#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 218
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm ba mươi hai.
(Sao) Bảo Tích thập tâm giả. Nhất, ư chúng sanh khởi đại từ, vô tổn hại tâm. Nhị, ư chúng sanh khởi đại bi, vô bức não tâm. Tam, ư Phật pháp bất tích thân mạng, nhạo thủ hộ tâm.
(鈔)寶積十心者。一、於眾生起大慈,無損害心。二、於眾生起大悲,無逼惱心。三、於佛法不惜身命,樂守護心。
(Sao: “Mười tâm theo kinh Bảo Tích”: Một là dấy lòng đại từ đối với chúng sanh, chẳng có tâm tổn hại. Hai là dấy lòng đại bi đối với chúng sanh, chẳng có tâm bức não. Ba là đối với Phật pháp, chẳng tiếc thân mạng, tâm thích bảo vệ, gìn giữ).
Từ đoạn này trở đi của sách Sớ Sao Diễn Nghĩa, [chúng ta] tiến nhập một bộ phận trọng yếu nhất trong toàn bộ bản kinh, chúng ta tu hành gần như dựa theo một đoạn lớn này. Phần sau của đoạn lớn này sẽ giảng về nhất tâm bất loạn. Đoạn chú giải này của Liên Trì đại sư chiếm hết một phần bảy toàn bộ Sớ Sao, nên nó là một bộ phận hết sức trọng yếu. “Bảo Tích thập tâm” [là mười loại tâm] được nói trong kinh Đại Bảo Tích.
(Diễn) Khởi đại từ vô tổn hại tâm giả, vị ư pháp giới chúng sanh, dữ tự tánh chúng sanh, hàm dục dữ Vô Thượng Bồ Đề Giác pháp lạc, Vô Thượng Niết Bàn tịch tĩnh lạc, thị vô tổn hại tâm.
(演)起大慈無損害心者,謂於法界眾生,與自性眾生,咸欲與無上菩提覺法樂,無上涅槃寂靜樂,是無損害心。
(Diễn: “Dấy lòng đại từ, chẳng có tâm tổn hại” nghĩa là đối với chúng sanh trong pháp giới và tự tánh chúng sanh, đều muốn cho họ được hưởng pháp lạc giác ngộ nơi Vô Thượng Bồ Đề, niềm vui tịch tĩnh nơi Vô Thượng Niết Bàn. Đấy là chẳng có tâm tổn hại).
Xem từ lời chú giải, [sẽ thấy] tiêu chuẩn “đại từ vô tổn hại” là tiêu chuẩn tuyệt đối, chẳng phải là tiêu chuẩn thông thường. “Pháp giới chúng sanh” là nói tới người khác, “tự tánh chúng sanh” là nói tới chính mình. Nói cách khác, đối với chính mình và đối với người khác đều phải có Từ tâm, đều chớ nên tổn hại. Có lẽ chúng ta nghe nói như vậy bèn cảm thấy lạ lùng, người ta còn có thể tự hại chính mình ư? Há có kẻ nào ngu si dường ấy? Nói thật ra, kẻ tự hại chính mình quá đông, không chừng chính quý vị là một kẻ trong số đó. Do vậy, sau đó, Ngài đề ra một tiêu chuẩn tuyệt đối: Nếu chính quý vị là mê, chẳng giác, há chẳng phải là hại chính mình ư? Bản thân quý vị vẫn còn là phàm phu sanh tử trong lục đạo, tức là chính quý vị hại mình. Đại Niết Bàn bất sanh, bất diệt, [thế mà] chúng ta vẫn luân hồi trong lục đạo, tức là tự hại chính mình. Từ vô thỉ kiếp tới nay, đời đời kiếp kiếp chính mình tạo nghiệp chịu báo, há chẳng phải là tự hại chính mình ư? Ai chẳng hại chính mình? Thưa cùng quý vị, từ A La Hán trở lên, đã thật sự giác ngộ, sẽ chẳng hại chính mình. Lục đạo phàm phu và Quyền Giáo Bồ Tát quá nửa là hại người, hại mình, ai biết chân tướng sự thật này?
Nay chúng ta muốn đạt tới mục tiêu như vậy, hãy dùng Từ tâm giúp đỡ hết thảy chúng sanh, phải làm cho chúng sanh đắc Vô Thượng Bồ Đề, phải khiến cho chúng sanh vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, bất thoái thành Phật, chúng ta có thể làm được hay không? Nói thật thà, đối với chuyện này, Đẳng Giác Bồ Tát còn cảm thấy khó khăn, [vậy thì] chúng ta có thể làm được hay không? Thật ra, xác thực là chúng ta có thể làm được. Dùng phương pháp gì để thực hiện? Niệm một câu Di Đà đến cùng, chính mình có thể thật thà niệm Phật. Giáo huấn ở trong kinh điển. Vì vậy, tôi đặc biệt nhắc nhở các đồng tu, bắt đầu chỗ này, liên tiếp cho đến phần sau, nói chung là cả một đoạn kinh văn khá dài này, từng câu, từng chữ đều đáng cho chúng ta học tập. Tiêu chuẩn để bản thân chúng ta tu hành là: Dùng phương pháp Niệm Phật để cứu chính mình, dùng phương pháp Niệm Phật để cứu độ hết thảy chúng sanh. Vì lẽ đó, mười phương hết thảy chư Phật, chẳng có vị nào không tán thán, không tuyên dương pháp môn này. Đạo lý ở ngay chỗ này. Đấy mới là thật sự đại từ, thật sự chẳng tổn hại. Người thật thà niệm Phật thì mới có thể thành tựu. Nếu vừa niệm Phật, vừa dấy vọng tưởng; nói cách khác, vẫn chẳng tránh khỏi “tự hại, hại người!” Có rất nhiều đồng học than thở: “Niệm Phật công phu chẳng đắc lực”. [Đó là] chẳng khéo niệm Phật! Vì sao chẳng khéo niệm Phật? Có nguyên nhân cả đấy!
Điều thứ hai là “ư chúng sanh khởi đại bi” (dấy lòng đại bi đối với chúng sanh), Từ là ban vui, Bi là dẹp khổ.
(Diễn) Khởi đại bi vô bức não tâm giả, vị ư hữu tình thế gian cập Ngũ Ấm thế gian.
(演)起大悲無逼惱心者,謂於有情世間及五陰世間。
(Diễn: “Dấy lòng đại bi, chẳng có tâm bức não” nghĩa là đối với hữu tình thế gian và Ngũ Ấm thế gian…).
“Hữu tình thế gian” là nói tới người khác. “Ngũ Ấm thế gian” là nói về chính mình, nói theo phía chính mình. “Ngũ Ấm thế gian” là tự tánh chúng sanh, “hữu tình thế gian” là pháp giới chúng sanh.
(Diễn) Giai dục bạt cảnh giới bức bách chi khổ, phiền não triền phược chi khổ, thị vô bức não tâm.
(演)皆欲拔境界逼迫之苦、煩惱纏縛之苦,是無逼惱心。
(Diễn: Đều muốn dẹp trừ nỗi khổ bị cảnh giới bức bách, nỗi khổ phiền não trói buộc. Đó là tâm chẳng bức não).
Câu này là nguyện thứ hai, tức là “phiền não vô tận thệ nguyện đoạn” trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện. Chúng ta biết chính mình có phiền não, có nghiệp chướng, có tập khí, vì sao chẳng chịu dẹp trừ? Chẳng chịu dẹp trừ chính là thiếu bi tâm. Phật pháp, chúng ta nói quy nạp lại, sẽ chẳng ngoài “thanh tịnh, bình đẳng, từ bi”, ba câu ấy bao gồm trọn hết toàn thể Phật pháp. Chúng ta chẳng từ bi, không chỉ là thiếu từ bi đối với pháp giới chúng sanh, mà đối với chính mình cũng chẳng có từ bi. Nếu mọi người hỏi phải đối xử với chính mình như thế nào thì mới là từ bi? Vẫn là một câu cũ mèm: “Thật thà niệm Phật”. Quý vị có thể thật thà niệm Phật thì là từ bi đối với chính mình, từ bi đối với hết thảy chúng sanh trong pháp giới, công đức niệm Phật chẳng thể nghĩ bàn! Niệm Phật nhất định phải niệm đến mức “thanh tịnh, bình đẳng, giác”. Mục đích của niệm Phật là ở chỗ nào? Niệm đến mức cái tâm của chính mình thanh tịnh, bình đẳng, tự nhiên sẽ là “giác chứ không mê”. Nếu nói theo Tam Vô Lậu Học thì thanh tịnh là Giới, bình đẳng là Định, giác là Huệ. Tam Vô Lậu Học Giới, Định, Huệ, câu Phật hiệu là phương tiện, niệm nào cũng đều tương ứng với Tam Học. Niệm Phật như vậy, công phu mới có thể đắc lực. Niệm Phật như vậy, từng tiếng Phật hiệu trọn đủ “thanh tịnh, bình đẳng, giác”, tự nhiên là đại từ đại bi.
Người chẳng chịu tự độ, còn có thể độ kẻ khác ư? Chẳng từ bi đối với chính mình, làm sao có thể từ bi đối với người khác cho được? Chẳng có lẽ ấy! Nay nói [kẻ chẳng chịu tự độ] là “hại người” thì chẳng có gì đáng để ngạc nhiên hết cả. Vì sao? Kẻ ấy đã hại chính mình, làm sao không thể hại người khác? Đồng tu học Phật nhất định phải hiểu minh bạch, rõ ràng chân tướng sự thật của bản thân và hoàn cảnh. Học Phật là đối trị, sửa đổi cách nghĩ, cách nhìn và cách làm sai lầm, đó gọi là tu hành. Trước kia, chẳng từ bi đối với chính mình, từ nay khởi tâm từ bi đối với chính mình. Trong quá khứ đã thiếu từ bi đối với người khác, từ nay trở đi, phải từ bi đối với kẻ khác. Nghiêm túc niệm Phật, nhất tâm nhất ý niệm Phật, thật thà niệm Phật, thảy đều làm được.
Nói thật ra, trong đoạn này, đại sư đã nêu lên khá nhiều kinh luận. Ở đây là nói đến các thứ pháp môn thuộc về hạnh nguyện Bồ Tát, một câu A Di Đà Phật đã bao gồm toàn bộ. Quả thật là chẳng thể nghĩ bàn. Quý vị mới biết công đức thù thắng của danh hiệu này. Điều thứ ba:
(Diễn) Bất tích thân mạng, nhạo thủ hộ giả.
(演)不惜身命樂守護者。
(Diễn: Chẳng tiếc thân mạng, thích bảo vệ, gìn giữ).
Chúng ta nói tới chuyện hộ pháp, nói thật ra, trước hết phải hộ trì pháp chính mình, sau đó mới có thể hộ trì pháp của chư Phật, mới có thể hộ trì pháp của chúng sanh trong pháp giới. Trong ấy có sự luận định dựa theo Lý hay theo Sự.
(Diễn) Ước Lý tắc bị Tu Đức nhi viên Tánh Đức.
(演)約理則備修德而圓性德。
(Diễn: Xét theo Lý thì trọn đủ Tu Đức để viên mãn Tánh Đức).
Đây là nói theo Lý, “Bị” (備) là đầy đủ. Lục Tổ đại sư nói: “Nào ngờ tự tánh vốn trọn đủ”. “Vốn trọn đủ” là Tánh Đức; chẳng có Tu Đức thì Tánh Đức chẳng thể hiện tiền.
Ví như trong tựa đề của Đại Kinh, Vô Lượng Thọ là Tánh Đức, là điều chúng ta mong cầu, chúng ta hy vọng đạt được. Tánh Đức là vô lượng vô biên. Trong vô lượng vô biên Tánh Đức, Vô Lượng Thọ là chủ yếu, [bởi lẽ], chẳng có thọ mạng, những thứ khác đều như không! Vì thế, thọ mạng là phẩm đức bậc nhất. Ngoại giáo nói vô lượng thọ là “sống đời đời”. “Sống đời đời” của họ là giả, [sống đời đời của] chúng ta là thật.
Trang Nghiêm: Trang Nghiêm là Tánh Đức khởi tác dụng. Nay chúng ta nói Trang Nghiêm là tốt đẹp đến tột bậc, chẳng tìm được mảy may khiếm khuyết nào. Trong mười phương cõi Phật, chẳng có các thứ trang nghiêm như trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Cõi nước của bất cứ vị Phật nào cũng đều còn có những chỗ khuyết hãm, chỉ riêng Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng bị khuyết hãm; [đó là] Trang Nghiêm.
“Thanh tịnh, bình đẳng, giác” thuộc về Tu Đức, chúng ta tu gì? Tu tâm thanh tịnh, tu tâm bình đẳng, đó là Tu Đức. Hằng ngày niệm một câu Phật hiệu, tuyệt đối chẳng phải là niệm cho A Di Đà Phật nghe! Ngàn muôn phần đừng nghĩ “ta nay niệm ba vạn câu hoặc năm vạn câu, nhất định A Di Đà Phật sẽ rất hoan hỷ”, [nghĩ như vậy là] sai bét mất rồi! Vừa niệm Phật, vừa nghĩ “Phật ưa thích ta, Phật chẳng ưa kẻ nọ!” Vừa niệm Phật vừa dấy vọng tưởng, làm sao có thể thành tựu cho được? Do đó, câu Phật hiệu phải khôi phục tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng của chính mình. Phật hiệu chỉ là phương tiện mà thôi, phải nghiêm túc niệm. Nói “nghiêm túc” tức là quyết định chẳng hoài nghi, chẳng gián đoạn, chẳng xen tạp. Niệm Phật hay niệm kinh đều phải căn cứ trên nguyên tắc này, đó mới là “đầy đủ Tu Đức để viên mãn Tánh Đức”. Tánh Đức là giác, nhà Thiền gọi giác là “đại triệt đại ngộ”. Tâm địa thanh tịnh, bình đẳng, sẽ triệt ngộ. Đã đại triệt đại ngộ, vô lượng trí huệ và vô lượng đức năng thảy đều hiện tiền. Đó là nói theo Lý.
Xét theo Sự thì thực hiện từ chỗ nào? Nay ta đã biết phải tu thanh tịnh, bình đẳng, giác, nhưng thực hiện từ chỗ nào?
(Diễn) Ước Sự tắc cầu bán kệ nhi xả toàn thân.
(演)約事則求半偈而捨全身。
(Diễn: Xét theo Sự thì do cầu nửa bài kệ mà bỏ toàn thân).
Ở đây, đại sư nêu tỷ dụ để nói với chúng ta, giống như tinh thần của những vị Bồ Tát đã xả thân vì pháp trong quá khứ, hy sinh thân mạng chẳng tiếc nuối. Phật pháp là trọng yếu, Pháp Thân huệ mạng chắc chắn là quan trọng hơn thân mạng; người hiện thời biết sự thật này chẳng nhiều! Mất đi Pháp Thân huệ mạng, không chỉ là chính mình khổ sở, mà chúng sanh cũng khổ. Vì sao chúng sanh khổ? Chúng sanh nhất định là càng mê càng sâu hơn, do mê hoặc bèn tạo nghiệp, do tạo nghiệp bèn hứng chịu quả báo. Càng mê sâu hơn, tạo nghiệp càng nặng, quả báo ngày càng tàn khốc! Pháp Thân huệ mạng trọng yếu dường ấy!
Nói theo sự tướng, Pháp Thân huệ mạng của đức Thế Tôn chính là Tam Tạng kinh điển. Ở Trung Hoa vào thời cổ, các vị cao tăng sang Ấn Độ chẳng tiếc thân mạng để thỉnh kinh, cầu pháp. Thuở ấy, giao thông chẳng thuận tiện. Từ Trung Hoa sang Ấn Độ đi đường bộ phải mất ba năm, trên đường đi phải vượt qua sa mạc Đại Qua Bích (Gobi)[1]. Đối với sách vở thế gian thì Tứ Khố Toàn Thư là Pháp Thân huệ mạng, phải nghiêm túc cầu pháp. Tứ Khố Toàn Thư có phân lượng bằng mười lăm bộ Đại Tạng Kinh. Chúng ta phát tâm nối tiếp huệ mạng của Phật, hoằng pháp lợi sanh thì phải đọc những sách ấy. Mênh mông như khói trên biển cả, thực hiện từ chỗ nào? Có phương pháp, phương pháp ở chỗ nào? Chính là thanh tịnh, bình đẳng, giác. Học Phật thì học khởi đầu từ đâu? Học khởi đầu từ cái tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng. Tâm địa thật sự thanh tịnh, bình đẳng, chỉ cần đọc lướt những sách ấy liền thông đạt ngay lập tức. Một quyển kinh thư, xem mấy dòng đầu, mấy dòng sau chẳng cần phải xem nữa, đều biết, còn có bản lãnh này. Quý vị đọc Lục Tổ Đàn Kinh, [sẽ thấy] Lục Tổ chưa hề đọc kinh Pháp Hoa. Thiền sư Pháp Đạt thỉnh giáo Tổ, Ngài nói: “Ông hãy niệm kinh cho ta nghe”. Pháp Đạt là người đã niệm ba ngàn bộ kinh Pháp Hoa. Kinh Pháp Hoa gồm hai mươi tám phẩm, Sư chỉ đọc đến phẩm thứ hai là phẩm Phương Tiện, Lục Tổ đã nói: “Được rồi! Chẳng cần niệm nữa, ta biết cả rồi”. Lục Tổ có năng lực ấy. Khi chư vị thật sự đạt đến thanh tịnh, bình đẳng, trí huệ mở mang, quý vị mỗi ngày xem một quyển trong Đại Tạng Kinh chắc chắn là chẳng có vấn đề gì. Thông đạt toàn bộ! Toàn bộ Đại Tạng Kinh sẽ xem xong trong vòng một trăm ngày, tốt nghiệp! Đâu phải tốn phí tinh thần to tát như vậy! Một bộ Tứ Khố Toàn Thư, tuy gồm một ngàn năm trăm tập, mỗi ngày xem năm sáu tập, chưa đầy một năm đã xem xong xuôi!
Nay chúng ta mê mà bất giác, cho nên gặp khó khăn. Đức Phật nói hết thảy các kinh, chắc chắn là chúng sanh trong cõi Nam Diêm Phù Đề có năng lực thọ trì. Chẳng có năng lực thọ trì, chắc chắn là đức Phật sẽ chẳng nói. Đức Phật thuyết pháp thí giáo ứng theo căn cơ. Nói cách khác, chúng ta nhất định phải khôi phục căn tánh của chính mình, phải tuân theo nguyên tắc tu học do đức Phật đã chỉ dạy. Nguyên tắc ấy chính là Tứ Hoằng Thệ Nguyện. Điều thứ nhất là phải phát tâm, ở đây là “Bảo Tích thập tâm”, [cũng như] “Hoa Nghiêm thập nguyện” trong phần sau đều dạy chúng ta phát tâm. Sau khi đã phát tâm, sẽ thực hiện từ chỗ nào? “Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”, trước là đoạn phiền não. Đoạn hết phiền não rồi mới học pháp môn. Thật sự học pháp môn là khi nào? Bắt đầu từ địa vị Sơ Trụ của Viên Giáo. Trong kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài đồng tử đã nêu gương cho chúng ta. Ngài ở chỗ Văn Thù Bồ Tát, Văn Thù là thầy Ngài. Trong hội Văn Thù, Ngài tu “phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”. Đoạn hết phiền não, khai trí huệ rồi mới đi tham học. Tham học, tức năm mươi ba lần tham học, chính là “pháp môn vô lượng thệ nguyện học”. Chính mình đã đích thân chứng đắc Sơ Trụ trong Viên Giáo. Nói cách khác, Kiến Tư phiền não đã đoạn hết, tâm thanh tịnh. Đoạn hết Trần Sa phiền não, tâm bình đẳng, phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân, đã giác rồi thì mới có tư cách “pháp môn vô lượng thệ nguyện học”. Quý vị chẳng thực hiện hoàn tất công phu phía trước, bắt đầu bằng học ngay vào pháp môn, chẳng có lẽ ấy! Thanh Lương đại sư nói: “Có giải, thiếu hành, tăng trưởng tà kiến”. Những thứ quý vị đã học chính là tà tri tà kiến, chẳng phải là trí huệ, lấy đâu ra Phật pháp! Coi tà tri tà kiến như Phật pháp, quý vị nói xem có hỏng bét hay là không? Đó là chính mình hại chính mình, lại còn hại chúng sanh, hằng ngày đều tạo nghiệp, cứ ngỡ chính mình có vô lượng công đức, chẳng phải là điên đảo hay sao? Do vậy, các đồng học chớ nên không biết, chớ nên không dụng công, dụng công gì vậy? Đoạn phiền não, sửa trừ tập khí, phải đổ công dốc sức ở chỗ này, thật thà niệm Phật. Đó là nói về chuyện “xả thân cầu pháp”. Tiếp theo đây lại nói theo phương diện tự lợi lợi tha.
(Diễn) Tự lợi tắc như Thiện Tài bất tỵ hỏa khanh.
(演)自利則如善財不避火坑。
(Diễn: Tự lợi thì như Thiện Tài chẳng tránh né hầm lửa).
Thiện Tài đồng tử tham phỏng bà-la-môn Thắng Nhiệt. Bà-la-môn Thắng Nhiệt bảo Ngài nhảy vào hầm lửa, [giống như vào] hầm lửa, [lên] núi đao. [Thắng Nhiệt] bảo Thiện Tài: “Ngươi muốn hướng về ta cầu pháp ư? Hãy nhảy vào hầm lửa!” Thiện Tài suy nghĩ rồi vẫn nhảy, vì cầu pháp mà! Nào ngờ, sau khi đã nhảy xuống đó, toàn thân mát mẻ, tự tại. Thấy là một vùng biển lửa, nhảy xuống đó bèn mát mẻ, tự tại. Ngài thật sự đạt được pháp ích (lợi ích nơi pháp). Nếu chúng ta nhảy xuống hầm lửa đó, chắc chắn sẽ bị thiêu chết. Vì sao Ngài nhảy vào hầm lửa mà mát mẻ? Trong tâm Ngài chẳng có ý niệm sân hận, ganh tỵ, nên lửa chẳng thể đốt được! Đối với chuyện này, chư vị niệm phẩm Phổ Môn cho nhiều sẽ biết: Vì sao lửa bên ngoài có thể đốt chúng ta? Chúng ta có những thứ lửa từ tâm sân khuể, tâm ganh tỵ, lửa bên ngoài dẫn khởi lửa bên trong bùng cháy. Chuyện này phiền toái to lớn. Bên ngoài có, nhưng bên trong chẳng có, sẽ chẳng thiêu được, chắc chắn là an toàn. Đây là nêu một thí dụ về chuyện bỏ thân cầu pháp.
(Diễn) Lợi tha tắc như Bất Khinh cam thọ đả trịch.
(演)利他則如不輕甘受打擲。
(Diễn: Lợi tha thì như ngài Thường Bất Khinh cam chịu bị đánh đập).
Bất Khinh chính là Thường Bất Khinh Bồ Tát. Khi Bồ Tát hành Bồ Tát đạo, tu Phổ Hiền hạnh, tâm lượng Phổ Hiền hạnh rộng lớn khôn sánh, đối với bất cứ chúng sanh nào trong pháp giới đều giữ tấm lòng cung kính, quyết định chẳng ngạo mạn. Thường Bất Khinh Bồ Tát đối với bất cứ ai cũng đều đảnh lễ, đều khen ngợi, đoạn sạch sành sanh thói kiêu căng ngã mạn từ vô thỉ kiếp tới nay. Thường Bất Khinh Bồ Tát thường bị đánh đập, Ngài có tâm oán hận hay không? Mảy may tâm oán hận cũng chẳng có. Người hiện thời chẳng chịu nổi, hễ có đôi chút thái độ nào không đúng cho lắm bèn ngã lòng, người như vậy làm sao có thể thành công cho được? Chẳng thể nhẫn! Trong nguyên tắc tu hành của Bồ Tát có Nhẫn Nhục Ba La Mật. Kinh Kim Cang dạy: “Nhất thiết pháp đắc thành ư Nhẫn” (Hết thảy các pháp do Nhẫn mà thành tựu). Quý vị chẳng thể nhẫn, há còn có thành tựu chi nữa? Chúng ta đọc Thiền Lâm Bảo Huấn, xem gương của cổ nhân, [hễ thấy] trong một đạo tràng nào thật sự có pháp, bèn cam tâm chịu đựng hết thảy nhục mạ, khinh thường, ta cũng nhất quyết chẳng bỏ đi, ta đến đây để học pháp! Có như vậy thì mới có thể thành tựu.
Trong Thiền Lâm Bảo Huấn có chuyện một vị lão hòa thượng nhìn trúng một người học trò. Người học trò ấy là pháp khí, nhưng phải rèn luyện người ấy, xem thử người ấy rốt cuộc có đúng [là pháp khí] hay không? Đối trước công chúng, Sư chưa hề lộ vẻ mặt tử tế với người ấy, luôn kiếm chuyện gây khó dễ, muốn tống cổ người ấy đi. Đại chúng và đồng học thấy sư phụ chẳng có ấn tượng tốt đối với người ấy, nên họ cũng lăng nhục, khinh nhờn người ấy gấp bội. Người ấy đều chịu đựng được. Có lần, lão hòa thượng đem nước rửa chân hắt lên thân người ấy, tạt lên đầu, người ấy vẫn có thể chịu đựng, vẫn chẳng bỏ đi. Chẳng bỏ đi thì lão hòa thượng chẳng khách sáo nữa, dời đơn[2], đuổi người ấy đi. Đơn đã bị dời thì chẳng thể không đi, đi đến nơi đâu? Bỏ ra ngoài cửa. Lão hòa thượng giảng kinh, thuyết pháp, người ấy núp ngoài cửa sổ nghe, vẫn chẳng đi. Lão hòa thượng có biết hay không? Biết chứ! Biết người ấy có thành tựu. Có một ngày, lão hòa thượng muốn truyền pháp, mọi người đều chẳng biết lão hòa thượng sẽ truyền cho ai. Lão hòa thượng nói: “Kẻ ở ngoài cửa còn chưa đi, hãy tìm nó đến đây!” Nguyên lai là truyền cho người ấy! Mới biết lão hòa thượng dụng tâm, thành tựu Nhẫn Nhục Ba La Mật cho người ấy. Sau khi đã có Nhẫn thì mới có Định, có Định rồi mới có Huệ, đấy mới là pháp khí thật sự, là vật báu của đất nước. Gây đôi chút khó chịu, bèn bỏ đi, [người như vậy] chẳng thể thành tài, giữ kẻ ấy lại sẽ vô dụng! Đúng như vậy đó, người như vậy thêm hay bớt một kẻ cũng chẳng sao cả!
Tông Thiên Thai nói: “Nói được, chẳng làm được, chính là bậc quốc sư”. Có thể làm bậc thầy của đất nước, chỉ dạy mọi người. Những gì người ấy nói chính là Chánh Pháp, kiến giải chẳng sai, người ấy chẳng làm được [những gì đã nói] lại là chuyện khác nữa. Người ấy nói chẳng sai, Phật môn nói là “phá giới, chẳng phá kiến” bèn là quốc sư. “Nói được, lại làm được, vật báu của đất nước. Làm được, chẳng nói được, hiền nhân của đất nước”. Nhất định là phải tu Nhẫn Nhục Ba La Mật! Pháp thế gian chẳng thể nhẫn thì còn chưa thể thành tựu, huống hồ Phật pháp? Phật pháp là vô thượng đại pháp trong thế gian và xuất thế gian, chẳng nhẫn thì làm sao thành tựu cho được?
[Tổ Liên Trì] nêu ra ba điều, pháp sư Cổ Đức đã chú giải cho chúng ta. Những điều khác, đại sư chẳng trích dẫn, chúng tôi cũng muốn nói. Thứ tư là…
Tứ, ư nhất thiết pháp, phát sanh thắng nhẫn, vô chấp trước tâm.
四、於一切法發生勝忍無執著心。
(Bốn là trong hết thảy các pháp, phát sanh nhẫn thù thắng, chẳng có tâm chấp trước).
Đối với hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian, phải phát khởi lòng kiên nhẫn thù thắng nhất, có lòng kiên nhẫn khôn sánh để tu học. Tuy tu học, chẳng chấp trước hết thảy các pháp thì mới có thể thật sự thông đạt hết thảy các pháp. Vì sao? Hễ chấp trước pháp, sẽ là phạm lỗi, chấp trước biến thành gì? Biến thành thành kiến, chẳng phải là Kiến Thủ Kiến thì sẽ là Giới Thủ Kiến, biến thành tà kiến. Bất luận là đối với pháp thế gian hay pháp xuất thế gian, bất luận Lý hay Sự, nhân hay quả, điều gì ta cũng đều thông đạt, chẳng chấp trước điều gì. Vì sao không chấp trước? Vì “hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”, chẳng chấp trước là huệ, chấp trước là phạm sai lầm. Người khéo học, đối với những chỗ sáu căn tiếp xúc đều là trí huệ, đều là trí huệ hiện tiền. Người chẳng biết học, những chỗ sáu căn tiếp xúc sẽ đều là chướng ngại! Học Phật pháp bèn chết cứng nơi kinh Phật. Cổ đức bảo: “Y văn giải nghĩa, tam thế Phật oan”, Phật phải than oan uổng! Chẳng phải là đức Phật nói như vậy, những điều đức Phật giảng “ý ở ngoài lời”, quý vị ngỡ là thật, luôn chấp trước, nên Phật bị oan uổng! Khéo sao trong kinh Kim Cang, đức Phật đã nói rất hay: “Phật vô hữu định pháp khả thuyết” (Phật chẳng có pháp nhất định nào để có thể nói), cuối cùng là “Phật vô pháp khả thuyết” (Phật chẳng có pháp nào để có thể nói). Khi nào quý vị nghe Phật pháp? Nếu ai nói đức Phật thuyết pháp, đó là báng Phật, Phật chẳng hề thuyết pháp! Những lời này nói rất hay! Hết thảy các pháp đã nói trong bốn mươi chín năm bị phủ định hoàn toàn, đức Phật chẳng nói một câu nào, chẳng nói một chữ nào. Nếu quý vị nói ta đã nói năng gì đó tức là báng Phật. Hay lắm! Điều này có ý nghĩa nhằm bảo quý vị đừng nên chấp trước hết thảy. Chớ nên chấp trước thì hết thảy các pháp do đức Phật đã nói bèn tương ứng với tự tánh của chúng ta. Mở kinh Phật ra, nghe đức Phật giảng kinh, thuyết pháp, hoàn toàn là do tự tánh lưu lộ; đó là đúng, đó mới là nghĩa chân thật của Phật. Bài kệ Khai Kinh có câu “nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”, có như vậy thì mới là ý nghĩa chân thật của Phật.
Đấy chính là phải “thắng nhẫn”, đặc biệt là trong giai đoạn thứ nhất. Điều được mong cầu trong giai đoạn thứ nhất là Căn Bản Trí, tức là “Bát Nhã vô tri” như kinh Bát Nhã đã nói. Trước hết, phải có lòng nhẫn nại để cầu vô tri, đã vô tri rồi thì mới có thể cầu “vô sở bất tri” (không gì chẳng biết). Giống như Thiện Tài đồng tử trong pháp hội thuộc phẩm Nhập Pháp Giới của kinh Hoa Nghiêm, hội ấy chính là hội của Văn Thù Bồ Tát, sở học của Thiện Tài là vô tri. Nói cách khác, chính là tu tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tu những tâm ấy. Chẳng cầu hiểu biết nhằm thành tựu Căn Bản Trí, thành tựu vô tri mà! Sau đấy mới đi tham học, từ tỳ-kheo Đức Vân mãi cho đến Phổ Hiền Bồ Tát, [tham học với] năm mươi ba vị thiện tri thức, đó là “không gì chẳng biết”, được gọi là Hậu Đắc Trí. Do đó, kinh Bát Nhã nói: “Bát Nhã vô tri, không gì chẳng biết”. Do vậy, [quá trình] tu học của Ngài gồm hai giai đoạn, trong giai đoạn thứ nhất, phải có lòng kiên nhẫn, phải nhẫn nại. Hiện thời, chúng ta phạm phải khuyết điểm là điên đảo, vừa khởi đầu bèn mong “không gì chẳng biết”, học đến cuối cùng sẽ là “thứ gì cũng đều không biết”, phạm phải khuyết điểm to lớn, hoàn toàn trái nghịch lời dạy bảo của đức Phật, học thứ này, thứ nọ, nhưng chẳng biết học từ căn bản.
Học theo căn bản, kinh Phật thường dùng cây cối để tỷ dụ. Quý vị muốn trồng cây, trước hết phải gieo hạt của cây ấy xuống đất. [Thoạt đầu] thứ gì cũng đều chẳng thấy, rất lâu sau mới nẩy mầm thành một chồi cây nhỏ. Phải mất vài năm, cây mới có thể mọc lớn, đơm hoa, kết quả. Người hiện thời chẳng cần rễ cây lẫn mầm cây, cứ mong hoa quả! Có thể đạt được hoa quả hay không? Có thể đạt được! Hoa quả ở trong bình rất nhiều, thiếu rễ, sẽ chết rụi! Từ vô tri đến “không gì chẳng biết” thì sống. Vừa bắt đầu liền học “không gì chẳng biết”, thứ gì cũng đều học thì chết cứng! Chết cứng là sao? Chẳng có trí huệ. Xác thực hoàn toàn là vô minh, là vọng tưởng, là tà kiến, chẳng phải là sống động. Sống động là trí huệ. Ở đây, chúng ta nhất định phải nhận biết rõ ràng giáo pháp cao minh của đức Phật. Từ mấy ngàn năm qua, tại Trung Hoa, tại ngoại quốc, những vị đại đức thuộc hàng xuất gia hay tại gia đã nương theo phương pháp này để tu học đều thành tựu. Trong thời đại của chúng ta, vì sao chẳng có cao tăng đại đức xuất hiện? Phương pháp sai lầm. Tuyệt đối chẳng phải là do sự thông minh và trí huệ của chúng ta không bằng cổ nhân, mà là do phương pháp sai lầm, bày vẽ kiểu mới, lập ra phương cách khác lạ, chẳng biết tuân thủ các phương pháp trong quá khứ, chính mình sáng chế một kiểu cọ mới mẻ, vấn đề bèn to đùng!
Ngũ, bất tham lợi dưỡng, cung kính, tôn trọng, tịnh ý nhạo tâm.
五、不貪利養恭敬尊重淨意樂心。
(Năm, chẳng tham lợi dưỡng, tâm cung kính, tôn trọng, ý ưa thích thanh tịnh).
Đây cũng là chướng ngại rất lớn trong việc học Phật: Danh vọng, lợi dưỡng! Nhất là trong thời đại hiện tại, đủ mọi thứ! Những gì lục căn tiếp xúc có thể nói đều là sự dụ dỗ, mê hoặc ở mức độ cao nhất. Thời cổ chẳng có nhiều dụ dỗ, mê hoặc ngần ấy, còn hiện thời, nói thật ra, dụ dỗ, mê hoặc quá nhiều. Gần như là những gì quý vị mắt thấy, tai nghe toàn là dụ dỗ, mê hoặc, há quý vị có thể chẳng động tâm ư? Trong các buổi giảng, chúng tôi cũng thường khuyên lơn, khích lệ các đồng học, tôi nói: Nay chúng ta học Phật, chúng ta nằm trong lòng bàn tay của ma. Tứ đại ma vương xòe rộng tay, chúng ta chẳng có cách nào vượt khỏi bàn tay của họ, còn có thể thành tựu gì chăng? Tôi chẳng nói tới tứ đại ma vương như kinh Bát Đại Nhân Giác đã giảng, mà là nói đến “tài, sắc, danh, lợi”, tứ đại ma vương ấy, mấy ai có thể nhảy ra khỏi lòng bàn tay của chúng nó? Quý vị chẳng nhảy thoát khỏi lòng bàn tay của chúng nó, còn nói tới thành tựu chi nữa? Chẳng vãng sanh được! Vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới thì tâm phải thanh tịnh mới hòng vãng sanh. Tâm tịnh, ắt cõi nước tịnh. Trong tâm còn có những thứ ấy, bên ngoài là tài, sắc, danh, lợi, trong là tham, sân, si, mạn, chẳng đọa vào địa ngục A Tỳ là đã may mắn quá rồi, còn có thành tựu chi nữa? Do vậy, các đồng tu học Phật phải có tâm cảnh giác cao độ, thời thời khắc khắc cảnh giác.
Đầu tập sách kỷ niệm pháp sư Ấn Quang có đề mấy chữ Sanh, Tử, tôi phóng to chữ ấy ra, in thành rất nhiều bản, hy vọng các đồng tu thỉnh về, dán ở chỗ thường trông thấy nhất trong nhà của chính mình để tự nhắc nhở, trọng yếu lắm! Thường nghĩ đời người sống trên thế gian rỗng tuếch, giống như nằm mộng, cũng giống như diễn tuồng, giả trất, chẳng thật! Gì là thật? Tạo nghiệp là thật. Phật môn thường nói “muôn thứ chẳng mang được, chỉ có nghiệp theo thân”. “Chẳng mang theo được” tức là quý vị chẳng đạt được gì, thứ gì cũng chẳng cầm theo được. Thứ quý vị có thể cầm theo được là gì? Nghiệp. Nghiệp chướng là thứ quý vị có thể cầm theo. Trừ thứ ấy ra, bất luận là quá khứ, hiện tại, vị lai, thứ gì quý vị cũng đều chẳng đạt được, toàn là giả. Trong thế gian này, có gì đáng cho quý vị tranh giành? Khởi tâm động niệm tranh danh, đoạt lợi, tạo nghiệp đấy nhé! Người sáng mắt thấy rõ, [những kẻ tranh danh đoạt lợi] đáng thương thay! Hạng người ấy đáng thương nhất. Thứ gì cũng đều chẳng cần, suốt ngày từ sáng đến tối thật thà niệm A Di Đà Phật, người ấy có phước, thật sự rất lỗi lạc! Nhưng người thế gian coi kẻ ấy là vô dụng, tiêu cực! Người thế gian thấy hạng người như vậy tiêu cực, nhưng Phật, Bồ Tát thấy hạng người ấy thật sự có phước. [Những kẻ] hằng ngày tranh danh đoạt lợi, người thế gian thấy: Người ấy rất tài ba, có rất nhiều biện pháp. Phật thấy kẻ ấy quá sức đáng thương! Hiện tại tạo nghiệp, trải qua mấy năm bèn chịu báo, quả báo liền xảy tới. Đó là sự thật, nhất định phải nhận biết rõ ràng thì chúng ta mới có thể thật sự hờ hững đối với tài, sắc, danh, lợi, biết những thứ ấy là có hại, chẳng có lợi ích gì! Nói thật ra, chúng có trăm điều hại, chẳng có lợi một điều nào, chẳng có tí ti lợi ích nào! Chúng ta đời đời kiếp kiếp học Phật mà đều chẳng có thành tựu là do bị những thứ ấy làm hại. Đời này vẫn bị chúng nó hãm hại, lại lỡ làng mất rồi, phải cảnh tỉnh chính mình!
Lục, cầu Phật Chủng Trí, ư nhất thiết thời, vô vong thất tâm.
六、求佛種智於一切時無忘失心。
(Sáu, cầu Chủng Trí của Phật, trong hết thảy các thời, tâm chẳng quên mất).
Phần trước là nói về chuyện đoạn phiền não. Phiền não đoạn sạch, bèn cầu trí huệ. Phật pháp là pháp trí huệ, Phật giáo là giáo dục trí huệ. Chỉ có trí huệ thì mới có thể thấy rõ ràng chân tướng của hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian. Chỉ có trí huệ thì mới biết: Trong thế gian và xuất thế gian, bản thân chúng ta phải nên làm theo cách nào, mới hòng có thể thật sự lìa khổ, được vui! Phá mê khai ngộ, sẽ lìa khổ, được vui. Khổ là do mê hoặc, điên đảo mà có, lạc là do khai ngộ mà đạt được. Từ nay trở đi, chẳng còn tạo nghiệp nữa. Không chỉ là chẳng tạo ác nghiệp, mà thiện nghiệp cũng chẳng tạo. Nhưng chư vị phải hiểu rõ: Chẳng phải là Phật pháp thường dạy chúng ta tu Thập Thiện Nghiệp Đạo đó ư? Cớ sao thiện nghiệp cũng chẳng tạo? Đoạn hết thảy ác, tu hết thảy thiện, mà nếu quý vị chấp tướng, sẽ là quả báo hữu lậu trong thế gian. Đoạn ác tu thiện chẳng chấp tướng thì chẳng gọi là thiện hay ác nghiệp, mà gọi là tịnh nghiệp. Chư vị nghĩ xem: Danh từ “tịnh nghiệp” danh phù hợp thực, mục tiêu của nó là “tu tâm thanh tịnh, đoạn ác”. Ta tu tâm thanh tịnh, tu thiện, vẫn là tu tâm thanh tịnh, mục đích chỉ là tu “thanh tịnh, bình đẳng” mà thôi, đó là tịnh nghiệp. Tây Phương Tịnh Độ cần phải có tịnh nghiệp thì mới có thể thành tựu, chớ nên quên điều này!
Thất, ư chư chúng sanh, tôn trọng, cung kính, vô hạ liệt tâm.
七、於諸眾生尊重恭敬無下劣心。
(Bảy, đối với các chúng sanh tôn trọng, cung kính, chẳng có tâm kém hèn).
Nói thật ra, câu này là điều được tu tập bởi Thường Bất Khinh Bồ Tát: Quyết định chớ nên khinh dễ hết thảy chúng sanh. Khinh dễ hết thảy chúng sanh, sai mất rồi! Hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh, hết thảy chúng sanh vốn đã thành Phật, làm sao có thể khinh dễ họ cho được? Thường Bất Khinh Bồ Tát biết chân tướng sự thật này, nên Ngài mới thật sự triệt để làm được “lễ kính chư Phật”.
Bát, bất trước thế luận, ư Bồ Đề phần, sanh quyết định tâm.
八、不著世論於菩提分生決定心。
(Tám, chẳng chấp trước những luận định thế gian, sanh tâm quyết định đối với Bồ Đề phần).
“Trước” (著) là chấp trước. [“Trước thế luận”] là chấp trước những ngôn luận phê bình hoặc cách nhìn của người thế gian. Nếu quý vị chấp trước những điều ấy, sẽ chẳng thể tu Phật pháp. Trong kinh Bảo Tích, đức Phật dạy chúng ta: Bất luận người thế gian bình luận như thế nào, chẳng cần phải bận tâm. Vì sao? Người thế gian là Thế Trí Biện Thông, nói thật thà, năng lực của họ còn thua cả A La Hán. A La Hán đã đoạn Kiến Tư phiền não, còn các triết gia, nhà khoa học, nhà tôn giáo trong thế gian đều chưa đoạn Kiến Tư phiền não, hãy còn thị phi, nhân ngã, tham, sân, si, mạn. Không chỉ người đời là như vậy, chư thiên cũng chẳng phải là ngoại lệ, dẫu đạt đến Sắc Giới Thiên hay Vô Sắc Giới Thiên, phiền não vẫn chẳng đoạn. Chẳng đoạn phiền não thì tri kiến của kẻ ấy là tình kiến, [tức là] tri kiến phát xuất từ cảm tình, chẳng phải là chánh tri chánh kiến. Họ phê bình, lẽ nào chúng ta có thể quan tâm? Nhưng trong thế gian này, họ đông người, chúng ta ít người, chúng ta nói chẳng lại họ. Chúng ta nói một câu, họ nói mười câu! Trong tình huống ấy, họ nói cứ nói, ta làm chuyện của ta. Dẫu họ nói nhiều cách mấy, cũng chẳng ảnh hưởng đến ta, ta vẫn là một câu A Di Đà Phật. Quý vị nói ta tiêu cực, ta cũng A Di Đà Phật; quý vị quở ta mê tín, ta vẫn một câu A Di Đà Phật, trọn chẳng lay động!
Nhất là trong thời kỳ Mạt Pháp, kinh Lăng Nghiêm nói thời đại này “tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng”, chúng ta rốt cuộc nghe lời ai? Nói ngay trong Phật môn, pháp sư này nói pháp môn này hay, bộ kinh này hay, pháp sư kia nói bộ kinh kia hay, pháp môn kia hay. Tiếp xúc mấy vị pháp sư bèn chẳng biết học môn nào thì mới nên! Tôi thường gặp lắm! Gặp người đến nói với tôi họ thân cận vị pháp sư nào đó, dạy họ pháp môn gì đó, pháp sư nọ cũng có pháp môn [hay lắm]. Tôi nói: “A Di Đà Phật! Quý vị thấy pháp sư nào là tốt, tốt nhất là hãy theo học với pháp sư đó thì mới có thể thành tựu. Môn nào cũng đều hay, chẳng có môn nào không hay, nhưng chỉ cần học một môn là được rồi. Học hai ba môn sẽ không hay! Giống như giảng đường này có rất nhiều cửa, theo mỗi cửa để tiến vào đều được. Quý vị muốn đồng thời bước vào bằng hai cửa hoặc ba cửa sẽ không bước vào được. Vì sao? Quý vị chẳng bước vào được! Nhất định phải là một môn thâm nhập”.
Một môn thâm nhập, vì sao chúng ta chọn lựa pháp môn Tịnh Độ? Ấy là vì bản thân chúng ta chẳng có trí huệ, chẳng có năng lực, chính mình chẳng biết căn tánh của chính mình, chẳng biết phải nên chọn lựa như thế nào! Pháp môn này do Thích Ca Mâu Ni Phật và hết thảy chư Phật chọn lựa cho bọn hồ đồ chúng ta. Ta thừa nhận chính mình chẳng [chọn lựa] được, Phật thay ta chọn lựa, ta bèn y giáo phụng hành, đó là đúng. Chính mình có năng lực, sẽ chẳng cần đức Phật chọn lựa giùm ta, mà là chính mình chọn lấy. Bản thân ta chẳng có năng lực, Phật thay ta chọn lựa, ta đương nhiên tiếp nhận. Đấy là nên quyết trạch (chọn lựa nhất quyết) pháp môn như thế nào. Sau khi đã quyết định, chẳng thay đổi ý niệm, nhất tâm nhất ý tu học, quyết định có thành tựu.
Cửu, chủng chư thiện căn, vô hữu tạp nhiễm, thanh tịnh chi tâm.
九、種諸善根無有雜染清淨之心。
(Chín, gieo các thiện căn chẳng có tạp nhiễm, tâm thanh tịnh).
“Thiện căn”: Kinh Vô Lượng Thọ nói đến thiện căn bèn chỉ thẳng: “Một mực chuyên niệm”. Gieo thiện căn là gì? Quý vị niệm một câu “Nam-mô A Di Đà Phật” là gieo thiện căn. Chúng ta đã thấy điều này trong kinh Vô Lượng Thọ. Xưa nay, các vị tổ sư đại đức khác miệng cùng lời bảo chúng ta: “Câu Phật hiệu này là tốt lành nhất trong các điều lành, tổng trì vô lượng pháp môn. Hết thảy chư Phật đều do niệm Phật mà thành Phật, chẳng có gì tốt lành hơn điều này”. Vì thế, tín nguyện trì danh là gieo thiện căn viên mãn tối thắng bậc nhất, chẳng giả tí nào!
Thập, ư chư Phật xả ly chư tướng, khởi tùy niệm tâm.
十、於諸佛捨離諸相起隨念心。
(Mười, đối với chư Phật bỏ lìa các tướng, khởi tâm tùy niệm).
Chúng ta hãy xem sách Diễn Nghĩa chú giải:
(Diễn) Xả ly chư tướng giả, thị niệm chư Phật Thật Tướng thân, tức sở vị: Sắc thân phi thị Phật, âm thanh diệc phục nhiên. Nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai dã.
(演)捨離諸相者,是念諸佛實相身,即所謂色身非是佛,音聲亦復然,若見諸相非相,即見如來也。
(Diễn: “Bỏ lìa các tướng” là niệm thân Thật Tướng của chư Phật, nghĩa là nói: “Sắc thân chẳng là Phật, âm thanh cũng như vậy”. Nếu thấy các tướng chẳng phải là tướng, chính là thấy Như Lai vậy).
“Ư chư Phật xả ly chư tướng”: Niệm Phật như vậy, thưa cùng quý vị, chính là Thật Tướng Niệm Phật trong bốn cách niệm Phật, bọn sơ học chúng ta chẳng làm được! Kẻ sơ học phải chấp tướng niệm Phật, phải từ hữu tướng niệm đến vô tướng. Nếu chúng ta niệm theo kiểu chấp tướng niệm Phật mà niệm còn không nên hồn, mong học cách ly tướng niệm Phật, chắc chắn chẳng làm được! Nhưng phải biết sự thật này xác thực là có, nó thuộc về pháp môn Niệm Phật bậc cao. Từ “sắc thân phi thị Phật” (sắc thân chẳng phải là Phật) cho đến “nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai” (nếu thấy các tướng chẳng phải là tướng chính là thấy Như Lai) chính là kinh văn trích từ kinh Kim Cang. Mấy câu kinh văn ấy có ý nghĩa rất sâu. Khi nào thì mới có thể thấy? Phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân, sẽ là cảnh giới này. Khi ấy, sẽ vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ, sanh trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm, chẳng phải là cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Tâm địa thật sự đạt đến thanh tịnh, bình đẳng, giác, sáu căn tiếp xúc cảnh giới bên ngoài đều nhất loạt bình đẳng, vì sao? Người ấy chẳng có hết thảy phân biệt, chấp trước, vọng tưởng. Phân biệt, chấp trước, vọng tưởng đều đoạn sạch, vạn pháp như một, tánh tướng bất nhị, nhập cảnh giới này, Thiền Tông gọi là “minh tâm kiến tánh”. Tánh là gì? Tánh là pháp bình đẳng, tánh là “các tướng chẳng phải là tướng”. Đó là kiến tánh. “Khởi tùy niệm tâm”, phải hiểu tùy niệm tâm như thế nào? “Tùy” (隨) là tùy thuận, nói thật ra chính là “hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức” trong mười nguyện của Phổ Hiền Bồ Tát. Có thể thấy: Để hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức, phải phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân, bậc Pháp Thân đại sĩ mới có thể làm đạt được, chúng ta chẳng làm được.
(Diễn) Tùy, thuận dã, vị thuận lý chi niệm, tức Thiên Thai sở vị “an trụ Trung Đạo, bất vị nhị biên sở động”, danh chi vi niệm dã.
(演)隨,順也,謂順理之念,即天台所謂安住中道,不為二邊所動,名之為念也。
(Diễn: Tùy là thuận, ý nói: Niệm thuận theo Lý, tức là như tông Thiên Thai đã nói: “Trụ yên nơi Trung Đạo, không bị lay động bởi hai bên” nên gọi là Niệm).
Tông Thiên Thai nói rất chánh xác, nhưng chúng ta không dễ thấu hiểu ý nghĩa của họ. Tôi vừa mới nêu ra hai nguyện trong Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm, chắc là dễ hiểu hơn đôi chút, đó là ý nghĩa của Thiên Thai đại sư. Thật sự có thể đạt đến thần thông du hý, Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại, thật sự đắc đại tự tại, bèn gọi là “khởi tùy niệm tâm”. Đó cũng chính là như kinh Kim Cang đã dạy: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” (Hãy nên không trụ vào đâu mà sanh tâm). “Ư chư Phật xả ly chư tướng” (Xả lìa các tướng nơi chư Phật) chính là “ưng vô sở trụ”. “Khởi tùy niệm tâm” chính là “nhi sanh kỳ tâm”. Cách nói khác nhau, nhưng cảnh giới hoàn toàn giống nhau.
(Sao) Cụ thử thập tâm, vãng sanh Tịnh Độ.
(鈔)具此十心,往生淨土。
(Sao: Đầy đủ mười tâm ấy sẽ vãng sanh Tịnh Độ).
Vãng sanh Tịnh Độ cũng chẳng đơn giản. Tôi đã giới thiệu đại lược “mười tâm” cùng quý vị, điều sau sâu hơn điều trước, điều trước cạn, điều sau sâu. Vãng sanh như thế nào? Nói thật ra, khái quát là bốn cõi, ba bậc, chín phẩm. Điều cuối cùng nói tới chuyện sanh trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Điều thứ nhất và thứ hai nói về cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Xét như vậy, tâm chúng ta lại thêm thực tế hơn một chút, điều sau làm không được, nhưng hai điều trước có lẽ là có thể làm được. Cõi Thật Báo chẳng có phần, nhưng cõi Đồng Cư vẫn có phần. Mọi người phải đặc biệt chú ý ba điều trước, vì sao? Đó là điều kiện để sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Tuy suốt ngày từ sáng đến tối niệm Phật, nhưng chẳng hội đủ [những điều kiện ấy], sẽ không được! Nhưng tôi thưa cùng quý vị, quả nhiên là thật thà niệm Phật thì một câu Phật hiệu thảy đều trọn đủ những điều ấy, quyết định được vãng sanh, chúng ta chớ nên hoài nghi! Nhưng trong cuộc sống hằng ngày, xử sự, đãi người, tiếp vật phải biết nguyên tắc ấy, phải ghi nhớ những lời khai thị này của đức Phật. Thật ra, đối với những lý luận, phương pháp, và giáo huấn do đức Phật đã giảng, có thể nói là trong kinh Vô Lượng Thọ đều có đầy đủ, xác thực là “một chính là hết thảy, hết thảy chính là một”.
(Sao) Hoa Nghiêm thập nguyện giả, nhất giả lễ kính chư Phật, nãi chí thập, phổ giai hồi hướng, diệc dĩ thử thập, sanh bỉ quốc độ.
(鈔)華嚴十願者,一者禮敬諸佛,乃至十普皆迴向,亦以此十生彼國土。
(Sao: “Mười nguyện Hoa Nghiêm”: Một là lễ kính chư Phật, cho đến mười là hồi hướng khắp cả, cũng dùng mười điều này để sanh vào cõi nước ấy).
Kinh Hoa Nghiêm đến cuối cùng, Phổ Hiền Bồ Tát dùng mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc, các đồng tu chúng ta đều biết điều này. Trong ấy, có ý nghĩa sâu rộng, chẳng có mấy người biết! Mọi người đều biết kinh Hoa Nghiêm, trong toàn thể Phật pháp, nó đại diện cho pháp luân viên mãn, trong hết thảy các kinh, [kinh Hoa Nghiêm] được gọi là “vua của các kinh”, thường nói “hết thảy các kinh đều là quyến thuộc của Hoa Nghiêm”. Hoa Nghiêm giống như một cái cây, nó là cội gốc, hết thảy các kinh đều là cành lá, quý vị mới hiểu tầm trọng yếu của kinh Hoa Nghiêm.
Đức Thế Tôn nói “thành Phật trong một đời”, chỉ có mình kinh Hoa Nghiêm là nói viên mãn rốt ráo chuyện “thành Phật trong một đời”. Nhưng thật sự đạt tới viên mãn rốt ráo thì chính là đến cuối cùng, mười đại nguyện vương của Phổ Hiền dẫn về Cực Lạc. Nói cách khác, nếu không cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, sẽ chẳng thể viên mãn! Cổ đức thấy điều này, mới nói “Hoa Nghiêm và Pháp Hoa dẫn đường cho kinh Vô Lượng Thọ”. Thật sự thâm nhập Đại Thừa, quý vị sẽ tin tưởng và có thể tiếp nhận cách nói này của cổ đức. Sau đó mới hiểu giá trị và địa vị chiếm lãnh trong toàn thể Phật pháp của kinh Vô Lượng Thọ.
Kinh Hoa Nghiêm dẫn đường là dẫn về đâu? Dẫn về kinh Vô Lượng Thọ. Kinh này (kinh Di Đà) là Tiểu Bổn của kinh Vô Lượng Thọ, kinh Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ cùng bộ, chỉ là nói rộng rãi hay nói đại lược mà thôi. Tuy kinh A Di Đà nói đại lược, nhưng do có thêm bộ Sớ Sao của Liên Trì đại sư và sách Diễn Nghĩa, nên lại còn nói rộng rãi, rõ ràng, minh bạch hơn kinh Vô Lượng Thọ. Nếu thấy Sớ Sao Diễn Nghĩa là một bộ sách to như thế, niệm sẽ rất khó khăn, quý vị hãy niệm kinh Vô Lượng Thọ, niệm bản đơn giản ấy. [Niệm Sớ Sao Diễn Nghĩa] sẽ biến thành phức tạp, Tiểu Bổn biến thành Đại Bổn, Đại Bổn [so với Sớ Sao Diễn Nghĩa] lại biến thành Tiểu Bổn. Có thể thấy là lớn hay nhỏ chẳng có nhất định, nó có thể biến hóa. Nhận thức rõ ràng kinh Vô Lượng Thọ, nhận thức rõ ràng pháp môn này, chúng ta mới có thể hạ quyết tâm, đời này chẳng còn thay đổi nữa, nghiêm túc tu học, chính mình tràn trề tín tâm, quyết định thành tựu trong một đời này, công đức lợi ích thù thắng khôn sánh!
Nhìn thì dễ dàng, thật ra chẳng dễ dàng, chúng ta đọc kinh Đại Thừa nhiều, sẽ hiểu: Nếu chẳng phải là thiện căn, phước đức, và nhân duyên trong đời quá khứ đã chín muồi trong một đời này thì trong kiếp sống này, sẽ chẳng làm được! Quý vị chẳng gặp kinh điển này! Dẫu có gặp, cũng chẳng tin tưởng. Có tin tưởng thì quý vị cũng không chịu nghiêm túc tu hành. Một người có thể tín, có thể nguyện, có thể hành, phải là do thiện căn trong vô lượng kiếp quá khứ tới nay đã chín muồi, đồng thời được mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai âm thầm gia trì. Đó là nhân duyên tụ hội, khiến cho chúng ta trong một đời này có thể vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, vãng sanh bất thoái thành Phật. Chẳng gặp được nhân duyên này! Ông Bành Tế Thanh nói: “Một ngày hiếm có khó gặp từ vô lượng kiếp đến nay”. Lời ấy là thật, chẳng giả tí nào! Hiếm có, khó gặp, nay chúng ta đã gặp gỡ. Đã gặp gỡ, há nên khinh thường, vứt bỏ? Nhất định là phải trân trọng. Hôm nay đã hết thời gian rồi!
[1] Sa mạc Gobi (người Hoa còn gọi nó là Hàn Hải) rất lớn, diện tích đến 1.295.000 km2, nằm giữa miền Bắc Trung Hoa và Nam Mông Cổ, được bao bọc bởi rặng núi Altai và thảo nguyên Mông Cổ ở phía Bắc, tiếp giáp sa mạc Taklamakan ở phía Tây và hành lang Hà Tây cùng với cao nguyên Tây Tạng. Sa mạc Gobi mỗi năm lớn dần với tốc độ đáng ngại do các hoạt động tàn phá như đốt rừng, chăn nuôi, tàn phá nguồn nước, khai thác quặng vô kế hoạch v.v… của Trung Cộng.
[2] Nguyên văn là “thiên đơn” (遷單). Đơn (單) là một tấm ván có bề ngang đủ rộng cho đúng một người nằm, dùng thay cho giường trong tăng phòng. Hễ trở mình không khéo sẽ rơi xuống đất. Khi xin nhập chúng, nếu thường trụ chấp nhận, sẽ cho kê đơn trong tăng đường cho ở, gọi là “quải đơn” (掛單). Khi vị khách tăng ấy, xin giã từ ra đi, bèn gọi là “trừu đơn” (抽單: rút đơn). Còn “thiên đơn” là dẹp bỏ đơn của người ấy, tỏ thái độ thẳng thừng không cho người ấy ở nữa.