Tập 131/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 03-003-0289

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 131

          Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bổn, trang hai trăm tám mươi sáu:

          (Sớ) Khổ lạc tương đối, chánh dĩ bỉ thử nhị độ, giảo lượng thắng liệt, linh sanh hân yếm, như nan dị thập chủng đẳng.

       () 苦樂相對 ,正以彼此二土 ,較量勝劣,令生忻

厭,如難易十種等。

          (Sớ: Đối chiếu giữa khổ và lạc, tức là so lường sự hơn và kém giữa cõi này và cõi kia, khiến cho [người nghe] sanh lòng ưa thích, chán nhàm, như mười thứ khó, dễ v.v..)

          Đoạn văn này giảng rõ sự so sánh giữa hai thế giới là Tây Phương Cực Lạc thế giới và thế giới Sa Bà của chúng ta, chỉ ra [hai cõi] khổ và vui khác nhau. Vì thế, kinh này mới gọi cõi kia là thế giới Cực Lạc.

          (Sao) Tương đối giả, dĩ thử cực khổ đối bỉ Cực Lạc, nhất thắng, nhất liệt, thiên nhưỡng giảo nhiên, hân yếm tự sanh, thủ xả tự định.        () 相對者,以此極苦對彼極樂,一勝一劣,天壤較然,忻厭自生,取捨自定。

          (Sao: “Đối chiếu”: Đem sự cực khổ trong cõi này sánh với Cực Lạc trong cõi kia, một đằng thù thắng, một đằng kém hèn, khác biệt một trời một vực, lòng yêu thích hoặc chán nhàm tự sanh, lấy – bỏ tự định).

          Lời này là sự thật. Nếu chúng ta chẳng có một mức nhận thức kha khá về hai thế giới ấy, chẳng so sánh một phen, sẽ chẳng hiểu công đức lợi ích vãng sanh, thậm chí thường sao nhãng ý niệm cầu sanh Tịnh Độ, đấy cũng là do giác tánh chưa đủ. Nếu so sánh giữa hai cõi, nói thật ra, có lẽ là người từ lứa tuổi trung niên trở lên trong thế giới này bèn có thể lãnh hội kha khá. Chúng ta chưa thấy thế giới Tây Phương, so sánh bằng cách nào? Do vậy, tuyệt đối chẳng phải là ai nấy đều có thể so sánh được, chẳng phải là người bình phàm mà hòng nói được!

          (Sao) Thập chủng giả, Từ Vân Sám Chủ, khai thử độ, bỉ độ nan dị thập chủng.

            () 種者,慈雲懺主,開此土彼土難易十種。

          (Sao: “Mười thứ”: Từ Vân Sám Chủ đã nêu ra mười thứ khó – dễ giữa cõi này và cõi kia).

          Ở đây nêu ra mười thứ [so sánh khó – dễ] do Từ Vân Sám Chủ đã nói. Trong lịch sử Phật giáo, vị này khá nổi tiếng. Từ Vân là danh hiệu do hoàng đế ban tặng. Hoàng đế tôn trọng Ngài, gọi Ngài là Từ Vân đại sư. Ngài có pháp danh là Tuân Thức, là người sống vào thời vua Chân Tông đời Tống. Khi ấy, Ngài trụ tại chùa Linh Ẩn, Hàng Châu. Tế Công hòa thượng được dân gian sùng bái cũng sống tại chùa Linh Ẩn thuở ấy. Đích xác là trong lịch sử Trung Quốc, Linh Ẩn Tự đã xuất hiện không ít cao tăng. Vị pháp sư này lúc tuổi già cũng chuyên tu Tịnh Độ, chuyên hoằng dương Tịnh Độ. Ngài biên soạn Tịnh Độ Sám Nghi, tức là Tịnh Độ Sám Pháp, nên người đời sau tôn xưng Ngài là Từ Vân Sám Chủ. Ngài vì chúng ta nói ra mười thứ khó – dễ giữa hai cõi Sa Bà và Cực Lạc, nêu ra mười lượt so sánh.

          (Sao) Kim dĩ khổ lạc đối chi, nhất giả thử độ hữu bất thường trị Phật khổ.

          () 今以苦樂對之,一者此土有不常值佛苦。

          (Sao: Nay so sánh giữa khổ và lạc thì một là cõi này có nỗi khổ chẳng thường gặp Phật).

          Đây là điều thứ nhất. Trong thế gian này, chúng ta rất khó gặp Phật xuất thế. Đức Phật chẳng xuất thế, chúng ta chẳng được nghe Phật pháp. Chẳng nghe Phật pháp thì nói cách khác, vĩnh viễn không thể liễu giải chân tướng của vũ trụ và nhân sinh. Tuy trong thế gian này cũng có các nhà khoa học, triết gia, tôn giáo gia rất lỗi lạc, thông hiểu vũ trụ và nhân sinh cũng chẳng ít, nhưng họ hoàn toàn chẳng [thông hiểu] rốt ráo. Thậm chí có rất nhiều [điều do họ nêu ra] chẳng phải là chân tướng sự thật, mà là suy đoán, phỏng đoán, hoàn toàn chẳng xứng hợp chân tướng sự thật. Dẫu là những nhà tôn giáo bậc cao, tu hành có công phu kha khá, biết được đôi chút, chẳng phạm sai lầm lớn, thông hiểu tình huống đại khái, nhưng sau khi đã hiểu, vẫn chẳng thể giải quyết vấn đề. Thí dụ như tại Ấn Độ có nhiều tôn giáo cao cấp, đích xác vượt xa Cơ Đốc Giáo và Thiên Chúa Giáo trong hiện thời, họ có thể thật sự thấy được tình huống trong lục đạo, có năng lực đến Tứ Thiền Thiên và Tứ Không Thiên, có năng lực giao tiếp với quỷ và địa ngục, liễu giải tình huống trong các nơi ấy, nhưng họ chẳng có cách nào khiến cho kẻ đáng đọa địa ngục chẳng đọa địa ngục, chẳng có cách nào! Chư thiên hết thọ mạng ắt phải đọa xuống, họ cũng chẳng có cách nào khiến cho chư thiên chẳng đọa lạc. Điều này được gọi là “tri kỳ đương nhiên, bất tri kỳ sở dĩ nhiên” (biết tình trạng đương nhiên, chẳng biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó), thấy được sự thật, nhưng chẳng hiểu rõ lý.

