Tập 136/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 03-003-0289

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 136

          Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bổn, trang hai trăm chín mươi lăm.

          (Sao) Cứ thử, tắc tam kinh tường lược vi biệt. Thử đản ngôn thất trùng, bỉ ngôn sổ thiên bách trùng. Thử đản ngôn la võng, bỉ ngôn la võng chi trung, xuất thiên cung điện. Thử đản ngôn hàng thụ, bỉ ngôn hàng thụ chi trung, hiện đại thiên giới. Hựu thử ngôn tứ bảo, bỉ ngôn thất bảo. Cái kim kinh lược thị, bỉ kinh tường trần. Dĩ giản nhiếp phồn, thủ văn tỉnh cố, văn tuy bất túc, nghĩa thật vô khiếm.

          () 據此,則三經詳略為別,此但言七重,彼言數千百重;此但言羅網,彼言羅網之中,出天宮殿;此但言行樹,彼言行樹之中,現大千界;又此言四寶,彼言七寶。蓋今經略示,彼經詳陳,以簡攝繁,取文省故,文雖不足,義實無欠。

          (Sao: Dựa theo đó thì ba kinh nói tường tận hay giản lược khác nhau. Ở đây nói bảy tầng, kinh kia nói mấy trăm ngàn tầng. Kinh này chỉ nói “lưới mành”, kinh kia nói trong các lưới mành hiện ra cung điện cõi trời. Kinh này chỉ nói “hàng cây”, kinh kia nói giữa các cây xuất hiện cõi đại thiên. Lại nữa, ở đây nói “bốn báu”, kinh kia nói bảy báu. Đó là vì kinh này nói đại lược, kinh kia trình bày tường tận. Dùng giản lược để gồm thâu rườm rà, nên lời văn tỉnh lược, kinh văn tuy chẳng nói đầy đủ, nhưng ý nghĩa thật sự chẳng thiếu khuyết).

          Đoạn này nói đơn giản về sự khác biệt giữa cách nói tường tận hay tỉnh lược giữa ba kinh Tịnh Độ. Trong ba kinh, do kinh A Di Đà giản lược nhất, nên thời cổ, những vị tổ sư đại đức xếp bộ kinh này vào khóa tụng sớm tối vì kinh này đơn giản, nhưng trọng yếu. Tuy văn tự giản lược, ý nghĩa trọn chẳng khiếm khuyết, chúng ta phải biết điều này. Liên Trì đại sư gọi kinh Vô Lượng Thọ và kinh Di Đà là Đại Bổn và Tiểu Bổn vì hai kinh ấy hoàn toàn giống nhau. Đại Bổn là kinh Vô Lượng Thọ, giảng hết sức cặn kẽ. Huống chi trong kinh Quán Vô Lượng Thọ có những chỗ nói càng tường tận hơn. Cổ đức cũng thường khuyến khích chúng ta: Nếu muốn liễu giải Tây Phương Cực Lạc thế giới, tối thiểu là phải hợp ba kinh lại để tham chiếu, quý vị mới có thể thấy viên mãn, thấy trang nghiêm trọn đủ.

          (Sao) Như Linh Chi vân.

       () 如靈芝云。

          (Sao: Như ngài Linh Chi nói).

           Linh Chi đại sư là người đời Tống, Ngài nói:

          (Sao) Thất trùng lan thuẫn, phàm Phật, Bồ Tát trụ xứ giai nhiên.

            () 七重欄楯,凡佛菩薩住處皆然。

          (Sao: Bảy tầng lan can: Phàm là nơi Phật, Bồ Tát ngự đều là như vậy).

          “Phàm” [có nghĩa] “hễ là”. Chỉ cần là trụ xứ của Phật, Bồ Tát thì đều có sự trang nghiêm như vậy.

          (Sao) Phi vị nhất quốc chỉ thất trùng dã.

          () 非謂一國只七重也。

          (Sao: Chẳng phải là cả nước chỉ có bảy tầng).

           Chớ nên nghĩ Tây Phương Cực Lạc thế giới chỉ có bảy tầng như vậy. Có thể nói là mỗi nhà đều có bảy tầng lan can vây quanh. “Bảy” mang ý nghĩa biểu thị pháp, tượng trưng sự viên mãn. Viên mãn là như ý thì mới là viên mãn. Bản thân ta nghĩ như thế nào, nó bèn biến hóa như thế ấy thì mới là viên mãn. Y báo trong Tây Phương Cực Lạc thế giới thù thắng, đều là thuận theo lòng muốn mà tự nhiên hóa hiện, chẳng cần phải suy nghĩ, chẳng cần phải suy tính, hoạch định kiến tạo như thế nào, chẳng cần! Đây là tự nhiên hóa hiện theo lòng mong muốn!

          (Sao) Tắc tri sổ bách thiên trùng giả, đa chủng thất trùng tích nhi thành chi, thất thất tương trùng, trùng trùng vô tận dã, dư khả lệ kiến.

          () 則知數百千重者,多種七重積而成之,七七相重,重重無盡也,餘可例見。

          (Sao: Do vậy biết mấy trăm ngàn tầng là có nhiều thứ bảy tầng tích tập thành, bảy lần bảy tầng, tầng tầng vô tận. Những điều khác có thể dựa theo đó mà biết).

          Mấy câu này đã nói rất rõ ràng. Tiếp theo đây, đại sư đề cập đại lược ý nghĩa biểu thị pháp.

          (Sớ) Hựu giai ngôn thất giả, biểu Thất Giác Chi, Thất Thánh Tài đẳng.   

          () 又皆言七者,表七覺支、七聖財等。

          (Sớ: Lại nữa, đều nói là Bảy nhằm biểu thị Thất Giác Chi, Thất Thánh Tài v.v…)

          Nó mang ý nghĩa biểu thị pháp, chúng ta phải biết điều này. Thất Giác Chi là Thất Bồ Đề Phần.

          (Sao) Thất Giác kiến hậu. Thất Thánh Tài giả.

          () 七覺見後。七聖財者。

          (Sao: Xem giải thích về Thất Giác trong phần sau. Thất Thánh Tài là…)

          Hiện thời, trong dịp Tết, chúng ta gặp nhau đều nói “cung hỷ phát tài”. Người học Phật chúng ta cũng cần phát tài, phải phát Thất Thánh Tài. Thất Thánh Tài đã phát, tối thiểu là quý vị chứng đắc quả vị Bồ Tát. Chẳng phải là quả vị Bồ Tát, sẽ không trọn đủ Thất Thánh Tài. Thất Thánh Tài, Thất là bảy điều, Thánh là thánh nhân, Tài là của báu. [Thất Thánh Tài] là bảy thứ của cải quý báu của bậc thánh nhân. Ở đây, nêu ra danh mục của chúng.

          (Sao) Nhất, Tín.

          () 一信。

          (Sao: Một là Tín).

          Thứ nhất là Tín. Bách Pháp Minh Môn Luận nói Tín là môn thứ nhất trong mười một thiện pháp[1]. Chữ này nên giảng như thế nào? Nó được [sách Diễn Nghĩa] chú giải rất đơn giản: “Ư thật đức năng, thâm nhẫn dục lạc vi nghĩa” (nghĩa là đối với “thật, đức, năng” có thể nhẫn dục lạc sâu xa [thì là Tín]). Đối với ba chuyện: Thứ nhất là chân thật, thứ hai là đức, thứ ba năng lực. Nói thật ra, Chân (Thật) là Pháp Thân lý thể, Đức là nói đến Tướng, Năng là nói đến tác dụng, [Thật, Đức, Năng] là Thể, Tướng, Dụng. Ngài (Thiên Thân Bồ Tát, tác giả Bách Pháp Minh Môn Luận) không nói Thể, Tướng, Dụng, mà nói “Thật, Đức, Năng”, nhằm nói đến ý nghĩa rất sâu: Chỉ có tánh thể là chân thật. Tánh thể là gì? Trong Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm Biệt Hành Sớ Sao, Tông Mật đại sư đã giảng hết sức thấu triệt, sâu xa đoạn văn tự thứ nhất mở đầu [tác phẩm chú sớ kinh Hoa Nghiêm] của Thanh Lương đại sư, giảng về Nhất Chân pháp giới. Nhất Chân pháp giới là gì? Đại sư đã trích dẫn kinh điển làm căn cứ hòng nói với chúng ta: “Pháp giới là nhất tâm”. Trong các buổi giảng, chúng tôi thường nêu lên sự thù thắng của pháp môn này. Nhất Chân pháp giới là sở chứng, là cảnh giới nơi quả địa Như Lai. Nhất tâm là năng nhập, Nhất Chân là sở nhập. Mục tiêu của pháp môn này là “nhất tâm bất loạn”, có thể thấy pháp môn này là trực tiếp chứng nhập Nhất Chân pháp giới. Chứng nhập Nhất Chân pháp giới là minh tâm kiến tánh, là chứng triệt để Vô Thượng Bồ Đề, là chuyện như thế đó. Do vậy, pháp môn này là pháp môn thành Phật bậc nhất, thù thắng khôn sánh, chúng ta phải tin tưởng điều này. Nói cách khác, Nhất Chân là quả, nhất tâm là nhân. Nay chúng ta phải đặc biệt chú trọng, phải tin tưởng nhất tâm. Quý vị có thể tin vào nhất tâm thì mới có thể thật sự phát tâm tu nhất tâm. Nhất tâm là chân tâm, chân tâm lưu lộ, kinh Lăng Nghiêm nói “thường trụ chân tâm, diệu tịnh minh thể” là nói về điều này!

          Chúng ta phải phát tâm tu tập, phát tâm chứng nhập, “chứng” (證) là chứng thực. Dùng phương pháp gì? Dùng phương pháp trì danh niệm Phật. Nói cách khác, quý vị phải thật sự hiểu rõ chân tướng sự thật này, hiểu đạo lý này, hiểu phương pháp tu hành này. Trong tâm có vọng niệm, đó chẳng phải là nhất tâm; chẳng có vọng niệm, ý niệm gì cũng đều chẳng có, đó là vô minh, cũng chẳng phải là nhất tâm. Trong nhất tâm quyết định chẳng có vọng niệm, mà cũng chẳng có vô minh, nó là chân tâm “linh minh giác tri” hiện tiền. Phàm phu có vọng niệm, nên chưa thể chứng đắc. Công phu Thiền Định của người trong Tứ Thiền Thiên và Tứ Không Thiên rất sâu, chẳng có vọng niệm, nhưng còn có vô minh, vẫn chưa thể chứng đắc. Chư vị phải liễu giải: Một câu A Di Đà Phật này có thể đoạn vọng niệm, lại còn có thể phá vô minh. Trong mười hai thời, tức là suốt một ngày từ sáng đến tối, trong tâm chỉ có một câu Phật hiệu, chẳng có vọng niệm, dùng câu Phật hiệu này để thay thế tất cả vọng niệm, vừa lại chẳng có vô minh, Phật hiệu rõ ràng, rành rẽ, quý vị thấy cách này tuyệt diệu lắm! Chư vị phải biết, không niệm Phật thì kẻ ấy nếu chẳng đọa trong vọng niệm bèn đọa trong vô minh, đó là đạo lý quyết định [khiến cho người ấy] chẳng thể thành tựu điều này (nhất tâm). Phải tin tưởng điều này, tin chúng ta thật sự tu nhất tâm bất loạn, thật sự phát tâm tu tập.

          Phải tin vào Đức. Đức, nói theo tổng cương lãnh trong Phật pháp sẽ trở thành ba đức: Pháp Thân đức, Bát Nhã đức, và Giải Thoát đức, [ba điều này còn gọi là] tam đức bí tạng. Nói nông cạn, Đức là thiện hạnh. Tuy thiện hạnh chẳng phải là đức, nhưng thiện hạnh là căn cơ của đức hạnh. Niệm niệm chúng ta mong mỏi có thể lợi ích hết thảy chúng sanh, không cầu lợi ích cho chính mình. Đó là Đức, Nho gia gọi điều ấy là Nhân, “thôi kỷ cập nhân” (suy từ mình mà nghĩ đến người khác), “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (điều chính mình chẳng muốn, chớ làm cho người khác). Nếu mỗi cá nhân trong xã hội đều có quan niệm này, xã hội sẽ an tường, hòa hảo, chắc chắn chẳng bị động loạn. Đích xác là trong xã hội hiện thời có lắm kẻ mê hoặc, niệm niệm chỉ tranh giành quyền lực; nói theo Phật pháp, chúng ta có cần phải tranh giành quyền lực hay không? Không cần. Chỉ cần chúng ta gieo nhân tốt đẹp, sẽ tự nhiên thu được quả báo.

          Mọi việc đều có nhân và có quả. Ta muốn có thiện quả, nhất định phải gieo thiện nhân. Chẳng gieo thiện nhân mà mong cầu thiện quả, trong Phật pháp nói là “vô hữu thị xứ” (chẳng có lẽ ấy), chẳng đạt được! Chúng ta thấy người khác phát tài, người học Phật trọn chẳng hâm mộ, vì sao? Biết người ấy trong đời quá khứ đã nhiều lần hành tài bố thí, người ấy đã gieo nhân đó, nay tự nhiên được hưởng [quả báo]. Người mong phát tài rất nhiều, mỗi ngày đều mong mỏi thì có phát tài hay không? Người phát tài rốt cuộc vẫn là thiểu số. Dẫu dùng thủ đoạn phi pháp để đạt được của cải, vẫn là do trong mạng người ấy có. Ví như cướp ngân hàng, cướp được mấy ngàn vạn, chúng ta đi cướp thì có cướp được hay không? Cướp chẳng được! Có thể thấy trong mạng quý vị chẳng có, có cướp cũng chẳng cướp được! Trong mạng chẳng có, vừa cướp đã ngay lập tức bị người ta thộp cổ! Có thể cướp được vẫn là do trong mạng kẻ ấy có. Trong mạng kẻ ấy có, không cướp thì vẫn có thể đạt được nhiều như thế, quý vị nói xem có oan uổng hay không? Do vậy, cổ nhân nói: Thật sự hiểu nhân quả báo ứng, “quân tử lạc đắc tác quân tử, tiểu nhân oan uổng tác tiểu nhân” (quân tử vui vẻ làm quân tử, tiểu nhân oan uổng làm tiểu nhân), cho nên nhất định phải hiểu nhân quả báo ứng.

Quý vị thấy Ấn Quang đại sư, đây là một vị đại đức, một vị tổ sư gần thời chúng ta nhất. Lão nhân gia nhiều lượt khuyên lơn chúng ta, nhất định phải làm cho chúng sanh tin tưởng nhân quả báo ứng. Ai nấy đều có thể tin tưởng nhân quả báo ứng, thiên hạ sẽ thái bình. Mỗi cá nhân đều giữ bổn phận, đều chịu gieo nhân tốt. Không hiểu nhân quả báo ứng, cuộc sống rất khổ; hiểu nhân quả báo ứng sẽ sung sướng, biết đủ thường vui! Nội tâm nhân từ, một bầu an tường, hòa hảo, lẽ nào kẻ ấy chẳng vui sướng? Vì thế, nhất định phải biết sự trọng yếu của Đức. Lại càng phải nên hiểu rõ, đức năng của bản thân chúng ta và đức năng của Phật chẳng khác! Trong phẩm Xuất Hiện của kinh Hoa Nghiêm có nói: “Hết thảy chúng sanh đều có trí huệ và đức tướng của Như Lai”, đều có! Vì sao nay chúng ta chẳng có? “Chỉ vì vọng tưởng và chấp trước mà không thể chứng đắc”, câu này đã nói toạc gốc bệnh của chúng ta. Chúng ta có vọng tưởng, chấp trước, nên quý vị tuy có trí huệ và đức tướng của Như Lai, nhưng chúng chẳng thể hiện tiền. Khi nào quý vị đoạn hết vọng tưởng và chấp trước, trí huệ và đức năng của quý vị thảy đều hiện tiền, chẳng khác gì hết thảy chư Phật, La Hán và Bồ Tát cũng chẳng bằng quý vị!

          Chúng ta phải hiểu rõ, nhận biết và ưa thích “thật, đức, năng”, đó là Tín. Chúng ta quay đầu xem lại, trong một câu danh hiệu A Di Đà Phật, ba ý nghĩa ấy đều trọn đủ. Vì sao biết là chúng trọn đủ? Trong kinh luận và kinh sách, cổ đức đã bảo chúng ta: Chúng ta niệm Phật thì tâm năng niệm là Thỉ Giác, Phật hiệu được niệm là Bổn Giác của chúng ta. Do vậy, khi nhất tâm xưng niệm là Thỉ Giác hợp với Bổn Giác, Thỉ – Bổn bất nhị, đó gọi là Cứu Cánh Giác. Cứu Cánh Giác là thành Phật. Đấy là “một niệm tương ứng một niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật”, chúng ta phải tin tưởng điều này.

          Quý vị thật sự tin tưởng mới biết hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian đều chẳng thù thắng như niệm Phật, trong hết thảy mọi chuyện, chẳng có gì vui sướng hơn niệm Phật. Người niệm Phật là người hạnh phúc bậc nhất trong thế gian và xuất thế gian, chúng ta phải tin điều này. Nếu quý vị chịu tin tưởng, quý vị bèn phát tài, vì sao? Thật sự phát tài, tôi chẳng nói lời giả với quý vị, pháp môn này được gọi là “pháp khó tin”. Nếu quý vị thật sự chịu tin, mười phương chư Phật đều chúc mừng quý vị, đều tới khánh chúc quý vị, quyết định thành tựu trong một đời này, chắc chắn vượt thoát ba cõi. Do vậy, quý vị phải tin tưởng kinh này, phải tin tưởng đạo lý này, phải tin tưởng phương pháp này thì chúng ta mới trọn đủ điều thứ nhất trong Thất Thánh Tài.

          (Sao) Nhị Giới.

            () 二戒。

          (Sao: Thứ hai là Giới).

           Thứ hai là Giới, Bách Pháp [Minh Môn] Luận đã nêu ra tinh thần của Giới: “Phòng phi chỉ ác, khiết tịnh thân tâm” (ngừa sai, dứt ác, giữ cho thân tâm trong sạch), đó là giới luật. “Phòng” (防) là phòng ngừa, [phòng phi (防非)] là ngăn ngừa hết thảy lầm lỗi. Lầm lỗi bao gồm tư tưởng, kiến giải, ngôn ngữ, tạo tác, bao gồm bốn loại lớn ấy. Trong ấy, nếu có sai lầm, chúng ta phải phòng ngừa sẵn, hễ có lỗi lầm phải biết ngăn cấm ngay lập tức. Người tu hành nói đến công phu, nói đến hảo tướng thì công phu là gì? Hảo tướng là gì? Quý vị hằng ngày thấy Phật, mỗi ngày thấy hoa sen, mỗi ngày thấy trong ấy tỏa ánh sáng, [thấy] nơi ấy chấn động, thưa cùng quý vị, quý vị đã bị ma dựa mất rồi, đó chẳng phải là hảo tướng! Hảo tướng thật sự là gì? Mỗi ngày đều phát hiện lầm lỗi của chính mình. Đó là tướng lành thật sự, là hảo tướng chân chánh!

          Vì thế, một người thật sự tu hành, hằng ngày phát hiện lỗi lầm của chính mình; do phát hiện nên mới có thể sửa đổi, sửa lỗi thì mới là tu hành. “Tu” là sửa cho đúng, “Hành” là hành vi sai lầm. Sửa đổi cho đúng các hành vi sai lầm bèn gọi là “tu hành”. Nếu chúng ta một ngày chẳng phát hiện lỗi lầm của chính mình, nói cách khác, quý vị chẳng tu hành ngày đó. Một năm mà trọn chẳng thấy lỗi lầm của chính mình, cả năm ấy quý vị chẳng tu hành. Chư vị phải ghi nhớ, tu hành quyết định chẳng phải là sáng tối đều niệm kinh, niệm Phật, lạy Phật. Đó là hình thức, công phu bề ngoài. Nhất định phải vận dụng những phương pháp hình thức ấy vào thực tế, biết lầm lỗi của chính mình, nghĩ sai, thấy sai, nói sai, làm sai thì phải sửa đổi, đó là tu hành, đó là công phu thật sự, khiến cho thân tâm chúng ta ngày càng thanh tịnh, ngày càng trang nghiêm, đó là ý nghĩa của Giới.

          Chúng ta thấy hiện thời có nhiều người học giới luật, tự xưng là [chính mình] giới luật rất tinh nghiêm, mỗi ngày đều tụng giới, mỗi ngày đều nghiên cứu giới kinh; nhưng chúng ta thấy ý nghĩ, cách nhìn, và cách làm của họ trái nghịch tinh thần giới luật, kiêu căng, ngã mạn, xem thường người khác, trật lất rồi! Kiêu căng, ngã mạn là căn bệnh nặng, tức là cách nghĩ sai lầm, cách nhìn sai lầm, cách làm sai lầm! Kẻ ấy chẳng thể sửa đổi những sai lầm ấy, có gì để gọi là trì giới? Trì giới kiểu đó, Thích Ca Mâu Ni Phật nhìn thấy cũng ứa nước mắt! Giới luật vốn nhằm giúp quý vị bỏ tật xấu. Hiện thời, trì giới đâm ra tăng thêm tật xấu! Những người như thế sẽ bị phiền phức to lớn. Đó là chẳng hiểu tinh thần giới luật thật sự, không biết cách hành trì như thế nào!

          Lục Tổ đại sư cũng đã một lời nói toạc về chuyện này: “Nếu người thật tu đạo, chẳng thấy lỗi người khác”, chính mình thật sự khiêm hư. Như năm mươi ba lần tham học của Thiện Tài đồng tử, quý vị thấy năm mươi ba vị thiện tri thức đều là đại Bồ Tát, mỗi vị Bồ Tát đều là “tự khiêm”, tôn trọng người khác, như vậy thì bèn chẳng có lầm lỗi! Nói theo hình tướng, mà chúng ta có thể hành năm giới, hoặc mười giới là tốt

đẹp rồi, hành được rồi, khá viên mãn, phải thật sự phát tâm thực hiện.

          (Sao) Tam văn.

          () 三聞。

          (Sao: Ba là Văn).

          Thứ ba là Văn, đây là nói về Đa Văn, có nghĩa là quảng bác thông đạt (thông hiểu, thấu đạt rộng rãi), thường nói là “quảng học đa văn”, tức là “pháp môn vô lượng thệ nguyện học” trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện. Giới trong phần trước chính là “phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”. Trong các buổi giảng, chúng tôi cũng thường nhắc nhở các vị đồng tu về điều này: Nếu muốn thật sự thành tựu, nhất định phải có sư thừa. Nếu chẳng có sư thừa, mong tự mình thành tựu, thì thưa quý vị, chẳng có chuyện này, tùy thuộc quý vị tin tưởng hay không? Nếu quý vị không tin, hãy đọc Lục Tổ Đàn Kinh. Trong Đàn Kinh, thiền sư Huyền Sách đã bảo thiền sư Vĩnh Gia: “Oai Âm Vương dĩ tiền tức đắc, Oai Âm Vương dĩ hậu, vô sư tự ngộ, tận thị thiên nhiên ngoại đạo”, [nghĩa là] trước thời Oai Âm Vương Phật, chính quý vị tu hành thành tựu thì vẫn còn chấp nhận được; sau thời Oai Âm Vương Phật, nếu chẳng có sư thừa, tự mình học mà ngộ đạo thì đều là thiên nhiên ngoại đạo. Theo kinh điển đã nói, Oai Âm Vương Phật là một vị cổ Phật từ nhiều kiếp lâu xa trước. Trên thực tế, điều này nói rõ Phật pháp nhất định phải có sư thừa. Chẳng có sư thừa, nói thật ra, vô cùng nguy hiểm.

          Bản thân chúng ta đã tu sai rồi, tương lai đọa lạc, tự làm, tự chịu, chẳng còn gì để nói nữa. Nếu quý vị lãnh đạo hoặc chỉ đạo người khác, thảy đều chỉ sai đường cho người khác, sẽ phải gánh chịu trách nhiệm nhân quả. Cổ nhân nói: “Nói sai một chữ chuyển ngữ, đọa làm thân chồn hoang năm trăm đời”. Nói sai một chữ phải chịu trách nhiệm nhân quả to dường ấy, đáng sợ quá! Người ta đến hỏi đường lối, chỉ lối mà chính mình thật sự chẳng nắm vững, chẳng biết đường đích xác, làm sao có thể tùy tiện chỉ dạy người khác? Trong xã hội hiện thời, những kẻ “vô sư tự thông” (không có thầy mà tự thông hiểu) quá nhiều, đó chẳng phải là một hiện tượng tốt đẹp, mà là tướng trạng thiên hạ đại loạn, chẳng phải là tướng hưng vượng, mà là tướng suy vi!

          Vì vậy, học Phật nhất định phải có sư thừa, mà cũng là nhất định phải tuân thủ sự dạy bảo của thầy thì mới có thể thành tựu. Đặc biệt là giới luật, gần đây nhất, hễ tôi nói đến giới luật tức là nói tới sự răn dạy của thầy. Chẳng thể không nghe theo sự răn dạy của thầy, tự mình chủ trương thì còn nói tới giới luật chi nữa? Giới luật trong kinh Phật, quý vị đều thực hiện được, nhưng quý vị chẳng tôn trọng thầy, tức là chẳng có gì hết! Tôn sư trọng đạo, tôn sư là cơ sở của giới luật, giống như dựng nhà, phải xây nền móng. Giới luật do đức Phật đã nói chính là lầu cao, quý vị chẳng có nền tảng, làm sao xây lầu cao, viện lớn cho được? Đó là chuyện chẳng thể được! Vì thế, sư đạo vô cùng quan trọng!

          Bác học đa văn có nhiều tầng lớp, chẳng phải là vừa bắt đầu liền có thể học được! Trong Phật pháp gọi bác học đa văn là Hậu Đắc Trí, chẳng phải là Căn Bản Trí. Hậu Đắc Trí do đâu mà có? Từ Căn Bản Trí mà có. Giống như cái cây, trước hết phải có rễ, sau đó có gốc, gốc là thân chánh, sau đấy mới có thể trổ cành, mới có thể đơm hoa, kết quả. Vì vậy, cành, nhánh, hoa, quả đều do rễ mà ra. Căn Bản Trí do đâu mà có? Căn Bản Trí sanh từ tâm thanh tịnh. Đức Phật dạy chúng ta: “Nhân Giới sanh Định, nhân Định khai Huệ”, quý vị chẳng có Định, lấy đâu ra Huệ? Chẳng có Định, Huệ, sẽ là Tà Huệ, Cuồng Huệ! Vì thế, Huệ nhất định phải được kiến lập trên cơ sở Định.

          Do vậy, sư thừa là theo một vị thầy, thầy dạy quý vị điều gì? Thầy huấn luyện quý vị Căn Bản Trí. Trong kinh Bát Nhã đã nói về Căn Bản Trí rất hay, “Bát Nhã vô tri”, đó là Căn Bản Trí. Vô tri là gì? Là Định. Khi nó khởi tác dụng, “không gì chẳng biết”, Bát Nhã vô tri, nhưng không gì chẳng biết. Do đó, nếu quý vị muốn khai trí huệ, yêu cầu trước tiên là vô tri. Quý vị chẳng thể cầu hữu tri trước hết. Từ hữu tri để cầu, vĩnh viễn chẳng thể cầu chân trí huệ. Cầu vô tri bằng cách như thế nào? Cổ nhân dạy chúng ta niệm kinh. Niệm kinh bèn niệm một bộ kinh, niệm bộ kinh này mười năm hay tám năm, tâm bèn định. Mười năm hay tám năm ấy nhằm tu Căn Bản Trí, tu tâm thanh tịnh; đó là tu Định và tu Huệ.

          Đồng thời, khi kiến lập cơ sở, phải tu phước cho nhiều, tu phước gì vậy? Tu nhẫn nhục, tu bố thí. Bố thí là buông xuống, buông phân biệt, chấp trước của chính mình xuống, buông sự hưởng thụ đáng nên có của chính mình xuống, vì người khác phục vụ, bỏ mình vì người, đó là tu phước, tu bố thí. Phải tu nhẫn nhục, vì sao tu nhẫn nhục? Vì quý vị chẳng nhẫn nhục, sẽ không thể đắc Định. Nhẫn nhục là phải tu lòng nhẫn nại, đối với hoàn cảnh thuận hay nghịch, chính mình đều có thể chịu đựng. Trong Lục Độ, hai điều này vô cùng trọng yếu. Chẳng hạn như quý vị niệm một bộ kinh mười năm hay tám năm, phải có tâm nhẫn nại rất lớn, tâm thật sự định!

          Con người hiện thời thường nói: “Chúng ta sống trong xã hội hiện đại, xã hội này thiên biến vạn hóa, có rất nhiều chuyện chúng ta chẳng thể không biết”. Lời nói ấy dường như đầy ắp đạo lý, nhưng trên thực tế có đạo lý hay không? Hoàn toàn chẳng có đạo lý gì! Lời ấy do ai nói? Do Ma Vương Ba Tuần nói, vì sao? Hắn sợ tâm quý vị định, sợ quý vị có trí huệ. Vì thế, hằng ngày quý vị tiếp xúc với thông tin hiện thời, khiến cho đầu óc đầy ắp những ý nghĩ lộn xộn, khiến cho quý vị suốt ngày sống trong vọng tưởng và vọng niệm, vĩnh viễn chẳng thể định được. Niệm Phật cũng chẳng chuyên chú niệm, niệm kinh cũng chẳng chuyên tâm niệm, chẳng có đạo lý gì! Người thật sự tu đạo phải như thế nào? Thưa cùng quý vị, chớ nên đọc báo chí, chớ nên xem TV, chớ nên nghe radio, quý vị có thể đoạn hết những thứ ấy, tâm bèn thanh tịnh, tâm thật sự định. Thưa cùng quý vị, tâm thật sự định sẽ có trí huệ. Hễ quý vị tiếp xúc những chuyện ấy, ngay lập tức sẽ có sức phán đoán, biết nên xử sự như thế nào. Định là chúa tể!

          Thế giới hiện thời loạn như vậy, không ai có thể giải quyết, vì sao? Đầu óc của vị đứng đầu mỗi quốc gia đều suy nghĩ lung tung, hiểu biết sự việc quá nhiều, quá tạp, nên những người ấy bị phiền toái to lớn. Trước đây, người Hoa làm hoàng đế thì hoàng đế tu gì? Tu tâm thanh tịnh. Quý vị thấy hoàng đế đội mão, phía trước là rèm cửa sổ, chẳng nhìn thấy rõ điều gì nên tâm nhà vua thanh tịnh, nếu thấy rõ ràng, ông ta đã loạn mất rồi. Cái mão ấy hai bên còn có hai cái miên hoa cầu (hai trái cầu bằng sợi bông), che tai, nên nghe điều gì cũng không nghe rõ ràng cho lắm[2], nên ông ta mới có thể cầm lái, mới có thể hoạch định quyết sách. Vì sao? Tâm ông ta thanh tịnh. Các đại thần tâu trình ý kiến, vua là người cuối cùng phán đoán, quyết định. Ông ta đầu óc sáng suốt, tỉnh táo, điều này vô cùng quan trọng. Chúng ta chẳng đọc kinh Phật, sẽ không hiểu đạo lý này. Vì thế, dẫu thế giới này loạn đến mấy, ta không loạn là được, thứ gì ta cũng thấy rõ ràng, thứ gì ta cũng thấy minh bạch. Đây là nói rõ về Văn, bắt đầu tu Căn Bản Trí là dốc công sức nơi một bộ kinh, quyết định chớ nên bác học đa văn. [Nếu bác học đa văn, tức là] quý vị đã hiểu lầm ý nghĩa mất rồi! Bác học đa văn là chuyện về sau, tức là khi đã đạt được Căn Bản Trí, sau đấy mới bắt đầu bác học đa văn.

          Đã xuất sư, tức là đã tốt nghiệp từ nơi thầy, sau khi tốt nghiệp mới là bác học đa văn. Quý vị thấy Thiện Tài đồng tử, thầy của Thiện Tài đồng tử là Văn Thù Bồ Tát. Thiện Tài đã thành tựu Căn Bản Trí trong hội của Văn Thù Bồ Tát, sau đấy mới đi tham học, đi tham học năm mươi ba lần. Nếu Ngài chẳng đạt được Căn Bản Trí, há có tư cách đi tham học? Chẳng có tư cách! Vì vậy, thầy lẫn trò đều hết sức khó có, vô cùng đáng quý. Có rất nhiều vị thầy suốt đời chẳng gặp được một học trò nào, nên chẳng thể truyền pháp được! Một vị thầy tốt cả đời chỉ truyền được một hai người, tình hình như thế rất nhiều. Một vị thầy có thể truyền rất nhiều học trò, pháp duyên ấy rất thù thắng, như Lục Tổ đại sư chẳng có tiền lệ trong lịch sử Trung Quốc, trước Lục Tổ chẳng có, mà sau Lục Tổ cũng chẳng có, Ngài truyền được bốn mươi ba người. Kể từ khi tổ Đạt Ma đến Trung Quốc, mỗi cá nhân cả đời chỉ truyền được một người, trọn chẳng tìm được hai học trò. Ngũ Tổ có hai người, Thần Tú là một, Lục Tổ là hai. Từ Ngũ Tổ về trước đều là một. Vì thế, hết sức khó khăn! Chẳng theo nhất định một vị thầy mười năm hay tám năm sẽ chẳng được, bởi lẽ, tiêu chuẩn tốt nghiệp là đắc Định – Huệ, đắc Căn Bản Trí. Sau đó, mới đi ra ngoài, đó là bác học đa văn, đi tham học, nhằm thành tựu Hậu Đắc Trí. Trước hết là tu Căn Bản Trí, sau đó tu Hậu Đắc Trí, đó là Bảo (quý báu).

          Nay chúng tôi đề xướng, con người hiện thời thường nói là “chẳng thật thà”, kể cả bản thân chúng ta cũng vậy, đọc một quyển sách [trong một thời gian dài] sẽ thấy vô vị, vẫn phải tìm sách khác để xem, đó là chẳng thật thà. Do vậy, chúng tôi mở rộng phạm vi này đôi chút, năm kinh Tịnh Độ, Tịnh Độ Thập Yếu, nếu thật sự [cảm thấy vẫn] chưa đủ thì còn có Ấn Quang Đại Sư Văn Sao, chớ nên mở rộng hơn nữa. Khi mở rộng ra nữa thì trong một đời này, quý vị chẳng có hy vọng gì. Vì thế nói: Dễ dàng thành tựu nhất là quý vị khăng khăng một mực niệm một thứ, đối với năm kinh hay Thập Yếu, bản thân quý vị thích loại nào bèn chọn loại ấy. Đã chọn nhất định một loại rồi, quý vị thường xuyên niệm tụng chẳng ngừng, chẳng cần mong hiểu rõ, quý vị cứ niệm như vậy, niệm tới mấy ngàn lần. Vì sao niệm nhiều lần như thế? Chẳng có gì khác, nhằm khiến cho tâm quý vị định, dùng phương pháp này giúp quý vị đắc Định. Đó là huấn luyện định, huấn luyện Căn Bản Trí. Phương pháp tu hành Định và Căn Bản Trí là như vậy. Căn Bản Trí đã hiện tiền, khi ấy bèn bác học đa văn, hoàn toàn mở rộng. Vì thế, mở rộng phải có điều kiện: Nếu Căn Bản Trí chưa đạt mà mở rộng thì người ấy sẽ hỏng bét, suốt cả đời này chắc chắn người ấy chẳng thể nào thành tựu.

          (Sao) Tứ Xả.

          () 四捨。

          (Sao: Bốn là Xả).

           Thứ tư là Xả. Định nghĩa của Xả là thật sự buông xuống hết thảy, chẳng có mảy may dính nhiễm nào, chẳng có mảy may vướng mắc nào, tâm thật sự sạch làu. Trong tâm chúng ta còn có mảy may vướng mắc nào, tức là chưa xả, quý vị chưa xả sạch sành sanh. Không xả thì có điều gì bất hảo? Chuyện bất hảo quá nhiều! Nếu quý vị chẳng chịu xả, nói cách khác, chẳng đoạn phiền não, chẳng thoát khỏi tam giới, chẳng thể liễu thoát sanh tử, chuyện này phiền toái to lắm! Đó gọi là “bỏ sạch hết thảy”, tôi lại nói câu này minh bạch hơn một chút, nói rõ ràng hơn một chút thì sẽ là trong tâm chẳng có mảy may vướng mắc nào, đấy là thật sự xả! Lục Tổ Huệ Năng đại sư đã nói: “Vốn chẳng có một vật, chỗ nào nhuốm bụi trần”, đó là “bỏ hết”. Điều này chẳng dễ gì làm được, nói dễ dàng, nhưng làm rất khó, nhất định phải có huệ giải, hiểu vạn pháp đều là không, biết vô thường, vô ngã, quý vị mới có thể thật sự buông xuống được!

          Trong thế gian này, chẳng có gì là chính mình! Phải thật sự giác ngộ điều này. Quý vị cho rằng cái này là chính mình, cái kia cũng là chính mình, thưa cùng quý vị, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, toàn là giả. Ngay cả thân thể này của chúng ta cũng chẳng phải là chính mình. Trong thân thể chúng ta, vô số tế bào thay cũ, đổi mới, ngồi ở đây một tiếng rưỡi, chẳng biết bao nhiêu tế bào đã chết? Và lại có bao nhiêu tế bào được sanh ra? Tế bào nào là của quý vị? Tế bào nào chẳng phải là của chính mình? Thân chẳng phải là của chính mình, huống gì vật ngoài thân? Do đó, phải buông xuống, phải buông bỏ vọng tưởng, chấp trước. Chỗ khác nhau giữa Phật, Bồ Tát và phàm phu chúng ta là các Ngài thật sự trừ bỏ. Nay chúng ta là phàm phu, chẳng chịu bỏ, thứ gì cũng đều chấp trước, hết thảy các thứ giả đều ngỡ là thật, chịu thiệt thòi to lớn! Căn bản sanh tử từ vô thỉ kiếp đến nay là không buông xuống được, là bỏ không được, phiền toái to lớn! Vì vậy, chính mình nhất định phải giác ngộ, phải thật sự chịu buông xuống.

          (Sao) Ngũ Huệ.

          () 五慧。

          (Sao: Năm là Huệ).

          Thứ năm là Huệ, Huệ là trí huệ. Đối với hết thảy các cảnh giới có thể hiểu rõ, thông đạt chính xác, đó là trí huệ. Chẳng nhìn sai cảnh giới, điều này vô cùng đáng quý. Do quý vị chẳng nhìn sự việc sai lầm, cách làm sẽ chẳng sai lầm, xử lý chắc chắn chính xác, sẽ không làm sai chuyện. Làm việc sai sót là do trong kiến giải lẫn tư tưởng đều có sai lầm, nhìn trật rồi! Vì thế, đòi hỏi phải có trí huệ. Tôi vừa mới nói, trí huệ nhất định sanh từ tâm thanh tịnh. Tu học Phật pháp lấy trí huệ làm mục tiêu chung cục. Giới và Định, đều là những phương tiện để đạt đến mục đích, Huệ là mục đích. Năm thứ trên đây đều là Bảo.

          (Sao) Lục tàm, thất quý, tiền ngũ như bảo. Hậu nhị như nhân thiện thủ tài cố.

          () 六慚,七愧。前五如寶,後二如人善守財故。

          (Sao: Sáu là thẹn, bảy là hổ. Năm món trước như của báu, hai món sau như người khéo gìn giữ của cải).

          Vì sao chúng ta không đạt được năm thứ báu ấy? Chúng ta chưa có năng lực Thủ (gìn giữ). Người như thế nào sẽ có thể gìn giữ? Tàm Quý! Hai chữ này vô cùng trọng yếu, chúng ta phải nỗ lực học tập. Trong Bách Pháp, hai chữ ấy là hai điều trong mười một thiện pháp, [thuộc về] Thiện Tâm Sở. Tàm (慚) có nghĩa là “y tự pháp lực, sùng trọng hiền thiện” (nương vào pháp lực của chính mình, tôn sùng, coi trọng sự hiền thiện), “sùng” (崇) là “tôn sùng, tôn trọng”, chúng ta thường nói là “lương tâm”, Vương Dương Minh bảo là “lương tri”, sức mạnh của lương tri. Tôn sùng, tôn trọng người hiền, việc thiện, đó là điều phát ra từ nội tâm của chính mình, có thể ước thúc chính mình. “Quý” (愧) có ý nghĩa hơi khác một chút, là do sức mạnh bên ngoài bó buộc, “y thế gian lực” (nương vào sức mạnh của thế gian). Nói theo ngôn ngữ hiện thời là dư luận trong xã hội, chẳng dám làm quấy, làm ác vì sợ kẻ khác đàm tiếu! Một đằng là chẳng dám làm sai, làm ác vì lương tâm của chính mình, đó là Tàm. Đằng khác là sợ dư luận xã hội, nên chẳng dám làm chuyện sai trái, xấu xa, đó là Quý.

          Vào đời Minh, tiên sinh Vương Dương Minh là một người rất nổi danh trong giới học thuật Trung Quốc. Năm xưa, tại Đài Loan, lão tổng thống (Tưởng Giới Thạch) đã đề xướng học thuyết Vương Dương Minh, khuyến khích mọi người hãy đọc tác phẩm của Vương Dương Minh, đặc biệt quan trọng là bộ Truyền Tập Lục. Còn có một câu chuyện về tiên sinh Dương Minh, do ông ta nói “trí lương tri” (lương tri thức tỉnh), người ta ai nấy đều có lương tâm, lương tri. Có lần ông ta giữa đường lữ thứ gặp phải bọn cường đạo, chúng bắt ông ta làm kẻ hầu. Bọn thổ phỉ ấy bảo ông ta: “Nhà ngươi nói ‘trí lương tri’, mọi người đều có lương tâm, ngươi nói sai be bét!” Vương Dương Minh hỏi: “Vì sao ta sai?” Thổ phỉ đáp: “Bọn ta làm cường đạo chẳng có lương tâm. Nếu ngươi có thể chứng tỏ bọn ta cũng có lương tâm, ta sẽ thả ngươi”. Vương Dương Minh nói: “Có thể chứ! Ta sẽ chứng tỏ quý vị xác thực là có lương tri, có lương tâm”. Thổ phỉ hỏi: “Chứng tỏ bằng cách nào?” Vương Dương Minh nói: “Vậy thì quý vị nhất định phải nghe theo lời tôi, tôi nói quý vị làm sao, quý vị bèn làm đúng như vậy, lương tâm nhất định sẽ tỏ lộ”. Thổ phỉ ưng thuận: “Được!” Tiên sinh Vương Dương Minh nói: “Được rồi! Quý vị nghe lời tôi, hãy cởi quần áo bên ngoài ra”. Thổ phỉ cởi ra. Sau đấy lại cởi quần áo bên trong ra. Cởi bỏ sạch quần áo phía trên, lại cởi nốt quần ra, cởi đến cuối cùng luôn! Bọn họ nói: “Vương tiên sinh! Chẳng thể cởi hơn nữa, cởi nữa là không được đâu!” Vương Dương Minh nói: “Quý vị thấy đó, chẳng phải là lương tri tỏ lộ ư?” Bọn chúng tin nhận, thả tiên sinh Vương Dương Minh. Thổ phỉ còn có lương tri, hiện nay thì không được. Trong xã hội hiện thời, chẳng cho họ cởi, họ vẫn muốn cởi tuốt, lại còn muốn chạy long nhong khắp phố, quý vị nói xem còn có cách nào nữa không? Tiên sinh Vương Dương Minh mà gặp xã hội hiện thời bèn lắc đầu, cách nói của ông ta có vấn đề rồi!

          Đây là nói tới Tâm Sở Tàm Quý, liên quan đến vấn đề giáo dục. Nói thật tại, hiện thời chúng ta chỉ có giáo dục khoa học kỹ thuật, chứ giáo dục nhân tánh và giáo dục đạo đức chẳng còn nữa; vì thế, thiên hạ mới loạn lạc, trật tự xã hội mới trật khớp, vì chẳng có giáo dục đạo đức. Phương pháp bổ cứu duy nhất trong hiện thời là cậy vào Phật pháp, mỗi người đều có tâm Tàm Quý. Hễ có tâm Tàm Quý, chắc chắn có thể thành tựu. Chẳng có tâm Tàm Quý, dẫu gặp Phật, Bồ Tát, vẫn chẳng thể thành tựu. Vì thế, hai tâm sở này vô cùng quan trọng. Vô Tàm, Vô Quý là Trung Tùy Phiền Não trong hai mươi sáu phiền não.

          “Tiền ngũ như bảo” (năm món đầu như của báu), hai món sau “như nhân thiện thủ tài cố” (như người khéo giữ của cải). Ý nghĩa này rất sâu, chắc chắn là chúng ta chớ nên coi thường. Vì sao? Nếu chẳng có Tàm Quý, năm thứ trước đều chẳng đạt được, dẫu có tu vẫn chẳng thể thành tựu. Có thể thấy Thất Thánh Tài có thể trọn đủ hay không, có thể tu được hay không là nhờ vào hai điều kiện sau cùng. Nói thực tại, hai điều kiện ấy chính là thiện căn, phước đức. Người chẳng có thiện căn, phước đức, tu gì cũng đều chẳng thể thành tựu.

          Lão pháp sư Ấn Quang suốt đời ký tên đều ghi là Tàm Quý Tăng, lão nhân gia vô cùng khiêm hư, Ngài nói chính mình thiếu đức, vô khả năng, chỉ có trọn đủ tàm quý mà thôi. Chúng ta đọc Văn Sao của Ngài, Văn Sao do đối trị căn bệnh của con người hiện đại mà có. Hiện thời, nói hoằng dương Phật pháp, nói cứu độ chúng sanh, bàn luận cao xa đều chẳng phù hợp thực tế! Có thể đối trị xã hội hiện thời và đối trị lòng người hiện thời tốt nhất thì nói thật thà, không gì bằng Văn Sao! Có thể hoằng dương rạng rỡ Văn Sao, sẽ hữu ích to lớn cho thế đạo, nhân tâm, mà cũng giúp đặt vững vàng cơ sở Phật pháp rất tốt đẹp.

          (Sớ) Hựu Đại Bổn ngôn.

          () 又大本言。

          (Sớ: Lại nữa, kinh Đại Bổn nói).

                     Đại Bổn là kinh Vô Lượng Thọ.

          (Sớ) A Di Đà Phật đạo tràng thụ, cao thập lục ức do-tuần, tứ bố chi diệp bát ức do-tuần, thụ bổn long khởi, ngũ thiên do-tuần, nhất thiết chúng bảo, tự nhiên hợp thành.

       () 阿彌陀佛道場樹,高十六億由旬,四布枝葉,八億由旬,樹本隆起,五千由旬,一切眾寶,自然合成。

          (Sớ: Cây đạo tràng của A Di Đà Phật cao mười sáu ức do-tuần, cành lá tỏa rợp bốn phía tám ức do-tuần, gốc cây cao trỗi năm ngàn do-tuần, do hết thảy các thứ báu tự nhiên hợp thành).

          Chúng ta cũng đã đọc những điều này trong kinh Vô Lượng Thọ. “Tự nhiên” là Tánh Đức, chẳng cần phải có kế hoạch kiến tạo, trồng trọt, vun bồi, tự nhiên đều do các thứ báu hợp thành. Trong chú giải kinh Vô Lượng Thọ, lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ đã dẫn chứng kinh điển để nói rất tỉ mỉ. Vì sao có cảnh giới thù thắng như vậy? Do tâm thanh tịnh mà vãng sanh, tâm tịnh ắt cõi tịnh. Chúng sanh vãng sanh đến bên ấy, ai nấy đều là “phát Bồ Đề tâm, một bề chuyên niệm” A Di Đà Phật, đều là tâm thanh tịnh nhất tâm bất loạn vãng sanh, cộng nghiệp ấy thù thắng! Chư vị! Chúng ta phải đặc biệt lưu ý những câu này, nhất tâm là tâm thanh tịnh. Trong tâm quý vị còn có vọng niệm, tâm sẽ chẳng thanh tịnh, tâm thanh tịnh bèn vãng sanh. Do vậy, đối với chuyện đới nghiệp, trong kinh luận đã nhiều lượt nói là “mang theo nghiệp quá khứ”, chẳng phải là mang theo nghiệp hiện tiền, chẳng thể mang theo nghiệp hiện hành, mang theo cựu nghiệp, chẳng mang theo tân nghiệp. Vì thế, trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta phải nghiêm túc rèn luyện, luyện gì vậy? Luyện tâm thanh tịnh.

          Muốn thật sự luyện tâm thanh tịnh, thưa cùng quý vị, chớ nên quản chuyện của người khác. Quản chuyện người khác, tâm sẽ chẳng thanh tịnh. Do đó, gia đình, xã hội, tự viện đạo tràng đều giống nhau, có Chấp Sự. Trước đây, Chấp Sự trong tự viện là phục vụ, vì sao? Người ấy phải lo toan chuyện này chuyện nọ, nói cách khác, phải hy sinh chính mình. Tu hành là hạng người nào? Thanh tịnh chúng! Thanh tịnh chúng chẳng bận tâm sự vụ, thật sự tu hành. Sự tu hành của người quản sự bị phương hại rất lớn, vì thế, Chấp Sự là luân lưu đảm nhiệm, kỳ hạn là một năm, hàng năm đều phải điều chỉnh, thay đổi. Trong tự viện, Chấp Sự tổng cộng là một trăm lẻ tám người, nhưng trong tự viện gần như là mấy ngàn người cư trụ. Một đại tự viện hai ba ngàn người trụ là chuyện rất bình thường. Vì thế, người phục vụ, trên là từ Trụ Trì cho đến dưới là những người nấu cơm, trồng rau, tổng cộng là một trăm lẻ tám người, giống như trừ giáo viên và các nhân viên trong nhà trường ra, thanh tịnh chúng còn lại đều là học trò.

          Vì thế, nói phát tâm là tu hành thật sự. “Nếu người thật tu đạo, chẳng thấy lỗi người khác”. Hiện thời có thể nói là chẳng có đạo tràng, hiện thời đến đâu để tìm đạo tràng? Quý vị toàn thấy những đạo tràng nhỏ, trụ mấy người. Trụ mấy người thì nói cách khác, chẳng có cách nào mong sao “chuyện gì cũng đều chẳng muốn làm”! Chẳng còn nói đến Chấp Sự và thanh tịnh chúng nữa, hiện thời chẳng còn nữa, đó là chúng ta thiếu phước báo. Tại Đài Loan còn đỡ một chút, trong chùa miếu ít ra còn có sáu, bảy người. Quý vị sang ngoại quốc, chùa miếu một người, hai người, từ ba người trở lên rất ít, rất hiếm có, đại đa số toàn là một hai người. Hương Cảng, Nam Dương cũng đều như vậy. Chùa ở Tân Gia Ba cũng như thế, rất lớn, nhưng đều là một người.

          Pháp sư Diễn Bồi rất cảm khái bảo tôi: “Chúng tôi chết đi, chùa này sẽ lọt vào tay cư sĩ, vì chẳng có người thừa kế”. Thường có những cư sĩ theo hầu pháp sư mỗi ngày, đôi khi có mấy cư sĩ sống trong chùa. Lão hòa thượng vãng sanh, những chùa miếu ấy bèn “thuận lý thành chương” đều do các cư sĩ tiếp nhận. Những chuyện này đều là tướng suy trong thời Mạt Pháp, bản thân chúng ta phải cảnh giác. Hiện thời, bất luận xuất gia hay tại gia đều chẳng thể thong dong tấn tu như xưa kia, chuyện gì cũng chẳng màng đến để tấn tu, không thể làm như vậy nữa rồi! Làm không được thì chúng ta làm như thế nào? Tận hết sức bớt quan tâm, có thể hóa chuyện lớn thành nhỏ, hóa chuyện nhỏ thành không có, như thế thì tâm chúng ta mới có thể đạt đến thanh tịnh đôi chút. Nếu không, sẽ trở thành đại chướng ngại. Bản thân chúng ta phải hiểu rõ điều này.

          (Sớ) Phục thùy chúng bảo, dĩ vi anh lạc, phục hữu bảo võng, la phú kỳ thượng. Cứ thử, tắc hàng thụ chi ngoại, biệt hữu Phật đạo tràng thụ, kim văn tỉnh tiện, tức hàng thụ trung nhiếp, hựu luận trung công đức thảo, diệc thụ trung nhiếp, Đại Bổn kỳ thụ hữu hương, diệc bảo trung nhiếp.

     () 復垂眾寶,以為瓔珞,復有寶網,羅覆其上。據此,則行樹之外,別有佛道場樹,今文省便,即行樹中攝,又論中功德草,亦樹中攝,大本其樹有香,亦寶中攝。

          (Sớ: Lại còn treo rủ các thứ báu để làm chuỗi anh lạc. Lại có lưới báu giăng che phía trên. Căn cứ theo đó, ngoài các hàng cây, còn có một cây đạo tràng của Phật, nay kinh văn này tỉnh lược, gom [cây đạo tràng của Phật] vào trong các hàng cây, và cỏ công đức nói trong luận [Vãng Sanh] cũng được gom vào trong các hàng cây, “cây có hương thơm” nói trong Đại Bổn cũng được gộp trong phần nói về các thứ báu).

           Đoạn này sẽ lại được nói [cặn kẽ hơn] trong phần Sao, thảy đều có trích dẫn từ kinh Đại Bổn Vô Lượng Thọ nên cũng chẳng khó hiểu. Hôm nay chúng tôi giảng tới đây, hãy niệm Phật hồi hướng.

[1] Mười một thiện pháp theo Bách Pháp Minh Môn Luận là Tín, Tinh Tấn, Tàm, Quý, Vô Tham, Vô Sân, Vô Si, Khinh An, Bất Phóng Dật, Hành Xả và Bất Hại.

[2] Đây là cách nói biểu thị pháp, chẳng phải thật sự là đội mão vào sẽ không thể nghe và thấy rõ ràng. Loại mão được nói ở đây là Miện (冕), tức là loại mão còn được gọi là mão bình thiên, hoặc mão thông thiên. Thân mão có hình ống, phía trên là một tấm che đặt nằm ngang, hình chữ nhật, phía trước và phía sau đều kết ngọc thành nhiều tua, các tua ấy thường gọi là Lưu (旒). Các tua ngọc rủ xuống, giống như cái rèm cửa sổ. Tương truyền, loại Miện này do Hiên Viên Hoàng Đế chế ra, phía ngoài thường bọc vải, lụa, hay gấm màu đen, phía trong lót vải đỏ. Khi đội Miện, phải búi tóc lên, rồi xuyên qua Miện một cây trâm cài thường gọi là Kê (簪) để giữ cho Miện khỏi tuột. Hai đầu Kê thường có tua dài buộc quả cầu kết bằng bông (tức là “miên hoa cầu” như Hòa Thượng nói đến ở đây), bọc vải quý, thêu thùa, gắn ngọc. Hai quả bông ấy vừa che đúng hai bên tai của người đội, nên chúng được gọi là Tắc Nhĩ (塞耳: lấp tai). Thoạt đầu, hoàng đế và các quan đại phu đều đội Miện trong các đại điển, nhất là khi tế trời. Điểm khác biệt là hoa văn thêu trên Miện cũng như số lượng các tua ngọc. Cổ lễ quy định, Miện của Thiên Tử có mười hai tua, chư hầu chín tua, thượng đại phu bảy tua, hạ đại phu năm tua. Sau này, Tần Thủy Hoàng cấm ngặt hoàng thân, quốc thích, các quan đội Miện, chỉ có hoàng đế được phép đội Miện, nhưng Miện hầu như chỉ trong các buổi đại triều, đại điển, hay quốc tế (lễ tế của đất nước do vua đứng làm chủ tế).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *