Tập 232/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 03-003-0289

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 232

          Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm năm mươi ba.

          (Sao) Thử chi tứ giả, tuy đồng danh Niệm Phật, tiền thiển, hậu thâm. Trì Danh tuy tại sơ môn, kỳ thật, ý hàm vô tận. Sự nhất tâm tắc thiển, Lý nhất tâm tắc thâm. Tức Sự, tức Lý, tắc tức thiển, tức thâm, cố viết “triệt tiền, triệt hậu”. Sở dĩ giả hà? Lý nhất tâm giả, nhất tâm tức thị Thật Tướng, tắc tối sơ tức thị tối hậu cố.

()此之四者,雖同名念佛,前淺後深。持名雖在初門,其實意含無盡,事一心則淺,理一心則深,即事即理,則即淺即深 ,故曰徹前徹後 。所以者何?理一心者,

一心即是實相,則最初即是最後故。

(Sao: Bốn pháp này, tuy cùng gọi là Niệm Phật, nhưng phép trước cạn, phép sau sâu. Trì Danh tuy thuộc môn đầu tiên, nhưng thật ra, chứa đựng ý nghĩa vô tận. Sự nhất tâm là cạn, Lý nhất tâm là sâu. Do Sự chính là Lý, nên cạn chính là sâu. Vì thế nói là “thông triệt trước sau”. Vì sao vậy? Đối với Lý nhất tâm, nhất tâm chính là Thật Tướng, cho nên pháp thoạt đầu chính là pháp tối hậu vậy).

          Từ đoạn kết luận này của đại sư, chúng ta mới thật sự thấu hiểu diệu hạnh Trì Danh chẳng thể nghĩ bàn. Trì Danh, Quán Tượng, Quán Tưởng, Thật Tướng, bốn loại Niệm Phật nếu đều triển khai tỉ mỉ để quan sát, [sẽ thấy]: Nó bao gồm Thiền, Mật, Tông, Giáo, vô lượng pháp môn trong Phật pháp, có nghĩa là Thiền và Mật đều chẳng thể vượt khỏi phạm vi của Niệm Phật! Kết luận này hay lắm, đã tổng kết “danh hiệu có công đức chẳng thể nghĩ bàn; chấp trì danh hiệu cũng là chẳng thể nghĩ bàn”. Quý vị nói một câu Phật hiệu là nông cạn thì nó rất nông cạn. Quý vị nói nó là sâu, sẽ là sâu không đáy, nó chính là Sự mà cũng là Lý. Ở đây, đại sư nói “triệt tiền triệt hậu”, Tiền là Trì Danh, Hậu là Thật Tướng.

          (Diễn) Triệt tiền triệt hậu giả, Lý tức Sự cố triệt tiền, Sự tức Lý cố triệt hậu.

          ()徹前徹後者,理即事故徹前,事即理故徹後。

          (Diễn: “Thông triệt trước sau”: Lý chính là Sự cho nên “thông triệt pháp trước”, Sự chính là Lý nên “thông triệt pháp sau”).

           Trước và sau chẳng hai, Lý và Sự như một, pháp môn như vậy xác thực là các pháp môn bình phàm khác chẳng thể sánh bằng!

          (Diễn) Lý nhất tâm tức Thật Tướng giả, như thượng sở ngôn Lý nhất tâm giả, tắc Năng Sở tình tiêu, Hữu Vô kiến tận, ly sanh diệt, không hữu đẳng tướng, cố tức Thật Tướng dã.

()理一心即實相者,如上所言理一心者,則能所情消,有無見盡,離生滅空有等相,故即實相也

(Diễn: “Lý nhất tâm chính là Thật Tướng”: Như trong phần trên đã nói “Lý nhất tâm chính là tình chấp về Năng Sở đều mất, kiến giải về Có và Không đã hết”. Do lìa các tướng như sanh, diệt, không, có v.v… nên chính là Thật Tướng).

          Đó là hình trạng của Thật Tướng, trong pháp môn Niệm Phật thảy đều trọn đủ. Niệm đến khi công phu thành tựu, đương nhiên chẳng cần phải nói. Nay chúng ta khởi tâm niệm Phật, một câu Phật hiệu hiện tiền có phải là Thật Tướng hay chăng? Nếu đúng là như vậy, Phật hiệu thật sự chẳng thể nghĩ bàn. Thưa cùng chư vị, một câu Phật hiệu trong hiện tiền xác thực là Thật Tướng. Cớ sao là Thật Tướng? Nếu niệm Phật chẳng hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn, quý vị có thể niệm như vậy, câu Phật hiệu ấy chính là Thật Tướng. Đó gọi là “một niệm tương ứng một niệm Phật”, tương ứng với gì? Tương ứng với Thật Tướng. Nói cách khác, quý vị có hoài nghi, sẽ chẳng tương ứng với Thật Tướng, [vì] trong Thật Tướng chẳng có nghi. Quý vị có xen tạp, bèn chẳng tương ứng với Thật Tướng, [bởi lẽ], Thật Tướng là thanh tịnh, chẳng có xen tạp. Quý vị có gián đoạn, lại chẳng tương ứng, vì Thật Tướng bất sanh bất diệt. Có thể thấy ba điều kiện ấy thảy đều trọn đủ, câu Phật hiệu ngay lập tức là Thật Tướng.

          “Tắc Năng Sở tình tiêu” (Tình chấp Năng và Sở đều tiêu); năng niệm (chủ thể niệm, cái tâm niệm Phật) và sở niệm (đức Phật được niệm, danh hiệu Phật được niệm). Quý vị niệm câu A Di Đà Phật, chớ nên nghĩ: “Ta là năng niệm, A Di Đà Phật là đối tượng được niệm bởi ta”. Nếu quý vị còn nghĩ như thế, tức là đã dấy vọng tưởng, xen tạp. Đó gọi là “tạp loạn”. Tình chấp Năng và Sở đều tiêu, Năng Niệm và Sở Niệm đã hợp thành một, là nhất niệm. Trong ấy, chẳng thể tìm thấy Năng và Sở. “Hữu vô kiến tận” (Kiến giải về Hữu và Vô đã hết). Hữu – Vô là tà kiến, chẳng phải là chánh kiến. Năng và Sở [như đã nhắc tới] trong phần trước chính là phiền não, là mê tình. Vì thế, hết thảy tà tri tà kiến cũng đều chẳng có. Phải niệm sao cho một câu Phật hiệu này dứt sạch phiền não và tri kiến, như vậy thì mới thật sự đạt đến “thanh tịnh, bình đẳng, giác”. “Thanh tịnh, bình đẳng, giác” là Thật Tướng, là bản tánh của chính mình, là bản thể của pháp giới. “Ly sanh diệt không hữu đẳng tướng” (Lìa các tướng như sanh, diệt, không, có v.v…), đương nhiên đó chính là Thật Tướng, chúng ta thường gọi điều này là “công đức của danh hiệu”. Người niệm Phật rất nhiều, người biết công đức chân thật của danh hiệu chẳng mấy. Nếu họ thật sự biết, công phu niệm Phật bèn đắc lực. Người ấy niệm một câu Phật hiệu xác thực là có thể tiêu tai diệt tội, có thể vãng sanh thấy Phật. “Tối sơ tức thị tối hậu” (Thoạt đầu chính là cuối cùng), “tối sơ” là khi chúng ta vừa mới phát tâm niệm Phật; “tối hậu” là viên thành Phật đạo. Điều này rất chẳng thể nghĩ bàn, bất cứ pháp môn nào cũng đều chẳng có cách nào sánh bằng Niệm Phật! Tuy nói như vậy, người tin tưởng rất ít, kẻ chẳng tin rất nhiều, luôn nghĩ là người niệm Phật tự khoe khoang, bốc phét, chẳng thật; kẻ bình phàm dấy lòng hoài nghi. Họ ít thiện căn, phước đức chẳng đủ, nghe pháp môn này chẳng tránh khỏi hoài nghi, do dự. Do vậy, [để tu tập] pháp môn này, nhất định phải là nhiều thiện căn, nhiều phước đức. Kinh Di Đà dạy: “Chẳng thể do ít thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sanh về cõi ấy”, chính là nói rõ thiện căn và phước đức ít ỏi sẽ không được, sẽ chẳng thể tiếp nhận, thậm chí nghe xong còn hiểu lệch lạc ý nghĩa, hiểu biết sai lầm!

          (Sao) Vấn: Khởi đắc xưng danh tiện thành Thật Tướng?

          ()問:豈得稱名便成實相?

          (Sao: Hỏi: Há có lẽ nào xưng danh chính là Thật Tướng?)

           Trì Danh là Thật Tướng, thoạt đầu chính là cuối cùng, nghe xong có thể khiến cho người ta hoài nghi, lập tức nêu ra câu hỏi!

          (Diễn) Khởi đắc xưng danh tiện thành Thật Tướng giả, dĩ xưng danh niệm Phật, niệm niệm khởi diệt, thị sanh diệt tướng. Niệm thời tắc hữu, bất niệm tắc vô, thị không hữu tướng. Năng niệm thị tâm, sở niệm thị Phật, thị năng sở tướng. Xưng Phật danh hiệu, dĩ tâm duyên lịch, thị ngôn thuyết, danh tự, tâm duyên đẳng tướng, hà ngôn tức Thật Tướng da?

          ()豈得稱名便成實相者,以稱名念佛,念念起滅,是生滅相;念時則有,不念則無,是空有相;能念是心,所念是佛,是能所相;稱佛名號,以心緣歷,是言說名字心緣等相,何言即實相耶?

(Diễn: “Há có lẽ nào xưng danh chính là Thật Tướng?”: Do xưng danh niệm Phật, khởi lên rồi diệt mất trong mỗi niệm. Đó là tướng sanh diệt. Khi niệm thì có, chẳng niệm bèn không. Đó là tướng Không Hữu. Chủ thể để niệm là cái tâm, đối tượng được niệm là Phật. Đó là tướng Năng Sở. Xưng danh hiệu Phật, dùng tâm duyên theo. Đó chính là các tướng ngôn thuyết, danh tự, tâm duyên v.v… Cớ sao nói là Thật Tướng cho được?)

          “Sanh  diệt”  chẳng  phải  là  Thật  Tướng, “Không – Hữu”  chẳng

phải là Thật Tướng. Có Năng có Sở, há có thể gọi là Thật Tướng? Trong một câu hỏi của người ấy chứa đựng nhiều ý nghĩa như vậy.

          (Sao) Đáp: Thật Tướng vân giả, phi tất diệt trừ chư tướng, cái tức tướng nhi vô tướng dã.

          ()答:實相云者,非必滅除諸相,蓋即相而無相也。

          (Sao: Đáp: Nói “Thật Tướng” chẳng phải là ắt phải diệt trừ các tướng, bởi lẽ, từ ngay nơi tướng mà [nhận biết] chẳng có tướng).

          Nói thật ra, đến chỗ này, đã giải đáp trọn hết, đã giải đáp rất viên mãn, [nhưng Liên Trì đại sư] sợ người nghe vẫn chưa hiểu, nên tiếp đó lại dẫn chứng. Đại sư bảo cho chúng ta biết: Ý nghĩa khẩn yếu là “Thật Tướng trọn chẳng phải là tiêu diệt hết thảy các tướng”. “Chư tướng” là nói đến tướng sanh diệt, tướng Không Hữu, tướng Năng Sở, cũng như các tướng ngôn thuyết, danh tự, tâm duyên v.v… [những tướng ấy đều] chẳng cần phải tiêu diệt. Vì sao chẳng cần tiêu diệt? Vì “phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”. Hư vọng thì quý vị cần gì phải tiêu diệt nó? Nó là thật thì quý vị mới tiêu diệt, nó chẳng phải là thật sự có! Nó là hư vọng, “đương thể tức Không, liễu bất khả đắc” (bản thể chính là Không, trọn chẳng thể được). Quý vị muốn tiêu diệt hư vọng, chẳng phải là tự chuốc phiền ư? Lại sai mất rồi! Ví như bóng dáng là giả, cớ gì cứ nhất định phải diệt trừ bóng dáng? Chẳng cần thiết!

          (Diễn) Đáp viết: Vị Thật Tướng giả, phi vi diệt trừ chư tướng, nhi đàm Thật Tướng, tức tướng vô tướng, danh Thật Tướng dã.

     ()答曰:謂實相者,非為滅除諸相,而談實相,即相無相,名實相也。

(Diễn: Đáp: Ý nói “Thật Tướng chẳng phải là diệt trừ các tướng”. Nói đến Thật Tướng thì nó chính là tướng mà chẳng có tướng, nên gọi là Thật Tướng).

          Thật vậy! Đấy mới là Thật Tướng thật sự. Câu “tức tướng vô tướng” có đạo lý rất sâu, mà cũng là một chuyện rất chân thật. Từ Quyền Giáo và Tiểu Thừa trở xuống, Quyền Giáo Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác, lục đạo phàm phu, chẳng hiểu rõ chân tướng vũ trụ và nhân sinh. Thật Tướng là chân tướng. Do chẳng biết chân tướng, lầm tưởng những tướng ấy đều là chân thật, sai lầm ở chỗ này. Chẳng biết chân tướng của hết thảy các tướng, đó là mê hoặc. Sau khi đã mê bèn tạo nghiệp, tạo nghiệp thì phải hứng chịu quả báo, quả báo ấy vẫn là hư vọng. Tuy Hoặc, Nghiệp, Khổ đều là hư vọng, chẳng thật sự tồn tại, bản thể của chúng là Không, nhưng đối với người mê, bèn thật sự có cảm nhận [dường như chúng thật sự tồn tại], giống như nằm mộng, mộng là giả, nhưng khi nằm mộng, ở trong mộng chẳng biết giấc mộng ấy là giả, trong mộng có khổ nạn, thật sự có cảm nhận [đau đớn, hoảng sợ].

          Người giác ngộ ở trong mộng bèn biết chính mình đang nằm mộng, biết hết thảy đều là mộng cảnh, đó gọi là “thấy thấu suốt”. Đã là mộng cảnh, trong hết thảy cảnh giới thuận nghịch đều nhất loạt chẳng có cảm thọ, [tức là] trong thuận cảnh chẳng có lạc thọ, trong nghịch cảnh chẳng có khổ thọ, tâm người ấy bình thường. Đó gọi là “buông xuống”, là “Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại”, chẳng có chướng ngại! Cớ gì cứ nhất định phải phá trừ mộng thì mới gọi là Thật Tướng? Biết giấc mộng ấy là Thật Tướng, mộng cảnh cũng là sự thật. Nhất định phải hiểu rõ chân tướng sự thật, [đã hiểu rõ] bèn gọi là Thật Tướng. Về Thể, quyết định chẳng có, nên gọi là Vô Tướng Thật Tướng. Xét theo Sự, xác thực là có chuyện như vậy, nên gọi là Vô Bất Tướng Thật Tướng. Có thể thấy là Không, Có, sanh diệt, Năng Sở, không gì chẳng phải là Thật Tướng. Quý vị đã hiểu rõ, đã thấu hiểu chân tướng sự thật, đó là Thật Tướng. Chẳng hiểu rõ thì Lý cũng là vọng tướng (妄相: tướng hư vọng), Sự cũng là vọng tướng, chắc chắn là quý vị chẳng thấy Thật Tướng. Người đã thấy Thật Tướng, cũng chính là bậc được gọi là “viên thật Bồ Tát”, [nghĩa là] Viên Giáo Bồ Tát, Thật Giáo Bồ Tát. “Thật” là nói đối ứng với Quyền, cũng nêu rõ người ấy chính là bậc minh tâm kiến tánh Bồ Tát. Trong bất luận cảnh giới nào, tâm địa người ấy thanh tịnh, bình đẳng, tuyệt đối chẳng khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước.

          Sáu căn của chúng ta tiếp xúc cảnh giới bên ngoài, còn khởi tâm động niệm hay không? Còn phân biệt, chấp trước hay không? Nếu khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước, chính mình hãy suy nghĩ: Ta vẫn là phàm phu, chẳng có năng lực liễu sanh tử, thoát tam giới. Công phu niệm Phật như vậy sẽ chẳng nắm chắc vãng sanh. Chẳng thể nói là “[tuyệt đối] không thể vãng sanh”, [vẫn] có thể vãng sanh, nhưng phải xét theo vận may của quý vị! Đó là đới nghiệp vãng sanh. Đới nghiệp vãng sanh thì đích xác là phải xét theo nhân duyên của mỗi người: Khi quý vị lâm chung, một niệm cuối cùng có phải là A Di Đà Phật hay không? Nếu là A Di Đà Phật, bèn vãng sanh. Niệm Phật suốt một đời, đến khi lâm chung, niệm cuối cùng chẳng phải là A Di Đà Phật thì cũng chẳng có cách nào, đời này chẳng thể thành tựu! Do vậy, quyết định là do duyên. Duyên đã quan trọng như vậy, mới biết tánh chất quan trọng của việc Phật, Tổ dạy chúng ta đoạn hết thảy ác, tu hết thảy thiện. “Đoạn hết thảy ác” là xa lìa ác duyên; “tu hết thảy thiện” là chúng ta phải khéo tu thiện duyên. Thiện duyên có thể giúp đỡ chúng ta thành tựu đạo nghiệp.

          Người tu đạo nếu chẳng phải là bậc tái lai thì nghiệp chướng lẫn tập khí đều rất nặng. Biết chính mình tội nghiệp sâu nặng, biết chính mình trước khi học Phật đã tạo nhiều tội nghiệp. Tội nghiệp ấy chẳng nhất định là chuyện tạo tác hữu hình, mà khởi tâm động niệm đều là tội nghiệp. Kinh Địa Tạng dạy: “Diêm Phù Đề chúng sanh khởi tâm động niệm, vô phi thị tội” (Chúng sanh trong Diêm Phù Đề khởi tâm động niệm, không gì chẳng phải là tội). Tội như thế nào? Khởi tâm động niệm đều là lợi mình, tổn người. Do tâm người ấy là như vậy, cho nên hành vi cũng là như vậy. Đã xuất gia, nếu xuất gia mà chẳng thật sự giác ngộ, chẳng thật sự phát tâm tu đạo, vẫn còn mang theo tập khí lúc còn tại gia. Nói cách khác, [kẻ ấy] vào trong Phật môn tạo tội nghiệp còn nặng hơn thuở tại gia rất nhiều lần. Vì nơi đây là đạo tràng Phật pháp, quý vị ở trong tăng đoàn khuấy động thị phi, đòn xóc hai đầu, phá hòa hợp tăng, do tội lỗi ấy, sẽ đọa vào địa ngục A Tỳ. Ở trong thế gian, nếu làm những chuyện ấy, đương nhiên là cũng có tội, nhưng chẳng nặng dường ấy. Sứ mạng của Tăng đoàn là hoằng pháp lợi sanh, quý vị đến hủy hoại, làm tăng đoàn suy bại, tội lỗi ấy nặng nề! Tục ngữ có câu “trước cửa địa ngục, tăng đạo đông” là có đạo lý, chẳng phải là nói tùy tiện, cũng chẳng phải là nhiếc móc người xuất gia tu đạo. Đó là sự thật. Đối với tội nghiệp do thế gian đã tạo, trong Phật môn tạo tội nghiệp y hệt, nhưng mức độ [kết tội sẽ] cạn hay sâu khác nhau! Thế gian tạo tội cạn, trong Phật môn tạo tội nặng, khác hẳn! Người học Phật chớ nên không biết, chớ nên chẳng cảnh giác, ngàn muôn phần chớ làm!

          Đã học Phật thì quyết định phải thành tựu trong một đời này! Muốn thành tựu trong một đời này, chính mình phải thường tưởng: Ta khởi tâm động niệm, tiếp người, đãi vật có giống Phật, Bồ Tát hay không? Đấy mới là thật sự tu hành. Do vậy, mục đích của khóa tụng sáng tối là ở chỗ này. Đặc biệt là đạo tràng của chúng ta, buổi sáng niệm bốn mươi tám nguyện. Khi niệm, hãy suy nghĩ: Tâm nguyện của chúng ta có giống A Di Đà Phật hay không? Buổi tối niệm kinh Vô Lượng Thọ từ phẩm ba mươi hai đến phẩm ba mươi bảy, trong sáu phẩm kinh ấy, đức Thế Tôn đã ban cho chúng ta khá nhiều khai thị, những khai thị ấy đều là chuẩn mực để xử sự, tiếp người, đãi vật, chúng ta có vi phạm hay không? Có phụng hành hay không? Những điều đức Phật dạy chúng ta hãy nên làm, chúng ta có làm hay không? Những điều đức Phật dạy chúng ta đừng nên làm, chúng ta có làm hay không? Khóa tối nhằm phản tỉnh, đó là thật sự tu hành. Tuyệt đối chẳng phải là niệm cho Phật, Bồ Tát nghe, mà là niệm cho chính mình nghe, niệm cho chính mình phản tỉnh. Ý nghĩa thật sự của công khóa sáng tối là ở chỗ này! Do vậy, có thể lãnh hội đôi chút chân tướng vũ trụ và nhân sinh thì đối với muôn hình tượng, nhất định sẽ chẳng chấp trước, sẽ chẳng riết róng, chẳng tạo tội nghiệp. Người ấy sẽ lợi dụng cơ duyên ấy để tu phước cho chính mình, tu tập, tích lũy thiện căn cho chính mình, tuyệt đối chẳng lợi dụng cơ hội này để tạo tội nghiệp. Học Phật và không học Phật sai biệt ở chỗ này.

          (Sao) Kinh vân: “Trị thế ngữ ngôn, giai dữ Thật Tướng bất tương vi bội”.

          ()經云:治世語言,皆與實相不相違背。

          (Sao: Kinh dạy: “Lời lẽ trị thế đều chẳng trái nghịch Thật Tướng”).

          Đấy là một câu trong kinh Phật.

          (Sao) Vân hà vạn đức hồng danh, bất cập trị thế nhất ngữ?

          ()云何萬德洪名,不及治世一語?

          (Sao: Lẽ nào vạn đức hồng danh chẳng bằng một lời trị thế?)

          “Trị thế ngữ ngôn”: “Thế” (世) là thế gian, “trị” (治) là cai trị. Khiến cho hết thảy chúng sanh trong thế gian đạt được an hòa, lợi lạc, những lời lẽ ấy được gọi là “trị thế ngữ ngôn” (lời lẽ trị thế). Giống như Tứ Thư và Ngũ Kinh của Nho gia là “lời lẽ trị thế”, xác thực là chẳng trái nghịch Thật Tướng. Nếu trái nghịch Thật Tướng, những sách ấy chẳng thể gọi là “kinh”. Gọi là “kinh”, nói theo cách hiện thời, nó là chân lý. Chân lý siêu việt không gian, nói theo cách hiện thời, [sẽ là] siêu việt quốc gia, siêu việt dân tộc, siêu việt tôn giáo, siêu việt chánh trị, bất cứ quốc gia, dân tộc, người thuộc khu vực nào, y theo phương pháp trong ấy, đều có thể đạt được lợi ích. Kế đó, do siêu thời gian, nên thời cổ dùng những phương pháp ấy có thể đạt được an hòa, lợi lạc; hiện thời dùng phương pháp ấy thì cũng có thể đạt được [an hòa, lợi lạc y hệt như vậy]; ngàn vạn năm trong tương lai dùng phương pháp ấy, vẫn có thể đạt được, đó mới gọi là Kinh. Vì sao nó có thể siêu việt thời gian và không gian? Vì nó tương ứng với Thật Tướng, Thật Tướng siêu việt thời gian và không gian; do đó, kinh cũng siêu việt thời gian và không gian. Chỉ có thể siêu việt thời gian và không gian thì mới gọi là kinh điển. Sách vở thế gian của Khổng, Mạnh, chư tử bách gia còn chẳng trái nghịch Thật Tướng, há câu vạn đức hồng danh A Di Đà Phật còn chẳng sánh bằng Tứ Thư, Ngũ Kinh ư? Đại sư dùng chuyện này làm dẫn chứng để nói.

          (Diễn) Trị thế ngữ ngôn giai dữ Thật Tướng bất vi bội giả, dĩ chứng ý Thật Tướng, tắc chư sở thuyết pháp vô phi Thật Tướng, cố bất tương vi bội, tuy thuyết tục sự, diệc thuận chánh pháp dã.

          ()治世語言皆與實相不違背者,以證意實相,則諸所說法無非實相,故不相違背,雖說俗事,亦順正法也。

(Diễn: “Lời lẽ trị thế đều chẳng trái nghịch Thật Tướng”: Do chứng đắc Thật Tướng của Ý nên các pháp đã nói không gì chẳng phải là Thật Tướng, cho nên chẳng trái nghịch. Tuy nói chuyện thế tục, cũng thuận theo chánh pháp).

 Do chứng đắc Thật Tướng nơi Ý Căn, tức là Ý Căn thanh tịnh bèn nhập Thật Tướng, nên những pháp đã được nói ra không gì chẳng phải là Thật Tướng. Đó gọi là “viên nhân thuyết pháp, vô pháp bất viên” (người căn tánh viên đốn thuyết pháp, không pháp nào chẳng viên mãn). Người ấy nói kinh điển thế gian, như Tứ Thư, Ngũ Kinh [chẳng hạn], cũng đều chẳng trái nghịch Thật Tướng. Đã chứng đắc Thật Tướng bèn gọi là “viên nhân”. Kiến giải và suy nghĩ của người ấy viên mãn, chẳng khiếm khuyết. Người chẳng kiến tánh, tri kiến sẽ chẳng viên. Nói cách khác, người ấy có chấp trước, phân biệt, chúng ta thường nói là “cách nhìn phiến diện”, chẳng thể viên dung. Người khế nhập Thật Tướng sẽ viên dung. Chính vì người ấy viên dung, nên có thể ứng cơ thuyết pháp. Như ba mươi hai ứng thân của Quán Thế Âm Bồ Tát, đáng nên dùng thân gì để thuyết pháp bèn hiện thân ấy thuyết pháp, đó là viên dung, xác thực là có thể lợi ích chúng sanh, tuyệt đối chẳng gây trở ngại cho chúng sanh. Kẻ tri kiến chẳng viên mãn, có thể gây trở ngại cho chúng sanh. Ví như người ấy tu pháp môn này rất khá, mong mỏi người khác thảy đều tu pháp môn này, đó là tri kiến chẳng viên mãn. Vì sao? Những người đó có căn tánh giống như chính mình hay không? Nếu căn tánh khác nhau, ta cưỡng ép người ấy tu pháp môn này, người ấy chẳng thể thành tựu. Nếu học pháp môn khác, người ấy có thể thành công. Ví như người ấy thật thà niệm Phật, chúng ta khích lệ, khuyên người ấy niệm Phật, người ấy có thể thật sự vãng sanh trong một đời này, có thể gặp A Di Đà Phật. Nay ta thích tham Thiền, bèn nói: “Pháp này của ta hay lắm, hãy học theo ta”. Người ấy tham Thiền suốt cả một đời, ngay cả Sơ Thiền cũng chưa đạt được, đời sau vẫn phải luân hồi trong lục đạo, đó là cắt đứt cơ hội vãng sanh thành Phật của người ta trong một đời này, tàn khốc dường ấy! Kẻ đó tuy là một phen hảo tâm, nhưng kết quả của hành động ấy hết sức tàn nhẫn. Đó chẳng phải là thiện tri thức, mà là ma! Gặp phải kẻ đó, kể như đời này đã tiêu rồi!

Cư sĩ Giản Phong Văn đặc biệt ưa thích Đàn Kinh và kinh Kim Cang, nhiều lần tuyên giảng ở nơi đây, cũng dùng phương pháp ấy để tiếp dẫn đại chúng. Tôi cảnh tỉnh ông ta: “Ông hãy nên có thái độ giống như Lục Tổ, chỉ dạy người thượng thượng căn, đừng dạy kẻ trung hạ. Vì sao? Họ chẳng có phần!” Tôi nói: “Ông dùng thái độ đó sẽ là đại từ đại bi, chẳng hại chúng sanh. Tu học pháp môn ấy chính là thượng thượng căn, căn tánh Đại Thừa còn chẳng có phần. Đó là đúng, chẳng sai!” Có thể thấy là chẳng có pháp môn nào không hay, nhưng nhất định phải khế cơ và khế lý. Chẳng khế lý, sẽ trở thành ma thuyết. Chẳng khế cơ, sẽ chẳng đạt được lợi ích trong đời này, nói uổng công! Người căn tánh viên đốn thuyết pháp bèn khế cơ, vì họ đại khai viên giải, có trí huệ chân thật viên mãn, dẫu nói chuyện thế tục cũng là chánh pháp, luôn tương ứng với chánh pháp.

(Diễn) Kinh vân: “Dĩ thị thanh tịnh ý căn, nãi chí văn nhất kệ, nhất cú, thông đạt vô lượng vô biên chi nghĩa, năng diễn thuyết nhất cú, nhất kệ, chí ư nhất nguyệt, tứ nguyệt, nãi chí nhất tuế, chư sở thuyết pháp, tùy kỳ nghĩa thú, giai dữ Thật Tướng bất tương vi bội. Nhược thuyết tục gian kinh thư, trị thế ngữ ngôn, tư sanh nghiệp đẳng, giai thuận chánh pháp”.