          Chỉ riêng Phật pháp là có thể nói  rõ  ràng  với  chúng  ta  về  chân

tướng của vũ trụ và nhân sinh. Phân tích thấu triệt Sự – Lý và nhân quả của hết thảy vạn pháp, chỉ có mỗi Phật pháp! Trừ Phật pháp ra, chẳng ai có thể làm được! Chúng ta hiểu rõ triệt để Sự – Lý, nhân quả, sẽ làm được, tự mình có thể giải quyết vấn đề ấy. Vì thế, chẳng gặp Phật là khổ! Quá khổ! Vĩnh viễn là mê hoặc, điên đảo. Đó là nói về thế gian này của chúng ta.

          Nay chúng ta may mắn sanh nhằm thời kỳ Mạt Pháp của Thích Ca Mâu Ni Phật, kể như là một may mắn to lớn trong sự bất hạnh. Pháp vận của Thích Ca Mâu Ni Phật là một vạn hai ngàn năm, Chánh Pháp một ngàn năm, Tượng Pháp một ngàn năm, đều đã qua, hiện thời là Mạt Pháp, Mạt Pháp gồm một vạn năm. Bất luận chiếu theo cách tính của người Trung Quốc, hay theo cách tính của người ngoại quốc, hiện nay đều nhằm thời kỳ Mạt Pháp. Theo cách tính của người Trung Quốc, Thích Ca Mâu Ni Phật diệt độ cách nay ba ngàn lẻ mười lăm năm, theo cách tính của người ngoại quốc là hơn hai ngàn năm trăm năm, chênh lệch sáu trăm năm, nhưng chúng ta chẳng cần quan tâm chuyện này. Nói chung, chúng ta có thể khẳng định, hiện nay đang nhằm thời kỳ Mạt Pháp của Thích Ca Mâu Ni Phật. Theo cách tính của người Trung Quốc, Mạt Pháp hãy còn chín ngàn năm nữa. Trong chín ngàn năm, Phật pháp có lúc hưng, suy, thăng, giáng, cũng chẳng phải là một mực suy bại, vẫn có lúc hưng khởi. Lên cao hay xuống thấp không nhất định, tùy thuộc phước đức và nhân duyên của chúng sanh.

          Sau chín ngàn năm ấy, thế gian này chẳng có Phật pháp, pháp đã diệt. Không có Phật pháp, con người càng khổ hơn. Sau khi pháp diệt hết, kinh đã nói rất rõ ràng: Kinh A Di Đà diệt cuối cùng, hết thảy các pháp đều bị diệt. Kinh A Di Đà còn lưu lại thế gian này một trăm năm [sau khi các kinh khác đã bị diệt]. Trong một trăm năm cuối cùng ấy, nếu ai có phước gặp kinh điển này, trọn đủ ba điều kiện Tín – Nguyện – Hạnh thì vẫn có thể vãng sanh. Quý vị mới biết kinh điển này chẳng thể nghĩ bàn, kinh điển này là kinh điển bậc nhất để chư Phật độ sanh. Sau khi toàn bộ Phật pháp đã diệt, thế gian này chẳng còn Phật pháp nữa, ắt phải đợi đến lúc vị Phật kế tiếp xuất thế, trong thế gian này mới có Phật pháp. Vị Phật kế tiếp là Di Lặc Phật. Phật Di Lặc xuất thế khi nào? Trong kinh, Thích Ca Mâu Ni Phật đã dạy là năm mươi sáu ức bảy ngàn vạn năm sau. Quý vị nghĩ xem: Thời gian thế gian này có Phật pháp quá ngắn ngủi, tạm bợ; một vạn hai ngàn năm so với năm mươi sáu ức bảy ngàn vạn năm, chẳng thấm vào đâu!  Thời gian không có Phật pháp quá ư là dài, chúng ta phải

hiểu chuyện này. Đó là khổ, chúng sanh đúng là khổ.

          (Sao) Bỉ độ vô chi.

       () 彼土無之。

          (Sao: Cõi kia chẳng có nỗi khổ này).

           Tây Phương Cực Lạc thế giới không có nỗi khổ này, bên ấy, Phật thường trụ thế gian.

          (Sao) Nhi đản hữu hoa khai kiến Phật, thường đắc thân cận chi lạc.

       () 而但有華開見佛,常得親近之樂。

          (Sao: Chỉ có niềm vui hoa nở thấy Phật, thường được thân cận).

          Phước đức và nhân duyên của hai thế giới ấy khác nhau. Chúng ta nghĩ: Tây Phương Cực Lạc thế giới người đông ngần ấy, người niệm Phật trong mười phương thế giới thảy đều vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, A Di Đà Phật chỉ có một mình, người đông dường ấy đều mong gặp Ngài, Ngài có đủ thời gian hay không? Chúng ta chẳng có cách nào tưởng tượng được chuyện này. Kinh đã nói rất hay, quý vị đọc kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, hóa thân của Di Đà, Quán Âm, Thế Chí đầy khắp cõi nước, chỗ nào cũng đều thấy, giống như hiện thời chúng ta dán các bức hình Phật [chung quanh giảng đường]. Ở bên ấy là chân Phật, là vị Phật có thể nói, cười, là [vị Phật] thật sự, do Phật Di Đà hóa thân. Nơi các cây báu trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, dưới mỗi gốc cây, Phật đều ngự tại đó thuyết pháp. Phật hóa thân trọn khắp pháp giới, cơ hội thấy Phật của chúng ta là bình đẳng. Nếu Phật chẳng hóa thân, cơ duyên thấy Phật thật sự vẫn là khó có. Ngài có năng lực hóa thân, do vậy, chúng ta đến Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng sợ không gặp A Di Đà Phật, cũng chẳng sợ “chúng ta vãng sanh, rốt cuộc đức Phật có đến tiếp dẫn hay không?” Có lúc tự mình hoài nghi, người vãng sanh đông như thế, sợ rằng đức Phật quá bận bịu, lo không xuể, quên bẵng chúng ta! Chúng ta làm lụng trong thế gian này, nhiều việc quá, do công chuyện quá nhiều, do bận bịu nên thường quên khấy các chuyện. Tây Phương Cực Lạc thế giới quyết định chẳng có chuyện ấy, trí huệ và thần thông của Phật chẳng thể nghĩ bàn.

          (Sao) Nhị giả, thử độ hữu bất văn thuyết pháp khổ.

          () 二者此土有不聞說法苦。

          (Sao: Hai là cõi này có nỗi khổ chẳng nghe thuyết pháp).

          “Bất văn thuyết pháp” (chẳng nghe thuyết pháp), nói thật ra cũng là “chẳng thường gặp Phật”, Phật pháp khó nghe mà! Nếu chẳng nghe Phật pháp, xác thực là muôn kiếp ngàn đời như điếc, như mù, thật đấy! Phật pháp mở mang đạo nhãn cho chúng ta, khiến cho chúng ta thật sự hiểu rõ Thật Tướng của vũ trụ và nhân sinh, biết quá khứ, hiện tại, vị lai, khiến cho chúng ta tự mình có cái để chọn lựa. Nghe Phật pháp vô cùng trọng yếu!

          (Sao) Bỉ độ vô chi.

            () 彼土無之。

          (Sao: Cõi kia chẳng có nỗi khổ này).

           Tây Phương Cực Lạc thế giới không có tình hình này.

          (Sao) Nhi đản hữu thủy, điểu, thụ lâm giai tuyên diệu pháp chi lạc.

          () 而但有水鳥樹林皆宣妙法之樂。

          (Sao: Nhưng có niềm vui nước, chim, rừng cây đều tuyên diệu pháp).

           Tây Phương Cực Lạc thế giới lục trần thuyết pháp. Ở cõi này, nói thật ra, chúng ta chẳng gặp Phật mà có thể gặp Bồ Tát, La Hán thì cũng được lắm. [Nhưng] Bồ Tát, La Hán cũng chẳng gặp được, [những người mà chúng ta] có thể gặp được toàn là phàm phu tăng. Phàm phu tăng thuyết pháp có thể chẳng nói sai hay không? Đích xác là chẳng đáng tin cậy! Phải như thế nào thì mới có thể nói kinh này không sai? Nói đơn giản thì nếu tương ứng với đạo, sẽ chẳng nói sai. Đạo là gì? Nếu nói thô thiển một chút, sẽ như kinh Kim Cang đã nói “vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng” thì được; đó là đạo. Nếu chúng ta vẫn chấp tướng, khó lắm, sẽ chẳng tương ứng, cơ hội nói sai rất nhiều. Nếu bốn tướng đều không, sẽ chẳng giảng sai kinh giáo. Nếu chúng ta phát nguyện muốn báo ơn Phật, muốn giúp hết thảy chúng sanh lý giải Phật pháp, giới thiệu Phật pháp với hết thảy chúng sanh, chính mình nhất định phải phá Ngã Chấp, niệm niệm đều nghĩ tạo lợi ích cho chúng sanh. Chính mình bất luận chịu đựng nỗi khổ như thế nào, nguyện luôn giống như A Di Đà Phật đã phát trong lúc tu nhân, quyết chẳng thoái chuyển. Chỉ cần khiến cho chúng sanh đạt được lợi ích nơi Phật pháp, có thể nghe pháp môn Tịnh Độ, bất luận chúng ta phải hy sinh to lớn đến mấy, đều là đáng giá, đều là đáng nên làm. Tâm như vậy là tương ứng, tâm ấy tương ứng với nguyện, chúng ta mở quyển kinh [ra đọc hay giảng] mới chẳng đến nỗi hiểu sai ý nghĩa trong quyển kinh.

          Ở đây nói, trong thế giới ấy lục trần thuyết pháp. Ngoài lục trần ra, các vị thượng thiện nhân thảy đều thuyết pháp. Trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, các vị Đẳng Giác Bồ Tát như Quán Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền chẳng biết là bao nhiêu! Chẳng có cách nào tính toán, những vị ấy đều thay Phật thuyết pháp. Nếu quý vị chê bai: “Họ là Đẳng Giác Bồ Tát, vẫn chưa thành Phật, tôi muốn đích thân nghe A Di Đà Phật thuyết pháp cho tôi”, ngay lập tức A Di Đà Phật ở trước mặt quý vị. Quý vị vừa dấy tâm niệm ấy, Ứng Thân của Ngài bèn ở ngay trước mặt, đúng là cảm ứng đạo giao! Đúng như kinh Lăng Nghiêm đã nói: “Tùy chúng sanh tâm, ứng sở tri lượng” (thuận theo tâm chúng sanh mà ứng với khả năng lãnh hội của họ). Do tùy tâm ứng lượng, nên ngay lập tức hiện tiền.

          Nhưng có những người cảm thấy Phật đến thuyết pháp, ta luôn phải đúng quy củ ngồi nghe, cảm thấy rất tù túng, vẫn là [nghe] Bồ Tát [thuyết pháp] dễ chịu hơn, ta có thể thoải mái đôi chút, được lắm, Phật liền biến mất, Bồ Tát bèn đến [thuyết pháp]. Bồ Tát thuyết pháp thì cũng phải nên giữ đúng quy củ ngồi đó. Quý vị nói ta vừa đi vừa nghe, hoặc ta nằm ở đó, ngả ngớn ở đó, có được hay không? Được chứ! Chẳng còn Bồ Tát nữa, mà rừng cây, chim, nước thuyết pháp cho quý vị. Được lắm! Ta nằm ở nơi đó, chim đến đậu trên tay ta, hoặc nhảy trên thân ta, thuyết pháp cho ta nghe, chẳng bó buộc gì! Những thứ ấy hoàn toàn do A Di Đà Phật biến hóa ra. Bởi lẽ, A Di Đà Phật rất thông hiểu tâm lý con người, điều này khó có lắm! Nói cách khác, đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, quý vị mong người như thế nào thuyết pháp cho quý vị, A Di Đà Phật bèn biến hiện dáng vẻ ấy để thuyết pháp, khiến cho tâm quý vị hoan hỷ.

           (Sao) Tam giả, vô ác hữu khiên triền khổ.

          () 三者無惡友牽纏苦。

          (Sao: Ba là không có nỗi khổ vì bạn ác lôi kéo, trói buộc).

           Trong thế gian này, chẳng có cách  nào  tránh  khỏi  bạn  ác, đó  là

“oán tăng hội” (oán ghét mà vẫn phải gặp gỡ), đó gọi là “bất thị oan gia, bất tụ đầu” (chẳng phải là oan gia, sẽ không tụ hội), chuyện này rất phiền phức! Họ luôn chướng ngại quý vị, tức là chướng ngại quý vị học Phật, niệm Phật, thậm chí chướng ngại quý vị vãng sanh, chuyện này phiền toái to lớn. Sợ nhất là chướng ngại vãng sanh! Trong sát-na quý vị vãng sanh, oán thân trái chủ thảy đều kéo đến, kẻ này khóc một chập, kẻ kia nước mắt đầm đìa, kẻ nọ lại kêu réo, thôi rồi, quý vị bị nhiễu loạn mất rồi! A Di Đà Phật cũng chạy lẹ, quý vị bỏ lỡ cơ hội vãng sanh này, phiền quá! Chuyện này phiền toái to lớn.

          Những bạn ác ấy là ai? Có thể là cha mẹ, vợ, con, người nhà, quyến thuộc của chính quý vị. Năm xưa, tôi giảng kinh tại Cựu Kim Sơn (San Francisco), bà Cam ở Cựu Kim Sơn kể cho tôi nghe một câu chuyện. Thân thích của bà ta cũng là một bà cụ vãng sanh. Mọi người đều biết bà cụ ấy học Phật, nhưng cũng chẳng thấy bà có thụy tướng tốt lành gì, mà cũng chẳng thấy bà suốt ngày từ sáng đến tối sốt sắng niệm Phật. Bà rất thong dong, cụ già ở nhà quán xuyến việc nhà. Mỗi sáng sớm, do cụ già dậy sớm, nên cụ nấu bữa sáng, chăm sóc cháu nội. Cụ vãng sanh vào buổi tối, đại khái mọi người đều đã ngủ rồi, vãng sanh trong đêm. Rốt cuộc cụ vãng sanh vào giờ nào chẳng ai biết. Đến sáng ngày hôm sau, do cụ chẳng trở dậy, mỗi ngày cụ đều dậy sớm nấu bữa sáng, sáng hôm ấy cụ chẳng dậy. Vì thế, người nhà sau khi thức dậy, gõ cửa phòng cụ [không thấy ừ hử gì], tại Mỹ, phòng người già không khóa. Vì thế, họ mở cửa, thấy bà cụ ngồi xếp bằng trên giường, gọi thì cụ cũng chẳng trả lời, nhìn kỹ, cụ đã mất, chẳng biết mất lúc nào! Hay lắm! Người nhà chẳng trở ngại cụ, phương pháp của cụ rất hay. Càng khéo hơn nữa là cụ còn có di chúc, đã viết từ trước đặt ở trước mặt. Không chỉ có di chúc, mà áo tang của kẻ lớn người nhỏ trong nhà chẳng biết cụ đã may từ lúc nào, mỗi người một bộ đều xếp bên giường, mọi người mới biết cụ biết trước lúc mất. Vì sao? Cụ may những bộ tang phục ấy nhất định là may lén lút, nhất định là khi người nhà đều ngủ cả rồi, may trong đêm tối. Muốn may vài bộ quần áo như vậy, cũng phải tốn khá nhiều thời gian, ít nhất là cụ đã biết trước ba tháng. Chuẩn bị hậu sự kỹ càng, cụ ra đi, chẳng hé răng, cũng chẳng nói câu nào mà ra đi!

          Phương pháp này rất diệu, vì sao? Ác hữu chẳng có cách nào lôi kéo quý vị. Nếu quý vị bảo họ: “Ta sẽ vãng sanh vào lúc nào đó”, sẽ bị phiền phức to lớn. Họ quyết định chẳng để quý vị ra đi, sẽ làm ầm ĩ, gây náo loạn. Phương pháp ấy của bà cụ rất tuyệt, rất đáng cho chúng ta tham khảo, đó là một gương tốt. Cụ chẳng ngã bệnh, chẳng bị bệnh khổ, ra đi tự tại. Ở ngoại quốc, trợ niệm là chuyện không thể được, quý vị tìm không ra người trợ niệm. Chỉ có phương pháp này của cụ, chính mình công phu thật sự thành tựu, bèn ra đi rất tiêu sái, vô cùng tự tại. Thế giới Tây Phương chẳng có ác hữu chèo kéo.

          (Sao) Nhi hữu chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ chi lạc.

       () 而有諸上善人俱會一處之樂。

          (Sao: Nhưng có niềm vui các vị thượng thiện nhân cùng nhóm họp một chỗ).

           Ở bên kia đều là thượng thiện nhân. Thế giới Tây Phương là một thế giới bình đẳng, đến nơi ấy, tướng mạo và hình dáng của mọi người đều giống nhau, tâm cảnh đều là bình đẳng. Trong Đại Kinh, chúng tôi đã giới thiệu, ở bên ấy, [tất cả mọi người] đều là ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp, đều chẳng sai khác Phật cho mấy!

          (Sao) Tứ giả, vô quần ma não loạn khổ.

            () 四者無群魔惱亂苦。

          (Sao: Bốn là không có nỗi khổ bị các loại ma não loạn).

           Trong thế gian này, kinh thường nói bốn loại ma là Ngũ Ấm Ma, Phiền Não Ma, Tử Ma, và Thiên Ma. Yêu ma quỷ quái bên ngoài muốn đến não loạn quý vị, rất khổ! Dẫu chính mình có đạo tâm, Thiên Ma bên ngoài chẳng thể nhiễu loạn, nhưng Ngũ Ấm, Phiền Não, và Tử Ma đều ở trong chính mình, chẳng có cách nào tránh khỏi. Do vậy, chúng ta có thể hiểu, muốn thành tựu trong các tông các phái Đại Tiểu Thừa, hay trong vô lượng pháp môn, đều quá khó khăn. Khó khăn ở chỗ nào? Quý vị chẳng có cách nào thoát khỏi quần ma, nhất định bị chúng nó quấy nhiễu. Ngay cả Bồ Tát đến thị hiện thành Phật trong thế gian này, trong tám tướng thành đạo, ma vẫn đến quấy nhiễu, trong tám tướng thành đạo còn có một cửa ải “hàng ma”. Vì thế, có thể rời khỏi sự nhiễu loạn của ma chẳng phải là chuyện dễ dàng.

          Chỉ riêng pháp môn Niệm Phật này là có thể tránh khỏi ma sự, nhưng tâm quý vị phải kiên cố, phải thanh tịnh, nhất tâm nhất ý, chỉ cầu vãng sanh thế giới Cực Lạc, phải như vậy thì mới được. Nếu chúng ta tu pháp môn Niệm Phật, trong tâm vẫn tham cầu tiếng tăm, lợi dưỡng thế gian, nói cách khác, quý vị chẳng có cách nào thoát khỏi ma chướng. Nếu quý vị lại ham chuộng thần thông, ham thích chuyện kỳ quái, yêu ma quỷ quái sẽ càng nhiều hơn! Nếu chúng ta dùng cái tâm thanh tịnh, ý nguyện kiên định, nhất tâm cầu sanh Tây Phương, kinh đã nói rất hay: “A Di Đà Phật sai hai mươi lăm vị Bồ Tát ngày đêm bảo hộ người ấy”. Do vậy, ma chẳng có dịp thuận tiện [hãm hại], chúng muốn đến quấy nhiễu quý vị, nhưng quý vị đã có Bồ Tát hộ pháp, chẳng phải là thần hộ pháp thông thường, mà là Bồ Tát hộ pháp, do A Di Đà Phật sai đến, chúng ta phải tin tưởng.

(Sao) Nhi hữu chư Phật hộ niệm, viễn ly ma sự chi lạc.

          () 而有諸佛護念,遠離魔事之樂。

          (Sao: Mà có niềm vui được chư Phật hộ niệm, xa lìa ma sự).

          Tây Phương Cực Lạc thế giới không có ma. Trong thế giới ấy, không chỉ do oai đức và quang minh của chính A Di Đà Phật khiến cho ma không thể đến gần, mà thế giới ấy là thế giới được mười phương chư Phật hộ niệm, lẽ nào có ma sự? Trong mười phương thế giới chư Phật đều có ma sự, nhưng Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có ma sự.

          (Sao) Ngũ giả, vô luân hồi bất tức khổ.

          () 五者無輪迴不息苦。

          (Sao: Năm là không có nỗi khổ luân hồi chẳng ngừng).

          Ở nơi chúng ta, luân hồi trong lục đạo chẳng có lúc ngưng dứt, nỗi khổ ấy được gọi là “sanh tử bì lao” (sanh tử mệt nhọc). Vì thế, người học Phật phải có tầm mắt xa rộng, chớ nên chỉ thấy trước mắt. Vì có những đồng tu sau khi học Phật, đương nhiên hiểu nhân quả đôi chút, chẳng dám làm chuyện ác nữa. Xét theo phương diện cuộc sống thì chẳng bằng các đồng học, bạn bè của chính mình, thấy họ sự nghiệp ngày càng phát đạt, của cải cuồn cuộn đưa tới, còn chính mình thu nhập mỗi năm chỉ gắng gượng sống qua ngày, gặp mặt các bạn bè cũ, cảm thấy rất khó chịu, cảm thấy chính mình thua kém kẻ khác! Quan niệm ấy là ma chướng của chính quý vị, là phiền não chướng hiện tiền, là nghiệp chướng hiện tiền, chính quý vị mê hoặc, điên đảo.

          Phú quý vinh hoa trên thế gian này như mây khói trôi qua trước mắt, là giả, chẳng thật, chẳng đáng hâm mộ! Chính mình thật sự học Phật, nhất là tu pháp môn Tịnh Độ này, quý vị có thể vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, thật sự đạt được sự sống đời đời. Trong thế gian này, đừng nói là đế vương trong thế gian hay tổng thống, [ngay cả] thiên vương cũng chẳng làm được! Có ai có thể sánh bằng quý vị? Chẳng thể so sánh! Chúng ta cảm thấy chẳng bằng người thế gian, tức là đạo nghiệp của chính quý vị chưa đạt căn bản. Nếu quý vị đạt được, dẫu quý vị ăn mặc rách nát, đứng cùng chỗ với các vị đế vương trong thế gian, khí thế của quý vị vượt trỗi họ, chắc chắn chẳng thua kém họ chút nào! Vì sao? Xác thực là vượt trỗi họ, ta tự tại, họ chẳng tự tại, ta chẳng có phiền não, họ có phiền não; ta chẳng có ưu lự, họ có ưu lự. Xét về những điều này, họ chẳng bằng ta!

          Quý vị nói quý vị lắm tiền nhiều của, tôi chẳng có của cải gì, nói thật ra, chúng ta bằng nhau! Quý vị có tiền của thì mỗi ngày cũng ăn ba bữa. Tôi chẳng có tiền của, mỗi ngày vẫn ăn ba bữa. Quý vị chú trọng phải ăn như thế nào đi nữa, bất quá là ăn no mà thôi, tôi cũng ăn no bụng, cho nên bình đẳng. Tôi ăn no nhưng chẳng tạo tội nghiệp, quý vị ăn no, chẳng biết đã tạo bao nhiêu tội nghiệp. Tôi ăn no, đó là công đức; quý vị ăn no bèn là tội nghiệp, chẳng thể sánh bằng! Thật đấy, chẳng giả đâu! Do vậy, người thật sự học đạo nhất định phải đạt được pháp hỷ, pháp hỷ sung mãn. Quý vị vào trong bất cứ nhóm người nào, người ta tự nhiên hâm mộ quý vị: “Vì sao anh có thể vui sướng dường ấy?” Học Phật bèn sung sướng.

Thế gian tuy có phú quý, giàu có, nhưng chẳng vui, tuy sang quý mà cũng chẳng vui! Do vậy, cổ nhân nói: “Bất như bần nhi lạc” (chẳng bằng nghèo mà vui), cuộc đời này mới có ý nghĩa, mới có giá trị. Tuy sống cả đời phú quý, nhưng suốt đời chẳng vui sướng, người ấy rất đáng thương, trong Phật pháp gọi là “khả lân mẫn giả” (kẻ đáng thương xót). Càng đáng thương hơn là chẳng thể thoát ly lục đạo luân hồi, thật sự đáng thương! Bản thân chúng ta hãy khéo tu hành, chính mình hiểu rõ đời này, kiếp này là thân cuối cùng luân hồi trong lục đạo, chẳng có lần sau, tự tại lắm! Đúng là Đại Phạm Thiên Vương vẫn chẳng thể sánh bằng. Tây Phương Cực Lạc thế giới…

          (Sao) Nhi hữu hoành tiệt sanh tử, vĩnh thoát luân hồi chi lạc.

       () 而有橫截生死,永脫輪迴之樂。

          (Sao: Nhưng có niềm vui cắt ngang sanh tử, vĩnh viễn thoát luân hồi).

          Đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi. Thế giới Tây Phương rất chẳng thể nghĩ bàn. Chúng ta tu hành trong một đời này, vượt thoát tam giới theo chiều ngang. Hễ sanh về thế giới Tây Phương bèn “hoành sanh tứ độ” (sanh vào bốn cõi theo chiều ngang), chẳng thể nghĩ bàn! Điều này chẳng giống với các cõi nước của hết thảy chư Phật, hoành sanh tứ độ mà! Vì vậy, hạ hạ phẩm vãng sanh cũng là “vị tề Đẳng Giác” (địa vị ngang với bậc Đẳng Giác).

          (Sao) Lục giả, vô nan miễn tam đồ khổ, nhi hữu ác đạo vĩnh ly, danh thả bất văn chi lạc.   

       () 六者無難免三塗苦,而有惡道永離,名且不聞之樂。

          (Sao: Sáu là không có nỗi khổ khó tránh tam đồ, mà có niềm vui vĩnh viễn lìa khỏi ác đạo, lại còn chẳng nghe đến tên gọi của ác đạo).

          Trong bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật, nguyện thứ nhất là “quốc vô ác đạo” (cõi nước không có đường ác). Ngài đã tham phỏng hai trăm mười ức cõi nước của chư Phật. Theo chú sớ của cổ đức, “hai trăm mười ức” không phải là một con số, mà là biểu thị pháp, tượng trưng cho tất cả các cõi Phật trong mười phương ba đời, chẳng sót một cõi Phật nào! A Di Đà Phật đúng như cổ nhân đã nói: “Đọc vạn quyển sách, đi vạn dặm đường”. Đích xác là Ngài đã đến khắp nơi khảo sát, tham quan hết thảy những điều bất hảo trong thế giới của chư Phật, Ngài đều sửa đổi, chẳng còn, hết thảy những điều tốt đẹp thảy đều trọn đủ. Do vậy, trong các cõi Phật, thế giới ấy được gọi là thế giới Cực Lạc, nó bao gồm những ưu điểm của người khác, chẳng có khuyết điểm!    

          Ngài biết trong mười phương thế giới khổ nhất là tam đồ, nên Ngài kiến lập Tây Phương Cực Lạc thế giới, nguyện thứ nhất là “cõi nước của tôi chẳng có địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh”, phát nguyện này đầu tiên. Không chỉ chẳng có chuyện ấy, ngay cả tên gọi [ác đạo] cũng chẳng nghe thấy. Đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, muốn nghe những danh xưng như địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, cũng chẳng nghe thấy tên gọi! Thế giới ấy không có ác đạo. Nếu chúng ta hỏi vì sao thế giới ấy chẳng có ba ác đạo? Đó là vì người trong Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng tạo cái nhân tam ác đạo và chẳng có duyên tam ác đạo. Nhân lẫn duyên đều không có, há có quả báo? Vì thế, chẳng có quả báo ấy. Nghiệp nhân của tam ác đạo là tham, sân, si, người trong Tây Phương Cực Lạc thế giới không có tham, sân, si. Chúng ta thường nói “đới nghiệp vãng sanh”, nghiệp nặng nhất là tham, sân, si. Chúng ta chưa đoạn tham, sân, si, chưa đoạn mà vẫn có thể vãng sanh. Tuy chưa đoạn, nhưng trong sát-na vãng sanh, tham, sân, si của quý vị tuyệt đối chẳng thể hiện hành, quý vị sẽ ra đi ổn thỏa, thích đáng. Nếu trong sát-na lâm chung, tham, sân, si hiện hành, sẽ chẳng thể vãng sanh. Phải cảnh giác chuyện này!

          Đối với người vừa qua đời, vì sao nhà Phật có thói quen trong tám tiếng đồng hồ chẳng được đụng chạm người ấy? Sợ người ấy dấy tâm sân khuể. Sân tâm dấy lên sẽ phiền toái to lớn. Nếu một niệm cuối cùng là sân khuể, nhất định đọa vào ác đạo, sân khuể đọa địa ngục! Vì thế, chẳng động đến người ấy. Lúc lâm chung, sợ người ấy khởi tâm tham, người ấy còn có vàng bạc, của cải cất giấu ở đâu đó, còn chưa nói với ai, phải chờ gặp người tin cậy mới nói với kẻ ấy. Có tâm tham trong ấy, đó là ngu si. Người ấy vẫn chưa gặp mặt kẻ thân ái nhất, vẫn mong thấy mặt một lần. Những điều này đều thuộc về tâm tham. Do lúc lâm chung, tham, sân, si dễ hiện tiền nhất, khi ấy, ắt phải dùng một câu Phật hiệu để khuất phục tham, sân, si. Điều này được gọi là “chế ngự, khuất phục phiền não”, chưa đoạn, sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư trong Tây Phương. Nếu đã đoạn phiền não, sẽ sanh vào cõi Phương Tiện Hữu Dư, địa vị đã cao rồi!

          Người thật sự niệm Phật, thật sự mong sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, ắt phải trong xử sự, đãi người, tiếp vật hằng ngày, điều gì cũng đều nên coi lợt lạt một chút, đừng quá chấp nhặt, chuyện gì cho qua được bèn cho qua luôn! Điều khẩn yếu là gì? Trong quan hệ với con người, chẳng dấy lên ý niệm tham, sân, si. Quý vị có thể nắm chắc điều này, trong tương lai vãng sanh sẽ giảm bớt khá nhiều chướng ngại. Điều này rất trọng yếu, ngàn vạn lần chớ nên sơ sót, chớ nên coi thường. Bởi lẽ, công phu cả đời quý vị được quyết định trong một sát-na cuối cùng lúc lâm chung, quý vị sẽ vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới hay lại quay vào lục đạo luân hồi? Trong khoảng một sát-na! Do vậy, lúc bình thường chẳng thể nào không lưu ý.

          (Sao) Thất giả, vô trần duyên chướng đạo khổ, nhi hữu thụ dụng tự nhiên, bất sĩ kinh doanh chi lạc.

            () 七者無塵緣障道苦,而有受用自然,不俟經營之樂。

          (Sao: Bảy là chẳng có nỗi khổ trần duyên chướng đạo, mà có niềm vui thụ dụng tự nhiên, chẳng cần phải lo liệu.)

          “Trần duyên” chỉ cuộc sống trong thế gian của chúng ta, ăn, mặc, ở, hành động. Chúng ta sống trong thế gian này, [chuyện ăn, mặc, ở, hành động] là chuyện khổ sở, nên quý vị phải lo toan, phải mưu sinh. Nhất là ở thành phố Đài Bắc của Đài Loan, chỗ ở thật là khổ! Tối hôm qua, Giản cư sĩ bảo tôi: Căn nhà của chúng tôi ở Hàng Châu Nam Lộ hiện thời là ba mươi vạn một bình[1]. Giảng đường của chúng ta rộng một trăm bình, tức là ba ngàn vạn, [tương đương] một trăm vạn Mỹ Kim. Ở Gia Châu (California) của Mỹ, năm mươi vạn đã mua được một căn nhà rồi, còn có hồ bơi nữa. Tại thành phố Đài Bắc, một trăm vạn chỉ mua được một tầng trong cao ốc. Chỗ ở chẳng dễ dàng, mà cơm áo cũng khó khăn! Chúng ta thấy người trên cả thế giới, có ai chẳng bươn chải vì cuộc sống? Đã thế, lại còn hết sức nhọc nhằn! Theo như tôi thấy, kiều bào tại Mỹ còn khổ sở hơn người trong nước rất nhiều, nói chung họ có cảm giác “ăn nhờ, sống gởi”, chẳng phải là quốc gia của chính mình. Cuộc sống bận bịu, bất luận là tinh thần hay vật chất đều chịu áp lực rất nặng. Quyết định không thể thất nghiệp, hễ thất nghiệp sẽ khốn đốn ngay!

          Cuộc sống tại Mỹ toàn là nợ nần tín dụng, người Trung Quốc thường nói: “Vô trái nhất thân khinh” (thân không nợ nhẹ nhàng). Nước Mỹ là xã hội mang nợ. Thí dụ như quý vị có việc làm, ngay lập tức phải mua nhà, căn nhà ấy là năm mươi vạn. Trên thực tế, quý vị chỉ cần trả trước một phần năm [món tiền ấy] là được rồi, hoặc chỉ trả trước một phần mười. Nếu tín dụng của quý vị tốt, đóng một phần mười, chỉ cần trả năm vạn đồng đã mua được nhà. Sau đấy là trả góp trong ba mươi mấy năm, mỗi tháng phải trả mấy ngàn đồng. Một căn nhà giá năm mươi vạn, ước chừng mỗi tháng phải đóng hai ba ngàn, tiền quý vị kiếm được đều lo trả nợ nhà hết sạch. Quý vị mua xe hơi, thì xe hơi cũng do trả góp. Thứ gì cũng đều là trả góp. Đâm ra, thứ gì trên đường phố cũng đều có thể xách về nhà hưởng thụ, nhưng tất cả đều là trả góp! Tiền lương của quý vị mỗi tháng trừ chỗ này một chút, trừ chỗ kia một chút, trừ sạch bách! Đại khái là ở bên đó, người mỗi tháng kiếm được ba ngàn đồng đều bị trừ sạch, mỗi tháng chỉ có được chừng sáu trăm bạc làm tiền chi dụng. Vì thế, tôi thấy họ khổ quá, rất ư là khổ!

          Chúng ta ở Đài Loan, bỏ phong bao cúng dường trong nhà Phật năm trăm hoặc một ngàn đồng, chứ ở ngoại quốc chẳng có. Ở ngoại quốc, người ta biếu phong bao, năm đồng là đã khá lắm rồi! Còn có người cúng một hai đồng. Biếu quý vị mười đồng tức là thể diện lớn lắm, mười đồng bằng với hai trăm tám mươi mấy đồng ở đây. Do vậy, người từ ngoại quốc về, chúng ta cười họ, cười gì vậy? “Thổ khí, dương khí, tiểu khí”[2]. Thật sự là tiểu khí, vì sao? Họ chẳng có cách nào, chẳng thể không tiểu khí! Chớ nên thấy họ mỗi tháng kiếm được mấy ngàn đồng Mỹ kim, thật ra, bị khấu trừ chỗ này một chút, khấu trừ chỗ kia một chút, mỗi tháng có thể còn được sáu trăm đồng coi như khá lắm rồi, rất khó có rồi! Chúng tôi thường ở ngoại quốc, hiểu rõ cuộc sống của họ rất khổ sở. Vì thế, tôi đến đó hay khuyên họ quay về Đài Loan, cần gì phải sống chịu khổ, chịu tội ở nơi ấy? Xác thực là Đài Loan tốt đẹp hơn.

          Cuộc sống tại Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có vấn đề gì, nghĩ áo có áo, mong ăn có ăn, muốn có thứ gì, hết thảy đều được biến hóa ra, chẳng cần phải lo toan, tự tại lắm!

          (Sao) Bát giả, vô thọ mạng đoản xúc khổ.

          () 八者無壽命短促苦。

          (Sao: Tám là chẳng có nỗi khổ thọ mạng ngắn ngủi).

           Mỗi người chúng ta đều kinh sợ chuyện này, thọ mạng trên thế gian này ngắn ngủi, mấy ai có thể sống đến một trăm tuổi? Thật ra, sống đến trăm tuổi có vui sướng hay không? Chẳng vui sướng gì, vì có lão khổ, thứ gì cũng đều bất tiện, chuyện gì cũng cần phải có người khác chăm sóc, khiến cho kẻ khác ghét bỏ. Vì vậy, thọ mạng dài cũng chẳng vui gì, vẫn là khổ!

          (Sao) Nhi hữu thọ dữ Phật đồng, cánh vô hạn lượng chi lạc.

          () 而有壽與佛同,更無限量之樂。

          (Sao: Nhưng có niềm vui tuổi thọ giống như Phật, lại còn là chẳng có hạn lượng).

          Tây Phương Cực Lạc tốt đẹp, ai nấy đều là vô lượng thọ, thọ vô lượng bằng với A Di Đà Phật, vô lượng thọ! Người trong Tây Phương thế giới vĩnh viễn chẳng già, đúng là “năm nào cũng là mười tám”, vĩnh viễn chẳng già yếu. Chúng ta chẳng thấy Quán Âm Bồ Tát đầu tóc bạc phơ, chẳng thấy A Di Đà Phật râu ria dài thượt, chẳng có! Vĩnh viễn chẳng già, đó là chân lạc! Điều này chính là niềm vui căn bản trong thế giới Cực Lạc, mười phương chư Phật thế giới xác thực chẳng có [niềm vui này]!

          (Sao) Cửu giả, vô tu hành thoái thất khổ, nhi hữu nhập Chánh Định Tụ, vĩnh vô thoái chuyển chi lạc.

       () 九者無修行退失苦,而有入正定聚,永無退轉之樂。

          (Sao: Chín là chẳng có nỗi khổ tu hành lui sụt, mà có niềm vui nhập Chánh Định Tụ, vĩnh viễn chẳng thoái chuyển).

          Chúng ta ở trong thế gian này tu hành chẳng dễ gì thành tựu, tiến ít, lùi nhiều; vì vậy, thành tựu khó khăn! Tây Phương Cực Lạc thế giới có tiến, chẳng có lùi. Hễ sanh về nơi ấy, kinh nói ai nấy đều là “viên chứng Tam Bất Thoái”. Từ bốn mươi tám nguyện, chúng ta thấy trong bổn nguyện của A Di Đà Phật có nguyện: Hễ sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới thảy đều là A Duy Việt Trí Bồ Tát, [trong tác phẩm mi chú kinh Vô Lượng Thọ], thầy Lý còn chú thích bên cạnh: “A Duy Việt Trí Bồ Tát là từ Thất Địa trở lên”. Do vậy, cổ nhân nói “viên chứng Tam Bất Thoái” là có lý, chẳng phải là tùy tiện thốt ra lời ấy. Kinh có nói, mà cổ đức cũng nói “vị tề Đẳng Giác” (địa vị ngang với bậc Đẳng Giác), chúng ta cũng có thể tin tưởng. Đó là do sức bổn nguyện của A Di Đà Phật gia trì nên mới có công đức thù thắng chẳng thể nghĩ bàn như vậy.

          (Sao) Thập giả, vô trần kiếp nan thành khổ, nhi hữu nhất sanh hành mãn, sở tác đắc biện chi lạc.

          () 十者無塵劫難成苦,而有一生行滿,所作得辦之樂。

          (Sao: Mười là chẳng có nỗi khổ trải qua số kiếp nhiều như vi trần khó thành tựu, mà có niềm vui trong một đời tu hành viên mãn, đạo nghiệp hoàn thành).

           Đây là điều cuối cùng. Trong thế gian này, chúng ta tu hành thành Phật khó lắm! Phải là nhiều đời, nhiều kiếp. Đã chứng đắc Tu Đà Hoàn, từ Tu Đà Hoàn muốn chứng đắc A La Hán thì phải bảy lần qua lại trong cõi trời hay trong nhân gian. Nhân gian thọ mạng ngắn ngủi, cõi trời thọ mạng dài lâu, bảy lần qua lại phải mất bao nhiêu thời gian mới có thể chứng đắc A La Hán? Nếu lại muốn chứng đắc Tạng Giáo Phật, kinh dạy phải mất ba A-tăng-kỳ kiếp. Nếu muốn thành Viên Giáo Phật, kinh Hoa Nghiêm nói phải mất vô lượng kiếp mới có thể thành tựu, đúng là khó! Tây Phương Cực Lạc thế giới thành tựu trong một đời, họ có thọ mạng dài, vô lượng thọ mà! Vì thế, vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới quyết định thành Phật trong một đời.

          Lại thưa rõ cùng quý vị, chúng ta đến Tây Phương Cực Lạc thế giới là ra đi trong khi còn sống, không phải là đã chết rồi mới đi. Đã chết sẽ không đi được, phải đi trong khi còn sống. Quý vị lâm chung chưa tắt thở, thấy Phật đến đón tiếp quý vị, đi theo Ngài, đi trong khi còn sống. Vì thế, pháp môn này muôn vàn đích xác là pháp môn bất tử, thật sự bất sanh, bất diệt. Do vậy, nó là “nhất sanh hành mãn”, tu hành viên mãn [ngay trong một đời], “sở tác đắc biện” là chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, mà cũng là chứng Phật quả trong Viên Giáo, đó là đạt được niềm vui, niềm vui rốt ráo. Từ Vân Sám Chủ đã nêu ra mười niềm ấy vui trong thế giới Tây Phương. Nhìn lại thế gian này, hoàn toàn chẳng có mười điều ấy, chỉ có mười nỗi khổ. So sánh khổ – vui [như thế đó].

          (Sao) Đẳng giả, như An Quốc Sao, khai vi nhị thập tứ lạc, Quần Nghi Luận quảng vi tam thập ích, giai cử lạc, minh khổ, cử ích, minh tổn, đại ý đồng tiền, tư bất phồn tải.

() 等者,如安國鈔,開為二十四樂;群疑論,廣為三十益。皆舉樂明苦,舉益明損,大意同前,茲不繁載。

          (Sao: “Đẳng”: Như An Quốc Sao nêu ra hai mươi bốn niềm vui, [Tịnh Độ] Quần Nghi Luận giảng rộng ba mươi điều lợi ích, đều là nêu ra niềm vui, nói rõ sự khổ, nêu lên điều lợi ích, giảng rõ sự tổn hại, đại ý giống như phần trên đây, nên ở đây không chép cho khỏi rườm rà).

          “Đẳng giả”: Như An Quốc Sao đã nói rất nhiều, nói đến hai mươi bốn thứ, Từ Vân Sám Chủ chỉ giảng mười loại, trong Tịnh Độ Quần Nghi Luận nói ba mươi thứ. Đều là nêu ra sự khổ – lạc, lợi – hại, được – mất trong hai thế giới, so sánh cặn kẽ hòng làm cho chúng ta tỉnh ngộ, để cho chúng ta chọn lựa. Đã hiểu rõ chân tướng sự thật của hai cõi, chúng ta tự nhiên bằng lòng cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Nói thật ra, chuyện này chẳng khó, khó ở chỗ bản thân chúng ta có quyết tâm ấy hay không? Ngẫu Ích đại sư đã nói: “Có thể vãng sanh hay không là do có tín nguyện hay không? Phẩm vị cao hay thấp là do công phu niệm Phật sâu hay cạn”. Nhất định phải tin tưởng, nhất định phải phát nguyện, quyết tâm đến Tịnh Độ, chẳng bỏ uổng một đời này! Hôm nay, chúng tôi giảng đến đây!

[1] Bình (坪, tsubo) là đơn vị đo lường diện tích thông dụng tại Đài Loan (thường chỉ dùng cho nhà cửa, đất đai). Đây vốn là đơn vị đo đạc của Nhật, cách tính này thông dụng kể từ thời Nhật Bản chiếm đóng Đài Loan vào cuối thế kỷ 19. Vào năm 1945, chính quyền Dân Quốc đã buộc mọi cơ quan địa ốc phải dùng mét vuông để tính toán diện tích, nhưng dân chúng vẫn quen sử dụng Bình. Một Bình bằng khoảng 3,3 mét vuông. Đơn vị đo lường diện tích này cũng được sử dụng tại Đại Hàn với tên gọi là Pyeong.

[2] Đây là những từ ngữ mang tính cách châm biếm những người Hoa từ ngoại quốc trở về. Do người Đài Loan sống lâu ở ngoại quốc, Đài ngữ không kịp cập nhật với những từ ngữ trong nước, hoặc ngữ âm mang đậm sắc thái của vùng đất họ sống trước khi ra ngoại quốc, nên bị chê là “thổ khí” (土氣), giống như ta chê người khác nói giọng quê mùa vậy. “Dương khí” là nhiều người Hoa sống ở những vùng ít người Hoa, thường ngày phải dùng tiếng Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha v.v… để giao tiếp với người ngoại quốc, vô hình trung cách phát âm không chuẩn xác hoặc nhấn nhá theo thói quen nói tiếng ngoại quốc, nên bị người Đài Loan chê là nói tiếng Hoa giống như Tây nói. “Dương” (洋) là từ ngữ chỉ chung người Tây Phương. “Tiểu khí” (小氣) là chê cách ăn xài bủn xỉn, dè xẻn, không rộng rãi như người trong nước.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *