Tập 75/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 03-003-0289

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 75

                   Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm mười sáu:

          (Huyền Nghĩa) Thứ minh biệt giả, hoặc vị thử kinh đản văn Phật danh, hoặc vị thử kinh Phật thị Liệt Ứng, hoặc vị thử kinh hoa cục xa luân, hoặc vị thử kinh Ngũ Nghịch bất sanh, hoặc vị thử kinh chỉ thuộc hạ phẩm, bất tri nhị kinh thật nhất nghĩa cố, bất tri thử kinh vưu độc yếu cố.

          (玄義) 次明別者 或謂此經但聞佛名 或謂此經佛

是劣應,或謂此經華局車輪,或謂此經五逆不生,或謂此經止屬下品。不知二經實一義故,不知此經尤獨要故。

          (Huyền Nghĩa: Tiếp đó là nói tới những ý nghĩa riêng biệt: Hoặc có kẻ nói kinh này chỉ nghe danh hiệu Phật, hoặc nói Phật trong kinh này là Liệt Ứng Thân, hoặc nói trong kinh này, hoa chỉ hạn cuộc to bằng bánh xe, hoặc nói đối với kinh này, kẻ Ngũ Nghịch chẳng thể vãng sanh, hoặc nói kinh này chỉ thuộc hạ phẩm; chẳng biết hai kinh thật sự có cùng một nghĩa, chẳng biết kinh này lại càng đặc biệt quan trọng).

          Trong đoạn này, chúng ta tiếp tục nói về ý nghĩa Bàng Thông, trước hết là sau khi trình bày xong mối quan hệ giữa kinh này và Thập Lục Quán Kinh, lại thảo luận ở một mức độ sâu hơn nữa, đối với sự niệm Phật và học Phật của chúng ta có mối quan hệ rất trọng yếu. Các đồng tu cũng có thể thấu hiểu pháp môn này là một pháp môn vô cùng khó gặp gỡ. Trong bài kệ Khai Kinh có câu: “Trăm ngàn vạn kiếp khó gặp gỡ”; câu ấy đúng là sự thật ngàn muôn phần xác đáng, nhưng bao nhiêu người gặp được pháp môn này lại coi thường, bỏ qua, đúng là đáng tiếc! Sau khi gặp gỡ, chẳng những phải lý giải, mà còn phải lý giải sâu xa; sau đấy, chúng ta mới có thể sanh khởi lòng tin. Tín tâm thanh tịnh sẽ được thụ dụng. Tin sâu, nguyện thiết tha, khởi hạnh, chúng ta chắc chắn chẳng bỏ uổng một đời này.

          Tu hành trong thời Mạt Pháp, trừ pháp môn này ra, mong thành tựu trong bất cứ một pháp môn nào đều chẳng dễ dàng! Vì sao? Nếu quý vị tự mình nghiêm túc phản tỉnh một phen, sẽ hiểu rõ. Thứ nhất, quý vị có thể phá Ngã Kiến hay không? Phá được Ngã Chấp hay không? Có thể đoạn tham, sân, si, mạn hay không? Trong kinh điển, đức Phật đã đôi ba lượt bảo chúng ta, trì giới, tu Định, cung kính, xưng tán, cúng dường, mà nếu chẳng thể lìa khỏi tham, sân, si, mạn, sẽ đều là chuyện thuộc về phía Ma Vương! Tu đến cuối cùng đều thành Ma. Chúng ta có tin nổi lời này hay chăng? Suy nghĩ cặn kẽ, quả thật có lý! Vì những gì quý vị tu là phước báo nhân thiên, nói cách khác, quý vị chẳng thoát khỏi lục đạo luân hồi, hưởng đại phước báo trong lục đạo luân hồi, lại khởi tham, sân, si, mạn to lớn, đấy chẳng phải là ma thì là gì vậy? A Tu La trong cõi trời và cõi người là do nghiệp nhân này mà tu thành. Có những người phiền não nhẹ nhàng, tuy tu phước báo ít, vẫn có thể vãng sanh. Thậm chí phước báo nhân thiên hoàn toàn chẳng tu, nhưng một câu A Di Đà Phật niệm đến tột cùng, người ấy có thể vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, mạnh hơn phước báo nhân thiên nhiều lắm! Trong kinh luận, truyện ký và bút ký của cổ đức, chúng ta thấy chuyện này rất nhiều. Mục đích chủ yếu của đoạn kinh văn này là muốn làm cho chúng ta thấu hiểu tầm trọng yếu đặc biệt của bộ kinh này.

          Có kẻ nói bộ kinh này là “đản văn Phật danh” (chỉ nghe danh hiệu Phật) cho nên là Tán Thiện, chẳng phải Định Thiện. Hoặc có kẻ nói Phật được giảng trong kinh này là Liệt Ứng Thân, chẳng phải là Thắng Ứng Thân. Quý vị hãy đọc lời chú giải.

          (Sớ) Đản danh giả, hoặc vị Quán Kinh giáo tưởng bỉ Phật tướng hảo.

          () 但名者,或謂觀經教想彼佛相好。

          (Sớ: “Chỉ nghe danh hiệu”: Là có kẻ nói Quán Kinh dạy tưởng tướng hảo của đức Phật ấy).

                   Đem so kinh này với Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh thì Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh nói cặn kẽ; chẳng những quý vị được nghe danh hiệu Phật, mà kinh còn dạy quý vị quán tưởng như thế nào. Kinh này chẳng dạy quý vị quán tưởng, chỉ dạy niệm danh hiệu Ngài, danh hiệu là bốn chữ.

           (Sớ) Thử kinh đản trì tứ tự không danh, tắc bất kiến Phật thân, cố danh Tán Thiện.

          () 此經但持四字空名,則不見佛身,故名散善。

          (Sớ: Kinh này chỉ trì suông danh hiệu gồm bốn chữ, chẳng thấy thân Phật, nên gọi là Tán Thiện).

           Nói thật ra, đây là tri kiến của hàng phàm phu, chắc chắn chẳng phải là cảnh giới của Phật, Bồ Tát, vì sao? Phật và Bồ Tát đều chẳng có thân tướng nhất định. Đối với người Hoa, Quán Thế Âm Bồ Tát quen thuộc nhất. Có thư cục xuất bản Quán Thế Âm Bồ Tát Biến Tướng Đồ, trong sách ấy có hơn năm trăm bức hình Quán Âm Bồ Tát, có tướng nam, có tướng nữ, có các thân phận khác nhau, rốt cuộc, thân nào mới là Quán Thế Âm Bồ Tát? Phẩm Phổ Môn nói rất hay, nên dùng thân nào để đắc độ bèn hiện thân tướng ấy. Vì thế, Bồ Tát không có tướng nhất định. Các Bồ Tát đều chẳng có tướng nhất định, huống chi là Phật? Vì thế, đương nhiên Phật cũng chẳng có tướng nhất định. Làm sao quý vị có thể nói đây là Liệt Ứng Thân? Chúng ta nhất định phải biết điều này!

          Chư Phật, Bồ Tát hiện tướng, kinh Lăng Nghiêm nói rất rõ ràng, “tùy chúng sanh tâm, ứng sở tri lượng” (thuận theo tâm của chúng sanh, phù hợp với khả năng nhận biết của họ). Nói cách khác, mỗi cá nhân thấy tướng Phật, Bồ Tát khác nhau. Chẳng riêng gì Phật, Bồ Tát thị hiện cho hết thảy chúng sanh các thân tướng khác nhau, mà nếu quý vị quan sát kỹ càng, chính bản thân mỗi người chúng ta cũng thị hiện trong thế gian này [các tướng] khác nhau. Nếu giống nhau thì người trong thiên hạ trông thấy quý vị sẽ có cùng một cảm nhận. Vì sao có người ưa thích quý vị? Có người chán ghét quý vị? Chẳng phải là hai thứ tướng khác nhau rất hiển nhiên hay sao? Đó là thô phần, chứ tế phần thì chẳng phải chỉ có hai thứ, mà cũng là vô lượng vô biên thứ, chẳng khác chư Phật, Bồ Tát!

          Quý vị hiểu rõ đạo lý này, nếu chúng ta muốn thấy Phật, Bồ Tát, muốn thấy tướng hảo, chúng ta phải dùng cái tâm tốt lành, vì sao? Tâm chúng sanh có cảm, tâm Phật, Bồ Tát sẽ ứng, cảm ứng đạo giao mà! Chúng ta đãi người, tiếp vật cũng giống như vậy, ngay cả Mạnh Phu Tử cũng nói: “Kính nhân giả, nhân hằng kính chi” (Kính trọng người khác thì người khác luôn kính trọng ta). Chúng ta mong người khác tôn kính chúng ta thì chúng ta phải đối đãi với người khác bằng cái tâm cung kính; chúng ta có cảm, bên ngoài sẽ có ứng. Chúng ta chẳng đối đãi người khác bằng lòng cung kính, dùng những tâm ganh tỵ, nóng giận để cảm, làm sao có ứng tốt đẹp cho được? Chẳng thể nào có lẽ ấy! Quý vị đọc đến đoạn kinh văn này, sẽ hiểu: Sự thật là cảm ứng đạo giao, là chuyện như thế đó. Chúng ta dùng cái tâm thanh tịnh để cảm, thấy Ứng Thân thù thắng của Phật. Sau khi đã đoạn phiền não, tâm địa thật sự bình đẳng, thấy Báo Thân Phật, chẳng phải là Ứng Thân! Phiền não chưa đoạn thì thấy Ứng Thân.

          Chấp trước thì tuyệt đối là chính mình chịu thiệt thòi! Thánh nhân thế gian và xuất thế gian bảo chúng ta hãy “trạch thiện cố chấp” (chọn lấy điều lành để chấp trước), đó là nói với những kẻ sơ học. Thiện là gì! Tâm địa thanh tịnh là thiện. Tâm địa bình đẳng là thiện, lìa tham, sân, si, mạn là thiện. Chúng ta đối với Phật, Bồ Tát rất cung kính, cung kính cha mẹ, cung kính thầy, nhưng đối với những kẻ không quen biết ta chẳng cung kính, có được hay không? Không được! Chắc chắn là không được! Tu kiểu đó không phải là tu Phật pháp, mà là tu pháp thế gian. Pháp thế gian sẽ đạt được phước báo thế gian, chẳng thể vãng sanh, chẳng thể thấy Phật, ngay cả Liệt Ứng Thân của Phật cũng chẳng thấy được, nói chi Thắng Ứng Thân, chẳng có duyên với Phật mà! Chẳng phải là Phật chẳng có duyên với quý vị, mà là quý vị vô duyên với Phật. Quý vị vô duyên với Phật là như thế nào? Do quý vị có tham, sân, si, mạn, nghi, có Phiền Não Chướng, Sở Tri Chướng; hai thứ chướng ngại ấy ngăn trở cái duyên thấy Phật. Chuyện là như vậy đó. Phá hai thứ chướng, lìa hết thảy chấp; như vậy thì mới có thể thấy Phật.

          Vì thế, Phật, Bồ Tát không có thân nhất định. Kinh nói lên ý nghĩa như sau: Nếu cái tâm đã định, thân Phật sẽ tự hiện. Hiện thời chẳng thấy thân Phật, rõ ràng là khuyết thiếu định lực, cho nên gọi là Tán Thiện. Tán Thiện có nghĩa như vậy đó.

 

          (Sớ) Nhiên kinh vân: “A Di Đà Phật, dữ chư thánh chúng, hiện tại kỳ tiền”. Ký Phật hiện, tắc ninh vô tướng hảo; huống dữ chúng, tắc chủ bạn tề chương. Cái bỉ dĩ tác quán kiến Phật, thử dĩ trì danh kiến Phật, vi nhân bất đồng, kiến Phật tắc nhất.

          () 然經云 :阿彌陀佛 ,與諸聖眾 ,現在其前 ,既

佛現,則寧無相好,況與眾,則主伴齊彰。蓋彼以作觀見佛,此以持名見佛,為因不同,見佛則一。

          (Sớ: Nhưng kinh chép: “A Di Đà Phật và các thánh chúng hiện ra trước mặt”. Phật đã hiện, lẽ nào không có tướng hảo? Huống chi Phật hiện ra cùng với thánh chúng, tức là chủ và bạn cùng hiện rõ ràng. Ấy là vì kinh kia dùng quán tưởng để thấy Phật, kinh này dùng trì danh để thấy Phật, nhân khác nhau, nhưng thấy Phật giống hệt nhau).

          Nói điều này vô cùng hay! Nói hết sức rõ ràng! Trong kinh Vô Lượng Thọ đã giảng rất rõ ràng; kinh Vô Lượng Thọ và kinh Di Đà cùng thuộc về một bộ, chúng ta gọi là Đại Bổn và Tiểu Bổn. Đại Bổn văn tự nhiều, nói rất tường tận, khiến chúng ta càng hiểu rõ cảnh giới của Tây Phương. Trong kinh Đại Bổn nói rất rõ ràng, người niệm Phật thật sự tin tưởng, thật sự phát nguyện vãng sanh, khi lâm chung A Di Đà Phật đến tiếp dẫn quý vị. Không chỉ mình A Di Đà Phật đến, mà Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Thanh Tịnh Hải Hội Chúng Bồ Tát đều đến đón tiếp quý vị. Đã đến đón tiếp, lẽ nào chẳng thấy thân Phật? Khi vãng sanh, quý vị sẽ chính mắt thấy Phật, Bồ Tát, theo các Ngài ra đi.

          Quý vị phải hiểu: Thời đại hiện tại thật sự là một thời kỳ bất thường, chẳng phải là thời đại bình thường. Những dự ngôn của Tây phương và Đông phương đều nói thế giới này sắp xảy ra tai nạn to lớn. Tôi đến mỗi địa phương trên thế giới, [thấy] quả thật đều có điềm báo trước, điềm báo trước rất xấu! Chúng ta học Phật, học những pháp môn khác, hay thì hay đấy, nhưng chuyện xảy đến sẽ đối phó không kịp! Lần này tôi sang Mỹ, ở tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn của Mỹ mười ngày. Trước khi đi, có những đồng tu đem tình hình bên ấy kể với tôi: Các đồng tu ấy thành lập một đoàn thể Phật giáo mới được một năm, trong ấy có người học Thiền, có kẻ học Mật, lại còn có rất nhiều người học theo ngoại đạo, những người ấy đều tụ tập lại, họ muốn tôi đến đó giảng kinh đừng đặc biệt nhấn mạnh Tịnh Độ, mà phải chú ý mọi phương diện, như vậy thì mới có thể khế hợp căn cơ. Tôi nghe rồi gật đầu, đến nơi đó, tôi chuyên môn giảng Tịnh Độ, chuyện gì cũng chẳng kiêng kỵ. Tôi nói thẳng với họ: “Quý vị thích nghe thì nghe, không nghe, tôi cũng rất tôn trọng quý vị. Quý vị thích học điều gì thì học điều đó, nhưng tôi thưa cùng quý vị một câu thật thà: ‘Quý vị học gì, cũng đều chẳng thể thành tựu’. Tôi nói thật đấy, trừ pháp môn Niệm Phật ra, học gì cũng đều chẳng thể thành công”. Vì thế, tôi đến Washington DC mười ngày, giảng đại ý kinh Vô Lượng Thọ cho họ, giới thiệu pháp môn Niệm Phật. Họ nghe giảng mười ngày xong, rất nhiều người học Thiền, học Mật, học pháp ngoại đạo nói với tôi: “Nay chúng tôi chết sạch lòng mong ngóng, kiên quyết niệm Phật”. Tôi nói: “Rất tốt! Vậy là tôi đến đây không uổng công. Niệm Phật là khẩn yếu, khẩn yếu hơn bất cứ gì khác!”

          Quán Kinh dạy chúng ta dùng phương pháp quán tưởng để thấy Phật, bộ kinh này không cần phải rắc rối như thế, chỉ yêu cầu quý vị chết sạch lòng mong ngóng, khư khư niệm một câu Phật hiệu, bèn có thể thấy Phật, dễ dàng hơn phương pháp được nói trong Quán Kinh rất nhiều! Quán Kinh giảng lý luận rất thấu triệt, nhưng trên thực tế, kinh Di Đà có hiệu quả cao hơn Quán Kinh. Vì sao nói “cao hơn Quán Kinh?” Trước kia, khi tôi đến Đài Trung học Phật, thầy Lý bảo tôi:

– Quán Kinh dùng phương pháp quán tưởng để thấy Phật, nhưng anh có hiểu Bát Nhã hay không? Trong Bát Nhã đã giảng rất rõ ràng: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”. Anh quán tưởng Phật thành tựu chẳng dễ dàng gì, sau đấy, [khi đã quán thành rồi] lại phải gạt bỏ hình tượng ấy khỏi A Lại Da Thức thì Chân Như bổn tánh của anh mới thanh tịnh. Lục Tổ nói rất hay: “Vốn chẳng có một vật, chỗ nào nhuốm bụi trần”. Tượng Phật là một vật, nếu anh chẳng thể quét sạch sành sanh vật ấy, tâm bèn chẳng thanh tịnh.

Thầy Lý hỏi chúng tôi:

– Đến khi ấy, một câu Phật hiệu gạt bỏ dễ dàng, hay là gạt bỏ hình tượng Phật dễ dàng?

Chúng tôi suy nghĩ, gạt bỏ Phật hiệu dễ dàng, vì sao? Tánh của danh tự là Không, gạt bỏ dễ dàng, còn gạt bỏ hình tượng quá khó. Vì thế, thầy nói: “Kinh này có hiệu quả thù thắng hơn Thập Lục Quán Kinh”. Từ xưa đến nay, các vị tổ sư đại đức đề xướng kinh này rất có lý! Thực hiện dễ dàng, thành công cao! Nhất là trong kinh Lăng Nghiêm, Đại Thế Chí Bồ Tát đã nói rất rõ ràng: “Nhớ Phật, niệm Phật, hiện tiền, tương lai, nhất định thấy Phật”; lẽ đâu chẳng thấy Phật?

                   (Sớ) Liệt Ứng giả, hoặc vị Quán Kinh ngôn Phật thân cao lục thập vạn ức na-do-tha Hằng hà sa do-tuần, thử kinh bất thuyết, nghi thị Liệt Ứng, cố danh Tán Thiện.

          ()劣應者,或謂觀經言佛身高六十萬億那由他恆河沙由旬,此經不說,疑是劣應,故名散善。

          (Sớ: “Liệt Ứng”: Có kẻ bảo Quán Kinh nói thân Phật cao sáu mươi vạn ức na-do-tha Hằng hà sa do-tuần, kinh này chẳng nói, nên ngờ [thân Phật trong kinh này] là Liệt Ứng, vì thế gọi là Tán Thiện).

          Đây là dẫn kinh làm chứng cứ để nêu ra nghi vấn. Nghi vấn này cũng rất hay, hỏi rất hay. Vì sao? Học Phật, quý vị phải nhớ, có nghi thì nhất định phải hỏi. Nếu có nghi hoặc mà chẳng hỏi, chẳng hiểu rõ, sẽ có chướng ngại. Tín tâm, nguyện lực, hạnh lực của quý vị đều bị giảm bớt, đây chính là “đoạn nghi, sanh tín” rất quan trọng, nhất định phải hỏi! Những câu hỏi giống như câu hỏi vừa được nêu ra này, có thể nói là những nghi vấn thông dụng, dường như mỗi người mới học Phật đều chẳng tránh khỏi, nhất là khi đọc những kinh điển khác, bèn sanh nghi vấn đối với Tịnh Độ.

          Như trong lần trước, chúng tôi đã nhắc đến lời khai thị trong Phật Thất của lão pháp sư Đàm Hư, có một vị hiệu trưởng thấy Quán Kinh nói “thị tâm thị Phật, thị tâm tác Phật” (tâm này là Phật, tâm này làm Phật), “tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ”, đọc những đoạn kinh văn ấy, ông ta bèn hoài nghi, nói: “Di Đà đã là tự tánh Di Đà, ta cần gì phải niệm nữa! Chúng ta hằng ngày niệm Ngài để làm gì? Tịnh Độ là duy tâm Tịnh Độ, ta cũng không cần vãng sanh, lẽ gì ta cứ phải cầu sanh?” Ông ta đem những nghi vấn ấy hỏi lão pháp sư Đàm Hư, cụ Đàm rất tán thán: “Ông hỏi rất hay!” Giải thích những vấn đề ấy chẳng dễ dàng! Làm thế nào để đoạn nghi sanh tín cho ông ta? Chúng tôi nghe lời phúc đáp của lão pháp sư Đàm Hư trong băng thâu âm, rất tuyệt, cao minh lắm! Quý vị hãy nghe đoạn đối thoại ấy, đúng là có học vấn. Sư chẳng giải thích cho ông ta, mà hỏi ngược lại: “Tôi hỏi ông, chính ông hãy khéo suy nghĩ, tự tánh Di Đà và Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật có giới tuyến hay không? Giới tuyến rốt cuộc ở nơi đâu? Giới tuyến giữa duy tâm Tịnh Độ và Tây Phương Tịnh Độ lại ở nơi đâu?” Hỏi ngược lại ông ta như thế, vị hiệu trưởng ấy cũng rất lỗi lạc, ông ta nghe câu nói ấy, suy nghĩ cả nửa ngày, nói: “Con nghĩ chẳng thể tìm giới tuyến trong ấy được, không có giới tuyến!” Lão pháp sư nói: “Đã không có giới tuyến thì vẫn là cùng một cái tâm niệm Phật”. Như vậy thì ông ta mới tiếp nhận, quả thật không có giới tuyến! Ông ta có thể thấu hiểu điều này, ông ta trí huệ cao độ, đó gọi là “ngoài tâm không pháp, ngoài pháp không tâm”. Cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ là cầu chứng tự tánh Tịnh Độ, đến Tây Phương thấy A Di Đà Phật chính là thấy tự tánh Di Đà.

          Thiền gia nói “minh tâm kiến tánh”, chúng ta chẳng dễ gì làm được điều này trong một đời, nhưng người niệm Phật vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới sẽ làm được. Kinh Vô Lượng Thọ tặng cho chúng ta phương pháp niệm Phật, phương pháp ấy là “ngày đêm chẳng gián đoạn”, niệm Phật như thế mới có hiệu quả. Đả Phật Thất, bảy ngày bảy đêm, một câu Phật hiệu chẳng gián đoạn giữa chừng, chẳng xen tạp, chẳng hoài nghi thì mới niệm thành tựu! Thành tựu gì vậy? Thành tựu ở mức độ cao là nhất tâm bất loạn, thành tựu ở mức độ thấp là công phu thành phiến. Kinh đã nói rất rõ ràng, tu hành đúng pháp, chiếu theo lý luận và phương pháp trong kinh này để tu hành. Trong một đời này, nếu quý vị từng tu được một ngày, khi lâm chung A Di Đà Phật sẽ đến tiếp dẫn quý vị. Nếu trong một đời này, quý vị chẳng tu tập ngày nào, chẳng có cách nào hết! Mỗi ngày là hai mươi bốn tiếng đồng hồ, trong tâm chỉ có một câu Phật hiệu, niệm Phật, tưởng Phật, nhất quyết đừng nên nghĩ gì khác, khởi vọng tưởng là không được. Vì thế, trong Phật Thất có Hộ Thất Sư tốt lành đại từ đại bi giúp cho quý vị thành tựu, chăm sóc sự ăn ở của quý vị, khiến cho quý vị thân lẫn tâm đều buông xuống hết thảy, hãy khéo niệm tốt đẹp một câu Phật hiệu.

          Niệm Phật chỉ có bốn chữ. Nói nghiêm ngặt, trong Niệm Phật Đường chỉ có bốn chữ A Di Đà Phật, niệm suốt năm, mỗi ngày hai mươi bốn tiếng đồng hồ, một năm ba trăm sáu mươi ngày, một câu Phật hiệu nhất định chẳng để gián đoạn. Trong ấy không có nghi thức gì cả, niệm một bộ kinh Di Đà, xướng bài kệ Tán Phật, đều gọi là thêm thắt, đều gọi là xen tạp. Như vậy thì mới thật sự có hiệu quả. Có người nào làm như vậy hay không? Thưa quý vị, thật sự có, nhưng rất ít, tôi đã từng thấy, đó là người niệm Phật thật sự! Niệm rất có hiệu quả, rất có thành tựu. Sự thành tựu ấy giống hệt như trong kinh đã nói, chân thật, chẳng dối! Vì thế, học Phật chẳng thể không nghiên cứu kinh luận, chẳng thể không liễu giải. Nếu không, hằng ngày vẫn là “tu mù, luyện đui”, chẳng thể hàng phục phiền não, tâm chẳng đạt được thanh tịnh, công phu chẳng đắc lực, đó gọi là nghiệp chướng. Tiếp theo đây là lời giải thích, hãy xem rốt cuộc có phải là Tán Thiện hay không!

          (Sớ) Nhiên Đại Bổn vân.

          () 然大本云。

          (Sớ: Nhưng kinh Đại Bổn nói).

          Đại Bổn là kinh Vô Lượng Thọ.

          (Sớ) Nhĩ thời, A Di Đà Phật, phóng đại quang minh, phổ chiếu nhất thiết thế giới. A Nan kiến Phật, dung thể nguy nguy, như hoàng kim sơn, cao xuất nhất thiết chư thế giới thượng, tắc Quán Kinh sở thuyết do nhất thế giới, kim ngôn nhất thiết thế giới, tắc cánh vi cao đại, hà tắc ngôn Liệt?

          () 爾時阿彌陀佛 放大光明 ,普照一切世界 ,阿

難見佛,容體巍巍,如黃金山,高出一切諸世界上。則觀經所說,猶一世界,今言一切世界,則更為高大,何得言劣?

          (Sớ: “Lúc bấy giờ, A Di Đà Phật phóng đại quang minh, chiếu trọn khắp hết thảy các thế giới. A Nan thấy thân Phật vòi vọi như quả núi vàng, cao vượt trỗi hết thảy các thế giới”. Như vậy thì [thân Phật như trong] Quán Kinh nói chỉ như một thế giới, nay kinh này nói hết thảy các thế giới, càng cao rộng hơn, lẽ nào bảo là Liệt Ứng Thân?)

          Kinh Vô Lượng Thọ do ngài A Nan khải thỉnh, Thích Ca  Mâu  Ni

Phật có một hôm thị hiện tướng hảo đặc biệt, tinh thần rạng rỡ, oai nghi, khí độ thù thắng hơn lúc bình thường, ngài A Nan thấy vậy, bèn nói: “Hôm nay tướng đức Phật đẹp đẽ, rạng rỡ, trước nay con chưa từng được thấy, vì sao đẹp đẽ dường ấy? Có phải là lão nhân gia nghĩ đến quá khứ Phật? Hay là nghĩ đến chư Phật trong hiện tại hoặc vị lai?” Khải thỉnh, thưa hỏi Phật như vậy. Dụng ý khải thỉnh hết sức sâu xa, Ngài chẳng nói đến nguyên nhân nào khác, mà nói tới niệm Phật. Nói cách khác, ngầm chỉ sự thù thắng của pháp môn Niệm Phật. Quý vị niệm Phật, tâm là Phật, thân là Phật, dung mạo là Phật! Tục ngữ thường nói: “Tướng chuyển theo tâm”. Người niệm Phật lẽ đâu chẳng có tướng tốt như Phật? Quý vị muốn có tướng hảo, hãy niệm Phật. Ngay cả Thích Ca Mâu Ni Phật cũng niệm Phật; khi niệm Phật, tướng của Ngài đặc biệt tốt đẹp hơn bình thường. A Nan hỏi, đức Phật liền đáp. Ngài nói đúng là niệm Phật, niệm vị Phật nào? Ngài niệm A Di Đà Phật; vì thế, giảng cho A Nan kinh Vô Lượng Thọ nhằm giới thiệu A Di Đà Phật.

          Kinh nói: Sau khi giới thiệu xong, Ngài lại hỏi A Nan có muốn thấy A Di Đà Phật hay không? A Nan thưa: “Đương nhiên con muốn thấy!” Đức Phật bèn dạy: “Ông nên chắp tay hướng về phương Tây, cung kính đảnh lễ, xưng niệm A Di Đà Phật”. A Di Đà Phật liền hiện thân, thân Phật cao vượt trỗi hết thảy các thế giới. Sau khi ngài A Nan đã thấy A Di Đà Phật, liền phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ. Quý vị biết: [Tổ sư] Thiền Tông đời thứ nhất là Ma Ha Ca Diếp, Thích Ca Mâu Ni Phật cầm cành hoa giơ lên, mỉm cười, truyền pháp cho Ma Ha Ca Diếp, Ca Diếp truyền cho A Nan. A Nan là tổ sư Thiền Tông đời thứ hai, phát nguyện vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ! Vì thế, kẻ học Thiền mà hủy báng Tịnh Độ là chẳng tôn kính tổ sư của chính hắn, ý vị ở đây rất sâu đậm. Đây là người hỏi dẫn kinh, người đáp cũng viện dẫn kinh, nhất định chớ nên hiểu lầm chỗ này.

          (Sớ) Hựu Đại Bổn vân: A Di Đà Phật đạo tràng bảo thụ, thuần dĩ chúng bảo, tự nhiên hợp thành, tắc phi mộc Bồ Đề thụ hạ chi thân, hà đắc ngôn Liệt?

          ()又大本言:阿彌陀佛道場寶樹,純以眾寶,自然合成。則非木菩提樹下之身,何得言劣?

          (Sớ: Lại nữa, kinh Đại Bổn nói cây báu nơi đạo tràng của Phật thuần bằng các chất báu tự nhiên hợp thành, nên thân Phật [trong cõi Cực  Lạc]  chẳng phải là thân dưới cội cây Bồ Đề bằng gỗ,  làm sao bảo

là Liệt Ứng Thân cho được?)

          Lời đáp này càng cao minh hơn nữa. Vì chúng ta nói đến Liệt Ứng Thân là nói về Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật trong thế giới này. Ngàn vạn phần đừng hiểu lầm trong tương lai chúng ta thấy A Di Đà Phật thì thân tướng của A Di Đà Phật chẳng khác thân Thích Ca Mâu Ni Phật cho mấy! Lầm rồi! Vì sao? A Di Đà Phật chẳng đến thế giới này, chúng ta thấy A Di Đà Phật trong thế giới Tây Phương. Thế giới Tây Phương khác thế giới của chúng ta, người bên ấy phước báo to lớn, cho nên thân tướng cao lớn, tướng hảo cũng thù thắng, chắc chắn chẳng giống con người chúng ta ở nơi đây. Nếu quý vị đọc kỹ bốn mươi tám nguyện sẽ hiểu rõ. Bốn mươi tám nguyện do A Di Đà Phật đã phát ra trong khi tu nhân, mà cũng nhằm nói rõ tình hình quốc độ và nhân dân nơi thế giới ấy trong tương lai khi Ngài thành Phật. Chẳng thỏa nguyện ấy, Ngài sẽ chẳng thành Phật. Hiện thời, Ngài đã thành Phật; đủ thấy lý tưởng, nguyện vọng của Ngài thứ gì cũng đều viên mãn. Thế giới của Ngài rất đặc biệt, điều thứ nhất là trong thế giới ấy không có ba ác đạo. Thế giới Cực Lạc chỉ có hai đường trời và người, còn Tu La, ngạ quỷ, địa ngục, súc sanh đều chẳng có! Điều thứ hai, lòng người trong Tây Phương Cực Lạc thế giới đều thanh tịnh, không có tham, sân, si, mạn, không có ác nhân, đương nhiên chẳng có ác quả; nhân và quả đều thù thắng!

          Bên ấy cũng là tinh cầu, nhưng tinh cầu ấy to hơn tinh cầu của chúng ta quá nhiều, tinh cầu của chúng ta quá nhỏ, thế giới Cực Lạc lớn hơn thế giới của chúng ta quá nhiều. Hoàn cảnh là y báo, trong Phật pháp thường nói: “Y báo chuyển theo chánh báo”. Chúng sanh có phước, hoàn cảnh cũng chuyển biến theo. Trong thế giới Cực Lạc, phước báo của Phật và chúng sanh to lớn, nên hoàn cảnh chẳng có bụi đất. Mặt đất nơi chúng ta là đất cát, còn đất trong Tây Phương Cực Lạc thế giới là lưu ly, đó là ngọc Phỉ Thúy, tức một loại ngọc có màu xanh lá cây, trên đất lưu ly là đường sá lót bằng vàng. Kinh Kim Cang nói: “Phật thị chân ngữ giả, thật ngữ giả, như ngữ giả” (Phật là bậc nói lời chân chánh, nói thật, nói đúng như sự thật không thêm bớt). Cõi ấy như thế nào, đức Phật bèn thuật lại đúng như thế đó. Cây cối bên ấy cũng cao lớn, cây chẳng phải bằng gỗ, mà do bảy báu hợp thành. Rễ cây, thân cây và cành cây đều bằng vô lượng báu. Nói “bảy báu” thì thông thường dùng số bảy làm con số đại diện cho sự viên mãn. Bảy là viên mãn; vì thế, [cõi ấy] do vô lượng vô biên trân bảo hợp thành. Chẳng phải là “mộc Bồ Đề thụ hạ” (dưới cội Bồ Đề bằng gỗ), Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện thành Phật dưới cội Bồ Đề, đó là cây bằng chất gỗ, chẳng phải là cây báu! Đấy là chỗ khác biệt. Vì thế, quý vị đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, thấy A Di Đà Phật chắc chắn chẳng phải là Liệt Ứng Thân.

          (Sớ) Hựu Quán Kinh vân: Bỉ Phật hoặc hiện trượng lục, bát xích, hoặc hiện đại thân, mãn hư không trung, tắc tùy cơ sở kiến, đại tiểu vô định, cố cổ vị: “Tức Liệt, tức Thắng, sanh pháp bất nhị”. Nhi huống kim kinh bất xuất đại tiểu, hà đắc định chỉ vi Liệt?

          () 又觀經云 :彼佛或現丈六八尺 或現大身 ,滿

虛空中,則隨機所見,大小無定,故古謂即劣即勝,生法不二。而況今經,不出大小,何得定指為劣。

          (Sớ: Lại nữa, Quán Kinh nói: Đức Phật ấy hoặc hiện thân cao một trượng sáu, tám thước, hoặc hiện thân to đầy khắp hư không, như vậy là tùy theo căn cơ mà thấy [thân Phật] lớn hay nhỏ không nhất định. Vì thế, cổ đức bảo: “Liệt Ứng Thân chính là Thắng Ứng Thân, Thắng Ứng Thân chính là Liệt Ứng Thân, sanh thân (Hóa Thân) và Pháp Thân chẳng hai”. Huống chi kinh này chẳng nói thân Phật là lớn hay nhỏ, lẽ nào quyết đoán kinh này nói Liệt Ứng Thân cho được?)

                   Trong Quán Kinh nói A Di Đà Phật hiện thân trượng sáu, hoặc hiện thân cao tám thước. Tám thước là chiều cao của người bình thường như chúng ta; thân trượng sáu nói chung là cao gấp đôi chúng ta. “Hoặc hiện đại thân, mãn hư không trung” (hoặc hiện thân to đầy khắp hư không), thân tướng ấy rất lớn, thường nói là “trăm ngàn do-tuần”. Do đây có thể biết: Thân tướng của Phật lớn hay nhỏ không nhất định, mỗi người trông thấy khác nhau. Chẳng phải chỉ như thế, thế gian này của chúng ta cũng là cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Năm trước tôi giảng kinh bên Hương Cảng, gặp pháp sư Thánh Nhất. Pháp sư Thánh Nhất bảo tôi: Ngài từng tới triều bái Phổ Đà Sơn vào năm 1982. Đoàn của Ngài gồm ba người, đến Phạm Âm Động lễ bái Quán Thế Âm Bồ Tát, cầu Quán Thế Âm Bồ Tát hiện hình tượng cho họ thấy. Lễ bái hơn một tiếng đồng hồ, Bồ Tát hiện thân, ba người đều thấy, thời gian hiện thân rất lâu, gần đến nửa tiếng đồng hồ, nhưng ba người ấy kể lại những gì mình thấy khác hẳn nhau. Pháp sư Thánh Nhất thấy thân sắc vàng, tức là thân bằng vàng đội mão Tỳ Lô[1], là tướng nam nhân, tay cầm cuốn sách đứng trên hoa sen. Vị cư sĩ kia thấy Ngài có hình tướng người xuất gia. Ba người họ thấy thân tướng của Bồ Tát khác nhau, quả thật là “thuận theo tâm chúng sanh, ứng với khả năng nhận biết của họ”, chẳng sai! Tâm quý vị thanh tịnh trang nghiêm, thấy tướng khác hẳn. Trong tương lai, chúng ta vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, mỗi một người thấy A Di Đà Phật, thấy Quán Thế Âm Bồ Tát khác nhau, đều không giống nhau. Hiện thời, khéo tu hành, tương lai sẽ thấy tướng Phật thù thắng trang nghiêm.

          Cổ nhân nói: “Tức Liệt, tức Thắng, sanh pháp bất nhị”. Liệt là sanh thân (Ứng Hóa Thân), Thắng là Pháp Thân. Hai thân này chính là lẫn nhau, không hai. Nói cách khác, thân tướng của Phật từ Pháp Thân của Phật biến hóa ra. Hóa Thân và Pháp Thân là một, không hai. Lìa hết thảy phân biệt, chấp trước, tâm bèn thanh tịnh. Học Phật, đặc biệt là tu Tịnh Độ, nhất là mong thành tựu trong một đời này, mọi người phải nhớ kỹ lời giáo huấn của Lục Tổ đại sư: “Nhược chân tu đạo nhân, bất kiến tha nhân quá” (nếu người thật tu đạo, chẳng thấy lỗi người khác). Chúng ta học Phật nhằm mục đích gì? Tu tâm địa thanh tịnh.

          Trong thời đại hiện tại, cuộc sống khẩn trương, áp lực trầm trọng, công việc bận bịu, chúng ta dùng phương pháp và thái độ nào để học Phật? Trong kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài đồng tử tham học năm mươi ba lần, đã nêu một tấm gương tốt cho chúng ta. Đãi người tiếp vật “ngoài chẳng chấp tướng, trong tâm bất động”, sẽ niệm một câu Phật hiệu tốt đẹp, niệm Phật hiệu đắc lực. Ngoài chấp tướng, trong động tâm, dẫu niệm Phật hiệu tốt đẹp, mỗi ngày niệm đến mười vạn câu, cổ nhân bảo là “phong xuy bất nhập, vũ đả bất thấu” (gió thổi chẳng lọt, mưa táp chẳng thấm), quý vị vẫn chẳng thể vãng sanh! Vì sao? Niệm Phật hiệu nhiều, nhưng không có hiệu quả, chẳng đắc lực. Niệm Phật để cầu gì? Cầu nhất tâm bất loạn. Quý vị là nhị tâm, tam tâm, thấy sắc, nghe tiếng, tâm luôn loạn thì làm thế nào  được  nữa? Niệm  dẫu  nhiều  cũng  chẳng

được!

          Do vậy, phải nhớ: Quý vị tu nhất tâm bất loạn, ta tu cái tâm thanh tịnh. Nói chung phải ghi nhớ: Tâm tịnh, cõi nước sẽ tịnh. Tiếp xúc xã hội bên ngoài, người và sự việc từ bên ngoài ồ ạt kéo đến quấy nhiễu, đối với chúng ta mà nói thì [những điều ấy] đã ban cho chúng ta một ân huệ rất lớn, vì sao? Trong cảnh giới ấy, chúng ta thời thời khắc khắc khảo nghiệm xem công phu của chính mình đã đắc lực hay chưa. Ta thấy, nghe, trong tâm sanh phiền não, [tức là] công phu của ta chưa đắc lực. [Những người đến quấy nhiễu ta] là Bồ Tát, là thầy của ta, họ đến bảo ta: “Ngươi chưa được! Công phu chưa đắc lực!” Quý vị đối diện người và việc chẳng chấp tướng, chẳng động tâm, rất thanh tịnh, họ bèn bảo quý vị: “Công phu của ngươi đã đắc lực”. Đó gọi là “lịch sự luyện tâm” (trải qua sự việc để luyện tâm), rèn luyện cái tâm thanh tịnh và bình đẳng của chính mình trong quan hệ với con người và sự việc thì mới có thể viên thành Phật đạo. Lìa khỏi con người và sự việc, quý vị đến nơi đâu để tu? Chẳng có chỗ nào để tu cả! Do vậy, tu hành nhất định phải hiểu rõ đạo lý này! Nếu quý vị nói là tách rời những mối quan hệ bất như ý với con người, quý vị đâu có phước báo lớn như vậy? Ngay cả Thích Ca Mâu Ni Phật cũng chẳng làm được! Tăng đoàn của Thích Ca Mâu Ni Phật, bên ngoài có Đề Bà Đạt Đa, bên trong có Lục Quần tỳ-kheo[2], trong số các đồ đệ của Ngài có không ít kẻ chẳng vâng lời, khuấy động sóng gió! Ngay cả lúc Thích Ca Mâu Ni Phật trụ thế, suốt đời hoằng pháp lợi sanh mà còn chẳng thể có được một ngày thanh tịnh! Quý  vị  mong có một ngày thanh tịnh thì phước báo phải nhiều đến đâu?

Chúng ta chẳng thể không giác ngộ!

          Quán Kinh nói Thắng Ứng Thân và Liệt Ứng Thân, nói thấy tướng có lớn và nhỏ. Kinh Di Đà chẳng nói. Không nói thì quý vị chắc chắn chẳng thể tự mình nhận định A Di Đà Phật hiện tướng Liệt Ứng Thân, quý vị nghĩ trật lất mất rồi!

          (Sớ) Hoa cục xa luân giả.

          () 華局車輪者。

          (Sớ: Hoa chỉ hạn cuộc to bằng bánh xe).

                     “Cục” là hạn cuộc, kinh này nói hoa sen trong ao bảy báu to bằng bánh xe.

          (Sớ) Hoặc vị Quán Kinh hoa đại thập nhị do-tuần, thử kinh xa luân, hoa cục ư tiểu, cố danh Tán Thiện.

          () 或謂觀經華大十二由旬 此經車輪 華局於小

,故名散善。

          (Sớ: Hoặc có kẻ nói: Theo Quán Kinh, hoa sen to mười hai do-tuần, kinh này nói hoa sen to bằng bánh xe, kích thước hạn cuộc nhỏ nhoi, nên nói kinh này là Tán Thiện).

           Đây cũng là hiểu lầm, quả thật hoa sen trong ao bảy báu nơi Tây Phương Cực Lạc thế giới có lớn, có nhỏ.

          (Sớ) Bất tri xa luân chi nghĩa, đại tiểu vô định, Đại Bổn xa luân đại chí bách thiên do-tuần, hà chỉ thập nhị, tường như hậu văn trung biện.

          () 不知車輪之義 大小無定 大本車輪大至百千

由旬,何止十二,詳如後文中辯。

          (Sớ: Chẳng biết ý nghĩa của “bánh xe” là lớn hay nhỏ không nhất định. “Bánh xe” trong kinh Đại Bổn to đến trăm ngàn do-tuần, đâu phải chỉ mười hai do-tuần. Điều này sẽ được biện định cặn kẽ trong phần kinh văn ở phía sau).

          Đại Kinh cho biết hoa sen nhỏ là một do-tuần, lớn là trăm ngàn do-tuần. Chúng ta sanh vào Tây Phương Cực Lạc thế giới, hoa sen là chỗ để ta sanh vào, sống trong đó, chỗ ta tu hành đều ở trong hoa sen. Trong hoa sen có phải là chốn tịch mịch hay chăng? Không! A Di Đà Phật, Quán Âm, Thế Chí, hải hội chúng Bồ Tát, ở trong hoa sen quý vị đều thấy hết. Trong hoa sen thấy Ứng Thân của A Di Đà Phật và các thánh chúng, hoa chưa nở mà! Vì thế, trong hoa sen và ngoài hoa sen gần như chẳng khác gì nhau. Một do-tuần là tám mươi dặm. Ngay cả hoàng cung đời Thanh cũng chưa to đến tám mươi dặm, đấy là cái hoa sen nhỏ nhất trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, Hạ Phẩm Hạ Sanh đó nghe! Thượng Phẩm Thượng Sanh là trăm ngàn do-tuần, thưa quý vị, lớn hơn địa cầu của chúng ta nhiều lắm. Địa cầu bỏ vào trong hoa sen ấy như một trái banh da, quý vị nghĩ xem hoa sen bao lớn?

          Vì sao hoa sen có lớn nhỏ? Trong kinh, đức Phật đã nói rất rõ ràng: Chúng sanh trong mười phương thế giới phát tâm muốn sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, đã phát tâm ấy, có nguyện ấy, trong ao bảy báu nơi Tây Phương thế giới liền trổ một đóa sen, mọc lên búp sen nhỏ, hoa ấy có ghi tên họ của quý vị. Trong tương lai, A Di Đà Phật đến tiếp dẫn quý vị, sẽ cầm theo hoa sen ấy để tiếp dẫn. Quý vị niệm Phật rất siêng, hoa sen ấy sẽ càng tăng trưởng, hoa lớn hay nhỏ do công phu niệm Phật siêng hay lười. Người niệm Phật giỏi giang, hoa sen sẽ to lớn, ánh sáng và màu sắc đẹp đẽ. Vì thế, nhất định phải niệm Phật, phải niệm hằng ngày, niệm Phật chớ nên gián đoạn! Để làm gì? Vun bồi hoa sen trong ao bảy báu, quý vị vun trồng hoa sen. Người công phu tốt đẹp, tương lai ở trong thế giới Tây Phương, hoa sen có thể trụ trong không trung. Người công phu kém hơn, hoa sen cũng có thể trở thành công cụ giao thông để bay đi, nhưng hễ ngừng lại, nhất định bị rơi xuống đất, chẳng thể thường ở trên hư không. Vì thế, hoa sen lớn hay nhỏ không nhất định, chẳng thể câu nệ hoa sen chỉ to bằng bánh xe!

          (Sớ) Ngũ Nghịch bất sanh giả, hoặc vị Quán Kinh ngôn Ngũ Nghịch đắc sanh, Đại Bổn “duy trừ Ngũ Nghịch”, tắc tế độ công hiệp, cố danh Tán Thiện. Bất tri “duy trừ Ngũ Nghịch” hạ, hữu “phỉ báng chánh pháp” tứ tự. Ngũ Nghịch nhi kiêm báng pháp, nãi tại sở trừ. Tuy cụ Ngũ Nghịch, bất báng pháp giả, vị tất bất sanh dã.

          () 五逆不生者 或謂觀經言五逆得生 大本唯除

五逆,則濟度功狹,故名散善。不知唯除五逆下,有誹謗正法四字,五逆而兼謗法,乃在所除,雖具五逆,不謗法者,未必不生也。

          (Sớ: “Ngũ Nghịch chẳng được vãng sanh”: Có kẻ bảo Quán Kinh

nói Ngũ Nghịch được vãng sanh, Đại Bổn nói “chỉ trừ kẻ Ngũ Nghịch”, như vậy là công năng tế độ của [Đại Bổn và Tiểu Bổn Di Đà] hẹp hòi, nên gọi là Tán Thiện. Kẻ ấy chẳng biết dưới câu“chỉ trừ Ngũ Nghịch”, còn có bốn chữ “phỉ báng chánh pháp”. Kẻ đã phạm tội Ngũ Nghịch, lại còn hủy báng chánh pháp, bèn bị gạt ra; chứ kẻ tuy phạm đủ Ngũ Nghịch, nhưng chẳng hủy báng chánh pháp, chưa chắc đã không được vãng sanh).

          Lời đáp này quá hay! Đích xác đã giải trừ một mối nghi hoặc to lớn cho chúng ta. Con người hiện thời rất dễ phạm tội Ngũ Nghịch, quả báo của tội Ngũ Nghịch là trong địa ngục. Ngũ Nghịch là năm tội gì vậy? Kinh Địa Tạng đã nói rất rõ ràng: Thứ nhất là giết cha, thứ hai là giết mẹ, thứ ba là giết A La Hán, thứ tư là làm thân Phật chảy máu, thứ năm là phá hòa hợp Tăng. Giết cha mẹ: Cha mẹ có ân đức lớn nhất đối với chúng ta, ân dưỡng dục! Bất hiếu đã là đại nghịch bất đạo; giết hại cha mẹ trời đất chẳng thể dung! Do tội nghiệp ấy, sẽ đọa địa ngục. A La Hán là mắt của trời người, là bậc thiện nhân tại một địa phương. Tại địa phương có bậc đại thiện nhân ấy, người khác nhất định được hưởng sự giáo hóa ngấm ngầm, Ngài có công đức dạy người khác đoạn ác tu thiện. Ngài cũng là một vị thầy tốt, có thể giáo hóa một vùng, là thiện tri thức của mọi người trong một phương. Quý vị giết hại Ngài, khiến cho người nơi ấy thiếu phước, cho nên tội lỗi ấy rất to!

          Làm thân Phật chảy máu: Phật là bậc đạo sư của tam giới, Phật là đấng đại phước báo, không ai có thể hại Phật, nhưng có thể làm cho Phật bị thương một chút, chảy máu đôi chút, làm như vậy thì có thể, chứ chẳng thể nào hại chết Phật được. Thần hộ pháp của Phật quá nhiều. Điều này có nghĩa là: Dùng ác tâm ác ý đối với Phật, tội rất nặng! Hiện thời, Phật chẳng trụ thế, chúng ta do ác tâm, ác ý hủy hoại tượng Phật, giống như làm thân Phật chảy máu. Vì thế, đối với điều này, đại khái là các đồng tu học Phật sẽ không phạm. Kẻ chẳng học Phật, nhất là những kẻ tin tưởng các tôn giáo khác bài xích Phật giáo sẽ có khả năng phạm tội này. Họ do cái tâm chán ghét mà phá hoại tượng Phật, thiêu hủy kinh điển của Phật giáo, có thể có những chuyện như vậy, đó là phạm tội Ngũ Nghịch. Các đồng tu học Phật dễ phạm nhất là phá hòa hợp Tăng. Phá hòa hợp Tăng là phá hoại Tăng đoàn, nói những điều đúng, sai, ưu điểm, khuyết điểm; tuy phạm những tội nghiệp như thế, những tội nghiệp ấy cũng rất nặng, nhưng chẳng phải là cực nặng. Vì sao chẳng phải là cực nặng? Vì trong hiện thời chẳng có Tăng đoàn thật sự hòa hợp. Tuy Tăng đoàn hữu danh vô thực, chúng ta cũng chớ nên phá hoại, vì đối với việc hoằng dương Phật giáo, ít nhiều gì họ cũng có công đức!

          Kinh Vô Lượng Thọ nói: “Duy trừ Ngũ Nghịch, phỉ báng chánh pháp” (chỉ trừ kẻ phạm tội Ngũ Nghịch, phỉ báng chánh pháp [thì không thể vãng sanh]). Kẻ phỉ báng chánh pháp sẽ chẳng thể tiếp nhận [pháp môn Tịnh Độ], không có cách nào hết! Câu này có nghĩa là: Dẫu cho quý vị tạo tội Ngũ Nghịch, mà vẫn có thể tin tưởng và tiếp nhận pháp môn này, tin tưởng Tây Phương có A Di Đà Phật, quý vị chịu niệm Phật, phát nguyện vãng sanh thế giới Cực Lạc, đấy là quý vị chẳng phỉ báng chánh pháp. Đây là đặc biệt nói theo bộ kinh này. Nếu quý vị chẳng tin tưởng pháp môn này, tin theo các tông khác, hoặc pháp môn khác, trong một đời này, quý vị vẫn chẳng thể đắc độ, chẳng thể vãng sanh. Quý vị tin bất cứ một tông phái hay bất cứ một pháp môn nào khác đều không được, nhất định phải tin tưởng pháp môn này, phải tin Tây phương quả thật có thế giới Cực Lạc, trong thế giới Cực Lạc quả thật có một vị giáo chủ, tức là có một vị đạo sư hiệu là A Di Đà Phật. Quý vị thật sự tin tưởng, thật sự chịu sanh về đó, dẫu tạo tội Ngũ Nghịch, vẫn có thể vãng sanh. Mang ý nghĩa này! Nếu đã tạo tội Ngũ Nghịch, lại còn chẳng tin tưởng pháp môn này, chẳng có cách nào hết! A Di Đà Phật chẳng giúp đỡ được, ý nghĩa là như vậy đó! Đây là nói theo Hạ Phẩm Hạ Sanh trong Quán Kinh.

          Dùng phương pháp nào? Quán Kinh nói quán tưởng, Hạ Phẩm Hạ Sanh chẳng quán tưởng mà niệm Phật. Trì danh niệm Phật được Quán Kinh nêu ra trong chương Hạ Phẩm Hạ Sanh; nay chúng ta dùng phương pháp trì danh này, có phải là trong tương lai vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới sẽ là Hạ Phẩm Hạ Sanh ư? Nếu quý vị nghĩ như vậy thì lại lầm mất rồi! Quý vị phải biết: Phương pháp trì danh mầu nhiệm đến tột cùng, thực hiện dễ, thành công cao! Một câu Phật hiệu có thể viên chứng Vô Thượng Bồ Đề, từ Sơ Phát Tâm mãi cho đến khi thành Phật, chẳng cần phải thay đổi, chẳng cần bất cứ gì giúp thêm, chẳng cần tới! Một câu Phật hiệu là được rồi! Trước tiên, chúng ta phải niệm Phật đến mức công phu thành phiến, tiến hơn bước nữa là Sự nhất tâm bất loạn, lại niệm đến Lý nhất tâm, công đức chẳng thể nghĩ bàn!

          Niệm một câu Phật hiệu, chư Phật hộ niệm, thần hộ pháp bảo vệ, hết thảy quỷ thần chẳng dám đến gần bên thân quý vị. Đầu thời Dân Quốc, cư sĩ Đinh Phước Bảo có ghi lại một câu chuyện, đấy là chuyện có thật. Có hai người là bạn bè thân thiết, cùng đi ra ngoài, có một người chết trên đường đi, một người trở về. Sau khi trở về bèn báo tin cho gia quyến của người kia biết, vợ ông ta ngờ vị bằng hữu ấy hại chết chồng mình. Mối nghi ấy từ đầu đến cuối không thể tháo gỡ được! Sau khi chồng bà ta chết đi, hồn ma rất thiêng, vẫn thường tìm đến người bạn trò chuyện, ông ta nói: “Người nhà tôi nghi ngờ ông, ông hãy dẫn vợ tôi đến đây, tôi sẽ giải thích trước mặt bà ấy hòng có thể tiêu trừ nỗi hoài nghi ấy”. Ông ta nghe xong câu ấy, bèn niệm một tiếng A Di Đà Phật. Ông niệm A Di Đà Phật một tiếng, hồn ma ấy kêu lên: “Ông đừng có niệm! Khi ông niệm, thân ông phóng quang, tôi bứt rứt chịu không thấu!” Ông ta nghe xong, niệm mấy tiếng nữa, hồn ma bèn bỏ chạy. Do vậy, ông ta hiểu: Ông ta cũng chẳng cần phải giải thích cho vợ ông kia nữa. Từ đấy về sau, ông ta xuất gia, nhất tâm niệm A Di Đà Phật. Ông ta mới biết một câu A Di Đà Phật có sức mạnh chẳng thể nghĩ bàn như thế. Vị bằng hữu kia chẳng phải là ác quỷ, niệm mấy câu A Di Đà Phật mà ông ta chẳng dám léo hánh, chẳng dám đến gần, phải tránh đi, mới biết công đức niệm Phật chẳng thể nghĩ bàn!

          Phải hiểu rõ “Ngũ Nghịch chẳng vãng sanh” là do duyên cớ nào, tuyệt đối đừng nói những điều giảng trong kinh này chẳng bằng Quán Kinh, cách nghĩ như vậy là sai lầm. Liên Trì đại sư nói rất hay: Dẫu phạm đủ Ngũ Nghịch, nhưng chẳng báng pháp, chưa chắc đã không vãng sanh!

 

          (Sớ) Lương diêu báng tắc bất tín, bất tín bất sanh, cố sở vị: “Nghi tắc hoa bất khai”, thị dã.

          ()良繇謗則不信,不信不生,故所謂疑則華不開是也。

          (Sớ: Ấy là vì: Hễ phỉ báng tức là không tin, do không tin nên chẳng vãng sanh, cho nên nói “hễ nghi thì hoa sen chẳng nở”, chính là nói về điều này).

                   Vì thế, quyết định chớ nên hoài nghi! Bí quyết của pháp môn này là có tín tâm kiên định, có nguyện lực chân chánh. Tin thật, nguyện thiết, thái độ trì danh niệm Phật là chẳng gián đoạn, chẳng xen tạp, chẳng hoài nghi, cách tu là như vậy. Trong một đời này, chúng ta quyết định được vãng sanh, không một ai chẳng được vãng sanh. Cổ đức nói: “Vạn người tu, vạn người đến”. Hôm nay thời gian đã hết rồi!

[1] Đây là loại mão có thêu thùa rất đẹp, chỉ dành cho vị pháp sư chủ pháp đội trong các pháp hội đặc biệt như Diệm Khẩu hoặc Thủy Lục, mô phỏng hình đóa sen nở, chính giữa có trụ giống như một cái tháp nhỏ, đó là nơi chân thân Tỳ Lô Giá Na Phật ngự nên gọi là mão Tỳ Lô. Thông thường trong pháp hội của Trung Hoa, vị chủ pháp sau khi đã lên pháp tọa, lễ thỉnh, kết ấn, gia trì triệu thỉnh, rồi mới đội mũ lên, cung thỉnh Tam Bảo rồi mới khoác thêm hình Ngũ Phật lên mão, chứ không đội ngay từ đầu như trong các pháp hội Trai Đàn Chẩn Tế của người Việt. Sau khi hoàn tất nghi lễ thi thực, bèn tháo mũ ra, đặt lên án, trước khi bước xuống pháp tòa, hồi hướng, lễ Tam Quy, chứ không đội mão về liêu phòng hay trai đường.

[2] Lục Quần Tỳ Kheo là sáu tỳ-kheo đệ tử Phật thường kéo bè kéo phái làm chuyện phi pháp, trái nghịch oai nghi nên gọi là Lục Quần (sáu người họp thành bầy), nhằm mục đích tạo duyên cho đức Phật chế giới. Các bộ luật cho biết tên họ là Nan Đồ, Bạt Nan Đà, Ca Lưu Đà Di, Xiển Na, Mã Tú và Mãn Túc. Sách Tát Bà Sa Tỳ Ni Tỳ Bà Sa cho biết: “Trong số Lục Quần tỳ-kheo, hai người đắc Lậu Tận nhập Vô Dư Niết Bàn là Ca Lưu Đà Di và Xiển Na, hai người sanh lên cõi trời là Nan Đồ và Bạt Nan Đà. Hai người đọa làm rồng là Mã Tú và Mãn Túc…. Hai người thông hiểu tinh tú vận hành là Nan Đồ và Bạt Nan Đà, hai người tinh thông nghệ thuật bắn cung là Ca Lưu Đà Di và Xiển Na, hai người thông thạo âm nhạc và kịch nghệ là Mã Tú và Mãn Túc”. Tùy theo cách dịch nghĩa phiên âm mà danh hiệu các vị này có sai khác, chẳng hạn Tăng Kỳ Luật ghi tên họ là Nan Đà, Ca Lưu Đà Di, Tam Văn Đạt Đa, Ma Hê Sa Đạt Đa, Mã Sư, Mãn Túc; Tỳ Nại Da Luật ghi là Xiển Đà, Ô Ba Nan Đà, A Thuyết Tha, Bổ Nại Bà Tố Ca, Xiển Đà, Ô Đà Di (theo cách phiên âm này thì hai vị có tên là Nanda và Chanda cùng được phiên thành Xiển Đà, có lẽ là lỗi chép sai khi sao lục).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *