#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 195
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm chín mươi sáu:
(Sớ) Nhược khảo A Di Đà Phật, thành Phật dĩ tiền nhân địa, bất
đản Pháp Tạng nhất nhân, hữu đa chủng nhân, như chư kinh trung thuyết.
(疏)若考阿彌陀佛,成佛以前因地,不但法藏一因,有多種因,如諸經中說。
(Sớ: Nếu khảo sát về nhân địa của A Di Đà Phật trước khi Ngài thành Phật thì không chỉ là một thời kỳ tu nhân của tỳ-kheo Pháp Tạng, mà còn có nhiều nhân như trong các kinh đã nói).
Đoạn này nói rõ về những sự tích (dấu tích ứng hiện nơi mặt Sự) của A Di Đà Phật trước khi Ngài thành Phật, còn đang tu nhân. Thông thường, chúng ta giới thiệu [nhân địa của A Di Đà Phật] chỉ dựa theo kinh Vô Lượng Thọ. Thật ra, trong nhiều kinh điển Đại Thừa, đức Phật đã từng nói đến chuyện tu nhân chứng quả của A Di Đà Phật. Nếu chúng ta gộp chung các kinh luận ấy để xem, sẽ biết: Lần này, A Di Đà Phật thị hiện thành Phật trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, chẳng phải là lần đầu tiên thành Phật, mà là thị hiện thành Phật giống như Thích Ca Mâu Ni Phật đã thị hiện trong thế gian này. Chúng ta đọc kinh điển Đại Thừa, như kinh Phạm Võng có nói: “Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện thành Phật trong thế giới Sa Bà lần này là lần thứ tám ngàn”. Vì thế, chẳng phải là Ngài ba mươi tuổi thành đạo dưới cội Bồ Đề, trong đêm thấy sao Mai bèn hoảng nhiên đại ngộ. Đó là diễn tuồng cho chúng ta xem, diễn tuồng giống như vậy lần này là lần thứ tám ngàn, chẳng phải là Ngài thành Phật trong một đời này, mà là đã thành Phật nhiều đời nhiều kiếp. Do vậy có thể biết, A Di Đà Phật thị hiện trong Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng khác đức Bổn Sư cho mấy. Thật ra, Ngài cũng đã sớm thành Phật từ kiếp lâu xa!
(Sao) Pháp Tạng nhân giả.
(鈔)法藏因者。
(Sao: Cái nhân của ngài Pháp Tạng).
Kinh Vô Lượng Thọ nói nhân địa của A Di Đà Phật là tỳ-kheo Pháp Tạng, chúng ta vẫn dùng danh xưng này.
(Sao) Đại Bổn vân: Định Quang Phật tiền ngũ thập tam Phật, danh Thế Tự Tại Vương, Pháp Tạng thời vi quốc vương, xả vị xuất gia, phát tứ thập bát nguyện, kim A Di Đà Phật thị Pháp Tạng sở thành chi Phật dã.
(鈔)大本云:定光佛前五十三佛,名世自在王,法藏時為國王,捨位出家,發四十八願,今阿彌陀佛,是法藏所成之佛也。
(Sao: Kinh Đại Bổn chép: Trước Định Quang Phật năm mươi ba vị Phật, có một vị tên là Thế Tự Tại Vương. Khi ấy, ngài Pháp Tạng làm quốc vương, bỏ ngôi, xuất gia, phát ra bốn mươi tám nguyện, A Di Đà Phật hiện nay chính là vị Phật do Pháp Tạng tu thành).
Đây là nói Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật trong hiện tại chính là do tỳ-kheo Pháp Tạng tu thành. Sự tu thành này giống như Thái Tử Tất Đạt Đa tu thành Thích Ca Mâu Ni Phật, chư vị phải hiểu sự thật này. Từ kinh Vô Lượng Thọ, chúng ta đều đã đọc thấy những chuyện này, rất quen thuộc! Chuyện này đáng để nhắc tới, cũng là nhắc nhở bản thân chúng ta, đánh thức chính mình. Đối với các pháp thế gian như tiếng tăm, lợi dưỡng, người thế gian tham luyến, chẳng nỡ buông xuống, tỳ-kheo Pháp Tạng đã nêu gương, Ngài thảy đều buông xuống. Nếu chẳng thể buông xuống, nói thật ra, sẽ là lục đạo luân hồi! Đã luân hồi trong lục đạo thì quan hệ với hết thảy chúng sanh trong thế gian sẽ là quan hệ ân oán. Nói thật ra, kết ân huệ với chúng sanh cực ít, kết cừu oán với chúng sanh chiếm đại đa số, bản thân chúng ta khéo phản tỉnh đôi chút sẽ biết ngay. Kết thù oán nhiều ngần ấy, càng kết càng sâu, mai sau giải quyết bằng cách nào? Vì thế, người thật sự có trí huệ nêu gương cho chúng ta thấy, mong chúng ta thảy đều buông xuống.
Người thế gian tranh danh trục lợi! Thuở ấy, ngài Pháp Tạng mang thân phận là quốc vương. Nói theo phương diện danh vọng, lợi dưỡng, Ngài phú quý tột bậc, thường nói là “quý vi thiên tử, phú hữu tứ hải” (thiên tử sang quý, giàu có khắp bốn biển), ngũ dục, lục trần trong thế gian này Ngài đều đạt được. Vì sao lại bỏ sạch để đi xuất gia? Đạt được danh lợi thế gian là một đời này, quý vị có thể hưởng thụ trong một thời gian hết sức ngắn ngủi, tạm bợ! Trong khi hưởng thụ, sẽ tạo vô lượng tội nghiệp; trong tương lai, nhất định sẽ phải đền trả những việc đã làm, tuyệt đối chẳng có chuyện may mắn [tránh né, khỏi phải trả nợ]. Sát nghiệp càng nặng, giết chết chúng sanh, đó là thiếu nợ mạng. Thiếu mạng thì phải đền mạng, thiếu nợ thì phải đền tiền, chẳng có kẻ nào may mắn thoát khỏi! Nếu chúng ta thật sự nhìn vào nhân trước, quả sau, sẽ chẳng dám dấy khởi một vọng niệm, chẳng dám khởi một ác niệm, chẳng dám làm chuyện xấu, nhân quả thông suốt ba đời mà! Kẻ mê hoặc điên đảo chỉ nhìn chuyện trước mắt, chẳng biết quả báo tương lai đáng sợ. Ngài (Pháp Tạng) thấy nhân quả mai sau, quốc vương cũng chẳng muốn làm, biết pháp thế gian chẳng có gì không rỗng tuếch, đúng là “tay trắng đến, tay trắng ra đi”. Đó gọi là “muôn thứ chẳng mang được, chỉ có nghiệp theo thân!” Tạo một thân đầy tội nghiệp, vô cùng đáng sợ! Do đó, người ta làm quốc vương, ngôi vua cũng bỏ phứt, theo Phật xuất gia. Đấy là sự thị hiện của A Di Đà Phật trong giai đoạn này nhằm cảnh tỉnh, răn nhắc chúng ta. Tiếp theo đây, [đại sư] giới thiệu các kinh, dẫn ra tám bộ kinh luận:
(Sao) Đa chủng nhân giả, nhất, Pháp Hoa kinh, Đại Thông Trí Thắng Như Lai thời, thập lục vương tử, xuất gia tịnh tu phạm hạnh, cầu Vô Thượng Bồ Đề, Phật diệt độ hậu, thường nhạo thuyết thị Diệu Pháp Hoa kinh, hậu tất thành Phật. Đệ cửu vương tử ư Tây Phương thành Phật. Bỉ vương tử giả, kim A Di Đà Phật thị.
(鈔)多種因者,一、法華經,大通智勝如來時,十六王子,出家淨修梵行,求無上菩提,佛滅度後,常樂說是妙法華經,後悉成佛,第九王子於西方成佛,彼王子者,今阿彌陀佛是。
(Sao: “Có nhiều nhân”: Một là như trong kinh Pháp Hoa, vào thời Đại Thông Trí Thắng Như Lai, mười sáu vương tử xuất gia tịnh tu phạm hạnh, cầu Vô Thượng Bồ Đề. Sau khi đức Phật đã diệt độ, họ thường thích nói kinh Diệu Pháp Liên Hoa, về sau, đều thành Phật. Vương tử thứ chín thành Phật ở phương Tây, vương tử ấy nay là A Di Đà Phật).
Đây là chuyện trong kiếp xa xưa của đức Phật được nói trong phẩm Thọ Lượng của kinh Pháp Hoa, Thích Ca Mâu Ni Phật cũng là một trong mười sáu vương tử. Vào thời Đại Thông Trí Thắng Như Lai (Mahābhijñā Jñānābhibhū), Thích Ca Mâu Ni Phật và A Di Đà Phật là anh em. Mười sáu người anh em các Ngài thảy đều xuất gia, sau này đều thành Phật. Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật trong hiện tại chính là vị vương tử thứ chín thuở ấy. Đây là nói đến nhân địa xưa kia, rất lâu xa, chẳng phải là chuyện trong khoảng mười kiếp, mà là chuyện từ nhiều kiếp lâu xa về trước!
(Sao) Nhị, Bi Hoa kinh vân: “Vô lượng kiếp tiền, hữu Chuyển Luân Vương, danh Vô Tránh Niệm, cúng dường Bảo Tạng Như Lai. Thời vương phát nguyện, nguyện thành Phật thời, quốc trung chủng chủng thanh tịnh trang nghiêm. Phật dữ thọ ký, quá Hằng hà sa kiếp, Tây Phương thế giới tác Phật, quốc danh An Lạc. Bỉ quốc vương giả, kim A Di Đà Phật thị”.
(鈔)二、悲華經云:無量劫前,有轉輪王,名無諍念,供養寶藏如來。時王發願,願成佛時,國中種種清淨莊嚴,佛與授記,過恆河沙劫,西方世界作佛,國名安樂,彼國王者,今阿彌陀佛是。
(Sao: Hai là kinh Bi Hoa chép: Vô lượng kiếp trước, có Chuyển Luân Vương tên là Vô Tránh Niệm, cúng dường Bảo Tạng Như Lai. Khi ấy, nhà vua phát nguyện, nguyện khi thành Phật, trong nước các thứ thanh tịnh trang nghiêm, Phật bèn thọ ký cho vua: Sau Hằng hà sa kiếp, sẽ làm Phật trong thế giới Tây Phương, cõi nước tên An Lạc. Quốc vương ấy chính là A Di Đà Phật hiện thời).
Kinh Bi Hoa nói nhân địa của Phật Di Đà vượt quá Hằng hà sa số đại kiếp, đúng là vô lượng kiếp, đâu phải chỉ là mười kiếp! Kinh Vô Lượng Thọ nói “mười kiếp”; do vậy có thể biết, A Di Đà Phật trong thế giới Tây Phương là thị hiện, được gọi là “nhất kỳ thị hiện” (thị hiện trong một giai đoạn), giống như mở trường học, là một khóa học mà thôi. Trước khóa ấy, còn có rất nhiều khóa khác. Đây là nói rõ: Đức Phật đã thành Phật từ nhiều kiếp xa xôi trước.
(Sao) Tam, Đại Thừa Phương Đẳng Tổng Trì Kinh vân: Vô Cấu Diễm Xưng Khởi Vương Như Lai thời, hữu Tịnh Mạng tỳ-kheo, tổng trì chư kinh thập tứ ức bộ, tùy chúng sanh nguyện nhạo, quảng vị thuyết pháp. Bỉ tỳ-kheo giả, kim A Di Đà Phật thị.
(鈔)三、大乘方等總持經云:無垢燄稱起王如來時,有淨命比丘,總持諸經十四億部,隨眾生願樂,廣為說法,彼比丘者,今阿彌陀佛是。
(Sao: Ba là Đại Thừa Phương Đẳng Tổng Trì Kinh[1] nói: Thời Vô
Cấu Diễm Xưng Khởi Vương Như Lai, có tỳ-kheo Tịnh Mạng tổng trì các kinh số đến mười bốn ức bộ, tùy theo lòng ưa muốn của chúng sanh mà rộng vì họ thuyết pháp. Vị tỳ-kheo ấy nay là A Di Đà Phật).
Bộ kinh này tuy chẳng nói rõ thời kiếp, chẳng nói thời gian dài hay ngắn, nhưng từ chuyện Ngài tổng trì các kinh mười bốn ức bộ, [ta biết ngay] đấy chẳng phải là thời kiếp thông thường. Nay kinh luận do Thích Ca Mâu Ni Phật lưu lại, dịch sang tiếng Hán bất quá là hơn ba ngàn bộ! Mười bốn ức bộ, dẫu theo cách tính của Ấn Độ coi “mười vạn là một ức”, thì cũng là một trăm bốn mươi vạn bộ! Đấy là chúng ta nói tối thiểu, tính theo cách tối thiểu, tuyệt đối chẳng phải là người bình phàm có thể thọ trì. Nếu chẳng có thọ mạng rất dài, làm sao có thể thọ trì kinh điển nhiều ngần ấy? Lại còn rộng vì chúng sanh tuyên thuyết, cho nên nhất định là sự tu học nơi nhân địa từ nhiều kiếp lâu xa trước.
(Sao) Tứ, Hiền Kiếp kinh vân: Vân Lôi Hống Như Lai thời, hữu vương tử danh Tịnh Phước Báo Chúng Âm, cúng dường bỉ Phật. Bỉ vương tử giả, kim A Di Đà Phật thị.
(鈔)四、賢劫經云:雲雷吼如來時,有王子名淨福報眾音,供養彼佛,彼王子者,今阿彌陀佛是。
(Sao: Bốn là kinh Hiền Kiếp nói: Vào thời Vân Lôi Hống Như Lai, có một vương tử tên là Tịnh Phước Báo Chúng Âm cúng dường đức Phật ấy. Vị vương tử ấy nay là A Di Đà Phật).
Kinh Hiền Kiếp do đức Phật nói. Xét theo kinh văn, trong vô lượng kiếp quá khứ, Phật Di Đà đã phước huệ song tu, nên lần này Ngài gặp Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai, tu thành Tây Phương Cực Lạc thế giới, chỉ dùng thời gian năm kiếp, kinh Vô Lượng Thọ đã nói rất rõ ràng! Đức Phật thuyết pháp cho Ngài ngàn ức năm, ngàn ức năm cũng chẳng coi như rất dài; vì khi ấy, đức Phật trụ thế bốn mươi hai kiếp, trong năm kiếp Ngài (Phật Di Đà) đã tạo thành thế giới Cực Lạc. [Thoạt nhìn sẽ thấy sao mà] thực hiện dễ dàng quá! Chẳng biết Ngài đã tích lũy công đức từ vô lượng kiếp trước, đã sớm thành Phật.
Giống như Thích Ca Mâu Ni Phật kiến lập Phật pháp trong thế gian này là lần thứ tám ngàn. Thoạt nhìn, Ngài kiến lập rất dễ dàng, từ năm vị tỳ-kheo tại Lộc Dã Uyển, chẳng bao lâu sau đã có một tăng đoàn khổng lồ!
(Sao) Ngũ, bỉ kinh hựu vân: Kim Long Quyết Quang Phật thời, hữu pháp sư danh Vô Hạn Lượng Bảo Âm Hạnh, lực hoằng kinh pháp. Bỉ pháp sư giả, kim A Di Đà Phật thị.
(鈔)五、彼經又云:金龍決光佛時,有法師名無限量寶音行,力弘經法。彼法師者,今阿彌陀佛是。
(Sao: Năm, kinh ấy lại nói: Vào thời Kim Long Quyết Quang Phật, có pháp sư tên Vô Hạn Lượng Bảo Âm Hạnh, tận lực hoằng dương kinh pháp. Vị pháp sư ấy nay là A Di Đà Phật).
Trong nhân địa (khi tu nhân), thân phận nào A Di Đà Phật cũng đều từng trải qua.
(Sao) Lục, Quán Phật Tam Muội đệ cửu kinh vân.
(鈔)六、觀佛三昧第九經云。
(Sao: Sáu là quyển chín kinh Quán Phật Tam Muội[2] có nói).
Kinh Quán Phật Tam Muội, quyển thứ chín.
(Sao) Không Vương Phật thời, hữu tứ tỳ-kheo, phiền não phú tâm, không trung giáo linh quán Phật, toại đắc Niệm Phật tam-muội, bỉ đệ tam tỳ-kheo, kim A Di Đà Phật thị.
(鈔)空王佛時,有四比丘,煩惱覆心,空中教令觀佛,遂得念佛三昧,彼第三比丘,今阿彌陀佛是。
(Sao: Vào thời Không Vương Phật có bốn vị tỳ-kheo, phiền não
che lấp tâm, [nghe] trong hư không [có tiếng] truyền dạy hãy nên quán Phật, bèn đắc Niệm Phật tam-muội. Vị tỳ-kheo thứ ba khi ấy nay là A Di Đà Phật).
Sau khi chúng ta đọc đoạn kinh văn này, có thể đạt được đôi chút lợi ích chân thật. Vì sao? Phiền não che lấp tâm, đây là trạng huống của chúng ta trong hiện thời. Nay trong tâm chúng ta toàn là phiền não. Ngoài phiền não ra, chẳng có thứ gì khác, học đầy ắp một bụng Phật pháp vẫn là phiền não! Trong kinh thường có tỷ dụ, [dùng] các đồ đựng [để tỷ dụ]: Như cái chén trà này, trước kia đã từng đựng thuốc độc; nay đã đổ hết thuốc độc đi, nhưng vẫn chưa rửa sạch sẽ. Lại đổ đề-hồ vào, đề-hồ cũng biến thành thuốc độc! Huống chi chúng ta vẫn chưa trừ hết phiền não, phiền não đầy dẫy, lại bỏ thêm đề-hồ Phật pháp vào, toàn thể đề-hồ đều biến thành thuốc độc! Do phiền não che lấp tâm đó mà!
Vì lẽ này, chư Phật, Bồ Tát truyền pháp, nhất định phải tìm người như thế nào? Tìm pháp khí, thật sự là pháp khí. Pháp khí là gì? Cái chén này sạch sẽ, tuy trước kia từng đựng thuốc độc, nhưng đã rửa sạch sẽ, một tí cặn cũng chẳng sót lại. Như vậy thì mới được, đấy mới là pháp khí, đựng đề-hồ sẽ không bị biến chất! Còn có một chút phiền não chưa đoạn, sẽ bị biến chất. Chư vị hãy nghĩ xem, đoạn phiền não quan trọng như thế đó! Phiền não chẳng đoạn, không thể nào đạt được thành tựu. Chúng ta ngàn muôn phần phải ghi nhớ điều này, tuyệt đối chẳng thể đùa bỡn. Vì sao? Có mối quan hệ chặt chẽ với sự vãng sanh Tịnh Độ trong tương lai của chúng ta. Tâm thanh tịnh thì mới có thể sanh về Tịnh Độ, đới nghiệp chỉ là mang theo nghiệp cũ, chẳng mang theo nghiệp mới.
Nghiệp cũ và nghiệp mới tính từ ngày nào? Tôi nói cho quý vị biết, quý vị có thể rất yên lòng: Tính từ ngày quý vị vãng sanh. Khi vãng sanh mà nghiệp còn hiện tiền, sẽ chẳng thể vãng sanh. Vì sao biết là tính từ lúc vãng sanh? Kinh có nói: Khi lâm chung, [kẻ trót tạo tội] Ngũ Nghịch, Thập Ác gặp thiện tri thức, một niệm hay mười niệm đều có thể vãng sanh. Có thể thấy là nghiệp cũ và nghiệp mới được tính từ lúc vãng sanh. Nhưng quý vị phải hiểu, tuy tính từ lúc ấy, chúng ta phải chuẩn bị từ hiện thời. Hiện thời không chuẩn bị, đến khi vãng sanh, đối với một niệm lúc lâm chung, quý vị có thể bảo đảm khi đó sẽ có thể chế phục cựu nghiệp, khiến cho nó chẳng dấy lên hiện hành hay chăng? Quý vị chẳng nắm chắc! Chẳng nắm chắc, nói cách khác, sanh tử chẳng nắm chắc, sẽ chẳng đảm bảo vãng sanh! Vì thế từ ngay trong hiện thời phải nghiêm túc nỗ lực, phải thấy thấu suốt, phải buông xuống.
Đương nhiên chuyện này cũng cần phải có phương pháp. Kinh dạy chúng ta phương pháp rất hay. “Không trung giáo lệnh” (Tiếng truyền dạy trong hư không), “không trung” [là tiếng truyền dạy] của Không Vương Phật (Dharmagahanābhyudgata-rāja), dạy họ hãy dùng phương pháp Quán Phật. Quán Phật là niệm Phật, “toại đắc Niệm Phật tam-muội” (bèn đắc Niệm Phật tam-muội), thành tựu Niệm Phật tam-muội. Phương pháp này thật sự hay lắm! A Di Đà Phật dùng phương pháp gì để thành Phật? Ngài cũng do niệm Phật mà thành Phật. Chúng ta hãy nên biết chân tướng sự thật này. Từ nay trở đi, tâm chúng ta trong mỗi niệm đều niệm Phật, trong mỗi niệm đều tưởng Phật, hết thảy những thứ khác đều chẳng nghĩ tới, chẳng vương vấn. Mọi người chớ nghĩ: Nếu như vậy thì có phải là chúng ta quá lạnh nhạt đối với người nhà quyến thuộc hay không? Nếu quý vị chẳng lạnh nhạt mà rất nhiệt tình, hễ nhiệt tình sẽ phải luân hồi trong lục đạo! Luân hồi trong lục đạo thì kết quả, nói thật ra, bất quá cũng là ngắn ngủi, tạm bợ mấy chục mùa nóng lạnh, sau khi đã chết, ai nấy đều bươn bả theo tương lai riêng, muốn gặp lại khó lắm, rất ư là khó! Phải thật sự hiểu rõ điều này!
Nếu có thể thật sự buông xuống, niệm Phật vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, chính mình niệm Phật sanh về Tịnh Độ, đối với người nhà quyến thuộc đều có thể khuyên họ vãng sanh Tịnh Độ. Do thọ mạng trong Tây Phương Cực Lạc thế giới dài lâu, như vậy thì mới có thể thật sự ở cùng một chỗ. Vì thế, người niệm Phật thoạt nhìn dường như rất lạnh nhạt, tiêu cực, thật ra là hành vi tích cực nhất, chẳng có gì tích cực hơn! Người thế gian nhìn bề ngoài là tích cực, nói thật ra, thật sự là tiêu cực, thật sự xem nhẹ hiện thực! Vì thế, ngàn muôn phần đừng coi rẻ pháp môn Niệm Phật này! Những lo nghĩ, vướng mắc thảy đều phải buông xuống, biến đổi tất cả phiền não trong tâm thành A Di Đà Phật thì sẽ thành công.
(Sao) Thất, Như Huyễn Tam Ma Địa Vô Lượng Ấn Pháp Môn Kinh vân: Sư Tử Du Hý Kim Quang Như Lai thời, hữu quốc vương danh Thắng Oai, tôn trọng cúng dường bỉ Phật, tu Thiền Định hạnh, bỉ quốc vương giả, kim A Di Đà Phật thị.
(鈔)七、如幻三摩地無量印法門經云:獅子遊戲金光如來時,有國王名勝威,尊重供養彼佛,修禪定行,彼國王者,今阿彌陀佛是。
(Sao: Bảy là kinh Như Huyễn Tam Ma Địa Vô Lượng Ấn Pháp
Môn[3] nói: Vào thời Sư Tử Du Hý Kim Quang Như Lai, có quốc vương tên Thắng Oai tôn trọng cúng dường đức Phật ấy, tu Thiền Định hạnh. Vị quốc vương ấy nay là A Di Đà Phật).
Từ chỗ này chúng ta cũng biết, khi tu nhân, Phật Di Đà không chỉ tu pháp môn Niệm Phật, mà là trong đời quá khứ, pháp môn gì Ngài cũng đều đã tu. Trong thời kỳ này, Ngài tu Thiền Định, đúng là “vô lượng pháp môn thệ nguyện học”, Ngài thảy đều đã tham học. Chỉ có như thế thì ngày nay Ngài dạy chúng ta pháp môn Niệm Phật, chúng ta mới có thể tin tưởng! A Di Đà Phật không chỉ biết một pháp môn này, mà pháp môn nào Ngài cũng đều biết, pháp môn nào Ngài cũng đều đã từng học. So trong hết thảy các pháp môn, pháp môn này thù thắng, rốt ráo, thuận tiện bậc nhất, đáng gọi là “đơn giản, dễ dàng, thẳng chóng, ổn thỏa, thích đáng”. Trong hết thảy các pháp môn, không có pháp nào vượt hơn pháp môn này! Trong vô lượng kiếp, [pháp môn nào] Ngài cũng đều đã từng tu, điều này đáng để cho chúng ta nghiêm túc phản tỉnh.
(Sao) Bát, Nhất Hướng Xuất Sanh Bồ Tát Kinh vân: A Di Đà Phật, tích vi Thái Tử, văn thử vi diệu pháp môn, phụng trì tinh tấn, thất thiên tuế trung, hiếp bất chí tịch.
(鈔)八、一向出生菩薩經云:阿彌陀佛,昔為太子,聞此微妙法門,奉持精進,七千歲中,脅不至席。
(Sao: Tám là kinh Nhất Hướng Xuất Sanh Bồ Tát[4]: A Di Đà Phật xưa kia làm Thái Tử, nghe pháp môn vi diệu này, phụng trì tinh tấn, trong bảy ngàn năm, chẳng ngả lưng xuống chiếu).
“Pháp môn vi diệu” là nói về bộ kinh điển Nhất Hướng Xuất Sanh Bồ Tát. Ngài tu học [bộ kinh ấy] trong thời hạn bảy ngàn năm; do vậy có thể biết: Thọ mạng thuở ấy cũng là dùng kiếp số để luận. “Hiếp bất chí tịch” (Hông chẳng chạm chiếu) là không nằm xuống giường, ngồi suốt, chẳng nằm! Không nằm xuống chẳng phải là ngồi ngủ, ngồi ngủ thì chẳng thà nằm xuống ngủ, thoải mái hơn! Có rất nhiều người học đòi hạnh “không nằm xuống đơn” (giường của tăng sĩ), sai lầm mất rồi, họ học cách ngủ ngồi! Người ta không nằm xuống ngủ để tu Thiền Định. Trong Định, ý thức sáng suốt, còn ngủ nghê là hôn trầm. Hôn trầm chẳng phải là Định! Chúng ta thường thấy có kẻ ngồi đó ngủ khì, lại còn ngáy ầm ầm, chứng tỏ kẻ ấy tuyệt đối chẳng phải là đang nhập Định, mà đang học ngủ ngồi! Ngồi lâu, ngồi ngủ tại đó thì đương nhiên tinh thần chẳng thể phấn chấn được, đầu cũng ngoẹo đi, đầu và chân [gần như] chạm nhau, lưng cũng khòm xuống. Quý vị thấy tượng Phật tĩnh tọa, ngực vị nào cũng vươn thẳng, tinh thần luôn luôn sung mãn, chẳng có vị nào ngoẹo đầu, khòm lưng!
Lão hòa thượng Hư Vân là người thật sự có công phu hiếm có trong Thiền Tông cận đại, Ngài chưa hề khòm lưng, nghiêng hông, bất luận đứng hay ngồi, ngực luôn vươn thẳng. Chúng ta đọc Niên Phổ thấy chép: Có lúc Ngài tĩnh tọa mấy chục ngày, tuyệt đối chẳng phải là đang ngủ, mà là thật sự nhập Định. Sau khi xuất Định, Ngài thường kể cùng mọi người cảnh giới trong Định. Có một dịp Tết, Ngài nhập Định hơn nửa tháng, lên trời Đâu Suất nghe Di Lặc Bồ Tát giảng kinh, nghe hết một hội mới xuất Định. Trước khi nhập Định, Ngài nấu một nồi khoai; sau khi xuất Định tìm khoai để ăn thì kết quả là [khoai] trong nồi đều nổi mốc hết! Chính Ngài cảm thấy thời gian [nhập Định] khoảng chừng hai mươi phút, đâu biết là trong thế gian này đã hơn nửa tháng [trôi qua]!
(Sao) Bất niệm ái dục tài bảo, bất vấn tha sự, thường độc xử chỉ, ý bất khuynh động.
(鈔)不念愛欲財寶,不問他事,常獨處止,意不傾 動。
(Sao: Chẳng nghĩ tới ái dục, của cải, không hỏi đến chuyện khác, thường ở riêng một chỗ, ý chẳng khuynh động).
Thưa cùng chư vị, bốn câu này chính là đại định chân chánh. Câu “hiếp bất chí tịch” (hông chẳng chạm chiếu) trong đoạn trước là nhập Định hình thức, bốn câu sau này chính là đi, đứng, nằm, ngồi đều ở trong Định. Đó gọi là “Na Già thường tại Định, chẳng lúc nào không Định”, Định là tâm bất động! Kinh Kim Cang dạy: “Bất thủ ư tướng, như như bất động” (Chẳng chấp lấy tướng, như như bất động), “bất thủ tướng” là chẳng chấp tướng. “Bất niệm ái dục, tài bảo, bất vấn tha sự” (Chẳng nghĩ tới ái dục, của cải, chẳng hỏi đến chuyện khác) chính là không chấp tướng. “Thường độc xử chỉ, ý bất khuynh động” (Thường ở riêng một chỗ, ý chẳng khuynh động) là như như bất động. Đây là nói tâm bất động, chẳng phải là nói thân bất động. Vì sao? Đoạn kế tiếp nói:
(Sao) Phục giáo hóa bát thiên ức vạn na-do-tha nhân, đắc bất thoái chuyển.
(鈔)復教化八千億萬那由他人,得不退轉。
(Sao: Lại còn giáo hóa tám ngàn ức vạn na-do-tha người đắc bất thoái chuyển).
Ngài giáo hóa chúng sanh, giáo hóa chúng sanh là động. Tuy hằng ngày giáo hóa chúng sanh, tuy cùng đại chúng ở chung một chỗ, nhưng Ngài chẳng chấp tướng, chẳng động tâm, thời thời khắc khắc đều ở trong Định, chúng ta phải nên học điều này. Bồ Tát chẳng giống phàm phu ở chỗ này. Sáu căn của phàm phu tiếp xúc cảnh giới sáu trần bèn khởi tâm động niệm, chấp tướng, tham đắm sắc tướng, khởi lên những ý niệm tham, sân, si, mạn. Bồ Tát chẳng khởi tâm, không động niệm, khác nhau ở ngay chỗ này. Nếu chúng ta muốn siêu phàm nhập thánh, phải học ở chỗ này.
Hiện thời, trong Phật môn, thực hiện sự nghiệp từ thiện là chuyện rất phổ biến. Đấy là chuyện tốt, nhưng đó là pháp thế gian, chẳng phải là Phật pháp. Phật pháp là tu tâm thanh tịnh, liễu sanh tử, thoát tam giới. Nếu làm sự nghiệp từ thiện thế gian, tâm địa thanh tịnh, ngoài chẳng chấp tướng, trong chẳng động tâm thì được! Đó là hành Bồ Tát đạo. Nếu làm những chuyện ấy mà chúng ta khởi tâm động niệm, khởi tham, sân, si, mạn, chớ nên làm những chuyện ấy! Hễ làm thì sẽ như thế nào? Chính mình đọa lạc luân hồi, những gì đã tu đều là phước báo hữu lậu. Đối với phước báo hữu lậu ấy, tôi trọn chẳng thêm vào hai chữ “nhân thiên”. Vì sao? Chưa chắc đã hưởng trong nhân thiên! Chuyện này rất
đáng sợ, chúng ta hãy nên cảnh giác.
Không thoát khỏi tam giới, không thể vãng sanh, nói thật thà, đáng ngại lắm! Vấn đề này rất nghiêm trọng. Trong một đời này, hễ gặp gỡ Phật pháp thì quyết định phải vãng sanh, quyết định phải thấy Phật. Chúng ta chỉ có một mục tiêu này, chỉ có một phương hướng này, chỉ có một mong cầu này, những thứ khác thảy đều chẳng có. Do đó, chúng ta làm việc là hoằng pháp lợi sanh, vẫn chẳng phải là sự nghiệp từ thiện thông thường, cũng phải tùy duyên, chớ nên phan duyên. Hơi phan duyên đôi chút, tâm chúng ta chẳng thanh tịnh. Đánh mất tâm thanh tịnh thì tệ lắm! Dẫu hoằng pháp lợi sanh, vẫn là thiện pháp hữu lậu, cũng là phước báo hữu lậu trong thế gian. Nhất định phải nhận thức rõ ràng điểm này!
Nhận thức rõ ràng là “giác chứ không mê”, tuyệt đối chẳng mê nơi sự tướng. Nhất tâm nhất ý niệm câu A Di Đà Phật, trong mười hai thời chẳng gián đoạn, chẳng xen tạp, đó là “chánh chứ không tà”. Trong tâm Phật hiệu chẳng gián đoạn bèn chẳng có phiền não, đó là “tịnh chứ chẳng nhiễm”. Chúng ta tu gì? Chúng ta dùng câu A Di Đà Phật, dùng bộ kinh Vô Lượng Thọ và kinh Di Đà để tu giác, chánh, tịnh. Giác, chánh, tịnh viên mãn bèn thành Phật. Chẳng viên mãn bèn là Bồ Tát, thật sự phát Bồ Đề tâm tu Bồ Tát đạo.
(Sao) Bỉ Thái Tử giả, kim A Di Đà Phật thị. Dĩ thượng lược cử sổ đoan, nhược kỳ đa kiếp đa nhân, diệc ưng vô lượng.
(鈔)彼太子者,今阿彌陀佛是。以上略舉數端,若其多劫多因,亦應無量。
(Sao: Vị Thái Tử ấy nay là A Di Đà Phật. Trên đây đã nêu đại lược vài chi tiết. Nếu [A Di Đà Phật] đã là nhiều lượt tu nhân trong nhiều kiếp thì cũng phải là vô lượng).
Nếu nói rộng ra, sẽ nói chẳng tận! Đây là nói đại lược nhân địa của A Di Đà Phật nhằm chứng tỏ từ nhiều kiếp lâu xa trước, Ngài đã sớm thành Phật. Lần này, ở Tây Phương Cực Lạc thế giới là một kỳ ứng hiện. Tuy ứng hiện, cũng thật sự là chẳng thể nghĩ bàn, thọ mạng chẳng thể nghĩ bàn, thế giới chẳng thể nghĩ bàn, trang nghiêm chẳng thể nghĩ bàn, người vãng sanh chẳng thể nghĩ bàn, đại chúng thành tựu chẳng thể nghĩ bàn! Thế giới ấy thù thắng hơn hết thảy một thời kỳ thị hiện của hết
thảy chư Phật Như Lai quá nhiều!
(Diễn) Đa chủng nhân giả, nhất nhạo thuyết, nhị phát nguyện, tam tổng trì, tứ cúng dường, ngũ hoằng kinh, lục niệm Phật, thất tu Thiền, bát hành độ.
(演)多種因者,一樂說,二發願,三總持,四供養,五弘經,六念佛,七修禪,八行度。
(Diễn: “Nhiều thứ nhân”: Một là thích nói, hai là phát nguyện, ba là tổng trì, bốn là cúng dường, năm là hoằng kinh, sáu là niệm Phật, bảy là tu Thiền, tám là hành Lục Độ).
Đương nhiên tám loại này là nêu đại lược, chúng ta cũng phải nên học tập những điều này. Học tập, phải đừng chấp tướng, đừng kể công: “Ta làm bao nhiêu chuyện tốt, ta làm bao nhiêu công đức”, [nếu kể công] tâm địa sẽ chẳng thanh tịnh, [những công đức đã làm đều] biến thành phước báo hữu lậu. Quý vị tu tập tích lũy hết thảy thiện pháp, tâm thanh tịnh, chẳng nhiễm trước, đó là công đức vô lậu. Ghi công, ta làm bao nhiêu chuyện tốt, bao nhiêu việc thiện, niệm niệm chẳng quên, đấy là hữu lậu, bèn biến thành phước báo thế gian. Làm giống hệt như vậy, nhưng tâm khác hẳn, kết quả sẽ khác hẳn. Quả báo của tịnh nghiệp là ở trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Nghiệp chẳng tịnh, sẽ luân hồi ngay trong lục đạo của thế giới Sa Bà, quả báo chênh lệch quá lớn! Sai sót hào ly, lạc đi ngàn dặm!
Thứ nhất là Nhạo Thuyết. Chữ Nhạo (樂) đọc giọng Khứ Thanh, nên hiểu như động từ, nghĩa là yêu chuộng, ưa thích, thích nói. Thích nói gì vậy? Chẳng phải là bảo quý vị lắm mồm, ham nói, [nếu hiểu “nhạo thuyết” là lắm mồm, ham nói] thì sai mất rồi! Thích nói ở đây là dùng pháp môn A Di Đà Phật để khuyên bảo, hướng dẫn kẻ khác, cũng tức là khuyên người khác niệm Phật, thích nói cho người khác nghe, nói bộ kinh này, nói công đức của danh hiệu Di Đà, nói y báo và chánh báo trang nghiêm của Tây Phương Cực Lạc thế giới, ưa thích nói những chuyện này.
Thứ hai là Phát Nguyện. Nguyện này chẳng phải là nguyện nào khác, chỉ có một nguyện: Nguyện sanh Tịnh Độ. Thông thường, Đại Thừa Phật pháp hễ nói tới phát nguyện đều nêu lên Tứ Hoằng Thệ Nguyện. Tứ Hoằng Thệ Nguyện thảy đều bao gồm trong “nguyện sanh Tịnh Độ” của Tịnh Tông. Tứ Hoằng Thệ Nguyện là nguyện chung của mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai, bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật là biệt nguyện. Biệt nguyện chẳng ra ngoài bốn loại lớn ấy, nên Tứ Hoằng Thệ Nguyện thảy đều được bao gồm. Một niệm cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới của chúng ta là để độ chúng sanh. Bởi lẽ, chẳng sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, chúng ta chẳng có năng lực độ chúng sanh, nên điều thứ nhất [trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện] đã được bao gồm. Nhất tâm xưng niệm A Di Đà Phật, phiền não trong tâm đều biến thành A Di Đà Phật, phiền não liền đoạn. “Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”, dùng phương pháp gì để đoạn? Một câu A Di Đà Phật. Hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước trong tâm quý vị thảy đều dùng một câu A Di Đà Phật để thay thế, thay đổi chúng, phiền não chẳng còn nữa, phiền não vô tận thệ nguyện đoạn!
Đại Thế Chí Bồ Tát bảo chúng ta, Ngài và những người cùng chí hướng, “ngũ thập nhị đồng luân”, “đồng luân” (同倫) là cùng chí hướng. “Năm mươi hai” là kể từ địa vị Sơ Tín cho đến thành Phật, [tức là] Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác, Diệu Giác, năm mươi hai [cấp bậc] cùng chí hướng. Cùng chí hướng gì vậy? Thảy đều niệm A Di Đà Phật. Từ sơ phát tâm mãi cho đến thành Phật, chẳng dùng phương pháp thứ hai, mà dùng một câu A Di Đà Phật, nêu rõ: Dùng câu A Di Đà Phật để đoạn Kiến Tư phiền não, đoạn Trần Sa phiền não, đoạn Vô Minh phiền não, ngay cả đối với một phẩm sanh tướng vô minh cuối cùng vẫn dùng câu Phật hiệu này để đoạn, chẳng dùng phương pháp khác. Vì thế, những người thuộc nhóm của Đại Thế Chí Bồ Tát là loại người “một bộ kinh, một câu danh hiệu”. Trong Tịnh Tu Tiệp Yếu, lão cư sĩ Hạ Liên Cư đã nói Tịnh Tông Sơ Tổ là Đại Thế Chí Bồ Tát, nói chẳng sai tí nào, Ngài mới thật sự là Sơ Tổ của Tịnh Độ Tông. Một bộ kinh, một câu danh hiệu, từ sơ phát tâm mãi cho đến khi thành Phật, chẳng dùng phương pháp thứ hai, đúng là “chẳng nhờ vào phương tiện, mà tự được tâm khai”, chẳng cần dùng tới phương pháp thứ hai! Do đó, Đại Thế Chí Bồ Tát mới là thật thà niệm Phật đúng tiêu chuẩn. Lũ bình phàm chúng ta chẳng thật thà, vì sao? Vẫn muốn đọc kinh này, xem luận nọ, đấy là chẳng thật thà! Nhóm người Đại Thế Chí Bồ Tát, những người cùng chí hướng ấy mới thật sự là thật thà niệm Phật. Đó là đoạn hết phiền não.
Niệm một câu A Di Đà Phật đến mức tâm khai ý giải. Đại Thế Chí Viên Thông Chương có nói “tự đắc tâm khai”. Hễ tâm khai thì vô lượng pháp môn thành tựu. “Vô lượng pháp môn thệ nguyện học”, chẳng học mà thành tựu, đều thông suốt, vì sao? Đã kiến tánh, nên vô lượng pháp môn thảy đều thông đạt, Sơ Trụ Bồ Tát bèn thông đạt. Sơ Trụ Bồ Tát phá một phẩm vô minh, thấy một phần chân tánh, chính là Phần Chứng Tức Phật trong Lục Tức Phật của tông Thiên Thai. Vị ấy là Phật thật sự, minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật, trong Tịnh Độ Tông là Lý nhất tâm bất loạn. Chỉ cần niệm Phật niệm đến mức Lý nhất tâm bất loạn, đối với hết thảy các pháp môn, chẳng có một pháp môn nào không thông đạt. Một câu A Di Đà Phật, “pháp môn vô lượng thệ nguyện học” ở ngay trong một câu A Di Đà Phật. Vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới là “Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”. Vì vậy, chỉ phát tâm cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, Tứ Hoằng Thệ Nguyện bèn viên mãn, bèn trọn đủ. Phát nguyện [là như vậy đấy]!
Thứ ba là Tổng Trì. Tổng Trì có nghĩa là “tổng nhất thiết pháp, trì nhất thiết nghĩa” (bao gồm hết thảy các pháp, nắm giữ hết thảy các nghĩa). Nói theo cách hiện thời, sẽ là “nắm vững cương lãnh”. Chỉ cần nắm được cương lãnh, quý vị sẽ đạt được hết thảy. Chúng ta biết: Không riêng gì hết thảy các kinh do Thích Ca Mâu Ni Phật đã giảng, mà hết thảy kinh do mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai đã nói, cương lãnh là gì? Chính là kinh này! Hai bản kinh Đại Bổn và Tiểu Bổn, Đại Bổn là kinh Vô Lượng Thọ, Tiểu Bổn là kinh A Di Đà. Đại Bổn và Tiểu Bổn là tổng cương lãnh của hết thảy các pháp môn do mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai đã nói. Đến tuổi xế bóng, Liên Trì đại sư triệt để giác ngộ, đã nói: “Tam Tạng mười hai bộ, nhường cho kẻ khác ngộ”, chẳng cần nữa! Nếu chẳng triệt để giác ngộ, Ngài chẳng nắm được cương lãnh này. Nắm được cương lãnh này, chẳng cần đến những thứ khác, những thứ khác do kẻ khác ngộ, là chuyện của họ. Họ học bộ kinh nào, bộ luận nào đó, chúng ta trông thấy đều chắp tay, hết sức hoan hỷ, hết sức cung kính. Chúng ta tán thán, lễ kính họ, nhưng vẫn niệm kinh Di Đà của chính mình, niệm A Di Đà Phật của chính mình. Bởi lẽ, một câu A Di Đà Phật là cương lãnh của các cương lãnh, là pháp môn đại tổng trì.
Thứ tư là Cúng Dường. Chúng ta cúng dường Phật, cúng dường Pháp, cúng dường Tăng, cúng dường hết thảy chúng sanh, dùng gì để cúng dường? Tôi thưa cùng chư vị đồng tu, cúng dường vô thượng, cúng dường bậc nhất là một câu Nam-mô A Di Đà Phật. Chúng ta dùng một câu Phật hiệu này để cúng dường hết thảy chư Phật Như Lai, dùng một câu Phật hiệu này để cúng dường hết thảy Pháp Bảo, dùng một câu Phật hiệu này để cúng dường Tăng Bảo, dùng một câu Phật hiệu này để cúng dường chúng sanh trong chín pháp giới. Đây là cúng dường bậc nhất, cúng dường vô thượng. Chúng sanh trong chín pháp giới “một phen thoảng qua tai, vĩnh viễn trở thành hạt giống đạo”. Trong tương lai, gặp duyên, [hạt giống ấy] bèn chín muồi, họ sẽ có thể niệm Phật cầu sanh về thế giới Tây Phương. Đó là sự cúng dường tốt nhất, có mấy ai hiểu? Chúng ta vừa thấy “cúng dường” liền nghĩ tới tiền tài; đó là loại cúng dường vặt vãnh, sự cúng dường ấy có lợi ích quá ít ỏi, mỏng manh. Phẩm [Phổ Hiền] Hạnh Nguyện có nói: “Nhất thiết cúng dường trung, pháp cúng dường tối” (Trong hết thảy các thứ cúng dường, pháp cúng dường bậc nhất). Trong hết thảy các pháp cúng dường, một câu Nam-mô A Di Đà Phật là bậc nhất! Hiểu rõ đạo lý này, quý vị sẽ biết tu cúng dường, những gì quý vị tu tập sẽ là cúng dường bậc nhất, là vô thượng cúng dường.
Thứ năm là Hoằng Kinh: Tùy phần, tùy sức giải nói với người khác chính là hoằng kinh. In tặng kinh sách cũng là hoằng kinh. Làm băng ghi hình, đĩa CD/DVD cũng là hoằng kinh. Giới thiệu lợi ích thù thắng do bản thân chúng ta đạt được từ Phật pháp cùng chúng sanh hữu duyên. Được gọi là “hữu duyên” tức là sau khi họ tiếp xúc, sẽ có thể sanh tâm hoan hỷ, có thể tin tưởng, có thể phụng hành. Đó là chúng sanh hữu duyên, chúng ta phải tận tâm tận lực thực hiện [sự nghiệp hoằng kinh]. Trừ những phương pháp này ra, chúng ta đem Đại Tạng Kinh làm thành đĩa DVD/CD, dùng phương thức này để truyền bá thì sẽ tiện lợi hơn, ít tốn công hơn in kinh. Khi cần dùng, cần phải in ra bao nhiêu phần thì máy in sẽ in ra bấy nhiêu phần, thuận tiện lắm!
Sáu là Niệm Phật, bảy là tu Thiền, tám là hành Lục Độ: Ba hạng mục này nói về sự tu trì. Trong tất cả hết thảy các pháp môn tu trì, niệm Phật thù thắng nhất. Niệm vị Phật nào? Trong quá khứ, Văn Thù Bồ Tát dạy thiền sư Pháp Chiếu niệm A Di Đà Phật. A Di Đà Phật đặc biệt có duyên với thế giới Sa Bà, Văn Thù Bồ Tát dạy đấy nhé! Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật cũng dạy chúng ta điều này. Không chỉ là đức Bổn Sư dạy chúng ta, mà trong đoạn sáu phương Phật ở phần sau kinh này, sáu phương chính là mười phương, mười phương tất cả chư Phật chẳng có vị nào không tán thán kinh này. Tán thán là gì? Tán thán là tuyên giảng. Nói cách khác, hết thảy chư Phật chẳng có vị nào không giảng kinh A Di Đà, chẳng có vị nào không khuyên người ta niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Điều này nêu rõ: Niệm A Di Đà Phật là lời khuyên chân thật của hết thảy
chư Phật đối với chúng ta, có lợi ích tuyệt đối.
Tu Thiền chẳng phải là bảo quý vị hằng ngày xếp bằng tĩnh tọa.
Thiền Định như Lục Tổ đại sư đã giảng trong Đàn Kinh chẳng phải là kiểu Thiền Định tĩnh tọa nhìn vách. Lão nhân gia giảng Thiền Định là “ngoài chẳng chấp tướng là Thiền, trong chẳng động tâm là Định”. Ngoài chẳng chấp tướng là “bất thủ ư tướng” như kinh Kim Cang đã dạy. Trong chẳng động tâm là “như như bất động” như kinh Kim Cang đã nói. Lão nhân gia do kinh Kim Cang mà khai ngộ. Do lẽ đó, chẳng chấp tướng, không động tâm chính là tu Thiền Định.
“Hành độ”: Độ (度) là Lục Độ (六度). Lục Độ là cương lãnh trọng yếu trong cuộc sống của chúng ta, là nguyên tắc sống phải tuân thủ. Trong cuộc sống hằng ngày, một người học Phật căn cứ vào đâu? Căn cứ vào Lục Độ. Bố Thí là buông xuống. Trì Giới là vâng giữ quy củ, tuân theo khuôn pháp. Nhẫn Nhục là có tâm nhẫn nại, có tâm thường hằng, có tâm dài lâu. Tinh Tấn là cầu tiến bộ, đổi mới mỗi ngày! Thiền Định là tâm địa thanh tịnh, chẳng nhiễm mảy trần. Bát Nhã là chánh tri chánh kiến, giác chứ không mê. Sáu cương lãnh tu học của Bồ Tát thảy đều nằm trong cuộc sống, tu hành ngay ở chỗ xử sự, đãi người, tiếp vật, chẳng lìa khỏi thế gian này, chẳng rời khỏi xã hội.
(Diễn) “A Di Đà Phật tích vi Thái Tử” hạ nhất tiết, cụ túc Lục Độ.
(演)阿彌陀佛昔為太子下一節,具足六度。
(Diễn: Từ sau đoạn “A Di Đà Phật xưa kia làm Thái Tử” trở đi là trọn đủ Lục Độ).
Đoạn này trọn đủ ý nghĩa Lục Độ.
(Diễn) Thất thiên tuế trung, hiếp bất chí tịch, Tinh Tấn Độ.
(演)七千歲中脇不至席,精進度。
(Diễn: Trong bảy ngàn năm, hông chẳng chạm chiếu là Tinh Tấn Độ).
Vì sao nói Ngài tinh tấn? Người bình phàm đêm ngủ, công phu bị gián đoạn. Chẳng ngủ nghê, công phu của Ngài chẳng gián đoạn, đó là chân tinh tấn. Ngài nhập Định có thể khôi phục tinh thần và thể lực, cảnh giới trong Định rõ rệt, phân minh, quyết định chẳng có hôn trầm.
Hôn trầm là thoái chuyển, gián đoạn. Ngài chẳng bị hôn trầm, thật sự tinh tấn.
(Diễn) Bất niệm ái dục, Giới Độ.
(演)不念愛欲,戒度。
(Diễn: Chẳng nghĩ tới ái dục là Giới Độ).
Đây là Trì Giới Ba La Mật, là đoạn phiền não.
(Diễn) Bất niệm tài bảo, Thí Độ.
(演)不念財寶,施度。
(Diễn: Chẳng nghĩ tới của cải là Thí Độ).
Đây là Bố Thí. Ngài thật sự buông tiếng tăm, lợi dưỡng, ngũ dục, lục trần xuống, trong tâm chẳng có những thứ ấy, thảy đều buông xuống, thân tâm thanh tịnh. Chúng ta phải học những điều này. Nay chúng ta tuy tu Tịnh Độ, mong tu tâm thanh tịnh, nhưng nói chung, tâm chẳng thanh tịnh, do nguyên nhân nào? Không buông xuống, làm sao có thể thanh tịnh cho được? Những thứ ấy nhiễm ô tâm tánh nghiêm trọng; chẳng thể triệt để trừ bỏ những thứ ấy, khi nào thì tâm mới có thể thanh tịnh? Chẳng thể nào có chuyện đó! Tâm thanh tịnh là Niệm Phật tam-muội. Tam-muội là tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Chánh Thọ, [nghĩa là] một loại hưởng thụ đúng mực, bình thường. Tâm địa thanh tịnh là sự hưởng thụ đúng mực, chánh đáng; chẳng thanh tịnh thì là bất bình thường. Phàm phu bất bình thường, Phật, Bồ Tát mới là bình thường.
(Diễn) Bất vấn tha sự, thường độc xử chỉ, Thiền Độ.
(演)不問他事,常獨處止,禪度。
(Diễn: Chẳng hỏi đến chuyện khác, thường ở riêng một mình, chính là Thiền Độ).
Chuyện chẳng thuộc về bổn phận của chúng ta, chớ nên bận lòng. Cớ gì rỗi hơi lo chuyện bao đồng? Càng bận tâm lắm chuyện, phiền não càng nhiều, thị phi càng lắm, những thứ ấy đều chướng ngại cái tâm thanh tịnh. Vì thế, trong thiên hạ, người như thế nào là có phước? Người chẳng cần quan tâm chuyện gì hết là người có phước! Thân tâm thanh tịnh, trong tâm vô sự, thân cũng vô sự, đó là đại phước báo bậc nhất! Đích xác là chẳng dễ dàng đạt được. Người thật sự thông minh bèn đối với cơm áo có thể miễn cưỡng sống qua ngày, chẳng hề lo lắng gì. Người thông minh hãy nên bỏ sạch hết thảy mọi chuyện.
Người Hoa vào thời cổ, như Vương Long Thư có thể sống cho qua ngày, đỗ Tiến Sĩ, nhưng chẳng làm quan, suốt ngày từ sáng đến tối ở trong nhà niệm A Di Đà Phật. Ông ta có phước, đấy mới thật sự là người thông minh. Giống như Bành Tế Thanh, giác ngộ rất nhanh chóng, [giác ngộ khi còn] rất trẻ tuổi, hai mươi mấy tuổi đã giác ngộ. Ông Bành lúc mười mấy tuổi, chưa đến hai mươi tuổi, đã đỗ Tiến Sĩ. Cha ông làm Binh Bộ Thượng Thư thời hoàng đế Càn Long[5], tương đương với Bộ Trưởng Quốc Phòng hiện thời. Ông Bành xuất thân là vương tôn, công tử, mười mấy tuổi đã đỗ Tiến Sĩ, đích xác là hết sức có tài, rất khó có một người như thế. Ông chỉ làm quan một thời gian rất ngắn, sau đó chẳng làm quan nữa. Do hoàn cảnh gia đình khá giả, nên chuyện gì ông ta cũng chẳng làm, mọi chuyện thảy đều buông xuống, cũng là thật thà niệm Phật. Ông viết không ít tác phẩm, thảy đều là trước tác về Phật giáo. Trong các trước tác, trọng yếu nhất là Vô Lượng Thọ Kinh Khởi Tín Luận và Hoa Nghiêm Niệm Phật Tam Muội Luận, người thông minh lắm!
Bàng cư sĩ (Bàng Long Uẩn) càng thông minh hơn. Ông ta cũng rất giàu có, tài sản trong nhà thảy đều chẳng cần tới! Ông chất hết vàng, bạc, của cải, vật báu trong nhà lên một chiếc thuyền lớn, chèo chiếc thuyền ấy ra giữa dòng Trường Giang, đục lỗ cho thuyền chìm lỉm. Cách làm ấy khiến cho người khác chất vấn, người ta nhất định hỏi ông ta: “Ông Bàng ơi! Tài sản to tát như vậy, ông chẳng cần đến thì hãy đem làm một chút sự nghiệp từ thiện hoặc làm đôi chút chuyện tốt cho xã hội chớ?” Ông ta dẫn dụ kẻ khác hỏi câu ấy để giải đáp: “Chuyện tốt chẳng bằng vô sự”. Câu nói ấy trở thành danh ngôn. Vô sự, tâm thanh tịnh. Sau đó, cả nhà ông ta sinh sống bằng cách nào? Bện giày cỏ. Mỗi ngày bện mấy đôi giày cỏ, bán được mấy đồng để sống qua ngày, tự tại, sung sướng! Nói thật ra là do ông ta đã đắc đạo, sanh tử tự tại, nên chẳng quan tâm tới! Lúc ông sắp mất, bảo con gái ra ngoài xem [tiết trời]. Khi đó, chẳng có đồng hồ, nhìn ánh nắng mặt trời bên ngoài để biết là lúc nào. Con gái ông biết ông sắp mất, kết quả là ở bên ngoài, nói dối: “Còn chưa đến lúc”. Cha cô ta đành phải đợi một lát nữa, đâu biết cô con gái đã đứng vãng sanh ở ngoài, đã ra đi rồi. Người cha nói: “Ta tưởng ta đi rồi, nó sẽ lo liệu hậu sự cho ta. Kết quả là nó đi trước, ta còn phải lo hậu sự cho nó, bị trễ tràng bảy ngày”. Quý vị thấy đó, người nhà ấy ai nấy đều có bản lãnh. Vì sao người ta có bản lãnh ấy? Tâm thanh tịnh, chẳng tham nhiễm, nên người ta đắc đại tự tại, đến đi tự tại.
(Diễn) Ý bất khuynh động, Nhẫn Độ. Phục giáo hóa tha nhân, Trí Độ.
(演)意不傾動,忍度。復教化他人,智度。
(Diễn: Ý chẳng khuynh động là Nhẫn Độ. Lại còn giáo hóa người khác là Trí Độ).
Ý nghĩa Lục Độ viên mãn.
(Diễn) Như thượng sở dẫn chư nhân, hoặc vi quốc vương, vương tử, hoặc vi Luân Vương, hoặc vi tỳ-kheo, hoặc vi pháp sư, hoặc cúng dường Phật, hoặc thuyết pháp lợi nhân, hoặc phát Tứ Hoằng Thệ, hoặc hành Lục Độ, sở vị căn thâm quả mậu, nguyên viễn lưu trường, đạo bất lãng giai, tùy công thiệp vị nhĩ.
(演)如上所引諸因,或為國王王子,或為輪王、或為比丘,或為法師,或供養佛,或說法利人,或發四宏誓,或行六度,所謂根深果茂,源遠流長,道不浪階,隨功涉位耳。
(Diễn: “Các nhân đã dẫn như trên đây”: Hoặc làm quốc vương, vương tử, hoặc làm Luân Vương, hoặc làm tỳ-kheo, hoặc làm pháp sư, hoặc cúng dường Phật, hoặc thuyết pháp lợi người, hoặc phát Tứ Hoằng Thệ, hoặc hành Lục Độ. Đó gọi là “rễ sâu, quả xum xuê, do nguồn xa, dòng chảy sẽ dài”, đạo chẳng vượt cấp, tùy theo công hạnh mà đạt quả vị vậy).
Tán thán Phật Di Đà tu hành nơi nhân địa, thật sự là nhiều kiếp lâu xa lại càng lâu xa hơn, nên nay Ngài mới có thành tựu chẳng thể nghĩ bàn. Hôm nay tôi giảng tới chỗ này.
[1] Kinh Đại Thừa Phương Đẳng Tổng Trì do ngài Tam Tạng Tỳ Ni Đa Lưu Chi dịch vào đời Tùy, gồm một quyển.
[2] Bộ kinh này có tên gọi đầy đủ là Phật Thuyết Quán Phật Tam Muội Hải Kinh, do ngài Phật Đà Bạt Đà La dịch vào thời Đông Tấn. Kinh dạy về cách quán tướng hảo của đức Phật và công đức do sự quán tưởng. Ngoài quán tưởng các tướng hảo nơi Báo Thân, kinh còn dạy cách quán Pháp Thân và phép quán Thật Tướng, cũng như các mẫu chuyện trong đời đức Phật như chuyện bà lão thành Đông tuy ở ngay cạnh Kỳ Viên vẫn không chịu thấy Phật, hoặc các phương tiện độ sanh thiện xảo của đức Phật, như để độ một cô gái xinh đẹp, có tâm tham đắm vẻ đẹp của người nam rất nặng, đức Phật liền dùng thần thông biến hóa ra một hóa nhân đẹp đẽ tuyệt luân đến xin cưới cô ta, và khiến cho cô ta từ thỏa thích dục vọng đâm ra chán ngán, kinh sợ. Đã thế, chàng thanh niên ấy không được thỏa dục bèn tự sát, nhưng vẫn ôm chặt lấy cô ta không chịu rời, khiến cô phải đeo cái xác thối chương phình suốt mấy ngày, nên hiểu rõ thế gian hư huyễn, sắc tướng vô thường, thiện căn trong đời quá khứ do đó phát khởi bèn dốc sức tu tập, trừ sạch tham dục…
[3] Kinh này được ngài Thi Hộ dịch vào năm Thái Bình Hưng Quốc thứ năm (980) đời Tống. Trước đó, kinh này đã được dịch ba lần: Bản đầu tiên có tựa đề là Quang Thế Âm Đại Thế Chí Thọ Quyết Kinh (chữ Quang ở đây là ánh sáng) do ngài Trúc Pháp Hộ dịch trong khoảng niên hiệu Thái Thỉ nhà Tây Tấn. Bản thứ hai là Quán Thế Âm Thọ Ký Kinh do ngài Nhiếp Đạo Chân dịch trong khoảng niên hiệu Thái Khang – Vĩnh Gia nhà Tây Tấn. Hai bản dịch này hiện thời bị tàn khuyết, chỉ dùng để tham khảo. Bản thứ ba do ngài Đàm Vô Kiệt dịch năm Nguyên Gia thứ ba (426) đời Lưu Tống, có tựa đề là Quán Thế Âm Bồ Tát Đắc Đại Thế Bồ Tát Thọ Ký Kinh, thường gọi tắt là Quán Thế Âm Thọ Ký Kinh. Bản này khá đầy đủ và thông dụng hơn bản dịch của ngài Thi Hộ. Kinh nói về nhân địa của A Di Đà Phật, Quán Thế Âm Bồ Tát, và Đại Thế Chí Bồ Tát.
[4] Nhất Hướng Xuất Sanh Bồ Tát Kinh (Anantamukhasā-dhakadhāraṇī-sutra) do ngài Xà Na Quật Đa dịch vào đời Tùy, gồm một quyển. Trong kinh này, đức Phật đã dạy ngài Xá Lợi Phất Vô Biên Môn Đà La Ni. Kinh này còn có một bản dịch khác mang tựa đề A Nan Đà Mục Khư Ni Ha Ly Đà Kinh do ngài Cầu Na Bạt Đà La dịch vào thời Lưu Tống.
[5] Cha ông Bành Tế Thanh là Bành Khải Phong (1701-1784), tự Hàn Văn, hiệu Chi Đình, đỗ Trạng Nguyên năm Ung Chánh thứ năm (1727), giữ chức Hàn Lâm Viện Tu Soạn, rồi giữ chức Hành Tẩu tại Nam Thư Phòng, làm quan đến chức Binh Bộ Thượng Thư. Về sau do tính bộc trực, can vua không kiêng dè, nên nhiều lần bị trách phạt, từng bị giáng chức. Mãi đến năm Càn Long 33 (1768) mới được phục nguyên chức.