()經云:以是清淨意根,乃至聞一偈一句,通達無量無邊之義,能演說一句一偈,至於一月四月乃至一歲,諸所說法,隨其義趣,皆與實相不相違背;若說俗間經書、治世語言、資生業等,皆順正法。

(Diễn: Kinh nói: “Do Ý Căn thanh tịnh cho đến nghe một kệ, một câu, mà thông đạt vô lượng vô biên nghĩa, có thể diễn thuyết một câu, một kệ, bèn từ một tháng cho đến bốn tháng, thậm chí cả năm, những pháp đã nói đều thuận theo nghĩa thú ấy, đều chẳng trái nghịch Thật Tướng. Nếu có nói đến những kinh sách trong cõi đời, những lời lẽ trị thế, các nghề nghiệp kiếm sống v.v… đều thuận theo chánh pháp”).

          Đối với đoạn này, chúng ta có thể dẫn kinh Hoa Nghiêm để chứng minh. Trong kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài đồng tử tham học năm mươi ba lần, gặp gỡ năm mươi ba vị thiện tri thức, chỉ có sáu vị là người xuất gia[1], những vị khác đều là tại gia, làm các nghề nghiệp trong thế gian, đều là chánh pháp. Nói cách khác, đều có thể tương ứng với Thật Tướng. Kinh doanh, thợ thuyền, cầm quyền, dạy học, làm lính, thảy đều tương ứng với Thật Tướng. Do đó nói: “Có pháp nào chẳng phải là Phật pháp?” Pháp nào cũng đều là [Phật pháp]. Có nghề nghiệp nào chẳng phải là tu Lục Độ, Tứ Nhiếp? Các nghề nghiệp, nam, nữ, già, trẻ, thật sự giác ngộ, thảy đều đang hành Bồ Tát đạo, thảy đều tu Vô Thượng Bồ Đề, chẳng có một pháp nào không phải!

          Vì sao nay chúng ta niệm Phật cũng chẳng phải [là tu Vô Thượng Bồ Đề]? Trong đoạn này, có một câu hết sức quan trọng! “Thanh tịnh Ý Căn”. Nay chúng ta chẳng có điều này, đó là chỗ then chốt quyết định là Bồ Tát hay phàm phu. Ý Căn của chúng ta là Ý Căn nhiễm ô, có thể chuyển biến nhiễm ô thành thanh tịnh thì là Bồ Tát. Học Phật là học từ chỗ nào? Có một vị tỳ-kheo-ni muốn theo học với tôi, còn có một vị cư sĩ cũng muốn phát tâm theo tôi đến Mỹ để học, hỏi tôi cần có điều kiện gì? Điều kiện của tôi là “thanh tịnh Ý Căn”. Như thế nào thì mới có thể thanh tịnh Ý Căn? Trước hết, hãy niệm kinh. Kinh điển để làm căn cứ cho đạo tràng nhỏ này của chúng ta có tất cả bảy bộ: Kinh Vô Lượng Thọ, Di Đà Kinh Yếu Giải, Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm, kinh A Nan Vấn Sự Phật Cát Hung, đối với kinh Phật chúng ta chỉ chọn lấy bốn bộ, ba thứ khác thuộc loại ngôn ngữ trị thế, tức Liễu Phàm Tứ Huấn, Cảm Ứng Thiên, và Tứ Thư. Học nằm lòng bảy thứ ấy, tâm quý vị sẽ thanh tịnh. Trong kinh có ý nghĩa gì, chẳng cần suy nghĩ! Chẳng có ý nghĩa gì, cứ thật thà niệm là được. Mỗi ngày niệm mười lần, hai mươi lần, niệm suốt năm năm, có thể niệm cho cái tâm thanh tịnh. Sau đấy mới tìm tới tôi, điều kiện của tôi là như vậy đó.

          Tâm chẳng thanh tịnh, những thứ quý vị đã học đều biến thành tà tri tà kiến. Thanh Lương đại sư đã nói lời này. Nói thật ra, [đó chính là] lời dạy của đức Phật trong kinh Hoa Nghiêm. Kinh Hoa Nghiêm dạy chúng ta trước hết hãy phát Bồ Đề tâm. Nói “phát Bồ Đề tâm” có nghĩa là dụng tâm chân thành. Tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm cung kính để xử sự, đãi người, tiếp vật, đó là “phát Bồ Đề tâm”. Chân tâm khởi tác dụng là đại từ đại bi. Vì thế, “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ” trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện chính là Bồ Đề tâm thật sự. “Độ” (度) là ta giúp đỡ, hiệp trợ kẻ ấy. Chịu giúp đỡ, hiệp trợ chúng sanh, chư vị ngẫm xem, làm sao có thể hại chúng sanh cho được? Làm sao chướng ngại họ cho được? Làm sao ngăn trở, quấy nhiễu họ cho được? Chẳng thể nào! Sau đấy mới tu hành. Để tu hành, hãy học khởi đầu từ đâu? Đoạn phiền não. Chẳng đoạn phiền não, chẳng thể học pháp môn. Chưa đoạn phiền não, học một chút pháp môn nhằm giúp đoạn phiền não. Sau khi đã đoạn hết phiền não, tiến nhập nguyện thứ ba là “pháp môn vô lượng thệ nguyện học”. Khi ấy, vẫn phải đoạn phiền não. Đoạn phiền não nhằm giúp học pháp môn. Khi ấy, học pháp môn là chánh yếu, đoạn phiền não là phụ trợ. Trong giai đoạn thứ nhất này, đoạn phiền não là chánh yếu, học pháp môn là phụ trợ. Chánh Trợ song tu như vậy thì mới có thể viên thành Phật đạo. Toàn thể những thứ tự này đều ở trong kinh Hoa Nghiêm.

          Nay chúng ta gặp pháp môn như vậy, có các đồng tu thường ở cùng một chỗ dùi mài lẫn nhau, nhân duyên này chẳng thể nghĩ bàn! Đúng như ông Bành Tế Thanh đã nói: “Hiếm có, khó gặp, từ vô lượng kiếp tới nay”. Nếu nay chúng ta đã gặp gỡ, mà khinh thường, bỏ lỡ, nói thật ra, thiện căn và phước đức quá ít. Nếu có thể thật sự nắm chắc cơ duyên này, sẽ quyết định liễu sanh tử, thành Phật đạo ngay trong một đời này. Đã gặp duyên, quyết định chớ nên bỏ lỡ, phải thật sự tu học. Do vậy, điều then chốt là thanh tịnh Ý Căn.

          Có những đồng học đến hỏi: “Tu học như vậy có phải là rất ngây ngốc hay chăng? Có phải là rất chậm chạp hay không?” Thật ra, nếu họ nghe hiểu lời tôi nói, chẳng thể nào đưa ra câu hỏi ấy. Vì sao? Bắt đầu, tôi bảo quý vị tu đoạn phiền não, chẳng bảo quý vị học pháp môn! Pháp môn vẫn chưa bắt đầu học, làm sao quý vị biết là nhanh hay chậm? Trước hết, buộc quý vị thực hành trong năm năm, năm năm chưa được thì mười năm, làm gì vậy? Đoạn phiền não, tu thanh tịnh Ý Căn. Tâm đã thật sự thanh tịnh rồi mới bắt đầu học pháp môn. Khi ấy, học pháp môn, thưa cùng chư vị, giống như một bộ Đại Tạng Kinh, tối đa là ba năm sẽ thông đạt toàn bộ. Ý Căn của quý vị chẳng thanh tịnh, cho quý vị [học Đại Tạng Kinh suốt] ba trăm năm, vẫn chẳng thể thông đạt. Ý Căn thanh tịnh, ba năm bèn thông đạt. Y theo phương pháp này để tu thì mới thật sự là đường tắt. Vì sao nói ba năm bèn thông đạt? Vì tâm quý vị đã thanh tịnh, Phật pháp hoàn toàn lưu lộ từ cái tâm thanh tịnh. Tâm quý vị thanh tịnh giống như tâm Phật, vừa thấy liền thông đạt, liền liễu giải, chẳng cần giảng giải. Vì sao? Văn chương do chính mình viết, còn cần phải có người khác giảng giải cho chính mình, chẳng phải là lời lẽ quá nực cười ư? Đại Tạng Kinh là văn chương, là ngôn ngữ của chính mình; do đó, vừa xem mười hàng, thậm chí vừa lướt mắt nhìn qua hai mươi hàng, vừa đọc bèn hiểu rõ hoàn toàn. Lật từng trang, xem chưa được mấy ngày đã xem xong, có năng lực như vậy đó. Nay tâm quý vị chẳng thanh tịnh, nghe giảng cũng chẳng hiểu, nghe xong còn hiểu sai ý nghĩa, có oan uổng hay không? Do đó, học tập phải có thứ tự, [phải tuân theo] phương pháp, chẳng thể vượt cấp tràn lan! Do vậy, mới hiểu tầm quan trọng của chuyện tu tâm thanh tịnh!

          Thanh tịnh Ý Căn là Căn Bản Trí, học rộng nghe nhiều là Hậu Đắc Trí, trí huệ hiện tiền, sáu căn vừa tiếp xúc bèn thông đạt. Quý vị xem Lục Tổ Đàn Kinh, [sẽ thấy] Lục Tổ Huệ Năng đại sư có bản lãnh ấy. Ngài chẳng biết chữ, chưa hề đi học, quý vị niệm kinh cho Ngài nghe, Ngài hiểu ngay. Lại còn chẳng cần phải niệm từ đầu đến cuối, niệm một đoạn ngắn, [thế mà] toàn bộ bản kinh đều biết. Bản thân quý vị hãy suy ngẫm, quý vị học một bộ kinh Pháp Hoa phải mất bao lâu? Trí Giả đại sư giảng tựa đề kinh mất chín mươi ngày, còn chưa giảng đến phần kinh văn. Huệ Năng đại sư phải học trong bao lâu? Tôi thấy là chưa đầy một giờ, Ngài đã quán thông toàn bộ. Tổ bảo thiền sư Pháp Đạt niệm kinh cho Ngài nghe, chỉ niệm đến phẩm thứ hai là phẩm Phương Tiện, Lục Tổ nói: “Chẳng cần niệm nữa, ta biết cả rồi”. Ngài đã học hiểu. Ngài bèn nói cho thiền sư Pháp Đạt nghe, thiền sư Pháp Đạt ngay lập tức khai ngộ. Nếu Ngài chẳng thật sự thông đạt, có thể nào nói ra ý nghĩa thật sự đơn giản, ngắn gọn trong ấy, khiến cho người khác vừa nghe bèn khai ngộ, minh tâm kiến tánh. Do nguyên nhân gì? Người ta Ý Căn thanh tịnh, chẳng có gì khác cả! Tâm lão nhân gia “vốn chẳng có một vật, chỗ nào nhuốm bụi trần”. Nay trong tâm chúng ta lộn xộn, gột rửa cũng chẳng thể gột sạch, khác nhau ở ngay chỗ này!

          Do vậy, tu học Phật pháp chẳng có gì khác, chính là tu thanh tịnh Ý Căn, tu tâm thanh tịnh. Nếu tâm quý vị đạt đến thanh tịnh, quyết định vãng sanh. Quý vị nếu đắc Ý Căn thanh tịnh, trong suốt một đời này, chắc chắn là hạnh phúc mỹ mãn, quyết định vui sướng vô cùng, đó là đạt được lợi ích ngay trong đời hiện tại. Hết thảy phiền não, hết thảy tai nạn, đều do Ý Căn của chính mình chẳng thanh tịnh mà có. Bất luận là trên phương diện tinh thần, trên phương diện sinh lý, hay trên phương diện vật chất, tất cả hết thảy tai nạn đều do Ý Căn chẳng thanh tịnh, chúng ta phải nên đặc biệt coi trọng điều này. Tu tâm thanh tịnh, tâm tịnh, ắt thân thanh tịnh. Thân tâm thanh tịnh, cảnh giới thanh tịnh (thế giới bèn thanh tịnh). Tâm tịnh, ắt cõi nước tịnh; điều này không chỉ là tông chỉ tu hành của Tịnh Tông, mà cũng là của toàn thể Phật pháp. Bất luận tông nào, phái nào, đều chẳng lìa khỏi nguyên tắc này.

          Do vì người ta có tâm thanh tịnh, [cho nên] “nãi chí văn nhất kệ, nhất cú, thông đạt vô lượng vô biên chi nghĩa” (cho đến nghe một kệ, một câu, bèn thông đạt vô lượng vô biên nghĩa). Công án về Lục Tổ đại sư và thiền sư Pháp Đạt là một chứng minh, Ngài chẳng cần nghe toàn bộ kinh, nghe một phần bèn thông đạt toàn bộ. Với điều kiện giống như Lục Tổ, học một bộ Đại Tạng Kinh sẽ mất bao nhiêu thời gian để học xong? Tôi cho Ngài ba năm thì quý vị nghĩ thử xem có phải là thời gian quá dài hay chăng? Đúng là quá dài! Chư vị phải hiểu: Đây chính là bí quyết thông đạt Đại Tạng Kinh nhanh chóng. Nếu không, trong một đời mà quý vị muốn thông đạt một bộ kinh cũng chẳng dễ dàng, luôn luôn là rất khó! Y theo phương pháp này, trong một đời này, quý vị có thể thông đạt hết thảy các kinh, có thể thông suốt hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian.

          “Năng diễn thuyết nhất cú, nhất kệ, chí ư nhất nguyệt, tứ nguyệt, nãi chí nhất tuế” (Có thể diễn nói một câu, một kệ, từ một tháng cho đến bốn tháng, thậm chí đến suốt cả năm). “nhất tuế” (一歲) là một năm. Do Phật pháp và lời lẽ trị thế của thế gian tương ứng với Thật Tướng, đối với “một câu, một kệ” ở đây, “một kệ” là bốn câu, để giảng giải cho quý vị một câu hoặc một bài kệ bốn câu, có thể giảng suốt một tháng, bốn tháng, hoặc một năm. Chuyện này chẳng giả! Trí Giả đại sư giảng năm chữ Diệu Pháp Liên Hoa Kinh suốt chín mươi ngày. Điều này cho thấy phàm những gì tương ứng với Thật Tướng thảy đều là vô lượng nghĩa. Vì Thật Tướng vô lượng, [cho nên ý nghĩa sẽ là] vô lượng vô biên. [Đã là] vô lượng nghĩa thì làm sao có thể nói trọn hết cho được? Giảng một câu kinh văn suốt cả năm! Đó là nói rất ít. Nếu nói dài hơn một tí, sợ sẽ dọa quý vị chết khiếp, [thật ra là] một câu kinh văn giảng suốt vô lượng kiếp vẫn chẳng giảng xong. Đó là sự thật, chẳng giả, vô lượng nghĩa mà! “Chư sở thuyết pháp, tùy kỳ nghĩa thú, giai dữ Thật Tướng bất tương vi bội” (Các pháp được nói đều thuận theo nghĩa thú ấy, đều chẳng trái nghịch Thật Tướng). Kinh điển Đại Tiểu Thừa không gì chẳng phải là như vậy, đều sanh từ Thật Tướng. Chớ nên xem thường kinh Tiểu Thừa, kinh sách thế gian giống như kinh Tiểu Thừa, bất quá [kinh sách thế gian] nói rất nông cạn, rất thông tục, hoàn toàn thuận theo kiểu nói của thế gian, nhưng vẫn chẳng lìa Thật Tướng. Tùy thuận thế gian mà vẫn chẳng lìa Thật Tướng. Do đó, đều là vô lượng nghĩa.

          “Nhược thuyết tục gian kinh thư, trị thế ngữ ngôn” (Nếu nói kinh sách, lời lẽ trị thế trong cõi thế tục), kinh sách thế gian [như các tác phẩm của] Nho gia, Đạo gia, cho đến các tác phẩm của chư tử bách gia, nay nói là thư tịch của hết thảy tôn giáo, Cơ Đốc giáo, Thiên Chúa giáo, Y Tư Lan giáo (đạo Hồi), chỉ cần là chánh giáo, sẽ đều là “tục gian kinh thư”. “Trị thế ngữ ngôn” là các loại học thuyết chánh trị, người hiện thời gọi là “triết học chánh trị”. Như sách Trinh Quán Chánh Yếu[2] vào đời Đường là sách thuộc loại này, chính là một tác phẩm khuôn mẫu thuộc thể loại chánh trị, hoặc là sách thực lục của mỗi triều đại trong lịch sử, như Tư Trị Thông Giám[3], đều thuộc loại này. “Tư sanh nghiệp đẳng” là sách vở thuộc về phương diện kinh tế, bao gồm công nghiệp, thương nghiệp, nông nghiệp, y học, thủy lợi. “Tư sanh” (資生) có nghĩa là những sách vở ấy cần thiết cho cuộc sống vật chất và tinh thần của chúng ta. “Giai thuận chánh pháp” (Đều thuận theo chánh pháp). “Thuận chánh pháp” là chẳng trái nghịch Thật Tướng. Thật sự hiểu rõ, quý vị mới biết Phật pháp chẳng lìa khỏi thế gian. Phật pháp ở nơi đâu? Sinh hoạt, cư xử của chúng ta từ sáng đến tối chính là Phật pháp; tuyệt đối chẳng phải là tách rời cuộc sống, tách rời xã hội, tách rời nhân quần mà có riêng Phật pháp. [Nếu hiểu là tách rời] thì sai mất rồi, hoàn toàn chẳng tương ứng. Phật pháp ở ngay trong cuộc sống!

(Sao) Nhất xưng Nam-mô Phật, giai dĩ thành Phật đạo, hà huống kim danh Lý nhất tâm dã.

(Diễn) Dĩ loạn tâm xưng Phật thị vi tối dị, nhi giai thành Phật đạo.

()一稱南無佛,皆已成佛道,何況今名理一心也。

()以亂心稱佛是為最易,而皆成佛道。

(Sao: “Vừa xưng Nam-mô Phật, đều đã thành Phật đạo”, huống hồ nay gọi là Lý nhất tâm.

Diễn: Dùng loạn tâm để xưng danh hiệu Phật là dễ dàng nhất, đều thành tựu Phật đạo).          

          Cách này dễ dàng nhất, người nào cũng có thể niệm. Dùng cái tâm tạp nhiễm, tâm tán loạn để niệm một câu A Di Đà Phật, có ai chẳng thể niệm được? Niệm một câu Nam-mô Phật, sẽ đều thành Phật đạo. Nhưng chư vị phải hiểu: Câu “giai dĩ thành Phật đạo” (đều đã thành Phật đạo) là thật, chẳng lừa dối quý vị, hoàn toàn chẳng nói “hiện thời đã thành Phật đạo”, chẳng nói “thành Phật đạo ngay trong đời này”, chẳng nói theo kiểu ấy. Do vậy, quý vị chớ nên hiểu lầm. Trong kinh Pháp Hoa có một thí dụ nói rõ chuyện này, do đức Phật chính mắt thấy, trí huệ của Phật mới có thể liễu giải rốt ráo. Thuở đức Phật tại thế, có một người muốn xuất gia, các vị đại đệ tử của đức Phật đều đã chứng A La Hán. Thần thông của A La Hán có thể quán năm trăm đời. Mọi người thấy kẻ ấy trong năm trăm đời chẳng có một tí thiện căn nào, người này làm sao có thể xuất gia cho được? Mọi người thấy vậy đều lắc đầu. Thích Ca Mâu Ni Phật nói người ấy có thể xuất gia, cho người ấy quy y. Những vị A La Hán hỏi đức Phật: “Vì sao?” Đức Phật nói: Vô lượng kiếp trước, người ấy là một tiều phu, lên núi đẵn củi, gặp một con cọp toan ăn thịt ông ta. Ông ta trèo lên ngọn cây, hét lên một tiếng Nam-mô Phật. Do thiện căn xưng một tiếng Nam-mô Phật ấy, nay có tư cách xuất gia trong hội của ta. Đức Phật cho người ấy xuống tóc; về sau, người ấy chứng quả A La Hán. “Nhất xưng Nam-mô Phật, giai dĩ thành Phật đạo” (Vừa xưng Nam-mô Phật, đều đã thành Phật đạo). Do một tiếng Nam-mô Phật đến vô lượng kiếp sau mới gặp Thích Ca Mâu Ni Phật, mới thành tựu, chẳng phải là ngay trong hiện tại. Do vậy, một tiếng Phật hiệu là chủng tử Kim Cang vĩnh viễn bất hoại trong A Lại Da Thức, tùy thuộc khi nào người ấy gặp duyên, chủng tử ấy sẽ dấy lên hiện hành, khởi tác dụng. Cậy vào chủng tử ấy, người đó có thể tu hành, có thể chứng quả. Đối với kẻ bình phàm, thậm chí người tạo tội nghiệp rất nặng, cho đến súc sanh, đức Phật dạy chúng ta phải lễ kính, chớ nên khinh thường. Vì sao? Có thể là người ấy sẽ thành Phật trước ta. Nếu ta chẳng tu đàng hoàng, chẳng thành Phật trong một đời này, hễ đọa lạc [rồi mới] lại quay đầu, chẳng biết đã trải qua bao nhiêu A-tăng-kỳ kiếp, không chừng người ấy đã sớm thành Phật, há có nên khi dễ ư?

          (Diễn) Tín hồ đạo vô nan dị, điên bái, tạo thứ, vô phi diệu pháp, vô phi Đệ Nhất Nghĩa dã.

()信乎道無難易,顛沛造次,無非妙法,無非第一義也。

(Diễn: Tin tưởng đạo chẳng có khó hay dễ, vất vả, gian nan, không gì chẳng phải là diệu pháp, không gì chẳng phải là Đệ Nhất Nghĩa).

          Thật sự hiểu biết chân tướng sự thật, sẽ biết chúng ta phải nên xử thế, làm người như thế nào. Chúng ta quyết định chẳng hiếp đáp người khác. Kẻ khác hiếp đáp ta, ta tuyệt đối chớ nên ôm lòng báo thù. Nếu quý vị ôm lòng báo thù, oan oan tương báo, sẽ rất thê thảm, chẳng thể nào xong! Người khác hiếp đáp ta, ta chịu thua thiệt, chịu bị mắc lừa, bằng lòng tiếp nhận. Cảnh giới thuận hay nghịch đều tiếp nhận, đó gọi là tu hành. Nói thật ra, vì sao kẻ ấy chẳng hiếp đáp người khác, mà lại hiếp đáp ta? Chuyện trong thế gian đều có nhân quả. Kẻ ấy hiếp đáp ta, có lẽ là trong đời quá khứ ta đã hiếp đáp kẻ ấy, nay gặp duyên, hắn hiếp đáp ta, mối nợ ấy đã trang trải xong. Về sau, chẳng còn thiếu nợ nữa, đó là chuyện tốt, chẳng phải là chuyện xấu! Giữa người và người với nhau, giữa người và hết thảy chúng sanh, nói xuyên suốt sẽ là bốn thứ duyên, [tức là] báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ, quan hệ là như vậy đó.

          Chiều hôm nay, có một vị cư sĩ đến gặp tôi, hỏi tôi một chuyện. Ông ta nói có người thường đến chỗ ông ta hóa duyên, lại còn là định kỳ, mỗi tháng [ông ta] đều bố thí. Về sau, [ông ta] phát hiện kẻ ấy chẳng dùng [tiền quyên tặng] để làm việc thiện, mà là gạt tiền. Ông ta hỏi tôi: “Tôi có bị tội hay không?” Tôi bảo ông ta: “Kẻ lường gạt có tội, ông bị hắn lừa, ông có lỗi, chứ chẳng có tội”. Tội và lỗi khác nhau, lỗi là gì? Quý vị ngu si! Nếu quý vị chẳng ngu si, lẽ nào bị người khác lừa gạt cho được? Hiện thời, kẻ mượn danh nghĩa Phật, Bồ Tát để lường gạt người khác rất đông; quý vị bị kẻ khác lừa, chứng tỏ quý vị rất ngu si, chẳng thể phân biệt thị, phi, tà, chánh, đó chính là lầm lỗi của quý vị. Lỗi ở chỗ nào? Kẻ ác ấy nếu chẳng có ai giúp đỡ hắn, hắn chẳng tạo ác to lớn, mà là tạo ác hữu hạn. Quý vị bỏ tiền, bỏ công sức giúp đỡ hắn, hắn có thể làm chuyện ác rất lớn. Hắn là thủ phạm đầu sỏ, quý vị là tùng phạm. Tội lỗi của quý vị nhẹ hơn một chút. Đã giác ngộ thì từ nay về sau đừng nên qua lại với hắn nữa, cũng đừng bị hắn lừa nữa. Đó là đúng.

          Tôi bảo ông ta hãy thật thà niệm Phật. Gần đây, ông ta ở nhà nghe băng thâu âm bài giảng kinh Vô Lượng Thọ. Tôi bảo ông ta hãy chăm chỉ niệm Phật, niệm Phật có thể diệt tội, có thể tiêu tai, có thể chuyển nghiệp báo của chúng ta. Quý vị phải thật sự niệm, phải biết niệm! Phải hiểu rõ ý nghĩa trong kinh, phải y giáo phụng hành. Như thế thì mới có thể chuyển thân nghiệp báo thành thân nguyện lực. Nguyện lực là thừa nguyện tái lai, khác hẳn. Ông ta nói: “Nếu pháp sư thường ở ngoại quốc, chúng con sẽ là ‘một ngày nóng, mười ngày lạnh’, chỉ sợ phiền não nghiệp chướng sẽ lại hiện tiền”. Tôi nói: “Ông nghĩ kiểu đó là sai rồi! Hiện thời, khoa học kỹ thuật phát triển, chúng sanh có phước. Ông hãy nghe đi nghe lại băng thâu âm chẳng ngừng. Mỗi ngày tối thiểu nghe hai cuốn băng (tức là nghe giảng ba tiếng đồng hồ), chớ nên gián đoạn ngày nào! Hễ gián đoạn, phiền não của ông sẽ sanh khởi. Nghe kinh nhằm nhắc nhở bản thân ông giác chứ không mê, chánh chứ không tà, tịnh chứ chẳng nhiễm. Chỉ cần ông thật sự chịu nghe, sẽ chẳng khác gì tôi đang ở tại Đài Loan!” Chư vị ngẫm xem, các vị đều thích nghe kinh. Nay tôi  giảng cho mọi người một bộ kinh Hoa Nghiêm, quý vị có thể đến nghe hay không? Mỗi ngày tôi giảng bốn tiếng, tiếp tục giảng không ngừng trong suốt hai năm, chẳng ngưng ngày nào, quý vị có thể đến nghe hay không? Các vị chẳng đến, sẽ chẳng thể giảng kinh ấy, tức là chẳng thể viên mãn. Nay ở nước Mỹ, chúng tôi có một đạo tràng như thế, tâm chúng ta đã định, sống cuộc đời kham khổ đôi chút, chỉ cần có thể duy trì cuộc sống, tôi nghĩ mỗi ngày sẽ giảng bốn tiếng đồng hồ. Tuy học trò chỉ có mấy người, dăm ba người là đủ rồi, tôi sẽ giảng cho họ nghe, lưu lại một bộ băng thâu âm. Mỗi ngày giảng bốn giờ, thâu âm lại. Ba bốn người nghe tôi giảng kinh ấy cũng chẳng phải là nghe suông vô ích. Tôi bảo họ viết Giảng Ký, giảng xong một bộ kinh, bèn xuất bản sách. Quý vị ngẫm xem, đấy mới là thật sự hữu ích đối với đại chúng. Băng thâu âm có thể đưa về Đài Loan lưu thông, sách đương nhiên phải in ở Đài Loan, chúng ta làm chuyện này. Kinh Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Lăng Nghiêm, Bát Nhã có mối quan hệ vô cùng mật thiết với Tịnh Tông, quý vị chẳng thể nghiên cứu triệt để những bộ đại kinh đại luận ấy một phen, sẽ chẳng hiểu rõ công đức của danh hiệu cho lắm. Nghiên cứu thấu triệt những bộ đại kinh, đại luận ấy, quý vị mới có thể giảng kinh Vô Lượng Thọ và Di Đà Kinh Sớ Sao một cách tốt đẹp, mới có thể thật sự nói ra ý vị trong ấy. Hôm nay, chúng tôi giảng tới chỗ này.

[1] Sáu vị xuất gia thiện tri thức là tỳ-kheo Đức Vân (Cát Tường Vân), tỳ-kheo Hải Vân, tỳ-kheo Thiện Trụ, tỳ-kheo Hải Tràng, tỳ-kheo Thiện Kiến, và tỳ-kheo-ni Sư Tử Tần Thân.

[2] Trinh Quán Chánh Yếu (貞觀政要) là tác phẩm được biên soạn bởi Ngô Căng Sở (吳兢所) vào đời Đường Huyền Tông. Sách ghi lại những luận định về chánh trị (chủ yếu là các phương thức, sách lược, kế hoạch, biện pháp v.v… để chánh quyền hoạt động hữu hiệu) giữa Đường Thái Tông và các đại thần cố vấn trọng yếu như Ngụy Trưng, Vương Khuê, Phòng Huyền Linh, Đỗ Như Hối, Ngu Thế Nam, Chử Toại Lương, Ôn Ngạn Bác, Lưu Tự, Mã Châu, Đới Trụ, Khổng Dĩnh Đạt, Sầm Văn Bổn, Diêu Tư Liêm v.v…

[3] Tư Trị Thông Giám (資治通鑑) là một bộ sử viết theo thể loại biên niên do sử gia Tư Mã Quang biên soạn suốt mười chín năm, gồm 294 quyển, chép lịch sử Trung Hoa từ năm thứ hai mươi ba đời Châu Oai Liệt Vương (403 trước Công Nguyên) cho đến năm Hiển Đức thứ sáu (959) đời vua Thế Tông nhà Hậu Châu, bao gồm các sự kiện lịch sử trải qua mười sáu triều đại từ thời Chiến Quốc cho đến thời Ngũ Đại. Thực Lục (實錄) là những sách ghi chép các sự kiện lịch sử trong một giai đoạn nào đó.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *