[1] Sáu kinh là kinh Hoa Nghiêm, kinh Giải Thâm Mật, kinh Như Lai Xuất Hiện Công Đức Trang Nghiêm, kinh Đại Thừa A Tỳ Đạt Ma, kinh Lăng Già, kinh Đại Thừa Mật Nghiêm. Mười một luận là Du Già Sư Địa Luận, Hiển Dương Thánh Giáo Luận, Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận, Tập Lượng Luận, Nhiếp Đại Thừa Luận, Thập Địa Kinh Luận, Quán Sở Duyên Duyên Luận, A Tỳ Đạt Ma Tập Luận, Nhị Thập Duy Thức Luận, Thập Biện Trung Biên Luận, Phân Biệt Du Già Luận. Tuy vậy, trên thực tế, tại Trung Hoa, hai bộ luận chủ yếu để nghiên cứu Duy Thức Pháp Tướng lại là Thành Duy Thức Luận và Du Già Sư Địa Luận.
[2] Lục Quần Tỳ Kheo (ṣaḍ-vargiṇīyo bhikṣuṇīyaḥ) là từ ngữ chỉ sáu vị tỳ-kheo kết bè đảng, gây rối Tăng đoàn thời đức Phật tại thế. Họ không giữ giới luật, làm nhiều chuyện ác, nhằm tạo cơ hội cho đức Phật chế giới. Theo luật Tứ Phần, các vị đó là Nan Đà (Nanda, đôi khi còn phiên âm là Nạn Đồ), Bạt Nan Đà (Upananda), Ca Lưu Đà Di (Kālodāyin), Xiển Na (Chanda, tức Xa Nặc), A Thuyết Ca (Aśvaka, còn dịch nghĩa là Mã Túc hoặc Mã Sư), và Phất Na Bạt (Punarvasu, Mãn Túc).
[3] Phèn chua (Potassium Alum) là muối sulfate kép ngậm nước của kalium và nhôm, có công thức hóa học là KAl(SO4)2·12H2O. Chất này còn được gọi là minh phàn (明礬), giáp phàn (鉀礬), giáp lữ phàn (鉀鋁礬), bạch phàn (白礬), sanh phàn (生礬), vũ niết (羽涅), vân mẫu phàn (雲母礬) v.v… Ngoài tác dụng làm trong nước do làm kết tủa các tạp chất, nó còn dùng để thuộc da, nhuộm màu và chế tạo bột nổi làm bánh (baking powder), cũng như dùng để chế các thuốc khử mùi hôi nơi thân thể. Nó cũng được dùng làm chất cầm máu tạm thời khi cấp cứu.