#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn NghĩaChủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 33
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn mươi mốt, đoạn lớn thứ ba trong phần lời Tựa là Cảm Thời (cảm thán trước thời thế) trong phần lời tựa. Đoạn này cũng gồm ba tiểu đoạn, xin hãy xem lời tựa.
(Tự) Nại hà thủ ngu chi bối, trước Sự nhi Lý vô văn, tiểu huệ chi lưu, chấp Lý nhi Sự toại phế. Trước Sự nhi mê Lý, loại mông đồng độc cổ thánh chi thư. Chấp Lý nhi di Sự, tỷ bần sĩ hoạch hào gia chi khoán.
(序) 奈何守愚之輩,著事而理無聞;小慧之流,執理
而事遂廢。著事而迷理,類蒙童讀古聖之書;執理而遺事,比貧士獲豪家之券。
(Tựa: Hiềm rằng những kẻ chấp chặt ngu hèn, chấp vào Sự mà chẳng nghe Lý, phường trí huệ nhỏ nhoi do chấp Lý bèn phế Sự. Chấp Sự mê Lý, giống như trẻ thơ ngây ngô đọc sách của bậc thánh hiền thời cổ. Chấp Lý bỏ Sự, giống kẻ nghèo có được bằng khoán của nhà giàu có).
Hai câu đầu là nói về pháp, hai câu sau là tỷ dụ. Chúng ta vừa đọc liền hiểu rõ. Trong phần trước đã nêu trọn sự thù thắng của pháp môn Tịnh Độ, trong đoạn này, đại sư ôm nỗi cảm hoài rất sâu: Pháp môn thù thắng hy hữu dường ấy, mà người có thể tin tưởng sâu xa tu học rất ít. Nói cách khác, bao nhiêu người học Phật ở ngay trước mặt mà bỏ lỡ, quả thật đáng tiếc quá! Đoạn này là Tổng Thán (lời than chung). Trước hết, chúng ta hãy xem kẻ “thủ ngu” là ai, phường “thủ ngu” chỉ những ai?
(Diễn) Thủ ngu chi bối giả, ngu diệc bất năng chướng đạo, cố vân: “Nhân nhất năng chi, kỷ bách chi” đẳng, nhi quá tại “thủ” tự, nãi cao thôi thánh cảnh, hoạch địa tự hạn chi bối.
(演) 守愚之輩者,愚亦不能障道,故云人一能之己百
之等,而過在守字,乃高推聖境,畫地自限之輩。
(Diễn: “Những kẻ chấp chặt ngu hèn”: Ngu cũng chẳng thể chướng ngại đạo, cho nên nói: “Người khác làm một lần bèn thành công, ta gắng sức cả trăm lần [thì cũng thành công]” v.v… nhưng lỗi là ở chữ Thủ (chấp giữ), chính là nói về hạng người đề cao thánh cảnh, tự vạch đất hạn định).
Lời giải thích trong đoạn này đúng là đập một gậy vào đầu chúng ta, hy vọng nhờ cú đập ấy, chúng ta sẽ tỉnh ra, vì sao? Chúng ta thường nghĩ chính mình rất ngu si, chính mình chẳng thể thành tựu. Tổ sư bảo chúng ta: Ngu cũng chẳng sao, ngu hoàn toàn chẳng thể chướng ngại đạo. Nói như vậy thì ngu cũng có thể học đạo, ngu cũng có thể chứng đạo. Thật đấy! Chẳng giả tí nào! Trong pháp môn Tịnh Độ, quả thật có rất nhiều ngu phu ngu phụ mà họ đều có thể vãng sanh, thậm chí còn kẻ chẳng biết một chữ nào, vẫn có thể Thượng Phẩm Thượng Sanh. Trong Vãng Sanh Truyện lẫn Tịnh Độ Thánh Hiền Lục đều có những trường hợp ấy, đủ thấy ngu chẳng đáng sợ! Ngu thì phải như thế nào? Phải mạnh mẽ nỗ lực, tinh tấn, chẳng lười nhác. Cổ nhân nói: “Nhân nhất năng chi, kỷ thập chi; nhân thập năng chi, kỷ bách chi”, [nghĩa là] người ngu phải làm như thế này: Người ta học một lượt bèn hiểu, mình học mười lần; người ta học mười lần bèn biết, mình học một trăm lần. Chỉ cần chịu dốc sức, chịu nỗ lực, không ai chẳng thành tựu!
Những người thành tựu xưa nay ở trong nước lẫn ngoại quốc, chẳng nhất định đều là bậc thượng căn, không nhất định ai cũng là người thông minh, có thể nói quá nửa đều là kẻ ngu. Ai chịu nỗ lực, chịu học, phương pháp lại thích đáng, kẻ ấy bèn thành tựu. Kẻ ngu chẳng thể thành tựu là do lỗi tại “thủ”, [tức là] giữ lấy địa vị [ngu hèn] ấy, chẳng dám tiến lên, nên chẳng thể thành tựu. Người Nhị Thừa chẳng thể kiến tánh cũng do lỗi “chấp giữ”, “thủ nội u nhàn” (giữ lấy sự u tịch, thanh nhàn trong nội tâm), cho nên họ chẳng thể minh tâm kiến tánh, chẳng thể hồi Tiểu hướng Đại. “Cao thôi thánh cảnh” (đề cao thánh cảnh): Cảnh giới của chư Phật, Bồ Tát quá cao, chúng ta chẳng thể chứng đắc được, chúng ta chẳng thể thành tựu trong một đời này được! Chỉ cần có ý niệm như vậy, người ấy sẽ chẳng thể thành tựu! Đó là “hoạch địa tự hạn” (tự vạch đất phân giới hạn), đại địa chẳng có ngằn mé, người ấy vạch ra giới hạn trên mặt đất để tạo phạm vi ngăn giữ chính mình. Đây là tỷ dụ về hạng người chấp giữ ngu muội.
Thật ra, sự tu học trong Phật pháp dễ dàng hơn bất cứ pháp môn nào trong thế gian. Để thành tựu pháp thế gian phải nhờ vào nhân duyên, như câu nói: “Nhất ẩm nhất trác, mạc phi tiền định” (Một miếng ăn, một hớp uống, không gì chẳng được định sẵn). Tốt cũng chẳng dễ cầu được, mà xấu cũng rất khó bài trừ. Trong ấy có quả báo. Trong kinh Pháp Hoa, đức Phật đã nói: “Như thị nhân, như thị duyên, như thị quả, như thị báo” (nhân như thế, duyên như thế, quả như thế, báo như thế). Muốn thay đổi quả báo, đâu phải là chuyện nói dễ dàng! Thế nhưng muốn tu hành thành Phật, chẳng khó! Vì sao? Vì ai nấy đều có đủ chủng tử Phật tánh, quý vị đã có tiền vốn, chỉ thiếu khuyết duyên. Nói cách khác, quý vị thiếu khuyết “tín, nguyện, trì danh”, chỉ cần đầy đủ ba điều kiện này, lẽ đâu chẳng thành tựu? Nhìn như vậy thì thành Phật quả thật dễ dàng thực hiện hơn hoàn thành bất cứ sự nghiệp thế gian nào, chỉ cần tự mình chịu nỗ lực, thâm nhập một môn. Nếu quý vị phát đại tâm, tu đại hạnh, giống như trong Quán Kinh đã nói: “Phát Bồ Đề tâm, thâm tín nhân quả, độc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả” (Phát Bồ Đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến khích, cổ vũ hành giả). Đó là phát đại tâm, tu đại hạnh. “Khuyến tấn hành giả” là đem Phật pháp giới thiệu cho người khác, giảng giải cho người khác nghe, khuyên người khác học Phật, chúng ta ngày nay gọi việc này là “hoằng pháp lợi sanh”, đó là việc làm của hàng đại tâm Bồ Tát. Bản thân chúng ta có phải là đại tâm Bồ Tát hay chăng? Điều này phải hỏi chính mình, quý vị có chịu phát tâm hay không?
Ngu si chớ sợ, trình độ chẳng đủ cũng đừng hoảng. Thậm chí tuổi tác đã cao cũng đừng sợ! Sợ là sợ quý vị đề cao thánh cảnh, vạch đất tự hạn chế, sợ điều ấy! Hiện thời, tu học thuận tiện hơn quá khứ rất nhiều, càng là kẻ ngu lại càng thật sự có phước. Trước kia, người ngu khổ sở, nghe pháp sư giảng kinh, giảng một lần không nhớ. Nếu thỉnh pháp sư giảng lại lần nữa, chẳng dễ gì! Hiện thời có băng thâu âm, pháp sư giảng kinh bèn thâu lại, ta nghe một lần không nhớ, chẳng sao, ta mở băng thâu âm nghe lần nữa, vẫn chưa nhớ thì lại nghe một lần nữa, giống như câu nói “nhân nhất năng chi, kỷ bách chi” ở đây. Người ta nghe một lượt bèn hiểu, ta nghe một trăm lần. Thật sự có nghị lực và siêng năng như vậy, kẻ ngu si cũng biến thành thượng căn lợi trí. Nghe hiểu ý nghĩa kinh văn, nghe minh bạch, khuyến tấn hành giả là giảng cho người khác nghe, chính quý vị thích giảng như thế nào bèn giảng như thế ấy, lời giảng chẳng phải là lời lẽ [học được] từ người khác, làm cho người nghe thật sự hiểu đạo lý. Theo cách học như thế, chính quý vị ở trên bục giảng cũng sống động, hoạt bát, chẳng thấy khô khan. Đây là lý do vì sao người ngu có phước trong hiện tại.
Người ngu hiện thời có phước báo hơn những người ngu trong thời xa xưa chẳng biết gấp bao nhiêu lần? Trước kia, người ta nghe thầy giảng, nghe một lượt không hiểu, thỉnh cầu lớp đàn anh, thỉnh người thông minh, những người này nghe một lượt bèn hiểu, thỉnh những người ấy giúp đỡ, phải cầu cạnh người khác! Người ta có lòng tốt thì tốt lắm, giúp đỡ quý vị, giải thích lần nữa cho quý vị nghe, điều này rất khó có! Do vậy, hiện tại, chúng ta phải hết sức lợi dụng những công cụ khoa học, khiến cho sự ngu muội của chúng ta biến thành trí huệ. Ngu đừng sợ, ngu chẳng chướng đạo, chỉ cần đừng chấp chặt cái ngu thì thường là người ngu thành tựu cao hơn kẻ thông minh. Do vậy, cổ nhân thường nói: “Thông minh phản bị thông minh ngộ” (Thông minh đâm ra bị lầm lẫn bởi thông minh), bị lầm lẫn bởi sự thông minh của chính mình, kẻ ấy chẳng chịu nỗ lực tinh tấn, đến cuối cùng chẳng thể thành tựu bằng người ngu si.
Do vậy, tu học quý ở chỗ thâm nhập một môn, vừa bắt đầu bèn nhất định học một thứ chi đó, phải học thuần thục, thấu triệt thứ ấy, vì sao? Chỉ có thấu triệt thuần thục thì mới có thể dấy lên công phu quán chiếu. Nói tới công phu quán chiếu, tức là ứng dụng lý luận, phương pháp và cảnh giới mà quý vị đã tu học vào cuộc sống thực tế, dùng trong ăn cơm, mặc áo, đãi người, tiếp vật, dùng để xử lý hết thảy sự vụ thế gian, đó gọi là “thực hành công phu quán chiếu”. Học Phật như thế là học Phật sống động. Học và vận dụng Phật pháp sống động, chắc chắn chẳng do học nhiều! Hễ nhiều, sẽ chẳng đủ công lực. Do vậy, nhất định phải dồn công phu nơi một bộ kinh, thâm nhập một môn.
Trong quá khứ, khi tôi là học trò, khi còn học kinh, bản thân tôi có một cách làm, tức là học một bộ kinh thì nhất định phải giảng bộ kinh ấy từ đầu đến cuối mười lượt. Chẳng giảng đủ mười lượt, tuyệt đối chẳng học bộ kinh thứ hai. Giảng mười lượt rồi, tuy chưa thể nói là thấu triệt, nhưng cũng khá thuần thục, chính mình được thụ dụng. Lại học sang bộ thứ hai, công sức giảm một nửa, mà hiệu quả gấp bội, dễ dàng hơn nhiều! Là vì đã có căn bản, đã có cơ sở rồi. Bộ kinh thứ nhất chưa có cơ sở, chưa có căn bản, học rất tốn sức; nhưng mỗi người đều phải trải qua kinh nghiệm ấy, đều phải trải qua cửa ải khó khăn ấy. Chỉ cần qua được cửa ải thứ nhất, từ đấy về sau sẽ ngày càng dễ dàng hơn!
Nếu như nói tương lai ta phải quyết định một pháp môn, muốn thành tựu nơi một pháp môn trong một đời, không cần phải vừa mở đầu bèn quyết định ngay. Học mười bộ hay tám bộ xong rồi mới quyết định thâm nhập một môn thì tín tâm càng đủ, chẳng dễ gì bị ngoại cảnh xoay chuyển. Bởi lẽ, quý vị chỉ học đơn độc một bộ hay hai bộ, sẽ có lúc bị cảnh giới xoay chuyển: Nghe nói kinh Đại Thừa này hay, kinh kia cũng khá lắm, tâm bèn bị dao động! Thật sự chẳng bị ngoại cảnh lay động, [sẽ do tu tập] một môn mà chắc chắn thành tựu. Đoạn này nói về hạng người chấp giữ ngu muội, hoàn toàn chấp nơi sự tướng, chẳng hiểu lý rốt ráo; vì thế, tự mình hạn chế chính mình. Đấy là loại thứ nhất, loại thứ hai là kẻ tiểu huệ hoặc kẻ cuồng huệ.
(Diễn) Tiểu huệ chi lưu giả, học Bát Nhã Bồ Tát, tu cầu đại trí huệ.
(演) 小慧之流者,學般若菩薩,須求大智慧。
(Diễn: “Phường trí huệ nhỏ nhoi”: Bồ Tát học Bát Nhã cần phải cầu đại trí huệ).
Phường trí huệ nhỏ nhoi, đặc biệt nói về Bồ Tát học Bát Nhã. Bồ Tát học Bát Nhã phải cầu đại trí huệ.
(Diễn) Tiểu huệ giả cuồng huệ dã, thiên huệ dã, phi chân trí huệ.
(演) 小慧者狂慧也,偏慧也,非真智慧。
(Diễn: Tiểu huệ là cuồng huệ hoặc trí huệ lệch lạc, chẳng phải là trí huệ chân thật).
Chữ “tiểu huệ” chỉ kẻ cuồng huệ hoặc thiên huệ (trí huệ lệch lạc), chẳng phải là chân huệ. Đặc biệt là [đối với những người học Phật mà] khởi sự từ Bát Nhã. Nếu quý vị đọc cuốn Kim Cang Kinh Giảng Nghĩa của cư sĩ Giang Vị Nông, quý vị sẽ hiểu rõ. Từ xưa đến nay, pháp sư giảng kinh đều mười phần thận trọng đối với kinh Kim Cang, chẳng dễ dãi, coi nhẹ mà giảng, vì sao? Sợ người khác hiểu lầm, sợ người khác nghe xong bèn đi vào con đường Đoạn Diệt Không, [cho rằng] hết thảy đều không, đã không rồi, có gì để mà học nữa chứ? Thứ trí huệ ấy là cuồng huệ. Đương nhiên trong ấy cũng bao gồm Thế Trí Biện Thông, đó là “thiên huệ”. Chẳng phải là [chấp trước] lệch vào một bên thì lại là cuồng vọng, những người ấy chẳng có trí huệ chân thật. Người có trí huệ chân thật là Lý Sự viên dung, Lý Sự vô ngại, vận dụng đồng thời Lý lẫn Sự, đồng thời tu học, chẳng hề chỉ chấp Lý, không màng tới Sự. Từ Sự mới tỏ lộ được Lý, nương theo Lý mới có thể thành tựu Sự. Nếu chấp Lý phế Sự, cổ đại đức thường nói: Không ai chẳng bị đọa lạc! Chẳng thà chấp Sự phế Lý, chấp tướng tu hành, vẫn còn có thể đắc tiểu quả. Những kẻ chấp Lý phế Sự nhất định đọa lạc. Cổ đại đức thường nói: “Ninh khả chấp Hữu như Tu Di sơn” (thà chấp Có to như núi Tu Di), tức là hạng giữ lấy kiến chấp ngu muội, “bất khả chấp Lý như giới tử” (chớ nên chấp Lý bằng hạt cải). Căn bệnh chấp Lý phế Sự, chư Phật, Bồ Tát chẳng có cách nào cứu được!
(Diễn) Hựu thử nhị nhân chi bệnh, tại chấp trước lưỡng tự.
(演) 又此二人之病,在執著兩字。
(Diễn: Căn bệnh của hai hạng người này là do hai chữ “chấp trước”).
Gốc bệnh của hai hạng “thủ ngu” và “tiểu huệ” là do chấp trước.
(Diễn) Cố kinh vân: “Chúng sanh xứ xứ trước, dẫn chi linh đắc xuất”.
(演) 故經云:眾生處處著,引之令得出。
(Diễn: Cho nên kinh nói: “Chúng sanh chỗ nào cũng chấp, dẫn dắt cho họ thoát khỏi”).
Đây cũng nêu ra bổn ý giáo hóa chúng sanh của đức Phật. Chúng sanh chỗ nào cũng chấp trước, chẳng chấp Không, bèn chấp Có. Phật pháp là gì? Phật pháp không gì chẳng nhằm dẫn dắt những kẻ chấp trước đột phá chấp trước, vượt thoát chấp trước, khiến cho họ thành tựu. Phật pháp từ đầu đến cuối đều phá chấp trước, mà kinh điển Bát Nhã là rõ ràng nhất.
(Sớ) Thượng ngôn Phật Từ song bị trí ngu, kim ngôn chúng sanh bất thể Phật ý, hữu thiện giáo, vô thiện học, cố khả thán dã.
(疏) 上言佛慈雙被智愚,今言眾生不體佛意,有善教
,無善學,故可歎也。
(Sớ: Trong phần trên nói lòng Từ của Phật phủ khắp kẻ trí lẫn người ngu, nay nói chúng sanh chẳng thấu hiểu ý Phật. Tuy có người khéo dạy, nhưng chẳng có kẻ khéo học, cho nên đáng than thở vậy).
Đây là Liên Trì đại sư khôn ngăn cảm thán. Chư Phật, Bồ Tát đại từ đại bi, giáo hóa chúng sanh trọn khắp ba căn (thượng, trung, hạ), gồm thâu lợi căn lẫn độn căn, giống như Khổng lão phu tử “hữu giáo vô loại” (dạy học không phân biệt). Nay mấy câu này ngụ ý: Chúng sanh chẳng thấu hiểu ý Phật, Phật quả thật khéo dạy, là một vị thầy tốt nhất, Ngài có trí huệ tối cao, có kỹ xảo dạy học hết sức viên mãn, nay chúng ta nói là “phương pháp dạy học cao minh”. Quả thật khó thể gặp gỡ vị thầy giỏi như thế. Qua kinh luận, đâu đâu ta cũng thấy được, cũng cảm nhận được lòng Từ thiện xảo của đức Phật. Lỗi lầm tại nơi đâu? Lỗi lầm là do học trò chẳng biết học, chẳng khéo học! Có thầy giỏi, nhưng không có trò ngoan! Tuy thầy giỏi có đạo, có pháp, cũng chẳng có cách gì truyền thụ, không có truyền nhân. Chúng ta đọc đoạn văn này xong, chính mình phải hiểu rõ, truyền nhân thật sự của đức Phật không nhất định phải có trí huệ rất cao, không nhất định phải là thông minh, lợi căn, mà là kẻ giống như chúng ta cũng được, vì sao? Ngu chẳng thể chướng đạo, vấn đề là chúng ta có khéo học hay không? Người ta một lần là được, bản thân ta phải trăm lần. Đó là khéo học, đâu phải là có học cũng chẳng hiểu, trong một đời này chẳng có ai không thể thành tựu!
Sáng hôm nay, có các đồng học từ trường đại học Đài Loan đến đây thăm tôi, họ cũng có một nhóm nhỏ, cũng thường cùng nhau nghiên cứu kinh điển, tôi hỏi họ: “Tông chỉ nghiên cứu của quý vị là gì?” Tông chỉ, mục tiêu, phương hướng họ đều không nói được! Tôi nói: “Học với ai?” Họ thường thỉnh các vị pháp sư đại đức khác nhau đến giảng này nọ. Mỗi vị thầy là một đường lối, mười vị thầy là mười đường lối, quá khó, quá tạp! Do vậy, tôi khuyên họ: Nếu thường mời pháp sư đại đức bên ngoài đến diễn giảng, chẳng bằng chuyên môn thỉnh một vị pháp sư chỉ dạy trong suốt một thời gian dài thì mới có thể tu học thành công. Tôi nêu một thí dụ: Trong một năm, nghe mười người giảng kinh, thuyết pháp, học mười thứ, chẳng bằng suốt một năm dốc hết tinh lực chuyên học một thứ. Chỉ có thâm nhập một môn, mới thấu triệt cội nguồn pháp, thật sự có thể “một kinh thông, hết thảy đều thông”.
Hôm nay là ngày Rằm tháng Giêng, ánh trăng viên mãn, quý vị hy sinh dịp trăng thanh gió mát để đến đây nghe kinh, hy vọng Phật pháp, trí huệ, công đức của quý vị đều viên mãn. Để viên mãn, nhất định phải thâm nhập một môn, điều này hết sức quan trọng! Do vậy, tôi bảo họ: Hiện tại đạo tràng của chúng ta chuyên giảng kinh Di Đà, mỗi Chủ Nhật chuyên môn niệm Phật. Giảng kinh Di Đà xong, lại giảng từ đầu, giáp vòng như thế vĩnh viễn không ngưng dứt. Quý vị hãy nghĩ xem, học theo cách này chính mình có tiến bộ hay không? Nếu không có tiến bộ, ngừng ở chỗ này. Quý vị giảng kinh này lần thứ nhất, giảng lần thứ hai giống hệt như lần thứ nhất, còn ai đến nghe nữa? Chẳng đến nghe! Giảng mười lượt là mười cách, giảng một trăm lượt là một trăm cách, mỗi lượt khác nhau, người đến nghe mỗi lần đều có ngộ xứ, mỗi một lần đều có thể đạt được lợi ích, không bỏ lỡ ngày nào, người ấy nhất định phải tới! Có người cho rằng kinh Di Đà giảng qua một lượt, nếu giảng lần thứ hai, còn ai đến nghe? Chẳng đến nghe thì đổi kinh khác! [Quan niệm như vậy khiến cho] chính mình chẳng thể thành tựu, mà còn làm cho người khác lầm lẫn. Do đây có thể biết: Thâm nhập một môn bèn đầy đủ vô lượng công đức. Do vậy, chúng ta phải thấu hiểu ý Phật, ý Tổ, phải hiểu thế nào là “khéo học”.
Đạo tràng của cổ đại đức có đạo phong và học phong độc đáo, đặc biệt. Chúng ta chuyên nghiên cứu một bộ kinh là học phong, mỗi ngày Chủ Nhật niệm Phật là đạo phong. [Đạo tràng có] học phong và đạo phong thì mới có thể kiến lập. Hôm nay đổi cách này, ngày mai đổi sang cách khác, đấy là mờ mịt chẳng có mục tiêu, mù lòa, thiếu tông chỉ, đạo lẫn học đều mất, rất đáng tiếc! Ví như học Thiền, lấy Lục Tổ Đàn Kinh làm chủ, cứ nghiên cứu mỗi lượt, mỗi ngày Chủ Nhật mọi người cùng nhau tịnh tọa, cũng có thể kiến lập đạo phong và học phong. Sợ nhất là hôm nay Trương Tam, bữa mai Lý Tứ, phiền phức lớn lắm, lãng phí tinh lực và thời gian quý báu, rốt cuộc chẳng thành tựu chuyện gì hết!
(Sớ) Thủ ngu giả, ngu nhi cam ngu.
(疏) 守愚者,愚而甘愚。
(Sớ: “Thủ ngu” là ngu mà cam tâm chịu ngu).
“Cam” (甘) là cam tâm. Kẻ ấy đành lòng tình nguyện, chẳng muốn đột phá. Đấy cũng là như thường nói “có cảm giác tự ty”. Cảm giác tự ty quá nặng, mất lòng tin nơi chính mình. Ngày mai đại học Văn Hóa mời tôi diễn giảng, chủ đề là “thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”. Nếu chúng ta đánh mất niềm tin nơi chính mình, làm sao có thể độc tôn được? Nếu thật sự nói “thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”, sẽ biến thành cuồng huệ, chẳng rớt vào cam tâm giữ phận ngu phu, liền biến thành cuồng huệ. Trong đề mục ấy, nhất định phải giảng định nghĩa chữ Ngã. Ngã là gì? Kinh Niết Bàn nói “bát tự tại Ngã”, tức là trong kinh giảng tám điều để định nghĩa chữ Ngã, nhất định phải hiểu rõ đạo lý này. Đó là Chân Ngã, không phải là Giả Ngã phân biệt, chấp trước. Phật pháp phá Ngã Chấp. Ngã Chấp đã phá rồi thì mới thật sự “thường, lạc, ngã, tịnh”. [Ngã nói ở đây] là Ngã trong “thường, lạc, ngã, tịnh”, ắt phải có lòng tin tràn trề vào chính mình thì mới có thể thành công.
(Sớ) Tiểu huệ giả, huệ nhi bất huệ.
(疏) 小慧者,慧而不慧。
(Sớ: “Tiểu huệ” là có huệ, nhưng không phải là trí huệ).
Tức là nói: “Thông minh đâm ra bị thông minh làm cho lầm lạc”, thoạt nhìn, dường như rất thông minh, thật ra rất ngu si, vì sao? Tiếp theo đây, lời Sớ sẽ nói cho chúng ta biết.
(Sớ) Lương dĩ Sự y Lý khởi, Lý đắc Sự chương, Sự Lý giao tư, bất khả thiên phế.
(疏) 良以事依理起,理得事彰,事理交資,不可偏廢
。(Sớ: Ấy là vì Sự nương theo Lý mà khởi, Lý nhờ Sự mà hiển lộ, Sự và Lý giúp đỡ lẫn nhau, chẳng thể bỏ phế một phía nào).
Lý và Sự chẳng thể bỏ phế một bên nào.
(Diễn) Sự y Lý khởi giả, Sự bất tự Sự, nhân Lý nhi Sự.
(演) 事依理起者,事不自事,因理而事。
(Diễn: “Sự nương vào Lý khởi”: Sự chẳng thể tự có Sự được, do Lý mà có Sự).
Đây là nói Sự chẳng thể tồn tại độc lập, phàm có Sự, ắt có Lý, quyết chẳng thể không có Lý mà sự tướng xuất hiện. Nói theo Tịnh Độ thì:
(Diễn) Nhân tự tánh Di Đà, cố khuyến nhân niệm Di Đà.
(演) 因自性彌陀,故勸人念彌陀。
(Diễn: Do tự tánh Di Đà nên khuyên người ta niệm Di Đà).
Niệm câu A Di Đà Phật là có đạo lý. Nói cách khác, chúng ta nhất định phải hiểu rõ: Nhờ vào danh hiệu của Tây Phương thế giới A Di Đà Phật, nhất định phải niệm cho ra A Di Đà Phật trong tự tánh, đó mới là công đức viên mãn. A Di Đà Phật trong tự tánh là gì? A Di Đà Phật là tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Vô Lượng Giác. A Di Đà Phật trong tự tánh là tự tánh vô lượng giác, giác chứ không mê. Quý vị có thể đối với tự tánh giác mà niệm cho giác tánh của chính mình tỏ lộ, có cùng một cảnh giới “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật” như trong Thiền gia. Thiền dùng phương pháp tham cứu để đạt tới cảnh giới này, người niệm Phật dùng một câu A Di Đà Phật cũng có thể đạt tới cảnh giới này. [Câu này nhằm] giảng rõ vì sao chư Phật Như Lai khuyên chúng ta niệm A Di Đà Phật, nhất định phải hiểu ý nghĩa này.
(Diễn) Nhân duy tâm Tịnh Độ, cố khuyến nhân sanh Tịnh Độ.
(演) 因唯心淨土,故勸人生淨土。
(Diễn: Do duy tâm Tịnh Độ, nên khuyên con người sanh về Tịnh Độ).
Khuyên quý vị sanh về Tây Phương Tịnh Độ cũng có đạo lý. Cầu sanh về Tịnh Độ là Sự, “duy tâm Tịnh Độ” là Lý, vì Tây Phương Tịnh Độ do giác tánh của chính mình biến hiện, chẳng phải là pháp ở ngoài tâm. Ví như, tự tâm của chúng ta có thiện niệm, mà cũng có ác niệm. Thiện niệm thanh lương tự tại, ác niệm đủ mọi phiền não. Cầu sanh Tịnh Độ là bỏ vọng niệm, tăng trưởng thiện niệm, thân tâm chúng ta thoải mái dường ấy, cần gì phải tự tìm phiền não. Ý nghĩa là như vậy đó! Tận hư không trọn pháp giới đều chỉ do cái tâm của chính mình hiện ra, Uế Độ là duy tâm, Tịnh Độ vẫn là duy tâm. Đã cùng là duy tâm, vậy thì “tự tâm giữ lấy tự tâm”, hoàn toàn hợp lý, chẳng miễn cưỡng chút nào, mà còn chắc chắn thành tựu. Vì sao? Chẳng cầu nơi người khác! Pháp môn này cầu nơi chính mình, tự tâm cầu tự tâm, còn sợ gì chẳng thể vãng sanh? Do vậy, kẻ ngu cũng có thể vãng sanh. Cái ngu của kẻ ngu ấy chẳng trở ngại niệm Phật, chẳng trở ngại cầu sanh Tịnh Độ, chẳng chướng đạo! Đây là nói rõ Sự phải nương vào Lý để khởi.
(Diễn) Lý đắc Sự chương giả.
(演) 理得事彰者。
(Diễn: “Lý nhờ Sự mà hiển lộ” là…)
Nếu Lý mà không có Sự, Lý ấy cũng không thể hiển lộ.
(Diễn) Lý bất tự chương, do Sự nãi chương.
(演) 理不自彰,由事乃彰。
(Diễn: Lý chẳng thể tự phô rõ, phải do Sự mới được phô bày).
“Lý bất tự chương”, “chương” (彰) có nghĩa là rõ ràng, rành rành. Lý chẳng thể hiển hiện được. Ví như Bố Thí Ba La Mật, Bố Thí là xả, là buông xuống. Chỉ nói xả, nói buông xuống thì chúng là danh từ trừu tượng; chúng ta dùng Sự, đem hết thảy tài vật, đem hết thảy những chuyện cần thiết, mong cầu của chính mình buông xuống, bỏ được, Lý ấy mới hiện rõ ra. Giống như hành động và cách làm của Bàng cư sĩ là tướng viên mãn của Bố Thí Ba La Mật. Quý vị nghĩ xem có đúng hay không? Nếu chúng ta có nhiều tiền của như thế, chẳng cần đến, hãy đem làm chuyện tốt, nhưng chuyện tốt chẳng bằng vô sự. Không cần tới chút tiền của ấy, bỏ đi; chuyện tốt cũng bỏ. Chuyện tốt cũng đều bỏ, đương nhiên chuyện xấu sẽ bỏ sạch sành sanh. Hết thảy thiện – ác, tốt – xấu đều bỏ hết. Đó là tướng viên mãn của Bố Thí Ba La Mật. Nay chúng ta bỏ chuyện xấu, chứ chuyện tốt vẫn chưa bỏ được, tức là còn chưa buông xuống được! Ngài thị hiện tướng như vậy là tướng Ba La Mật viên mãn. Điều này giảng rõ Lý mà không có Sự sẽ không có cách gì hiển lộ được. “Do Sự nãi chương” (Do Sự [nên Lý] mới được phô bày), chúng ta lại xem pháp môn Niệm Phật.
(Diễn) Nhân niệm Di Đà.
(演) 因念彌陀。
(Diễn: Do niệm Di Đà).
Quý vị niệm một câu Nam-mô A Di Đà Phật là Sự. Suốt ngày từ sáng đến tối niệm Phật, xâu chuỗi chẳng rời tay, Phật hiệu chẳng lìa miệng, niệm đến cuối cùng niệm ra tự tánh Di Đà, tức là niệm ra giác tánh, quả thật lục căn đối trước cảnh giới sáu trần bên ngoài là giác chứ không mê, đó là Lý.
(Diễn) Phương hiển tự tánh Di Đà.
(演) 方顯自性彌陀。
(Diễn: Mới hiển lộ tự tánh Di Đà).
Hiển lộ toàn bộ Lý Thể nơi tự tánh.
(Diễn) Nhân cầu Tịnh Độ.
(演) 因求淨土。
(Diễn: Do cầu Tịnh Độ).
Chúng ta cầu nguyện vãng sanh, đó là Sự.
(Diễn) Nãi ngộ duy tâm Tịnh Độ.
(演) 乃悟唯心淨土。
(Diễn: Bèn ngộ duy tâm Tịnh Độ).
Đây là Lý, Lý là gì? Chính là “kiến tánh”, tức là như nhà Thiền gọi là “minh tâm kiến tánh”, nhất định phải dựa vào Sự mới có thể hiển lộ. Cổ đại đức thường nói: “Lịch sự luyện tâm” (trải qua sự việc để rèn luyện cái tâm). Đó gọi là “tu hành”. “Lịch” (歷) là từng trải, chúng ta từ sáng đến tối, không biết đã gặp bao nhiêu người? Gặp bao nhiêu chuyện? Rèn luyện trong mối quan hệ giữa người với người, luyện tâm đấy! Tâm là gì? Tâm là Lý. Phải từ Sự để hiển lộ Lý, đó gọi là tu hành thật sự. Nếu gặp Sự liền mê hoặc, điên đảo thì chẳng gọi là tu hành. Tu hành tuyệt đối chẳng phải là niệm suông một câu Phật hiệu! Suốt ngày từ sáng đến tối niệm Phật, lễ Phật, mà chẳng liên quan gì với cuộc sống của chúng ta, chẳng ăn khớp với cuộc sống của chúng ta, chẳng gọi là tu hành.
Phật pháp là cuộc sống, chẳng trật khớp với cuộc sống của chúng ta. Chẳng những sau khi kiến tánh không trật khớp, mà trước khi kiến tánh cũng chẳng trật khớp. Học một phần, liền có một phần thụ dụng, học hai phần, bèn có hai phần thụ dụng. Học sống động, vận dụng sống động, chẳng phải là học chết cứng. Những kẻ học chết cứng, ăn không tiêu, chính là hạng “thủ ngu” như đang được nói ở đây, họ chẳng hiểu nghĩa chân thật của Như Lai.
Ở đây nói là “chúng sanh bất thể Phật ý”, tức là chẳng thấu hiểu ý Phật. Nhất định phải học sống động, vận dụng sống động thì mới gọi là “tu hành thật sự”, chính quý vị phải thụ dụng được! Cảnh giới của chính mình nhất định phải mỗi ngày một nâng cao, phiền não mỗi ngày một giảm nhẹ, trí huệ mỗi ngày một tăng trưởng, tín tâm và nguyện lực của quý vị ngày càng mạnh, hiện tượng ấy mới là thật sự đạt được thụ dụng trong Phật pháp. Nói tới chỗ này, những câu tiếp theo đây chẳng khó hiểu cho lắm.
(Diễn) Do thị tâm thị Phật, phương nãi thị tâm tác Phật.
(演) 由是心是佛,方乃是心作佛。
(Diễn: Do tâm này là Phật, nên tâm này mới làm Phật).
“Tâm” là Lý, “Phật” là sự tướng. Vì “tâm này là Phật”, nên đến cuối cùng “tâm này làm Phật”, thành Phật.
(Diễn) Nhân thị tâm tác Phật, phương hiển tự tâm thị Phật.
(演) 因是心作佛,方顯自心是佛。
(Diễn: Do tâm này làm Phật, nên mới thấy rõ tự tâm là Phật).
Lý và Sự giúp nhau thành tựu, làm nhân duyên cho nhau. Đạt đến cảnh giới này, Lý và Sự là một, không hai, hoàn toàn viên dung, như nước và sữa hòa lẫn thành một Thể. Trong lời Sớ, Liên Trì đại sư nói là “Lý Sự giao tư”, “tư” (資) là giúp đỡ, Sự giúp cho Lý hiển, Lý giúp cho Sự thành. Chúng làm nhân duyên cho nhau. Do điều này, Lý và Sự “bất khả thiên phế” (chẳng thể bỏ một bên nào), chúng ta nhất định phải nhớ kỹ điều này. Hiện thời, đối với chúng ta, Lý là gì? Lý là chúng ta nghiên cứu kinh. Từ kinh điển, chú giải, chúng ta nghiên cứu, thảo luận, hòng hiểu rõ những đạo lý ấy. Sự là gì? Sự là mỗi ngày từ sáng đến tối, trong mười hai thời chấp trì danh hiệu, đó là Sự. Hai đằng phải tiến hành đồng thời, quyết chẳng thể bỏ một bên nào. Nhất là như trong phần trên đã nói: Thâm nhập một môn. Khi chưa thành công, tuyệt đối chớ nên thay đổi pháp môn, tuyệt đối chớ nên đổi theo đường lối khác.
Đọc tụng Đại Thừa, kinh Di Đà là Đại Thừa, đặc biệt là Di Đà Sớ Sao, kinh Di Đà là một quyển kinh văn mỏng tanh như vậy, chúng ta niệm đã quá nhiều, niệm chán ra rồi, chẳng còn thích thú gì hết! Sớ Sao hay lắm! Sớ Sao gần như đã trích lục tinh hoa của Đại Tạng Kinh. Đọc Sớ Sao là đọc tinh hoa của hết thảy các kinh, mà tinh hoa của hết thảy các kinh chỉ nhằm sáng tỏ đạo lý trong kinh Di Đà. Do vậy, đọc tụng Di Đà Sớ Sao là đọc tụng Đại Thừa, vì người khác diễn nói cũng là chuyên môn diễn nói pháp môn này. Lý Sự viên dung, Lý Sự viên tu, đó gọi là “khéo học”.
(Sớ) Trước thử chấp bỉ, quyết tệ đẳng nhĩ.
(疏) 著此執彼,厥弊等耳。
(Sớ: Chấp bên này hay chấp bên kia, mắc lỗi như nhau).
Hai lỗi này giống nhau, kẻ ngu chấp Sự phế Lý, kẻ tiểu huệ chấp Lý phế Sự, [hai hạng người này] đều chẳng thể đắc nhất tâm, đều chẳng thể đạt đến công phu thành phiến. Nói cách khác, đều chẳng thể vãng sanh. Vì sao? Không có thành tựu, hai căn bệnh này cùng lầm lạc như nhau.
(Sớ) Đồng mông dụ toàn ngu.
(疏) 童蒙喻全愚。
(Sớ: Kẻ hoàn toàn ngu mê ví như trẻ nhỏ).
“Đồng mông” là trẻ nhỏ, chúng chấp Sự mê Lý. Ví như xưa kia, trẻ nhỏ lớp Tiểu Học đọc sách cổ không hiểu. Chỉ là đọc, học thuộc lòng. Dạy trẻ nhỏ chú trọng học thuộc, chẳng giảng giải. Vì sao không giảng giải? Trí huệ của chúng chưa mở mang, có giảng cho chúng nó, chúng nó cũng không hiểu, chỉ dạy chúng nó học thuộc. Có tốt hay không? Tốt đẹp rất lớn. Tuy trẻ nhỏ trí huệ chưa mở mang, nhưng trí nhớ tốt, phàm những thứ gì cần nhớ, lúc ấy đều dạy cho chúng nhớ, đến mười hai, mười ba tuổi mới dần dần hiểu sự việc, trí huệ mở mang thì mới nghe giảng.
Tại Trung Quốc, trong quá khứ, dạy học được chia thành hai giai đoạn: Tiểu Học chú trọng đọc tụng, đọc thuộc lòng; Thái Học tương đương với Đại Học hiện thời, chú trọng giảng giải, nghiên cứu, thảo luận. Do vậy, khi dạy trẻ trong độ tuổi Tiểu Học, học sinh rất khổ, nhưng đến lúc học Thái Học, rất vui, đọc sách vui vẻ, hết sức tự tại. Vì sao? Tất cả những kinh sách cần nghiên cứu thảo luận đã hoàn toàn học thuộc rồi. Do vậy, vào học không cần mang theo sách, giảng đến trang mấy, dòng thứ mấy, chữ nào cũng đều biết cả. Thầy cũng thuộc lòng, trò cũng thuộc lòng.
Do vậy, không cần dạy học trong lớp học. Cổ nhân dạy học, quá nửa dẫn học trò du sơn ngoạn thủy, vừa đi vừa giảng, tự tại lắm! Con người hiện tại không có phước khí ấy, vì sao? Con người hiện thời không học thuộc sách, cho nên vào Đại Học vẫn phải mang theo một cái cặp to, học hành không vui sướng gì! Trước kia, đi học là sung sướng, khổ thì chỉ khổ vài năm, trẻ nhỏ chịu khổ một tí, nó cũng chẳng cảm thấy khổ lắm. Do vậy, dạy trẻ nhỏ là…
(Sớ) Hôn trĩ vị khai, cẩn năng độc văn, liễu bất giải nghĩa.
(疏) 昏稚未開,僅能讀文,了不解義。
(Sớ: Tối tăm, non nớt, đầu óc chưa mở mang, chỉ có thể đọc văn từ, trọn chẳng hiểu nghĩa).
Trước kia, trẻ nhỏ bảy tuổi đi học, đại khái [từ bảy tuổi] đến khoảng mười tuổi thuộc giai đoạn “đồng mông”. Quý vị đọc sách Ngũ Chủng Di Quy sẽ hiểu rõ đại lược tình huống dạy dỗ trẻ nhỏ vào thời cổ ở Trung Quốc; quý vị sẽ hiểu rõ phương thức của họ quả thật khá cao minh. Cái được chúng ta gọi là “phương pháp giáo dục khoa học” hiện thời quả thật chẳng thể sánh bằng phương thức áp dụng trong thời ấy. Phương pháp giáo dục thời ấy quả thật có ưu điểm, phối hợp với ý nghĩa của kinh để nói thì…
(Sớ) Sở vị chung nhật niệm Phật, bất tri Phật niệm giả dã.
(疏) 所謂終日念佛,不知佛念者也。
(Sớ: Đó gọi là “suốt ngày niệm Phật, mà chẳng biết vị Phật mà ta niệm là gì”).
Đây là tỷ dụ những kẻ không hiểu giáo lý, mỗi ngày từ sáng đến tối niệm A Di Đà Phật, một ngày niệm mấy ngàn câu, mấy vạn câu. Trong mỗi niệm, cầu A Di Đà Phật đến tiếp dẫn người ấy vãng sanh vào lúc lâm chung, có được vãng sanh hay không? Được chứ! Đới nghiệp vãng sanh, phẩm vị không cao, vì sao? Chưa mở mang trí huệ, không niệm ra được Phật Di Đà trong tự tánh. Niệm ra được tự tánh Di Đà, sẽ là Thượng Phẩm Thượng Sanh, thuộc về Lý nhất tâm bất loạn. Chẳng hiểu Lý, tối đa là niệm đến mức công phu thành phiến. Do vậy, nhất định phải hiểu Lý.
Đủ thấy đối với pháp môn Niệm Phật này, kinh Di Đà chẳng thể không giảng, chẳng thể không nghiên cứu. Nếu nói người niệm Phật chỉ niệm một câu Di Đà, thật thà niệm Phật là tốt rồi, chẳng cần phải nghiên cứu kinh, vậy thì vì sao Liên Trì đại sư chú giải tỉ mỉ dường ấy? Vì sao Ngẫu Ích đại sư phải viết Yếu Giải? Đều nhằm giảng giải cho quý vị! Đặc biệt là Sớ Sao, mênh mông, lớn lao, tinh vi, sâu xa, chỉ sợ quý vị không hiểu rõ, hoặc chỉ sợ quý vị tuy hiểu nhưng chưa thấu triệt. Đủ thấy người niệm Phật phải hiểu Lý, phải triệt để hiểu rõ đạo lý này thì một câu niệm Phật của chúng ta mới đắc lực. Nói “đắc lực” là niệm ra được vị Phật Di Đà trong tự tánh.
(Sớ) Bần sĩ dụ tiểu huệ.
(疏) 貧士喻小慧。
(Sớ: Kẻ nghèo ví như hạng tiểu huệ).
Đây là nói tới kẻ chấp Lý bỏ Sự. Những hạng chấp Lý mê muội Sự được ví như hạng tiểu huệ. Ở đây có một đoạn công án, tức là một câu chuyện nhỏ.
(Sớ) Tích hữu quẫn nhân.
(疏) 昔有窘人。
(Sớ: Xưa kia có kẻ cùng quẫn).
[“Quẫn nhân”] tức là người nghèo cùng, khốn khổ, gặp cảnh khó khăn.(Sớ) Lộ hoạch di khoán.
(疏) 路獲遺券。
(Sớ: Trên đường nhặt được tờ bằng khoán đánh rơi).
Trên đường nhặt được tờ khế ước, tức giấy chứng nhận quyền sở hữu.
(Sớ) Kiến kỳ sở tải điền, viên, cung thất, kim, bạch, mễ, túc, chủng chủng số mục, đại hỷ quá vọng, tự vân cự phú, bất tri sổ tha nhân bảo, ư kỷ hà thiệp?
(疏) 見其所載田園宮室,金帛米粟,種種數目,大喜
過望。自云巨富,不知數他人寶,於己何涉。
(Sớ: Thấy trong tờ bằng khoán ấy chép số lượng và danh mục các thứ ruộng, vườn, nhà cửa, phòng ốc, vàng, lụa, gạo, thóc, mừng rỡ quá sức mong đợi, tự bảo “giàu to”, chẳng biết là đang đếm những món quý báu của người khác, chẳng dính dáng gì tới mình).
Chính mình nghèo khôn xiết kể, trên đường nhặt được chứng từ ghi quyền sở hữu của người khác, trên ấy liệt kê đủ thứ số lượng các món tài sản, vàng, bạc, món báu, người ấy tự cho rằng ta đã phát tài. Thật ra, những món ấy của người khác, có liên quan gì tới mình đâu? Tự mình chẳng tu sẽ chẳng đạt được. Ngàn vạn phần đừng nghe kinh dạy: “Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ”, [bèn nghĩ] Tây Phương Cực Lạc thế giới do tự tánh của chính mình biến hiện, ta còn phải tu gì nữa? Tây Phương Cực Lạc thế giới là của ta! [Có ý nghĩ ấy, tức là] chẳng khác gì kẻ cuồng, hiểu lầm mất rồi! Tuy do Tánh Đức hiển lộ, không sai, nói về mặt Lý thì chắc chắn thông suốt, nhưng [trên mặt Sự, nếu] không có Tu Đức, chính mình sẽ chẳng thể thụ dụng bất cứ một thứ gì do Tánh Đức hiển lộ được. Đủ thấy: Chẳng thể phế Sự, nhất định phải biết Sự tu (tu hành nơi mặt Sự).
Sự tu thì phải tu hành thật sự. Quý vị phải đặc biệt hiểu rõ ý nghĩa được bao hàm trong hai chữ “tu hành”. Hành (行) là hành vi, thân thể chúng ta tạo tác, lời lẽ phát ra từ miệng, ý niệm trong ý đều là hành vi; sửa đổi cho đúng những hành vi sai lầm thì gọi là “tu hành”. Ví như Lục Ba La Mật của Bồ Tát là sáu cương lãnh lớn trong tu hành. Vì chúng ta có tâm tham, nên đức Phật dạy chúng ta tu bố thí, tu xả, xả gì vậy? Xả tâm tham! Vì chúng ta thường tạo ác nghiệp, nên đức Phật dạy chúng ta trì giới; trì giới là uốn nắn, sửa đổi ác nghiệp, đổi ác hướng lành. Ta có nóng giận, đức Phật dạy chúng ta tu nhẫn nhục, dùng nhẫn nhục để sửa lỗi nóng giận, cho đến dùng Bát Nhã để sửa đổi sự ngu si của chúng ta. Do đây biết: Sáu căn bệnh ấy chính là những hành vi sai lầm, đức Phật dùng phương pháp Lục Độ để sửa đổi hành vi sai lầm, đó gọi là “tu hành”. Đủ thấy: Tu hành quả thật là trải qua sự việc để rèn luyện cái tâm trong hết thảy hoàn cảnh nhân sự (quan hệ giữa con người với nhau), quyết chẳng phải là nói tôi mỗi ngày niệm Phật bao nhiêu câu, mỗi ngày lễ Phật bao nhiêu lạy, mỗi ngày ngồi tịnh tọa mấy tiếng. Trong tâm tham – sân – si vẫn chưa đoạn, chẳng gọi là “tu hành”. Vì sao? Những căn bệnh, những hành vi sai lầm ấy trọn chưa thể uốn nắn, sửa sai cho đúng.
(Diễn) Sổ tha bảo giả, Hoa Nghiêm vân: “Như nhân sổ tha bảo, tự vô bán tiền phân”.
(演) 數他寶者。華嚴云:如人數他寶,自無半錢分。
(Diễn: “Đếm món báu của người khác”: Kinh Hoa Nghiêm nói: “Như người đếm món báu của người khác, chính mình chẳng có nửa đồng”).
Mang ý nghĩa này.
(Sớ) Sở vị: Tuy tri “tức Phật tức tâm”, phán nhiên tâm bất thị Phật giả dã.
(疏) 所謂雖知即佛即心,判然心不是佛者也。
(Sớ: Ý nói: Tuy biết “Phật chính là tâm, tâm chính là Phật”, nhưng rành rành tâm chưa phải là Phật vậy).
Nói theo Lý thì không sai, “tâm này chính là Phật, Phật chính là tâm”, Quán Kinh dạy: “Thị tâm thị Phật, thị tâm tác Phật” (tâm này là Phật, tâm này làm Phật), đó là Lý. Chúng ta nay đang như thế nào? Tâm chẳng phải là Phật, Phật chẳng phải là tâm.
(Diễn) Phán nhiên tâm bất thị Phật giả, thị khẩu khẩu đàm không, bộ bộ hành hữu, khiết đắc nhục dĩ bão, lai tầm tăng thuyết Thiền giả.
(演) 判然心不是佛者,是口口談空,步步行有,喫得
肉已飽,來尋僧說禪者。
(Diễn: “Rành rành tâm chẳng phải là Phật”: Tức là miệng luôn nói là Không, nhưng bước nào cũng là Có. Ăn thịt no kềnh, đến tìm Tăng nói chuyện Thiền).
Câu này có nghĩa là gì? Miệng đúng, tâm sai! Tâm và miệng chẳng thể hợp nhất, Lý và Sự chẳng thể viên dung. Rượu thịt ăn no kềnh, tìm pháp sư bàn Thiền, có phải là nực cười hay chăng? Đấy là tâm chẳng phải là Phật, Phật chẳng phải là tâm; lời nói và việc làm của chính kẻ đó hoàn toàn khác nhau. Tiếp theo đây là lời tổng kết:
(Sớ) Thị cố, ước Lý, tắc vô khả niệm, ước Sự, tắc vô khả niệm trung ngô cố niệm chi. Dĩ niệm tức vô niệm cố, Lý Sự song tu, tức Bổn Trí nhi cầu Phật Trí, phù nhiên hậu vị chi Đại Trí dã.
(疏) 是故約理則無可念,約事則無可念中吾固念之。
以念即無念故,理事雙修,即本智而求佛智,夫然後謂之大智也。
(Sớ: Vì thế, ước theo mặt Lý thì không có gì để có thể niệm, ước theo Sự thì trong cái không có gì để có thể niệm, ta cứ kiên cố niệm. Do niệm chính là vô niệm nên Lý và Sự cùng tu, do từ Bổn Trí mà cầu Phật Trí nên sau đấy mới gọi là Đại Trí vậy).
Mấy câu này rất khẩn yếu, ý nghĩa rất sâu.
(Diễn) Thị cố hạ thân chánh nghĩa, ước Lý tắc vô khả niệm giả.
(演) 是故下伸正義。約理則無可念者。
(Diễn: Từ chữ “vì thế” trở đi nhằm trình bày ý nghĩa chính xác:
“Ước theo Lý thì không có gì để có thể niệm” là…)
Mấy câu từ chữ “thị cố” [trong lời Sớ vừa dẫn trên đây] trở đi, trình bày ý nghĩa chính xác [về Lý và Sự của niệm Phật]. Nếu nói theo Lý, “vốn chẳng có một vật, chỗ nào nhuốm bụi trần”, không có Phật mà cũng không có chúng sanh. Nói theo Lý thì không có gì để niệm!
(Diễn) Dĩ Thật Tướng Lý trung, tuyệt tư, tuyệt nghị.
(演) 以實相理中絕思絕議。
(Diễn: Vì trong Lý Thật Tướng, dứt bặt nghĩ bàn).
Thật Tướng là Lý nhất tâm bất loạn. Lý nhất tâm bất loạn chẳng thể nghĩ bàn!
(Diễn) Cử tâm tức thác, động niệm tức quai cố.
(演) 舉心即錯,動念即乖故。
(Diễn: Vì dấy tâm liền trật, khởi niệm liền sai).
Chẳng thể dấy lên ý niệm, khởi ý niệm bèn trật. Khởi ý niệm bèn trật, còn có gì để có thể nói được nữa? Đó gọi là “ngôn ngữ dứt bặt, tâm hành xứ diệt”, đây là ước theo Lý để nói. Nếu ước theo Sự để nói, trong vô niệm có thể hữu niệm, Lý chẳng ngại Sự, Sự chẳng ngại Lý.
(Diễn) Niệm tức vô niệm giả, dĩ tức Sự tức Lý, tức niệm vô niệm.
(演) 念即無念者,以即事即理,即念無念。
(Diễn: “Niệm chính là vô niệm”: Do Sự chính là Lý, Lý chính là Sự, nên niệm là vô niệm).
“Niệm” là Sự, “vô niệm” là Lý. Lý chính là Sự, Sự chính là Lý; do vậy, niệm là vô niệm, vô niệm là niệm.
(Diễn) Xả niệm nhi cầu vô niệm, thị do bát ba cầu thủy, diệt khí cầu kim, thị Đoạn Diệt Kiến, khoát đạt không, phi vô niệm bổn thể dã.
(演) 捨念而求無念,是猶撥波求水,滅器求金,是斷
滅見,豁達空,非無念本體也。
(Diễn: Bỏ niệm để cầu vô niệm, khác nào gạt bỏ sóng để cầu
nước, diệt các món đồ để tìm vàng, đó là kiến giải Đoạn Diệt, là rỗng không, chẳng phải là bổn thể của vô niệm).
Quý vị phải nhớ kỹ mấy câu này vì chúng ta rất dễ phạm lỗi to lớn. Chúng ta thường tách rời hữu niệm và vô niệm thành hai thứ, [ngỡ hữu niệm và vô niệm] hoàn toàn chẳng tương đồng, đâu biết Hữu và Vô là một, không hai. Chúng ta hằng ngày niệm Tâm Kinh, nhưng mấy ai có thể hiểu được ý nghĩa trong ấy? Tâm Kinh có nói mấy câu: “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc, Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc”. Sắc và Không, Sắc là có, Không là không, Có và Không là một, chẳng hai. Không là nói về Lý, Sắc là nói về Sự, Sự và Lý là một, không hai! Do vậy, Lý và Sự đều chẳng thể phế. Vì sao không thể? Lý chính là Sự, Sự chính là Lý.
Vừa nghe nói “niệm mà vô niệm, vô niệm mà niệm”, bèn nghĩ không niệm vẫn là niệm, ta khỏi cần niệm nữa! Há chẳng phải là lầm lẫn ư? Nghĩ như vậy là gì? “Đoạn Diệt Kiến, khoát đạt không”, chẳng phải là vô niệm như đức Phật đã nói, quý vị đã hiểu lầm ý Phật rồi! Đức Phật nói vô niệm là nói tới Thể; niệm và vô niệm là một, không hai. Đấy mới là vô niệm thật sự. Vì thế mới nói “Lý Sự song tu”.
(Diễn) Tức Bổn Trí nhi cầu Phật Trí giả, Bổn Trí tức bổn hữu chi trí, bất nhân tu đắc, bất do học thành. Bổn tự cụ túc giả, sở vị Bổn Giác thị dã.
(演) 即本智而求佛智者,本智即本有之智,不因修得
,不由學成。本自具足者,所謂本覺是也。
(Diễn: “Từ ngay Bổn Trí mà cầu Phật Trí”: Bổn Trí là trí vốn sẵn có, chẳng do tu mà được, chẳng do học mà thành. Vốn tự đầy đủ, cái được gọi là Bổn Giác chính là nó đấy).
Bổn Trí là trí huệ sẵn có, là Bổn Giác như Mã Minh Bồ Tát đã nói trong Khởi Tín Luận: “Bổn Giác vốn có, bất giác vốn không”. Vì vậy, trí vốn có thì ai mà chẳng có? Ai nấy đều có! “Bất nhân tu đắc, bất do học thành” (chẳng do tu mà được, chẳng do học mà thành), quý vị vốn có sẵn, trong bổn tánh vốn sẵn đầy đủ [Bổn Trí], chẳng cần phải học để đạt được.
Dùng Bổn Trí cầu Phật Trí. Khởi Tín Luận gọi Phật Trí là Thỉ Giác, gọi Bổn Trí là Bổn Giác.
(Diễn) Phật Trí do đoạn Hoặc nhi hiển, tu chứng nhi thành, xuất triền phương đắc, sở vị Thỉ Giác thị dã. Bổn Trí ước Lý cụ, Phật Trí ước Sự tạo dã.
(演) 佛智由斷惑而顯,修證而成,出纏方得,所謂始
覺是也。本智約理具,佛智約事造也。
(Diễn: Phật Trí là do đoạn phiền não mà hiển lộ, do tu chứng mà thành, thoát khỏi trói buộc thì mới đạt được. Cái được gọi là Thỉ Giác chính là nó đấy. Bổn Trí ước theo mặt Lý thì sẵn có, Phật Trí ước theo mặt Sự thì nó do [tu tập] mà thành).
Về mặt Lý, Bổn Trí sẵn trọn đủ, nó là Lý. Phật Trí là “sự tạo” (tạo tác trên mặt Sự), [tức là] do tu mà thành. Không có Tu Đức, Tánh Đức chẳng thể hiện tiền. Không có Tánh Đức, Tu Đức cũng chẳng thể thành tựu. Đủ thấy mối quan hệ mật thiết giữa Lý và Sự! Nói thật ra, chúng là một Thể. Do điều này, người thật sự là bậc đại trí huệ, chắc chắn chẳng phế Lý, phế Sự. Chúng ta đọc kinh Lăng Nghiêm thấy Đại Thế Chí Bồ Tát tu pháp môn Niệm Phật, “đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương kế” (nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối). Nhiếp trọn sáu căn là Lý, tịnh niệm tiếp nối là Sự. Một câu A Di Đà Phật từng tiếng liên tục, trong mười hai thời chẳng gián đoạn, đấy là gương sáng niệm Phật, có Sự lẫn Lý. Đẳng Giác Bồ Tát còn như thế, huống hồ chúng ta là kẻ mới học! Hy vọng các đồng tu phải khéo gắng hết sức mình. Hôm nay chúng tôi giảng đến đây!