Tập 87/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 03-003-0289

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 87

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm bốn mươi sáu, đoạn lớn thứ bảy của phần Huyền Nghĩa.

          Thất, bộ loại sai biệt

          七、部類差別

          (Bảy, bộ loại sai khác).

          Trong đoạn này lại chia thành ba tiểu đoạn:

          Sơ minh bộ. Nhị minh loại. Tam phi bộ phi loại.

          初明部。二明類。三非部非類。

          (Thứ nhất là nói về bộ, thứ hai là giảng về loại, thứ ba là [nói về những kinh] chẳng thuộc về bộ hay loại).

          Trước hết, chúng ta coi tiểu đoạn thứ nhất.

          Sơ, minh bộ.

          (Huyền Nghĩa) Dĩ tri thử kinh, Tông Thú xung thâm, vị thẩm đương bộ đẳng loại, vi hữu kỷ chủng. Sơ tiên minh bộ giả, bộ hữu nhị chủng: Nhất vi Đại Bổn, nhị vi thử kinh.          

          初明部。

          (玄義)已知此經,宗趣沖深,未審當部等類,為有幾種。初先明部者,部有二種:一謂大本,二謂此經。

          (Trước hết, nói về bộ.

          Huyền Nghĩa: Đã biết kinh này có Tông và Thú sâu xa, chưa rõ nếu xét theo bộ loại thì sẽ có mấy loại. Trước hết, nói về bộ, bộ có hai loại: Một là Đại Bổn, hai là kinh này).

                       Khi nghiên cứu kinh Di Đà, cũng chẳng thể thiếu khuyết đoạn này. Trong một đời giáo học của đức Phật, nói tới pháp môn này, trừ bộ kinh này ra, những kinh hoàn toàn tương đồng với pháp môn này sẽ được gọi là “đồng bộ”. Những kinh điển nào hoàn toàn tương đồng? [Ngoài ra, còn có những kinh] chẳng hoàn toàn tương đồng, nhưng là cùng một loại, [tức là] đều cùng nói tới chuyện vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ. Đồng bộ thì đều dùng phương pháp trì danh. Dùng phương pháp bất đồng là như Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh dùng quán tưởng. Còn có [các kinh khác] dùng trì chú, hay dùng phương pháp khác, nhưng đều là cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ, những kinh ấy gọi là “đồng loại”. Còn có những kinh chẳng phải là đồng loại mà cũng chẳng phải là đồng bộ, [tức là] giảng kèm thêm [Tịnh Độ], những kinh điển ấy càng nhiều. Giảng kèm thêm, khuyên chúng ta niệm Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, đại khái có hơn một trăm loại. Do vậy, biết rằng: Trong bốn mươi chín năm giáo học, Thích Ca Mâu Ni Phật coi trọng pháp môn này, cho nên không ngừng tuyên dương. Chúng ta xem lời chú giải:

          (Sớ) Bộ giả, dĩ thị tổng quy nhất bộ, nhi hữu tường lược.

          () 部者,以是總歸一部,而有詳略。

          (Sớ: “Bộ” là cùng gom chung vào một bộ, nhưng giảng giải chi tiết hay đại lược [khác nhau]).

           Cùng thuộc một bộ kinh, nhưng có kinh giảng tỉ mỉ hơn một chút, có kinh giảng đơn giản hơn một chút.

          (Sớ) Tường vi Đại Bổn.

          () 詳為大本。

          (Sớ: Giảng tường tận là Đại Bổn).

          Đại Bổn là kinh Vô Lượng Thọ, giảng tỉ mỉ.

          (Sớ) Lược vi thử kinh.

          () 略為此經。

          (Sớ: Giảng đại lược là kinh này).

           “Thử kinh” là kinh A Di Đà, tức Tiểu Bổn, văn tự ít, giảng tỉnh lược một chút.

          (Sớ) Đại Bổn hữu lục.

          () 大本有六。

          (Sớ: Đại Bổn có sáu loại).

                     Tổng cộng có sáu thứ (sáu bản dịch khác nhau).

          (Sớ) Nhất danh Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh, Hậu Hán Chi Lâu Ca Sấm dịch.

          () 一名無量清淨平等覺經,後漢支婁迦讖譯。

          (Sớ: Bản thứ nhất tên là Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh do ngài Chi Lâu Ca Sấm (Lokasema)[1] dịch vào thời Hậu Hán).

          Các bản dịch thời cổ gồm mười hai loại, hiện thời chỉ còn giữ được năm loại.

          (Sớ) Nhị danh Vô Lượng Thọ Kinh, Tào Ngụy Khang Tăng Khải dịch. Tam danh A Di Đà Kinh, dữ kim kinh đồng danh, Ngô Chi Khiêm dịch.

          ()二名無量壽經,曹魏康僧鎧譯。三名阿彌陀經,與今經同名,吳支謙譯。

          (Sớ: Bản thứ hai có tên là Vô Lượng Thọ Kinh, do ngài Khang Tăng Khải dịch vào thời Tào Ngụy. Bản dịch thứ ba tên là A Di Đà Kinh, có cùng tên với kinh này, do ngài Chi Khiêm[2] dịch vào đời Ngô).

           Ngô là Đông Ngô, Tào Ngụy đều là thời đại Tam Quốc.

          (Sớ) Tứ danh Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh, Tống Pháp Hiền dịch.

          () 四名無量壽莊嚴經,宋法賢譯。

          (Sớ: Bản thứ tư tên là Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh, do ngài Pháp Hiền[3] dịch vào đời Tống).

          Đây là nhà Triệu Tống[4], sau nhà Đường là nhà Tống, Triệu Khuông Dận làm hoàng đế của triều đại này.

          (Sớ) Ngũ xuất Bảo Tích đệ thập bát kinh, danh Vô Lượng Thọ Như Lai Hội, Nguyên Ngụy Bồ Đề Lưu Chí dịch.

          ()五出寶積第十八經,名無量壽如來會,元魏菩提流志譯。

          (Sớ: Bản thứ năm trích từ quyển mười tám của kinh Bảo Tích, có tên là Vô Lượng Thọ Như Lai Hội, do ngài Bồ Đề Lưu Chí dịch vào thời Nguyên Ngụy).

          Quyển thứ mười tám của kinh Đại Bảo Tích là Vô Lượng Thọ Như Lai Hội, có ý nghĩa hoàn toàn giống với kinh Vô Lượng Thọ. Vương triều Nguyên Ngụy[5] thuộc thời đại Nam Bắc triều, do Thác Bạt Khuể thành lập. Đây là năm loại bản dịch trực tiếp từ Phạn văn, là bản dịch từ nguyên văn.

          (Sớ) Lục danh Phật Thuyết Đại A Di Đà Kinh, Tống Long Thư cư sĩ Vương Nhật Hưu giả.

          () 六名佛說大阿彌陀經,宋龍舒居士王日休者。

(Sớ: Bản thứ sáu mang tên Phật Thuyết Đại A Di Đà Kinh, do cư sĩ Long Thư Vương Nhật Hưu đời Tống).

          Thứ sáu là bản hội tập do cư sĩ Vương Long Thư (Vương Nhật Hưu) đời Tống hội tập. Long Thư là địa danh, hiện nay là Thư Thành thuộc tỉnh An Huy. [Vương Nhật Hưu được] gọi là Long Thư là do người đời sau tôn xưng ông ta. Vị cư sĩ này cả đời học Phật, hoàn cảnh gia đình khá giả, sau khi đậu Tiến Sĩ, không ra làm quan, có công danh, nhưng không làm quan. Gia cảnh khá giả, sống thoải mái, chuyên tu Tịnh Độ. Ông ta đã dùng mấy bản dịch thời cổ, nhưng chỉ đọc bốn bản dịch, chưa đọc kinh Bảo Tích, hội tập bốn thứ bản dịch, biên soạn thành một bản mới, nay chúng ta gọi là Đại A Di Đà Kinh, [bản ấy] do cư sĩ Long Thư biên soạn. Bản biên tập này vẫn chưa hoàn toàn lý tưởng, người đời sau phê bình ông ta cũng rất nhiều. Có người nói khi ông biên tập kinh này, đại khái thuộc độ tuổi trung niên, cũng tức là nói ông ta biên tập khi công phu tu hành của chính mình vẫn chưa thành tựu. Cuốn Long Thư Tịnh Độ Văn thật sự lỗi lạc, đó là tác phẩm [do ông Vương] viết vào lúc tuổi già. Chính ông ta đứng vãng sanh, biết trước lúc mất, không ngã bệnh. Có thể thấy ông ta vãng sanh phẩm vị chắc chắn chẳng thấp. Đây là một vị tại gia cư sĩ, suốt đời niệm A Di Đà Phật.

          (Sớ) Tổng thủ tiền chi tứ dịch, tham nhi hội chi. Duy trừ Bảo Tích, bỉ sở vị cập.

          () 總取前之四譯 ,參而會之 。唯除寶積 彼所未

及。

          (Sớ: Đã gộp chung bốn bản dịch đầu tiên để tham khảo, hội tập. Chỉ trừ bản dịch trong kinh Bảo Tích là chưa dùng đến).

          Tham khảo rồi hội tập. Ông ta chỉ dùng bốn bản dịch gốc để soạn thành bản hội tập.

          (Sớ) Nhiên thượng ngũ dịch, hỗ hữu dị đồng. Hán Ngô nhị dịch, tứ thập bát nguyện, chỉ tồn kỳ bán, vi nhị thập tứ, kỳ dư văn trung, đại đồng tiểu dị.

          () 然上五譯 ,互有異同 。漢吳二譯 ,四十八願

止存其半,為二十四,其餘文中,大同小異。

          (Sớ: Nhưng trong năm bản dịch ấy, có những chỗ giống nhau và khác biệt. Trong hai bản dịch thuộc đời Hán và Ngô, bốn mươi tám nguyện chỉ còn một nửa, tức là hai mươi bốn nguyện. Những phần kinh văn khác, chỉ khác biệt đôi chút).

          Bản Hán dịch là Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh, bản Ngô dịch là A Di Đà Kinh. Đối với bốn mươi tám nguyện, bản Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh và bản A Di Đà Kinh do ngài Chi Khiêm dịch đều là hai mươi bốn nguyện. Các bản dịch của Khang Tăng Khải và Pháp Hiền đều là bốn mươi tám nguyện. Đối với bản hội tập của cư sĩ Hạ Liên Cư, quý vị mở xem phần kinh văn hai mươi bốn nguyện [sẽ thấy] vốn là bốn mươi tám nguyện. Trong một nguyện, [nhiều khi] cụ đã gộp hai hay ba nguyện lại. Trên thực tế, hai mươi bốn nguyện và bốn mươi tám nguyện nội dung hoàn toàn tương đồng, chỉ là những điều mục được gộp vào hay tách ra khác nhau mà thôi. Do vậy, bản hội tập của cư sĩ Hạ Liên Cư hay hơn bản do Vương Long Thư biên soạn, hay hơn cả mấy bản dịch gốc, đúng là đã biên tập những chỗ tinh hoa trong các bản dịch cổ, biên tập vô cùng khéo. Nay chúng ta đang dùng bản này.

          (Sớ) Vương thị sở hội, giảo chi ngũ dịch, giản dị minh hiển, lưu thông kim thế, lợi ích thậm đại.

        ()王氏所會,較之五譯,簡易明顯,流通今世,利益甚大。

          (Sớ: Bản hội tập của họ Vương, so với năm bản dịch gốc, đơn giản, dễ đọc, rõ ràng, được lưu thông trong hiện thời, có lợi ích rất lớn).

                   Đây là cái nhìn của Liên Trì đại sư trong đời Minh, có thể thấy thuở ấy, bản Đại A Di Đà Kinh do cư sĩ Long Thư biên tập rất được người khác hoan nghênh.

          (Sớ) Đản kỳ bất diêu Phạn bổn, duy chước Hoa văn, vị thuận dịch pháp.

          () 但其不繇梵本,唯酌華文,未順譯法。

          (Sớ: Nhưng bản ấy chẳng phát xuất từ [chánh kinh bằng] tiếng Phạn, chỉ châm chước từ những bản tiếng Hán, chưa theo đúng cách dịch thuật).

          Ông ta không phiên dịch từ nguyên bản tiếng Phạn, mà chỉ dùng bốn bản dịch tiếng Hán để biên tập thành một bản mới mà thôi!

          (Sớ) Nhược dĩ Phạn bổn trùng phiên nhi thành lục dịch, tức vô nghị hỹ.

          () 若以梵本重翻而成六譯,即無議矣。

          (Sớ: Nếu dùng bản tiếng Phạn để dịch lại thành bản dịch thứ sáu, sẽ chẳng có ai dị nghị).

                     Mọi người sẽ chẳng tranh cãi với ông ta.

          (Sớ) Cố bỉ bất ngôn dịch, nhi ngôn giảo chánh dã.

          () 故彼不言譯而言校正也。

          (Sớ: Vì thế, ông ta không nói là dịch, mà nói là giảo chánh).

          Cư sĩ Vương Long Thư rất khiêm hư, không nói là phiên dịch, mà nói là “giảo chánh”, tức là gộp mấy phiên bản lại để chỉnh lý.

           (Sớ) Hựu kỳ trung khứ thủ cựu văn, diệc hữu vị tận.

          () 又其中去取舊文,亦有未盡。

          (Sớ: Hơn nữa, trong bản hội tập, việc chọn lựa để bỏ đi, hay giữ lại những câu kinh văn từ các bản dịch cổ cũng chưa trọn vẹn).

          Đây là những chỗ phê bình đối với [bản hội tập của] ông ta; nói cách khác, ông ta đã bỏ sót những chỗ trọng yếu, đáng tiếc quá!

          (Sớ) Như tam bối vãng sanh.

          () 如三輩往生。

          (Sớ: Như trong phần ba bậc vãng sanh).

                   Đây là một đoạn kinh văn rất trọng yếu, giảng về ba bậc vãng sanh.

          (Sớ) Ngụy dịch.

          () 魏譯。

          (Sớ: Bản dịch đời Ngụy).

           Tức là bản của ngài Khang Tăng Khải.

          (Sớ) Giai viết phát Bồ Đề tâm.

          () 皆曰發菩提心。

          (Sớ: [Đối với cả ba bậc] đều nói là “phát Bồ Đề tâm”).

          Đối với vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, phát Bồ Đề tâm rất trọng yếu. 

          (Sớ) Nhi Vương thị duy trung bối phát Bồ Đề tâm, hạ viết bất phát, thượng cánh bất ngôn, tắc cao hạ thất thứ.

          ()而王氏唯中輩發菩提心,下曰不發,上竟不言,則高下失次。

          (Sớ: Nhưng ông Vương chỉ nói bậc Trung phát Bồ Đề tâm, bậc Hạ chẳng phát, còn bậc Thượng hoàn toàn chẳng nhắc tới. Đấy chính là đã đánh mất thứ tự cao thấp).

          Đây là chỗ thiếu hoàn mỹ của ông ta. Trong bản dịch của ngài Khang Tăng Khải, các bậc đều phải phát Bồ Đề tâm, vì Tây Phương Cực Lạc thế giới là Đại Thừa Phật pháp; chẳng phát Bồ Đề tâm sẽ không tương ứng với Tây Phương Tịnh Độ. Vì thế, phát Bồ Đề tâm rất trọng yếu. [Trong bản hội tập của ông Vương], thượng phẩm không nhắc tới, văn tự bị thiếu sót, trung phẩm thì có, trong phần hạ phẩm, ông ta bảo “chẳng phát”. Đây là chỗ bị người khác phê bình, bảo là “cao hạ thất thứ” (đánh mất thứ tự cao thấp). Nếu coi “chẳng phát Bồ Đề tâm” là cao, mà do hạ phẩm chẳng phát, [vậy thì lẽ ra hạ phẩm] phải cao hơn trung phẩm, đây là thứ tự điên đảo. Nếu coi phát Bồ Đề tâm là cao, mà [trong phần kinh văn] thượng phẩm lại mơ hồ chẳng nói. Đây cũng là chỗ khiến cho người ta nghi hoặc.

          (Sớ) Thả văn trung đa thiện căn, toàn tại phát Bồ Đề tâm, nhi tam bối bất đồng, đồng nhất phát tâm, chánh vãng sanh yếu chỉ, nãi phản lược chi, cố vân vị tận.

          ()且文中多善根,全在發菩提心,而三輩不同,同一發心,正往生要旨,乃反略之,故云未盡。

          (Sớ: Hơn nữa, “nhiều thiện căn” [như đã được nói] trong kinh văn hoàn toàn do phát Bồ Đề tâm, tuy ba bậc khác nhau, nhưng đều giống nhau ở chỗ phát tâm, đấy chính là tông chỉ trọng yếu trong vãng sanh, mà ông ta lại ngược ngạo gạt bỏ, cho nên nói là “chưa trọn vẹn”).

           Điều này có nghĩa là như cổ nhân đã nói: “Tuy hay khéo lắm, nhưng chưa trọn vẹn!” Chưa thể đạt đến tận thiện tận mỹ, nên bản này có khuyết điểm, sai sót. Đây là một ví dụ rất rõ rệt. Ở đây nêu rõ: Cả ba bậc đều cùng phát tâm. Đây là điều kiện vãng sanh trọng yếu nhất, nhất định phải “phát Bồ Đề tâm”. Ông ta tỉnh lược đi, đó là chuyện rất đáng tiếc!

          (Sớ) Nhiên kim Sớ Sao sở dẫn, nghĩa tắc kiêm thâu ngũ dịch, ngữ tắc đa tựu Vương văn.

          () 然今疏鈔所引,義則兼收五譯,語則多就王文。

          (Sớ: Nhưng nay những phần kinh Vô Lượng Thọ được trích dẫn trong bản Sớ Sao này, ý nghĩa bao gồm cả năm bản dịch gốc, nhưng kinh văn phần nhiều trích theo bản của ông Vương).

          Trong bản Sớ Sao do Liên Trì đại sư biên soạn có những phần trích dẫn, Ngài giải thích: Những ý nghĩa ấy chủ yếu dựa theo năm thứ bản dịch gốc của kinh Đại Bổn, nhưng kinh văn trích dẫn, đa phần chọn lựa từ bản của ông Vương Long Thư. Ông Vương Long Thư giỏi văn chương, văn chương khéo léo [nên Tổ dùng bản ấy để trích dẫn kinh văn], nhưng [luận định] nghĩa lý thì luôn tuân thủ năm bản dịch gốc từ thời cổ. Vì thế, cái hay của Sớ Sao là ở chỗ này! Có thể nói: Đọc bộ Sớ Sao là đọc toàn bộ tất cả kinh luận của Tịnh Độ Tông, vì toàn bộ đều được trích dẫn. Không chỉ trích dẫn năm bản dịch ấy, mà Quán Kinh, Cổ Âm Vương Kinh, Bi Hoa Kinh thảy đều trích dẫn. [Ngay cả những kinh] không phải đồng bộ, mà cũng chẳng phải đồng loại như kinh Hoa Nghiêm và kinh Pháp Hoa, thảy đều được trích dẫn. Do vậy, Sớ Sao quả thật mênh mông, to lớn, tinh tường, sâu xa. Đấy là lời tán thán của Ngẫu Ích đại sư. Nói cách khác, học Phật không chỉ là học Tịnh Độ Tông, quý vị đọc Sớ Sao mà thật sự đọc thông suốt thì tất cả các tông phái khác cũng đều thông suốt, vì [kinh điển của các tông phái khác] Ngài đã đều trích dẫn rồi! Đối với chúng ta hiện thời mà nói, bộ sách này càng đúng là lợi ích chẳng thể nghĩ bàn!

          (Sớ) Dĩ Vương bổn thế sở thông hành, nhân tập kiến cố.

          () 以王本世所通行,人習見故。

          (Sớ: Do bản của ông Vương phổ biến trong cõi đời, người ta đã quen thấy).

          Chọn văn tự của Vương Long Thư có cái lợi là mọi người [cảm thấy] quen thuộc.

          (Sớ) Dư ngũ gián thủ.

          () 餘五間取。

          (Sớ: Đôi khi chọn từ năm bản dịch gốc).

           Đôi khi cũng phải chọn từ năm bản dịch cổ.

          (Sớ) Nhi khái dĩ Đại Bổn tiêu chi, cố thượng lục chủng giai danh Đại Bổn.

          () 而槩以大本標之,故上六種皆名大本。

          (Sớ: Nhưng đều gọi chung là Đại Bổn, bởi cả sáu bản trên đây đều được gọi là Đại Bổn).

                     Trong Sớ Sao, hễ nhắc đến Đại Bổn, [thì danh xưng Đại Bổn] bao gồm sáu thứ này. Sáu thứ này đều được gọi là Đại Bổn; nhưng rốt cuộc chọn lấy bản nào thì nhất định phải là bản mà chính quý vị cảm thấy thân thuộc nhất. Khi không quen, quý vị sẽ tìm không được, sẽ chẳng biết là bản nào!

          (Sớ) Kim thử kinh giả, danh vi Tiểu Bổn.

          () 今此經者,名為小本。

          (Sớ: Nay kinh này được gọi là Tiểu Bổn).

                     Kinh A Di Đà do Cưu Ma La Thập đại sư phiên dịch được gọi là Tiểu Bổn.

          (Sớ) Văn hữu phồn giản, nghĩa vô thắng liệt.

          () 文有繁簡,義無勝劣。

          (Sớ: Kinh văn chi tiết hay đơn giản, nhưng ý nghĩa chẳng hơn kém).

                     Hai câu này rất trọng yếu. “Văn hữu phồn giản”: Văn tự có dài hay ngắn, kinh Vô Lượng Thọ văn tự nhiều, kinh văn dài. Kinh văn của kinh Di Đà ngắn, nhưng “nghĩa vô thắng liệt” (ý nghĩa chẳng hơn kém), nội dung như nhau, ý nghĩa hoàn toàn như nhau. Do vậy, hai bộ kinh này thuộc loại đồng bộ, giống nhau, một kinh giảng tỉ mỉ, kinh kia giảng tỉnh lược một chút.

          Nhị, minh loại

          二、明類。

          (Thứ hai là nói về loại).

          Đoạn thứ hai giảng về “loại”. Loại là chẳng cùng bộ.

          (Huyền nghĩa) Nhị, minh loại giả, tự hữu tam chủng: Nhất Quán Kinh, nhị Cổ Âm Vương Kinh, tam Hậu Xuất A Di Đà Kệ Kinh.

          (玄義) 二、 明類者, 自有三種: 一觀經, 二鼓音王

經,三後出阿彌陀偈經。

          (Huyền Nghĩa: Hai, nói về loại thì có ba thứ: Một là Quán Kinh, hai là Cổ Âm Vương Kinh, ba là Hậu Xuất A Di Đà Kệ Kinh).

          Đây là ba bản khác nhau.

          (Sớ) Loại giả, bất đồng kỳ bộ, nhi đồng kỳ loại. Như tùng côn đệ, tuy bất đồng phụ, nhi đồng kỳ tổ, diệc danh tỷ kiên, tương vi đẳng di, cố viết đồng loại.

          () 類者, 不同其部, 而同其類。 如從昆弟, 雖不

同父,而同其祖,亦名比肩,相為等夷,故曰同類。

          (Sớ: “Loại” là chẳng cùng bộ, mà cùng loại. Như anh em họ, tuy chẳng cùng một cha, nhưng có cùng một tổ, cũng gọi là “ngang vai vế”, cùng là ngang hàng, nên gọi là “đồng loại”).

          “Đồng bộ” giống như cùng một người, hoàn toàn tương đồng. “Đồng loại”: Tuy không phải là cùng một người, nhưng giống như anh em họ, tuy không có cùng một cha, nhưng có cùng một ông nội. Quan hệ “đồng loại” cũng hết sức mật thiết.

          (Sớ) Quán Kinh giả, Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh.

          () 觀經者,觀無量壽佛經。

          (Sớ: Quán Kinh là Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh).

                   Tuy mục tiêu cũng là vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, nhưng phương pháp tu hành khác nhau, kinh này dùng phương pháp quán tưởng.

          (Sớ) Cụ đàm thập lục diệu môn.

          () 具談十六妙門。

          (Sớ: Giảng trọn vẹn mười sáu phép Quán mầu nhiệm).

          Có mười sáu phép Quán.

(Sớ) Nhất Tâm Tam Quán, tường bổn Sớ Sao.

() 一心三觀,詳本疏鈔。

(Sớ: Nhất Tâm Tam Quán được giảng chi tiết trong cuốn Sớ Sao của kinh ấy).

          Chữ “bổn Sớ Sao” chỉ Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Sớ Sao. Nói theo lý luận Tịnh Độ, bộ kinh ấy cũng rất trọng yếu.

          (Sớ) Cổ Âm Vương Kinh giả, Phật tại Chiêm Ba đại thành, Già Già linh trì, dữ tỳ-kheo bách nhân thuyết. Trung vân: “Nhược hữu tứ chúng, thọ trì A Di Đà Phật danh hiệu, lâm mạng chung thời, Phật dữ thánh chúng, tiếp dẫn vãng sanh” đẳng.

          () 鼓音王經者, 佛在瞻波大城, 伽伽靈池 與比

丘百人說。中云:若有四眾,受持阿彌陀佛名號,臨命終時,佛與聖眾,接引往生等。

          (Sớ: Cổ Âm Vương Kinh[6]: Đức Phật ngự tại đại thành Chiêm Ba (Campaka), nơi ao thiêng Già Già, giảng cho một trăm vị tỳ-kheo. Trong ấy có đoạn nói: “Nếu có tứ chúng thọ trì danh hiệu của A Di Đà Phật, khi lâm chung, Phật và thánh chúng sẽ tiếp dẫn vãng sanh” v.v…)

          Cách nói này hoàn toàn chẳng khác gì Đại Bổn và kinh này. Vì thế, nó và kinh này cũng là đồng loại, đều nhằm khuyên con người vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới .

          (Sớ) Hậu Xuất Kệ Kinh giả, thỉ chung duy kệ, thị già đà bộ.

          () 後出偈經者,始終唯偈,是伽陀部。

          (Sớ: Hậu Xuất Kệ Kinh là từ đầu đến cuối đều là kệ, thuộc loại Già-đà).

Kệ Kinh từ đầu đến cuối là kệ tụng. “Già-đà” (Gāthā) là Cô Khởi Tụng, nhằm phân biệt không phải là Trùng Tụng (Geya).

          (Sớ) Trung vân: “Phát nguyện dụ chư Phật, thệ nhị thập tứ chương”.

          () 中云:發願喻諸佛,誓二十四章。

          (Sớ: Trong ấy có đoạn: “Phát nguyện vượt chư Phật, lời thề hăm bốn chương”).

           Có cùng số chữ với Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh.

          (Sớ) Nguyện chỉ tồn bán, dữ Hán Ngô nhị dịch đồng, nhi tứ thập bát nguyện, tự cổ cập kim, truyền dương dĩ cửu, nhị thập tứ giả, hoặc Phạn bổn khuyết lược, vị khả tri dã.

          () 願止存半 ,與漢吳二譯同 ,而四十八願 自古

及今,傳揚已久,二十四者,或梵本缺略,未可知也。

          (Sớ: Nguyện chỉ còn một nửa, giống với hai bản dịch đời Hán và đời Ngô, nhưng bốn mươi tám nguyện từ xưa đến nay được lưu truyền, hoằng dương đã lâu. Hai mươi bốn nguyện có thể là do bản tiếng Phạn bị thiếu sót không chừng!)

          Đối với chuyện này, Liên Trì đại sư chẳng khảo chứng cặn kẽ.

          (Sớ) Hoặc vấn: Cổ Âm diệc thuyết trì danh, vân hà bất dữ kim kinh đồng bộ?

          () 或問,鼓音亦說持名,云何不與今經同部。

          (Sớ: Có kẻ hỏi: Kinh Cổ Âm Thanh Vương cũng nói đến trì danh, cớ sao chẳng phải là đồng bộ với kinh này?)

           Câu hỏi này hay lắm! Trích dẫn từ Cổ Âm Vương Kinh trong đoạn kinh văn này, quả thật là dạy chúng ta trì danh niệm Phật, đáng lẽ phải là cùng bộ, vì lẽ gì phân định là đồng loại, chẳng phải là đồng bộ?

          (Sớ) Đáp: Dĩ hữu chú cố. Bỉ kinh tuy thuyết trì danh, trọng trì chú cố.

          () 答:以有咒故。彼經雖說持名,重持咒故。

          (Sớ: Đáp: Do có thần chú. Kinh ấy tuy nói đến trì danh, nhưng coi trọng trì chú).

          Trong kinh ấy có chú, đặc biệt nhấn mạnh trì chú. Có lẽ cũng có đồng tu hoài nghi, vì sao cùng khuyên cầu sanh Tịnh Độ, mà đức Phật nói nhiều phương pháp ngần ấy? Ở đây, phải hiểu: Đức Phật thuyết pháp ứng cơ, giống người Trung Quốc tuyệt đại đa số thích trì danh, thích niệm danh hiệu Phật; nhưng ở những nơi khác như Tây Tạng, Ni Bạc Nhĩ (Nepal), Tây Khang[7], còn có người ngoại quốc, có rất nhiều người thích trì chú. Thích trì chú bèn dạy quý vị trì chú; ưa trì danh bèn dạy quý vị trì danh; chuộng quán tưởng bèn dạy quý vị quán tưởng. Đức Phật ứng cơ thuyết pháp, chúng ta phải hiểu điều này! Phương pháp khác nhau, nhưng nhất định đạt tới mục đích tương đồng. Nhưng trong tất cả các phương pháp, nếu quý vị so sánh đôi chút thì trì danh thuận tiện và dễ dàng nhất, vẫn là đơn giản và dễ dàng hơn trì chú. Xét về hiệu quả, thưa quý vị, càng đơn giản càng đắc lực.

          Theo Trúc Song Tùy Bút của Liên Trì đại sư, có người hỏi Ngài: “Ngài dạy người khác niệm Phật như thế nào?” Ngài đáp: “Dạy người khác niệm Phật sáu chữ Nam-mô A Di Đà Phật”. Người ta bèn hỏi Ngài: “Chính lão nhân gia thì niệm theo cách nào?” “Niệm bốn chữ A Di Đà Phật”. Khác nhau! Người ta hỏi: “Vì sao Ngài dạy người khác niệm sáu chữ, chính mình niệm bốn chữ?” Ngài nói: “Bản thân tôi trong một đời này tâm nguyện quyết định muốn cầu sanh Tịnh Độ. Vì thế, chấp trì danh hiệu bốn chữ, đơn giản mà! Dạy người khác, chưa chắc họ đã có tâm nguyện ấy, chưa chắc phát nguyện vãng sanh trong một đời này. Vì thế, thêm vào Nam-mô sẽ tốt hơn một chút”. Nam-mô có nghĩa là cung kính hay quy y. “Nam-mô A Di Đà Phật” dịch nghĩa sang tiếng Hán là “quy y A Di Đà Phật” hay “cung kính A Di Đà Phật”, thêm vào lời lẽ khách sáo! Nếu chính Ngài đã quyết định muốn cầu sanh Tịnh Độ trong một đời này, những chữ khách sáo đều khỏi nhắc tới, bỏ sạch, quyết định vãng sanh mà! Nếu chính mình tâm sanh tử chẳng thiết tha, thêm Nam-mô sẽ tốt hơn. Nếu trong một đời này, thật sự mong vãng sanh thế giới Cực Lạc, hãy học theo Liên Trì đại sư, càng đơn giản càng đắc lực. Do lúc lâm chung, một niệm cuối cùng càng đơn giản càng tốt, quá dài, quá rườm rà, e rằng cho đến lúc ấy sẽ chẳng đắc lực, phiền lắm!

          Do đây biết rằng: Phương pháp trì danh này, tại Trung Quốc hơn một nghìn năm qua, lịch đại tổ sư cực lực đề xướng là rất có lý. Các Ngài không đề xướng trì chú, không đề xướng quán tưởng, chuyên môn đề xướng trì danh, trong ấy có đạo lý rất sâu. Nương theo pháp môn này tu hành, người thành tựu, người vãng sanh trong các đời vô số như trong Vãng Sanh Truyện đã ghi chép, đó chỉ là chép một, bỏ sót cả vạn, [những trường hợp vãng sanh] không được ghi chép rất nhiều, được ghi chép rất ít.

          Tam, phi bộ phi loại.

          (Huyền Nghĩa) Tam, minh phi bộ loại giả, đới thuyết Tịnh Độ.

          三、非部非類。

(玄義) 三、明非部類者,帶說淨土。

          (Ba là chẳng phải bộ mà cũng chẳng phải loại.

          Huyền Nghĩa: Ba, nói về chẳng phải bộ mà chẳng phải loại là nói kèm thêm về Tịnh Độ).

                   Đây là giảng kèm thêm!

          (Huyền Nghĩa) Như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, cập Khởi Tín đẳng.

          (玄義) 如華嚴法華,及起信等。

          (Huyền Nghĩa: Như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, và Khởi Tín v.v…)

           Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Khởi Tín Luận v.v… những kinh luận như vậy rất nhiều, gần như có một, hai trăm loại!

          (Huyền Nghĩa): Hựu phi bộ loại, nhi trung thuyết chuyên trì danh hiệu, như Văn Thù Bát Nhã.

          (玄義) 又非部類,而中說專持名號,如文殊般若。

          (Huyền Nghĩa: Lại nữa, trong các thứ chẳng phải bộ loại, có loại chuyên nói đến trì danh hiệu như kinh Văn Thù Bát Nhã).

          Trong kinh Văn Thù Bát Nhã cũng có [nói tới phương pháp trì danh]. Đây là nói về “phi bộ phi loại”.

          (Sớ) Đới thuyết giả, chư đồng bộ đồng loại chi ngoại, phục hữu chư kinh, tuy bất chuyên đàm Tịnh Độ, kỳ trung đới cập khuyến tán vãng sanh dã.

          ()帶說者,諸同部同類之外,復有諸經,雖不專談淨土,其中帶及勸讚往生也。

          (Sớ: “Nói kèm”: Ngoài các kinh đồng bộ, đồng loại, còn có các kinh tuy chẳng chuyên giảng về Tịnh Độ, nhưng trong ấy có kèm thêm khuyên lơn, ca ngợi vãng sanh).

          Đây là một loại.

          (Sớ) Hoa Nghiêm, như Hạnh Nguyện Phẩm, ký minh thập đại nguyện vương, nhi mạt ngôn dĩ thử thập nguyện đạo quy Cực Lạc thị dã.

          ()華嚴,如行願品,既明十大願王,而末言以此十願導歸極樂是也。

          (Sớ: Hoa Nghiêm thì như trong phẩm Hạnh Nguyện giảng về mười đại nguyện vương, cuối cùng nói: Dùng mười nguyện này dẫn về Cực Lạc. Đó là [nói kèm]).

           Đây là nói tới kinh Hoa Nghiêm. Nói tới kinh Hoa Nghiêm và kinh Pháp Hoa, ý nghĩa này rất sâu, vì cả một đời Thích Ca Mâu Ni Phật giảng kinh, thuyết pháp, bộ kinh được giảng đầu tiên là kinh Hoa Nghiêm, cuối cùng giảng kinh Pháp Hoa, nói tới kinh giảng lần đầu, và nói tới kinh giảng cuối cùng, hết thảy các kinh đều được bao quát vào giữa. Các kinh luận đã được nói trong khoảng ấy, đã nói kèm về Tịnh Độ rất nhiều; cho nên Ngài đặc biệt nêu ra hai kinh này, một mở đầu, một kết thúc. Nhất là pháp môn Niệm Phật được đề xướng đầu tiên do hai vị Bồ Tát Văn Thù và Phổ Hiền trong hội Hoa Nghiêm. Kinh văn của kinh Hoa Nghiêm đã ghi chép rành mạch, hai vị Bồ Tát này đều phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ. Học trò của ngài Văn Thù là Thiện Tài đồng tử tham học năm mươi ba lần, đến cuối cùng tham phỏng Phổ Hiền Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát dạy cho Thiện Tài mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc. Không chỉ Thiện Tài đồng tử vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, mà bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ trong hội Hoa Tạng, tức Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác, trong mỗi một địa vị chẳng biết có bao nhiêu Bồ Tát, đều cùng Văn Thù, Phổ Hiền vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới.

          Vì thế, đối với kinh Hoa Nghiêm, quý vị thấy xuyên suốt thì nó là kinh gì vậy? Là kinh vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Nói nhiều ngần ấy, đến cuối cùng bèn sang Tây Phương Cực Lạc thế giới. Đây là khải thị tối cao vô thượng mà kẻ nghiên cứu Hoa Nghiêm chẳng thể không biết. Bất luận quý vị học tông nào, phái nào, học kinh gì hay luận gì, đến cuối cùng không gì chẳng quy về Tịnh Độ. Năm mươi ba lần tham học, năm mươi ba vị thiện tri thức, mỗi cá nhân học pháp môn khác nhau. Nói theo cách hiện thời, có Hiển, có Mật, các tông, các phái, cuối cùng toàn bộ đều là cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Chúng ta phải nên hiểu điều này!

          Còn có một điểm phải đặc biệt chú ý, các tông, các phái, Hiển hay Mật, đều cùng tu mười đại nguyện vương, vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới là chỗ quy túc chung. Mười đại nguyện vương là cương lãnh tu hành chung của vô lượng vô biên pháp môn, có cùng một ý nghĩa với Tam Quy Y. Tam Quy Y là quy y “Giác, Chánh, Tịnh”, cho nên nó là tổng cương lãnh tu hành trong Phật môn, mười đại nguyện vương cũng là tổng cương lãnh tu hành. Nếu chúng ta coi Tam Quy Y như Cương, mười đại nguyện vương là Mục, nương theo thập nguyện để tu “Giác, Chánh, Tịnh”. Đây là tổng cương mục tu học của Phật pháp, chúng ta chớ nên không biết!

          Mười đại nguyện vương, thứ nhất là “lễ kính chư Phật”: Bên trong phải chân thành, bên ngoài phải cung kính. Không chỉ học Phật phải tu từ chỗ này, mà đạo làm người trong pháp thế gian cũng thực hiện từ chỗ này. Chưa làm được điều này, những thứ khác chẳng cần phải bàn tới nữa! Giống như xây nhà, nó là nền móng. Nếu nền móng không có, quý vị dựng nhà sao được? Rất trọng yếu! Rất nhiều người niệm Phật, quá ư là nhiều, vãng sanh được mấy? Vì lẽ gì niệm Phật suốt đời vẫn chẳng thể vãng sanh? Chư vị phải nhớ: Người ấy thiếu cơ sở! Trong phần trên đã nói “lễ kính chư Phật” là phát Bồ Đề tâm, Bồ Đề tâm là cái tâm chân thành. Người ấy thiếu Bồ Đề tâm! Trong tâm siểm khúc, cong quẹo, cái tâm bất hảo, đó chẳng phải là tâm học Phật, chẳng phải là tâm thành đạo, đương nhiên cũng không phải là tâm vãng sanh. Vì mỗi cá nhân trong Tây Phương Cực Lạc thế giới tâm địa thanh tịnh, chánh trực; tâm quý vị khác với lòng người của đại chúng trong thế giới Cực Lạc, cho nên dù quý vị mỗi ngày niệm mười vạn tiếng Phật hiệu, cổ đại đức bảo “rách toạc cổ họng cũng uổng công”, chẳng thể vãng sanh. Chúng ta nhất định phải chú ý điều này!

          Chúng ta xử sự, đãi người, tiếp vật phải chân thành, phải cung kính, Nho gia cũng nói tới điều này [bằng thuật ngữ] “thành ý chánh tâm”, cũng nói thực hiện từ chỗ này! Vừa mở sách Lễ Ký ra, [ta thấy câu đầu tiên là] “Khúc Lễ viết: Vô bất kính” (Khúc Lễ nói: Không gì chẳng kính), có dụng ý hoàn toàn giống như nguyện thứ nhất trong mười đại nguyện vương. Chẳng đặt vững nền tảng lễ kính, làm người còn làm chưa tốt đẹp, quý vị còn thành Phật được ư? Đó là chuyện không thể nào xảy ra được! Do vậy, nhất định phải đặt vững nền móng này! 

          (Sớ) Pháp Hoa, như vân tụng tư kinh giả.

          () 法華,如云誦斯經者。

          (Sớ: Như kinh Pháp Hoa nói: “Người tụng kinh này”).

          Đây là nói tới người niệm kinh Pháp Hoa.

          (Sớ) Mạng chung đương sanh A Di Đà Phật Cực Lạc thế giới thị dã.

          () 命終當生阿彌陀佛極樂世界是也。

          (Sớ: Mạng chung sẽ sanh về thế giới Cực Lạc của A Di Đà Phật, đấy là [nói kèm về Tịnh Độ]).

           Trong kinh Pháp Hoa, rành rành là có những đoạn kinh văn nói rõ: “Vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới”, nhưng đoạn kinh văn này khi phiên dịch đã bị bỏ sót, hình như là bài thứ năm hay bài thứ sáu trong phần kệ tụng. Nguyên văn tiếng Phạn của kinh Pháp Hoa nay vẫn còn, đầu thời Dân Quốc, nữ cư sĩ Lã Bích Thành[8] học Phật vô cùng kiền thành, bà ta là giáo sư đại học, rất giỏi tiếng Anh, tiếng Phạn cũng thông thạo, đã nhận thấy đoạn văn này trong nguyên bản kinh Pháp Hoa bằng tiếng Phạn đã bị bỏ sót, bèn dịch ra.

          (Sớ) Khởi Tín, như tiền giáo khởi trung sở minh thị dã.

          () 起信,如前教起中所明是也。

          (Sớ: Luận Khởi Tín thì như trong phần Giáo Khởi Nhân Duyên ở phần trước đã nói rõ).

           Khởi Tín là Khởi Tín Luận, người đọc tụng rất nhiều. Bản thân Mã Minh Bồ Tát (Aśvaghośa) cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ, cho nên Ngài viết Khởi Tín Luận cũng nhằm đề xướng, khuyên người khác cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới.

          (Sớ) Đẳng giả.

          () 等者。

          (Sớ: Những kinh luận giống như vậy).

                     Những kinh luận như vậy quá nhiều!

          (Sớ) Như Quán Phật Tam Muội.

          () 如觀佛三昧。

          (Sớ: Như Quán Phật Tam Muội Kinh).

                     Quán Phật Tam Muội Kinh.

          (Sớ) Thập Trụ Đoạn Kết chư kinh.

          () 十住斷結諸經。

          (Sớ: Các kinh như Thập Trụ Đoạn Kết).

                     Chẳng thể kể xiết! Nếu mỗi thứ đều viết ra hết, sẽ có rất nhiều, đề mục các kinh luận này có hơn một trăm loại.

          (Sớ) Đới thuyết Tịnh Độ, tằng điệp phi nhất, tường như hậu thích văn trung tạp dẫn.

          () 帶說淨土,層疊非一,詳如後釋文中雜引。

          (Sớ: Nói kèm về Tịnh Độ thì tầng lớp chẳng phải là một loại, sẽ được trích dẫn tường tận trong phần giải thích kinh văn ở phần sau).

          Trong Sớ Sao đã dẫn rất nhiều kinh luận giảng về pháp môn Niệm Phật.

          (Sớ) Văn Thù Bát Nhã, tường hậu chấp trì danh hiệu văn trung.

          () 文殊般若,詳後執持名號文中。

          (Sớ: Đối với kinh Văn Thù Bát Nhã, sẽ được giảng giải tường tận trong phần nói về chấp trì danh hiệu ở phía sau).

          Trong đoạn văn giải thích về “chấp trì danh hiệu” của Sớ Sao đã trích dẫn kinh Văn Thù Bát Nhã. Đây là Phật khuyên chúng ta cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ, đặc biệt là pháp môn trì danh.

          Bát, dịch thích tụng trì.

          八、譯釋誦持。

          (Tám là phiên dịch, giải thích, trì tụng).

          Đoạn này nói về sự cảm ứng. “Dịch” là khi phiên dịch, “thích” là khi chú giải hay giảng kinh, “tụng” là đọc thuộc lòng, “trì” là nương theo kinh điển này để tu hành. Nói “tín nguyện trì danh” là y theo phương pháp này để tu hành.

          Sơ minh dịch, nhị minh thích, tam minh tụng, tứ minh trì, ngũ kết khuyến.

          初明譯。二明釋。三明誦。四明持。五結勸。

          (Trước hết là nói về dịch, thứ hai là nói về giải thích, thứ ba nói về tụng, thứ tư nói về trì, thứ năm là kết lại lời khuyên).

          Chia thành năm đoạn.

          Sơ, minh dịch

          (Huyền Nghĩa) Dĩ tri thử kinh, vi bộ, vi loại, tường, lược, đồng, biệt. Vị ủy dịch tự hà thời?

          初、明譯

          (玄義)已知此經,為部為類,詳略同別。未委譯自何時。

          (Thứ nhất, nói về dịch.

          Huyền Nghĩa: Đã biết kinh bộ loại của kinh này có tường tận hay đại lược, giống nhau hay sai khác, nhưng chưa rõ kinh này được dịch từ khi nào?)

           “Ủy” là ủy khuất (委屈)[9].  Kinh này rốt cuộc được phiên dịch lúc

nào? Do nhân duyên gì truyền đến Trung Quốc? Vẫn chưa biết chuyện này, vẫn còn ủy khuất, xin hãy giảng giải rõ ràng, [đoạn văn trên đây] mang ý nghĩa này!

          (Huyền Nghĩa) Phàm hữu kỷ dịch.

          (玄義) 凡有幾譯。

          (Huyền Nghĩa: Có mấy bản dịch).

          Như Đại Bổn có tất cả mười hai bản dịch, nhưng nay trong Đại Tạng Kinh chỉ còn năm bản dịch, những bản dịch khác đều bị thất lạc. Tại Trung Quốc, kể từ đời Tống, Đại Tạng Kinh mới bắt đầu được biên tập, thu thập tất cả kinh điển đã phiên dịch và chú sớ của cổ đức, biên soạn thành một bộ tùng thư (collection). Do trước đây, kinh điển lưu giữ phân tán tại chùa chiền hay trong dân gian, nên rất nhiều thứ bị lạc mất.

          (Huyền Nghĩa) Dĩ chí chú thích xiển dương, độc, tụng, thọ, trì, hữu hà linh nghiệm?

          (玄義) 以至註釋闡揚,讀誦受持,有何靈驗。

          (Huyền Nghĩa: Cho đến chú thích, xiển dương, đọc, tụng, thọ, trì, có những điều linh nghiệm nào?)

                     Các đồng tu học Phật cũng phải biết những điều này nhằm giúp cho chúng ta sanh khởi và tăng trưởng lòng tin.

          (Huyền Nghĩa) Sơ minh dịch giả hữu nhị.

          (玄義) 初明譯者有二。

          (Huyền Nghĩa: Trước hết, nói rõ có hai bản dịch).

          Bộ kinh này có hai bản dịch.

          (Huyền Nghĩa) Nhất danh Phật Thuyết A Di Đà Kinh, tức kim kinh.

          (玄義) 一名佛說阿彌陀經,即今經。

          (Huyền Nghĩa: Một bản tên là Phật Thuyết A Di Đà Kinh, tức kinh này).

          Hiện thời, chúng ta đang dùng bản này, kinh có tựa đề là Phật Thuyết A Di Đà Kinh.

          (Huyền Nghĩa) Diêu Tần Tam Tạng pháp sư Cưu Ma La Thập dịch.

          (玄義) 姚秦三藏法師鳩摩羅什譯。

          (Huyền Nghĩa: Do Tam Tạng pháp sư Cưu Ma La Thập dịch vào thời Diêu Tần).

          Do Cưu Ma La Thập đại sư phiên dịch.

          (Sớ) Diêu Tần giả.

          () 姚秦者。

          (Sớ: Diêu Tần).

          Tần là danh xưng của triều đại. Vì sao phải thêm vào phía trước chữ Diêu? Trong lịch sử Trung Quốc, có bốn vương quốc dùng “Tần” làm quốc hiệu[10], nên phải thêm dòng họ của quốc vương vào trước [quốc hiệu], ta mới biết triều đại Tần nào!

          (Sớ) Châu hữu Doanh Tần.

          () 周有嬴秦。

          (Sớ: Đời Châu có nhà Doanh Tần).

          Tần[11] là một tiểu quốc đời Châu, cũng là thời đại Xuân Thu Chiến Quốc. Sau này, Tần cường thịnh, mở rộng lãnh thổ, Tần Thủy Hoàng thôn tính lục quốc[12], thống nhất Trung Quốc. Do Tần Thủy Hoàng họ Doanh, nên trong lịch sử gọi là Doanh Tần.

          (Sớ) Nam Bắc Triều hữu Phù Tần, Diêu Tần.

          () 南北朝有苻秦、姚秦。

          (Sớ: Thời Nam Bắc Triều có Phù Tần và Diêu Tần).

          Thời Nam Bắc Triều, Phù Kiên ở Quan Trung, [địa phương này] nay thuộc một giải Cam Túc, Thiểm Tây và Hà Nam, thành lập một vương triều xưng là Tần, đây cũng là Phù Tần. Trong cuộc chiến tại Phì Thủy[13], tướng Tạ An và Tạ Huyền của nhà Tấn đã đánh bại Phù Kiên. Diêu Trành là một tướng quân dưới trướng Phù Kiên được vua sai ở lại trấn thủ hậu phương, thấy quốc vương thua trận, liền dấy binh đảo chánh, chiếm giữ Quan Trung, tự xưng vương, nhưng không thay đổi quốc hiệu, trong lịch sử gọi triều đại này là Diêu Tần.

          (Sớ) Kim ngôn Diêu giả, giản phi dư Tần dã.

          () 今言姚者,揀非餘秦也。

          (Sớ: Nay nói là Diêu Tần nhằm phân biệt chẳng phải các nhà Tần khác).

          Chúng ta vừa nhìn liền biết đây là triều đại nào? Đây là thời đại Diêu Tần, lại còn là đời vua thứ hai của nhà Diêu Tần. Diêu Trành đã chết, con ông ta là Diêu Hưng kế vị. [Kinh này dịch] dưới thời Diêu Hưng.

          (Sớ) Tam Tạng giả, thông kinh, luật, luận, kiêm thiện Hoa Phạn cố.

          () 三藏者,通經律論,兼善華梵故。

          (Sớ: Tam Tạng là thông hiểu kinh, luật, luận, lại còn thông thạo tiếng Hán lẫn tiếng Phạn).

Người như thế gọi là “Tam Tạng pháp sư” (Tripitakācārya), vị pháp sư này vô cùng nổi tiếng, Ngài nói tiếng Hán rất khá, đương nhiên là hết sức thông đạt Phạn văn; cho nên dịch kinh vô cùng thích hợp khẩu vị của người Hoa.

          (Sớ) Pháp sư giả, Phật pháp sở thuộc, diễn dương hối chúng, vi biểu phạm cố.

          () 法師者,佛法所屬,演揚誨眾,為表範故。

          (Sớ: Pháp sư là người diễn giải, hoằng dương Phật pháp, dạy bảo đại chúng, nêu gương mẫu).

           “Biểu” (表) là sư biểu (師表: Bậc thầy gương mẫu), “phạm” là mô phạm (模範: khuôn phép). Ngài thông đạt Phật pháp, có thể giảng giải, hướng dẫn chúng ta tu hành, nêu gương, làm khuôn phép cho chúng ta, nên chúng ta tôn xưng Ngài là “pháp sư”. Vì thế, danh xưng “pháp sư” này chẳng dễ đảm đương cho lắm! Nếu quý vị làm không được, người ta gọi quý vị là pháp sư, nói thật ra, đó là chửi người đấy! Chúng ta phải hiểu rõ điều này. Nếu bản thân chúng ta làm không được, người khác tôn kính gọi ta là pháp sư, hay hòa thượng, hãy nên sanh tâm hổ thẹn; nói thật ra là chẳng gánh vác nổi! Vì thế, các đồng tu xuất gia nhất định phải nỗ lực, phải thật sự phát phẫn, danh phù hợp thực, sẽ chẳng mắc tội lỗi! Nếu không, người ta gọi quý vị một tiếng, sẽ thành một tội nặng; gọi hai tiếng sẽ là hai tội nặng! Trong một đời này, ta chẳng làm tội nghiệp gì, đến sau này, khi vua Diêm La tống quý vị vào địa ngục, quý vị vẫn kêu oan uổng! Thật ra, cũng chẳng oan uổng tí nào! Mỗi một tiếng là tăng thêm tội này trên thân; thật đấy, chẳng giả tí nào! Giống như người thế gian, ta phát tâm làm thầy đi dạy học, kết quả là suốt đời cũng chẳng dạy một đứa học trò nào, chẳng lên lớp bữa nào, người ta vừa thấy mặt bèn nói: “Thầy ơi! Thầy ơi!” Người ấy có tội lỗi hay chăng? Có tội! Thật đấy, chẳng giả đâu!

          (Sớ) Cưu Ma La Thập giả.

          () 鳩摩羅什者。

          (Sớ: Cưu Ma La Thập).

          Đây là tên họ của một người.

          (Sớ) Phạn ngữ cụ vân Cưu Ma La Kỳ Bà Thập.

          () 梵語具云鳩摩羅耆婆什。

          (Sớ: Tiếng Phạn nói đầy đủ là Cưu Ma La Kỳ Bà Thập).

          Đây là dịch âm tiếng Phạn [Kumārajīva], người Hoa chuộng đơn giản, giảm bớt những chữ có âm nhẹ, nên gọi là Cưu Ma La Thập. Có khi còn tỉnh lược hơn nữa, gọi Ngài là La Thập.

          (Sớ) Thượng ngũ tự, thử vân Đồng Thọ.

          () 上五字,此云童壽。

          (Sớ: Năm chữ trên đây được cõi này dịch là Đồng Thọ).

            “Đồng” (童) là đồng tử (童子), tuổi rất nhỏ, đứa bé con. “Thọ” (壽)  là cụ già.  Tuy giống như đứa con nít,  còn thuộc tuổi trẻ con, mà trí

huệ và hàm dưỡng, cử chỉ của Ngài đều giống như một người trưởng thành. Vì thế, mọi người gọi Ngài bằng danh xưng này. Quả thật, Ngài rất lỗi lạc, đây là bậc tái lai, là Bồ Tát tái lai.

          (Sớ) Thập giả, thâm thiện thử phương văn tự chi thập.

          () 什者,深善此方文字之什。

          (Sớ: “Thập”: Mười phần thông hiểu sâu xa văn tự phương này).

          Đối với ngữ văn Trung Hoa rất thông đạt.

          (Sớ) Hoa Phạn hợp cử, xưng La Thập dã.

       () 華梵合舉,稱羅什也。

          (Sớ: Gộp chung cả tiếng Hán lẫn tiếng Phạn nên gọi là La Thập).

          Thật ra, tên thật sự của Ngài là Cưu Ma La Kỳ Bà, Thập (什)[14] là danh hiệu do người Hoa tặng cho Ngài. Ngài hết sức thông đạt ngữ văn tiếng Hán.

          (Sớ) Dịch giả, dịch dã, dịch Phạn thành Hoa dã.

          () 譯者,易也,易梵成華也。

          (Sớ: Dịch là thay đổi, tức là chuyển từ tiếng Phạn sang tiếng Hán).

           Đó là phiên dịch, đem Phạn văn chuyển thành tiếng Hán.

          (Sớ) Châu Lễ, chưởng tứ phương chi ngữ, các hữu kỳ quan, Bắc phương viết Dịch, kim kinh tự Tây lai, nhi ngôn Dịch giả, Hán chi Bắc quan, kiêm thiện Tây ngữ, Ma Đằng thỉ chí, toại xưng vi Dịch, kim nhưng chi dã.

          () 周禮, 掌四方之語, 各有其官, 北方曰譯,

經自西來,而言譯者,漢之北官,兼善西語,摩騰始至,遂稱為譯,今仍之也。

          (Sớ: Theo Châu Lễ, chưởng quản ngôn ngữ bốn phương, mỗi phương đều có một chức quan. Viên quan trông nom việc giao tiếp bằng ngôn ngữ ở phương Bắc được gọi là Dịch. Nay kinh này từ phương Tây truyền sang mà gọi là Dịch vì chức quan ở phương Bắc vào đời Hán cũng thông thạo các ngôn ngữ ở phương Tây. Ngài Ma Đằng đến [Trung Hoa] đầu tiên [được vị quan ở phương Bắc tiếp đãi], nên nay vẫn gọi là Dịch).         

           Châu Lễ là tên một bộ sách. Lễ Kinh của Trung Quốc gồm có ba bộ: Châu Lễ, Nghi Lễ và Lễ Ký. Đây là ba bộ trong mười ba kinh (thập tam kinh) [của Nho gia]. Trong Châu Lễ, hiến pháp, chánh trị, điển chương, văn vật, chế độ đời Châu, đều được ghi chép trong ấy. Châu Lễ là trước tác của Châu Công, ý tưởng ấy (tức ý tưởng xây dựng một xã hội ổn định, bình trị) được thiết lập tận thiện tận mỹ. Tôi chưa đọc bộ sách này, tiên sinh Phương Đông Mỹ đã bảo tôi rất nhiều lần, sách này hay lắm! Ngài nói: “Rất nhiều bản hiến pháp của các quốc gia xưa nay, trong ngoài nước đều thua Châu Lễ. Nếu các đời vua cuối của nhà Châu tuân thủ làm theo giáo huấn trong bộ sách ấy, nhà Châu sẽ chẳng vong quốc”. Trong lịch sử Trung Quốc, triều đại tồn tại lâu nhất là nhà Châu, tám trăm năm, người đời sau không tuân thủ bộ hiến pháp này, nên mới vong quốc. Phương tiên sinh hết sức tán thán bộ sách này, tôi chỉ đọc mấy thiên trong sách Lễ Ký.

          Theo chế độ ấy, vị quan trông nom sự phiên dịch [ngôn ngữ] ở bốn phương có danh xưng khác nhau. Phương Bắc gọi là Dịch (譯), phương Đông gọi là Ký (寄), phương Nam gọi là Tượng (象), phương Tây gọi là Địch Đê (狄鞮), danh xưng bất đồng, đều có ý nghĩa, nhưng công tác đều là phiên dịch. Kinh Phật đến từ phương Tây. Vào thời Hán, con đường Tơ Lụa[15] là tuyến đường chính để từ Trung Quốc sang Tây Vực, Phật giáo cũng theo đường này truyền đến Trung Quốc, theo tuyến đường Nam Bắc từ rặng Thiên Sơn ở Tân Cương, Cam Túc đến Trường An; khi đó, kinh đô của quốc gia ở Trường An, rất gần phương Bắc. Khởi đầu từ thời hai vị Ma Đằng và Trúc Pháp Lan dịch Tứ Thập Nhị Chương Kinh, vị quan trông nom phiên dịch của phương Bắc đến giúp sức. Vị quan cai quản công tác phiên dịch ở phương Bắc rất thông thạo Phạn văn, nên mời ông ta đến giúp sức, cho nên dùng chữ Dịch này. Về sau, một mực dùng chữ Dịch, chẳng thay đổi nữa, đã biến thành thói quen rồi!

           Tứ Thập Nhị Chương Kinh là bộ kinh Phật được phiên dịch đầu tiên tại Trung Quốc. Bộ kinh này có nội dung vô cùng phong phú, có thể nói là Phật học khái luận của kinh Phật. Cuốn Tứ Thập Nhị Chương Kinh Tân Sớ của cư sĩ Quý Thánh Nhất đã chú giải rất tỉ mỉ, trong tất cả các bản chú giải xưa nay, tôi cảm thấy bản của ông ta hay nhất. Chỗ hay nhất trong bộ kinh này là gì? Con người hiện đại chúng ta học Phật chẳng thể thành tựu là vì thân mình đầy bệnh (khuyết điểm) mà chẳng biết. “Ta không phạm khuyết điểm gì! Ta hết sức tốt đẹp!” Thấy khuyết điểm của kẻ khác, chẳng biết chính mình sai quấy! Sau khi quý vị đọc kinh này, mới phát hiện chính mình có bao nhiêu là lầm lỗi, sửa đổi những khuyết điểm ấy, công phu niệm Phật của quý vị mới đắc lực. Bộ kinh này là một liều lương dược chữa bệnh cho chúng ta! Học Phật phải học từ đâu? Phải học từ bộ kinh này! Nhưng bộ kinh này lời lẽ đơn giản, ý nghĩa bao quát, văn tự rất đơn giản, rất ít, nghĩa lý quá phong phú, không được chú giải cặn kẽ, quý vị sẽ chẳng thấy được! Trong quá khứ, chúng ta vẫn chưa tìm được bản chú giải lý tưởng. Bản chú giải của pháp sư Quán Đảnh quá sâu, không thích hợp cho kẻ mới học. Do vậy, tại Hương Cảng, tôi thấy bản này của cư sĩ Quý Thánh Nhất, vô cùng hoan hỷ!

          Các đồng tu học giảng kinh phải bắt đầu học từ chỗ nào? Bắt đầu học từ kinh này. Kinh này chia thành ba bộ phận, bộ phận thứ nhất là giải thích khoa đề, tức là mỗi chương trong bốn mươi hai chương có một đề mục, [giải thích khoa đề] là giải thích đề mục [của từng chương], sau đó là giải thích danh từ thuật ngữ, điển cố, cuối cùng là giảng nghĩa, hợp lại để giảng. Có từng tầng lớp rõ rệt! Đây là quy củ giảng kinh truyền thống, hoàn toàn dựa theo quy củ để giảng, có thứ tự, chẳng lộn xộn. Vì thế, các đồng tu giảng kinh phải dốc sức nơi bộ kinh này. Quý vị có thể học theo quy củ và phương pháp này, về sau, quý vị sẽ có chỗ để dốc sức nơi hết thảy các kinh. Do vậy, đây là bộ sách tham khảo vô cùng hay. Pháp sư Bân Tông chú giải kinh Di Đà và Tâm Kinh cũng dùng quy củ này, viết theo đúng quy củ. Đó là khuôn mẫu giảng kinh tốt đẹp, nhất định phải dựa theo phương thức này để giảng.

          Vì thế, quý vị giảng kinh chớ nên học theo cách tôi giảng trong hiện thời. Học theo cách tôi giảng trong hiện nay sẽ gặp trắc trở. [Muốn] học giảng kinh với tôi thì [phải học] trong mười mấy năm trước đây, nghe tôi giảng kinh sẽ được lợi ích, được thụ dụng, vì sao? Khi tôi bắt đầu đến giảng kinh tại Đài Bắc, đại khái là mười lăm, mười sáu năm, tuân theo phương pháp giảng ấy, rất giữ quy củ. Từ năm Dân Quốc 60 (1971) bắt đầu giảng kinh Hoa Nghiêm, dần dần vượt ngoài đường lối, không tuân thủ quy củ nữa. Những người mới học nghe không nhận ra, nhưng các vị có kinh nghiệm nghe giảng biết ngay. Tôi giảng kinh tại Hương Cảng, có rất nhiều pháp sư nghe, còn có những pháp sư hết sức thích nghe tôi giảng kinh. Pháp sư Sướng Hoài bảo đại chúng: Tôi không phải là giảng kinh trên tòa, mà là nói gì? Trình bày báo cáo tâm đắc của chính mình. Tôi mở bản kinh ra, tôi nói những điều chính mình hiểu và lãnh hội. Quý vị bắt đầu học giảng kinh, có câu nói: “Bất học quy củ, bất thành phương viên” (Chẳng học theo quy củ[16], chẳng thành vuông tròn). Đạt đến cảnh giới của tôi, phải nâng cao hơn một tầng nữa, trên giảng đài, tôi đã tuân theo quy củ mười mấy năm!

          Từ năm Dân Quốc 56 (1967), tôi lên Đài Bắc giảng kinh, tôi vừa xuất gia bèn bắt đầu giảng kinh, tôi xuất gia năm Dân Quốc 48 (1959), tháng Giêng năm Dân Quốc 49 (1960) bèn bắt đầu giảng kinh, tuân theo quy củ, đến năm sáu mươi tuổi mới dần dần thoát ra, giảng báo cáo tâm đắc của chính mình. Do vậy, những đồng học nghe kinh thuở đầu, giống như các vị đang giảng kinh ở các nơi như Hùng Uyển, Từ Huệ Linh, vào thuở ấy, có lúc họ gặp tôi, vẫn nói: “May là thuở ấy, đến nghe [thầy giảng] bèn được lợi ích, học được thứ này thứ nọ. Bây giờ đến nghe kinh, chẳng học được gì!” Nay tôi giảng đúng là “thiên mã hành không”[17], không có ngằn mé. Khi cao hứng, thì có mấy câu, ba bốn câu kinh văn mà giảng suốt hai giờ không xong, cũng có khi cả đoạn văn dài, loáng một cái đã xong, quý vị học được điều gì? Học không được! Nhưng đối với người tu hành, lời giảng ấy hữu ích, đối với những vị học giảng kinh thì hỏng bét, nhưng đối với những vị niệm Phật tu hành, chắc chắn hữu ích. Vì thế, chắc chắn không thể học theo cách tôi giảng trên giảng đài, hiện thời tốt nhất là tuân theo phương pháp này trong Tứ Thập Nhị Chương Kinh để học giảng kinh.

          Đoạn kế tiếp nhằm giới thiệu đơn giản về Cưu Ma La Thập đại sư; đây là trích lục từ truyện ký của Ngài, nhằm khiến cho chúng ta hiểu biết đại lược về đại sư. Theo truyện ký, vị đại sư này là vị thầy dịch kinh của quá khứ thất Phật. Vì thế, những thứ do Ngài phiên dịch hết sức hay! Đến Trung Quốc, Ngài chịu không ít vùi dập, chịu đựng chẳng ít khổ nạn, chính mình bị thiệt thòi to lớn, nhưng Ngài có cống hiến rất lớn đối với Phật pháp Trung Quốc. Ngài bị Lữ Quang giam cầm gần ba mươi năm, không cách nào xoay sở, Ngài học văn tự Trung Quốc vào lúc ấy. Sau khi Lữ Quang chết, cháu là Lữ Long kế vị, đầu hàng Diêu Hưng; Cưu Ma La Thập đại sư mới được Diêu Hưng nghênh thỉnh về Trường An, tiến hành công tác dịch kinh bảy năm rồi viên tịch. Bảy năm ấy có ảnh hưởng rất lớn đối với Phật giáo Trung Quốc, đặt vững cơ sở cho Phật giáo Trung Quốc.

          Do điều này biết rằng: Hoằng pháp lợi sanh không do thời gian dài hay ngắn, mà thật sự do công lực dầy hay mỏng. Như Ấn Quang đại sư, đối với Phật pháp cận đại, không chỉ là nói theo phía Tịnh Độ, mà đối với toàn bộ Phật pháp, Ngài có ảnh hưởng to lớn dường ấy. Ấn Quang đại sư hoằng pháp bao nhiêu năm? Mười năm. Bảy mươi tuổi mới ra hoằng pháp, trước năm bảy mươi tuổi không ai biết, tới bảy mươi tuổi mới bị người ta phát hiện. Khi đó nhằm thời đầu Dân Quốc, có những vị lão cư sĩ rất có học vấn lúc đến Phổ Đà Sơn du ngoạn, đã vô tình phát hiện, trò chuyện với Ngài, cảm thấy vị này kiến giải lỗi lạc. Sau đấy, trao đổi thư từ với Ngài, những bức thư trả lời của Ngài được đăng tải công khai trên báo hay tạp chí, mọi người mới biết có pháp sư Ấn Quang. Lão nhân gia viên tịch năm tám mươi tuổi, [hoằng pháp chỉ] mười năm. Đây là như cổ nhân Trung Quốc đã nói: “Hậu tích bạc phát” (chất chứa sâu dầy, phát hiện mỏng manh), vì Ngài đã tích chứa quá dầy, tuy thời gian phát ra chẳng dài, nhưng công lực đã đủ mức, nên mới có sức ảnh hưởng sâu dầy như vậy. La Thập đại sư là người như vậy. Chúng ta phải ghi nhớ chuyện này.

          Đối với người hiện thời, tôi được coi là kẻ đã từng trải qua [kinh nghiệm này], chính mình bị thua thiệt rất nhiều, bị lừa gạt rất nhiều; đó là vì lúc tôi ra giảng kinh, tuổi còn trẻ quá, chẳng thể học theo cổ nhân, tích chứa chẳng dầy. Cho nên sức lực phát ra cũng chẳng đủ, phải tích chứa cho dầy, mới đủ sức! Tôi thấy người hiện thời vẫn chẳng được như tôi. Tôi còn có thể theo thầy học Phật mười ba năm, bọn họ hiện thời học được ba tháng đã muốn đi ra ngoài biểu diễn, vẫn chẳng bằng tôi. Có thể suy ra: Sức lực do quý vị phát ra sẽ chẳng bằng tôi. Chúng ta đọc những tác phẩm của cổ nhân phải ghi nhớ giáo huấn, phải có lòng nhẫn nại, phải có chí thường hằng, phải có nghị lực, có như vậy thì mới có thể thật sự thành tựu.

          Học theo lời dạy của một người, điều này trọng yếu lắm! Không nên ra ngoài, hôm nay nghe vị này, ngày mai nghe vị khác, nghe nhiều quá, tư tưởng hỗn loạn, phức tạp. Do vậy, tuy người ta tôn kính Ấn Quang đại sư, có mấy ai thường nhắc đến tên Ngài? Không nhắc tới! Vì sao chẳng nhắc tới? Có chỗ kiêng kỵ. Ấn Quang đại sư phản đối kẻ học Phật thường tới chùa, phản đối người học Phật thân cận pháp sư, cực lực phản đối! Quý vị tới chùa thường xuyên quá, tinh thần phân tán, chẳng thể tập trung, chẳng thể học Phật pháp tốt đẹp lắm, nhiều nhất là tu được một chút “si phước” mà thôi! Quý vị tiếp cận vị pháp sư này, vị pháp sư này bèn giảng điều này, [thân cận] vị pháp sư nọ, [vị ấy bèn] giảng điều kia, đầu óc quý vị chứa đựng đủ thứ lộn xộn, niệm Phật sẽ chẳng đắc nhất tâm bất loạn.

          Do vậy, mọi người hễ nhắc tới pháp sư Ấn Quang, bèn rất cung kính, nhưng chẳng nhắc tới một câu nào của Ngài! Vì sao? Đối với pháp sư Ấn Quang, thí dụ như quý vị quy y với Ngài, đến đó gặp Ngài, Ngài sẽ đùng đùng quở mắng quý vị một trận: “Ngươi đến đây làm chi?” “Con đến thăm sư phụ”. “Ngươi đã thấy mặt sư phụ rồi, có gì hay ho đâu? Không trở về nhà lo thật thà niệm Phật, gặp sư phụ để làm gì chớ?” Chửi cho một trận tơi bời, đó là một vị thiện tri thức chân chánh. Pháp sư hiện thời thì: “Các ông thường phải đến gặp ta”, thái độ khác hẳn pháp sư Ấn Quang! Cho nên mọi người kính nhi viễn chi Ngài! Nhưng nếu chúng ta suy ngẫm, sẽ thấy: Thật sự muốn thành tựu thì lời lão nhân gia dạy đúng quá. Ngài chủ trương một đạo tràng, một thầy, học theo lời dạy của một vị thầy, quý vị mới có thể đắc nhất tâm bất loạn, sẽ chẳng bỏ lỡ một đời này! Hôm nay, chúng tôi giảng tới chỗ này.

[1] Ngài Chi Lâu Ca Sấm (147-?), người xứ Đại Nhục Chi, đến Trung Hoa vào thời Hán Hoàn Đế. Tính đến niên hiệu Trung Bình đời Hán Linh Đế, Ngài đã dịch các bộ Đạo Hành Bát Nhã Kinh, Ban Châu Tam Muội Kinh, A Xà Thế Kinh, Tạp Thí Dụ Kinh, Thủ Lăng Nghiêm Kinh, Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh, một phần kinh Bảo Tích. Ngài chính là người đầu tiên truyền học thuyết Bát Nhã vào Trung Quốc. Bộ Ban Châu Tam Muội Kinh được coi như là bộ kinh đầu tiên giới thiệu tư tưởng Tịnh Độ Tông Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu cho rằng Sơ Tổ Huệ Viễn đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của hai bộ Ban Châu Tam Muội và Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh khi đề xướng liên xã.

[2] Khang Tăng Khải (Samghavarman), không rõ năm sinh và năm mất, chữ Khang không phải là họ mà do Ngài đến từ xứ Khang Cư (Sogdiana) vùng Trung Á. Ngài đến Lạc Dương vào năm Gia Bình thứ tư (252) nhà Tào Ngụy, ở chùa Bạch Mã. Ngài dịch các bộ Úc Già Trưởng Giả Kinh, Vô Lượng Thọ Kinh, Tứ Phần Tạp Yết Ma. Trong Tục Tạng có Vô Lượng Thọ Phật Danh Hiệu Lợi Ích Đại Sự Nhân Duyên Kinh cũng đề tên dịch giả là ngài Khang Tăng Khải, nhưng do văn phong khác biệt, nên các học giả không dám đoan quyết bản ấy có phải do Ngài dịch hay không.

Ngài Chi Khiêm là người xứ Đại Nhục Chi, có tên tự là Cung Minh (không rõ năm sinh và năm mất), theo gia đình di cư đến Trung Hoa, sống ở Hà Nam, thông thạo ngôn ngữ sáu quốc gia, theo học với ngài Chi Lượng (đệ tử của ngài Chi Lâu Ca Sấm). Do tỵ nạn, chạy vào Đông Ngô, được Ngô vương Tôn Quyền coi trọng, phong làm quan Bác Sĩ, dạy Thái Tử Tôn Lượng. Ngài chuyên tâm dịch kinh Phật suốt mười ba năm, dịch Duy Ma Cật Kinh, Thái Tử Thụy Ứng Bản Khởi Kinh, Đại Minh Độ Kinh v.v… Khi Thái Tử lên ngôi, ngài lánh vào núi Cùng Ải ẩn cư, xin xuất gia với pháp sư Trúc Pháp Lan.

[3] Pháp Hiền (?-1001) là một vị Tăng xuất thân từ tự viện Na Lạn Đà, đến Trung Quốc vào năm Khai Bảo thứ sáu (973), hợp sức ngài Pháp Tấn chùa Khai Nguyên ở phủ Hà Trung dịch Thánh Vô Lượng Thọ Kinh Thất Phật Tán, được vua ban áo bào màu tía. Nhận lời thỉnh của sư Pháp Tấn, ngài dịch bộ Vô Lượng Thọ Quyết Định Quang Minh Vương Kinh, được vua ban hiệu Truyền Giáo đại sư. Sư lại dịch kinh Cát Tường Trì Thế. Khi Sư mất, vua ban thụy hiệu Huyền Giác đại sư, tổng số kinh do Ngài dịch lên đến một trăm hai mươi bộ.

[4] Gọi là Triệu Tống (960-1279) để phân biệt với nhà Lưu Tống (420-479) do Lưu Dụ sáng lập, cũng như tiểu quốc cũng mang tên Tống do tướng cướp Phụ Công Thạch chiếm cứ thời Tùy Mạt. Phụ Công Thạch thuở hàn vi thường đi trộm cắp cùng với Đỗ Phục Uy. Khi Đỗ Phục Uy nhân lúc nhà Tùy suy yếu, chiếm cứ vùng Hoài Nam, đã phong cho Phụ Công Thạch làm Trưởng Sử. Năm 623, Phụ Công Thạch làm phản, chiếm cứ vùng Đơn Dương, tự xưng là Tống Đế đặt niên hiệu là Thiên Minh. Về sau, Phụ Công Thạch bị Lý Tĩnh, Lý Hiếu Cung, Lý Thế Dân cùng vây đánh, bị bắt trên đường bôn tẩu sang Cối Kê rồi bị Đường Cao Tổ (Lý Uyên) hạ lệnh giết chết.

[5] Nguyên Ngụy tức là nhà Bắc Ngụy (386-557). Thác Bạt Khuể (Khuê) là một quý tộc họ Thác Bạt (Tuoba) thuộc sắc dân Tiên Ty (Tiên Ty là một sắc dân Mông Cổ, hậu duệ của tộc Donghu). Đến đời vua thứ bảy là Ngụy Hiếu Văn Đế (Thác Bạt Hoành) trong nỗ lực Hán hóa dân tộc Tiên Ty, đã đổi họ Thác Bạt thành họ Nguyên, nên sử thường gọi nhà Bắc Ngụy là Nguyên Ngụy để phân biệt với những nhà Ngụy khác.

[6] Kinh này có tên gọi đầy đủ là A Di Đà Phật Cổ Âm Thanh Vương Đà La Ni Kinh, một quyển, đã mất tên người dịch, được đánh số 370 trong tập 12 của Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh.

[7] Tây Khang là một tên một tỉnh được đặt ra khi chính quyền Dân Quốc còn nắm quyền cai trị Hoa Lục, bao gồm phần lớn vùng Kham của Tây Tạng. Khi Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa thành lập, chính quyền Mao Trạch Đông đã tách một phần Tây Khang nhập vào Tây Tạng Tự Trị Khu và phần còn lại ghép vào tỉnh Tứ Xuyên.

[8] Lã Bích Thành (1833-1943), người huyện Tinh Đức, tỉnh An Huy, là một nhà giáo dục thời cận đại, nhiệt tình hoạt động bảo vệ nữ quyền, đề xướng giáo dục nữ giới. Năm 1903, bà được mời làm biên tập viên cho tờ Đại Công Báo, trở thành nữ biên tập đầu tiên của Trung Hoa. Năm 1904, bà làm Giám Đốc trường công lập Bắc Dương cho nữ giới. Bà từng làm Bí Thư cho Viên Thế Khải năm 1912, nhưng từ chức năm 1915, sang học tại đại học Columbia của Mỹ. Bà văn tài mẫn tiệp, còn để lại bộ Hiểu Châu Từ. Phần lớn các sáng tác của bà nhằm hoằng dương Phật pháp.

[9] “Ủy khuất” có nghĩa gốc là bị đối xử hay bị chỉ trích không công bằng, trong tâm khó chịu, ấm ức. Ở đây, chữ “ủy khuất” được dùng với ý nghĩa ấm ức, băn khoăn vì chưa hiểu rõ.

[10] Thật ra, trong lịch sử Trung Hoa có rất nhiều nhà Tần, ở đây, Hòa Thượng Tịnh Không chỉ kể bốn nhà Tần có ảnh hưởng lớn đến lịch sử Trung Hoa:

  1. Doanh Tần (221-207 trước Công Nguyên) do Tần Thủy Hoàng (Doanh Chính) sáng lập, diệt vong dưới đời Tần Tam Thế (Doanh Tử Anh).
  2. Tiền Tần (350-394), còn gọi là Phù Tần, do Tần Huệ Vũ Đế (Phù Hồng) sáng lập, diệt vong dưới đời Phù Sùng (chưa kịp lập đế hiệu).
  3. Hậu Tần (384-417), còn gọi là Diêu Tần, do Tần Vũ Chiêu Hoàng Đế (Diêu Trành) sáng lập, diệt vong trong đời Diêu Hoằng (chưa kịp xưng đế hiệu).
  4. Tây Tần (385-431), do Tần Tuyên Liệt Vương (Khất Phục Quốc Nhân) sáng lập, diệt vong dưới đời Khất Phục Mộ Mạt.

Do vùng Quan Trung, Cam Túc, Thiểm Tây thuộc lãnh thổ nước Tần thời Chiến Quốc nên những lãnh chúa quân phiệt khi xưng vương tại vùng này thường xưng là Tần. Chẳng hạn, thời Bắc Ngụy, Mạc Chiết Niệm Sanh giết quan thứ sử Tần Châu (nay thuộc Cam Túc), chiếm cứ Tần Châu, xưng vương, lập quốc, cũng lấy quốc hiệu là Tần.

[11] Nước Tần thời Chiến Quốc thuộc địa bàn tỉnh Thiểm Tây và Cam Túc. Theo truyền thuyết, tổ tiên vua Tần là Phi Tử. Phi Tử vốn là hậu duệ của Nữ Tu (cháu nội vua Chuyên Húc), đến đời cháu của Nữ Tu là Bá Ích giúp vua Đại Vũ trị thủy và lại giúp vua Thuấn chăm sóc, huấn luyện thú nên được ban họ là Doanh. Phi Tử giỏi nuôi ngựa, được Châu Hiếu Vương giao chăm sóc ngựa chiến, có công, nên Châu Hiếu Vương cắt Tần Ấp (nay là huyện Thanh Thủy tỉnh Cam Túc) phong cho, coi đất phong ấy là nước phụ dung (địa vị kém hơn nước chư hầu) của nhà Châu. Năm 770 trước Công Nguyên, Tần Tương Công phò tá Châu Bình Vương thiên đô, nên Châu Bình Vương phong cho Tần Tương Công tước Bá, nước Tần chính thức trở thành nước chư hầu, mở rộng địa bàn khắp cả tỉnh Thiểm Tây và Cam Túc.

[12] Lục quốc là sáu nước chư hầu lớn thời ấy: Hàn, Triệu, Ngụy, Sở, Tề, và Yên. Ngoài sáu nước lớn ấy ra (nếu không kể Tần), thời Xuân Thu còn có các nước Tống, Vệ, Đông Châu, Trung Sơn, Lỗ, Đằng, Trâu, Phí v.v… nhưng thế lực các nước ấy rất yếu (có nước bị diệt vong trước khi Tần Thủy Hoàng diệt Lục Quốc, chẳng hạn Lỗ bị Sở diệt quốc vào năm 256 trước Công Nguyên, Trung Sơn bị nước Triệu diệt vào năm 296 trước Công Nguyên), nên khi Tần diệt Lục Quốc thì các nước ấy mất chỗ dựa, cũng diệt vong theo.

[13] Đây là một trận đánh khá lớn tại Phì Thủy (nay thuộc vùng Đông Nam huyện Thọ, tỉnh An Huy) vào năm Thái Nguyên thứ ba (383) nhà Đông Tần do nhà Tiền Tần khởi xướng, quân Đông Tấn chỉ có tám vạn nhưng đã đánh tan tác mười vạn quân của Phù Kiên. Nguyên nhân là do Phù Kiên sau khi đã giết Tần Lệ Vương (Phù Sanh) đoạt ngôi, xưng là Tiền Tần Thiên Vương, lại được một mưu sĩ là Vương Mãnh giúp sức, quân lực mạnh mẽ, chỉ trong một thời gian ngắn đã diệt Tiền Yên, chiếm đất Lương (Hán Trung), Ích Châu, diệt nước Đại của dòng họ Thác Bạt, diệt Tiền Lương, đánh chiếm nhiều nơi thuộc Tây Vực. Do vậy, với tham vọng mãnh liệt, Phù Kiên bỏ qua lời khuyên của Vương Mãnh, toan làm chủ Trung Nguyên, đã phát binh đánh Tấn vào năm 378. Trải qua nhiều cuộc chiến, phe Tấn luôn thắng. Trong cuộc chiến Phì Thủy, Phù Kiên đã dốc mười vạn quân mong đè bẹp quân Tấn, nhưng thất bại thảm hại.

[14] Thập (什) là chữ kép của Thập (十) dùng trong văn kiện, nhất là các bằng khoán, để tránh bị sửa đổi hay đọc lầm lẫn. Thập có còn nghĩa là những thứ lặt vặt. Một quyển sách cũng gọi là Thập. Do vậy, chữ Thập ở đây có nghĩa xưng tụng Ngài điều gì cũng biết, chẳng sót một điều nhỏ nhặt nào.

[15] Con đường Tơ Lụa là một tuyến đường giao thông, buôn bán nối liền châu Á và châu Âu thời cổ. Nếu kể cả đường biển sẽ bao gồm Hồng Hải, Đông Phi, Ấn Độ, Đông Nam Á, Bắc Phi và Somalia. Con đường này dài hơn bốn ngàn dặm (6.500km) được hình thành từ thời Hán nhờ sự khám phá và sứ vụ của Trương Khiên. Gọi là con đường Tơ Lụa vì Trung Hoa là nước đầu tiên sản xuất tơ lụa, gấm vóc được khối Hồi Giáo và các vương quốc châu Âu ưa chuộng. Con đường này khởi đầu từ thành phố Nam Dương (tỉnh Hà Nam) cho đến Ngọc Môn Quan, Dương Quan, thông sang Thông Lãnh (Pamir) tới tận Trung Á, Tây Á, kết thúc tại vùng Địa Trung Hải của Âu Châu. Con đường này suy vi khi đế quốc Mông Cổ tan rã, khiến cho tình hình an ninh không đảm bảo, thổ phỉ cướp bóc khiến các thương gia không dám chuyển hàng nữa, cũng như do hàng hải phát triển khiến con đường chuyển vận trên bộ mất dần vai trò. Không chỉ tơ lụa, mà các hàng hóa như gai, xạ hương, hương liệu, gia vị, châu báu, đồ thủy tinh, đồ gốm, đồ sứ, trà, rượu, ngay cả nô lệ cũng được chuyển vận theo con đường này.

[16] Quy (規) vốn là dụng cụ để vẽ hình tròn, Củ (矩) là dụng cụ để vẽ hình vuông, nên “quy củ” được hiểu theo nghĩa rộng là phép tắc, quy định.

[17] Đây là một thành ngữ, dùng hình ảnh ngựa cõi trời có thể sải cánh bay lượn tùy ý trên hư không, chẳng thể đoán trước được. Thành ngữ này thường dùng để hình dung khí thế của thơ văn hay thư pháp tung hoành ngang dọc, ào ạt, hùng vĩ, không thể đoán trước được kết cục, diễn biến.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *