#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 240
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm sáu mươi bốn:
(Diễn) Thị tâm thị Phật giả, Thị diệc nhị nghĩa.
(演)是心是佛者,是亦二義。
(Diễn: “Tâm này là Phật”, chữ Là cũng có hai nghĩa).
Chữ “Thị” cũng có hai ý nghĩa.
(Diễn) Nhất, tâm tức Ứng Phật, cố danh “thị tâm thị Phật”, tức Sớ văn sở vị “hướng văn Phật bổn thị vô, tâm tịnh cố hữu”, tiện vị điều nhiên hữu dị. Cố ngôn tức thị Ứng Phật, tâm ngoại vô Phật dã.
(演)一、心即應佛,故名是心是佛,即疏文所謂向聞佛本是無,心淨故有,便謂條然有異,故言即是應佛,心外無佛也。
(Diễn: Một, tâm chính là Ứng Thân của Phật, nên gọi là “tâm này là Phật”, tức là như lời Sớ đã viết: “Từng nghe Phật vốn là chẳng có, do tâm tịnh bèn có Phật”, cho nên nói là rành rành có sai khác. Do vậy nói “[tâm] chính là Ứng Phật, ngoài tâm chẳng có Phật”).
“Tâm này là Phật” cũng có hai ý nghĩa. Một là Ứng Hóa Thân của Phật. Tâm vốn chẳng có tướng. Tuy chẳng có tướng, nó có thể tùy duyên hiện tướng. Tướng hiện ra được gọi là Ứng Thân Phật. Vì sao gọi là Ứng Thân? Do cảm ứng mà hiện. Giống như cái chuông này, chuông chẳng có âm thanh, khi quý vị gõ nó bèn có âm thanh. Gõ mạnh, tiếng chuông kêu to, gõ nhẹ, tiếng chuông kêu nhỏ. Quý vị gõ chuông là cảm, tiếng chuông là ứng. Quý vị chẳng gõ, do không gõ bèn chẳng có âm thanh. Phật cũng giống như thế, khi chúng sanh chẳng có cảm, Phật chẳng hiện thân, Phật chẳng có thân tướng. Chúng sanh có cảm, Phật bèn hiện tướng, Ngài bèn hồi ứng giống hệt. Đúng như kinh Lăng Nghiêm đã nói: “Tùy thuận cái tâm của chúng sanh, ứng với khả năng nhận biết của họ”. Tâm chúng sanh bất đồng; vì thế, Phật hiện hình tướng khác nhau. Chúng sanh trong chín pháp giới có cảm, Phật liền hiện thân trong chín pháp giới, giống như phẩm Phổ Môn đã nói: “Đáng nên dùng thân Phật để độ, bèn hiện thân Phật để thuyết pháp”, “hiện” (現) là ứng hiện. Quyết chẳng phải là Phật hữu tâm, Phật nói: “Người ấy cầu ta, ta phải ngay lập tức hiện đến”. Nếu Ngài có tâm ấy, sẽ là vọng tâm, chẳng phải là chân tâm, vì chân tâm chẳng có niệm. Vì Ngài chẳng có niệm, nên mới có ứng. Lại còn ứng rất nhanh chóng, do nguyên nhân nào? Vì chân tâm trọn khắp hết thảy mọi chỗ, không đâu chẳng tồn tại. Do vậy, sự ứng hiện của Ngài là “sanh ra từ nơi đâu, bèn diệt mất ngay nơi đó”, chẳng có đến đi. Chúng ta là người niệm Phật vãng sanh Tây Phương, A Di Đà Phật từ Tây Phương Cực Lạc thế giới đến đón tiếp chúng ta, có chuyện như vậy hay không? Chẳng phải vậy! Từ nơi xa xôi ngần ấy cớ sao Phật có thể đến nơi đây? Thân tướng của Phật ngay lập tức ở trước mắt, vì sao? Pháp Thân của A Di Đà Phật tận hư không khắp pháp giới. Chúng ta ở nơi đây có cảm, Phật ngay lập tức có ứng. Cổ nhân nói: “Sanh thì quyết định sanh, đi thì thật sự chẳng đi”. Do vì chẳng có đến đi, chuyện này rất kỳ diệu, kiến thức thông thường của lũ phàm phu chúng ta chẳng thể hiểu được. Vì thế, đó là cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn, là chân thật. Tâm có thể hiện tướng, có thể hiện hết thảy các tướng. Đó là Ứng Phật (Ứng Hóa Thân của Phật). “Tâm này là Phật”, tâm ấy là Ứng Phật. Ngoài tâm chẳng có Phật, ngoài Phật cũng chẳng có tâm. Đó là ý nghĩa thứ nhất.
(Diễn) Nhị, tâm tức Quả Phật, cố danh “thị tâm thị Phật”, tức Sớ văn sở vị “diệc vô Phật chi nhân” dã. Sơ thị Ứng Phật, nhị thị Quả Phật, thử ước tức Ứng tức Quả thích Thị dã.
(演)二、心即果佛,故名是心是佛,即疏文所謂亦無佛之因也。初是應佛,二是果佛,此約即應即果釋是也。
(Diễn: Hai, tâm chính là Quả Phật, vì thế gọi là “tâm này là Phật”, tức là như lời Sớ đã viết: “Cũng không có cái nhân của Phật vậy”. Thứ nhất là Ứng Thân Phật, thứ hai là Quả Phật. Đây là ước theo ý nghĩa [nhất tâm] chính là Ứng Phật và Quả Phật để giải thích chữ Thị).
Nhà Thiền thường nói: “Minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”. Quả Phật là chính mình. Khi hết thảy chướng ngại trong tâm tánh của chính mình đều trừ hết sạch, lúc Tánh Đức viên mãn hiện tiền, bèn gọi là “thành Phật”. Tâm là Phật, Phật là tâm, đấy là chính mình thành Phật. Ứng Phật trong phần trước là Tha Phật, thuận theo tâm chúng sanh mong mỏi [Phật sẽ] sanh khởi mà hiện ra Ứng Thân Phật. Tự Phật và Tha Phật đều là ý nghĩa “tâm này là Phật”.
(Sao) Kim vị thử kinh nhất tâm trì danh, diêu thử nhất tâm, chung đương tác Phật, tùng nhân chí quả, danh chi viết Tác.
(鈔)今謂此經一心持名,繇此一心,終當作佛,從因至果,名之曰作。
(Sao: Nay nói đến nhất tâm trì danh trong kinh này, do nhất tâm mà cuối cùng sẽ thành Phật, từ nhân cho đến quả, nên gọi là Làm).
Ở đây, Liên Trì đại sư giảng giải ý nghĩa thật sự. Trong phần trước, Ngài đã trích dẫn Quán Kinh để làm một đại tiền đề, rồi mới nói đến điều khai thị khẩn yếu trong bộ kinh này. Chủ trương của kinh này là “nhất tâm trì danh”, hãy chú ý “nhất tâm”. “Nhất tâm” là chẳng có tạp niệm, chẳng có hoài nghi, chính là “tịnh niệm” như Đại Thế Chí Bồ Tát đã nói. “Tịnh niệm” là nhất tâm, chẳng hoài nghi, không xen tạp. Câu này hết sức quan trọng, là mấu chốt tu hành trong tông này. Nếu quý vị hiểu rõ và làm được, lúc cái tâm tưởng Phật sẽ là tâm này làm Phật. Giống như Quán Kinh đã nói: “Tâm này chính là ba mươi hai tướng, tám mươi tùy hình hảo”, ngay lập tức [tâm này] chính là [Phật]! “Ngay lập tức chính là” (Đương hạ tức thị) thì bản thân chúng ta chẳng có cách nào phát hiện. Vì sao? Vì thời gian quá ngắn ngủi, tạm bợ, đến niệm thứ hai, niệm thứ ba, vọng tưởng lại dấy lên, lại chẳng làm Phật được! Nguyên nhân là ở chỗ này. Nếu có thể liên tục nhất tâm trì danh, niệm niệm liên tục, chẳng gián đoạn, “làm Phật” sẽ hết sức rõ rệt. Có thể bất thoái chuyển, sẽ một mực làm Phật, chẳng bị thoái đọa vào lục đạo. Không chỉ là chẳng thoái đọa trong lục đạo, ngay cả Tiểu Thừa lẫn Đại Thừa cũng đều chẳng làm, chỉ làm Phật. Mấu chốt ở ngay trong câu này. Vì thế, câu này hết sức trọng yếu, chính là nhất tâm xưng niệm.
“Diêu thử nhất tâm, chung đương tác Phật, tùng nhân chí quả” (Do bởi nhất tâm, cuối cùng sẽ làm Phật, từ nhân tới quả), câu này có ý nghĩa hàm súc sâu xa. Chỉ cần có thể gìn giữ nhất tâm, “từ nhân tới quả” là chẳng gián đoạn, là liên tục. Tín, nguyện, nhất tâm xưng niệm, đó là nhân, vì chỉ cần gìn giữ cái nhân ấy, niệm niệm chẳng để mất, điều quý vị đạt được trong giai đoạn thứ nhất là công phu thành phiến. Công phu thành phiến là công phu cạn nhất trong Niệm Phật tam-muội, cổ đại đức cũng gọi cảnh giới ấy là nhất tâm bất loạn, nhưng là nhất tâm bất loạn ở mức độ nông cạn. Nhất tâm bất loạn có thứ tự cạn hay sâu, cũng chia ra rất nhiều cấp bậc. Kinh thường nói là chín bậc, tức là chia Sự nhất tâm thành chín cấp bậc. Đây là cấp bậc đầu tiên, sơ đẳng, tức là công phu thành phiến. Gọi là “công phu thành phiến”, có nghĩa là tín, nguyện, trì danh của chúng ta có thể hàng phục phiền não, chưa đoạn, nhưng đã chế ngự phiền não. Đó là Sự nhất tâm sơ cấp, do công phu này bèn có thể vãng sanh. Chế phục phiền não bèn có thể vãng sanh. Có thể thấy sự tu trì trong Tịnh Tông dễ hơn những pháp môn khác. Trong các pháp môn khác, với công phu này, sẽ chẳng thể thành tựu, nhất định là phải đoạn phiền não thì mới có thể thoát tam giới. Chẳng đoạn phiền não, chẳng có lẽ nào thoát khỏi tam giới được! Tam Quả trong Tiểu Thừa rất lỗi lạc, đã đoạn Kiến Hoặc, đoạn một nửa Tư Hoặc, chẳng thoát khỏi tam giới, vẫn ở trong nhân gian, qua lại trong cõi trời người để tu hành. Nhưng vị ấy quyết định chẳng đọa trong ba ác đạo, nhất định phải là đến mức đoạn sạch Tư Hoặc, đoạn sạch Kiến Tư phiền não, thì mới có thể vượt thoát lục đạo luân hồi, rất ư là khó! Rốt cuộc là khó như thế nào, mọi người hãy tự thử xem sẽ biết! Quý vị chẳng thử, sẽ chẳng biết khó khăn ở chỗ nào. Có làm thử mới biết một phẩm phiền não cũng đoạn không xong! Đối với Kiến Tư phiền não, trước hết là đoạn Kiến Hoặc, rồi đoạn Tư Hoặc. Trong Kiến Hoặc, điều thứ nhất là Thân Kiến. Thân Kiến là gì? Coi thân thể này là ta, khởi tâm động niệm đều ngỡ đó là ta. Quý vị hãy thử xem, khi nào quý vị thật sự đạt được vô ngã, vô ngã thì mới là đoạn hết Thân Kiến, thật là khó! Sau đó, nhìn lại Tịnh Tông, quý vị mới biết nó dễ dàng, mới biết vì sao chư Phật, Bồ Tát phải tán thán pháp môn này. Pháp môn này dễ dàng, chỉ cần chế phục, sơ phẩm Sự nhất tâm thường được người Hoa gọi thông tục là “công phu thành phiến”. Trong kinh, xác thực là chẳng có danh từ “công phu thành phiến”, đó là Sự nhất tâm ở mức độ nông cạn nhất, sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Sự nhất tâm ở mức độ sâu, tức Sự nhất tâm thượng phẩm, đoạn hết Kiến Tư phiền não, sanh vào cõi Phương Tiện Hữu Dư, khác hẳn! Tịnh Độ thù thắng không do hai cõi trên, mà ở ngay trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư, hết sức đặc thù, bất đồng vời vợi so với những cõi Phàm Thánh Đồng Cư trong các thế giới của mười phương chư Phật. Vì thế, [pháp môn Tịnh Độ] mới có thể phổ độ chúng sanh.
Nhất tâm trì danh, từ nhân tới quả, liên tục chẳng đoạn, bèn gọi là Tác. Rõ rệt nhất là như Đại Thế Chí Bồ Tát đã nói. Đại Thế Chí Bồ Tát xác thực từ nhân tới quả là nhất tâm trì danh. Ngài chẳng dùng pháp môn thứ hai, một câu Phật hiệu cứ niệm đến cùng, từ sơ phát tâm mãi cho đến khi viên thành Phật đạo, sau đấy, phổ độ chúng sanh. Phương pháp đơn giản như thế đó, thật sự chẳng thể nghĩ bàn, tâm này làm Phật. “Tâm này làm Phật, tâm này là Phật” có thể thấy thật rõ ràng, thật minh bạch trong cảnh giới của Đại Thế Chí Bồ Tát.
(Sao) Tức thử nhất tâm, toàn thể thị Phật, phi nhân, phi quả, danh chi viết Thị.
(Diễn) Tức thử nhất tâm, toàn thể thị Phật tứ cú, nhất tâm tức Chân Như pháp tánh thân dã.
(鈔)即此一心,全體是佛,非因非果,名之曰是。
(演)即此一心,全體是佛四句,一心即真如法性身也。
(Sao: Tức là toàn thể của nhất tâm chính là Phật, chẳng phải là nhân, chẳng phải là quả, nên gọi là Thị.
Diễn: Bốn câu “toàn thể của nhất tâm chính là Phật”: Nhất tâm chính là Chân Như pháp tánh thân).
Đại Thừa Phật pháp thường nói đến nhất tâm, chân tâm, bản tánh, Chân Như, pháp giới, Pháp Thân, cả một đống lớn những danh từ ấy đều nhằm nói về một chuyện. Là một chuyện, cớ sao đức Phật nói ra lắm danh từ ngần ấy? Đó là phương pháp dạy học thù thắng của đức Phật nhằm phá trừ sự chấp trước của lũ chúng ta, bảo cho chúng ta biết những danh từ và danh tướng đều là giả, chỉ cần thấu hiểu ý nghĩa thật sự được biểu đạt bởi chúng, chớ nên chấp trước danh tướng, chớ nên chấp trước ngôn ngữ. Những thứ ấy đều là giả, đều chẳng có ý nghĩa, quý vị phải từ giả danh và ngôn từ mà lãnh hội ý nghĩa chân thật của chúng. Đó là sự khéo léo trong phương pháp giáo học. Chẳng như những danh từ trong thế gian vẫn phải thống nhất, thống nhất là gì? Thống nhất là một thứ chấp trước. Thống nhất là một loại thành kiến, phiền toái! Đức Phật phá tan thành kiến và chấp trước của chúng ta, đó là chỗ khác biệt với pháp thế gian. Vì vậy, cùng một chuyện mà đức Phật dùng khá nhiều phương pháp để nói rõ, dùng khá nhiều danh từ và thuật ngữ để thuyết minh.
Sau đấy, chúng ta hiểu: Nhất tâm là Chân Như, nhất tâm là Pháp Thân, chân tâm, bản tánh, Pháp Thân, há còn có tu hay chứng gì nữa? Trong Đàn Kinh, Lục Tổ chỗ nào cũng chỉ bảo, cảnh tỉnh chúng ta: Hãy quyết định chớ nên chấp trước. Khi kiến tánh, Ngài nói: “Nào ngờ tự tánh, vốn sẵn thanh tịnh”. Nếu trong tâm thanh tịnh có tu và có chứng, sẽ là hai pháp. Tổ bảo pháp sư Ấn Tông: “Phật pháp là pháp bất nhị. Nhị sẽ chẳng phải là Phật pháp”. Hai là mê, một là giác ngộ. Đối với cái Một ấy, nếu “một” là do đối ứng với hai mà chấp một, thì vẫn là mê! Hễ có một bèn có hai, vẫn rớt vào trong hai pháp. Cái Một ấy là một tuyệt đối, chẳng phải là Một trong tương đối. Một tương đối thì vẫn là mê. Bọn phàm phu chúng ta đọc Đàn Kinh, đọc câu này của Tổ vẫn mê, [bởi lẽ, nó] chẳng phải là cảnh giới của chính mình. Câu nói ấy được dẫn khởi như thế nào? Sư Ấn Tông nghe nói tổ Huệ Năng đắc pháp từ ngài Hoàng Mai (Ngũ Tổ), muốn hỏi dò: “Thông thường, Ngũ Tổ thuyết pháp có nói đến giải thoát và Thiền Định hay không?” Lục Tổ bảo Sư: “Thiền Định và giải thoát là hai pháp, Phật pháp là pháp bất nhị”. Chỉ điểm, cảnh tỉnh Sư: Trong tâm ông vẫn là cầu pháp bên ngoài. “Hai” chính là cầu pháp ngoài tâm.
Nhất tâm chẳng dễ hiểu, vì sao? Chúng ta thấy nhất tâm, còn có ý niệm: “Đây là nhất tâm”, có một cảnh giới, có một quan niệm, đã chẳng phải là nhất tâm từ lâu mất rồi! Đúng là nhất tâm thì trong ấy quyết định chẳng có một niệm, đó là nhất tâm trì danh, là thật thà niệm Phật. Có rất nhiều người đến chỗ tôi hỏi này hỏi nọ, tôi dùng một câu để trả lời chung: “Đều chẳng phải là thật thà, đều chẳng phải là nhất tâm, mà là đang loạn tâm niệm Phật”. Nếu kẻ ấy nhất tâm niệm, lấy đâu ra vấn đề? Tuyệt đối sẽ chẳng có vấn đề nào! Nhất tâm niệm, người ấy sẽ thật sự là thật thà, sẽ chẳng hỏi ai khác. Đừng nói là họ chẳng cần hỏi tôi, [ngay cả] A Di Đà Phật ngồi nơi đó, người ấy cũng chẳng hỏi, chẳng thưa hỏi một câu nào cả! Hễ còn có khởi tâm động niệm, đều là không thật thà, đều là loạn tâm, chẳng phải là nhất tâm. Do vậy, ở trong ấy phải chú tâm lãnh hội: Trong nhất tâm, chẳng có tu, chẳng có chứng. Tu và chứng là hai pháp. Hai pháp sẽ chẳng phải là Phật pháp, lấy đâu ra tu và chứng?
(Diễn) Bất thiệp trình đồ.
(演)不涉程途。
(Diễn: Chẳng dính dáng đến khoảng cách xa hay gần).
Trong kinh, đức Phật đã nói: Tây Phương Cực Lạc thế giới cách nơi đây mười vạn ức cõi Phật, đó gọi là “trình đồ”. “Trình” (程) là lộ trình, [ý nói] đường sá xa xôi. Trong nhất tâm chẳng có xa, gần, chẳng có lớn, nhỏ. Lớn và nhỏ là hai pháp. Xa, gần là hai pháp. Nói chung, hai pháp chẳng phải là Phật pháp. Chẳng phải là Phật pháp sẽ không phải là nhất tâm, nhất tâm là Phật pháp. Do vậy có thể biết: Trong tâm chúng ta có hai niệm; hễ có hai niệm, sẽ chẳng phải là chân tâm. Trong chân tâm, quyết định chẳng có hai niệm, đó là then chốt [quyết định] mê hay ngộ trong tu hành. Người ngộ là ngộ như thế nào? Kẻ mê là mê như thế nào? Mấu chốt ở ngay nơi đây.
Do vậy có thể biết: Trong kinh luận, chư Phật, Bồ Tát thường nói, loạn tâm chẳng thể thành tựu! “Từ nhân tới quả” hoàn toàn là chuyện của chính mình, Phật, Bồ Tát chẳng thể giúp đỡ được, nhất định phải cậy vào chính mình. A Di Đà Phật từ bi đến tột bậc, vẫn phải là chính mình chế phục phiền não thì Ngài mới giúp đỡ được. Quý vị chẳng chế phục phiền não, dẫu A Di Đà Phật từ bi cũng chẳng thể giúp được. So với các pháp môn khác, pháp này đúng là dễ dàng hơn nhiều lắm. Trong các pháp môn khác, quý vị ắt phải đoạn trừ Kiến Tư phiền não, Phật, Bồ Tát mới có thể giúp quý vị. Chưa đoạn Kiến Tư phiền não, chẳng thể giúp được! [Trong pháp môn Tịnh Độ], A Di Đà Phật chỉ cần quý vị chế phục [phiền não], chẳng cần đoạn; hễ chế phục sẽ giúp đỡ được! Có thể thấy là công phu cơ bản nhất định phải cậy vào chính mình. Cậy vào người khác sẽ không được, phải biết điều này. Nhất tâm là chân tâm, bản tánh; triết học gọi nó là bản thể của vũ trụ, trong ấy chẳng có tu – chứng, chẳng có gần – xa (“trình đồ” là xa hay gần).
(Diễn) Toàn thể thị Phật.
(演)全體是佛。
(Diễn: Toàn thể là Phật).
“Phật” có nghĩa là giác. Nói cách khác, toàn thể của nhất tâm là giác. Nếu Ngài chẳng giác, chúng sanh có cảm, làm sao Ngài có thể ứng cho được? Có giác thì mới có ứng. Giác chẳng phải là biết, trong ấy có sai biệt, giác là trí huệ chân thật, tức trí huệ Bát Nhã. Thuở tại thế, Thích Ca Mâu Ni Phật giảng kinh thuyết pháp bốn mươi chín năm, thời gian giảng Bát Nhã chiếm hai mươi hai năm, gần như chiếm mất nửa thời gian Ngài hoằng pháp lợi sanh. Mọi người biết Bát Nhã giảng Không, [nếu] Không [chỉ đơn giản] là “thứ gì cũng đều chẳng có”, đứa trẻ lên ba cũng hiểu, cần gì phải giảng mất hai mươi hai năm? Lão nhân gia giảng Không, Không là Có, Có là Không. Có và Không là một chuyện, chẳng phải là hai chuyện. Nói kiểu này khiến cho chúng ta hồ đồ, càng nói càng khó hiểu, cho nên mới tốn thời gian hai mươi hai năm để khiến cho chúng ta thật sự hiểu rõ Không và Có là một chuyện. “Không” là Căn Bản Trí, “Có” là Hậu Đắc Trí. Tổng cương lãnh của Bát Nhã là “Bát Nhã vô tri, không gì chẳng biết”. Vô tri là Không, không gì chẳng biết là Có. Vô tri và hữu tri đều gọi là Giác.
Vì thế, Giác ở đây chẳng phải là giác như trong quan niệm hiện thời của chúng ta. Giác trong quan niệm hiện thời của chúng ta sanh từ ý thức. Giác như đức Phật đã nói thì lìa tâm ý thức, vốn trọn đủ trong tự tánh, đó mới là Chánh Giác, chẳng do tu được. Toàn thể là giác, toàn thể là Phật, toàn thể đều có thể hiện tướng.
(Diễn) Nhược ngôn thị nhân, đối quả ngôn nhân, ký vô đương quả, nhân thị thùy nhân.
(演)若言是因,對果言因,既無當果,因是誰因。
(Diễn: Nếu nói là nhân [thì là] đối với quả mà nói nhân. Đã không là quả thì nhân là cái nhân nào?)
Nhân và quả là hai pháp, hai pháp chẳng phải là Phật pháp. Trong tự tánh, chẳng nói tới quả. Chẳng nói tới quả, lấy đâu ra nhân? Do vậy, cũng chẳng có nhân quả. Chư vị phải hiểu: Chứng đắc đến quả vị rốt ráo, nhân lẫn quả chẳng có, đó là cảnh giới Thường Tịch Quang Tịnh Độ trong Tịnh Độ. Từ Thật Báo trở xuống đều có nhân quả; chúng có tướng, hễ có tướng bèn có nhân quả. Trong kinh, đức Phật có nói: Tướng của cõi Thật Báo là hữu sanh vô diệt; hiện tướng (tướng biến hiện) của cõi Phương Tiện và cõi Đồng Cư là có sanh, có diệt. Đối với các hiện tượng như chúng ta thấy trong hiện thời, hết thảy muôn hình tượng đều có sanh và diệt. Cõi Thật Báo hữu sanh vô diệt; cõi Thường Tịch Quang chẳng có sanh mà cũng chẳng có diệt, sanh lẫn diệt đều chẳng có. Đấy là nói tới cảnh giới Thường Tịch Quang, nói đến sự viên mãn rốt ráo. Do vậy, nhân lẫn quả cũng chẳng có.
(Diễn) Nhược ngôn thị quả, đối nhân ngôn quả, ký vô tiền nhân, quả thị thùy quả? Cố danh Thị dã.
(演)若言是果,對因言果,既無前因,果是誰果。故名是也。
(Diễn: Nếu nói là quả, là do đối với nhân mà nói quả. Đã không có nhân trước thì quả là quả nào? Vì thế, gọi là Thị).
Nhân quả cũng chẳng có, rốt cuộc là gì? Bất đắc dĩ nói một câu: “Chỉ là nhất tâm”, hoặc nói “chỉ là nhất giác”, “chỉ là nhất Phật”. Những lời ấy đều rất miễn cưỡng, rất bất đắc dĩ mà thốt ra, quyết định chớ nên chấp trước. Nghe xong, quyết định chớ nên khởi tâm động niệm. Đó là Thị, “tâm này là Phật”.
Tôi nói đoạn này, tự mình cảm thấy đã nói rất minh bạch, nói rất rõ ràng. Sợ là quý vị nghe xong vẫn mơ mơ màng màng, vẫn chẳng hiểu rõ lắm! Xác thực là khó hiểu, khó ở chỗ nào? Chúng ta có thể nói: Chẳng nói tới quá khứ, quá khứ đều quên hết. Nói về một đời này thì từ lúc sanh ra cho đến nay đều chưa có kinh nghiệm ấy, đều chẳng có kiến thức thông thường ấy, đột ngột nghe tới cảnh giới này, đúng là “đọa trong sương mù dầy năm dặm”, có hiện tượng ấy! Hiện tượng ấy cũng là bình thường, ắt cần phải có công phu từng trải kha khá, “từng trải” là niệm Phật. Khi niệm đến mức tâm thanh tịnh, quý vị có thể lãnh hội đôi chút ý nghĩa, đó là chân tướng của vũ trụ và nhân sinh.
(Sớ) Hựu thử nhất tâm, tức Định trung chi Định cố.
(Sao) Định trung Định giả, dĩ định tán phán chi.
(疏)又此一心,即定中之定故。
(鈔)定中定者,以定散判之。
(Sớ: Lại nữa, nhất tâm chính là Định trong các loại Định.
Sao: “Định trong các loại Định” là dùng Định và Tán để xét đoán).
Tương phản của Định là tán loạn, cái đối lập với tán loạn là Định.
(Sao) Tu dư thiểu thiện phước giả, tán thiện dã. Nhất tâm bất loạn giả, định thiện dã.
(鈔)修餘少善福者,散善也;一心不亂者,定善也。
(Sao: Tu những điều thiện phước ít ỏi khác, sẽ là tán thiện. Nhất tâm bất loạn là định thiện).
“Tán thiện” là gì? “Định thiện” là gì? Nói thật ra, mấu chốt trong tu hành là tâm. Tán tâm thì tu pháp môn gì cũng đều tản mạn. Tâm định, tu hết thảy các pháp đều là định. Trong phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện đã nêu bày điều này rõ ràng nhất, hạnh Phổ Hiền từ lễ kính cho đến hồi hướng, những gì Ngài đã tu có khác với phàm phu hay chăng? Chúng ta thấy tượng Phật bèn cung kính đảnh lễ ba lạy, Phổ Hiền Bồ Tát thấy tượng Phật cũng đảnh lễ ba lạy, chẳng phải là giống hệt như nhau ư? Vì sao chúng ta tu đảnh lễ ba lạy chẳng gọi là “lễ kính chư Phật”, còn Ngài đảnh lễ ba lạy bèn gọi là “lễ kính chư Phật”? Sự giống nhau, tâm khác nhau! Tâm lượng của chúng ta rất nhỏ, có phân biệt, chấp trước, thấy là tượng Phật thì mới lạy, chẳng phải là tượng Phật sẽ không lạy. Có phân biệt, chấp trước thì tâm chẳng rộng; tâm Phổ Hiền Bồ Tát chẳng có phân biệt, chấp trước, tâm Ngài rộng lớn, tận hư không khắp pháp giới là nhất tâm của Ngài. Tâm Phổ Hiền Bồ Tát chính là nhất tâm bất loạn như chúng ta đang nói ở đây, nhất tâm bất loạn là tâm Phổ Hiền. Dùng nhất tâm bất loạn để tu hết thảy các pháp, sẽ đều là Phổ Hiền hạnh, mới hiểu tông này và Phổ Hiền Bồ Tát có mối quan hệ chặt chẽ như thế nào!
Tán tâm tu hết thảy các hạnh thì đều thuộc loại tán thiện, tán thiện đều gộp chung vào phước báo. Vì sao nói là phước báo? Chẳng thể thoát tam giới, chẳng thể liễu sanh tử, quả báo tu được chính là hưởng phước trong tam giới lục đạo, đó là “tán thiện”. Tu tập bằng tán tâm chính là tu bằng cái tâm tạp loạn. Nói rõ ràng hơn, nói minh bạch hơn một chút, nếu chẳng đoạn vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì hết thảy các thiện pháp đã tu đều là tán thiện, quả báo sẽ là phước báo hữu lậu trong lục đạo. Nhất tâm bất loạn khác hẳn, trong đoạn tiếp theo còn nói rõ rệt, cặn kẽ hơn: Nhất tâm là Định, tức là Định trong Định. “Định trong Định” là tự tánh vốn định. Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật thay đổi tên gọi của nó thành Thủ Lăng Nghiêm Đại Định. Ở đây gọi Thủ Lăng Nghiêm Đại Định là “Định trung Định”, cũng là nói đến Lý nhất tâm trong nhất tâm bất loạn. Nhất tâm là Định, bất loạn là Huệ. Nhất tâm bất loạn là Định, mà cũng là Huệ, Huệ là Định. Nhất tâm bèn bất loạn, bất loạn bèn nhất tâm. Nhưng quý vị phải hiểu: Bất loạn là Huệ, nhất tâm là Định; Định là Huệ, Huệ là Định. Do vậy có thể biết: Rất nhiều kẻ hiểu lầm, tưởng người niệm Phật chỉ tu một tí Định, hoàn toàn chẳng có trí huệ. Kẻ ấy đã sai lầm, chẳng biết Định tâm khởi tác dụng là Huệ. Người niệm Phật xác thực là “Định huệ đẳng trì” (giữ cân bằng Định và Huệ). Trong câu Phật hiệu có đại định viên mãn, có Bát Nhã viên mãn, nhưng rất nhiều kẻ chẳng biết, không chịu tu học, ở ngay trước mặt mà bỏ lỡ. Vì sao bỏ lỡ? Ít thiện căn và phước đức!
(Diễn) Nhất tâm bất loạn danh Định giả, tâm duyên nhất cảnh, vô hữu dị niệm, cố ngôn định thiện.
(演)一心不亂名定者,心緣一境,無有異念,故言定善。
(Diễn: “Nhất tâm bất loạn gọi là Định”: Tâm duyên một cảnh, chẳng có niệm khác, nên nói là Định Thiện).
Câu này khiến cho chúng ta được thức tỉnh mạnh mẽ, chúng ta niệm Phật mà chẳng biết định tâm nơi một cảnh giới. Miệng niệm A Di Đà Phật mà tâm duyên khá nhiều cảnh giới, làm sao có thể thành tựu cho được? Ý chí tinh thần chẳng thể tập trung, dùng tâm tán loạn niệm Phật sẽ chẳng thể thành tựu. Dùng tâm tán loạn để tham Thiền, dùng tâm tán loạn để nghiên cứu Giáo cũng chẳng thể thành tựu. Cổ đức nhấn mạnh “phải thâm nhập một môn”, đạo lý ở ngay chỗ này. Thâm nhập một môn là tâm duyên một cảnh giới, dễ dàng thành công, không cần thời gian rất dài, tâm đã được thu thập. Phật pháp nhấn mạnh nguyên tắc này, giáo học của Nho gia cũng chẳng phải là ngoại lệ. Mạnh Tử nói: “Học vấn chi đạo vô tha, cầu kỳ phóng tâm nhi dĩ” (Đạo học vấn chẳng có gì khác, cốt sao thu hồi cái tâm buông lung mà thôi). “Phóng tâm” (放心) là gì? Tâm tán loạn, tâm ấy hướng theo bên ngoài. Học vấn (學問) là gì? Thu hồi cái tâm ấy lại, khiến cho nó quy nhất, có ý nghĩa này. “Tâm duyên một cảnh” chính là như Mạnh Tử nói “thâu hồi cái tâm buông lung”, nói thông tục là “thâu tâm” (thu hồi cái tâm), có ý nghĩa này. Chỉ cần duyên một cảnh sẽ là Định; tu như vậy thì hết thảy đều là thiện pháp, là Định Thiện. Vì sao? Tâm định. Tâm định tu hết thảy thiện pháp sẽ là định thiện. Tâm tán loạn, tu hết thảy thiện pháp là tán thiện. Tán thiện là phước đức, định thiện là công đức. Công đức và phước đức sai khác ở chỗ này. Tu định thiện là công đức, tu tán thiện là phước đức. Vì sao? Người ấy chẳng có Định, chẳng có Huệ, nhưng có phước báo. Phước báo có ba loại: Thứ nhất là của cải, loại thứ hai là thông minh, trí huệ, loại thứ ba là khỏe mạnh, sống lâu. Công đức khác hẳn, do công đức bèn đắc Thiền Định, khai trí huệ. Khai trí huệ bèn đoạn phiền não, phá vô minh, hoàn toàn khác biệt.
(Sao) Hựu dĩ nhất tâm nhi phân định tán, Sự nhất tâm giả, định thiện trung chi tán thiện dã. Lý nhất tâm giả, định thiện trung chi định thiện dã.
(鈔)又以一心而分定散,事一心者,定善中之散善也;理一心者,定善中之定善也。
(Sao: Lại dùng nhất tâm để phân biệt Định và Tán. Sự nhất tâm là tán thiện trong định thiện, còn Lý nhất tâm là định thiện trong định thiện).
Ở đây, nói “Định trong Định” là nói tới Lý nhất tâm. Nói cách khác, thật tại là nói công phu định lực sâu hay cạn mà thôi! Công phu định lực cạn, đó là tán thiện. Công phu định lực sâu thì là định thiện, đấy là so sánh ở một tầng cấp sâu hơn. Giả sử chúng ta chia nhất tâm thành hai loại là Lý và Sự, trong Sự nhất tâm có chín phẩm, trong Lý nhất tâm cũng có chín phẩm. Tánh định viên mãn hiện tiền, đó là Lý nhất tâm thượng thượng phẩm. Lý nhất tâm thượng thượng phẩm bèn thành Phật, thượng trung phẩm là Đẳng Giác, thượng hạ phẩm là Thập Địa Bồ Tát. Địa vị Thập Trụ trong Viên Giáo là Lý nhất tâm hạ phẩm, vì địa vị Thập Tín thuộc về Sự nhất tâm. Từ Sơ Trụ trở lên sẽ thuộc về Lý nhất tâm. Lý nhất tâm Bồ Tát có tất cả bốn mươi mốt địa vị, trên đó còn có địa vị Phật; tổng cộng là bốn mươi hai địa vị. Bốn mươi hai địa vị đều là Lý nhất tâm. Vì sao có bốn mươi hai? Do trình độ Lý nhất tâm cạn hay sâu khác biệt!
(Diễn) Sự nhất tâm giả, do vị ly lục thức, cố vi định trung tán. Lý nhất tâm giả, tắc thị thường trụ chân tâm, cố vi định trung định.
(演)事一心者,猶未離六識,故為定中散;理一心者,則是常住真心,故為定中定。
(Diễn: Sự nhất tâm là vì còn chưa lìa sáu thức, nên là tán thiện trong định thiện. Lý nhất tâm là thường trụ trong chân tâm nên là định thiện trong định thiện).
Chẳng lìa khỏi tâm ý thức thì là Sự nhất tâm; hoàn toàn lìa khỏi tâm ý thức bèn thuộc về Lý nhất tâm. Nói cách khác, Sự nhất tâm là tâm ý thức nắm quyền làm chủ, Lý nhất tâm là chân tâm, là tự tánh nắm quyền làm chủ. Đó là vì dụng tâm khác nhau. Cái tâm được Phổ Hiền Bồ Tát sử dụng là chân tâm, là tự tánh, mà cũng là Lý nhất tâm được nói trong kinh này, cho nên [những hành vi của Ngài] được gọi là “Phổ Hiền hạnh”. Thánh giả Đại Tiểu Thừa, các vị Bồ Tát thuộc địa vị Tam Hiền trong Biệt Giáo vẫn là sáu thức khởi tác dụng. Do vậy, dẫu đạt được Thiền Định rất sâu, vẫn là Sự nhất tâm. Liên Trì đại sư nói là “định trung tán” và “định trung định” là do phân biệt như vậy.
(Sớ) Hựu thử nhất tâm, tức Bồ Tát Niệm Phật tam-muội cố.
(Diễn) Tức Bồ Tát niệm Phật giả, dĩ hữu phàm phu Niệm Phật tam-muội, Nhị Thừa Niệm Phật tam-muội. Kim thị Bồ Tát Niệm Phật tam-muội cố.
(疏)又此一心,即菩薩念佛三昧故。
(演)即菩薩念佛者,以有凡夫念佛三昧,二乘念佛三昧,今是菩薩念佛三昧故。
(Sớ: Lại nữa, nhất tâm chính là Niệm Phật tam-muội của hàng Bồ Tát.
Diễn: “Tức là Niệm Phật [tam-muội] của hàng Bồ Tát”: Do có Niệm Phật tam-muội của phàm phu và Niệm Phật tam-muội của hàng Nhị Thừa. Nay [nói rõ nhất tâm] là Niệm Phật tam-muội của hàng Bồ Tát vậy).
Do vậy có thể biết: Niệm Phật tam-muội là danh xưng tổng quát. Cảnh giới trong ấy rất phức tạp, rất nhiều tầng cấp, chẳng phải là nói một loại Niệm Phật tam-muội là đã bao trùm trọn hết, [nếu nghĩ như vậy thì] đã sai mất rồi. Niệm Phật tam-muội cũng có cạn, sâu, rộng, hẹp khác nhau. Niệm Phật tam-muội của phàm phu thường được gọi là công phu thành phiến, pháp hỷ sung mãn. Niệm Phật rất hoan hỷ, niệm đến mức tinh thần sung mãn, niệm đến mức tự tại, vui sướng. Đó là Niệm Phật tam-muội của phàm phu. Có hữu dụng hay không? Có chứ! Đới nghiệp vãng sanh, sanh về cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Gần như là ai nấy đều có thể làm được chuyện này; cổ đức nói “vạn người tu, vạn người đến” chính là nói về chuyện này. Niệm Phật tam-muội của hàng Nhị Thừa là thượng phẩm Sự nhất tâm bất loạn, Niệm Phật Tam-muội của Bồ Tát là Lý nhất tâm bất loạn, phân biệt chẳng khó gì!
(Sao) Hoặc nghi Phật Thuyết Bồ Tát Niệm Phật Tam Muội Kinh, kỳ gian tịnh vô “tín nguyện vãng sanh” đẳng ngữ, duy ngôn “chánh niệm chư pháp Thật Tướng, thị danh Niệm Phật”, tự dữ thử kinh, ý nghĩa tương lệ. Kim vị: Bỉ chuyên chủ Lý, thử kiêm Lý Sự. Lý nhất tâm giả, niệm nhi vô niệm, tức Thật Tướng dã. Cái bỉ dĩ vô niệm chánh nhập, thử dĩ hữu niệm xảo nhập, tác dụng sảo biệt, cứu cánh bất thù. Thị cố, đồng danh Niệm Phật tam-muội.
(鈔)或疑佛說菩薩念佛三昧經,其間並無信願往生等語,惟言正念諸法實相,是名念佛,似與此經意義相戾。今謂彼專主理,此兼理事。理一心者,念而無念,即實相也。蓋彼以無念正入,此以有念巧入,作用稍別,究竟不殊,是故同名念佛三昧。
(Sao: Hoặc có kẻ ngờ vực: Trong kinh Phật Thuyết Bồ Tát Niệm Phật Tam Muội trọn chẳng nói các từ ngữ “tín, nguyện, trì danh” v.v… chỉ nói “chánh niệm Thật Tướng của các pháp thì gọi là Niệm Phật”, tợ hồ mâu thuẫn với ý nghĩa của kinh này. Nay nói: Kinh ấy chuyên chủ về Lý, kinh này kiêm Lý lẫn Sự. Lý nhất tâm là niệm mà vô niệm, tức là Thật Tướng. Ấy là vì kinh ấy dùng vô niệm để trực tiếp tiến nhập, kinh này dùng hữu niệm để khéo léo tiến nhập. Tác dụng hơi sai khác, nhưng mục đích cuối cùng chẳng khác. Vì thế, cùng gọi là Niệm Phật tam-muội).
Đoạn khai thị này của đại sư giảng hết sức hay khéo! Nếu chẳng phải là bậc từng trải, sẽ chẳng có cách nào nói đơn giản, dễ hiểu dường ấy. Lời này của bậc từng trải thốt ra. Trong Đại Tạng Kinh có một bộ kinh tên là Phật Thuyết Bồ Tát Niệm Phật Tam Muội Kinh[1]. Vì ở đây nói đến Niệm Phật tam-muội của hàng Bồ Tát, mà kinh Bồ Tát Niệm Phật Tam Muội lại giảng khác với những gì chúng ta đang nói ở đây, sẽ dễ gây nên hoài nghi, khiến cho tranh luận dấy lên. Do trong Bồ Tát Niệm Phật Tam Muội Kinh chẳng nói “tín, nguyện, trì danh”, chỉ nói “chánh niệm Thật Tướng của các pháp” bèn gọi là Niệm Phật. Thoạt nhìn, dường như hoàn toàn chẳng tương ứng với cách nói trong Tịnh Độ Tông, nhưng nay chúng ta nghe lời này [đã cảm thấy] tương đối dễ tiếp nhận hơn. Vì sao? Vì danh hiệu A Di Đà Phật là tên gọi khác của Thật Tướng các pháp. Niệm một câu A Di Đà Phật là niệm Thật Tướng của các pháp, có khác gì đâu? Thật ra chẳng khác gì nhau! Chúng ta đổ công dốc sức nhiều năm ngần ấy nơi giáo pháp Tịnh Độ mới hiểu rõ. Người chẳng đổ công dốc sức ở nơi đây, vẫn thuộc trong tình huống chấp trước Lý và Sự chẳng thể viên dung, sẽ rất khó tiếp nhận.
“Kim vị bỉ chuyên chủ Lý” (Nay nói kinh kia chuyên chủ về Lý), [nghĩa là] kinh Bồ Tát Niệm Phật Tam Muội hoàn toàn nói theo Lý. Kinh này (kinh A Di Đà) quá nửa là nói theo Sự. Kinh xác thực là có hai loại lớn khác nhau. Nói thông thường, kinh nói theo Sự dường như rất nông cạn, kể chuyện xưa tích cũ, dễ hiểu, rất cạn cợt! Kinh nói theo Lý rất sâu, rất huyền, rất khó hiểu. Đó là cách nhìn của kẻ nông cạn! Trong cách nhìn của người sâu xa, hoàn toàn trái ngược với cách nhìn của lũ nông cạn chúng ta: Kinh nói theo Lý dễ hiểu, kinh giảng theo Sự chẳng dễ hiểu. Kinh giảng về Sự thì trong Sự có Lý. Nếu chẳng nói rõ Lý, ai tin được Sự ấy? Tại Đài Trung, thầy Lý bảo tôi: Suốt một đời thầy, sợ nhất là giảng kinh A Di Đà và kinh Địa Tạng, khó giảng nhất, vì các kinh ấy toàn nói theo Sự. Có người hỏi: “Sự hình thành như thế nào? Vì sao có Sự?” Phiền phức lắm! Kinh Lăng Nghiêm giảng Lý, kinh Kim Cang giảng Lý. Kinh nói về Lý dễ giảng, dễ hiểu. Kinh nói về Sự hết sức khó giảng, vì nó có Lý rất sâu. Nếu chẳng thấu triệt Lý, Sự sẽ chẳng thể nói viên mãn được, chẳng có cách nào khiến cho người khác tin tưởng! Lý giảng không viên mãn, thì có thể giảng một phần, người ta có thể tin một phần, giảng hai phần, người ta có thể tin hai phần, rất thú vị! Giảng kinh nói về Sự mà nếu chẳng hoàn toàn thấu triệt, sẽ chẳng có cách nào khiến cho người ta tiếp nhận, sẽ chẳng có cách nào khiến cho người ta tin tưởng.
Chúng ta cũng phải liễu giải sự khó dễ khác biệt. Tịnh Tông nổi tiếng là “khó tin, dễ hành”, tu rất dễ dàng, lý quá sâu. Kinh luôn nói đấy là cảnh giới nơi quả địa của Như Lai, chỉ có Phật và Phật mới có thể thấu hiểu rốt ráo. Chỉ có thành Phật thì mới có thể liễu giải triệt để viên mãn lý Tịnh Độ. Hữu tình chúng sanh trong chín pháp giới, chín pháp giới bao gồm Đẳng Giác Bồ Tát, nếu cậy vào sức của chính mình, sẽ chẳng có cách nào giảng giải viên mãn [pháp môn này]. Trong số [những người chẳng thể giảng viên mãn pháp môn này], bao gồm cả Đẳng Giác Bồ Tát! Mới biết Lý này sâu rộng chẳng thể nghĩ bàn. Kinh điển sâu như vậy, nay chúng tôi cũng giảng ở nơi đây, mọi người cũng nghe ở nơi đây, [cảm thấy] dường như chẳng khó, thật ra rất khó! Chúng tôi há có năng lực để giảng, không chỉ là chẳng có năng lực để giảng, mà [quý vị] cũng chẳng có năng lực để nghe. Năng lực nói và nghe đều do oai thần của chư Phật gia trì. Tách lìa sự gia trì của chư Phật, Bồ Tát, thì Bồ Tát còn chẳng thốt nên lời, huống hồ bọn phàm phu chúng ta! Chúng tôi có thể nói, mọi người có thể nghe, nghe xong hoan hỷ, đều do Phật lực gia trì, do oai thần và bổn nguyện của Phật gia trì. Do thiện căn, phước đức của chính mình đã tu tập, tích lũy trong quá khứ, duyên đến nay đã chín muồi, được Phật gia trì, nên [pháp này] được gọi là pháp môn Nhị Lực. Phật gia trì chúng ta, người thiện căn sâu có thể cảm nhận, người thiện căn kém hơn, nghiệp chướng dầy hơn, sẽ chẳng cảm nhận được. Tuy chẳng cảm nhận được, Phật vẫn gia trì quý vị. Trong tất cả hết thảy các pháp môn, pháp môn dễ được Phật lực gia trì nhất chính là pháp môn này. Vì quý vị tu học pháp môn này, chẳng có một đức Phật nào không hoan hỷ. Phật hoan hỷ, đương nhiên sẽ giúp đỡ quý vị, thương xót quý vị, hy vọng quý vị thành tựu viên mãn ngay trong một đời này. Đạo lý ở ngay chỗ này.
Kẻ bình phàm trong thế gian, phàm là Phật giáo đồ học Phật, chẳng có một ai không hằng ngày cầu Phật, cầu Bồ Tát gia hộ. Thật ra, đại đa số là đang dấy vọng tưởng, Phật, Bồ Tát cậy vào đâu để gia hộ quý vị? Dựa vào quý vị dập đầu binh binh mấy cái, cúng dăm ba quả chuối, trái cây, Phật liền gia hộ quý vị, há có chuyện thuận tiện như thế ư? Thật sự niệm Phật, thật sự phát nguyện cầu sanh, quý vị chẳng cầu Phật, Bồ Tát gia hộ, Phật, Bồ Tát thảy đều đến gia hộ quý vị. Vì sao? Đấy là chuyện chư Phật, Bồ Tát thích trông thấy nhất! Quý vị tu học những Phật pháp Đại Thừa khác, chưa chắc đã cảm ứng hết thảy chư Phật hộ niệm, đương nhiên cũng có khi được chư Phật, Bồ Tát hộ niệm, nhưng là thiểu số, rất ít. Tương ứng với pháp môn ấy bèn có cảm ứng đạo giao.
Pháp môn Niệm Phật của Tịnh Tông được hết thảy chư Phật đều cảm ứng. Từ phần sáu phương Phật [tán thán] trong kinh Di Đà, quý vị thấy sáu phương Phật là do La Thập đại sư phiên dịch giản lược. Trong bản dịch của Huyền Trang đại sư, ghi là mười phương Phật. Pháp môn Niệm Phật được hết thảy chư Phật đều tán thán, hết thảy chư Phật đều hoằng dương, hết thảy chư Phật đều mong mỏi chúng sanh tiếp nhận và tu học pháp môn này. Quý vị thật sự tin nhận, phụng hành, chẳng có vị Phật nào không hoan hỷ, chẳng có vị Phật nào không gia hộ quý vị, xác thực là khác hẳn! Quý vị phải lắng lòng đôi chút, quan sát trong một thời gian dài, xem thử giữa người niệm Phật và người tu các pháp môn khác, thành tựu trong tương lai chúng ta chẳng nhìn thấy, chỉ nhìn vào hiện tại. Nhìn từ chỗ nào? Tục ngữ thường nói: “Tướng chuyển theo tâm”, quý vị nhìn vào tướng trạng của họ. So giữa người niệm Phật và người học pháp môn khác chẳng giống nhau! Người niệm Phật rõ ràng là càng ngày càng có phước báo, càng ngày càng có trí huệ, càng ngày càng khỏe mạnh. Quan sát từ chỗ này, quý vị có thể thấu hiểu sức mạnh do được Phật, Bồ Tát gia trì khác hẳn, toàn là do Phật lực gia trì. Hết thảy các kinh luận có cảm ứng đạo giao cùng Phật, Bồ Tát, [nhưng chỉ là cảm ứng đạo giao] một phần! Chỉ riêng pháp môn này, cảm ứng toàn thể Phật, Bồ Tát, chẳng sót một vị Phật nào. Người thật sự biết ưu điểm của pháp môn này chẳng nhiều! Sau khi hội tập Đại Kinh, lão cư sĩ Hạ Liên Cư có viết một bài kệ chỉ rõ: “Phật vân nan tín, thành nan tín. Vạn ức nhân trung nhất nhị tri” (Phật nói khó tin, thật khó tin. Trong ức vạn người, một hai biết). Lời ấy chẳng giả tí nào! Nay chúng ta gặp gỡ pháp môn này, đúng là may mắn lớn, đúng là chẳng dễ dàng!
Bản thân tôi, khi mới học Phật, hết sức ngưỡng mộ Hoa Nghiêm và Pháp Hoa. Dụng công nơi kinh Pháp Hoa ít hơn, đó là do duyên phận gặp thiện tri thức khác biệt. Tôi đến Đài Trung mong được học kinh Pháp Hoa với thầy Lý, tôi mang theo hai mươi mấy thứ chú giải, mang theo tài liệu rất phong phú đến Đài Trung. Thầy Lý ở Đài Trung trông thấy lắc đầu, thầy nói: “Phiền phức quá! Tôi phải tìm thời gian để dạy riêng một mình anh, tìm không ra nhiều thời gian như thế”. Thầy nói: “Nay tôi đang giảng kinh Lăng Nghiêm, anh học kinh Lăng Nghiêm thì hay lắm, tôi đỡ tốn công sức”. Tôi thưa: “Cũng được ạ! Lăng Nghiêm và Pháp Hoa phân lượng cũng chẳng sai khác nhau mấy. Trong các kinh Đại Thừa, địa vị của kinh ấy cũng từa tựa”. Cổ nhân nói: “Khai trí huệ Lăng Nghiêm, thành Phật Pháp Hoa”. Tôi nói được lắm, tôi chấp nhận theo thầy học Lăng Nghiêm. Khi ấy, tôi chẳng sưu tập tài liệu tham khảo cho kinh Lăng Nghiêm. Ở Đài Loan, có thể tìm được hai bản là bộ Giảng Nghĩa của pháp sư Viên Anh và bộ Trực Giải của cư sĩ Tôn Trọng Hà, do Khánh Phương thư cục ấn hành, chỉ có hai loại ấy. Sau khi đã tới Đài Trung, vừa nghe kinh, vừa tìm tài liệu tham khảo. Đắc lực nhất là pháp sư Trí Khai thuộc Hương Cảng Phật Kinh Lưu Thông Xứ đã giúp đỡ tôi rất lớn. Đúng là Sư ở Hương Cảng đã toàn tâm toàn lực sưu tập giùm tôi, trong một năm gom góp đến mười mấy loại, đều là những bản chú giải nổi tiếng của kinh Lăng Nghiêm. Về sau, những bản chú giải kinh Lăng Nghiêm do chính mình sưu tập khắp nơi đại khái cũng có đến ba mươi loại. Đó là tài liệu tham khảo để học kinh. Trong sự tu học, duyên thật sự là mấu chốt quyết định thành bại. Thâm nhập một môn, nhất tâm thâm nhập, nhất định là sẽ có thành tựu.
“Thử kiêm Lý Sự” (Kinh này kiêm Lý và Sự), kinh này có Lý và Sự. Lý nhất tâm nói đến cảnh giới cao nhất là “niệm mà vô niệm”, đó là Thật Tướng. Vô niệm là gì? Vô niệm là nhất tâm, nhất tâm là Thật Tướng, là chân tướng. Nhất tâm là Lý, niệm là Sự. Sự chẳng trở ngại Lý, Lý chẳng trở ngại Sự, “Lý Sự vô ngại” được nói trong kinh Hoa Nghiêm đã hoàn toàn phơi bày trong kinh này. Ông Bành Tế Thanh nói kinh Vô Lượng Thọ chính là Trung Bổn Hoa Nghiêm, kinh A Di Đà là Tiểu Bổn Hoa Nghiêm. Chúng tôi hiểu rõ sự thật này, nên bỏ qua kinh Hoa Nghiêm để chuyên tâm, chuyên chú nơi kinh này. Kinh này không chỉ là tinh hoa của kinh Hoa Nghiêm, mà còn là tinh hoa của kinh Lăng Nghiêm và Pháp Hoa. Bộ kinh này là tinh hoa của ba bộ đại kinh. Ta niệm bản tinh hoa hay hơn nhiều, cần gì phải chuốc phiền phức học lắm thứ ngần ấy? Hao phí thời gian, lãng phí tinh thần. Đây là lý do vì sao cổ đại đức đến tuổi xế chiều thảy đều bỏ hết, thâm nhập một môn, đều niệm A Di Đà Phật, là do có đạo lý như vậy đó. Thuở trẻ vì sao phải học nhiều thứ ngần ấy? Vô tri! Kinh Địa Tạng bảo: “Cang cường nan hóa, nghiệp chướng thâm trọng” (Ương ngạnh, khó dạy, nghiệp chướng sâu nặng). Tuy thầy rát miệng buốt lòng khuyên bảo, dạy dỗ, vẫn y như cũ “bề ngoài tuân phụng, trong lòng chống trái”, tới khi chính mình thật sự hiểu rõ, minh bạch, mới cảm tạ thầy, mới hối hận chẳng kịp. Thuở ấy, nếu nghe lời thầy, sẽ đỡ phải đi rất nhiều chặng đường oan uổng, thành tựu của chính mình nhất định sẽ cao hơn hiện tại rất nhiều tầng cấp! Do chính mình đã trải nghiệm, lãng phí khá nhiều thời gian nơi đại kinh, đại luận, lầm lỡ rất nhiều thời gian, chẳng biết lợi ích do chuyên công dốc sức và chuyên ròng!
Nay tôi cũng rát miệng buốt lòng khuyên người khác. Tôi là người đã trải qua, mấy ai tin tưởng? Mấy ai chịu nghe theo? Chẳng chịu nghe, không tin, tôi cũng liễu giải, vì sao? Thuở ấy, thầy dạy tôi, tôi cũng là như vậy! Do đó, làm sao tôi chẳng biết tâm lý học tập của quý vị cho được? Tôi đã đi qua con đường ấy. Người chịu tin, chịu nghe là có phước. Kẻ không chịu nghe, không chịu tin thì phải đi theo con đường oan uổng. Nếu thật sự có thể quay lại từ con đường ấy, may mắn lắm! Chẳng quay lại được, vĩnh viễn lạc lối, đại khái chiếm tới chín mươi chín phần trăm, chẳng quay lại được. Người quay lại quá ít, tôi rất may mắn chuyển mình quay lại được nên mới có một chút thành tựu. Nếu chẳng quay về được là thôi rồi! Kẻ chẳng quay lại thì nhiều, người quay lại ít ỏi. Tôi có thể quay đầu, nói thật ra, thật sự đắc lực bởi Lăng Nghiêm và Hoa Nghiêm. Từ hai bộ kinh ấy, biết Tịnh Tông là tinh hoa và tinh yếu của đại kinh, hoàn toàn chẳng khác đại kinh, lại còn đơn giản hơn đại kinh, càng dễ dàng khiến cho chúng ta nắm được cương lãnh của toàn bộ các kinh. Nương theo phương pháp này để tu hành thì mới có thể trong một thời gian rất ngắn đạt được lợi ích thù thắng thật sự. “Thử kiêm Lý Sự” chính là Lý Sự vô ngại trong kinh Hoa Nghiêm.
“Cái bỉ dĩ vô niệm chánh nhập, thử dĩ hữu niệm xảo nhập” (Ấy là vì kinh kia dùng vô niệm để trực tiếp tiến nhập, kinh này dùng hữu niệm để khéo léo tiến nhập). Trực tiếp tiến nhập hay lắm, nhưng khó khăn! Vì sao? Niệm cho hết Kiến Tư phiền não, đoạn Trần Sa phiền não, cũng phá một phẩm vô minh thì mới tiến nhập. Vì sao niệm Phật là xảo nhập? Chúng ta chẳng cần đoạn một phẩm phiền não nào, chỉ cần chế phục bèn tiến nhập. Đã tiến nhập bèn như nhau! Quý vị nhập trực tiếp, tốn nhiều thời gian và tinh thần như vậy. Tôi xảo nhập, chẳng cần tốn nhiều thời gian như vậy, mà cũng chẳng tốn lắm tinh thần như thế, chúng ta đạt được hiệu quả như nhau. Tác dụng khác nhau, phương pháp xảo diệu khác nhau, “cứu cánh bất thù” (đạt đến mục đích cuối cùng chẳng khác nhau), đạt được công đức lợi ích hoàn toàn giống nhau. “Thị cố đồng danh Niệm Phật tam-muội” (Vì thế, cùng gọi là Niệm Phật tam-muội). Chúng ta phải thật sự suy nghĩ cặn kẽ, chú tâm lãnh hội lời lẽ khổ tâm khuyên dạy của Liên Trì đại sư. Do vậy, tôi nói: Những lời lẽ này, nếu chẳng phải là bậc từng trải, sẽ chẳng thể thốt ra được, chẳng thể thấu hiểu được! A! Chúng ta niệm Phật hồi hướng.
[1] Kinh này gồm sáu quyển do ngài Công Đức Trực xứ Thiên Trúc cùng với ngài Huyền Sướng dịch ra tiếng Hán vào đời Lưu Tống (tức nhà Nam Tống thời Nam Bắc Triều, do Lưu Dụ sáng lập). Kinh chủ yếu dạy về cách tu Thật Tướng Niệm Phật tam-muội. Kinh này còn có một bản dịch khác mang tên là Phật Thuyết Đại Phương Đẳng Đại Tập Bồ Tát Niệm Phật Tam Muội Kinh gồm mười quyển do ngài Tam Tạng Đạt Ma Cấp Đa xứ Thiên Trúc dịch vào đời Tùy.